Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1

24/04/201313:31(Xem: 4428)
Phần 1

Hành Trình Đến Chánh Niệm

Tự Truyện Của Bhante G.

Journey to Mindfulness: The Autobiography of Bhante G.


Tác Giả: Bhante Henepola Gunaratana

Jeanne Malmgren

Chuyển Ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh

Phần 1

Chương 1. Kho Báu Nhỏ

Tôi sinh ngày bảy tháng mười hai, 1927, ở Henepola, thuộc Ceylon. Ceylon, giờ được gọi là Tích Lan (Sri Lanka), là một hòn đảo có hình dạng giống như một giọt nước ở bờ biển phía Đông Nam của Ấn Độ. Đó là một nơi rất đẹp với những ngọn núi phủ đầy cây xanh mượt, những đồng lúa và những đồn điền cao su cũng như trà.

Vào thời kỳ cuối của những năm 1920, ngôi làng bé nhỏ Henepola là chốn định cư của khoảng bốn mươi gia đình. Không có đường vào làng, không trường học, đồn cảnh sát, bưu điện, tiệm ăn hay quán xá. Tất cả chỉ có những mái nhà tranh xúm xít bên nhau, và cạnh đó là một ngôi chùa Phật giáo, nơi công cộng duy nhất mà dân làng tôi có thể tụ họp lại. Không có ai ở Henepola có điện hay nước máy, nhưng có một dòng sông nhỏ chảy qua làng. Đến thành phố gần nhất cũng phải đi bộ khoảng ba dặm (ND: 1dặm= Mile= 1,4 kilomét), trên một con đường đất hẹp uốn quanh những rặng cây dừa, những đồn điền trà, và đến một ngôi làng gần nhất cũng phải đi gần một cây số.

Người dân xứ tôi chỉ cần nghe pháp danh của tôi, Henepola Gunaratana, thì họ cũng biết nơi tôi được sinh ra. Theo phong tục của người Sinhala thì lúc xuất gia vị tu sĩ sẽ nhận một tên mới: tên họ thì có ý nghĩa về tâm linh, và tên gọi là nơi sinh của người ấy.

Khi tôi còn là một đứa trẻ, Ceylon là một thuộc địa của Anh, nổi tiếng về trà, cao su, gia vị, đá quí, cũng như về vị trí chiến lược của nó trên con đường tơ lụa giữa Âu châu và Trung Quốc. Phần lớn 1.5 triệu dân số là nông dân, và gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi trồng lúa, dừa, cà phê, và những loại cây trồng khác trên những mảnh đất nhỏ, đôi khi là của chúng tôi, đôi khi là mướn từ nhà nước Anh.

Gần như tất cả mọi người trong làng của tôi đều nghèo, nghèo quá sức. Nhưng niềm tin vào nền Phật giáo Nguyên thuỷ đã tạo cho chúng tôi sự tự tin vào cuộc sống, mà không gì có thể lay chuyển được. Theo nghiệp, định luật của nhân quả, những hoàn cảnh hiện tại là kết quả của những hành động trong quá khứ. Quan trọng hơn, những hoàn cảnh trong tương lai sẽ là kết quả của những hành động của chúng ta trong hiện tại. Do đó, chúng tôi đã tin rằng tốt hơn hết là cố gắng hết sức và tiếp tục sống, bất chấp những khó khăn trong cuộc sống.

Thực ra, trong những ký ức xa xưa nhất của tôi tràn đầy dấu ấn Phật giáo. Nơi nương tựa của cả làng là ngôi chùa. Người ta đến đó để viếng thăm các vị sư, thỉnh họ tụng kinh hay tham vấn về Phật Pháp, gần như cho tất cả mọi sự kiện: đám cưới, sinh nhật, đau bịnh, và tang chế. Quý sư là người thầy, là giảng sư hay nhà tư vấn, và đôi khi còn là y sĩ nữa. Dân làng cũng rất thích trao đổi thân mật với các sư vào bất cứ giờ nào trong ngày hay đêm. Chùa luôn mở cửa.

