Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

B. Tiểu thuyết tôn giáo

14/03/201105:45(Xem: 6667)
B. Tiểu thuyết tôn giáo

ĐẠO LÝ NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

PHỤ TRƯƠNG

B.Tiểu thuyết tôn giáo

KIẾP ĐOẠN TRƯỜNG

Sương sa mù mịt, gió thổi hắt hiu, vùng trời phẳng lặng. Ngồi trông ra, thấy cảnh êm đềm, khó giải lấp cơn buồn. Tôi bèn mặc áo, trùm đầu, mang hia, xách gậy, bước ra ngoài đi dạo cho qua cái thì giờ lạnh lẽo lúc tàn canh. Cảnh lặng như tờ. Trông lên những cụm sương đang bao phủ mấy đỉnh núi, dường như một bức tranh vẽ mà họa sĩ đã bôi xóa bằng cọ. Trong khi một mình thơ thẩn, tôi bỗng nghe tiếng gì nho nhỏ gần đó. Lắng rõ ra là tiếng đàn bà. Thật vậy, nếu như nhằm lúc cảnh trong trời sáng, tôi nào có để tâm đến. Nhưng đang cơn gió lạnh cảnh buồn, giọt sương trắng xóa mênh mông, tiếng ấy lọt vào tai tựa hồ như tiếng rền rĩ khóc than của một bầu trời đau khổ. Tôi lần đến, thấy dạng một cô gái đang ngồi trên một hòn đá bên đường. Tóc dã dượi phất phơ trên gương mặt rầu rầu vì bị nắng táp mưa sa cho nên ra màu sạm nắng. Và cái tiếng từ từ trong tâm trí điên khổ của cô mà lộ ra ngoài đầu môi thê thảm, làm cho hiểu rằng cô đã quá để lòng mong mỏi, và nay đã thất vọng rồi. Nên cô muốn thở than trong lúc thanh tĩnh êm đềm, trước cảnh thiên nhiên, hầu cho nguôi được tấc dạ não nề của kẻ khổ tâm.

Tôi bèn hỏi thăm rằng: “Cô là ai? Vì sao lại tủi phận một mình trên khoảng đường vắng tanh, trong lúc mọi người hãy còn an giấc nơi nệm ấm chăn êm?...”

Cô ngước cặp mắt dã dượi lên nhìn tôi rồi ngó xuống, không trả lời. Tôi thấy vậy, lại hỏi luôn rằng: “Chẳng hay cô thấy tôi đến thình lình mà nghi ngờ, sợ sệt chăng?”

Cô nghe tôi nói, thốt rằng: “Thưa ông! Đã lâu lắm rồi, tôi không còn biết sợ là gì. Tôi cũng không còn biết nghi ngờ, e lệ chi nữa. Thưa ông! Tôi nhắc đến thì tôi lại chạnh nhớ cái tiểu sử lúc xuân xanh của tôi nó đau đớn vô cùng. Cái khổ là cái chi chi mà mọi người đều mang lấy? Đã sanh ra làm phận đào thơ liễu yếu. Sao lại còn gặp những bước đường trắc trở, những buổi phải lăn lóc trong cuộc đoạn trường? Ôi! Nào xưa kia đầm ấm, vui vầy nơi chốn tường cao cổng kín, mà ngày nay lại một mình thui thủi, chẳng khác hoa trôi bèo dạt?...”

Tôi bèn hỏi rằng:

“Cô có cần dùng điều chi mà tôi giúp được, tôi sẵn lòng ngay, xin cô đừng ngại.”

Cô nghe nói, chăm chăm nhìn tôi, lộ ra cái sắc đẹp, cái cảm tình đằm thắm vô cùng. Cô ra vẻ niềm nở đáp rằng:

“Thưa không! Tôi cám ơn ông, tôi chỉ than phiền mà thôi. Vì tôi đây là công chúa con ông hoàng Sô-lam ở xứ Ba-tra-ông thuộc cõi Ấn Độ...”

Trời ơi! Cô ấy là con của một ông hoàng. Thế mà thân cô phải lưu lạc như kẻ khốn cùng, lang thang lướt thướt, nay đầu đường, mai góc chợ như vậy sao?

Tôi bèn vòng tay xá, mà rằng: “Tôi cam lỗi muôn phần, xin nhờ lượng trên tha thứ!”

Công Chúa lấy làm đẹp dạ, đưa tay ra ngoắt bảo tôi ngồi trên tảng đá một bên cô: “Thưa ông! Xin ông nghỉ chân nơi đây mà đàm đạo với tôi. Ông đã đoái đến tôi thì tôi lấy làm hân hạnh mà tỏ bày tâm sự cùng ông...”

