Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phụ Lục

23/11/201217:05(Xem: 13931)
Phụ Lục

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

PHỤ LỤC

Kinh Lăng Nghiêm nói rằng “Từ Văn, Tư, Tu vào Tam Ma Địa. Ban đầu ở trong cái Nghe, vào dòng mất Sở. Chỗ vào đã lặng, hai tướng động tĩnh rõ ràng chẳng sanh. Như thế tăng dần, cái Nghe và chỗ Nghe hết, cũng không trụ vào cái hết Nghe này, thì cái Giác và chỗ Giác đều không. Cái không Giác cùng tột tròn vẹn, thì năng không và sở không đều diệt. Sanh diệt đã diệt, Tịch Diệt hiện tiền”.

Đây là cửa vào Đạo của Bồ Tát Quán Thế Âm, lý rất tinh thâm, ngôn ngữ luận bàn chẳng tới nổi.

Tôi tình cờ cùng pháp sư Càn đàm luận, thấy có ý vị, nhân thuật ra đây.

Chỗ nói rằng “Từ Văn, Tư, Tu mà vào Tam Ma Địa” là nói từ việc “Xoay lại cái Nghe” mà xuy xét (Tư); từ xoay lại cái Nghe mà Tu. Tức từ xoay lại cái Nghe mà thể nhập, cho đến địa Chánh Định chẳng sanh chẳng diệt. Tam Ma Địa này vốn không động lay, lặng trong thường tịch. Chỉ vì cảm theo thanh trần, nên cái căn nghe dính che tánh trong lặng mà khởi ra, cho đến nghe tiếng rồi đuổi theo tiếng, trôi lăn mà quên trở lại, cách lìa hẳn với Tam Ma Địa rồi vậy.

Như chỉ từ Văn, Tư, Tu mà vào, thì tánh Nghe tức là Lý, Tư là Trí, Tu là Hạnh. Ba đức Lý, Trí, Hạnh viên dung, cùng đến một lúc. Cho nên, hễ xoay lại cái Nghe thì Tư (suy xét) đã ở trong ấy rồi; hễ xoay lại cái Nghe thì Tu đã ở trong ấy rồi. Cái Thánh Huệ Tư, Tu từ chỗ xoay lại cái Nghe mà sanh, bước bước về Chân, địa địa tăng tiến, như văn đoạn sau nói rõ, đó là thứ tự vào Tam Ma Địa.

Ban đầu, ở trong cái Nghe, ngược dòng mà xuôi vào: chẳng vào thanh trần mà vào dòng Thánh, tức cùng Tự Tánh nương nhau, ngoài mất đi cái Sở.

Phàm cảm nhận thanh trần hẳn phải có cái Sở, nay tuy mất cái Sở, còn chưa vắng lặng được. Đang khi tiếng động, thì thấy có tướng động mà muốn cho mất đi. Đang khi tiếng im lặng thì thấy có tướng tĩnh mà muốn theo trụ vào. Hai tướng động tĩnh rõ ràng nên chưa có thể vắng lặng. Tuy từ chỗ mất đi cái Sở mà nhập vào cho đến chỗ tịch nhiên, mà cái động tự nó động, ta chẳng biết cái động ấy, thì tướng động nào có tự sanh? Cái tĩnh ấy là tự tĩnh, ta chẳng biết cái tĩnh, thì tướng tĩnh nào tự có sanh? Mất cái sở đến cùng cực, thì không chỉ tướng động bất khả đắc, mà tướng tịnh cũng bất khả đắc vậy.

Hai tướng động tĩnh đó là chỗ duyên ra của cái căn Nghe, nên là cái cảnh Sở Văn. Hai tướng chẳng sanh, rõ ràng sáng tỏ, đó cũng là cái căn Năng Văn. Mất cái Sở Văn thì dễ, mà mất cái Năng Văn thì khó. Như thế tăng dần, đi tới chẳng ngừng, đã mất cái Sở, lại mất cái Năng, thì cả Sở Văn và Năng Văn đều hết sạch. Sở Văn (Chỗ Nghe) là thanh trần. Từ chỗ mất cái Sở lần lần cho đến khi Sở Văn hết, rốt không có gì để nghe nữa, ắt thanh trần tiêu mất vậy. Năng Văn là cái căn Nghe. Từ vào dòng lần lần cho đến chỗ Năng Văn hết, rốt không còn cái Nghe ắt căn Nghe tiêu mất. Căn, Trần đều mất, quay về chỗ dứt tận. Có tướng hết để được, tức là chấp không. Nếu trụ nơi không, thì tuy được Sở Giác không mà chưa được Năng Giác không vậy. Nay ngoài hết sạch các Trần, trong hết sạch căn Nghe, như vậy chỗ hết nghe cũng không trụ bám, thì không chỉ Sở Giác không mà Năng Giác cũng không.

