Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 5

12/12/201116:09(Xem: 5509)
Phần 5

VI DIỆU PHÁPNHẬP MÔN

Tỳ kheo Giác Chánh

[05]

383-Tục Đế (Sammuttisacca).

V- Thế nào là Tục Đế?

Đ- Tục Đế là sự thật thế tình, sự thật phổ thông, sự thật theo phong tục, tập quán về ngôn ngữ và ý nghĩa của ngôn ngữ. Thí dụ: danh từ "ngôi nhà", vật để trốn mưa nắng ... đặt tên là ngôi nhà và khi nói đến danh từ "ngôi nhà" là người ta hiểu ngay là vật để ở trốn mưa nắng v.v... Tục Đế phân ra có 2 cách: Danh Chế Định và Nghĩa Chế Định.

384- Danh Chế Định (Nāmapaññatti).

V- Thế nào là Danh Chế Định?

Đ- Chế biến định đặt các loại danh từ để tiện việc ngôn ngữ xưng hô, kêu gọi khi muốn nói đến một sự vật gì dù là cụ thể hay trừu tượng hoặc thuộc về vật lý hay tâm lý v.v...Thí dụ: như nghe trong thân thể đau nhức khó chịu thì nói "tôi bệnh" .v.v.. Danh Chế Định phân ra có 6 thứ:

1) Danh Chơn Chế Định.
2) Phi Danh Chơn Chế Định.
3) Danh Chơn Phi Danh Chơn Chế Định.
4) Phi Danh Chơn Danh Chơn Chế Định.
5) Danh Chơn Danh Chơn Chế Định.
6) Phi Danh Chơn Phi Danh Chơn Chế Định.

385- Danh Chơn Chế Định (Sāvijjamāna paññatti).

V- Thế nào là Danh Chơn Chế Định?

Đ- Những danh từ chỉ về Pháp Chơn Đế như sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hoặc Uẩn, Xứ, Giới, Đế v.v.. gọi là Danh Chơn Chế Định.

386- Phi Danh Chơn Chế Định (Avijjamāna paññatti).

V- Thế nào là Phi Danh Chơn Chế Định?

Đ- Những danh từ chỉ về Pháp Tục Đế như Đàn ông, Đàn bà, non sông, Tổ quốc v.v... gọi là Phi danh Chơn Chế Định.

387- Danh Chơn Phi Danh Chơn Chế Định.(Vijjamānena Avijjāmānapaññtti).

V- Thế nào là Danh Chơn Phi danh Chơn Chế Định?

Đ- Tiếng nói là Cảnh Thinh, Nhan Sắc là Cảnh Sắc thuộc về Chơn Đế; còn người nam, người Nữ là Tục Đế.

388- Phi danh Chơn danh Chơn Chế Định (Avijjānena Vijjāmāna paññatti).

V- Thế nào là Phi Danh Chơn danh Chơn Chế Định?

Đ- Những danh từ ghép, tiếng trước chỉ Pháp Tục Đế (giả danh, chớ không có thật), tiếng sau chỉ Pháp Chơn Đế như "người có Tâm Tham" v.v... gọi là Phi danh Chơn. Danh Chơn Chế Định tiếng "người" là giả danh, không có thật; còn "Tâm Tham" thì có thật.

389- Danh Chơn Danh Chơn Chế Định (Vijjamānena Vijjamāna Paññatti).

V- Thế nào là Danh Chơn Danh Chơn Chế Định?

Đ- Những danh từ ghép, tiếng trước, tiếng sau đều chỉ Pháp Chơn Đế như Nhãn Thức, Nhĩ Thức v.v... gọi là danh Chơn Danh Chơn Chế Định (tiếng Nhãn, Nhĩ, đều là danh từ chỉ Vật có thật và Thức cũng là danh từ thuộc về Chơn Đế).

390- Phi Danh Chơn Phi Danh Chơn Chế Định (Avijjamānena Avijjamāna Paññatti).

V- Thế nào là Phi danh Chơn, Phi danh Chơn Chế Định?

Đ- Những danh từ ghép, tiếng trước tiếng sau đều chỉ Pháp Tục Đế như Cha con, Ông cháu v.v... gọi là Phi danh Chơn Phi danh Chơn Chế Định (tiếng cha con, ông cháu ... xét trên phương diện Chơn Đế thì hoàn toàn giả danh chớ không có thật nhưng xét về mặt thế tình, tục đế thì có thật).

391-Nghĩa Chế Định (Atthapaññatti).

V- Thế nào là Nghĩa Chế Định?

Đ- Quy định ý nghĩa cho được biết, được hiểu về đối tượng. Thí dụ: như nói "ngôi nhà cũ" người nghe hiểu rằng "chổ ở đã lâu" có 7:

1) Hình Thức Chế Định.
2) Hiệp Thành Chế Định.
3) Chúng sanh Chế Định.
4) Phương Hướng Chế Định.
5) Thời Gian Chế Định.
6) Hư Không Chế Định.
7) Tiêu Biểu Chế Định.

392- Hình Thức Chế Định (Santhānāpaññatti).

V- Thế nào là Hình Thức Chế Định?

Đ- Mặt đất bằng phẳng có một gò đất đất ... nhô cao lên gọi là Núi, chứa nước mênh mông nhiều hơn phần đất liền gọi là Biển v.v... đó là Hình thức Chế Định.

393- Hiệp Thành Chế Định (Samèhapaññatti).

V- Thế nào là Hiệp Thành Chế Định?

Đ- Vì có các vật liệu như rui, mè, kèo, cột v.v... ráp lại thành một ngôi nhà v.v... gọi là Hiệp Thành Chế Định.

394- Chúng Sinh Chế Định (Sattā paññatti).

V- Thế nào là Chúng Sinh Chế Định?

Đ- Thú, người, Trời, Tiên, Phật, Thánh, Thần, Ma, Quỉ v.v... gọi là Chúng Sinh Chế Định.

395- Phương Hướng Chế Định (Disā paññatti).

V- Thế nào là Phương Hướng Chế Định?

Đ- Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới, v.v... gọi là Phương Hướng Chế Định.

396- Thời Gian Chế Định (Kālapaññatti).

V- Thế nào là Thời Gian Chế Định?

Đ- Xuân, Hạ, Thu, Đông, giờ Tý, giờ Sửu ... một giờ, hai giờ ... sáng, trưa, chiều v.v... gọi là Thời Gian Chế Định.

397- Hư Không Chế Định (Ākāsapaññatti).

V- Thế nào là Hư Không Chế Định?

Đ- Những chỗ trống, kẻ hở, khoảng hư không như giếng, hang, hào, hố, huyệt, ao, đầm, đìa, sông, rạch v.v... gọi là Hư Không Chế Định.

398- Tiêu Biểu Chế Định (Namitta paññatti).

V- Thế nào là Tiêu Biểu Chế Định?

Đ- Những đề mục Tu chỉ Định (Samatha) như đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng v.v... hoặc các vật tiêu biểu như lá cờ, bảng hiệu v.v... gọi là Tiêu Biểu Chế Định.

Nói tóm lại, mọi sự vật trong đời được diễn đạt bằng ngôn ngữ, để bày tỏ cho nhau được hiểu biết, bất cứ dưới hình thức nào, phương tiện nào đều là Chế Định. Dù Đức Phật thuyết pháp để chuyển mê khai ngộ cho chúng sinh cũng phải dùng Pháp Chế Định (Tục Đế). Thường được ví dụ: Tục Đế như ngón tay, Chơn Đế như Mặt Trăng; đôi khi người ta còn dùng danh từ Sự để chỉ cho Tục Đế và danh từ để chỉ cho Chơn Đế v.v...người tu hành cần phải biết rõ thế nào là Tục Đế, thế nào là Chơn Đế và phải biết rõ thế nào là Chơn Đế Hữu Vi, thế nào là Chơn Đế Vô Vi (Niết Bàn). Khi đã đạt tri, liễu chứng như vậy, chắc chắn sẽ không còn lầm cho rằng trụ trong Niết Bàn, ở trong Niết Bàn, mắc kẹt trong Niết Bàn! Mà Chỉ biết Niết Bàn là Niết Bàn, sanh tử là sanh tử, chớ không phải sanh tử là Niết Bàn, phiền não tức là Bồ Đề như một số người ngộ nhận! Các vị Chánh Giác không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời và cũng không ham thích Niết Bàn như nhiều người lầm tưởng! Chính Ngài Xá Lợi Phất nói "Tôi không yêu sự sống (sinh tử), cũng không thích sự chết (Niết Bàn), nhưng tôi không làm trái chưa chín mà phải rụng"... Đức Thế Tôn có nói Bậc A La Hán biết rõ Niết Bàn là Niết Bàn, vì biết rõ Niết Bàn là Niết Bàn nên không tư niệm trong Niết Bàn, không nghĩ có tự ngã trú Niết Bàn, không nghĩ bản ngã là Niết Bàn, không nghĩ Niết Bàn là của ta, không hoan hỷ trong Niết Bàn. Vì sao vậy? Như Lai nói: "Vì vị ấy đã thật hiểu Niết Bàn" (Kinh Mūlapariyāya trong bộ Majjhima Nikāya).

399- Thiền Chỉ Quán (Samathacavipassanajhānā).

V- Thế nào là Thiền Chỉ Quán?

Đ- Thiền là phương pháp thiêu đốt phiền não, có hai loại là thiền chỉ và thiền quán. Thiền chỉ là phương pháp tập trung tư tưởng trên một đề mục, tức là cách tu theo 40 đề mục chỉ định, còn thiền quán là phương pháp phát triển tuệ tu trên mọi trường hợp, cho thấy rõ sự sanh diệt của danh sắc hay sự vô thường của ngũ uẩn. Và thấy rõ cái gì ngoài ngũ uẩn thì không bị sanh diệt. Phương pháp tu Chỉ chỉ đè nén phiền não tạm thời, còn pháp tu Tuệ Quán thì sát tuyệt phiền não hoàn toàn. Và nơi đây sẽ nói đến phương pháp chỉ quán một cách tương đối đầy đủ. Pháp tu chỉ quán nơi đây chính là pháp "Tứ Niệm Xứ".

400- Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhaṇā).

V- Thế nào là Tứ Niệm Xứ?

Đ- Tứ là con số 4. Niệm là trạng thái tâm quan sát theo dõi, chú tâm, ghi nhớ, biết rõ, biết đến, biết ngay. Xứ là chỗ, nơi, vị trí, đề mục, đối tượng tức là hành xứ hay Sở Tri, Sở Quán ... Như vậy, Tứ Niệm Xứ tức 4 Sở quán là Thân quán niệm Xứ, Thọ quán niệm Xứ, Tâm quán niệm Xứ và Pháp quán niệm Xứ.

401- Thân Quán Niệm Xứ (Kāyānupassanā).

V- Thế nào là Thân Quán Niệm Xứ?

Đ- Quan sát biết rõ những gì thuộc sắc uẩn hoặc Hành tướng của sắc uẩn gọi là Thân quán Niệm Xứ. Có 7 pháp Quán sát thuộc về Thân quán niệm Xứ là:

1) Quán sát hơi thở. 2) Quán sát Đại oai nghi. 3) Quán sát tiểu oai nghi. 4) Quán sát Thân bất tịnh. 5) Quan sát Tứ Đại. 6) Quán sát tử thi. 7) Quán sát hài cốt.

