Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Bồ-tát-hạnh

08/04/201115:23(Xem: 8714)
7. Bồ-tát-hạnh

BỒ TÁT VÀ TÁNH KHÔNG
TRONG KINH TẠNG PALI VÀ ĐẠI THỪA

Luận án Tiến Sĩ của Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Giới Hương

BỒ-TÁT-HẠNH

Sau khi nghiên cứu sự phát triển của khái niệm Bồ-tát (Bodhisattva, 菩薩) và Tánh-không (Śūnyatā, 空性), điểm kế tiếp trong chương này, chúng ta sẽ bàn bạc về vấn đề Bồ-tát-hạnh (Bodhisattvā-cāryā, 菩薩行) trong kinh điển Đại-thừa.

Trong Bách-khoa Toàn-thư Tôn-giáo-học475đã trình bày ‘Bồ-tát-đạo’ xuất phát từ tiếng Sanskrit ‘Bodhisattvā-cāryā’, nghĩa là Bồ-tát-hạnh, ý này được dùng rộng rãi trong các kinh điển Đại-thừa.

Với ánh sáng tuệ giác lý Duyên-khởi (Trung đạo), Bồ-tát tích cực thực hành Bồ-tát-hạnh qua hành trì các ba-la-mật (Pāramitās,波羅密). Khi chúng ta nói về Bồ-tát hoặc nỗ lực của các ngài để trở thành giác ngộ thì vai trò của các Ba-la-mật trở nên quan trọng. Khi chúng ta bàn bạc về mặt đa dạng của tu tập Bồ-tát-hạnh, có nghĩa là chúng ta không nói đến thân vật lý của Bồ-tát mà là các pháp Bồ-tát tu tập.

Các pháp Bồ-tát tu tập gồm có ba phần:

1. Khởi Tín tâm (起信心)
2. Phát Bồ-đề-tâm (
發菩提心)
3. Tu Ba-la-mật (
須波羅密).476

Khởi Tín tâm

Để bắt đầu với Khởi Tín tâm, Bồ-tát trước hết kính lễ Tam bảo (ba ngôi quý báu): Phật (Buddha, 佛), pháp (Dhamma, 法) và tăng (Saṅgha, 僧), và sám hối (Pāpādeśanā, 懺悔) nghiệp xấu quá khứ trước chư Phật để cầu sự gia hộ của các ngài và thanh tịnh tự tâm là bước quan trọng trong Bồ-tát đạo.

Trong Đại-thừa, lễ sám hối được coi như một hình thức tự hối lỗi và hứa từ bỏ những nghiệp xấu quá khứ vừa qua (vidūsaṇa-samudācāva). Sám hối trước chư Phật là cầu tha lực chư Phật và chư Bồ-tát chứng minh lòng ăn năn của mình bởi phạm năm trọng tội (pañcānantaryakarma, 五無間業) hoặc các lỗi nhẹ vi tế khác. Ăn năn là một đức hạnh tốt để sám chừa nghiệp xấu.

Trong văn học phật giáo tiếng Phạn, sám hối (pāpādeśanā) là một trong những điều cần làm trước khi phát bồ-đề-tâm (Bodhicitta, 菩提心). Trong cuốn ‘Con đường Bồ-tát-hạnh’ (Bodhicaryāvatāra,菩薩行) của ngài Tịch-thiên (Śāntideva, luận sư rất nổi tiếng vào thế kỷ thứ VII) đã giải thích tiến trình sám hối như sau:

‘Những gì ác nghiệp vì vô minh
Con đã tạo nơi thân khẩu ý

Xin hướng về Tam bảo,

Cha mẹ, thầy tổ và ân trưởng

Con thành tâm sám hối.’
477
Vô cùng sợ hãi, con xin nương tựa

Phổ-hiền Bồ-tát, Văn-thù Bồ-tát

Quan-thế-âm Bồ-tát vì lòng đại bi

Xin cứu con một kẻ mê mờ.

Hư-không-tạng Bồ-tát, Địa-tạng Bồ-tát

Cùng các vị Bồ-tát khác, xin che chở cho con.
478

Trong Phật-bản-hạnh Tập-kinh-dị-bản (Mahā-vastu, 佛本行集經異本) giai đoạn đầu tiên khi Bồ-tát sám hối gọi là Bổn hạnh (本行), hạnh căn bản của một người bình thường, đây cũng là địa đầu tiên trong thập địa (bhūmi, 地). Bồ-tát sơ phát tâm tu tập hạnh này là phải kính trọng sư trưởng, cha mẹ và các bậc ân sư. Chính từ tánh hạnh này (prakṛiti, 性), Bồ-tát có thể tu tập mười hạnh lành (daśa-kuśala-karma-patha, 十善業道, Thập-thiện nghiệp-đạo) và khuyến người khác thực hiện hạnh công đức bố thí. Nhưng khi Bồ-tát chưa hoàn toàn thanh tịnh, thì chưa thể phát bồ-đề-tâm. Khi hoàn thành những hạnh này, vị ấy bước lên giai đoạn kế tiếp mà trong Phật-bản-hạnh Tập-kinh-dị-bản gọi là Giải-hạnh (praṇidhāna-caryā, 解行).

Thắng giải hoặc thiện tư duy (adhimukti/ atimukti,善思惟)479là giai đoạn thứ hai chỉ cho sự biết rõ tín tâm, lòng khát khao mong mõi đạt giác ngộ (trong kinh Pali gọi là Dục như ý túc). Yếu tố này xảy ra ngay trước khi khởi phát bồ-đề-tâm (Bodhicitta, 菩提心).

Thuật từ ‘thắng giải’ nghĩa là nhiệt tình, khát ngưỡng mạnh mẽ. Trong Bách-khoa Toàn-thư Phật-học từ này xuất phát ‘adhi’ và có gốc ‘muc’ (muñcati), nghĩa là giải thoát, từ bỏ một vị trí hiện tại tiến đến một khuynh hướng mới. Vì vậy, thắng giải như thế có một lực hướng thiện đưa đến giải thoát (vimokkha, 解脫) với sự kết hợp của Nguyện ba-la-mật (adhiṭṭhāna-pāramī, 願波羅密).

Những nhà biên soạn, nhất là các tác giả của kinh Thập-địa (Daśa-bhūmika Sūtra, 十地經) đã bao gồm hạnh này trong địa thứ nhất. Và theo kinh Thập-địa, Bồ-tát tương lai phải chuẩn bị một chặng đường dài tu tập để đạt Bồ-tát quả (Bodhisattvahood, 菩薩果). Trước khi bắt đầu tiến trình này, Bồ-tát phải khởi tâm bồ-đề để làm động lực hướng thiện và chuyển thành nguyện bồ-đề mạnh mẽ.

Phát Bồ-đề-tâm

Bồ-đề-tâm (菩提心) là một khái niệm quan trọng trong phật giáo Nguyên-thủy và Đại-thừa, mặc dù không được nói trực tiếp rõ ràng trong phật giáo Nguyên-thủy. Tuy nhiên, chính ở Đại-thừa mà khái niệm bồ-đề-tâm đã phát triển cả về đạo đức lẫn tâm lý học và sự phát triển này cũng được tìm thấy trong Mật giáo (密教), trong đó bồ-đề-tâm được xem như đại lạc (mahāsukha, 大樂). Trong Đại-thừa phát triển cùng lúc với thuyết phiếm thần xuất hiện đã chủ trương rằng bồ-đề-tâm tiềm ẩn trong tất cả chúng sanh và được hiển lộ trong Pháp thân (Dharmakāya, 法身) hoặc chân như (Bhūta-tathatā,一如,如如,真如) nơi chúng sanh tánh.

Mặc dù, từ bồ-đề-tâm không thấy trong kinh điển Pali, nhưng dấu vết của nó cũng có ảnh hưởng chẳng hạn như Đức Phật sau khi rời bỏ cung thành đã lập nguyện dù cho xương thịt có tan rã cũng quyết tìm ra con đường giải thoát sanh tử cho tất cả chúng sanh.480Chính sau khi bồ-đề-tâm này thành tựu, ngài được tôn xưng là bậc giác ngộ – Thế tôn (世尊) và ngài bắt đầu ban pháp thoại thoát khổ cho tất cả chúng sanh.

Mặc dù trong Văn học tiếng phạn ban đầu gồm kinh Đại-sự (Mahāvastu, 大事) và Thần-thông Du-hí kinh (Lalitavistara, 神通遊戲經) rõ ràng có nghiêng về tán thán tinh thần lợi tha vì người của Bồ-tát, nhưng Bồ-tát trước phải nỗ lực tìm cầu bồ đề cho chính mình rồi sau đó mới tận lòng cứu giúp người khác khỏi sanh tử (saṁsara, 輪迴). Người còn trói buộc trong phiền não thì không thể hướng dẫn người khác, giống như chàng mù không thể dẫn dắt người khác. Nhưng trong văn học Đại-thừa sau này, lợi tha là động lực chính để phát bồ-đề-tâm (Bodhicitta) và sự thay đổi này được biểu lộ qua tánh cách của Bồ-tát Quan-thế-âm (Avalokiteśvara), bậc đại từ bi đã từ bỏ chính sự giải thoát của mình để ở lại cứu độ chúng sanh.

Cùng với sự phát triển về mặt đạo đức, bồ-đề-tâm cũng phát triển ở mặt tâm lý học. Sự phát triển này được thấy trong các tác phẩm của những nhà triết học Phật giáo như Long-thọ (Nāgārjuna, 龍樹), Thế-thân (Vasubandhu, 世親,天親) và Thiên-Ý (Sthiramati, 天意). D.T. Suzuki đã trích lời của ngài Long-thọ như sau:

‘Bồ-đề-tâm là không có tất cả các định nghĩa như các phạm trù của năm uẩn (skandhas), mười hai giới (āyatanas) và mười tám xứ (dhātus) không có gì đặc biệt tồn tại có thể thấy được. Bồ-đề tâm là vũ trụ không có tự ngã. Bồ-đề tâm không thể tạo được và bản chất của nó là trống rỗng.’ 481

Với sự phát triển hơn của lãnh vực siêu hình học, khái niệm bồ-đề-tâm (菩偍心) trở nên không thể định nghĩa được. Cuối cùng các bậc đạo sư phải mô tả bồ-đề-tâm là lòng từ bi, hoặc vô lượng (aprameya, 無量), vô hạn (aparyanta, 無限) và vĩnh cửu (akṣaya, 永久).482Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, hai lãnh vực đạo đức học và tâm lý học của bồ-đề-tâm trộn lẫn với nhau và bồ-đề-tâm được coi như Tánh-không (Śūnyatā, 空性) đồng nghĩa với trí tuệ (prajñā, 智慧) và do đó tượng trưng về mặt tâm lý học và bồ đề tâm được xem là từ bi (karuṇā, 慈悲) khi tượng trưng cho mặt đạo đức học.483

Bồ-đề-tâm giống như như như (Bhūtatathatā, 如如), chân-như (Tathatā,真如) hoặc Phật tánh (Bud-dhatvā, 佛性) đang tiềm ẩn trong mỗi chúng sanh. Bồ-đề-tâm ẩn tàng này cần nên được khơi dậy và lưu phát diệu dụng. Nhưng bồ-đề sẽ khó phát khởi nếu chỉ vì sự giải thoát cho chính cá nhân mà phải vì người khác. Nếu vị Bồ-tát nguyện tu tập theo tâm bồ-đề mà chỉ vì lợi ích của chính mình thì vị ấy sẽ không vượt qua sanh tử, cũng không đạt được bồ-đề-tâm, vì tư tưởng muốn đạt được bồ-đề-tâm là một chấp thủ. Bản thân chấp thủ là một tà kiến. Vì vậy, chỉ có người không có định kiến mới có thể khởi bồ-đề-tâm.

Trong Kinh Luận Bồ-đề-tâm (Bodhicittotapāda sūtra-Śāstra, 經論菩提心) đã liệt kê mười phẩm hạnh một vị Bồ-tát nên tu tập để khởi bồ-đề-tâm là:

1. Thân cận bạn lành (paricinoti kalyānamitrāṇi),
2. Kính lễ chư Phật (pūjayati buddhān),

3. Vun trồng công đức (saṁgṛhṇāti kuśalamūlāni),

4. Tu học Phật pháp (gaveṣayati praṇītadharmān),

5. Trưởng dưỡng tâm từ bi (bhavati nityaṁ suratacittaḥ),

6. Chịu đựng những khổ đau (kṣamate duḥkhānyāpatitāni)

7. Thành thật, tốt bụng (bhavati maitraḥ kāruṇikaḥ),

8. Chánh niệm (bhavati samacittāś ayaḥ),

9. Theo pháp Đại-thừa (śraddhayābhinandati mahāyānaṁ)

10. Cầu trí tuệ Đức Phật (gaveṣayati buddha-prajñāṁ).

Còn có bốn phẩm hạnh khác cũng được đề cập trong bài luận này là:

1. Quán tưởng chư Phật (anuvicintayan buddhān),
2. Quán thân bất tịnh (pratyavekṣamāṇaḥ kāyasyādinavān),

3. Từ bi đối với chúng sanh (dayamanaḥ sattveṣu),

4. Cầu quả vô thượng (gaveṣayannuttaniaṁ phalaṁ).
484

Trong Bồ-tát đạo, giây phút quan trọng nhất là phát bồ-đề-tâm. Bồ-đề-tâm là sự kết hợp giữa trí tuệ và từ bi mà kinh Bồ-tát địa (Bodhisattva-bhūmi, 菩薩地經) dạy rằng: ‘Bằng phương tiện của ba thừa, ta sẽ dẫn tất cả chúng sanh vào niết bàn. Và ngay khi ta độ tất cả chúng sanh vào niết bàn, thật ra không có chúng sanh nào được độ.’’485

Hoặc có một pháp thoại nổi tiếng trong Đại-thừa là ‘Ta sẽ trải qua hàng trăm ngàn kiếp chịu đau khổ ở địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ để độ từng chúng sanh trong những cõi ấy và đưa tất cả họ đến niết bàn không còn sót một ai’.486

Bồ-tát Địa-tạng (Kṣtigarbha Bodhisattva, 地藏菩薩) cũng đã từng thệ nguyện rằng:

‘Địa ngục còn, thì ta sẽ không thành Phật; khi nào chúng sanh giải thoát hết thì khi ấy ta mới đạt quả bồ-đề.’487

Bồ-tát đã xem mình như đồng nhất với tất cả chúng sanh. Ngài Tịch-thiên (Śāntideva, 寂天) đã giải thích trong Bồ-tát-đạo (Bodhicaryāvatāra, 菩薩道) như sau:

Đầu tiên, tôi nên tinh tấn
Thiền quán tánh bình đẳng giữa tôi và chúng sanh

Tôi sẽ bảo vệ chúng sanh như bản thân tôi

Bởi vì tất cả đều bình đẳng trong sợ khổ và thích lạc

Mặc dù thân thể có khác, nhưng tất cả chúng sanh là một

Đều mong muốn đạt hạnh phúc như tôi

Những đau khổ vô vàn mà tôi trải qua

Bởi vì chấp ngã tạo nên

Xin đừng tổn hại đến người khác

Cũng thế, những đau khổ của người khác

Đừng xảy đến cho tôi

Tuy nhiên, bởi vì xem chúng sanh như bản thân tôi,

Nên nổi khổ của họ là của tôi

Nguyện cho tôi xoá sạch những đau khổ của người khác

Bởi vì nổi khổ của họ là của tôi

Chúng sanh như chính bản thân tôi

Nên tôi sẽ làm lợi ích cho tất cả."
488

Sau khi nỗ lực tu tập, có một trạng thái tâm quan trọng khác trong Bồ-tát-đạo sinh khởi là nhận thức bồ-đề-tâm. Ngài Tịch-thiên trong Bồ-tát đạo nói rằng:

‘Ai mong muốn diệt trừ những đau khổ trong đời sống hiện tại
Ai mong muốn chúng sanh được nhiều an vui

Ai mong muốn được hạnh phúc vĩnh viễn

Vì không phát bồ-đề-tâm

Ngay khi bồ-đề-tâm khởi

Những phiền não trói buộc sanh tử không còn.’
489
Những ai muốn giải thoát khởi thế giới đau khổ

Phải mạnh mẽ trì giữ tâm bồ-đề này."
490

Ngài Tịch-thiên giải thích rộng hơn về cách đối xử của Bồ-tát như:

‘Súc vật, con mèo và tên ăn trộm
Di chuyển nhẹ nhàng và cẩn thận

Sẽ hoàn thành những gì họ mong muốn

Bồ-tát cũng dịu dàng như thế

Với sự kính trọng, tôi vô cùng biết ơn.’

Sau những lời mạnh mẽ là sự lợi ích

Của người trí khuyên nhủ và dạy dỗ

Tôi luôn là học trò khiêm nhường của tất cả mọi người.
491

Cũng thế, chúng ta có thể nói rằng khái niệm Bồ-tát là một lý tưởng hợp lý nhất, thích hợp với pháp thoại mà Đức Phật đã giảng trong kinh Kālāma492là chúng sanh không nên tin theo người khác một cách mù quáng, mà phải nỗ lực đạt giác ngộ bằng chính khả năng của mình chứ không lệ thuộc vào một ai.

Bồ-tát sẵn sàng trải qua đau khổ để giúp những chúng sanh khác, do thế, Bồ-tát đã thực hiện một công hạnh cao cả của sự tự nguyện trì hoãn nhập niết bàn của mình để trở lại ta bà nhiều lần độ sanh.493

Bồ-tát cũng thực hành hạnh vô thượng cúng dường (Anuttara Pūjā, 無上供養) đối với Phật (Buddha,佛), pháp (Dhamma, 法) và tăng (Saṅgha, 僧) để góp phần tạo nên Bồ-đề-tâm.

Bồ-đề-tâm có hai: 1. Lợi tha (Lokārhitaṁ, 利他) và 2. Tự lợi (Ātmahitaṁ, 自利).494

Trước tiên, Bồ-tát nên đạt giác ngộ, rồi sau đó hướng dẫn người khác con đường giác ngộ ấy. Trong kinh Bồ-tát địa giải thích rất nhiều về hai lãnh vực lợi tha và tự lợi của bồ-đề-tâm. 495

Sự tự nguyện là điểm trung tâm trong Bồ-tát đạo và tinh thần của sự tự nguyện được ngài Tịch-thiên minh họa một cách sống động như:

Nguyện cho tôi sẽ là bậc lương y, y tá
Trị bịnh cho bịnh nhân

Cho đến khi nào không còn một chúng sanh bịnh.

Nguyện tôi làm nước cam lồ

Dập tắt lửa đói khát nơi chúng sanh

Suốt trong thời hoại kiếp

Tôi sẽ thí thân mình làm thực phẩm, nước uống cho chúng sanh

Nguyện tôi là kho châu báu vô tận

Bố thí cho những ai nghèo khó

Nguyện tôi thành những gì mà chúng sanh cần

Để gần gũi với chúng sanh

Không có chút gì tiếc nuối

Tôi sẽ xả bỏ thân thể và niềm vui của mình

Và công đức tích tụ trong ba đời

Hồi hướng vì lợi ích cho tất cả chúng sanh

Nguyện cho những người mắng chưỡi tôi

Ác ý hay bất cứ hành động vu khống nào

Mắng chưỡi hoặc làm nhục tôi

Cầu cho họ hoàn toàn giác ngộ.

Nguyện tôi sẽ là người bảo vệ cho người cô thế

Người chỉ đường cho những kẻ lạc hướng

Cái cầu, chiếc thuyền cho những ai qua sông.

Nguyện tôi sẽ là hải đảo

Cho những ai đắm chìm,

Ngọn đèn sáng cho những ai tìm ánh sáng

Giường nằm cho những ai mõi mệt

Và nô lệ cho những ai cần hầu cận.
496

Trong Phật-bản-hạnh Tập-kinh-dị-bản (Mahā-vastu,佛本行集經異本), bồ-đề-tâm này cũng được gọi là tâm (citta,心), mạt-na-thức (manas, mano-ratha, 末那識) hoặc tư duy (saṁkalpa, 思惟) và sự hiệu quả của bồ-đề-tâm đối với tâm nguyện bồ-đề. Bồ-tát đã diễn tả khát vọng trở thành Đức Phật tối thượng vì tất cả chúng sanh:

"Nguyện cho tôi được tái sanh nhiều lần để có thể giúp tất cả chúng sanh. Tôi giải thoát và có thể giải thoát người khác. Tôi thanh tịnh và có thể thanh tịnh người khác. Cuối cùng tôi giác ngộ và có thể giác ngộ người khác."

Theo mô tả chi tiết giây phút phát bồ-đề-tâm là sự kiện vô thượng siêu vượt các công đức khiến cho xuất hiện nhiều hiện tượng khác thường (Adbhuta Dharma) như trái đất chấn động, ánh sáng phát ra. Toàn thế giới trở nên vui tươi hơn vào những giây phút này. 497

Từ một con người muốn trở thành một Bồ-tát, vị ấy nên phát nguyện tu tập theo mười hạnh nguyện Phổ hiền (praṇidhānas, 十種大願Thập chủng đại nguyện) như sau:

1. Mahāpūjopasthānāya Prathamaṁ Mahāpraṇidhānam Abhinirharati.
Một là Kính lễ chư Phật
(一 者 禮 敬 諸 佛).

2. Sarvatathāgatabhāṣitadharmanetrisaṁdhāraṇāya... Saddharmapari-grahāyadvitīyaṁ.
Hai là Tán thán công đức Như lai.
(二 者 稱 讚 如 來).

3. Tuṣitabhavanavāsaṁ ādim kṛtvā... yāvan mahāparinirvāṇopasamkramaṇāya tṛtīyam.
Ba là Rộng tu cúng dường.
(三 者 廣 修 供 養).

4. Sarvabhūmipariśodhanaṁ... cittotpādābhinirhārāya... caturthaṁ.
Bốn là Sám hối nghiệp chướng.
(四 者 懺 悔 業 章).

5. Sarvasattvadhātuparipācanāya, Sarvabuddhadharmā-vatāraṇāya, Sarvajñajñāna-pratisthāpanāya ... pañcamam.
Năm là Tùy hỉ công đức.
(五 者 隨 喜 功 德).

6. Lokadhātuvaimātryāvatānāya, sastham.
Sáu là Thỉnh chuyển pháp luân.
(六 者 請 轉 法 輪)

7. Sarvabuddhaksetrapariśodhanāya saptamam.
Bảy là Thỉnh Phật trụ thế.
(七 者 請 佛 住 世).

8. Mahāyānāvataranāya astamam.
Tám là Thường theo học Phật.
(八 者 常 隨 佛 學).

9. Sarvabodhisattvacaryācaranāya amoghasarvacestatāyai navamam.
Chín là Hằng thuận chúng sanh.
(九 者 恆 順 眾 生).

10. Abhisambodhimahājñānābhijñābhinirharāya daśamam. Tāni ca Mahāpranidhānāni daśabhir nisthāpadair abhinirharati.
Mười là Phổ giai hồi hướng.
(十 者 普 皆 迴 向).

Bồ-đề-tâm (Bodhicitta, 菩提心) và nguyện bồ-đề (Praṇidhāna,菩提) là đánh dấu cho sự khởi đầu hạnh thứ hai Phát bồ-đề-tâm của Bồ-tát. Theo Đại-thừa Đại-trang-nghiêm kinh luận (Mahāyāna-sūtrā-laṅkāra, 乘大莊嚴經論), nguyện (Praṇidhāna, 願) là nguyên nhân và kết quả của bồ-đề-tâm. Nơi chánh điện, trước chư Phật, Bồ-tát vì lợi ích và giải thoát cho tất cả chúng sanh mà khởi tâm nguyện bồ-đề (Abhīnīhārakaraṇa / Mūlapraidhāna, 願菩提) để trở thành một vị Phật và từ đây vị ấy bắt đầu hạnh nghiệp Bồ-tát-hạnh.

