Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Văn học A Tỳ Đàm ở Miến Điện Shwe Zan Aung.

08/04/201314:23(Xem: 7909)
Văn học A Tỳ Đàm ở Miến Điện Shwe Zan Aung.


ducphat_burmese
VĂN HỌC A TỲ ĐÀM Ở MIẾN ĐIỆN

SHWE ZAN AUNG, B.A.
Tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt

Vài Ghi Chú Nhỏ

Trong bài thường nhắc tới tước hiệu tôn giáo của các trưởng lão Miến Điện (chẳng hạn Nànàlankàra, Ariyàlankàra, Vicittalankàra, Kavidhaja, ...), chúng tôi quyết định để nguyên vì tạm thời không có tài liệu tra cứu và cũng do thấy không cần thiết.

Về vấn đề thuật ngữ Phật học, ngoài việc dùng lại dụng ngữ của các dịch giả tiền bối, chúng tôi đã thử mạnh dạn đưa ra một số chữ dịch đề nghị. Công việc tuy có mạo muội nhưng có cơ sở. Người đọc sẽ bắt gặp trong bài này (cùng hầu hết các bản dịch khác của chúng tôi) những dụng ngữ mới mẻ, chẳng hạn:

- Đông Thắng Thân Châu (Pubbavideha) thay vì Đông Thắng Thần Châu.
- Tây Ngưu Xa Châu (Aparagoyàna) thay vì Tây Ngưu Hóa Châu.
- Luận Điểm (Kathàvatthu) thay vì các chữ khác.
- Giới Luận (Dhàtukathà) thay vì các chữ khác.
- Pháp Thú (Patthàna) thay vì Phát Thú hay Đại Xứ.
- Chữ Chánh Sớ được dùng để chỉ các tập Atthakathà và Hậu Sớ chính là các tập Tìkà, Mahàtìkà, Anutìkà ... Nhiều và nhiều lắm.

Sự đồng tình của người đọc vẫn chỉ là niềm mong mỏi của chúng tôi. Chúng tôi trước sau chỉ cố gắng mọi sự trong tinh thần kế thừa có chọn lọc. Chúng tôi tin đó là một thái độ khoa học vì khoa học chính là Thử và Sai.

Lời thưa này của chúng tôi cũng là một ghi chú chung cho các dịch phẩm khác của mình.

Houston, mùa Phật Đản 2000
Người dịch

-ooOoo-

Sách Tham Khảo Lúc Dịch

Dictionary of Pali proper name (by Malalasekera)
Freedom from fear (Aung San Suu Kyi, Nobel Hòa Bình 91; Penguin Books 1995)
Burmese-English dictionary (by A. Judson)
Burmese-English dictionary (by Myanmar Language Commission)
Dictionary of Psychology (J. P. Chaplin) - Laurel Original - 1968.
Từ điển thần học Tín Lý Anh-Việt (Một nhóm tác giả Công Giáo VN tại Đài Loan)
An introduction to Pali Literature (by S.C. Banerji).

-ooOoo-

VĂN HỌC A TỲ ĐÀM Ở MIẾN ĐIỆN

SHWE ZAN AUNG, B.A.

Từ lâu nay, ngài Ananda Metteyya chủ tịch hội đồng Phật Giáo thế giới (IBSBS) đã đề nghị tôi viết một tiểu luận về văn học A Tỳ Đàm ở Miến Điện. Thế rồi sau khi tác phẩm VĂN HỌC PALI CỦA MIẾN ĐIỆN của bà tiến sĩ Bode được công bố, tôi đã nghĩ rằng đề nghị của ngài A. Metteyya với tôi coi như không cần thiết nữa.

Thoạt đầu mới đọc qua, rõ ràng tiến sĩ Bode đã quan tâm nhiều đến các văn phạm gia hơn là các triết gia tôn giáo của Miến Điện. Đã vậy, sau khi xem lại kỹ lưỡng tác phẩm, tôi lập tức có kết luận rằng bà Bode còn viết sơ sài hơn mức tôi nghĩ nhiều. Mặc dầu giáo lý A Tỳ Đàm từ lâu đã rất phát triển ở Miến Điện nhưng các tác phẩm về lãnh vực này, được viết bằng chữ Pali, chỉ góp mặt một cách khiêm tốn. Lý do của tình trạng này cũng không khó hiểu: các luận sư Phật giáo thường rất câu chấp, đó cũng gần như là một quy tắc, và e ngại chuyện gia cố kinh văn. Cung cách nghiên cứu kinh điển của các luận sư thường không táo bạo, cởi mở, kể cả với nội bộ, như các triết gia Phương Tây, mà các vị dường như cứ một mực bảo trì cái tinh khôi nguyên thủy của giáo lý mà thôi. Mục đích chính yếu của các luận sư là rọi sáng và trình bày cái tinh khôi đó đến đại chúng bằng quốc ngữ của họ. Cho đến hôm nay, các tác phẩm A Tỳ Đàm bằng tiếng Miến Điện mà ta có được đã phong phú hơn tài liệu chữ Pali. Và nếu không kể số luận thư tiếng Miến Điện, phần viết bằng chữ Pali có thể đếm vừa vặn trên hai bàn tay mà nội dung, nếu chỉ ngó sơ, chỉ vừa đầy một trang giấy!

Cách đây ít lâu, bà Rhys David có gợi ý tôi nên lập một thư mục về các tác phẩm A Tỳ Đàm đang được các trưởng lão thời danh của Miến Điện nghiên cứu. Do đó tôi đã thay đổi nhan đề của bài viết này thành " ... ở Miến Điện" thay vì là " ... của Miến Điện". Có điều vì quá bận rộn, tôi đã không có thời gian để chú thích cặn kẽ các tác phẩm nêu ra ở đây.

Có một chuyện nhỏ nữa tôi muốn nói trước khi bắt đầu bài viết này. Nó quá đủ để người ta tổ chức một hội nghị các nhà Đông Phương học tại Athens 1, chiếc nôi cũ của văn minh phương Tây và cũng một thời là Con Mắt của Âu Châu. Tôi đang muốn nói tới hành trình của triết học Hi Lạp.