402- Quán sát Hơi Thở (Ānapānasati).

V- Thế nào là quán sát Hơi Thở?

Đ- Người tu hành theo pháp Tứ Niệm Xứ của Đức Thế Tôn, đi đến khu rừng, cội cây, ngôi nhà vắng, ngồi kiết già lưng thẳng, an trú chánh niệm trong đề mục hiện hữu (thường có):

Khi thở vô dài, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra dài, Vị ấy biết rõ.
Khi thở vô ngắn, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra ngắn, Vị ấy biết rõ.

Biết rõ nguyên cả hơi thở vô, khi Vị ấy thở vô.
Biết rõ nguyên cả hơi thở ra, khi Vị ấy thở ra.
Khi hơi thở vô vắng lặng, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, vắng lặng, Vị ấy biết rõ.

Khi thở vô, Tâm vui mừng khởi lên, vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, Tâm vui mừng khởi lên, Vị ấy biết rõ.
Khi thở vô, Thân sung sướng sinh khởi, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, Thân sung sướng sinh khởi, Vị ấy biết rõ.

Khi thở vô, Thọ tưởng sinh khởi, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, Thọ tưởng sinh khởi, Vị ấy biết rõ.
Khi thở vô, Thọ tưởng vắng lặng, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, Thọ tưởng vắng lặng, Vị ấy biết rõ.

Khi thở vô, Tâm có cảm giác như thế nào, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, Tâm có cảm giác như thế nào, Vị ấy biết rõ.
Khi thở vô, Tâm thơi thới, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, tâm thơi thới, Vị ấy biết rõ.

Khi thở vô, Tâm vô tư đối với cảnh, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, Tâm vô tư đối với cảnh, Vị ấy biết rõ.
Khi thở vô, tâm thoát ly triền cái, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, Tâm thoát ly triền cái, Vị ấy biết rõ.

Khi thở vô, Tâm thấy được vô thường, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, Tâm thấy được vô thường, Vị ấy biết rõ.
Khi thở vô, Tâm xa lìa Ngũ dục, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, Tâm xa lìa Ngũ dục, Vị ấy biết rõ.

Khi thở vô, Tâm vắng lặng, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, Tâm vắng lặng, Vị ấy biết rõ.
Khi thở vô, Tâm giải thoát khỏi các phiền não, Vị ấy biết rõ.
Khi thở ra, Tâm giải thoát khỏi các phiền não, Vị ấy biết rõ.

Nói tóm lại, Quan Sát hơi thở là chú tâm theo dõi hơi thở ra, vô, nếu trong khi quan sát hơi thở, thân tâm có trạng thái gì sinh khởi thì phải biết ngay và sau khi nhận biết sự vật vừa sinh khởi rồi tiếp tục quan sát theo hơi thở vô ra.

Biết rõ hơi thở của mình gọi là "Quán thân trên nội thân", biết rõ hơi thở của người khác gọi là "Quán thân trên ngoại thân" biết rõ hơi thở của mình và của người gọi là "Quán thân trên nội và ngoại thân". Biết rõ hơi thở lúc sinh khởi gọi là "Quán sự sinh trên thân" biết rõ hơi thở lúc diệt mất gọi là "Quán sự diệt trên thân", biết rõ khi hơi thở Sinh và Diệt gọi là "Quán sự Sinh và Diệt trên thân". Như vậy là Thân quán niệm Xứ về phần quan sát hơi thở.

403- Quan Sát Đại Oai Nghi.

V- Thế nào là Quan sát Đại Oai Nghi?

Đ- Đại Oai Nghi là cách đi, đứng, nằm, ngồi. Cách đi là xác thân di chuyển, 2 chân luôn luôn dở, bước, đạp. Cách đứng là xác thân đình trụ, dừng lại, 2 chân phải chống đỡ sức nặng của toàn thân. Cách nằm là xác thân trải dài trên giường, ghế v.v... Cách ngồi là thân xác co lại phân nửa phần trên, 2 bàn tọa đặt trên giường ghế v.v... Người tu tập chánh niệm khi thân xác ở trong oai nghi nào phải biết rõ.

Biết rõ cách Đi, Đứng, Nằm, Ngồi của mình gọi là "Quán Thân trên nội thân", biết rõ cách Đi, Đứng, Nằm, Ngồi của người khác gọi là "Quán Thân trên ngoại thân", biết rõ cách Đi, Đứng, Nằm, Ngồi của mình và của người khác gọi là "Quán Thân trên nội và ngoại thân". Biết rõ sự sinh khởi của mỗi cách Đi, Đứng, Nằm, Ngồi gọi là "Quán sự sinh trên thân", biết rõ sự diệt mất của mỗi cách Đi, Đứng, Ngồi, Nằm gọi là "Quán sự diệt trên thân", biết rõ sự Sinh và Diệt của mỗi cách Đi, Đứng, Nằm, Ngồi gọi là "Quán sự Sinh Diệt trên thân". Như vậy là Tâm Quán niệm Xứ về phần quan sát Đại Oai Nghi.

403- Quan Sát Tiểu Oai Nghi.

V- Thế nào là Quan Sát Tiểu Oai Nghi?

Đ- Tiểu oai nghi là những hành vi lặt vặt, những động tác linh tinh, tức các cử động của thân thể không thuộc về tứ đại oai nghi như co tay duỗi chân .v.v. Hành giả tu tập theo Tứ Niệm Xứ, khi thân có những cử động nào, dù nhỏ đến đâu, cũng phải biết rõ. Thí dụ như khi đi hai tay đánh đồng xa, hay nghiêng ngả thân mình, hoặc đầu lắc hay gật, chí đến nói, cười, khóc, ... đều phải biết rõ. Hoặc khi mắt nhìn về phía trước, Vị ấy biết rõ; khi ngó lui phía sau, Vị ấy biết rõ.

Khi mặc y nội, y vai trái, Vị ấy biết rõ.
Khi mang bát, mang tăng già lê, Vị ấy biết rõ.
Khi ăn, uống, nhai, nuốt, Vị ấy biết rõ.
Khi đại tiện, tiểu tiện, Vị ấy biết rõ.

Nói tóm lại, xác thân được sử dụng như thế nào, Vị ấy biết rõ như thế ấy. Quan sát biết rõ các tiểu oai nghi của mình gọi là "Quán thân trên nội thân", biết rõ các tiểu oai nghi của người khác gọi là "Quán thân trên ngoại thân", biết rõ tiểu oai nghi của mình và người khác gọi là "Quán thân trên nội và ngoại thân". Biết rõ sự sinh khởi của mỗi tiểu oai nghi gọi là "Quán sự sinh trên thân", biết rõ sự diệt của mỗi tiểu oai nghi gọi là "Quán sự diệt trên thân", biết rõ sự sinh và diệt của mỗi tiển oai nghi gọi là "Quán sự sinh diệt trên thân". Như vậy, thân quán niệm xứ về phần quan sát tiểu oai nghi là thế.

404- Quan Sát Thân Bất Tịnh (Asucino).

V- Thế nào là Quan Sát Thân Bất Tịnh?

Đ- Đức Thế Tôn dạy các vị Tỷ Khưu quan sát thân nầy từ dưới gót chân lên đến đảnh tóc, bao bọc bởi da, và chứa đựng những vật bất tịnh khác. Trong thân nầy, đây là tóc lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim gan, óc dạ dầy, màng bao ruột, phổi, ruột già, ruột non, vật thực, phân, mật, đàm, mủ, máu, nước mắt, mở đặc, mồ hôi, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhớt và nước tiểu.

Người tu hành quan sát thân bất tịnh để tâm nhàm chán, không luyến ái xác thân (dù thân mình hay thân người). Quan sát 32 thể trược của mình gọi là "Quán thân trên nội thân", quan sát 32 thể trược của người gọi là "Quán thân trên ngoại thân", quan sát 32 thể trược của mình rồi nghĩ đến 32 thể trược của người khác gọi là "Quán thân trên nội và ngoại thân". Quan sát thấy rõ sự sinh khởi của 32 thể trược là "Quán sự sinh trên thân", thấy rõ sự diệt của 32 thể trược là "Quán sự diệt trên thân", thấy rõ sự sinh và diệt của 32 thể trược là "Quán sự sinh diệt trên thân". Như vậy là Thân quán niệm xứ về phần Quan Sát Thân Bất Tịnh.

405- Quan Sát Tứ Đại (Vavaṭṭhāna).

V- Thế nào là Quan Sát Tứ Đại?

Đ- Tứ Đại là Địa đại, Thủy đại, Hỏa đại và Phong đại. Địa đại là các chất đông đặc, có phận sự nâng đỡ các sắc khác, có trạng thái cứng hoặc mềm. Thủy đại là chất lỏng ướt, có phận sự nuôi dưỡng các sắc khác cho được tươi nhuần, có trạng thái chảy ra và quến lại. Hỏa đại là chất âm dương, có phận sự làm cho các sắc khác khô chín và không hư thúi, có trạng thái nóng và lạnh. Phong đại là chất hoạt động, có phận sự di chuyển hoặc cử động, có trạng thái lay động hoặc căng phồng lên. nói theo Kinh tạng, Tứ đại trong thân có 42 thứ tất cả:

- Đất có 20 thứ: Tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương tủy, thận, tim, gan, óc, phổi, dạ dầy, màng ruột, ruột già, ruột non, vật thực, phân.

- Nước có 12 thứ: Mật, đàm, mủ, máu, nước mắt, mở đặc, mồ hôi, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhớt và nước tiểu.

- Lửa có 4 thứ: Lửa làm cho ấm thân, lửa làm cho thân xác khô khan, lửa làm cho thân nóng nảy, lửa làm cho tiêu hóa vật thực.

- Gió có 6 thứ: Gió thổi lên, gió thổi xuống, gió ngoài ruột, gió trong ruột, gió làm chuyển động thân, gió theo hơi thở ra vô.

Người tu hành quan sát Tứ Đại để xả ly lòng cố chấp về xác thân. Quan sát Tứ Đại trong thân gọi là "Quán thân trên nội thân", quan sát Tứ Đại ngoài thân gọi là "Quán thân trên ngoại thân", quan sát Tứ Đại bên trong rồi nghĩ đến Tứ Đại bên ngoài và trái lại gọi là "Quán thân trên nội và ngoại thân". Quán thấy sự sinh khởi của Tứ Đại gọi là "Quán sự sinh trên thân", quán thấy sự tiêu diệt của Tứ Đại gọi là "Quán sự diệt trên thân", quán thấy sự sinh khởi và tiêu diệt của Tứ Đại gọi là "Quán sự sinh diệt trên thân". Như vậy là Thân Quán Niệm Xứ về phần Quan Sát Tứ Đại.

406- Quan Sát Tử Thi (Āsubha).

V- Thế nào là Quan Sát Tử Thi?

