Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Đẳng Giác Và Diệu Giác

23/11/201217:05(Xem: 15166)
08. Đẳng Giác Và Diệu Giác

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG IV:KHAI THỊ CÁC ĐỊA VỊ TU CHỨNG

Mục 2: An Lập Các Thánh Vị


VIII. ĐẲNG GIÁC VÀ DIỆU GIÁC

Kinh: “Như Lai ngược dòng, còn vị Bồ Tát như thế thuận dòng mà đến. Ranh giới của Giác thể nhập vào nhau, gọi là Đẳng Giác.

“Anan, từ Tâm Càn Huệ đến Đẳng Giác rồi, cái Giác này mới được Sơ Càn Huệ Địa trong Tâm Kim Cương.

Thông rằng: Quyền Trí (Hậu Đắc Trí) của Như Lai, xuống tùy theo cơ cảm nên ngược dòng mà ra. Thực Trí của Bồ Tát (Căn Bản Trí) lên mà hợp với Giác Tâm nên thuận dòng mà vào. Kinh Anh Lạc nói: “Đẳng Giác chiếu tịch, Diệu Giác tịch chiếu”, tức là nghĩa này. Ranh giới của hai Giác nên gọi là nhập vào nhau. Thể nhập vào nhau tức là tiếp hợp với dòng nước pháp của Như Lai vậy. Bèn ở chỗ này gọi là Đẳng Giác Vị, tức nói cái Giác cùng Như Lai bình đẳng không sai khác, chỉ chưa cùng tột trong chỗ Diệu đó thôi. Tức thời từ biển Đại Tịch Diệt ngược dòng mà ra, Diệu đồng khắp vạn vật, mới gọi là Diệu Giác.

Sơ Càn Huệ Địa trong Tâm Kim Cương tức là Tâm Càn Huệ ở trước, sao đến đây mới được ư? Chưa cùng dòng nước pháp tiếp hợp thì chỉ mới có cái Không Kiến về Thể. Đã cùng dòng nước pháp tiếp hợp mới là chứng nghiệm cái Thật. Như ánh sáng của trăng non đã lộ ít nhiều hình tướng tròn sáng, vốn chẳng phải thiếu kém, rồi đến lưỡi liềm, rồi đến trăng rằm mới đầy đủ tướng tròn sáng. Đó cũng chỉ là tướng tròn sáng lúc mới đầu, chẳng phải là hai vậy.

Kim Cương là nói do phá tan các pháp mà có tên. Các pháp có thể phá hoại, độc chỉ cái Huệ Kim Cương này không thể phá hoại. Ở trước là muốn tu tập cái Sơ Càn thuần là Trí Huệ, Trí Huệ đó không hai, chỉ có cái khô [Càn] là không cùng tận. Từ địa vị Thứ Mười trở về trước, cứ lấy một địa để phá hoại một địa, cho đến khi không có một pháp nào để đắc, nên nói: “Cái Giác này mới được Sơ Càn Huệ Địa trong Tâm Kim Cương”. Kinh Niết Bàn nói “Phát tâm và rốt ráo, hai cái chẳng khác nhau”, là nói chỗ này ư?

Nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá: “Tâm xưa nay đã là Phật lại còn tu Lục Độ Vạn Hạnh không?”

Tổ Hoàng Bá nói: “Ngộ ở nơi Tâm, chẳng liên quan gì Lục Độ, Vạn Hạnh. Lục Độ, Vạn Hạnh là chuyện bên phía tiếp vật độ sanh của Pháp Hóa Độ. Giả sử Bồ Đề, Chân Như, Thực Tế, Pháp Thân giải thoát cho đến Thập Địa, Thánh Vị, Tứ Quả cũng đều là pháp môn Hóa Độ, chẳng liên quan gì đến Phật Tâm. Tâm tức là Phật, bởi thế trong tất cả độ môn thì Phật Tâm là Đệ Nhất. Chỉ không có hết thảy các tâm phiền não, sanh tử... thì chẳng dùng chi các pháp Bồ Đề, Giải Thoát... Bởi thế, nói rằng “Phật thuyết tất cả pháp để độ cho tất cả tâm của mình. Mình không có tất cả tâm thì đâu dùng tất cả pháp”.

“Từ Phật đến Tổ, đều chẳng luận bàn việc gì khác. Độc chỉ luận Nhất Tâm, cũng gọi là Nhất Thừa. Bởi thế, mười phương cầu Chân Thật thì không còn Thừa nào khác. Chỉ những người Chân Thật đó mới không lạc vào cành lá rườm rà. Thế nên ý này khó tin!”

