Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghi Lễ Đời Người Theo Phật Giáo

18/10/201219:50(Xem: 5890)
Nghi Lễ Đời Người Theo Phật Giáo
Phat-va-de-tu-tai-gia

NGHI LỄ ĐỜI NGƯỜI THEO PHẬT GIÁO

HT. Thích Trí Quảng


Nghi lễ theo Phật giáo nói chung có rất nhiều, nhưng có thể tóm gọn nghi lễ đối với đời người thì có ba nghi lễ chính yếu, đó là lễ quy y Tam bảo và thọ trì năm giới cấm, lễ hằng thuận và lễ cầu siêu khi một người qua đời.

Trước nhất, muốn trở thành đệ tử Phật, cần phải làm lễ quy y Tam bảo, vì vậy đây là nghi lễ quan trọng nhất đối với tất cả những người phát tâm đi theo con đường của Phật. Tam bảo là điểm nương tựa khởi đầu, là nền tảng căn bản rất quan trọng mà tất cả Phật tử tại gia cần ý thức và thể hiện tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, hàng Phật tử nương tựa Tam bảo không chỉ giới hạn ở bước khởi điểm. Pháp này cần được phát huy sâu rộng trong suốt quá trình tu tập cho đến ngày thành đạt quả vị Vô thượng đẳng giác, vì nếu lệch ra ngoài hướng đi của Tam bảo, chắc chắn sẽ lạc vào đường tà.

Quy y Phật là nhận Đức Phật làm Thầy, kính tin Phật hoàn toàn sáng suốt bậc nhất. Người buồn phiền, hay có nhiều điều nan giải đến với Phật đều được Ngài hóa giải.

Quy y Pháp là kính tin và chấp nhận những quy luật đúng đắn, không bao giờ sai lầm, do Đức Phật truyền dạy. Vì trên bước đường thuyết pháp giáo hóa độ sanh, lời nói và việc làm của Đức Phật luôn tương ưng với nhau. Ngài đáp ứng được yêu cầu của quần chúng, mới cảm hóa được mọi người cùng thăng hoa thánh thiện.

Quy y Tăng là chúng ta nương theo tập thể tu sĩ đoàn kết, hòa hợp, thanh tịnh, an vui, cùng tu hành, cùng lý tưởng tìm chân lý và đang từng bước thực hiện mục tiêu hướng đến quả vị Phật

Nhận thức đúng đắn ý nghĩa quy y Tam bảo để hàng Phật tử tại gia nuôi lớn đức tánh Tam bảo trong chính cuộc sống của mình. Quy y Phật, việc chính yếu là làm cho tánh sáng suốt của ta bừng sáng, không còn bị phiền não chi phối. Kính thờ Phật, quý trọng Phật, lễ lạy Phật, thì cần mài giũa cho tâm ta được sáng suốt. Trở về với bản tánh vốn sáng suốt của mình, trí tuệ tự nhiên bừng sáng, thấy biết mọi việc một cách đúng đắn. Sống được với thể tánh sáng suốt, chúng ta mong cho mọi người cũng được như vậy.

Ngoài ra, người Phật tử quy y Pháp nhằm cố gắng phát huy sự thấy biết đúng như thật gọi là chân lý hay Pháp bảo, bằng cách nương theo kinh điển, suy tư, tìm hiểu nghĩa lý sâu xa mà Đức Phật khai thị. Và sử dụng hiểu biết của Phật trang nghiêm cho cuộc sống, mọi việc diễn tiến thế nào thì chúng ta tùy theo đó hành động, không chấp chặt vướng mắc trong ngữ ngôn, văn tự. Đạt được tự tánh Pháp bảo lưu xuất từ chơn tâm thanh tịnh, quý vị ước nguyện cho mọi người cũng sử dụng được Pháp bảo của chính họ.

