Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Ngày thứ tư

13/10/201203:27(Xem: 5525)
04. Ngày thứ tư

TỨ NIỆM XỨ GIẢNG GIẢI

Tác giả: Goenka
Dịch giả: Pháp Thông

 

NGÀY THỨ TƯ

Ngày thứ tư của khóa thiền Tứ Niệm Xứ - Satipaṭṭhānađã qua. Chúng ta lại tiếp tục đọc bài kinh và cố gắng hiểu nó trong liên hệ với pháp hành.

Chúng ta vẫn còn trong phần quán thân - kāyānupassanā. Bạn có thể khởi đầu với bất kỳ pháp quán nào trong bốn lĩnh vực: quán thân - kāyānupassanā, quán thọ - vedanānupassanā,quán tâm (cittānūpassanā), hay quán pháp (dhmamānupassanā), và với bất cứ phần quán thân nào, song khi bạn tiến xa hơn chúng sẽ hòa trộn với nhau. Bạn phải đạt đến một vài trạm quan trọng. Bạn phải cảm giác được thân bên trong (ajjhattaṃ) và bên ngoài (bahiddhā), rồi cả bên trong lẫn bên ngoài (ajjhatta - bahiddhā). Bạn phải kinh nghiệm được sự sanh và diệt (samudaya-dhammānupassī viharati- sống quán tánh sanh khởi, vayadhammānupassī viharati- sống quán tánh hoại diệt), rồi cả hai cùng với nhau (samudayavayadhammānupassī viharati- sống quán tánh sanh khởi và hoại diệt). Bạn phải cảm giác được toàn thân như một khối những rung động đang sanh và diệt với vận tốc cực kỳ nhanh, trong giai đoạn hoại diệt (bhaṅga). Sau đó, bạn phải đạt đến giai đoạn thân chỉ là thân ('atthi kāyo’ti), hoặc thọ chỉ là thọ, tâm chỉ là tâm, hoặc pháp chỉ là pháp không có sự đồng nhất với nó. Rồi đến giai đoạn chỉ có niệm (paṭissati-mattāya) và chỉ có tuệ hay trí (ñāṇa-mattāya) thuần tuý không có bất kỳ sự đánh giá hay phản ứng nào.

Khi bạn tiến bộ và đã an lập trong pháp hành, các saṅkhāras(hành) ăn rễ sâu xa xuất hiện lên bề mặt và được tuyệt trừ, với điều kiện bạn phải vineyya loke abhijjhā-domanassaṃ, viễn ly tham - ưu đối với tâm và vật chất hay danh và sắc (thường dịch là để chế ngự tham - ưu ở đời).

Trong một bài kinh khác, Đức Phật đã đưa ra một sự minh họa:

Sabba kamma jahassa bhikkhuno,

Dhunamānassa pure kataṃ rajam

Người hành thiền không tạo tác nghiệp mới, thanh lọc những phiền não cũ khi chúng khởi lên.

Khi người hành thiền ngưng tạo mọi hành nghiệp - kamma saṅkhāra, tức không còn tạo tác những nghiệp mới hay phản ứng mới, thời những bất tịnh cũ - pure kataṃ rajaṃ- được tháo ra. Dhunamānassanghĩa là tháo ra hay chải ra (bông vải), tách ra thành từng sợi, gỡ sạch mọi nút thắt hay quét sạch mọi bợn nhơ. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào, bất cứ lúc nào bạn không phát tác một hành mới, tuy nhiên những bất tịnh bám rễ sâu xa chỉ bắt đầu trồi lên sau khi bạn đã đạt đến giai đoạn "hoại diệt" - bhaṅga. Nếu bạn cứ tiếp tục tạo tác các hành (saṅkhāra), là bạn đang tiếp tục gia tăng kho (hành) cũ của bạn. Bao lâu bạn tránh không tạo tác bất kỳ một hành mới nào và giữ thái độ xả, thì hết lớp hành này đến lớp hành khác đã bị trừ diệt.

