TỨ NIỆM XỨ GIẢNG GIẢI
Tác giả: Goenka
Dịch giả: Pháp Thông
NGÀY THỨ BA
Ngày thứ ba của khóa thiền Tứ Niệm Xứ đã qua. Dẫu sao chúng ta cũng phải bày tỏ lòng biết ơn đối với vị sư già (chỉ vị Tỳ khưu Subhadda người đã nói những lời tỏ ý được tự do sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt) khiến tôn giả Mahākassapa quyết định kết tập lại những lời dạy của Đức Phật. Kết quả là giáo pháp được duy trì trong hình thức thuần khiết, nguyên sơ của nó từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đôi khi một điều gì đó rất thiện lại xảy ra do một tình huống bất thiện (làm duyên). Đó là những gì đã xảy ra. Hơn hai mươi lăm thế kỷ qua sáu cuộc đại hội kết tập đã trùng tuyên và xác nhận lại Tam Tạng Kinh điển - Tipiṭaka, để loại trừ những sai lầm lén lút xâm nhập vào. Ba cuộc kết tập được tổ chức ở Ấn Độ, một ở Tích Lan (Sri Lanka) và hai ở Miến Điện (Myanmar). Cuộc kết tập lần thứ sáu và là cuộc kết tập gần đây nhất đã được tổ chức ở Răngun (Rangoon) năm 1955 - 1956, hai ngàn năm trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Nếu như chúng ta biết ơn những vị đã duy trì pháp hành trong hình thức trong sạch nguyên thủy của nó, thì chúng ta cũng phải tri ân những vị đã duy trì sự thuần khiết của những lời dạy của Đức Phật. Ngày nay chúng ta có thể so sánh những lời dạy ấy với kỹ thuật chúng ta đang hành và tìm được sự khích lệ nhiều hơn nhờ biết rằng chúng ta đang hành đúng như lời Đức Phật dạy.
Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục với bài kinh Tứ Niệm Xứ.
Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna)
Như chúng ta đã thảo luận, có bốn niệm xứ hay bốn chỗ thiết lập niệm - satipaṭṭhāna.
Kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjādomanassaṃ;
Vedanāsu vedanānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ;
Citte cittānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ;
Dhammesu dhammānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ.
Mục đích của thiết lập niệm - satipaṭṭhānalà để khảo sát cái vùng vốn được xác nhận là "Ta", qua đó bao nhiêu chấp thủ dấy lên. Có hai lĩnh vực rõ rệt: Kāya(thân) và citta(tâm).
Sự khảo sát phải được làm ở mức kinh nghiệm chứ không ở mức tri thức. Nếu như bạn cố gắng để hiểu thân này chỉ bằng cách tập trung sự chú ý, chẳng hạn, vào đầu và xác nhận rằng "Đây là đầu của tôi", thì đó chỉ là một sự thực ở mức tri thức và thuộc về tưởng (saññā). Để kinh nghiệm thực tại bạn phải cảm nhận nó. Vì thế phải có cảm thọ, và ở đây thân (kāya) và thọ (vedanā) đi cùng nhau trong sự khảo sát này.
Tương tự với tâm (citta), nếu bạn chỉ ngồi và xác nhận đây là tâm của tôi, thì đó là sự tưởng tượng hay quá lắm cũng chỉ là một sự hiểu biết thuộc trí năng. Để kinh nghiệm tâm, một cái gì đó phải khởi sanh trong tâm: có thể là tham hay sân hoặc một ý nghĩ gì đó v.v… Nó sanh lên và diệt. Dù đó là gì thì nó cũng được gọi là Pháp (dhamma), nghĩa đen của nó là dhāretī dhamma, "cái được chứa đựng" bởi tâm. Nếu như thân (kāya) và thọ (vedanā) đi với nhau, thì tâm (citta) và pháp (dhamma) cũng đi với nhau. Lúc đó, như ở một nơi khác Đức Phật đã tuyên bố từ kinh nghiệm thực chứng của Ngài, một thực tại khác: vedanā-samosaraṇā sabbe dhammā. "Tất cả pháp (hay bất cứ cái gì) phát sinh trong tâm đều cùng chảy với một cảm thọ trên thân". Samosaraṇānghĩa là "tập hợp lại với nhau và chảy".
