Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 18: Tùy hỷ công đức

22/05/201313:40(Xem: 11815)
Phẩm 18: Tùy hỷ công đức

Lược giải Kinh Pháp Hoa

Phẩm 18: Tùy hỷ công đức

Hòa Thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng

I. LƯỢC VĂN KINH

Bấy giờ Bồ tát Di Lặc bạch Phật nếu có người nào nghe kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ thì người ấy được bao nhiêu phước đức ? Phật bảo Bồ Tát Di Lặc : "Nếu có người bố thí những thứ cần dùng và tất cả của báu cho vô lượng chúng sanh trong vô số thế giới suốt 80 năm. Sau đó vị thí chủ lại dìu dắt chúng sanh ấy được đắc quả A la hán. Công đức của vị thí chủ ấy không bằng một trong trăm ngàn muôn ức phần công đức của người thứ 50 nghe kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ.
"Nếu người nghe kinh Pháp Hoa dù chỉ nghe trong chốc lát, người ấy sẽ có công đức. Nhờ đó tái sanh vào cảnh giàu sang, sau lại sanh lên thiên cung.
"Nếu người khuyên người khác đến nghe kinh hoặc chia chỗ cho ngồi thì khi đổi thân sẽ được chỗ ngồi của Đế Thích Phạm vương hay Chuyển luân thánh vương.
"Nếu người khuyến khích người khác đi nghe kinh Pháp Hoa và người được khuyên nhận lời đến nghe thì người khuyến khích được công đức. Khi chuyển thân sanh cùng một chỗ với Đà La Ni Bồ tát, căn tánh thông lợi, được tướng phước trang nghiêm.
"A Dật Đa, ông hãy thử nghĩ xem khuyên một người đi nghe pháp mà công đức còn vô lượng. Huống là một lòng nghe pháp, đọc tụng, giải thích, tu hành đúng như kinh Pháp Hoa".

II. GIẢI THÍCH

Sau khi Phật Niết bàn, không có sanh thân Phật trên cuộc đời, lại thêm chúng ta vướng mắc trong ngũ ấm thân quá nặng nề, nên không thể thấy được Phật Pháp thân thường trú vĩnh hằng. Ta mãi buông lung theo đường sanh tử lấy trái làm phải, cho phải là trái. Với nghiệp báo sâu dầy như vậy làm thế nào tin hiểu được bốn việc làm của Bồ tát tùng địa dũng xuất.
Vì vậy, Phật khởi lòng từ đối với những hành giả Pháp Hoa đời sau không trực nhận được pháp âm của Phật thường trú. Ngài mới dạy pháp tu "ngũ phẩm diệt hậu" nhằm mục tiêu giúp chúng sanh đời sau nương theo năm phần này phát hiện pháp tứ tín của Bồ tát tùng địa dũng xuất.
1 – Nhất niệm tùy hỷ
Mở đầu phẩm này, Phật trả lời Ngài Di Lặc Bồ tát rằng nếu có một người nghe kinh Pháp Hoa sanh tâm tùy hỷ, rồi nói lại cho người khác nghe và cứ như vậy cho đến người thứ 50. Công đức của người thứ 50 nghe kinh Pháp Hoa đem so với đại thí chủ bố thí cho tất cả chúng sanh theo ý muốn chúng, trong bốn trăm muôn ức vô số thế giới trải 80 năm. Khi họ sắp chết, vị đại thí chủ mới dạy họ tu hành làm cho đắc quả La hán.
Nhưng Phật dạy công đức của vị đại thí chủ so với công đức người thứ 50 tùy hỷ kinh Pháp Hoa nhỏ hơn vô số. Công đức của người thứ 50 còn như vậy, huống chi là người trực tiếp nghe kinh Pháp Hoa, gợi cho chúng ta suy nghĩ. Chắc chắn chúng ta đều nghĩ rằng nuôi và xây dựng người như vị đại thí chủ, thực quá tốt. Tuy nhiên, suy nghĩ thêm lời Phật dạy sẽ không khỏi hốt hoảng, khi nhận ra nuôi người tới 80 tuổi chỉ nuôi được mạng căn hữu hình hữu hoại thôi. Để rồi họ cũng tàn tạ dần theo thời gian, kết quả ta cũng phải đưa họ xuống mồ.
