Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Tựa Chung

23/11/201217:05(Xem: 14062)
03. Tựa Chung

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ NHẤT: PHẦN TỰA

TỰA CHUNG

 

Kinh: Như thế, tôi được nghe, một thời Phật ở tịnh xá Kỳ Hoàn, thành Thất La Phiệt, cùng với chúng đại Tỳ kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là bậc Vô Lậu [Lậu: tiếng chỉ phiền não] Đại A La Hán.

Thông rằng: Tất cả các kinh đều mở đầu bằng “Như thị ngã văn nhất thời”. Đây là Đức Anan tuân theo ý chỉ của Đức Phật, kết tập các kinh, trước xướng sáu chữ này, giải tan mọi nghi ngờ. Như thị, như thị ấy là chỉ có thể tự tin lấy, không cần ngôn thuyết. Nếu hiểu được cái Pháp Như Thị, là chỗ phó chúc bí mật của Phật Tổ, tức là những lời lòng vòng sau này, đều là lời cước chú chua thêm vậy.

Có vị tăng vào tham lễ quốc sư Huệ Trung, sư hỏi : “Làm sự nghiệp gì?”

Tăng đáp : “Giảng kinh Kim Cang”.

Sư hỏi : “Hai chữ đầu hết là cái gì?”

Đáp : “Như thị”.

Sư hỏi : “Đó là cái gì?”

Tăng không đáp được.

Sư bảo : “Than ôi! Vậy thì lấy gì mà giảng kinh?”

Lại còn thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn [Tuyết Phong thiền sư, tên Nghiã Tồn, người xứ Phước Châu. Đắc pháp nơi Tổ Đức Sơn. Đời Đường Ý Tông, năm Hàm Thông, tại núi Tuyết Phong xứ Phước Châu sáng lập nhà thiền. Thường có đến 1500 người trong chúng học đạo.] hỏi một vị tòa chủ: “Hai chữ Như Thị là tất cả khoa văn, vậy thì bản văn là làm sao?”

Vị tòa chủ [Người cầm đầu trong đại chúng] không đáp được.

Đức Ngũ Vân đáp thay rằng: “Lại chia làm ba đoạn rồi”.

Hãy nói chỗ Đức Ngũ Vân mở lời, là khoa văn hay là bản văn?

Chữ Tỳ Kheo có ba nghĩa: Khất Sĩ; là Phá Ác; là Bố Ma (làm cho ma sợ). Chữ A La Hán cũng có ba nghĩa là Ứng Cúng, là Sát tặc (giết giặc), là Vô Sanh. Đại là để phân với Tiểu. Lậu cũng có ba loại: Vô Minh Lậu, Dục Lậu và Hữu Lậu.

Kinh nói “Ông thường nghe trong Luật của Ta có ba nghĩa quyết định tu hành, đó là Nhiếp Tâm làm Giới, do Giới sanh Định, nhờ Định phát Huệ. Đó là ba môn Vô Lậu Học. Cấm Răn (Giới) tức là không lọt ra cái Ham Muốn Dâm Dục (Dục Lậu), Yên Tĩnh (Định) ắt không có Phiền Não (Hữu Lậu), sáng tâm (Huệ) ắt không có Vô Minh Phiền Não”. Ba món Vô Lậu này gọi là nghĩa quyết định. Tựa hồ lấy Huệ làm chỗ cực tắc. Nên Đức Động Sơn nói với Ngài Tào Sơn rằng: “Ở thời mạt pháp, người ta phần nhiều là Huệ Khô Khan (Càn Huệ [Càn Huệ Địa, địa vị thứ nhất của Thập Địa và Tam Thừa. Cái trí tuệ khô khan nên chưa thuần thục. Đại Thừa Nghĩa Chương nói: Tuy có trí tuệ, chưa đặng tịnh thủy (tâm tĩnh lặng, ví như nước đứng im). Lại còn về phép quán sự (đối lý quán nói sự quán) Đây chưa xong về lý, chưa thuần tịnh]). Để phân biệt thiệt hay giả, thì có ba loại rỉ chảy (sấm lậu): Một là, Kiến [Chỗ thấy theo sở học] sấm lậu: chưa lìa phàm phu, sa vào trong biển độc. Hai là, Tình sấm lậu: vướng mắc vào thuận nghịch, chỗ thấy không được quân bình. Ba là, Ngữ sấm lậu: cứu xét chỗ huyền diệu mà mất đi Tông chỉ, sau trước Cơ Trí đều mê muội tối tăm, trí dơ lưu chuyển. Đối với ba loại này, thầy phải nên biết”.