Trong kinh Đại-thừa sau này, bổn nguyện (abhinīhāra, 本願) (muốn trở thành vị Phật mà chưa tuyên bố với người khác về ý định của mình) có trước khi Bồ-tát khởi ý nguyện (mano-praṇidhi, 意 願). Bổn nguyện là nơi sanh bồ-đề-tâm.498Vị Bồ-tát phải đủ tám điều kiện (Samodāna Dhamma) thì bổn nguyện (abhīnīhāra, 根願) mới hoàn thành là:

1. Manussottam: Một con người.
2. Liṅga Sampatti: Người nam.

3. Hetu: Có đủ khả năng sáng suốt có thể trở thành bậc Alahán trong đời này.

4. Satthāra Dassanam: Có khả năng làm bậc sa môn.

5. Pabbajjā: Lập nguyện trước Đức Phật.

6. Guṇa Sampatti: Chứng các tầng thiền.

7. Adhikāra: Sẵn sàng hy sinh ngay thân này.

8. Chandatā: Nguyện vững chắc.
499

Theo các nhà Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādas, 一切有部者), ai đã đạt Bồ-tát quả (Bodhisattvahood, 菩薩果) phải có năm điều thuận lợi là:

1. Không sanh nơi cõi ác, mà chỉ ở cõi người hoặc trời.
2. Không sanh trong nhà nghèo hoặc giai cấp thấp.

3. Người nam đạo đức, chứ không phải là phụ nữ.

4. Sáu căn hoàn hảo không thiếu kém.

5. Nhớ những đời sống trước của chính mình mà không quên.
500

Trong Sớ giải của Kinh-tập (Sutta Nipāta Commentary, 經集之疏解) viết rằng Bồ-tát trong thời gian hành Ba-la-mật không sanh vào 18 trạng thái xấu kém (aṭṭhārasa abhabbaṭṭhānāni, 十八法 不共) như:

1. Không bao giờ bị mù
2. Điếc

3. Mất trí

4. Hay chảy nước dãi

5. Người man dã (milakkhesu)

6. Nô lệ

7. Dị giáo

8. Đổi giới tính

9. Không phạm trong năm trọng tội (ānantarika-kammas)

10. Người hủi

11. Thú (không nhỏ hơn cái giũa hoặc lớn hơn con voi)

12. Chưa bao giờ sanh trong cảnh giới ngạ quỹ

13. Không làm quỹ Kālakađjakas,

14. Không sanh trong địa ngục A-tỳ / Vô-gián (Av_ci)
501
15. Không sanh trong địa ngục Thiết-vi (Lokantaraka)

16. Không làm ma Ba-tuần (Māra)
502
17. Không sanh trong cảnh giới không có tình thức (asađđibhāva)

18. Không sanh trong cõi trời Vô-nhiệt (Suddhāvāsas)
503
19. Không sanh trong cõi trời Sắc giới (rūpa)

20. Cũng không sanh trong Tiểu thế giới (Cakkavāla).
504

Theo Kinh Bổn-sanh Sarabhanga (Sarabhanga-Jātakā),505Bồ-tát nên từ bỏ điều lớn lao (Mahāpari-ccāga) là: Vợ, Con, Kinh thành, Đời sống và Thân thể.

Khi chư Phật quán thấy Bồ-tát lập lời nguyện (abhīnīhāra) thành Phật và quán biết Bồ-tát đó sẽ thành tựu hạnh nguyện trong tương lai nên đã tuyên bố vị ấy sẽ trở thành Phật. Lời tuyên bố này được gọi là thọ ký (Veyyākaraṇa, Skt.Vyākaraṇa, 受記). Các vị Phật tương lai mà Bồ-tát sẽ gặp trong thời kỳ hành Bồ-tát đạo cũng sẽ thọ ký như vậy cho Bồ-tát.506

Trong truyền thống kinh tạng Pāli, tâm nguyện bồ-đề (Praṇidhāna, 願) được chia làm hai phần. Đầu tiên, ý nguyện (mano-panādhāna, 意願) là khát ngưỡng bồ-đề, trạng thái này tương ứng với thiện tư duy (Adhimukti hoặc Atimukti, 善思惟) và biểu thị khởi đầu tiến trình tâm linh để cuối cùng đạt được kết quả tối hậu của giác ngộ, thành quả của bồ-đề-tâm. Sau khi Bồ-tát lập nguyện bồ-đề vững chắc, ở giây phút giao điểm thuần thục tâm bồ-đề thì trong tâm sẽ khởi lên một ước nguyện mạnh mẽ và chân thành để đạt giác ngộ. Tâm nguyện (cetopanidhāna, 願) cũng xảy ra, nhưng hầu như không có ý nghĩa đặc biệt như thọ ký đã thấy trong cùng trường hợp đó. Điều này phản ảnh một giai đoạn khi mà tiến trình tu tập vẫn chưa hoàn toàn vạch rõ hoặc chưa đạt được sự chứng đạt viên mãn.507

Sự phát triển bồ-đề-tâm là điều kiện thiết yếu đầu tiên để xác định vị ấy là Bồ-tát và sau khi phát bồ-đề-tâm, vị ấy bắt đầu thực hành hạnh nguyện (cariyā, Skt. caryā,行) của một vị Bồ-tát.508

D.T. Suzuki nói rằng bồ-đề-tâm là một hình thức của pháp thân (Dharmakāya, 法身) mà mỗi người đều có, nhưng chúng sanh quên mất vì bị cuốn hút theo ngũ dục của cuộc đời:509

"Niết bàn (Nirvāṇa, 涅槃), Pháp-thân (Dharmakāya, 法身), Như-lai (Tathāgata, 如來), Như-lai tạng (Tathā-gatagarbha, 如來藏), Chân-đế (Paramārtha, 真諦), Đức-phật (Buddha, 佛陀), Bồ-đề-tâm (Bodhicitta, 菩提心) và Chân-chư (Bhūtatathatā, 真如)...Tất cả đều chỉ cho những mặt đa dạng của một thực thể và bồ-đề-tâm là một tên được đặt cho pháp thân hoặc chân như hiển lộ nơi mỗi chúng sanh và thanh tịnh, buông xả các chấp thủ đó là trạng thái niết bàn." 510

Trong kinh Bồ-tát-địa đã đưa ra bốn nhân duyên để phát bồ-đề-tâm như sau:

1. Bốn duyên phụ (pratyayas, ): (a) Đức Phật thị hiện phép lạ; (b) Pháp thoại của Đức Phật như đã ghi trong Bồ-tát tạng (Bodhisattva-piṭaka, 菩薩藏); (c) Thương xót chúng sanh đau khổ và (d) Khi bị đau khổ (kaṣāya-kāla).

2. Bốn nhân chính (hetus, ): (a) Chủng tánh Bồ-tát (Bodhisattva-gotra, 種性菩薩); (b) Bạn lành (kalyāṇamitra, 善 友); (c) Từ bi và (d) Giúp chúng sanh giảm khổ.

3. Bốn lực (bala, ): (a) Tự lực; (b) Có năng lực khuyến người khác phát bồ-đề; (c) Năng lực thấy được Đức Phật, nghe được pháp thoại của ngài, cùng bạn tốt hành thiện hạnh; (d) Có năng lực và ước muốn chuyển hoá khổ đau cho chúng sanh.

4. Có bốn trạng thái làm suy giảm bồ-đề-tâm (Bodhicitta, 菩 提心): (a) Hướng dẫn sai; (b) Không đủ từ bi thương chúng sanh; (c) Thờ ơ và lãnh đạm trong việc loại trừ khổ não cho chúng sanh; (d) Thiếu bốn nguyên nhân chính của bồ-đề-tâm (Bodhicitta).511

Trong kinh Bồ-tát-địa cũng nói bồ-đề-tâm có hai loại:

1. Bất thối chuyển Bồ-đề-tâm (Nairyāṇika, 不退轉菩提心) và

2. Thối chuyển Bồ-đề-tâm (Anairyāṇika, 退轉菩提心).

Bất thối chuyển Bồ-đề-tâm sẽ có năng lực khiến Bồ-tát tuệ giác được bồ-đề, trong khi thối chuyển Bồ-đề-tâm khiến Bồ-tát không thể đạt được tuệ giác.

Thối chuyển Bồ-đề tâm có hai: (a) Ātyantika (thối chuyển bồ-đề vĩnh viễn) và (b) Anātyantika (thối chuyển bồ-đề tạm thời).512Trong Trung-Anh Phật-học tự-điển (中英佛學辭典), bất-thối-chuyển (Avaivartika hoặc avinivartanīya) nghĩa là luôn luôn tinh tấn, không lùi bước để thẳng đến niết bàn. Đây cũng là một tính ngữ của các đức Phật.513

Ngài Tịch-thiên (Śāntideva, 寂 天) chỉ ra bồ-đề-tâm có hai — (1) Bồ-đề-tâm nguyện (Bodhi-praṇidhi-citta, 菩提心願), nguyện hướng đến tâm bồ-đề và (2) Bồ-đề-tâm hạnh (Bodhi-prasthāna-citta, 菩提心行), thực hiện để đạt bồ-đề. Công đức của bồ-đề-tâm nguyện sẽ bằng như công đức của Bồ-đề-tâm hạnh.514

Bồ-tát nỗ lực thực hành thiện hạnh để hướng dẫn tất cả chúng sanh đạt giác ngộ. Ngài vẫn tiếp tục công hạnh Bồ-tát ngay cả có trì hoãn ước nguyện thành Phật (Buddhahood, 佛果) của ngài. Bao nhiêu công đức tu tập ngài đều hướng về cho tất cả chúng sanh.

Từ thời gian còn là một vị khát ngưỡng bồ-đề cho tới khi Bồ-tát phát những lời nguyện chân thành gọi là giai đoạn đầu của Bồ-đề-tâm nguyện. Công đức của bồ-đề-tâm rất lớn và không thể nghĩ lường vì chính bồ-đề-tâm tạo nên ‘Bồ-tát’, do thế mà Thế thân Bồ-tát (Vasubandhu, 世親,天親) trong Luận kinh Bồ-đề-tâm (Bodhicittotpāda-sūtra-śāstra, 經論菩提心) đã ví bồ-đề-tâm như là biển cả:

"Trong khởi thuỷ biển cả rất lớn có khả năng chứa tất cả các loại châu báu, loại thấp, loại trung, loại vừa với những viên bảo ngọc vô giá. Bồ-tát tâm cũng vậy, từ khởi thuỷ bồ-đề-tâm đã có khả năng chứa giữ tất cả chư thiên, cõi người, Thanh văn, Bích chi Phật, Bồ-tát, công đức, thiền định và trí tuệ."

(Mahāsamudro yadādau sanudeti jñātavyaḥ so’ dhamamadhyammottanmāṁ cintāmaṇiratnamuktā-phalā-nāmākaro bhavati. Bodhisattvasya cittotpāda apyenvaṁ... tad devamanuṣyāṇāṁ śrāvakapratyekabuddha-bodhisattvānaṁ dhyānasya prajñāyaścopaptallerrāharab).515

Tu tập Ba-la-mật

Để phát triển bồ-đề-tâm và viên tròn Bồ-tát quả, Bồ-tát nên tu tập các ba-la-mật (pāramitās, 波羅密). Đây là giai đoạn thứ ba của Bồ-tát-hạnh. Nói một cách khác, phát khởi bồ-đề-tâm để khiến từ một chúng sanh thành một Bồ-tát và để hoàn toàn giác ngộ bồ-đề, Bồ-tát phải nỗ lực và kiên trì thực hành các ba-la-mật (pāramitās).516

Bồ-tát phải tu tập sáu hoặc mười ba-la-mật. Rất nhiều học giả đã diễn dịch thuật từ ‘Ba-la-mật’. T. W. Rhys Davids và W. Stede dịch là ‘sự hoàn hảo, hoàn thiện, tối thượng’.517Ba-la-mật cũng dịch là đức hạnh siêu vượt, sự thành đạt viên mãn...518H.C. Warren dịch như sự hoàn thiện.519J.S. Speyar,520M.S. Bhat, M.V. Talim521và P.V. Bapat để nguyên từ Pāramitā chứ không dịch ra.522

Pāramitā rút từ parama (chứ không phải từ pāra với căn gốc ‘i’ nghĩa là đi) như kinh Bồ-tát-địa đã giải thích rõ. Tạm gọi là Ba-la-mật, bởi vì đòi hỏi Bồ-tát phải tu tập một thời gian dài (parameṇa kālena samudāgatāḥ) và phải thanh tịnh tâm (paramayā svabhāva-viśuddhyā viśuddhāḥ). Bồ-tát cũng phải vượt qua những phẩm hạnh của Thanh-văn (Śrāvakās, 聲聞) và Bích-chi-Phật (Pratyeka-buddhas, 辟支佛), để đạt đến trạng thái cao nhất (paramaṁ ca phalam anuprāyacchanti) của một Bồ-tát lợi tha vì người. Nguồn gốc của từ Pāramitā này là parama nghĩa là vượt qua sự nghi ngờ. Ý nghĩa đơn giản là ‘Trạng thái cao nhất, đỉnh điểm và hoàn thiện’.523Từ Tây tạng tương đương là pha-rol-tu-phyin-pa, để đạt được Bồ-tát địa phải tu tập pāramitā này.524

Hình thức sớm hơn của pāramī cũng chỉ ra nguồn gốc từ parama. Hậu tố có thể thêm vào trong phép loại suy của những thực thể trừu tượng với vần cuối . Người ta đề nghị rằng hợp từ dāna-pāramitā có thể giải thích như ‘Phẩm chất hoặc nhân duyên của một người bố thí ba-la-mật (dāna-pāramī), người hành ba-la-mật (đỉnh cao nhất) của bố thí.’ Trong trường hợp này, hậu tố có thể thêm vào hợp từ bahu-vrīhi (dānasya pāramīr yasya). Nhưng hai từ trong hợp từ dāna-pāramitā dường như ngược nhau và tốt hơn có thể giải thích là:

"Dānaṁ eva pāramitā dāna-pāramitā". 525(Bố thí đến bờ kia gọi là bố thí độ).

Từ pāramitā chủ yếu là những nguyên lý đạo đức như là những phương tiện đúng đắn để dẫn đến mục đích tinh thần. Để đáp ứng lãnh vực này có một sự dịch thuật chính xác và thích hợp như (1) đức hạnh,526(2) phẩm hạnh527và (3) đạo đức căn bản.528Về mặt triết học, Plato nói pāramitā là đức hạnh căn bản hoặc ‘mệnh lệnh tuyệt đối’529để Bồ-tát tu tập như Kant530đã đề nghị. Tương tự như vậy, R.A.P. Roger cho rằng đây là ‘đạo đức tích cực’ vì nó là nguyên lý cao nhất để xác định giá trị chân thật của những hoạt động liên quan với đời sống con người.531

Các ba-la-mật của Bồ-tát không những chỉ liên quan đến đạo đức (chứ không phải là một khái niệm), mà còn là một nguyên lý thực tiễn để xác định hoạt động của chúng ta trong đời sống hàng ngày.

Theo các nhà Đại-thừa, công hạnh ba-la-mật sẽ đưa đến Bồ-tát quả (Bodhisattvahood, 菩薩果) và cuối cùng là Phật quả (Buddhahood, 佛果) ba-la-mật là phương pháp tu tập mới do các vị tổ Đại-thừa sau này sáng tạo. Tuy nhiên, có hai khuynh hướng. Khuynh hướng đầu tiên coi công hạnh ba-la-mật là một trong những điểm nổi bật của Đại-thừa (Mahāyāna) khi so sánh với Tiểu-thừa (Hīnayāna).532Khuynh hướng thứ hai là không có gì mới trong sáu ba-la-mật vì những ba-la-mật này đều được tìm thấy trong kinh điển Nguyên-thủy.533Theo ý kiến của họ, trong Phật giáo không có gì đổi mới cách tân, nhưng dường như chỉ có sự thích nghi tinh tế của những ý tưởng tồn tại trước đó. Rất đáng chú ý là có sự phát triển Phật giáo tương tục và sự truyền thừa chuyển giao pháp thoại của Đức Phật từ bậc đạo sư này sang đạo sư khác.534

Có sự khác nhau một tí giữa các ba-la-mật trong Pāli và Sanskrit. Tuy nhiên, chủ đề của chúng thì giống nhau đều là tu tập để tăng trưởng đạo đức.535

1. Mười Ba-la-mật trong Pali

Những kinh điển Pali thường đề cập đến ba-la-mật như (1) Kinh Thí-dụ (Apadāna, 譬喻經), (2) Kinh Bổn-sanh (Jātaka本生經), (3) Phật sử (Buddhavaṁsa, 佛史) và (4) Sở-hành tạng (Cariyā-piṭaka, 所行藏)...

Trong kinh Thí-dụ (Apadāna) tường thuật như sau:

‘Bồ-tát bố thí (dāna) cho những ai cần. Rồi Bồ-tát trì giới băng nghiêm và tu tập ba-la-mật cho đến viên mãn. Cuối cùng ngài đạt được giác ngộ tối thượng, chánh đẳng chánh giác, đã vượt qua được và mất, lạc và khổ.’

(Datvā dattabbakaṁ dānaṁ sīlaṁ pūretva asesato,
Nekkhamme pāramīṁ patvā patto sambodhī uttamaṁ.
Labhālābhe sukhe dukkhe samāne ca vimānane,
Savatthe sāmako hutvā patto sambodhi uttamaṁ).
536

Trong Thanh-tịnh-đạo-luận (Visuddhimagga, 清淨道論) (IX 124) nói bậc đại Bồ-tát (Mahāsattvas) vì lợi ích cho số đông, thấy chúng sanh đau khổ, muốn cho họ đạt được trạng thái an lạc mà nguyện tu tập ba-la-mật, khi bố thí ba-la-mật được hoàn thành thì tất cả các ba-la-mật khác được hoàn thành.

Mười Ba-la-mật trong kinh tạng Pali như sau:

1. Bố thí ba-la-mật (Dāna-pārami, 布施波羅密): Bồ-tát bố thí bình đẳng cho tất cả chúng sanh mà không màng liệu chúng sanh đó có xứng đáng hay không. Trong kinh Bổn-sanh kể nhiều câu chuyện về Bồ-tát hoàn thành bố thí ba-la-mật. Như trong những kiếp trước của Đức Phật, lúc đó ngài chỉ là một Bồ-tát dù bằng hình thức nhân hay phi nhân để thực hiện hạnh bố thí. Trong kinh Bổn sanh Đại-ca-pi (Mahākapi Jātaka)537kể Bồ-tát là chúa của loài khỉ bị quân lính của vua xứ Vārāṇasi tấn công. Để cứu đàn khỉ, chúa khỉ lấy thân mình giăng làm cầu cho đàn khỉ chạy thoát. Trong truyện Bổn sanh Sasa (Sasa Jātaka),538Bồ-tát là chú thỏ rừng. Để giữ trọn như lời đã hứa, thỏ hiến thân mình chết thay cho con thỏ khác. Trong truyện hoàng tử Thiện hữu (Vessantara Jātaka),539để thực hiện lời nguyện bố thí ba-la-mật, hoàng tử không chỉ bố thí lâu đài thành quánh mà ngay đến vợ đẹp, con thơ và cả thân thể tứ chi của ngài...

2. Giới ba-la-mật (Sīla-pārami, 持戒波羅密): Để ngăn ngừa những ác nghiệp, Bồ-tát tu tập trì giới ba-la-mật.

3. Nhẫn nhục ba-la-mật (Kṣānti-pārami, 忍辱波羅密): Bồ-tát tu tập nhẫn nhục ba-la-mật ngay cả khi tay và chân Bồ-tát có bị chặt đứt như câu chuyện Bồ-tát Nhẫn nhục trong kinh Bổn-sanh (Ksanti-vadi Jātaka).

4. Tinh tấn ba-la-mật (Vīrya-pārami, 精進波羅密): Vì an lạc và hạnh phúc của người khác, Bồ-tát tu tập tinh tấn (Viriya). Tinh tấn không có nghĩa là sức mạnh của thân thể mà là sức mạnh của tinh thần siêu vượt, bền bỉ để thực hành thiện hạnh lợi ích người khác. Chính tinh tấn ba-la-mật này, Bồ-tát đã tự nỗ lực không mệt mõi. Đây là một trong những phẩm cách nổi bật của Bồ-tát. Trong kinh Bổn-sanh Đại Tái-sanh (Mahājanaka Jātaka)540đã mô tả có một chiếc tàu bị chìm ngoài biển bảy ngày, Bồ-tát nỗ lực kiên trì không từ nan, cuối cùng ngài được thoát. Thất bại là bước thành công, nghịch cảnh làm gia tăng sự nỗ lực, nguy hiểm làm mạnh thêm ý chí kiên cường vượt qua những khó khăn chướng ngại (thường dễ làm giảm nhiệt tình và mất nhuệ khí của kẻ yếu đuối). Bồ-tát nhìn thẳng vào mục đích của mình, ngài sẽ không bao giờ thối chuyển cho tới khi đạt được mục đích cao thượng.

5. Xuất ly ba-la-mật (Nekkhamṁa-pārami, 出離波羅密): Để phạm hạnh thanh tịnh, Bồ-tát từ bỏ gia đình sống đời sống xuất ly không nhà (Nekkhamṁa), an trú trong các thiền định (Jhānas) để loại trừ các phiền não chấp thủ (Nīvaraṇa). Bồ-tát có ích kỷ cũng không chấp thủ mà sống theo tinh thần vô ngã. Bồ-tát sẵn sàng hy sinh an lạc của chính mình để vì sự lợi ích của người khác. Mặc dù, nếu Bồ-tát sống trong đời sống xa hoa, khoái lạc ngũ dục, nhưng ngài đã hiểu bản chất ngắn ngủi của nó và giá trị của sự xuất ly. Tuệ tri sự hão huyền trong dục lạc, ngài tự nguyện rời bỏ những của cải trần thế, hoàng bào, vàng bạc, chỉ đắp một y phấn tảo đơn giản của sa môn và sống một đời sống phạm hạnh, giải thoát và vô ngã. Không có tham đắm, liệu đó là danh tiếng, giàu có, danh dự và thành đạt trần thế hoặc bất cứ điều gì hấp dẫn mê hoặc ngài làm điều trái ngược với phạm hạnh.

6. Trí tuệ ba-la-mật (Pađđā-pārami, 智慧波羅密): Do tuệ giác nên biết được điều gì là lợi ích và điều gì là tổn hại chúng sanh, Bồ-tát liền thanh tịnh hoá trí tuệ của mình (pađđā).

7. Chân thật ba-la-mật (Sacca-pārami, 真實波羅密): Khi Bồ-tát đã chân thành (Sacca) hứa một việc gì thì ngài sẽ thực hành cho bằng được. Vì vậy, chân thật ba-la-mật là một phẩm hạnh của Bồ-tát. Ngài sẽ hành động như ngài nói và sẽ nói như ngài hành động (Yathā vādi tathā kāri, yathā kāri tathā vādi). Trong truyện Bổn sanh Hi-ri (Hiri Jātaka)541và Ma-ha-su-ta-so-ma (Mahāsutasoma Jātaka)542kể về Bồ-tát tu tập chân thật Ba-la-mật (Viriya Pāramitā). Ngài rất thành tâm, tốt bụng và đáng tin cậy. Bồ-tát chỉ nói điều gì mà ngài nghĩ. Lời nói, tư tưởng và hành động hoà hợp với nhau. Ngài không bao giờ nịnh bợ để cầu sự hỗ trợ của người khác, không ca tụng về mình để cầu người ngưỡng mộ, không ẩn dấu những khuyết điểm thiếu xót của mình. Ngài được tán dương là bậc từ bi, chân thật kính trọng lời hứa của người khác như lời hứa của chính mình.

8. Nguyện ba-la-mật (Adiṭṭhāna-pārami, 願波羅密):

Adiṭṭhāna dịch là năng lực ý chí kiên cố. Không có nguyện ba-la-mật này thì các ba-la-mật khác không thể hoàn thành được. Nguyện được xem như là nền móng của toà cao ốc. Chính năng lực ý chí này khiến Bồ-tát vượt qua tất cả chướng ngại như bịnh hoạn, đau khổ, tai nạn và ngài không bao giờ lùi bước trên đường Bồ-tát-hạnh. Thái tử Sĩ-đạt-đa (Bodhisattva Siddhārtha) đã lập lời nguyện kiên cố từ bỏ các thú vui của hoàng gia và đi tìm giải thoát. Trải qua sáu năm dài tu tập và tranh đấu tâm linh, ngài đã đối mặt với biết bao khổ đau và khó khăn, nhưng ngài vẫn không lui sụt ý chí. Ngài là một người có ý chí sắt đá và chỉ rung chuyển bởi những ý tưởng cao thượng. Không ai có thể cám dỗ ngài làm điều ngược với nguyên lý đạo đức. Tâm ngài vững như đá nhưng cũng mềm mại và tốt đẹp như một bông hoa.

9. Từ tâm ba-la-mật (Metta-pārami, 悲心波羅密): Với từ tâm vô lượng, Bồ-tát có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh hết lòng mà không mệt mõi. Trong tiếng Phạn (Sanskrit) metta là Maitrī nghĩa là nhân từ, thiện chí và thương tất cả chúng sanh mà không phân biệt. Chính từ tâm này, Bồ-tát có thể từ bỏ giải thoát cá nhân vì lợi ích cho những chúng hữu tình khác, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng, màu da và giới tính.Vì Bồ-tát là biểu tượng của từ tâm bao la, ngài không làm ai sợ cũng không ai làm ngài sợ. Ngài thương yêu tất cả với tình yêu vô bờ bến.

