Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Nghiệp Báo Tái Sanh

04/04/201319:20(Xem: 4980)
Kinh Nghiệp Báo Tái Sanh

KINH TỤNG HẰNG NGÀY

TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
biên soạn

---o0o---

KINH NGHIỆP BÁO TÁI SANH

Thứ hai mươi

Chính tôi được nghe, lúc bấy giờ tôn giả Đồng Nữ Ca-diếp cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo đi từ nước Câu-tát-la lần đến thôn Tư-ba-ê, là một thôn dân cư đông đúc, giàu sang phúc lạc, cây cối sầm uất, do vua Ba-tư-nặc phong riêng cho Bà-la-môn Tệ-túc để lo phần cúng tế Phạm thiên. Bà-la-môn Tệ-túc là người có kiến chấp theo ngoại đạo, và dạy mọi người rằng: “Không có đời sau, không có tái sanh, không có quả báo thiện ác.” O

Khi đó người trong thôn Tư-ba-ê nhơn nghe tôn giả Đồng Nữ Ca-diếp cùng năm trăm vị Tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la dừng chân tại rừng Thi-xá-bà, thì họ bàn tán với nhau: “Vị Đồng Nữ Ca-diếp này rất có tiếng tăm, là người đã chứng quả A-la-hán, là bậc trưởng thượng, tôn túc, kỳ cựu, đa văn, quảng bác, thông minh, tuệ trí, có tài biện luận đối đáp theo từng trường hợp, đàm đạo tài ba, nếu chúng ta gặp được Ngài thì tốt biết dường nào.” Kể từ đó, người trong thôn ngày ngày đều đi đến chỗ Tôn giả Ca-diếp.

Bấy giờ, Bà-la-môn Tệ-túc đang ở trên lầu cao, trông thấy nhiều đoàn người đi ngang qua, nhưng không biết đi đâu, mới hỏi người cầm lộng hầu:

- Những đoàn người kia rủ nhau đi đâu vậy?

Người hầu liền đáp:

- Tôi nghe rằng có Đồng Nữ Ca-diếp hướng dẫn năm trăm vị Tỳ-kheo đi hóa đạo từ nước Câu-tát-la đến, hiện đang nghỉ chân tại rừng Thi-xá-bà. Ngài là vị tôn túc đã chứng quả A-la-hán. Mọi người lũ lượt đi đến chỗ Ngài để đàm đạo học hỏi. O

Nghe vậy, Bà-la-môn Tệ-túc liền xuống lầu, sai người hầu chuẩn bị xe cộ rồi cùng nhau đi đến rừng Thi-xá-bà. Sau khi đến, họ xuống xe đi bộ đến chỗ tôn giả Ca-diếp. Sau khi thăm hỏi xã giao xong, họ ngồi qua một bên. Những người cư sĩ và Bà-la-môn trong thôn lễ bái tôn giả Ca-diếp rồi ngồi, có người hỏi han rồi ngồi, có người tự xưng tên mình rồi ngồi, nhưng cũng có vài người ngồi xuống một cách thầm lặng . . .

Lúc đó, Bà-la-môn Tệ-túc thưa hỏi tôn giả Ca-diếp rằng: O

- Thưa tôn giả, chủ thuyết của tôi là “không có đời sau, không có sự tái sanh, không có qủa báo thiện ác. Còn chủ thuyết của Ngài thì thế nào ?

Tôn giả Ca-diếp không trả lời nhưng ôn tồn hỏi lại rằng:

- Này hiền giả: mặt trời, mặt trăng trong không gian vô tận thuộc về thế giới này hay thế giới khác? Thuộc về Trời hay là Người?

Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Mặt trời, mặt trăng là thuộc về thế giới khác, chứ không phải thuộc về thế giới này. Thuộc về Trời chứ không phải thuộc về Người.

Tôn giả Ca-diếp nói: Do đó có thể biết là có đời sau, có tái sanh, có quả báo thiện ác.

Bà-la-môn Tệ-túc nói: Tuy tôn giả nói có đời sau, có tái sanh, có quả báo thiện ác nhưng theo tôi thì tất cả đều không có.

Thưa tôn giả, nguyên tôi có một người bà con quen biết, mắc phải bệnh ngặt nghèo, tôi đến nói với người ấy rằng: “Các Sa-môn quan niệm như sau: “Những người sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, tà kiến sau khi qua đời đều đọa vào địa ngục.” Nhưng tôi không tin vì tôi chưa từng thấy người nào chết rồi trở lại nói cho biết nơi họ bị đọa vào. Nay anh là bà con với tôi chẳng may anh tạo đủ mười điều ác. Nếu quả như lời các vị Sa-môn đã nói, thì sau khi qua đời, anh phải bị đọa vào trong địa ngục lớn. Nay tôi nương vào các dữ kiện của anh sau khi chết, để xét có địa ngục hay không. Anh nên trở lại nói cho tôi biết thì tôi mới tin.”

