Tây Tạng Tự - Bình Dương
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư
PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG
CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU
Mục 5: Chỉ Pháp Viên Tu
I. PHÓNG HÀO QUANG, HIỆN ĐIỀM LÀNH
Kinh: Bấy giờ Đức Thế Tôn nơi tòa sư tử, từ trong năm vóc đồng phóng quang báu, rọi xa trên đảnh mười phương Như Lai số như vi trần cùng các vị Pháp Vương Tử và các Bồ Tát. Các Đức Như Lai kia cũng từ năm vóc đồng phóng quang báu, từ các thế giới số như vi trần đến rọi trên đảnh Phật, rót vào đảnh các vị Đại Bồ Tát và A La Hán trong hội; rừng cây ao hồ đều diễn pháp âm, ánh sáng giao nhau trùng trùng, như lưới tơ báu. Thảy trong đại chúng được cái chưa từng có, tất cả đều được Kim Cương Tam Muội. Liền khi ấy, trời mưa hoa sen trăm báu, xanh, vàng, đỏ, trắng xen nhau lẫn lộn, mười phương hư không thành sắc bảy báu. Núi sông, đất đai cõi Ta Bà này đồng thời chẳng hiện, chỉ thấy cõi nước vi trần mười phương hợp thành một cõi, phạm âm ca ngợi tự nhiên nổi khắp.
Thông rằng: Các vị Bồ Tát, A La Hán chứng Viên Thông đều đã nhập vào cảnh giới bất khả tư nghì, cho nên Đức Phật từ trong cái Bất Tư Nghì hiện khởi điềm lành, ứng ra quang báu. Cả hai Chánh Báo và Y Báo đều hiển Viên Thông. Chánh Báo là năm vóc phóng quang, Phật Phật chẳng khác, hiển thị hai mươi lăm chỗ viên thông, thảy thảy là Đạo. Mỗi người ai cũng đủ hình vóc, nhưng Phật mới được toàn thể. Y Báo là ánh sáng giao nhau trùng trùng, như lưới tơ báu, cho đến mười phương hư không thành sắc bảy báu, hiển bày mười tám giới, bảy Đại đều là Như Lai Tạng Chân Như Diệu Tánh, giao nhau hòa lẫn, đồng một Biển-Không Sáng Báu (Bửu Minh Không Hải) vậy. Cõi Ta Bà này hợp thành một cõi, là cái tượng “Trần tiêu, trở lại Tánh Nghe (Trần tiêu Văn phục)” vậy. Rừng cây ao hồ đều diễn pháp âm, là cái tượng “Thuần Âm, không Trần” vậy. Cái Bảo Giác tròn sáng cùng khắp pháp giới, đã âm thầm xem sự Phản Văn xoay về Tánh Nghe làm Đệ Nhất Cơ vậy.
Sư Động Sơn đến Tổ Ngụy Sơn, hỏi rằng : “Từng nghe Trung Quốc Sư có việc vô tình thuyết pháp, tôi chưa rõ thấu chỗ vi diệu ấy”.
Tổ Ngụy nói: “Ta trong ấy cũng có, chỉ thật khó được người”.
Sư nói: “Xin thỉnh Hòa Thượng nói”.
Tổ Ngụy nói: “Cái miệng cha mẹ sanh, rốt chẳng vì ông nói”.
Hỏi rằng: “Lại có ai mộ đạo cùng thời với Thầy chăng ?”
Tổ Ngụy rằng: “Thạch thất cách liền đây, có Vân Nham đạo nhân. Nếu có thể tìm đến ra mắt thì hẳn thỏa mãn ý nguyện của ông”.
Sư đến Tổ Vân Nham, hỏi rằng: “Vô tình thuyết pháp, kẻ nào được nghe?”
Tổ Nham đáp: “Vô tình được nghe”.
Hỏi: “Hòa Thượng lại nghe chăng?”
Tổ Nham nói : “Tôi nếu nghe, ắt thầy chẳng nghe tôi thuyết pháp vậy”.
Hỏi: “Tôi đây vì sao chẳng nghe?”
Tổ Nham dựng đứng phất tử, nói: “Lại nghe chăng?”
Đáp: “Chẳng nghe”.
Tổ Nham nói: “Ta thuyết pháp ông còn không nghe huống là vô tình thuyết pháp”.
Hỏi: “Vô tình thuyết pháp, kinh giáo nào nói?”
Tổ Nham nói: “Há chẳng thấy kinh Di Đà nói: nuớc, chim, cây rừng thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, cây cỏ vô tình hòa tấu vui ca”.
Thầy Động Sơn ngay đó tỉnh ngộ, mới thuật bài tụng:
“Thật lạ lùng, thật lạ lùng!
Vô tình thuyết pháp, chẳng nghĩ bàn
Nếu đem tai ngóng càng không hiểu
Nhãn xứ nghe thanh mới tỏ thông”.
Thiền sư Vân Cư Hựu thượng đường: “Tất cả Âm Thanh là Thanh Phật!”
Gõ thiền sàng, nói: “Phạm Âm trong xa khiến người thích nghe!”
Lại nói: “Tất cả Sắc là Sắc Phật!”
Bèn đưa phất tử lên, nói: “Nay Phật phóng quang minh, chiếu rõ thiệt tướng nghĩa. Người đã thấu đáo, đỉnh đội vâng làm. Người chưa thấu đáo, hợp như thế rõ, hợp như thế tin!”
Rồi gõ thiền sàng, xuống tòa.
Các vị tôn túc đây đích thân đến dự Viên Thông Hội Thượng mà đi lại, nên trùng trùng diễn thuyết như thế.