Tôi trông cô có vẻ trang nghiêm, tưởng mình không xứng ngồi một bên, trên cái tảng đá ướt át rong rêu kia, khi nãy thật tôi không muốn để ý, bây giờ coi nó quí hóa như ngai vàng của một vị thiên tử. Tôi hãy còn do dự mà chưa dám ngồi. Tôi chậm rãi hỏi rằng:

“Dám thưa công nương! Ai làm cho công nương lại nên nông nỗi này! Tôi thật buồn vì thấy công nương chẳng được an nghỉ nơi màn loan trướng phụng, lại phải chịu đói rét giữa màn trời chiếu đất như thế này.”

Hoa Lang – tên Công chúa – để tay lên trán, ra tuồng suy nghĩ. Đoạn cô nhỏ nhẹ đáp rằng:

“Ông ơi! Ai làm cho thân tôi phải ra nông nỗi này, tôi khó mà đáp cho xuôi câu ấy. Ông hỏi thế tuồng như ông muốn bảo tôi chỉ rằng ai làm cho sa mù bao khuất cái núi trước ta đây vậy! Những điều tai họa của tôi, tôi xin thú rằng tôi không hiểu nguyên nhân tại đâu mà ra!”

Tôi vừa nghe qua, muốn phân giải một đôi câu, nhưng nghĩ chẳng nhằm lúc lấy triết lý ra mà luận biện, nên đành nói xuôi cho hợp ý cô.

“Công nương phân như thế là phải lắm. Việc họa phước thật quá mênh mông. Ta là người đời thấp thỏi, yếu hèn, trông gì dò cho cùng cho tận những lối cao xa, bí thiết.”

Hoa Lang mỉm cười mà rằng:

“Quyển tiểu thuyết về cái kiếp đoạn trường của tôi ngày nay nó vừa mới dứt. Như ông muốn nghe, tôi sẵn lòng lược thuật, may ra cũng giải bớt nỗi sầu.”

Tôi vội vã thưa rằng:

“Tôi được nghe lời công nương, tưởng không có chi hữu hạnh bằng. Xin công nương thuật đi, tôi xin ngồi mà hầu...”

Hoa Lang suy nghĩ giây lát, đoạn cô thuật cái lịch sử của cô, giọng thanh như ngọn gió êm lơ thơ lẩn thẩn trên một cánh đồng lúc lúa chín phất phơ những lượn sóng vàng.

“Tôi là dòng nhà vua ở thành Đề-ly, đã đúng tuần cập kê mà chưa người đem dâng lễ sính. Muốn có một ông chồng danh cao giá trọng như mình, chẳng phải là một chuyện dễ dàng. Có ông hoàng xứ Lữ-nu muốn xin ra mắt, và ngấm nghé vào. Phụ vương tôi hãy còn dụ dự thì gặp lúc giặc loạn nổi lung tung, làm cho dân Ấn Độ thảy đều lầm than...”.

Tôi vừa nghe, vừa ngó cô Hoa Lang. Tiếng cô thật êm ái, làm cho tôi trông cô mà tâm trí dường như phảng phất ra xa, nào là nhớ đến nỗi nọ niềm kia, nào là tưởng tượng những đền đài bên Mông Cổ cao mấy mươi từng, những ngựa giỏi đang nhảy nhót giữa chiến trường một cách oai nghiêm lẫm liệt, những viên quan văn võ đang tung hô dưới bệ vàng, những áo bằng gấm nhiễu phất phơ lòe loẹt nơi đô hội thị thành, tuồng như tranh nhau mà phơi những màu đẹp, trắng, hướng dưới gương trong mắt sáng của muôn người.

Hoa Lang tiếp chuyện rằng:

“Thành của chúng tôi ở gần mé sông Châu-mục-nã giao cho một tướng Bà-la-môn tên Kiều-hoa-liên canh giữ đặng ngăn ngừa những cơn bối rối lúc ban đêm...”.

Cô Hoa Lang nhắc đến tên Kiều-hoa-liên thì gương mặt lộ vẻ ưu sầu. Cô phải ngưng giây phút đặng gượng làm tỉnh táo. Tôi chăm chỉ ngó cô, sút tay làm cho cây gậy rớt nằm trên đất.