10. Xả ba-la-mật (Upekkhā-pārami, 捨波羅密): Xả tâm ba-la-mật hay còn gọi là bình tâm ba-la-mật. Bởi vì xả tâm (Upekkhā), nên Bồ-tát thi ân mà không cần đáp trả. Từ Pali Upekkha là bao gồm upa nghĩa là vô tư, công bằng và đúng đắn (yuttito) và ikkha nghĩa là thấy hoặc quan điểm. Theo từ nguyên học của từ này là quan điểm đúng đắn, vô tư, không chấp thủ hoặc thiên vị. Xả tâm ở đây không mang ý nghĩa là lạnh lùng hay trạng thái trung lập. Khó nhất và cần nhất cho các ba-la-mật khác là xả tâm này, đặc biệt đối với cư sĩ sống trong thế giới bất bình đẳng với những thay đổi bất thường. Sự khinh khi, xúc phạm, khen, chê, được, mất, buồn, vui thường xảy ra trong đời sống con người. Giữa những thăng trầm đó, Bồ-tát lặng tĩnh vững chắc như tảng đá và thực hành hạnh xả tâm ba-la-mật nhẹ nhàng.

Trong kinh tạng Pali, mười ba-la-mật này được xem là mười đức hạnh siêu vượt, mười năng lực mà Bồ-tát tu tập tích cực vì lòng từ cho số đông, chư thiên và loài người.

2. Mười Ba-la-mật Trong Sanskrit

Theo văn học tiếng Phạn (Sanskrit), khái niệm Ba-la-mật có hai loại: chính và phụ.

Có sáu Ba-la-mật chính như:

1. Bố-thí ba-la-mật (Dāna, 布施波羅密),
2. Trì-giới ba-la-mật (Sīla,
持戒波羅密),
3. Nhẫn-nhục ba-la-mật (Kṣānti,
忍辱波羅密),
4. Tinh-tấn ba-la-mật (Vīrya,
精進波羅密),
5. Thiền-định ba-la-mật (Dhyāna,
禪定波羅密),
6. Trí-tuệ ba-la-mật (Prajñā,
智慧波羅密)

Và bốn Ba-la-mật phụ như:

1. Phương tiện ba-la-mật (Upāya, 方便波羅密),
2. Nguyện ba-la-mật (Praṇidhāna,
願波羅密)
3. Lực ba-la-mật (Bala,
力波羅密),
4. Trí ba-la-mật (Jñāna,
智波羅密)543

Trong khi bốn Ba-la-mật phụ trong văn học Pali là:

1. Nguyện ba-la-mật (Nekkhamma) thay cho Thiền định ba-la-mật (Dhyāna) trong kinh tạng tiếng Phạn.
2. Chân thật ba-la-mật (Sacca) thay Phương tiện ba-la-mật (Upāya/ Upāyakauśalya) trong kinh tạng tiếng Phạn,

3. Từ tâm ba-la-mật (Metta) thay cho Lực ba-la-mật (Bala) trong kinh tạng tiếng Phạn,

4. Xả ba-la-mật (Upekkhā) thay cho Trí ba-la-mật (Jñāna) trong văn học tiếng Phạn.

Sáu Ba-la-mật chính này giống như sáu Ba-la-mật được đề cập trong các kinh tạng tiếng Phạn khác như Thần-thông Du-hí kinh (Lalitavistara, 神通遊戲經) (340.21 ff.), Phật-bản-hạnh Tập-kinh-dị-bản (Mahāvastu, 佛本幸集經異本) (III.226), Bát-thiên-tụng Bát-nhã Ba-la-mật kinh (Aṣṭasāhaśrikā Prajñā-pāramitā, 八千頌般若波羅密經) (194.15), Từ-bi Liên-hoa kinh (Karuṇāpuṇḍarīka, 慈悲蓮華經) (127.1), kinh Soạn-tập-bá-duyên (Avadāna-Cataka, 撰集百緣 經) (7.4), kinh Đại-thừa Đại-trang-nghiêm (Mahāyāna-sūtrālaṅkāra, 大乘大莊嚴經) (99), kinh Pháp-số-danh tập kinh dị bản (Dharma-saṅgraha, 法 數 名 集經異本) (Sect.7), Tam-muội-vương kinh (Samādhi-rāja Sūtra, 三妹王經) (Fol.1129, 3), Bồ-tát-địa kinh (Bodhisattva-bhūmika Sūtra, 菩薩地經) (Fol. 47 a, 6)...544Mặt khác bốn Ba-la-mật phụ như thường thấy trong các kinh như Đại-thừa Đại-trang-nghiêm kinh (Mahāyāna-sūtralaṅkāra,大乘大莊嚴經) (151.3), kinh Danh-nghĩa Đại tập (Mahāvyutpatti, 名義大集經) (Sect.34), kinh Pháp-số-danh tập kinh dị bản (Dharmasaṅgraha, 法數名集經異本) (Sect.18) và kinh Thập-địa (Daśabhūmika Sūtra, 十地經 (57).545

Điều này đã cho chúng ta thấy sáu Ba-la-mật được đề cập nhiều với các đoạn dài trong kinh tạng tiếng Phạn trong khi bốn Ba-la-mật phụ sau chỉ được ít kinh đề cập và không được giải thích nhiều.

Ông Har Dayal có ý kiến rằng ba Ba-la-mật cuối cùng là thừa, không cần thiết,546vì vậy ông đã để lại mà không giải thích chúng như bảy Ba-la-mật trên. Từ điều này, chúng ta cũng dễ dàng kết luận rằng các học giả hiện nay đã không xem trọng bốn Ba-la-mật phụ trong Văn học tiếng Phạn mà chỉ chủ tâm nghiên cứu sáu Ba-la-mật chính. Vì thế, trong hầu hết các trường hợp, bốn Ba-la-mật phụ bị bỏ lơ trong danh sách các Ba-la-mật của Đại-thừa và chỉ còn sáu Ba-la-mật chính mà thôi.

Vai trò của Tánh-Không trong Bồ-tát-hạnh

Như Edward Conze đã nói có hai cống hiến lớn mà Đại-thừa đã đóng góp cho tư tưởng nhân loại là việc sáng tạo lý tưởng Bồ-tát và chi tiết hoá Tánh-không.547Bây giờ, chúng ta bắt đầu tìm hiểu mối liên quan của Bồ-tát và Tánh-không trong kinh tạng Đại-thừa. Hay nói cách khác là vai trò của Tánh-không (Śūnyātā, 空性) như thế nào để khiến các Bồ-tát nỗ lực thực hành mười ba-la-mật một cách không mệt mõi để thành tựu Bồ-tát-hạnh (Bodhisattva-caryā, 菩薩行).

Chúng ta sẽ đi thứ tự vào từng Ba-la-mật:

1) Bố-thí ba-la-mật (Dāna Pāramitā, 布施波羅密)

Từ dāna (布施) trong hầu hết các dịch thuật là mang ý nghĩa ‘cho’.548Trong Thanh-tịnh-đạo luận (Visuddhimagga), ngài Phật-âm (Buddhaghosa) đã định nghĩa là ‘thật lòng bố thí’ (Dānaṁ vuccati avakkhandhaṁ) thì gọi là Dāna, mặc dù theo nghĩa đen Dāna có bốn ý: 1) bố thí, 2) rộng lượng, 3) của cứu tế và 4) hào phóng.549

Có ba loại bố-thí: tài thí (Āmisadāna, 財施), pháp thí (Dharmadāna, 法施) và vô uý thí (Abhayadāna, 無畏施). Tài thí là thí của cải, vật chất. Pháp thí là ban pháp thoại, khuyên người sống đúng đắn. Vô uý thí là ban cho người sự không sợ hãi, lo lắng bằng nhiều phương tiện thiện xảo.

i) Tài thí (Āmisadāna, 財施)

Tài thí bao gồm nội thí và ngoại thí. Ngoại thí là bố thí kinh thành, của báu, vợ con... Bồ-tát là vị không chấp vào ngã, nên có thể cho cả kinh đô, của báu và vợ con... Thái tử Sĩ-đạt-đa là một vị hoàng tử giàu sang phú quý, nhưng ngài từ bỏ hết ngay cả vợ đẹp, con ngoan và hoàng cung lộng lẫy để trở thành một sa-môn không một xu dính túi. Nội thí là Bồ-tát có thể cho cả thân thể, đầu, mắt, tay chân, da thịt và máu xương của mình cho người xin.550

ii) Pháp thí (Dharmadāna, 法施)

Nếu Bồ-tát chỉ thỏa mãn trong việc bố thí vật chất mà không khiến cho chúng sanh tự chuyển hoá đau khổ và phiền triền miên của họ thì vị Bồ-tát đó chưa sử dụng đúng phương pháp hiệu quả (anupāya). Bởi vì, vật chất không thì cũng chưa đủ. Cách tốt nhất để giúp họ là phải thực hiện nghiệp tốt như Đức Phật đã dạy như sau:

"Này các tỳ-kheo, có hai món quà là quà vật chất và tinh thần. Trong hai món quà này thì quà tinh thần là tối thượng. Này các tỳ-kheo, có hai điều bố thí là tài thí và pháp thí. Trong hai điều này, pháp thí là hơn cả. Này các tỳ-kheo, có hai hành động tốt về tinh thần và vật chất. Hành động tốt thiên về tinh thần là tối thượng."551

Vì thế, pháp thí là mang lợi ích tinh thần đến cho chúng sanh, là đem pháp thoại của Đức phật đến cho chúng sanh để họ có thể tự chuyển hoá nghiệp của họ. Đây là hạnh phúc vĩnh viễn. Thế nên, pháp thí là công đức tối thượng và lòng từ tối thượng:

"Từ bi là thấy sự đau khổ của chúng sanh và hướng dẫn khiến họ có thể chuyển đổi được nghiệp của họ." (Paradukke sati sadhunam hadayakampanam karoti’ ti karuṇa).552

iii) Vô uý thí (Abhayadāna, 無畏施)

Thí thứ ba là vô-uý thí. Khi một người gặp tai họa làm khủng hoảng, chính giây phút ấy, Bồ-tát bằng phương tiện lời nói hay các phương pháp khác để người đó tự ổn định tâm lý.

Thí vô uý là cách tốt nhất mang không khí hoà bình và trạng thái an lạc cho mọi người, bởi vì trạng thái không sợ hãi được xem như đồng nghĩa với tự do, an lạc không có chiến tranh, hận thù, đấu nhau, giết nhau...

Đối với các nhà Đại-thừa, món quà tốt nhất và quý nhất giữa ba món quà là pháp thí, các món quà khác được xem là thấp giá trị hơn như Đức Phật có lần đã dạy: "Pháp thí là tối thượng thí" (Sabbedānaṁ Dhammadānaṁ jināti, 法施是最上施) hoặc:

"Cái gì là phương tiện kém hiệu quả? Là khi Bồ-tát tu tập các ba-la-mật, nhưng chỉ thoã mãn trong việc cung cấp vật chất cho chúng sanh mà không đưa chúng sanh chuyển hoá khổ vĩnh viễn hoặc sanh vào cảnh giới lành. Đó là Bồ-tát sử dụng phương tiện kém hiệu quả. Tại sao? Bởi vì vật chất không đầy đủ, ví như đống phân dù là nhiều hay ít thì cũng có mùi hôi ngay cả có được che đậy bằng cách nào. Cũng thế, chúng sanh đau khổ bởi vì hành động và nghiệp của họ, không thể làm cho họ hạnh phúc bằng cách chỉ ứng dụng thuần vật chất. Cách tốt nhất để cứu họ là giúp họ tu tập thiện nghiệp."553

Trong Phẩm Tựa (品序)554của kinh Diệu-pháp Liên-hoa (Saddharma-puṇḍarīka Sūtra, 妙法蓮華經) đã trình bày Bồ-tát thực hành bố-thí ba-la-mật như sau:

Vào đầu kinh đã tường thuật Bồ-tát Di-lặc nói với Văn-thù Sư-lợi Bồ-tát rằng từ ánh hào quang sáng chói soi khắp một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông của Như lai, Bồ-tát Di-lặc đã thấy được chư Bồ-tát nhiều như số cát sông Hằng (Gangas, 恆河) vì cầu tuệ giác mà đã bố thí vô số vàng, bạc, ngọc, san-hô, trân châu, ngọc như ý, xà cừ, mã não, kim cương, các trân bửu, cùng tôi tớ, kiệu, cáng... cho những chúng sanh.

Chẳng những Bồ-tát bố thí xe tứ mã, xe báu, bao lơn che tàn đẹp mà còn bố thí cả vợ con, thân thể cùng tay chân, đầu mắt và thân thể như sau:

"Lại thấy có Bồ-tát
Bố thí cả vợ con

Thân thể cùng tay chân

Để cầu Vô-thượng đạo.

Lại thấy có Bồ-tát

Đầu, mắt và thân thể

Đều ưa vui thí cho

Để cầu trí tuệ Phật."
555

(又見菩薩,身肉手足,及妻子施,求無上道.又見菩薩,頭目身體,欣樂施與,求佛智慧).556

Trong kinh Đại-bảo-tích (Mahāratnakūṭa Sūtra, 大寶積經, một trong những kinh Đại-thừa sớm nhất) đã nói rằng chư Bồ-tát nào đã tuệ giác được lý Duyên-khởi của các pháp thì các ngài tinh tấn thực hành hạnh Bố-thí ba-la-mật không mệt mõi vì lợi ích an sinh của các chúng sanh.557

Lại nữa có những Bồ-tát thành tâm cúng dường tứ sự như thực phẩm, giường nằm, y phục và thuốc men lên Đức Phật và chư Bồ-tát. Thực phẩm mỹ vị trăm món thơm ngon, giường nằm bằng gỗ trầm hương quý giá, y phục tuyệt đẹp vô giá và thuốc men hữu hiệu khi cần để dâng lên Phật, pháp và tăng để cầu tuệ giác tối thượng.

Cũng giống thế trong phẩm XII Đề-bà-đạt-đa (Devadatta, 提婆達多品),558Đức Phật đã tường thuật rằng trong vô lượng kiếp về thời quá khứ khi ngài làm vị quốc vương phát nguyện cầu đạo vô thượng bồ-đề, lòng không thối chuyển. Vì muốn đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật (Ṣaṭ-pāramitās, 六波羅密) nên siêng làm việc bố thí lòng không lẫn tiếc. Bố thí voi, ngựa, bảy báu, nước thành, vợ con, tôi tớ, bạn bè cho đến đầu, mắt, tuỷ, óc, thân, thịt, tay chân chẳng tiếc thân mạng.

Cũng trong chương này ở đoạn giữa, Trí-tích Bồ-tát (Bodhisattva Prajñākūṭa, 智積菩薩) nói rằng ngài đã thấy Đức Thế-tôn trong vô lượng kiếp thực hành hạnh bố-thí để cầu tuệ giác vô thượng. Và trong vô số kiếp Thế-tôn vẫn không cảm thấy thỏa mãn với những công hạnh khó làm đó. Thế-tôn đã đi khắp mọi nơi, không nghỉ ngơi để thực hành hạnh nguyện phục vụ chúng sanh mà chẳng từ nan ngay cả chính bản thân ngài như sau:

"Trí-tích Bồ-tát nói rằng: ‘Tôi thấy Đức Thích-ca Như-lai ở trong vô lượng kiếp làm những hạnh khổ khó làm, chứa nhiều công đức để cầu đạo bồ-đề chưa từng có lúc thôi dứt: Ta xem trong cõi tam thiên, đại thiên nhẫn đến không có chỗ nhỏ bằng hạt cải mà không phải là chỗ của Bồ-tát bỏ thân mạng để vì lợi ích chúng sanh, vậy sao mới được thành đạo bồ-đề’."559

(智 積 菩 薩 言:我 見 釋 迦 如 來,於 無 量 劫 難 行,苦 行,積 功 累 德, 求 菩 提 道,未 曾 止 息。觀 三 千 大 千 世 界,乃 至 無 有 如 芥 子 許,非 是 菩 薩,捨 身 命 處,為 眾 生 故 然 後 得 成 菩 提 道).560

Trong chương XXIII Phẩm Dược-vương Bồ-tát Bổn sự (藥王菩薩本事品)561kể về chuyện Nhất-thiết Chúng-sanh Hỷ-kiến Bồ-tát (Bodhisattva Sarvasattva Priyadarśana, 一切眾生喜見菩薩) đã tự đốt thân để cúng dường Đức Phật Nhật-nguyệt Tịnh-minh và kinh Pháp-hoa (Dharmaparyāya).562Chư Phật đồng khen ngợi là chân pháp cúng dường Như-lai. Nếu dùng hoa hương, chuỗi ngọc hương đốt, hương bột, hương xoa, phan lọng bằng lụa cõi trời và hương hải thử ngạn chiên đàn, dùng các món vật cúng dường như thế đều chẳng bằng được. Giả sử quốc thành thê tử đều chẳng bằng được. Hy sinh thân thể cúng dường là tối thượng cúng dường vì điều này thể hiện đức tánh vô ngã.

Lửa tam muội đốt thân của Nhất-thiết Chúng-sanh Hỷ-kiến Bồ-tát Ma-ha-tát phải đến một ngàn hai trăm năm mới tắt. Sau đó ngài mạng chung sanh vào nước của Nhật-nguyệt Tịnh-minh Đức Phật, ở nơi lâu đài của vua Tịnh-đức bỗng nhiên ngồi xếp bằng hoá sanh ra. Trong đời này, ngài đã xây tám mươi bốn ngàn ngôi tháp để thờ xá lợi của Nhật-nguyệt Tịnh-minh-đức Như-lai (Tathāgata Candra-vimalasūrya-prabhāsaśrī,日月淨明德如來) và trước tháp này, ngài đã đốt cánh tay trăm phước trang nghiêm, mãn bảy muôn hai nghìn năm để cúng dường. Khiến cho vô số chúng cầu Thanh-văn, vô lượng vô số (Koṭis)563người phát tâm vô thượng, chánh đẳng, chánh giác đều được an trụ trong ‘Hiện-nhất-thiết-sắc-thân-tam-muội’ Sarvarūpa-sandarśana (現一切色身三妹).

Trong chương XXIV ‘Diệu-âm Bồ-tát’ (Bodhisattva Gadgadasvara, 妙音菩薩),564Diệu-âm Bồ-tát đã hiện các thứ thân hình tuỳ theo căn cơ của từng chúng sanh mà thuyết pháp. Trong chương XXV ‘Quan-thế-âm Bồ-tát Phổ-môn phẩm’, 觀世音菩薩普門品)) , Quan-thế-âm Bồ-tát, bậc chúa tể của lòng từ cũng vì thương tưởng các chúng sanh kêu khổ, nên biến đủ loại thân đồng sự với chúng sanh mà thuyết pháp. Đây tức là loại thứ hai của bố-thí tức Pháp thí.

Thêm vào đó, Quan-thế-âm Bồ-tát còn nổi tiếng trong hạnh ban thí vô-uý như sau:

"Các thiện-nam-tử, chớ nên sợ sệt, các ông phải nên một lòng xưng danh hiệu Quan-thế-âm Bồ-tát, vì vị Bồ-tát đó hay đem pháp vô-uý-thí cho chúng sanh. Thế nên cõi ta-bà, mọi người đều gọi ngài là bậc ban pháp Vô-uý."565

(是觀世音菩薩摩訶薩於布畏急難之中能施無畏是故此娑婆世界皆號之為施舍無畏者).566

Thí có ba: người thí (我), người nhận (他) và vật thí (物施). Với tuệ giác Tánh-không (Śūnyatā, 空 性), Bồ-tát thấy được ba điều trên là không (tam luân không tịch). Tại đây, không có ngã là Bồ-tát cũng như pháp là người nhận và vật, thế nên Bồ-tát không cầu đáp trả. Bồ-tát tinh tấn thực hành bố-thí ba-la-mật hồi hướng về vô thượng bồ-đề nhưng không chấp thủ vào vô thượng bồ đề.567Đây gọi là tối thượng bố-thí ba-la-mật (最上布施波羅密). Vô số Bồ-tát như số cát sông Hằng (恆河沙) đã thực hành hạnh bố thí này như sau:

"Lại thấy các Bồ-tát
Bố thí nhẫn nhục thảy

Số đông như hằng sa

Đây bởi sáng Phật soi."
568

(又見諸菩薩,行施忍辱等,其數如恆河,其由佛光照).569

Bố-thí ba-la-mật được hiểu trong đại-thừa là không chấp thủ tức là trí tuệ Tánh-không điều khiển các hành động của Bồ-tát. Tánh-không này phủ nhận tất cả các tư tưởng: người thí, người nhận và vật thí. Giai tầng trí tuệ và từ bi khởi lên làm mất hiệu lực của ‘ngã’, điều mà khiến chúng sanh xoay sở đau khổ suốt đời.

Học thuyết vô-ngã (Nairātmya) là một sự diễn đạt siêu hình để minh họa nguyên lý đạo đức và nhân tố chính yếu đưa đến sự giải thoát. Mục đích của vô-ngã là buông xả mọi chấp thủ.

Vì thế, Bồ-tát với tuệ giác bản chất Tánh-không, vô ngã của các pháp, nên ngài hoan hỉ thí tất cả mà không nắm giữ một vật gì như kinh Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật (Vajrachedikā prajñā-pāramitā Sūtra, 金剛般若波羅密經) đã dạy:

"Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà bố-thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc mà bố thí, chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì sao? Vì nếu Bồ-tát bố thí mà chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường."

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương đông có thể nghĩ lường được không?

- Bạch Thế-tôn, không thể nghĩ lường được.

- Này Tu-bồ-đề, hư không phương nam, tây, bắc, bốn hướng trên dưới có thể nghĩ lường được chăng?

- Bạch Thế-tôn, không thể nghĩ lường được.

- Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ tướng mà bố-thí, phước đức cũng lại như thế, không thể nghĩ lường được. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên như thế mà trụ."

(若菩薩不住相布施,其福德不可思量。須菩提!於意云何?東方虛空,可思量不?
不也,世尊!
須菩提!南,西,北 方,思 維,上,下虛空方,可思量不?
不也,世尊!

須菩提!菩薩無住相布施,福德亦復如是不可思量。須菩提!菩薩但應如所教住!).570

2) Trì giới Ba-la-mật (Śīla Pāramitā, 持戒波羅密)

Thứ hai là trì giới Ba-la-mật như trong kinh Pháp-hoa đã dạy:

"Cũng thấy đủ giới đức
Uy nghi không thiếu xót

Lòng sạch như bửu châu

Để cầu chứng Phật đạo."
571

(又見具戒,威儀無缺,淨如寶珠,以求佛道).572

Điều này có nghĩa là Bồ-tát giữ gìn các giới luật đạo đức và bảo vệ chúng như đang giữ gìn các viên ngọc quý. Các ngài nghiêm trì mà không có vi phạm dù là lỗi nhỏ nhất. Giới phẩm thanh tịnh và trong sáng của các Bồ-tát như bảo châu vô giá mà từ đó đưa các ngài đến tuệ giác.

Các vị Bồ-tát Bất-thối-chuyển (不退轉菩薩) vâng giữ 10 giới là kim chỉ nam chính cho các hoạt động của các ngài. Không sát hại chúng sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh, không uống rượu, không nói láo, không nói lời thô bạo, không nói chuyện nhãm nhí, không tham dục, không sân hận và không tà kiến. Ngay trong giấc mơ, Bồ-tát còn không phạm 10 giới này, huống chi là trong lúc tỉnh, các điều này không có trong tâm ngài.573

Trong kinh Bồ-tát-địa (Bodhisattvabhūmi, 菩薩地)574có liệt kê ba loại đạo đức:

1. Không làm điều trái đạo đức
2. Tu tập đức hạnh

3. Hoàn thành những điều lợi ích cho chúng sanh.

Chấp thủ vào ba điều này được xem là khuynh hướng tư tưởng có nguồn gốc sâu sắc xảy ra đồng thời cố định để xây dựng khái niệm cụ thể hoá của một ngã thường hằng. Điều này được chẩn đoán như triệu chứng của thái độ không cân đối với khái niệm Tánh-không và đứng về mặt siêu hình, chúng giúp đỡ để giả mạo nối kết các móc xích với nhau khiến cho tâm vướng mắc trong vòng vô thuỷ của khổ đau.

