Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

22. Đốn ngộ Tiệm tu

08/08/201102:48(Xem: 8601)
22. Đốn ngộ Tiệm tu

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI
Nhà xuất bản Phương Đông 2011

Phần III. TÍN, GIẢI, HÀNH, CHỨNG TRONG HOA NGHIÊM

22. Đốn ngộ Tiệm tu

Đốn và Tiệm.

Vào thời Tông Mật sự tranh chấp trong Phật giáo ở Trung Hoa lên đến cực độ do bất đồng giữa Nam tông xưng là “đốn” và Bắc tông gọi là “tiệm”. Tông Mật thấy rõ nguyên nhân phân hóa là do sự thiên chấp giữa “Giáo” và “Thiền”, giữa bên này chú trọng lý giải Phật pháp như Hoa nghiêm tông, Thiên Thai tông và bên kia chỉ biết thực tu, “kiến tánh”, không thiết lý luận về giáo lý. Trong cố gắng tìm một giải pháp dung hợp và hòa giải, Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự(T. số 2015, 48.397b-413c; sẽ gọi tắt là Thiền tự) được soạn ra vào năm 833 nhằm trình bày quan điểm “Thiền Giáo nhất trí”. Thật không ai thích hợp hơn Tông Mật trong vai trò đó. Chẳng những được sắc phong là Định Huệ thiền sư, tổ đời thứ năm dòng thiền Hà Trạch do Thần Hội sáng lập, mà còn được truy tặng là đệ ngũ tổ của Hoa nghiêm tông, Ngài đủ kinh nghiệm và kiến thức để soi sáng sự dung thông giữa hai lập trường xem như đối nghịch, đốn và tiệm.

Ngài đem chuyện con voi và sáu người mù ra ví với tình trạng tranh luận giữa những người chủ trương khác nhau và cho rằng vấn đề ở đây là do mọi lối nhìn đều là những cái nhìn phương diện (profile). Mỗi cái nhìn phương diện có thể xem như là một quan điểm riêng về đốn và tiệm. Hai khái niệm ấy bổ sung cho nhau chứ không triệt để hỗ tương khiển trừ. Nghĩa của chữ đốn và tiệm biến đổi tùy theo trong cảnh huống nào chúng được sử dụng. Chẳng hạn, bảo rằng kinh Hoa nghiêmbiểu tượng 'đốn giáo' thời chữ 'đốn' này khác nghĩa với chữ 'đốn' trong 'đốn ngộ' là cái thân chứng, trọng tâm của giáo lý Thần Hội. Một khi hiểu được chúng có ý nghĩa khác nhau trong những cảnh huống khác nhau thời biết ngay quan điểm sở dĩ khác nhau là bởi tại phát biểu về những sự vật khác nhau.

Khác với các vị tổ Hoa nghiêm tông trước Ngài ¾ Trí Nghiễm, Pháp Tạng, và Trừng Quán ¾ Tông Mật không thiết lập Đốn giáo như một giáo lý riêng biệt trong phán giáo của Ngài. Theo Ngài, trong phạm vi giáo lý, hai chữ đốn và tiệm chỉ vào phương pháp đức Phật áp dụng rộng diễn ngôn thuyết chứ không phải hai loại giáo lý riêng khác.

Tiệm giáo là khi gặp hạng người có căn cơ không cao hay chậm lụt, đức Phật dùng đủ thứ nhân duyên, thí dụ, và phương tiện để nói những pháp môn thích ứng làm duyên cho họ phát triển trí tuệ, xa lìa chấp trước, hướng đến giác ngộ giải thoát. 'Tiệm' ở đây có nghĩa là phương pháp sử dụng các phương tiện thiện xảo để thuyết giảng các giáo lý từ cạn đến sâu, chỉ đường tu tập theo một diễn trình tiệm tiến đòi hỏi nhiều thời gian.

Đốn giáo phân biệt có hai, trục cơ đốn giáo và hóa nghi đốn giáo. Hóa nghi đốn giáo chỉ riêng vào kinh Hoa nghiêmnhư một giáo pháp (phương pháp thuyết minh) được đức Phật "đốn thuyết" chỉ "nhất thời" (một lần) ngay sau khi thành đạo, trong khi các kinh khác gặp cơ hội thời thuyết, "bất định sơ hậu".

Trục cơ đốn giáo là bất kỳ khi nào gặp hạng người có căn cơ cao, có tâm nhạy bén, đức Phật chỉ thẳng chân pháp khiến hạng này khoát nhiên đại ngộ nhận ra chân tánh của mình không khác với của chư Phật. 'Đốn' ở đây có nghĩa là phương pháp trực thuyết chân tâm đối với hạng người có căn cơ cao. Một phần của kinh Hoa nghiêm(Phần kia thuyết giảng giáo lý về sự sự vô ngại pháp giới bị gạt bỏ) và các kinh Viên Giác, Thủ lăng nghiêm, Nhập pháp giới, Thắng Man, và Như Lai tạnglà những kinh thuyết về Như Lai tạng được liệt vào đốn giáo. Tông Mật nói thêm rằng đốn giáo hiểu như vậy là giáo pháp "chân thật liễu nghĩa" của Nhất thừa Hiển tánh giáo đồng với giáo pháp của Thiền giáo Hà Trạch.

Đây là đoạn Tông Mật giải thích tên gọi đốn giáo và tiệm giáo trong Thiền tự:

"Nhưng vì nghi thức cho thời gian thuyết giáo của Thế Tôn thì không đồng nhất, có trường hợp xứng hợp theo lý mà nói ngay liền (xứng lý đốn thuyết), có trường hợp tùy theo cơ mà lần lượt nói (tùy cơ tiệm thuyết). Vì vậy mà có tên gọi là đốn giáo và tiệm giáo. Không phải có đốn tiệm riêng biệt ngoài ba giáo.

Tiệm là do căn cơ bậc trung và hạ chưa thể ngay tức thời mà tin và ngộ diệu lý của Viên giáccho nên trước hết nói về Nhân thiên thừa, Tiểu thừa cho đến Pháp tướng giáo (trên đây đều là Giáo thuyết thứ nhất), rồi Phá tướng giáo (Giáo thuyết thứ hai), đợi đến khi căn khí thành thục bấy giờ mới nói nghe giáo nghĩa rốt ráo (liễu nghĩa) tức là các Kinh Pháp Hoa, Niết Bànv.v... (Đây và đoạn dưới đều là tùy theo căn cơ mà nói đốn giáo, hiệp lại thành Giáo nghĩa thứ ba. Về hóa nghi, đốn thì gồm cả ba. Các bậc tôn đức cổ kim ở Tây vực và ở nước này đều phân chia Giáo thành ba thời và năm thời, nhưng đấy chỉ là đồng nhất loạt tiệm giáo chứ không bao gồm kinh Hoa nghiêm).

Đốn, lại có hai: 1. Đốn tùy theo căn cơ (trục cơ đốn), 2. Đốn của nghi thức hóa độ (hóa nghi đốn).

Gặp phàm phu thuộc hàng thượng căn lợi trí thì chỉ thị thẳng (trực thị) pháp chân thật; người nghe liền tỏ ngộ tức thì (đốn ngộ), hoàn toàn đồng nhất với quả vị Phật. Như trong Hoa nghiêm, khi vừa mới phát tâm tức thì chứng đắc A-nậu Bồ đề. Trong kinh Viên giác, khi quán hạnh thành tức thì thành Phật đạo. Song le, bắt đầu từ chỗ đồng với pháp môn tu hành trong hai Giáo trước, rồi dần dần trừ bỏ tập quán phàm phu mà dần dần thành tựu hiển lộ đức của Thánh. Như gió thổi động biển cả khiến cho nó không phản chiếu được mọi ảnh tượng. Khi gió đột nhiên ngưng (đốn tức), thì sóng lặng dần, và các ảnh tượng cũng được phản chiếu dần. (Gió, dụ cho mê tình. Biển, dụ cho tâm tánh. Sóng, dụ cho phiền não. Ảnh, dụ cho sự dụng công. Trong Luận Khởi tín, phối hiệp từng điểm một). Đó tức là một phần của Hoa nghiêm, cùng với hơn 20 bộ kinh khác đại loại như Viên giác, Phật đảnh, Mật nghiêm, Thắng Man, Như Lai tạng, v.v… Gặp cơ hội thì thuyết không nhất định phải theo thứ tự trước sau, cùng với Thiền môn, phần thứ ba hoàn toàn đồng với tông hiển thẳng tâm tánh (trực hiển tâm tánh tông)." (T48n2015_p0407b15 - _p0407c02. Tuệ Sỹ dịch).