Vì thế vedanāhay thọ trở nên quan trọng vô cùng. Để khảo sát thân (kāya) bạn phải cảm giác các cảm thọ. Tương tự, để khảo sát tâm (citta) và pháp (dhamma), bất cứ cái gì phát sinh trong tâm đều thể hiện ra như một cảm thọ. Ở mỗi satipaṭṭhāna- niệm xứ, đều có những chữ tương tự như nhau:
Kāye kāyānupassī viharati: sống chứng kiến hay quán thân trong thân. Ở đây chữ anupassīxuất phát từ "passana" hay "dassana", nghĩa là "nhìn". Bạn tự mình trực nhận các pháp. Vipassanā (minh sát) có nghĩa là thấy theo cách đặc biệt, theo cách đúng đắn. Vividhenalà theo các cách khác nhau, từ những góc độ khác nhau. Vicayenanghĩa là bằng cách chia tách, mổ xẻ, làm tan ra. Bạn quan sát bất cứ thực tại nào đã khởi lên theo cách như vậy. Anupassanācó nghĩa là liên tục từ sátna này đến sátna khác. Do đó kāye kāyānupassīlà quan sát thân bên trong, tức trong thân, từ sátna này đến sát-na khác. Tương tự, vedanāsulà trong các cảm thọ, cittelà trong tâm và dhammesulà trong những nội dung tâm trí hay trong pháp.
Vipassanā (minh sát) không dùng đến sự tưởng tượng. Tất nhiên bạn có thể tưởng tượng ra một cảm thọ và cũng tưởng tượng được rằng nó đang thay đổi (vô thường) ngay cả không kinh nghiệm được nó, nhưng đây không phải là thực tại như nó là, không phải là thực tại đúng chỗ nó là. Thân phải được kinh nghiệm trong thân, thọ phải được kinh nghiệm trong thọ, tâm phải được kinh nghiệm trong tâm và pháp hay các nội dung tâm trí phải được kinh nghiệm trong pháp của chính bạn. Do đó người hành thiền sống, hay trú quán thân trong thân, ātāpī sampajāno satimā(nhiệt tâm tỉnh giác và chánh niệm).
Ātāpīnghĩa đen là tapas"thiêu đốt". Người hành thiền đang làm việc một cách nhiệt tâm, rất chuyên cần, thiêu đốt sạch những bất tịnh trong tâm. Satimālà "niệm". Sampajānonghĩa là có đặc tính của sampajañña(tỉnh giác) chánh niệm phải đi cùng với sampajañña(tỉnh giác), hay trí tuệ cảm nhận được sự sanh và diệt của cảm thọ (vedanā), vì "vô thường tính" phải được kinh nghiệm ở mức của cảm thọ. Như vậy việc quán sát dù ở thân, hay thọ, hay tâm, hay pháp cũng phải được làm với nhiệt tâm (ātāpī) tỉnh giác (sampajāno) và chánh niệm (satimā).
Vineyya loke abhijā-domanassaṃ…viễn ly tham và sân đối với thế gian của tâm và vật chất (danh - sắc) này.
Vineyyacó nghĩa là viễn ly hay lìa xa khỏi. Lokalà thế gian hay những cảnh giới của vũ trụ. Tuy nhiên ở đây lokacó nghĩa là toàn bộ lĩnh vực của tâm và vật chất, hay năm uẩn tạo thành cái "tôi" này: sắc uẩn, và bốn danh uẩn - thức (viññāna), tưởng (saññā), thọ (vedanā) và hành hay phản ứng (saṅkhāra). Cả bốn niệm xứ có thể được thực hành với căn bản cảm thọ (vedanā). Lý do là vì trừ phi một điều gì đó được cảm thọ (vedanā), bằng không tham và sân (abhijjhā-domanasaṃ) không thể khởi lên. Nếu cảm thọ là lạc, chỉ khi ấy tham mới phát sanh; nếu cảm thọ là khổ (khó chịu), chỉ khi ấy sân mới phát sanh. Nếu bạn không kinh nghiệm được các cảm thọ, bạn thậm chí sẽ không biết rằng tham hoặc sân đã khởi lên, và bạn không thể nào thoát ra khỏi chúng.
Ānāpānapabbaṃ - Quán hơi thở
Trong việc khảo sát lĩnh vực vật chất, ở đây là thân (kāya), chương đầu tiên đề cập đến Ānāpāna, hơi thở vô và hơi thở ra.
Idha, bhikkhave, bhikkhu araññagato vā rukkha mūlagato vā suññāgāragato vā
Một nơi cô tịch được đòi hỏi phải có - để sống tách biệt và không bị khuấy động. Hành giả nên đi đến một khu rừng (arañña-gato vā), một gốc cây (rukkha-mūla-gato vā) hoặc một nơi mà ở đây không có người nào sống (suññāgāra-gato-vā), giống như những phòng riêng mà bạn có ở đây, chẳng hạn. Nói chung, bạn phải chọn được một trong ba chỗ kể trên.
Nisīdati pallaṅkaṃ abhujitvā, ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya
Người hành thiền hay hành giả phải ngồi xuống (nisīdati). Pallaṅkaṃ ābhujitvālà "khoanh chân". Tư thế "kiết già" hay "bán già" không tuyệt đối cần thiết. Nếu có thể ngồi được, thì đó là tư thế hay oai nghi đem lại sự tỉnh táo lớn nhất, song bất kỳ thế ngồi khoanh chân nào khác tạo được sự thoải mái trong một thời gian lâu dài và liên tục cũng là đủ. Phần trên của thân phải giữ thật thẳng: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya.
Parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā
Chánh niệm được thiết lập quanh miệng, lối vào lỗ mũi: parimukhaṃ. Một số truyền thống dịch từ này là "ở phía trước", như thể chánh niệm được tưởng tượng đang ở phía trước mặt mình, song điều này vô tình đã lập thành một thế lưỡng phân. Thực sự ra bạn phải cảm giác được hơi thở đang đi vào và đi ra quanh miệng, phía trên môi trên, đó là ý nghĩa của parimukhaṃ.
Rồi công việc bắt đầu:
So sato va assasati, sato va passasati.
Chánh niệm vị ấy thở vào, chánh niệm vị ấy thở ra.
Dīghaṃ vā assasanto 'Dīghaṃ assasāmīti' pajānāti, dīghaṃ vā passasanto 'Dīghaṃ passasāmīti' pajānāti.
Thở vào một hơi dài hay sâu (dīgha), vị ấy tuệ tri (pajānāti- tức hiểu đúng như vậy): "Ta đang thở vào một hơi thở dài (hay sâu)". Thở ra một hơi thở dài hay sâu, vị ấy tuệ tri: "Ta đang thở ra một hơi thở dài hay hơi thở sâu". Hơi thở vào dài, và hơi thở ra dài, được biết và hiểu đúng như vậy: bởi vì nó được cảm nhận, được kinh nghiệm, chứ không phải tưởng ra.
Rassaṃ vā assasanto 'Rassaṃ assasāmīti' pajānāti, rassaṃ vā passasanto 'Rassaṃ passasāmīti’ pajānāti.
Bây giờ hơi thở trở nên cạn, ngắn (rassa), và được hiểu hay tuệ tri theo cách như vậy. Bạn sẽ thấy mỗi câu biểu thị một trạm khác biệt trên đạo lộ, biểu thị một kinh nghiệm mới mẻ trên đạo lộ. Khi tâm yên tĩnh, sự dao động giảm bớt và hơi thở trở nên ngắn đi. Ở đây hơi thở không bị kiểm soát như trong một bài tập thở, mà chỉ được quan sát một cách tự nhiên.
'Sabbakāyapaṭisaṃvedī assasissāmī’ti sikkhati;
'sabbakāyapaṭisaṃvedī passasissāmī’ti sikkhati.
Lúc này vị ấy tập: "Cảm giác toàn thân (sabbakāyapaṭisaṃvedī), tôi sẽ thở ra". Thay vì tuệ tri hay hiểu đúng (pajānāti), chữ sikkhati, "tập" bây giờ được dùng. Là những người hành thiền, sau một hoặc hai ngày làm việc với hơi thở, bạn đã kinh nghiệm được cảm thọ trong vùng này. Rồi làm việc với cả hai (hơi thở và cảm thọ) bạn đạt đến giai đoạn cảm giác thọ ở khắp toàn thân - sabbakāya. Mới đầu cảm thọ ấy rất thô, kiên cứng, căng thẳng, song khi bạn duy trì pháp hành một cách kiên trì, nhẫn nại, giữ thái độ xả với mọi kinh nghiệm, toàn thân tan ra thành những rung động vi tế, và bạn đạt đến giai đoạn bhaṅga(hoại diệt), sự tan hoại hoàn toàn. Sau khi đã khởi sự với hơi thở tự nhiên, bạn học cách để đạt đến trạm quan trọng của việc cảm giác các cảm thọ trong toàn thân trong một hơi thở: từ đầu đến chân khi bạn thở ra, từ chân đến đầu khi bạn thở vào.
Không thực hành tất sẽ bị lầm lẫn. Các truyền thống (thiền) khác giải thích những từ sabbakāyapaṭisaṃvedī- này là "toàn thân của hơi thở", như bắt đầu, giữa, cuối và như vậy toàn hơi thở được cảm nhận. Tất nhiên, khi oxy đi vào dòng máu cùng với hơi thở, nó di chuyển khắp toàn thân từ đỉnh đầu cho đến những ngón chân, và cảm thọ cũng chảy cùng với máu. Người ta có thể giải thích theo nghĩa này, nhưng ở đây chúng ta đang thực hành quán thân - kāyānupassanā. Toàn thân phải được cảm giác, và đây là những gì người hành thiền kinh nghiệm.