Ngài Tịch-thiên (Śantideva, 寂天) trong tác phẩm nổi tiếng Đại-thừa tập Bồ-tát học luận (Śikṣāsamuccaya, 大乘集菩薩學論) đã thuyết minh cho chủ nghĩa thực dụng của trì giới như sau:

"Bồ-tát trì giới với mong muốn loại trừ các ác nghiệp và phi đạo đức. Nếu hành động của điều ác nghiệp và phi đạo đức khiến cho tâm trở nên động loạn và ngược lại với tâm an tĩnh thì hành động như thế cũng xem là đối lập với thiền định (samādhi, 禪定)."575

Tâm an tĩnh có khả năng thâm nhập vào thiền định rồi từ đó mới thực tập thiền ở mức độ cao hơn như sự đạt được đại thủ ấn (mahāmudrā, 大首印). Và khi tâm ở mức không có chướng ngại và không sợ hãi thì có thể nhanh chóng nắm giữ được bản chất sâu sắc của Tánh-không.

Không chấp thủ là nhu cầu căn bản để đạt đến trạng thái mà trong đó tâm như vậy được nhận thức rõ. Chủ đề này được Luận Đại-bát-nhã (Mahā-prajñā-pāramitā-śāstra, 大智度論) trình bày rõ như sau:

"Trạng thái cao nhất của trì giới là sự không chấp thủ như không chấp thủ vào tội lỗi hay công đức là một sự tuyệt đối. Bồ-tát tu tập thâm sâu Bát-nhã ba-la-mật, nên quán chiếu thấy bản chất của các pháp là không và thấy tội lỗi cũng như công đức không phải là tuyệt đối."576

Người trì giới ba-la-mật luôn luôn trầm tĩnh ở tư tưởng và hành động đối với người phạm giới và không có sự kiêu hãnh ưu đãi nào tán dương người công đức. Do tâm không chấp thủ nhìn vào các pháp đối đãi, nên tâm trong sáng lìa mọi thành kiến.

3) Nhẫn nhục Ba-la-mật (Kṣānti Pāramitā, 忍辱波羅密)

Trong kinh Pháp-hoa diễn tả về nhẫn nhục ba-la-mật như sau:

"Hoặc lại thấy Bồ-tát
Mà hiện làm tỳ-kheo,

Một mình ở vắng vẽ

Ưa vui tụng kinh điển."
577

(或見菩薩,而作毘獨處閑靜,樂誦經典).578

Chư Bồ-tát đã rời gia đình sống đời sống không nhà trở thành khất sĩ, sống trong rừng, núi non cô tịch... điều này thể hiện biết bao là sự nhẫn nhục. Nhẫn nhịn các thói quen trần thế, nhẫn nhịn các đấu tranh giằng co của tâm linh, nhẫn chịu sự sợ hãi của các thú rừng hung dữ... và tâm vẫn giữ sự bình thản, an lạc như kinh diễn tả:

"Và thấy hàng Phật tử
Trụ vào sức nhẫn nhục,

Bị kẻ tăng thượng mạn,

Mắng rủa cùng đánh đập

Thảy đều hay nhẫn được

Để cầu chứng Phật đạo."
579

(又見佛子,住忍辱力,增上慢人,惡罵唾打,皆悉能忍,以求佛道) 580

"Này Văn-thù Sư-lợi, cái gì là sự tu tập của Bồ-tát hay đại Bồ-tát (Mahāsattva)? Nếu Bồ-tát hay đại Bồ-tát trì giữ nhẫn nhục là sự hiền lành, mềm mỏng, không bạo động và gây rối loạn trong tâm. Đối với các pháp hiện tượng, Bồ-tát không vội hành động hoặc phân biệt mà quán thật tướng của hiện tượng. Đây gọi là Bồ-tát tu tập nhẫn nhục."581

(文殊師利!云何名:菩薩摩訶薩行處? 若菩薩摩訶薩住忍 褥地? 柔和善順而不卒暴,心亦不敬,又復於法無所行,而觀諸法如實相,亦不行,不分別是名:菩薩摩訶薩行處).582

Bồ-tát Di-lặc (Maitreya Bodhisattva, 彌勒菩薩) nói với Văn-thù Sư-lợi Bồ-tát (Mañjuśrī Bodhisattva, 文殊師利菩薩) rằng một số các đệ tử của đức Thế-tôn đã tu tập nhẫn nhục ba-la-mật (kṣānti Pāramitā, 忍辱波羅密). Trong khi tu tập nhẫn nhục, Bồ-tát nhẫn chịu không giận dữ trước các phê bình, chỉ trích và hâm doạ của các tỳ-kheo kiêu mạn như trong kinh Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật (Vajraccedikā Prajāñā Pāramitā) chỉ dạy:

Này Tu-bồ-đề! Như lai nói nhẫn nhục ba-la-mật không phải là nhẫn nhục ba-la-mật mới gọi là nhẫn nhục ba-la-mật. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề như thuở xưa, Ta bị vua Ca-lợi (Kali) cắt đứt thân thể, Ta khi ấy không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì cớ sao? Ta thuở xưa khi thân thể bị cắt ra từng phần nếu còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì ta sẽ sanh tâm sân hận. Này Tù-bồ-đề! Lại nhớ thuở quá khứ năm trăm đời, ta làm tiên nhân nhẫn nhục vào lúc ấy ta cũng không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Thế nên, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên lìa tất cả tướng mà phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, nên sanh tâm không chỗ trụ. Nếu tâm có trụ ắt là không phải trụ. Thế nên Như-lai nói tâm Bồ-tát nên không trụ sắc mà bố thí. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát vì lợi ích tất cả chúng sanh nên như thế mà bố thí. Như lai nói tất cả các tướng tức không phải tướng. Lại nói tất cả chúng sanh tức không phải chúng sanh".

(須 菩 提!忍 辱 波 羅 密,如 來 說 非 忍 辱 波 羅 密 是 名 忍 褥 波 羅 密。何 以 故?須 菩 提!如 我 昔 為 歌 利 王 害 截 身 體, 我 於 爾 時,無 我 相,無 人 相,無 眾 生 相,無 壽 者 相。 何 以 故?我 於 往 昔 支 解 時,若 有 我 相,人 相,眾 生 相,壽 者 相,應 生 瞋 恨.須 菩 提 又 念 過 去 於 五 百 世,作 忍 仙 人 於 所 世,無 我 相,無 人 相,無 眾 生 相,無 壽 者 相。是 故 須 菩 提 菩 薩 應 離 一 切 相 發 阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 提 心。不 應 住 色 生,不 應 住 聲,香,味,觸,法 生 心,應 生 無 所 住 心,若 心 有 住, 即 為 非 住,是 故 佛 說 菩 提 心,不 應 住 色 布 施。須 菩 提!菩 薩 為 利 益 一 切 眾 生,應 如 是 布 施!如 來說 切 諸 相,即 是 非 相。又 說 一 切 眾 生,即 非 眾 生).583

Nhẫn nhục Ba-la-mật là quan trọng bởi chính nhẫn nhục mang chúng ta gần với sự thanh thản, trầm tĩnh của niết-bàn. Trong Sangharakshita dạy rằng: "Nhẫn nhục là một đức hạnh phức hợp, bởi bao gồm không chỉ nhẫn nhịn và chịu đựng mà còn tình thương, sự khiêm tốn, nhẫn nại, không có giận dữ và trả thù."584

Trong kinh Bồ-tát-địa (Bodhisattvabhumi, 菩薩地)585nói có ba loại nhẫn nhục:

Hai loại đầu được định nghĩa là không có ác cảm, như nhẫn nhục tha thứ cho chính người gây cho Bồ-tát sự thương tổn về thể xác cũng như tinh thần và kiên nhẫn để chịu đựng sự đau khổ không thể tránh được và phải chấp nhận. Thương tổn có thể là một sự ám chỉ cho bất cứ sự tàn nhẫn nào hoặc vô tình hay cố ý gây ra. Hai loại nhẫn nhục này có thể được thực hành như một đức hạnh xã hội với quan điểm rằng chấp có khái niệm ‘ngã’ và ‘pháp’ là hoàn toàn thích hợp và mặc dầu là vô hại cho mục đích tu tập này nhưng chúng trở thành nguy hại và tiêu cực khi được sử dụng ‘ngã và pháp’ cho việc điều hoà sân giận và oán thù.

Từ hai loại này nảy sanh loại nhẫn thứ ba là loại nhẫn không thực hành như một đức hạnh xã hội mà là một sự ứng dụng tu tập Tánh-không giải thoát. Cả hai loại nhẫn đầu cần thiết để Bồ-tát bước vào loại nhẫn thứ ba đó là ‘vô sanh pháp nhẫn’ (anutpattikadharma-kṣānti, 無生法忍) tức từ tự tánh bản chất Bồ-tát đã nhẫn chịu được các pháp vô thường thay đổi, không phải do nhân duyên mà hạnh nhẫn nhục phát sanh, đây là trình độ cao nhất của hạnh nhẫn nhục. Bởi hiểu được bản chất của các pháp, Bồ-tát không nắm giữ chấp thủ, không phân biệt (不作分別). Bản chất thế gian là điều kiện, không thật thay đổi, trong khi quan điểm xuất thế gian hiểu được Tánh-không bất nhị của các pháp. Mặt dù chúng không phải hai, nhưng chúng cũng không phải một. Do tuệ giác như vậy, Bồ-tát phát sanh lòng tịnh tín vào các pháp như thật và tín tâm bất thối (信心不轉).586Chính khả năng vô sanh pháp nhẫn này (Bodhisattva's dharmakṣānti, 法忍) đã duy trì sự hiểu các pháp như thật. Chính khả năng này để có lòng tín trong sự thanh tịnh và tính không lay chuyển được vào các pháp thoại của đức Thế-tôn về loại bỏ các quan điểm sai lầm và đạt được chân thật các pháp được gọi là Vô-sanh-pháp nhẫn.587Lòng tín thành vững chắc, tâm vượt khỏi lưỡng lự và xôn xao và khi năng lực của Bồ-tát càng vững mạnh, tâm Bồ-tát có thể chấp nhận và nắm giữ như thật các pháp. Đây gọi là pháp nhẫn.588

Do sức thiền định, tâm trở nên nhẹ nhàng, nhu nhuyến (柔軟) và thanh tịnh (清淨). Trong trạng thái này khi Bồ-tát nghe lời dạy về bản chất thật của các pháp, liền ứng tâm lãnh hội (應心與會), giữ lòng tin vững chắc (信著) và thâm nhập sâu bên trong và tự tạo giữa nghi ngờ và xôn xao trước hiện tượng và bản chất các pháp. Đây là pháp nhẫn.589Nhẫn với các pháp như thật. Với pháp nhẫn, Bồ-tát bước vào cửa trí tuệ (入智慧門) và quán (觀) vũ trụ thực tại không có bất thối (不退) và bất hối (不悔).590Sau khi thấy được bản chất của tuệ giác ba-la-mật, Bồ-tát không vọng tưởng, tâm của ngài vẫn tự tại khỏi các chấp thủ và vì vậy ngài có khả năng nhẫn chịu các pháp.591Do thế Vô-trước (Asaṅga, 無著) nhà triết học về Du-già luận (Yogācāra, 瑜伽論) đã nói: ‘Nhẫn nhục (忍辱) là yếu tố quan trọng nhất để các Bồ-tát thức tỉnh’ và nhẫn nhục này cũng có mối liên quan đến pháp thân (Dharmakaya, 法身).

Nhẫn nhục là nền tảng của cách sống dựa trên tuệ giác. Sau khi đạt được vô-sanh-pháp-nhẫn (Anutpattika-dharma-kṣānti), Bồ-tát tuệ giác được toàn thế giới này là Tánh-không và hoàn toàn tự tại buông xả. Bằng cách thiết lập bản chất chân thật của các pháp, Bồ-tát không nắm giữ và tham luyến thế giới.

4) Tinh tấn Ba-la-mật (Vīrya Pāramitā, 精進波羅密)

Tinh tấn Ba-la-mật là nguồn năng lực để bắt đầu sự nghiệp Bồ-tát và tiếp tục nỗ lực cho đến ngày đạt giác ngộ hoàn toàn.

Tinh tấn có ba:

1. Năng lực và khả năng chịu đựng được xem như áo giáp bảo vệ khi gặp những khó khăn và là nền tảng cổ vũ cần thiết để tránh sự thất vọng tiêu cực.
2. Năng lực để hỗ trợ sự nhiệt tình và ý chí vững mạnh.

3. Năng lực không mệt mõi để hoàn thành sự lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh.
592

Ngài Tịch-thiên (Śāntideva) đã phân tích rộng thêm từ của tinh tấn ba-la-mật như sau:

"Cái gì là tinh tấn? Ý chí kiên quyết theo đuổi mục đích tốt. Và cái gì là ngược lại với tinh tấn? – Làm biếng, uể oải, chấp thủ, thất vọng và tự coi rẽ mình."593

Cũng thật thú vị nếu ở đây ta trích dẫn thêm ý kiến của Mahatma Gandhi - nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh tự do cho dân Ấn khỏi thực dân Anh:

"Nỗ lực không dừng nghĩ (dù đứng về mặt đạo đức hay tôn giáo) để đạt sự tự thanh tịnh và có thể phát triển thành tính nhẫn nhục trong chúng ta."594

Vì vậy, Bồ-tát tinh tấn tràn đầy năng lực cầu sự thanh tịnh. Kinh Diệu-pháp Liên-hoa (Saddharma Puṇḍarika Sūtra, 妙法蓮花經) đã mô tả chi tiết Bồ-tát tu tập tinh tấn ba-la-mật bằng cách không ăn và ngủ để tinh tấn chuyên nghiên cứu Phật pháp. Bồ-tát đã tự tiết chế trong ăn uống, sống trong rừng sâu, núi thẵm để nỗ lực cần cầu Phật quả. Tại đây Bồ-tát cũng thấy có chư Bồ-tát khác chưa từng bao giờ ngủ. Nếu có mệt, họ ngồi và thiếp đi một chút thôi.

"Nếu có những chúng sanh chú tâm theo Đức Phật, bậc Thế-tôn để nghe pháp, tin và chấp nhận pháp; rồi tinh tấn, tìm cầu tuệ giác, huệ Phật, trí tuệ đến từ tự nó tức trí vô sư, năng lực và giải thoát khỏi sợ hãi, Bồ-tát thương xót và an ủi vô số chúng sanh, mang lợi ích đến cho chư thiên và loài người và cứu tất cả chúng sanh. Những vị Bồ-tát như vậy được gọi là Đại-thừa. Bởi vì, chư Bồ-tát tìm cầu Đại-thừa như vậy được gọi là Đại Bồ-tát."595

(若有眾生從佛世尊聽法信受,勤修精進,求一切智,佛智,自然智,無師智,如來知見,力無所畏,愍念安樂無量眾生,利益天人,度說一切,是名大乘;菩薩求此乘故,名為摩訶薩如彼諸子為求鹿車,出於火宅.)596

"Này A-dật-đa! Có những thiện nam tử không thích ở trong đại chúng và tham gia vào các cuộc tán gẫu. Chư thiện nam tử đó chỉ thích ở nơi yên tĩnh, chuyên tu tinh tấn, không từng nghỉ ngơi; cũng không thích sống ở cõi người hoặc trời, mà chỉ thích an trụ vào trí tuệ thâm sâu, giải thoát khỏi các chướng ngại. Hoan hỉ với pháp của Đức Phật, một lòng tinh tấn để cầu trí tuệ tối thượng."597

(阿逸多!是諸善南子等不樂在眾,多有所說,樂靜處,勤行精進,未曾休息,亦不依止人天而住.樂智,無有障礙,亦樂於諸佛之法,一念精進,求無上慧).598

Theo ngài Tịch-thiên (Śāntideva) có ba lãnh vực để tu tập tinh tấn:

1. Tự tin khả năng chủ động của chính mình mà điều này phát triển trực tiếp từ pháp thoại của Đức Phật.
2. Tự kính trọng như một sự ngăn chặn các tai họa từ chấp thủ, ác cảm và vọng tưởng.

3. Năng lực của lòng tự tin không bị bẻ gãy hay lay chuyển bởi ý kiến sai lầm của người khác.
599

Tinh tấn không đơn giản chỉ là năng lực của sức mạnh ý chí trong việc tu tập, mà còn là năng lực cần thiết để duy trì sự tác ý tương tục và để quán sát tất cả lãnh vực của kinh nghiệm với sự kiên nhẫn và chăm chú tột độ.

Đầu tiên, tinh tấn được cho là xuất phát từ lòng tin hay tùy tín hành (śraddhānusārin, 隨信行) của Tánh-không. Tuệ giác được bản chất thật của Tánh-không, Bồ-tát tinh tấn liên tục cho đến ngày đạt giác ngộ như kinh The Large Sūtra on Perfect Wisdom (kinh Bát-nhã Ba-la-mật) mô tả:

"Điều đầu tiên tu tập của Bồ-tát là tinh tấn tuệ giác Tánh-không. Khi Bồ-tát thâm nhập Tánh-không, Bồ-tát đã không theo hạnh Thanh văn hay Bích-chi Phật mà là tu tập theo phương pháp của Đức Phật, Bồ-tát và nhanh chóng đạt được tuệ giác. Giữa những tinh tấn của Bồ-tát, thì tinh tấn cầu trí tuệ hoàn hảo là cao nhất, tốt nhất, được lựa chọn nhất, xuất sắc nhất, đầu tiên, không trội hơn, vô song và siêu phàm nhất. Và tại sao? Bởi vì không gì cao hơn ‘tinh tấn’ đó là ‘tinh tấn’về trí tuệ hoàn hảo, về Tánh-không, về vô tướng và vô nguyện."600

Do tinh thần không chấp thủ, Bồ-tát tu tập tinh tấn ba-la-mật. Tinh chuyên tinh tấn sẽ tăng trưởng năng lực tinh thần làm nền tảng để tu tập thiền cũng như trí tuệ.601Tinh tấn (精進) cũng được gọi là dục như-ý-túc và sự vắng mặt của bất phóng dật (apramāda, 不放逸). Quyết tâm đến trước, rồi theo đó là tinh tấn, nỗ lực tiến tu và tại đây không có yếu tố của tinh thần bạc nhược làm trì trệ sự vươn lên.602Bồ-tát từ lúc đầu với ý chí theo lời Đức Phật dạy, đã tu tập tất cả thiện hạnh và từ từ đạt được tinh tấn ba-la-mật. Chính tinh tấn này đã thúc đẩy đưa Bồ-tát đạt được Phật đạo, cho nên gọi là tinh tấn ba-la-mật.603

5) Thiền định Ba-la-mật (Dhyāna Pāramitā, 禪定波羅密)

Thiền định là phương pháp chuyển hoá vượt thoát khỏi những tập khí tư tưởng thô và tế của cả ý chí lẫn tri thức ngang qua sự tiến triển của tuệ giác nhìn sâu vào bản chất của tiến trình nhận thức luận và khái niệm như chúng đã ảnh hưởng trong thực nghiệm mỗi ngày. Mục đích cứu cánh của việc thực tập thiền như thế không tách rời mình khỏi thế giới bên ngoài mà tạo ra một tâm lý vững chắc và tác ý có thể làm nền tảng hoạt động cho việc đánh giá ý nghĩa của bất kỳ thực nghiệm nào theo pháp thoại của Đức Phật. Trong các mối quan hệ, cảm giác được nắm giữ, không xem nhẹ, và vì đây là sự cần thiết tuyệt đối để làm suy yếu bản ngã và chấp thủ vào những khái niệm hoặc quan điểm của bất cứ pháp nào.

Dòng hiện hữu được xem như là tác động biến đổi có tính cách sinh động và liên tục giữa sáu căn và sáu trần – tác động được kinh qua trên nền tảng của sự không tồn tại vững chắc. Hiểu được điều này, tiến trình sinh hoạt diễn ra hàng ngày chẳng những sẽ không phát sinh vọng tưởng mà còn tăng trưởng sự hiểu biết triết lý cuộc sống. Cuộc đời vẫn hiện hữu như chúng đang là, nhưng với sự hiểu triết lý tinh tế chín chắn và sự ứng dụng trực tiếp của những khái niệm này, Bồ-tát tuệ giác được ý nghĩa của Tánh-không phơi bày như một khuynh hướng mới trong quy trình cũ của các pháp – một sự cảm nhận mới và tự nhiên là ‘(Tánh-không) dường như nổi lên từ chính các pháp’.

Sự an định bên trong của Bồ-tát là đồng nghĩa với tuệ giác được Tánh-không, không có sự cụ thể hoá tư tưởng và do thế giải thoát khỏi sự xuyên tạc của tự ngã trung tâm, thiên về tình cảm. Nội không được mô tả như năng lực biểu trưng cho sự giác ngộ chân như tức Tánh-không (Śūnyatā, 空性) tại hiện hữu thực nghiệm mỗi ngày, khả năng thấy tự mình và các pháp thế giới với ‘tuệ giác như thị’ về các mối liên quan của chúng với nhau. Sự an tịnh của chứng nghiệm cao nhất, chánh định (samyak-samādhi, 正定) liên quan với sự biến đổi và hoà hợp hoá toàn thể cá nhân từ đó thái độ và đời sống của Bồ-tát là hoàn hảo tương ứng với tuệ giác đạt được ngang qua sự quán chiếu như trong kinh The Large Sūtra on Perfect Wisdom đã mô tả sống động sự quán chiếu (觀) các pháp như:

"... Bồ-tát không trụ nơi bất cứ pháp nào, quán chiếu bản chất thực của các pháp, khuyên nhủ các chúng sanh khác cũng quán chiếu tất cả các pháp, nhưng không bao giờ Bồ-tát chấp thủ bất cứ pháp nào...

Lại nữa, này Tu-bồ-đề, Bồ-tát Đại-thừa, bậc đại nhân quán thấy Tánh-không của chủ thể cũng tức là thấy Tánh-không của đối thể."

Cái gì là Tánh-không của chủ thể? Các pháp dựa trên chủ thể là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chính tại mắt là không mắt, bởi vì nó không có không chuyển cũng không huỷ diệt. Tại sao? Bởi vì như thế là bản chất thật của mắt. Cũng giống thế, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Cái gì là Tánh-không của đối thể? Các pháp dựa trên chủ thể là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Chính tại sắc là không sắc, bởi vì nó không có không chuyển cũng không huỷ diệt. Tại sao? Bởi vì như thế là bản chất thật của mắt. Cũng giống thế, thanh, hương, vị, xúc và pháp.

Cái gì là Tánh-không của Tánh-không? Tánh-không của tất cả các pháp là không của Tánh-không đó, bởi vì nó không có không chuyển cũng không huỷ diệt. Và như thế là bản chất thật của nó...

Cái gì là Tánh-không vô tận? Đó là Tánh-không của vô cùng không chấm dứt, vô tận đó là không của vô tận, bởi vì nó không có không chuyển cũng không huỷ diệt. Và như thế là bản chất thật của nó...

Cái gì là Tánh-không của vô thủy và vô chung? Đó là Tánh-không của không có khởi thủy và khởi chung và vì thế khởi trung cũng không tồn tại. Và Tánh-không của không có đoạn đầu, cũng không có đoạn giữa, cũng không có đoạn cuối, bởi vì không có gì đến hoặc đi. Đầu, giữa và cuối cũng không có đầu, giữa và cuối, bởi vì chúng không có không chuyển cũng không huỷ diệt. Và như thế là bản chất thật của chúng...

Cái gì là Tánh-không của các pháp? Tất cả các pháp nghĩa là năm uẩn, mười hai xứ, sáu thức, sáu xúc, sáu thọ, các pháp hữu vi và vô vi. Chính tất cả các pháp là không tất cả các pháp, bởi vì chúng không có không chuyển cũng không huỷ diệt. Và như thế là bản chất thật của chúng...