Pháp (dhamma) rất nhân từ. Lúc đầu các hành thô vốn sẽ dẫn bạn vào một đời sống khổ đau, thấp kém mới, trồi lên và bị trừ diệt. Bạn được giải thoát khỏi chúng.

upajjitvā nirujjhanti, tesaṃ vūpassamo sukho

… đã sanh lên, nếu chúng bị diệt, sự đoạn trừ này sẽ đem lại an lạc

Khi các hành có khả năng đưa bạn vào một kiếp sống thấp thỏi đã diệt, tâm trở nên quân bình một cách hoàn hảo - thích hợp để vượt qua lĩnh vực của tâm và vật chất (danh - sắc) và có được cái nhìn thoáng đầu tiên về Niết Bàn.

Điều này có thể chỉ trong một vài sátna, một vài giây hạnh phúc, nhưng khi trở lại lĩnh vực tâm và vật chất mô thức cư xử thường tình của hành giả đã thay đổi hoàn toàn. Các saṅkhāra(hành) đưa đến một đời sống thấp thỏi giờ đây không thể nào được phát ra. Tộc tánh đã thay đổi - "gotrabhū" (chuyển tộc - từ phàm sang thánh tộc). Phàm nhân (anariyo- phi thánh) trở thành một bậc thánh nhân (ariyo) - một bậc thánh nhập lưu - sotāpanna. Ngày nay chữ 'aryan’ đã mất đi ý nghĩa nguyên thủy của nó và được người ta dùng để chỉ cho một bộ tộc. Thời Đức Phậtariyonghĩa là một con người cao quý, thánh nhân, một người đã thực chứng Niết Bàn. Sotāpannalà người đã rơi vào dòng (sota) hay thường gọi là "nhập lưu". Trong tối đa bảy kiếp sống, người này chắc chắn sẽ duy trì việc thực hành để trở thành một bậc Alahán. Không có quyền lực nào trên thế gian này có thể chặn đứng tiến trình ấy được.

Công việc thực hành vẫn tiếp tục theo cách như vậy - nghĩa là với nhiệt tâm (ātāpī), tỉnh giác (sampajāno) và chánh niệm (satimā). Các hành nằm sâu hơn nữa trồi lên bề mặt và diệt (upajjhitvā nirujjhanti) và một kinh nghiệm thâm sâu hơn về Niết Bàn xảy ra. Người hành thiền lại trở lui về lãnh vực sanh - diệt, nhưng với một con người đã thay đổi hoàn toàn, hành giả đạt đến giai đoạn sakadāgāmī- tưđàhàm. Chỉ một kiếp sống duy nhất nữa là có thể trong cõi dục giới. Kế đó, việc thực hành vẫn lại với nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm. Những bất tịnh vi tế hơn, nhưng vẫn là những bất tịnh có khả năng đưa đến những kiếp sống đau khổ, bây giờ được trừ diệt bằng thái độ xả này, và việc nhúng sâu vào Niết Bàn một lần nữa càng sâu hơn. Hành giả kinh nghiệm giai đoạn Anāgāmīhay Anahàm. Giờ đây một kiếp sống duy nhất là khả dĩ nhưng không nằm trong cõi dục, mà trong một cõi phạm thiên rất cao (ý muốn nói đến cõi ngũ tịnh cư dành cho các bậc Anahàm). Khi người hành thiền tiếp tục, các hành (saṅkhāra) vi tế nhất - vốn vẫn cho thêm một kiếp khổ nữa, vì chúng vẫn còn nằm trong vòng sanh - tử - được trừ diệt, và Niết Bàn của một bậc Alahán được hành giả kinh nghiệm, sự giải thoát viên mãn. Điều đó có thể xảy ra ngay trong kiếp hiện tại hoặc có thể trong kiếp tương lai, nhưng việc thực hành vẫn không khác: đó là với ātāpī sampajāno satimā.