Khi đến giai đoạn hoại diệt (bhaṅga), tiếp theo những cảm thọ lạc, khuynh hướng của tâm là phản ứng với ái và thủ. Đây là một tình trạng nguy hiểm (ādīnava), đáng sợ (bhaya). Không để có sân đối với cảm thọ khổ (khó chịu) có lẽ dễ hơn không để có tham đối với cảm thọ lạc (dễ chịu) nhiều. Tuy thế tham ái này lại là mẹ của sân hận, và minh sát (vipassanā) là để làm công việc viễn ly tham - ưu ở đời (vineyya loke abhijjhā-domanassaṃ) tức không tham hoặc sân đối với thân và tâm này. Bạn phải duy trì sự hiểu biết rằng thọ lạc cũng là vô thường (anicca), không có gì ngoài những gợn sóng li ti, những bong bóng hay bọt nước, đang sanh và diệt không ngừng. Với trí tuệ (pañña) này những bất tịnh bị diệt trừ và bạn đạt đến trạm an tịnh, tĩnh lặng.
'Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati
'Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati
Bây giờ cùng với những thân hành (kāyasaṅkhāra- những họat động của thân) đã an tịnh (passambhayaṃ) vị ấy tập thở vào và thở ra. Một lần nữa chữ sikkhati- tập, được dùng, vì trạm này được đạt đến bằng cách học tập, bằng cách thực hành. Quyết định (adhiṭṭhāna)- ngồi một giờ không thay đổi oai nghi, điều mà lúc đầu phải phấn đấu, giờ trở thành tự nhiên. Không có sự chuyển động của thân bởi vì không có một cảm thọ khổ nào cả (ở thân). Hơi thở trở thành chuyển động duy nhất. Đây cũng là một kāya-saṅkhāra- thân hành, tức chuyển động hay hoạt động của thân. Khi tâm được luyện tập để trở nên an tịnh, hơi thở cũng trở nên ngắn hơn, lắng dịu hơn, vi tế hơn cho đến khi nó chỉ tạo thành một vòng xoay ngược khi đi vào, và thỉnh thoảng nó dường như ngừng lại. Hơi thở lúc này vô cùng tinh tế. Ở đây cũng có cái nguy của sự dính mắc, của việc xem đây như giai đoạn cuối cùng (của đạo lộ giải thoát) rồi.
Kế đó, Đức Phật đưa ra ví dụ về một người thợ mộc, thỉnh thoảng, xoay và tiện gỗ để làm một cái chân cho món đồ dùng nào đó chẳng hạn. Ông ta dùng một cái máy tiện. Một vòng xoay dài của máy tiện tạo thành một vết cắt dày hơn một vòng xoay ngắn. Ông, hoặc người học việc của ông, biết rõ (pajānāti) vòng xoay của mình khi nào thì dài, khi nào thì ngắn; tương tự như vậy, người hành thiền tuệ tri hay biết rõ (pajānāti) khi nào hơi thở dài hoặc ngắn.
Trong ví dụ, chiếc máy tiện chỉ cắt tại điểm tiếp xúc. Cũng vậy, sự chú ý phải được giữ ở nơi hơi thở xúc chạm. Bạn không nên theo hơi thở sâu vào bên trong hoặc đi ra ngoài vào bầu không khí. Bạn phải nhận biết rõ vùng (tiếp xúc) này và cũng phải cảm giác được toàn hơi thở đi vào hoặc đi ra.
Iti ajjhataṃ vā kāye kāyānupassī viharati, bahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati, ajjhattabahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati
Trong trạm quan trọng kế tiếp, với sự trợ giúp của hơi thở, toàn thân được cảm giác ở bên trong, tức bên trong tự thân, ajjhataṃ. Rồi nó cũng được cảm giác ở bên ngoài, bahiddhā, trên bề mặt của thân, và cuối cùng cảm giác cả bên trong lẫn bên ngoài cùng một lúc, ajjhattabahiddhā.
Đây là những lời dạy của Đức Phật. Một vài bản chủ giải hay phụ chú giải đã viết về vấn đề này. Một số được viết sau thời Đức Phật khoảng từ 1000 năm đến 1500 năm, và một số thậm chí còn gần đây hơn. Các bản luận giải này đã đưa ra nhiều lời giải thích rõ ràng về lời dạy của Đức Phật, cũng như những mô tả về một phạm vi toàn diện của cuộc sống và bối cảnh xã hội lúc đó - các phương diện chính trị, xã hội, giáo dục và kinh tế v.v… Tuy nhiên, trong số những giải thích các bản luận giải ấy đưa ra có một vài điểm mà truyền thống thiền này không thể chấp nhận được. Chẳng hạn, có một bản chú giải xem ajjhattaṃ(nội) như thân của hành giả - điều đó có thể chấp nhận được - nhưng bahiddhā(ngoại) xem như thân của người khác, mặc dù không có ai khác ở đó cả. Bản chú giải này giải thích rằng người hành thiền hay hành giả chỉ cần nghĩ về một người khác, và (biết được) tất cả các chúng sinh thở vào và thở ra tương tự như thế nào. Chúng tôi không đồng ý với lối giải thích ấy bởi vì đây là sự tưởng tượng, còn truyền thống vipassanāhay anupassanā(minh sát) này là phải quan sát trong chính thân (kāye) của bạn. Do đó, đối với chúng ta bahiddhā(bên ngoài) là bề mặt của thân, nhưng vẫn nằm trong cấu trúc của thân chúng ta.