Đây gọi là Bồ-tát Đại-thừa, bậc đại nhân."604

Kinh Diệu-pháp Liên-hoa (Saddharma puṇḍarika Sūtra) cũng mô tả Bồ-tát tu tập thiền định ba-la-mật để cầu đạo giác ngộ như sau:

"Lại thấy hàng Bồ-tát
sâu vào các thiền định

thân tâm lặng chẳng động

Để cầu đạo vô thượng."
605

(又見諸菩薩,入諸禪定,身心寂不動,以求無上道.) 606

Trong chương XV "Tùng địa dũng xuất" (從地勇出品) của kinh Diệu-pháp Liên-hoa dạy rằng chư Bồ-tát không chỉ một kiếp mà nhiều kiếp tu tập thiền ba-la-mật như sau:

"Từ lúc thành đạo nhẫn đến nay, kỳ thực chưa bao lâu, mà các đại chúng Bồ-tát đó, đã ở nơi vô lượng nghìn muôn ức kiếp, vì Phật đạo nên siêng tu tinh tấn, khéo nhập xuất trụ nơi vô lượng nghìn muôn ức tam muội, được thần thông lớn, tu hạnh thanh tịnh đã lâu, khéo hay thứ đệ tập các pháp lành, giỏi nơi vấn đáp, là báu quý trong loài người, tất cả thế gian rất là ít có."607

(佛亦如是, 得道以來, 其實未久, 而此大眾諸菩薩等, 以於無量千萬億劫, 為佛道故, 勤行精進善入出住無量百千萬億三妹,得大神通, 久修梵行, 喜能次第習諸善法巧於問答, 人中之實, 一切世間甚為俙有).608

Vì lòng từ bi thương tưởng các chúng sanh muốn chuyển hoá họ mà Bồ-tát nguyện tu tập thiền quán, từ bỏ các thú vui thế gian để chuyên tâm trú thiền. Chính tinh thần không chấp thủ của Tánh-không đã khiến Bồ-tát buông xả không cầu không đắm (不受味,不求報), an tịnh trong thiền vị và tâm trở nên mềm mại nhu nhuyến.609Xuất thiền, Bồ-tát bước vào cõi dục giới dùng thiện xảo phương tiện của Tánh-không để có thể giúp các chúng sanh vượt qua cõi sanh tử. Đó chính là thiền ba-la-mật.610Bồ-tát sau khi đạt được thiền định ba-la-mật, ngài tự tại không phân biệt trạng thái tâm định tĩnh hay náo loạn như tuyệt đối hay hữu vi bởi lẽ ngài đã hiểu được thực tánh thật của các pháp. Bản chất thật của các pháp hiện tượng cũng là bản chất thật của tâm thiền định an tĩnh.611Thiền bão hoà với tuệ giác về chân lý tuyệt đối đã đạt được sự hoàn hảo của nó.

6) Trí tuệ Ba-la-mật (Prajñā Pāramitā, 智慧波羅密)

Kinh Diệu-Pháp Liên-hoa trong phẩm ‘Tự’ mô tả các Bồ-tát tu tập trí tuệ ba-la-mật như sau:

"Lại thấy các Bồ-tát,
Trí sâu chí bền chắc

Hay hỏi các đức Phật

Nghe rồi đều thụ trì.

Lại thấy hàng Phật tử

Định tuệ trọn đầy đủ

Dùng vô lượng tỉ-dụ

Vì chúng mà giảng pháp

Vui ưa nói các pháp

Dạy bảo các Bồ-tát

Phá dẹp chúng binh ma

Mà đánh rền trống pháp."
612

(復見菩薩,智志固能問諸佛,聽悉受按,又佛子,定慧具足,以無量喻,為眾稱法,欣樂說無法,化諸菩薩破魔兵眾,而學法鼓).613

Điều này có nghĩa là trí tuệ của các Bồ-tát rất thâm sâu và ý chí của các ngài cũng rất kiên cố. Các Bồ-tát thường thưa với Đức phật về các nghi vấn về pháp và thực hành theo giải nghi của Đức phật. Nói cách khác đó cũng là nhận, trì giữ và tu tập ba-la-mật. Tương ứng với pháp, cũng có các pháp khác như thiền định và trí tuệ ba-la-mật. Các Bồ-tát đã dùng vô số các thí dụ, so sánh và lý thuyết để vì lợi ích cho số đông mà thuyết pháp. Các Bồ-tát rất hỉ lạc trong hạnh thuyết pháp và pháp thoại các ngài thuyết rất thâm sâu, vi tế và tuyệt diệu như kinh Diệu-pháp Liên-hoa đã minh họa như sau:

"Lại có vị Bồ-tát
Giảng nói pháp tịch diệt

Dùng các lời dạy dỗ

Dạy vô số chúng sanh

Hoặc thấy vị Bồ-tát

Quan sát các pháp tịnh

Đều không có hai tướng

Cũng như khoảng hư không

Lại thấy hàng Phật tử

Tâm không chỗ mê đắm

Dùng món diệu tuệ này

Mà cầu đạo Vô-thượng."
614

(或有菩薩,說寂滅法種種教詔,無數眾生,有菩薩,觀諸法性,無有二相,獨如虛空,又見佛子,心無所著,以此妙慧,求無上道).615

Pháp trí tuệ mà các Bồ-tát giảng ở đây cũng có nghĩa là ‘Thường tịch diệt pháp’ (常寂滅法) nghĩa là tất cả pháp luôn luôn mang nghĩa không tịch của Tánh-không. Bồ-tát dùng nhiều phương tiện và cách thức để thuyết pháp nhằm mục đích khiến chúng sanh:

1) Từ mê muội đến tuệ giác
2) Hiểu biết chân chánh và thức tỉnh
3) Tuệ giác sự thật cuộc đời là khổ.

Các Bồ-tát này thấy các pháp là bất nhị. Đệ tử của chư Bồ-tát cũng không chấp thủ vào các pháp và dùng trí tuệ siêu việt để đạt giác ngộ.

Bản chất của trí tuệ Ba-la-mật này là trí bất-nhị (advāyajñana, 智不二) nghĩa là Tánh-không là nguyên lý cơ bản mối liên hệ của nó với các ba-la-mật khác. Theo Phật giáo Đại-thừa, Bồ-tát phải tu tập năm ba-la-mật đầu trong nhiều kiếp suốt trong thời gian Bồ-tát thanh tịnh trí tuệ ba-la-mật và thanh lọc các đối tác liên đới với khái niệm cụ thể hoá của ‘tác nhân’, ‘hành động’ hoặc ‘người nhận’. Kết hợp với tuệ giác về Tánh-không của tất cả các pháp, sự tu tập này sẽ khiến Bồ-tát giải thoát từ những vọng tưởng cụ thể hoá và phiền não tình cảm. Tuệ giác Tánh-không khiến Bồ-tát thoát khỏi sự chấp chặc vào ngôn ngữ quán sát và diễn dịch văn tự là những điều hữu dụng trong chính chúng, nhưng chướng ngại trong lãnh vực tinh thần khi đặt chúng ngược lại với chân lý giải thoát. Qua sự chuyển hoá tất cả sáu ba-la-mật khiến Bồ-tát ngộ được thân Phật tức là pháp thân. Chỉ tới đây, chúng ta mới gọi trí tuệ ba-la-mật là thượng thủ trong các ba-la-mật khác. Cùng với trí tuệ ba-la-mật, mỗi ba-la-mật khác cũng dự phần vào việc tăng trưởng sự an lạc trong tâm, như bản đối chiếu đầy hiệu quả trực tiếp tuệ giác tục đế như bản chất tương đối theo ngữ cảnh.

Trí tuệ không tích luỹ qua sự tăng dần các công thức lý thuyết hoặc qua sự quan hệ đối với bất cứ thực thể vi tế, siêu hình hay huyền bí nào. Chính tâm uyển chuyển và trong sáng đã phơi bày ngang qua lộ trình tu tập, Bồ-tát hoàn toàn giải thoát khỏi khuynh hướng nắm giữ các nội dung của khái niệm hoá và nhận thức luận mặc dù một số hoặc tất cả chúng đặt nền tảng trong chân lý hoặc thực tại. Trí tuệ là vấn đề của cả hai nhận thức về tri thức và hành động. Bồ-tát không chỉ khai quang nền dày vô minh của các khái niệm cụ thể hoá mà còn phải thâm nhập vào thực chất nơi mà khái niệm của Tánh-không được thực hiện hoá qua thái độ và hành động trong thế giới này như kinh Đại-Bát-nhã minh họa:

"Này Xá-lợi-phất: Thế nào là vị Bồ-tát, bậc đại nhân người đã thâm nhập vào trí tuệ ba-la-mật?

Đức Thế-tôn: Này Xá-lợi-phất, Bồ-tát, bậc đại-nhân đã thâm nhập vào Tánh-không của sắc thì gọi là thâm nhập. Và như thế, Bồ-tát gia nhập vào Tánh-không của thọ vv...; cho đến Tánh-không của nhãn căn, sắc trần, nhãn thức vv... cho đến ý thức; Bồ-tát gia nhập vào Tánh-không của Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, Con đường của Khổ diệt; Tánh-không của vô minh vv... biến hoại và chết. Bồ-tát thâm nhập vào Tánh-không của các pháp nên gọi là ‘thâm nhập’. Tại nơi các pháp hữu vi và vô vi, Bồ-tát có thể hình thành một khái niệm, thâm nhập vào Tánh-không của các pháp là Bồ-tát được gọi là thâm nhập. Hơn nữa, này Xá-lợi-phất, Bồ-tát, bậc đại nhân, người đang đạt được trí tuệ ba-la-mật nên gọi là ‘thâm nhập’ vì ngài thâm nhập vào Tánh-không của thực chất nguyên bản. Do thế, này Xá-lợi-phất, Bồ-tát, bậc đại nhân thâm nhập vào trí tuệ ba-la-mật là thâm nhập vào bảy loại Tánh-không, gọi là thâm nhập. Do thế, này Xá-lợi-phất, Bồ-tát thâm nhập vào Tánh-không bằng phương tiện của bảy loại Tánh-không, bởi vì thế ngay cả không gọi là ‘thâm nhập’ hoặc ‘không thâm nhập’. Tại sao? Bởi vì Bồ-tát không phân biệt đây là sắc... như là ‘thâm nhập’ hay ‘không thâm nhập’."616

Cũng trong bài kinh này nhưng đoạn khác nói rằng:

"Này Xá-lợi-phất, làm thế nào mà Bồ-tát, bậc đại nhân thâm nhập vào trí tuệ Ba-la-mật?

Đức Phật dạy: Tại đây Bồ-tát, bậc đại nhân thâm nhập vào trí tuệ ba-la-mật. Thật ra, Bồ-tát không phải là Bồ-tát, cũng không có từ ‘Bồ-tát’, cũng không có tiến trình Bồ-tát, cũng không có trí tuệ ba-la-mật, cũng không có từ ‘trí tuệ ba-la-mật’.

Bồ-tát không phân biệt ‘Bồ-tát đang thâm nhập’ cũng không có ‘Bồ-tát không thâm nhập’. Bồ-tát không phân biệt sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tại sao? Bởi vì Bồ-tát, bậc đại nhân là không cả chính bản thân Bồ-tát. Tại sao? Đó chính là thực tánh chân thật của Bồ-tát. Vì thế ngang qua Tánh-không, sắc... là không. Cũng không có là không, không khác sắc..."617

Vì thế, trí tuệ ba-la-mật cũng hiểu là Tánh-không. Như chúng ta đã nói ý nghĩa Tánh-không trong chương trước,618ở đây chúng ta chỉ nói gọn Tánh-không được xem như con đường Trung đạo giữa các cực đối đãi giữa hiện hữu và phi hiện hữu tuyệt đối.

Trong kinh Lăng già (Laṇkāvatāra-sūtra, 楞伽經) đã chỉ ra hiện hữu và phi hiện hữu tuyệt đối như là những thuật từ đối đãi, từ này chứng minh sự cần thiết của từ khác.619Ngài Long thọ đã biện luận quan điểm của ngài trong cách ngôn của Bát bất là tóm gọn các lời dạy về Tánh-không mà Tánh-không này đã thật sự phơi bày hệ thống nguyên lý xa xưa của Đức-phật về lý Duyên-khởi (Paṭicca-samuppāda, Skt. Pratītya-samutpāda, 緣起). Tánh-không đã chỉ ra sự vắng mặt của cơ sở tự hiện hữu tuyệt đối trong tất cả các pháp hoặc hiện tượng (dharma-natrātmya, 法空).620Điều này cũng ám chỉ sự không hiện hữu của bất cứ hiện tượng và thực thể tự tạo và không tự tạo.

Các nhà triết học đi xa hơn và giải thích Tánh-không như phi hữu tuyệt đối (abhāva, 非有). Nhất-Bách-Thiên-tụng Bát-nhã Ba-la-mật (Satasāhasrikā Prajñā-pāramitā,一百千頌般若波羅密經)621dạy rằng:

"Vô minh là không hiện hữu, luân hồi là không hiện hữu; thức, danh-sắc, sáu căn, sáu căn, xúc, thọ, khát ái, chấp thủ, hữu, sanh, già, bịnh, chết là không hiện hữu (avidyamāna)... Bồ-tát không phân biệt nguồn gốc hay tiêu diệt, ô nhiễm hay thanh tịnh, bên này hay bên khác của các pháp hiện tượng. Nếu một nhà ảo thuật tài giỏi tạo ra đám đông trong quãng trường và đem trí tuệ ba-la-mật vì họ mà thuyết giảng để an trụ tất cả chúng sanh trong đó, nhưng thật ra không có an trụ bất cứ chúng sanh nào trong trí tuệ ba-la-mật, bởi vì tất cả các pháp và chúng sanh là cùng bản chất, chúng như mộng ảo (māyā-dharmatā)... Tất cả các pháp tồn tại trong sự không tồn tại. Các pháp không chỉ không mà đồng nghĩa với Tánh-không. Các pháp là ngắn ngủi, đau khổ, không bản thể, trống không, vô tướng, vô mục đích, không tạo và không kết. Tại đây không có sắc, thọ, tưởng, hành và thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp; không có khổ, nguyên nhân của khổ, khổ diệt và con đường đi đến khổ diệt; không có quá khứ, hiện tại và tương lai; không có các thành tố; không Bồ-tát, không Phật và không giác ngộ... Chính Bồ-tát cũng giống như bóng vang của vọng tưởng (māyā-purusa)."

Tóm lại, Nhất-Bách Thiên-tụng Bát-nhã Ba-la-mật đã mở rộng chủ thuyết của phủ định và đưa nó đến phạm vi tối cao. Kinh Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật (Vajracchedikā Prajñā Pāramitā,金剛般若波羅密經) cũng mô tả giống như vậy rằng nơi đây không có cá nhân, không có chất lượng, không có ý tưởng, không có học thuyết, không có chúng sanh để giải thoát, không tạo, không diệt, không Bồ-tát, không Phật và không bồ đề.622

Nói một cách khác, trí tuệ và Tánh-không là những nguồn khởi đầu cho sự nghiệp Bồ-tát-hạnh.

7) Phương tiện Ba-la-mật (Upāya Pāramitā, 方便波羅密)

Đây là ba-la-mật quan trọng nhất trong bốn ba-la-mật phụ. Upāya (方便) dịch là phương tiện, kế hoạch hay dụng cụ. Ứng dụng trong việc thuyết pháp là tùy theo khả năng người nghe mà dùng phương pháp (dụng cụ, kế hoạch) thích hợp để có hiệu quả và lợi ích cho thính giả. Đại-thừa tuyên bố rằng Đức phật dùng phương tiện hoặc phương pháp ban pháp thoại từng phần (phần đơn giản thấp như lý của kinh A-hàm, Phương-đẳng...) cho tới khi thấy khả năng thuần thục của thính giả rồi, ngài mới thuyết đầy đủ chân tánh cao siêu khó hiểu (qua các kinh như Bát-nhã, Pháp-hoa, Niết-bàn...)

Ngài Thiên-Thai thánh giả bên Trung Quốc đã phân chia cuộc đời thuyết pháp của Đức Phật theo bài kệ như:

Hoa-Nghiêm tối sơ tam thất nhật.
A-Hàm thập nhị, Phương-Đẳng bát,

Nhị thập nhị niên Bát-nhã đàm,

Pháp-Hoa, Niết-bàn cộng bát niên.

Tạm dịch:

Hoa-nghiêm trước nhất hai mốt ngày,
A-Hàm mười hai, Phương-đẳng tám,

Hai mươi hai năm bàn Bát-Nhã,

Pháp-Hoa, Niết-bàn cộng tám năm.

Trong kinh Diệu-pháp Liên-hoa chương IV, phẩm ‘Tín giải’ (信解品)623tường thuật một câu chuyện rất hay về việc sử dụng phương tiện thiện xảo như sau:

Có một người đàn ông nghèo thất lạc đứa con thơ đáng yêu. Đứa con thơ bé bỏ cha trốn đi qua một nước xa khác. Sau này, người cha trở nên giàu có, người con đi lang thang khắp nơi để xin thức ăn. Người cha bất thình lình gặp lại con, biết là con mình, nhưng không dám nhận; người con thấy vị này có thế lực lớn, giàu có, đầy binh lính canh gát liền sanh lòng khiếp sợ, hối hận về việc đến lầm nhà giàu này, nên hoảng sợ định bỏ chạy. Người cha biết nếu nhận mình làm cha, chàng cùng tử này sẽ không tin và khiếp sợ, nên dùng phương tiện thiện xảo (Upāya-kauśalya,方便) sai người hầu chạy đuổi theo chàng cùng tử đó nói rằng nơi đây cần thuê chàng làm người hốt phân trong nhà, rồi sau đó từ từ tiết lộ sự thật. Chàng cùng tử đồng ý làm thuê. Người cha đem quần áo rách rưới, thùng phân đến gần con nói rằng: "Người thường làm ở đây, đừng lại đi nơi khác, ta sẽ trả thêm giá cho ngươi... Nên phải an lòng, ta như cha của ngươi chớ có sầu lo." Bằng cách này, người cha đã tìm được cơ hội gần gũi và nói chuyện với con của mình và người con hạnh phúc được sống và làm việc tại đây cho đến mười hai năm. Cuối cùng, vào một ngày nọ người cha bịnh và biết ngày chết gần kề, nên gọi người con và cả thân tộc, quốc vương, quan đại thần, dòng Sát-lợi, hàng cư sĩ đến nói rằng: "Các ngài nên rõ, người này là con ta, của ta sinh ra... Nay ta có tất cả bao nhiêu của cải, đều là của con ta." Chàng cùng tử nghe nói rất vui mừng được điều chưa từng có.

Trong câu chuyện này, cha là Đức Phật, con là các Phật tử thuần thành. Lao động hốt phân là pháp thoại thấp về Niết-bàn. Tuyên bố về mối quan hệ ruột thịt cha con là pháp thoại cao của Đại-thừa.

Có nhiều nơi trong kinh Pháp-hoa này nói rằng Đức Phật Cồ-đàm thật sự đã giác ngộ cách đây nhiều kiếp và ngài vẫn còn sống mãi. Ngài chỉ thị hiện giả sanh như một con người và đạt giác ngộ dưới cây bồ-đề. Đây là phương tiện độ sanh của Đức Thế-tôn. Đặc biệt trong chương II phẩm "Phương tiện"624ý nghĩa phương tiện được sáng tỏ qua học thuyết Ba thừa (Triyānas) là Thanh-văn thừa (Śrāvaka-yāna, 聲文乘), Duyên-giác thừa (Pratyekabuddha-yāna, 辟支佛乘 hoặc 緣覺乘) và Bồ-tát thừa (Boddhisattva-yāna, 菩 薩 乘) để tương ứng với trình độ của người nghe:

"Bồ-tát thuyết pháp không mỏi mệt, trình bày các hạnh nghiệp của thế gian và theo tâm ý của chúng sanh mà ngài hiển lộ thân. Ngài không bao giờ chấp thủ vào các hành động và buông xả tất cả, thỉnh thoảng ngài thị hiện như một người vô minh hoặc như một bậc thánh, thỉnh thoảng thị hiện như đang ở ta-bà, hoặc trong trạng thái niết-bàn."

Phương tiện là cách thức trong đó Bồ-tát thực hiện để độ sanh cho có hiệu quả. Phương tiện ba-la-mật cũng gắn liền lòng từ bi và công đức (puṇya, 功 德). Các tổ Đại-thừa có lòng tin vững mạnh trong thực hành phương pháp thiện xảo để đạt trí tuệ tối thượng.

8) Nguyện Ba-la-mật (Praṇidhāna Pāramitā, 願波羅密)

William Jamesin trong tác phẩm ‘The Varieties of Religious Experience’ (Phương pháp Tu tập Đa dạng) đã trình bày tính chất tâm lý của thực nghiệm Nguyện (Praṇidhāna, 願) như sau:

"Như thể đó là trong ý thức con người, trong tri giác của thực tại, một cảm giác của sự hiện hữu khách quan, một khái niệm của điều mà chúng ta gọi là ‘một cái gì đó’ sâu lắng hơn và phổ biến hơn bất cứ cái gì đặc biệt hay đặc thù ‘Những tri giác với tâm lý hiện hành tin rằng có những thực thể hiện hữu để hoàn thành ước nguyện’."625

Thật ra, những người có lòng tín dường như đã chứng minh rằng lòng tín nguyện như thế là có thể xảy ra ở mỗi tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Và nguyện như thế chẳng những là cần thiết mà còn tạo ra lòng tín thành. Trong tác phẩm của mình, nhã lãnh tụ Ấn-độ Mahatma Gandhi đã nói: "Nguyện là chìa khoá của buổi sáng và là dây đai trong buổi tối"626nghĩa là chúng ta hãy bắt đầu một ngày với lời nguyện thì lời nguyện sẽ là nguồn suối của hy vọng và cổ vũ giải quyết các hạnh nghiệp hàng ngày. Cũng thế vào cuối ngày cũng bắt đầu với lời nguyện sẽ có thể khiến chúng ta dừng các lo lắng về cái gì chúng ta đã làm và để lại những gì chúng ta chưa làm. Một mặt, nguyện giúp chúng ta thánh hóa công việc hàng ngày như một sự cúng dường lên chư Phật và mặt khác giúp hoàn thành các lời nguyện. Vì thế, nguyện là ‘những nguyên lý tinh thần cần thiết.’627

Bởi lẽ nguyện không chỉ là tuyệt đối cần thiết cho việc tu tập chân lý và bất hại (ahiṁsā, 不害) mà còn giúp trong việc thực hành những lời nguyện.

Theo Gandhi, điều cốt yếu của nguyện là đưa đến hoà bình và trật tự trong từng đời sống cá nhân và xã hội như: "Không cầu nguyện thì không có hoà bình bên trong", "Người cầu nguyện tự vị ấy sẽ có hoà bình nơi vị ấy và toàn thế giới... Cầu nguyện không chỉ là phương tiện mang trật tự, an lạc mà còn ảnh hưởng đời sống hàng ngày của chúng ta."628

Khi lòng tin thuần thục, nguyện đạt được sự an lạc bên trong, tạo ra tư tưởng cao thượng rồi hiển hiện nơi lời nói và hành động của tình thương và chân lý cũng như hành động của vô ngã. Tất cả điều này tăng sự thanh tịnh trong tâm. Gandhi nói:

"Cầu nguyện không phải là độc nhất. Cầu nguyện không giới hạn trong cộng đồng hay giai cấp của người khẩn cầu mà bao gồm tất cả mọi giai cấp. Điều này có nghĩa cầu nguyện sẽ là sự thiết lập cảnh giới thiên đường trên trái đất."629

Ngài Tịch-thiên trong Đại-thừa tập Bồ-tát học luận (Śikṣāsamuccaya) đã giải thích sự cần thiết của nguyện (Praṇidhāna) như giai đoạn đầu tiên thiết yếu trong tu tập Bồ-tát-hạnh (Bodhisattva-caryā) như sau:

"Bạch đức Thế-tôn, lời nguyện chân thật là cội nguồn phẩm chất của Đức phật. Người mà không có nguyện thì không có phẩm hạnh của Đức Phật. Bạch Đức Thế-tôn, khi Bồ-tát lập lời nguyện, ngay cả lúc đó không có chư Phật hiện hữu, nhưng pháp âm từ hư không, từ các cây đầy hoa đã vang đến. Khi Bồ-tát lập nguyện, tất cả những pháp âm từ nguồn tâm của Bồ-tát tuôn ra. "630

Nguyện của Bồ-tát xuất phát từ sự giác tỉnh của Bồ-tát về thế giới đau khổ. Tuy nhiên, đứng về quan điểm cao hơn của chân lý, lời khẩn nguyện đến những đối tượng mà đối tượng ấy không tồn tại hiện hữu trên đời là lời vô lý tột bực. Nhưng lòng từ bi của Đức phật không thể cảm ứng đạo giao mà không có quan điểm rõ ràng về mối quan hệ giữa tục đế và chân đế. Trí tuệ của Bồ-tát được tu tập ngang qua sự phản chiếu của triết lý và sự tĩnh lặng của thiền định, nơi mà thế giới cảm ứng đến lời nguyện này, cầu cho trí tuệ cao hơn được khai sáng bằng cách hiển lộ bản năng Tánh-không, hiển lộ bí mật thâm sâu nhất của tinh thần ẩn bên trong chính từng hoạt động của đời sống hàng ngày. Sự truy tìm chân lý của Bồ-tát lên đến cực điểm trong sự thực nghiệm trực tiếp của khái niệm triết lý mà Bồ-tát nhận thức qua việc nghiên cứu và quán chiếu. Đồng thời, từ bi xuất phát từ lời nguyện chân thành của Bồ-tát và từ bi được tăng trưởng cùng với trí tuệ, thành một tổng thể khẳng định của sự đồng nhất Tánh-không và sắc, lên đến tột bậc trong tánh vị tha thương yêu tất cả chúng sanh còn đang ngụp lặn trong vòng vọng tưởng của thế giới hiện hữu.

Với tuệ giác vào Tánh-không và lý Duyên-khởi như nhánh cầu nối giữa quy luật tất yếu của tục đế với trí tuệ soi thấy bản chất vọng ảo, Bồ-tát đạt được trí tuệ và lực ba-la-mật khiến tâm Bồ-tát tràn trề ý tưởng thương yêu đồng cảm cho vô số chúng sanh đang đắm chìm trong vòng sợ hãi và đau khổ. Sự thương yêu tràn trề đối với các chúng hữu tình đang đau khổ như một tình cảm tự nhiên của sự hoà hợp hoàn hảo giữa tình và lý. Từ bi thì sâu sắc tương ứng với trí tuệ đạt được qua sự quán chiếu triết học. Ngược lại, tình yêu thương vô bờ trở thành sự biểu hiện lãnh vực vận hành tích cực của ‘trí tuệ như một hiệu quả’ đã tìm thấy sự hiện thân của trí tuệ trong một lực đẩy cuối cùng để mang sự hạnh phúc và niết-bàn cho tất cả chúng sanh, những người mà từ khởi thuỷ đã đồng nghiệp không chỉ bởi sự vô minh và đau khổ trong thế giới mà còn bởi bản chất bên trong thân tâm, mà bản chất này là không có bất cứ nền tảng siêu việt nào cho sự nhận thức, khái niệm hoá hoặc chấp thủ. Lời nguyện của Bồ-tát là lời nguyện của tình thương trong sáng và tao nhã được khởi lên và nuôi dưỡng trong trí tuệ mà trí tuệ đó vượt xa hơn bất cứ những lời khẳng định nào.

Có bốn hoằng thệ nguyện (Praṇidhāna) nổi tiếng của Bồ-tát mà hầu hết các tông phái thuộc các nước Đông-nam-á chấp nhận. Bốn hoằng thệ nguyện này xuất phát từ kinh Bát-thiên-tụng Bát-nhã (Fasc.8),631Diệu-pháp Liên-hoa (chương III), kinh Trang-Nghiêm Bồ-tát (Bodhisattva Ornament, tập I trong 2 tập)...632Bốn hoằng thệ nguyện633như sau:

1. Nguyện cho con cứu độ chúng sanh, người mà không thể vượt qua được đau khổ.
2. Nguyện cho con cứu độ chúng sanh, người không hiểu được lýù Duyên-khởi.

3. Nguyện cho con cứu độ chúng sanh, người không vững chải trên đạo lộ.

4. Nguyện cho con cứu độ chúng sanh, người không tuệ giác được Niết-bàn.

Từ bốn lời nguyện này, cuối cùng tạo ra một công thức Bốn hoằng thệ nguyện (四弘誓願) khác tương tự và khá nổi tiếng và đặc biệt trong các chùa Đại-thừa thường tụng ở mỗi khoá lễ như sau:

"Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ;
Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn;

Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học;

Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành."

(眾生無邊誓願度,煩惱無盡誓願斷,法門無量誓願學,佛道無上誓願成)634

Theo truyền thống Đại-thừa, có ba vị Bồ-tát lớn là Bồ-tát Quan-thế-âm (Avalokiteśvara, 觀世音菩薩) tượng trưng cho lòng từ, Bồ-tát Văn-thù (Mañjuśri, 文殊師利菩薩) tượng trưng cho trí tuệ và Bồ-tát Phổ-hiền (Samantabhadra, 普賢菩薩) tượng trưng cho lời thệ nguyện. Trong những nguyện của chư Bồ-tát đã thể hiện tột đỉnh lý tưởng của Bồ-tát là chỉ thương yêu quan tâm đến chúng sanh đau khổ và chuyển hóa họ giác ngộ theo pháp thoại của chư Phật.

Bồ-tát là người khát khao đạt được trí tuệ ba-la-mật tại thế giới của chúng sanh vô minh vọng tưởng không biết giải pháp thoát khổ. Bồ-tát có trí tuệ hoàn hảo trong thế giới hữu vi này và vì lòng từ bi vô lượng, nhẫn chịu vô biên nên phát đại nguyện thệ độ chúng sanh vô tận. Độ chúng sanh vô tận mà không có chúng sanh nào được độ, đó là nguyện ba-la-mật.

9) Lực Ba-la-mật (Bala Pāramitā, 力波羅密)

Sự tu tập của Bồ-tát đến trình độ này bao gồm chủ yếu sự củng cố những năng lực mạnh mẽ như thành quả quan trọng của tinh thần thuần thục. Những năng lực này đóng vai trò trong sự thúc đẩy Bồ-tát phát tâm mạnh mẽ đến độ sanh trong thế giới của tất cả chúng hữu tình. Bồ-tát không những chỉ hiểu nội dung của học thuyết và khái niệm của tất cả pháp thoại của Đức Phật về Tánh-không, mà còn có khả năng chuyển hoá tri và kiến cho mọi người trong vô số cách và phương tiện.

Có lẽ yếu tố có ý nghĩa nhất trong bốn ba-la-mật phụ là lực ba-la-mật, bởi lẽ chính lực ba-la-mật chuyển Bồ-tát đến thực hành hạnh nguyện. Mặc dù, trước kia Bồ-tát đã nỗ lực rất nhiều trong việc tu tập kiến tri các khái niệm trung tâm của Đại-thừa, kiến tri này không khiến Bồ-tát từ bỏ thế giới và an tĩnh niết-bàn, huống hồ trong sự vô ích của khái niệm thuần lý tưởng hoặc lý luận. Bồ-tát đã sống và ban pháp thoại đầy uy tín và danh thơm vang trong thế giới này. Những hạnh nghiệp của ngài đều thành tựu tốt đẹp, Bồ-tát không phí phạm năng lực trong những rối loạn hay mục đích không rõ ràng. Toàn thể thực nghiệm mỗi ngày của Bồ-tát là phản chiếu sức mạnh của lời hoằng thệ nguyện để phổ biến tuệ giác của Đức phật và đưa chúng giải thoát khỏi đau khổ.

10) Trí Ba-la-mật (Jñāna, 智波羅密)

Sự chiếu sáng của hành trình tâm linh và trí tuệ của Bồ-tát qua đến Trí Ba-la-mật, từ đây tức thời làm tiền đề cho ngài chuyển thành bậc tuệ giác hoàn toàn. Sự kiện ý nghĩa nhất của trình độ này và biểu tượng cao nhất của thành tựu tối thượng của Bồ-tát là bước vào trạng thái thiền định của tâm cân bằng được khởi lên từ Trí-tuệ bất nhị của Tánh-không. Đây cũng là bước nhập môn của Bồ-tát vào cổng Nhất thiết trí của Đức Phật, tức trí tuệ tinh hoa nhất.

Thật là khó để phân biệt giữa Trí-tuệ Ba-la-mật (Prajñā Pāramitā, 智慧波羅密) và Trí Ba-la-mật (Jñāna Pāramitā, 智波羅密). Đây là một bằng chứng trí bất nhị (Tánh-không) là không tách rời thực nghiệm của Bồ-tát đối với tất các các mặt khác của nó. Chính thực nghiệm này trong cả hai lãnh vực khái niệm và nhận thức luận. Trí là tri giác trong sáng và hoàn hảo của tâm, nơi mà không nắm giữ bất cứ khái niệm cụ thể hoá nào. Đây là sự thức tỉnh trực giác và duy trì chân lý cho một Bồ-tát, ý nghĩa và sự hiện hữu không chỉ tìm thấy trên mặt phân giới giữa những thành tố không bền chắc và liên tục chuyển đến mạng lưới phức tạp của các mối quan hệ trong đời sống hàng ngày, trong khi trí là sức mạnh của tuệ giác đưa đến trạng thái của năng lực giải thoát, dụng cụ chính xác có khả năng uyển chuyển vượt qua các chướng ngại của hình thức ô nhiễm và các chấp thủ thâm căn cố đế di truyền trong tư tưởng và hành động. Trí ba-la-mật có một định tính phân tích như một đặc tính đặc thù của trí bất nhị phát khởi khi Bồ-tát đạt được trí ba-la-mật. Nói một cách khác, trí ba-la-mật giống với trí tuệ ba-la-mật, nhưng trí ba-la-mật thì nghiêng về phần khả năng tri giác, còn trí tuệ ba-la-mật nghiêng về phần khả năng trực giác.

Đã giải thích xong quan điểm của Đại-thừa về vai trò của Tánh-không trong mười ba-la-mật. Bây giờ chúng ta đến khảo sát về ba-la-mật.

Ba-la-mật có ba loại: thấp, giữa và cao.

1) Dāna Pāramī: Bố thí bậc thấp (下分布施)
Do khởi tâm từ bi, bố thí cho thân quyến, vợ, con gọi là bố thí bậc thấp. (Karuṇopāya kosalla paritahitā putta dārassa paricāgo dāna Pāramī nāma).

2) Dāna Uppapāramī: Bố thí bậc trung (中分布施)
Do khởi tâm từ bi mà bố thí tứ chi gọi là bố thí bậc trung. (Karuṇopāya kosalla paritahitā aṅga paricāgo dāna ūpapāramī nāma).

3) Dāna Paramattha pāramī: Bố thí bậc thượng (上分布施)
Do khởi tâm từ bi mà bố thí sinh mạng gọi là bố thí bậc thượng. (Karuṇopāya kosalla paritahitā jīvita paricāgo dāna paramattha pāramī nāma).

Mỗi mười ba-la-mật có ba bậc nên thành ba mươi ba-la-mật. Cũng chú ý rằng tuỳ theo thời gian tu tập Bồ-tát-hạnh mà mỗi Bồ-tát có chức năng khác nhau như:

1. Trí-tuệ Bồ-tát (Paññādhika Bodhisatta, 智慧菩薩): nghĩa là Bồ-tát tu tập trí tuệ và ngài trải qua ít nhất bốn a-tăng-kỳ kiếp (asaṅkheyyas, 阿增祇劫) và một trăm ngàn kiếp (kappas, 劫) để thực hành các ba-la-mật.

2. Tín tâm Bồ-tát (Saddhādhika Bodhisatta, 信心菩薩) nghĩa là Bồ-tát tu tập tín tâm và ngài trải qua ít nhất tám a-tăng-kỳ kiếp (asaṅkheyyas) và một trăm ngàn kiếp (kappas) để thực hành các ba-la-mật.

3. Tinh tấn Ba-la-mật (Viriyādhika Bodhisatta, 精進菩薩): nghĩa là Bồ-tát tu tập tinh tấn và ngài trải qua ít nhất mười sáu a-tăng-kỳ kiếp (asaṅkheyyas) và một trăm ngàn kiếp (kappas) để thực hành các ba-la-mật.635

Người bình thường thì muốn sống hiền hoà vì muốn hiện đời và kiếp sống tương lai được hạnh phúc. Cao hơn một tầng, hành giả tu tập theo lý tưởng Thanh-văn thừa để giải thoát khỏi vòng vô tận của sanh tử và an hưởng niết-bàn. Cao nhất là Bồ-tát tu tập theo Đại-thừa, trì hoãn sự giải thoát của cá nhân, lưu lại trần thế, đồng sự với chúng sanh hành Ba-la-mật khiến chúng sanh giải thoát trước, rồi Bồ-tát là người cuối cùng.

Trí tuệ Bồ-tát (Intellectual Bodhisattvas, 智慧菩薩) ít nghiêng về lòng tin mà nghiêng về nỗ lực, trí tuệ (Paññā, 智慧). Tín tâm Bồ-tát ít thiên về nỗ lực nhưng thiên về lòng tin. Tinh tấn Bồ-tát ít nghiêng lòng tin, nhưng thiên về nỗ lực. Ít ai có đủ ba tánh cách đầy đủ một lúc, chỉ trừ đức Như lai. Bậc tín tâm Bồ-tát (Saddhā, 信 心) có thể đạt giác ngộ trong thời gian ngắn. Bậc tín tâm Bồ-tát thì trải qua thời gian dài hơn trong khi bậc tinh tấn (Vīriya, 精進) thì dài hơn hai vị trên.

Bồ-tát trí-tuệ chỉ tập trung tu tập trí tuệ và tăng trưởng thiền định hơn là quán sát các đối thể bên ngoài để kính ngưỡng. Bồ-tát luôn hành động theo lý trí chứ không bị dẫn dắt hoặc nô lệ bởi lòng tin. Các Bồ-tát này thích thiền định. Mặc dù im lặng nhưng năng lực an lạc của tuệ giác Tánh-không từ tâm toả ra khiến chuyển hoá chúng sanh bớt khổ.

Tóm lại, lý tưởng Tánh-không (Śūnyatā, 空性) ứng dụng trong sự tu tập tất cả các ba-la-mật (Pāramitās, 波羅密). Các ba-la-mật được thanh tịnh hoá và được thực hành trong một tiềm năng cao nhất. Vì vậy, Bồ-tát nên tu tập mười ba-la-mật tuần tự và tất cả ngã, nhân, pháp, chúng sanh Bồ-tát gặp trên con đường thực hành Bồ-tát-hạnh đều là mộng ảo, không thật. Đây là cách tốt nhất để hiển lộ các đức hạnh ba-la-mật trong thành tựu hạnh của Bồ-tát. Nói cách khác, Tánh-không và ba-la-mật là những suối nguồn làm tăng trưởng đạo đức của Bồ-tát. Từ tuệ giác bản chất thật của Tánh-không, lý tưởng Bồ-tát tương ứng với mười ba-la-mật sẽ đưa đến những thành tựu như bảng đồ minh họa sau:

Bảng X

VAI TRÒ CỦA TÁNH-KHÔNG TRONG MƯỜI BA-LA-MẬT

Ba-La-Mật

Bản chất

Đặc tính

Thành tựu

Ba-La-Mật

1

Bố-thí ba-la-mật

布施波羅密

(Dāna Pāramitā)

Tinh thần buông xả, không chấp thủ hoà hợp với Tánh-không

Cho ra

(Không nắm giữ)

Vô ngã (Nairātmya)

2

Trì-giới ba-la-mật

持戒波羅密

(Śīla Pāramitā)

Thanh tịnh, trong sáng và thanh cao

Trì giữ giới luật

Đối xử đúng đắn

(Kuśala-karma-patha)

3

Nhẫn-nhục ba-la-mật

忍辱波羅密

(Kṣānti Pāramitā)

Vắng mặt của sân hận và lòng tham muốn trả thù, oán hận

Từ bi và chịu đựng

Mềm mại và nhu nhuyến

4

Tinh-tấn ba-la-mật

精進波羅密

(Vīrya Pāramitā)

Diệu dụng linh động và tích cực của Tánh-không

Nhiệt tình nỗ lực

Chuyển ác nghiệp thành thiện nghiệp, không giãi đãi, buông lung, thất vọng, tự nỗ lực cho đến ngày đạt giác ngộ.

5

Thiền-định ba-la-mật

禪定波羅密

(Dhyāna Pāramitā)

Trạng thái an tĩnh thâm trầm của Tánh-không

Tư tưởng đúng đắn tự do, cân bằng tâm lý, không chấp thủ vào ngã

Nội lạc và phát triển trí tuệ

6

Trí-tuệ ba-la-mật

智慧波羅密

(Prajñā Pāramitā)

Sáng suốt trực giác

Biết Tánh-không như thật của các pháp, nên tự tại giữa các pháp, không có sợ hãi

Giải thoát

7

Phương tiện ba-la-mật

方便波羅密

(Upāya Pāramitā)

Ưùng dụng uyển chuyển của Tánh-không

Trí tuệ sáng suốt có hiệu quả tốt

Thuyết pháp độ sanh cho đủ mọi tầng lớp chúng sanh

8

Nguyện ba-la-mật

願波羅密

(Praṇdhāna Pāramitā)

Nhu hoà và tín tưởng

Bắt đầu sự nghiệp mới từ Nguyện này

Duy trì liên tục Bồ-đề tâm nguyện cho đến ngày thành Phật đạo

9

Lực ba-la-mật

力波羅密

(Bala Pāramitā)

Hoạt động tích cực và đầy nhuệ khí

Biến thành hiện thực

Chuyển nhận thức hay nguyện thành thực tại

10

Trí ba-la-mật

智波羅密

(Jñanā Pāramitā)

Khả năng tri giác tánh bất nhị (Tánh-không)

Sáng suốt không sai lầm

Trí biết tất cả pháp

Giới-Định-Tuệ

Sáu ba-la-mật (波羅密) cũng được tìm thấy trong công thức giới (śīla, 戒), định (samādhi, 定) và tuệ (paññā, 慧), còn gọi là tam môn vô lậu học (Śikṣās).636Do giới mà có định, do định mà có tuệ nên đây là một đỉnh ba chân không tách rời nhau.

Trong Mahā Vyutpatti637gọi là thiện giới (adhi-śīla, 善戒), thiện tâm (adhi-citta, 善心) và thiện tuệ (adhi-prajñā, 善慧). Tiếp đầu ngữ adhi đứng đầu để chỉ sự quan trọng và tiên quyết của ‘thiện’. Tâm (Citta, 心) đồng nghĩa với định. Thiện tâm và thiện tuệ giống như thiền ba-la-mật và trí ba-la-mật. Giới cùng với nhẫn từ từ được kết hợp với nhau như một yếu tố quan trọng. Cả hai ba-la-mật này thường đi đôi với nhau ngay cả trước khi công thức cuối cùng của sáu ba-la-mật này được hình thành.

Tinh tấn được chia ở ba thiện: thiện giới (thường thích hợp với cư sĩ tu tập), thiện tâm và thiện tuệ (cho bậc xuất thế tu tập). Bố thí ba-la-mật vào thời gian đầu đi riêng rẽ một mình, sau đó bố thí được đi cùng với trì giới. Bố thí và trì giới được xem như sự tu tập của cư sĩ để cầu hạnh phúc cho tương lai tái sanh. Một pháp thoại mà Đức Phật thường nói:

"Đức Phật thường thuyết pháp về bố thí trước, rồi trì giới và cõi trời." (Dāna-kathaṁ Śīla-kathaṁ sagga-kathaṁ.)638

Đây là cẩm nang hoàn toàn cho người tại gia. Đối với bậc xuất thế ẩn cư không nhà, Đức Phật khuyên phải tu tập:

"Các phiền não thấp kém và sự nguy hiểm của dục lạc." (Kāmānaṁ Ādinavaṁ okāraṁ samkilesaṁ.)639

Vì vậy, bố-thí là bước đầu cho người bình thường được đặt trước giới như một bổn phận riêng biệt mặc dù về mặt lô-gíc nó cũng bao gồm hạnh đạo đức (giới luật).640

Bố thí và trí tuệ được thêm vào đầu và cuối mà chính giữa là giới và định và sáu ba-la-mật cũng phản ảnh sự ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo. Ngài Thế-thân (Vasubandhu, 世身) nhấn mạnh trong Trung luận rằng sáu ba-la-mật là nền tảng liên quan đến tam-vô-lậu học. Ba ba-la-mật đầu (bố thí, trì giới và nhẫn nhục) tương ứng với thiện giới; ba-la-mật thứ tư là tinh tấn được xem là thuộc cả ba thiện (thiện giới, thiện tâm và thiện tuệ); ba-la-mật thứ năm là thiền định tương ứng với thiện tâm và ba-la-mật thứ sáu là trí tuệ tương ứng với thiện tuệ như biểu đồ minh họa:

Bảng XI

Thiện giới

Thiện-tâm

Thiện-tuệ

(Adhi-śīla, 善 戒)

Bố thí / Trì giới / Nhẫn nhục

(布 施, 持 戒, 忍 辱)

(Adhi-citta, 善 心)

Thiền định

(禪 定)

(Adhi-prajñā, 善 慧)

Trí tuệ

(智 慧)

───────────────────────┬─────────────────────

Tinh tấn (精 進)

Cũng có sự phân chia các ba-la-mật thành hai nhóm (tinh tấn như nhóm trung lập) dựa trên học thuyết tư lương (sambhāra, 資糧) của Bồ-tát. Tư lương nghĩa là ‘cái mang theo riêng’ như ‘vật chất và những thành phần yêu cầu’, ‘những điều kiện cần thiết’ và ‘vật trang bị’. Theo Trung-anh Phật-học Tự-điển,641tư lương nghĩa là sự cung cấp cho thân thể hoặc tinh thần như thực phẩm, thức ăn, trí tuệ, giải trí vv... Tư lương bao gồm phước đức puṇya (功德) do những thiện hạnh trong đời sống hàng ngày và trí (jñāna, 智) đạt được do thiền và trí tuệ. Công đức đưa đến phước báu, hạnh phúc, giàu sang và an lạc trên cõi trời và người, trong khi trí tuệ đưa đến giải thoát vĩnh viễn. Sự tích tụ công đức như mục đích của cư sĩ trong khi sự tu tập trí tuệ là nơi hướng đến của các bậc chân tu xuất thế.

Theo ngài Thế-thân, hai ba-la-mật đầu (bố thí và trì giới) là đưa đến công đức; ba-la-mật cuối (trí tuệ) thuộc về trí huệ và ba ba-la-mật còn lại (nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định) thuộc về tư lương như bản biểu đồ minh họa sau đây:

Bảng XII

Bố thí / Trì giới

Trí tuệ

Nhẫn nhục / Tinh tấn / Thiền định

Công đức

Trí huệ

Tư lương

Tuy nhiên, sự ứng dụng các kết quả của tất cả ba-la-mật cho việc đạt giác ngộ thật ra không cần phân biệt giữa phước đức trần thế và trí tuệ siêu việt và tất cả các ba-la-mật được coi như giúp cho Bồ-tát thành tựu ước nguyện. Trong cách này, ngài Thế thân đã cố gắng thống nhất và thăng hoa các hoạt động xã hội và thiền định xuất thế trong mục đích duy nhất của Bồ-tát truy tìm bồ-đề (Bodhi, 菩提).

Vì vậy, sáu ba-la-mật liên quan với vài khái niệm căn bản của Phật giáo thời kỳ đầu. Thật ra, không có gì mới trong công thức của sáu ba-la-mật: tất cả mục này được tìm thấy trong kinh tạng Nguyên-thủy, nhưng sau này được các nhà Đại-thừa đối chiếu để làm nổi bật những điểm khác nhau giữa các ba-la-mật của Đại-thừa với 37 phẩm trợ đạo -(三十七助道品) của Tiểu-thừa và để so sánh lý tưởng Bồ-tát của Đại-thừa với lý tưởng A-la-hán của Tiểu-thừa. Thật là ngạc nhiên khi thấy các ba-la-mật của bố thí, trì giới và nhẫn nhục không có trong bổn phận tu tập của chư tăng Tiểu-thừa, dường như rằng không bao gồm những phục vụ lợi tha và đồng cảm xã hội.642

Giai đoạn đầu, Đại-thừa Phật giáo đã có công trong việc kết hợp các đức hạnh xã hội của cư sĩ Phật tử với lý tưởng ẩn sĩ an tu của chư tăng trong công thức ba-la-mật. Vì thế, Đại-thừa làm nhánh cầu để nối chỗ cách khoảng giữa quần chúng xã hội và đời sống tu viện. Các nhà Đại-thừa đã đưa ra mẫu Bồ-tát lý tưởng không dừng tu tập bố-thí và nhẫn nhục trong đời sống xã hội khi Bồ-tát đang tiến đến các tầng nấc cao của thiền định và trí tuệ. Sáu ba-la-mật này không mới, nhưng cách thức của vị trí kề nhau được các nhà Đại-thừa xếp đặt lại. Các nhà Đại-thừa thích công thức mới này hơn là công thức 37 phẩm trợ đạo, bởi lẽ 37 phẩm trợ đạo được xem là quá tu viện, không hoà xã hội trong phạm vi và khuynh hướng của họ. Bố thí và trì giới có thể chỉ đưa Phật tử đến cổng của cõi trời thọ hưởng phước báu, niềm vui (như Tiểu-thừa đã chủ trương) mà không được xem trọng như thiền định và trí tuệ. Tất cả các ba-la-mật được phân chia và được xem là những thành tố không tách rời cho việc đạt giác ngộ.

Nhiều kinh đã tán dương các ba-la-mật như là ‘đại dương lớn cho tất cả các nguyên lý tốt đẹp và đức hạnh thanh cao’ và mang an lạc, hạnh phúc đến cho chúng sanh. Ba-la-mật là những người bạn tốt của Bồ-tát. Ba-la-mật là ‘đạo sư, con đường và ánh sáng’. Ba-la-mật là ‘nơi quy y và trú ẩn, là nơi ủng hộ và thiêng liêng’. Ba-la-mật thật sự là ‘cha mẹ của tất cả chúng sanh’, ngay cả chư phật cũng là ‘con của ba-la-mật’.643

Những tánh cách chung nào đó được quy cho tất cả các ba-la-mật như là một nhóm. Ba-la-mật tế nhị, vô tư, tối thượng, quan trọng và bất diệt. Ba-la-mật có thể đưa đến an lạc, tái sanh an lành, thanh thản, không ngừng tu tập tinh thần, thiền định và trí tuệ cao nhất. Ba-la-mật là sự giải thoát khỏi ô nhiễm của dục vọng, thiên kiến, vô minh và tự mãn. Ba-la-mật được đặt trong thứ tự và hình thành một sự phối hợp tiến triển của các hạnh nghiệp. Sự tu tập ba-la-mật này không thể không có sự tu tập của ba-la-mật trước đó.

Phẩm hạnh của Bồ-Tát

Bên cạnh tu tập các ba-la-mật, cũng có những đặc tánh chính của Bồ-tát đã toát lên trong quá trình tu Bồ-tát đạo:

i) Bồ-tát lưu chủng tử (留種子)như một nguyên nhân cho các hạnh nghiệp Bồ-tát.

Nghĩa là Bồ-tát hy vọng tái sanh lại cõi người nhiều lần để độ sanh, muốn như vậy Bồ-tát phải thị hiện lưu chủng tử tái sanh như luận Duy thức (Vijñaptimātratā-siddhi, 唯識) đã trình bày:

"Bồ-tát lưu các phiền não chướng (kleśāvaraṇa) để nguyện thọ sanh vào cõi tà-bà (saṁsāra)".644

(留煩惱障,助願受生).

Bồ-tát tái sanh với đầy đủ tâm và thức biết nơi mà ngài chọn để tái sanh. Thật ra, Bồ-tát không ô nhiễm bởi các phiền não, nhưng chỉ thị hiện lưu chủng tử để tạo nguyên nhân sanh trong vòng Duyên-khởi (緣 起), đây gọi là ‘trì giữ phiền não’.

ii) Đại từ bi (大慈悲)

Bồ-tát nên tu tập theo bốn mẫu tâm-vật lý của cách sống như từ (maitrī, 慈), bi (karuṇā, 悲),hỷ (muditā, 喜) và xả (upekṣā, 捨). Bốn đức hạnh này không đứng riêng rẽ hoặc rời rạc nhau và lòng từ có thể coi là trung tâm với ba hạnh khác tương quan nhau. Bi là nền tảng của từ (karuṇā) tượng trưng cho tình thương, kính trọng và quan tâm tất cả chúng sanh. Chính sự cụ thể của tình thương, tình cảm cho rằng đời sống quý giá đối với chúng ta và ngược lại cũng quý giá đối với chúng sanh khác, nên yêu thương tất cả như chính bản thân mình. Hỷ (Muditā) là niềm vui đồng cảm với việc thiện. Hỷ là sự hạnh phúc trong tất cả sự hạnh phúc, là hệ quả của lòng từ. Xả (Upekṣā) là điều kiện tiên quyết của lòng từ, tượng trưng cho lòng từ đến tất cả chúng sanh và cũng có nghĩa là sự trầm tĩnh, vô tư.

Trong tự điển Pali-Anh đã định nghĩa lòng từ (Karuṇā) như sau:

"Ước muốn mang lợi ích và an lạc đến cho chúng sanh (ahita-dukkha-apanayakammata) hoặc muốn loại bỏ phiền não và đau khổ cho chúng sanh. Lòng Từ cũng chỉ một trạng thái cao thượng thương yêu tất cả chúng sanh (paradukkhe sati sadhunam hadaya-kampanam karoti)."645

Lòng đại từ là động cơ chính của Bồ-tát, người đã hy sinh sự an tĩnh của bản thân vì an lạc cho số đông và vì lòng từ thương xót thế giới đau khổ này. Lòng đại từ là đặc tính chính của lý tưởng Bồ-tát để phục vụ xã hội như Peter Harve đã nói:

"Lòng từ là động cơ chính và được nhấn mạnh nhiều trong phẩm hạnh của Bồ-tát. Theo Phật giáo (ở phương đông và bắc) sau khi thọ giới xong, lập hạnh nguyện Bồ-tát, như một lời hứa nghiêm trang để diễn tả lòng từ bi nỗ lực giúp tất cả chúng sanh. Lòng từ này được biểu hiện qua sự tu tập liên tục về các hạnh bố thí ba-la-mật, trì giới ba-la-mật, nhẫn nhục ba-la-mật, tinh tấn ba-la-mật, thiền định ba-la-mật và trí tuệ ba-la-mật. Phật giáo (ở phía Nam) trì giữ mười ba-la-mật như những phẩm hạnh cao thượng để trợ duyên cho lợi ích của chúng sanh."646

Trong kinh Diệu-pháp Liên-hoa, Đức Phật nói rằng bởi vì chúng sanh đau khổ trong sáu cảnh khổ, Bồ-tát phát khởi lòng từ vô lượng để dẫn dắt chúng đến một đạo lộ tốt đẹp hơn như sau:

"Ta dùng mắt Phật xem
Thấy sáu đường chúng sanh

Nghèo cùng không phước huệ

Vào đường hiểm sanh tử

Khổ nối luôn không dứt

Sâu tham nơi ngũ dục

Như trâu ‘mao’ mến đuôi

Do tham ái tự che

Đui mù không thấy biết

Chẳng cầu Phật thế lớn

Cùng pháp dứt sự khổ

Sâu vào các tà kiến

Lấy khổ muốn bỏ khổ

Phật vì chúng sanh này

Mà sanh lòng đại bi."
647

(我以佛眼觀,見六道眾生,貪窮無福慧,入生死險道,相續苦不斷,深著於五欲,如犛牛愛尾,以貪愛自蔽,盲瞑無所見,不求大世佛,乃與斷苦法,入諸邪見,以苦求捨苦為是眾生故,而起大悲心).648

Đức Phật cũng khẳng định rằng phát triển lòng đại từ nghĩa là phát triển tâm và ngược lại phát triển tâm là phát triển lòng từ:

"Này La-hầu-la, tăng trưởng tâm là tăng trưởng sự thân thiện. Này La-hầu-la vì tăng trưởng tâm là tăng trưởng sự thân thiện nên ác cảm bị tan đi. Này La-hầu-la, tăng trưởng tâm là tăng trưởng lòng từ. Này La-hầu-la vì tăng trưởng tâm là tăng trưởng lòng từ nên sự hãm hại biến mất."649

Trong chương XXIV, phẩm "Diệu-âm Bồ-tát" (Bodhisattva Gadgadasvara, 妙音菩薩) tường thuật từ sự nhập định của Hiện-nhất-thiết-sắc-thân-tam-muội (Sarvarūpasandarśana, 現一切色身三妹), Bồ-tát Diệu-âm vì lòng đại bi hiện đủ thứ thân hình vì chúng sanh mà ban pháp thoại. Các thân tướng như thân Phạm-vương, Đế-thích, Đại-tự-tại-thiên...Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, đồng nam, đồng nữ, hoặc hiện thân trời, dạ-xoa, càn-thát bà...

Bồ-tát Quan-thế-âm tượng trưng cho chúa tể của lòng từ cũng được diễn tả trong chương XXV, phẩm "Quán-thế-âm Bồ-tát Phổ môn" của kinh Pháp-hoa như sau:

"Diệu âm, Quán-thế-âm
Phạm-âm, Hải-triều-âm

Tiếng hơn thế gian kia

Cho nên thường phải niệm

Niệm niệm chớ sanh nghi

Quan-âm, bậc tịnh thánh

Nơi khổ não nạn chết

Hay vì làm nương cậy

Đủ tất cả công đức

Mắt lành trông chúng sanh

Biển phước lớn không lường

Cho nên phải đãnh lễ!"
650

(妙音,觀世音,梵音海潮音,勝彼世間音是故常修念,念念物生疑,觀世音淨聖,於苦煩死危,能為作依估,具一切功德,慈眼現眾生福眾海無量,是故應頂禮).651

iii) Địa vị Bất thối chuyển (地位不退轉)

Bồ-tát là bậc tu tập theo lý tưởng của Đại-thừa (Mahāyāna, 大乘) chứ không theo thừa khác. Đại-thừa là đại pháp (大法). Nếu Bồ-tát tin vào đại pháp, tức Bồ-tát tin vào cửa pháp của Đại-thừa. Bồ-tát cần có lòng tin rộng lớn, bởi vì Phật pháp rộng lớn như biển cả và chỉ có thể bước vào (法門) bằng lòng tín (信心). Lòng tin là mẹ của công đức và đức hạnh cho Bồ-tát tu tập. Vì thế, lòng tín bất thối chuyển trong Đại-thừa (không lui sụt xuống Tiểu-thừa hay Duyên-giác thừa) là một trong những đặc tính của hạnh Bồ-tát:

"Bồ-tát gọi là những bậc cởi bánh xe lớn (Đại-thừa, 大 乘), bởi vì Bồ-tát tu tập theo thừa này nên gọi là đại Bồ-tát (mahāsattvas, 摩 訶 薩)." 652

(...是 名:大 乘; 菩薩求此乘故, 名為摩訶薩, 勤行精進).653

iv) Tư tưởng Bất-thối-chuyển (思想不退轉)

Tư tưởng của Bồ-tát cố định và an trụ bất thối chuyển trong việc thực hành Bồ-tát đạo, tức tu tập các ba-la-mật và hàng ngàn công hạnh khác.

v) Bất thối chuyển trong Tu tập (修習不退轉)

Bồ-tát chỉ tiến tới chớ không lùi lại, nên còn gọi là bất thối chuyển Bồ-tát. Tuy nhiên không phải tất cả Bồ-tát đều được bất thối chuyển, một số đạt, một số không như kinh Large Sūtra on Perfect Wisdom minh họa:

"Hơn nữa, Bồ-tát biết rằng ‘Những Bồ-tát này được thọ ký sẽ đạt giác ngộ nhưng có những Bồ-tát thì chưa được. Những Bồ-tát này được bất thối chuyển nhưng những vị khác thì chưa được. Những Bồ-tát này sở hữu đầy đủ trí tuệ siêu việt nhưng những vị khác thì chưa được. Những Bồ-tát này được đầy đủ trí tuệ đi mỗi trong mười hướng, tới vô số hệ thống thế giới như số cát sông Hằng và tại đó Bồ-tát tôn kính, đãnh lễ và tôn thờ chư Như-lai; và có những Bồ-tát chưa được trí tuệ siêu việt, chưa đi tới vô số Phật sát để tôn kính, đãnh lễ và tôn thờ chư Như-lai. Có vị Bồ-tát dễ lĩnh hội trí tuệ siêu việt, nhưng có vị khác thì không. Bồ-tát này đạt an lạc khi ngài bỏ xuống những ý tưởng như sắc... là vọng, không ngã, trống không, vô tướng và vô nguyện.’"654

vi) Chuyển Pháp luân Bất thối (法輪不退轉)

Chư Bồ-tát chuyển pháp luân bất thối để dạy và cảm hoá chúng sanh bằng lời dạy của Đức Thế-tôn. Vì vậy, có một pháp thoại là ‘Bánh xe pháp chuyển mãi’, nghĩa là Bồ-tát vì lòng từ thương xót chúng sanh mà chuyển pháp luân bất thối.

vii) Bồ-tát trồng công đức thâm sâu (種功德根)

Trong nhiều đời, Bồ-tát đã trồng công đức thâm sâu. Căn thâm sâu này được gọi là ‘cội công đức’ và chúng là cội nguồn của mọi đức hạnh. Cội nguồn này là vô hạn và vô bờ bến.

Như kinh Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật dạy rằng những vị trồng cội lành không chỉ nơi một Đức Phật, hai, ba, bốn hoặc năm Đức Phật mà đến hàng triệu chư Phật không thể đếm được. Đại Bồ-tát đã trồng cội công đức nơi vô số chư Phật nhiều như số cát sông Hằng (Gangas, 恆河) của trăm ngàn, mười ngàn sông Hằng. Vì thế, chư Bồ-tát rất hoàn hảo ở những cội nguồn thâm sâu như kinh Diệu-pháp Liên-hoa đã đề cập:

"... Chúng đó từ lâu nhẫn lại, ở nơi vô lượng vô biên các Đức Phật, trồng các cội lành, thành tựu đạo Bồ-tát thường tu phạm hạnh. Thế tôn! Việc như thế đời rất khó tin."655 (其等久遠已來,於無量無邊諸佛所,殖諸善根,成就菩薩道,修梵行,世尊!如所之事,世所難信).656

Những vị Bồ-tát này trải qua vô số kiếp đã ở trước vô số chư Phật trồng cội nguồn công đức bằng cách cúng dường Tam bảo hoặc chuyển bánh xe bất thối và được các chư Phật tán dương khen ngợi.

viii) Trí tuệ của Bồ-tát (智慧)

Trí tuệ là kết quả của tâm bồ-đề rộng lớn. Do tâm bồ-đề rộng lớn, nguyện độ tất cả chúng sanh mà không thấy chúng sanh được độ. Kinh Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật, Đức Phật đã nói với Tu-bồ-đề, Bồ-tát khởi đầu với Bồ-tát thừa đều phải tuệ giác:

"... Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hoá sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh nào được diệt độ."

(所有一切眾生之類若卵生,若胎生,若濕生,若化生,若有色,若無色,若有想若無想,若非有想,若非無想,我皆令入無餘涅槃而亦度之.如是亦度無量無數無邊眾生,實無眾生得亦度者)657

Mặc dù Đức Phật độ vô số chúng sanh, thật ra không có chúng sanh nào được độ, không chấp thủ vào bất cứ tướng hạnh nào.

ix) Nguyên lý thành Phật (成佛的原理)

Tất cả chúng sanh vốn tự là Phật và đồng với Phật không khác. Đây là chính nguyên lý, mỗi trong chúng ta là một vị Phật mà trong chương XX của Kinh Diệu-pháp Liên-hoa, phẩm ‘Thường Bất Khinh Bồ-tát’ (Bodhisattva Sadāparibhūta, 常不輕菩薩) thường tán dương. Công đức đặc biệt của Bồ-tát Thường-bất-khinh là ngài luôn kính trọng mọi người. Bồ-tát trải đời mình du hành khắp nơi, tiếp cận với tất cả chúng sanh, bất kể là Bồ-tát biết người đó hay không, ngài đều cung kính chấp tay trước họ mà nói lời rằng:

"Tôi không bao giời dám khinh các ngài, vì các ngài sẽ làm Phật."658

(我 不 敢 輕 於 汝 等,汝 等 皆 當 作 佛).659

Bồ-tát không buồn khi người nào đó chửi mắng hoặc xỉ nhục Bồ-tát khi nghe Bồ-tát nói câu khó hiểu đó. Ngài vẫn bình thản thực hành hạnh nguyện kính trọng đó bởi vì Bồ-tát biết chắc rằng tất cả chúng sanh tương lai sẽ thành Phật.

x) Tu tập Đại Công hạnh (修習大功行)

Bên cạnh tu tập sáu hoặc mười ba-la-mật (Pāramitās, 波羅密) Bồ-tát cũng tu tập bốn Nhiếp-pháp (Catuḥ-saṁgraha-vastu, 四攝法)660như: bố thí (Dāna, 布施), ái ngữ (Priyavacana, 愛語), lợi hành (Arthakṛtya, 利行) và đồng sự (Samānārthatā, 同事):

1. Bố thí: Bồ-tát từ bi ban bố tài thí, pháp thí và vô uý thí cho chúng sanh để đưa họ đến tình thương và nhận được chân lý.

2. Ái ngữ: Bồ-tát phải tu tập nói lời mềm mỏng, thương yêu và vô ngã (dễ mà khó làm liên tục). Bồ-tát thấy tất cả chúng sanh như đồng thể thân với Bồ-tát. Vì lợi ích giải thoát cho họ, Bồ-tát dùng phương tiện lời lẽ êm dịu để cảm hoá và đưa chúng trở về với chánh pháp.

3. Đồng-sự: Để dễ dàng hoá độ chúng sanh, Bồ-tát phải đồng sự cùng công việc với họ để dễ gần gũi rồi từ từ chỉ cho họ con đường giải thoát.

4. Lợi hành: Bồ-tát có thể thị hiện dùng trăm ngàn thân hình. Khi thấy chúng sanh đau khổ thì thị hiện thân đau khổ như họ mang điều lợi ích đến cho họ, rồi từ từ chỉ con đường an lạc.

Bốn phương pháp cảm hoá này là phương tiện thiện xảo cho Bồ-tát trên đường hành Bồ-tát-hạnh.

xi) Bồ-tát phải tu tập trong nhiều kiếp (劫)

Một kiếp nhỏ (小劫) là 16,800,000 năm. Một kiếp (kalpa, 劫) là 336,000,000 năm và một đại kiếp (māhākalpa, 大劫) là 1,334,000,000 năm.661Một ngàn kiếp nhỏ thành một trung kiếp (中劫). Bốn trung kiếp thành một đại kiếp. Mỗi đại kiếp chia thành bốn a-tăng-kỳ-kiếp (阿僧祇劫: hoại kiếp (壞劫), diệt kiếp (滅劫), thành kiếp (成劫) và trụ kiếp (住劫). Bồ-tát phải tu tập ba a-tăng-kỳ-kiếp như vậy. Tùy thuộc vào thời gian Bồ-tát tu tập các ba-la-mật và đức hạnh mà Bồ-tát từ từ chứng được các địa trong thập địa (Bhūmis,地), do thế có nhiều tầng bậc Bồ-tát khác nhau. Tuy nhiên, nói chung trong kinh Đại-thừa thường tuyên bố rằng Bồ-tát phải tu tập một thời gian rất dài khó đếm được, khó tưởng tượng được với số kiếp không thể nghĩ bàn, vô tận và vô hạn lượng662và kinh Diệu-pháp Liên-hoa minh họa như sau:

"...mà các đại chúng Bồ-tát đó, đã ở nơi vô lượng nghìn muôn ức kiếp, vì Phật đạo, nên siêng tu tinh tấn"663

(而此大眾諸菩薩等,已於無量千萬億劫,為佛道故,精進修習).664

xii) Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Anuttarā Samyaksambodhi, 無上正等正覺)

Kết quả của Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác (Anuttarā Samyaksambodhi, 阿耨多羅三藐三菩提/ 無上正等正覺) là kết quả cao nhất, quan trọng nhất của tuệ giác, là sự chứng ngộ Phật quả.

Kinh Đại-thừa đã chứng minh những đức hạnh và phẩm cách cũng như nhiều các công hạnh vi tế khác mà Bồ-tát tu tập. Tuy nhiên, tùy sự tu tập khác nhau mà địa vị của Bồ-tát khác nhau.

Sau khi bàn về phẩm chất của Bồ-tát hoặc đại Bồ-tát, cũng rất hữu dụng nếu có danh sách các Bồ-tát mà các kinh Đại-thừa thường đề cập. Điều này sẽ cung cấp các dấu vết và ý tưởng để hiểu bản chất, chất lượng của Bồ-tát hoặc đại Bồ-tát trong Đại-thừa. Thỉnh thoảng, ngay cả chỉ là danh hiệu nhưng có sự gợi ý cao. Thật ra, chúng ta cũng nên ghi nhớ rằng bản chất hay tính cách của các Bồ-tát là biểu tượng của thuộc tính và đức hạnh của Thích-ca Mâu-ni, đạo đức của ngài đã trở thành mục đích cho chúng sanh thuần tâm hướng đến tu tập. Đó là lý do tác giả đã liệt kê danh sách của chư Bồ-tát ở cuối tập sách.665

Mối Liên quan giữa Mười Ba-la-mật và Mười Địa

Trong Đại-thừa, có một yếu tố quan trọng nữa là địa (Bhūmi, 地) hoặc tiến trình chứng ngộ của Bồ-tát. ‘Địa’ thường được đề cập trong Phật-bản-hạnh Tập kinh dị bản (Mahāvastu, 佛本幸集經異本), kinh Bồ-tát-địa (Bodhisattva-bhūmi,菩薩地經), kinh Thập-địa (Daśabhūmika Sūtra, 十地經), kinh Thủ-lăng-nghiêm (首楞嚴經)... Nhưng theo Har Dayal, N. Dutt và nhiều học giả khác nói rằng hình như lúc đầu chỉ có bảy địa như trong kinh Bồ-tát-địa, kinh Lăng-già (Lankāvatāra Sūtra, 楞伽經) và cuối cùng hình thành mười địa trong Bát-nhã Ba-la-mật (Prajñā-pāramitā, 般若波羅密), Phật-bản-hạnh Tập kinh dị bản và kinh Thập-địa, kinh Thủ Lăng nghiêm... đã thêm vào ba Địa sau giống như trường hợp đã thêm ba Ba-la-mật cuối vào danh sách thành mười Ba-la-mật. Trong Bách-khoa Toàn-thư Phật-học666đã nói lộ trình tiến triển tâm linh của Bồ-tát (địa) là một trong những đặc điểm độc đáo để phân biệt giữa Đại-thừa và Tiểu-thừa.

Sáu địa đầu là của các nhà Tiểu-thừa, nhưng bốn phần sau do các nhà Đại-thừa sáng tạo. Và Har Dayal667đã đề nghị rằng bảy địa trong Đại-thừa có thể coi giống như Phật giáo nguyên có ba Vihāras và bốn quả chứng là Tư-đà-hoàn (Sotāpanna, 入流,七來), Tu-đà-hoàn (Sakadāgāmi, 一來), A-na-hàm (Anāgāmi, 不來) và A-la-hán (Arahanta, 阿羅漢). Hoặc Radhakishman trong Indian philosophy (Triết học Ấn-độ) đã nói rằng Bồ-tát tu tập Bát chánh đạo để cần cầu Phật quả như Phật giáo Nguyên-thủy chủ trương đã được chi tiết hóa thành mười địa trong Đại-thừa.

Chúng ta cũng có thể suy luận như trong kinh tạng Pali khi Bồ-tát tu tập sẽ đạt được chín tầng thiền (Jhānas, 禪)668và sau đó thành Phật, Phật quả có thể xem là tầng thứ mười và tầng cuối cùng của giải thoát như đến tự nhiên mà không cần dụng công, nên Phật giáo Nguyên-thủy chỉ có chín tầng thiền. Có thể chăng khái niệm mười địa trong Đại-thừa là liên quan tương ứng với chín tầng thiền trong kinh tạng Pali.

Nói chung khi nói về ý tưởng ba-la-mật (Pāramitā) liên quan đến địa (Bhūmi) nghĩa là khi Bồ-tát tu tập mỗi một địa tương ứng với chứng một địa. Khi Bồ-tát chuyển từ tầng bậc này đến tầng bậc khác, cho đến cuối cùng tại nấc thang thứ mười, Bồ-tát hầu như trở thành đồng với đức Phật sở hữu những năng lực siêu nhiên. Sau khi đạt được Pháp-vân-địa (Dharma-megha, 法云地), Bồ-tát vì lòng từ bi ban bố mưa pháp để rửa sạch các tham dục phiền não và khiến tâm điền trong sạch để gieo trồng ruộng phước.

Địa (Bhūmi, 地) nghĩa là ‘đất, nơi, vùng’ và nghĩa bóng là nấc thang, trình độ và tầng cấp của tâm. Khái niệm này của địa cung cấp cho ta ý nghĩa của tiến trình tâm linh chứng ngộ của Bồ-tát. Trong khi các ba-la-mật liên quan đến khía cạnh thực tiễn của đời sống tinh thần, thì các địa chỉ ra nấc thang thành quả dần dần. Đó là đời sống lý tưởng trong Đại-thừa. Khi Bồ-tát từ từ tiến đến một lãnh vực của đức hạnh nào đó, trạng thái chuyển tiếp từ tầng bậc này đến tầng bậc khác tương ứng.

