Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Thập Tín

23/11/201217:05(Xem: 13460)
02. Thập Tín

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG IV:KHAI THỊ CÁC ĐỊA VỊ TU CHỨNG

Mục 2: An Lập Các Thánh Vị

 

II. THẬP TÍN

Kinh: “Cái tập khí của ngũ dục mới khô cạn chưa tiếp thông được với dòng nước pháp của Như Lai. Tức nhân tâm này, ngay giữa lần vào Viên Diệu mở bày, theo Diệu Giác Viên chân thật, càng phát ra chân diệu. Diệu Tín thường trụ, tất cả vọng tưởng hết sạch chẳng còn. Trung Đạo thuần Chân, gọi là Tín Tâm Trụ.

Thông rằng: Ngay giữa lần vào, chẳng nghiêng về Không, chẳng nghiêng về Giả, đó là Trung Đạo Diệu Quán vậy. Vừa mới vào Quán, Tam Đế viên dung, như ba điểm của chữ Y ( ) nên gọi là Viên Diệu, đây là chỗ sức người có thể làm. Nơi Quán đã thành, theo cái Chân phát ra Diệu, khế hợp với lý Viên, nên gọi là Diệu Viên, đây là chỗ sức người không thể đáp ứng nổi.

Trung Đạo thì y nơi Chân, Diệu thì có cái chẳng phải do Chân. Từ Chân phát ra Diệu thì Diệu đó là Chân Diệu. Diệu mà chẳng phải do Chân nên chẳng thể Thường. Trung Đạo thuần Chân nên Diệu ấy thường trụ. Cái Diệu đã thường trụ thì hết thảy vọng tưởng không còn đất để chân vậy. Cái gọi là Diệu ấy chỉ riêng người ấy rõ biết ý thú của Diệu này, không thể dùng lời nói chỉ bày cho người được. Đức tin này rất chân thật nên gọi là Tín Tâm Trụ.

Tổ Quy Sơn nói với Ngài Ngưỡng Sơn: “Ông nên riêng tự hồi quang phản chiếu, người khác không biết chỗ tri giải của ông. Ông thử đem cái kiến giải chân thật trình lão tăng xem!”

Ngài Ngưỡng Sơn nói: “Như dạy con tự xem thì vào trong ấy không có viên vị, cũng không có một vật, một giải nào để trình Hòa Thượng”.

Tổ Quy nói: “Chỗ không có viên vị là chỗ kiến giải của ông thì chưa rời tâm, cảnh”.

Ngài Ngưỡng Sơn nói: “Đã không viên vị, chỗ nào có pháp? Lấy không vật làm cảnh”

Tổ Quy nói: “Vừa rồi, chính ông có kiến giải ấy, phải không?”

Ngài Ngưỡng đáp: “Dạ, phải”.

Tổ Quy nói: “Nếu như thế thì đầy đủ tâm, cảnh lẫn pháp, chưa thoát khỏi tâm Ngã-Sở. Nguyên vì có kiến giải trình tôi. Cho ông rõ được Tín Vị, còn Nhân Vị thì chưa!”

Về sau, Ngài Ngưỡng Sơn hỏi Ngài Song Phụng: “Sư đệ, gần đây chỗ thấy thế nào?”

Đáp rằng: “Theo chỗ thấy của tôi, thật không có một pháp để lưu tình”.

Ngài Ngưỡng nói: “Kiến giải của ông còn ở trong Cảnh”.

Đáp rằng: “Tôi chỉ như vậy. Sư huynh thì sao?”

Ngài Ngưỡng nói: “Ông há chẳng biết “Không có một pháp để lưu tình” ư?”

Tổ Quy Sơn nghe được, nói: “Một câu của Huệ Tịch e giết hết người trong thiên hạ”.

Xét nghiệm như vậy, chẻ bửa như vậy mới biết “Theo Tánh Chân Thật, Diệu Viên càng phát ra Chân Diệu”. Cái chỗ Chân Tín cách nhau xa hẳn với con đường tri giải vậy.

Kinh: “Chân Tín sáng rõ, hết thảy viên thông. Ba thứ Ấm, Xứ, Giới không thể ngăn ngại. Như vậy cho đến trong vô số kiếp quá khứ, vị lai tất cả tập khí bỏ thân, thọ thân đều hiện ra trước mắt, người thiện nam này đều có thể nhớ tưởng không quên mất, gọi là Niệm Tâm Trụ.