Thưa tôn giả nhưng từ khi chết đến nay người ấy biệt tăm biệt tích, không hề trở lại báo tin. Người ấy là người thân của tôi, không lẽ dối tôi, hứa rồi không trở lại? Do đó tôi biết chắc không có đời sau. O

Tôn giả Ca-diếp đáp: Thưa hiền giả, những người có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ. Ví như một tên đạo tặc thường ôm lòng gian trá, vi phạm pháp luật do nhà vua ban hành, bị người ta rình bắt được rồi đem đến chỗ vua ngự, và tâu: “Người này là tên ăn trộm, xin đại vương hãy trị phạt.”

Vua liền sai những người có trách nhiệm trói người đó đem bêu xấu ngoài đường, sau đó dẫn ra ngoài thành giao cho tên đao phủ. Thế rồi, kẻ tả hữu được lệnh liền bắt trói kẻ trộm giao cho tên đao phủ. Tên trộm đó dùng lời mềm dẻo nói với người giữ tù rằng: “Xin ông thả cho tôi về thăm bà con, xóm làng để nói vài lời từ biệt, sau đo tôi sẽ trở lại.” Hiền giả nghĩ sao, người giữ tù kia có chịu thả cho về không ? O

Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Thưa tôn giả, không thể được.

Tôn giả Ca-diếp nói: Bà con, họ hàng đều là con người, cùng sống ở đời này mà còn không thả, huống gì người thân của hiền giả làm đầy đủ mười điều ác, sau khi thác, đọa vào địa ngục, quỷ ngục không có từ tâm, lại không phải là con người. Sống chết là không cùng đời. Nếu người kia dùng lời mềm dẻo cầu xin với quỷ ngục rằng: “Xin ngài tạm thả tôi trở lại thế gian gặp người bà con để nói lời từ biệt, sau đó sẽ trở lại,” chắc chắn quỷ ngục sẽ không đồng ý. Cứ so sánh theo đó thì biết, tại sao hiền giả còn giữ chặt sự mê lầm, sinh điều tà kiến như thế.

Hiền giả còn có lý do gì khác để khẳng định rằng không có đời sau ? O

Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Thưa hiền giả, tôi có một người bà con mắc phải bệnh nặng tôi đến nói với người ấy rằng: “Các Sa-môn cho rằng có đời sau: “Người nào không sát sanh, không trộm cướp, không ngoại tình, không nói dối, không nói lời hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói sai, không nói thêm bớt, không tham lam, không tật đố, không tà kiến, thì sau khi thác đều được sanh về cõi trời.” Tôi vốn không tin điều này. Vì tôi chưa từng thấy người nào chết rồi trở lại cho tôi biết chỗ họ được thác sanh. Nay anh là bà con của tôi lại tạo đủ mười điều thiện. Nếu quả thật lời các Sa-môn nói là đúng, thì sau khi thác sanh, anh sẽ được sanh cõi trời. Giờ đây tôi chỉ còn tin theo anh để quyết định. Nếu anh được thác sanh thì anh phải nhớ trở lại báo cho tôi biết, sau đó tôi sẽ tin.” Nhưng thưa tôn giả từ khi thác đến nay anh ấy không trở lại. Anh ta là bà con của tôi, không lẽ dối tôi, hứa rồi không trở lại nên biết chắc không có đời sau.

Tôn giả Ca-diếp nói: Thưa hiền giả ví như có người rớt xuống hầm xí, đầu mình chìm ngấm, được vua cho người hầu cận vớt lên, lấy tro thoa thân ba lần và lấy nước tắm sạch. Sau đó lấy nước thơm tắm gội thân thể thật sạch sẽ, rồi lấy y phục đẹp trang sức cho thân thể người ấy. Tiếp theo, người ta đem thức ăn trăm vị ngon, vị ngọt cho người ấy ăn, sau đó đưa người ấy đến ở một ngôi nhà cao, hưởng năm thứ dục lạc, người ấy có muốn rớt vào hầm xí nữa không? O

Bà-la-môn Tệ-túc đáp: thưa tôn giả, đấy là một chỗ hôi thối còn muốn trở xuống làm gì ?

Tôn giả Ca-diếp nói: Thưa hiền giả, chư thiên cũng thế. Họ cho cõi Diêm-phù này là nơi tanh hôi, bất tịnh, còn hơn cả hầm xí. Người bà con quen biết của hiền giả đã tạo đủ mười điều thiện, dĩ nhiên được sanh lên cõi trời, hưởng nhiều thú vui ngũ dục, liệu họ có chịu trở lại cõi hầm xí Diêm-phù này để báo cho hiền giả biết không ! O

Bà-la-môn Tệ-túc nói: Thưa tôn giả tôi có lý do khác, để chủ trương không có đời sau. Nguyên tôi có một người bà con mắc bệnh trầm trọng, tôi đến nói với người ấy rằng: “Các Sa-môn bảo có đời sau. Người nào tu mười điều lành, giữ năm giới thì sau khi thác được sanh lên cõi trời Đao-lợi.” Tôi cũng không tin điều này vì tôi chưa từng thấy ai chết rồi trở lại nói cho biết chỗ họ được hóa sanh. Nay anh là chỗ bà con, giữ đầy đủ năm giới và mười điều lành, nếu sau khi thác anh được sanh về cõi trời ấy thì anh hãy trở lại nói cho tôi biết sau đó tôi sẽ tin.”