Nuôi người theo mô hình cuối cùng dẫn tất cả vào nằm yên trong nấm mồ, chỉ là thực hành phước báo nhân thiên. Pháp này thuộc giai đoạn đầu là tu thập thiện nghiệp đạo, hưởng phước lành trên nhân gian, giúp đỡ tất cả mọi người, sau cùng cũng chết.
Chúng ta nhận chân được tâm hoàn toàn thanh thản của Đức Phật. Ngài tội nghiệp chúng sanh suốt đời mãi lăng xăng, lo những gì không đáng bận tâm, những cái không đáng lo như đại thí chủ nuôi chúng sanh trải 80 năm, nó cũng chết. Đứng ở sanh diệt tướng mà làm thì không có gì có thể tồn tại trên thế gian. Dưới cái nhìn chính xác của Phật, Ngài xem việc thỏa mãn nhu cầu vật chất cho chúng sanh không đáng kể. Ngài gấp rút lo cho tất cả chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi, không còn bị quả báo ràng buộc.
Khi Phật tại thế, Ngài để tâm xây dựng giáo đoàn đưa mọi người tới quả vị A la hán, tâm không còn chỗ khổ não. Tuy nhiên, điều quan trọng là Phật giáo hóa không chỉ giới hạn dừng lại ở điểm đưa đến quả Niết bàn u tịch của A la hán. Đạt được thành quả Niết Bàn rồi hay nói khác, trở thành A la hán không chết trong nhà lửa sanh tử, mà lại tiếp tục sống ngơ ngác trên cuộc đời thì cũng chẳng lợi ích gì. Đó không phải là mục tiêu của bậc Toàn giác. Vì vậy mô hình Phật dạy hành giả Pháp Hoa phải thể hiện, dù còn trong sanh tử nhưng chuyển sanh tử thành Niết bàn, đây chính là trọng tâm của kinh Pháp Hoa.
Công đức của người tùy hỷ không thể nghĩ bàn. Nói ra nghe đơn giản, nhưng thực tế chúng ta xét lại xem tâm tùy hỷ của chúng ta có mang lại kết quả lớn lao như kinh dạy hay không. Nếu không, hành giả lắng lòng nghĩ xem chúng ta đã thực sự tùy hỷ kinh chưa hay trái lại phỉ báng kinh mà cứ nhận lầm là tùy hỷ.
Nếu đã thực sự tùy hỷ rồi, nên đặt tâm tùy hỷ của mình ở đâu ? Cần hiểu rõ những vấn đề này để tu hạnh tùy hỷ cho đúng chánh pháp. Nếu không, chúng ta hiểu lầm kinh Pháp Hoa, tu sai chẳng những không được chút phần công đức nào, lại phải thọ quả báo. Thật vậy, từ khi Phật vào Niết bàn đến nay, giáo lý Ngài lưu truyền hơn 25 thế kỷ. Một sự truyền thừa mang khoảng cách quá xa, như vậy chúng ta không phải là người thứ 50 tùy hỷ kinh, nên chúng ta dễ hiểu lầm về Phật, về lời dạy của Ngài.
Trước nhất, khởi đầu muốn tu Pháp Hoa, hành giả phải có niệm tâm tùy hỷ, bằng cách thân cận những bậc chân tu hay vị Thầy chỉ đạo. Nhờ cảm đức của thầy, nghiệp hành giả không sanh. Pháp này cũng ghi rõ trong phẩm Trì thứ 13 rằng các Bồ tát nhờ thương Phật mà nhịn chịu được mọi khó khăn trong đời ngũ trược ác thế.
Ảnh hưởng đạo đức của các bậc cao Tăng hay Thầy khiến tâm ta thanh tịnh lần. Từ chỗ này dần dần hành giả mới sanh tâm tùy hỷ. Nhớ lời thầy dạy, nhớ việc làm thánh thiện của chư Phật, Bồ tát và Thầy, hành giả đã thay tâm phiền não của mình bằng tâm Phật, tâm Bồ tát, tâm Thầy. Tuy nhiên, chưa phải là tâm tùy hỷ đúng nghĩa theo Phật thừa. Hành giả chỉ tạm mượn lực của Phật, Bồ tát và Thầy để thanh tịnh hóa tâm mình ở bước khởi đầu mà thôi. Hoặc ta nghe giảng kinh liền khởi lên tín tâm. Hành giả đã nương với pháp sư và tùy hỷ với pháp sư, không phải tùy hỷ với đạo nhất thừa.