Quy y Tăng, nương theo sự hòa hợp, thanh tịnh, an vui của đoàn thể Tăng bên ngoài, để nuôi lớn tâm thanh tịnh của ta. Bản tánh thanh tịnh này vẫn hằng hữu, nhưng bị phiền não nhiễm ô che lấp, nên trí giác không phát sanh được. Nay thấy được chân lý, nhận rõ muôn vật dù thuận hay nghịch đều từ một thể sinh ra, đều thanh tịnh hòa hợp. Và khi sống đúng với chân lý, những sự chống trái, mâu thuẫn không còn, ta sẽ được an vui, giải thoát, nuôi lớn được tự tánh Tăng bảo. Từ sự thanh tịnh của chính mình làm hạt nhân cho mọi người, mọi vật xung quanh hòa hợp thanh tịnh theo, quý Phật tử nguyện cho mọi người cũng được như vậy.

Song song với nghi lễ quy y Tam bảo, Phật tử còn phát nguyện giữ gìn năm giới. Năm giới là năm điều ngăn cấm giúp người Phật tử tại gia sống an vui, hạnh phúc; phiền não, tội lỗi không tác hại được thân tâm.

Giới cấm thứ nhất mà Đức Phật dạy là không được sát sanh; phải tôn trọng sự sống của muôn loài. Nhờ giữ gìn giới cấm sát sanh, tôn trọng sự sống của mọi người, mầm mống chiến tranh được triệt tiêu. Sự bất an, sợ hãi và hận thù không còn trong tâm trí của mọi người, tạo nên thế giới hòa bình, an vui.

Đối với việc cấm sát hại thú vật, ngày nay các nhà khoa học trên thế giới cũng quan tâm kêu gọi mọi người hãy tôn trọng sự sống của muông thú. Vì sự hiện hữu hỗ tương cộng tồn của muông thú trong môi trường sống của loài người là điều quan trọng cần thiết, cho nên việc săn bắn giết hại nhiều thú vật ở một số vùng, đã gây tác hại không ít đến vấn đề mùa màng và môi sinh của con người. Ở thời đại chúng ta ngày nay, thiết nghĩ cần hiểu ý nghĩa sát sanh một cách rộng hơn. Nó có liên quan đến vấn đề môi sinh. Sát sanh là tiêu hủy sự sống. Từ định nghĩa này, có thể nói rằng những người hủy hoại môi trường sống đã phạm tội sát sanh. Thí dụ những người phá rừng, phóng thải chất hóa học, hay những chất cặn bã độc hại vào sông hồ, biển, hoặc trong không khí, v.v… Những việc làm như vậy gây ra sự ô nhiễm không khí, làm ô nhiễm môi trường sống của mọi người. Nó làm mất cân bằng sinh thái, đưa đến bệnh tật, tử vong, hay rút ngắn tuổi thọ của con người. Họ đã gián tiếp giết người và giết một số lượng lớn.

Giới cấm thứ hai mà Đức Phật dạy là không được trộm cắp; phải tôn trọng tài sản của công và của người khác. Người đệ tử Phật hiểu sâu sắc rằng tài sản, của cải hưởng được, đều là kết quả của phước báo đã tu tạo trong quá khứ, hoặc việc làm trong hiện tại một cách chính đáng.

Giới cấm thứ ba mà Đức Phật dạy người Phật tử tại gia là không được tà dâm; phải tôn trọng hạnh phúc gia đình của mọi người. Giữ được giới hạnh này, cuộc sống gia đình của chính họ sẽ được hòa thuận, an vui, hạnh phúc, tâm được sáng suốt.

Giới cấm thứ tư là không được nói dối. Đạo Phật là đạo trí tuệ. Người Phật tử cần trang bị sự hiểu biết sáng suốt, đúng đắn. Tất nhiên khi chưa thấy đúng, thì cũng đừng dùng lời nói bóp méo sự thật; phải biết tôn trọng sự thật.

Giới cấm thứ năm mà Đức Phật dạy là không được uống rượu. Thực ra, tự bản chất rượu không có tội; nhưng nó là nguyên nhân tạo ra bốn tội trên và nhiều tội khác. Nhất là rượu làm mất hạt giống trí tuệ, nên Đức Phật không cho uống rượu.