Thưa tôn giả nhưng từ khi thác đến nay người ấy không trở lại. Anh ta là bà con với tôi, không lẽ nói dối, hứa rồi không trở lại nên tôi biết chắc không có đời sau.

Tôn giả Ca-diếp nói: Ở cõi này một trăm năm chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi trời Đao-lợi. Cõi Đao-lợi cũng lấy ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, họ sống lâu một ngàn năm như thế. Vậy hiền giả nghĩ sao, khi bà con hiền giả được sanh lên cõi trời Đao-lợi thì họ nghĩ rằng: “Ta mới sanh lên cõi này vậy ta hãy vui chơi trong vài ba ngày, sau đó trở lại báo tin cho bà con hay cũng không muộn.” Như vậy, liệu hiền giả có gặp được người bà con ấy không ? O

Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Thưa tôn giả, không. Khi ấy, tôi có thể đã chết lâu rồi, làm sao gặp được. Nhưng tôi không tin rằng cõi trời Đao-lợi sống lâu như thế.

Tôn giả Ca-diếp nói: Thưa hiền giả, ví như có người khi mới sanh ra đã bị mù không biết gì về năm màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen; sự vật thô, tế, dài, ngắn, đồng thời cũng không thấy mặt trời, mặt trăng, các vì sao, gò, khe, và hang động, v.v... Do đó, nếu được hỏi về màu sắc, kích thước của sự vật thì người mù sẽ đáp rằng: “Không có màu sắc, kích thước gì cả” cho nên mặt trăng, tinh tú, núi non, gò, khe, hang động, người mù cũng nói không có. Hiền giả nghĩ sao, người mù trả lời như thế có đúng không? Này hiền giả, cũng như thế. Sự sống lâu của cõi trời Đao-lợi là có thật, chẳng phải vì hiền giả không thấy mà nó trở nên không! O

Bà-la-môn Tệ-túc vẫn chưa tin. Ông nói: Thưa hiền giả, nguyên ở trong thôn tôi, khi bắt được kẻ trộm cướp, họ đem đến tôi và nói: “Người này là kẻ trộm, xin Ngài hãy trị nó!” Tôi bảo: “Hãy trói hắn lại và bỏ vào trong vạt đậy nắp, trét kín với một lớp đất dày, không để cho thần thức tiếp xúc với bên ngoài.” Sau đó, tôi sai người nổi lửa để đốt hắn. Lúc ấy, vì tôi muốn biết chỗ tẩu thoát của thần thức hắn, nên tôi bảo người hầu đi quanh cái vạt và quan sát thật kỹ nhưng không hề thấy thần thức chui ra. Sau đó, tôi lại mở nắp vạt ra, cũng không thấy thần thức qua lại. Do đó, tôi biết chắc không có đời sau.

Tôn giả Ca-diếp nói: Thưa hiền giả, khi hiền giả ngủ nghỉ ở trên lầu cao, nằm mộng thấy núi rừng sông ngòi, vườn nhà, ao tắm, quốc ấp, đường sá thì những người thân cận hiền giả lúc đó có thấy thần thức của hiền giả đi ra, đi vào không ? O

Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Thưa tôn giả dĩ nhiên họ không thể thấy những gì tôi nằm mơ.

Tôn giả Ca-diếp nói: Hiền giả còn sống mà thần thức ra vào còn không thể thấy, huống là người chết. Do đó, phải có đời sau và quả báo thiện ác.

- Thưa hiền giả, có những Tỳ-kheo từ đầu hôm đến cuối hôm không ngủ, chỉ lo siêng năng tu về đạo phẩm chánh niệm và dùng sức thiền định tu luyện thiên nhãn, nhờ sức thiên nhãn mà quán thấy chúng sanh thác chỗ này sanh chỗ kia, thác chỗ kia sanh về chỗ này, tuổi thọ dài ngắn, nhan sắc tốt xấu, tùy theo hành vi mà chịu quả báo, theo đó mà biết con đường thiện ác. Hiền giả không thể dùng con mắt thịt để thấy hết hiện tượng tái sanh của chúng sanh; thế mà lại bảo là không có đời sau. Đó là cái nhìn sai lầm, nguy hiểm cần phải xóa bỏ. O

Bà-la-môn Tệ-túc nói: Tuy Ngài đã dẫn dụ và chứng minh có đời sau, nhưng theo chỗ tôi thấy thì vẫn không có.

Nguyên là trong thôn tôi có lần bắt được một kẻ trộm. Tôi liền bảo người hầu cận trói hắn lại, rồi cắt thịt hắn ra từng mảnh để tìm thần thức hắn nhưng không thấy thần thức đâu cả. Tôi lại sai người hầu đập xương tìm thần thức trong tủy, nhưng vẫn không thấy đâu cả. Thưa hiền giả, vì duyên cớ đó, nên tôi biết chắc là không có đời sau.