Một tháng bốn lần – vào ngày 14, ngày rằm, ngày 30 và ngày mùng 1 -dân làng thường lên chùa ở cả ngày. Hình thức khá dễ dãi. Có người tọa thiền; người đi kinh hành hoặc đứng bên cây bồ đề linh thiêng đọc kinh. Quý sư và các cư sĩ thay phiên nhau thuyết giảng trong giảng đường, nơi người ta có thể ngồi hay nằm trên nền nhà mát lạnh. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, tôi thường thiếp ngủ trong lòng mẹ trong những thời giảng này.

Mẹ tôi tên là Herat Mudiyanselage Lokumenike. Tên gọi và tên lót của bà có nghĩa là “người thuộc về giai cấp cao nhất (hay giai cấp vàng), và tên họ của bà có nghĩa là ‘viên ngọc lớn.’ Ở Ceylon vào thời đó, phụ nữ vẫn giữ tên thời con gái của mình khi lập gia đình. Ba tôi tên là Ekanayaka Mudiyanselage Puncibanda. Tên gọi và tên lót của ông có thể dịch là ‘một người thuộc giai cấp thượng lưu,’ và tên họ của ông có nghĩa ‘kho báu.’ Chỉ là một sự trùng hợp khi tên lót của mẹ tôi lấy theo tên ông ngoại tôi, thì cũng giống như tên lót của cha tôi.

Tôi là áp út trong bảy người con. Năm 37 tuổi, mẹ sinh tôi. Tôi có hai người anh và ba người chị. Một chị lớn hơn tôi nhiều; chị đã lập gia đình và ra riêng trước cả khi tôi được sinh ra. Hai em gái được sinh sau tôi, nhưng một đã chết lúc sơ sinh. Có một bà mụ đỡ khi tôi được sinh ra, bà đã được thưởng một số gạo và dừa cho công sức của bà. Tôi đã đến với cuộc đời này trong một căn lều với ánh sáng lờ mờ và không có cửa sổ. Trong khi chuyển bụng, mẹ tôi lúc thì ngồi chòm hỏm, khi thì nằm trên chiếc chiếu làm bằng lá cây dương xỉ được trải trên sàn nhà. Theo tục lệ, bà mụ đã cột một sợi dây trên xà nhà, thả dài xuống đến chiếu của mẹ để bà có thể nắm lấy nó khi cơn đau trở nên không chịu đựng nổi. Bà đã sanh tất cả tám đứa con như thế đó.

Sau hai tuần, khi tôi có vẻ đủ khỏe mạnh để sống sót, cha tôi đến viếng trưởng làng ở một làng bên cạnh. Tất cả chuyện sinh nở hay tang ma đều phải trình báo một cách chính thức với trưởng làng ở địa phương, nhưng vì Henepola quá nhỏ nên không có trưởng làng riêng, vì thế cha tôi phải đi bộ gần cây số để đến ngôi làng gần nhất, Dehideniya. Ở đó ông thông báo cho vị trưởng làng tên mà ông đã đặt cho người con trai thứ ba của ông: Ekanayaka Mudiyanselage Ukkubanda.

Ukkucó nghĩa là nhỏ và bandacó nghĩa là kho báu. Đó là một cái tên rất dễ thương, mà người lớn thường dùng để âu yếm gọi một đứa bé. Thường là cái tên, dầu nó được dùng cho một đứa bé, cũng sẽ theo nó cho đến lúc trưởng thành.

Tuy nhiên, khi tôi lớn hơn, cha mẹ tôi quyết định gọi tôi là Kudabanda, đại khái có nghĩa là ‘cậu bé tí.’ Tôi nghĩ cũng có lý, vì tôi là con trai út trong gia đình. Nhưng tôi cũng chẳng bao giờ hỏi tại sao họ lại gọi tôi như thế, thay vì cái tên chính thức của tôi.