“Chàng Kiều-hoa-liên ơi! Chàng Kiều-hoa-liên ơi! Người bên phái Bà-la-môn! Chàng giữ đạo một cách sốt sắng, hẳn hòi. Trời vừa rạng đông, tôi ra trông nơi cửa sổ đã thấy chàng dưới bãi sông Châu-mục-nã mà tư tưởng, mình cởi trần dưới trời lạnh lẽo, còn mắt thì ngó sững vầng thái dương sắp từ từ lộ ra, đặng tỏa thêm cái sáng cho những người có tín ngưỡng cao xa, thành thật. Chàng thường hay ngồi trên một tảng đá dưới mé sông. Quần áo thấm ướt đẫm mà nào chàng có nghĩ đến, cứ lầm thầm khấn vái và niệm kinh cho đến khi trở gót quay về. Bấy giờ chàng lại ngâm một vài bài kệ ca tụng đạo chàng.

“Còn tôi là người theo đạo Hồi, nhưng tôi chưa có dịp nghiên cứu, tôi cũng không biết niệm kinh và cầu khẩn chi cả. Hồi ấy, người có tín ngưỡng đạo Hồi phần đông toàn là những kẻ lêu lỏng chơi bời, nay trà đình, mai tửu điếm. Đền thờ lập ra cho lấy có. Họ mải miết vui say với hầu non gái đẹp, không còn biết tôn giáo là chi nữa. Nhưng dù vậy, tôi hằng vọng tưởng đến những sự hiển hiện linh thiêng. Nhất là khi tôi trông thấy chàng Kiều-hoa-liên chào mặt trời sắp mọc, và bắt từ trên mà lần xuống đến dòng sông Châu-mục-nã, thì dường như cả lòng dạ tôi đều thơ thái, nở nang mà ôm ấp sự tín ngưỡng vào.

“Tôi có một con hầu. Mỗi khi gà gáy tàn canh, nó đi ra mé sông Châu-mục-nã, theo chàng Kiều-hoa-liên mà hứng lấy bụi cát dấy lên trong khi chàng dời gót. Tôi trông ra thấy cảnh tượng ấy thì lấy làm vui vẻ. Nhưng vừa vui lại vừa thấy một cái buồn nó nảy ra, buồn vì chẳng được như con hầu ấy mà gần chàng một vài chút thì giờ, dẫu cho ngắn ngủi đi nữa, tôi cũng đẹp lòng.

“Mỗi khi đến ngày lễ, con hầu cúng dường cho mấy thầy Bà-la-môn một cách trọng hậu. Tôi thường cho nó tiền đặng cung cấp mấy sư Bà-la-môn. Và một hôm, tôi bảo nó đi thỉnh Kiều-hoa-liên mà dự yến tiệc của nó bày. Nó nhìn tôi ra vẻ không bằng lòng và đáp rằng: “Thưa công nương, chàng Kiều-hoa-liên chẳng hề thọ lãnh vật gì của ai hết”.

“Tôi thấy không thể tỏ lòng mộ đạo của tôi cùng chàng, tôi đã không phép giáp mặt với chàng, mà cũng không phép nhắn nhủ với con hầu, cho nên buộc phải lặng thinh mà chịu. Tôi nhớ lại ông tôi có kết duyên với một người đàn bà bên phái Bà-la-môn. Nên tôi lấy làm hân hạnh mà nghĩ rằng tôi cũng chung máu mủ với dòng Bà-la-môn. Tôi thường cho rằng Kiều-hoa-liên và tôi không xa lạ chi mấy. Từ đây tôi ham mộ nghe con đòi thuật lại những chuyện cổ tích và truyền kỳ về thánh thần một cách rõ rệt, êm đềm của phái Bà-la-môn. Tôi càng nghe thì càng thích, càng thích lại càng ham mến cái nền văn minh của người Bà-la-môn. Nào là tượng thần tiên, nào là tiếng chuông mõ trong chùa, nào là nhang đèn nghi ngút, nào là mùi hoa pha với mùi trầm bay lên ngào ngạt, nào là cách nhân từ trong sạch của những thầy tu, nào là những bức ảnh vẽ hình những vị thần tiên giáng thế, cả thảy đều chất chứa trong trí tưởng của tôi, làm cho tôi nghĩ ra một cái thế giới viễn vọng, mênh mông, đầy tinh thần văn minh của Ấn Độ tức là của đạo Bà-la-môn.

“Tâm trí tôi nghĩ ra như thế, tựa hồ như tôi là một con chim đương bay vẩn vơ phòng này qua phòng kia, trong một cái đền cổ to tát, tối tăm.