Sở Giác không, là nhân vô ngã. Năng Giác không, là pháp vô ngã. Chứng Nhân Vô Ngã dễ, chứng Pháp Vô Ngã khó. Phải lấy cái Chân Không Đại Thừa mà không thì Năng Giác mới không. Có cái không để không cái Giác, thì cái không chưa được toàn vẹn. Có cái Giác để giác cái không thì cái Giác chưa được viên dung. Độc chỉ lấy cái Không mà không cái Giác, cùng quên đi cái Không, lấy cái Giác mà giác cái Không, cùng quên đi cái Giác mới có thể gọi là Viên Dung vậy.

Nhưng như vậy còn chưa cùng cực. Cùng cực thì Không tức là Giác, cầu tướng Không chẳng thể có. Giác tức là Không, cầu tướng Giác chẳng thể có. Đó là Giác mà không có giác, Không mà không có không, nên mới là toàn vẹn rốt ráo. Độc chỉ Giác cùng cực tròn đầy, nên không có tướng giác để đắc, thì cái Sở Không diệt. Độc chỉ Không cùng cực, tròn đầy, nên không có tướng không để đắc, thì cái Năng Không cũng diệt. Sở Không diệt, đó là pháp không. Năng Không diệt, đó là không không. Năng Không, Sở Không đều chẳng sanh, mới gọi là “Sanh diệt đã diệt” vậy.

Còn tiếng thì có tiếng sanh, tiếng diệt. Còn cái Nghe thì có cái Nghe sanh, cái Nghe diệt. Còn cái Giác thì có cái Giác sanh, cái Giác diệt. Còn cái Không, thì có cái Không sanh, cái Không diệt. Đều là chưa lìa sanh diệt. Nay nhân không, pháp không, mà lại không không, phàm các thứ thuộc về sanh diệt đều đã diệt hết. Đó là chẳng sanh, chẳng diệt, một tánh Chân Như hiện bày trước mắt. Ôi, một tánh Chân Như sở dĩ chẳng hiện tiền, đều là do các pháp sanh diệt che khuất. Nay một mảy tơ sạch ráo, Chân Thể lộ bày, vốn tự tịch nhiên, vốn không có diệt, chẳng phải diệt dứt rồi sau mới diệt, nên gọi là Tịch Diệt.

Cái tánh tịch diệt này tùy chỗ hiển bày, chẳng cầu lìa tiếng mà tiếng tăm tự tịch diệt, chẳng cầu lìa nghe mà cái Nghe tự tịch diệt, chẳng cầu lìa giác mà giác tự tịch diệt, chẳng cầu lìa Không mà Không tự tịch diệt. Tịch diệt hiện tiền, chỗ nào chẳng Không ư?

Tam Ma Địa này, tức Đại Định Thủ Lăng Nghiêm, nên pháp môn Phản Văn, Xoay Lại Cái Nghe, là cương lĩnh bộ kinh này.

Đã được Tịch Diệt hiện tiền, phát khởi từ bi diệu dụng, thì há có pháp nào khác để độ người ư? Đời có người chưa được nhân không thì nói nhân không để độ. Đời có người chưa được pháp không thì nói pháp không để độ. Đời có người chưa được không không thì nói không không để độ. Cần yếu là về chỗ Tịch Diệt Hiện Tiền mà thôi vậy.

Đây là Nhất Tâm của Phật Phật, chẳng phải riêng gì Đức Quán Âm!

Chứng Đạo Ca của Ngài Vĩnh Gia nói:

“Tâm là căn, pháp là trần

Cả hai như dấu vết trên gương

Vết nhơ hết sạch, quang bày hiện

Tâm pháp đều vong, Tánh tức Chân”.

Đại ý là vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]