Trong cái Càn Huệ, lại chia làm ba thứ này, nếu không có con Mắt Pháp phân biệt thì không thể chiếu phá. Do đó, bậc A La Hán hồi hướng về Đại Thừa, hẳn phải tư duy quán xét lời dạy của Ngài Động Sơn, thì mới đầy đủ cái nghĩa Vô Lậu vậy.

Kinh: Các vị Phật Tử trụ trì, khéo vượt lên các Hữu. Ở các quốc độ, thành tựu uy nghi. Theo Phật chuyển pháp luân, kham lãnh xứng đáng di chúc của Phật. Nghiêm tịnh Giới Luật để mở rộng khuôn phép cho ba cõi. Hiện thân vô số, cứu thoát chúng sanh, tột đời vị lai, khỏi các Trần ràng buộc.

Thông rằng: Trụ Trì là cái Giác Tánh Thường Trụ (hằng còn), hay nắm giữ (trì) vạn Pháp. Đoạn kinh này chỉ mười mấy chữ, thật bao quát hết ý chỉ của cả bộ kinh. Nói rằng “Khéo vượt lên các Hữu”, tức là Ngũ Ấm, Lục Nhập, Mười Hai Xứ, Mười Tám Giới, cho đến bảy Đại đều chẳng có thể làm chướng ngại, thì nghĩa “Phá Vọng” đã đầy đủ hết. Nói rằng “Thành tựu uy nghi”, tức là dựng lập Đạo Tràng, ba món tiệm thứ. Năm mươi lăm địa vị, tức là con đường Bồ Đề, thì nghĩa “Hiển chơn” đã đầy đủ. Nói rằng “Diệu kham di chúc” thì hai mươi lăm pháp môn viên thông đều chứng Tự Tánh, đồng kham thọ ký thành Phật, mà cái tông chỉ “Kiến Tánh” tự còn. Nói rằng “Mở rộng khuôn phép trong ba cõi”, thì bộ kinh này phù trì Giới Luật, dặn dò cẩn thận bốn Cấm Giới, Thập Thiện và chín loại Định để nêu rõ quy tắc cho ba cõi. Ngài Anan thị hiện dâm sự để mở đầu bộ kinh là cũng vì vậy. Nói “Ứng thân vô lượng”, là dạy các vị Bồ Tát và A La Hán hiện thân trong đời mạt pháp, hóa làm đủ thứ hình dạng, cứu vớt các chúng sanh luân hồi vậy. Vì phòng ngừa cho chúng sanh đời mạt pháp khỏi các ma sự, “Siêu khỏi các Trần ràng buộc”, chứng đến chỗ viên thông. Thật là lời dặn dò khuôn mẫu sau chót của Như Lai vậy.

Ngài Phong Huyệt Chiểu thiền sư có lời dạy rằng: “Nếu lập một mảy trần [Trần: hạt bụi.], dẫu nước nhà đang hưng thịnh, lão quê này cũng buồn rầu. Không lập một mảy trần, dẫu nước nhà sụp đổ, lão quê này cũng vui ca”.

Ngài Tuyết Đậu dựng cây trụ trượng lên mà nói: “Lại còn có vị tăng cùng sống cùng chết nào không?”, ý chỗ lập trần là ở đó. Tụng rằng: “Lão tăng dạy dỗ chẳng nhướng mày. Mong cho nhà nước vững nền ngay. Mưu thần dũng tướng giờ đâu tá. Vạn dặm gió trong, chỉ tự hay.”

Ngài Tuyết Đậu ở trong cửa Phật sự, chẳng bỏ một Pháp. Ngài Thiên Đồng ở nơi Thực Tướng chẳng thọ một mảy trần. Hai Pháp song hành bình đẳng, cùng một chỗ xuất ra.

Tụng rằng:

“Sông Vị trắng trong thả nhợ câu

Nào giống Di Tề chết đói đâu

Chỉ tại mảy trần sanh lắm vẻ

Nghiệp tốt, danh cao, khó bỏ thay”.

Lại còn Tổ Trường Khánh nói rằng: “Mọi chuyện giống như ngày nay là bởi Lão Hồ [Lão Hồ: người rợ già. Chỉ Đức Đạt Mạ.] có chỗ cho người ta ngưỡng vọng”.

Tổ Bảo Phước nói: “Mọi sự giống như ngày nay là vì Lão Hồ tuyệt hết mọi chỗ cho người ta ngưỡng vọng”.

Ngài Thiên Đồng dạy thêm: “Giàu, ngàn miệng ăn vẫn cho là ít. Nghèo, một thân này vẫn hận là nhiều”.