“Lúc bấy giờ, giặc loạn dấy lên dữ dội. Tôi và con hầu ở trong thành Ba-tra-ông, thật ưu sầu. Phái Bà-la-môn đối nghịch với đạo Hồi. Hai bên quyết tranh nhau đặng làm chúa cả nước Ấn Độ. Phụ vương tôi tức là ông hoàng Sô-lam, là một người khôn ngoan bặt thiệp, đã từng xung đột chống quân Anh. Ông lại tự nghĩ rằng: ‘Giống da trắng này, họ làm được nhiều việc lạ thường. Có lẽ ở Ấn Độ, không một dân tộc nào đối địch lại họ. Vậy thì ta không nên làm liều mà mất thành Ba-tra-ông. Ta quyết không giao chiến với quân Anh đâu.’ Cha tôi tính như thế, chúng tôi đều không vui. Vì trong thành, từ những bậc trai tráng, cho chí những kẻ da mồi tóc bạc đều xao động không một ai muốn dàn hòa với quân Anh.

“Kiều-hoa-liên vẫn là người theo đạo Bà-la-môn, thế là người nghịch với cha tôi, mà giữ cả binh quyền trong thành. Một hôm chàng đến trước cha tôi, khẳng khái nói rằng: ‘Ông Sô-lam! Nếu ông không quy hàng theo chúng tôi, tôi định sẽ chiếm thành này mà ngăn chống với quân nghịch và không dung ông đâu.’

“Cha tôi nghe vậy không để lòng lo, vì ông sắp giao hòa và tác hợp với quân Anh, đặng đánh bọn Bà-la-môn. Nên khi Kiều-hoa-liên xin phát lương tiền cho quân lính thì cha tôi cũng chuẩn cho, nhưng trao ra một số nhỏ nhặt lắm. Tôi thấy tình trạng của quân lính thì động lòng. Tôi bèn cởi đồ nữ trang của tôi từ chân chí cổ mà giao cho con hầu, bảo nó đưa qua cho chàng Kiều-hoa-liên. Khi hay rằng chàng đã lãnh lấy thì chân tay đầu cổ tôi không còn một hột ngọc, một chút vàng, nhưng mà nhẹ nhàng khoan khoái hơn xưa nhiều. Chàng Kiều-hoa-liên cũng sắp ra tay, bèn chùi súng cũ, tuốt gươm xưa đặng có xông vào trường huyết chiến.

“Một buổi chiều, thình lình có một viên Thống chế vào thành Ba-tra-ông với một đội binh Châu Âu sắc phục đỏ hồng chói rỡ. Mới hay rằng cha tôi mật thơ cho quan Thống chế bảo trừ Kiều-hoa-liên, vì chàng muốn dấy lên mà hạ thủ mình. Tựa hồ như tim phổi tôi đã rã ra từ miếng, tôi đã mang nhục lắm rồi, tôi đã khổ lắm rồi, cho đến đỗi tôi không có một giọt lụy lưng tròng.

“Tôi liền lấy y phục của anh tôi, mặc vào mà giả trai, đoạn lén bước ra khỏi thành. Khi nãy đây quân reo inh ỏi, trống đánh tưng bừng, khói bay mịt trời, súng vang dậy đất. Bây giờ vùng trời trở nên phẳng lặng, tựa hồ như cái chết bay phớt trên vũ trụ, trông ra ghê gơm bắt rùng mình. Bóng tà dương chói đỏ trên sông Châu-mục-nã tuồng như kẻ lâm chung nằm trên vũng máu. Bên trời, vừng trăng bạc lộ ra, tỏa cái sáng trong của nó trên khoảng đồng rộng mà mới rồi đây trận chiến kịch liệt đã xảy ra. Bây giờ đây, những kẻ nằm chồng chất với kẻ hấp hối đang mơ màng về nỗi vợ tình con, chạnh bấy cho những kẻ dựa cột bên màn! Tôi trải qua những khúc đường thảm thiết đau thương như vậy là can đảm lắm rồi. Nghĩ cho thân gái một mình trong đêm vắng, thấy muôn vạn kẻ tử trận bên mình, thấy cái chết bay bên tai trước mắt, mà chẳng chút rụt rè, e sợ, thì lạ lắm nào! Tôi thật không còn biết sợ là gì, như đã thành ra một kẻ mất hồn. Ngoài ra cái hy vọng tìm cho được chàng Kiều-hoa-liên, tôi chẳng biết ước ao điều chi khác nữa. Mãi đến gần nửa đêm, tôi mới được gặp Kiều-hoa-liên. Mà gặp chàng nơi đâu?