Thales, cha đẻ của nền triết luận Hi Lạp, đã chào đời tại Miletus, một thuộc địa của Hi Lạp ở Tiểu Á, vào năm 640 trước Tây Lịch. Nghĩa là lớn hơn thái tử Tất Đạt Đa mười bảy tuổi. Nhưng triết học Ấn Độ đã có trước ngày Thales lọt lòng mẹ. Từ việc lịch sử công nhận những người khai sinh Luận Lý Học Ấn Độ Trung cổ là các tăng sĩ Phật giáo, chúng ta càng có lý do để tin rằng Luận Lý học của Ấn Độ Cổ Đại đã được giảng dạy ở Takkasila (tiếng Hi Lạp là Taxila) một thời gian rất lâu trước khi ông tổ Luận Lý Học chào đời tại Stagira năm 384 trước Tây Lịch. Lại nữa, có rất nhiều tương đồng giữa các nhà học Phật với trường phái Heraclitus về khái niệm Dòng Chảy. Nhà triết học của đất Ephesus có một câu nói nổi tiếng và rất Phật giáo :"Vạn hữu vừa có vừa không, vì thực ra chúng có xuất hiện thì cũng sẽ biến diệt" 2. Ngọn Lửa Tắt và Cháy Liên Tục của phái Heraclitean chẳng kém cạnh gì Phật giáo khi song hành với học thuyết Biến dịch được minh họa bằng hình ảnh dòng chảy trên sông 3do Heraclitus phác họa. Người đệ nhất hiền giả của Ấn Độ đã mang về từ thiên cung Đao Lợi, như từ đỉnh Olympus của Hi Lạp, dòng triết học Vạn Pháp Do Duyên để tận hai thế kỷ sau đó Aristotle mới bắt đầu lẩm cẩm mày mò. Và có thể nói cuộc trường chinh của A Lịch Sơn vào Châu Á đã tình cờ nối một nhịp cầu thông cảm cho hai phía Đông Tây.

Dhammarakkhita (tên Hi Lạp là Demetrius), vốn là một người Bactria, cùng Maharakkhita đã được trưởng lão Tissa cử đi Yonaloka (Ionia) như những phái viên truyền giáo. Hơn nữa, giới học Phật nói chung rất tự hào về vua Milinda (tên Hi Lạp là Menander).

Bài viết này của tôi là trực tiếp bàn về các phái bộ của ngài Tissa 4. Phương pháp biên soạn được vận dụng ở đây không phải là phương pháp sử học như người ta vẫn mong đợi 5. Và tôi muốn bắt đầu bài viết này từ sự kiện hai ngài Sona cùng Uttara thừa lệnh vua A Dục đi sang hoằng pháp ở Thaton năm 308 trước Tây Lịch 6. Người ta bảo rằng hình thức trình bày tư tưởng triết học Phật giáo của Miến Điện hôm nay đã do chính hai vị đem sang dù thực ra phong trào sáng tác văn học A Tỳ Đàm ở Miến Điện được kéo dài đến kỳ kiết tập Tam Tạng thứ tư 7.

CÁC TẬP CHÁNH TẠNG

A Tỳ Đàm Tạng nguyên thủy có 7 tập: Pháp Tụ, Phân Tích, Giới Luận, Nhân Thi Thiết, Luận Điểm, Đối Luận và Pháp Thú.

Mặc dù tập Nhân Thi Thiết được giả định là xưa nhất trong 7 tập nhưng cũng không đến nổi sai lầm nếu chúng ta kết luận rằng A Tỳ Đàm tạng đã được hình thành dần dà từ thời đức Phật đến nay qua các thế hệ luận sư 8

Tập Pháp Tụ là một bảng tổng lược các yếu pháp trong giáo lý A Tỳ Đàm. Các yếu pháp ở đây chỉ cho Tâm pháp và Sắc pháp, vì vậy nội dung Pháp Tụ là giải quyết đại khái những vấn đề thuộc về hai yếu pháp này. Và chúng chính là hai nội dung cốt lõi tuyệt đối (chân đế pháp) của triết học Phật giáo, nếu có thể gọi A Tỳ Đàm là một triết học. Tập Pháp Tụ quan trọng đến mức những tiêu đề (Màtikà) của nó đã được người học A Tỳ Đàm coi là nền tảng để đi vào nội dung 6 tập còn lại. Tầm quan trọng đó của Pháp Tụ có thể được xác định rõ ràng qua 6 tập Akauk (luận thư) của Miến Điện viết về tập A Tỳ Đàm thứ nhất này. Tập Akauk I là tác phẩm của ngài Tam Tạng pháp sư Taungbila Pokgogyaw-Munidhaghosa (sinh năm 1575) dưới triều vua Thalun Mindaya (lên ngôi năm 1629) 9. Tập Akauk II là của ngài Myauk Nangyaung Sayadaw, cũng là một pháp sư Tam Tạng. Sách được biên soạn dưới triều vua Ngadatkyi Dayaka Sagaing (lên ngôi năm 1648). Tập Akauk thứ ba được biên soạn bởi ngài Taungbilu Sayadaw dưới triều vua Wunbe-Insan Min (lên ngôi năm 1672). Tập Akauk thứ tư do ngài Tantabin Sayadaw Nandamedha biên soạn dưới triều vua Ngasingu Min (lên ngôi năm 1776). Tập Akauk thứ năm là của ngài Bagaya Sayadaw I, được biên soạn dưới triều vua Bodawpaya (1781) và tập thứ sáu là tác phẩm được biên soạn bởi một người bà con của hai ngài Nyaungan Sayadaw, U Po và U Pok, dưới triều vua Bagyidaw (1819).

Ngoài các tập Akauk, còn có một tài liệu khác là tập Màtikàganthi có nội dung giải thích các tiêu đề Màtikà. Đây là tác phẩm của ngài Nànàbhivamsa ở Maungdaung, tăng thống của vua Bodawpaya.

Về tập Vibhanga thì nội dung giải thích những tiêu đề đã nêu ở tập Pháp Tụ. Trong đó gồm 18 phần mà tôi không tiện kể ra đây. Những chú giải của ngài Sumangalamahàsàmi 10về 4 phần đầu (trong 18 phần của tập Phân Tích) rất thú vị đối với người tham cứu A Tỳ Đàm. Theo ngài, trước hết các pháp được phân tích trên năm Uẩn là nhắm đến sở trường của những người không tinh tường về Tâm Pháp. Phân tích về 12 Xứ rất thích hợp với căn cơ của những đối tượng mơ hồ về Sắc Pháp. Đề tài 18 Giới là dành cho các cá nhân mù mờ về cả Tâm Pháp lẫn Sắc Pháp. Phân tích về năm Uẩn thích hợp cho người tốc trí và chỉ còn cần đến những hướng dẫn sơ bộ. Đề tài về 12 Xứ thích hợp với những người có trình độ trung bình, cần đến những hướng dẫn sâu hơn một chút. Và 18 Giới thì thích hợp cho những người chậm chạp, phải cần tới những hướng dẫn chi tiết. Nhưng chung qui lại, cách phân tích nào trên đây cũng có ý nghĩa là mở ra một cái nhìn về một vấn đề chung nhất, về trọn vẹn những gì chúng ta biết được. Tiếp đó, toàn bộ thế giới Hiện Hữu được nhìn ngắm dưới ánh sáng của 4 Đế. Bởi không lý gì mà chúng ta chỉ hiểu biết đơn giản về sự tồn tại của Tâm Pháp và Sắc Pháp mà lại không nhìn thấy điểm khai sinh của chúng!

