Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

V. Tạng giáo sở nhiếp

17/11/201115:54(Xem: 10810)
V. Tạng giáo sở nhiếp

 

A DI ĐÀ KINH HỢP GIẢI

Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa hợp dịch

V. TẠNG GIÁO SỞ NHIẾP(phân định kinh này thuộc về tạng nào, thời giáo nào)

Tạng có nghĩa là tích chứa, tàng trữ. Giáo pháp một đời đức Phật đã thuyết được kết tập thành tạng. Tạng có hai loại: Nhị Tạng và Tam Tạng.

- Nhị Tạng là Bồ Tát tạng và Thanh Văn tạng.

- Tam Tạng là Kinh Tạng, Luận Tạng và Luật Tạng.

1. Phán định về Tạng:

Kinh này từ đầu đến cuối không đề cập đến việc trì giới, cũng chẳng luận nghị, chỉ chuyên dạy niệm Phật, phát nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ nên phải thuộc về Kinh Tạng.

Kinh này lại hoằng dương Đại Thừa, tuyên dương đấng Giáo Chủ cõi Cực Lạc, dù dạy chúng sanh chán khổ ưa vui, cầu sanh Cực Lạc, nhưng cốt yếu là để gặp Phật nghe pháp, ngộ Vô Sanh Nhẫn rồi sẽ trở lại Sa Bà, giáo hóa chúng sanh. Đấy đều là hạnh Bồ Tát, cho nên kinh này phải thuộc về Bồ Tát Tạng.

2. Phán định giáo tướng:

Những lời chư Phật, chư thánh giảng dạy được gọi là Giáo. Việc phân định, xếp loại thứ tự thánh giáo của đức Như Lai thường được gọi là “phán định giáo tướng” hay gọi tắt là “phán giáo”.

* Theo đại sư Khuy Cơ, tính cho đến thời Đại Sư, đã có những thuyết phán giáo sau đây:

a. Thuyết Nhất Thời Giáo: do Ngài Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi (Tàu dịch là Giác Thọ) đời Bắc Ngụy đề xướng. Nghĩa là tuy giáo pháp của đức Phật chỉ có một thời, nhưng vì có hai ý nghĩa bất đồng nên tựa hồ có nhiều giáo pháp:

a.1. Giáo đồng căn dị: Như nước mưa chỉ có một vị, nhưng ba loại dược thảo, hai loại cây cối được thấm nhuần sai khác. Tức là giáo pháp vốn chỉ là một, nhưng chúng sanh ngộ giải bất đồng, do căn cơ chúng sanh khác nhau nên tựa hồ có nhiều giáo pháp khác nhau.

a.2. Lý đồng chứng dị:Lý tuy chỉ một nhưng sự chứng đắc của tam thừa có sai khác, như cùng một dòng sông, ba loài thú cùng lội qua, chân đạp xuống nước sâu cạn sai khác.

b.Thuyết Tiệm Đốn Giáo: do Ngài Đàm Vô Sấm đời Tống lập ra.

b.1. Đốn giáo là những thuyết như nhị không, tam tánh, tam vô tánh, bát thức, nhị vô ngã v.v...

b.2 Tiệm giáo là những giáo pháp như Tứ Đế, Duyên Sanh, Ngũ Giới, Bát Giới v.v...

c. Thuyết Tam Thời Giáo(còn gọi là Tam Giáo): do Ngài Chân Đế Tam Tạng Pháp Sư thời Lương đề xướng. Tam thời giáo là:

c.1. Hữu giáo: trong vòng 7 năm đầu kể từ khi thành Phật, đức Thế Tôn nói ra Hữu giáo, dùng pháp Thanh Văn để độ các vị như năm anh em Kiều Trần Như, Xá Lợi Phất, Ca Diếp v.v...

c.2. Không giáo: Từ năm thứ tám đến năm thứ ba mươi tám, Đức Phật chuyên giảng về học thuyết Bát Nhã. Đó là Không Giáo.

c.3. Phi hữu phi không giáo: Từ năm thứ 39 cho đến khi Phật nhập Niết Bàn, Ngài chuyên giảng về giáo pháp phi hữu phi không như các kinh Pháp Hoa, Lăng Già, Tư Ích...

d. Thuyết Tứ Thời Giáo: do Khuất Đa Cấp Đa Tam Tạng đề xướng; chia một đời giáo hóa của đức Như Lai thành bốn thời:

d.1. Sanh không giáo: tức là thời gian trong 12 năm đầu sau khi thành Phật, đức Thế Tôn giảng thuyết các bộ kinh giảng về nhân không như A Hàm...