Xét chỗ khai thị của các vị tôn túc, tất cả đều vì người, nào có khác với tâm cứu độ chúng sanh đời sau của Phật, Tổ. Nên sao chép lại để làm cái pháp Trụ Trì [Còn hoài]

Kinh: Các vị là: Đại Trí Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Câu Si La, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, Tu Bồ Đề, Ưu Ba Ni Sa Đà làm Thượng Thủ. Lại có vô số các vị Bích Chi Vô Học và Sơ Tâm đồng đến chỗ Phật giảng đạo. Nhằm ngày các vị tỳ khưu mãn hạ Tự Tứ, các vị Bồ Tát từ mười phương đến, xin Phật giải quyết nghi hoặc, kính vâng Đức Từ Nghiêm, thỉnh cầu Nghĩa Thâm Mật.

Đức Như Lai trải pháp tọa, ngồi khoan thai, vì cả Pháp Hội mà tỏ bày cái mật nhiệm sâu xa. Chúng hội trong sạch, được việc chưa từng có.

Thông rằng: Đây là nói về chỗ bắt đầu của kinh. Nói là các vị Bồ Tát thỉnh cầu Mật Nghĩa, mà chẳng có nói cái gì là mật. Nói đức Phật tỏ bày cái thâm áo, mà chẳng nói cái gì là thâm áo, thì làm sao chúng hội thanh tịnh lại được chỗ chưa từng có?

Xưa, Đức Thế Tôn một hôm lên tòa pháp. Đức Văn Thù bạch chùy rằng: “Hãy xem rõ Pháp Vương Pháp. Pháp Vương Pháp như thế [Đế quán Pháp Vương Pháp. Pháp Vương Pháp như thị]”.

Đức Thế Tôn bèn xuống pháp tòa.

Tổ Thiên Đồng tụng:

“Một đoạn của nhà có thấy không

Miên man trời đất chạy thoi nhanh

Gấm cổ dệt thành, bao Xuân sắc

Ngại gì tiết lộ bởi Đông Quân [Thần mùa Xuân]”.

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

“Thánh chúng đương nhiên ắt hiểu ngay

Pháp Vương, Pháp Lệnh chẳng như đây

Hội này mà có Thiền gia khách

Văn Thù nào phải hạ một chùy”.

Nếu đối với chỗ Đức Thế Tôn lên tòa yên ngồi mà đã rõ thông tin tức, mới thật diệu khế cái Áo Mật, mà chẳng cần nhờ đến lời lẽ phiền phức vậy.

Hàng Bích Chi, còn có hạng Sơ Phát Tâm là học trò của hàng Bích chi.

“Hưu Hạ Tự Tứ” là trong Luật có dạy ba ngày ra Hạ là Mười Bốn, Mười Lăm và Mười Sáu tháng Bảy.

Kinh: Tiếng của Phật hòa nhã như tiếng chim Ca Lăng Tần Già, vang khắp mười phương. Hằng sa Bồ Tát dến chốn đạo tràng, có Ngài Văn Thù Sư Lợi làm Thượng Thủ.

Thông rằng: Chim Ca Lăng Tần Già khi còn trong trứng đã đủ tiếng hay, các loài chim khác không so sánh kịp. Thí dụ cho Đốn Giáo vào ngay dòng giống Phật, không cần mượn tu tập, Tam Thừa không bì kịp. Phật dùng âm thanh này để dạy cho hàng căn cơ Đốn Ngộ.

Thuở xưa, có lần Ngài Mục Kiền Liên muốn cùng tột âm thanh của Phật, dùng hết thần lực, đi qua hằng sa cõi, đến một cõi Phật có Báo Thân rất lớn. Ngài chống trượng đi trên miệng bát cơm của chư vị cõi đó. Các đệ tử ở đấy đều thưa với đức Phật cõi đó: “Tại sao lại có loại trùng giống hệt con người?”

Đức Phật kia đáp: “Đó là Mục Kiền Liên, đệ tử của phật Thích Ca ở cõi Ta Bà. Chớ thấy hình vóc nhỏ nhoi mà xem thường!” Rồi đức Phật hỏi Ngài Mục Kiền Liên đến đây làm gì.

Ngài trả lời là muốn cùng tột âm thanh của Phật.

Đức Phật dạy: “Âm thanh của Phật vô tận, ông không thể cùng tột được đâu”.

Ngài Mục Kiền Liên bèn trở về.

Nên nói “Khắp hết mười phương” là đúng vậy.

Hằng sa Bồ Tát mỗi mỗi đều có chỗ ở, như những cõi kể trong kinh Hoa Nghiêm, vũ trụ vô cùng, chỗ nào mà chẳng phải là Trụ Xứ của Bồ Tát ? Nay nghe âm thanh Phật, các Bồ Tát đi đến với Phật.

Văn Thù tức là Diệu Đức, để bày tỏ cái Thiệt Trí. Mở bày Đốn Giáo thì đúng là Cơ của Ngài, nên Ngài làm Thượng Thủ.