“Chính tôi gặp chàng nằm mê man bất tỉnh dưới cội một cây xoài, gần sông Châu-mục-nã. Ôi! Cái tình thương tưởng của tôi đã lâu rồi, nảy ra bao nhiêu thì lại dằn giấu bấy nhiêu mà để qua một bên lòng, nay nó bùng vỡ cả ra. Tôi không thể chứa chất nó hoài trong lòng. Tôi không thể làm chủ nó nữa. Cho nên nó bắt tôi phải nhào lăn trên chân Kiều-hoa-liên, giũ cả tóc tôi ra mà chùi bụi trên chân chàng, và ôm lấy chân chàng mà hôn. Lúc bấy giờ, giọt lụy tôi cố không cho tràn mà cũng tràn ra và nhỏ xuống chân chàng. Kiều-hoa-liên bèn cựa mình. Một tiếng than nho nhỏ thoảng qua đôi môi tái ngắt của chàng. Cặp mắt còn nhắm khít, chàng mở miệng muốn xin một hớp nước mà uống. Tôi liền đứng dậy, lần xuống sông Châu-mục-nã, lấy một vạt áo nhúng dưới nước và trở lên để trên môi chàng. Kế tôi xé một chéo áo mà đắp lên mắt bên tả của chàng, vì nơi ấy bị một lưỡi gươm đâm. Đoạn thấy nơi đầu chàng bị một vết sâu, tôi bèn đắp lại kỹ và rưới nước trên mặt chàng. Lần lần, chàng tỉnh lại. Tôi hỏi chàng có muốn điều chi nữa chăng, chàng nhìn tôi và hỏi tôi là ai. Không dè dặt, tôi đáp rằng: “Thưa chàng! Em là con của ông hoàng Sô-lam!”

Tôi trả lời như thế là mong rằng chàng đoái đến chút tình, chớ có dè đâu vừa nghe qua thì chàng vùng la lên rằng: ‘Trời ơi! Mi tệ lắm nào, mi ác lắm nào! Ta đã đến giờ lâm chung mà mi lại đành làm cho ô uế, nhơ nhớp cả một đời của ta nữa.’ Chàng nói thế rồi đánh vào gò má bên tả của tôi một cái rất mạnh làm cho tôi tối tăm mặt mày.

“Ông ơi! Lúc ấy tuổi tôi vừa mới hai tám, và là lần thứ nhất mà tôi ra khỏi hoàng thành. Chân chưa hề dời xa một khoảng đường không xe, không kiệu. Mắt chưa hề trông thấy những thảm trạng trên đường trường. Tôi lại đành bỏ cha xa mẹ, dứt đi một mình một bóng, chẳng quản muôn dặm nhọc nhằn; mà chừng gặp rồi lại được tiếp rước như vậy. Thế thì Trời xét thương cái lòng từ thiện, khoan hồng của tôi như vậy đó!”

Tôi mải nghe cô Hoa Lang thuật cái tiểu sử của cô, tuồng như tôi đương mơ màng trong giấc mộng. Cho đến đỗi điếu thuốc trên tay tôi cháy tàn mà tôi hãy còn chưa hay. Vì sao tôi lại mộ nghe đến thế? Hoặc là giọng nói thanh như tiếng đàn? Hoặc vì cái tiểu sử khổ não kia nó làm cho tâm trí tôi lấy làm thích thú? Thật khó mà đoán cho ra vậy. Lúc ấy, tôi chỉ ngồi lặng thinh mà nghe. Khi cô thuật đến đây, tôi ngất cả người và thốt lên lời trách chàng Kiều-hoa-liên rằng: “Khốn nạn lắm thay! Lòng người đâu mà bạc tình đến thế?”

Cô Hoa Lang bèn chậm rãi trách tôi một cách nhỏ nhẹ rằng: “Ông quá lời đó.”

Tôi vội trở lời mà rằng: “Ấy cũng là cao thượng lắm vậy”. Nhưng cô liền bỏ đi mà rằng: “Ông cho thế là cao thượng sao? Nếu quả là cao thượng, thì đâu có từ những điều trân trọng mà lòng nhân này xin hiến cho chàng?”

Nghe vậy rồi, không thể chê mà cũng khó nỗi khen, tôi đành làm thinh để nghe cô tiếp chuyện.

“Ông ơi! Ban đầu tôi thất vọng lắm, tâm trí tôi rối loạn, khổ nhục lắm. Tôi thầm trách rằng: ‘Chàng ơi! Bạc tình chi lắm vậy! Người có của muốn trao ra mà chàng điềm nhiên chẳng tưởng. Một cô gái có tánh đức, cốt cách đoan trang để lòng mong mỏi mà chàng chẳng chút đoái hoài! Chàng tự cao chăng? Chàng coi người đời như tro bụi chăng, nên mới đành không nghĩ chút thân này?’