Trong phạm vi tu chứng, Tông Mật chỉ cho thấy có thể sử dụng hai chữ đốn và tiệm năm cách khác nhau.

(1) Tiệm tu đốn ngộ. Ví như đốn cây, chặt lần hồi đến một lúc thình lình cây ngã nhào. Ví như du hành đến một thị trấn xa xôi, lần bước tiến gần, thình lình một ngày kia thị trấn hiện ra trước mắt. Thí dụ cho thấy 'tiệm tu' là một quá trình dẫn đến mục tiêu cứu cánh là đạt ngộ. 'Đốn ngộ' chỉ vào giây phút thực chứng mục tiêu cứu cánh.

(2) Đốn tu tiệm ngộ. Lấy trường hợp một người học bắn cung làm thí dụ. 'Đốn' ở đây ví như động tác nhắm ngay đích và 'tiệm' chỉ vào quá trình các động tác nhắm đích cho đến khi đạt kết quả bắn trăm phát trăm trúng. Tông Mật giải thích thêm rằng trong trường hợp này 'đốn' mật thiết liên hệ với sự "vận tâm" tu tập chứ không liên can sự đột nhiên thành tựu viên mãn các công đức tu tập. Do đó 'đốn' ở đây có nghĩa là 'trực tiếp'. 'liền ngay', tương ứng với chữ 'đốn' trong tên gọi phép thiền "Viên đốn" được tổ Trí Khải mô tả trong tác phẩm Ma ha Chỉ Quán, một trong ba tác phẩm chính của tông Thiên Thai, theo đó thực tại tối thượng là đối tượng quán chiếu ngay từ lúc khởi đầu.

(3) Tiệm tu tiệm ngộ. Thí dụ trèo lên một tháp chín tầng. Cứ mỗi tầng leo lên thời cái nhìn bao quát rộng lớn hơn. Như thế, không những quá trình dẫn đến đạt ngộ một cách tuần tự mà cả ngộ cũng ngộ lần hồi.

(4) Đốn ngộ tiệm tu. Đây chính là quan điểm của Tông Mật về tu chứng, thường được Tông Mật cho là đồng với chủ trương của Thần Hội. Sẽ trình bày với nhiều chi tiết trong đoạn sau.

Tông Mật nhấn mạnh ngộ trong ba trường hợp đầu có nghĩa là "chứng ngộ", khác biệt với ngộ trong trường hợp thứ tư có nghĩa là "giải ngộ". Hai thứ ngộ này được cắt nghĩa trong Viên giác kinh đại sớ sao: "Đầu tiên 'sơ nhân giải ngộ' rồi từ đó 'y ngộ tu hành' cho đến khi 'hành mãn công viên tức đắc chứng ngộ'." Vậy theo Tông Mật, tu chứng là một trình tự ba bậc: giải ngộ, tiệm tu, và chứng ngộ.

(5) Đốn ngộ đốn tu. Pháp môn này chỉ áp dụng cho hàng căn cơ tối thượng. Trạng thái giải ngộ của họ thâm sâu đến độ đồng ngay trạng thái chứng ngộ nên không cần phải huân tập tu thêm nữa. Được như vậy, Tông Mật nhấn mạnh, là do kết quả của nhiều đời kiếp y nơi ngộ mà tu, lần lần huân tập cho đến đời kiếp này, nghe liền phát ngộ. Xét ra thời cũng là căn cơ trước ngộ sau tu. Tông Mật đưa ra hai thí dụ. Các chướng ngại 'đột nhiên' bị đoạn tận ví như do gươm bén cắt sợi tơ, chỉ một lần (đốn) cắt đứt luôn cả nghìn sợi. Và các công đức tu tập 'đột nhiên' thành tựu viên mãn ví như nhuộm tơ, cùng một lúc đồng loạt nhuộm, cùng một lúc đồng loạt trở thành màu.

Hai chữ đốn và tiệm thay đổi ý nghĩa tùy theo cảnh huống trong đó chúng được sử dụng. Trong ba pháp môn đầu, 'ngộ' tức 'chứng ngộ' có nghĩa vừa là quá trình dẫn đến đạt ngộ, vừa là giây phút đạt ngộ. Trong pháp môn thứ nhất, tiệm tu đốn ngộ, 'chứng ngộ' là mục tiêu tối hậu đột nhiên đạt được sau khi tu hành viên mãn theo một quá trình tiệm tiến. Trong hai pháp môn kia, đốn tu tiệm ngộ và tiệm tu tiệm ngộ, 'chứng ngộ' chỉ vào quá trình do đó đạt ngộ, quá trình này tương ứng với cái mà Tông Mật gọi là 'tiệm tu' trong trường hợp đầu. Ý nghĩa của chữ 'tu' cũng thay đổi tùy theo cảnh huống. Trong pháp môn thứ nhất và thứ ba, 'tu' là quá trình dẫn đến đạt ngộ, còn trong pháp môn thứ hai, 'tu' là vận tâm thông tri quá trình tu tập đó.

Ngoài ra, chứng ngộ khác với giải ngộ. Giải ngộ là trường hợp ngộ nói đến trong pháp môn thứ tư và thứ năm. Giải ngộ luôn luôn là đốn ngộ trong khi chứng ngộ có thể tiệm hay đốn tùy theo được hiểu như một quá trình đạt quả chứng ngộ hay như giây phút thể nghiệm chứng ngộ. Trong trường hợp tiệm, thời chứng ngộ đồng nghĩa với tiệm tu. Do sự phân biệt hai thứ ngộ như vậy cho nên pháp môn nào trong năm pháp môn cũng gồm ba bậc tu hành: giải ngộ, tiệm tu, và chứng ngộ. Riêng pháp môn thứ năm, đốn tu đốn ngộ, hai bậc đầu và cuối nhập thành một, vì thế bậc thứ hai trở nên không cần thiết.

Đáng lưu ý là Tông Mật không đề cập một giai đoạn nỗ lực (gia hành vị; prayoga màrga) dự bị sẵn sàng tiến bước trên con đường tu tập. Điều này chứng tỏ đối với Tông Mật thể nghiệm đốn ngộ là căn nguyên của biến chuyển cơ bản, chưa ngộ mà tu chẳng phải chơn tu. Trong Hoa nghiêmnguyên nhân luận có câu: "Chẳng ngộ tánh mà tu thời tỉ đất nắn đồ, mỗi món đồ đều là đồ gốm; còn giác ngộ tánh rồi sau mới tu, ví như vàng đúc ra đồ, thời đồ nào cũng đều là chất bằng vàng cả."

Mặt khác, tuy theo Tông Mật trên hai phương diện, tu hành (đốn ngộ) và giáo pháp (đốn giáo), chữ đốn được sử dụng hai cách khác nhau, nhưng giữa hai cách ấy vẫn thấy có quan hệ. Thật vậy, đốn giáo theo Tông Mật là giáo pháp trực hiển chân nguyên. Chân nguyên tức giác tánh hay Phật tánh cũng là chỗ người tu tâm giải ngộ. Do đó đốn giáo là giáo pháp giúp hành giả đủ cơ năng thể nghiệm đốn ngộ.

