Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

B. Phạm Vi Của Sắc Ấm

23/11/201217:05(Xem: 12180)
B. Phạm Vi Của Sắc Ấm

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG V:PHÂN BIỆT CÁC NGHIỆP QUẢ TẠO THÀNH TAM GIỚI. CHỈ RÕ CÁC CẢNH GIỚI TU CHỨNG VÀ CÁC CHƯỚNG NGẠI

 

VII. PHÂN BIỆT CÁC ẤM MA

B. PHẠM VI CỦA SẮC ẤM

Kinh: “Anan, nên biết, ông ngồi đạo tràng, tiêu diệt các niệm, niệm ấy mà hết thì tâm lìa niệm thuần túy sáng suốt thảy cả, động tĩnh chẳng dời, nhớ quên như một. Đang khi an trụ nơi đó mà vào Tam Ma Địa thì như người sáng mắt mà ở chỗ rất tối. Cái tinh thuần của Tánh thì trong sạch nhiệm mầu, nhưng tâm chưa phát sáng. Thế gọi là phạm vi của Sắc Ấm. Nếu mắt sáng tỏ, mười phương mở suốt, không còn tối tăm, gọi là Sắc Ấm hết. Người ấy có thể siêu vượt khỏi Kiếp Trược. Xét lại nguyên do Kiếp Trược thì gốc rễ là Vọng tưởng kiên cố.

“Anan, ngay tại trong đó, nghiên cứu tinh tường Tánh Diệu Minh, bốn Đại chẳng kết hợp thì trong khoảng chốc lát, tâm thức có thể ra khỏi sự ngăn ngại, đây gọi là tinh minh tuôn tràn ra tiền cảnh, đó chỉ do dụng công mà tạm được như vậy, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Anan, lại dùng cái tâm này nghiên cứu tinh tường Tánh Diệu Minh, trong thân thành rỗng suốt, người ấy bỗng nhiên ở trong thân mình nhặt ra các thứ giun sán mà thân thể vẫn y nguyên, không bị thương tổn, đây gọi là tinh minh tuôn tràn nơi hình thể, đó chỉ do tu hành tinh tiến mà tạm được như vậy, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy nghiên cứu tinh tường trong ngoài, khi ấy hồn phách, ý chí, tinh thần, ngoài cái thân chấp thọ ra, đều ăn nhập vào nhau, đắp đổi làm khách, làm chủ. Bỗng nhiên ở trong hư không nghe tiếng thuyết pháp, hoặc nghe mười phương đồng diễn bày mật nghĩa. Đây gọi là sự thành tựu thiện chủng của tinh phách thay nhau lìa hợp, tạm được như vậy, chẳng phải Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy lắng trong, hiện ra sáng suốt, ánh sáng bên trong phát ra, mười phương biến thành sắc Diêm Phù Đàn, hết thảy mọi loài hóa là Như Lai. Bấy giờ bỗng thấy Phật Tỳ Lô Giá Na ngồi trên đài Thiên Quang, có ngàn Đức Phật vây quanh. Trăm ức cõi nước cùng với hoa sen cùng một lúc hiện ra. Đây gọi là sự tiêm nhiễm của tâm thức linh ngộ. Do ánh sáng của tâm phát ra soi sáng các thế giới mà tạm được như vậy, chẳng phải Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy nghiên cứu tinh tường Tính Diệu Minh, quan sát chẳng ngừng, đè nén hàng phục, ngăn dứt thái quá, khi ấy bỗng nhiên mười phương hư không thành sắc bảy báu hay sắc trăm báu, đồng thời cùng khắp, không ngăn ngại nhau: xanh, vàng, đỏ, trắng mỗi mỗi hiện ra rõ ràng. Đây gọi là công sức đè nén quá phần, tạm được như vậy, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy nghiên cứu, lặng suốt sáng trong chẳng loạn, bỗng nhiên giữa đêm, ở trong nhà tối thấy thảy thảy vật không khác gì ban ngày, mà những vật trong nhà tối đó cũng không diệt mất. Đây gọi là tâm tế nhiệm lặng đứng mà thấy, nên thấy suốt chỗ tối tăm, tạm được như vậy, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy vẹn nhập vào chỗ hư dung, bốn vóc bỗng đồng như cây cỏ, lửa đốt, dao cắt hoàn toàn không cảm giác, lửa ngọn không thể đốt cháy, dầu cho cắt thịt cũng như chẻ cây. Đây là gọi là cùng như trần, do bài trừ bốn Đại một mực, nhập vào sự thuần nhất, tạm được như vậy, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy thành tựu sự trong sạch, dụng công trong sạch tâm tột bực, bỗng thấy mười phương đất đai, sông núi đều thành cõi Phật, đầy đủ bảy báu chói sáng cùng khắp. Lại thấy hằng sa Chư Phật Như Lai đầy khắp hư không, lầu điện rực rỡ. Dưới thấy địa ngục, trên thấy thiên cung, được không chướng ngại. Đây gọi là ưa thích đè nén ngưng tưởng lâu ngày mà tưởng hóa thành, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy nghiên cứu sâu xa, bỗng nhiên ở giữa đêm thấy rõ chợ búa, làng xóm bà con họ hàng ở phương xa, hoặc nghe lời nói của họ. Đây gọi là bức bách cái tâm tột bực nên nó bay ra, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy, nghiên cứu tinh tế cùng tột, thấy được thiện tri thức, thân thể biến hóa, trong giây lát không duyên cớ gì mà biến đổi đủ thứ. Đây gọi là tà tâm bị loài Ly Mị hoặc Thiên Ma vào trong thân thể, không duyên cớ gì mà thuyết pháp, thông suốt diệu nghĩa, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì Ma sự tự tiêu mất, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Anan, mười thứ cảnh giới hiện ra trong thiền định như vậy đều thuộc về Sắc Ấm, do dụng tâm giao xen lẫn nhau nên hiện ra cái việc đó. Chúng sanh mê dại, chẳng biết tự xét, gặp nhân duyên ấy, mê chẳng tự biết, cho là lên bậc Thánh, thành Đại Vọng Ngữ, đọa địa ngục Vô Gián.