“Khi Kiều-hoa-liên ngó qua thấy ai là người cửa các phòng khuê mà nay một mình lúc canh khuya đêm vắng lại quì lạy bên chàng, có lẽ chàng cảm xúc chăng? Nhưng nét mặt chàng vẫn tự nhiên, không lộ vẻ cảm động cùng ngạc nhiên chi cả. Chàng nhìn tôi giây lát, kế nhẹ lần ngồi dậy. Tôi đưa tay ra hầu nâng đỡ chàng. Nhưng chàng vẹt ra và rán lần xuống mé sông một cách thiết tha, đau đớn. Nơi ấy có một con thuyền trống, không bạn bè. Chàng bước qua thuyền, ngồi vào trong mà cho trôi theo dòng nước! Ôi! Lúc ấy tôi thẹn biết dường nào! Nghĩ mình như một đóa hoa đương xuân lại lìa cành, đem giao cả cái khối tình, cả cái tuổi thanh xuân, cả những điều ao ước vào Kiều-hoa-liên. Chàng lại đành bước xuống thuyền mà tách theo dòng nước biếc. Năm ba phen, tôi định nhảy xuống sông trầm mình cho rồi. Nhưng có một cái mãnh lực khác thường nó ngăn không cho tôi trầm châu đắm ngọc. Vầng trăng lộ trước chân trời, lằn đen sậm của những cây bên sông Châu-mục-nã, những dinh trại thăm thẳm ở xa, gần một đôi cụm xoài, tất cả tưởng như hiệp nhau mà lộ vẻ ưu sầu, làm cho cái bãi chiến trường trông ra càng thêm ghê gớm. Tôi mải ngó theo con thuyền đương rong ruổi theo những bờ bến lờ mờ, thì có một mối hy vọng mơ hồ nó từ từ nảy ra, khiến cho tôi không nỡ lìa đời, không đành dứt đi trong cảnh tịch mịch dưới bóng trăng thanh.

“Tôi bèn chậm bước lần theo mé sông, trải qua những cỏ lau rậm rạp, những lối bùn lầy, khi lội ngang ao vũng, lúc lại trèo trên những bờ gay go, trắc trở.”

Hoa Lang thốt đến đây lại ngừng. Tôi cũng lặng thinh, không muốn làm rộn trí cô. Cô nín một chút, rồi tiếp rằng: “Những bước đường, những việc xảy ra từ trước tới sau, tôi khó thuật lại cho rõ rệt, gọn gàng, vì là những lối não nề cho tôi lắm vậy.

“Ông ơi! Khi cặp mắt tôi trông hết thấy con thuyền của Kiều-hoa-liên, tôi bước chân ra đi, nhưng tựa hồ đi trên một cái đồng vắng mênh mông, không biết đâu là đâu cả. Những khúc đoạn trường của tôi nay chất chứa dẫy đầy trong trí tôi, nên tôi không biết nói đến đâu là cùng và chưa rõ phải thuật sao cho ông nhận là thật.

“Trong mấy năm nay, đã từng lăn lóc nơi biển khổ, tôi biết rằng trên đời, không có cái gì là khó và không có cái gì là không làm được. Họ tưởng rằng một nàng công chúa ra khỏi hoàng thành thì không khi nào chịu lận đận lao đao được lâu dài... Ấy họ lầm. Sở dĩ ta xen vào một đám đông rồi ta muốn ra, tức nhiên ta ra được; dầu khó dầu dễ, không mau thì lâu, ta cũng tìm được đường ra. Đường đời có khác nào đường ở đám đông. Tuy nó không phải đường của một vị công nương, một cô kín cổng cao tường, nhưng dầu thế nào nó cũng là một con đường dắt người đến nhiều nẻo khác nhau, hoặc cao hơn hoặc thấp, đường quanh co thăm thẳm, có lắm điều vui mà cũng có lắm điều buồn, có lắm bước dễ dàng mà cũng có lắm bước gian truân. Dầu thế nào, nó cũng là một con đường.

“Cái lịch sử lưu lạc của tôi trên con đường mà mọi người đều để bước, cái bộ phiêu lưu tiểu thuyết của tôi thật là không vui. Và có lẽ nếu thuật với ông thì tôi thuật hết không được. Nói tóm một lời, tôi trải qua biết bao cơn khổ lúc nguy, nhưng Hóa công hãy còn vùi dập mãi chưa thôi. Thân tôi tuồng như ngọn lửa, càng cháy thì càng cao, tôi gặp càng nhiều cảnh ngộ gian nan, tôi lại càng vượt lên khỏi đám người trên đường đời vậy. Hễ tôi biết được thanh cao, thì dầu có cái khổ sâu xa bao nhiêu, tôi cũng không để ý. Nhưng vừa khi tôi được hiểu rằng ngọn lửa khốn cùng nó đưa lên ngọn lửa hân hạnh nhất, cả hai đều nguội lạnh hết, tôi đã kiệt sức rồi. Ngày nay, tôi không còn tự vùi dập, không còn bay nhảy trong chốn bụi trần. Và cái lịch sử tôi cũng dứt đi nhằm lúc này...”

