Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nguyên Tử Trong Tánh Không Bát Nhã Duyên Khởi

15/06/201914:19(Xem: 8747)
Nguyên Tử Trong Tánh Không Bát Nhã Duyên Khởi

Nguyên Tử Trong Tánh Không Bát Nhã Duyên Khởi
Tác giả: Thích Liễu Nguyên 
ducphat
einstein_photo
Bát nhã Tâm kinh là một trong những bộ kinh tối thượng thừa của Phật Giáo. Nghiên cứu Bát Nhã Duyên Khởi chính là nghiên cứu về hệ tư tưởng “Tánh Không” của thực tại vạn pháp. Tánh không như là trung tâm điểm để tư tưởng Bát Nhã hình thành, xiển dương và xây dựng nên một vũ trụ nhân sinh quan Không Tánh. Quả thực tư tưởng Bát Nhã chứa đựng cả một thế giới thực vừa tĩnh lại vừa động trên hai luận điểm theo cách gọi của tôi là: “Không Động” và “Không Tĩnh Động”. Trong đó “Không Động” là cái Không của “Sắc tức thị Không” của vật chất, cái Không luôn luôn chuyển biến theo tinh thần vô thường, duyên sanh, có rồi không, không rồi trở về có, đúng như tinh thần “vô thường thị thường” mà Thế Tôn đã dạy. Bên cạnh đó chúng ta còn bắt gặp cái “Không Tĩnh Động” là cái “Không” rốt ráo nhất, cái Không của sự vắng lặng, trạm tịch, chơn như, diệu hữu hoàn toàn khác với cái Không hạn hẹp  của vật chất. Đó chính là cái không của tự thể vô ngã của thực tại vạn pháp.

Khác với các giáo lý và học thuyết của các tôn giáo và nhiều trường phái khác, Phật giáo rất xem trọng triết học về  “Tánh Không”. Nên chữ Không trong Phật giáo cực kỳ quan trọng. Xưa kia Thế Tôn dạy các tỳ kheo muốn thấy được đạo giải thoát, Tỷ kheo phải suy xét thật kỷ về “Tánh Không”. Phạm trù về Không là một phạm trù rất rộng. Tại vì Phật giáo quan niệm về thế giới, vũ trụ vạn pháp đều từ “Không” mà hình thành và luân chuyển. Ở trên chúng tôi chia Không ra thành hai luận điểm để dễ nhận biết, chứ có thể chia chẻ chúng một cách chi tiết hơn. Trong ý nghĩa “Không” động là cái không của thế giới hữu vi, cái không của sự trống không nó đối lập với chữ “Hữu”. Đây chính là cái Không  trong Không của sắc pháp. Tức không của vật chất và không của tinh thần. Thực sự ngày nay khoa học chỉ đạt đến cái không của vật chất chứ chưa đạt đến cái Không của tinh thần. Còn cái Không cao tuyệt đỉnh là Tánh Không của tự thể vạn pháp là cái Không vô ngã thì khoa học hoàn toàn chưa một lần sờ đến, mà thực sự nếu như sờ đến đến thì đồng nghĩa với giải thoát Niết bàn.

Trước hết chúng ta tìm hiểu sơ qua về cái không của vật chất. “Không” đồng nghĩa với “Vô”: Cunyata, Akāsa (src.) − Néant, Vide. Espace (fr.): Sự trống không, hay không có thật đối lại chữ Hữu (Có): Bhava (scr.) − Existence (fr.). Không cũng mang nghĩa hư không, chốn không gian vô tận, là chất lớn thứ năm của lục đại (địa, thủy, hỏa, phong, không, thức). Ở đâu cũng có, cùng khắp trong pháp giới. Đây cũng chính là cái không của cõi Không Vô Biên Xứ: Akāsānantyāyantana (scr.): là cõi trống không chẳng có bờ cõi. Đây là cảnh giới thứ nhất của cõi trời Vô sắc giới45*. Những  chúng sanh chán cái thân có hình sắc, tu tập, luôn quán nơi trống không chẳng có bờ cõi, làm cái kiến giải về chỗ không có bờ cõi thì sau khi chết sẽ được sanh đến cõi này. 