Quan hệ giữa Pháp Tụ và Phân Tích còn được trình bày xuất sắc bởi Saddhammajotipala (Chapada), tác giả tập Sankhepavannanà, như những cành lá điểm xuyết cho cội cây triết học Phật giáo.

Ở tập thứ ba, Giới Luận (Dhàtukathà), đức Phật đã triển khai phẩm Thập Bát Giới của tập A Tỳ Đàm thứ hai qua mối quan hệ với tập Pháp Tụ. Về lý do tại sao Thế Tôn đặc biệt quan tâm ba vấn đề Uẩn Xứ Giới thì trong các tập chú giải của ngài Sumangala đã giải thích. Con đường tư duy về ba phạm trù ấy rõ rằng đã xác định một khẳng quyết rằng không có Thức đằng sau Thức, không có cái gì tồn tại phía sau các hiện tượng. Nói khác đi, không hề có sự hiện hữu của một cái gì gọi là Linh Hồn Hằng Sống.

Bây giờ ta thử bàn về thuật ngữ Puggala trong giáo lý A Tỳ Đàm. Thuật ngữ này có ít nhất hai nghĩa. Ý nghĩa phổ thông của nó là "cá nhân, cá thể, một con người", và như vậy đó chỉ là một khái niệm giả lập, thi thiết (Pannatti). Nhưng ở một định nghĩa triết học chuyên môn thì chữ Puggala chỉ cho một "Linh Hồn". Nhan đề của tập A Tỳ Đàm thứ tư (Puggalapannatti) xem ra cứ như bên trong là một nội dung giải quyết các vấn đề tư tưởng về Nhân Ngã nhưng thật ra tập này chỉ đơn giản nêu lên lập trường của Phật giáo về quan hệ nhân sinh với chút ít đá động hời hợt về cái gọi là cá thể mà không hề có tí tranh luận. Chuyện đó coi như dành trọn cho tập A Tỳ Đàm thứ năm, là tập Luận Điểm (Kathàvatthu).

Mục đích của Luận Điểm là điều chỉnh các dị thuyết của hậu thời Phật giáo cho đúng theo tinh thần Phật giáo truyền thống 11. Luận Điểm được bắt đầu với chương Nhân Ngã (Puggalakathà), nội dung bàn về vấn đề Linh Hồn qua hình thức song thoại giữa Phật giáo, như là bên đặt ra vấn đề (Sakavàdì), với phía đối thoại (Paravàdì) là các dị thuyết chủ trương sự tồn tại của một Linh Hồn, Bản Ngã (Attavàdì).

Phần đông giới nghiên cứu đều xác nhận tập Luận Điểm là tác phẩm được ngài Mục Liên Đế Tu bổ sung vào tạng A Tỳ Đàm Pali vào kỳ kiết tập thứ ba. Nhưng giáo sử truyền thống thì vẫn cho rằng chính đức Phật đã xây dựng nền tảng cho Luận Điểm bằng các tiêu đề (Màtikà) với dụng ý để lại cho người hậu tấn thiên tài về sau là ngài Đế Tu tiếp nối phần còn lại 12. Nói gì thì tập Luận Điểm cũng cứ là công trình đứng đầu trong ba công trình tiêu biểu của lịch sử triết học Phật giáo (2 công trình kia là Milindapanhà và Visuddhimagga). Trước thế kỷ 15, tập Luận Điểm từng là một giáo tài lớn được giảng dạy Miến Điện, trước cả tập Ariyavamsa 13.

Nội dung của tập Đối Luận 14là giải quyết những điểm chưa rõ ràng ở năm tập trước. Một người thông tuệ chỉ cần nắm được yếu lý của Đối Luận thì dù đọc qua một lần cũng có thể lập lại dễ dàng. Riêng với người kém cỏi thì chẳng những rối mù chuyện hiểu mà đến việc học thuộc lòng cũng khó.

Tập Pháp Thú (Patthàna - Phát Trí, Đại Xứ, Phát Thú) là tập cuối cùng của tạng A Tỳ Đàm nhưng tuyệt không phải là thứ yếu. Pháp Thú trình bày về tất cả quy luật tương tác để vạn pháp tồn tại. Nên nhớ, ở đây ta không thể dùng ngôn ngữ của Mansel đã dùng ám chỉ khái niệm Ý Thức Tương Quan để nói về nội dung Pháp Thú. Bởi vấn đề Pháp Thú nói đến là tất cả các pháp. Lý thuyết Duyên Do Hổ Tương (Associationism) của Tây Phương cũng là một kinh nghiệm triết học độc đáo đã được nhiều nhà tư tưởng lớn xưa nay nhắc tới, trong đó có Hartley và Condillac. Có điều là trọn vẹn những góc cạnh của triết lý này đã được đức Phật đưa vào nội dung tập Pháp Thú từ 25 thế kỷ trước. Pháp Thú được coi là phần tinh hoa chiết xuất từ 6 tập A Tỳ Đàm trước và nội dung của nó đã nói lên một điều rằng đức Phật đã đặc biệt nhấn mạnh giáo lý Tương Duyên. Điểm này đã khiến một nhà A Tỳ Đàm học quá khích thốt rằng "Hãy cho tôi một tâm thức cùng vài nhân tố Tương Duyên tôi sẽ tạo ra cả một vũ trụ". Tầm quan trọng của tập Pháp Thú so với 6 tập A Tỳ Đàm kia có thể được nhận ra qua một tình tiết mô tả trong kinh là khi thuyết đến tập Pháp Thú, từ thân Phật phát ra sáu màu hào quang. Nội dung hoằng viễn của Pháp Thú đã khiến người ta gọi cách phân tích, trình bày các pháp trong đó là Vô Tận Hóa (Anantanaya), Biến Bố Hóa (Samantanaya). Tập Pháp Thú đã được Phật gia đem so sánh với một đại dương không đáy chỉ có thể được thấu suốt bằng trí tuệ Toàn Giác của một đức Phật. Chúng ta hôm nay có thể kể thêm một hình ảnh so sánh hiện đại hơn, đó chính là tập Pháp Thú và trí tuệ đức Phật song hành với nhau trên hai đường thẳng dẫn vào không gian vô tận ...

Tôi dĩ nhiên không thể chạm tới được đỉnh điểm của tập Pháp Thú, chỉ muốn nói một điều trước khi khép lại phần này là trong các buổi Pháp thoại hàng đêm tại Miến Điện, tập Pháp Thú đã được chọn giảng chung với ba tập Pháp Tụ, Giới Luận và Đối Luận.