Xưa, Ngài Vô Trước Văn Hỷ thiền sư đến động Kim Cương ở núi Ngũ Đài chiêm bái Đức Văn Thù. Ngài gặp một ông già đang dắt trâu đi và mời Ngài vào chùa.

Ông già gọi: “Sa di!” Thì có một đồng tử ứng tiếng dạ, chạy ra tiếp. Ông già thả trâu đi, dắt thiền sư lên nhà khách. Nhà cửa đều chói lọi ánh vàng. Ông già ngồi lên giường, chỉ một cái đôn gấm mời Ngài ngồi.

Ông nói : “Ông từ đâu tới?”

Sư Văn Hỷ đáp: “Phương Nam”.

Ông hỏi: “Phật Pháp ở phương Nam trụ trì thế nào?”

Sư đáp: “Đời mạt Pháp các Tỳ Kheo ít phụng trì Giới Luật”.

Ông hỏi: “Chúng nhiều ít?”

Sư đáp: “Hoặc ba trăm, hoặc năm trăm”.

Sư Văn Hỹ trở lại hỏi: “Phật Pháp ở đây trụ trì thế nào?”

Ông già trả lời: “Rồng rắn lẫn lộn, phàm Thánh ở chung”.

Sư hỏi: “Chúng nhiều ít?”

Ông đáp: “Trước ba ba, sau ba ba [Tiền tam tam, hậu tam tam]”. Ông kêu đồng tử đem trà và váng sữa [Tô lạc] lại. Sư dùng xong, tâm ý thông suốt.

Ông già cầm chén pha lê lên hỏi: “Phương Nam có thứ này không?”

Sư đáp: “Không có”.

Ông hỏi: “Bình thường lấy gì uống trà?”

Sư không đáp được.

(Tiếc thay! Đang khi ấy chỉ nên đập nát nghiến cái chén pha lê!)

Văn Hỷ thấy trời đã tối, bèn hỏi ông ở lại một đêm được chăng.

Ông già nói: “Ông còn cái tâm chấp không thể ở lại”.

Sư nói: “Tôi đâu có tâm câu chấp”.

Ông già hỏi: “Ông đã thọ Giới chưa?”

Sư đáp: “Thọ Giới đã lâu”.

Ông già nói: “Nếu không có cái tâm chấp, thì thọ Giới để làm gì?”

Sư cáo từ. Ông già bảo đồng tử tiễn Ngài về.

Ngài hỏi đồng tử : “Trước ba ba, sau ba ba là nhiều ít?”

Đồng tử gọi lớn: “Đại Đức!”

Sư ứng tiếng dạ.

Đồng tử nói: “Đó là nhiều ít?”.

Sư Hỷ lại hỏi: “Đây là chỗ nào?”

Đáp rằng: “Đây là động Kim Cương, chùa Bát Nhã”.

Sư Văn Hỷ mới tỉnh ngộ ra rằng ông già tức là Văn Thù vậy. Không thể ra mắt trở lại dược nữa, bèn cúi đầu trước đồng tử, xin một lời nói để từ biệt.

Đồng tử đọc bài kệ:

Trên mặt không sân: đồ cúng dường

Trong miệng không sân: xuất Diệu Hương

Trong tâm không sân là châu báu

Không dơ, không nhiễm tức Chân Thường.

Nói xong, cả người lẫn chùa đều ẩn mất.

Thầy Hỷ sau tham học với Tổ Ngưỡng Sơn, chóng ngộ tâm khế, giữ chức Điển Tòa [Lo về trai tăng trong thiền viện]. Khi nấu ăn, Đức Văn Thù thường hiện hình trên nồi cháo. Sư Văn Hỷ lấy cái đũa tre quậy cháo đánh mà nói rằng : “Văn Thù tự mặc Văn Thù. Văn Hỷ tự mặc Văn Hỷ”.

Đức Văn Thù bèn nói bài kệ :

“Bầu đắng rễ cũng đắng,

Dưa ngọt tận cuống ngọt

Tu hành ba đại kiếp

Lại bị lão tăng từ (chối)”.

Thấu đến Trong Ấy [Giá Lý] lại còn nói có tâm câu chấp nữa ư?

Tổ Tuyết Đậu tụng rằng:

“Ngàn đỉnh nhấp nhô một màu lam

Ai là Văn Thù để đối đàm

Nực cười Thanh Lương [Núi Ngũ Đài] nhiều ít chúng

Trước ba ba sau cũng ba ba”.

Chỗ này mà thấu thoát [Hiểu thấu róc tuốt] được mới cho gặp mặt Đức Văn Thù.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]