Căn nhà của chúng tôi là do chính ba tôi tự xây. Chiều ngang ba mươi, chiều dài bốn mươi phít (ND: 1 Foot Anh = 0,3048 mét). Mái làm bằng rơm, cọng lá dừa khô, và các mảnh thiếc. Tường bằng bùn được chắn thêm những cây tre cho chắc. Phía trước và sau nhà là một khoảng hiên trống, phân nửa dưới là vách bùn, nửa trên là rào gỗ.

So sánh với nhiều ngôi nhà tranh trong làng, thì nhà tôi rất rộng. Có đến hai phòng. Một là nhà bếp nhỏ, tối tăm; phòng kia là nhà kho để chứa giấy tờ, sách báo và dụng cụ của cha tôi. Đồ đạc không có gì nhiều, và tất cả đều làm bằng tay, gồm có vài ghế đẩu nhỏ, đóng sơ sài, và một cái ghế được đan bằng những cọng lát. Tôi nhớ cha tôi sau mỗi bữa ăn, ngồi đĩnh đạc trong chiếc ghế đó, hút thuốc hay nhai trầu cùng lúc kể chuyện, hay rầy dạy chúng tôi. Mẹ tôi ngồi trên một chiếc ghế đẩu, không bao giờ ngồi trên ghế của cha tôi. Lũ trẻ chúng tôi thì ngồi trên sàn nhà.

Sàn nhà được làm bằng bùn, giống như tường, nhưng thỉnh thoảng mẹ và các chị em gái tôi lại trét phân bò tươi lên đó, bằng những đôi tay trần của họ. Phân bò được coi là có thể sát trùng, mùi của nó đem lại sự sảng khoái. Chúng tôi hàng ngày vẫn đi chân không trên sàn nhà đó.

Chỉ có hai cái giường, mỗi cái là một bục gỗ thô, trên phủ những bao vải nhồi vỏ dừa khô. Những ‘tấm nệm’ này chỉ mềm hơn đá một chút. Người anh lớn nhất của tôi, Tikiribanda, ngủ trên giường, ở hiên trước. Anh kế tôi và tôi ngủ gần bên, trên sàn nhà. Chiếc giường còn lại, ở hiên sau, là của cha tôi. Chẳng bao giờ dù chỉ một lần, tôi thấy mẹ tôi nằm trong giường đó với cha; bà ngủ trên sàn với các chị em gái của tôi. Tôi cũng chẳng bao giờ thấy cha mẹ tôi âu yếm hay hôn nhau, hay ngay cả có một cuộc chuyện trò riêng tư nào.

Dầu vậy, cha mẹ chúng tôi chia sẻ một lòng tin sâu sắc vào Phật giáo. Mỗi sáng lũ trẻ chúng tôi đều thức dậy bởi tiếng tụng kinh Pali của họ. Những bài kinh tụng hàng ngày cũng là những bài hát ru của chúng tôi vào ban đêm. Ngay trước khi học đánh vần, chúng tôi đã có thể đọc thuộc lòng các đoạn kinh cầu nguyện tiếng Pali, và chúng tôi đã hiểu những chữ như kamma(nghiệp) và rebirth (tái sinh) có nghĩa là gì.

Ngày này qua ngày khác cha mẹ chúng tôi làm các công việc độ nhật của họ không chút phàn nàn. Mỗi sáng cha tôi đều ra làm việc ngoài ruộng lúa hay ở khu vườn cao su nhỏ của chúng tôi. Mẹ tôi ở nhà, chăm lo nhà cửa và con cái. Khi cha tôi trở về, bà đã dọn sẵn cơm nước cho ông.