Đ- Tử thi là thân xác con người đả chết, quăng bỏ trong nghĩa địa từ 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày hoặc lâu hơn. Tử thi có nhiều hình thức như tử thi đang sình lên, tử thi sình có màu xanh đen, tử thi thúi nát có mũ chảy ra, tử thi bị chặt đứt làm hai đoạn, tử thi bị thú ăn lủng nhiều chỗ, tử thi bị chặt đứt lìa ra thành nhiều khúc, tử thi bị đâm chém có nhiều dấu vết, tử thi có máu trào ra từng vũng, tử thi có giòi đụt nhiều nơi, tử thi chỉ còn xương gân.

Hành giả quan sát tử thi để sanh tâm kinh cảm, ghê sợ xác thân, trừ lòng tham ái những sắc tướng xinh đẹp. Quan sát thân mình cũng sẽ như tử thi đã gặp là "Quán thân trên nội thân", quan sát thân người cũng sẽ như tử thi đã gặp là "Quán thân trên ngoại thân", quan sát thân mình và thân người rồi cũng sẽ như tử thi đã gặp là "Quán thân trên nội và ngoại thân". Quán sự sinh khởi (từng giai đoạn) của thân gọi là "Quán sự sinh trên thân", quán thấy sự diệt mất (từng giai đoạn) của thân gọi là "Quán sự diệt trên thân", quán thấy sự sinh và diệt (biến chuyển từ hình thức nầy sang hình thức khác) của thân gọi là "Quán sự sinh diệt trên thân". Như vậy là Thân Quán Niệm Xứ về phần Quan Sát Tử Thi.

407- Quan Sát Hài Cốt (Aṭṭhikāni).

V- Thế nào là Quan Sát Hài Cốt?

Đ- Hài cốt là những tử thi chỉ còn lại bộ xương khô chứ không còn da, thịt, gân máu ... gì cả. bộ xương ấy từ một năm trở lên, có thể trắng hếu, hoặc đen thâm, thúi nát thành bột.

Người tu hành quan sát hài cốt để sanh tâm xả ly tham ái thân xác. Quán sát thân mình với ý nghĩ: "thân này đặc tánh là vậy, bản chất là vậy (thân nầy rồi sẽ trở thành bộ hài cốt như vậy, không thể nào vượt khỏi tánh chất ấy)", là "Quán thân trên nội thân", quan sát thân người với ý nghĩ: "thân đó có đặc tính là vậy, bản chất là vậy" là "Quán thân trên ngoại thân", quan sát thân mình và thân người với ý nghĩ: "thân nầy có đặc tính là vậy, bản chất là vậy" là "Quán thân trên nội và ngoại thân". Quán thấy sư sinh khởi của thân là "Quán sự sinh trên thân", quán thấy sự hoại diệt của thân gọi là "Quán sự diệt trên thân", quán thấy sự sinh diệt của thân gọi là "Quán sự sinh diệt trên thân". Đó là Thân Quán Niệm Xứ về phần Quan Sát Hài Cốt.

Thân quán niệm xứ có 7 cách, người tu tập theo pháp Tứ Niệm Xứ, lấy thân làm đề mục, an trú trong chánh niệm, hướng đến chánh đạo. Vị ấy sống không nương tựa, không đắm nhiễm một vật gì trên đời.

408- Thọ Quán Niệm Xứ (Vedanānupassanā).

V- Thế nào là Thọ Quán Niệm Xứ?

Đ- Thọ là những cảm giác khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Mỗi khi tâm sinh khởi, ắc phải có một thọ cùng sinh. Quan sát thấy rõ sự có mặt của thọ (1 trong 5 thọ) là Thọ Quán Niệm Xứ. trong tạng Abhidhammā, bộ Vibhanga có ghi rằng: Vị Tỷ Khưu trong Phật giáo:

Khi cảm giác khổ thọ, Vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác lạc thọ, Vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác ưu thọ, Vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác hỷ thọ, Vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác xả thọ, Vị ấy biết rõ.

Hoặc:

Khi cảm giác khổ thuộc vật chất, Vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác khổ không thuộc vật chất, Vị ấy biết rõ.

Khi cảm giác lạc thuộc vật chất, Vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác lạc không thuộc vật chất, Vị ấy biết rõ.

Khi cảm giác phi khổ phi lạc thuộc vật chất, Vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác phi khổ phi lạc không thuộc vật chất, Vị ấy biết rõ.

Nói tóm lại, quan sát cho thấy rõ sự có mặt của Thọ Uẩn là Thọ Quán Niệm Xứ. Quan sát các Thọ của mình là "Quán thọ trên các nội thọ", quan sát các Thọ của người là "Quán thọ trên các ngoại thọ", quan sát các Thọ của mình và của người (dù thọ nào cũng là thọ: vô thường, khổ não và vô ngã) là "Quán thọ trên các nội và ngoại thọ". Quán thấy sự sinh khởi của các thọ là "Quán sự sinh trên các thọ", quán thấy sự diệt mất của các thọ là "Quán sự diệt trên các thọ", quán thấy sự sinh khởi và hoại diệt của các thọ là "Quán sự sinh diệt trên các thọ".

Lấy Thọ làm đề mục thiền quán, Vị Tỷ Khưu an trú trong chánh niệm, hướng đến Bát Chánh Đạo. Vị ấy sống không nương tựa, không đắm nhiễm một vật gì trên đời.

409- Tâm Quán Niệm Xứ (Cittānupassanā).

V- Thế nào là Tâm Quán Niệm Xứ?

Đ- Tâm là sự biết cảnh, nhận thức đối tượng. Tâm có 6: Tâm Nhãn thức (biết cảnh sắc), Tâm Nhĩ thức (biết cảnh thinh), Tâm Tỷ thức (biết cảnh khí), Tâm Thiệt thức (biết cảnh vị), Tâm Thân thức (biết cảnh xúc: đất, lửa, gió), Tâm Ý thức (biết hết 6 cảnh). Như vậy, người hành Tứ niệm xứ:

Khi mắt biết cảnh sắc, Vị ấy biết rõ.
Khi tai biết cảnh thinh, Vị ấy biết rõ.
Khi mũi biết cảnh khí, Vị ấy biết rõ.
Khi lưỡi biết cảnh vị, Vị ấy biết rõ.
Khi thân biết cảnh xúc, Vị ấy biết rõ.
Khi ý biết cảnh pháp, Vị ấy biết rõ; (cảnh Ngũ tuy ý thức cũng biết nhưng khó nhận ra).

Khi ý thức tiếp xúc với 6 cảnh:

Tâm có tham, Vị ấy biết rõ.
Tâm vô tham, Vị ấy biết rõ.
Tâm có sân, Vị ấy biết rõ.

Tâm vô sân, Vị ấy biết rõ.
Tâm có si, Vị ấy biết rõ.
Tâm vô si, Vị ấy biết rõ.

Tâm có hôn trầm, Vị ấy biết rõ.
Tâm có phóng dật, Vị ấy biết rõ.

Tâm thành Đáo Đại (Thiền), Vị ấy biết rõ.
Tâm không thành Đáo Đại, Vị ấy biết rõ.

Tâm cao thượng, Vị ấy biết rõ.
Tâm vô thượng, Vị ấy biết rõ.

Tâm Định, Vị ấy biết rõ.
Tâm không Định, Vị ấy biết rõ.

Tâm giải thoát, Vị ấy biết rõ.
Tâm không giải thoát, Vị ấy biết rõ.

Tóm lại, khi tâm tiếp xúc với đối tượng có trạng thái như thế nào, hành giả phải quan sát, biết rõ như thế ấy. Thấy rõ Thức Uẩn gọi là Tâm Quán Niệm Xứ.

Quan sát tâm mình gọi là "Quán tâm trên nội tâm", quan sát tâm người khác gọi là "Quán tâm trên ngoại tâm", quan sát tâm của mình và của người khác gọi là "Quán tâm trên nội và ngoại tâm". Quán thấy sự sinh khởi của tâm gọi là "Quán sự sinh trên Tâm", quán thấy sự hoại diệt của tâm gọi là "Quán sự diệt trên Tâm", quán thấy sự sinh khởi và hoại diệt của tâm gọi là "Quán sự sinh diệt trên Tâm". Đó là Tâm Quán Niệm Xứ.

410- Pháp Quán Niệm Xứ (Dhammānupassanā).

V- Thế nào là Pháp Quán Niệm Xứ?

Đ- Pháp quán niệm xứ là quan sát tất cả các trạng thái của Danh Sắc trên mọi phương diện, rất vi tế và chi tiết, pháp quán niệm xứ có 5 loại: Ngũ triền cái, Ngũ thủ uẩn, Thập nhị xứ, Thất giác chi và Tứ diệu đế.

411- Quan Sát Năm Triền Cái (Nivarana).

V- Thế nào là Quan Sát Năm Triền Cái?

Đ- Triền cái là những pháp ngăn che các Thiện Pháp nhứt là Thiền Định và trói buộc Tâm trong vòng Bất Thiện. Có 5 loại triền cái: Tham dục cái, Sân hận cái, Hôn thụy cái, Trạo hối cái (phóng dật) và Hoài nghi cái. Trong tạng Abhidhamma, bộ Vibhanga có ghi: Vị Tỷ Khưu trong Phật giáo khi quán pháp trên các pháp đối với 5 triền cái:

- Khi nội tâm có tham dục, Vị ấy biết rõ; khi nội tâm không có tham dục, Vị ấy biết rõ; với tham dục chưa sinh khởi, nay sinh khởi (do nhân nào), Vị ấy biết rõ, Với tham dục đã từng sinh khởi nay được đoạn diệt (do nhân nào), Vị ấy biết rõ; Với tham dục được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi, Vị ấy biết rõ.

- Khi nội tâm có sân hận, Vị ấy biết rõ; khi nội tâm không có sân hận, Vị ấy biết rõ; với sân hận chưa sinh khởi, nay sinh khởi (do nhân nào), Vị ấy biết rõ, Với sân hận đã từng sinh khởi nay được đoạn diệt (do nhân nào), Vị ấy biết rõ; Với sân hận được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi, Vị ấy biết rõ.

- Khi nội tâm có Hôn thụy, Vị ấy biết rõ; khi nội tâm không có Hôn thụy, Vị ấy biết rõ; với Hôn thụy chưa sinh khởi, nay sinh khởi (do nhân nào), Vị ấy biết rõ, Với Hôn thụy đã từng sinh khởi nay được đoạn diệt (do nhân nào), Vị ấy biết rõ; Với Hôn thụy được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi, Vị ấy biết rõ.

- Khi nội tâm có Trạo hối (phóng dật), Vị ấy biết rõ; khi nội tâm không có Trạo hối, Vị ấy biết rõ; với Trạo hối chưa sinh khởi, nay sinh khởi (do nhân nào), Vị ấy biết rõ, Với Trạo hối đã từng sinh khởi nay được đoạn diệt (do nhân nào), Vị ấy biết rõ; Với Trạo hối được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi, Vị ấy biết rõ.

- Khi nội tâm có Hoài nghi, Vị ấy biết rõ; khi nội tâm không có Hoài nghi, Vị ấy biết rõ; với Hoài nghi chưa sinh khởi, nay sinh khởi (do nhân nào), Vị ấy biết rõ, Với Hoài nghi đã từng sinh khởi nay được đoạn diệt (do nhân nào), Vị ấy biết rõ; Với Hoài nghi được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi, Vị ấy biết rõ.