Tôn giả Ca-diếp nói: Thưa Hiền giả, về một kiếp xa xưa trong quá khứ, có một đất nước điêu tàn hoang phế, lúc đó có đoàn buôn dắt năm trăm cỗ xe đi đến đất nước này, bỗng gặp một vị Phạm-chí tu đạo thờ lửa, thường ở trong một khu rừng, những người buôn đều xin ngủ trọ, rồi sáng mai từ giã lên đường. Phạm-chí thờ lửa lúc ấy thầm nghĩ: “Ta hãy đến chỗ những người buôn ngủ hồi hôm, xem thử họ còn bỏ sót gì không ?” Thế rồi ông ta liền đến chỗ họ nghỉ, nhưng đều không thấy gì cả, chỉ trừ có một đứa con nít mới sanh được một tuổi đang ngồi khóc một mình. Phạm-chí thầm nghĩ: “Ta đâu nỡ nhẫn tâm thấy đứa bé này chết trước mặt. Hay là ta mang đứa bé này về nhà nuôi.” Tức thì ông bồng đứa bé về nhà nuôi. Sau thời gian mười năm nuôi dưỡng, đứa bé mỗi ngày một lớn. Một hôm, Phạm-chí vì có chút việc muốn đi vào thành mới dặn đứa bé rằng: “Ta có chút việc, phải đi khỏi ít hôm, ngươi khéo giữ gìn đống lửa này, đừng để lửa tắt. Nếu lửa có tắt thì lấy hai thanh củi cọ vào nhau để lấy lửa đốt lên.” O

Dặn dò xong, Phạm-chí ra đi. Sau khi ông ta đi, đứa bé ham chơi không thường xuyên coi lửa, do đó lửa tắt. Đứa bé đi chơi về trông thấy lửa tắt, lo buồn và thầm than rằng: “Ta dại quá, khi cha ta đi có dặn dò phải giữ gìn lửa một cách cẩn thận, không cho tắt. Nhưng vì ta ham chơi đến nỗi để cho lửa tắt, bây giờ phải làm sao đây?” Khi đó, đứa bé vội vàng bới tro tìm lửa nhưng không thấy lửa, bèn dùng búa chẻ củi tìm lửa. Thế rồi lại chặt củi thành từng khúc, bỏ vào trong cối giã để tìm lửa nhưng vẫn không thấy. Sau đó Phạm-chí trở về và hỏi đứa bé: “Trước khi đi, ta có dặn con coi chừng lửa để lửa khỏi tắt, ngươi có coi không ?” Đứa bé đáp: “Vì con chạy đi chơi, không thường xuyên coi chừng lửa, do đó nay lửa tắt hết.” “Con làm cách nào để lấy lửa lại?” Lửa phát sanh ra từ củi nên con dùng búa chẻ củi ra để tìm lửa nhưng không thấy lửa đâu. Và sau đó con chặt củi thành khúc nhỏ, bỏ vào cối giã để tìm lửa, nhưng vẫn không có.” O

Lúc đó Phạm-chí dùng hai thanh củi cọ với nhau thì lửa phát ra, đồng thời ông ta chất củi lên đốt, và bảo đứa bé: “Muốn tìm lửa phải làm đúng cách này, không nên chẻ củi thành từng mảnh vụn như thế này thì làm sao có lửa.

Thưa hiền giả, hiền giả cũng như thế, không theo đúng phương pháp, lại đi lột da người để tìm thần thức, làm sao tìm được. Điều quan trọng hơn là “không phải do sự kiện hiền giả không thấy sự kiện tái sanh, mà việc tái sanh hay quả báo thiện ác trở nên không có.” O

Bà-la-môn Tệ-túc vẫn chưa tin. Ông lại thưa Tôn giả Ca-diếp rằng:

Có lần nọ tôi bắt được kẻ trộm. Tôi bảo người hầu đem người này đi cân. Sau đó giết chết người này một cách êm thắm, không làm mất một chút da thịt. Thế rồi tôi bảo người hầu đem cân người ấy trở lại. Nhưng lần này thấy nặng hơn lần trước. Thưa tôn giả, thân người ấy khi sống, thần thức đang còn, nhan sắc tươi đẹp, nói năng được mà đem cân thì nhẹ, trái lại, khi thác, thần thức không còn, nhan sắc cũng không, nói năng không được, đem cân thì nặng hơn, vì lý do đó, nên tôi biết là không có đời sau.

Tôn giả Ca-diếp bảo Bà-la-môn Tệ-túc rằng: Xin hỏi hiền giả, như người cân sắt, khi sắt nguội đem cân thì nặng, như khi sắt nóng đem cân thì nhẹ. Tại sao sắt nóng đỏ mà lại nhẹ, trong khi sắt không có màu đỏ sáng và cứng mà cân lại nặng ?

Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Sắt nóng có màu đỏ sáng, nên nhẹ, sắt nguội không có màu đỏ sáng và cứng nên nặng.

Tôn giả Ca-diếp nói: Con người cũng thế, khi sống thì có nhan sắc, mềm mại cho nên nhẹ, nhưng khi thác không có nhan sắc và cứng cho nên nặng. Do đó, có thể biết chắc có đời sau. O

Bà-la-môn Tệ-túc thưa: Nguyên tôi có người bà con mắc phải bệnh nặng. Khi đó tôi nhờ người hầu, đỡ người bệnh nằm nghiêng về phía tay phải, và họ vẫn còn liếc ngó, co duỗi như thường. Thế rồi tôi đỡ người ấy nằm nghiêng bên trái, rồi lật sấp, lật ngữa, người ấy vẫn còn co duỗi, liếc ngó nói năng như thường. Sau đó liền tắt thở, tôi lại bảo người đỡ tử thi nằm nghiêng tay phải, tay trái, lật sấp, lật ngữa, nhìn kỹ thì không thấy co duỗi, liếc ngó hay nói năng gì cả. Do đó, tôi biết chắc không có đời sau.