Ajjhatta-bahiddhācũng có thể được hiểu liên quan đến năm căn (cửa giác quan). Khi một đối tượng bên ngoài tiếp xúc với mắt, tai, mũi, lưỡi hoặc bề mặt thân, nó được cảm nhận trong cơ cấu của thân, nhưng chỉ ở trên bề mặt của thân mà thôi. Ngay cả tâm cũng nằm trong cơ cấu của thân, mặc dù đối tượng của nó có thể ở bên ngoài. Bài kinh vẫn không có ý định bảo bạn phải nghĩ về hay thấy thân của người khác.
Những câu (kinh) tiếp theo xuất hiện trong mỗi chương. Chúng mô tả pháp hành đích thực của minh sát (vipassanā), vì thế hành giả phải hết sức cẩn thận để hiểu những lời dạy ấy một cách đúng đắn.
Samudayadhammānupassī vā kāyasmin viharati,
vayadhammānupassī vā kāyasmin viharati,
Samudayavayadhammānupassī vā kāyasmin viharati…
Samudaya-dhammānupassī: dhamma, thực tại, hay sự thực của sanh (samudaya) được quan sát trong thân. Rồi sự thực của diệt (vaya) được quan sát. Một cảm thọ thô sanh lên, dường như lưu lại một lúc, rồi diệt. Sự sanh và diệt được thấy như tách riêng ra. Kế đến trong giai đoạn hoại diệt (bhaṅga), cảm thọ là một trong những rung động sanh lên và diệt với vận tộc cực nhanh. Samudaya(sanh) và vaya(diệt) được kinh nghiệm cùng nhau: không có khoảng cách (giữa hai sự kiện). Theo bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) trạm quan trọng đầu tiên được gọi là udayabba(sanh - diệt). Người hành thiền phải hiểu rõ giai đoạn (sanh diệt) này và giai đoạn diệt (bhaṅga) kế tiếp.
…'atthikāyo'ti vā panassa sati paccupaṭṭhitā hoti
Bây giờ, niệm của vị ấy được thiết lập: "Đây là thân, hay có thân đây" ('atthi kāyo’ti). Đây là giai đoạn trong đó thân được kinh nghiệm như "không phải ta", "không phải của ta", mà chỉ là thân, như một khối rung động, như những bong bóng hay gợn sóng li ti. Nó chỉ đơn thuần là một sự tập hợp của các tổng hợp sắc (kalāpas) hay các hạt hạ nguyên tử, sanh và diệt. Không có gì là đẹp hoặc xấu, trắng hoặc đen ở đó. Lúc đầu sự chấp nhận "vô ngã" (anatta) của bạn chỉ mang tính tri thức hay lòng mộ đạo dựa trên những lời người khác nói. Kinh nghiệm thực sự khởi đầu với vô thường (anicca), vì mọi cảm thọ lạc đều chuyển thành thọ khổ. Sự nguy hiểm của việc chấp thủ đã được nhận ra. Thọ là khổ (dukkha) vì bản chất vô thường, biến đổi cố hữu của nó. Kế tiếp, vô ngã (anatta) được tuệ tri: thân này được cảm nhận chỉ như những hạt hạ nguyên tử (kalāpas) sanh và diệt liên tục, vì vậy sự chấp thủ vào thân sẽ tự động biến mất. Khi niệm (sati) được thiết lập trong sự thực này từ sátna này đến sátna khác, hành giả đã đạt đến giai đoạn cao trên đạo lộ.
Tiếp tục thêm:
Yāvadeva ñāṇamattāya paṭissatimattāya…
Ở đây, "matta" nghĩa là "chỉ có". Chỉ có trí tuệ, chỉ có tri kiến, chỉ có sự quan sát. Cho đến mức độ này (yāvadeva) không có người trí, không có người biết, hoặc người kinh nghiệm. Trong một truyền thống khác ở Ấn Độ điều này được gọi là kevala-ñāṇa kevala-dassāna, "chỉ biết, chỉ thấy".