Tưởng cũng cần biết năm môn đốn tiệm nói trên Tông Mật đã suy dẫn từ hai tập, Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa saoHoa nghiêm kinh Hạnh Nguyện Phẩm sớcủa Trừng Quán. Trong mỗi tập Trừng Quán mô tả bốn môn, Tông Mật góp lại thành năm môn kê trên. Sau đây là đoạn Trừng Quán đề cập bốn môn đốn tiệm trích từ Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao(T36n1736_ p0164c08 - _p0165a03. Tuệ Sỹ dịch).

"Luận theo chiều ngang, đốn lại có nhiều nghĩa:

1. Ngộ đốn, tu tiệm. Như đài cao chín tầng. Sự thấy nó là đốn; nhưng sự leo thì cần phải theo từng bậc thềm mới lên được. Ở đây cũng vậy, tỏ ngộ được tâm tánh là đốn. Nhưng cần phải tích lũy công phu, hành đủ vạn hạnh. Đây là trường hợp căn cứ theo giải ngộ (ngộ do nhận thức) mà nói.

2. Tu đốn, ngộ tiệm. Như mài gương. Mài một lần toàn diện (đốn); nhưng gương trong sáng dần dần (tiệm). Tu thì đồng loạt (đốn) tu đủ vạn hạnh; nhưng ngộ thì dần dần (tiệm) trổi vượt lên. Đây là căn cứ theo sự chứng ngộ (ngộ do chứng đắc) mà nói.

3. Tu đốn, ngộ đốn. Như gươm bén cắt sợi tơ, chỉ một lần (đốn) cắt đứt luôn cả nghìn sợi. Hoặc như nhuộm tơ, cùng một lúc đồng loạt nhuộm, cùng lúc đồng loạt trở thành màu. Cũng vậy, cùng một lúc tu đủ cả vạn hạnh, cùng một lúc bừng tỏ ngộ.

4. Tu tiệm, ngộ tiệm. Cũng như đẵn tre; đẵn từng đốt bất đồng.

Trường hợp này không áp dụng ở đây. Ngộ được nói ở đây như sự chiếu sáng của mặt trời. Tức giải ngộ và chứng ngộ đều là đốn cả, đấy là đốn tu đốn ngộ.

Công phu như lau gương, cũng không phải là ngộ thì đốn mà tu thì tiệm. Ý nghĩa đốn tu tiệm ngộ ấy muốn nói rằng minh là bản minh (sáng vốn là cái sáng có sẵn); tiệm là viên tiệm (viên mãn dần, trái với viên đốn), tổng hợp cả hai điều nói trên, e rằng có người nói sự lau gương không phải đốn, vì gương sáng bản lai thanh tịnh cần gì phải lau chùi. Vì vậy cần hội thông. Đây là chỗ Lục Tổ tỏ bày thẳng vào bản tánh, bác bỏ sự tiệm tu. Ở đây thuận theo Kinh, thuyết minh sự chứng ngộ là tiệm; còn tu thì giống như sự sáng dần, mà sự sáng vẫn là sáng có sẵn. Do đó nói minh là bản minh. Tức là trên thể của vô niệm tự có sẵn sự chân trí (biết đúng) chứ không phải có cái biết nào riêng biệt để biết thể của tâm.

Nói tiệm là viên tiệm, là quan điểm của Thiên thai Trí Giả. Ngài nói, "Dần dần (tiệm) thì không phải là viên (mãn); là viên thì không phải là tiệm. Người chủ trương tiệm (tiệm gia) cũng có tiệm của viên (viên tiệm). Người chủ trương viên (viên gia) cũng có viên tiệm. Tiệm của tiệm gia là như Trường giang bắt nguồn từ núi Mân mà chảy tràn. Viên của tiệm gia là như sông lớn chảy ra nghìn dặm. Tiệm của viên gia như sông bắt đầu vào biển tuy là sâu dần thì một giọt nước cũng đã chảy qua khỏi sông lớn rồi nói chi là chỗ bắt nguồn chảy tràn. Viên của viên gia như tận cùng biển không có bờ. Do đó ở đây nói, tiệm là tiệm của viên gia; cái đó đã vượt lên khỏi cái viên của tiệm gia rồi nói chi đến chỗ nông cạn của cái tiệm của tiệm gia."

Môn Tiệm tu đốn ngộkhông có nói trong đoạn trên, nhưng được đề cập trong Hoa nghiêm kinh Hạnh Nguyện Phẩm sớ với ba môn khác, Đốn ngộ tiệm tu, Tiệm tu tiệm ngộ, và Đốn ngộ đốn tu. Hạnh nguyện Phẩm sớ nói đến Tu tiệm, ngộ đốn như sau: "... Trường hợp này liên hệ đến chứng ngộ, tu là như lau sáng gương và ngộ là như tánh phản chiếu ánh sáng của gương."

Ngộ đốn, tu tiệm.

Trong Thiền tựTông Mật xác quyết: "Chưa ngộ mà tu chẳng phải chơn tu." Nói cách khác, sự thể nghiệm giải ngộ chứng minh cho sự tu hành chơn thật. Theo Tông Mật, thể nghiệm giải ngộ đồng với địa vị thứ nhất trong một quá trình tu hành mười bậc tiến tới viên mãn thành Phật ở bậc cuối cùng. Trong Trung Hoa truyền tâm địa Thiền môn sư tư thừa tập đồ(Dainippon zokuzòkyo, series 2, case 15, vol. 5), sẽ gọi tắt là Thiền đồ. Trong tập này, Tông Mật tìm cách làm sáng tỏ nguồn gốc và đặc điểm của các giáo thuyết Thiền đang thịnh hành), Tông Mật đơn cử ba thí dụ để thuyết minh thế nào là ngộ đốn, tu tiệm. Thí dụ thứ nhất mượn ý Luận Khởi tín, khi gió vô minh thổi động đột nhiên ngưng, thời sóng lặng, nhưng chỉ lặng dần. Thí dụ thứ hai nói đến ngay khi mặt trời đột hiện buổi sáng, sương giá tan, nhưng chỉ tan dần. Thí dụ thứ ba là của Thần Hội, một bé lúc mới sinh các căn đều đầy đủ, nhưng khí lực chưa đầy đủ, phải trải qua nhiều năm tháng mới thành người lớn. Theo Tông Mật, giáo pháp về môn đốn ngộ tiệm tu căn cứ trên Luận Khởi tín, kinh Viên giác, và Hoa nghiêm. Đốn ngộ được mô tả như sau trong Thiền đồ:

"Trong khi rời khỏi vọng tưởng ngộ ngay bản tánh cùng chư Phật không khác là đốn, thời chuyển biến một phàm phu thành một thánh nhơn là tiệm. Đốn ngộ có nghĩa là mặc dầu từ vô thủy mê lầm nhận tứ đại làm thân, vọng tưởng làm tâm, nhận cả hai làm cái Ta, chợt được thiện tri thức khai thị tánh viên giác thanh tịnh, biết rõ thân tâm là hư vọng, niệm niệm sanh diệt không có cái Ta thật, tức thời ngộ được cái thấy biết của mình là chơn tâm, tâm là Pháp thân, rỗng rang và không tịch, rộng lớn cùng khắp và không sắc tướng, tánh không hai của thân và tâm là chân ngã, tâm tánh cùng với chư Phật chẳng khác ngay chỉ một sợi tóc."

Như vậy đối với Tông Mật, đốn ngộ là tự chứng chân tánh của mình lâu nay vốn đồng chân tánh của chư Phật. Khuôn mẫu của phép thể nghiệm lẽ cố nhiên là sự tâm chứng của chính đức Phật. Tông Mật viện dẫn đoạn kinh Hoa nghiêmsau đây, Phẩm 37: Như Lai xuất hiện, để giáo chứng cách Ngài định nghĩa đốn ngộ.

