Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Một Giờ Hành Thiền

19/04/201114:05(Xem: 6400)
2. Một Giờ Hành Thiền

Upasika Kee Nanayon (K.Khao-suan-luang)
ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan

Chương 1

QUÁN SÁT NỘI TÂM

Một Giờ Hành Thiền

Đối với những ai chưa từng ngồi thiền, thì đây là phương cách: Xếp bằng hai chân, chân này đặt lên chân kia, nhưng đừng chặn các dây thần kinh hay mạch máu, nếu không năng lượng chuyển động trong đôi chân sẽ bị ứ đọng, khiến ta đau. Ngồi thẳng và hai tay xếp chồng lên nhau, để trên đùi. Giữ đầu cao và lưng phải thật thẳng –như là có một cây thước dựng đứng ngay sau sống lưng. Chúng ta phải cố giữ thân thật thẳng. Đừng phí thì giờ để lưng khòm xuống rồi sửa thẳng trở lại, vì làm như thế tâm sẽ không thể nào lắng đọng và trở nên yên tịnh được.

Giữ thân thật thẳng và chánh niệm vững chắc –vững chắc với từng hơi thở. Dầu hơi thở chúng ta có thô hay tế, cứ thở tự nhiên. Không cần phải cố gắng hít thở hoặc làm cho thân thể bị căng thẳng. Chỉ cần hít vào và thở ra một cách thoải mái. Chỉ có như vậy, tâm mới bắt đầu lắng đọng. Khi hơi thở trở nên vi tế một cách tự nhiên, tâm bắt đầu lắng đọng, thì hãy trụ nơi tâm. Nếu nó đi lang thang, hoặc vọng tưởng phát khởi, thì hãy giữ chánh niệm nơi tâm. Niệm tâm trên tâm trong từng hơi thở vào-ra trong suốt giờ hành thiền.

Khi sử dụng hơi thở như sợi dây cột tâm vào một chỗ, để nó không đi lang thang nữa, thì chúng ta cần nhiều nhẫn nại. Nghĩa là, chúng ta phải chịu đựng đau đớn. Thí dụ, khi ngồi lâu tất nhiên ta sẽ thấy đau, vì trước đây ta chưa từng ngồi lâu như vậy. Vì thế trước tiên phải giữ tâm bình lặng, an nhiên. Khi cái đau phát khởi, đừng quan tâm tới nó. Hãy cố gắng buông bỏ nó càng nhiều càng tốt. Buông bỏ cái đau và trụ vào tâm. Đối với những ai chưa từng hành thiền, muốn làm được điều này cần nhiều thời gian. Bất cứ khi nào cái đau hay điều gì đó phát khởi, nếu tâm bị tham ái hay uế nhiễm chế ngự, thì nó sẽ phản kháng vì nó không thích bị đau. Nó chỉ muốn hưởng dục lạc mà thôi.

Đó là lúc chúng ta phải thật kiên nhẫn, chịu đựng sự đau đớn vì đau là điều bắt buộc phải xảy ra. Nếu cảm giác dễ chịu, xin đừng mê đắm nó. Nếu cảm giác đau đớn, xin đừng xua đuổi nó. Hãy bắt đầu bằng cách giữ cho tâm được an nhiên. Đó là điều cơ bản. Rồi thì bất cứ khi nào cảm giác lạc hay khổ phát sinh, xin đừng thích thú hay bực dọc. Hãy giữ cho tâm luôn an nhiên và tìm cách buông xả. Nếu cảm thấy rất đau, trước tiên bạn phải cố gắng chịu đựng, rồi buông bỏ tâm chấp thủ. Đừng nghĩ cái đau đó là của bạn. Hãy xem đó là cái đau của thân, cái đau tự nhiên.

Nếu tâm bám chặt vào bất cứ điều gì, chắn chắn nó sẽ khổ. Nó sẽ phản kháng. Vì thế ở đây, chúng ta cần chịu đựng một cách kiên nhẫn và rồi buông xả. Chúng ta cần phải thực tập để có thể thực sự đối phó với cái đau. Nếu ta có thể buông bỏ cái đau của thân, thì ta cũng sẽ có thể buông bỏ được các loại khổ đau khác. Hãy quan sát cái đau, nhận biết nó, rồi buông bỏ nó. Một khi ta đã có thể buông bỏ nó, ta không cần phải chịu đựng nhiều. Dĩ nhiên, lúc đầu chúng ta cần nhiều chịu đựng. Khi cái đau xuất hiện, hãy tách tâm khỏi cái đau. Hãy xem đó là cái đau của thân. Đừng để tâm cũng bị đau đớn theo.

