- [01 - 10]
- [11 - 20]
- [21 - 30]
- [31 - 40]
- [41 - 50]
- [51 - 60]
- [61 - 70]
- [71 - 80]
- [81 - 90]
- [91 - 100]
- [101 - 110]
- [111 - 120]
- [121 - 130]
- [131 - 140]
- [141 - 150]
- [151 - 160]
- [161 - 170]
- [171 - 180]
- [181 - 190]
- [191 - 200]
- [201 - 210]
- [211 - 220]
- [221 - 230]
- [231 - 240]
- [241 - 250]
- [251 - 260]
- [261 - 270]
- [271 - 280]
- [281 - 290]
- [291 - 300]
- [301 - 310]
- [311 - 320]
- [321 - 333]
- Thư mục
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
Đỗ Đình Đồng góp nhặt
191. THẾ NÀO LÀ NGÃ MẠN?
Tể tướng Quách Tử Nghi đời nhà Đường là một chính khách lỗi lạc cũng là một vị tướng tài ba. Sự thành công của ông trên cả hai phương diện chính trị và quân sự khiến cho ông được cả nước ngưỡng mộ như một anh hùng thời đại. Nhưng danh vọng, quyền lực, giàu sang và thành công đã không xao lãng được lòng ưa thích và sùng mộ của vị tể tướng đối với Phật pháp. Tự coi mình như là một Phật tử bình dị, khiêm tốn và nhiệt thành, ông thường viếng vị Thiền sư ưu ái của mình để tham học.
Ông và vị Thiền sư dường như rất hợp nhau. Sự kiện ông giữ chức tể tướng và địa vị xã hội cao thời xưa ở Trung Quốc, dường như không có ảnh hưởng gì đến sự kết giao của họ. Hiển nhiên không có dấu vết lễ phép đáng kể nào về phía Thiền sư hay sự trịch thượng rởm nào về phần quan tể tướng hiện diện trong mối quan hệ của họ, dường như đây là một quan hệ thuần túy trong đạo giữa một bậc tôn sư và một đệ tử thuần thành.
Tuy nhiên, một hôm Quách Tử Nghi đến viếng Thiền sư như thường lệ và hỏi một câu như vầy: “Bạch hòa thượng, Phật giáo giải thích ngã mạn như thế nào?” Thiền sư mặt bỗng biến xanh, bằng một phong thái đầy cao ngạo và khinh khi, nói với quan tể tướng: “Này thằng ngu, ngươi nói cái gì?” Sự khinh thị thách thức này đã xúc phạm đau đớn phạm tình cảm của vị tể tướng đến độ mặt ông ta bắt đầu tỏ vẻ giận dữ. Lúc ấy Thiền sư mỉm cười, nói: “Thưa ngài, đấy chính là ngã mạn.”
(Thiền Đạo Tu Tập)
192. TÁM GIÓ THỔI CHẲNG ĐỘNG
Tô Đông Pha, thi hào lừng danh thời nhà Tống, là một Phật tử nhiệt thành. Ông có người bạn rất thân tên là Phật Ấn, là một Thiền sư sáng ngời trí tuệ.
Chùa của Phật Ấn ở bờ phía tây sông Dương tử, còn nhà của Tô Đông Pha thì ở bờ phía đông. Một hôm Tô Đông Pha đến thăm Phật Ấn, thấy sư đi vắng, bèn ngồi ở thư phòng đợi Phật Ấn về. Ngồi lâu chán nản, cuối cùng, ông nghuệch ngoạc lên một tờ giấy tìm được trên bàn. Những chữ sau chót viết như vầy: “Tô Đông Pha, người Phật tử vĩ đại, dù có tám gió thế gian hợp lại cũng không làm động được.” Sau khi chờ thêm một chặp nữa, Tô Đông Pha thấm mệt ra về.
Khi Phật Ấn trở về, thấy chữ của Tô Đông Pha trên bàn, sư thêm một dòng như sau: “Nhảm nhí! Những gì ông nói không bằng một cái rắm!” và gửi đến cho Tô Đông Pha.