Đức Đạt Ma qua đất này, đến hai nước Lương, Ngụy chỉ có một mình Khả đại sư thầm kín tin lấy Tự Tâm, ngay nơi lời nói liền trực nhận tức Tâm là Phật, thân tâm đều không, ấy là Đại Đạo. Đại Đạo xưa nay bình đẳng, do vì tin sâu trọn hết sanh linh đồng một Chân Tánh. Tâm với Tánh chẳng khác nhau, tức Tánh tức Tâm. Tâm chẳng khác Tánh, gọi đó là Tổ. Bởi thế nói rằng “Khi nhận được Tâm Tánh có thể nói là không thể nghĩ bàn. Chính cái Tâm chẳng khác Tánh ấy gọi đó là Tổ”.

Có thể thấy rằng khi cái cảnh tượng Ranh giới Giác Ngộ thể nhập vào nhau thì mọi thềm bậc trước kia hoàn toàn không liên quan gì nữa, chỉ là Nhất Tâm, cùng Phật không khác.

Kinh: “Lớp lớp như vậy, đơn hay kép mười hai địa vị, mới cùng tột Diệu Giác, thành Vô Thượng Đạo.

Thông rằng: Đơn có bảy địa vị, đó là Càn Huệ, Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế Đệ Nhất, Đẳng Giác và Diệu Giác.

Kép có năm địa vị, đó là Tín, Trụ, Hạnh, Hướng và Địa.

Mỗi địa vị lại có mười bậc nên gọi là kép. Lớp lớp như vậy, tiệm tu tiệm chứng, gồm tất cả mười hai tầng bậc mới đến Diệu Giác mà thành Vô Thượng Đạo. Nên bậc Đẳng Giác vẫn còn ở địa vị Thứ Mười Một nên chưa cùng tột, chỉ có địa vị Thứ Mười Hai mới cùng tột vậy.

Cái Diệu này há có thêm cho Càn Huệ ư? Thật ra chỉ là Càn Huệ nhưng chà xát lau chùi cho rực rỡ trong trẻo thì hiển bày cái Diệu. Hiệp Luận nói: “Ba đời Chư Như Lai trao truyền cái pháp thức tu chứng cho tất cả Bồ Tát: Chọn lựa lực dụng sâu cạn, phân biệt các chỗ sai biệt của các địa vị. Bắt đầu từ Thập Tín nhưng vì cái Tín này còn thuộc sanh diệt nên phải trụ tâm, bèn lập ra Thập Trụ. Lại vì Trụ còn thiếu vốn liếng để phát khởi cái Dụng của phương tiện nên thành tựu hạnh tâm, bèn lập ra Thập Hạnh. Lại vì Hạnh này mới chỉ tự lợi, chưa phổ cập đến chúng sanh, nên bày việc Hồi Hướng, bèn lập ra Thập Hồi Hướng”.

Từ Thập Tín cho đến Trụ, Hạnh, Hồi Hướng là địa vị Tam Hiền. Lại từ Tam Hiền thì lên Sơ Địa, vì Đại Từ Đại Bi phát sanh, được nuôi dưỡng sum xuê tươi tốt cho thành tựu mà có tên là Địa. Ở Sơ Địa mới cho là chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, cho đến hết Thập Địa, do công hiệu mài xát, tôi luyện các tập khí còn sót bèn đồng đẳng với Chân Như Bản Giác, nên gọi là Đẳng Giác. Giống như Kinh Dịch nói “Cùng Thần tri hóa” vậy. Đến khi nhập Diệu Giác thì chỉ Một mà thôi, không có tướng nào nữa. Như chỉ nói là Thần thôi vậy.

Chỗ đặc biệt của kinh này là trước Thập Tín có thêm Càn Huệ Địa; trước Thập Địa lại thêm Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế Đệ Nhất Địa.

Kinh Hoa Nghiêm, ở Thập Trụ nói là chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn. Các kinh khác thì nói chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn ở Thập Địa. Tất cả còn ở trong số năm mươi lăm địa vị. Đức Thế Tôn ở chỗ này bèn lập ra ba món tiệm thứ, chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn. Ba món tiệm thứ là phương tiện an lập, ra ngoài số năm mươi lăm kia. Ý của Đức Thế Tôn là muốn khai thị theo phàm phu để có thể thật chứng Pháp vậy.

Tổ Hoàng Bá nói với Ông Bùi Hưu rằng: “Phật cùng chúng sanh thật không sai khác. Chỉ vì chúng sanh bám tướng cầu ngoài. Càng cầu càng thêm mất, đem Phật mà tìm Phật, lấy Tâm mà bắt Tâm, cùng kiếp hết đời, rốt chẳng thể được. Chẳng biết là dứt nghĩ quên suy thì Phật tự hiện tiền. Tâm đây chính là Phật. Phật tức là chúng sanh. Khi là chúng sanh, Tâm đây chẳng giảm. Khi là Phật, Tâm đây chẳng thêm. Cho đến hằng sa công đức, Lục Độ, Vạn Hạnh vốn tự sẵn đủ, chẳng nương mượn tu để có thêm. Gặp duyên thì bày trải, hết duyên thì lặng yên.