“Chư Phật tử! Trí huệ của đức Như Lai không chỗ nào là chẳng đến. Vì không một chúng sinh nào mà chẳng có đủ Như Lai trí huệ, chỉ do vọng tưởng điên đảo chấp trước nên không chứng được. Nếu rời vọng tưởng thời nhất thiết trí, tự nhiên trí, vô ngại trí, liền hiện tiền. … …

Bấy giờ đức Như Lai do trí nhãn thanh tịnh vô ngại xem khắp pháp giới tất cả chúng sinh mà nói rằng: Lạ thay, lạ thay! Tại sao các chúng sinh này có đủ trí huệ Như Lai, mà ngu si mê lầm chẳng hay chẳng thấy. Ta nên đem thánh đạo dạy cho họ lìa hẳn vọng tưởng chấp trước. Từ trong thân, họ thấy được trí huệ Như Lai quảng đại, như Phật không khác.” (Kinh Hoa nghiêm. HT Thích Trí Tịnh dịch).

Tông Mật trích dẫn đoạn kinh trên cốt yếu là để chứng minh nội dung của sự giác ngộ của Phật là sự thấy biết tất cả chúng sinh đều có đầy đủ trí tánh của Phật và do đó tất cả chúng sinh như Phật không khác.

Vậy sự giác ngộ của chúng sinh là thể nghiệm cái trí tánh vô lậu vốn tự đầy đủ đó. Tuy sự tâm chứng của đức Phật được dùng làm khuôn mẫu cho sự thể nghiệm của chúng sinh, nhưng đốn ngộ Tông Mật đề cập không phải là sự Giác ngộ tối cao A nậu đa la tam miệu tam bồ đề (Anuttara samyak sambodhi; Hán dịch là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay Vô thượng Bồ đề) do Phật tự chứng ở cội bồ đề, gần thành Già Da. Chữ đốn ngộ trong thuyết đốn ngộ tiệm tu của Tông Mật có nghĩa là 'giải ngộ'. Đây mới là sơ ngộ, chỉ là địa vị khởi đầu một quá trình tu hành mười bậc. Sự Giác ngộ tối cao của Phật tương ứng với 'chứng ngộ' là sự thành tựu viên mãn Phật quả ở bậc cuối cùng.

Cần phải tiệm tu sau khi giải ngộ là vì tập khí từ vô thủy khó trừ hết liền, nên phải y ngộ mà tu, lần lần huân tập mới thành công. Tu tập là đổi những thói quen mê lầm phiền não thành những thói quen từ bi giác ngộ, cho nên cần phải có công tu tinh tiến lâu ngày mới được kết quả. Chỉ khi nào tập khí giác ngộ có đủ sức mạnh lấn át được tập khí mê lầm thời mới chứng được những đạo quả trên con đường Bồ đề. Trong Hoa nghiêm nguyên nhân luận, HT. Thích Khánh Anh dịch, có đoạn:

"'Dứt vọng về chân' đó, phải có lời hỏi rằng: đã giác ngộ 'nhất chân tâm thể' rồi, rõ biết mỗi pháp, pháp nào cũng toàn là chân, thời cần gì lại còn phải dứt vọng?

- Đáp: Kinh Lăng nghiêmnói, 'với Lý thời đốn ngộ' mà với Sự cần phải dần dần để trừ vọng, bởi từ vô thỉ cái tập khí nó đã thâm căn, nay làm gì mà dứt liền hết bằng một lượt cho được.

... Tâm vương thường trụ, vẫn muốn từ bi hỉ xả, mà còn các nhóm tâm sở tam độc, lục tặc, chúng cứ hiện hành những điều ác tánh, phiền não tán loạn, điên đảo; thành thử Tâm vương phải tu chỉnh các đạo 'Hiền Thánh quân' để chiến thắng với quân thù là ngũ ấm quân, thiên Ma quân, kêu bằng 'tảo thanh ngũ Ma quân, trị bình lục oán tặc'. Chừng đó hoặc hết, chướng trừ, tâm thành ý chánh, thân tâm chúng sinh đồng được giải thoát, thanh tịnh, hưởng sáu vô vi. ... … Vậy kẻ tu Phật là 'trường kỳ kháng chiến', vì trải lâu A tăng kỳ kiếp, mới chiến thắng Ma quân. Nam mô Đấu Chiến Thắng Phật!"

Muốn diệt trừ các thói quen mê lầm, về lý tuy có thể giác ngộ rất nhanh, nhưng về sự thời phải lần lượt diệt trừ, từ những mê lầm nông cạn đến những mê lầm thầm kín nhỏ nhiệm nhất. Thói quen mê lầm chấp ngã nông cạn hơn thời được giải trừ trước, rồi về sau mới giải trừ được pháp chấp, dứt trừ trần sa hoặc cho đến không còn gì phải trừ diệt nữa thời mới chứng được tánh Không và an trụ nơi vô sinh pháp nhẫn. An trụ nơi vô sinh pháp nhẫn là đương lúc tất cả các sự vật duyên khởi sinh ra, trực nhận không có gì đáng gọi là sinh, do đó, dầu hiện ra vô lượng thân, vô lượng cảnh, cũng vẫn an trụ mãi mãi nơi pháp giới tính bất sinh bất diệt.

Trên phương diện giáo thuyết, Tông Mật đã căn cứ trên thuyết Như Lai tạng để giải thích đốn ngộ và trên thuyết a lại da thức để cắt nghĩa tiệm tu. Hai thuyết này đã được phối hợp lần đầu tiên trong kinh Lăng Già, về sau được Luận Khởi tínhợp thành hệ thống chặt chẽ, vì vậy Luận này xem như cơ sở trên đó Tông Mật xây dựng thuyết đốn ngộ tiệm tu. Luận định nghĩa Như Lai tạng là Chân như Nhất tâm, gồm hai tướng, tướng bất biến gọi là Tâm chân như và tướng tùy duyên gọi là Tâm sinh diệt. Tâm chân như là Như Lai xuất triền, là Pháp thân, là tánh Phật chứa đựng các pháp vô lậu thanh tịnh. Tâm sinh diệt là Như Lai tại triền, là tánh Phật còn bị chứa trong vòng phiền não nhiễm ô. Ngoài ra, tâm sinh diệt đồng hóa với a lại da thức, thức này là "chơn (không sinh diệt) vọng (sinh diệt) hòa hiệp, không phải một không phải khác". Vì a lại da thức là nơi hai tướng của Nhất tâm tương tác nên do chứa trong nó tiềm năng giác và bất giác a lại da thức tác dụng như một yếu tố động lực của phương trình tâm.

Đồ biểu phương trình Tâm

Hình trên đây là đồ biểu phương trình tâm, Tông Mật trình bày ở cuối tập Thiền tự, mô tả đồng thời hai quá trình ứng với hai nghĩa, giác và bất giác, của a lại da thức: đếm lên là quá trình mê vọng và đếm xuống là quá trình ngộ chân. Tông Mật chia mỗi bên ra thành mười bậc, mỗi bậc trong quá trình này đối ứng với một bậc trong quá trình kia. Trong Hoa nghiêm nguyên nhân luậncó đoạn diễn bày giai đoạn khởi đầu quá trình mê vọng (HT. Thích Khánh Anh dịch):

"Bắt đầu duy chỉ là cái 'nhất chân linh tánh' chẳng sinh chẳng diệt, không thêm không bớt, chả đổi chả dời. Chúng sinh đã như ngủ mê từ vô thỉ nên chẳng tự sáng biết. Vì chân linh tánh bị che phủ nên tên là Như Lai tạng, vì y nơi Như Lai tạng nên có tâm tướng sinh diệt. Cái chân tâm bất sinh bất diệt, nó cùng lẫn họp nhau với cái vọng tưởng sinh diệt bằng cách chẳng đồng chẳng khác tên là a lại da thức. Thức đây có hai nghĩa: giác và bất giác."

Mười bậc trong quá trình mê vọng liệt kê như sau:

(1) Bản giác. Đây là cơ sở của quá trình mê vọng. Luận Khởi tínđịnh nghĩa bản giác: "Gọi là nghĩa giác, tức là cái ly niệm tướng của tâm thể. Cái ly niệm tướng ấy bằng cõi hư không, không chỗ nào không cùng khắp; pháp giới một tướng tức là bình đẳng pháp thân của Như Lai. Nương với pháp thân đó mà gọi tên là bản giác." (Tâm Minh Lê Đình Thám dịch) Tông Mật ví bản giác như một người giàu có được kính nể, ngay thẳng và khôn ngoan, sống trong nhà của chính mình.