Không Vô Biên Xứ cũng được hiểu là Vô Sắc giới hay gọi tắt là Không Xứ. Đó là cái không của vật chất được phân bố khắp pháp giới. Từ cái lớn nhất như đại địa sơn hà, hay nhỏ nhất như thế giới nguyên tử hay hạ tầng nguyên tử đều chịu sự chi phối của khoảng không trống rỗng. Dựa trên khoảng không đó vật chất cứng nhắc được phân bố hợp lý theo quy luật tự nhiên một cách hoàn hảo. Nó càng hoàn hảo hơn khi trong không gian ấy là cả một thế giới động theo tinh thần duyên khởi còn theo khoa học vật lý thì trong  không gian ấy đang có một sự phân bố thời gian ngoài sức tưởng tượng. Điều  này cũng chính là một trong những luận điểm nổi tiếng của thuyết tương đối của Bác học  Eistein. Đó là thời gian tồn tại và phân bố đều trong từng không gian riêng biệt. Theo ngôn ngữ Phật giáo thì tuỳ theo không gian mà thời gian sẽ phân bố theo một cách hợp lý, hai cái ấy không thể tách rời độc lập như cách nhìn sai lệch của Bác học Newton đã quan niệm về Không Thời Gian tuyệt đối một cách cứng nhắc.

Cái Không đó là cái Không thấp nhất của cái “Không Động” theo cách gọi của tôi. Ngoài cái Không của vật chất mà chúng ta đã có khái niệm thì trong cái “Không Động” ấy còn bao hàm cái “Không” của tinh thần (tâm thức. Theo cách gọi của duy thức thì đây là cái Không của các thức. Cái không này gần như là vật chất nhưng không nhìn nhận được nên người ta đã gán cái tên cho nó là danh sắc. Vì phạm trù nghiên cứu có giới hạn nên những ai muốn nghiên cứu kỷ cái Không của Thức thì nên nghiên cứu về Duy thức luận.

Kế tiếp là cái Không tuyệt đối, Đó là cái “Không Tĩnh Động” theo cách gọi của tôi. Cái không ấy vượt hẳn lên thế giới nhị nguyên tức cái không của phi Không vật chất và phi Hữu vật chất. Theo văn tự bát nhã hay Kim Cang gọi là Không Tánh, Không Vô Tự Tánh, cũng  gọi là Bát Nhã Tánh hay Kim Cang Tánh. Là cái tính Trạm Tịch của Lăng Già, Là Pháp Tánh của Hoa Nghiêm là Viên Thật Tánh của Niết Bàn. Là Phật Tánh của Pháp Hoa….Tánh ấy là Pháp toà, là lâu đài, là thế giới bất tử của chư Phật. 

Trong kinh Đại Trí  Độ luận Thế Tôn đã từng dạy rằng: Một vị Đại Bồ  Tát (Tức vị sắp thành Phật) thì phải đắc 18 lẽ không. Thế Tôn dạy rằng: “Này Tu Bồ Đề! Bồ - tát Ma – ha tát ( tức Đại Bồ Tát), ấy là: 1. Nội không (Trong không), 2. Ngoại không (Ngoài không), 3. Nội ngoại không (Trong và ngoài đều không), 4. Không không, 5. Đại không, 6. Đệ Nhất nghĩa không, 7. Hữu vi không, 8. Vô vi không, 9. Tất cánh không (Rốt – ráo - không), 10. Vô thỉ không, 11.Tán không (tan rã là không), 12 Tánh không, 13. Tự tánh không, 14. Chư Pháp không, 15. Bất khả đắc không, 16. Vô pháp không, 17. Hữu pháp không, 18. Vô pháp Hữu pháp không (Vô pháp và có pháp đều không). 
Đó là 18 cái sở đắc về Không của một vị Đại Bồ Tát theo Đại Trí Độ luận. Còn theo kinh Đại Bát Niết Bàn thì có đến 25 lẽ Không. Sở dĩ Thế Tôn không dạy cho các đệ tử khác mà dạy cho Tôn giả Tu Bồ đề là vì trong thập Đại đệ tử của Thế Tôn, Tôn giả Tu Bồ Đề là đệ nhất về Không Tánh, tức Ngài đã sở đắc 18 lẽ Không của vị Đại Bồ Tát. Còn Ngài Xá Lợi Phất thì đệ nhất về trí tuệ, tức đạt thấu Trí Tuệ của một vị Đại Bồ Tát (có câu chuyện so tài trí tuệ giữa Ngài Xá lợi Phất với cư sĩ Bồ Tát Duy Ma Cật, hay cuộc diện kiến giữa Ngài Xá Lợi Phất và Đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi). Tương tự về thần Thông thì Ngài Mục Kiền Liên là đệ nhất, hay hạnh đầu đà thì tôn  giả Đại Ca Diếp, cho đến trì giới đệ nhất có tôn giả Ưu Ba Ly…

Ngoại trừ Thế Tôn, dưới thời Thế Tôn còn tại thế, Tôn giả Tu Bồ Đề như thấy rốt ráo về tánh không. Sau thời chánh pháp qua thời thượng pháp thì có các luận sư nổi tiếng về Tánh Không như Ngài Long Thọ người tiên phong cho triết học Tánh Không. Rồi đến thời chư tổ thì lại có tổ Bồ Đề Đạt Ma ở Trung Hoa với phương châm “Giáo ngoại biệt truyền” hay “Vô Ngôn”, “Trực chỉ chơn tâm kiến tánh thành Phật”. Đến đời lục tổ Huệ năng một lần nữa Tánh Không ấy lại rực sáng. 

Ngộ được Tánh Không từ kinh Kim Cang “Ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm”, Huệ Năng trở thành tổ đời thứ 6 của Trung hoa. Từ sở ngộ đó, ngài luôn lấy cái Tánh Không làm cái gốc vững chắc để xiển dương lại giáo lý của Thế Tôn mà không sai với bản thể sự thực của vạn pháp. Từ đó, ngài dạy các đệ tử rằng muốn xiển dương giáo pháp mà không sai với lời của Thế Tôn năm xưa, tức không sai với sự thực của vạn pháp thì nói pháp mà không được rời cái “Tánh Không” ấy. Với tâm nhất niệm đó, sau ngày ngộ đạo, Lục Tổ đã luôn trú trong cái Không Tánh ấy để xiển dương giáo pháp nên đã có không ít những học giả cho ngài là hoá thân của Thế Tôn, còn nếu không thì gần giống một đại Bồ Tát đang chuyển vận bánh xe chánh pháp cho một lần chuyển vận sau chót để nhập vào Pháp tánh Vô dư y Niết bàn của Như Lai.

Cho đến thời mạt pháp đương thời, tuy chưa thể nhập Chân như Không Tánh ấy như chư vị Đại Bồ Tát trước đây nhưng có không ít những học giả am hiểu sâu về Không Tánh trên phương diện ngôn ngữ, luận về bản thể không tánh của Ngài Long Thọ46* có các học giả như Suzuki, Mãn giác, Tuệ Sỹ, Murti hay Hồng Dương Nguyễn Văn Hai đã bàn về Không Tánh và Hoa Nghiêm Duyên khởi rất sâu sắc. 

Trước hết chúng ta tìm hiểu cái Không của Ngài Long Thọ, cũng từ cái Không này người đã trước tác nên một bộ luận Trung Quán cực kỳ nổi tiếng, kể từ đó trào lưu luận giải ra đời một cách ồ ạt góp phần truyền bá và xiển dương giáo lý đạo Phật lên một tầm cao trong một giai đoạn mới. Có lẽ Mã Minh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Ngài Long Thọ, nhà triết học chịu suy luận nhất trong triết lý Đại thừa, là người sử dụng một lối biện chứng rất tinh tế, để chỉ bày những giới hạn của mọi khái  niệm về thực tại. Với những luận cứ xuất sắc, Ngài Long Thọ  phản bác lại những quả quyết siêu hình thời đó và Ngài đã chứng tỏ rằng thực tại không thể nắm bắt bằng khái niệm và tư tưởng được. Do đó ông cho nó là cái tên là  Không47*, sự trống không. Nói một cách khác Mã Minh gọi là Chân như48*, hay là Như thị. Ai đã nhận rõ sự bất lực của cái tư duy khái niệm, người đó sẽ chứng được thực tại như một thể là như thế (như thị) thuần tuý. Không như một số người  hiểu sai về cái Không của Long Thọ là cái không của hư vô. 

Thực chất, cái Không của Long Thọ đang luận giải là cái Không của Kim Cang, Bát Nhã đồng nghĩa với  Chơn Như, Diệu Hữu mà Hoa nghiêm xem là Pháp giới Không Tánh là cốt tuỷ của vạn pháp: “Nền tảng của Long Thọ  là Không, là tự tính của thực tại, hoàn toàn khác xa với quan điểm hư vô mà người ta gán cho ông. Ông chỉ nói rằng, tất cả mọi khái niệm về thực  tại mà đầu óc suy luận của con người bày ra, thực chất là trống rỗng cả. Thực tại hay Không, không phải là một trình trạng không có gì cả, mà là nguồn gốc của tất cả mọi đời sống, là cốt tuỷ của tất cả dạng hình”69.

Ngày này tư tưởng Không Tánh của Long Thọ còn ảnh hưởng một cách sâu rộng trong giới học giả đam mê về Không Tánh ấy. Bàn về Không Tánh của Long Thọ học giả Mãn Giác nhận định: “Về nguyên lý của Pháp lý là Không, Long Thọ đã giải thích bằng thuyết Duyên Khởi (pratiyasamutpada). Sở dĩ các pháp là Không mà trở thành Có là do vì chúng Duyên mà phát khởi; bởi đây, Tướng ấy mới là Giả, cũng như cái Ta đây là phi - bản - ngã, là cái ta mượn, là có ta mà không có ta (vô ngã) vậy. Bởi phải có Duyên nên mới khởi, nên giáo thuyết Đại thừa mới là tuyệt đối chỉ có tương đối của Trung Đạo mà thôi.

Nhân duyên sở sanh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc danh vi giả danh
Diệc danh Trung đạo nghĩa
Đấy là tóm tắt cả lập trường căn bản của Trung Quán Luận; và đấy cũng chính là trọng tâm của học thuyết Trung Quán (Madhyamika) của Long Thọ lập nên”70.
Để giải quyết vấn đề Có và Không của thực tại vạn pháp theo Trung Quán, học giả Tuệ Sỹ nhận định: “Vấn đề rút ra lại trong câu hỏi: cái gì Có cái gì Không? Để có thể có một câu trả lời thích ứng, người ta phải xét đến hai trường hợp: khả tính của đối tượng tức nhận thức về một chất thể. Thí dụ, vì thế giới của tương quan: “một chút màu xanh của biển càng xanh  khi màu đỏ càng đỏ”, nói như nhà thơ Pháp, Paul Caludel; do đó nhất thể của đối tượng lại được coi như một tổng hợp của những phức thể. Thí dụ khác, vật chất hữu hình mà ta thấy đó là sự kết hợp của vô số cực vi; nhưng lý luận đến kỳ cùng thì sự kết hợp này là điều bất khả: “chỉ có tổ hợp hữu hình nhưng không có yếu tố của tổ hợp; giống như một vòng lửa, không có hiện hữu đích thực của nhiều đốm lửa để hợp thành một vòng lửa. Vòng lửa là ảo ảnh về sự liên tục vận chuyển của một đốm lửa. Tất cả mọi tổ hợp đều là rổng không. Như vậy, do ảo tưởng nào mà người ta hứa hẹn khả tính của nhất thể trong tên gọi, đó là trường duy danh luận: trong lập trường này, đã hàm ý một hư vô luận”71. Sự thực vạn pháp không tách rời lý duyên khởi mà vận hành  trong mối tương quan vô tận nên gần như các học giả đã lấy cái lý ấy để làm căn cứ cho các luận điểm của mình.

Bàn về Không là một lĩnh vực rất sâu rộng, những cái Không cao siêu mà chư Phật, chư Bồ Tát thể nhập là cái Không bất khả thuyết, kế đến là cái không giả danh do duyên mà sanh rồi do duyên mà diệt theo sự vận hành của quy luật vô thường đã được các luận giả mổ xẻ rất kỹ lưỡng. Bây giờ chúng ta tìm hiểu một cái Không đặc biệt, cái Không cội nguồn của vật chất qua tư tưởng Bát Nhã và thuyết Lượng tử của nguyên tử mà nói đúng hơn là Lượng Tử trong  hạ tầng nguyên tử.

Cái nhìn vật chất là Không là cái nhìn rốt ráo đúng với sự thực của vật chất trên mọi phương diện từ bản thể Tự Tánh vật chất là Vô ngã, cho đến hiện hữu của vật chất là một sự không hiện hữu. Sự thực đó được mô tả trong kinh Bát nhã rằng: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Ngoài việc hiểu sự vô thường chuyển biến, bất định pháp, bãi biển hoá thành nương dâu (Thanh hải biến vi tang điền) thì luận điểm đó nói lên một sự thực khó có thể thấy và kiểm nghiệp bằng mắt thường, mãi cho đến ngày nay khi Khoa học nghiên cứu sâu vào thế giới nguyên tử thì mới thấy Sắc (Vật chất) hoá ra là từ Không mà hình thành. Cái Không để thành cái có một sự thực quá khó tin nên Phật giáo nói lên sự thực đó đã làm không ít những học giả đau đầu và làm cho người ta nghi ngờ đủ điều về Giáo lý của Đạo Phật. Chúng ta thiết nghĩ ước gì sở học của toàn thể nhân loại đạt đến như Bác học Einstein thì chân lý Phật giáo mới có giá trị đích thực của nó trong con mắt của các nhà khoa học và con người. Cái Không của vật chất là cái Không mang ý nghĩa hạn định nhất trong cái “Không” của Phật giáo. Nhưng cái không của vật chất ấy chỉ có một Einstein ít ỏi trong hơn  7 tỷ người thấy được.

Quả thực khi nghiên cứu về lượng tử, tức nghiên cứu hạt điện từ hay dao động sống trong hạ tầng nguyên tử thì chân lý “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” được hiển hiện một cách rõ ràng, đầy thú vị và đầy bất ngờ của một sự thực khó tin mà không thể chối cãi. Trên bình diện nguyên tử thì vật chất có hai khía cạnh: nó xuất hiện dưới dạng hạt và dạng sóng. Tuỳ theo trạng thái mà nó cho thấy dạng nào, có khi khía cạnh hạt rõ nét hơn; trong trạng thái khác, các hạt đó có tính cách như sóng. Tính chất hai mặt đó cũng là tính chất của ánh sáng và tất cả các tia điện từ khác. Thì ánh sáng được phát ra và hấp thụ dưới dạng lượng tử (quanta) hay quang tử (photon), nhưng khi những hạt này di chuyển trong không gian, chúng xuất hiện như những trường điện, trường từ khi rung động có tất cả các đặc trưng của sóng. Trong nguyên tử, các electron thường được xem là hạt, thế nhưng khi cho chúng chạy lọt qua các khe nhỏ thì chúng lại có hiện tượng khúc xạ như ánh sáng, nói cách khác: electron tồn tại tính chất sóng.(Hạt) (Sóng)

Tính chất hai mặt lạ lùng này của vật chất và tia bức xạ làm nảy sinh ra công án lượng tử, nhờ vậy mà ngành vật lý có được thuyết lượng tử hết sức quan trọng. Hình ảnh của mô sóng lan rộng mãi trong không gian vô tận; nó phải khác hẳn hình ảnh của một hạt có vị trí chính xác. Đây là một sự thực của vật chất mà không những nhà Vật Lý phải làm quen mà chúng ta cần phải chấp nhận sự thực ấy. Vật chất luôn biểu hiện dưới hai cách hạt và sóng, dường như chúng loại trừ lẫn nhau, đó là hạt vừa là sóng nhưng cũng vừa là hạt.

Hiện tượng sóng được tìm thấy khắp nơi trong vật lý, trong nhiều mối liên hệ khác nhau, nó được mô tả bằng những công thức toán học như nhau, bất kỳ chúng xảy ra ở đâu. Những công thức này được sử dụng để mô tả sóng ánh sáng, sự rung động của một sợi dây đàn, sóng âm thanh hay sóng trên mặt nước. Trong thuyết lượng tử thì chúng được dùng để mô tả tính chất sóng của hạt. Thế nhưng ở đây chúng lại trừu tượng hơn nhiều. Chúng liên hệ trực tiếp với tính chất thống kê của thuyết lượng tử, tức mọi hiện tượng của nguyên tử chỉ có thể diễn tả bằng xác suất và được tính bằng hàm xác xuất49* .

Trong một ý nghĩa nhất định, việc sử dụng sóng xác suất giải quyết được sự nghịch lý do tính chất sóng của hạt sinh ra, bằng cách đặt sự mâu thuẫn đó trong một khuôn khổ hoàn toàn mới. Khuôn khổ này dẫn đến một cặp khái niệm đối lập khác, khái niệm này cơ bản hơn nữa, đó là hiện hữu – phi hiện hữu. Cặp đối lập này cũng được chuyển hoá trong thực tại của nguyên tử. Không bao giờ ta có thể nói một hạt cơ bản hiện hữu. Vì là một cấu trúc xác suất, hạt có khả năng hiện hữu tại nhiều nơi, và vì thế nó biểu hiện mọt thực tại lý tính kỳ lạ giữa hiện hữu – phi hiện hữu, giữa có và không. Do đó ta không thể mô tả trạng thái của hạt trong khái niệm dứt khoát có – không được. Tại một thời điểm nhất định thì nó vừa có mặt, vừa không vắng mặt. Nó không di động, nó cũng không yên nghỉ. Điều này thay đổi xác suất và khả năng của hạt có mặt hay không có mặt tại một chỗ nhất định: Thí dụ ta hỏi, liệu electron vẫn giữ nguyên vị trí hay không, ta phải trả lời “không”, khi hỏi, liệu ví trí electron có thay đổi theo thời gian không, ta phải trả lời “không”; khi ta hỏi, liệu electron nằm yên, ta phải trả lời “không”, khi ta hỏi, liệu nó đang vận động, ta phải trả lời “không”.

Vật chất là lực, sóng và hạt, vận động và tĩnh tại, có và không, đó là vài khái niệm đối lập nhau hay mâu thuẫn nhau, chúng đã được vật lý hiện đại chuyển hoá. Trong tất cả những cặp đối lập này thì cặp cuối cùng (có – không) xem ra là cái cơ bản nhất. 

Cơ cấu của vật chất hầu như không nhất định, tại một thời điểm mà vật chất tồn tại dưới hai dạng khác nhau dễ thấy đó là hạt và sóng, kế đến là có và không: “Thuyết nguyên tử mới mẽ lập tức có thể trả lời nhiều điều bí ẩn xuất hiện trong lúc nghiên cứu về cơ cấu nguyên tử mà mô hình hành tinh của Rutherford không lý giải được. Bí ẩn đầu tiên là nghiên cứu của Rutherford cho thấy trên đó mà vật chất cứng nhắc thành hình, vốn chỉ là không gian trống rỗng, nếu nhìn theo cách phân bố của khối lượng”t87. Vật chất như ngày càng phơi bày tướng trạng của chúng trong ống kính khoa học. Tướng trạng Không của vật chất đó có thể xem như là nét độc đáo, và một phát hiện mới cực kỳ quan trọng cho khoa học và nhân loại ngày nay: “Thế giới quan cơ giới cổ điển đặt trên cơ sở khái niệm của những hạt cứng nhắc, không thể vận động hoặc chỉ có thể vận động trong chân không. Vật lý hiện đại đã mang lại cho hình ảnh này một sự điều chỉnh triệt để. Không những nó nêu lên khái niệm về hạt mà nó còn chuyển hoá khái niệm cổ điển “không” trống rỗng một cách sâu sắc. Thuyết biến đổi này bắt đầu bằng lý thuyết về “trường”. Nó bắt đầu khi bác học Einstein thiết lập mối quan hệ giữa trường trọng lực và hình học không gian, và trở nên rõ nét khi người ta phối hợp thuyết lượng tử với thuyết tương đối để mô tả các lực trường nằm quanh các hạt hạ nguyên tử. Trong thuyết trường lượng tử này thì biên giới giữa hạt và không gian bao quanh nó đã mất sự rõ nét ban đầu và không gian trống rỗng được thừa nhận như một đại lượng động có vai trò vượt trội”. 

Đến đây Khoa học mới thấy giá trị đích thực của cái “không”.  “không” là một đại lượng không thể thiếu trong hạ tầng nguyên tử. Trong thế giới hạ tầng nguyên tử, được mô tả trong thuyết lượng tử thì các hạt vật chất nhỏ bé trong thế giới hạ tầng nguyên tử có những thời điểm ở trạng thái không? không hình thể? không khối lượng, không năng lượng, tất cả biến thành cái không để rồi biến thể qua cái có “sắc”. Lama Govinda nói: “Mối quan hệ giữa Sắc và Không không thể xem là hai tình trạng loại bỏ lẫn nhau, mà chỉ là hai khía cạnh của một thực tại duy nhất, nó cùng hiện hữu và liên tục kết nối với nhau” hay Đức Phật đã nói về Sắc không trong kinh bát nhã “Sắc tức thị Không, Không chính là Sắc”.

Bên cạnh vật chất là trống rỗng thì vật chất còn được hiểu một cách đầy thực tiễn và đậm nét theo quan điểm khoa học nhân loại ngày nay đó là vật chất cũng được xem như là năng lượng. Với quan điểm này thì tất cả vật chất được tính ra năng lượng một cách triệt để. Theo Einstein thì Mặt trời là một nguồn năng lượng gần như là vô biên, điển hình là năng lượng ánh sáng hay sức nóng của mặt trời toả nhiệt hàng ngày hiện tượng này tỏa nhiệt và sáng đến các hành tinh thấp nhiệt và tối hơn qua hàng tỷ năm. Sự thực ngày nay chúng ta không xa lạ gì nữa khi thấy vật chất biến thành năng lượng là “Sắc tức thị Không”, hay ngược lại năng lượng biến thành một vật chất mới tức “Không tức thị sắc”. 

Từ các luận điểm đó cho chúng thấy giá trị đích thực của tư tưởng kinh Bát Nhã và chúng ta thấy được cái Không của kinh Bát nhã sâu rộng đến nhường nào. Ngày nay Khoa học tuy nói hiện đại hay cũng có thể nói là cực kỳ hiện đại nhưng chỉ mới bước tới trước ngưỡng cửa của cái Không. Cái không của vật chất thì khoa học gần như đã nắm bắt được bằng thực nghiệm. Cái “không” của vật chất đó luôn vận động từ trạng thái này qua trạng thái khác mà phạm trù sau cùng là vật chất từ trạng thái thái “có” biến thành “không”. Bên cạnh hai lẽ “Không” đó còn một lẽ Không thứ ba là lẽ “Không Thâm Diệu” nhất của tư tưởng Bát nhã cũng là đặc trưng và cốt tuỷ của đạo Phật đó là cái Không của Không Tánh cái Không của Vô Ngã. Ngày nay giới Khoa học đã muốn đạt đến cái không đó. Và sự thực Khoa học đã tin rằng vật chất, nguyên tử là Vô ngã nhưng làm sao để họ thấy được sự Vô Ngã đó thì chuyện cực kỳ khó. Đúng là quá khó, khó hơn hàng tỷ tỷ lần so với việc Enstien thấy được Vật chất, nguyên tử vốn trống không. Chính vì muốn thấy được cái Không rốt ráo đó mà cuối đời Einstein đã chuyển hướng, quay đầu và chấp nhận Phật giáo như là ngọn đuốc rọi đường cho khoa học trong tương lai, điều đó thể hiện qua câu nói: “If there is any religion that would cope with modern scientfic needs it would be Buddhism.”73(1) (Nếu có bất kỳ một tôn giáo nào đáp ứng được nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó sẽ là Phật Giáo).

Theo câu nói đó thì ngày nay giới khoa học đã từ bỏ cái ý niệm giữa chủ thể quan sát và khách thể được quan sát. Với việc từ bỏ tuyệt đỉnh đó thì nhà khoa học chính là dòng nguyên tử, là dòng chảy của các electron hay họ có trong hàng tỷ cuộc va chạm để sinh ra, làm biến đổi vật chất để sinh ra trùng trùng năng lượng và giờ đây nhà khoa học chính là những năng lượng cùng khắp vô tận đó. 

Không một sự phân biệt ta đang nghiên cứu, ta đang thí nghiệm nữa. Từ bước tiến mới vượt ra ngoài khoa học, một bức đột phá từ thí nghiệm theo logic khoa học phương Tây thuần tuý bấy lâu nay chuyển qua thể nghiệm: “Trên  bước du hành vào thế giới cực nhỏ về mặt triết học, bước đầu là bước quan trọng nhất: bước đi vào thế giới nguyên tử. Tìm hiểu nguyên tử và nghiên cứu cơ cấu của nó, khoa học đã vượt qua biên giới của khả năng nhận thức bằng giác quan. Do vậy, khoa học không còn thấy vững tin hoàn toàn nơi logic và óc suy luận nữa. Thế giới nguyên tử hé mở cho nhà khoa học thấy chút ít tự tính của sự vật. Cũng như nhà đạo học, nhà vật lý bây giờ cũng phải đương đầu với kinh nghiệm phi giác quan về thực tại và cũng như nhà đạo học, họ cũng phải trăn trở với những tính chất nghịch lý của các kinh nghiệm này”74. Cũng vì lý do này mà không ít học giả đã cho kỷ nguyên này (thế kỷ này) là thế kỷ của các nhà đạo học tiếp tục công việc đang dỡ dang của các nhà khoa học. 
Thiết nghĩ, từ đây khoa học không phải là khoa học nữa mà họ là một nhà đạo sư thực thụ. Sự thực của vật chất, của vũ trụ Thế Tôn đã tuyên bố, việc chứng minh bằng lý thuyết thì đã có không ít luận sư đã luận chứng. Việc tìm thấy cái cửa của sự tận mắt thì giới khoa học đã thấy. Bản thể sự vật không phải ở nơi cánh cửa mà bên trong cánh cửa ấy. 

Ngôi nhà Không tánh, Vô ngã ấy chỉ tiếp đón những vị khách liễu ngộ Vô Ngã. Ngày nay khoa học đang tiếp cận với ngôi nhà ấy, trên những sự thực cơ bản mà khoa học đã thấy về vật chất, chúng ta tin rằng trong một tương lai không xa, khoa học hoàn toàn là Phật giáo. Cái chỗ gặp nhau trên vấn đề nhìn sự vật vô thường chuyển biến hay Duyên Sanh  thì có thể so sánh nhưng còn sự gặp nhau trên vấn đề tuyệt đối Vô Ngã thì chuyện không thể bàn mà Vô ngôn thuyết. Và nếu như có cuộc gặp ấy thì không còn sự phân biệt, so sánh của ngôn ngữ có giới hạn này. Và nếu thấy được sự gặp gỡ tuyệt tính đó thì tất cả nhà Khoa học, nhà Đạo học và chúng  ta phải đều ở trong trạng thái Tâm liễu ngộ Vô ngã, tức  thể nhập cái Tánh Không của Bát Nhã.
Trích từ Luận Văn Tốt Nghiệp Đại Học Phật Giáo Tại Huế 2005: Học Thuyết Nguyên Tử Trong Nguyên Lý Duyên Sanh Vô Ngã - Tk. Thích Liễu Nguyên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]