Để đọc thêm về giáo lý A Tỳ Đàm, chúng ta có thể nghiên cứu tập Netti (Dẫn Luận) của ngài Kaccàna (con trai Bà La Môn Tiritivaccha; cố vấn của vua Sucandapajjota và về sau trở thành vị cao đồ đệ nhất luận nghĩa) 15. Tài liệu thứ hai là bộ Petakopadesa do chư thánh tăng biên soạn dựa theo bộ Netti. Tài liệu thứ ba là Milindapanhà, thế kỷ thứ nhất Tây Lịch 16.

Ba tập vừa kể đều không có sách chú giải. Nhưng các tập A Tỳ Đàm chánh tạng thì có. Đó là các bộ Atthakathà, Tìkà, Anutìkà, ...

CÁC TẬP CHÁNH SỚ VÀ PHỤ SỚ

Các tập Chánh sớ (Atthakathà) được sử dụng ở Miến Điện đều là của ngài Buddhaghosa biên soạn tại Tích Lan dưới triều vua Mahànàma (năm 412 Tây Lịch). Tập Atthasàlinì (Nghĩa Tinh Sớ) là Chánh sớ của Pháp Tụ. Sammohavinodanì là Chánh sớ của tập Phân Tích. Có thể nói đại bộ phận giáo lý A Tỳ Đàm đều nằm gọn trong 2 tập Chánh sớ này nên ngài Buddhaghosa sau đó chỉ viết một cuốn Sớ nữa mà thôi. Ba tập Chánh sớ trên đây lại có chung một cuốn chú giải (Tika) là bộ Mùlatìkà do ngài Vanaratanatissa-Ànanda ở Mahàvihàra, Anuràdhapura biên soạn. Vị này có chỗ bất đồng quan điểm với ngài Buddhaghosa 17. Thế rồi chính bộ Mùlatìkà lại có một cuốn hậu chú giải (Anutìkà) mà tác giả là ngài Dhammapàla ở Kancipura (Konjevaram). Ngài thực hiện tác phẩm này lúc đang ở tại tịnh xá Badaratittha (Anuràdhapura).

Sau đây là các tập chú sớ được trước tác và lưu hành tại Miến Điện bộ Visuddhimagga của ngài Buddhaghosa vốn là một bản Chánh sớ hợp tuyển được coi là tài liệu học tập bắt buộc ở Miến Điện. Ngài Dhammapàla đã viết một bộ phụ sớ (Mahàtìkà) để chú thích Visuddhimagga, tựa đề là Paramatthamanjusà 18mà sau này ngài Ledi Sayadaw lại chú thích rộng rãi thêm nữa. Ngài Buddhaghosa còn viết tập Paramatthadipani để chú thích Cariyàpitaka mà nội dung lại cũng bàn về A Tỳ Đàm. Được biết Nettitìkà (chú giải bộ Netti) cũng là của ngài.

Ngài Sirimangala viết hai cuốn Atthayojanà (giải thích từ ngữ) cho bộ Atthasalìnì và Sammohavinodani dưới triều vua Lezishin Thihathu Pinya (lên ngôi năm 1298).

Bộ Petakàlankàra của ngài Nànàbhivamsa là bộ hậu sớ (tìkà) khác của bộ Netti. Chưa hết, bộ Netti còn được giải thích qua Nettivibhàvinì của ngài Saddhammapàlasiri theo lời yêu cầu của đại thần Senàpati dưới triều vua Narapatigyi (tức Thùpàràmacetiya-dàyaka), vị vua lên ngôi năm 1442. Tác giả của Mahàthùpavamsa còn viết tập Visuddhimaggasankhepa (một tiểu sớ cho Visuddhimagga) trong thời gian cư trú tại tịnh xá Mahindasena ở Anuràdhapura (Tích Lan). Ngài Chapada (vốn từng cùng sư phụ là trưởng lão Uttaràjiva 19sang viếng Tích Lan) cũng viết một cuốn chú giải Visuddhimagga tựa đề Visuddhimaggaganthipada (những thuật ngữ khó trong Thanh Tịnh Đạo).

Manidipa do ngài Ariyàvamsa biên soạn dưới triều vua Narapatigyi Sagaing nhằm giải thích Chánh sớ Atthasàlinì nhưng tác phẩm bị dở dang.

Madhusàratthadìpanì của ngài Mahànàma, được biên soạn dưới triều vua Bayin Naung (lên ngôi năm 1550 tại Hamsavatì, Pegu). Nội dung tập này là chú giải Mùlatìkà.

Patthànasàradìpanì 20do Saddhammàlankàra ở Hamsavati biên soạn năm 1580, nội dung dựa vào các tập Sớ đời trước, nhằm giải thích bộ Đại Xứ.

Tikàvannanà và Anutìkàvannanà do ngài Tilokaguru Pakangyi Sagaing biên soạn dưới triều Anaukpetlun Mindaya (lên ngôi năm 1605), nội dung giải thích tập Dhatukatha. Hai tác phẩm sau đây cũng là do ngài biên soạn:

- Vannanàtìkà, viết năm 1615, giải thích bộ Yamaka

- Patthànavannanàtìkà, giải thích rộng bộ Patthàna

Dhàtukathàyojanà, chú giải tập Giới Luận, của ngài Sàradassì Pakangyì 21(Pubbàràma Sayadaw) biên soạn dưới triều vua Hanthawaddy Yauk Min (lên ngôi năm 1773).

Vìsativannanà của ngài Tipitakàlankàra, giải thích 20 câu kệ đầu tiên trong Sớ Atthasàlinì.

Abhidhammatthaganthipada, thuật ngữ Luận Tạng, của ngài Mahàkassapa (Mahàvihàra) biên soạn.

Tập Khuddakapàtha có hai cuốn Chánh sớ, một của tác giả khuyết danh và một của ngài Buddhaghosa. Cả hai tập Chánh sớ này đều có chung nhan đề giống nhau là Paramatthajotikà.

Ngài Dhammapàla có viết sớ giải cho các tập Cảm Hứng Ngữ, Thiên Cung Sự, Ngạ Quỷ Sự, Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ. Tất cả đều được gọi chung là Chánh sớ Paramatthadìpanì.

Cuốn Paramatthasùdanì do ngài Ngakhon Sadaw (Adiccavamsa) biên soạn. Đây là Tika (hậu sớ) của tập Khuddakapàtha.