(2L) Bất giác. Đây là nghĩa bất giác của a lại da thức. Tông Mật so sánh với một người giàu có được kính nể nhưng ngủ quên không biết mình là ai. Có khi Tông Mật gọi đó là 'căn bản vô minh' hay 'độc đầu vô minh'. Bất giác là 'gốc' của những bậc còn lại gọi là 'ngọn' trong quá trình mê vọng.

(3L) Niệm khởi. Niệm ở đây là vọng niệm, cũng gọi là vọng tưởng và ngài Huyền Tráng đã dịch là phân biệt. Do vọng niệm mà nhận thức sai lầm, phân biệt lập thành những tướng năng tri và sở tri. Trong ba tướng vi tế (tam tế: chi mạt vô minh, nói trong Luận Khởi tín) kết đồng không rời bất giác, niệm khởi tương ứng với tướng đầu gọi là vô minh nghiệp tướng. Do nương với bất giác nên tâm động mà gọi là nghiệp. Tông Mật so sánh với những giấc mộng của người ngủ say.

(4L) Kiến khởi. Tương ứng với tướng vi tế thứ hai, năng kiến tướng, do nương với động nên có năng phân biệt (năng kiến; Luận Khởi tín). Tông Mật so sánh với ý thức đang hoạt dụng trong giấc mơ.

(5L) Cảnh khởi. Tương ứng với tướng vi tế thứ ba, cảnh giới tướng, do nương với năng kiến nên cảnh giới giả dối hiện ra (Luận Khởi tín). Tông Mật so sánh với một người giàu có và được kính nể, trong giấc mơ thấy mình dơ dáy khổ sở và nhận biết những cái thích cái ghét.

(6L) Pháp chấp. Tương ứng với hai tướng đầu trong lục thô tướng nói trong Luận Khởi tín: trí tướng, nương với cảnh giới, tâm khởi ra phân biệt, có ưa và không ưa, và tương tục tướng, nương với trí tướng nên sinh ra cảm giác khổ vui, tâm khởi ra niệm, kết đồng không gián đoạn. Tông Mật ví với một người chấp thủ những sự vật thấy trong giấc mơ mà tưởng là thật.

(7L) Ngã chấp. Tương ứng với hai tướng thứ ba và thứ tư trong lục thô tướng (Luận Khởi tín): chấp thủ tướng, nương với cảnh giới duyên niệm của tương tục tướng duy trì những sự khổ vui, tâm khởi ra chấp trước, và kế danh tự tướng, nương với vọng chấp mà phân biệt những tướng danh ngôn giả dối. Tông Mật ví với người thấy mình và người trong mộng là một.

(8L) Phiền não. Đây là nói đến ba độc, tham, sân, si. Tông Mật ví với người khao khát có những cái thấy trong mộng hợp với sở thích và chán ghét những cái thấy trong mộng mà không hợp ý.

(9L) Tạo nghiệp. Tương ứng với tướng thứ năm trong lục thô tướng (Luận Khởi tín): khởi nghiệp tướng, là nương với danh ngôn, chấp trước theo danh ngôn mà gây ra các thứ nghiệp. Ví như người đang ở trong giấc mơ sanh tâm ưa thích hay chán ghét mà tạo ra các nghiệp lành hay dữ.

(10) Thọ báo. Tương ứng với tướng thứ sáu trong lục thô tướng (Luận Khởi tín): nghiệp hệ khổ tướng, là nương với nghiệp mà chịu quả báo, không được tự tại. Ví như người đang nằm mộng thấy lãnh thọ đủ mọi thứ quả báo.

Trên đây trình bày mười bậc trong quá trình mê vọng theo nghĩa tương quan tương sanh, nên chúng tuồng như có thứ lớp tuần tự. Kỳ thật, tất cả chúng đều đồng thời sanh khởi. Một pháp vừa động tức khắc tất cả pháp đều động. Mười bậc tác dụng giống như chuỗi xích mười hai khoen Duyên khởi. Luân hồi sinh tử khổ đau là do quá trình mười hai nhân duyên diễn biến theo chiều lưu chuyển, thuận dòng vô minh. Ngược lại, theo chiều hoàn diệt là chiều đưa đến giác ngộ giải thoát, đức Phật định hướng con đường dẫn đến thoát ly sinh tử, bắt đầu từ sự tận diệt vô minh, cội nguồn của tham ái, nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... Cuối cùng sinh diệt thời toàn bộ khổ uẩn, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, đoạn diệt. Áp dụng lối suy tư theo chiều nghịch của đức Phật Tông Mật đếm xuống, thiết lập mười bậc trong quá trình ngộ chân, mỗi bậc phiên chuyển bậc đối ứng trong quá trình mê vọng. Mười bậc này liệt kê như sau:

(10) Đốn ngộ. Ở bậc này gặp thiện tri thức chỉ cho đường vào, một niệm hồi quang thấy được nhất chân tâm thể. Bậc này phiên chuyển bậc Bất giáctrong quá trình mê vọng.

(9X) Phát tâm. Ở bậc này phát khởi tâm đại bi, trí siêu việt, và đại nguyện, mong cầu giác ngộ tối thượng. Bậc này phiên chuyển bậc Thọ báotrong quá trình mê vọng.

(8X) Tu ngũ hành. Ngũ hành là năm môn tu hành kê trong Luận Khởi tín: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, và chỉ quán. Thật ra là pháp Lục độ nhưng hai Ba la mật cuối, Định và Huệ, nhập làm một và gọi là Chỉ Quán. Bậc này phiên chuyển bậc Tạo nghiệptrong quá trình mê vọng.

(7X) Khai phát. Bậc này tiếp dẫn sự phát triển tâm đại bi, trí siêu việt, và đại nguyện phát khởi ở bậc Phát tâm và phiên chuyển bậc Phiền nãotrong quá trình mê vọng.

(6X) Ngã không. Ở bậc này thân chứng tự ngã không có. Bậc này phiên chuyển bậc Ngã chấptrong quá trình mê vọng.

(5X) Pháp không. Ở bậc này thân chứng tất cả pháp không có tự tánh. Bậc này phiên chuyển bậc Pháp chấptrong quá trình mê vọng.

(4X) Sắc tự tại. Ở bậc này thân chứng mọi pháp đều do tâm tạo và định tự tại khởi sắc. Bậc này phiên chuyển bậc Cảnh khởi trong quá trình mê vọng.

(3X) Tâm tự tại. Ở bậc này thời tâm tự tại vô ngại. Bậc này phiên chuyển bậc Kiến khởitrong quá trình mê vọng.

(2X) Ly niệm. Ở bậc này hoàn toàn biết rõ cỗi gốc vọng tưởng và thấy được chân tánh thường hằng của tâm thể. Đây là bậc Cứu cánh giác nói trong Luận Khởi tín. Bậc này phiên chuyển bậc Niệm khởitrong quá trình mê vọng.

(1) Thành Phật. Ở bậc này trở về trạng thái uyên nguyên trong sáng của tâm, chứng vì tánh giác là cái ly niệm tướng của tâm thể nên rốt ráo không có sự phân biệt giữa các bậc trong quá trình ngộ chân, tất cả bình đẳng và đồng với Bản giác, là một và bất khả phân.

Khi hoàn tất quá trình ngộ chân thành đạt Phật quả thời thấy ngay quá trình này và quá trình mê vọng không rời nhau, không song song và ngược chiều nhau. Thật ra chúng tạo thành một vòng liên tục. Bậc cuối cùng của quá trình ngộ chân trở lại nhập với Bản giác là bậc cơ sở xuất phát quá trình mê vọng. Có thể hình dung toàn thể hai quá trình như một vòng tròn trong đó Bản giáccó pha 0 độ và Thành Phậtpha 360 độ. (Xem hình ở trang kế tiếp).