Satimālà với chánh niệm. Sampajānolà với trí tuệ (paññā) về sự sanh và diệt, kinh nghiệm trực tiếp các cảm thọ của thân. Một mình thân thì không thể cảm giác các cảm thọ, vì thế tâm đòi hỏi phải có, nhưng trong thân vẫn là nơi chúng được cảm thọ. Đức Phật đã đưa ra một minh họa cho vấn đề này: ví như có nhiều loại gió khác nhau khởi lên trên bầu trời - gió ấm hay gió lạnh, gió thổi nhanh hay gió thổi chậm, gió có bụi hay gió trong sạch - cũng vậy thân này có nhiều loại cảm thọ khác nhau sanh lên và diệt.

Trong một bài kinh khác Ngài nói:

Yato ca bhikhhu ātāpī sampajaññaṃ ca na riñcati,

tato so vedanā sabbā parijānāti paṇḍito.

Thực hành nhiệt tâm, không xao lãng tỉnh giác, người hành thiền kinh nghiệm toàn bộ lãnh vực của thọ và có được trí tuệ.

Có các loại thọ khác nhau cho dù các saṅkhāras(hành) là thô, vi tế, hay vi tế nhất. Như vậy, tỉnh giác (sampajaññaṃ) cả ngày lẫn đêm là cốt lõi của toàn bộ kỹ thuật.

So vedanā pariññāyadiṭṭhe dhamme anāsavo,

kāyassa bhedā dhammaṭṭho saṅkhāyaṃ nopeti vedagū.

Khi toàn bộ lãnh vực của thọ - vedanāđã được vượt qua, thời Pháp (dhamma) cũng được tuệ tri. Người như vậy, không còn những bất tịnh (anāsavā- vô lậu), đã an trú hoàn toàn trong Pháp (dhammaṭṭho), thấu triệt toàn bộ lãnh vực của cảm thọ (vedagū) và sau khi thân hoại mạng chung (kāyassabhedā) không còn trở lui lại lãnh vực của cảm thọ này nữa".

Điều này tóm tắt toàn bộ đạo lộ đi đến giải thoát. Đạo lộ được thành tựu với trí tuệ tỉnh giác - sampajañña, trí tuệ thấy rõ sự sanh và diệt, đồng thời giữ thái độ xả với các cảm thọ. Ātāpi- nhiệt tâm hay chịu khó thực hành và chánh niệm - satimā, ở đây phải nhớ rằng nếu đó là niệm của cô gái hát xiếc, một mình nó sẽ không đủ để giải thoát vì trí tuệ tỉnh giác vẫn là quan trọng nhất.

Paṭikūlamanasikārapabbaṃ- Quán tính chất đáng nhờm gớm - Hay 32 thể trược

Paṭikūlacó nghĩa là "đáng kinh tởm" hay "đáng nhờm gớm". Manasikāralà "sự suy xét" hay "quán tưởng". Tự thân pháp quán này sẽ không đưa đến mục tiêu cuối cùng (giải thoát). Đức Phật luôn dạy phải kinh nghiệm trực tiếp, chứ không chỉ có sự tưởng tượng hay tri thức hóa đơn thuần. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, khi tâm còn cùn nhụt hay còn tháo động, trạo cử, nó không thể khởi sự với hơi thở, huống nữa là giữ được thái độ xả với việc cảm giác các cảm thọ. Trong hầu hết các trường hợp, những người như vậy còn có sự tham chấp đối với thân và còn mê đắm trong các dục lạc, bị ám ảnh bởi cái đẹp bề ngoài của thể xác. Họ sẽ không cố gắng hiểu và cũng không thể hành Pháp (dhamma) được, vì thế việc quán tính chất đáng nhờm gớm này được dùng để quân bình tâm ít ra cũng ở mức khá hơn một chút. Những người này được yêu cầu khởi sự với việc suy xét theo cách thích hợp: thân này là gì?

Imameva kāyaṃ uddhaṃ pādatalā adho kesamatthakā tacapariyantaṃ pūraṃ nānappakārassa asucino paccavekkhati…

Từ lòng bàn chân đổ lên và từ tóc trên đầu đi xuống, toàn thân được bao bọc bởi da, hành giả suy xét hay quán sát (paccavekkhati) tính chất bất tịnh của nó (asucino) theo những cách khác nhau (nānappakārassa). Thân này thật là xấu xí. Nó chứa đựng nào là: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng ruột, bao tử, phổi, ruột, trực tràng, vật thực chưa tiêu hóa, phân, óc, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước miếng, nước mũi, hoạt dịch (nước khớp xương), nước tiểu. Đây là bản chất của nó.