d.2. Pháp không giáo: Từ năm thứ 13 đến năm thứ 38, Phật giảng các bộ kinh dạy về pháp không như tám bộ Bát Nhã v.v...

d.3. Pháp tướng giáo: Từ năm thứ 39 đến năm thứ 49, Phật giảng các kinh như Lăng Già, Tư Ích, Pháp Hoa v.v... chỉ bày các pháp như bách pháp, tam tánh, tam vô tánh, bát thức, nhị vô ngã v.v... Do chú trọng đến phân chia danh mục, số loại của các pháp nên gọi là Pháp Tướng.

d.4. Quán hạnh giáo: tức là thời gian giảng về pháp môn Pháp Giới Quán của kinh Hoa Nghiêm...

e. Thuyết Ngũ Thời Giáo: do Lưu Cư Sĩ đời Tấn đề xướng, chia giáo pháp thành năm thời:

e.1. Nhân thiên giáo: là những giáo pháp được giảng trong 21 ngày sau khi Đức Phật thành đạo; gồm các giáo pháp như Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện v.v... vì thính chúng chưa có thiện căn xuất thế. Thuyết này bị Ngài Giác Thọ (Bồ Đề Lưu Chi) bắt bẻ: “Kinh Đề Vị nói nhóm năm trăm người lái buôn như Đề Vị v.v... thọ Ngũ Giới, Phật dạy họ trước hết phải sám hối các tội Ngũ Nghịch, Thập Ác. Thế Tôn dạy: ‘Tứ đại vốn tịnh, cái Ta vốn tịnh’, Đề Vị liền đắc Vô Sanh Nhẫn; năm trăm người lái buôn đắc Nhu Thuận Nhẫn. Lẽ nào đấy chỉ là giáo pháp thuộc nhân thiên ư?”

e.2. Sanh không giáo: tức là giáo pháp Nhị Thừa được giảng trong mười hai năm đầu tiên.

e.3 Pháp không giáo: là những giáo pháp được giảng trong mười tám năm kế đó.

e.4. Câu không giáo: tức là thời gian giảng tám bộ Bát Nhã.

e.4. Phi hữu phi không giáo: tức là thời gian từ năm thứ 49 sau khi Đức Phật thành đạo trở đi. Thời gian này Ngài giảng các kinh như Lăng Già, Pháp Hoa v.v...

Đại Sư Khuy Cơ chỉ nêu ra các giáo như thế nhưng không khẳng định kinh này thuộc về giáo nào trong những thuyết trên. Tuy thế, những thuyết phán giáo trên đây không được phổ biến và vận dụng rộng rãi bằng hai thuyết Ngũ Thời Bát Giáo của tông Thiên Thai và Ngũ Giáo của tông Hoa Nghiêm.

a. Ngũ thời Bát giáo:

a.1. Bát giáo:

Bát giáo gồm “hóa nghi tứ giáo” (bốn phương pháp hóa độ thuận theo căn cơ) và “hóa pháp tứ giáo” (bốn phương pháp giáo hóa dựa theo mức độ giải ngộ).

Hóa nghi tứ giáo gồm: Đốn, Tiệm, Bất Định, Bí Mật. Hóa pháp tứ giáo gồm Tạng (Tiểu Thừa), Thông (bao gồm cả Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa, nhưng mới chỉ là những giáo pháp sơ khởi của Đại Thừa), Biệt (giáo pháp Đại Thừa dành riêng cho hàng Bồ Tát), và Viên (những giáo pháp viên dung vô ngại, hàm nhiếp trọn vẹn tất cả các giáo pháp, là giáo pháp cao tột nhất trong các giáo pháp Đại Thừa).

a.2. Ngũ thời:

- ThờiHoa Nghiêm: Phật hiện thân to lớn, giảng kinh Hoa Nghiêm cho những bậc căn cơ Đại Thừa viên đốn, chuyên giảng về Viên Giáo, nhưng đôi chỗ có kèm Biệt giáo.

- Thời A Hàm: Phật hiện thân trượng sáu, giảng pháp cho thính chúng căn cơ Tiểu Thừa, chỉ dạy về Tạng Giáo và Nhị Thừa Tiểu Quả.

- Thời Phương Đẳng: đối với căn cơ Tiểu Thừa, Phật giảng Tạng Giáo; đối với căn cơ Đại Thừa, Phật dạy Viên, Thông, Biệt Giáo.

- Thời Bát Nhã: dù kiêm thuyết lý tánh quyền hiện, nhưng chủ yếu là Thật Lý viên mãn của Viên Giáo.

