Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giảng luận Duy Biểu Học (sách)

08/04/201315:49(Xem: 12457)
Giảng luận Duy Biểu Học (sách)


Lá bối 1996

DUY BIỂU HỌC

Giảng luận

Thiền Sư Nhất Hạnh

39duybieuhoc

---------PHẦN DẪN NHẬP-------

DUY BIỂU NGŨ THẬP TỤNG

Tụng đây có nghĩa là một bài kệ, tiếng phạn là Karika. Ngũ thập tụng là năm mươi. Duy biểu là tên mới của Duy Thức. Có hai tiếng Phạn có thể dịch thành thức. Tiếng thứ nhất là vijnana, tiếng thứ hai là vijnapti.

Tiền từ vi có nghĩa là phân biệt, xét đoán, nhận thức. Bất cứ chữ nào có chữ vi ở đầu đều có nghĩa như vậy. Ví dụ như tàng thức dịch là alayavijnana. Chữ thứ hai là vijnapti có thể dịch là thức, cũng có thể dịch là biểu. Chữ biểu có thể dịch là manifestations, perceptions, announcing. Vijnapti. Cũng có tiền từ vi nên cũng có nghĩa là phân biệt. Perception là phân biệt. Thầy Huyền Trang (thế kỷ thứ bảy) dịch vijnana là thức mà vijnapti cũng dịch là thức. Nhưng bây giờ trong giới Phật học thích dịch vijnapti Biểu Biệt. Biệt này có nghĩa là phân biệt. Vì là phân biệt nên dịch là perceptions. Biểu là biểu hiện cho mình thấy. Ví dụ như cái giận của mình, nó luôn có hạt giống trong tâm của mình, thức hay ngũ mình đều mang theo hạt giống đó trong tâm, nhưng mà nó chưa biểu hiện. Chỉ khi nào có cơ hội, có điều kiện thì mới đùng đùng nổi giận, nổi tam bành lục tặc lên. Khi đó gọi là Biểu.

Khi mà vật chất hình tướng, biểu hiện ra rồi thì gọi làvijnaptirupa, gọi là Biểu sắc. Sắc đây là màu sắc, hình dáng: form. Sắc cũng có nghĩa là năng lượng: energy. Ví dụ khi mình đẩy xe ba gác thì cái xe là sắc, mà con người đẩy xe cũng là sắc, và sức lực, năng lượng cố gắng đẩy xe cũng là sắc. Mình thấy rõ ràng ba cái: cái xe, thân thể mình và năng lượng đẩy xe đều là sắc. Cái năng lượng có sẵn trong mình nên chưa đẩy xe nên chưa thấy. Và khi mình đẩy xe thì thấy sức mạnh của chàng trai hay cô gái đó. Khi nó biểu hiện cho mình thấy thì gọi nó là biểu sắc (vijnaptirupa). Ví dụ sau khi mình thọ nhận giới đặc biệt các giới lớn hoặc Tiếp Hiện. Trước một đại chúng đông đảo với hội đồng truyền giới, vừa thọ xong giới mình thấy một nguồn năng lượng lớn trong mình, mình biết là có giới thể, bắt đầu trở thành một người khác, không phải là khác hẳn nhưng mình biết có một nguồn năng lượng mới ở trong. Hay là mới thọ giới Sa di ni, mình mới cạo đầu, có mười giới, thì trở thành người xuất gia, và có một nguồn năng lượng dồi dào, nguồn năng lượng của sơ tâm (beginner’s mind) mạnh lắm. Nhìn vào con mắt mình ai cũng thấy sáng ra. Cái dáng đi mình cũng vậy, đôi khi nó biểu hiện. Người ta thấy được nguồn năng lượng trong người mới thọ giới. Đó gọi là Giới thể.