Thông rằng: Niệm Tâm Trụ ở trong Thập Tín này là Túc Mạng Thông. Trước có nói “Cấm Giới thành tựu, sáu Căn thanh tịnh không cần Thiên Nhãn, xem thấy mười phương túc mạng thanh tịnh, được không khó khăn nguy hiểm, cũng lần lần ra khỏi ngăn ngại” Ở đây, cả quá khứ, vị lai trong vô số kiếp đều có thể tưởng nhớ, ắt viên thông sáng rõ. Đây là trong Chân Tín phát khởi, Tánh Không đâu chẳng toàn khắp, nên suốt thông không đâu chẳng thấu đến. Đây là đã chứng Chân nên địa vị “Tương Tự” chẳng thể sánh được. Không chứng Chân thì Ấm, Xứ, Giới làm ngăn ngại, nên không thể thông suốt. Nay nắm giữ cái tâm rỗng sáng; căn, cảnh chẳng dính nhau, lâu ngày thì Chân Diệu một mình bày lộ, siêu vượt lên căn, cảnh. Do đó, tất cả tập khí do Tư Hoặc kết thành như quá khứ bỏ thân, vị lai thọ thân đều rõ ràng trước mắt, mà không quên mất.

Cái Niệm Tâm vốn thuộc sanh diệt, nay lấy Chân Tín mà nắm giữ nó thì niệm cũng an trụ, tức niệm tức Chân, lấy Chân, Vọng dung nhau thành một. Túc Mạng Thông từ bậc A La Hán cho đến cõi Phi Phi Tưởng, các ngoại đạo thì biết trước sau đến tám vạn kiếp. Nhưng vô số kiếp tức là A Tăng Kỳ kiếp thì ngoài Phật không ai chứng được. Xứ này, người biết quá khứ thì cũng đã có, còn người biết vị lai thì không nhiều.

Thiền sư Huệ Trung ở núi Ngưu Đầu nghe thiền sư Uy ra đời bèn đến thăm.

Thiền sư Uy vừa thấy, nói rằng: “Sơn chủ đến vậy”.

Ngài Huệ Trung cảm ngộ, ở lại hầu hạ.

Sau này, Huệ Trung xin đi các nơi tham học.

Một hôm, thiền sư Uy thấy cây Lăng Tiêu nơi Viện Cụ Giới gặp mùa Hạ nên héo úa. Có người muốn chặt đi, Ngài bảo: “Đừng chặt, khi Huệ Trung về, nó sẽ sống lại!”

Sau, Ngài Huệ Trung trở về, quả như lời nói, bèn giao Sơn Môn cho Huệ Trung.

Lại như Ngài Linh Thọ, suốt hai mươi năm không có Thủ Tòa. Ngài thường nói: “Thủ Tòa của ta đã sanh rồi! Thủ Tòa của ta đang chăn trâu! Thủ Tòa của ta đang hành cước!”

Một hôm, bảo đánh chuông, ra ngoài tam môn tiếp đón vị Thủ Tòa. Đại chúng ra đón thì quả là Ngài Vân Môn đến, bèn mời thẳng vào liêu Thủ Tòa.

Mở gói hành lý xong, trình thơ cho Tổ Linh Thọ, viết rằng: “Đây là vị Thủ Tòa trong chùa, con mắt của trời, người”.

Ngài bèn mời Tổ Vân Môn khai đường.

Hai vị tôn túc trên, có thể nói là đắc Niệm Tâm Trụ.

Kinh: “Diệu Viên thuần Chân, Chân Tinh phát hóa ra, các tập khí vô thủy thông thành một Tinh Minh. Chỉ nhân Tinh Minh ấy tiến đến chỗ Chân Tịnh, gọi là Tinh Tiến Tâm.

Thông rằng: Từ Chân Tín lần vào nên có thể tưởng nhớ. Từ Thuần Chân lần vào nên được cái Tinh Minh. Chân hay chuyển hóa cái Vọng thì Chân Tinh phát hóa là không thể nghĩ bàn, nên tập khí từ vô thủy hóa thành Tinh Minh. Ở trước nói “Tập khí hiện tiền”, đến đây hóa thành Tri Giác Vô Thượng vậy. Tịnh mà đối với nhiễm thì chưa là Chân Tịnh. Chẳng dơ, chẳng sạch mới là Chân Tịnh. Nhân dùng cái Tinh Minh này tiến đến Chân Tịnh, ấy là muốn dẹp bằng dấu vết của cái “Thông thành một Tinh Minh” mà đều chuyển hóa hết vậy. Sự chuyển hóa này chẳng thể làm được thì sự Tiến cũng chẳng Tinh vậy.

Nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá: “Thế nào là Tinh Tiến?”

Tổ Bá nói: “Thân tâm chẳng khởi, đó là Tinh Tiến mạnh mẽ đệ nhất. Vừa khởi Tâm hướng ngoài tìm cầu thì gọi là “Vua Ca Lợi ưa đi săn bắn”. Tâm chẳng đi rong ở ngoài tức là “Tiên nhơn nhẫn nhục”. Thân tâm đều không, đó là Phật đạo”.

Kinh Pháp Cú nói: “Nếu khởi tâm Tinh Tiến, đó là vọng chứ chẳng phải Tinh Tiến. Nếu Tâm thường chẳng vọng, đó là Chân Tinh Tiến”.

Ngài Thiên Thai Trí Giả tụng kinh Pháp Hoa ở núi Nam Nhạc đến chỗ phẩm Dược Vương: “Đó là Chân Tinh Tiến, đó gọi là Chân Pháp cúng dường Như Lai”, ngay đó ngộ nhập Pháp Hoa Tam Muội, được gọi là Toàn Đà La Ni, thấy Pháp Hội Linh Sơn rõ ràng chưa tan.

Đây có thể nói là tập khí vô thủy thông thành một Tinh Minh vậy. Hẳn là tiến đến chỗ thân tâm đều Không, mới gọi là Chân Tịnh. Lìa ngoài Chân Tịnh mà riêng cầu chuyện tinh tiến đó là vọng vậy.

Kinh: “Tâm Tinh hiện tiền, thuần dùng Trí Huệ, gọi là Huệ Tâm Trụ.

Thông rằng: Càn Huệ Địa ở trước sao không gọi là Huệ Tâm Trụ? Trước nói: “Nắm giữ Tâm rỗng sáng”, là còn có nắm giữ vậy. Đây nói: “Tâm Tinh hiện tiền”, tức là cái nắm giữ đã chuyển hóa rồi vậy. Trước nói: “Thuần là Trí Huệ”, tức còn mang lấy cái “Là”. Đây nói: “Thuần dùng Trí Huệ”, tức đâu đâu cũng là cái dùng của Trí Huệ, đều mất cái Là vậy.

Chỗ này nếu chẳng phải Tinh Minh rõ suốt, linh quang hiển hiện thì chưa dễ nói ra được. Ban đầu thì nói có cái Trí Huệ ấy. Đến chỗ thuần là Trí Huệ thì có mà an trụ rồi, lại tiến thêm một bước.

Trong thiền môn thuần dùng Trí Huệ, duy chỉ có một tay Lâm Tế thật khó gặp một người thứ hai. Ngài thường nói: “Sơn tăng chốn này đoán định ba thứ Căn Khí: như hàng căn khí trung hạ đến, ta bèn đoạt Cảnh nó mà chẳng trừ Pháp nó. Nếu là hàng căn khí trung thượng đến, ta bèn Cảnh, Pháp đều đoạt. Như có người căn khí thượng thượng đến, ta bèn Cảnh, Pháp, Người đều đoạt. Như có người kiến giải xuất cách đến thì sơn tăng chốn đây bèn toàn thể tác dụng, chẳng cần Căn Khí. Các Đại Đức, đến trong ấy mà chỗ nỗ lực của học nhơn chẳng thông rõ phong đại, lửa đá, chớp xẹt tức qua liền vậy. Người học mà con mắt định nếu động, liền mất giao thiệp. Tâm nghĩ tức sai, động niệm tức trái! Có người nào rõ biết, chẳng lìa trước mắt. Các Đại Đức, các ông mang bát phẩn, vác con chạy nhà người, cầu Phật, cầu Pháp tức nay cùng cái gì chạy tìm thế? Các ông chẳng biết nó chăng? Sống sờ sờ ra đó, chỉ cái chẳng bám níu. Ôm lấy chẳng tụ, vứt đi chẳng tan. Tìm cầu liền mất xa, không cầu là trước mắt”.

Linh âm phó chúc bên tai, như chẳng có tin uổng nhọc trăm năm lần lữa. Như tin được “Sống sờ sờ ra đó” thì với Huệ Tâm Trụ đâu có xa!

Kinh: “Nắm giữ Trí sáng, lặng trong cùng khắp, lặng lẽ nhiệm mầu thường lắng đọng, gọi là Định Tâm Trụ.

