Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 35: Thanh Lọc Thân Tâm

25/03/201101:36(Xem: 8768)
Chương 35: Thanh Lọc Thân Tâm

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 35
THANH LỌC THÂN TÂM

Thưa đại chúng,
Thanh Lọc Thân Tâm là chủ đề của chương ba mươi lăm. Chúng ta sẽ đi vào đoạn Kinh với âm Hán văn như sau:

A. CHÁNH VĂN.

Phật ngôn: “Như nhân đoạn thiết, khử chỉ thành khí, khí tức tinh hảo. Học đạo chi nhân, khử tâm cấu nhiễm, hạnh tức thanh tịnh hỷ”

Đức Phật dạy: “Giống như người ta luyện sắt trừ bỏ phần cặn bã để trở thành loại sắt tinh luyện thì món đồ mới đẹp đẽ tinh ròng. Người học đạo cũng như thế, mình luyện lọc từ bỏ tâm ô uế, cáu bẩn thì hạnh mới được thanh tịnh.”

Có hai chữ lạ chúng ta cùng lưu ý là chữ “Đoạn” có nơi gọi là chữ “Đoàn” có nghĩa rèn luyện, lọc cặn bã.

Chữ “Hành” hay chữ “Hạnh” ở đây có rất nhiều nghĩa, nhưng chữ Hành ở đây có nghĩa là thành tựu đạo nghiệp.

B. ĐẠI Ý.

Đoạn kinh nói lên “Sự thành đạt của người tu được đánh giá bằng công phu thanh lọc tâm thức.”

Đại ý nầy cũng cho chúng ta biết sự thành đạt có nhiều tầng đưa đến cho người xuất gia. Từ một ông thầy tu bình thường rồi đến một ông thầy làm trụ trì, khá hơn là làm một vị thầy khả kính, đạo hạnh, một vị giảng sư uyên bác, đức độ. Và đến mức cao hơn là làm vị Đạo sư thành tựu được tuệ giác, thanh lọc được hết ô uế của tâm; cả một đời sống tỏa hương phạm hạnh, tỏa hương giác ngộ. Cuối cùng sự thành đạt người tu là chứng được quả vô sinh hiện tiền như các vị A La Hán thời Phật, hay các vị Tổ sư Thiền quá khứ.

Cố nhiên, ở mặt cạn, muốn trở thành một người tu có phẩm chất tốt làm chỗ nương cho phật tử, tín đồ và làm hưng thịnh Tam Bảo thì công phu thanh lọc tâm rất cần. Một thầy tu mà tâm thức đầy ô nhiễm chắc chắn không làm lợi ích cho mình, cũng không làm lợi ích cho cho tín đồ và dĩ nhiên không xứng đáng danh nghĩa người tu.

Bao nhiêu tầng của sự thành đạt cũng đều đặt căn bản trên sự thanh lọc tâm thức. Cả một đời tu của chúng ta chỉ làm một việc là thanh lọc tâm mà thôi. Đây là điều rất quan trọng.

C. NỘI DUNG.

1. Thanh lọc, đào thải là nguyên tắc của đời sống.

Ví dụ như khi vo gạo, ta phải chế bỏ nước đục ra nhiều lần cho đến khi chỉ còn nước trong để không còn trấu, cám nữa.

Có hai chữ Hán Việt trong đoạn Kinh này là “Đào thải”. “Đào” có nghĩa là đãi, lọc, luyện. Là dùng nước để gạn lọc những cấu bẩn ra ngoài. “Thải” là loại bỏ những hạt sâu, hạt lép, hạt không nguyên vẹn và loại hết chất dơ đi thì gọi là thải. Hai từ này mang hàm nghĩa là công phu, luyện lọc rất khổ nhọc; đòi hỏi phải đầu tư năng lực và nhiệt tình rất lớn gọi là “đào thải.”

Từ ngày con người có mặt trên hành tinh nầy cho đến bây giờ, con đường chúng ta là đi lên, càng ngày người ta càng khám phá vào chiều sâu, chiều rộng những cái gì xa nhất, tinh vi nhất cũng đều thăm dò được. Và vì thế quy luật của thanh lọc, đào thải để sự sống vận hành là nhu cầu tất yếu không loại trừ ngành nghề nào cả. Nhìn vào cuộc sống xã hội, chúng ta thấy để phát triển tồn tại thì nguyên tắc chung là khám phá, phát triển và vươn lên. Đó là nhu yếu của đời sống xã hội.