Nhưng khi giới tử ngủ, người ta không thấy được nguồn năng lượng đó nhưng mà nó có. Sau khi thọ giới, giới thể trong con người mình là năng lượng. Nó là sắc nhưng không phải là biểu sắc mà là Vô biểu sắc. Cái sơ tâm của người mới tu học rất là mạnh. Khi mình có Bồ Đề tâm là có nó rồi. Quý thầy hay dùng cái giới thể để ví dụ về Vô biểu sắc. Còn khi người con trai hay người con gái bị tiếng sét của tình yêu thì trong lòng mình cũng có một khối nội kết, cái đó cũng là Vô biểu sắc. Đi đứng nằm ngồi gì cũng bị cái đó điều khiển, ngủ không được ăn không được. Đó cũng là một loại Vô biêu sắc. Nhưng nó động và mất an lạc nhiều hơn là Vô biểu sắc về giới thể. Một thọ giới thì có giới thể là một loại Vô biểu sắc, làm cho mình ngày thêm vững vàng an ổn, mạnh khỏe, còn năng lượng của tiếng sét ái tình thì ngược lại.

Trong truyện Kiều khi nói về Thúy Kiều cụ Nguyễn Du nói rằng:

“Đã mang lấy một chữ tình,

Khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong.

Vậy nên những chốn thong dong,

Ở không an ổn, ngồi không vững vàng”.

Trong khi đó Vô biểu sắc của giới thể làm cho mình yên ổn vững vàng hơn. Cho nên một bên thì:

“Ma đưa lối, quỷ dẫn đàng,

Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi”.

Còn bên này thì:

“Bụt đưa lối, Tăng dẫn đàng,

Đi toàn những lối an toàn thong dong”.

Chỉ đi trên những lối có chánh niệm không thôi. Thức như vậy là một loại Sắc chứ không hẳn chỉ là Tâm thôi. Vì vậy nếu có người nghĩ Thức chỉ là Tâm thôi mà Tâm thì không thể là Sắc và nghĩ lầm Duy Thức là Duy Tâm là rất sai.

Thức là năng lượng và có nhiều thứ năng lượng. Có những năng lượng biểu hiện ra ngoài và mình thấy được, có những năng lượng chưa biểu hiện và mình chưa thấy. Khi nó phát hiện ra rồi mình thấy nhiều cái rất hay và nhiều cái rất không hay. Mình có thể tiếp xúc với thức bằng hai cách. Mình tiếp xúc với nó khi nó được biểu hiện và mình cũng tiếp xúc với nó khi nó chưa biểu hiện, vì mình biết nó có nhưng nó chưa biểu hiện thôi. Ví dụ như khi mình có một người bạn đang có niềm lo lắng. Có thể người bạn đó đang dấu niềm lo lắng đó. Nhưng cái niềm lo lắng đó thế nào cũng biểu hiện một phần trên mặt người đó và khi mình tiếp xúc với người đó bằng chánh niệm thế nào mình cũng thấy được dù người kia nói “Không, có sao đâu, em không có vấn đề gì hết”. Nhưng mà mình tiếp xúc được với niềm đau đó trong ánh mắt và mình biết ngay và khéo léo giúp đỡ. Nhưng có khi người đó giấu rất khéo và mình thì không chánh niệm lắm nên mình không thấy gì hết, thì thức cũng vậy. Có khi thức biểu hiện thấy được tiếp xúc được, có khi thức không biểu hiện, thành ra chữ biểu hiện rất hay tại vì thức có khả năng phân biệt, khả năng nhận thức gọi là perception.

Tiếng Việt là Biệt và khả năng biểu hiện ra manifestation, gọi là Biểu. Thức biểu hiện nhiều cái rất ngộ nghĩnh. Sông núi là biểu hiện của thức. Một nền dân chủ là biểu hiện của thức. Thị trường chứng khoán ở NewYork, Paris, London đều là biểu hiện của thức. Tăng thân tu học ở Làng Hồng cũng là biểu hiện của thức, chiến tranh ở Yougoslavia cũng là biểu hiện của thức. Tại vì tâm của mình nó biểu hiện ra nhiều cái rất mầu nhiệm nhưng cũng biểu hiện và kéo mình đi vào những đường rất là đau khổ. Thức của mình, cái vijnaption phải dịch là Biểu Biệt là nó vừa là biểu hiện vừa có khả năng nhận thức. Vì nó có khả năng nhận thức nên thầy Huyền Trang dịch là Thức. Và nếu dịch như vậy là đánh mất phần biểu hiện. Vì vậy các nhà học Phật sau này dịch là Duy Biểu để nắm lại phần thiếu đó. Trong Duy Thức Ba Mươi Bài Tụng đó, chữ vinaption này được dùng tới năm lần mà chữ vijnana chỉ được dùng có một lần mà thôi.