Hoa Lang thuật đến đây rồi nín lặng.

Nhưng tôi lắc đầu mà cho rằng chưa thật dứt, tôi nhỏ nhẹ rằng:

“Thưa công nương! Tôi cam lỗi xin công nương thuật thêm cho rõ đoạn cuối cùng, ấy là công nương trao gởi cho tôi một cái ách nặng, ấy là cô muốn cho tôi chia sầu sớt thảm với cô vậy.”

“Từ khi Kiều-hoa-liên đi rồi, tôi cứ lần theo tìm chàng mãi. Một đôi khi dọ được tin chàng, nhưng chưa hề giáp mặt. Chàng rày đây mai đó, thoáng qua như ngọn gió vầng mây, khi đến Đông, lúc qua Tây, rồi lại ra đi chớ không nhất định ở nơi nào. Tôi mặc đồ ni cô Bà-la-môn, và qua thành Bình-an-kinh, vào một cảnh chùa kia mong được tin chàng. Vì tin tức trong cõi Ấn Độ đều dồn về nơi đó cả. Tôi lấy làm lo lắng, buồn rầu mà nghe thuật những chiến trận xảy ra. Ban đầu còn được một đôi khi thấu tin, lần lần không còn nghe biết chi nữa. Những vị anh hùng kia với Kiều-hoa-liên mà tên tuổi lừng lẫy khắp nơi, bây giờ đều lu mờ tiêu tán trong đám lửa khói một cách tối tăm, mờ mịt. Đoạn tôi từ giã ông sư trong chùa mà đi tìm chàng. Tôi sang nhà này rồi đến nhà kia, hết xứ này rồi qua xứ khác, nhưng chưa gặp chàng. Một vài người biết chàng, số ấy ít lắm, đều nhận rằng chàng đã bỏ mạng nơi chiến trường, hoặc là bị quân nghịch xử tử lúc tàn binh. Nhưng, bên lòng tôi lại có một tiếng nhỏ nó từ từ phía trong mà lên, bảo tôi rằng Kiều-hoa-liên hãy còn sống. Chàng Bà-la-môn ấy, cái lòng trong sạch ấy, cây hương thơm tho ấy nó chưa thật dứt đâu, nó còn chờ người trinh bạch đến dâng cả tâm hồn đặng khêu cho nó thêm sáng ra!

“Ngẫm ra, có lắm kẻ cơ hàn nhờ gia công cầu nguyện nên theo được đạo Bà-la-môn, chớ chưa từng thấy người theo Hồi giáo mà muốn qua đạo Bà-la-môn. Tôi tưởng còn chờ lâu mới mong hiệp mặt với chàng; và trước tôi phải theo đạo Bà-la-môn. Ôi thôi! Tính ra đã trên ba mươi năm rồi. Ngày nay, về tinh thần, về tánh nết, tôi đã hóa hẳn ra là một cô sư Bà-la-môn rồi. Cái giọt máu Bà-la-môn kia, khi xưa bà tôi truyền lại, bây giờ nó chảy khắp trong thân tôi và làm cho thư thái cả chân tay tôi. Tôi thường cho rằng nếu gặp được Kiều-hoa-liên thì tôi không chút ngại ngùng, vội lăn bên chân của người yêu nhất trong buổi xuân xanh mà trao vừa tâm hồn vừa hình vóc. Tôi tưởng đến thế nên hăng hái lắm! Tôi thích nghe thuật những công lao của Kiều-hoa-liên chốn sa trường, nhưng tôi không cảm xúc, không động tình nhiều. Tôi chỉ nhớ trong trí rất rõ ràng, chàng Kiều-hoa-liên trong chiếc thuyền con, dưới bóng trăng trong, nhè nhẹ theo dòng nước êm trên sông Châu-mục-nã. Ngày và đêm, tôi hằng vọng tưởng, thấy chàng một mình một bóng rong ruổi theo con đường bí thiết của hóa công.