CÁC LUẬN THƯ PHỤ THUỘC

Bây giờ thì chúng ta bàn tới một loại luận thư thứ yếu mà kinh điển Miến Điện gọi là Lethan. Ngài Buddhadatta người xứ Cola (nằm về phía đông của Anuràdhapura) trong thời gian cư ngụ tại một tịnh xá ở cảng Kavirapattana đã viết hai tác phẩm Abhidhammàvatàra (A Tỳ Đàm Dẫn Luận) và Rùpàrùpavibhàga (Tâm vật nghĩa Biện). Trước thế kỷ mười lăm, Phật Giáo Miến Điện đã đặc biệt lưu tâm nghiên cứu quyển A Tỳ Đàm Dẫn Luận và ngài Ariyavamsa đã viết cuốn Manisàramanjusa để chú giải tác phẩm này. Song song đó, cuốn Saccasankhepa (Đế Pháp Yếu Lược) của ngài Dhammapàla cũng một thời là sách giáo khoa A Tỳ Đàm cho Tăng chúng ở Pagan trước khi được thay thế bằng bộ Thắng Pháp Tập Yếu của ngài Anuruddha 22. Tương truyền rằng ngài Anuruddha (theo đoạn cuối của tác phẩm nói trên) đã viết sách này trong lúc sống ở hai tịnh xá do hoàng hậu Somadevi (của vua Vattagàminì) và đại thần Mula xây dựng. Ngài viết Thắng Pháp theo lời khẩn cầu của một đệ tử đàn tín tên Nampa. Ngài còn là tác giả của hai tác phẩm khác, Paramatthavinicchaya (Chân Đế Huyền Giải) và Nàmarùpapariccheda (Danh Sắc Biện Biệt). Ngoài ra chúng ta hôm nay còn biết được một số luận thư khác cũng thuộc dạng này:

An Tịnh Luận (Khemapakarana) lấy theo tên tác giả là ngài Khema ở Anuràdhapura.

Mohavicchedanì (Đoạn Si Luận) của ngài Mahàkassapa người xứ Cola.

Nàmacàradìpaka (Tâm Pháp Hành Trạng) của ngài Chapada. Đây không phải là sách Đạo đức học Phật giáo như ông Forchammer đã phân loại.

Sucittàlankàra (Tâm Pháp Luận) của một tác giả khuyết danh ở Pakangyi.

Paramatthabindu (Chân Đế Trích Luận) 23, tác giả là một ông hoàng (sau này lên ngôi năm 1234 Tây Lịch) ở Pagan. Oâng rất giỏi triết học Phật giáo, từng đọc Tam Tạng tới lui chín lần, và được xưng danh là Kyazwa (hiền giả).

Các tác phẩm A Tỳ Đàm của Miến Điện đời sau cũng chỉ là kế thừa và xoay quanh các luận thư vừa kể.

Bộ Abhidhammàvatàra (A Tỳ Đàm Dẫn Luận) có hai cuốn chú sớ. Cuốn thứ nhất do ngài Vàcissaramahàsàmi (nhóm Mahàvihàra) ở Anuràdhapura biên soạn. Cuốn thứ hai là của ngài Sumangalamahàsàmi (tác giả của Tìkagyaw), nhan đề là Abhidhammat-thavikàsinì (Thắng Pháp Anh Hoa). Bộ Rùpàrùpavibhàga có một tập chú sớ, tác giả khuyết danh nhưng là người của nhóm Mahàvihàra. Ngài Vàcissaramahàsàmi cũng có viết một tập chú sớ cho cuốn Saccasankhepa của ngài Dhammapàla. Tập chú sớ thứ hai của Saccasankhepa do một tác giả khuyết danh biên soạn, nhan đề là Sàratthasàlinì (Diệu Pháp Tinh Nghĩa). Bộ Abhidhammatthasangaha của ngài Anuruddha có tới năm tập chú sớ. Cuốn xưa nhất là của ngài Navavimala, cuốn thứ hai nhan đề Abhidhammatthavibhàvinì do ngài Sumangalamahàsàmi 24biên soạn (vị này là học trò của ngài Sàriputta) và xưa kia người Miến Điện vẫn thường gọi cuốn chú sớ này là Tikahla (A Tỳ Đàm Kỳ thư) do phần nội dung bên trong rất sắc sảo. Sau này ngài Ariyàvamsa đã gọi tập Tikahla là Tikagyaw (Thắng Pháp Danh Thư). Tập chú sớ thứ ba là Sankhepavannana, do ngài Chapala biên soạn. Tương truyền vị này đã từng sang hành hương Tích Lan. Chính trong lời dẫn nhập của sách, tác giả cũng úp mở rằng mình từng tới Tích Lan ba lượt, và biên soạn tập chú sớ này theo lời yêu cầu của vua Mahàvijayabàhu. Tác giả so sánh các tập chú sớ trước của Abhidhammatthasangaha giống như mặt trăng, có thể vĩ đại đấy nhưng không thể đưa ánh sáng vào bụi tre rậm còn tác phẩm của ông tuy bé mọn như con đom đóm nhưng có thể làm được chuyện đó. Cuối sách, tác giả ghi rõ thời điểm là năm 1990 (lịch Miến Điện). (Tác giả cuốn Sàsanàlankàra có chú ý tới sự sai khác về thời điểm 1990 này với niên đại được nêu trong bia ký Kalyàni). Chapada là người đã giải thích cách bố trí nội dung của ngài Anuruddha trong Abhidhammatthasangaha. Trong khi ở tập Saccasankhepa, tác giả Dhammapàla bắt đầu bằng Sắc Pháp thì bên này ngài Anuruddha lại chọn Tâm Pháp để nói trước. Lý do là khi khởi thảo tác phẩm ngài đã vận dụng giải pháp của bộ Dhammasanganì chứ không phải bộ Vibhanga. Nhưng rồi tại sao ngài đã không dựa theo lớp tiền bối để nói tới Thiện Pháp trước khi đề cập về Aùc Pháp, mà chọn cách ngược lại? Một lần nữa, ngài Chapada lại tìm cách biện giải nhưng lần này không mấy thuyết phục: Bởi vì đề tài Aùc Pháp dễ kích động người ta hơn là Thiện Pháp. Tác giả còn viện dẫn một vài chi tiết nữa nhưng tôi không tiện trình bày hết ra đây.

Tập chú sớ (Tika) thứ tư là của ngài Gaing-Ok Sayadaw tức trưởng lão Silàcàra xứ Salin. Thời điểm ra đời chính xác của sách không được ghi rõ. Và tập chú sớ sau cùng là Paramatthadìpanì của ngài Ledi Sayadaw, một tác phẩm rất mực sáng giá trong nền văn học Phật giáo Miến Điện hôm nay. Ngài Ledi gọi tác phẩm của mình là Tikagyì (đại sớ) nhưng học trò ngài thích gọi là Tikamaw (kỳ sớ). Trong tư cách một người có thẩm quyền về Mahàtikà của ngài Dhammapàla, ngài Ledi đã từng lên tiếng phủ bác một số điểm trong Tikagyaw nhưng một bộ phận lớn Tăng chúng vẫn chưa thông qua các quan điểm đó của ngài.