Duy có nghĩa là chỉ có nó mà thôi. Vijanavada vijna - namatra. Chỉ có thức. Thầy Thế Thân (Vasubandhu) tác giả Duy Thức Tam Thập Tụng đã dùng chữ vijnaptimatrata hình như đến năm lần và chỉ một lần vijnaptimatrata thôi. Vì vậy cho đến khi thầy Thế Thân mình thấy rõ rằng Thầy để ý tới khía cạnh Biểu. Chỉ có sự biểu hiện của Thức thôi. Vì vậy bây giờ ta dùng chữ Duy Biểu cho nó gần với tinh thần nguyên bản.

Trong tác phẩm Ba Mươi Bài Tụng Duy Thức có câu như vầy “Thức nó biểu hiện làm hai phần: phân biệt và bị phân biệt”, dịch là consciousness manifest itself into knowing and known. Thức biểu hiện ra làm hai phần: phần chủ thể nhận thức và phần đối tượng nhận thức. Consiousness manifestes itself in two part: the knower and the known. “Thị chư thức chuyển biến, phân biệt sở phân biệt”. Và vì vậy cho nên cả phần phân biệt và phần bị phân biệt đều từ thức mà ra cả. Vì vậy cho nên mới có câu “Chỉ có thức: Duy Thức” là vậy.

Ví dụ như mình nhìn ngọn núi Alpes, mình biết núi Alpes là đối tượng của tri giác, đối tượng của nhận thức. Cố nhiên khi có đối tượng thì phải có chủ thể của thức và hai cái đều là thức cả. Vì vậy mà điều ta muốn nói ở đây thì chư thức chuyển biến, phân biệt sở phân biệt cái thức đó nó chuyển biến thành hai phần là phân biệt và bị phân biệt. đó là ý nghĩ của chữ Biểu. Biểu hiện ra thành chủ thể phân biệt và đối tượng phân biệt. The subject of knowing and the object of knowing and both subject and object belong to consciousness. (Cố nhất thiết duy thức). Vì vậy cho nên tất cả chỉ là thức, chỉ có biểu biệt. cho nên cái tên gọi của tác phẩm là Vijnaptimatrata có nghĩa là Duy biểu tụng. (biểu này là biểu biệt).

Tôi vừa nói tác phẩm Năm Mươi Bài Tụng là mới mà cũ. Tại vì Năm Mươi Bài Tụng này trình bày một cách mới nhưng toàn dùng những chất liệu cũ. Trước hết nó gồm tác phẩm Duy Biểu Ba Mươi Bài Tụng gọi là Duy Biểu Tam Thập Tụng ngày trước gọi là Duy Thức Tam Thập Tụng. Cách đây tôi có dịch tác phẩm này ra tiếng Việt căn cứ trên bản chữ Hán và cùng căn cứ trên bản tiếng Phạn mà một vị giáo sư ở Âu Châu (Sylvain Levy) đã phát kiến ra được ở Nepal cách đây khoảng năm sáu mươi năm. Cho nên mình có dịp so sánh bản chữ Hán của thầy Huyền Trang dịch và bản chữ Phạn mà ngày xưa thầy Huyền Trang đã sử dụng để dịch ra Hán văn. Cách đây ba năm tại Làng Hồng mình có học bản đó. Tác phẩm này của thầy Thế Thân (Vasubandhu từ 320-400). Trong khi đại chúng học Năm Mươi Bài Tụng thì sẽ trực tiếp tiếp xúc với Ba Mươi Bài Tụng của Thầy Thế Thân. Tác phẩm này được căn cứ trên cả bản tiếng Hán và bản tiếng Phạn mà còn được căn cứ trên những lời chú giải của một nhà Duy Thức Học nổi tiếng của Ấn Độ ngày xưa là Thầy An Huệ (Sthirmati) bản chú giải của thầy An Huệ, bằng tiếng Phạn cũng được giáo sư đó tìm ra ở Nepal và đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Quan Thoại ấn hành ở Hồng Kông.