Tất nhiên pháp quán này chỉ là một cách khởi đầu cho những người không có khả năng quan sát thực tại bên trong. Vì thế tính chất bất tịnh cứ tiếp tục khuất phục họ. Một khi họ có thể suy tư một cách đúng đắn rồi, họ sẽ sẵn sàng để thực hành, hoặc với hơi thở hoặc trực tiếp với các cảm thọ. Dĩ nhiên, khi việc thực hành minh sát thực sự bắt đầu, sẽ phải không còn sự chán ghét đối với thân uế trược này. Lúc đó chỉ quan sát đúng như nó là hay như thực quán - yathābhūta. Thân được quán như là thân, với hơi thở đang sanh và diệt. Người hành thiền lúc này thực sự mới ở trên đạo lộ (giải thoát).

Đức Phật đưa ra ví dụ về một cái túi lương thực có hai miệng (túi) chứa đầy các hạt giống và ngũ cốc khác nhau, như lúa nếp, lúa tẻ, đậu xanh, đậu đũa, đậu mè và gạo lức. Ví như một người có mắt tốt có thể thấy các loại ngũ cốc khác nhau này, hành giả cũng phải thấy được những vật (uế trược) trong thân được da bao bọc này. Khi thiên nhãn phát triển, ở một giai đoạn cao hơn, việc thấy thân sẽ trở nên rất dễ. Mỗi thân phần - thực ra, mỗi phân tử của thân - sẽ được thấy như thể với mắt mở vậy.

Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati…'atthi kāyo’ti… na ca kiñci loke upādiyati.

Sau đó tiến trình tu tập lại hoàn toàn giống nhau. Mặc dù điểm khởi đầu có khác tùy theo trình độ căn bản và khả năng tinh thần của mỗi người, song những trạm cuối cùng đều giống như nhau. Thân được quan sát ở bên trong, và bên ngoài, ajjhatta - bahiddhā. Quan sát sự sanh và sự diệt - samudaya - vaya. Rồi 'atthi-kāyo’ti, "Đây là thân hay có thân đây". Chánh niệm được thiết lập, và không có bất kỳ sự hỗ trợ nào trong cái thế gian của tâm và vật chất này, không có gì để nắm giữ, chấp trước (na ca kiñci loke upādiyati) trong giai đoạn giải thoát viên mãn.

Dhātumanasikārapabbaṃ - Quán sát tứ đại

Dhatunghĩa là yếu tố hay đại. Ở đây cũng vậy, với loại người còn tham chấp thân và đắm mê các dục lạc, lúc bắt đầu thực hành đòi hỏi phải có sự suy xét:

Imameva kāyaṃ yathāṭhitaṃ yathāpaṇihitaṃ dhatuso paccavekkhati: 'athi imasmiṃ kāye pathavīdhātu āpodhātu tejodhātu vāyodhātū’ti

Dù cho thân được đặt hay được sắp xếp như thế nào (kāyaṃyathāṭhitaṃ yathāpaṇihitaṃ), các giới hay các đại trong đó cũng phải được quán sát (paccavekkhati) đó là: đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo) và gió (vāyo).

Đức Phật đưa ra một ví dụ khác. Ví như một người đồ tể hoặc người học việc của ông ta giết một con bò, xẻ nó ra thành từng phần nhỏ và ngồi ở chợ bán những miếng thịt ấy như thế nào, thời thân cũng phải được hiểu là như vậy: chỉ có bốn đại này. Nó gồm: chất cứng như thịt, xương v.v…; chất lỏng như máu, nước tiểu v.v…; chất gió hay hơi; và nhiệt. Ví như "bò" là một từ quy ước chỉ sự cấu hợp của các bộ phận như thế nào, thân cũng như thế không là gì khác ngoài bốn đại này và không có đại nào trong đó là "thân" cả. Như vậy người hành thiền đạt tới điểm ở đây tâm ít nhất cũng đã được quân bình một cách đáng kể.

Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati… 'atthi kāyo’ti … na ca kiñci loke upādiyati.

Kế tiếp công việc bắt đầu như cũ, bởi vì chỉ thuần tư duy hay quán sát thôi thì không đủ. Hành giả phải trải qua các trạm giống như đã đề cập ở trên. Giai đoạn hành giả đạt đến 'atthi kāyo’ti, "Đây là thân hay có thân đây", cái mà trước đây bao nhiêu tham chấp hành giả đặt vào đó, và giờ buông bỏ qua một bên mọi tham chấp ấy hành giả đạt đến mục tiêu cuối cùng.

Navasivathikapabbaṃ - Chín pháp quán tử thi (hay Mộ địa quán)

Đôi khi một số người tham chấp thân mãnh liệt đến độ ngay cả sự tư duy đúng cũng không thể thực hiện được. Bởi thế một điểm khởi đầu thô hơn, bạo hơn đã được Đức Phật đưa ra: Họ phải vào một nghĩa địa. Đây là chỗ các tử thi không được chôn cất hay thiêu đốt, mà chỉ quăng bỏ đó cho các loài chim, thú v.v… ăn thịt. Do không thể thực hành với sự chú ý của họ xoay vào bên trong tự thân, nên những người này được yêu cầu khởi sự bằng cách nhìn vào một tử thi. Kế đó họ có thể suy xét đến thân của họ theo cùng cách như vậy:

So imameva kāyaṃ upasaṃharati: 'ayaṃ pi kho kāyo evaṃdhammo evaṃbhāvī evaṃnatīto’ti.

Họ suy nghĩ (upasaṃharati) về thân của chính mình: "Thân của ta đây cũng có cùng bản chất như vậy, nó sẽ không tránh được phải trở thành như thế này". Có chín cách quán tử thi:

Hành giả nhìn vào tử thi đã chết một ngày, hai ngày, hoặc ba ngày, trương phình, xanh đen, và lở loét. Hành giả suy xét và hiểu ra rằng thân của hành giả cũng có cùng bản chất, cuối cùng rồi sẽ phải chết với kết quả giống như thế này.

Lại nữa, hành giả nhìn vào một tử thi quăng bỏ trong nghĩa địa đã bị các loài quạ, diều hâu, kên kên, chó, dã can, hay các loài sâu bọ khác rỉa rói, đục khoét, ăn thịt. Và hành giả sẽ suy xét đến thân của mình theo cách như vậy.

Hành giả nhìn vào một tử thi chỉ còn là bộ xương dính chút thịt và máu, ràng lại với nhau bởi mấy sợi gân. Rồi hành giả suy xét đến thân của chính mình.

Hành giả nhìn vào một tử thi chỉ còn là bộ xương không có chút thịt nào, nhưng vấy bẩn với máu và ràng lại với nha­­u bởi những sợi gân.

Hành giả nhìn vào một tử thi chỉ còn lại một bộ xương không dính chút thịt và máu, ràng lại với nhau bởi những sợi gân.

Lúc này hành giả nhìn thấy chỉ còn những khúc xương rời ra nằm rải rác khắp nơi: xương tay, hay xương chân, xương đầu gối, xương đùi, xương chậu, xương sống, hay xương sọ v.v…

Bây giờ, sau một thời gian, những khúc xương được tẩy trắng, sạch sẽ.

Hành giả nhìn vào những khúc xương mà, sau hơn một năm, nằm thành đống.

Hành giả nhìn vào những khúc xương đang mục nát và tan tành thành cát bụi.

Mỗi lần, sau khi nhìn như vậy, hành giả phản tỉnh hay suy xét theo cách đã nói về chính thân của mình.