Cả cha lẫn mẹ tôi đều biết đọc và viết tiếng Sinhala, là điều hiếm có trong làng cũng như ở phần lớn những vùng quê của Ceylon. Vì cha tôi có học, và được biết đến như một người có phẩm cách, đạo đức nghiêm chỉnh, ông là người được kính trọng nhất ở Henepola. Những người dân làng khác thường tìm đến ông để nhờ giải quyết những cuộc tranh cãi của họ. Tuy nhiên, trong chính gia đình của mình, thì cha tôi có thể là một hung thần. Đôi khi bỗng dưng ông kiếm chuyện cãi cọ với mẹ tôi, mà tôi chẳng bao giờ hiểu tại sao. Và ông thường biểu lộ tính khí của mình một cách bạo động. Hình phạt cho những đứa trẻ chúng tôi thì rất đau đớn, quyết liệt, đôi khi ông còn đánh cả mẹ tôi. Khi điều đó xảy ra, tất cả chúng tôi đều lẩn trốn. Chúng tôi sợ rằng nếu hó hé, ông sẽ trút cơn giận lên chúng tôi.

Mẹ tôi chẳng được đi học chính thức, nhưng bà rất thông minh. Bà tự học đọc và viết, và bà biết rất nhiều về các cây thảo dược. Khả năng trực giác của bà rất nhạy bén.

Tôi rất thân với người chị lớn nhất của mình, Dingiriamma. Khi tôi khoảng hai tuổi, thì chị sanh đứa con thứ hai, một bé gái nhưng nó chết vài tuần sau đó. Dầu đã bắt đầu ăn được thức ăn bình thường, tôi vẫn còn rất thích uống sữa, nhưng gia đình chúng tôi không có bò, và sữa của mẹ tôi thì đã dứt lâu rồi. Vì thế gần cả năm sau khi em bé của chị chết, Dingiriamma vẫn cho tôi bú sữa, giống như tôi là con của chị. Chị và chồng sống trong một làng gọi là Gunadaha, cách chúng tôi khoảng ba dặm, và mỗi tuần, đôi ba lần chị đi bộ đến nhà chúng tôi để cho tôi bú. Cho đến ngày nay, tôi vẫn coi chị như người mẹ thứ hai của mình. Có lẽ chúng tôi thân với nhau hơn là với tất cả năm người anh chị em còn lại.

Mẹ và các chị em gái tôi có nhiệm vụ đi lượm củi để nấu ăn. Trong một nơi mà phần lớn chỉ có cây dừa và cây ca cao (cocoa), thì củi rất hiếm. Thường họ phải bẻ những cành cây cao su khô.

Vì không có điện, chúng tôi phải dựa vào ánh sáng lù mù của mấy cây đèn dầu dừa. Đôi khi chúng tôi cũng không có đủ dầu đốt đèn, mẹ tôi phải đốt đuốc từ những hạt cây kekuna. Bà bóc lớp vỏ cứng của khoảng 10 hay 15 hạt và rồi xâu chúng lên một que củi. Lớp dầu tự nhiên trong các hạt này sẽ cháy hàng giờ.

Dầu làng chúng tôi không có nước máy, nhưng gia đình tôi khá may mắn có được một cái giếng riêng, cách nhà khoảng hai trăm thước. Nước từ một dòng suối chảy vào giếng quanh năm. Dầu giếng chỉ sâu khoảng một thước rưỡi, nhưng có chiều dài khoảng hai thước, chiều ngang hơn một thước hai. Chúng tôi dùng nước này để ăn uống, tắm và giặt giũ quần áo.

Mẹ và các chị em gái tôi hứng nước suối đem về nhà trong những bình đất lớn, bụng bình tròn to và miệng bình nhỏ. Tôi vẫn nhớ nước chứa trong những bình này mới mát lạnh làm sao!

Để tắm giặt, chúng tôi dùng những chiếc thùng thô sơ, làm bằng sợi của những tàu cây cau, đôi khi dài đến một thước rưỡi, ngang gần cả thước. Chúng tôi bện chúng thành hình dạng như cái thùng, có thể chứa mười hai, mười ba lít nước trong đó.