“Một hôm, tôi hay được tin chàng, vì muốn lánh nạn nên qua xứ Nê-bạc-nhĩ. Tôi ở đó cũng lâu mới được biết rằng chàng ra đi đã được nhiều năm rồi, bây giờ không rõ ngụ nơi nào. Từ đó, tôi không ngã lòng, cứ đi tìm chàng mãi. Có khi gần nhiều dân tộc tôn giáo khác, cách sinh hoạt khác, nhưng tôi giữ không cho phai lợt cái tín ngưỡng đạo Bà-la-môn, đặng không hổ mặt với chàng, vì biết rằng con thuyền nay gần đỗ bến rồi.

“Thế thì làm sao mà đỗ, làm sao mà gần? Khi nãy, khi nãy đây, chính là sau ba mươi tám năm xa cách, ba mươi tám năm lưu lạc, tôi mới thấy được Kiều-hoa-liên...”

“Sao? Công nương lại gặp được chàng?” Tôi hỏi như vậy vì tôi nóng nghe.

Hoa Lang liền nhỏ nhẹ đáp rằng: “Ông biết tôi gặp thế nào chăng? Tôi gặp chàng da mồi tóc bạc, hình vóc ốm gầy, ngồi trong sân làng mà lảy bắp với một cô vợ, chẳng phải đạo Bà-la-môn. Chung quanh là một bầy trẻ đang chơi đùa”.

Cái lịch sử thuật đến đây là cùng. Tôi muốn thốt vài lời hầu giải cho cô được ít phần sầu. Tôi khuyên rằng:

“Công nương ơi! Một chàng Bà-la-môn bềnh bồng, lưu lạc trong ba mươi tám năm trời, dễ gì mà giữ đạo cho vẹn toàn. Phần thì chung chạ với những dân tộc khác tôn giáo, khác tín ngưỡng, phần thì phải lo mà trốn tránh đặng bảo tồn tánh mạng, ắt phải đổi hẳn tôn giáo đi mới tiện.”

Cô đáp:

“Tôi cũng chán biết lắm. Nhưng tôi không hiểu vì sao tôi cứ tưởng chàng là sốt sắng về đạo Bà-la-môn hoài. Tôi cũng không hiểu vì sao lúc tôi còn thơ, tôi lại đem hết lòng dạ mà hiến cho chàng. Té ra nay tôi mới rõ được rằng cái sốt sắng của chàng khi xưa chẳng phải do bởi lòng thành, bởi trí tưởng, mà lại là bởi thói quen đó thôi! Tôi ngỡ chàng đắc chân lý, được tín ngưỡng thanh cao. Chớ không thì đâu đến đêm khuya thân gái dặm trường, tìm được chàng rồi lại bị ố nhục vào mặt. Ấy là cách chàng tiếp đãi một cô gái tuổi vừa hai tám, mới lần đầu bỏ lầu đài, dinh thự, bỏ mẹ cha, anh chị mà tách dặm tìm chàng, chẳng nệ khó khăn chi cả. Ôi! Kiều-hoa-liên, té ra nay chàng cũng đổi hẳn tôn giáo đi rồi. Thế thì tiện cho chàng. Chớ như tôi, vì ai mà bỏ trọn một đời, bỏ trọn cả tuổi thanh xuân, rồi biết lấy đâu mà thế, mà bù vào?”

Cô đứng dậy, chào tôi bằng tiếng Bà-la-môn. Nhưng cô lại đổi đi mà dùng tiếng đạo Hồi. Cô chào bằng tiếng Hồi giáo. Cô chào bằng tiếng Hồi giáo là cố ý từ giã những tín ngưỡng Bà la môn giáo ngày nay đã rã rời như tro bụi... Tôi chưa kịp trả lời thì cô đã ngã ra trên lộ, gần núi Hy-mã-lạp.

Tôi nhắm mắt giây lát mà ôn lại cái kiếp đoạn trường ấy. Cô gái ngồi trong dinh, trên tấm khảm nhung, tay chống cằm, dựa cửa sổ mà trông ra, thấy chàng Bà-la-môn chào vầng thái dương dưới mé sông Châu-mục-nã. Kế thấy cô một mình một bóng trải qua muôn dặm đường xa. Đoạn thấy cô nhìn vào cái gia đình ấm áp, yên vui của chàng kia, hai hàng lệ bắt từ trong mà lăn ra đầm đìa. Sau rốt, tôi thấy cô vì thất vọng, không nhà, không bạn, ngồi dưới trời.

Tôi bèn mở mắt ra. Sương đã tan dần trên hòn núi chói ra trắng xóa dưới ánh mặt trời. Cô Hoa Lang đi đã lâu rồi. Trên đường, thương khách lại qua. Ai nấy đều lấy làm lạ mà thấy tôi ngồi một mình trên tảng đá dựa lề đường.

(Dịch thuật từ nguyên tác của thi hào Rabindranath Tagore)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]