“Nếu chẳng quyết định tin đây là Phật mà muốn bám tướng tu hành để cầu công dụng, đó đều là vọng tưởng, cùng với Đạo tự trái. Tâm đây tức là Phật, chẳng có Phật nào khác, cũng chẳng có Tâm nào khác. Tâm này sáng sạch, dường như hư không, không có một điểm tướng mạo. Khởi tâm, động niệm liền trái Pháp Thể, tức liền bám tướng. Từ vô thủy đến nay không có Phật bám tướng! Tu Lục Độ, Vạn Hạnh muốn cầu thành Phật tức là thứ lớp. Từ vô thủy đến nay không có Phật thứ lớp! Chỉ ngộ Nhất Tâm, rốt không chút pháp gì khá đắc, đó là Chân Phật.

“Phật cùng chúng sanh, Một Tâm không khác. Giống như hư không, không xen tạp, không hư hoại. Như mặt trời chiếu khắp bốn thiên hạ. Khi mặt trời lên cao, sáng khắp thiên hạ, hư không chẳng hề sáng. Khi mặt trời lặn, tối khắp thiên hạ, hư không chẳng hề tối. Cảnh sáng cảnh tối tự lấn đoạt nhau, cái tánh của hư không rỗng nhiên chẳng đổi. Tâm của Phật cùng chúng sanh cũng như thế. Nếu xem thấy Phật cho là cái tướng trong sạch, sáng rỡ, giải thoát; xem thấy chúng sanh cho là tướng dơ bẩn, tối tăm, sanh tử, khởi cái thấy hiểu như vậy thì trải qua hằng sa kiếp rốt cuộc chẳng nắm được Bồ Đề, vì bám tướng vậy. Độc chỉ Nhất Tâm đây, ngoài ra chẳng có vi trần pháp nào có thể đắc. Tức Tâm là Phật!”

Nhiệm mầu thay! Nhiệm mầu thay! Chẳng phải Tổ Hoàng Bá thật chứng Diệu Giác, không rơi vào tầng bậc thì làm sao thông suốt như thế? Đã lời dạy này mà lưu lại, để gần với ý chỉ Viên Đốn của kinh này bởi cả hai chẳng ngại nhau vậy.

Kinh: “Các thứ Địa này đều dùng Trí Kim Cương quán sát Như Huyễn mười thứ ví dụ sâu xa. Trong Xa Ma tha (Chỉ) dùng Tỳ Bà Xá Na (Quán) của Chư Phật mà thanh tịnh tu chứng, lần lượt tu nhập.

“Anan, như thế đều dùng ba tiệm thứ tăng tiến, khéo có thể thành tựu năm mươi lăm Vị của con đường Bồ Đề Chân Thật.

“Làm cái Quán như vậy, gọi là Chánh Quán. Nếu Quán khác đi gọi là Tà Quán.

Thông rằng: Mười thứ thí dụ sâu xa là nên Quán rằng:

1. Hết thảy nghiệp như huyễn;

2. Hết thảy pháp như bóng hơi nóng [Diệm];

3. Hết thảy tánh như bóng trăng trong nước;

4. Sắc diệu như hư không;

5. Tiếng diệu như vang;

6. Quốc độ Chư Phật như thành Càn Thát Bà;

7. Phật sự như mộng;

8. Phật Thân như ảnh;

9. Báo Thân như hình tượng;

10. Pháp Thân như hoá.

Tất cả đều không thể nắm, bỏ bởi vì tất cả Không vậy. Thâm nhập cái Không này mới gọi là Thật Tướng. Đây chẳng phải là cái Pháp làm ra nên vốn không hoại diệt. Nếu khác với cái Quán này tức là pháp sanh diệt. Ở đây không chỉ Quán Pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt nước, bóng dáng mà cho đến Quán Pháp Thân Phật cũng như mộng, huyễn, bọt nước, bóng dáng nên là ví dụ thâm sâu.

Quán sát như thế thì chẳng phải Quán Pháp của Tiểu Thừa có thể so được, mà đó là Diệu Quan Sát Trí của Như Lai, sẵn đủ Kim Cương Huệ: do Tịch nên Chiếu, do Chỉ nên Quán. Giống như nước thật trong chẳng nhiễm một chút bẩn, như gương tột sạch chẳng dung một hạt bụi. Lấy đó mà tu thì tu mà không tu. Lấy đó mà chứng thì chứng mà không chứng. Nên do Càn Huệ lần lượt thâm nhập cho đến Diệu Giác, đều chẳng rời cái Trí Kim Cương quán sát này. Địa địa đều hoại, pháp pháp đều khô [Càn] nên hợp với Diệu Giác.