Tôn giả Ca-diếp nói: Những người có trí nhờ thí dụ mà hiểu. Thưa hiền giả, xưa có một quốc độ, không có ai từng nghe tiếng ốc tù và. Hôm nọ, có người sành nghề thổi tù và đến nước này, đi vào thôn cầm ốc thổi ba tiếng rồi bỏ xuống đất.

Lúc đó, trai gái trong thôn nghe tiếng giật mình, đều đến hỏi: “Thứ tiếng gì mà trong trẻo, bi ai và ngân xa như thế?” Người chủ chỉ vào vỏ ốc nói: “Tiếng của cái đó.” Người trong thôn nghe vậy lấy tay vỗ vào vỏ ốc, và nói: “ngươi hãy kêu lên, ngươi hãy kêu lên !” Nhưng vỏ ốc vẫn không kêu, tức thời người chủ cầm vỏ ốc lên thổi ba tiếng, rồi bỏ xuống đất. Người trong thôn trầm trồ: “Đấy là tiếng tuyệt diệu mà chúng ta nghe khi nãy, chứ không phải do sức vỏ ốc mà có, phải có các yếu tố như tay, miệng, tù và và hơi thổi thì nó mới kêu.” Con người cũng thế, cần phải có sức sống, có tri giác, có tinh thần và hơi thở ra vào mới có thể co duỗi, liếc ngó, nói năng được. Xin hiền giả hãy từ bỏ ác tà kiến đó đi. Đừng cố chấp ôm nó, chỉ thêm khổ não. O

Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Thưa tôn giả, tôi không thể bỏ được. Vì từ khi sanh ra đến giờ, tôi đã được huấn luyện và thường xuyên đọc tụng và luyện tập, thì đâu có thể bỏ được.

Lúc ấy, Tôn giả Ca-diếp kể rằng: Thuở xa xưa, có một nước, trong đó người dân ở biên cương sống cảnh rất nghèo nàn. Trong nước ấy có hai người. Một anh thì có trí một anh thì ngu. Họ bảo nhau: “Tôi là bạn thân của anh, chúng ta hãy cùng nhau ra ngoài thành gặt hái lúa hoang về làm của.” Rồi họ cùng đi. Khi đến một xóm hoang, thấy có cây gai mọc đầy trên mặt đất, họ cùng nhau lấy đem về.

Khi đi ngang qua một thôn khác, họ thấy có đống chỉ gai. Người trí nói: Chỉ gai đã làm thành, nhỏ, nhẹ đáng lấy hơn. Người ngu nói: Tôi đã lấy gai bó buộc chặt chẽ, bỏ thì uổng quá.

Đoạn, người trí bỏ cây gai, lấy một gánh chỉ gai đem về. Họ lại cùng nhau tiến bước, bỗng gặp một đống vải gai. Người trí nói: Vải gai đã làm thành nhỏ nhẹ, đáng lấy hơn. Người ngu nói: Tôi đã lấy cây gai bó buộc chặt chẽ, khi nãy còn chưa bỏ, bây giờ bỏ thì phí sức quá chừng.

Đoạn người trí bèn bỏ hết gánh chỉ gai để lấy vải gai. Họ cùng nhau tiến bước, bỗng gặp một đống cây kiếp-bối. Người trí nói: Thứ cây kiếp bối này rất quý giá, nhỏ, nhẹ, đáng lấy hơn. Người ngu nói: Tôi đã mang cây gai đã xa. Nay bỏ thì uổng quá.

Lúc ấy, người trí liền bỏ vải gai mà lấy cây kiếp bối. Họ cùng tiến bước, lại gặp chỉ kiếp bối, gặp bạch diệp, gặp đồng trắng, rồi gặp bạc, gặp vàng.

Người trí nói nếu không có vàng thì ta sẽ lấy bạc, nếu không có bạc thì ta hãy lấy đồng hoặc lấy chỉ gai, nếu không có chỉ gai thì ta hãy lấy cây gai. Nhưng nay tại thôn này có rất nhiều vàng mà vàng là hơn hết trong các vật này. Vậy ta nên bỏ cây gai … ta hãy bỏ bạc để cùng nhau lấy vàng mỗi người một gánh đem về.

Người ngu nói: Nếu anh muốn lấy thì lấy, tùy ý. Tôi đã tốn công quá nhiều. Tôi không thể bỏ cây gai để đổi lấy cái gì khác.

Thế rồi người trí một mình bỏ bạc lấy một gánh vàng mang về. Đến nhà bà con từ xa vừa trông thấy anh ta về, gánh nhiều vàng thì vui mừng nghinh đón; người được vàng thấy bà con nghinh đón lại càng vui mừng hơn. Trong khi đó, người ngu lấy cây gai về nhà, bà con trông thấy không vui mừng, không ai thèm nghinh tiếp, nên anh càng thêm buồn khổ.