- Thời Pháp Hoa - Niết Bàn: quy nhiếp Tam Thừa về Nhất Thừa, khai thị tri kiến Phật.

b. Ngũ Giáo

Tức là:

- Tiểu (Tiểu Thừa): chỉ giảng pháp không, chưa giảng Ngã Không.

- Thỉ (Đại Thừa Thỉ Giáo): căn cứ trên sự sanh diệt của tám thức, kiến lập những giáo nghĩa sanh tử, Niết Bàn, bàn rộng pháp tướng, nhưng chỉ mới luận đôi phần về pháp tánh. Tuy đã giảng về Tam Thừa, nhưng chưa hứa khả hàng định tánh Thanh Văn và Nhất Xiển Đề có khả năng thành Phật. Vì chưa bàn cùng tột giáo lý Đại Thừa nên gọi là Thỉ (bắt đầu).

- Chung (Đại Thừa chung giáo): bàn cùng tận giáo nghĩa Đại Thừa, căn cứ vào bát thức của Như Lai Tạng tùy duyên bất biến để lập giáo nghĩa, chú trọng đến pháp tánh, nhưng chỉ luận đôi chút về pháp tánh, chưa giảng chi tiết. Dù có giảng pháp tướng đi nữa, cũng đều quy về pháp tánh. Chung Giáo công nhận Xiển Đề có khả năng thành Phật.

- Đốn: Chỉ luận về Thật Tướng. Một niệm bất sanh thì gọi là thành Phật. Không cần bận tâm đến thứ tự tu tập từng bước nên gọi là Đốn (nhanh chóng).

- Viên: Viên Giáo bao trùm cả bốn giáo trên, viên dung đầy đủ muôn pháp, duyên khởi vô ngại, pháp giới vô tận, không còn phân biệt giữa sự và lý nữa nên gọi là Viên (trọn vẹn).

3. Phán định giáo tướng của kinh này:

Nếu xét theo cách phán giáo của tông Hoa Nghiêm, kinh này thuộc về Viên Giáo lẫn Đốn Giáo. Xét theo cách phán giáo của tông Thiên Thai, kinh này tuy nằm trong thời Phương Đẳng, nhưng lại thuộc về Viên Giáo.

Bởi Tạng giáo và Thông Giáo chẳng đề cập đến danh hiệu chư Phật ở phương khác, nên kinh A Di Đà chẳng thể thuộc về Tạng và Thông giáo.

Người niệm Phật lại có thể vượt ngang ra khỏi ba cõi, vãng sanh Cực Lạc, đồng chứng ba thứ bất thoái nên kinh này phải thuộc về Đốn Giáo.

Trong năm thời, thời Hoa Nghiêm nhằm lúc Phật mới thành đạo, Ngài vì hàng pháp thân đại sĩ giảng giải cảnh giới Như Lai, chúng Thanh Văn ngồi dự pháp hội như đui, như điếc, chẳng lãnh hội được gì. Kinh này lại chuyên dạy chúng sanh đời mạt, ác thế ngũ trược, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nghĩa là: đối tượng được hóa độ của kinh này là hết thảy hữu tình, nên kinh này không thể nào thuộc về thời Hoa Nghiêm được.

Trong thời A Hàm, Phật chuyên dạy pháp Tiểu Thừa. Thế nhưng kinh này luận về công đức trang nghiêm y báo, chánh báo cõi Cực Lạc, cũng như ý chỉ huyền nhiệm rốt ráo thành Phật, nên cũng không thể nào thuộc về thời A Hàm được.

Trong thời Bát Nhã, Đức Phật chuyên luận về những pháp mà Bồ Tát phải học. Kinh này chẳng phân biệt căn cơ chúng sanh, bất cứ ai nếu chí thành niệm Phật đều có thể được vãng sanh. Bởi đó, kinh này chẳng thể thuộc về thời Bát Nhã.

Thời Pháp Hoa khai quyền hiển thật (vạch rõ những pháp phương tiện, trực chỉ thật lý Nhất Thừa), khai thị tri kiến Phật; thế nhưng kinh này chỉ chuyên dạy Trì Danh, nên chẳng thuộc về thời Pháp Hoa được.

Bởi những lẽ trên, kinh này phải thuộc về thời Phương Đẳng.

Hơn nữa, kinh Di Đà bao hàm diệu lý viên đốn, trước thì thông tiếp kinh Hoa Nghiêm, sau thì thông tiếp kinh Pháp Hoa; cho nên phán định kinh này thuộc về thời Phương Đẳng rất hợp lý.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]