Kinh Pháp Hoa dạy chúng ta tu phát xuất từ Phật tánh và tu đến thành Phật vĩnh hằng. Vì thế, tùy hỷ với kinh Pháp Hoa nghĩa là tùy hỷ bốn điều quan trọng : nhân, hạnh, quả, đức của Phật.
Nhân hạnh của Phật là tất cả những việc làm sáng suốt, thuần thiện của Ngài. Từ phát tâm khởi tu trải qua vô số kiếp hành đạo Bồ tát, Ngài không từ bỏ một việc khó khăn nào ở thế gian, đầy đủ hạnh Bồ tát, mới kết thành quả đức Toàn giác. Bằng quả Toàn giác, Ngài thấy rõ tất cả chúng sanh ở bề mặt và bề trái. Như Lai thấy đúng như thật của sự vật qua thập như thị nên Ngài giải quyết mọi vấn đề ở nguyên nhân. Đức Phật không muốn làm người xét xử trên quả.
Cảm nhận sâu sắc pháp này, dưới nhãn quan của tôi, những gì con người quan tâm coi như thực tế, tôi lại thấy chỉ là ảo giác. Đối với tôi, sức sống tiềm ẩn bên trong được nuôi dưỡng thế nào để đạo pháp sinh tồn, thường hằng mới quan trọng. Còn con người hiện hữu nhiều hay ít không có nghĩa gì.
Trên bước đường tu tập, hành giả chỉ điều chỉnh nhân bên trong tốt, tự động bên ngoài tốt theo. Phật dạy rằng Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Chúng sanh lo mãi sửa đổi quả, nhưng kết thành quả rồi thì không thể điều chỉnh được nữa. Và quả này không thể thoát ra ngoài quy luật của quá trình sanh già bệnh chết chi phối con người muôn đời. Muốn xây dựng con người tốt phải xây dựng từ nhân, nghĩa là giáo dục từ lúc nhỏ. Đạo đức ngày nay mà tôi có được là nhờ các bậc cha anh đã biết xây dựng đào tạo tôi.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là tầm tri kiến của Phật thấu suốt qua hai dạng thể và dụng. Dụng là những gì hiện trên cuộc đời và thể là nguyên nhân cấu tạo con người và thế giới con người. Tầm tri kiến hay mức thấy diễn tả trong kinh Pháp Hoa rất trung thực. Nhưng vì chúng ta cách chân lý quá xa, nên nghĩ là không thực.
Hành giả thọ trì Pháp Hoa tùy hỷ với Phật là tùy hỷ với tu nhân cửu viễn của Phật Thích Ca Mâu Ni và tùy hỷ với thành Phật cửu viễn của Đức Thích Ca. Như vậy, công đức mới lớn lao không suy lường được. Thật vậy, Đức Phật hiện thân trên cuộc đời nhằm mục tiêu duy nhất chỉ chúng ta thấy đạo Nhất thừa. Pháp Nhất thừa phát xuất từ Phật tánh và nhất niệm tâm tùy hỷ của hành giả cũng khởi lên từ Phật tánh và kết hợp được với các pháp, trở thành tâm pháp hay Pháp thân Bồ tát.
Đến trạng thái tu hành dưới dạng Bồ tát Pháp thân, chắc chắn so với Bồ tát ứng thân, thì trăm ngàn muôn ức phần không bằng; vì đã so sánh sanh diệt với vĩnh cửu. Bồ tát Pháp thân thâm nhập vũ trụ bao la, trong khi Bồ tát ứng thân giới hạn trong thân ngũ uẩn.
Đức Phật Thích Ca trải qua 40 năm đã dìu dắt tất cả đến gần kinh Pháp Hoa, mở tri kiến Phật cho chúng hội. Bấy giờ, họ phát tâm Bồ đề từ Phật tánh mới tu dưới dạng Bồ tát tâm, nên phát sanh công đức không cùng tận. Tất cả Thanh văn theo Phật nghe pháp từ Lộc Uyển đến Kỳ Viên, Trúc Lâm, Linh Sơn cũng chỉ nhằm phát hiện niệm tâm này.