Thưa hiền giả, hiền giả nên từ bỏ tà kiến ấy đi, chớ để thêm khổ não. Như người gánh gai cứ chấp chặt ý ngu, không chịu lấy vàng, gánh gai đem về thật mệt nhọc uổng công nhưng không có giá trị, bà con không vui, và suốt đời phải chịu cảnh nghèo cùng, càng thêm buồn khổ. O

Bà-la-môn Tệ-túc đáp rằng:

- Thưa tôn giả, tôi nhất định không bỏ quan điểm ấy. Vì tôi nhờ quan điểm ấy mà dạy dỗ nhiều người, đem lại nhiều lợi ích, vua chúa các nơi đều nghe tên tôi, đều biết rõ tôi là hàng học giả chủ trương đoạn diệt.

Tôn giả Ca-diếp ôn tồn nói tiếp: Những người có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ.

Về thuở xa xưa có một đất nước mà nhân dân ở biên cương rất nghèo khó. Lúc đó có một đoàn thương buôn, mang theo một ngàn cỗ xe đi ngang qua nước này. Giữa đường, họ hết sạch lương thực. Người chủ buôn suy nghĩ: “Chúng ta nên phân thành hai nhóm. Nhóm một đi trước dẫn đường.” Người dẫn đường nhìn thấy một người thân thể to lớn, mắt đỏ, mặt đen, xoa bùn cả mình từ đằng xa đi lại, bèn hỏi:

- Người từ đâu lại ?

- Tôi từ thôn phía trước đến.

- Chỗ đó có nhiều nước, gạo, củi, rau không?

- Chỗ tôi có nước gạo củi rau dư giả. Và lúc tôi đi giữa đường, bỗng gặp trời mưa to nên ở thôn kia lại càng có nhiều nước gạo củi rau.

Người ấy lại bảo thương chủ rằng: Nếu trên xe ngươi có chở gạo, rau thì bỏ xuống, vì tại thôn ấy có nhiều rồi, không cần phải chở cho nặng xe.

Thể theo lời người ấy, họ đều bỏ gạo, rau để cho xe nhẹ, đi mau tới nơi. Nhưng họ đi một ngày, hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày cũng không thấy gì cả. Lúc ấy đoàn người buôn đã lâm vào nơi đồng vắng và bị giặc cướp giết chết hết.

Về sau, toán thứ hai tiếp tục lên đường, người chủ buôn đi đầu, lại gặp người mắt đỏ mặt đen, thoa bùn khắp người. Người chủ đoàn hỏi và được người mắt đỏ ấy trả lời như trường hợp nhóm một. Lần này, người chủ đoàn thận trọng hơn. Ông bảo với những người trong đoàn: “Hãy giữ kỹ lương thực, chớ vội vất bỏ. Bao giờ được lương thực mới, hãy tính. Vì sao? Vì đồ mới, đồ cũ phải có tiếp tục, mới mong vượt qua được cánh đồng rộng lớn này.” Thế nên cả đoàn người buôn cứ chở xe nặng mà đi. Đi được một ngày như thế nhưng không thấy nước rau đâu cả, tiếp tục đi ngày thứ hai, thứ ba cho đến ngày thứ bảy cũng không thấy có nước đâu cả. Họ chỉ thấy xương cốt ngổn ngang của đoàn người đi trước bị giết chết. O

- Này hiền giả, người mắt đỏ mặt đen kia chính là quỷ La-sát. Những người nghe theo lời nó suốt đời chịu khổ, chẳng khác nào đoàn người buôn thứ nhất vì không có trí tuệ nên nghe lời người dẫn đường, do đó phải thiệt mạng. Này hiền giả ! Trái lại, những vị sa-môn tinh tấn có trí tuệ, dạy những điều lợi ích, nếu ai nghe theo suốt đời được an vui, như đoàn người buôn thứ hai, vì nhờ có trí tuệ nên khỏi bị tai nạn.

- Này hiền giả, hiền giả nên bỏ tà kiến ấy đi, chớ có bảo thủ mà suốt đời chỉ gây thêm đau khổ. Bà-la-môn Tệ-túc nhất quyết không từ bỏ quan điểm của mình. Tôn giả Ca-diếp tiếp tục dẫn dụ.

Trong kiếp xa xưa có một đất nước mà nhân dân ở biên cương đều điêu tàn. Lúc đó có một người thích nghề nuôi heo, đi đến một thôn vắng khác, thấy có nhiều phân khô liền nghĩ thầm: Nơi đây có nhiều phân mà đàn heo ta ở nhà đang đói, ta nên lấy cỏ gói phân này đội lên đầu đem về. Nghĩ vậy anh ta liền lấy cỏ gói phân rồi đội đi. Đi được nửa đường gặp trời mưa to, phân rỉ chảy khắp mình mẩy. Mọi người thấy vậy đều chê anh ta là điên cuồng: “Thứ phân nhơ ấy, giả sử trời mát mẻ cũng không ai đội, huống là đội đi trong cơn mưa.” Anh ta nổi giận mắng lại: “Các ngươi là đồ ngu, không biết heo ta ở nhà đang đói, nếu các ngươi biết thì không ai nói ta ngu đâu.”