Bộ Paramatthavinicchaya có được hai tập chú sớ. Cuốn thứ nhất do ngài Mahàbodhi và tập thứ hai do một tác giả khuyết danh nhưng cả hai đều thuộc nhánh chư Tăng Mahàvihàra.

Bộ Nàmarùpapariccheda cũng có hai tập chú sớ. Tập trước của ngài Vàcissaramahàsàmi và tập sau do một tác giả khuyết danh. Cả hai đều là người ở Anuràdhapura.

Ngài Mahàbodhi từng viết một tập chú sớ cho cuốn Khemapakarana của ngài Khema.

Chính bản thân ngài Mahàkassapa (Tích Lan) cũng từng viết một tập chú sớ cho cuốn Mohavicchedanì của mình.

Ngay ngài Chapada cũng tự viết một cuốn chú sớ cho tác phẩm Nàmacàradìpaka mà ngài đã biên soạn.

Ngài Mahàkassapa xứ Pagan có viết một tập chú sớ cho cuốn Paramatthabindu.

Tập Manisàramanjùsà (chú sớ của bộ Tikagyaw) là tác phẩm do ngài Ariyàvamsa biên soạn theo lời đề nghị của sư phụ là ngài Ye-Ngon Sayadaw xứ Sagaing như một cách cống hiến sở học uyên bác của mình. Bên cạnh đó, ngài Tipitakadhara, sư phụ của Sìladevì, con gái của Bayin Naung tại Hamsavatì đã viết một cuốn bổ sớ cho tập Tikagyaw và đặt nhan đề là Appheggusàradìpanì, còn được coi là một cuốn Cùlatìkà. Nhan đề Pali trên đây của cuốn sách ngụ ý nói nội dung bên trong chỉ gồm những gì "thật sự cốt lõi, không nói chuyện vớ vẩn" và kín đáo phê bình cuốn Manisàramanjùsà.

CÁC DỊCH PHẨM MIẾN NGỮ (NISSAYA)

Cho đến hôm nay chúng ta vẫn không biết được hai bộ đầu tiên của tạng A Tỳ Đàm đã được ai dịch sang Miến ngữ và vào thời điểm nào. Theo những phân tích tìm thấy trong các tập Akauk thì chính các tập này đã là cơ sở cho công trình phiên dịch trên. Có điều là chắc chắn hai bộ A Tỳ Đàm này cũng không thể được phiên dịch trước năm 1698, thời điểm vua Sane Min lên ngôi và ban chiếu chỉ phiên dịch toàn bộ Kinh Phật. Bộ Dhàtukathà đã được các nhà phiên dịch lưu tâm đến từ rất sớm. Hiện có không dưới năm bản dịch Miến ngữ cho bộ này. Bản thứ nhất là của ngài Tipitakàlankàra (1629), bản thứ hai của ngài Nangyaung Sayadaw, Aggadhammàlankàra (1648), bản thứ ba của ngài Taungbilu Sayadaw, Anantadhaja (1672), bản thứ tư của ngài Tantabin Sayadaw, Nandamedhàbhisiri, Saddhammadhaja (1776), và bản thứ năm là của một dịch giả khuyết danh có bà con với hai ngài Sayadaw xứ Nyaung-Gan là U Po và U Pok (1819).

Cả năm bản dịch trên đây đều được gọi là các tập Akauk và người Miến cho rằng mọi dịch phẩm A Tỳ Đàm Tạng đều phải y cứ trên các tập Akauk, như trường hợp bản dịch bộ Dhammasanganì cũng vậy.

Tập Puggalapannatti có hai bản dịch. Bản thứ nhất của một dịch giả khuyết danh và bản thứ hai là của ngài Sinde Sayadaw (1859). Bản dịch đầu tiên của bộ Kathàvatthu không rõ được thực hiện năm nào nhưng bản thứ hai là của ngài Jambudìpadhaja, học trò của ngài Tăng Vương The-In (1837).

Bộ Yamaka có 6 bản dịch. Năm bản đầu là của năm vị đã phiên dịch Dhàtukathà. Bản thứ sáu là của ngài Jambudìpadhaja, được công bố năm 1837.

Bộ Patthàna cũng có 6 bản dịch với 6 dịch giả đã chuyển ngữ bộ Yamaka.

Các bản dịch A Tỳ Đàm trên đây đều được gọi chung là các tập Akauk. Tất cả đã nói lên được phần nào sự thành công của lý tưởng chuyển đạt Chánh pháp đến mọi tầng lớp chúng sanh qua con đường gần gủi nhất. Người Miến đã có thể đọc A Tỳ Đàm bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

Bộ Netti được dịch lần đầu tiên bởi ngài Sìlavamsa dưới triều vua Shwenangyawshin, tức vua Narapati (1501). Tác giả bộ Netti là một thi hào ở Taungdwingyi. Bộ Netti còn có một bản dịch khác được thực hiện dưới thời vua Taninganwe Min (1714) do ngài Sàradassì. Bản dịch thứ ba là của ngài Ngataraw Sayadaw ở Sagaing. Bản dịch mới nhất là của ngài Jàgara ở Dakkhinàràma gần chùa Arakan. Bản dịch được công bố năm 1859.

Thời điểm ra đời đầu tiên của bản dịch Petakopadesa không được xác định nhưng Milindapanhà đã được ngài Dandaing Sayadaw Gunankàra ở Pindale dịch năm 1763.

Thời điểm sớm nhất của bản Atthasàlinì Miến ngữ được xác định là năm 1442. Trước hết là bản dịch của ngài Ariyàlankàra Pakangyi dưới thời vua Taninganwe Min và sau đó là bản dịch của ngài Pye Sayadaw dưới thời vua Mindoon.

Bản Thanh Tịnh Đạo tiếng Miến được ngài Sonda Sayadaw (Nandamàlà) phiên dịch dưới thời vua Ngasingu Min (1776) .

Bộ Pancapakaranatthakathà được ngài Gugyi Sayadaw, Pannasìha, học trò của ngài Bagaya Sayadaw đệ nhất, phiên dịch năm 1782. Chính ngài cũng đã dịch Mùlatìkà.

Tập chú sớ của bộ Netti được ngài Saddhammanandì ở Pakangyi phiên dịch năm 1782.

Bộ Thanh Tịnh Đạo có một tập chú sớ được hai ngài Maing-Gaing và Nemyodhamma-kyawthu phiên dịch năm 1859.