Thông rằng: Đã thuần dùng Trí Huệ thì Huệ Tâm thường trụ, sao lại còn dùng sự nắm giữ? Nói nắm giữ ý là quên cơ bỏ trí. Trí Huệ thường dùng, dùng tức ứng vật, bèn ở trong thể lặng trong chẳng được Tổng Trì. Nay gom lại ánh sáng rực rỡ, giữ mà chẳng dùng. Như Tổ Lâm Tế nói: “Kiếm xuy mao dùng xong cần mài ngay!”, tức là trong Tánh Diệu Trạm được Tổng Trì vậy.

Tổng Trì tánh chẳng động thì thường lắng đọng. Phàm, tánh lặng trong, bản nhiên thanh tịnh, toàn khắp pháp giới, vốn không động lay, lặng mà chẳng phải lặng, chẳng đồng với tĩnh-chết, nước đọng, nên gọi là Tịch Diệu.

Cái Định Tâm Trụ này là “Khi Định thì Huệ ở tại Định”, hoàn toàn chẳng liên can gì với cái thuyết “Trước Định sau Huệ, trước Huệ sau Định” do sức người tu trì.

Ngài Trí Hoàng ban đầu ra mắt Ngũ Tổ, sau đó ở trong am ngồi thiền suốt hai mươi năm.

Ngài Huyền Sách, đệ tử của Lục Tổ, đến thăm, hỏi rằng: “Ông ở đây làm gì vậy?”

Đáp : “Nhập định”.

Ngài Sách nói: “Ông nói nhập định, là có tâm nhập hay không có tâm nhập? Nếu không tâm nhập thì tất cả vô tình cỏ cây, ngói đá cũng là đắc định. Nếu có tâm nhập thì tất cả hữu tình các loài hàm thức cũng đều đắc định”.

Ngài Hoàng nói: “Chính khi tôi nhập định chẳng thấy có tâm “Có-Không”.

Huyền Sách nói: “Chẳng thấy có cái tâm Có-Không, đó là thường định, nào có xuất nhập! Nếu có xuất, có nhập ắt chẳng phải là Đại Định”.

Trí Hoàng không đáp được.

Giây lâu hỏi rằng: “Thầy ông là ai?”

Ngài Sách đáp: “Thầy tôi là Lục Tổ”.

Trí Hoàng hỏi: “Ngài Lục Tổ lấy gì làm thiền định?”

Huyền Sách đáp: “Thầy tôi nói rằng: “Cái Diệu Trạm Viên Tịch, thể dụng như như. Năm Ấm vốn Không, sáu Trần chẳng có. Chẳng xuất chẳng nhập, chẳng định chẳng loạn. Tánh thiền không trụ, lìa trụ thiền tịch. Tánh thiền vô sanh, lìa sanh thiền tưởng. Tâm như hư không, cũng không có cái lượng hư không””.

Ngài Trí Hoàng nghe nói vậy, bèn đến ra mắt Lục Tổ, kể lại hết sự việc.

Lục Tổ nói: “Quả đúng như vậy. Ông chỉ Tâm như hư không, chẳng giữ không kiến, ứng dụng không ngại, động tĩnh vô tâm, tình phàm Thánh mất, Năng Sở đều tiêu. Tánh Tướng như như, không lúc nào mà chẳng là Định”.

Trí Hoàng ngay đó đại ngộ, cái tâm sở đắc trong hai mươi năm trọn chẳng có ảnh hưởng gì. Đêm ấy ở Hà Bắc [Chỗ ở của Ngài Trí Hoàng], quan dân nghe trên không có tiếng nói “Hoàng Thiền Sư ngày nay đắc Đạo!”

Ngài trở về Hà Bắc khai hóa cho bốn chúng.

Lại có vị tăng hỏi thiền sư Hiển Đoan: “Lắng đọng lặng trong thì như thế nào?”

Tổ Đoan nói: “Chẳng phải là chỗ an thân lập mạng của thầy Xà Lê”.

Hỏi: “Như sao là chỗ an thân lập mạng của học nhân này?”

Đáp : “Mây có thế ra núi, nuớc không tiếng vào khe”.

Ngay đây hiểu được thì hằng vắng lặng mà chẳng lìa hằng tỏ soi. Đủ biết Định Huệ là pháp môn không hai vậy.

Kinh: “Ánh sáng của Định phát ra vào sâu tánh sáng, chỉ có tiến chớ không lui, gọi là Bất Thối Tâm.