Bản chữ Hán cũng được Thầy Huyền Trang chú giải, Thầy dịch và chú giải nhưng Thầy chú giải ngộ lắm. Thầy dùng hết tất cả những tài liệu mà Thầy đã tu tập được từ bên Ấn Độ ở Nalanda. Nơi đây Thầy đã được học với Thầy Giới Hiền (Silabhadra) và Thầy Hộ Pháp và hai trong mười vị luận sư về Duy Thức giỏi nhất của Phật giáo Ấn Độ thời đó (Thập vị luận sư). Trong khi thầy Huyền Trang cư trú và học hỏi Nalanda, phía Bắc thành Vương Xá một trường Đại Học Phật Giáo nổi tiếng ở Bắc Ấn vào thế kỷ thức VI, thứ VII… Thầy thu thập và đem về Trung Hoa tất cả những kiến thức và ý kiến của mười vị luận sư đó và Thầy cho hết vào trong bản chú giải của Thầy. Bộ sách chú giải đó tên là Thành Duy Thức Luận của Huyền Trang (600-664).

Thầy Huyền Trang cũng không thọ lắm vì làm việc nhiều quá, Thầy đem vào trong Thành Duy Thức Luận, một tác phẩm tập đại thành, tất cả những ý kiến của mười vị luận sư trong đó Thầy dạy trực tiếp của thầy Huyền Trang Giới Hiền và Thầy đi trước đó là Hộ Pháp. Đó là ý kiến của nhiều vị luận sư. Khi mà chúng ta học Duy Thức Tam Thập Tụng thì ta cần có bản chú giải của thầy An Huệ, hiện đã được dịch ra tiếng Quan Thoại và tiếng Pháp. Chúng ta sử dụng được Thành Duy Thức Luận của thầy Huyền Trang bằng tiếng Hán và tiếng Anh do một học giả người Hương Cảng. Trong khi học Ngũ Thập Duy Biểu Luận ta sẽ được tiếp xúc với một tác phẩm của Thầy Vô Trước (Vasubandhu). Hai người đều đã xuất gia và cả hai người đều là tay cự phách của Tăng đoàn.

Khi ta học Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu thì chúng ta sẽ cùng được tiếp xúc với một tác phẩm rất nổi tiếng của Thầy Vô Trước tên là Nhiếp Đại Thừa Luận (Mahayanasangrahasastra). Tại vì người em đã sử dụng những tài liệu trong tác phẩm Nhiếp Đại Thừa Luận của người anh. Nhiếp Đại Thừa Luận là một bộ phận thâu nhiếp được, bao hàm hết, quy nhiếp, chứa đựng tất cả tinh nghĩa của giáo lý Đại Thừa và tư tưởng duy thức trong này rất căn bản. Khi học tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng của Thầy Thế Thân ta cứ nghĩ Thầy Thế Thân là Tổ của Duy Thức, là quan trọng nhất trong Duy Thức nhưng ta không biết anh của thầy Thế Thân là Thầy Vô Trước cũng đã làm cô động tư tưởng duy thức rất công phu trong tác phẩm Nhiếp Đại Thừa Luận.

Ta sẽ được học chương thứ hai của tác phẩm này gọi là chương Sở Tri Y. Chưa có bản dịch tiếng Việt. Ta sẽ vừa học vừa dịch tác phẩm của Thầy An Huệ tên là Tam Thập Tụng Chú. Ta có bản tiếng Pháp và tiếng Quan Thoại. Trong khi học năm mươi bài Duy Biểu ta cũng được học một tác phẩm khác của Thầy Huyền Trang Bát Thức Quy Củ Tụng (những bài tụng quy cũ, mẫu mực của tám thức) và Duy Thức của Bát Thức Quy Củ này có thể gọi là Duy Thức Mới. Tại vì khi Thầy Huyền Trang qua Ấn Độ và học Duy Thức của Thầy Vô Trước và Thầy Thế Thân thì Thầy cũng được tiếp xúc với học phái của Thầy Trần Na (Dinangha, 400-480). Thầy Trần Na rất giỏi về luận lý học. Vì vậy nên Duy Thức của Bát Thức Quy Củ có màu sắc của luận lý học (logic) và của nhận thức luận (epistemology).