Đông đảo người Miến học Phật đều cố tin rằng phần Dvàrakathà của bộ Mùlatikà đã được phiên dịch bởi ngài Nangyaung Sayadaw, Aggadhammàlankàra từ năm 1648. Phần này lại được ngài Bagaya Sayadaw phiên dịch lần thứ nhì dưới thời vua Bodawpaya (1782). Bản dịch thứ ba là của ngài Khinmagan Sayadaw dưới triều vua Tharawaddy (1837). Ngài Khinmagan Sayadaw được ghi nhận là một người làu thông Kinh điển. Tương truyền có lần ngài đã tuyên bố rằng ngộ nhỡ tất cả kinh Phật có bị thiêu hủy thì ngài hoàn toàn có thể trùng thuật trọn vẹn bằng trí nhớ của mình!

Tập Anutikà của ngài Dhammapàla đã được phiên dịch bởi ngài Ariyàvamsa (tác giả tập Manisàramanjùsà) dưới thời vua Mahathihathura, còn gọi là vua Pyizon Min (1648). Bản dịch này có nhan đề mới là Mahànissaya. Từ đó ta có thể thấy rằng người Miến Điện có vẻ như rất quan tâm tới các tập hậu sớ. Đồng thời ta cũng có thể thấy được sức hấp dẫn sâu rộng của tập Abhidhammatthasangaha xuyên qua hai mươi hai bản dịch khác nhau về cuốn sách này. Sau đây là các dịch giả:

- Một dịch giả khuyết danh cầm viết theo yêu cầu của hoàng tử Sithu, cháu trai vua Bayin Naung (1550).

- Taungbilu Sayadaw, Anantadhaja ở Sagaing.

- Nangyaung Sayadaw, Aggadhammàlankàra.

- Palaing Sayadaw, Ariyàlankàra ở tu viện Dakkhinàvamsa tại Sagaing, ngài đã đặt nhan đề mới cho bản dịch của mình là Dakkhinàwan Nissaya.

- Một học trò khuyết danh của hai ngài Nangyaung và ngài Taungbilu Sayadaw.

- Ngài Sonda Sayadaw ở Kangyi.

- Ngài Wetkhok Sayadaw, Manisàra.

- Ngài Bagaya Sayadaw đệ nhất, Tipitakàlankàra.

- Ngài Munindasàra ở Myedu.

- Ngài Ok-Kyaung Sayadaw, U Po dưới triều vua Bagyidaw (1819).

- Ngài Vicittàlankàra ở Salin.

- Ngài Panlhwa Sayadaw, Sìlàcàra.

- Ngài Sudhammàlankàra dưới triều vua Tharrawaddy (1837).

- Ngài Vàyàma ở Legaing.

- Ngài Thetkegyin Sayadaw ở Alon.

- Ngài Medi Sayadaw, Kavidhaja.

- Ngài Mahàbodhi Sayadaw ở Amarapura.

- Một trưởng lão khuyết danh ở Pakangyi.

- Một dịch giả khuyết danh ở Pindale.

- Ngài Ye-U Sayadaw ở Sagaing.

- Ngài Pannasìha (học trò ngài Thitsein Sayadaw), dịch theo yêu cầu của công chúa Patein dưới triều vua Tharrawaddy.

- Dịch giả Maing Gaing Myoza, triều vua Mindoon.

Bộ Abhidhammàvatàra (của ngài Buddhadatta) được dịch lần đầu tiên bởi Nana dưới triều vua Alaungpaya (1753) và được dịch bận nhì bởi Tăng thống Salin dưới triều vua Bagyidaw. Chúng ta không biết tập Saccasankhepa được ai dịch trước tiên và vào lúc nào nhưng bản dịch Miến ngữ thứ hai là của ngài Ok-Kyaung, triều vua Bagyidaw. Chúng ta cũng không xác định được bản dịch của Sucittàlankàra thực hiện lúc nào nhưng tập Paramatthabindu đã được ngài Bagaya Sayadaw đệ nhất phiên dịch dưới triều vua Bodaw (1782). Riêng ngài Sinde Sayadaw, Nànàlankàra dưới thời vua Tharrawaddy đã một mình phiên dịch cả hai tập Paramatthavinicchaya và Nàmarùpaparic-cheda.

Ngài Neyin Sayadaw Ariyàlankàra đã dịch tập Sankhepavannana vào thời vua Taninganwe Min. Bộ Tikagyaw được phiên dịch lần đầu tiên bởi ngài Sinde Sayadaw (ngài đã vận dụng tối đa tập Manisàramanjùsà của Ariyavamsa). Ngoài ra còn hai bản dịch khác của ngài Maing Gaing Myoza và một trưởng lão ở Monywa.

Tập Abhidhammatthadìpanì được phiên dịch bởi ngài Panlhwa Sayadaw.

Manisàramanjùsà còn có một bản dịch khác của Khingyi Pu ở Sinbyugyin dưới triều vua Tharrawaddy, nhưng không được đầy đủ.

Appheggusàradìpanì được ngài Ngakhon Sayadaw đệ nhị, Dìpalankàra, phiên dịch vào thời vua Pagan Min (1846).

Các tập chú sớ của 2 tập Abhidhammàvatàra và Saccasankhepa được ai phiên dịch và vào khi nào thì không rõ nhưng tập chú sớ (tikà) của Paramatthabindu thì do ngài Bagaya Sayadaw phiên dịch.

Số lượng các dịch phẩm A Tỳ Đàm trên đây về các nguyên tác quan trọng đã cho ta thấy những tài liệu nào đang được học hỏi sâu rộng tại Miến Điện nhưng các học giả vẫn chưa hài lòng với chừng đó. Ngoài việc chuyển ngữ, họ còn muốn biên soạn, sáng tác dù vẫn y cứ trên một căn bản chung nhất.

CÁC TÁC PHẨM DO NGƯỜI MIẾN VIẾT

Thingyo Kyanyogyi là tác phẩm xưa nhất của Miến Điện viết về tập Abhidhammatthasangaha, tác giả là ngài Nangyaung Sayadaw, triều vua Ngadatkyi Dayaka.

Ba tập Vithiletyo (Tâm Pháp Hành Trạng) được biên soạn bởi ba tác giả, vào ba thời điểm khác nhau. Cuốn thứ nhất là tác phẩm của ngài Taungdwin Sayadaw, Nanalankara dưới triều vua Naungdawgyi (1760). Tập thứ hai là của ngài Shwedaung Sayadaw, triều vua Bodaw. Tập thứ ba của ngài Thein Sayadaw, triều vua Pagan Min.

Vìthicittapakàsinì, tác phẩm của ngài Ok-Kyaung Sayadaw, U Pok, triều vua Pagan Min,

Vìthicittavikàsinì, của ngài Nemydhamma-kyawthu, triều vua Mindoon.

Vìthimanjarì của ngài Upandita (học trò ngài Ledi Sayadaw).

Các tập vừa kể đều có chung nội dung bàn về Tâm Pháp.

Thingyo-Akauk, tập biện giải đầu tiên của Miến Điện về tập Abhidhammatthasangaha, là tác phẩm của ngài Bagaya Sayadaw đệ nhất.