Thí dụ sâu xa như thế, thâm nhập như thế, đâu có ra ngoài ba tiệm thứ tăng tiến, nghịch dòng toàn nhất, chờ đến được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Theo đó tiệm tu, tùy chỗ hành phát mà an lập Thánh Vị, khéo thành tựu năm mươi lăm địa vị của con đường Bồ Đề Chân Thật.

Tín, Trụ, Hạnh, Hướng, Địa là năm mươi, cộng với Càn Huệ và bốn Gia Hạnh là năm mươi lăm. Không nói đến hai Địa vị Đẳng Giác và Diệu Giác, vì hai Giác chính là Chân Bồ Đề, là Giác chứ chẳng còn là con đường. Năm mươi lăm địa vị là nguyên do, là con đường nhập Giác vậy.

Mười phương Như Lai thành tựu Bồ Đề đều có phương tiện ban đầu là Xa Ma Tha, Tam Ma Bát Đề, Thiền Na mầu nhiệm. Cho đến Trí Kim Cương Quán Sát, Như Huyễn Tam Muội thì chỉ Đức Quán Thế Âm là Đệ Nhất. Do đó, năm mươi lăm Vị của con đường Bồ Đề cũng do trong ba tiệm thứ tăng tiến, ngược dòng toàn nhất. Bắt đầu là xoay lại cái Nghe, cái phương tiện tối sơ này cũng là Như Huyễn Quán Sát theo thứ lớp: hết Nghe cũng chẳng trụ, Giác và Sở Giác đều Không; Không, Sở Không diệt, sanh diệt đã diệt đó là Tịch Diệt Hiện Tiền.

Làm cái Quán như thế đó là Một đường vào Niết Bàn của mười phương Chư Phật. Nếu Quán khác đi, chẳng trụ trong mười thứ thí dụ sâu xa của Kim Cang Quán Sát tức thuộc về sanh diệt, tức là Tà Quán vậy.

Ngài Trừng Quán [Tổ Thứ Tư Tông Hoa Nghiêm] đời Đường có bài kệ Trụ Địa Tu Chứng:

“Tu tập “không hoa” vạn hạnh

Yên ngồi “trăng nước” đạo tràng

Hàng phục Thiên Ma “gương ảnh”

Chứng đắc Phật Quả “trong mộng””.

Cũng nói lên vắn tắt mười thứ ví dụ sâu xa.

Tổ Giáp Sơn thượng đường: “Từ khi có Tổ đến nay, người đời lầm hiểu. Cùng nhau thừa thọ cho đến nay, cứ lấy lời lẽ của Phật, Tổ làm kiểu mẫu cho người. Nếu mà như thế tức thành người cuồng, là người không có Trí vậy.

“Kia chỉ bày dạy rằng: “Ông không có pháp, cái không có pháp đó là Đạo. Đạo không có pháp gì, không có Phật để thành, không có Đạo để đắc, không có pháp để nắm, không có pháp để bỏ.

“Bởi thế, lão tăng này nói rằng: Trước mắt không có pháp, trước mắt là ý. Cái kia chẳng phải là pháp trước mắt. Nếu hướng về phía Phật, Tổ mà học thì người đó chưa ở chỗ đầy đủ con mắt. Sao thế? Vì đều thuộc về chỗ nương dựa, chẳng có tự tại, đó chỉ là gốc rễ sanh tử mang mang, là cái thức tánh trói buộc. Ngàn dặm muôn dặm tìm cầu thiện trí thức, phải cần đầy đủ cái Chánh Nhãn, cầu thoát cái Thấy Biết sai dối. Xác định lấy sanh tử trước mắt là thực có hay là thực không? Ai mà định được, cho người ấy thoát thân! Người thượng căn nghe xong, rõ Đạo; người trung, hạ căn lại bôn ba theo sóng. Sao chẳng hướng về trong sanh tử mà định ngay ra? Còn chỗ nào đi mong Phật, mong Tổ dẹp bỏ Sanh Tử cho nữa bây giờ! Người trí cười vào mũi ông.

Như chưa chịu hiểu thì nghe bài tụng:

“Nhọc giữ pháp sanh tử

Chỉ hướng phía Phật cầu

Mê Chánh Lý trước mắt

Khươi lửa tìm bọt sao?”.

Chỗ này có thể làm cái cân để định Chánh Quán hay Tà Quán vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]