Các bậc được biểu tượng bởi các vòng tròn nhỏ vẽ hình các tuần 'trăng Phật tánh' tròn và khuyết trong đó phần tô đen tương đối so với phần để trắng biểu diễn mức độ tương đối của mê vọng so với ngộ chân. Những pha trong khoảng từ 0 đến 180 độ gồm tất cả chín bậc trong quá trình mê vọng từ Bất giácđến Thọ báo, tạo nên quá trình mà Tông Mật gọi là quá trình thuận dòng sinh tử. Chính trong pha Thọ báocủa quá trình này mà cảm thọ được thân người và do nghiệp lành của đời trước mà thành đạt pha 180 độ khi được thiện tri thức chỉ đường phát ngộ Chân tánh của tâm thể. Đây là địa vị mà Tông Mật gọi là Giải ngộ(Đốn ngộ), một thể nghiệm phản tỉnh vọng tâm, xoay chiều diễn tiến của quá trình trở lại với tâm tánh bản nhiên mà Tông Mật gọi là quá trình nghịch dòng sinh tử. Tám bậc trong quá trình ngộ chân, bắt đầu từ Phát tâmcho đến cuối là Ly niệm, mô tả quá trình tiệm tu do đó mới giác ngộ (Thỉ giác, nói trong Luận Khởi tín). Hoàn thành viên mãn các đức tánh tốt thời Thành Phật tức 'Chứng ngộ', chung điểm và khởi điểm gặp nhau, hoàn tất một vòng lưu chuyển hoàn tịnh. Như thế là đồ biểu phương trình tâm của Tông Mật đã được sắp xếp lại thành một vòng kín.

Ngoài ra, khi đạt quả vị Phật thời thấy rõ hết thảy mọi bậc đều là dụng của Nhất tâm còn gọi là Pháp thân Như Lai Tạng khi lìa các vọng niệm. Với tự tính thanh tịnh tuy bị bọc kín trong võ phiền não, nhưng phiền não vốn không có tự tính, không thực hữu, nên Như Lai tạng không hề chịu ảnh hưởng tác động gì của phiền não ô nhiễm. Pháp thân còn gọi là Giác, tất cả chúng sinh sẵn có, nên gọi là Bản giác. Bản giác không những là một quả vị mà hơn nữa là cơ sở căn bản của quá trình lưu chuyển hoàn tịnh, là gốc, là tánh của tất cả các pha của quá trình, các pha này xem như là ngọn, là tướng.

Nhìn vào vòng biểu tượng quá trình lưu chuyển hoàn tịnh trên đây và theo dõi sự biến thiên của phần tô đen trong mỗi pha, tựa trên thí dụ sóng và nước trong Luận Khởi tín ta có thể theo Tông Mật mô tả quan hệ giữa bản giác và các pha khác trong quá trình ấy như sau. Mặt nước nguyên thủy yên tĩnh phản chiếu rõ ràng tất cả vật thể (Bản giác) bị gió vô minh (Bất giác) thổi động làm nổi sóng (quá trình mê vọng). Dẫu gió đột nhiên ngưng (Giải ngộ) chuyển động sóng lặng nhưng chỉ lặng dần (quá trình ngộ chân, tiệm tu: Thỉ giác) cho đến khi không còn một chuyển động nào và mặt nước yên tĩnh trở lại (Chứng ngộ). Tuy nhiên, mặt nước dù yên tĩnh hay dao động, sóng dù lớn hay nhỏ, tất cả đều là nước (Nhất tâm). Hơn nữa, các điều kiện đang biến chuyển của mặt nước không ảnh hưởng đến tự tánh phản chiếu của mặt nước (Bản giác).

Tánh khởi và Duyên khởi.

Phân tích luận điệu của Tông Mật nhằm bài bác các phép hành thiền không theo pháp môn Đốn ngộ tiệm tu giúp ta nhận định chính xác hơn ý nghĩa của Nhất thừa Hiển tánh giáo và thông hiểu rõ thêm quan hệ giữa tu hành và giác ngộ, giữa giáo lý của Phật và nội dung Thiền quán. Sau đây chỉ bàn đến những lời chỉ trích hai phái Thiền thịnh hành vào thời ấy: trường phái Bắc tông của Thần Tú và hệ phái Thiền Hồng Châu của Mã Tổ Đạo Nhất.

Theo Tông Mật, giáo pháp tu chứng của Bắc tông thuộc loại tiệm tu đốn ngộ. Trong Viên giác kinh đại sớ saoLược sớ sao, Tông Mật cho biết có hai cách giải thích trường hợp này. Cách thứ nhất giả định trước giải ngộ sau tiệm tu và như thế là theo đúng trình tự tu chứng ba bậc của Tông Mật: giải ngộ, tiệm tu, và chứng ngộ. Cách thứ hai không giả định giải ngộ và Tông Mật tựa trên cách này để phê phán Thiền Bắc tông. Trong Thiền đồ Ngài mô tả yếu lý của Thiền Bắc tông như sau: "Từ vô thỉ tất cả chúng sinh sẵn có cái chân tâm bản giác giống như gương soi, ánh chiếu, nhưng bị phiền não giấu che giống như gương mờ bụi phủ. Nếu nương theo giáo pháp của chân sư và dẹp bỏ vọng niệm thời khi dứt niệm sẽ ngộ ngay chân tánh và không có gì là không biết. Giống như lau bụi, khi hết bụi, gương sẽ trong sáng và không vật gì là không phản chiếu trên gương. Do đó Thần Tú, sáng tổ của tông này, biên bài kệ nơi vách bày rõ chỗ thấy của mình với Ngũ Tổ. Kệ rằng:

Thân ấy Bồ đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài,

Giờ giờ cần phải sạch,

Chớ để vướng trần ai."

Tiếp theo là những lời phê bình: "Đây chỉ là phép lội ngược dòng và đối đầu với thói quen, tựa trên tướng nhiễm tịnh duyên khởi, mà không nhận rõ tự tánh vọng niệm vốn không và tự tánh tâm thể là thanh tịnh. Nếu ngộ chưa thấu triệt thời làm sao tu đúng chánh đạo?"

Hai đoạn trích dẫn trên cho thấy phê bình của Tông Mật nhắm vào quan điểm Như Lai tạng của Thiền Bắc tông. Tuy giáo thuyết của Thiền Bắc tông căn cứ trên quan niệm Như Lai là Phật tánh có sẵn trong mỗi chúng sinh bị bao bọc trong vỏ trứng vô minh, nhưng ý nghĩa Như Lai tạng hiểu theo Bắc tông khác với cách hiểu theo Tông Mật. Trong Thiền tự, Ngài cho rằng giáo thuyết của Thiền Bắc tông đồng với giáo thuyết của Pháp tướng tông. Tông này bị chỉ trích là chủ trương "sinh diệt đẳng pháp bất quan chân như", nghĩa là nói theo ngôn ngữ của Luận Khởi tín, không bao giờ có thể bắc cầu được giữa hố cách hai tâm của Tâm chúng sinh, tâm Chân như và tâm sanh diệt, giữa Như Lai tạng và a lại da thức. Chân như là viên thành thật, ngưng nhiên và bất biến, a lại da thức là y tha khởi tức dựa vào pháp khác mà khởi lên. Chân như là bản tánh, a lại da thức là tướng của các pháp, tánh không thể đồng nhất với tướng. Như thế, Pháp tướng tông công nhận chỉ nghĩa 'bất biến' mà không biết đến nghĩa 'tùy duyên' của Nhất tâm. Nói cách khác, tông này không nhận thấy rằng tâm Chân như không hoàn toàn ngưng nhiên tĩnh tại mà trái lại tùy duyên sinh khởi hiện tượng. Theo quan niệm này, tướng của các pháp là dụng của 'Chân như động'. Đối với Tông Mật, nghĩa 'tùy duyên' của Chân như tối quan trọng vì nó nối kết Như Lai tạng với a lại da thức và do đó giải thích làm thế nào Chân như tùy duyên trở thành nhiễm tịnh mà không mất tự thể. Tông Mật dùng chữ 'tánh khởi' để chỉ vào Chân như tùy duyên với đặc tánh năng sanh.