Khi Tô Đông Pha đọc lời phê bình xấc xược này, ông phẫn nộ vô cùng, lập tức lấy thuyền sang sông, vội vã trở lại chùa. Chụp lấy tay Phật Ấn, Tô Đông Pha hét to: “Thầy có quyền gì nhục mạ tôi như vậy? Tôi không phải là một Phật tử nhiệt thành chỉ vì Phật pháp sao? Thầy biết tôi bao lâu rồi mà không thấy điều đó, thầy có mù không?” Phật Ấn im lặng nhìn Tô Đông Pha vài giây, rồi mỉm cười, chậm rãi nói: “Tô Đông Pha, nhà Phật tử vĩ đại tuyên bố rằng dù có tám gió thế gian hợp lại cũng không làm lay động chút nào, bây giờ chỉ có một phát rắm cũng làm cho ông ta bay từ bờ này sang bờ kia sông Dương tử!”
(Thiền Đạo Tu Tập)
Ngày xưa có một bà lão được người ta gọi là “bà lão hay khóc,” bởi vì lúc nào bà cũng khóc. Trời mưa bà cũng khóc, trời nắng bà cũng khóc.
Có người hỏi:
- Này bà lão, tại sao lúc nào bà cũng khóc?
Bà lão đáp:
- Bởi vì tôi có hai đứa con gái . . . Một đứa lấy anh bán giày, một đứa lấy anh bán dù. Những ngày trời nắng, tôi nghĩ việc bán dù của của đứa con gái lớn tôi mới ế ẩm làm sao, nên tôi khóc. Những ngày trời mưa, tôi nghĩ không ai đến mua giày của đứa con gái nhỏ tôi, nên tôi khóc.
Người kia bảo:
- Nhưng tại sao bà không nghĩ con gái lớn của bà bán dù đắt hàng biết mấy vào những ngày mưa dầm, và con gái nhỏ của bà bán giày chạy như tôm tươi vào những ngày nắng ráo?
Bà lão tỉnh ra, kêu: “À há!” Rồi từ đó về sau, bà lão hay khóc không còn khóc nữa. Thay vào đó, bà luôn luôn vui vẻ mỉm cười bất kể trời nắng hay mưa.
(Chơn Không Gầm Thét)
194. TÔI ĐÃ DIỆT HẾT TẬT XẤU RỒI
Một hôm, khi Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo đang ngồi thiền trong núi, một vị giám quân hồi hưu đến nói với sư về ý định đi tu của ông:
- Bạch thầy, khi nào tôi diệt hết các tật xấu của tôi, tôi sẽ trở lại làm đệ tử của thầy.
- Tốt.
Mấy hôm sau ông ta trở lại nói với sư:
- Bạch thầy, tôi đã diệt hết các tật xấu của tôi rồi.
- Sao ông thức dậy sớm thế? Vợ ông ở nhà đang ngủ với người đàn ông khác đó.
- Hừ, tên đầu trọc! Sao ngươi dám. . . ?!
- Tôi nghĩ rằng ông đi tu bây giờ hơi sớm đấy. Tốt hơn ông nên chạy về nhà tập tự kìm chế mình thêm nữa.
(Chơn Không Gầm Thét)
195. CON NHỆN VÀ THIỀN TĂNG
Ngày xưa có một ông tăng mỗi khi ngồi thiền thì thấy có một con nhện khổng lồ đến quấy rầy, khiến ông không thể thiền định được. Ông đến trình thầy:
- Bạch thầy, mỗi khi con ngồi thiền con nhện khổng lồ ấy cứ xuất hiện, dù con làm gì cũng không thể đuổi nó đi được.
Sư bảo:
- Hừ, lần sau khi anh đi ngồi thiền, hãy mang theo cây bút lông, nếu con nhện ấy xuất hiện nữa, hãy vẽ lên bụng nó một vòng tròn; rồi anh sẽ biết nó thuộc loại ma nào.
Vì vậy, ông tăng nghe lời thầy khuyên, ngay khi ông tăng vẽ xong vòng tròn trên bụng con nhện, con nhện liền biến mất và ông tăng có thể an tâm tiếp tục tọa thiền.
Khi ông tăng xả tư thế thiền định, điều đầu tiên ông thấy là một cái vòng tròn bự màu đen ngay trên cái bụng của ông.
(Chơn Không Gầm Thét)
196. GIÀU VÀ NGHÈO
Một hôm một anh nông dân khám phá ra một pho tượng vô giá trên sườn núi trong một khu rừng. Đó là pho tượng của một trong mười tám vị la hán.