Ví dụ như ngành y khoa ngày xưa là một bộ môn bao quát nhưng về sau càng ngày càng phát triển và đến hôm nay người ta đã chia ra từng ngành và trong mỗi ngành họ còn chia ra từng khoa riêng biệt nhau. Có thể trong tương lai ngành nhãn khoa không bao quát như bây giờ mà từ những khám phá mới của khoa học về thần kinh não bộ người ta có thể chữa trị từng con mắt một. Cũng như ngày xưa người ta quan niệm thần kinh não bộ là một nhưng ngày nay trong bộ não, mỗi bán cầu não có những chức năng khác nhau. Từ hai bán cầu não này sinh ra tính cách con người rất khác nhau. Ví dụ người xử dụng tay trái thì ảnh hưởng của bán cầu não phải phát triển nên người người ấy có khuynh hướng về tâm linh, nghệ thuật. Người xử dụng tay phải nhiều do vì bán cầu não bên trái phát triển nên người ấy có khuynh hướng của toán học...

Từ điều này, nhìn vào mọi lãnh vực để thấy mọi loài càng tiến hóa tinh tế hơn và trong xã hội loài nào không thích ứng thì tự đào thải, tự hủy hoại.

Con người cũng vậy từng tế bào một luôn luôn thay đổi, làm mới. Một cơ thể nào không phát triển theo chiều hướng thanh lọc đào thải thì cơ thể đó chết, năng lực đề kháng không còn. Ví thử vi trùng xâm nhập vào cơ thể ta, nếu chúng ta dùng thuốc trị nó mà không dùng đúng liều lượng thì loại vi trùng đó sẽ tìm cách thích ứng với loại thuốc kia và có khả năng phát triển tồn tại, trở lại hủy hoại hình hài ta. Chỉ một loại sinh vật li ti bám vào một phần cơ thể để sống mà còn có khuynh hướng thanh lọc đào thải để tồn tại, thế thì toàn bộ cơ thể con người chúng ta ở lãnh vực cạn là thân cũng đi theo con đường như vậy.

Đây là nguyên tắc không chừa một sinh linh nào cả. Đời sống nào muốn vươn lên đều đi theo quá trình nầy để tự thanh lọc, đào thải và tồn tại.

Thưa đại chúng, làm chủ hình hài vật lý này là tế bào thần kinh bộ não cũng phát triển liên tục. Người ta nghiên cứu con người ngày xưa mới có mặt với trọng lượng não bộ lúc ấy, thì thấy bộ não bây giờ phát triển rất vĩ đại không thể lường được. Bên trong não bộ sự hoạt động của ý thức càng ngày càng tinh tế.

Trong cơ thể chúng ta khả năng quân bình của hệ thần kinh giao cảm và thần kinh đối giao cảm rất tuyệt vời. Nó luôn luôn tự tái lập trật tự, tự thanh lọc những trầm cảm, bất an, u sầu... của tâm thức và tự làm dịu bớt đi nên đôi khi chỉ cần năm mười phút nghỉ ngơi chúng ta thấy khỏe nhẹ và thư thái.

Muốn đời sống có phẩm chất, muốn vươn lên để thăng hoa thì đặc tính thanh lọc, đào thải những cấu bẩn của thân tâm là điều tự nhiên mà không vì thời khóa đặt ra hay quy chế của Tu viện bắt buộc nên ta làm. Điều nầy không phải chỉ để dành riêng cho những người trong một tôn giáo nào mà nó là nhu yếu tự nhiên của tất cả sự sống trong hành tinh này.

2. Thanh lọc thân.

Để ứng dụng sự thanh lọc vào thân và làm thế nào để thanh lọc thân, xin quí vị nhớ cho là những gì chúng ta làm cho thân cũng là làm cho tâm. Thân mình an thì tâm mình an, và ngược lại tâm an thì thân chúng ta an. Hai điều nầy hỗ tương có mặt trong nhau. Tâm thức chúng ta an bình thì đời sống chúng ta biểu hiện ra ngoài sự an bình thảnh thơi, và nhìn đời bằng đôi mắt trong sáng. Nếu tâm thức chúng ta nặng nề, bất an, xao xuyến thì cũng thể hiện ra bên ngoài như vậy. Nên pháp chế của Đức Thế Tôn đặt ra cho người tu chúng ta phải gìn giữ thân tâm lúc nào cũng quân bình, không bao giờ thiên lệch một bên nào; xem nhẹ thân mà coi trọng tâm hay ngược lại.