“Sau khi Như Lai diệt độ rồi, các ông nên tuyên bày nghĩa này trong đời Mạt Pháp, chớ để Thiên Ma được dịp quấy phá, giữ gìn che chở cho người tu hành thành đạo Vô Thượng.

Thông rằng: Thiền Na tức là sự tiêu diệt các niệm của pháp môn Chỉ Quán. Chỉ là dùng sự trong lặng xoay lại cái hư vọng, dứt mất sự sanh khởi. Quán là các niệm đã hết nhưng còn cái tâm lìa niệm, hết thảy sáng suốt. Chỉ Quán vốn không hai, ắt là động tĩnh chẳng dời đổi, nhớ quên đều là một. Không hôn trầm, không tán loạn là Chánh Niệm. Theo đây mà vào, mới đắc Tam Ma Đề chân thực. Còn nếu Tĩnh thì có mà Động thì không, Nhớ thì còn mà Quên thì mất, ấy là thuộc cái cảnh ngộ ngừng Tưởng, chẳng phải là Chánh Định.

Ban đầu, vào Chỉ Quán, cái Sắc Ấm chưa phá, như người sáng mắt mà ở trong chỗ rất tối tăm, chưa thể phát ra ánh sáng, bị Sắc hạn cuộc, đó gọi là phạm vi của Sắc Ấm.

Sắc Ấm đã phá, như mắt sáng suốt, mười phương mở suốt, sức nhìn soi khắp, chẳng bị cảnh trước mắt ngăn ngại. Như thế là có thể siêu vượt Kiếp Trược. Kiếp Trược là do Sắc Pháp đan nhau với cái Thấy mà thành. Nay cái Thấy chẳng bị Sắc Pháp làm cho mê lầm, nên có thể siêu vượt. Sắc Ấm này do đâu mà có ra? Ấy là do Vọng tưởng kiên cố làm gốc. Vốn do nơi ba cái vọng tưởng của cha, của mẹ, của mình giao kết nhau mà thành ra cái Sắc Thân bốn Đại cứng chắc này. Tướng cứng là Địa, lỏng là Thủy, hơi nóng là Hỏa, lay động là Phong. Do bốn cái ràng buộc này mà thành sáu Căn. Sáu Căn làm chìm tánh tròn sáng, che đậy Chân Tánh nên gọi là Ấm.

