Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Hướng dẫn thần thức ngay trước khi chết

02/03/201115:09(Xem: 7857)
1. Hướng dẫn thần thức ngay trước khi chết

NGƯỜI TÂY TẠNG NGHĨ VỀ CÁI CHẾT
Tác giả: Nguyên Châu - Nguyễn Minh Tiến dịch

LUẬN VÃNG SANH

Nam mô Thập phương thường trú Tam bảo

Nam mô A-di-đà Phật

Nam mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát

Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát


Luận vãng sanh này gồm ba phần: phần dẫn nhập, phần chính văn và phần kết luận.

Trong phần dẫn nhập, luận này sẽ đưa ra những lời khai thị, các thần thức thượng căn sẽ được giải thoát. Với những ai không được giải thoát, luận này sẽ dạy cách từ bỏ ý thức, giúp các thần thức trung căn giải thoát ngay trước khi chết. Với những ai vẫn chưa được giải thoát, thần thức cần lắng nghe những lời khai thị tiếp tục để được giải thoát trong giai đoạn còn trong pháp thân thường trụ.

Thần thức cần theo dõi diễn biến của cái chết. Ngay sau khi chấm dứt mọi liên hệ với thế giới vật chất, thần thức cần nhớ tới “bản chất của thức là không” và từ bỏ các thức, lập tức giải thoát. Nếu không thực hiện được, người sống cần đọc luận này một cách rõ ràng bên cạnh người chết.

Nếu vì lý do nào đó, thi thể người chết ở một nơi xa, chủ lễ có thể ngồi bên cạnh giường ngủ thường ngày của người chết, dùng nguyện lực tưởng nhớ tới người chết và đọc luận này, xem như người chết đang ngồi bên cạnh. Lúc này không nên kể lể than khóc. Những người thân không kiềm chế được sự than khóc thì không nên có mặt. Nếu cầu nguyện bên cạnh người sắp chết, chủ lễ cần đọc luận này giữa lúc chấm dứt hơi thở và chấm dứt mạch tim.

Nếu có phương tiện, nên cúng dường Tam bảo. Nếu không, cần dùng nguyện lực để cúng dường. Niệm danh hiệu Phật và Bồ Tát cầu cứu độ bảy lần hoặc ba lần,[11]niệm bài Kệ vãng sanh cho thân trung ấm,[12]rồi niệm bài Kệ vô thường.[13]Sau đó tụng Luận vãng sanh này bảy lần hoặc ba lần.

Luận này có ba ý chính: Hướng dẫn thần thức trong hào quang của chân tâm ngay trước khi chết, lưu ý thần thức trong giai đoạn chuyển tiếp của pháp thân, và nhắc nhở thần thức tránh nhập mẫu thai trong cõi Ta-bà.

1. Hướng dẫn thần thức ngay trước khi chết

Trước hết, cần khai thị cho thần thức trong lúc thấy hào quang của chân tâm ngay trước khi chết. Được khai thị như thế, phần lớn những người bình thường đã từng nghe pháp nhưng chưa chứng ngộ, hoặc ít tu tập, đều thể nhập và an trú trong chân tâm, đạt được cõi vô sanh vô tử.

a. Thời gian khai thị

Hơi thở vừa ngưng, trí Bát-nhã thể nhập, thần thức sẽ thấy một luồng hào quang rực rỡ. Nếu trí Bát-nhã rời bỏ thần thức, thần thức sẽ rơi vào giai đoạn thân trung ấm, vì vậy cần tụng luận này trước khi trí Bát-nhã rời bỏ thần thức. Thông thường, từ lúc tắt hơi tới lúc bộ tuần hoàn ngưng hoạt động hẳn, kéo dài bằng khoảng thời gian một bữa ăn.

b. Phương pháp khai thị

Chủ lễ tốt nhất là thầy của người chết, nếu không cũng nên là bạn đồng môn, hoặc bạn hữu cùng một kiến giải. Nếu không được như thế, chủ lễ cần là người có thể tụng luận này rõ ràng, nhiều lần, nhắc nhở lại những gì đã nghe từ thầy, bạn. Như thế thần thức sẽ thể nhập vào hào quang của chân tâm. Không còn nghi ngờ gì nữa.

Trước khi tắt hơi thở, cần làm cho thần thức thấy rõ tính vô thường của vạn pháp, bằng cách nói những lời sau đây:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đây là lúc mà ngươi đi tìm một con đường mới. Khi hơi thở vừa tắt, ngươi sẽ thấy một luồng hào quang rực rỡ, chính là điều mà ngươi đã từng học biết. Đây chính là chân tâm thường tịch, vắng lặng, trống rỗng như không gian, là thức vô biên xứ. Hãy nhận ra điều này và lưu trú trong chánh niệm đó, ta khai thị cho ngươi.”

Câu khai thị trên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong lúc người chết chưa tắt hơi. Khi hơi thở sắp dứt, nên lật xác nằm nghiêng bên mặt theo thế nằm như sư tử ngủ, và bấm mạnh các mạch máu cho tới lúc mạch chấm dứt lưu thông. Làm như thế khí Bát-nhã đã nhập vào khí lực của người chết sẽ lưu lại thêm một thời gian và sau đó chỉ thoát ra ngoài bằng đỉnh đầu.

Trong giai đoạn này, thần thức trông thấy hào quang của pháp thân thường trụ sáng rực rỡ. Đối với người sống thì chỉ thấy người chết đang mê man bất tỉnh vì khí Bát-nhã càng lúc càng giảm. Đó là giai đoạn giữa lúc tắt thở và hệ tuần hoàn ngưng hoạt động. Giai đoạn này dài ngắn không đều, tùy thuộc năng lực tâm linh và trình độ chứng đạo của người chết. Nó đặc biệt kéo dài đối với những người đã tu tập thiền định hết sức bén nhạy. Đối với những người này, cần khai thị bằng cách tụng đọc nhiều lần cho đến khi một thứ khí màu vàng nhạt tuôn ra thất khiếu.[14]Đối với người có nhiều ác nghiệp, giai đoạn này rất ngắn ngủi, chỉ như búng ngón tay. Đối với người thông thường thì sẽ kéo dài khoảng bằng thời gian một bữa ăn. Đối với những người tu tập Mật tông và thiền định bậc cao như Sutra, Tantra thì giai đoạn này có thể kéo dài đến bốn ngày rưỡi. Chủ lễ cần tiếp tục khai thị để giúp thần thức thể nhập vào chân tâm.

Nếu người sắp chết đã từng tụng đọc luận này, chủ lễ chỉ cần nhắc lại. Nếu không, chủ lễ cần chỉ rõ tiến trình của cái chết như sau:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đây là dấu hiệu của đất đang hoại diệt trong nước, nước đang hoại diệt trong lửa, lửa đang hoại diệt trong gió, gió đang hoại diệt trong thức... Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đừng để tâm thức lưu lạc.”

Nói câu này vào bên tai người sắp chết. Rồi đọc tiếp như sau:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), cái gọi là sự chết đã tới, ngươi cần tự nhủ như thế này: ‘Thời điểm tử vong của ta đã tới, nhưng cái chết có thể giúp ta đạt được tâm thức giác ngộ. Trong tinh thần từ bi hỉ xả, ta sẽ đạt được giác ngộ, cứu độ mọi chúng sanh. Trong ước nguyện cứu độ chúng sanh, ta sẽ thể nhập chân tâm, đạt được tri kiến của Phật. Nếu không thể nhập được bây giờ, ta cũng sẽ thể nhập cõi Tịnh độ trong thân trung ấm, tất cả đều là vì chúng sanh trong vô lượng thế giới.’ Nhất tâm chánh niệm trong tư tưởng đó, ngươi cần nhớ lại pháp môn thiền quán đã từng tu tập.”

Vị chủ lễ cần đọc rõ tên người sắp chết, nhắc nhở tập trung vào thiền định, không để buông lỏng một phút nào. Rồi khi hơi thở vừa tắt, vị chủ lễ ấn mạnh vào các huyệt đạo. Nếu người chết là một vị thượng căn, chủ lễ nói:

“Thưa ngài, pháp thân đang bắt đầu chiếu sáng, xin ngài hãy thể nhập vào và lưu trú trong đó”.

Đối với những người bình thường, vị chủ lễ khai thị như sau:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), giờ đây pháp thân đang chiếu sáng rực rỡ trước mắt ngươi, hãy nhận biết rõ. Giờ đây thức của ngươi đang trở về bản tánh chân như, rỗng không vắng lặng, vô ngã, vô tướng, không màu sắc, không âm thanh. Nhưng tâm thức này không phải là sự rỗng không của cái không. Nó tự tại, diệu dụng, biến hóa không cùng. Hai mặt này của chân như chính là từ bi và trí huệ, thể của nó là không. Nó chính là pháp thân bất hoại. Sắc và Không không rời nhau, trong dạng hào quang rực rỡ, vô sanh vô tử. Đó cũng là Phật tính. Hãy nhận rõ điều này. Đó là điều quan trọng duy nhất. Nếu ngươi nhận rõ tâm thức tịch tịnh của ngươi bây giờ chính là tâm Phật, thì ngươi đã thê nhập cõi Phật, cõi Tịnh độ.”

Chủ lễ cần nhắc lại ba lần hoặc bảy lần đoạn văn trên. Thần thức sẽ nhớ lại những gì đã tu học, đồng thời nhận ra rằng tâm thức của mình chính là luồng hào quang đang chiếu sáng rực kia, và nhận ra rằng mình với pháp thân là một không khác. Thần thức sẽ giác ngộ.

Có những trường hợp thần thức nhận ra ánh sáng của pháp thân không phải ngay trong lần đầu mà là lần thứ hai, thời gian có kéo dài hơn đôi chút. Nhưng nghiệp lực nặng nề có thể làm cho thần thức không thể nhập được.

Khi khí Bát-nhã bắt đầu rời bỏ khí lực của người chết, khi thì bên trái, khi thì bên mặt, tâm thức người chết lại như thức dậy. Như trên đã nói, giai đoạn từ lúc tắt hơi tới lúc này dài ngắn không đều, thông thường là như thời gian một bữa ăn. Thần thức thức dậy, phân vân không rõ mình đã chết hay chưa, và nhìn thấy rõ bà con quyến thuộc đang buồn rầu khóc lóc.

Trong giai đoạn này, khi nghiệp lực chưa gây tác dụng và ma vương chưa ám ảnh, chủ lễ cần tiếp tục khai thị. Tùy theo trình độ tu tập của người chết, nếu trước đây vốn không quen nương vào vị Phật hay Bồ Tát nào thì chủ lễ gọi tên ba lần rồi nhắc lại câu khai thị như trên. Nếu người chết trước đây thường hay quán tưởng đến một vị Phật hay Bồ Tát nào đó thì chủ lễ nhắc nhở như sau:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy nhất tâm quán tưởng đến đức Phật... (hoặc Bồ Tát, nêu rõ danh xưng của vị ấy, chẳng hạn như Phật A-di-đà, Bồ Tát Quán Thế Âm... ). Hãy hình dung ngài đang xuất hiện, không có thực thể, như bóng trăng trong nước, đừng hình dung ngài có sắc thể.”

Với đa số những người bình thường, có thể khai thị như sau:

“Hãy quán tưởng đức Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát.”

Với cách khai thị này, nếu trong giai đoạn trước không thể nhập được pháp thân, thì giờ đây thần thức có thể nhận rõ ràng được cõi Phật và thể nhập vào.

Nhưng cũng có những người chưa từng tu tập thiền quán, hoặc đã từng có chánh kiến về pháp môn Tịnh độ, nhưng trước khi chết lại bị rơi vào những ý tưởng sai lầm, vì thế phải chịu đọa sanh nơi ác đạo.

Đối với thần thức, tốt nhất là giác ngộ chân tâm, thể nhập pháp thân ngay sau khi ánh sáng đầu tiên xuất hiện. Không được như thế, thì nếu thần thức thấu hiểu được ánh sáng pháp thân khi xuất hiện lần thứ hai, thần thức cũng được giải thoát. Như đã nói, trong lần này tâm thức bắt đầu tỉnh dậy và tự hỏi mình còn sống hay đã chết. Nếu ở giai đoạn này, thần thức ngộ được pháp thân thì giác ngộ được chân tâm, sẽ không bị nghiệp lực xoay chuyển. Như ánh sáng xóa tan đêm tối, nghiệp lực sẽ bị ánh sáng pháp thân xóa sạch, thần thức liễu ngộ. Ánh sáng pháp thân xuất hiện lần thứ hai chính là xuất phát từ thức sáng suốt rỗng rang vô ngại. Thần thức vào lúc đó có khả năng nghe biết như lúc còn sống. Nếu lời khai thị có kết quả, vô minh của nghiệp lực không còn, thần thức sẽ có đủ thần thông để tùy ý biến hiện khắp nơi.

Phương thức này có thể giúp thần thức liễu ngộ trong giai đoạn xuất hiện lần thứ hai của chân tâm. Tuy nhiên, nếu đến đây vẫn không giác ngộ, thần thức sẽ rơi vào thân trung ấm, có thể xem là giai đoạn thứ ba của tiến trình sau khi chết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]