Thời Đức Phật có một vị đạo sĩ rất già sống ở một nơi gọi là Supārapattaṃ, gần Bombay ngày nay. Sau khi hành đến bát thiền, ông nghĩ mình đã giác ngộ viên mãn. Một người có thiện ý đã chỉnh sửa giúp ông ý nghĩ sai lầm này, và bảo ông rằng Đức Phật hiện nay đang ở Sāvatthi, ngài có thể dạy ông cách hành chơn chánh để trở thành bậc giác ngộ. Nghe được điều này ông vô cùng phấn khích và đi một mạch đến Sāvatthi ở bắc Ấn Độ. Đến chùa, ông thấy rằng Đức Phật đã đi khất thực vì thế ông đi thẳng vào kinh thành. Ông gặp Đức Phật đang bước chậm rãi trên đường và lập tức hiểu rằng đây là Đức Phật. Ông hỏi ngài ngay tại chỗ về kỹ thuật để trở thành một bậc Alahán. Đức Phật bảo ông chờ khoảng một tiếng (vì ngài đang đi khất thực), nhưng ông cứ nằng nặc rằng ông có thể chết trong một giờ ấy, hoặc Đức Phật cũng có thể chết, hoặc ông có thể mất đi niềm tin mãnh liệt nơi Đức Phật hiện đang có trong mình. Giờ là lúc mà cả ba điều này đều có mặt. Đức Phật nhìn và hiểu ra rằng chẳng bao lâu nữa người đàn ông này sẽ chết, và quả thực cần phải dạy Pháp cho ông ngay bây giờ. Vì thế ngài chỉ nói vắn tắt vài lời cho vị đạo sĩ già đã phát triển về mặt tâm linh này, ngay bên vệ đường: Diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati… "trong cái thấy chỉ có cái thấy, trong cái nghe chỉ có cái nghe, trong cái ngửi chỉ có cái ngửi, trong cái nếm chỉ có cái nếm, trong xúc chạm chỉ có xúc chạm, và trong nhận thức chỉ có nhận thức"…viññāte viññātamattaṃ bhavissati.
Chừng đó là đủ. Ở giai đoạn chỉ có cái biết, thời những gì đang được nhận thức hoặc nhân dạng của người nhận thức là không thích hợp. Chỉ có sự hiểu biết thuần túy. Sự nhúng sâu vào trạng thái Niết Bàn tiếp nối theo sau, ở đây không có gì để nắm giữ, không có căn cứ nào để đứng (trên đó) - anissito.
… anissito ca viharati, na ca kiñci loke upādiyati.
Toàn bộ lĩnh vực của tâm và vật chất (loke: thế gian của năm uẩn) được vượt qua, và không có thế gian nào hay vũ trụ nào để nắm giữ, để chấp thủ (upādiyati).
Dù cho đó chỉ là vài phút hay vài giờ tùy thuộc vào khả năng và việc làm trước đó của một người. Trong trạng thái Niết Bàn, người ta như thể đã chết: không có căn nào họat động, mặc dù ở bên trong người ấy chánh niệm rất tỉnh táo, rất tỉnh thức. Sau đó người ấy trở lại trạng thái bình thường và bắt đầu làm việc trong lĩnh vực giác quan lại, nhưng đã là một con người giác ngộ hoàn toàn, không còn tham chấp, và không còn ái dục. Một con người như vậy sẽ không dính mắc vào điều gì trong toàn thể vũ trụ này và cũng không có gì bám được vào họ. Đây là giai đoạn đã mô tả.
Vì thế người hành thiền phải thực hành. Ai thực hành theo những lời dạy này sẽ hiểu được ý nghĩa của từng lời Đức Phật đưa ra, tất nhiên sự hiểu biết thuần tri thức sẽ không giúp gì được. Sự hiểu biết chơn thực đến cùng với kinh nghiệm.
Iriyāpathapabbaṃ - Các oai nghi của thân
Iriyāpathalà các oai nghi hay tư thế của thân.
Gacchanto vā 'gacchāmī’ti pajānāti, ṭhito vā 'ṭhitomhī’ti pajānāti, nisinno vā 'nisinomhī’ti pajānāti, sayāno vā 'sayānomhī’ti pajānāti.
Khi đi (gacchanto), người hành thiền tuệ tri hay biết rõ 'Ta đang đi’ (gacchāmi). Tương tự, khi đứng (ṭhito), khi ngồi (nisinno), hay khi nằm (sayāno) người hành thiền cũng tuệ tri đúng như vậy. Đây chỉ là bước đầu. Trong câu sau, không có "ta" hay "tôi", mà chỉ có "thân" được tuệ tri trong bất kỳ oai nghi nào (yathā yathā paṇihito).
Yathā yathā vā panassa kāyo paṇihito hoti, tathā tathā ṇaṃ pajānāti.