Nhận thức luận đặt vấn đề là ta có thể đạt tới sự hiểu biết về thực tại hay không? Nếu nói rằng trí óc chúng ta không thể đi tới trực tiếp thực tại thì đó là chủ trương “bất khả tri luận” (angosticism). Vấn đề của nhận thức luận là trí óc con người có thể đạt tới chân lý tuyệt đối của thực tại hay không? Có chủ thuyết nói là không được. Đó là chủ trương của trường phái Bất Khả Tri Luận. Giờ đây khi học Duy Thức sẽ biết Duy Thức chủ trương như thế nào. Khi học Năm Mươi Bài Duy Biểu ta cũng sẽ được tiếp xúc với một tác phẩm của Thầy Pháp Tạng (Thầy này chuyên môn về Giáo Lý Hoa Nghiêm) tên là Hoa Nghiêm Luận Huyền Nghĩa.

Thời đại của Thầy Vô Trước trong đó Duy Thức chưa được gọi là thực sự Đại thừa, chưa phải là Đại thừa tuyệt đối. Thầy Thế Thân là tác giả của tác phẩm quan trọng Abhidarmakosasastra (Câu Xá Luận) thu tóm tất cả những tinh nghĩa của luận tạng Tiểu thừa, luận tạng của phái Thuyết Nhất Hữu Bộ (Sarvativada). Hồi đó trung tâm Cashimare là một trung tâm phồn thịnh của Hữu Bộ. Người nào không thuộc về Hữu Bộ, không thuộc về phái Sarvastivada thì không được theo học trường học đó. Thầy Thế Thân không có căn cước của Hữu Bộ nên không được theo học. Nhưng Thầy đã giả trang để được theo học, học với tư cách của một người tự do và Thầy có nhiều kiến thức về những tông phái khác trong đó có tông phái Kinh Lượng Bộ (Sauntantrika). Sau thời gian tham học ở Cashmire Thầy sáng tác A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận. (Abhidharmakosasastra). Khi tác phẩm được công bố thì Cashmire rất sung sướng nghĩ rằng có một người có khả năng trình bày tất cả những giáo nghĩa của Hữu Bộ rất thông minh, đẹp đẽ. Nhưng người ta không ngờ trong khi đó Thầy Thế Thân đã đưa vào những ý kiến của các bộ phái khác nhất là của Kinh Lượng Bộ. Nhưng hồi này Thầy Thế Thân vẫn còn xương minh A Tỳ Đạt Ma và giáo lý của Tiểu Thừa trong khi đó người anh đã theo giáo lý Đại thừa rồi. Nhưng sau đó từ từ Thầy Thế Thân khám phá được cái hay của Đại thừa. Nghe nói đêm đó trong khi Thầy Thế Thân đang đi thiền hành, trời rất trong, trăng rất đẹp. Hoa nở rất thơm. Thầy thấy Thầy Vô Trước đang ngắm trăng và đang đọc bài kệ và khi mà thầy nghe được bài kệ đó, đang trong khung cảnh đó thì Thầy rất cảm động và bắt đầu hiểu được chân nghĩa của Đại Thừa. Từ đó Thầy sáng tác những tác phẩm về Duy Thức.

Trước tiên là Hai Mươi Bài Tụng Duy Thức rồi sau đó Ba Mươi Bài Tụng Duy Thức. Vì thế Duy Thức của Thầy Thế Thân được sinh đẻ từ tác phẩm A Tỳ Đạt Ma Câu Xá của Tiểu Thừa. Nó là Đại Thừa nhưng chưa đạt tới Đại Thừa Tuyệt Đối. Nó là một đứa bé bụ bẩm mạnh khỏe nhưng chưa được lớn hết những tầm vóc của nó. Vì vậy cho nên một hai trăm năm về sau người ta vẫn coi Duy Thức là Đại Thừa. Nó là Đại Thừa nhưng chưa là đại thừa đúng mức. Gọi tạm là Quyền Thừa nhưng chưa là Đại Thừa thật.