Này hiền giả, hiền giả nên bỏ quan điểm ấy đi, bằng không suốt đời phải chịu khổ đau. Cũng như người ngu kia đội phân đi bị người khác chê, khi được can gián lại mắng người ta là ngu si. O

- Này hiền giả, thuở xưa, ở thôn Tư-ba-ê này có một người Phạm-chí kỳ cựu, tuổi đã một trăm hai mươi, có hai người vợ, một người có con trước, một người mới mang thai.

Chẳng bao lâu, Phạm-chí qua đời. Mẹ con người vợ lớn nói với người vợ nhỏ rằng: “Bao nhiêu của báu này đều giao hết cho chúng tôi cả, ngươi không có phần nào.” Người vợ nhỏ nói: “Chị hãy chờ một thời gian ngắn, tôi sẽ sanh, nếu là con trai thì sẽ có một phần gia tài, nếu là con gái thì chị đem gả chồng để lấy tiền của.” Nhưng người vợ lớn cứ nài nỉ đến ba lần, đòi chia gia tài cho được. Người vợ nhỏ vẫn trả lời như trước. Con của người vợ lớn cứ ép buộc mãi, người vợ nhỏ nổi giận lấy dao bén, tự mổ bụng mình để xem thai nhi trong bụng con trai hay con gái.

- Này hiền giả, người mẹ tự mổ bụng mình lại hại luôn đứa con trong bào thai. Nay hiền giả cũng thế, đã tự giết mình còn muốn giết kẻ khác. Chỉ có Sa-môn, Bà-la-môn nào siêng tu thiện, giới đức đầy đủ, nếu sống lâu ở đời mới đem lại nhiều lợi ích an lạc cho cả Trời Người. O

- Thưa hiền giả, nay tôi sẽ đem dẫn dụ cuối cùng để hiền giả thấy rõ tai hại của tà kiến. Thuở xưa tại thôn Tư-ba-ê này, có hai người giỏi về nghề luyện bi. Một hôm, hai người đấu nghề với nhau, một người thắng cuộc, một người thua cuộc. Thế rồi, người thua cuộc nói với người thắng cuộc rằng: “Thôi, hôm nay chúng ta nghỉ, ngày mai đấu lại.” Nói xong người thua cuộc trở về nhà lấy những hòn bi đem tẩm thuốc độc rồi đem phơi khô. Sáng hôm sau, anh ta đem những hòn bi đó đến chỗ người thắng cuộc yêu cầu đấu lại. Trước khi chơi, người thua cuộc lấy một hòn bi đã tẩm thuốc độc đưa cho người thắng cuộc, người thắng cuộc lấy nuốt, người thua cuộc lại trao nữa, người thắng cuộc tiếp tục nuốt. Lúc ấy người thắng cuộc bị chất độc làm rung động cả thân.’ O

Kể xong Tôn giả Ca-diếp khuyên bà-la-môn Tệ-túc rằng:

- Xin hiền giả nên mau bỏ tà kiến, chớ để mê muội mãi lại càng thêm khổ sở, như người chơi bi kia, nuốt độc mà không biết.

Lúc đó Bà-la-môn Tệ-túc thưa Tôn giả Ca-diếp rằng:

- Thưa tôn giả ngay thí dụ đầu tiên về mặt trăng, tôi đã hiểu rồi, sở dĩ tôi tráo trở không chấp nhận là vì tôi muốn thấy trí tuệ biện tài của Ngài để thêm vững chắc lòng tin. Nay tôi xin tín thọ quy y với Ngài.

Tôn giả Ca-diếp đáp: Hiền giả chớ quy y với tôi mà nên quy y với Đấng Vô Thượng Tôn, như tôi đã quy y. O

Bà-la-môn Tệ-túc thưa: Hiện nay Đấng Vô Thượng Tôn đang ngự ở đâu ?

Tôn giả Ca-diếp đáp: Đức Thế Tôn thầy tôi đã diệt độ chưa bao lâu. O

Bà-la-môn Tệ-túc nói: Nếu Đức Thế Tôn còn, chẳng quản xa gần, tôi cũng tìm đến gặp ngài và quy y lễ bái. Nhưng nay Đức Thế Tôn đã diệt độ, vậy tôi xin quy y Đức Như Lai đã diệt độ, quy y Pháp và quy y chúng Tăng. Xin tôn giả hãy chấp nhận tôi là kẻ Ưu-bà-tắc ở trong chánh pháp. Từ nay về sau tôi nguyện trọn đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Tôi nay sẽ đại bố thí cho tất cả.