Thông rằng: Do Huệ vào Định, Định ấy chân chánh. Do Định phát sáng, cái sáng đó thâm sâu. Cái sáng không do định lực sanh thì nông cạn, không có gốc nên chẳng thể vào sâu. Nay Định Huệ giúp nhau nên tánh sáng càng thấu suốt, có chỗ nhỏ nhiệm nào mà chẳng soi, có chỗ mật nhiệm nào mà chẳng tột, cho nên có thể tìm đường hướng thượng. Tiến tới không thôi, chỉ có tiến không có lui, đủ để thấy ánh sáng ấy là sâu xa vậy. Nếu có chút chẳng sáng thì phải có ý thối lui. Địa vị chẳng thối này do Vô Minh từ vô thủy bị đào thải gần hết, không thể bị chao động lầm lạc, cho nên chẳng thể lui sụt vậy.

Ngài Càn Phong thượng đường rằng: “Pháp Thân có ba loại bệnh, hai loại ánh sáng. Mỗi mỗi cần phải thấy suốt mới hiểu việc về nhà ngồi yên. Cần biết lại còn có hướng thượng nhất khiếu nữa”.

Ngài Vân Môn bước ra hỏi: “Người trong am cớ sao không biết chuyện ngoài am?”

Tổ Phong ha hả cười lớn.

Vân Môn thưa : “Đó cũng là chỗ nghi của kẻ học nhơn này.”

Tổ Phong nói : “Ông là cái tâm hạnh nào đó?”

Vân Môn nói : “Cũng xin Hòa Thượng giải quyết cho”.

Tổ Phong nói : “Ngay đây cần cái gì thêm nữa mới hiểu chỗ ngồi yên?”

Ngài Vân Môn cất tiếng: “Dạ, dạ”.

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng: “Ngồi kẹt, bệnh hết thuốc chữa. Dùng kẹt, ánh sáng chẳng thấu thoát. Dầu cho tung hoành ngang dọc, toàn chuyển nhất-cơ cũng là chưa biết còn một cái Hướng thượng nhất khiếu. Còn được cái địa vị ngồi yên đấy chăng? Rốt cùng, sương trăng tối, mặc nhiên rớt đầu khe”.

Vân Môn thật là người trong cửa, còn chẳng biết việc ngoài cửa bởi vì đắc “Địa vị ngồi yên”. Nếu chưa đến chỗ phần hạn của Vân Môn thì phải hướng về câu nói của Tổ Càn Phong nhai nhấm một phen mới rõ đường mạch chân thật của Bất Thối Tâm.

Kinh: “Tâm an nhiên tiến tới, giữ gìn chẳng mất, giao tiếp với khí phần của mười phương Như Lai, gọi là Hộ Pháp Tâm.

Thông rằng: Định Huệ dung nhau vào bất sanh diệt. Tâm mà không cái tâm, tiến mà không chỗ tiến. Một niệm tương ưng, không có tạo tác nên nói là an nhiên. Chưa đến chỗ an thì còn mượn sự nỗ lực gìn giữ. Đã đến chỗ an thì gìn giữ chẳng mất vậy.

Nói rằng chẳng mất là chẳng mất vật gì? Giữ gìn là giữ gìn việc gì? Đây là mạng mạch của Chư Phật, xuyên suốt mười phương. Nay ta đã được Tổng Trì, ắt mạng mạch của Chư Phật là ở ta, tinh thần có thể thông nhau, khí phần tự nhiên giao tiếp. Khí phần của ta giao tiếp với Phật, đó là ta hộ trì Chánh Pháp của Như Lai. Khí phần của Phật giao tiếp với ta, đó là Phật hộ trì Chánh Pháp của ta. Đến chỗ này thì Tư Hoặc về ba cõi hết sạch, ấy là Chánh vị của sáu Căn thanh tịnh vậy. So với Đại Phẩm là tương đương với Phật Địa, nên nói là “Chỗ hộ niệm của Chư Phật”.

Xưa, Đức Lục Tổ giặt áo trên tảng đá bỗng có một nhà sư đến lễ bái, bạch rằng : “Tên là Phương Biện, người xứ Tây Thục, mới rồi ở Nam Ấn mộng thấy Tổ Sư Đạt Ma phú chúc rằng “Phương Biện hãy qua ngay Trung Thổ, ta truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng từ Đại Ca Diếp và y Tăng-Già-Lê nay đã đến đời Thứ Sáu ở Thiều Châu Tào Khê, ông đến đó mà chiêm lễ”. Phương Biện này từ xa đến mong được thấy y bát của Tổ Sư truyền lại”.