Người đời nhìn người tu chúng ta qua những biểu lộ ra bên ngoài thân ở phong cách là họ đánh giá được đời sống bên trong của tâm thức, rộng hơn người ta đánh giá Phật giáo đang hồi suy vong hay hưng thịnh. Dĩ nhiên chăm sóc thân không có nghĩa là chúng ta làm dáng phô trương chuộng sang, chuộng đẹp. Chăm sóc thân được biểu hiện qua nếp sống của người tu sự giản dị, thanh đạm, và đời sống thanh tịnh vốn dĩ là việc tất nhiên.

Nhìn vào đời sống của Tăng Ni ở những trung tâm tu học người ta thấy ngay thọ mạng dòng chảy của trung tâm đó. Nơi nào biểu lộ ra bên ngoài đời sống chư Tăng Ni đua đòi, ưa chuộng hình thức hào nhoáng chạy theo hướng lợi danh thì đời sống tâm linh ở đó rất thấp, rất nghèo nàn.

Chúng ta chăm sóc thân cũng là chăm sóc tâm và điều cạn nhất là khi chăm sóc thân chúng ta phải cẩn thận trong vấn đề thức ăn. Chúng ta phải khéo chăm sóc và nuôi dưỡng thân mình để phát triển đời sống tâm linh. Nếu không nuôi sống được chúng ta qua cửa thức ăn thì đời sống tâm linh sẽ khó phát triển.

Ngoài thức ăn đi vào miệng chúng ta còn có những loại thức ăn đi vào tai, vào mắt. Hai loại thức ăn nầy có khả năng đi vào nuôi dưỡng đời sống bên trong tâm thức nhiều hơn đời sống hình thể vật lý.

Có những trường hợp mà chúng ta không được đất trời ưu đãi điều kiện tốt lành thì chúng ta có thể tạo thức ăn thanh khiết cho chính mình bằng phương pháp Đức Phật đã dạy. Như khi ăn, ngồi trước bát cơm, chén nước ta trải tâm từ để quán chiếu trước khi ăn, gửi niệm lành bằng niềm tri ân thì năng lượng tâm thức ảnh hưởng đến thức ăn có khả năng nuôi dưỡng ta rất lớn. Cho nên ngoài món quà rất quí là thức ăn mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta, thì tự chúng ta cũng tạo ra năng lượng tốt lành, thanh tịnh nuôi dưỡng ta trước khi ăn uống. Đó là con đường thanh lọc thân bằng “tư niệm thực” và “bằng thức thực.”

Tôi chia xẻ điều nầy để quí vị lưu ý là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, và thức thực là những thức ăn có tính chất nuôi dưỡng thân ta dĩ nhiên quan trọng nhưng quan trọng hơn hết là nuôi dưỡng tâm bên trong.

Ta có thể xử dụng“tư niệm thực” và“thức thực” bằng cách khởi quán chiếu. Trước khi ăn chúng ta vận dụng nguyện lực lành gửi vào trong thức ăn, và khi ý niệm lành được gửi vào thức ăn thì thưa quí vị, tính chất kỳ diệu cùng năng lượng rất lớn của nó có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu không những thân mà còn trị liệu tâm chúng ta nữa.

Ví dụ khi chúng ta muốn gửi năng lượng lành đến một người nào, thì qua không gian năng lượng nầy được truyền tãi đến người kia không phải bằng sóng điện mà bằng ý thức. Như chúng ta đã biết tốc độ âm thanh thường chậm hơn ánh sáng nhưng nhanh hơn ánh sáng là sóng ý thức của ta. Ý thức ta khởi tức thì đến ngay với người kia, và bằng tâm thức mạnh, thiện lành như thế nên người nhận cảm thấy bình an, thư thái.

Tôi kể câu chuyện nầy qua kinh nghiệm chính bản thân tôi. Hồi nhỏ tôi là một đứa bé khó nuôi, mẹ tôi không nghĩ là tôi có thể sống đến sáu tuổi. Ở nhà quê thì thuốc thang thiếu thốn nên mỗi lần trị bệnh là Bà cụ bế tôi đi khoảng bốn, năm cây số đến nhà một bà Thầy Mo gọi là “xác cậu Mười” để chữa bệnh.

Bà Thầy đã chữa cho tôi bằng cách phun rượu vào lưng tôi, cầm mấy cây nhang họa vòng vòng xong, bẻ nhang thành từng lọn, bỏ thêm mấy lát gừng, ba ngọn húng cây, ba lá bầu bầu, gói lại thành thang thuốc bảo mẹ tôi đem về nấu để tôi uống. Vậy mà nuôi tôi lành bệnh cho đến mười mấy tuổi.