Tôn giả Ca-diếp nói: nếu hiền giả sát hại chúng sanh, đánh đập tôi tớ để mở hội bố thí, điều đó chẳng phải là phúc thanh tịnh. Và nếu giết hại chúng sanh, đánh đập tôi tớ để mở hội bố thí và bố thí cho hạng người tà kiến, thì đó chẳng phải là tạo phúc thanh tịnh. Ví như trên đất cạn nhiều sạn sỏi, nhiều chông gai mà đem gieo giống vào, chắc chắn không gặt hái được gì. Trái lại, nếu mở hội đại bố thí mà không giết hại chúng sanh, không đánh đập tôi tớ, đem lòng hoan hỷ mở hội bố thí, bố thí cho hạng người thanh tịnh, thì hiền giả sẽ thu được nhiều phúc lớn. Cũng như ruộng tốt đúng mùa mà gieo giống, tất nhiên sẽ thu hoạch được nhiều tốt đẹp. O

Bấy giờ, Bà-la-môn Tệ-túc, thiếu niên Phạm Chí, chúng Bà-la-môn và các cư sĩ trong thôn Tư-ba-ê nghe Tôn giả Ca-diếp nói pháp xong đều hoan hỷ phụng hành. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO


--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Thầy Nhật Từ đã gởi tặng bản Kinh điện tử này
( Quang Duc Website 04/2002)
--- o0o ---
Trình bày : Nguyên Hân- Nguyên Phúc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/11/2012(Xem: 5026)
Phật giáo không có một số nghi lễ như những tôn giáo khác. Nghi lễ, với việc thực hiện phức tạp và rườm rà, không có vị trí trong Phật giáo. Chúng ta không tìm thấy bất cứ trường hợp nào ở trong kinh điển Pāli, ở đó Đức Phttp://quangduc.com/siteadmin/post?page=25&pageID=49826hật đặt ra những luật lệ và phương cách thực hiện các nghi lễ dành cho người tại gia. Cá nhân mỗi người thực hiện hay không thực hiện các nghi lễ là tùy ý. Có một điều duy nhất mà mỗi người cần phải cân nhắc, đó là việc thực hành nghi lễ của mình không được trái ngược với giáo pháp của Đức Phật.
30/10/2012(Xem: 11459)
Để thành tựu được lễ dâng y kathina, người thí chủ cần phải có sự hiểu về tấm y gọi là “Y Kathina” và nghi thức làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng.
18/10/2012(Xem: 5891)
Nghi lễ theo Phật giáo nói chung có rất nhiều, nhưng có thể tóm gọn nghi lễ đối với đời người thì có ba nghi lễ chính yếu, đó là lễ quy y Tam bảo và thọ trì năm giới cấm, lễ hằng thuận và lễ cầu siêu khi một người qua đời.
05/10/2012(Xem: 5932)
Phận làm người xuất gia, việc đi cúng dường như xuất hiện đồng thời với chí nguyện phụng Phật, độ sanh. Đi cúng là đi đến nhà cư sĩ, đơn giản thì để chứng minh, chú nguyện cho một sở cầu nào đó của họ. Phức tạp hơn là thực hiện một lễ nghi nào đó như cầu an, cầu siêu, an vị Phật hay cúng nhà mới v.v…
03/10/2012(Xem: 6735)
NGHI BÁO TIẾN Cúng dường chung thất Thượng tọa HUYỀN ẤN, Trụ trì chùa BÍCH LIÊN
30/08/2012(Xem: 6823)
Chơn quyền diệu mật, Thị hóa tích ư nhơn thiên, Thể tánh viên minh, Khế huyền cơ ư Phật Tổ. Cung duy: Sắc tứ Thập Tháp phương trượng, Phước Huệ tự tổ, Quốc sư Tôn giả, tác đại chứng minh! Dữ: Tổ ấn thiền tâm, Hoán Bích môn trung, Diệu kham di chúc Vị nhơn bồi Phật chủng, Thiên đồng từ hạ, Mật phú tâm tôn. Ức tích... Tôn ông: Trần duyên thác chất Mộng trạch thê thần,
12/06/2012(Xem: 7252)
Nhớ lại năm nào cũng độ nầy Bốn trăm năm trước tại nơi đây Một biến cố đã xảy ra : Đàm hoa rơi rụng trong sương tuyết, Đạo thọ điêu tàn dưới gió mây. Giữa lúc ấy thì … Tôn giả mang bình trông đất Bắc, Tổ sư quảy dép hướng trời Tây. Rồi từ đó,
06/04/2012(Xem: 16281)
Thờ Cúng Và Lễ Bái là một trong những Gia Bảo tinh thần đáng quý của Tổ Tiên để lại cho con cháu kế thừa. Gia Bảo này đã đ­ược hấp thụ tinh hoa lâu đời do các Tôn Giáo bồi đắp và xây dựng. Gia đình Việt Nam có Truyền Thống, đều coi trọng và thiết lập Hư­ơng án trong nhà để chuyên trách về việc Thờ Cúng Và Lễ Bái.
28/01/2012(Xem: 6431)
Đêm nay ngày lành Nguyên Đán Giờ nầy phút thiêng Giao thừa. Tuân lệ cổ tục ngày xưa Mở cửa nghinh Xuân tiếp phước. Truyền thừa di phong thuở trước...
19/01/2012(Xem: 8356)
Ngày Tết trên bàn thờ luôn bày trái cây để cúng ông bà gọi là mâm ngũ quả. Ở Trung bộ gọi là mâm quả tử, lưu ý đến hạt/tử hay nói rõ là quả có hạt, hơn là quả nói chung, ám chỉ tín lý phồn thực: cầu mong sự sinh sản, gieo một hạt được trăm hạt, nhất bản vạn lợi...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]