Theo Tông Mật, giáo pháp Pháp tướng vì chẳng lý đến tánh khởi đã lỗi lầm phân biệt nhị nguyên, ly cách a lại da thức với Chân như, cảnh giới vọng động với cảnh giới thanh tịnh. Tánh khởi kết nối bằng cách khẳng định mọi tướng không gì khác là dụng của tánh, tánh là thể của các tướng. Với mô thức thể-dụng làm khuôn khổ tư tưởng, Tông Mật dùng thuyết tánh khởi vượt qua sự phân biệt nhị nguyên, nối kết Chân như và a lại da thức. Do các mô thức lưỡng cực, thể-dụng, tánh-tướng, gốc-ngọn, đồng như nhau nên các từ chỉ vào cực này như thể, tánh, và gốc, hay chỉ vào cực kia như dụng, tướng, và ngọn, tất cả đều có thể dùng thay thế lẫn nhau. Hơn nữa, đẳng thức, 'thể-dụng' = 'gốc-ngọn', cho biết ngay cực nào cơ bản hơn cực nào.

Cùng một đường lối phê phán, Tông Mật bài bác phép tu của Bắc tông nhằm dẹp bỏ nhiễm ô nhuốm dơ tâm thanh tịnh. Phép tu này căn cứ trên nhận thức sai lầm, không thấy rõ nhiễm ô tự tánh là Không. Không có tự tính vì chúng là dụng của bản thể Chân như thanh tịnh tự biểu hiện tùy theo duyên. Như vậy nhiễm mà chẳng phải nhiễm. Tánh nhiễm thật ra là do sai lầm phân biệt nhị nguyên mà cho đó là nhiễm. Nói cách khác, là do không thấu triệt bản tánh thanh tịnh của Chân như là thể của nhiễm và nhiễm phát minh bản tánh thanh tịnh đó.

Theo Tông Mật, Bắc tông sở dĩ sai lầm phân biệt nhị nguyên là vì không hay biết giải ngộ, quả vị đốn ngộ sơ khởi, là cần thiết. Giải ngộ là đốn ngộ Phật và chúng sinh, niết bàn và luân hồi không khác, từ đó suy ra "vọng niệm bổn vô" vì vọng niệm là dụng của bản thể Chân tâm thanh tịnh tùy duyên sinh khởi. Nói cách khác, giải ngộ là ngộ được tánh khởi là nguyên lý vạn vật đồng nhất thể. Có nghĩa là dù tướng dạng sai khác đến đâu, vạn vật đồng nhau ở chỗ tự tánh của chúng là Không. Đây là đồng nhất trong dị biệt. Như vậy thế giới hiện tượng, diệu dụng của bản thể Chân tâm, là Không và do đó thật ra không nhiễm.

Trong Hoa nghiêm kinh Hạnh Nguyện Phẩm sớ sao, Tông Mật nối kết tánh khởi với duyên khởi (pratītyasamutpāda) và nêu rõ quan hệ giữa tánh khởi với hai quá trình mê vọng và ngộ chân. Tánh khởi và duyên khởi là hai mô hình nguyên nhân khác nhau đòi hỏi hai trình độ giải thích khác nhau. Duyên khởi giải thích sự tương giao tương duyên giữa các hiện tượng và tánh khởi giải thích sự sinh khởi hiện tượng từ thể tánh. Bàn về duyên khởi, Tông Mật phân biệt hai cách: nhiễm duyên khởi và tịnh duyên khởi. Hai cách này tương ứng với hai quá trình song song mê vọng và ngộ chân trong đồ biểu phương trình tâm của Tông Mật. Tiếp theo, Ngài phân biệt thêm hai bậc mê vọng: vô thỉ căn bản và triển chuyển chi mạt. Vô thỉ căn bản, sau này gọi là căn bản vô minh, chỉ vào bất giác, còn có tên là độc đầu vô minh, độc hành vô minh, hay bất cộng vô minh (avidyā-avenikī). Đây là vô minh sinh khởi trước và không tùy thuộc phiền não, là gốc của tám bậc cuối của quá trình mê vọng gọi là triển chuyển chi mạt. Giải ngộ có công dụng phiên chuyển căn bản vô minh. Một khi quá trình mê ngộ phát khởi thời nó tự động tiếp diễn mãi mãi, vì vậy cần tu tiệm để phiên chuyển các triển chuyển chi mạt của nó.

Vì Bắc tông thiếu giải ngộ nên phép tu tiệm trên phương diện phẩm chất khác với phép tiệm tu tiếp theo sau khi giải ngộ. Tánh chẳng những là cỗi gốc của các hiện tượng mà còn là cơ sở của sự tu tập. Tông Mật phán định phép tu hành của Bắc tông là "phi chân", hàm ý rằng Thiên Bắc tông không nhận biết bản thể của các hiện tượng. Trong Viên giác kinh đại sớ sao, Ngài đặt câu hỏi: "Nếu tu mà không đúng chánh đạo, thử hỏi làm sao có thể chứng ngộ dẫu trải qua trăm ngàn kiếp?" Vậy khi nói về Thiền Bắc tông: "Đây chỉ là phép lội ngược dòng và đối đầu với thói quen, tựa trên tướng nhiễm tịnh duyên khởi", Ngài có ý chỉ trích Bắc tông không thông hiểu tánh khởi.

Tông Mật nhận xét phép hành thiền của Hồng Châu đối nghịch với của Bắc tông. Đối với Bắc tông bất cứ sự loại gì thảy đều là vọng thời đối với Hồng Châu thảy đều là chân. Do đó cách tu đi ngược lại: trong lúc Bắc tông chủ trương "phục tâm diệt vọng", thời Hồng Châu "tín nhậm tình tánh", cứ tự nhiên theo tình tánh mà tu. Thể dụng sai biệt đối với Bắc tông, nhưng đồng nhất đối với Hồng Châu. Trong Thiền đồ, Tông Mật mô tả yếu chỉ của Thiền Hồng Châu như sau: "Sự sinh khởi những hoạt động tâm thức, sự biến chuyển tư tưởng, cho đến búng tay hay nháy mắt, hết thảy động dụng thi vi đều là dụng của tánh Phật. Vì không có dụng khác ngoài của tánh Phật, tham sân phiền não, tạo nghiệp thiện vầ bất thiện, thọ quả lạc và khổ, thảy đều tánh Phật."

Vì mọi hoạt động đều là dụng của tánh Phật cho nên không có tánh ngoài dụng. "Nếu quán triệt tánh tất thấy chung cánh không thể nhận thức hay chứng ngộ tánh được, cũng như mắt không thể tự thấy mắt được, v.v... Nếu quan tâm đến dụng của tánh thời những gì được làm đều là tánh Phật, ngoài ra không có chủ thể hay đối tượng chứng ngộ." (Thiền đồ, 435d17-18)

Theo Tông Mật, phép hành thiền theo lối này rất nguy hiểm. Nếu chỉ nhờ dụng mà nhận biết thể, và hơn nữa, mọi sự vật đều toàn là dụng của thể, thời thể hoàn toàn bị dụng che lấp. Tông Mật nhấn mạnh tuy thể và dụng là hai mặt của cùng một thực tại, chúng vẫn dị biệt và tánh dị biệt này rất quan trọng vì thể là gốc, là nguồn phát khởi tác dụng đạo đức. Đồng hóa mô thức thể-dụng với mô thức gốc-ngọn tức quan niệm tu hành như một sự trở về tâm thể trước tâm dụng, trở về trạng thái cơ bản của tâm trước khi thức chuyển. Phải thông qua kinh nghiệm trực tiếp nhận thức tánh bằng trực giác mới biết dụng của thể là chân.