Sang đến Trung Hoa, thầy Pháp Tạng sinh sau đẻ muộn hơn Thầy Huyền Trang. Thầy Pháp Tạng chuyên về hệ thống Hoa Nghiêm, Thầy thấy giáo lý Duy Thức quá quan trọng và vì vậy Thầy muốn tuyệt đối Đại Thừa hóa Duy Thức, đem giáo lý Hoa Nghiêm bổ túc cho Duy Thức, đưa Duy Thức tới Viên Giáo tức là Đại thừa tuyệt đối: Tiểu Thừa - Quyền Thừa - Đại Thừa Tuyệt Đối - Viên Giáo. Vì vậy trong Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa Thầy đề nghị đưa tư tưởng “một là tất cả, tất cả là một” đi vào trong Duy Thức. Nhưng tiếng kêu gọi của Thầy không được kết quả nhiều vì cả ngàn năm về sau người ta vẫn học Duy Thức Tam Thập Tụng như vậy. Và người ta không đưa những đề nghị của Thầy và Pháp Tạng đi vào.

Từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ hai mươi người ta vẫn học Duy Thức của Thầy Thế Thân, của Thầy Huyền Trang và của Thầy Khuy Cơ (một đệ tử của Thầy Huyền Trang rất giỏi Duy Thức) y chang như vậy thôi. Không ai theo dõi sự nghiệp của Thầy Pháp Tạng cả nghĩa là đưa giáo lý Hoa Nghiêm đi vào trong Duy Thức trở thành Viên Giáo.

Cuối thế kỷ thứ hai mươi mới có Thầy Nhất Hạnh. Thầy viết Năm Mươi Bài Tụng Duy Thức Viên Giáo. Trong khóa mùa đông này, nếu mà Thầy trò mình có phước thì mình sẽ học Duy Thức Tam Thập Tụng, một ít Thành Duy Thức Luận, một ít Nhiếp Đại Thừa Luận. Tam Thập Tụng Chú của Thầy An Huệ mình sẽ học Bát Thức Quy Củ Tụng và một ít của Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa của Thầy Pháp Tạng. Sở dĩ mình được tiếp xúc với tất cả những bộ luận của Đại Thừa là vì lý do trong Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu Thầy Nhất Hạnh đã sử dụng tất cả những tài liệu của tất cả những bộ luận này. Mong muốn học như vậy nhưng học được bao nhiêu thì còn tùy theo cái phước của đại chúng.

Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu này có tính cách thực dụng. Từ đây ta có thể sử dụng năm mươi bài tụng này để giúp cho sự thực tập tu học của ta và của những người khác. Tại vì trong quá khứ có nhiều người học Duy Thức nhưng kiến thức về Duy Thức của họ có tính cách lý thuyết và khó đem ra thực hành. Trong khi những bài học này rất là thực tế. Ta có áp dụng chúng, đem chúng ra tu tập hàng ngày trong mọi sinh hoạt của chúng ta vào trong sự xây dựng Tăng thân, trong sự chuyển hóa nội tâm và trị liệu những chứng bệnh tâm thần của con người. Vì vậy tôi rất mong là năm mươi bài tụng này đóng được vài trò của chúng trong lịch sử. Tại vì tôi đã từng gặp nhiều vị học Duy Thức rất kỹ, nói về Duy Thức rất lưu loất nhưng khi được hỏi cái kiến thức đó có dính dáng gfi đến đời sống hằng ngày hay không thì người đó mỉm cười chịu thua. Hình như họ học để nói vậy thôi, không thấy áp dụng được gì vào đời sống thực tế của họ.

Một trong những ý niệm nằm sâu trong lòng tác giả l�� Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu này sẽ có thể được sử dụng như là một dụng cụ để chuyển hóa nội tâm, hướng dẫn sự tu tập hằng ngày, xây dựng Tăng thân và trị liệu những khổ đau, những chứng bệnh về tâm thần. Và sau này khi ta mở khóa tu cho những hà tâm lý trị liệu ta có thể sử dụng Năm Mươi Bài Tụng này làm căn bản. Ngày xưa tôi đã học Ba Mươi Bài Tụng Duy Thức hay Hai Mươi Bài Tụng Duy Thức hay Bát Thức Quy Cũ Tụng, chúng tôi đều học thuộc lòng hết. Tất cả tên của tâm sở tâm vương đều phải học thuộc lòng hết. Thành ra sau này có lẽ quý vị phải học thuộc lòng Năm Mươi Bài Tụng để đem ra áp dụng vào đời sống hằng ngày. Điều này dễ. Học thuộc lòng thì dễ, chỉ có hiểu và áp dụng mới khó thôi.

---o0o------o0o---
Vi tính Nguyên Trang. Trình bày: Linh Thoại
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]