- Chao ôi, một la hán bằng vàng!
- Có lẽ cả trăm lạng vàng ròng.
- Ha-ha, đủ để ăn cả đời không hết.
Gia đình và bè bạn của người nông dân, tất cả đều kích động vì vật tìm được. Nhưng người nông dân cảm thấy phiền muộn và chỉ ngồi quanh với cái nhìn tư lự trên khuôn mặt. . .
- Bây giờ anh giàu rồi, còn lo gì nữa?
- Lo cái gì?
- Tôi nghĩ không ra mười bảy tượng la hán kia ở đâu!
(Chơn Không Gầm Thét)
197. NÚI TU DI CHỨA TRONG HỘT CẢI
Thời nhà Đường ở Trung quốc có một cư sĩ tên là Lý Bột, rất thích đọc sách. Bởi vì ông đã đọc hơn mười ngàn quyển sách nên người ta gọi ông là Lý Vạn Quyển.
Một hôm, ông đến tham kiến Thiền sư Qui Tông Trí Thường, hỏi:
-Trong Kinh Duy Ma Cật có đoạn nói: “Một hột cải chứa trọn trong núi Tu Di, và núi Tu Di chứa trọn trong một hạt cải.” Phần đầu tin được, phần sau vô lý chăng? Làm sao một ngọn núi lớn như thế có thể chứa trọn trong một hạt cải nhỏ tí như vậy?
Qui Tông hỏi:
- Ông được gọi là Lý Vạn Quyển phải không? Làm sao mười ngàn quyển sách có thể chứa trọn trong cái sọ nhỏ xíu của ông?
(Chơn Không Gầm Thét)
Một hôm Thanh Bình Linh Tuân hỏi Thúy Vi Vô Học:
- Đại ý Phật pháp là gì?
Thúy Vi bảo:
- Đợi đến lúc không có ai, tôi sẽ nói cho ông biết.
Khi mọi người đi hết, Linh Tuân nhắc:
- Bây giờ là lúc không có ai hết.
Thúy Vi bảo:
- Hãy theo tôi.
Thúy Vi dẫn Linh Tuân đến một khóm trúc ngoài vườn chùa, chỉ Linh Tuân xem, và nói:
- Trúc cao thì cao, trúc thấp thì thấp.
Ngay đó, Linh Tuân ngộ được Đạo Thiền.
Một ông tăng khác hỏi Qui Tông Đạo Thuyên khi sư đang quan sát các khối đá trong núi Cửu Phong, chỗ sư ở:
- Ở đây có Phật pháp không?
Sư đáp:
- Có.
Ông tăng chưa hiểu bèn hỏi nữa, Đạo Thuyên đáp:
- Đá lớn thì lớn, đá nhỏ thì nhỏ.
(Chơn Không Gầm Thét)
Một hôm nhà nho Hoàng Sơn Cốc tham kiến Hối Đường Tổ Tâm, hỏi:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Hối Đường đáp:
- Khổng Tử nói rằng, “Ta không có gì giấu các anh.” Thiền cũng vậy, chẳng có gì giấu ông. Ông hiểu không?
Sơn Cốc nói:
- Dạ không.
Vì thế Hối Đường bảo:
- Hãy theo tôi ra phía sau núi này . . .
Khi đến bên một khóm hoa quế, mùi hương thơm ngát, Hối Đường hỏi:
- Ông có nghe mùi hoa quế thơm không?
Sơn Cốc đáp:
- Dạ có.
Hối Đường nói:
- Đấy, tôi cũng chẳng có gì giấu ông.
(Chơn Không Gầm Thét)
200. KHÔNG TA KHÔNG NGƯỜI
Một hôm Vân Nham đến tham kiến Thiền sư Bách Trượng, gặp lúc Bách Trượng đang lao động, bèn hỏi:
- Hằng ngày hòa thượng đổ mồ hôi lao nhọc như thế này là vì ai?
Bách Trượng đáp:
- Có người cần vậy.
Vân Nham lại hỏi:
- Sao không bảo y tự làm lấy?
Bách Trượng đáp:
- Y chẳng tự mình làm được.
(Chơn Không Gầm Thét)