Tông Mật cho rằng Thiền Hồng Châu chủ trương "chớ dụng tâm để dứt trừ tà ma, chớ tu hành đạo. Vì đạo chính là tâm nên không thể dụng tâm để tu tâm. Vì tà ma cũng là tâm nên không thể dụng tâm để dứt trừ tâm. Người không dứt trừ không hành nhưng mà tự tại thừa nhận sự vật trong cách thế chúng đang là gọi là người được giải thoát. Không có pháp để nương hay Bồ đề để đắc... Tu hành là chỉ giản dị để tâm tác dụng tự nhiên." (Thiền đồ, 436a4-9)

Tông Mật hẳn đồng ý với phát biểu của Hồng Châu bảo rằng không có Bồ đề để đắc, tuy nhiên Ngài nhấn mạnh một chứng tri như vậy chính ở tại Bồ đề và phát biểu như trên chỉ có ý nghĩa trên quan điểm của một người đã đắc Bồ đề. Thật là lầm lỗi lớn khi chưa đắc Bồ đề mà kết luận dễ dàng rằng không có lý do cần tu học cầu quả Bồ đề. Tuy chung cánh tánh vượt lên trên mọi nhị nguyên nhưng đối với chúng sinh vẫn có sai biệt giữa ngộ và mê. Chính sự căng thẳng giữa ngộ và mê là nguồn sinh lực của sự tu hành.

"Hồng Châu thường nói, 'vì tham sân phiền não, tạo nghiệp thiện và bất thiện, thọ quả lạc và khổ, thảy đều tánh Phật thời làm thế nào có sai biệt giữa những điều đó?' Giống như người thấy trong tánh ướt (của nước) chẳng bao giờ có sự sai biệt nên không nhận ra sai khác to lớn giữa sự thành công của một chiếc thuyền băng qua sông và sự thất bại của một chiếc thuyền lật úp chìm trong nước. Bởi thế về đường lối tham thiền đốn ngộ của dòng này, dẫu tuồng như thành tựu cũng vẫn không đạt được mục tiêu, và về đường lối tu tiệm thời lỗi lầm và hoàn toàn thoái hóa." (Thiền đồ, 438a18-b4)

Những lời phê bình dòng Thiền Hồng Châu cho thấy rõ cách Tông Mật sử dụng mô thức thể-dụng thật không đơn giản. Trong khi nêu rõ tánh bất tương ly của thể và dụng, hai mặt khác nhau của cùng môt thực tại, Ngài đồng thời nhấn mạnh tánh sai biệt, thể dụng phi nhất phi dị, như trường hợp cái tâm thể không sanh diệt hợp với cái tâm mê vọng. Tánh bất tương ly của tâm thể và vọng tưởng là nguyên nhân khả năng tu hành và tánh sai biệt của chúng là lý do cần thiết tu hành. Sử dụng mô thức thể-dụng như thế, Tông Mật bảo toàn được tánh nhị nguyên có tác dụng đạo đức trong 'nhất pháp giới', toàn tánh của vũ trụ. Do đó, mô thức thể-dụng một mặt vượt khỏi chủ trương nhị nguyên của Bắc tông, mặt khác, tránh không rơi vào kiến giải nhất nguyên cực đoan của Hồng Châu.

Tông Mật dùng gương đồng làm thí dụ mô tả sự khác biệt giữa giáo pháp Hồng Châu và Nhất thừa Hiển tánh giáo do Ngài chủ trương và xem như đồng với giáo pháp của dòng Thiền Hà Trạch do Thần Hội sáng lập. Theo Ngài, tác dụng của gương có hai nghĩa: tự tính bản dụng và tùy duyên ứng dụng.

"Chất liệu đồng của gương là thể của tự tánh, tánh sáng của đồng là dụng của tự tánh. Ảnh do tánh sáng phản chiếu là tùy duyên ứng dụng. Ảnh phản chiếu tùy theo duyên mà biến thiên muôn ngàn cách, nhưng tánh sáng là tự tính bản dụng không thiên biến." (Thiền đồ, 437d5-7).

Tự tính bản dụng đồng nghĩa với bản giác. Tùy duyên ứng dụng tương ứng với tác dụng của thân tâm hay ba nghiệp, thân, khẩu, ý. Quan hệ giữa hai dụng ấy có thể dùng mô thức thể-dụng hay gốc-ngọn để diễn tả. Tự tính bản dụng là thể, là gốc của tùy duyên ứng dụng. Tông Mật cho rằng Hồng Châu chỉ quan tâm tùy duyên ứng dụng mà bỏ quên tự tính bản dụng. Bởi thế cách thực hành thiền của dòng này thiếu cơ sở y cứ, có thể xoay theo chiều vọng động vị ngã. Một lần nữa, Tông Mật nhấn mạnh sự sai biệt giữa thể và dụng, giữa gốc và ngọn. Bằng cách đặt trọng tâm vào tự tính bản dụng, Tông Mật đã công hiệu đóng một cái nêm giữa thể và dụng, ngăn chúng không giáp thành một để khỏi rơi vào trường hợp giáo pháp nhất nguyên cực đoan của dòng Thiền Hồng Châu.

Tóm lại, Tông Mật phân tích kỹ càng hết thảy mọi cảnh huống trong đó hai từ đốn và tiệm được sử dụng. Theo nghĩa rộng, lưỡng cực đốn-tiệm là một phần của một biện chứng pháp rộng lớn trong Phật giáo. Đạo Phật là đạo Giác ngộ, trọng tâm là tu dưỡng trí thức, cho nên thiết lập một bản đồ tu chứng để giải thích và hướng dẫn tiến trình tu tập là điềucần thiết. Bản đồ tu chứng phải tựa trên sự thấu đạt cấu trúc bản thể của thực tại, nền móng của quá trình tu hành. Tông Mật đã nương trên chân tâm bản giác mọi chúng sinh đều có thiết lập thuyết tu theo trình tự ba bậc: giải ngộ, tiệm tu, và chứng ngộ. Ngài đã đặt kinh nghiệm nội chứng vào trong khuôn khổ của mô thức thể-dụng để diễn tả.

Đó là điều phái Đốn giáo phản đối kịch liệt. Một sự kiện như giác ngộ, về trí giải, thoát ngoài mọi thể cách mô tả, mà chỉ có thể nắm lấy bằng trực giác, xuyên qua sự tự chứng cá nhân. Mọi ngôn thuyết về giác ngộ được xem như áp đặt cấu trúc trên thể nghiệm, trên tự chứng. Đối với Đốn giáo, mọi phương tiện như bản đồ tu chứng đều là cạm bẫy khái niệm phải loại trừ. Tông Mật ngược lại, khi giải thích thể và dụng của ngôn ngữ tôn giáo, xác quyết Nhất thừa Hiển tánh giáo của Ngài đồng với giáo pháp Hà Trạch, trực hiển chân nguyên chỉ dùng duy nhất một chữ. Vì trực hiển chân nguyên không sử dụng phương tiện nên gọi là đốn và chữ duy nhất sử dụng chính là chữ "tri" (biết) được Thần Hội xác nhận "đặc tính duy nhất của 'tri' là căn nguyên của mọi lẽ huyền diệu". Như vậy, đốn giáo là giáo pháp dẫn khởi khả năng thể nghiệm đốn ngộ. Do đó, 'đốn' có nghĩa là khả năng dùng ngôn ngữ khẳng định để hiển bày chân lý.

Để kết luận, xét theo tinh thần Trung đạo của Phật giáo, cả hai phương pháp, đốn và tiệm, đều cần thiết cho sự thăng bằng trong tiến trình tu hành. Quan hệ căng thẳng giữa hai phương pháp là động cơ thúc đẩy và chi trì công phu tu tập. Vấn đề là phải tìm cách nhất trí hai phương pháp hầu tránh khỏi các chướng ngại do nhận thức sai lầm gây nên. Nói như thế tức là đã công nhận thuyết ba bậc của Tông Mật rất có lợi ích.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]