Trong năm giới cấm kể trên, có thể phát nguyện giữ từng giới một; không nhất định phải giữ đủ năm giới một lần. Quý Phật tử có thể chọn một giới để giữ trước; giữ gìn từ tâm cho đến hành động bên ngoài, cố gắng đánh cho gục một tên giặc trong chính bản thân mình. Phật tử giữ đúng giới luật mới thực sự là đệ tử Phật. Trái lại, quy y và phát nguyện giữ năm giới, mà sinh hoạt hàng ngày chẳng giữ gìn một giới pháp nào cả, chỉ là Phật tử giả danh, hình thức.

Sau khi quy y Tam bảo, người Phật tử thuần thành đến thời kỳ lập gia đình thường làm lễ hằng thuận tại chùa. Đôi vợ chồng và gia đình hai bên đối trước Tam bảo sẽ được chư Tăng làm lễ chúc phúc, tụng kinh cầu an. Ngoài ra, điều quan trọng là đôi vợ chồng được nghe lời giáo huấn của chư Tăng để xây dựng được gia đình hạnh phúc thì phải sống theo theo lời Phật dạy rằng vợ chồng cần yêu thương và hiểu biết lẫn nhau, đó là hai yếu tố rất quan trọng, vì yêu thương mà thiếu hiểu biết thì tình thương sẽ trở thành sợi dây trói buộc khiến cho vợ chồng khổ đau mà thôi, vì không biết thông cảm, không tôn trọng, không tha thứ và không bao dung. Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy rằng vợ chồng phải tin tưởng nơi người bạn đời của mình, phải giữ gìn phẩm hạnh, thủy chung, hỷ xả và tha thứ những lỗi lầm của nhau. Trong thời đại ngày nay, sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình ngày càng gia tăng, thì thiết nghĩ lời Phật dạy cho cuộc sống vợ chồng được hạnh phúc như trên vẫn còn nguyên giá trị lợi ích thiết thực và tốt đẹp nhất.

Sau cùng nghi lễ hộ niệm dành cho một người hấp hối sắp lìa đời, hoặc vừa từ trần cũng là điều quan trọng đối với người Phật tử. Cung thỉnh chư Tăng và đạo tràng đến hộ niệm cho người đã mất, để nhờ uy lực của chư Tăng và đức chúng cùng thành tâm đọc tụng kinh Phật, niệm Phật để nhắc nhở thần thức của người chết hướng tâm về Cực lạc, về Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà là nơi an lạc miên viễn thực sự, nhờ đó, thần thức được thanh tịnh hóa, có thể cởi bỏ mọi ưu phiền, khổ đau đã từng vướng mắc và có thể siêu sanh về Cực lạc, hoặc về cảnh giới tương ưng với sở nguyện, hay phước báo của họ.

Tóm lại, những nghi lễ về quy y Tam bảo, nguyện giữ gìn năm giới cấm, hoặc lễ hằng thuận và hộ niệm cho hương linh người quá cố là những việc làm quan trọng và cần thiết đối với người Phật tử tại gia. Khi những nghi lễ này được thực hiện bằng sự thành tâm, trang nghiêm, thanh tịnh thì dù tổ chức một cách đơn giản cũng đem lại sự thăng hoa về tri thức và đạo đức cho hành giả trong cuộc sống hiện tại và là hạt nhân tốt đẹp trong những kiếp sống kế tiếp.

