Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Sự Khác Biệt Trong Hiểu Biết

19/04/201114:05(Xem: 6879)
2. Sự Khác Biệt Trong Hiểu Biết

Upasika Kee Nanayon (K.Khao-suan-luang)
ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan

Chương 5

Biết Tâm

Sự Khác Biệt Trong Hiểu Biết

Ta có thể làm gì để thấy được các uẩn – nơi tụ hội của khổ đau, phiền não - một cách rõ ràng đến nỗi ta có thể cắt đứt sự bám víu của tâm vào chúng? Tại sao người học y khoa để thành bác sĩ có thể biết tất cả các bộ phận trong cơ thể: như ruột, gan, thận, và hơn thế nữa - đến từng chi tiết mà lại không phát triển bất cứ sự nhàm chán hay ly tham nào đối với thân-tại sao? Tại sao các đạo tỳ (người làm dịch vụ mai táng) đã trải bao thời gian bên bao xác chết mà vẫn chưa đạt được chút tuệ giác nào? Điều này chứng tỏ rằng tuệ giác rất khó được. Nếu không có chánh niệm tỉnh giác để thấy rõ các pháp như chúng là, thì cái biết đó chỉ là một thị hiếu thoáng qua. Nó không ăn sâu vào. Tâm tiếp tục chấp vào các bám víu của nó.

Nhưng nếu tâm có thể đạt được tuệ giác thật sự đến mức mà nó có thể buông bỏ mọi bám víu, thì nó có thể đạt được các đạo quả dẩn đến Niết Bàn. Điều này chứng tỏ rằng có sự khác biệt trong hiểu biết. Ta không cần phải biết tất cả mọi chi tiết về thân như các nhà giải phẫu hiện đại. Ta chỉ cần biết là thân gồm có tứ đại cùng với yếu tố của không gian và thức. Nếu ta thật sự biết chỉ chừng ấy, là ta đạt được các đạo và các quả, trong khi những người biết tất cả chi tiết về thân, đến nỗi họ có thể thực hiện những ca giải phẫu khó, lại không đạt được điều gì cao siêu hơn.

Vậy ta hãy phân tích các yếu tố của thân để biết chúng thấu đáo. Nếu được vậy thì khi có những sự thay đổi trong thân tâm, ta sẽ không có nhiều bám víu. Bằng không sự bám víu của ta sẽ cố định, mạnh mẽ, vàsẽ dẩn ta đến trạng thái tương laicủa hữu (being) và sinh (birth).

Giờ có cơ hội, ta nên quán thân đến từng chi tiết. Hãy niệm năm đề mục căn bản của thân là - tóc, lông, móng, răng và da - và quán chúng kỹ từng cái một. Không cần quán tất cả năm. Quán tóc để thấy nó thuộc về yếu tố đất, để thấy gốc rễ của nó ngâm trong máu và nước nhờn dưới da. Màu sắc, mùi vị, nơi nó có mặt, tất cả đều không có gì hấp dẩn. Nếu ta phân tích và quán niệm về những điều này, ta sẽ không ảo tưởng xem chúng là của ta: tóc, móng, răng, da của ta.

Tất cả những phần này được phối hợp bởi đất, nước, gió và lửa. Nếu chúng thuần là đất thì có lẽ chúng không tồn tại lâu, bởi vì mỗi phần của cơ thể phải phối hợp bởi bốn phần này mới thành cơ thể. Kế đến là hiện tượng tâm, tâm đứng đầu. Đây là những thứ theo đúng với trạng thái tự nhiên - sự sinh, sự biến đổi và sự diệt của các hiện tượng tâm sinh lý- nhưng ta bám vào chúng, coi thân là của ta, tâm như là ta: Tất cả là ta, và của ta. Nếu ta không nhìn thấy các thứ này như chúng thực sự là, thì ta sẽ không làm gì trừ việc bám vào chúng.

Thiền là như thế này: thấy các pháp rõ như chúng thực sự là. Không phải là vấn đề thay đổi từ đề mục này qua đề mục khác, vì điều đó chỉ đảm bảo rằng ta sẽ không biết việc gì. Nhưng cá tính bên trong của ta dưới ảnh hưởng của vô minh và ảo tưởng, không thích tự thẩm sát nhiều lần. Nó luôn tìm kiếm những vấn đề khác để bận rộn, đến nỗi ta luôn nghĩ về những chuyện khác. Đây là lý do tại sao ta cứ ở trong vô minh và si mê.

Vậy thì tại sao ta có thể biết những điều khác? Vì chúng thích hợp với những gì mà tham ái muốn. Để thấy được sự việc rõ ràng như chúng là, ta phải từ bỏ tham ái, do đó tham ái tìm cách để che giấu sự việc. Nó luôn biến đổi, mang đến những điều mới lạ, khiến ta say mê, khiến ta không tu học và suy nghĩ về bất cứ điều gì ngoài những vấn đề chỉ làm tâm ta thêm khổ đau, phiền não. Đó là tất cả những gì mà tham ái muốn. Trong khi phương cách tu tập để chấm dứt khổ đau, phiền não trong tâm, thì luôn cản đường của tham ái.

Đó là lý do tại sao tâm luôn hướng đến những điều mới lạ để biết, để xông vào, rồi trở nên dính mắc. Do đó khi tâm không tự biết mình, ta phải thực sự nỗ lực để thấy sự thật là những thứ trong tâm không phải là ta hay của ta. Đừng để tâm thiếu sự hiểu biết này. Hãy biến điều này thành một quy luật nội tâm. Nếu tâm không biết các chân lý về vô thường, khổ, vô ngã từ bên trong, thì nó sẽ không thoát khỏi khổ. Cái biết của nó sẽ là cái biết của tục đế, của thế gian; nó sẽ đi theo con đường của tục đế. Nó không thể đạt được các đạo quả dẫn đến Niết Bàn.

Do đó đây là nơi mà chân đế và tục đế rẽ hai đường. Nếu ta thấu hiểu vô thường, khổ, vô ngã đến mức độ tuyệt đối thì đó là con đường chân đế. Nếu ta không biết đến tận ngọn nguồn, thì ta vẫn còn ở mức độ thế tục.

Đức Phật dạy nhiều điều nhưng tất cả rồi cũng tụ về đây. Các nguyên lý quan trọng của sự tu tập - Tứ Niệm Xứ, Tứ Diệu Đế - tất cả đều đưa đến tính chất của vô thường, khổ và vô ngã. Nếu ta cố học quá nhiều nguyên lý, rốt cục lại ta cũng không có cái biết rõ ràng về chân lý như nó là. Nếu ta chú tâm biết chỉ chút ít, rốt cục ta lại được nhiều tuệ giác hơn là nếu ta cố biết quá nhều. Do tham muốn biết quá nhiều mà ta cuối cùng bị hoang tưởng. Lang thang trong tà kiến, suy tưởng, gán ghép, đặt tên sai lạc các thứ, trong khi cái biết tập trung,cụ thể, khi nó thực sự biết, là tuyệt đối. Cần nhấn mạnh một điểm là: ta không cần biết nhiều điều, vì khi ta thật sự biết một điều, thì ngay đó tất cả đều được giải tỏa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]