Dầu chúng tôi giữ gìn thân thể, quần áo và chăn nệm sạch sẽ đến đâu, chúng tôi vẫn phải khổ sở với những con rận giường. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ đã gãi đến sưng tấy, đỏ mẩn những chỗ mà mấy con rận giường đã cắn trên người tôi. Dầu sự ngứa ngáy rất kinh khủng, tôi chẳng bao giờ mong muốn điều gì hơn; đó chỉ là một phần của cuộc sống. Ruồi và muỗi cũng đầy, nhưng chúng tôi có thể trị chúng bằng cách đốt các vỏ dừa. Tuy nhiên với rận giường thì khác, gần như không có cách chi để diệt được chúng. Chúng khó thấy, lại trốn trong những tấm nệm vỏ dừa. Dầu chúng tôi vẫn thường giặt mấy tấm nệm này, rồi phơi ngoài nắng, nhưng rận giường luôn có mặt. Có người dời những tấm nệm của họ xa ra khỏi vách nhà, hay đặt những ống thiếc nhỏ chứa dầu dưới mỗi chân giường, nhưng rận giường vẫn không chịu thua. Nếu chúng không thể trèo lên từ chân giường, chúng sẽ bò lên vách, rồi từ trần nhà thả mình xuống như những chàng phi công cảm tử tí hon.

Đỉa cũng là một vấn đề. Bất cứ khi nào anh tôi và tôi đi đâu đó, chúng tôi luôn trở về nhà với những con đỉa bám vào chân, hay các kẽ chân của chúng tôi. Chúng tôi rứt chúng ra, nhưng thường những chiếc răng nhỏ xíu của chúng đã dính cứng trong da thịt chúng tôi. Vài ngày sau đó những nơi đỉa cắn sẽ biến thành những vết thương lở lói. Đôi khi mấy con ruồi xanh lại đẻ trứng vào đó. Trứng sẽ nở thành giòi, làm cho các vết thương thêm tồi tệ.

Có thể vì thiếu dinh dưỡng, cơ thể tôi không đủ sức để chống lại mấy con vi trùng trong các vết thương đó, nên chúng rất chậm lành và đau đớn. Tôi vẫn còn nhiều vết thẹo trên chân.

Cha tôi được thừa hưởng khoảng vài công đất: một công vườn cao su, nửa công vườn trà, và một công ruộng, còn một công đất trống thì ông xây nhà trên đó. Ngoài việc làm ruộng, trồng trà và cao su, cha tôi còn thích chăm nom vườn tược. Ở khoảng đất trống quanh nhà, ông trồng hoa giấy và bông bụt. Kế bên nhà, ông làm một hàng rào hoa lài và hoa hồng, mà ông khéo cắt tỉa với một con dao thật to. Ông cũng trồng một số hoa mầu đem huê lợi như: khoai lang tây, khoai mì, đậu, cà, đậu bắp, khổ qua, bắp cải và cà phê. Tuy nhiên, với bao nhiêu hoa mầu được trồng đó, dường như cũng chẳng bao giờ đủ cho tất cả chúng tôi.

Bên cạnh những tài sản trên, chúng tôi còn có hai con trâu nước, mà cha tôi dùng để kéo cày ngoài ruộng. Cũng may là chúng tôi không phải nuôi trâu bằng các hoa mầu trong vườn hay ngoài đồng; chúng ăn cỏ hay các vỏ mít đầy gai người ta vứt bỏ.

Cha tôi dùng hoa mầu để đổi lấy cá khô, gia vị, đường, muối, dầu đèn, và những thứ khác mà chúng tôi không thể trồng hay tự làm. Trong những cuộc trao đổi như vậy, ông phải đi bộ khoảng bốn cây số tới một thành phố gọi là Galagedara, nơi có nhiều tiệm buôn bán do người Hồi giáo và Tamil Ân Độ làm chủ. Thường ông cũng không tìm được đủ các thứ ông cần; tất cả dường như đều thiếu hàng hóa.