Tóm lại, khi nội tâm có một trong năm triền cái sinh khởi, hành giả phải biết rõ như ngay. Quan sát thấy năm triền cái của mình gọi là "Quán pháp trên nội pháp", quan sát năm triền cái của người khác gọi là "Quán pháp trên ngoại pháp", quan sát thấy năm triền cái của mình và của người khác gọi là "Quán pháp trên nội và ngoại pháp". Quán thấy sự sinh khởi của năm triền cái gọi là "Quán sự sinh trên pháp", quán thấy sự hoại diệt của năm triền cái gọi là "Quán sự diệt trên pháp", quán thấy sự sinh khởi và hoại diệt của năm triền cái gọi là "Quán sự sinh diệt trên pháp". Đó là Pháp Quán Niệm Xứ về phần Quan Sát Năm Triền Cái.

412- Quan Sát Năm Thủ Uẩn (Upādānakkhandho).

V- Thế nào là Quan Sát Năm Thủ Uẩn?

Đ- Uẩn là khối, nhóm, chùm, đống, tập hợp. Có năm uẩn là: Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Sự tham ái, chấp thủ năm uẩn gọi là Ngũ Thủ Uẩn. Khi nội tâm có sự chấp thủ, bám níu uẩn nào, người tu hành phải biết rõ. Ủó chính là Quan Sát Năm Thủ Uẩn vậy.

Sắc uẩn sinh, Sắc uẩn diệt, Vị ấy biết rõ.
Thọ uẩn sinh, Thọ uẩn diệt, Vị ấy biết rõ.
Tưởng uẩn sinh, Tưởng uẩn diệt, Vị ấy biết rõ.
Hành uẩn sinh, Hành uẩn diệt, Vị ấy biết rõ.
Thức uẩn sinh, Thức uẩn diệt, Vị ấy biết rõ.

Quan sát thấy sự chấp thủ năm uẩn của mình gọi là "Quán pháp trên nội pháp", quan sát sự chấp thủ năm uẩn của người khác gọi là "Quán pháp trên ngoại pháp", quan sát sự chấp thủ năm uẩn của mình và của người khác gọi là "Quán pháp trên nội và ngoại pháp". Quán thấy sự sinh khởi của năm uẩn gọi là "Quán sự sinh trên pháp", quán thấy sự hoại diệt của năm uẩn gọi là "Quán sự diệt trên pháp", quán thấy sự sinh khởi và hoại diệt của năm uẩn gọi là "Quán sự sinh diệt trên pháp". Đó là Pháp Quán Niệm Xứ về phần Quan Sát Năm Uẩn.

413- Quan Sát Mười Hai Xứ (Āyatana).

V- Thế nào là Quan Sát Mười Hai Xứ?

Đ- Xứ là nơi, chỗ, vị trí ... Có tất cả là 12 xứ chia thành hai phần: nội xứ và ngoại xứ.

6 Xứ nội là:

Nhãn xứ (mắt, vật trông thấy được các màu sắc, hình dáng).
Nhĩ xứ (tai, vật nghe được các tiếng).
Tỷ xứ (mũi, vật ngửi được các mùi).
Thiệt xứ (lưỡi, vật nếm được các vị).
Thân xứ (thân, vật cảm xúc được các vật va chạm).
Ý xứ (tâm, sự nhận thức được mọi đối tượng).

6 Xứ ngoại là:

Sắc xứ (cảnh sắc, vật bị mắt thấy).
Thinh xứ (cảnh thinh, vật bị tai nghe).
Khí xứ (cảnh khí, vật bị mũi ngửi).
Vị xứ (cảnh vị, vật bị lưỡi nếm).
Xúc xứ (cảnh xúc, đất, lửa, gió).
Pháp xứ (cảnh pháp, đối tượng riêng biệt của Ý Thức: các trạng thái xanh, vàng, đỏ, trắng, vuông, tròn, dài, ngắn, ...).

- Người tu Tuệ quán, khi mắt thấy sắc chỉ biết "Đây là mắt, đó là sắc", do hai nguyên nhân nầy, kiết sử (*) sinh khởi, Vị ấy biết rõ như vậy. Với kiết sử chưa sinh khởi, nay sinh khởi (do nhân nào), Vị ấy biết rõ, Với kiết sử đã từng sinh khởi nay được đoạn diệt (do nhân nào), Vị ấy biết rõ; Với kiết sử được đoạn diệt, tương lai không tái phát, Vị ấy biết rõ.

- Người tu Tuệ quán, khi tai nghe tiếng chỉ biết ...
- Người tu Tuệ quán, khi mũi ngửi mùi chỉ biết ...
- Người tu Tuệ quán, khi lưỡi nếm vị chỉ biết ...
- Người tu Tuệ quán, khi thân cảm xúc chỉ biết ...
- Người tu Tuệ quán, khi ý suy nghĩ pháp chỉ biết ...

Tóm lại, người hành Tứ Niệm Xứ, dù đang ở oai nghi nào, khi căn môn tiếp xúc với trần cảnh, Vị ấy phải an trú trong chánh niệm, lúc đó nếu có kiết sử sinh khởi, Vị ấy phải biết rõ.

Quan sát các xứ của mình gọi là "Quán pháp trên nội pháp", quan sát các xứ của người khác gọi là "Quán pháp trên ngoại pháp", quan sát các xứ của mình và của người khác gọi là "Quán pháp trên nội và ngoại pháp". Quán thấy sự sinh khởi của các xứ gọi là "Quán sự sinh trên pháp", quán thấy sự hoại diệt của các xứ gọi là "Quán sự diệt trên pháp", quán thấy sự sinh khởi và hoại diệt của các xứ gọi là "Quán sự sinh diệt trên pháp". Đó là Pháp Quán Niệm Xứ về phần Quan Sát Mười Hai Xứ.

(*) Kiết sử hay Thập Triền là 10 pháp trói buộc: Dục ái, Hữu ái, Phẩn uất, Ngã mạn, Tà kiến, Hoài nghi, Tật đố, Lận Sắc, Vô minh, Giới cấm thủ).

414- Quan Sát Thất Giác chi (Bojjhanga).

V- Thế nào là Quan Sát Thất Giác Chi?

Đ- Thất Giác Chi (hay Thất Bồ Đề Phần) là bảy pháp làm cho tỏ ngộ Thánh Đế, thấy rõ Niết-Bàn, đắc chứng đạo quả. Tạng Abhidhamma, bộ Vibhanga có giải về Thất Giác Chi như sau:

- Niệm giác chi là sự ghi nhớ, biết đến, thường nhớ, hằng nhớ, không lẫn lộn, không quên mình.

- Thẩm giác chi là trí tuệ, vô si, trạch pháp, giác minh, chánh kiến, thấy rõ sự thật (thiện hay bất thiện).

- Cần giác chi là sự mở đường, hướng đạo, sách tấn, chánh cần, lướt tới, không lui sụt.

- Hỷ giác chi là sự no vui, no lòng, phỉ lạc, pháp hỷ, trạng thái vui tươi, thái độ hoan hỷ.

- Tịnh giác chi là sự vắng lặng, cách yên tịnh của tâm thức (sự an tịnh của tứ danh uẩn).

- Định giác chi là sự nhứt hành, an chỉ, đình trụ của tâm trên đề mục.

- Xả giác chi là sự buông bỏ, cách xả ly, quân bình, trung tánh, bình thản, điềm nhiên, vô tư.

Người hành Tứ Niệm Xứ, khi nội tâm có Niệm giác chi, Vị ấy biết rõ; khi nội tâm không có Niệm giác chi, Vị ấy biết rõ; với Niệm giác chi chưa sinh khởi, nay sinh khởi, Vị ấy biết rõ; với Niệm giác chi đã sinh khởi nay được tu tập viên thành, Vị ấy biết rõ.

- Khi nội tâm có Thẩm giác chi ...
- Khi nội tâm có Cần giác chi ...
- Khi nội tâm có Hỷ giác chi ...
- Khi nội tâm có Tịnh giác chi ...
- Khi nội tâm có Định giác chi ...
- Khi nội tâm có Xả giác chi ...

Tóm lại, người hành Tứ Niệm Xứ, dù đang ở oai nghi nào, khi trong tâm có pháp bồ đề phần sinh khởi, Vị ấy phải biết rõ.

Quan sát thấy Thất Giác Chi của mình gọi là "Quán pháp trên nội pháp", quan sát thấy Thất Giác Chi của người khác gọi là "Quán pháp trên ngoại pháp", quan sát thấy Thất Giác Chi của mình và của người khác gọi là "Quán pháp trên nội và ngoại pháp". Quán thấy sự sinh khởi của Thất Giác Chi gọi là "Quán sự sinh trên pháp", quán thấy sự hoại diệt của Thất Giác Chi gọi là "Quán sự diệt trên pháp", quán thấy sự sinh khởi và hoại diệt của Thất Giác Chi gọi là "Quán sự sinh diệt trên pháp". Đó là Pháp Quán Niệm Xứ về phần Quan Sát Thất Giác Chi.

415- Quan Sát Tứ Diệu Đế (Ariyasacca).

V- Thế nào là Quan Sát Tứ Diệu Đế?

Đ- Tứ Diệu Đế là bốn sự thật siêu việt, cũng gọi là bốn thánh đế (tức là bốn sự thật mà các vị thánh nhân thấy rõ và biết rõ). Bốn sự thật ấy là khổ diệu đế, tập diệu đế, diệt diệu đế, đạo diệu đế.

416- Khổ Diệu Đế (Dukkhāriyasacca).

V- Thế nào là Khổ Diệu Đế?

Đ- Khổ Diệu Đế là sự bất toàn, vô thường, trống không, giả tạm, bất toại nguyện. Nói theo điều pháp thì khổ đế là chỉ cho sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, ai, muốn không đặng; tóm lại chấp thủ năm uẩn là khổ. Tạng Abhidhamma, tập Duyên Khởi (paticasamuppāda) giải: Sinh là sự sinh khởi của Danh và Sắc (ngũ uẩn), Già là sự củ kỹ tức sát na trụ của Danh và Sắc. Chết là sự tiêu hoại của Danh và Sắc trong từng sát na, chấm dứt một kiếp sống. Sầu là sự phiền muộn, buồn rầu. Bi là sự khóc than, bi thán, ai bi. Khổ là sự khổ khổ (khổ thân và khổ tâm), hoại khổ (lạc cực sinh bi), hành khổ (ngũ uẩn sanh diệt). Ưu là sự lo buồn, bi não. Cầu bất đắc là sự mong cầu đừng sinh, đừng già, đừng chết, đừng gặp chuyện sầu bi, khổ não nhưng không được như ý. chấp thủ năm uẩn là sự tham ái chấp vào Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Đó chính là Khổ Diệu Đế.

417- Tập Diệu Đế (Samudayāriyasacca).

V- Thế nào là Tập Diệu Đế?

Đ- Tập Diệu Đế là nguyên nhân sinh ra sự khổ, chính lòng Tham ái là Khổ Tập Diệu Đế. Khổ Tập Diệu Đế có ba loại: Dục ái, Hữu ái và Phi Hữu ái.

