Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[41 - 50]

13/02/201217:42(Xem: 9505)
[41 - 50]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

41. CUỘC ĐỐI THOẠI MẶC CẢ CHỖ Ở

Hễ là tham dự và thắng cuộc tranh luận về Phật giáo với những người đang ở trong một ngôi chùa Thiền thì bất cứ một vị tăng hành cước nào cũng có thể ở lại ngôi chùa đó. Nếu bị bại thì phải dọn đi chỗ khác.

Trong một ngôi chùa ở miền bắc nước Nhật có hai tăng nhân sư huynh sư đệ đang ở với nhau. Sư huynh thì có học còn sư đệ thì ngu và chột mắt.

Một ông tăng hành cước đến và yêu cầu một chỗ trú, đúng ra là thách hai sư huynh đệ kia tranh luận về giáo lý tối thượng. Người sư huynh mệt vì hôm đó học nhiều, bảo sư đệ thay mình. “Hãy đi yêu cầu một cuộc đối thoại im lặng,” người sư huynh ra vẻ thận trọng.

Vì vậy người sư đệ và ông tăng lạ mặt vào ngồi trước bàn thờ trong chánh điện.

Chẳng bao lâu sau đó, ông tăng hành cước đứng lên và đến nói với người sư huynh: “Sư đệ của ngài thật là một người kỳ diệu. Anh ta đã đánh bại tôi.”

Người sư huynh nói: “Xin kể tôi nghe cuộc đối thoại.”

Ông tăng hành cước giải thích: “Trước hết tôi giơ lên một ngón tay, tượng trưng cho đức Phật, đấng giác ngộ. Vì vậy sư đệ của ngài giơ lên hai ngón tay, tượng trưng cho đức Phật và giáo lý của người. Tôi liền giơ lên ba ngón tay, tượng trưng cho đức Phật, giáo lý và những người theo Phật, sống cuộc sống hòa hợp. Lúc ấy sư đệ của ngài giơ nắm tay siết chặt vào mặt tôi, ý chỉ rằng cả ba đều phát xuất từ giác ngộ. Như thế anh ta đã thắng và tôi không có quyền ở lại đây.” Nói xong, ông tăng hành cước bỏ đi.

“Cái gã ấy đâu rồi,” người sư đệ hỏi, chạy đâm sầm vào người sư huynh.

“Tôi hiểu sư đệ đã thắng cuộc tranh luận.”

“Thắng cái con khỉ. Em sẽ đánh hắn nhừ tử.”

“Hãy nói tôi nghe đề tài cuộc tranh luận,” người sư huynh bảo.

Tại sao, ngay lúc vừa thấy em, hắn liền giơ lên một ngón tay, lăng nhục em bằng cách ám chỉ rằng em chỉ có một mắt. Vì hắn là khách lạ, em nghĩ mình nên lịch sự, vì vậy em giơ hai ngón tay, chúc mừng hắn có hai con mắt. Rồi tên khốn nạn bất lịch sự ấy giơ lên ba ngón tay, ý muốn nói rằng giữa hai chúng ta chỉ có ba con mắt. Vì vậy em nổi điên lên và bắt đầu đấm hắn, nhưng hắn bỏ chạy và chuyện chấm dứt.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

42. GIỌNG NÓI CỦA HẠNH PHÚC

Sau khi Thiền sư Bàn Khuê qua đời, một người mù sống bên cạnh chùa sư nói với một người bạn: “Bởi vì mù, không thể nhìn thấy mặt người ta, nên tôi phải phán đoán tính tình con người qua giọng nói. Thông thường khi tôi nghe một người chúc mừng hạnh phúc hay thành công của ngườI khác, tôi cũng nghe cả cái giọng bí mật ganh tị. Khi nói lời chia buồn vì sự bất hạnh của người khác, tôi cũng nghe cả sự khoan khoái và thỏa mãn, tựa hồ người chia buồn thực sự vui mừng vì có một cái gì đó còn lại để chiếm lấy trong thế giới riêng tư của y. Tuy nhiên, trong tất cả kinh nghiệm của tôi, giọng nói của Thiền sư Bàn Khuê luôn luôn chân thành. Khi nào sư biểu lộ hạnh phúc, tôi nghe chỉ có hạnh phúc, khi nào sư tỏ ra phiền muộn, tôi nghe toàn là phiền muộn.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)


43. KHÔNG NƯỚC, KHÔNG TRĂNG

Ni cô Chiyono học Thiền dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Phật Quang (Bukko) ở chùa Viên Giác (Engaku) trong một thời gian khá lâu nhưng cô không đạt được kết quả của thiền định.

Cuối cùng vào một đêm trăng sáng, khi cô đang xách nước bằng một cái vò cũ có bọc nan tre. Bao nan gãy, đáy vò rơi xuống, và ngay giây phút đó Chiyono được giải thoát!

Để kỷ niệm, cô viết bài kệ sau đây:
Chiếc vò cũ, bọc nan tre đã yếu

Và sắp hư, ta cố cứu nhiều lần,

Nhưng chẳng được và đáy vò rơi xuống,

Nước không còn, trăng cũng mất tiêu luôn.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

44. DANH THIẾP

Khiết Xung (Keichu), Thiền sư vĩ đại thời Minh Trị, là trụ trì chùa Đông Phước (Tofoku), một tổ đình ở Kyoto. Một hôm quan Tổng đốc Kyoto lần đầu đến viếng sư.

Ông tăng thị giả trình sư tấm danh thiếp của quan Tổng đốc, viết:

Kitagaki, Tổng đốc Kyoto.

Tôi không có chuyện gì với một kẻ như thế, sư nói với ông tăng thị giả, “Hãy bảo ông ta ra khỏi nơi đây.”

Ông tăng thị giả mang tấm thiệp trả lại với lời xin lỗi. “Đó là lỗi của tôi,” quan Tổng đốc nói, và với cây bút chì trong tay ông xoá các chữ Tổng đốc Kyoto. “Hãy hỏi lại thầy chú.”

“Ồ, Kitagaki đấy hả?” sư kêu lên khi thấy tấm thiệp. “Tôi muốn gặp người ấy.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

45. MIẾNG NÀO CŨNG NGON NHẤT

Khi Bàn Sơn (Banzan) đi ngang qua một khu chợ, sư nghe xa xa cuộc nói chuyện giữa người bán thịt và một khách hàng.

“Anh lựa cho tôi miếng thịt ngon nhất nhé,” cô khách mua thịt nói.

“Miếng nào trong tiệm tôi cũng ngon nhất,” anh bán thịt trả lời. “Ở đây cô không thể tìm ra miếng nào không ngon nhất.”

Nghe những lời ấy, Bàn Sơn tỉnh ngộ.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

46. BÀN TAY CỦA MẶC TIÊN

Thiền sư Mặc Tiên (Mokusen) sống trong một ngôi chùa ở tỉnh Tamba. Một trong những đệ tử của sư phàn nàn về tính hà tiện của bà vợ.

Mặc Tiên đến viếng vợ của người đệ tử. Sư đưa nắm tay siết chặt ra trước mặt bà ta.

Người đàn bà ngạc nhiên hỏi: “Thầy muốn nói gì vậy?”

Sư nói: “Giả sử bàn tay tôi luôn luôn như thế này, chị gọi nó là cái gì?”

Người đàn bà đáp: “Dị dạng.”

Rồi sư xoè bàn tay ra để ngay trước mặt người đàn bà và hỏi: “Giả sử nó luôn luôn thế này, thì thế nào?”

Người đàn bà đáp: “Dị dạng.”

Mặc Tiên kết thúc: “Nếu chị hiểu được như vậy, chị là người vợ hiền.” Rồi sư bỏ đi.

Sau cuộc viếng thăm của sư, chị vợ giúp chồng chi tiêu cũng như dành dụm.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

47. NỤ CƯỜI TRONG ĐỜI

Người ta không bao giờ thấy Mokugen mỉm cười cho đến ngày cuối cùng của sư trên trái đất. Khi sắp qua đời, sư nói với các đệ tử trung thành: Các anh đã học với tôi hơn mười năm. Hãy trình kiến giải của các anh về Thiền cho tôi xem. Ai nói rõ nhất sẽ là người thừa kế và nhận y bát của tôi.

Mọi người đều nhìn mặt Mokugen nhưng không ai trả lời.

Encho, một đệ tử đã ở với thầy một thời gian lâu, bước đến bên cạnh giường. Anh ta đẩy chén thuốc tới mấy phân. Đây là câu trả lời đòi hỏi.

Vẻ mặt của ông thầy trở nên nghiêm trọng hơn. “Anh hiểu chỉ có chỉ có thế à?” sư hỏi.

Encho vươn tới kéo chén thuốc trở lại.

Một nụ cười đẹp rạng rỡ trên khuôn mặt Mokugen. Sư bảo Encho, “Tên vô loại, ngươi học với ta mười năm mà chưa thấy toàn thân ta. Hãy lấy y bát đi. Chúng thuộc về ngươi đó.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

48. MỌI PHÚT THIỀN

Những người học Thiền thường ở với thầy ít nhất mười năm trước khi họ bắt đầu dạy người khác. Tenno đã qua thời gian tu học và trở thành sư, một hôm đến viếng Thiền sư Nam Ẩn. Bất ngờ hôm ấy trời mưa, nên Tenno đi guốc và che dù. Sau khi chào hỏi xong, Nam Ẩn nói: “Giả sử ông để đôi guốc của ông ở tiền đình. Tôi muốn biết cây dù của ông ở bên phải hay bên trái đôi guốc.”

Tenno bối rối và không trả lời ngay được. Sư nhận ra rằng mình chưa thể hiện được Thiền trong mọi phút. Sư trở thành đồ đệ của Nam Ẩn và học thêm sáu năm nữa để hoàn thành Thiền trong mọi phút.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

49. MƯA HOA

Tu-bồ-đề là đệ tử của Phật. Ông có thể hiểu được tiềm năng của tánh không, quan điểm cho rằng không có gì hiện hữu ngoại trừ trong tương quan chủ thể và khách thể.

Một hôm Tu-bồ-đề đang ngồi dưới một gốc cây, trong tâm cảnh tánh không cao độ. Hoa bắt đầu rơi quanh ông.

“Chúng tôi đang ca ngợi ngài vì bài thuyết pháp của ngài về tánh không,” chư thiên thì thầm bên tai ông.

“Nhưng tôi đâu có nói tánh không, Tu-bồ-đề nói.

Chư thiên trả lời, “Ngài không nói tánh không, chúng tôi không nghe tánh không. Đây là tánh không chơn thật.” Và hoa rơi lên Tu-bồ-đề như mưa.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

50. XUẤT BẢN KINH

Thiết Nhãn (Tetsugen), một tín đồ nhiệt thành của Thiền, quyết định xuất bản các bộ kinh thời đó chỉ có ở Trung hoa. Sách phải in bằng bản gỗ với một lần in bảy ngàn bản là một việc làm to lớn phi thường.

Thiết Nhãn bắt đầu bằng cách đi quyên góp tài vật cúng dường cho mục đích này. Một vài người đồng tình đã tặng Thiết Nhãn cả trăm lạng vàng, nhưng phần nhiều lúc ấy ông chỉ nhận được mấy đồng xu nhỏ. Thiết Nhãn cảm ơn mỗi người cho bằng một lòng biết ơn như nhau. Sau mười năm, Thiết Nhãn đã đủ tiền để bắt đầu công việc của mình.

Bất ngờ vào lúc ấy nước sông Uji tràn ngập. Nạn đói theo sau. Thiết Nhãn đem hết tiền của đã quyên góp được để in kinh ra cứu những người sắp chết đói. Rồi ông bắt đầu quyên góp trở lại.

Mấy năm sau đó nạn dịch lan tràn khắp cả nước. Thiết Nhãn lại đem những gì góp nhặt được ra giúp đồng bào ông.

Ông lại bắt đầu việc làm của mình lần thứ ba. Và sau hai mươi năm, mong ước của ông mới được thành tựu. Những mộc bản đã cho ra đời các bộ kinh in lần đầu tiên, ngày nay, người ta còn thấy ở chùa Hoàng Bá ở Kyoto.

Người Nhật kể cho con cháu họ nghe rằng Thiết Nhãn đã làm ba bộ kinh, hai bộ đầu vô hình nhưng vượt hẳn bộ thứ ba.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/04/2013(Xem: 8473)
Ðây là một quyển sách căn bản dành cho người muốn tìm hạnh phúc và sự bình an trong cuộc đời qua con đường tâm linh. Con đường đạo của Ðức Phật rất đơn giản, thích hợp với mọi người. Bất cứ ai với lòng quyết tâm và thiện ý đều có thể đi trên con đường này để đạt được tự do, giải thoát cho thân tâm.
22/04/2013(Xem: 10676)
Ngày nay việc thực hành Thiền Quán đã được phổ biến rộng rãi khắp thế giới, tuy nhiên, để đạt được sự thành công như hiện nay, pháp hành này đã trải qua nhiều biến đổi tế nhị. Thay vì được giảng dạy như một phần chính yếu của con đường tu tập Phật giáo, bây giờ pháp hành này thường được trình bày như một môn học thế gian mà những kết quả đạt được thuộc về đời sống trong thế giới này hơn là sự giải thoát siêu thế gian.
22/04/2013(Xem: 8423)
Vào mùa Xuân năm 1992, chiếc máy Fax trong văn phòng của giáo sư Richard Davidson ở khoa Tâm lý học thuộc Viện Đại học Wisconsin bất ngờ in ra một bức thư của Tenzin Gyatso, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng. Giáo sư Davidson là một nhà thần kinh học được đào tạo từ Viện Đại học Harvard, ông đã nổi danh nhờ công trình nghiên cứu về các tình cảm tích cực, và tin đồn về những thành tựu khoa học của ông đã lan truyền đến miền Bắc Ấn Độ.
22/04/2013(Xem: 10332)
Tại các quốc gia Âu Mỹ, pháp thiền trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy thường được hiểu như là pháp thiền minh sát, cho đến nổi có nhiều người thực hành trong truyền thống này xem mình như là các thiền giả minh sát. Tuy nhiên, các bản kinh Pali -- tài liệu cổ xưa ghi lại các bài giảng của Đức Phật, không xem thiền minh sát như là một hệ thống tu thiền độc lập nhưng là một thành tố của một cặp kỷ năng hành thiền gọi là Samatha và Vipassanà, An Chỉ và Minh Quán -- hay Chỉ và Quán.
10/04/2013(Xem: 7722)
Như chúng ta đã biết, con đường giải thoát sinh tử khổ đau là con đường Giới, Định, Tuệ. Nói gọn là con đường Thiền định với "Ba mươi bảy phẩm trợ đạo" là tiêu biểu. Thế Tôn dạy: "Này các Tỷ kheo, khi nào các Thầy có giới khéo thanh tịnh và Chánh tri kiến, các Thầy hãy y cứ trên giới, tu tập Tứ Niệm Xứ theo ba cách: Nhiệt tâm, Chánh niệm tỉnh giác và nhiếp phục tham ưu ở đời"
09/04/2013(Xem: 14832)
Người Tây Phương đã có những công trình nghiên cứu đạo Phật một cách qui mô vào cuối thế kỷ 19. Những học giả người Anh, người Đức, tiêu biển nhất là những hội viên của Pali Text Society và Royal Asiatic Academy đã để lại những dịch phẩm, tác phẩm mà đến nay vẫn mang giá trị to lớn cho Phật học thế giới. Một số cá nhân đi xa hơn trở thành những tu sĩ Tây phương tại các quốc gia Phật giáo. Họ tìm thấy môi trường tu tập tuyệt vời khi sống giữa những người Phật tử Á Đông.
09/04/2013(Xem: 6422)
Thiền định , thiền quán và thiền định thiền quán song tu, hay nói gọi theo thời xưa là Chỉ, Quán và Chỉ Quán song tu, của Đại thừa được đặt trên thực tại tối hậu mà các kinh thường gọi là Thật tướng của tất cả các pháp.
04/04/2013(Xem: 7154)
"Như Lai Thiền trong kinh tạng Pàli, hay Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng", là một công trình nghiên cứu chỉ đề cập đến Như Lai Thiền mà không đề cập đến Tổ Sư Thiền.
02/04/2013(Xem: 2694)
Tất cả những ai đến thực tập Thiền Minh Sát Tuệ [hay Thiền Minh Sát] đều mong phát triển Trí Tuệ thật nhanh. Tất cả những ai chưa khai triển Trí Tuệ đều mong phát sanh Trí Tuệ thật nhanh. Tất cả những ai đã có vài Tuệ giác đều mong phát triển thêm Trí Tuệ thật nhanh. Mọi người mong phát triển Trí Tuệ thật nhanh.
21/03/2013(Xem: 15421)
NIẾT BÀN, phỏng dịch theo nguyên bản mang tựa đề: “NIRVANA IN A NUTSHELL” của SCOTT SHAW, do Barnes & Noble ấn hành năm 2003. Tác giả Scott Shaw là một nhà văn điêu luyện, một nhà giáo, một nhà võ và đồng thời là một Phật tử thuận thành.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]