Kế đến, với sự lập lại của cùng những câu, thân được quan sát bên trong, bên ngoài, và cả bên trong lẫn bên ngoài cùng một lúc. Quan sát sự sanh, rồi sự diệt, rồi cả hai cùng với nhau. Thực sự ra chính những cảm thọ được quan sát như đang sanh và đang diệt, bởi vì trí tuệ tỉnh giác (sampajañña), tuệ tri tính chất vô thường (anicca), phải có mặt, như ở trong mỗi chương vậy. Chánh niệm khi được thiết lập với trí tuệ (tỉnh giác) sẽ biết rằng "Đây là thân" chứ không phải là "ta, tôi". Lúc đó chỉ thuần có chánh niệm và trí tuệ (tỉnh giác), không có bất kỳ một căn cứ nào để nắm giữ, không có gì để chấp thủ.
Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati… 'atthi kayo’ti… na ca kiñci loke upādiyati.
(Xem lại đoạn này ở phần niệm hơi thở)
Sampajānapabbaṃ - Tỉnh giác liên tục về tính chất vô thường.
…Abhikkante paṭikkante sampajāna-kārī hoti. Alokite vilokite… samiñjite pasārite… saṅghati-pâtt-cīvana-dhāraṇe… asite pīte khāyite sāyite… uccāra-passā-vakame… gate ṭhite nissinne sutte jāgarite bhāsite tuṇhī bhāve sampajāna-kāri hoti
"Bước tới hay bước lui, nhìn thẳng hay nhìn hai bên, co (tay) hay duỗi (tay), cùng với việc mặc y hay mang bát, ăn, uống, nhai, khi đi đại tiện, tiểu tiện, đi, đứng, ngồi, nằm, thức hay ngủ, nói hay giữ yên lặng" - bất cứ hoạt động nào trí tuệ tỉnh giác cũng phải được thực hành (sampajāna-kārī hoti).
Sau đó, cũng những giai đoạn này được lập lại:
Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati…'atthi kāyo’ti… na ca kiñci loke upādiyati.
Chúng ta đã thấy rằng trí tuệ tỉnh giác (sampajañña) phải có mặt ở mọi nơi, mọi lúc. Đức Phật thường xuyên được hỏi về (ý nghĩa) của sati(niệm). Mỗi lần như vậy câu trả lời của ngài đều gồm luôn cả sampajañña(trí tuệ tỉnh giác) vào:
Kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā
Sống quán thân trong thân, nhiệt tâm tỉnh giác và chánh niệm.
Vedanāsu vedanānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā
Sống quán thọ trong thọ, nhiệt tâm tỉnh giác và chánh niệm.
Citte cittānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā
Sống quán tâm trong tâm nhiệt tâm tỉnh giác và chánh niệm.
Dhammesu dhammānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā
Sống quán pháp trong pháp nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm.
Không có sampajāñña(trí tuệ tỉnh giác), sati(niệm) chỉ là niệm của cô gái hát xiếc (chỉ chú ý hết sức vì sợ té mất mạng). Nếu niệm không nhận biết rõ tính chất sanh và diệt của các pháp, niệm ấy sẽ không đưa đến giải thoát.
Khi được hỏi về tự thân sampajañña, Đức Phật thường trả lời với một trong hai lối giải thích.
Lối giải thích thứ nhất, sampajaññalà sự quan sát với trí tuệ (paññā) thấy rõ sự sanh, trú và diệt của ba pháp: thọ (vedanā), tưởng (saññā) và tầm (vitakka) [tầm ở đây là tìm đến một đối tượng giác quan] - chẳng hạn như khi một âm thanh xuất hiện ở nhĩ môn. Những đối tượng này cũng gọi là pháp (dhammā), và chúng chảy cùng với các cảm thọ - vedanā-sammosaraṇā sabbe dhammā: tất cả pháp phát sinh trong tâm đều kèm theo bởi cảm thọ. Một lần nữa, sự sanh và diệt của cảm thọ là nổi bật trong sampajāna- trí tuệ tỉnh giác.
Tuy nhiên đoạn văn trong bài kinh này lại có một lối giải thích khác: sampajānabao gồm mọi hoạt động. Hàm ý ở đây là tính liên tục được đòi hỏi phải có.
Để minh họa cho điểm này, trong một bài kinh khác Đức Phật dạy:
Yato ca bhikkhu ātāpī, sampajaññaṃ na riñcati; tato so vedanā sabbā parijānāti paṇdito.
So vedanā pariññāya diṭṭhe dhamme anāsavo, kāyassa bhedā Dhammaṭṭho, saṅkhāyaṃ nopeti vedagū.
Khi hành giả (Tỳ khưu) nhiệt tâm thực hành không sao nhãng một giây tỉnh giác (sampajañña)
Bậc trí như vậy sẽ liễu tri tất cả thọ.
Sau khi liễu tri chúng, vị ấy thoát khỏi mọi bất tịnh. Người như vậy, khi thân hoại mạng chung, được an lập trong Pháp (dhamma) và tuệ tri các cảm thọ, đạt đến giai đoạn bất khả thuyết vượt ngoài thế giới hữu vi.