Lục Tổ bèn đưa cho xem.

Đây là một chứng nghiệm về khí phần giao tiếp.

Ngài Phong Huyệt ban đầu đến Tổ Hoàng Long.

Tổ Long hỏi : “Sừng đá xuyên đường mây, ý nghĩa ấy thế nào?”

Ngài Huyệt đáp: “Ráng hồng lồng tượng ngọc. Ngăn che chiếu đầu sông”.

Tổ Long nói : “Theo nhau đến vậy”.

Ngài Huyệt nói: “Hòa Thượng nói nho nhỏ!”

Ngài Đầu Tử tụng rằng:

“Chỗ tối châu ngời vô giá treo

Đêm khuya định nắm mộc nhân [Người gỗ] xeo

Ai ngờ lại bị trâu bùn thấy

Nuốt trọn ráng hồng sóng biếc theo”.

Nhà nghề gặp nhau thì chưa từng chẳng lấy sự hộ trì trân trọng mà khuyên gắng. Chỗ này cũng có thể thấy tâm hộ pháp của chư vị vậy.

Kinh: “Giữ gìn tâm giác sáng có thể dùng diệu lực xoay Từ Quang của Phật lại nơi mình và hướng về Phật mà an trụ, như hai tấm gương ánh sáng đối nhau, trong ấy các bóng nhiệm mầu trùng trùng tương nhập, gọi là Hồi Hướng Tâm.

Thông rằng: Xoay Từ Quang của Phật lại là xoay Quả mà hướng về Nhân vậy. Hướng về Phật mà an trụ là xoay Nhân mà hướng về Quả vậy. Quả, Nhân một niệm khế hợp thì ánh sáng giao nhau, nhập vào nhau, chỗ nhiệm mầu này khó dùng lời lẽ tỏ bày. Chỉ có cái diệu lực chứ chẳng liên quan đến công phu. Ánh sáng nhân tâm Từ mà hiển, chẳng cần phương tiện. Chỗ trụ đồng với Phật, nên không còn thứ bậc. Bổn Giác và Thủy Giác hai cái Giác dung hòa lẫn nhau, ví như ánh sáng đối nhau trong hai tấm gương. Có cái diệu lực này mới có diệu ảnh này. Giữ gìn tâm Giác sáng, không trở lại cái biết hư vọng thì cái Minh này là Diệu Minh vậy. Diệu Minh minh diệu, một tức tất cả, tất cả tức một, diệu ảnh trùng trùng dung nhập vào nhau. Nói là diệu ảnh thì chẳng phải ảnh của tiền trần hay pháp trần. Ở đây, ảnh trộn lẫn trong ánh sáng, ánh sáng cũng hòa lẫn nơi ảnh, tương tự Một Trí Đại Viên Cảnh vậy.

Xoay Trí Phật làm trí mình, xoay trí mình về trí Phật, tâm tâm chế nhau, gần như đồng với Phật há chỉ có khí phần giao tiếp thôi ư!

Tổ Quy Sơn một hôm bảo các học trò trình ra chỗ hiểu biết.

Tổ nói: “Ngoài Thanh-Sắc, cùng ta thấy nhau”.

Ngài Ngưỡng Sơn qua ba lần trình lời đều nói: “Như hai mặt kính soi nhau, trong đó không có hình tượng”.

Tổ Sơn nói: “Lời này chân chánh nhưng ta phải mà ông chẳng phải, vì đã sớm lập hình tượng rồi”.

Ngưỡng Sơn lại hỏi Tổ: “Con tinh thần tối tăm, đối đáp vụng về. Chưa rõ Hòa Thượng khi ở với Sư Ông Bách Trượng trình lời ra sao?”

Tổ Quy Sơn nói: “Khi ở với Tiên Sư Bách Trượng, ta trình lời như vầy: “Như trăm nghìn gương sáng soi hình tượng, bóng sáng chiếu nhau, trần trần, sát sát, mỗi mỗi chẳng mượn nhau””.

Ngài Ngưỡng Sơn liền lễ tạ.

Hai vị tôn túc khéo nói Lăng Nghiêm. Một đằng như hai tấm gương ánh sáng đối nhau. Một đằng như diệu ảnh trùng trùng tương nhập. Hợp lại mà nói, ý nghĩa mới đầy đủ.