Nhất thiết phải bắt đầu với việc chỉ nhìn theo cách này bởi vì thiền Minh sát (vipassanā) - quan sát và kinh nghiệm đúng bản chất của thực tại - là một công việc rất tinh vi, tế nhị. Những người đang sống một cuộc sống thô tháo, tầm thường, còn hệ luỵ trong những phiền não thô, không thể làm được điều này. Do đó, những trường hợp đặc biệt phải đi đến một tha ma mộ địa, chỉ là để thấy, để duy trì việc quán tưởng, và để hiểu được rằng những gì họ thấy là kết quả cuối cùng dành cho mọi người. Họ được yêu cầu phải khởi sự tư duy như vậy. Với cảm giác nhờm gớm này và với sự hiểu biết mà bây giờ họ đã có này, tâm được quân bình một cách đáng kể, nó có thể thực hành (minh sát).

Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati… 'atthi kāyo’ti… na ca kiñci loke upādiyati.

Giờ đây hành giả khởi sự thực hành (minh sát) qua những giai đoạn tương tự. Tức là hành giả sẽ đạt đến giai đoạn 'atthi kāyo'ti, "Đây là thân hay có thân đây", cái mà bao nhiêu tham chấp hành giả đã dành cho nó. Rồi hành giả tiếp tục cho đến khi mọi tham chấp được từ bỏ ở giai đoạn giải thoát viên mãn.

Đạo lộ là như nhau ở mỗi phần. Chỉ có điểm khởi đầu là khác. Ở mỗi phần bạn phải cảm giác được sự sanh và diệt, thể hiện ra như những cảm thọ, vốn là sự kết hợp của tâm và vật chất hay danh sắc. Đầu tiên bạn cảm thấy nó tách rời (sanh riêng, diệt riêng), rồi hợp cùng nhau khi nó sanh và diệt tức thời. Lúc đó khắp mọi nơi trong toàn bộ cấu trúc này đã tan ra, chỉ có sự sanh, diệt, sanh diệt liên tục không ngừng. Bạn chỉ việc quan sát. Theo cách này bạn phát triển khả năng chánh niệm (sati) và trí tuệ tỉnh giác (sampajañña) của bạn - trí tuệ vốn phát triển thành xả.

Có thể có một loại xả thậm chí không cần phải có sự hiểu biết về tính chất vô thường (anicca). Xả này được thành tựu bằng cách ám thị liên tục sự không phản ứng và bình tĩnh trong tâm. Nhiều người đã phát triển được khả năng này và dường như không phản ứng hay bị đảo lộn bởi những thăng trầm của cuộc đời. Họ đã được quân bình, nhưng chỉ ở mức bề mặt. Một phần sâu thẳm của tâm vẫn tiếp tục phản ứng bởi nó luôn luôn tiếp xúc với các cảm thọ của thân ở chiều sâu chỗ mà họ đã không vào đến được. Không có sampajaññahay trí tuệ tỉnh giác, gốc rễ của mô thức phản ứng theo thói quen - saṅkhāra(hành) - vẫn còn.

Đây là lý do tại sao Đức Phật lại hết sức xem trọng thọ - vedanā. Dứt bỏ tham và sân là lời dạy có tính truyền thống ở Ấn Độ xưa cũng như nay. Ở Ấn Độ có những bậc đạo sư trước và sau thời Đức Phật, và những bậc đạo sư cùng với Đức Phật đã từng dạy như thế và các đệ tử của họ cũng đã hành theo lời dạy này. Tuy sự buông bỏ ấy chỉ liên hệ đến những đối tượng bên ngoài: đó là những gì được thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng hay tư duy. Đức Phật đã đi sâu hơn. Sáu giác quan và các đối tượng của chúng được gọi là saḷāyatana - lục nhập hay lục xứ. Ngài khám phá ra rằng sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng chắc chắn sẽ sinh ra cảm thọ, và rằng tham hoặc sân chỉ khởi lên sau khi thọ đã sanh mà thôi.

Saḷā yatana paccayā phasso,

Phassa paccayā vedanā,

Vedanā paccayā taṅhā.

Lục nhập làm duyên cho xúc,

Xúc làm duyên cho thọ,

Thọ làm duyên cho ái.

Đây là sự giác ngộ của Đức Phật.