Bậc Alahán, khi đã tuệ tri toàn bộ lĩnh vực của cảm thọ, từ thô nhất đến tế nhất, vị ấy không còn trở lui lại lãnh vực sanh diệt này nữa sau khi chết. Do đó, "trí tuệ tỉnh giác" (sampajañña) rất là cần yếu trong giáo pháp của Đức Phật. Nếu bạn không hiểu rõ pháp ấy có thể bạn sẽ bị đưa đi lạc hướng.
Đôi khi sự chuyển dịch các từ ngữ (Pāḷi) tạo ra những khó khăn cho người đọc. Ở đây chúng ta không chỉ trích các trường phái khác, song chúng ta phải hiểu những gì chúng ta đang làm. Có khi sampajaññađược dịch lầm là "hiểu biết rõ". Về cái gì? Nó được xem như muốn nói đến các chi tiết thô: trong lúc đi người ta hiểu rõ việc nhấc chân lên, di chuyển, đặt một chân xuống, rồi đến chân khác v.v… Thực sự ra Đức Phật muốn bạn cảm giác các cảm thọ (vedanā) đang sanh, trú và diệt. Nếu sự hiểu biết về thọ này bị bỏ qua, toàn bộ kỹ thuật trở nên ô nhiễm.
Do đó, sampajañña(trí tuệ tỉnh giác) phải có mặt liên tục trong mọi tình trạng. Ngay cả khi ngủ, nó cũng phải có mặt. Khi các thiền sinh ở đây mới thực hành họ nói rằng họ hoàn toàn bất lực trong giấc ngủ sâu, và chỉ nhận thức được (tức có sampajañña) trong lúc thức, nhưng khi đã thiền đến một giai đoạn cao hơn hoàn toàn không có giấc ngủ bình thường nữa. Bạn được nghỉ ngơi đầy đủ, nhưng với sự tỉnh giác ở bên trong, với chánh niệm về các cảm thọ đang sanh và diệt, về tính chất vô thường (anicca). Đôi khi trong các khóa thiền những thiền sinh bắt đầu có được kinh nghiệm này, cho biết rằng họ ngủ rất ít hay không ngủ nhưng vẫn cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo. Họ đã ngủ với sampajañña.
Sự lập lại của một số từ trong mỗi chương đã chỉ ra cho thấy tầm quan trọng của sampajaññahay trí tuệ tỉnh giác này. Ātāpī sampajāno satima- nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm áp dụng chung cho việc quán thân, thọ, tâm và pháp: như vậy sampajaññaphải có mặt. Tương tự, samudaya(sanh), vaya(diệt), samudaya dhammānupassī- quán tánh sanh, vayadhmamānupassī- quán tánh diệt và samudayavayadhammānupassī- quán tánh sanh - diệt, được áp dụng ở mọi nơi trong bài kinh, phải đi cùng với sampajaññavà các cảm thọ.
Chẳng hạn như ở Miến (Myanmar) có rất nhiều ngôi tháp nằm trên đồi cao, với bốn lối tam cấp đi lên, mỗi lối ở một hướng - đông, tây, nam, bắc. Tương tự, bạn có thể bắt đầu với thân, thọ, tâm hay pháp, nhưng khi bạn đã vào trong tháp rồi thì tất cả đều hòa trộn trong thọ - vedanā, và vào đến chánh điện, cũng giống như Niết Bàn vậy. Dù bạn leo lên bằng bất kỳ bậc tam cấp nào, bạn cũng đi đến thọ (vedanā) và trí tuệ tỉnh giác (sampajañña); và nếu bạn sống với trí tuệ tỉnh giác này là bạn đang tiến từng bước đến mục tiêu cuối cùng.
Hãy tận dụng thời gian. Bạn phải tự hành, không ai có thể làm công việc đó thay cho bạn. Học pháp (pariyatti) sẽ chỉ cho bạn hướng đúng và sự khích lệ, nhưng lợi ích sẽ là từ việc thực hành của bạn. Pháp hành - paṭipattivà tuệ đạt thông hay tuệ thể nhập - paṭivedha là để chọc thủng bức màn vô minh này và đạt đến sự thực tối hậu về tâm, vật chất (sắc) và các tâm sở hay nội dung tâm trí, để kinh nghiệm Niết Bàn. Hãy tận dụng tốt cơ hội và những tiện nghi ở đây. Hãy tận dụng Pháp (dhamma) kỳ diệu này cho sự tốt đẹp, sự lợi ích và sự giải thoát của bạn khỏi những khổ đau và trói buộc của cuộc đời. Cầu mong tất cả hưởng được sự bình yên, hòa hợp và hạnh phúc chơn thực.
Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui.