ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA
Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Phẩm 1
TỰ
Trước khi bàn về chính kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tôi xin bàn về nhan đề của kinh là nhan đề biểu hiện vắn tắt hình thức và nội dung của kinh. Tôi tin rằng nhan đề này đặc biệt biểu hiện ý nghĩa sâu xa của toàn bộ kinh. Bản gốc của kinh Diệu Pháp Liên Hoa được viết bằng Phạn văn, được gọi là Saddharma-pundarika-sùtra. Nhan đề này được ngài Cưu-ma-la-thập (Kumàrajiva) dịch là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (tiếng Nhật là Myòhò Renge-kyò). Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, chân lý tuyệt đối mà đức Thích-ca-mâu-ni chứng nghiệm được trình bày. Chân lý này được gọi là Diệu Pháp (Saddharma-Myòhò) do bởi sự sâu xa của nó như đã được nêu trong phần bàn về kinh Vô Lượng Nghĩa. Trước hết, như đã được biểu thị bằng các từ “thực tướng của tất cả các sự vật”, “Pháp” nghĩa là tất cả các sự vật hiện hữu trong vũ trụ và tất cả các sự kiện xảy ra trên thế giới. Thứ hai, Pháp nghĩa là một chân lý duy nhất thâm nhập vào tất cả các sự vật. Thứ ba, Pháp nghĩa là quy luật như một luật tắc được thiết lập khi chân lý xuất hiện như là một hiện tượng mà chúng ta có thể nhìn thấy được bằng mắt và nghe bằng tai. Thứ tư, Pháp nghĩa là giáo lý về chân lý.
Chân lý biểu thị ý niệm căn bản của bốn ý nghĩa này của “Diệu Pháp” là đức Phật. Theo đó, Pháp điều động những liên hệ của tất cả các sự vật, kể cả con người, cũng là đức Phật và lời dạy, lời giảng về người ta nên sống như thế nào trên căn bản của chân lý cũng là đức Phật. Tóm lại, Pháp và đức Phật là một và như nhau. Nói một cách khác, đức Phật và những chức năng của đức Phật có thể được biểu thị bằng từ “Pháp”. Vì Pháp có một ý nghĩa tối cao, thâm sâu và khó biểu thị nên Pháp được bổ nghĩa bằng tính từ “Diệu”.
“Liên Hoa” (pundarika, renge) nghĩa là hoa sen. Ở Ấn Độ, hoa này được xem là đẹp nhất trên đời vì sen mọc rễ trong bùn nhưng lại nở thành hoa tinh khiết, đẹp và không bị nhiễm bùn. Đây là một biểu thức có tính cách ẩn dụ của ý niệm nền tảng của kinh Pháp Hoa, rằng dù con người sống trong thế giới cấu uế này, con người vẫn không bị ô nhiễm, không bị chao đảo vì thế giới này mà có thể sống một cuộc đời đẹp đẽ với sự tự do trọn vẹn của tâm. “Kinh” (Sutra), nguyên nghĩa là một sợi dây hay một sợi chỉ dọc trong ngành dệt. Người Ấn Độ cổ có thói quen trang điểm tóc mình bằng những bông hoa đẹp xâu bằng một sợi dây. Đây cũng vậy, giáo lý Thánh diệu của đức Phật được góp nhặt lại thành những tác phẩm gọi là kinh. Nói chung, nhan đề “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” nghĩa là “Giáo pháp tối thượng dạy con người có thể sống một cuộc sống đúng đắn không bị điên đảo vì ảo tưởng trong khi sống trong thế giới cấu uế này”.
Phẩm này được gọi là Tự vì phẩm này hình thành phần dẫn nhập của kinh Pháp Hoa. Hoàn cảnh thuyết giảng kinh được nêu trước tiên: khi đức Phật thuyết giảng xong kinh Vô Lượng Nghĩa trên núi Linh Thứu (Grdharakùta) nhằm cho tất cả các Bồ-tát, Ngài ngồi kiết-già, nhập định với thân tâm bất động.
Đây là một sự miêu tả quan trọng. Đức Phật luôn luôn nhập định theo cách như thế trước và sau khi Ngài thuyết giảng. Trong lúc nhập định, Ngài quán xét xem Ngài nên giảng như thế nào để khiến lời giảng của Ngài thâm nhập vào tâm của cử tọa và Ngài luôn luôn mong rằng giáo lý của Ngài được nghe thọ nhận và phổ biến đúng đắn. Người ta bảo đức Phật Thích-ca-mâu-ni nhập định như thế mỗi ngày năm giờ. Theo gương đức Phật, chúng ta nhắm mắt trong ít phút trước và sau khi nghe Phật pháp thì tốt cho chúng ta để luôn nhớ pháp trong tâm trí, để thanh tịnh tâm mình bằng pháp và mong cầu đồng nhất với đức Phật.
Bấy giờ, khi đức Phật nhập định, trời và đất cảm ứng vì giáo lý của Ngài. Hoa đẹp từ trời mưa xuống, và đất rung động theo sáu cách. Thế rồi tất cả hội chúng đạt đến điều mà họ chưa bao giờ được kinh nghiệm trước đây, họ chắp tay nhất tâm, hoan hỷ ngưỡng nhìn đức Phật.
Rồi đức Phật phóng một tia sáng từ vòng lông trắng giữa hai mày Ngài, chiếu sáng một vạn tám ngàn thế giới phương Đông. Ở mọi nơi của phương này, hết thảy chúng sanh trong sáu cõi cũng như những nguyên nhân của tình trạng hiện tại của các chúng sanh ấy đều được nhìn thấy. Ở mọi nơi của phương này, chư Phật đều được nhìn thấy và những người đã nghe chư Phật ấy thuyết giảng và đã tu Đạo cũng được nhìn thấy. Lại nữa, chư Bồ-tát đi trên Bồ-tát đạo, các tháp bảy báu làm nơi chứa xá-lợi của chư Phật sau khi chư Phật nhập Niết-bàn cũng được nhìn thấy.
Bấy giờ Bồ-tát Di-lặc (Maitreya) ngạc nhiên vì sự xuất hiện bất khả tư nghì và hy hữu của đức Phật, và định hỏi đức Phật tại sao đức Phật phô bày điều kỳ diệu như thế. Nhưng Bồ-tát không thể hỏi lý do vì đức Phật đã nhập định. Bồ-tát Di-lặc bèn nghĩ rằng Bồ-tát Văn-thù (Manjusrì) đã từng tiếp xúc gần gũi và đảnh lễ vô số chư cổ Phật, có thể Bồ-tát Văn-thù sẽ trả lời câu hỏi của Ngài về những dấu hiệu hy hữu này. Do đó, muốn giải quyết những nghi ngờ riêng của mình và quán sát sự xôn xao khởi lên trong cả chúng hội, liền hỏi ngài Văn- thù: “Vì nguyên nhân gì, lý do gì mà có sự việc bất khả tư nghì này là một tia sáng được phóng ra từ vòng lông trắng giữa hai mày của đức Phật ? Tại sao tia sáng này lại chiếu sáng một vạn tám ngàn cõi Phật ở phương Đông và làm hiển lộ rõ ràng sự rực rỡ của các Phật độ ấy ?” Ngay sau đó, Bồ-tát Di-lặc muốn lặp lại những gì ngài đã nói, hỏi lại như trên bằng kệ.
Bấy giờ ngài Văn-thù nói với Bồ-tát Di-lặc và tất cả các vị dẫn đạo khác: “Theo như tôi đoán thì đức Phật, bậc Thế Tôn đang chuẩn bị giảng một Pháp rất quan trọng. Đấy là vì hễ khi nào một vị cổ Phật phô bày sự xuất hiện bất khả tư nghì và phóng tia sáng thì ngay sau đó vị ấy liền giảng Pháp rất quan trọng này. “Vô lượng, vô biên, vô số năm trước, có một đức Phật tên là Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai có đầy đủ đức hạnh toàn hảo. Ngài tuyên thuyết Chánh pháp thiện lành ở chỗ khởi đầu, thiện lành ở chỗ giữa và thiện lành ở chỗ cuối. Giáo lý của Ngài luôn luôn được đặt căn bản trên chỉ một chân lý. Chân lý ấy thâm sâu về ý nghĩa, tinh tế về ngôn từ, thuần khiết và chân chính, toàn hảo, hoàn mỹ và cao thượng trong tu tập. Đối với những ai mong cầu là Thanh văn, Ngài giảng giáo pháp Bốn Thánh đế để họ thắng vượt sinh, già, bệnh, chết và cuối cùng dẫn họ đến Niết-bàn; đối với những ai mong cầu là Bích-chi Phật, Ngài giảng giáo lý Mười hai Nhân duyên(1); đối với chư Bồ-tát, Ngài giảng Sáu Ba-la-mật(2) khiến chư vị đạt sự Giác ngộ Toàn hảo (Chánh Đẳng Giác) và thành tựu cái biết toàn hảo”. Các học thuyết Tứ Thánh đế và Sáu Ba-la-mật hay Pàramità dạy chúng ta làm thế nào để giải quyết một cách căn bản vấn đề đau khổ sầu bi mà chúng ta đối mặt trong đời sống hằng ngày và làm thế nào để đạt trạng thái tâm thức an tịnh. Vì các học thuyết này tạo thành cốt lõi của giáo lý của đức Phật nên chúng ta sẽ giải thích chúng ở đây.
BỐN THÁNH ĐẾ:
Bốn Thánh đế (Tứ đế - Shitai) là Khổ đế (Kutai), Tập đế (Jittai), Diệt đế (Mettai) và Đạo đế (Dòtai). Đế thứ nhất của Bốn Thánh đế là Khổ đế. Điều này có nghĩa là tất cả các sự vật trên đời này đều là khổ đối với những người không nghe giáo lý của đức Phật. Đời người đầy cả những hình thức khổ về tâm lý, vật lý, kinh tế và các hình thức khổ khác. Nhận biết điều kiện thực sự của khổ và thấy suốt khổ mà không tránh né khổ hay thỏa hiệp với khổ - đấy là Khổ đế. Tập đế nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ về những nguyên nhân nào đã sinh ra các khổ đau của con người, và chúng ta phải nghiên cứu chúng, hiểu chúng rõ ràng. Việc nghiên cứu nguyên nhân của khổ được nêu rõ trong các học thuyết về thực tướng của mọi Hiện hữu (chư pháp thực tướng - shohò - jissò) và về pháp Mười hai Nhân duyên (Thập nhị Nhân duyên - Jùni-innen) được giải thích ở phẩm 7 của kinh Pháp Hoa, phẩm “Hóa thành dụ”. Diệt đế là trạng thái của sự vắng lặng tuyệt đối trong đó mọi khổ đau trong đời sống con người đều bị dập tắt. Đó là một trạng thái trong đó chúng ta cắt đứt những hình thức khổ về tâm lý, vật lý, kinh tế và tất cả các hình thức khổ khác và thể nghiệm được Cảnh giới của Ánh sáng Tịch lặng Vĩnh cửu (được nêu trỏ trong kinh Quán Phổ Hiền Bồ-tát Hạnh), là cõi của đức Phật Kim Cang) trên cõi đời này. Đây là một trạng thái chỉ đạt được bằng cách chứng ngộ ba chân lý lớn mà đức Thích-ca đã dạy chúng ta: “Tất cả các sự vật đều vô thường (chư hành vô thường - Shogyò mujò)”. “Không có cái gì có ngã (chư pháp vô ngã - Shohò muga)”, và “Niết-bàn là tịch lặng (Niết-bàn tịch tịnh - nahan jakujò)”. Ba chân lý này cũng được gọi là Dấu ấn của Ba Pháp (Tam Pháp Ấn - Sambò-in). Ba chân lý này quan trọng đến nỗi chúng được gọi là ba nguyên lý căn bản của Phật giáo. Tuy nhiên, một người bình thường không thể hiểu được ba chân lý này một cách dễ dàng. Để hiểu được, người ấy cần phải thực hành chúng và nỗ lực thành tựu chúng trong đời sống hằng ngày: người ấy phải tu Bồ-tát đạo bằng tâm, thân và các hành động của mình. Điều này có nghĩa là người ấy phải hiến mình cho việc tu tập giáo pháp Bát chánh đạo (Hassò-dò) và Lục Ba-la-mật (roku-haramitsu). Đạo đế trỏ con đường đưa đến an tịnh tuyệt đối và trạng thái tịch tịnh mà ta có thể đạt được bằng cách tu tập hai giáo pháp này. Pháp Tứ Thánh đế dạy chúng ta đối mặt với thực tướng của khổ đau của con người (Khổ đế), nắm được cái nguyên nhân thực sự của nó (Tập đế), hằng ngày tu tập Bồ-tát đạo (Đạo đế), và từ đó dập tắt mọi khổ đau (Diệt đế). Sơ đồ dưới đây minh họa quá trình ấy:
KHỔ ĐÊ
Tâm lý
Vật lý }Khổ
Kinh tế
Các hình thức khác
TẬP ĐÊ
Truy tìm nguyên nhân của khổ đặt căn bản trên các nguyên lý về thực tướng của các pháp và giáo lý Mười hai nhân duyên.
DIỆT ĐẾ
Trạng thái tịch lặng
Không Tâm lý } Khổ
CóVật lý
Kinhtế
Cáchình thức khác
ĐẠO ĐẾ
Phương pháp tu tập để diệt khổ: Tám Thánh đạo và Sáu Bà-la-mật của Bồ-tát đạo.
Sau đây là một giải thích ngắn gọn về ba chân lý lớn gọi là Tam Pháp Ấn để giúp người đọc hiểu được đầy đủ hơn về Phật giáo thực sự và do đó có thể sống một cuộc sống hằng ngày tốt đẹp hơn:
CHƯHÀNH VÔ THƯỜNG(Tất cả đều không thường hằng):
Ý nghĩa thực sự của các từ “Chư hành vô thường” đã dần dần bị hiểu nhầm trong tiếng Nhật và bây giờ thường được dịch là “Đời là phù du”. Đấy có thể là vì thuật ngữ này đã thường được dùng với nghĩa rộng như thế trong văn chương cổ Nhật Bản. Đây là một trong những nguyên nhân lớn của sự hiểu lầm Phật giáo ở Nhật Bản. Nó tạo cho quần chúng một ý niệm rằng Phật giáo chỉ dạy chúng ta thiết tha cầu mong được tái sinh trong một thế giới tốt đẹp hơn, vì cuộc đời là phù du.
Để sửa chữa sự hiểu lầm căn bản này, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của các từ “Chư hành vô thường” (Shogyò muyò).
Chư hành (Shogyò) nghĩa là “tất cả các hiện tượng xuất hiện trên đời này” và “vô thường” (mujò) nghĩa là “không có cái gì hiện hữu trong một hình thái cố định”. Tóm lại “Tất cả các sự vật đều biến đổi”. Do đó, giáo pháp Chư hành vô thường nghĩa là mọi hiện tượng trong đời này luôn luôn biến đổi.
Khoa học hiện đại đã chứng tỏ rằng mặt trời vốn hình như chiếu sáng trên bầu trời mà không biến đổi thì thực sự đang biến đổi vào mọi lúc. Chúng ta nghĩ rằng không có gì đổi khác giữa chúng ta của hôm qua với chúng ta của hôm nay, nhưng thực tế là các tế bào của thân thể con người vẫn cứ đang chết đi và đang sinh ra, khiến cho tất cả các tế bào của thân thể đều bị thay thế theo từng bảy năm một lần. Mọi tế bào của thân thể chúng ta đang thay đổi liên tục dù chúng ta không để ý đến chúng. Và mọi người đều từ kinh nghiệm mà biết rằng khổ đau, sầu bi, hoan hỷ hay khoái lạc mà chúng ta cảm thọ có thể thay đổi như thế nào trong chốclát.
Đơn giản vì một trạng thái luôn thay đổi như thế là bằng chứng của lời dạy rằng tất cả các sự vật là vô thường, tuy vậy nếu nghĩ rằng giáo lý của đức Phật đề nghị rằng chúng ta xem sự vật đúng thực như sự vật trong sự hiện hữu tạm bợ và mong manh này thì đấy là một sai lầm căn bản. Quy luật tất cả các sự vật là vô thường dạy chúng ta cần phải để ý đến bản chất đổi thay của tất cả các sự vật và do đó đừng để bị ngạc nhiên hay dao động vì những đổi thay vặt vảnh trong các hiện tượng hay hoàn cảnh.
Khi chúng ta hiểu quy luật tất cả các sự vật đều vô thường theo cách tích cực như thế, chúng ta nhận ra rằng cái năng lực là con người của chúng ta thực là lớn lao; và cuối cùng, chúng ta hiểu rõ tại sao con người phải sống theo cách như thế để lớn mạnh và để cải tiến một cách vững vàng. Chúng ta cũng trở nên sắc bén trong việc lưu tâm đến sự cần thiết bày tỏ lòng biết ơn đối với nhau và cần thiết sống với nhau một cách hài hòa với tình yêu bình đẳng đối với kẻ khác và bằng một cảm nhận đoàn kết.
Hàng tỷ năm trước, trái đất không có đời sống; núi lửa tuôn ra những dòng thác dung nham, hơi nước và khí chiếm đầy bầu không khí. Tuy nhiên, khi trái đất đã đủ mát, khoảng hai tỷ năm trước, sinh vật xuất hiện. Những sinh vật đầu tiên này là những sinh thể vi mô đơn bào giản dị. Dù những hình thái sống bé nhỏ này phải đặt mình trong những cơn lũ ào ạt, những trận động đất dữ dội, những trận phun của núi lửa và sự cực nóng cực lạnh, chúng vẫn không bị tiêu diệt. Không hề biến mất, chúng gia tăng thật nhiều và dần phát sinh thành những hình thức sống phức tạp hơn. Ngày nay người ta lập lý thuyết cho rằng đời sống phát triển từ các sinh thể giống như con vi khuẩn a-míp tiến đến loài côn trùng, cá, bò sát, lưỡng cư, chim, loài có vú, và cuối cùng là loài người.
Chúng ta nên xét lại sức mạnh của sự sống. Làm như thế, chúng ta có thể đạt niềm tin vào sự sống của chính chúng ta và do đó đạt sự hăng hái thủ đắc niềm tin tưởng vào sức mạnh cơ bản của sự sống và năng lực của nó để chống chỏi với những khổ đau và thất bại nhất thời. Trong quá trình tiến hóa, con người đã thắng vượt nhiều thử thách và khó khăn. Sức sống này ẩn náu trong thân thể của riêng chúng ta. Khi chúng ta xét quá trình tiến hóa từ con a-míp đến con người và rồi quay nhìn lại lịch sử loài người, chúng ta hiểu ra rằng khi tất cả được nói ra, được làm nên, con người đã từng bước tiến lên.
Đồng thời, chúng ta nhận thức được rằng tiến lên là con đường sống thích hợp nhất của con người và rằng trí tuệ ở một cấp độ riêng lẻ nào, đỡ hơn là thối chuyển vào một lối sống sai lạc, cũng là đi lệch con đường của cuộc sống con người. Nếu chúng ta nắm được điều này, chúng ta sẽ có thể hiểu được rằng chúng ta phải liên tục tiến đến trạng thái lý tưởng của con người- thực vậy, hiểu rằng làm như thế là điều tự nhiên nhất.
Không cần phải nói, trạng thái lý tưởng của con người là Phật quả. Do đó, khi chúng ta muốn thành Phật và liên tục tu theo lời Phật dạy thì chúng ta đang theo phương hướng tự nhiên của đời người. Điều này không có gì kỳ diệu, mà đúng ra là một việc đương nhiên. Sức khỏe và cuộc sống gia đình của chúng ta sẽ trở nên quân bình hơn khi ta quay trở lại con đường tự nhiên mà chúng ta đã đi lệch thì đấy cũng là điều tự nhiên.
Khi ta nhìn lại quá trình tiến hóa đã tạo nên sự sống trên trái đất vốn chỉ đầy cả dung nham chảy ra, kim loại, khí và hơi nước và nhìn xem cách thức các hình thái sống được chia thành thảo mộc và thú vật, thú vật tiến hóa dần qua côn trùng, cá, lưỡng cư, chim, loài có vú, và cuối cùng thành con người, chúng ta hiểu ra rằng gỗ, đá, kim loại và tất cả các chất khác trên thế giới cũng đều có tổ tiên căn gốc đồng với chính chúng ta. Chúng ta có thể nhìn mọi thảo mộc, côn trùng, chim chóc, thú vật như là bà con của chúng ta. Rồi thì chúng ta cảm thấy biết ơn đối với thảo mộc, côn trùng, chim chóc và thú vật. Nếu chúng ta cảm thấy biết ơn các sinh vật này thì chúng ta lại càng nên biết ơn sâu đậm hơn biết bao đối với cha mẹ, ông bà, những người thân thuộc gần gũi nhất và biết ơn hương linh chư vò tổ tiên khác ! Chúng ta hiểu được điều này rõ ràng và cảm nhận nó sâu sắc.
Quả thực mọi sự vật trong vũ trụ có liên hệ với nhau; ta có thể nói gì khi con người trên thế giới này không phải là anh em với nhau ? Người ta chống đối nhau, thù ghét nhau, tấn công nhau, ngay cả giết nhau. Đây không phải là những gì mà đời người muốn có. Lý do khiến chúng ta không hiểu chân lý này là vì chúng ta bị áp đảo vì những đổi thay ảnh hưởng đến chúng ta và bị mù quáng vì coi trọng sự được mất nhất thời. Nếu tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy rõ lời đức Phật dạy rằng mọi sự vật đều vô thường thì họ sẽ được thức tỉnh khỏi cái ảo tưởng như thế và có thể thực hiện một lối sống an hòa và đúng đắn trên thế giới này.