Để nuôi bảy đứa trẻ luôn đói khát, cha tôi còn làm thêm hàng mộc cho mấy người hàng xóm. Tiếc là, những người này cũng ít khi đủ sức để trả công ông. Có thể là những nỗi lo về tài chính luôn canh cánh trong lòng đã khiến ông trở nên rất cục cằn. Ông là người chấp hành nguyên tắc rất khắt khe. Ông giấu một cây roi trên trần nhà và thường dùng nó để trừng trị chúng tôi rất nặng trong chớp mắt, vì bất cứ lỗi lầm nhỏ nhặt nào. Tiếng la mắng của ông làm chúng tôi sợ đến run bắn người lên mỗi khi nghe. Anh tôi, Rambanda, và tôi rất quen thuộc với sự la rầy nầy cũng như là cây roi, vì chúng tôi cũng khá quậy phá.

Một trong những trò tinh nghịch tai hại nhất của chúng tôi là chọi đá chim và bò. Một ngày kia chúng tôi gặp một con chó mẹ với bầy chó con. Anh tôi lượm một nắm tay đầy đá, rồi bảo tôi trèo lên một cây gần đó. Anh dự định là sẽ chọc phá con chó trong khi chúng tôi đã trèo lên cây an ổn. Tôi nói với Rambanda rằng cây cao quá, rằng tôi quá nhỏ không trèo lên được.

“Đừng, đừng làm vậy,” tôi nài nỉ. “Nó sẽ cắn em”.

Nhưng anh rất bướng bỉnh. Anh phóng mình lên cây rồi bắt đầu ném đá loạn xạ vào con chó. Tôi chạy thục mạng với tất cả sức lực của mình, nhưng con chó còn nhanh hơn. Tôi té ngã và nó nhào tới cắn tôi.

Khi anh và tôi về đến nhà, chúng tôi phải giải thích tại sao tôi bị thương. Cha đã đánh cả hai vì tội ác độc với con chó.

Rambanda và tôi hình như lúc nào cũng đói khát. Các loại trái hay hạt ăn được, mà chúng tôi tìm thấy khi đi chơi là những niềm vui lớn. Nếu chúng được trồng trên đất của người khác, chúng tôi sẽ xin phép người chủ. Nếu họ không cho, chúng tôi vẫn hái. Một ngày kia anh tôi và tôi trên đường đến vườn cao su của gia đình. Giữa đường, chúng tôi đi qua một khu vườn nhỏ của một gia đình nghèo hơn chúng tôi. Có khoảng năm mươi cây bắp trồng trên khu đất. Một cây gần đường có trái bắp chín treo lơ lửng. Anh tôi nhìn quanh không thấy ai, nên anh hái trái bắp, bẻ ra làm hai. Một phần cho anh, một cho tôi: Thiệt là ngon!

Trên đường về, chúng tôi lại đi ngang qua vườn bắp. Lần này, vì một lý do nào đó, chúng tôi quyết định phải tỏ ra thật thà. Anh tôi vào nhà người chủ vườn và xin phép bà được hái một trái bắp. Bà chủ nói chúng tôi có thể hái trái bắp ngay cạnh bên đường. Bà ra vườn để chỉ cho chúng tôi trái bắp ở đâu, nhưng khi ra đó, bà thấy rằng trái bắp bà định cho chúng tôi đã biến mất. Rồi bà để ý thấy những vết chân nhỏ trong bùn. Bà bảo anh tôi đặt chân vào đó. Anh tôi đặt vào, và đúng là dấu chân anh.

Rõ ràng là chúng tôi phạm lỗi nhưng người đàn bà không tỏ vẻ gì giận. Bà nói, “Hai đứa về nhà đi. Tôi sẽ mang thêm bắp qua cho.”

Chúng tôi vui vẻ ra về. Tuy nhiên khi chúng tôi về đến nhà, người đàn bà đã có mặt ở đó. Bà đã kể cho cha tôi nghe tất cả câu chuyện và ông đang đợi chúng tôi, với cây roi trong tay, giận dữ hơn lúc nào hết.