1) Dục ái (Kamātaṇhā) là lòng tham ái sinh khởi và an trú trong các sắc thân ái, khả ái, tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, các sắc, các thinh, các khí, các vị, các xúc và các pháp.

Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Thức trong đời: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.

Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Xúc trong đời: Nhãn xúc, Nhĩ xúc, Tỷ xúc, Thiệt xúc, Thân xúc và Ý xúc.

Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Thọ trong đời: Nhãn thọ, Nhĩ thọ, Tỷ thọ, Thiệt thọ, Thân thọ và Ý thọ.

Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Tưởng trong đời: Nhãn tưởng, Nhĩ tưởng, Tỷ tưởng, Thiệt tưởng, Thân tưởng và Pháp tưởng.

Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Tư (gom thu) trong đời: Nhãn tư, Nhĩ tư, Tỷ tư, Thiệt tư, Thân tư và Pháp tư.

Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Ái (khao khát) trong đời: Nhãn ái, Nhĩ ái, Tỷ ái, Thiệt ái, Thân ái và Pháp ái.

Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Tầm (suy nghĩ) trong đời: Nhãn tầm, Nhĩ tầm, Tỷ tầm, Thiệt tầm, Thân tầm và Pháp tầm.

Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Tứ (quán sát, xem xét) trong đời: Nhãn tứ, Nhĩ tứ, Tỷ tứ, Thiệt tứ, Thân tứ và Pháp tứ.

2) Hữu ái là sự khao khát, mong muốn các sự vật hiện hữu trường tồn hay được trở thành (trong các đời sau tức thường kiến).

3) Phi Hữu ái là tham ái về sự đoạn diệt (tức tham ái theo đoạn kiến).

418- Diệt Diệu Đế (Nirodhāriyasacca).

V- Thế nào là Diệt Diệu Đế?

Đ- Tạng Abhidhamma, bộ Vibhanga có giải: Diệt tận tham ái là Diệt Diệu Đế. Đối với các sắc thân ái, khả ái, tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, các sắc, các thinh, các khí, các vị, các xúc và các pháp. Sự tham ái đoạn diệt như nước chẳng đọng lá sen đó là Diệt Diệu Đế.

Hoặc đoạn diệt sự Tham ái đối với Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức là Diệt Diệu Đế.

Hoặc đoạn diệt sự Tham ái đối với Nhãn xúc, Nhĩ xúc, Tỷ xúc, Thiệt xúc, Thân xúc và Ý xúc là Diệt Diệu Đế.

Hoặc đoạn diệt sự Tham ái đối với Nhãn thọ, Nhĩ thọ, Tỷ thọ, Thiệt thọ, Thân thọ và Ý thọ là Diệt Diệu Đế.

Hoặc đoạn diệt sự Tham ái đối với Nhãn tưởng, Nhĩ tưởng, Tỷ tưởng, Thiệt tưởng, Thân tưởng và Pháp tưởng là Diệt Diệu Đế.

Hoặc đoạn diệt sự Tham ái đối với Nhãn tư, Nhĩ tư, Tỷ tư, Thiệt tư, Thân tư và Pháp tư là Diệt Diệu Đế.

Hoặc đoạn diệt sự Tham ái đối với Nhãn ái, Nhĩ ái, Tỷ ái, Thiệt ái, Thân ái và Pháp ái là Diệt Diệu Đế.

Hoặc đoạn diệt sự Tham ái đối với Nhãn tầm, Nhĩ tầm, Tỷ tầm, Thiệt tầm, Thân tầm và Pháp tầm là Diệt Diệu Đế.

Hoặc đoạn diệt sự Tham ái đối với Nhãn tứ, Nhĩ tứ, Tỷ tứ, Thiệt tứ, Thân tứ và Pháp tứ là Diệt Diệu Đế.

Tập Diệu Đế và Diệt Diệu Đế khác nhau ở chỗ Tham ái sinh và Tham ái diệt đối với pháp trần do đó nên có câu "Phiền não tức Bồ đề, Niết-Bàn đồng sinh tử".

419- Đạo Diệu Đế (Maggāriyasacca).

V- Thế nào là Đạo Diệu Đế?

Đ- Tạng Abhidhamma, bộ Vibhanga có giải: Đạo Diệu Đế chính là Bát Thánh đạo gồm có 8 chi: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Chánh kiến là thấy rõ sự khổ, thấy rõ nhân sinh khổ, thấy rõ pháp diệt khổ và thấy rõ con đường đi đến diệt khổ. Bản thể pháp là sở hữu Trí Tuệ.

Chánh tư duy là sự suy nghĩ xa lìa Tham dục, sự suy nghĩ xa lìa sân hận và suy nghĩ xa lìa giết hại. Bản thể pháp là sở hữu Tầm.

Chánh ngữ là không nói dối, không nói đâm thọc, không nói hung dữ và không nói lời nhảm nhí, vô ích. Bản thể pháp là sở hữu Chánh Ngữ.

Chánh nghiệp là không giết hại, không trộm cướp và không gian dâm. Bản thể pháp là sở hữu Chánh Nghiệp.

Chánh mạng là không nuôi thân sống bằng thân nghiệp tà vạy, khẩu nghiệp tà vạy. Bản thể pháp là sở hữu Chánh Mạng

Chánh tinh tấn là ngăn ngừa ác pháp chưa sinh khởi không cho sinh khởi; diệt trừ ác pháp đã sinh khởi không cho tái phát; tu tập thiện pháp chưa có cho có và gìn giữ thiện pháp đã có cho được phát triển thêm. Bản thể pháp là sở hữu Cần.

Chánh niệm là sự chuyên cần, tỉnh giác, biết rõ thân trên thân, biết rõ thọ trên các thọ, biết rõ tâm trên các tâm, biết rõ pháp trên các pháp. Chế ngự được Tham Sân ở đời. Bản thể pháp là sở hữu Niệm.

Chánh định là trạng thái tâm thanh tịnh, xa lìa các pháp bất thiện. Chứng và trú Sơ thiền: có Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc do ly dục sinh. Chứng và trú Nhị thiền có Hỷ, Lạc do Định sanh. Chứng và trú Tam thiền có sự an lạc do xả niệm sinh. Chứng và trú Tứ thiền có sự an tịnh do phi khổ phi lạc sinh. Bản thể pháp là sở hữu Nhất hành. Con đường Thánh có 8 chi như vậy gọi là Đạo Diệu Đế.

Tóm lại, người hành Tứ Niệm Xứ, dù đang ở oai nghi nào luôn luôn phải có chánh niệm (biết rõ) đối với các pháp. Phải biết rõ "Đây là sự khổ, đây là nhân sinh khổ, đây là sự diệt khổ và đây là con đường đưa đến diệt khổ".

Quan sát thấy bốn Diệu Đế trong thân gọi là "Quán pháp trên nội pháp", quan sát thấy bốn Diệu Đế ngoài thân gọi là "Quán pháp trên ngoại pháp", quan sát thấy bốn Diệu Đế trong thân và ngoài thân gọi là "Quán pháp trên nội và ngoại pháp". Quán thấy sự sinh khởi của bốn Diệu Đế gọi là "Quán sự sinh trên pháp", quán thấy sự hoại diệt của bốn Diệu Đế gọi là "Quán sự diệt trên pháp", quán thấy sự sinh khởi và hoại diệt của bốn Diệu Đế gọi là "Quán sự sinh diệt trên pháp". Đó là Pháp Quán Niệm Xứ về phần Tứ Diệu Đế.

Lưu ý: Danh từ "Diệu Đế" là nói chung, hành giả chỉ thấy một ... và sự sinh, đây là đang thấy ... chứ đừng hiểu Niết-Bàn có sinh diệt !

Tứ Niệm Xứ là pháp tu Chỉ Quán vì cũng những đề mục đó (như đề mục tử thi, hơi thở, ...) nếu hành giả hành theo thiền chỉ (Samatha) thì sẽ đắc Định, còn nếu hành theo thiền quán (Vipassanā) thì sẽ đắc tuệ.

Sau đây chúng tôi sẽ trình bày tiếp phương pháp tu Thiền Chỉ và Thiền Quán cho những vị muốn nghiên cứu Thiền cũng như những người muốn tu tập Thiện Định có tài liệu giải về Thiền.

420- Thiền Chỉ Tịnh (Samatha).

V- Thế nào là "Thiền Chỉ Tịnh"?

Đ- Thiền là sự thiêu đốt triền cái (Nīvaraṇa); Chỉ là ngưng, trụ, đình chỉ, tức là một thứ tâm diễn tiến liên tục vô số sát na mà không bị một thứ tâm nào khác xen vào sinh khởi; Tịnh là trong sạch vì tâm thiền chỉ biết một cảnh mà thôi, ngoài đề mục thiền định, tâm thiền không hề biết một cảnh nào khác. Samathakammaṭṭhāṇa là Chỉ Hành Xứ gồm các đề mục được chia ra thành 7 phần như sau:

1- Đề mục Hoàn Tịnh (Kasiṇa).
2- Đề mục Bất mỹ, Tử thi (Āsubha).
3- Đề mục Niệm (Anussati).
4- Đề mục Tứ Vô Lượng Tâm (Appamaññā).
5- Đề mục Vô Sắc (Arūpa).
6- Đề mục Phân Biệt (Vavaṭṭhāna).
7- Đề mục Tưởng (Saññā).

421- Đề Mục Hoàn Tịnh (Kasiṇa).

V- Thế nào là Đề mục Hoàn Tịnh?

Đ- Kasiṇa là đề mục hành thiền bằng sắc pháp, hành giả trụ tâm trên những đề mục ấy cho đến khi chỉ còn là ấn tượng của tư tưởng mà thôi. 10 đề mục Kasiṇa có khả năng đắc từ Sơ thiền đến Ngũ thiền. 10 đề mục kasiṇa ấy là: Đất (Pathavīkasiṇa), Nước (Āpokasiṇa), Lửa (Tejekasina), Gió (Vāyokasiṇa), Xanh (Nīlakasiṇa), Vàng (Pītakasiṇa), Đỏ (Lohitakasiṇa), Trắng (Odātakasiṇa), Hư không (Ākāsakasiṇa), Ánh sáng (Ālokakasiṇa).

Hành giả hành thiền bằng đề mục Đất, lấy đất sét màu hồng như mặt trời mới mọc, nện cho bằng phẳng, làm thành hình tròn, đường kính một gang bốn ngón tay (gang tay của hành giả), rồi để đề mục ấy cách hành giả hai hắc một gang tay rồi chú tâm vào đề mục (buổi đầu hành giả có thể niệm thầm Đất, Đất, ...). Tư cách đó gọi là Parikammanimitta (chuẩn bị tướng); hành giả chú tâm vào đề mục hoàn toàn, hình ảnh của đề mục luôn hiện ra rõ rệt dù hành giả có nhắm mắt đi nữa, trạng thái nầy gọi là Uggahanimitta (thủ cảnh tướng); hành giả tiếp tục tu tập đề mục ấy cho đến khi hình ảnh của đề mục trở thành một vòng tròn trong sáng, tướng trạng này được gọi là Patibhāganimitta (tợ quang tướng).