Nay vào Thiền Na, nghiên cứu tinh tường tính diệu minh, lìa nơi tiền trần, thân cảnh đều không, bốn Đại chẳng đan kết nhau, tâm thức tinh thuần và sắc pháp lìa nhau. Ban đầu thì tinh minh tuôn vào, thân ra khỏi ngăn ngại, đó là ở ngoài quên đi trần cảnh. Rồi thì trong thân rỗng suốt, nhặt ra giun sán, đó là bên trong quên mất thân vậy. Kế là tinh phách thay nhau lìa hợp, trong thân, ngoài thân đắp đổi làm chủ, khách; ở trong hư không nghe thuyết pháp yếu, ấy là gần quên luôn cái hình thể vậy. Kế đó ánh sáng bên trong phát ra, thấy cảnh giới Phật, ấy là tiêm nhiễm sự linh ngộ mà tạm được như vậy, chứ không thể thường xuyên. Còn niệm Phật Tam Muội, thấy cảnh Tịnh Độ, ấy là tâm cảnh tương ưng gọi là Chánh Tướng, không thể kể vào đây. Kế là đè nén quá độ mà thấy nhiều sắc báu. Đè nén cực độ thì ánh sáng sanh ra, đó cũng là chỗ thành tựu của pháp Quán Thập Tưởng. Kế là làm tế nhiệm lặng trong cái thấy nên thấy đồ vật trong chỗ tối. Chỗ thấy ở trước là cảnh huyễn, chỗ thấy ở đây là cảnh thực. Nếu chẳng phải dưỡng tâm tế nhiệm thì không thể được. Kế là bốn vóc hư dung, đồng như cây cỏ, dao chém, lửa đốt không có cảm giác, nếu chẳng phải thuần giác quên Thân thì không thể được. Kế là quán chiếu cùng tột, thành tựu sự thanh tịnh, bỗng thấy mười phương cõi Phật, Thiên Đường, Địa Ngục đều không trở ngại, gần như đắc Thiên Nhãn Thông vậy. Kế là đè nén cùng tột, không chỉ thấy được vật trong chỗ tối mà làng mạc, chợ búa ở xa cũng thấy, không những nghe tiếng thuyết pháp trong hư không mà nghe cả những lời nói của bà con ở xa, gần như đắc Thiên Nhĩ Thông vậy. Đến chỗ nghiên cứu tinh tế cùng tột thì trong ngoài xen nhau, đắp đổi làm chủ, khách. Tinh thần hồn phách bỗng quên chỗ về. Do đó, Ma được dịp vào trong thân thể khiến cho hình thể biến hóa, đủ thứ đổi thay, vô cớ thuyết pháp, thông suốt diệu nghĩa. Đó há chẳng phải do phá Sắc Ấm, chẳng phải bị Sắc Pháp ràng buộc ư, mà chẳng biết là bị Ma bám, dựa.

Mười việc này đều do nghiên cứu cùng tột Tánh Diệu Minh, dùng tâm Thiền Na mà giao chiến với vọng tưởng kiên cố. Sắc chưa có thể tức là Không, Không chưa có thể tức là Sắc, thay nhau thắng bại, chưa thể dung đồng. Đó là chỗ ma Sắc Ấm thừa cơ hội mà vào vậy. Chúng sanh mê lầm, chẳng biết tự xét sự thấy biết hàng ngày cùng với Phật nào có giống, công hạnh hàng ngày cùng với Phật nào có như nhau? Ngẫu nhiên thấy các cảnh ấy bèn cho là Thánh chứng. Chẳng phải Thánh mà cho là Thánh, chẳng phải chứng mà cho là chứng, trong thì mê nơi Ấm Ma, ngoài thì cảm với Thiên Ma, thành ra Đại Vọng Ngữ, đọa địa ngục Vô Gián, thật đáng thương xót. Bởi thế, Đức Thế Tôn tuyên dạy cho đời Mạt Pháp để bảo hộ chúng sanh thành tựu đạo Vô Thượng. Nếu công sức tu hành đã đến mức, có thể phá Sắc Ấm, thì dầu các việc trên có hiện ra cũng chẳng cho là chứng ngộ việc Thánh. Trong Thiền cũng có nhiều sự việc như vậy.

Như thiền sư Nga Hồ Trí Phu, một hôm chẳng đến trai đường, vị thị giả đến mời Ngài.

Tổ Phu nói: “Hôm nay tôi ăn du-tư ở trang trại no rồi!”

Thị giả nói: “Hòa Thượng chẳng hề đi đâu cả!”

Tổ Phu nói: “Ông chỉ việc đi hỏi trang chủ”.

Thị giả vừa ra cửa, bỗng gặp trang chủ đến tạ ơn đã tới trang trại dùng bữa du-tư”.

Đây há chẳng phải là thân có thể ra khỏi sự ngăn ngại đó ư!

Thiền sư Đoan Nham, một hôm có bà lão đến viếng chào.

Ngài nói: “Bà về gấp đi để cứu mấy ngàn sanh mạng!”

Bà lão về, thấy cô con dâu đang mang ốc bắt ở ruộng về, bèn thả đi.

Lại nữa, thiền sư Tổ Chiếu trong Định thấy chuyện xảy ra trong vòng mấy mươi dặm mà người khác chưa từng biết. Sau này các tăng trong trang trại nghe được, đồn đại ra ngoài. Ngài e làm mê hoặc đại chúng nên nhập diệt.

Đó đều là việc có thể làm, nhưng chẳng cho đó là chứng ngộ việc Thánh vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]