Tổ Tuyết Phong thượng đường: “Cần rõ việc này, như gương xưa trên đài, (người) Hồ đến Hồ hiện, Hán đến Hán hiện”.

Ngài Huyền Sa ra khỏi chúng, nói: “Bổng gặp gương sáng đến thì thế nào?”

Tổ Phong nói: “Hồ, Hán đều ẩn”.

Ngài Huyền Sa nói: “Gót chân lão Hòa Thượng còn chưa chấm đất!”

Biết được vì sao Ngài Huyền Sa không chịu lời Tổ Tuyết Phong thì biết ngay chỗ Ngài Ngưỡng Sơn lễ tạ Tổ Quy Sơn vậy.

Kinh: “Tâm quang thầm xoay lại, được chỗ thường lắng đọng Vô Thượng Diệu Tịnh của Chư Phật, an trụ vô vi, được không bỏ mất gọi là Giới Tâm Trụ.

Thông rằng: Tâm quang thầm xoay lại, hướng về Phật mà an trụ được thường lắng đọng tịch diệu của Chư Phật, đối cảnh mà chẳng động. Được chỗ Vô Thượng Diệu Tịnh của Phật thì giao thiệp với trần mà chẳng nhiễm. Đây là Tự Tánh Thiên Chân Phật, vô vi chân thật vậy. An trụ trong đó thì không tạo không làm, không chứng không đắc. Phàm có được ắt có mất, không được thì không mất. Có mất thì cần dùng Giới. Không mất thì đâu cần dùng Giới. Tự Tánh vô vi, tức đó là Giới. Giới mà không có chỗ Giới, đó là Chân Giới. Giới này tại tâm quang, chỗ âm thầm xoay lại mà gọi là mật vì không thể lấy ý thức đo lường, há có thể nói đồng với Giới Luật tầm thường sao? Tức Giới tức Định, tức Giới tức Huệ, chỉ một thể mà khác danh thôi.

Xưa, Ngài Thạch Đầu ban đầu đến Tổ Thanh Nguyên tham lễ.

Tổ Nguyên nói : “Ông chốn nào đến?”

Đáp: “Tào Khê”.

Tổ Nguyên nói: “Đem được cái gì đến vậy?”

Đáp : “Chưa đến Tào Khê cũng chẳng mất”.

Tổ Nguyên nói: “Nếu như thế, đến Tào Khê làm gì?”

Đáp: “Nếu không đến Tào Khê, sao biết là chẳng mất”.

Ngài Thạch Đầu lại nói: “Đại Sư ở Tào Khê có biết Hòa Thượng không?”

Tổ Nguyên nói : “Nay ông có biết tôi chăng?”

Đáp : “Biết thì lại làm sao biết được?”

Tổ Nguyên nói: “Loài có sừng tuy nhiều mà một con kỳ lân là đủ rồi vậy”.

Về sau, Tổ Dược Sơn một hôm đang ngồi trên tảng đá, Ngài Thạch Đầu hỏi : “Ở trong ấy làm gì thế?”

Ngài Sơn nói : “Một vật cũng chẳng làm”.

Ngài Đầu nói : “Như thế là ngồi chơi (nhàn tọa) vậy”.

Ngài Sơn nói : “Nếu ngồi chơi tức là làm”.

Ngài Đầu : “Ông nói chẳng làm là chẳng làm cái gì?”

Ngài Sơn nói : “Ngàn Thánh cũng chẳng biết”.

Ngài Thạch Đầu nhân đó dùng kệ ca ngợi rằng:

“Xưa nay cùng ở chẳng hay danh

Nhậm vận cùng nhau chỉ thế hành

Từ cổ Thánh Hiền còn chẳng rõ

Phàm phu há biết, nhọc lăng xăng”.

Ngài Đơn Hà tụng rằng :

“Huyền vi cùng tận vốn an nhiên

Nếu cho y rộng tám vạn thiên

Trăng in sông lặng, nào tăm cá

Đâu mệt ông câu thả lưới nôm”.

Xem chỗ nói “Chẳng làm” của Ngài Dược Sơn, chỗ nói “Chẳng mất” của Ngài Thạch Đầu thì rốt ráo chẳng thể đo lường hiểu biết, ấy khá mật nhiệm vậy. Có thể qua cửa ải này bèn được chỗ thường lắng đọng vô thượng diệu tịnh của Phật, có thể gọi là Giới Tâm Trụ.