CHƯPHÁP VÔ NGÃ(Tất cả đều không có ngã):
Giáo pháp Chư pháp vô ngã dạy rằng tất cả các sự vật trên đời này, không ngoại trừ gì cả, đều liên hệ với nhau. Không có cái gì dẫn đến một sự hiện hữu cô lập hoàn toàn tách biệt với các sự vật khác. Khi chúng ta xét thấy rằng ngay cả những côn trùng bé nhỏ, chim bay cao trên trời, thông mọc trên một ngọn đồi xa, đều thuộc cùng một chất liệu từ khởi thủy từ hàng tỷ năm nay trên trái đất, chúng ta hiểu ra rằng các sinh vật này đều nhuần thấm cùng một năng lực sống là cái sinh lực tạo cho chúng ta sự sống. Đối với đất, đá, mây và không khí, sự việc cũng như vậy.
Khi chúng ta chú ý đến hiện tại và xét sự hiện hữu của chính chúng ta, chúng ta biết rằng chúng ta sống được là nhờ đất và đá, và chúng ta mang ơn cả đến côn trùng, chim chóc. Ví dụ, nếu không có mây trên trời, chúng ta sẽ không có mưa; không có cây mọc thì chúng ta sẽ không có thức ăn. Nếu không có không khí thì chúng ta sẽ không sống được dù chỉ trong vài phút. Hết thảy chúng ta đều có mối liên hệ vô hình nào đó cả với những sự vật mà bên ngoài có vẻ không dính dáng gì đến chúngta.
Một thí dụ quen thuộc, dù cho cơ thể chúng ta và các chất vô cơ, như sắt, có vẻ hoàn toàn khác nhau, thực ra phần lớn thân thể gồm nước chứa các chất vô cơ, chúng ta sống nhờ ở các chất vô cơ như muối, calcium, sắt và đồng. Sự việc này chứng tỏ các sự vật hiện hữu trong quan hệ lẫn nhau và tùy thuộc nhau. Hiển nhiên rằng đối với những người khác, chúng ta có mối liên hệ, gần gũi, mạnh mẽ hơn thế nhiều.
Cố Bác sĩ Albert Schweitzer, người được giải Hòa bình Nobel, đã làm việc với tư cách một nhà truyền bá y học trong hơn bốn mươi năm giữa những người châu Phi tại Lamberance, Gabon, là một trong những người vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi. Người ta kể rằng bác sĩ Schweitzer đã dứt khoát quyết định cứu giúp người châu Phi vào hôm nghe được bản soạn tấu cho đàn organ của Bach mà cảm thấy một niềm tin vững mạnh. Suy nghĩ câu chuyện về bác sĩ Schweitzer, chúng ta không thể không có ấn tượng sâu xa bởi những nối kết của nhân quả. Bach đã chết từ lâu, trước khi bác sĩ Schweitzer nghe nhạc của ông, có thể không bao giờ mơ tới mối liên hệ giữa chính ông và người châu Phi. Thế mà, một bản nhạc hay do Bach soạn đã tạo vật xúc tác đưa đến quyết định lớn lao của nhà học giả trẻ tuổi xứ Alsace, Albert Schweitzer.
những mắt lưới. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu những người cùng một xứ sở thì càng được nối kết với nhau chặt chẽ hơn biết bao! Kinh tế học cho ta một thí dụ về những liên hệ biểu lộ bên ngoài thực sự được đan dệt sâu đậm hơn biết bao ! Thuế mà chúng ta trả được dùng cho ai ? Ai trả tiền bảo hiểm thất nghiệp mà người thất nghiệp nhận ? Những liên hệ vô hình và khó hiểu quả là nhiều hơn chúng ta tưởng. Chúng ta bị ràng buộc với nhau, và tất cả chúng ta được thấm nhuần bởi cùng một năng lực sống. Thế mà sự chống đối, tranh cãi, đấu tranh và giết chóc khiến chúng ta bị tác động bởi cái tự ngã và khiến chúng ta sống ích kỷ chỉ vì lợi lạc cá nhân. Đây là lý do quan trọng khiến chúng ta phải thể nghiệm cái sự thật rằng không có cái gì có một ngã. Khi chúng ta có một cái thấy sâu xa hơn về các sự vật, chúng ta hiểu ra rằng, như trên đã nói, trì trệ ở một cấp độ riêng lẻ hay trở lại lối sống sai lạc là tội lỗi và xấu xa vì như thế là đi ngược với tính tất yếu của lịch sử và lối sống tự nhiên của loài Người mà con người tiến lên từng bước.
Giáo lý của đức Phật dạy ta rằng tội lỗi và xấu xa vốn không có gốc gác trên đời này. Chúng hiện hữu là do sự phát triển thích hợp của đời sống con người bị ngưng dứt hay sự quay trở lại đường lối sai lầm. Do đó, ngay khi chúng ta lìa bỏ những sử dụng năng lực một cách tiêu cực như thế, tức là ngay khi chúng ta thoát khỏi ảo tưởng, cái xấu biến mất và thế giới ánh sáng của hào quang rực rỡ của đức Phật hiện ra trước mắt chúng ta. Sự “không tiến bộ” của chúng ta, sự “không-đến-gần” đức Phật của chúng ta là tội lỗi và xấu xa vì hành động như thế là trái với lối sống thích hợp của đời người.
Từ quan điểm ích kỷ về ngã, chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể làm gì mà chúng ta muốn chừng nào chúng ta sẵn sàng chấp nhận những hậu quả của hành động của chúng ta và chỉ yêu cầu được để cho chúng ta yên, đừng ai can thiệp đến. Tuy nhiên, thái độ như thế là một sai lầm căn bản, vì cuộc sống của chúng ta một cách nào đó, có liên hệ với đời sống của mọi người khác, khiến cái xấu do một người tạo nên dứt khoát sẽ gây ảnh hưởng đến người khác ở đâu đó, và sự sơ suất của một người chắc chắn sẽ ngăn chặn bước tiến của những người khác. Nếu hiểu được điều này, chúng ta có thể tỉnh ngộ mà nhận ra rằng sự trì trệ hay thối thất của chính chúng ta sẽ cản trở những người khác, từ đó chúng ta quyết tiến dần lên. Đấy là tinh thần của giáo lý Chư pháp vô ngã, và đấy là lý do tại sao tinh thần thực sự của Phật giáo chính là sự nỗ lực không ngừng.
NIẾT-BÀN TỊCH TỊNH(Niết-bàn tịch lặng):
Giáo pháp Niết-bàn tịch tịnh là nguyên lý thứ ba của ba nguyên lý chủ yếu cơ bản của Phật giáo. Giáo pháp này đã bị ngộ nhận do người ta hiểu sai từ “Niết-bàn”. Nhiều người nghĩ Niết-bàn đồng nghĩa với sự chết. Nhóm từ “đức Thích-ca-mâu-ni nhập Niết-bàn” thường được dùng để nói đến cái chết của đức Phật. Vì thế, giáo pháp “Niết-bàn tịch tịnh” đã được hiểu là nhằm trỏ một thiên đường giống như cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà mà trong tông phái Tịnh độ người ta tin là thú hướng lý tưởng của chúng ta sau khi chết.