Đây là lúc mà ta cần đến tâm xả. Nếu chúng ta có thể giữ được sự bình thản khi vui cũng như lúc khổ, thì nó sẽ giúp cho tâm bình lặng –dầu cái đau vẫn còn đó. Tâm luôn nhận biết, chịu đựng cơn đau để rồi buông bỏ nó.

Sau khi tu tập như vậy một thời gian, ta sẽ nhận thức được rằng các trạng thái của tâm quan trọng đến dường nào. Việc luyện tâm có thể rất khó, nhưng hãy cố gắng. Nếu có thời gian, chúng ta có thể hành thiền ở nhà, vào buổi tối hay sáng sớm. Hãy luôn quán sát tâm, ta sẽ đạt được tri kiến từ chánh niệm tỉnh giác. Những ai không tu tập như thế sẽ trải qua –sinh, lão, bệnh, tử- mà không hiểu biết chút gì về tâm.

Nếu ta biết rõ tâm mình, thì khi có bất cứ căn bệnh ngặt nghèo nào xảy đến, tâm chánh niệm sẽ giúp làm giảm sự đau đớn. Nhưng đó là điều ta phải thực hành. Không dễ, nhưng một khi tâm đã được rèn luyện tốt, thì không có gì thắng nổi nó. Tâm sẽ giúp ta thoát khỏi những đau đớn, khổ sở, và nó không còn lăng xăng, bứt rứt. Nó sẽ yên tịnh và mát mẻ -tươi mát và rạng rỡ ngay bên trong nó. Vì thế, hãy cố gắng trải nghiệm tâm yên tịnh, lắng đọng này.

Đây là một khả năng quan trọng cần được phát triển, vì nó sẽ làm yếu đi các ham muốn, ô nhiễm và mê đắm. Tất cả chúng ta đều bị nhiễm ô. Tham ái, sân hận và si mê luôn che mờ tâm trí ta. Nếu không hành thiền tâm ta sẽ luôn bị nung đốt bởi khổ đau, phiền não. Các dục lạc từ vật chất bên ngoài cũng chỉ là niềm vui nửa vời, vì vẫn có khổ đau, phiền não trong sự si mê khi cho rằng các thứ này có thể mang đến niềm vui. Còn niềm vui trong thiền định, là niềm vui nhẹ nhàng, buông thư mọi thứ, thật sự thoát khỏi bất cứ khái niệm gì về tôi hoặc của tôi. Mong rằng chúng ta đạt được Pháp, đó mới là điều cốt lõi của tâm tỉnh thức không bị uế nhiễm, khổ đau hay bất cứ thứ gì quấy nhiễu.

Dầu thân có đau, chúng ta cũng phải tìm cách buông bỏ. Thân chỉ là tập hợp của bốn yếu tố -đất, nước, gió và lửa. Nó luôn biểu hiện sự vô thường và khổ, vì thế hãy giữ tâm chánh niệm an nhiên, buông xả. Hãy để tâm vượt lên trên mọi cảm thọ –vượt trên lạc, trên khổ, trên tất cả mọi thứ.

Tất cả chỉ cần sự nhẫn nại –chịu đựng và buông xả mọi thứ, biết rằng chúng không phải là ta, không phải của ta. Đây là điều mà chúng ta cần phải thực tập bền bỉ. Khi nói rằng chúng ta phải chịu đựng, có nghĩa là chúng ta phải thật sự chịu đựng. Đừng tự ý bỏ cuộc. Tâm tham ái sẽ luôn có mặt để thì thầm – bảo ta phải thay đổi mọi thứ, phải chạy theo thú vui này, thú vui kia- nhưng đừng nghe theo nó. Mà hãy lắng nghe lời Đức Phật khuyên ta phải buông bỏ tâm tham ái. Nếu không, tham ái sẽ tự trau chuốt, tô vẽ mọi thứ; khiến tâm phản ứng, và không thể nào lắng đọng. Vì thế, chúng ta phải cố hết sức mình. Hãy xem một giờ hành thiền này là một tiếng đồng hồ đặc biệt – đặc biệt vì ta phải sử dụng sự chịu đựng đặc biệt để quan sát tâm trí mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]