Xá Lợi Phất theo Phật suốt quá trình dài xa, từng bước tu tập nhận ra được các pháp mà Phật nói trước kia chỉ là trợ duyên để mở được niệm tâm thanh tịnh này. Và Ngài khởi được niệm tâm tùy hỷ với Như Lai Thọ Lượng, tùy hỷ với Pháp thân thường trú rồi thì Ngài vô cùng xúc động, nên diễn tả tâm trạng bằng bài kệ :
"… Ơn lớn của Thế Tôn
Đem việc ít có này,
Thương xót dạy bảo cho,
Làm lợi ích chúng con,
Trải vô lượng ức kiếp,
Ai có thể đền được,
Tay lẫn chân cung cấp,
Đầu đảnh kể cung kính,
Tất cả đều cúng dường,
Đều không thể đền được.
Hoặc dùng đầu đội Phật,
Hai vai cùng cõng vác,
Trong kiếp số hằng sa,
Cũng chẳng đền đáp được".
Vua Trần Thái Tôn cũng cảm nhận sâu sắc pháp này, phát hiện được niệm tâm tùy hỷ với Phật cửu viễn thật thành, phát lên câu nguyện : "Cảm đức từ bi để nghìn kiếp nguyền cho thân cận. Đội ơn tế độ, nát muôn thân, thề chịu đắng cay".
Cảm đức từ bi của Phật để lại ngũ phẩm cho chúng ta tu hành. Đội ơn tế độ vì nếu không nhờ ơn giáo hóa của đấng Từ phụ, chúng ta mãi mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Nhận được thâm ơn vô cùng quý giá nên nguyện nát muôn thân, chết thân này thọ thân khác. Dù phải đổi thay vô số thân như vậy cũng nhất định lãnh chịu, không từ chối.
Vua sống trong cảnh đế vương, chiến thắng quân Nguyên, lại sẵn sàng bỏ ngôi đi tu. Cảm đức từ bi sống được với bao la vô tận của Phật mới xả bỏ được ngũ dục thế gian, hành đạo Bồ tát. Ngài nguyện đời đời kiếp kiếp thân cận thường trú Pháp thân, không còn bị trói buộc trong vòng sanh tử luân hồi.
Riêng chúng ta tự xét lại góc độ tùy hỷ của mình, có được phần nào như Ngài Xá Lợi Phất, như vua Trần Thái Tôn hay chưa. Còn đứng ở tư thế xã hội tùy hỷ, phước đức nếu có được, cũng rất bé nhỏ trong giới hạn địa vị phàm phu, vì chưa nắm được quy luật tất yếu. Tùy hỷ với Phật mới tiếp cận Ngài được.
Từ tâm tùy hỷ với công hạnh của Phật, hành giả cũng bằng lòng làm theo Phật, theo Bồ tát. Thấy việc nào mà kinh ghi chư Phật và Bồ Tát làm, hành giả cố gắng làm theo trong tư thế không mong cầu. Tuy không mong cầu nhưng việc làm tốt của hành giả đã thành tựu, là hạt giống Bồ đề hành giả đã gieo xuống. Nếu tiếp tục phát huy trí tuệ và đạo đức của mình, quả báo tốt đến tự nhiên, không cần tìm. Việc khó biến thành dễ, không còn chống trái chướng ngại trên bước đường hành đạo.
Kinh ghi rõ hành giả thành tựu niệm tâm tùy hỷ, công đức của họ hoàn toàn đổi khác. Hảo tướng hiện ra : mũi cao, mày dài, mặt sáng…, tất cả tướng Phật đều trang nghiêm thân hành giả khiến chúng sanh ưa thích. Từ bên trong lưu xuất, hiện ra trăm tướng phước, nên chúng sanh trong sáu đường nghĩ gì, tâm hành giả liền đáp ứng đầy đủ.
2 – Đọc tụng
Sau khi Phật Niết bàn, muốn tu Pháp Hoa, niệm tâm này bắt buộc phải có bằng cách đọc tụng kinh để cảm nhận sáng suốt, thánh thiện vô song của Phật. Sự liên hệ sâu xa với Phật tác động mạnh vào tâm hành giả. Nhờ đó hiểu lời Phật dạy, đúng như pháp tu hành, thể hiện hạnh Phật vào lời nói, suy tư và hành động của hành giả niệm niệm tương tục không gián đoạn.