Trong làn sóng sáng tác, tại Miến Điện đã dần dần xuất hiện một loại luận thư tên là Ganthi. Tập luận thư Ganthi viết về bộ Atthasàlinì đã được ngài Kyaw Aung Sanda Sayadaw sáng tác vào thời vua Hanthawaddypa.

Ganthi của Sammohavinodanì (sớ giải Vibhanga) do ngài Shwedaung Sayadaw biên soạn.

Ngài Nanabhivamsa đã viết ba tập Ganthi về Màtikà, Dhàtukathà và năm Song đầu của bộ Yamaka.

Abhidhammatthasangaha có hai tập Ganthi. Tập thứ nhất do ngài Kyaw Aung Sanda Sayadaw; Tập thứ hai do ngài Dakkhinàràma Sayadaw dưới triều vua Mindoon. Sau này người ta còn kể thêm một tập Ganthi khác cũng cùng đề tài, do ngài Payagyi Sayadaw viết.

Cuốn Madhu-Ganthi của ngài Mogaung Sayadaw, nội dung cũng bàn về Abhidhammatthasangaha dựa trên cơ sở các tập Ganthi trước đó.

Một tập chú sớ (viết bằng thể vấn đáp) về nội dung cuốn Apheggusàradìpanì (của ngài Tipitakadhara) do ngài Sonda Sayadaw biên soạn.

Cuốn Paramattharatanàvali do ngài Dhammathingyan (1831) viết theo lời yêu cầu của Saw Atunwun.

Paramatthasarùpadìpanì của ngài Ingan Sayadaw (chùa Visuddhàràma).

Cuốn Abhidhammatthasarùpadìpanì của ngài Myobyingyi Sayadaw (tác giả một tập Akauk của Thắng Pháp Tập Yếu).

Hai tập vừa kể trên đây đều một mực tuân thủ khuôn thức Thanh Tịnh Đạo và Thắng Pháp Tập Yếu.

Trong số các luận thư A Tỳ đàm do người Miến viết, chỉ có các tập Dìpanì (Minh thích) của ngài Ledi Sayadaw là được viết bằng ngôn ngữ bình dân. Và mãi đến hôm nay vẫn chưa một tác giả Miến Điện nào hơn được ngài về mặt này.

Qua một cuộc tham cứu có phần vội vã về văn học A Tỳ Đàm của người Miến Điện như ở bài viết này chẳng hạn, tôi không dám mạnh miệng thậm xưng rằng xứ Miến Điện cũng là một đất nước của triết học như Đức Quốc nhưng tôi có thể nói rằng ở mảnh đất này bất cứ cái gì cũng khả dĩ là đề tài suy tư triết học cho mọi lớp người trong xã hội. Cứ gặp nhau thì người ta thường tìm mọi cơ hội để thảo luận cái lẽ minh triết nào đó. Và có thể nói người Miến Điện đã rất thành công trong lý tưởng giữ lại ngọn lửa minh triết Phật giáo trong ngót hai nghìn năm qua từ cái ngày họ đón nhận nó từ tay vua A Dục và người trợ tá tuyệt vời của mình là ngài Tissa. Như vậy cũng đã quá đủ để tất cả chúng ta cùng nhìn về xứ sở Ấn Độ với một tấm lòng biết ơn sâu sắc nơi phát nguồn của nền minh triết tối thượng của nhân loại mà kể cả Hi Lạp ngày xưa cũng đã ít nhiều chịu ơn.


Ghi chú:

1Năm 1912

2History of Philosophy by Lewes, page 83

3Jala viya, Nadisoto viya – Compendium of Philosophy by S.Z. Auang and Rhys Davids (Page 9, page 166)

4Theo bản Đại tạng thư tịch Miến Điện được biên soạn năm 1886 do ngài Mingyi Mahathiri Zeyathu. Sau này sách được nhà Pyigyi Mandain Press, Rangoon xuất bản.

5Theo tập Sasanankara của ngài Mingyi Thiri Maha Nanda Thingyan. Tôi không muốn lập lại ở đây những điều mà tiến sĩ M. Bode đã nói tới quá nhiều trong quyển Pali Literature of Burma.

6Đó là theo sử liệu Phật giáo truyền thống, theo các tác giả Tây Phương thì vào khoảng năm 250 trước Tây Lịch.

7Xem quyển Buddhist India of Rhys Davids.

8Theo quyển Buddhist India of Rhys Davids.

9Theo quyển Pali Literature of Burma (xem ghi chú 2 trang 7).

10Tác giả của Tikagyaw

11Xem Mulatika và Anutika.

12Xem Chánh sớ của bộ Luận Điểm.

13Theo ngài Payagyi Sadaw ở Henzada.

14Đối trong Đối Luận có nghĩa là vấn đề được nêu lên giữa 2 vế Xác định (Sannitthana) và Nghi vấn (Samsaya) – xem Mulatika và Anutika.

15Theo quyển Pali Literature of Burma của tiến sĩ M. Bode.

16Có thể là ngài Na Tiên đã ra đời vào thời điểm tương đương với triều vua Miến Điện – Thinlingyaung ở Pagan (441 sau Tây Lịch).

17Xem trong Thắng Pháp Tập Yếu bản Anh văn trang 26.

18Chỉ thấy Bà Bode nhắc tới, chứ không thấy trong bộ Đại tạng thư tịch của Miến Điện.

19Không phải Vajira Uttama như đã bị đọc sai trong Thắng Pháp Tập Yếu.

20Chỉ được ngài Chapada nhắc tới, chứ không thấy trong bộ Đại tạng thư tịch.

21Theo tiến sĩ Bode đã từng hiểu lầm rằng đây là 1 tập sách văn phạm Pali. Riêng tác giả trên đây thì thường được biết là 1 nhà viết Luận Sớ cho 2 tập Diệu Pháp đầu mà sau này ngài Sagu, U Pandicca (sư phụ của Ledi) đã thêm vào đó những giải thích về một số vấn đề sâu kín khác của tập Chánh sớ Pancapakarana-atthakathà.

22Theo ngài U Candima ở Bahan.

23Đừng nhầm lẫn với 1 tác phẩm Pali cùng tên.

24Tương truyền ngài cũng là tác giả của cuốn Saratthadipani, 1 tập phụ sớ của Luật tạng. Còn ngài Sariputta vừa nhắc ở trên còn được gọi là Sariputtara vốn là hoàng tử Saritanuja (tức Mahasamipada) của vua Buddhadasa (Tích Lan). Nhưng theo tôi thí có thể ngài Sumangalasami chỉ là tác giả của 1 tác phẩm mà thôi. Còn quyển kia là do 1 huynh đệ đồng môn nào đó.



---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567