Từ Sanskritnirvàna có ý nghĩa tiêu cực là sự “dập tắt” hay “tiêu diệt”. Do đó, cảnh giới này cũng có nghĩa là cái trạng thái trong đó thân thể người ta chết đi hay biến mất. Đồng thời Niết-bàn nghĩa là trạng thái đạt được do bởi sự dập tắt mọi ảo tưởng, và đây là ý nghĩa của Niết-bàn được dùng trong những lời dạy của đức Phật. Trong ý nghĩa thực sự của nó, từ Niết-bàn nghĩa là trạng thái đạt được do tiêu diệt hoàn toàn mọi ảo tưởng và trong tương lai sẽ không bao giờ bị nó cám dỗ. Do đó, các từ “đức Thích-ca-mâu-ni nhập Niết-bàn” không có nghĩa là sự chết của Ngài mà là sự chứng ngộ mà Ngài đạt được.
Giáo lý “Niết-bàn tịch tịnh” dạy chúng ta rằng chúng ta có thể dập tắt hoàn toàn mọi khổ đau của đời người và đạt bình an, tịch lặng khi chúng ta diệt trừ mọi ảo tưởng. Chúng ta đạt tới trạng thái này như thế nào ? Cách độc nhất là thể nghiệm hai giáo pháp “Chư hành vô thường” (tất cả các sự vật đều không thường hằng) và “Chư pháp vô ngã” (tất cả đều không có ngã).
Lý do khiến chúng ta lo lắng về nhiều thứ khổ đau là chúng ta quên rằng mọi hiện tượng trên cõi đời này là vô thường, rằng tất cả các sự vật thay đổi liên tục theo luật nhân quả; chúng ta bị các hiện tượng đánh lừa và bị ảnh hưởng bởi sự coi trọng cái được, mất nhất thời. Nếu chúng ta nghiên cứu con đường đưa đến Phật quả và do thực hiện con đường ấy, chúng ta thể nghiệm được chân lý về sự vô thường của tất cả các sự vật, chúng ta sẽ có thể đạt được trạng thái bình an và tịch lặng trong đó chúng ta sẽ không bao giờ có thể bị chao đảo vì những hoàn cảnh đổi thay. Đây là trạng thái “Niết-bàn tịch tịnh”.
Đôi khi chúng ta cảm thấy bực bội vì thiếu thốn lương thực, vì thất bại trong kinh doanh hay vì những tranh chấp cãi cọ. Đấy là vì chúng ta thiếu sự hài hòa giữa chúng ta với các sự vật vô tri và với người khác. Tại sao chúng ta không hài hòa với nhau ? Đấy là vì chúng ta không hiểu được cái chân lý rằng không có cái gì có một ngã thể (Chư pháp vô ngã) hoặc chúng ta đã quên chân lý này. Chúng ta có thể đạt được hài hòa với những người khác một cách tự nhiên khi chúng ta nhớ chân lý rằng mọi sự vật, mọi người đều được thấm nhuần bằng cùng một năng lực sống lớn lao và rằng tất cả các sự vật đều liên hệ hỗ tương một cách kín đáo, và khi chúng ta sử dụng tốt nhất mối liên hệ hỗ tương này bằng cách từ bỏ cái ý niệm về ngã, tức là, bằng cách gia tăng mối liên hệ hỗ tương này để làm lợi cho chúng ta và cho những người khác. Khi hài hòa với những người khác, chúng ta có thể loại bỏ sự dư thừa và thiếu thốn, đấu tranh và xích mích, và có thể duy trì cái tâm an tịnh. Đấy là trạng thái được diễn tả trong giáo pháp “Niết-bàn tịch tịnh”. Đấy là một trạng thái lý tưởng chỉ có thể đạt được bằng sự thể nghiệm hai giáo lý kia, “Chư hành vô thường” và “Chư pháp vô ngã”.
Các giáo lý Bát Chánh đạo và Lục Ba-la-mật dạy chúng ta sống thế nào để đạt được trạng thái “Niết-bàn tịch tịnh” và chúng ta nên thực hành các lời dạy của đức Phật để được như thế. Vì hai giáo lý này có liên hệ mật thiết với giáo lý Tứ Thánh đế nên sau đây cần giải thích vắn tắt các giáo lý này.
BÁT CHÁNH ĐẠO:
Bát Chánh đạo chính là thấy đúng (Chánh kiến, shò-ken), suy nghĩ đúng (Chánh tư duy, shò-shi), nói năng đúng (Chánh ngữ, shò-go), hành động đúng (Chánh nghiệp, shò-gyò), sống đúng (Chánh mạng, shò-myò), nỗ lực đúng (Chánh tinh tấn, shò-shòjin), ghi nhớ đúng (Chánh niệm, shò-nen) và Thiền định đúng (Chánh định, shò-jò). Nhiều giới điều và giáo pháp chứa những con số như Bát Chánh đạo - được nêu trong kinh điển Phật giáo. Đấy là do vì vào thời đức Thích-ca-mâu-ni giảng pháp, người ta không thể ghi chép các giáo pháp của Ngài, nhưng cần phải nhớ những gì mà họ đã nghe. Do đó, đức Thích-ca đã dùng các con số khi giảng nhiều giáo lý khác nhau để người ta có thể dễ dàng ghi nhớ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không cần phải quá câu nệ về các con số như thế.
Những ai thấy khó nhớ giáo pháp Bát Chánh đạo do cách chia tám như thế, có thể thấy dễ hiểu hơn bằng cách chia nó ra làm bốn phần. Phần thứ nhất là mục đích cơ bản của Bát Chánh đạo, tức thiết lập niềm tin đúng đắn vào một tôn giáo được xây dựng trên trí tuệ của đức Phật, nhận thức và lĩnh hội nguyên lý về Thực tướng của mọi Hiện hữu; phần thứ hai là có thái độ đúng đắn trong đời sống hằng ngày của chúng ta; phần thứ ba là có cách hành xử hằng ngày đúng đắn; và phần thứ tư là theo con đường đúng đắn trong việc thực hành giáo lý của đức Phật. “Chánh kiến” nghĩa là từ bỏ cách nhìn quy ngã về các sự vật và có cái thấy đúng đắn của đức Phật. Nói một cách khác, đấy là quy y Phật. “Chánh tư duy” nghĩa là không thiên về thái độ quy ngã đối với sự vật, mà suy nghĩ về sự vật một cách đúng đắn, từ một lập trường cao hơn. Chánh tư duy dạy ta từ bỏ “ba cái xấu về ý” (tam tưởng) là dục, sân, hại và suy nghĩ về các sự vật một cách đúng đắn với cái tâm quảng đại như tâm đức Phật. Một cách rõ ràng hơn, ba cái xấu này là cái ý tham muốn (dục) chỉ nghĩ đến sự thủ đắc riêng của mình; cái ý giận ghét (sân) không ưa thích khi sự việc không xảy ra như mình mong ước; và ý ác độc (hại) muốn được theo ý mình trong mọi sự.
Chánh kiến: Thấy mọi sự vật một cách đúng đắn,, được đặt căn bản trên trí tuệ của đức Phật,, nhận thức và hiểu nguyên lý về Thực tướng của mọi Hiện hữu.
Chánh tư duy: Suy nghĩ đúng đắn,, tránh được ba cái xấu về ý.