Đọc tụng kinh, trầm mình trong giáo lý Phật, suy cứu áo nghĩa hết lòng như vậy, tất cả bệnh thế gian được chữa khỏi, huệ mạng hành giả hiện ra, bắt gặp và tùy hỷ được với Phật thường trú.
3 – Giảng nói
Hành giả Pháp Hoa hiểu nghĩa lý của kinh, đúng như pháp tu hành. Không cần nói nhiều, nhưng vì ba nghiệp hoàn toàn thanh tịnh, thể hiện qua cuộc sống giải thoát đạo đức; người nhìn thấy, liền phát tâm hết phiền não. Thân khẩu ý đều chuyển pháp luân đúng chánh pháp, chúng sanh thấy, nghe, tin theo được lợi lạc. Tuy chưa làm gì nhưng công đức vẫn sanh ra, khác với trước khi hành giả có niệm tùy hỷ.
4 – Kiêm hành lục độ
Kiêm hành có nghĩa là phụ, những pháp phụ cho chúng sanh đời sau để chúng ta dễ tu hành, dễ liên hệ với Pháp thân thường trú. Hành giả vừa thọ trì kinh vừa tùy cơ duyên tu sáu ba la mật : bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Khi đạt được niệm tâm tùy hỷ thanh tịnh, thấy Phật Pháp thân thường trú rồi, hành giả thực hành lại sáu pháp ba la mật. Bấy giờ, sáu pháp ba la mật này phát xuất từ căn bản kinh Pháp Hoa, nghĩa là từ trên Quả môn, nên có tác dụng không thể nghĩ bàn.
Lấy một thí dụ để chúng ta hình dung được pháp này. Mở đầu pháp bố thí, hành giả đem tiền của cho người, truyền đạt hiểu biết cho người và che chở cho người thoát khỏi khó khăn (tài thí, pháp thí, vô úy thí). Làm được như vậy sẽ có công đức.
Tuy nhiên, khi hành giả chưa thấy thường trú Pháp thân, tức chưa thấy chân lý, hành giả có lòng tốt muốn giúp người. Nếu trình độ tri thức chưa đủ thì sự giúp đỡ rất giới hạn. Vì vậy, hành giả không vội làm việc đó, nhưng lo nỗ lực phát triển tri thức đến độ cao, thấy được chân lý hay Pháp thân thường trú. Tạm ví như trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, hành giả phát minh ra công thức chế tạo máy thay cho sức lao động tay chân. Lúc ấy, sáng kiến của hành giả giúp ích cho nhiều người, so với giúp đỡ bằng tay chân ban đầu, lớn gấp vạn lần.
Đức Phật ngại chúng ta hiểu lầm, đạt đến trình độ tu chứng cao nhất rồi nhập Niết bàn, không chịu dấn thân. Giống như người học giỏi, khoanh tay ngồi yên cũng chẳng lợi ích gì. Hoặc dùng tài giỏi của mình giết hại người, lại càng nguy hiểm hơn. Đức Phật dạy hành giả Pháp Hoa khi khởi được tâm tốt, hãy tạm để yên tâm tốt này.
Điều quan trọng phải nắm bắt được chân lý, thấy đúng như thật, rồi trở lại cuộc đời, hành sáu pháp ba la mật một cách nhẹ nhàng đơn giản như Đức Phật Thích Ca đã làm, mà công đức thật vô lượng. Tuy việc làm bên ngoài thấy bình thường lại mang đến tác dụng mãnh liệt, duy trì mạng mạch Phật giáo khắp toàn cầu hơn 25 thế kỷ. Bằng tri thức phàm phu chúng ta không thể suy lường được.
5 – Chánh hành Lục độ
Mỗi lúc hành giả tu một hạnh khác nhau, đến ngày nào đó, sáu pháp ba la mật tự nhiên hỗ tương thành tựu.
Hành giả Pháp Hoa đời sau phát tâm Bồ đề, tu pháp Nhất thừa, uống được lương dược ngũ phẩm này, sẽ đi thẳng về Thường Tịch Quang Tịnh độ, diện kiến đảnh lễ Đức Phật Pháp thân thường trú.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]