Lỗ hổng hay mắt xích bị bỏ quên là thọ "vedanā". Không có nó người ta vẫn chỉ đang nói tới các đối tượng giác quan, và phản ứng của họ đối với những đối tượng ấy mà thôi. Có thể nhờ đó họ chỉnh sửa được trí hiểu biết và bề mặt của tâm của họ. Tuy nhiên ở mức sâu xa nhất, nối tiếp theo xúc, bộ phận của tâm vẫn đang đánh giá xúc này là tốt hay xấu. Sự đánh giá ấy sẽ cho ra một cảm thọ dễ chịu (thọ lạc) hay khó chịu (thọ khổ). Rồi thì sự phản ứng mang tính chất tham hoặc sân bắt đầu. Từ kinh nghiệm cá nhân của mình Đức Phật tiếp tục dạy mọi người giữ thái độ xả đối với các cảm thọ, để thay đổi mô thức cư xử theo thói quen của tâm ở mức thâm sâu nhất, và để thoát ra khỏi sự ràng buộc của nó.

Đây là những gì bạn đang khởi sự thực hành ở đây. Bạn phát triển thái độ xả hay tâm lý quân bình không chỉ đối với các đối tượng giác quan - sắc, thinh, hương, vị, xúc hoặc ý niệm - mà còn đối với các cảm thọ bạn cảm giác, dù cho đó là lạc, khổ hay trung tính (không lạc không khổ). Sampajañña- trí tuệ tỉnh giác - được khởi sự với trí hiểu biết về đặc tính sanh và diệt trong những cảm thọ của thân. Sau khi đã làm việc (thực hành) với niệm hơi thở (ānāpāna) bạn sẽ dễ dàng kinh nghiệm được các cảm thọ và bạn cũng đang phát triển thái độ xả với sự hiểu biết này. Như vậy, bạn đã hành đúng theo những lời dạy của Đức Phật. Bạn nỗ lực để duy trì satimā(chánh niệm) và tỉnh giác (sampajāno) - ātāpī sampajāno satimā. Đây là bức thông điệp của toàn bài kinh Niệm xứ - Sampaṭṭhāna Sutta.

Hãy tận dụng bất kỳ chút thời gian nào còn lại của khóa thiền nghiêm túc này. Đọc và hiểu kinh (suta) ở mức tri thức sẽ cho bạn rất nhiều cảm hứng, sự hướng dẫn và tin chắc rằng bạn đang làm đúng những gì Đức Phật muốn (bạn phải làm): tất nhiên sự hiểu biết thuộc trí năng này tự nó không giải thoát được cho bạn. Tận dụng bài kinh Niệm xứ này và những buổi giảng mỗi chiều ở đây, nhưng trên hết vẫn phải là thực hành. Bạn phải làm việc cả ngày lẫn đêm, sampajaññaṃ na riñcati(không xao lãng 1 giây tỉnh giác). Trong giấc ngủ sâu bạn bất lực, nhưng bù lại bạn không nên sao lãng một giây sampajañña(tỉnh giác) nào cả, dù bạn đang làm gì - ăn, uống, đi, đứng hoặc nằm cũng vậy. Dĩ nhiên, ở giai đoạn này tâm vẫn lang thang và bạn sẽ quên. Bạn bắt đầu suy tưởng, hình dung hay tư duy, nhưng hãy xem bạn nhanh chóng nhận ra chúng như thế nào, và bạn khởi sự trở lại với các cảm thọ ngay ra sao. Hãy luôn tự nhắc nhở mình. Hãy phát triển trí tuệ của bạn, sự giác ngộ của bạn. Bạn phải thay đổi được thói quen cũ là chạy trốn các cảm thọ; bạn phải ở lại với thực tại sâu xa hơn của sự sanh diệt, samudaya-vaya, của tính chất vô thường - anicca. Hãy thoát ra khỏi vô minh, thoát ra khỏi mọi ràng buộc. Hãy tận dụng những ngày kỳ diệu này của đời bạn để đi ra khỏi mọi khổ đau. Cầu mong các bạn được sự bình an chân thực, hòa hợp chân thực và hạnh phúc chân thực.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]