Kinh: “Trụ giới tự tại có thể dạo khắp mười phương, đến đâu tùy nguyện, gọi là Nguyện Tâm Trụ.

Thông rằng: Trụ Giới tự tại thì quên luôn cái gì là Giới. Thường lắng đọng nơi Chân Tịnh, thích gì mà chẳng được, nên có thể đi dạo khắp mười phương, đến đâu tùy nguyện. Trong Viên Giáo của Thiên Thai Tông, nếu chưa đoạn Vô Minh thì sanh sang cõi Đồng cư, gọi là Nguyện Sanh, quả là phù hợp với đoạn kinh này. Thiên Thai Tông lại nói hàng Thập Tín ra khỏi Giả Quán mà làm lợi ích cho chúng sanh. Đoạn này nói “Dạo khắp mười phương” thì cũng hợp với nghĩa ấy.

Thiền sư Thủ Sơn Niệm vào giờ Ngọ, ngày mồng Bốn, tháng Chạp năm Thứ Ba niên hiệu Thuần Hóa, thượng đường nói bài kệ:

“Năm nay sáu mươi bảy

Già bệnh tùy duyên qua tháng ngày

Năm nay ghi nhớ việc năm sau

Năm sau nhớ rõ sáng hôm nay”.

Đến ngày tháng của năm sau không sai chạy, thượng đường từ biệt đại chúng, rồi nói bài kệ:

“Thế giới bạch ngân vàng sắc thân

Tình với vô tình cùng Nhất Chân

Sáng, tối hết rồi đều chẳng chiếu

Mặt trời sau Ngọ trọn bày thân”.

Rồi an tọa mà tịch.

Đệ tử của Ngài Phần Dương Chiểu có tình cố cựu với Doãn Lý Hầu ở phủ Long Đức. Hầu sai người đến chùa Thừa Thiên mời Ngài. Sứ giả ba phen mời không được, bị phạt nên muốn được Ngài cùng đi.

Ngài cười rằng: “Cái nghiệp của lão tăng là chẳng ra khỏi chùa ba mươi năm nay rồi. Nếu đi thì phải có trước sau, cần gì cùng một lúc!”

Rồi bảo thiết trai, chuẩn bị hành lý và bảo đại chúng: “Lão tăng đi đây, người nào theo được?”

Một vị tăng bước ra thưa: “Con theo được”.

Ngài bảo: “Mỗi ngày ông đi mấy dặm?”

Vị tăng đáp: “Năm mươi dặm”.

Ngài nói : “Ông theo ta chẳng được!”

Lại có một vị tăng bước ra, nói: “Con theo được”.

Ngài bảo: “Mỗi ngày ông đi mấy dặm?”

Vị tăng đáp: “Bảy mươi dặm”.

Ngài nói: “Ông cũng theo ta chẳng được”.

Vị thị giả bước ra nói: “Con theo được, Hòa Thượng đến đâu con đến đó”.

Ngài bảo: “Ông theo được đó”.

Nói xong Ngài bảo với sứ giả rằng: “Tôi đi trước nghe”. Rồi vui vẻ ngồi tịch. Vị thị giả liền đứng mà tịch.

Đây chẳng phải là “Đến đâu tùy nguyện” ư? Chẳng phải đã chứng Thập Tín thì chưa dễ đến chỗ này. Tin là chân thật không hư vọng, vì tương ưng với Thật Tế Lý Địa vậy. Nên có câu: “Chỉ một sự thật này, dư hai ắt chẳng Chân”. Ban đầu ắt Dục Ái cạn khô, giữ tâm rỗng sáng rồi sau mới có thể vào Chân Tánh Diệu Viên. Chân Tánh phát hóa, tập khí nhỏ nhiệm đều dung thông. Lại nhờ Định Huệ mà giữ gìn, lấy sự Hộ Trì mà tiến tới; xoay Từ Quang của Phật, được Tịnh Giới của Phật. Từ đó, sanh vào nhà Như Lai, mà chỗ đi tùy nguyện vậy. Thập Tín chẳng phải là Thập Trụ nhưng tại sao đều gọi là Trụ? Bồ Tát Vô Trước lập ra mười tám địa vị, phán định địa vị trước sau của kinh Kim Cương, do đó bậc Sơ Trụ cũng được gọi là Trụ, vì y vào Trí Vô Trụ, vĩnh viễn chẳng bị thối chuyển, nên được cái tên Trụ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]