HT. Thích Trí Quảng
(Nguyệt San Giác Ngộ)


Bài đọc thêm:

Tam Quy Ngũ Giới- TT. Thích Chơn Tính

Tam Quy Ngũ Giới- HT. Hư Vân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/11/2012(Xem: 5026)
Phật giáo không có một số nghi lễ như những tôn giáo khác. Nghi lễ, với việc thực hiện phức tạp và rườm rà, không có vị trí trong Phật giáo. Chúng ta không tìm thấy bất cứ trường hợp nào ở trong kinh điển Pāli, ở đó Đức Phttp://quangduc.com/siteadmin/post?page=25&pageID=49826hật đặt ra những luật lệ và phương cách thực hiện các nghi lễ dành cho người tại gia. Cá nhân mỗi người thực hiện hay không thực hiện các nghi lễ là tùy ý. Có một điều duy nhất mà mỗi người cần phải cân nhắc, đó là việc thực hành nghi lễ của mình không được trái ngược với giáo pháp của Đức Phật.
30/10/2012(Xem: 11455)
Để thành tựu được lễ dâng y kathina, người thí chủ cần phải có sự hiểu về tấm y gọi là “Y Kathina” và nghi thức làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng.
05/10/2012(Xem: 5932)
Phận làm người xuất gia, việc đi cúng dường như xuất hiện đồng thời với chí nguyện phụng Phật, độ sanh. Đi cúng là đi đến nhà cư sĩ, đơn giản thì để chứng minh, chú nguyện cho một sở cầu nào đó của họ. Phức tạp hơn là thực hiện một lễ nghi nào đó như cầu an, cầu siêu, an vị Phật hay cúng nhà mới v.v…
03/10/2012(Xem: 6731)
NGHI BÁO TIẾN Cúng dường chung thất Thượng tọa HUYỀN ẤN, Trụ trì chùa BÍCH LIÊN
30/08/2012(Xem: 6823)
Chơn quyền diệu mật, Thị hóa tích ư nhơn thiên, Thể tánh viên minh, Khế huyền cơ ư Phật Tổ. Cung duy: Sắc tứ Thập Tháp phương trượng, Phước Huệ tự tổ, Quốc sư Tôn giả, tác đại chứng minh! Dữ: Tổ ấn thiền tâm, Hoán Bích môn trung, Diệu kham di chúc Vị nhơn bồi Phật chủng, Thiên đồng từ hạ, Mật phú tâm tôn. Ức tích... Tôn ông: Trần duyên thác chất Mộng trạch thê thần,
12/06/2012(Xem: 7252)
Nhớ lại năm nào cũng độ nầy Bốn trăm năm trước tại nơi đây Một biến cố đã xảy ra : Đàm hoa rơi rụng trong sương tuyết, Đạo thọ điêu tàn dưới gió mây. Giữa lúc ấy thì … Tôn giả mang bình trông đất Bắc, Tổ sư quảy dép hướng trời Tây. Rồi từ đó,
06/04/2012(Xem: 16280)
Thờ Cúng Và Lễ Bái là một trong những Gia Bảo tinh thần đáng quý của Tổ Tiên để lại cho con cháu kế thừa. Gia Bảo này đã đ­ược hấp thụ tinh hoa lâu đời do các Tôn Giáo bồi đắp và xây dựng. Gia đình Việt Nam có Truyền Thống, đều coi trọng và thiết lập Hư­ơng án trong nhà để chuyên trách về việc Thờ Cúng Và Lễ Bái.
28/01/2012(Xem: 6431)
Đêm nay ngày lành Nguyên Đán Giờ nầy phút thiêng Giao thừa. Tuân lệ cổ tục ngày xưa Mở cửa nghinh Xuân tiếp phước. Truyền thừa di phong thuở trước...
19/01/2012(Xem: 8354)
Ngày Tết trên bàn thờ luôn bày trái cây để cúng ông bà gọi là mâm ngũ quả. Ở Trung bộ gọi là mâm quả tử, lưu ý đến hạt/tử hay nói rõ là quả có hạt, hơn là quả nói chung, ám chỉ tín lý phồn thực: cầu mong sự sinh sản, gieo một hạt được trăm hạt, nhất bản vạn lợi...
18/01/2012(Xem: 8704)
Đối với người Việt Nam, tiếng Tết đã trở nên thân thuộc. Chúng ta gặp nó từ trong những câu tục ngữ, ca dao, dân ca mộc mạc đến những bài diễn văn trang trọng...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]