Thưa đại chúng, bây giờ cùng nhìn lại những điều trên chúng ta thấy có những điều xem quê mùa, hủ lậu như vậy nhưng rất khoa học. Có hai điều làm nên sự lành bệnh của tôi; thứ nhất là người đã chữa bệnh cho tôi có năng lượng rất lành muốn cho đứa bé khỏe mạnh và nhờ bao nhiêu người chung quanh tin tưởng rằng bà Thầy sẽ chữa lành bệnh cho tôi, nhất là trong đó có mẹ tôi và tôi.

Tự thân nơi bà thầy Mo phát khởi một niềm tin rất mạnh là mình có năng lực lớn để trị bệnh. Bà đã gửi năng lượng lành của ý thức mình vào hớp rượu ngậm trong miệng và phun vào lưng đứa bé để làm nên điều kỳ diệu. Thứ hai Bà cụ cũng tin như vậy và bản thân tôi cũng tin khi uống bát nước nấu từ mấy lát gừng, mấy ngọn rau húng, mấy lá bầu kia sẽ lành bệnh. Cho nên cách trị liệu đó, thưa không phải là vấn đề mà vấn đề là niềm tin của bao nhiêu người bên ngoài, trong gia đình, năng lượng từ người thầy và nhất là bản thân người bệnh đã tự trị liệu mình.

Đức Phật từ ngàn xưa đã dạy chúng ta là mọi động tác của người tu là phải làm bằng con đường khởi quán năng lượng lành để nuôi dưỡng mình và đây là một pháp môn thực tập. Chúng ta có khi học nhiều, tu nhiều nhưng chúng ta quên những điều căn bản nầy. Chúng ta đừng tưởng cầm một ly nước niệm ba tiếng Phật, ba tiếng Bồ Tát hoặc một câu chú là điều không cần thiết. Cho dù chúng ta tu đến trình độ nào thì điều nầy rất cần trong thực tập hàng ngày và xin các vị lưu ý hãy ứng dụng sự thanh lọc nầy vào trong thân quí vị trước.

Người tu không làm được việc cạn nhất như thế nầy thì không thể làm được việc sâu hơn. Luyện lọc tâm tinh tế hơn nhiều và khi chúng ta làm được cho thân thì chúng ta làm được cho tâm.

3. Thanh lọc tâm thức.

Bước vào con đường thanh lọc tâm khó hơn gấp nhiều lần so với việc thanh lọc thân. Khó hơn vì chúng ta không cảm nhận được những chuyển biến của nó. Hơn nữa tâm vốn vô hình, chúng ta không thể đo lường khả năng phát triển, tôi luyện nó đến mức nào để được tâm trong sạch không cáu bẩn. Cho nên trên bước đường luyện tâm, thanh lọc tâm người ta dễ bỏ cuộc, dễ chán, dễ quay lưng.

Từ khó khăn nầy, chúng ta nên lưu ý điều đầu tiên là khởi phát nhu yếu luyện tâm thức và thanh tẩy nó. Chúng ta làm thế nào để đốt lên ngọn lửa đam mê trong tim mình thì mới có năng lực làm được công việc nầy. Nếu không chúng ta khó có khả năng đeo đuổi con đường nầy lâu, tu chơi chơi ít lâu rồi bỏ cuộc. Nhiều khi lỡ khoác áo người tu rồi thì bất đắc dĩ tu luôn cả đời nhưng thực tế thì không tu gì cả.

Thưa quí vị, nếu một thỏi sắt mà chưa được thanh lọc, chưa tôi luyện thì sắt kia không làm thành một vật dụng tốt được. Dù là vàng nhưng chưa luyện, lọc sạch quặng bên trong thì không thể làm thành một món nữ trang giá trị, đẹp được. Kim cương là loại khoáng chất được cho là quí nhất, cứng nhất nhưng nếu có một viên kim cương bên trong có tí bọt thì viên kim cương bị mất giá ngay. Nguyên tắc trong đời sống là như vậy, cái gì luyện được tinh sạch mới có giá trị.

Người tu chúng ta cũng vậy, tâm thức chúng ta mà chưa thanh lọc được thì chỉ làm một ông thầy tu hay một ni cô cơm cháo qua ngày thôi.

Con đường thanh lọc tâm thức nhắc nhở chúng ta trong cuộc đời muốn xứng đáng là con của đức Thế Tôn thì luyện tâm thức là điều tất yếu. Chúng ta không có lý do gì khước từ sự thực tập, chỉ có một điều là chúng ta có chịu tu hay không mà thôi.

Tu hay luyện tâm là đem tâm mình về lại để nhận biết từng việc mình làm. Chúng ta có trọn thì giờ cả một ngày để thực tập điều nầy chỉ trừ khi ta không muốn tu. Đi một bước thực tập, thở một hơi vào ra thực tập, uống một hớp nước thực tập... Không ai lấy bước chân của quí vị, không ai lấy hơi thở của quí vị, chỉ có cái đầu của quí vị không chịu tu thôi.

Cách thứ nhất để chúng ta thanh lọc tâm thức là thanh lọc ý niệm trước. Chữ ý niệm nầy trong văn học duy thức còn gọi là tác ý. Tác ý là khởi ý. Có hai trường hợp khởi ý: khởi ý có chủ động và khởi ý không có chủ động. Thường thường không chủ động chúng ta dễ đi lạc vào hướng tiêu cực (phi như lý tác ý), và hướng chủ động thì đưa chúng ta vào chiều tích cực (như lý tác ý).

Muốn thanh lọc ý niệm, đầu tiên chúng ta nên áp dụng phương cách làm khởi phát trong tâm thức ta ý niệm lành. Nếu có một ý niệm tiêu cực phát sinh chúng ta phải tức khắc đưa ra khởi ý tích cực theo kèm, và ý niệm lành khởi lên chắc chắn môi trường sống của chúng ta an bình, hạnh phúc. Nếu không có nhu yếu thanh lọc tâm thì chúng ta để mặc cho tác ý tiêu cực dẫn ta nổi chìm vào ngõ tăm tối của nhân gian. Dĩ nhiên, tất cả ý niệm là những đứa con của chúng ta, là những hóa thân của chúng ta cho ra cuộc đời. Quí vị nên nhớ là ý niệm một khi sinh khởi thì không bao giờ mất đi, khả năng của nó đọng lại trong không gian bên ngoài, trong tâm thức chúng ta. Do vậy, thanh lọc ý niệm là bước căn bản của thiền nhân.

Bước vào mức độ sâu hơn chúng ta không cần khởi ý niệm lành gì cả mà chúng ta cần có khả năng nhận biết sự có mặt của niệm khởi. Ở tầng nầy đòi hỏi khi bất cứ sinh khởi nào của ý niệm có mặt thì ta không phải là người sinh khởi ý niệm nữa; mà ta là người nhìn thấy một cách khách quan từng ý niệm có mặt trong ta. Tầng nầy chúng ta gọi là tầng nhận biết sự có mặt của ý niệm. Khi chúng ta làm được điều nầy thì chúng ta đã có định lực rất vững vàng.

Chúng ta chỉ làm mỗi một việc nhận diện đơn thuần thôi. Nhận diện rõ thực tánh sinh diệt, đến đi của ý niệm là ta đang làm công việc thanh lọc tâm thức ở tầng sâu nhất, tuyệt vời nhất. Và chắc chắn một điều là tất cả những nghiệp thức xấu ác, ô nhiễm... từ vô thỉ kiếp hoàn toàn cạn sạch như khi chúng ta nghiêng bình trút hết những cặn bã, cáu bẩn ra ngoài.

Thưa đại chúng, sự thanh lọc tâm thức đơn giản mà lại sâu sắc nhất là chúng ta luôn luôn có mặt với sự nhận biết tỏa sáng những gì đang xẩy ra; từ tiếp xúc bên ngoài của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc với các đối tượng. Rồi quay vào bên trong thì cũng luôn có mặt nhận diện những cảm thọ, tâm hành của mình sinh khởi, và sâu hơn là những suy tư, ý niệm.

Con đường nầy các bậc Thánh quá khứ đã từng đi vào và hiện tiền chứng nghiệm Thánh vị A La Hán. Truyền thống Thiền Trung Hoa các bậc Thầy, các vị Thiền sư cũng theo con đường nầy thực tập quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp chứng nghiệm giải thoát ngay trong hiện đời.

Chúng ta đang đi trên con đường nầy, con đường Thiền quán. Chúng ta cần phải có nhiệt tình tu, có niềm đam mê thực tập sự thì thành công sẽ có mặt.

Nữ thiền sư cư sĩ Dipama dạy thiền sinh rằng: “Sự tỉnh thức chánh niệm chỉ giản dị là luôn có mặt với những gì đang xẩy ra”. Đây chính là tiêu ngữ cho những người đang đi trên con đường thiền tập.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]