Chánh ngữ: Nói lời đúng đắn,, tránh được bốn cái xấu về miệng.
Chánh nghiệp : Hành động đúng đắn,, tránh được ba cái xấu của thân.
Chánh mạng: Kiếm được thức ăn,, thức mặc,, nhà ở và các nhu cầu hằng ngày theo cách đúng đắn.
Chánh tinh tấn:Không bao giờ làm điều xấu,, luôn luôn làm điều tốt.
Chánh niệm:Luôn luôn có niệm tưởng đúng đắn đến cả chính mình và người khác.
Chánh định: Luôn luôn nỗ lực để đạt Chánh pháp và an trú trongChánh pháp.
BÁT CHÁNH ĐẠO
“Chánh ngữ” dạy chúng ta sử dụng ngôn từ đúng đắn trong đời sống hàng ngày và tránh “bốn sự xấu của miệng”: nói dối (lời nói giả dối), nói hai lưỡi, nói xấu (vu khống), nói bậy (lời nói không cẩn thận).
“Chánh nghiệp” nghĩa là sự ứng xử hàng ngày phù hợp với giới luật của đức Phật. Để được như thế, cần nhất là kềm chế “ba cái xấu của thân” làm trở ngại những hành động đúng: sát hại không cần thiết, trộm cắp, phạm dâm hay ngoại tình.
“Chánh mạng” nghĩa là thu đạt thức ăn, áo mặc, nhà ở và các nhu cầu khác của cuộc sống theo một cách đúng đắn. Chánh mạng dạy chúng ta không kiếm sống bằng công việc nào gây phiền khổ cho người khác và bằng nghề vô ích cho xã hội, mà phải sống bằng sự thu nhập chính đáng mà chúng ta có được nhờ công việc đúng đắn, nhờ một nghề có ích cho người khác.
“Chánh tinh tấn” nghĩa là luôn hành xử đúng đắn, không lười biếng hay đi lệch khỏi con đường chân chánh, tránh những sai lầm như ba cái xấu về ý, bốn cái xấu về miệng và ba cái xấu về thân đã nêu trên.
“Chánh niệm” nghĩa là tu tập bằng cái tâm đúng đắn như đức Phật đã tu tập. Chỉ có thể thực sự bảo rằng chúng ta có cái tâm như đức Phật khi nào chúng ta có một cái tâm chân chánh không chỉ riêng đối với chính mình mà cả đối với những người khác, và hơn nữa, đối với mọi sự vật. Nếu chúng ta cứ hy vọng rằng chỉ chúng ta là đúng thì chúng ta sẽ trở thành kẻ ngoan cố và tự mãn bị đời xa lánh. Chúng ta không thể bảo rằng chúng ta có cái tâm như đức Phật nếu chúng ta không chú tâm vào hết thảy mọi sự vật trong vũ trụ với một cái tâm thanh tịnh và chính đáng.
“Chánh định” nghĩa là luôn luôn quyết định tin tưởng giáo lý của đức Phật và không bị dao động vì mọi thay đổi về hoàn cảnh. Chánh định dạy chúng ta kiên trì tu tập giáo lý của đức Phật.
Nhìn chung, học thuyết Bát Chánh đạo là giáo lý trỏ cho chúng ta con đường chân chánh để sống cuộc sống hằng ngày.
LỤC BA-LA-MẬT(Sáu sự toàn hảo):
Giáo pháp này dạy chúng ta về sáu loại tu tập mà chư Bồ-tát cần theo để đạt chứng ngộ. Sáu Ba-la-mật là bố thí (sự cho, juse), trì giới (giữ gìn giới luật, jikai), nhẫn nhục (sự kiên nhẫn, miniku), tinh tấn (sự nỗ lực để tiến bộ, shòjin), Thiền định (zenjò) và trí tuệ (chie).
Bồ-tát là một vị không như Thanh văn hay Duyên giác, không chỉ mong cầu dập tắt ảo tưởng của riêng mình mà còn để cứu độ những kẻ khác nữa. Do đó, giáo pháp Lục Ba-la-mật có mục tiêu là cứu độ hết thảy chúng sanh.
Tu bố thí là thứ nhất trong giáo pháp này. Có ba loại bố thí: bố thí tài sản vật chất, bố thí Pháp và bố thí sự vô úy (không sợ hãi, thân thể). Bố thí thứ nhất là cho người khác tiền bạc, của cải. Bố thí thứ hai chỉ sự dạy dỗ người khác một cách đúng đắn. Và bố thí thứ ba là gỡ bỏ những ưu tư, khổ đau của người khác bằng nỗ lực của chính mình. Không ai là không thể thực hiện một hình thức bố thí nào đó. Dù cho một người có nghèo khổ đến đâu, người ấy cũng có thể bố thí cho những người còn tệ hơn mình hay có thể giúp vào việc công ích bằng sự bố thí dù nhỏ nhặt, nếu người ấy muốn. Ngay cả một người hoàn toàn không thể làm được như thế, người ấy cũng có thể có ích cho kẻ khác và cho xã hội bằng cách phục vụ. Một người có kiến thức hay trí tuệ về một lãnh vực nào đó hẳn cũng có thể dạy những người khác hay dẫn dắt họ ngay cả trường hợp người ấy không có tiền hay bị trở ngại về thể chất. Dù cho một người có hoàn cảnh hạn hẹp cũng có thể thực hiện bố thí Pháp. Nói lên kinh nghiệm riêng của mình cho người khác cũng có thể là một sự bố thí Pháp. Chỉ bảo người khác về một toa thuốc hay chỉ đan may chẳng hạn, cũng có thể là một cách bố thí Pháp.
Điều cần là chúng ta phải làm sao để có ích cho người khác do thực hiện ba loại bố thí này trong phạm vi khả năng của chúng ta. Không cần phải nói, nếu chúng ta thực hiện cả ba loại bố thí ấy thì thật không gì tốt bằng bố thí là điều thứ nhất trong các tu tập của vị Bồ-tát, điều này rất có ý nghĩa.
Tu tập về trì giới là Ba-la-mật thứ hai trong sáu Ba-la-mật. Trì giới dạy chúng ta rằng chúng ta không thể thực sự cứu độ người khác nếu chúng ta không tháo bỏ những ảo tưởng của chính chúng ta nhờ giới luật mà đức Phật đã ban bố và dạy rằng chúng ta cần phải tự toàn hảo mình bằng cách sống một cuộc sống chánh trực. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ rằng chúng ta không thể dẫn dắt người khác là vì chính chúng ta không toàn hảo. Chúng ta không thể tiến bộ nếu chúng ta đoạn tuyệt với những người khác trong nỗ lực sống cho đúng đắn. Điểm chủ yếu của việc nắm giữ giới luật (trì giới) là phục vụ người khác. Chúng ta càng làm gì cho người khác thì chúng ta càng có thể nâng cao mình lên, và chúng ta càng nâng cao mình lên thì chúng ta càng có thể phục vụ người khác. Cái này tăng cường cho cái kia vậy.