422- Đề Mục Bất mỹ (Āsubha).

V- Thế nào là Đề mục Bất mỹ?

Đ- Āsubha hay bất mỹ là đề mục hành thiền bằng tử thi. Hành giả tập trung tư tưởng trên một tử thi đã chọn, gom tâm hình dung tủ thi ấy mãi cho đến khi hình ảnh của tử thi ấy trở thành một ấn tượng thuần túy trong tâm hành giả; đề mục tử thi có năng lực đối trị lòng tham ái sắc dục và có khả năng đắc chứng Sơ thiền. Āsubha có 10 đề mục là:

1) Bành trướng tướng (Uddhumātaka): tử thi sình trương lên.
2) Thanh trướng tướng (Vinīkaka): tử thi sình lên và có màu xanh.
3) Nồng lạn tướng (Vipubbaka): tử thi có mủ chảy ra.
4) Đoạn hoại tướng (Vicchiddaka): tử thi bị chặt đứt ra nhiều đoạn.
5) Thực hám tướng (Vikkhājitaka): tử thi bị thú ăn có dấu nhiều nơi.

6) Tán loạn tướng (Vikkhitaka): tử thi bị chặt đứt ra nhiều đoạn.
7) Chiết đoạn tướng (Hatavikkhittaka): tử thi bị chém nhiều vết thương.
8) Huyết đồ tướng (Lohikata): tử thi bị thương tích có máu chảy ra lênh láng.
9) Trùng tụ tướng (Pulèvaka): tử thi bị dòi đục cả đồng trong cữu khiếu.
10) Hài cốt tướng (Aṭṭhika): tử thi chỉ còn bộ xương trắng rời rã.

423- Đề Mục Niệm (Anussati).

V- Thế nào là Đề mục Niệm?

Đ- Anussati hay niệm hoặc phụ niệm là những đề mục hành thiền mà hành giả chọn một trong những hồng danh rồi học thuộc lòng những ý nghĩa, ân đức của hồng danh đó, khi hành thiền, hành giả niệm thầm hồng danh đó liên tục. trong 10 đề mục Anusati, trừ hai đề mục niệm thân và sổ tức, tám đề mục còn lại chỉ có thể đưa hành giả đạt đến cận định mà thôi. 10 đề mục đó là:

- Phật niệm (Buddhānussati).
- Pháp niệm (Dhammānussati).
- Tăng niệm (Sanghānussati).

- Giới niệm (Sīlānussati).
- Thí niệm (Cāgānussati).
- Thiên niệm (Devatānussati).

- Tử niệm (Maranānussati).
- Thân hành niệm (Kāyagatānussati).
- Sổ tức niệm (Anāpānussati).
- Tịnh tịnh niệm (Upasamānussati).

424- Đề Mục Phạm Trú (Brahmavihāra).

V- Thế nào là Đề Mục Phạm Trú?

Đ- Brahmavihāra (Phạm trú) hay còn được gọi là đề mục Tứ vô lượng tâm (Appamaññā), trong đề mục này hành giả phải hiểu rõ ý nghĩa, đức tánh của những pháp này, bốn đề mục Brahmavihāra là bốn đức tánh đặc biệt của chư vị Phạm thiên. Hành giả phải điều dưỡng, tập luyện tâm tánh mình cho đúng với bốn đức tánh ấy rồi biến mãn, truyền rãi đức tánh ấy đến các chúng sanh trong khắp phương hướng, giống như người làm vườn, sau khi bơm nước đầy hồ rồi cầm vòi nước đi phun tưới các cây cỏ chung quanh. Trong bốn đề mục phạm trú, trừ đề mục xả, các đề mục còn lại có năng lực giúp hành giả đắc chứng từ Sơ thiền đến Tam thiền (hay Tứ thiền nếu nói theo Abhidhamma).

Bốn đề mục đó là: Từ (Mettā), Bi (Karuṇā), Hỷ (Muditā), Xả (Upekkhā).

425- Đề Mục Vô Sắc (Arūpa).

V- Thế nào là Đề Mục Vô Sắc?

Đ- Arūpa hay vô sắc là những đề mục hành thiền hoàn toàn không hình sắc, chỉ do khái niệm về đề mục và hồi quang phản chiếu đề mục bằng tâm mình đã chứng. Như tâm thiền Không vô biên và Vô sở hữu là do khái niệm về đề mục mà đắc, còn tâm thiền Thức vô biên do quán lại tâm thiền Không vô biên của mình và tâm thiền Phi tưởng phi phi tưởng do xét lại tâm thiền Vô hữu xứ mà đắc. Bốn đề mục vô sắc và đề mục xả chỉ dành riêng cho người đã chứng đắc Tam thiền (hay Tứ thiền nếu nói theo Vi Diệu Pháp) luyện tập để chứng đắc Tứ thiền (hay Ngũ thiền). Bốn đề mục Arūpa là:

- Không Vô Biên Xứ (Āhārānañcāyatana).
- Thức Vô Biên Xứ (Viññānañcāyatana).
- Vô Sở Hữu Xứ (Akiñcaññāyatana).
- Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaññānāsaññāyatana).

426- Đề Mục Tưởng (Saññā).

V- Thế nào là Đề Mục Tưởng?

Đ- Saññā hay tưởng là cách hành thiền mà hành giả phải ghi nhớ đề mục cho thật kỷ (thật chi tiết), đề mục này giúp hành giả nhàm chán các pháp hữu vi, xa lìa sự đắm nhiễm ngũ trần. Đề mục Saññā có thể giúp hành giả đạt đến cận định hay nếu hành thiền Quán (Vipassanā) thì cũng giúp hành giả có nhiều kết quả tốt. 10 đề mục Saññā là:

1) Bất tịnh tưởng (Asubhasaññā).
2) Tử vong tưởng (Maraṇasaññā).
3) Vật thực tưởng (Āhārasaññā).
4) Yếm thế tưởng (Sabbaloke-anabhiratasaññā).
5) Vô thường tưởng (Aniccasaññā).
6) Khổ não tưởng (Dukkhasaññā).
7) Vô ngã tưởng (Anattāsaññā).
8) Vô tà tưởng (Pahānasaññā).
9) Ly dục tưởng (Virāgasaññā).
10) Viên tịch tưởng (Nirodhasaññā).

427- Đề Mục Phân Biệt (Vavaṭṭhāna).

V- Thế nào là Đề Mục Phân Biệt?

Đ- Vavaṭṭhāna hay phân biệt là đề mục mà khi hành thiền hành giả phải phân tích Tứ Đại trong thân cho rõ ràng theo từng thứ loại. Đề mục Vavaṭṭhāna được phân ra như sau:

Trong thân chất Đất có 20 thứ: Tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương tủy, thận, tim, gan, óc, phổi, dạ dầy, màng ruột, ruột già, ruột non, vật thực, phân.

Trong thân chất Nước có 12 thứ: Mật, đàm, mủ, máu, nước mắt, mở đặc, mồ hôi, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhớt và nước tiểu.

Trong thân chất Lửa có 4 thứ: Lửa làm cho ấm thân, lửa làm cho thân xác khô khan, lửa làm cho thân nóng nảy, lửa làm cho tiêu hóa vật thực.

Trong thân chất Gió có 6 thứ: Gió thổi lên, gió thổi xuống, gió ngoài ruột, gió trong ruột, gió làm chuyển động thân, gió theo hơi thở ra vô.Những đề mục Thiền Định vừa kể trên, nếu hành giả muốn được kết quả mỹ mãn thì trước khi hạ thủ công phu cần phải biết rõ tính nết của mình rồi chọn đề mục thích hợp với cá tánh. Căn tính chúng sanh đại khái có thể chia ra thành 6 loại.

428- Căn Tánh Của Hành Giả (Carito).

V- Thế nào là Căn Tánh của Hành Giả?

Đ- Carito là căn tánh và được chia ra làm 6 loại như sau:

- Tham tánh (Rāgacarito).
- Sân tánh (Dosacarito).
- Si tánh (Mohacarito).

- Tín tánh (Saddhācarito).
- Giác tánh (Buddhicarito).
- Tầm tánh (Vitakkhacarito).

Hành giả cần phải trắc nghiệm để biết rõ tính nết của mình, sau đó chọn một trong những đề mục sau đây (chỉ chọn đề mục thích hợp với tánh nết của mình mà hành):

- Mười đề mục tử thi và niệm thân thích hợp với người nặng về tánh Tham.

- Từ, Bi, Hỷ, Xả, Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng, thích hợp với người nặng về tánh Sân.

- Pháp Sổ tức hợp với người nặng về tánh Si và tánh Tầm (ưa suy tư).

- Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiện, thích hợp với người nặng về đức tin (Tín mạnh).

- Niệm sự chết, niệm Tịch tịnh, đề mục phân biệt, vật thực tưởng thích hợp với người nặng về tính Giác.

- Đất, nước, lửa, gió, hư không, áng sáng và bốn đề mục Vô Sắc thích hợp với mọi tính nết. Tuy nhiên, người nặng về tánh Tầm phải hành đề mục nhỏ, người nặng về tánh Si phải hành Kasina lớn (đối với công thức là đề mục vòng tòn, đường kính một gang bốn ngón tay của hành giả).

Hành giả sau một thời gian tu tập, có thể chứng đắc các loại thiền định theo thứ lớp và chế ngư được các triền cái sau đây:

429- Năm Triền Cái (Nīvarana).

V- Thế nào là Năm Triền Cái?

Đ- Nīvarana hay triền cái là các pháp ngăn che thiện pháp nhứt là các đạo quả thiền định. 5 pháp triền cái đó là:

1) Tham dục (Kāmmachanda).
2) Sân hận (Byāpāda).
3) Hôn Trầm (Thīna-middha).
4) Trạo hối và phóng dật (Uddhacca-kukkucca)).
5) Hoài nghi (Vicikicchā).

Muốn chế ngự được năm triền cái này hành giả cần phải phát triển năm thiên chi.

430- Năm Thiền Chi (Jhānanga).

V- Thế nào là Năm Thiền Chi?

Đ- Jhānanga hay thiền chi là những sở hữu tâm hợp trong các tâm thiền, có khả năng đối trị các nghịch pháp nhất là năm triền cái. Năm thiền chi là:

1) Tầm (Vitakkha) đối trị với Hôn trầm và Thụy miên.
2) Tứ (Vicāra) đối trị với Hoài Nghi.
3) Hỷ (Pīti) đối trị với Sân hận.
4) Lạc (Sukha) đối trị với Phóng dật.
5) Định (Ekaggatā) đối trị với Tham dục.

Hành giả sau khi phát triển được các chi thiền trên, muốn chứng các tầng thiền cao hơn cần phải tu tập và phát triển năm pháp tự tại vô ngại.

431- Năm Pháp Tự Tại (Vasī).

V- Thế nào là Năm Pháp Tự Tại?

Đ- Vasī hay tự tại vô ngại là các pháp trao dồi thiền định cho được thuần thục. Năm phương pháp đó là:

1) Hướng tâm tự tại (Āvajjanavasī).
2) Nhập thiền tự tại (Samāpajjanavasī).
3) Trụ thiền tự tại (Adhiṭṭhāṇāvasī).
4) Xuất thiền tự tại (Vuṭṭhāṇavasī).
5) Phản khán tự tại (Paccavekkhaṇavasī).

Hành giả sau khi thuần thục được 5 pháp Vasī, tuần tự chứng lên các bậc thiền cao hơn, khi chứng đến Tứ thiền (hay Ngũ thiền theo Abhidhammā) hành giả có thể phát triển 5 loại diệu trí (Tâm Thông - Abhiññā). Tâm Thông là thành quả cùng tột của phương pháp tu Thiền Chỉ (Samatha).

432- Năm Diệu Trí (Abhiññā).

V- Thế nào là Năm Diệu Trí?

Đ- Abhiññā hay Diệu trí hoặc Thần thông là thắng trí đặc biệt, biến hóa phi thường, hiểu biết kỳ diệu, hành động siêu việt ngoài sự việc thông thường. Năm Diệu trí ấy là:

1) Thần Thông Trí (Iddhividhaññāṇa).
2) Nhĩ Thông Trí (Dibbasotadhātoññāṇa).
3) Tha Tâm Trí (Cetopariññāṇa).
4) Túc Mạng Trí (Pubbenivāsānussatiññāṇa).
5) Sanh Tử Trí (Cutāpapataññāṇa).

Hành giả nếu tu tập theo các phương pháp Thiền Chỉ thì năm Diệu trí là thành quả cao nhất nhưng không thể chứng được Lậu Tận Trí (Āsavakkhayaññāṇa) vì Lậu tận trí là pháp xuất thế gian và chỉ có ở các bậc A-La-Hán mà thôi. Nếu muốn chứng Lậu Tận Trí hay muốn chứng quả A-La-Hán, hành giả phải gia công tu tập Thiền Quán (Vipassanā)

433- Thiền Quán hay Minh Sát Tuệ (Vipassanā).

V- Thế nào là Thiền Quán?

Đ- Vipassanā được dịch là Thiền Quán hay Minh Sát Tuệ là phương pháp tu tập dùng trí tuệ quan sát tất cả mọi sự vật cho thấy rõ thực tướng để dứt trừ các phiền não hầu đạt đến giải thoát, giác ngộ. Nếu Thiền Chỉ là phương pháp định tâm để chế ngự các triền cái thì Thiền Quán là pháp tản tâm để diệt sạch phiền não. Cổ nhơn có sự so sánh như sau: Thiền chỉ như tay nắm cỏ, Thiền Quán như lưỡi liềm cắt cỏ; Thiền Chỉ như cào móc rác, Thiền Quán như nước rửa bụi; Thiền Chỉ như đứng tấn vững, Thiền Quán như lẫy tên bắn; Thiền Chỉ là ngăn tâm động, Thiền Quán là khơi tâm chìm. Trong bảy pháp thanh tịnh, thì hai pháp đầu là của Thiền Chỉ, năm pháp sau thuộc về Thiền Quán.

434- Thất Tịnh (Visuddhi).

V- Thế nào là Thất Tịnh?

Đ- Visuddhi hay Thanh tịnh là pháp môn tu tập có năng lực trong sạch hóa hành giả từ thấp lên cao, từ phàm sang thánh, gồm có bảy pháp được ngài Sāriputta (Xá Lợi Phất) ví như bảy trạm xe đưa đến cứu cánh là Đạo, Quả và Niết-Bàn. Bảy pháp thanh tịnh đó là:

1) Giới Tịnh (Sīlavisuddhi).
2) Tâm Tịnh (Cittavisuddhi).
3) Kiến Tịnh (Diṭṭhivisuddhi).
4) Đoạn Nghi Tịnh (Kankhāvitaraṇavisuddhi).
5) Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh (Maggāmaggañāṇadassanavisuddhi).
6) Tiến Hành Tịnh (Paṭipadāñāṇadassanavisuddhi).
7) Tri Kiến Tịnh (Ñāṇadassanavisuddhi).

435- Giới Tịnh (Sīlavisuddhi).

V- Thế nào là Giới Tịnh?

Đ- Sīlavisuddhi hay Giới tịnh là người tu hành trước nhứt phải gìn giữ cho được trong sạch thì tâm mới được thanh tịnh. Giới thanh tịnh có 4 là:

1) Giới bổn thanh tịnh (Pātimokkhasaṃsavarasīlaṃ).
2) Thu thúc căn tịnh (Indriyasaṃvasarasīlaṃ).
3) Chánh mạng giới tịnh (Ājīvapārisuddhi).
4) Quán tướng thanh tịnh (Paccayasaṇnissitasīlaṃ)

436- Tâm Tịnh (Cittavisuddhi).

V- Thế nào là Tâm Tịnh?

Đ- Cittavisuddhi hay tâm tịnh là hành giả tư thiền định được nhập định hay sắp nhập định, tâm được yên lặng các triền cái, tâm tịnh có 2 là:

1) Cận hành Định (Upacārasamādhi).
2) An Chỉ Định (Appanāsamādhi).

437- Kiến Tịnh (Diṭṭhivisuddhi).

V- Thế nào là Kiến Tịnh?

Đ- Diṭṭhivisuddhi hay Kiến Tịnh là với trí tuệ hành giả thấy rõ người, thú, .v.v. chỉ là một tổ hợp của năm uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) hay nói cách khác là Danh và Sắc. Chúng là những nguồn hiện tượng luôn luôn sinh diệt, biến hoại, thay đổi dưới ba định luật tự nhiên (tam tướng) là Vô thường, Khổ não và Vô ngã. Ở đó không có một tự ngã, một linh hồn hay một cá thể nào đơn thuần và bất biến. Hành giả còn nhận thấy rằng đối với sắc pháp hay thân xác được hình thành bởi bốn yếu tố Nghiệp, Tâm, Âm dương và Vật thực; đối với tâm pháp, hành giả biết rõ chúng cũng có những nguyên nhân phát sinh như Nhãn thức chẳng hạn, nó được sinh khởi bởi bốn nguyên nhân là có Cảnh sắc, có Nhãn vật, có Ánh sáng và có sự Tác ý. Những hiểu biết đó chính là Tri Kiến trong sạch vậy.

438- Đoạn Nghi Tịnh (Kankhāvitaraṇavisuddhi).

V- Thế nào là Đoạn Nghi Tịnh?

Đ- Kankhāvitaraṇavisuddhi hay Đoạn nghi tịnh là với trí tuệ, hành giả biết rõ chúng sinh là do nhân duyên tạo thành chứ không phải do một Đấng tạo chủ nào sinh ra, càng không phải tự nhiên sinh hay vô nhân sinh. Hành giả biết rằng khi chưa chứng được quả vị A-La-Hán thì sau khi chết cũng không phải là tiêu mất; những đời sống của các loài hữu tình luôn luôn tiếp nối cả một chuỗi dài vô tận. Mỗi chúng sinh hiện diện đều do năm nhân quá khứ là Vô minh, Hành, Ái, Thủ, Hữu chi phối và nhờ vật thực hiện tại nuôi dưỡng để được sống còn. Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ hiện tại là thành quả của năm nhân quá khứ. Hành giả biết rằng Ái, Thủ, Hữu, Vô minh và Hành trong hiện tại là nhân cho Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Sanh, Già, Đau, Chết, Ưu, Ai, Khổ não trong tương lai sẽ tái diễn. Nhờ ý thức được như thế, hành giả không còn nghi ngờ về quá khứ, hiện tại, vị lai của mỗi chúng sanh nữa, đó gọi là Đoạn Nghi Tịnh.

439- Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh (Maggāmagganānadassanavisuddhi).

V- Thế nào là Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh?

Đ- Maggāmagganāṇadassanavisuddhi hay Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh là hành giả nhờ quán sát về ba tướng Vô Thường, Khổ Não và Vô Ngã biết rõ chơn tướng của các pháp hữu vi ... Thình lình tự thân hành giả phát ra ánh sáng phỉ lạc .v.v. là 10 phiền não của Minh Sát Tuệ. Khi Hàng giả vượt qua được muời phiền não này, hành giả sẽ phân biệt được thế nào là Đạo, thế nào là Phi Đạo. Mười phiền não của Thiền Quán là:

1) Hào Quang (Obhāsa).
2) Pháp Hỷ (Pīti).
3) Tịch Tịnh (Passaddhi).
4) Thắng giải (Adhimokkha).
5) Tinh Cần (Paggaha).
6) An Lạc (Sukha).
7) Trí Tuệ (Ñàṇa).
8) Ức Niệm (Uppaṭṭhāna).
9) Hành Xả (Upekkhā).
10) Pháp Ái (Nikanti).

Khi hành giả liễu tri, thắng quá mười pháp Upakkilesa gọi là Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh.

440- Tiến Hành Tịnh (Patipadāñāṇadassanavisuddhi).

V- Thế nào là Tiến Hành Tịnh?

Đ- Pa ipadāñāṇadassanavisuddhi hay Tiến Hành Tịnh là sau khi vượt qua mười phiền não của Thiền quán, hành giả tiếp tục quán về tam tướng (Vô thường, Khổ não và Vô ngã) cho đến khi chánh trí phát sanh, thành tựu đạo quả, chứng ngộ Niết-Bàn. Chánh trí có mười thứ là:

1) Sanh Diệt Trí (Udayabbayaññāṇa).
2) Hoại Diệt Trí (Bhaṅgaññāṇa).
3) Hãi Kinh Trí (Bhavyatūpaṭṭhānaññāṇa).
4) Quả Hoạn Trí (Ādīnavaññāṇa).
5) Yếm Ố Trí (Nibbidāññāṇa).
6) Dục Thoát Trí (Muñcitukāmyatāñāṇa).
7) Giảm Trạch Trí (Patisaṅkhāraññāṇa).
8) Hành Xả Trí (Saṅkhārupekhāñāṇa).
9) Thuận Thứ Trí (Anulomaññāṇa).
10) Chuyển Tộc Trí (Gotrabhūññāṇa).

Sau Chuyển Tộc Trí thì Đạo Quả khởi lên, vừa sát trừ phiền não, vừa thấu rõ Niết-Bàn; đến đây, hành giả đã thanh tịnh hóa các phiền não nên gọi là Tiến Hành Tịnh.

441- Tri Kiến Tịnh (Ñāṇadassanavisuddhi).

V- Thế nào là Tri Kiến Tịnh?

Đ- Ñaṇadassanavisuddhi hay Tri Kiến Tịnh là trí tuệ giác hiểu: Khổ đế nên biết, Tập đế nên diệt, Diệt đế nên chứng và Đạo đế nên hành. Vị nầy thấy rõ rằng tất cả các chúng sanh đều bị các sự đau khổ như già, bệnh, chết, sầu, ưu, bi, não, .v.v. chi phối, các sự đau khổ nấy do Sinh làm nhân tập khởi; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt sự sinh, từ đó các sự đau khổ bị đoạn diệt và Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Vị nầy quán sát tiếp tục, thấy sự sinh là nguyên nhân tập khởi các khổ. Sinh có bốn loại: Noãn sinh, Thai sinh, Thấp sinh và Hóa sinh; bốn thứ sinh nầy đều do Hữu làm nhân tập khởi; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt Hữu, từ đó Sinh bị đoạn diệt và Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Vị nầy quán sát tiếp tục, thấy Hữu là nguyên nhân tập khởi các sự sinh. Hữu có ba loại: Dục Hữu, Sắc Hữu và Vô Sắc Hữu; ba thứ Hữu nầy đều do Thủ làm nhân tập khởi; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt Thủ, từ đó Hữu bị đoạn diệt và Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Vị nầy quán sát tiếp tục, thấy Thủ là nguyên nhân tập khởi các Hữu. Thủ có bốn loại: Dục Thủ, Tà Kiến Thủ, Tà Giới Thủ và Ngã Chấp Thủ; bốn thứ Thủ nầy đều do Ái làm nhân tập khởi; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt Ái, từ đó Thủ bị đoạn diệt và Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Vị nầy quán sát tiếp tục, thấy Thọ là nguyên nhân tập khởi các Ái. Thọ có năm loại: Thọ Khổ, Thọ Lạc, Thọ Ưu, Thọ Hỷ và Thọ Xả; năm thứ Thọ nầy đều do Xúc làm nhân tập khởi; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt Xúc, từ đó Thọ bị đoạn diệt và Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Vị nầy quán sát tiếp tục, thấy Xúc là nguyên nhân tập khởi các Thọ. Xúc có sáu loại: Nhãn Xúc, Nhĩ Xúc, Tỷ Xúc, Thiệt Xúc, Thân Xúc và Ý Xúc; sáu thứ Xúc nầy đều do Lục Nhập làm nhân tập khởi; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt Lục Nhập, từ đó Xúc bị đoạn diệt và Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Vị nầy quán sát tiếp tục, thấy Lục Nhập là nguyên nhân tập khởi các Xúc. Lục Nhập là 12 Xứ ghép lại thành sáu loại: Nhãn Nhập, Nhĩ Nhập, Tỷ Nhập, Thiệt Nhập, Thân Nhập và Ý Nhập; sáu thứ Nhập nầy đều do Danh Sắc làm nhân tập khởi; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt Danh Sắc, từ đó Lục Nhập bị đoạn diệt và Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Vị nầy quán sát tiếp tục, thấy Danh Sắc là nguyên nhân tập khởi Lục Nhập. Danh là Thọ, Tưởng, Hành và Thức; Sắc là Sắc Tứ Đại và 24 Sắc Y Đại Sinh; tất cả Danh Sắc nầy đều do Thức làm nhân tập khởi; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt Thức, từ đó Danh Sắc bị đoạn diệt và Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Vị nầy quán sát tiếp tục, thấy Thức là nguyên nhân tập khởi Danh Sắc. Thức là 32 tâm quả hiệp thế phân ra thành sáu loại: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức và Ý Thức; sáu thứ Thức nầy đều do Hành làm nhân tập khởi; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt Hành, từ đó Thức bị đoạn diệt và Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Vị nầy quán sát tiếp tục, thấy Hành là nguyên nhân tập khởi các Thức. Hành có ba loại: Thân Hành, Khẩu Hành và Ý Hành hay phân theo cách khác là Phúc Hành, Phi Phúc Hành và Bất Động Hành; các Hành nầy đều do Vô Minh làm nhân tập khởi; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt Vô Minh, từ đó Hành bị đoạn diệt và Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Vị nầy quán sát tiếp tục, thấy Vô Minh là nguyên nhân tập khởi các Hành. Vô Minh là sự mù mờ, mê muội, không thấy rõ sự thật; Vô Minh phân ra thành bốn loại: Bất tri Khổ đế, Bất tri Tập đế, Bất tri Diệt đế và Bất tri Đạo đế; tất cả các Vô Minh đều do Lậu Hoặc làm nhân tập khởi; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt Lậu Hoặc, từ đó Vô Minh bị đoạn diệt và Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Vị nầy quán sát tiếp tục, thấy Lậu Hoặc là nguyên nhân tập khởi các Vô Minh. Lậu Hoặc có ba loại: Dục Lậu, Hữu Lậu và Tà Kiến Lậu; từ tập khởi Vô Minh nên có tập khởi của Lậu Hoặc; từ đoạn diệt Vô Minh nên Lậu Hoặc bị đoạn diệt; chính Niết-Bàn là pháp đoạn diệt Vô Minh và Lậu Hoặc, Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-Bàn.

Khi quán sát thấy rõ Tứ Diệu Đế trong Thập Nhị Nhân Duyên như vậy là hành giả đã thành tựu một trong bốn thánh quả. Và sau khi chứng Đạo Quả, hành giả có thể quán sát lại Đạo quả Niết-Bàn và các phiền não đã sát trừ, sự quán sát này được gọi là Phản Khán Trí.

442- Phản Khán Trí (Paccavekkhaṇañāṇa).

V- Thế nào là Phản Khán Trí?

Đ- Paccavekkhaṇañāṇa hay Phản Khán Trí là trí tuệ của vị thánh nhân quán xét lại Đạo Quả mà mình vừa chứng đắc, Niết-Bàn mình vừa tỏ ngộ và phiền não mình vừa sát trừ.

Đối với vị Tu-Đà-Hườn thì phản khán trí khởi lên xét thấy Thân Kiến, Hoài Nghi và Tà giới thủ đối với mình đã tiêu diệt hoàn toàn do Đạo Quả mình vừa chứng đắc, chắc chắn rằng mình sẽ không còn tục sinh vào bốn cảnh khổ (Địa ngục, Ngạ quỉ, A-Tu-La và Bàng sanh), sau đời sống nầy, sẽ không quá 7 kiếp sinh lại cõi Dục Giới. Vị Tu-Đà-Hườn hiểu biết chắc chắn như vậy.

Đối với vị Tư-Đà-Hàm thì phản khán trí khởi lên xét thấy Dục Ái và Sân Hận đối với mình nay đã giảm nhẹ do Đạo Quả mình vừa chứng đắc, sau đời sống nầy, sẽ không quá 1 kiếp sinh lại cõi Dục Giới. Vị Tư-Đà-Hàm hiểu biết chắc chắn như vậy.

Đối với vị A-Na-Hàm thì phản khán trí khởi lên xét thấy Dục Ái và Sân Hận đối với mình đã tiêu diệt hoàn toàn do Đạo Quả mình vừa chứng đắc, sau đời sống nầy, sẽ sinh về cõi Sắc Giới (Ngũ Tịnh Cư) chứ không sinh lại cõi Dục Giới. Vị A-Na-Hàm hiểu biết chắc chắn như vậy.

Đối với vị A-La-Hán thì phản khán trí khởi lên xét thấy tất cả phiền não còn lại như Sắc Ái, Vô Sắc Ái, Ngã Mạn, Vô Minh, .v.v. đối với mình nay đã tiêu diệt hoàn toàn do Đạo Quả mình vừa chứng đắc, sau đời sống nầy sẽ không còn đời sông khác tái diễn. Vị A-La-Hán hiểu biết chắc chắn như vậy.

Trí tuệ quán như vậy gọi là Phản Khán Trí của các bậc thánh nhơn. Tuy nhiên, cũng có những vị thánh nhơn sau khi chứng quả không quán sát lại các phiền não đã sát trừ và những phiền não chưa sát trừ.

Điều đáng kể là hành giả phải tu tập Minh Sát Tuệ (Vipassanā), khi tu tập phải lấy tam tướng phổ thông (Tīnilakkhaṇāni) làm đề mục (là Vô thường, Khổ não và Vô ngã). Trí tuệ đầu tiên của pháp tu Thiền Quán gọi là Thẩm Nghiệm Trí.

443- Thẩm Nghiệm Trí (Sammasaññañāṇaṃ).

V- Thế nào là Thẩm Nghiệm Trí?

Đ- Sammasaññañāṇaṃ hay Thẩm Nghiệm Trí là trí tuệ suy xét về ngũ uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Sắc uẩn dù quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, sắc thô, sắc tế, sắc hạ liệc, sắc thù thắng, sắc viễn, sắc cận, .v.v. đều là Vô thường, Khổ não và chúng chẳng phải là ta hay là của ta.

Thọ uẩn dù là thọ đã qua hay đang hiện hữu hoặc chưa sanh khởi, thọ bên trong, thọ bên ngoài, thọ thô, thọ tế, thọ gần, thọ xa đều là không thường hằng, đều là thống khổ, phi ngã và phi ngã sở.

Tưởng uẩn dù tưởng quá khứ, tưởng hiện tại, tưởng vị lai, tưởng nội phần, tưởng ngoại phần, tưởng thô, tưởng tế, tưởng hạ liệc, tưởng thù thắng, tưởng xa, tưởng gần, đều là Vô thường, Khổ não, phi ngã và phi ngã sở.

Hành uẩn dù quá khứ hành, hiện tại hành, vị lai hành, nội phần hành, ngoại phần hành, thô hành, tế hành, hạ liệc hành, thù thắng hành, hành, cận hành, đều là Vô thường, đau khổ, chẳng phải là ta hay của ta.

Thức uẩn dù quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc thô hay tế, hoặc tốt hay xấu, hoặc gần hay xa, đều là Vô thường, Khổ não, chẳng phải là ta hay của ta.

Trí tuệ sơ khởi của người hành thiền quán (Vipassanā) là suy xét như trên, trí tuệ ấy được gọi là Thẩm Nghiệm Trí. Điều cần phải biết là lúc này hành giả y cứ vào ngũ uẩn (hay Danh sắc) làm đề mục, ghi nhận đúng những gì xảy ra nơi Danh và Sắc trong hiện tại; dần dần hành giả sẽ thấy rõ thật tướng của ngũ uẩn là vô thường, khổ não và vô ngã.

Tuy nhiên không phải ai cũng có thể thấy hết ba thực tướng đó; tùy theo cá tánh của mỗi người chúng được chia thành ba loại để quán:

- Vô Thường Tùy Quán (Aniccānupassanā).
- Khổ Não Tùy Quán (Dukkhānupassanā).
- Vô Ngã Tùy Quán (Anattānupassanā).

Hành giả nào nhờ quán về Vô thường mà được giải thoát, gọi là Vô Tướng Giải Thoát (Animittovimokkho); nhờ quán về Khổ não mà được giải thoát thì gọi là Vô Nguyện Giải Thoát (Appanihitovimokkho); nhờ quán về Vô ngã mà được giải thoát thì gọi là Không Tánh Giải Thoát (Suññatāvimokkho).

Hành giả nhờ tu tập ba pháp môn nói trên mà được giải thoát nên chúng còn được gọi là Tam Giải Thoát Môn (Tīnimokkhamukkha).

Hành giả do quán Vô thường, không còn chấp tướng thường mà được giải thoát, nên Vô Thường Tùy Quán còn được gọi là Vô Tướng Giải Thoát Môn; do quán Khổ não, hành giả không tham đắm dục lạc mà được giải thoát, nên Khổ Não Tùy Quán còn được gọi là Vô Nguyện Giải Thoát Môn; do quán Vô ngã, hành giả nhờ không còn chấp vào tự ngã mà được giải thoát, nên Vô Ngã Tùy Quán còn được gọi là Không Tánh Giải Thoát Môn.

- HẾT -

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]