Trong kinh Thập-địa (Dasa-Bhūmika-sūtra, 十地經) đã nâng địa lên đến mười vì tương ứng với mười địa.669

"Yo’ asyām pratisṭhito bodhisattvo bhūyastvena jambudvīipeśvaro bhavati mahaisryādhipata pratilabdho dharmānupaksī krtī prabhuh satyvāh mahātyāgena sangrahītukuśalah sattvānūm mātsaryamalavinir-vrttay paryanto mahātyāgārambhaih. Tatasarvamavirahitam buddha manasikārairdharma manasikāraih, samghamanasikārairbodhisattva manasikārair-bodhisattva-caryā manisikāraih pāramitā manisikārairbhūmi manisikārair..."670

Khi Bồ-tát đạt được địa này là vị ấy siêu xuất khỏi cõi diêm-phù-đề (Jambudvīpa, 閻浮提). Những hạnh nghiệp của vị ấy là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Bố thí ba-la-mật là một trong những hoàn thành đầu tiên của địa này. Nhưng có thể rằng số của ba-la-mật và địa được tăng tới mười như kết quả sáng tác của hệ thống máy tính thập phân trong khoa học sách số học của thế kỷ thứ III-IV tây lịch.

Mối liên quan của Mười Ba-la-mật và Mười Địa được minh hoạ như sau:

Bảng XIII

MỐI LIÊN QUAN CỦA MƯỜI BA-LA-MẬT VÀ MƯỜI ĐỊA671

 

TU TẬP

THÀNH TỰU

CHỨNG ĐẠT HIỆN HỮU

1

Bố thí Ba-la-mật

布施波羅密

(Dāna Pāramitā)

Hoan hỉ địa

歡 喜 地

(Pramuditā Bhūmi)

Có tri kiến Phật, mười lực giải thoát, diệt trừ được những pháp tướng phi mê, phi giác tức là trung đạo; bình đẳng với bất bình đẳng cũng đều bình đẳng, bản lai tự tính viên dung vô ngại hiện tiền; giác ngộ cùng tột với Như Lai, cùng tột với cảnh giới của Phật, pháp lạc hiện tiền.

2

Trì giới Ba-la-mật

持戒波羅密

(Śīla Pāramitā)

Ly cấu địa

離 垢 地

(Vimalā Bhūmi)

Mười Sở y (Āśaya) của vị Bồ Tát trở nên chân thật, nhu nhuyến, thanh tịnh, lìa các phiền não.Vị ấy được đầy đủ mười nhân lành. Những sai biệt đều là chung cùng, tánh chung cùng cũng không chung cùng, chỉ là giả danh hợp lại của các dị biệt.

3

Nhẫn nhục

Ba-la-mật

忍辱波羅密

(Kṣānti Pāramitā)

Pháp quang địa

法 光 地

(Prabhākarī Bhūmi)

Đạt được mười Tác ý (Manaskārā) trên mười Tâm sở (Cittāśaya). Bồ Tát quán sát các pháp hữu vi (Saṁskāra/Saṁskrita) là vô thường, khổ, xấu xa, không đáng tin và bị sanh diệt trong mỗi sát na. Hơn nữa, chúng không thể quay trở lại về quá khứ, không thể đi vào trạng thái khác ở tương lai và cũng không thể phân biệt trong hiện tại, vị ấy đạt được thanh tịnh cùng tột và tính sáng suốt phát sinh.

4

Tinh Tấn

Ba-la-mật

精進波羅密

(Vīrya Pāramitā)

Diệm tuệ địa

焰 慧 地

(Arciṣmatī Bhūmi)

Đạt được mười trụ, mười giới hạnh khiến tuệ phát sanh và tu tập Ba mươi bảy Phẩm trợ đạo (Bodhipākṣika Dharma) để mở đường đi đến giác ngộ. Trí tuệ được sáng suốt tột bậc và tuệ giác viên mãn.

5

Thiền định

Ba-la-mật

禪定波羅密

(Dhyāna Pāramitā)

Nan thắng địa

難 勝 地

(Sudurjayā Bhūmi)

Đạt mười Thanh tịnh tâm (Cittāśayavisuddhi-samatā), thông suốt lý tứ đế (Ārya-Satya), biết rõ các loại chân lý khác nhau và tất cả đồng, dị... không thể đến được. Chân đế và tục đế viên dung không hai. Thực chứng các pháp hữu vi là trống không, huyễn ảo, lòng từ bi trở nên vô hạn lượng đối với chúng sanh.

6

Trí tuệ Ba-la-mật

智慧波羅密

(Prajñā Pāramitā)

Hiện tiền địa

現 前 地

(Abhimukhī Bhūmi)

Quán chiếu mười tâm như như của các pháp, đạt được Nhu thuận nhẫn (Anulomikī-Kṣānti),672tuy nhiên vẫn chưa đạt được Vô sanh pháp nhẫn (Anulomikī-Dharma-Kṣānti).673Bản tánh thanh tịnh vô vi chân như không nhiễm, không tịnh, thường hiện tiền và tự tính chân như tỏ lộ.

7

Phương tiện

Ba-la-mật

方便波羅密

(Upāya Phậtāramitā)

Viễn hành địa

遠 行 地

(Dūraṇgamā Bhūmi)

Đạt được tri kiến, trí tuệ và phương tiện thiện xảo để bắt đầu đưa đến mười nhân của một giai đoạn mới. Tâm trở nên tinh tế quan sát tương tục ba pháp: Không (śūnyatā), vô tướng (animittatā), vô nguyện (apraṇihitatā) và chơn như hiển lộ, không gì không phải chơn như, cùng tột bờ bến chân như.

8

Nguyện Ba-la-mật

願波羅密

(Praṇdhāna Pāramitā)

Bất động địa

不 動 地

(Acalā Bhūmi)

Do đạt Vô-sanh Pháp nhẫn (Anulomikī-Dharma-Kṣānti) và Mười lực, nên vượt khỏi mọi sự hạn chế trói buộc, đạt được một tâm chân như, thường trụ không thay đổi.

9

Lực Ba-la-mật

力波羅密

(Bala Pāramitā)

Thiện tuệ địa

善 慧 地

(Sādhumatī Bhūm)

Phát ra diệu dụng của chân như, biết như thật tất cả các pháp hiện tượng và bản chất, hiện ra vô số thân hóa độ chúng sanh, đầy đủ bốn trí vô ngại (Pratisaṁvids) và được các Đà-la-ni (dhāraṇis) 674bảo trì.

10

Trí Ba-la-mật

智波羅密

(Jñanā Pāramitā)

Pháp vân địa

法 云 地

(Dharmameghā Bhūmi)

Bước vào ngôi vị Điểm đạo (abhiṣeka) 675và Nhất thiết trí (Sarvajñajñānaviśasābhiseka), các công hạnh tu tập đã được hòan mãn, công đức viên tròn; Từ bi trí tuệ phát sinh, đủ sức che chở vô lượng chúng sanh. Từ đây bóng từ, mây diệu, trùm khắp Niết Bàn. Sự giác ngộ được xuất hiện. Bồ tát được ngồi vào tòa Đại bảo vương (Mahāratnarājapadma). Chư phật xuất hiện trước vị ấy và tán thán là Bậc Chánh đẳng Chánh giác (Samyak-sambodhi).

*

GHI CHÚ:

475 Encyclopedia of Religion, ed. Mircea Eliade, Tập II, Collier MacMillan Publishing Company, London, 1987, trang 165.

476 G. Dhammsiri, Fundamentals of Buddhist Ethics, The Buddhist Research Society, Singapore, 1986, trang 113-28.

477 GBWL, trang 13.

478 Như trên, trang 16.

479 Adhimukti:(阿提目多迦) dịch là thiện tư duy, tự tin 善思惟 (means entire freedom of mind, confidence), trích trong DCBT, trang 288.

480 Xem M, I, trang 163 & A, I, trang 145.

481 D.T. Suzuki, Outlines of Mahayana Buddhism, NY, 1977, trang 297.

482 Như trên, trang 209.

483 Xem Abhisamayālaṇkārāloka, Gaekwad’s Oriental series, Baroda, LXII, trang 19 nơi đã nói Śūnyatākaruṇā-garbhaṁ bodhicittaṁ.

484 Trích trong EB, III, trang 186.

485 LSPW, trang 124.

486 Như trên.

487 Sūtra of the Past Vows of Earth Stove Bodhisattva, The Collected Lectures of Tripiṭaka, Hsuan Hua, tr. Bhiksu Heng Ching, Buddhist Text Translation Society, The Institute for Advanced Studies of World Religious, NY, 1974, trang 20.

488 GBWL, trang 104.

489 Như trên, trang 2.

490 Như trên, trang 3.

491 Như trên, trang 46.

492 BGS, I, trang 171-2, cũng xem Chương I, trang 23-4.

493 Như trên.

494 DCBT, trang 218.

495 E.J. Thomas, Buddhism, London, 1934.

496 GBWL, trang 20-2.

497 E.J. Thomas, Buddhism, London, 1934.

498 BDBSL, trang 168.

499 Buddhavaṁsa, ed. by R. Morris, II, London, 1882, trang 59.

500 Bs, trang 3.

501 Avīcī (S): A tỳ địa ngục, Avīci (P): Vô gián địa ngục. Địa ngục có naêm hình phạt: nghiệp xấu và hậu quả không dừng nghỉ, không thời gian, triền miên không ngưng trệ, khốn khổ không chỗ cùng, đầy ấp không ngưng. Bị đày địa ngục này do phạm một trong naêm trọng tội: giết hại cha, giết mẹ, giết hại a-la-hán, làm Phật đổ máu, phá hoại tăng đoàn.

502 Māra (S): Ma ba tuần. Thiên ma có tên riêng là Pàpman, hay Pàpiyas, thường được phiên là Ba Bỉ Duyên, Ba duyên, Ba huyện. Các bản kinh cổ nhất ghi tên là Ma Ba Huyện. Theo Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa, quyển 10, chữ Huyện với chữ Tuần giống nhau, chỉ khác là chữ Huyện được ghi bằng bộ Mục ở bên trái, nhưng do sao chép lầm chữ Mục thành chữ Nhật nên chữ Huyện bị đọc thành chữ Tuần. Do gọi sai thành thói quen, người ta bỏ luôn cả chữ Nhật bên cạnh chữ Tuần, chỉ còn chữ Tuần đơn như hiện nay.

503 Śuddhāvāsa (S): Tác bình Thiên tử, Vô nhiệt thiên: Một vị trời hiện xuống dùng nhiều phương thiện khuyến khích thái tử Tất đạt đa xuất gia.

504 Trích trong G.P. Malalasekere, như trên, trang 323.

505 SBFB, V, Sarabhanga-Jātakā, số 552, trang 64.

506 E.J. Thomas, Buddhism, London, 1934.

507 E.J. Thomas, Buddhism, London, 1934.

508 N. Dutt (ed.), Bodhisattvabhūmiḥ, Vol.II (Patna), K.P. Jayaswal Research Institute, 1978, trang 9.

509 D.T. Suzuki, Outlines of Mahāyāna Buddhism, NY, 1977, trang 302.

510 Như trên, trang 299.

511 N. Dutt, như trên, trang 10.

512 Như trên.

513 DCBT, trang 109.

514 GBWL, trang 145.

515 EB, III, trang 184.

516 Gunapala Dharmasiri, Fundamentals of Buddhist Ethics, The Buddhist Research Society, Singapore, 1986, trang 120.

517 PED, trang 77.

518 BDBSL, trang 165.

519Buddhist Dictionary, Colombo, 1956, trang 116; H.C. Warren, Buddhism in Translation, Cambridge, 1922, trang 23.

520 Ed. by J.S. Speyar, The Jātakamālā (Tr.), Delhi 1971, trang 93.

521 M.S. Bhat, M.V. Talim, The Geneology of The Buddhas, translation of the Buddhavaṁsa, Bombay, 1969, trang 10.

522 P.V. Bapat, Vimuttimagga and Visuddhimagga, Poona, 1937, tr. 64- 80.

523 Như trên, trang 166.

524 Như trên.

525 Như trên.

526 R.S. Hardy, A Manual of Buddhism, Varanasi, 1967, trang 49.

527 Như trên, trang 98.

528 Như trên, trang 101.

529 R.A. Rogers, A Short History of Ethics, London, 1962, trang 66.

530 Như trên, trang 194.

531 Như trên, trang 2.

532 D.T. Suzuki, Study in The Lankavatara Sūtra, Routledge and Kegan Paul, Ltd, London, 1975, trang 366.

533 BDBSL, trang 170-1.

534 E. Conze, A short History of Buddhism, George Allen & Unwin Ltd., London, 1980, cũng xem E. Conze, Thirty Years of Buddhist Studies, Bruno Cassier (Publisher) Ltd., Oxford, London, 1967, tr. 70.

535 BDBSL, trang 168.

536 Ed. by Marry E. Lilley, Apadāna, London, 1925, trang 56.

537 SBFB, V, Mahākapi Jātaka, số 516, trang 37.

538 SBFB, III, Sasa Jātaka, số 316, trang 34.

539 SBFB, VI, Vessantara Jātaka, số 547, trang 246.

540 SBFB, VI, Mahājanaka Jātaka, số 539, trang 16.

541 SBFB, III, Hiri Jātaka, số 363, trang 129.

542 SBFB, VI, Mahāsutasoma Jātaka, số 537, trang 246.

543 BDBSL, trang 168.

544 Như trên, trang 167-8, 356, chú thích 7.

545 Như trên.

546 Như trên, 169.

547 Edward Conze, Thirty Years of Buddhist Studies, Bruno Cassier (Publisher) LTD., Oxford, London, 1967, trang 54.

548 BDBSL, trang 172.

549 PED, trang 153.

550 Như trên, trang 132.

551 Itivuttaka: As It Was Said, tr. F. L. Woodward, M.A., PTS, London: Oxford University Press, 1948, trang 185.

552 EB, IV, trang 201.

553 Henri de Lubac, Aspects of Buddhism, trang 24.

554 LS, trang 3.

555 Kinh Pháp-hoa, Thích Trí-tịnh, Phật học viện Quốc tế xuất bản, Phật lịch 2541-1997, trang 36-7.

556 妙法蓮華經, 佛教經典會, 佛教慈慧服務中心,香 港,一九九四,trang 16.

557 G.C.C. Chang (ed.) A Treasury of Mahāyāna Sūtras — Selections from the Mahāratnakūṭa Sūtra Tr. from the Chinese by the Buddhist Association of the United Sates, Pennsylvania & London, 1983, tr. 267.

558 LS, trang 182.

559Kinh Pháp-hoa, Thích Trí-tịnh, Phật học viện Quốc tế xuất bản, Phật lịch 2541-1997, trang 367. 560 妙 法 蓮 華 經, trang 177-8.

561 LS, trang 281.

562 Pháp là lời nói của Phật. Môn là chỗ chung cho thánh nhân và chúng nhân. Phật đã dạy đến 84.000 pháp môn.

563 ‘Koṭis: A million. Also explained by 100,000; or 100 lakṣa, i.e. 10 millions. Trích trong DCBT, trang 261.

564 LS, trang 298.

565 LS, trang 302.

566 妙 法 蓮 華 經, trang 287.

567 Edward Conze, Selected Sayings from the Perfection of Wisdom, Boulder, 1978, trang 66-7.

568 Kinh Pháp hoa, Chương I, Phẩm Tự, trang 54.

569 妙 法 蓮 華 經, trang 18.

570 金 剛 般 若 波 羅 密 經, 佛 學 業 書, 台 鸞, 一 九 九 八,trang 112.

571 Kinh Pháp Hoa, Chương I, Phẩm Tự, trang 38.

572 妙 法 蓮 華 經, trang 18.

573 Edward Conze, Selected Sayings from the Perfection of Wisdom, Boulder, 1978, trang 67.

574 BB, trang 140.

575 Ś, trang 66, 27-30.

576 The Mahā-prajñā-pāramitā-śāstra of Nāgārjuna (tr. Kumārajīva), T. 1509, Tập 25, trang 163c. 577 Kinh Pháp Hoa, Chương I, Phẩm Tự, trang 37.

578 妙 法 蓮 華 經, trang 17.

579 Kinh Pháp Hoa, Chương I, Phẩm Tự, trang 38.

580 妙 法 蓮 華 經, trang 18.

581 LS, trang 197.

582 妙 法 蓮 華 經, trang 185.

583 金 剛 般 若 波 羅 密 經, trang 120-1.

584 Gunapala Dharmasiri, Fundamentals of Buddhist Ethics, Singapore, The Buddhist Research Society, 1986, trang 207.

585 BB, trang 189.

586 The Mahā-prajñāpāramitā-śāstra of Nāgārjuna (tr. Kumārajīva), T. 1509, Tập 25, trang 168 b. 587 Như trên, trang 170c.

588 Như trên, trang 171c.

589 Như trên.

590 Như trên, trang 172a.

591 Như trên, trang 172a, 97b, 168b trở đi, 415b & 417c.

592 BB, trang 200 trở đi.

593 EE, trang 73.

594 R.K. Prabhu and U. R. Rao, The Mind of Mahatma Gandhi, Navajivan publishing House, Ahmedabad, 1969, trang 31.

595 LS, trang 61.

596 妙 法 蓮 華 經, trang 65-6.

597 LS, trang 219.

598 妙 法 蓮 華 經, trang 205-6.

599 EE, trang 74.

600 LSPW, trang 65.

601 The Mahā-prajñāpāramitā-śāstra of Nāgārjuna (tr. Kumārajīva), T. 1509, Tập 25, trang 172 b. 602 Như trên, trang 173c.

603 Như trên, trang 174c.

604 LSPW, trang 143-6.

605 Kinh Pháp-hoa, Chương I, Phẩm Tự, trang 54.

606 妙 法 蓮 華 經, trang 26.

607 Kinh Phap-hoa, Chương XV, Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, trang 380.

608 妙 法 蓮 華 經,trang 207.

609 The Mahā-prajñāpāramitā-śāstra of Nāgārjuna (tr. Kumārajīva), T. 1509, Tập 25, trang 187c.

610 Như trên.

611 Như trên, trang 189 b, c.

612 Kinh Pháp Hoa, Chương I, Phẩm Tự, trang 38.

613 妙 法 蓮 華 經, trang 18.

614 Kinh Pháp hoa, Chương I, Phẩm Tự, trang 40.

615 妙 法 蓮 華 經, trang 19.

616 LSPW, trang 60.

617 Như trên, trang 56.

618 Chapter VI.

619 Laṇkāvatāra-sūtra, ed. by B. Nanjio, Kyoto, 1923, trang 54.

620 Như trên, I & Mahāyāna- sūtrālaṇkāra, Pari, 1907, 1911, trang 149.2.

621 The Śata-sāhasrikā Prajñā Pāramitā, ed by P. Ghosa, Calcuta, 1902- 13, trang 842, 1216, 1360, 136, 141, 1197, 1643 & 1440.

622 Xem BDBSL, 245 & 金 剛 般 若 波 羅 密 經, như trên, trang 21.5, 441.ii, 42.8, 43.16, 23.7, 38.9, 37.13.

623 LS, trang 80.

624 LS, trang 23.

625 William Jamesin, The Varieties of Religious Experience, Longmans, Green and Co., 1941, trang 58.

626 Gandhi, M. K., In Search of the Suprems, tập I, Navajivan publishing House, Ahmedabad, 1962, trang 173.

627 Như trên, trang 176.

628 Như trên.

629 Gandhi, M.K., Prayer, Navajivan publishing House, Ahmedabad, tr. 20.

630 EE, trang 100.

631 Asṭasāhassrikā-prajñāpāramitā Sūtra (八 千 頌 般 若 波 羅 密 經).

632 菩 薩 瓔 珞 本 業 經 (The Sūtra on the Original Action of the Garland of the Boddhisattva (2 fasc.) Translated by Buddhasmṛti (Chu-fo-nien) in 376-378. Taisho. 24 (no. 1485), 1010 ff. ‘Garland’ (mālā) mentioned in the title is the jewel-ornament consisting of crown, necklet, and bracelets of the Boddhisattvas. This Sūtra was composed to manifest the original Action of the Boddhisattvas.

633 The Mochizuki Bukkyo Daijjten, Tập 2, trang 1755b (四弘誓願) Su hung shih yuan or shigu-seigan).

634 Shohei Ichimura, Buddhist Critical Spirituality: Prajñā and Śūnyatā, Delhi: Motilal Banarsidass, 2001, trang 112.

635 Ven. Narada Maha Thero, Vision of the Buddha, Singapore, Singaspore Buddhist Meditation Centre, trang 289-96.

636 Śiksās: học (Learning, study) trích trong DCBT, trang 212.

637 Phần 36.

638 D, Ambaṭṭha sutta, VII, trang 220.

639 D, I, trang 110-112, 148-9.

640 BDBSL, trang 166.

641 DCBT, trang 413.

642 Gunapala Dharmasiri, Fundamentals of Buddhist Ethics, Singapore, The Buddhist Research Society, 1986, trang 21.

643 BDBSL, trang 245.

644 Chen Wei Shi Lun, Shindo Edition, chương 9, trang 31, dòng 10.

645 PED, trang 197.

646 Peter Harvey, An Introdution to Buddhism, Delhi: Munshiram Manoharlai, 1990, trang 200.

647 Kinh Pháp Hoa, Chương II, Phẩm Phương tiện, trang 94-5.

648 妙 法 蓮 華 經, trang 47.

649 MLS, II, trang 95.

650 Kinh Pháp Hoa, Chương XXIV, Phẩm Diệu-âm Bồ-tát, tr. 603-4.

651 妙 法 蓮 華 經, trang 290.

652 LS, trang 61.

653 妙 法 蓮 華 經, trang 65-6.

654 LSPW, trang 78.

655 Kinh Pháp Hoa, Phẩm XV, Tùng Địa Dũng Xuất, trang 435.

656 妙 法 蓮 華 經,trang 207.

657 金 剛 般 若 波 羅 密 經, trang 111.

658 LS, trang 167.

659 妙 法 蓮 華 經,trang 253-4.

660 DCBT, trang 175.

661 Xem chú thích 82, trang 31, chương II.

662 LS, trang 14.

663 Kinh Pháp Hoa, Phẩm XV, Tùng Địa Dũng Xuất, trang 436.

664 妙 法 蓮 華 經,trang 207.

665 Xem cuối sách, trang 347-9.

666 EB, III, trang 74-5.

667 BDBSL, trang 270-1.

668 Xem chương III, trang 73.

669 BDBSL, trang 167.

670 P.L.Vaidya, DasaBhumikasūtra Buddhist Sanskrit Texts No.7, Darbhanga, Mithila Institute of Post-graduate Studies & Research in Sanskrit Learning, 1967, trang 3.

671 BDBSL, trang 284-291.

672 Đức nhẫn về sự vâng theo. (Nghiên cứu Kinh Lăng Già, Daisetz Teitaro Suzuki, Thích Chơn Thiện và Tuấn Mẫn dịch, GHPGVN, Ban Giáo dục Tăng ni, năm 1992, trang 475).

673 Đây là sự chứng thực không có gì được sanh ra hay được tạo ra trong thế giới này, khi các sự vật được thấy đúng như chính chúng là (yathābhūtam-như thực). Theo quan điểm của trí tuệ tuyệt đối, thì chúng chính là Niết Bàn, không bị ảnh hưởng bởi sinh và diệt chút nào cả (Nghiên cứu Kinh Lăng Già, Daisetz Teitaro Suzuki, Thích Chơn Thiện và Tuấn Mẫn dịch, GHPGVN, Ban Giáo dục Tăng ni, 1992, trang 473).

674 Dhāraṇī (S): Đà la ni, Trì cú, Tổng trì, Năng trì, Năng già. Một câu trì, một câu đà la ni, một câu chơn ngôn, một câu chú: Darani (J). Có nhiều câu thì gọi là Chân ngôn (Dharani), nếu chỉ một câu gọi là Chú (Mantra). Man trà la (ý mật) cùng với thần chú (dharini) là ngữ mật và ấn là thân mật nếu được khéo học và thực hành thì hành giả sẽ là một với chư Phật, thân ngữ ý mình là thân ngữ ý của chư Phật. Chân ngôn có năm loại: Như Lai chân ngôn, Bồ tát chân ngôn, Kim Cang chân ngôn (chân ngôn bậc thánh), Nhị thừa chân ngôn và Chư thiên chân ngôn (chân ngôn bậc thần). Chân ngôn có bốn pháp: Tiêu tai, Hàng phục, Nhiếp triệu và Tăng ích. Chân ngôn có ba loại: Nhiều chữ gọi là Đà la ni (Dharani), một chữ gọi là chân ngôn, không chữ gọi là Thật tướng.

675 Abhiṣeka (S) Điểm đạo, Abhiseca (P), Abhisecanam (P), Abhisecani, Wang (T): Tục lấy nước rưới lên đầu biểu lộ sự chúc tụng. Nghi thức trong Phật giáo để chuẩn bị tiếp nhận những giáo pháp bí mật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]