Ba-la-mật thứ ba là nhẫn nhục, một đức tính đặt biệt quan trọng đối với người ngày nay. Đức Thích-ca-mâu-ni có tất cả các đức hạnh và thành Phật do Ngài kiên trì tu tập. Dù rằng chỉ nhấn mạnh đến một trong những đức hạnh của Ngài là có tội với Ngài, nhưng đức hạnh lớn nhất của đức Phật đối với tư cách như một con người hình như vẫn là sự độ lượng của Ngài. Tiểu sử của đức Thích-ca-mâu-ni mà ta đọc hay do kinh kể thế nào đi nữa thì ta cũng không thấy ghi rằng đức Phật đã từng giận dữ. Dù Ngài bị ngược đãi nặng nề hay dù các đệ tử Ngài nhẫn tâm chống lại Ngài và bỏ Ngài mà đi, Ngài vẫn luôn luôn thân ái, từ bi.
Nếu tôi được yêu cầu giải thích đặc tính này của đức Phật với tư cách một con người bằng một biểu từ đơn giản thì tôi sẽ không ngần ngại đáp rằng “một con người hoàn toàn độ lượng”. Do đó, tôi nghĩ rằng không có hành động nào làm cho đức Phật Thích-ca buồn hơn là khi chúng ta trở nên giận dữ về điều gì và trách mắng người khác hay khi chúng ta khiển trách người khác vì những sai lầm của chính chúng ta. Tốt hơn hết, chúng ta nên giữ đừng phạm những hành động như thế đối với nhau. Một cách vắn tắt, nhẫn nại là tính độ lượng. Một khi chúng ta kiên nhẫn theo sự tu tập của chư Bồ-tát, chúng ta không còn trở nên giận dữ hay trách mắng kẻ khác hay đối với mọi sự vật trong vũ trụ. Chúng ta có thể than phiền về thời tiết khi trời mưa và cằn nhằn về bụi bặm khi chúng ta gặp buổi đẹp trời. Tuy nhiên, nhờ nhẫn nại, chúng ta được một tâm trí bình lặng thanh thản thì chúng ta biết ơn cả mưa lẫn nắng. Rồi thì lòng chúng ta trở nên tự tại với mọi thay đổi trong hoàn cảnh của chúng ta.
Bố thí : “Khiến người keo kiệt khởi tâm bố thí”: Chân thành phục vụ cộng đồng và những người khác
Trì giới : “Khiến người kiêu mạn khởi tâm giữ các giới điều”: Gỡ bỏ cái tâm kiêu mạn,, tự nhắc nhở và điều ngự
mình.
Nhẫn nhục :“Khiến người nóng tính khởi tâm nhẫn nhục”: Loại bỏ sự giận dữ mà chịu đựng.
Tinh tấn :“Khiến người lười biếng khởi tâm tinh tấn”: Nỗ lực không ngừng.
Thiền định : “Khiến người xao lãng khởi tâm Thiền định”: Thanh tịnh tâm và không bị dao động.
Trí tuệ:“Khiến người si muội khởi tâm trí tuệ”: Loại bỏ định kiến và lối suy nghĩ tệ hại nhờ phán đoán đúng đắn.
LỤC BA-LA-MẬT
Khi chúng ta tiến xa hơn, không những chúng ta sẽ không có cảm thọ về giận dữ và thù ghét đối với những kẻ gây thương tổn, sỉ nhục, hay phản bội chúng ta mà chúng ta lại còn tích cực mong mỏi được giúp đỡ họ. Mặt khác, chúng ta sẽ không bị dao động vì sự tâng bốc hay ca ngợi điều tốt mà chúng ta có thể làm, nhưng chúng ta sẽ yên lặng suy nghĩ về hành xử của chúng ta. Chúng ta sẽ không cảm thấy cao hơn người khác, nhưng chúng ta sẽ giữ thái độ khiêm tốn khi mọi sự được suông sẻ. Tất cả những thái độ này phát sinh từ sự nhẫn nhục. Trạng thái tâm thức này là đỉnh điểm của sự tu tập nhẫn nhục. Dù chúng ta không thể đạt ngay liền cái trạng thái tâm thức như thế, chúng ta cũng đạt được một thái độ từ bi đối với những ai gây khó khăn cho chúng ta mà ta không ngờ tới. Ít ra chúng ta cũng phải tiến đến mức độ này. Nếu loại nhẫn nhục này được mọi người trên khắp thế giới thực hành thì chỉ riêng như thế cũng sẽ thiết lập được hòa bình và khiến loài Người được hạnh phúc hơn vô cùng.
Ba-la-mật thứ tư trong Sáu Ba-la-mật là tinh tấn. Tinh tấn nghĩa là tiến thẳng lên một mục tiêu quan trọng mà không bị xao lãng vì những sự việc nhỏ nhặt. Chúng ta không thể bảo rằng chúng ta tinh tấn khi ý tưởng và hành xử của chúng ta không trong sạch, dù cho chúng ta nỗ lực học hành tu tập giáo lý của đức Phật. Ngay cả khi chúng ta nỗ lực học hành tu tập, đôi khi chúng ta vẫn không đạt kết quả tốt, hoặc còn có thể thu đạt những hiệu quả bất lợi hoặc bị trở ngại trong việc tu hành do bởi những người khác; đấy chỉ là những bóng ma, sẽ biến mất đi khi lặng gió. Do đó, một khi chúng ta đã quyết định tu Bồ-tát đạo, chúng ta cần phải duy một lòng tiến đến chí hướng của chúng ta mà không đi lệch. Đấy gọi là tinh tấn.
Ba-la-mật thứ năm trong sáu Ba-la-mật là Thiền định, tiếng Sanskrit là Dhyàna và tiếng Nhật là Zenjò. Zen nghĩa là “cái tâm tĩnh lặng” hay “tinh thần bất khuất”, và jò là trạng thái có được cái tâm tĩnh lặng, không dao động. Điều quan trọng là không những chúng ta phải nỗ lực thực hành giáo lý của đức Phật mà chúng ta còn phải nhìn hết sự vật bằng một cái tâm tĩnh lặng và suy nghĩ về sự vật cho đúng. Được thế chúng ta mới có thể thấy cái khía cạnh chân thực của mọi sự vật và tìm ra được đường lối đúng đắn để đối phó với chúng.
Cách nhìn đúng về các sự vật và năng lực nhận định cái khía cạnh chân thật của tất cả các sự vật là trí tuệ - Ba-la-mật thứ sáu trong Sáu Ba-la-mật. Ý nghĩa của từ này không được giải thích ở đây vì đã được bàn ở trang 44. Chúng ta không thể cứu người khác nếu không có trí tuệ. Hãy giả dụ rằng có một thanh niên cùng khổ nằm bên đường. Và giả như chúng ta cảm thấy thương hại anh ta và cho anh ta một ít tiền mà không nghĩ đến hậu quả thế nào. Nếu anh ta hơi nghiện ma túy thì sao ? Anh ta sẽ chộp lấy số tiền được cho ấy mà dùng để mua ma túy. Như thế, anh ta có thể trở nên nghiện nặng, kể cả nghiện đến thâm căn. Nếu chúng ta trao anh ta cho công an thay vì cho anh ta tiền, anh ta sẽ được gửi đến một bệnh viện và có thể bắt đầu cuộc đời trở lại. Đây là loại sai lầm mà chúng ta có thể mắc phải khi thực hiện bố thí mà không có trí tuệ. Dù đây là một trường hợp cực đoan, những trường hợp tương tự ở một mức độ nhẹ hơn vẫn xảy ra vào mọi lúc. Do đó, dù ta có thể làm gì có ích cho kẻ khác hay thực hành thiện hạnh để cứu giúp họ, nhưng nếu ta không có trí tuệ thực sự thì lòng từ ái hay tử tế của chúng ta cũng chỉ là vô hiệu quả. Không có hiệu quả thì lòng từ ái của chúng ta có thể có kết quả gây hại. Do đó, trí tuệ là điều kiện tuyệt đối cần thiết trong việc tu tập Bồ-tát đạo.
Bây giờ, hãy quay trở lại Phẩm 1 của kinh Pháp Hoa. Ngài Văn-thù (Manjusri) nói tiếp với Bồ-tát Ma-ha-tát Di-lặc (Maitreya) và tất cả các vị Đạo sư khác: “Này các Thiện nam tử ! Vì vậy đức Như Lai Nhật Nguyệt Đăng Minh giảng Pháp riêng cho những ai mong được là Thanh văn hay Duyên giác và Ngài cũng giảng Pháp thích hợp với hàng Bồ-tát. Ngài khiến chư vị đạt Toàn giác và thành tựu Toàn trí. Lại nữa, có một đức Như Lai, cũng tên là Nhật Nguyệt Đăng Minh cũng giảng cùng Pháp ấy, và lại nữa, một đức Như Lai, cũng tên là Nhật Nguyệt Đăng Minh, cũng giảng như thế; và cũng bằng cách như thế, có hai vạn đức Như Lai, thảy đều mang cùng một tên là Nhật Nguyệt Đăng Minh.
“Trước khi đức Như Lai sau cùng trong chư Như Lai này xuất gia, Ngài là một vị vua và có tám vị vương tử. Tất cả các hoàng tử này nghe rằng cha mình đã xuất gia và đạt Toàn giác bèn từ bỏ vương vị mà theo vua cha, xuất gia, vun trồng thiện căn vào các thời của muôn ức đức Phật. “Bấy giờ đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh giảng bộ kinh Đại thừa tên là Vô Lượng Nghĩa, tức là Giáo pháp mà chư Bồ-tát được thuyết dạy và được chư Phật hộ niệm. Khi giảng kinh này xong, Ngài liền thu nhiếp đại chúng, ngồi kiết-già và nhập định.
Bấy giờ mưa hoa đẹp rải lên chư Phật và hết thảy đại chúng. Ngay khi toàn cõi Phật rung động theo nhiều cách khác nhau, đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh phóng hào quang từ vòng lông trắng giữa hai mày chiếu sáng mười tám ngàn Phật độ ở phương Đông, giống như các cõi Phật đang được thấy đây vậy.
“Này Di-lặc, nên biết rằng bấy giờ trong hội chúng có nhiều Bồ-tát vui mừng muốn nghe Pháp. Tất cả các Bồ-tát này chứng kiến ánh hào quang kỳ diệu này, muốn biết nguyên nhân và lý do của nó. Bấy giờ có vị Bồ-tát tên Diệu Quang vốn có tám trăm đệ tử. Khi đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh xuất định, do bởi Bồ-tát Diệu Quang, Ngài thuyết kinh Đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa, nhờ đó chư Bồ-tát được thuyết dạy và kinh được chư Phật hộ niệm trong tâm. Trong sáu trăm ngàn năm, Ngài không đứng lên khỏi chỗ ngồi và suốt trong những năm dài này, thính chúng vẫn ngồi tại chỗ, thân tâm không lay động, nghe đức Phật thuyết giảng mà nghĩ rằng đấy chỉ bằng khoảng thời gian một bữa ăn”.
Đoạn trên kể rằng có hai vạn đức Như Lai kế tiếp nhau, tất cả đều mang cùng một tên và thể hiện cùng một chức năng (Như Lai, Tathàgata, nghĩa là “vị đã đến từ chân lý” và là một trong những danh hiệu của đức Phật). Vị Phật cuối cùng của chư Phật này giảng kinh Đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa. Ngài giảng liên tục trong sáu trăm ngàn năm, nhưng các thính giả trong hội chúng nghĩ rằng đấy chỉ bằng khoảng thời gian ngắn của một bữa ăn. Sự giải thích đầy đủ về ý nghĩa thực sự của câu chuyện này sẽ được nêu trong phần bàn về phẩm 16. “Như Lai Thọ Lượ ng”. Tuy nhiên, một cách vắn tắt, câu chuyện kỳ bí này chứng minh một cách rõ ràng rằng sự chứng ngộ thực sự là một chân lý vĩnh cửu ở mọi nơi và không bị ảnh hưởng bởi thời gian và không gian.
Ngài Văn-thù nói tiếp: “Sau khi giảng kinh này, đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh tuyên bố với hết thảy hội chúng: "Hôm nay, vào lúc nửa đêm, đức Như Lai sẽ nhập Vô dư Niết-bàn". Sau khi đức Phật nhập diệt, Bồ-tát Diệu Quang đã ghi nhớ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, liên tục diễn giải kinh này cho mọi người.
“Bồ-tát Diệu Quang có một đệ tử tên là Cầu Danh. Người đệ tử này rất ham danh lợi, và dù ông ấy luôn đọc tụng nhiều kinh mà không thâm nhập thu nhiếp được kinh nào, hầu như ông quên mất hết. Do đó ông mang tên Cầu Danh. Người này cũng do đã vun trồng nhiều thiện căn nên có thể gặp được vô lượng đức Phật mà kính bái, tôn sùng, tôn vinh và ca tụng. Này Di-lặc, hãy nên biết, Bồ-tát Diệu Quang lúc bấy giờ chính là tôi đây, trong khi Bồ-tát Cầu Danh chính là ngài vậy.
“Giờ đây, tôi thấy điềm lành này cũng không khác điềm lành ngày xưa. Do đó, tôi xét nghĩ rằng đức Như Lai đây sẽ thuyết giảng kinh Đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa. Này các Thiện nam tử, hãy chắp tay và nhất tâm mà chờ Ngài thuyết giảng, chắc chắn Ngài sẽ thuyết giảng rốt ráo chân lý cho chúng ta và sẽ làm thỏa mãn người cầu đạo”.
Ngài Văn-thù kết thúc bài giảng như thế, rồi lập lại nội dung bài thuyết giảng bằng lời kệ. Đến đây, phẩm 1 chấm dứt. Điều sâu sắc nhất trong phẩm này là giá trị vô cùng của các năng lực tâm linh của đức Phật.
Điều được diễn tả sống động trong câu chuyện về đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh sau cùng là sự kiện đức Phật Thích-ca-mâu-ni biết rằng sắp đến lúc Ngài nhập Niết-bàn, đã quyết định để lại các kinh nghiệm quan trọng nhất về sự chứng ngộ của Ngài cho hậu thế. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng bấy giờ thân thể Ngài đã quá yếu vì bệnh và vì tuổi già. Dù vậy, Ngài vẫn bắt đầu thuyết giảng Pháp rộng lớn, sâu xa của kinh Pháp Hoa, giáo lý mạnh mẽ nhất, tích cực nhất và xác quyết nhất của đời Ngài. Chúng ta phải cúi mình trước sự vĩ đại của năng lực tâm linh và sự thâm sâu của sự chứng ngộ của Ngài. Và chúng ta chớ quên rằng năng lực tâm linh của Ngài phát xuất từ lòng từ bi đối với những kẻ chưa sinh ra thuộc đời sau.