Đó là một hành động xấu, thật xấu. Không chỉ là chúng tôi đã phạm giới luật của Phật là không được ăn cắp, mà chúng tôi còn ăn cắp của một gia đình thấp kém, không dư dả.

Cha tôi đánh cho đến khi lưng chúng tôi bắt đầu rướm máu. Mẹ tôi cố ngăn ông lại nhưng ông cứ tiếp tục đánh. Ngay chính người đàn bà, nạn nhân của tội lỗi của chúng tôi, cũng năn nỉ ông dừng lại. Mọi người đều khóc, nhưng cha tôi không muốn nghe ai. Ông đánh chúng tôi cho đến lúc ông kiệt sức, không thể đánh tiếp nữa.

Ngày nay, dĩ nhiên việc đó sẽ bị coi là hành hạ trẻ em. Nhưng bảy mươi năm về trước ở Ceylon, chỉ là một chuyện bình thường khi cha mẹ trừng phạt con cái bằng cách đánh chúng. Là một Phật tử tín tâm, cha tôi quyết dạy chúng tôi biết điều sai trái, và phương cách của ông chỉ là làm theo những gì thế hệ của ông, và phong tục thời đó cho phép. Thật sự, tôi không trách ông về điều đó.

Lúc nhỏ, tôi thường mặc áo chemise dài bằng vải cô tông (cotton) thô, có sọc xanh, sọc đỏ, và phủ đến gối. Đó là loại quần áo các em bé trai và gái thường mặc. Năm mười một tuổi, tôi bắt đầu mặc những bộ đồ có hai mảnh: một áo chemise thông thường và một cái xà rong giống như một cái váy. Suốt thời thơ ấu, tôi chẳng bao giờ mang giày, ngay cả dép cũng không; vì những thứ này rất đắt tiền. Mấy đứa trẻ chúng tôi phải rất cẩn thận với quần áo của mình, vì chúng tôi chỉ được một bộ đồ mới vào mỗi đầu năm, mà người Ceylon tổ chức vào giữa tháng tư.

Các anh em chúng tôi cũng không có đồ chơi gì. Chúng tôi chơi với mấy que củi, những bẹ dừa khô, vỏ dừa, và những sợi dây cọ xơ xác đã bị người ta vứt bỏ. Sân chơi của chúng tôi là bãi đất cát trước nhà, ngoài ruộng lúa, hay sân đập lúa, nơi các nông dân suốt lúa khỏi nhánh. Tôi cũng thích trèo cây và đi dạo trong rừng.

Một lần khi tôi ra ngoài đi dạo và khám phá ra một lều gỗ cũ trong rừng. Tôi tìm vài sợi dây, quăng lên xà của căn lều, để làm cái đu. Tôi vui vẻ được khoảng ba mươi giây. Rồi ngay khi tôi bắt đầu đong đưa, cái xà nứt rạn, gẫy làm đôi, rớt xuống đầu tôi. Lúc đầu, tôi không có cảm giác gì, sau đó, một dòng nước ấm bắt đầu chảy xuống trán và mặt tôi. Tôi loạng choạng bước ra ngoài, tìm được một lá cây cau trên mặt đất. Tôi dán chặt nó lên đầu, nghĩ rằng bằng cách nào đó tôi phải chặn máu lại. Mẹ tôi, người dường như có giác quan thứ sáu luôn biết khi nào tôi gặp nạn, đã nhanh chóng tìm ra tôi. Bà đem tôi về nhà, cẩn thận rửa vết thương và dán lên đó một trong những loại thảo dược của bà.

Buổi chiều, các anh chị em tôi thường chơi trốn tìm cho đến giờ ăn, thường là khoảng chín giờ tối. Ngay sau bữa ăn, chúng tôi ngủ thiếp đi trên sàn nhà trống, không có gối hay mền. Không có những chuyện như là đánh răng hay tắm rửa trước khi đi ngủ. Để dỗ ngủ chúng tôi, mẹ thường kể những câu chuyện rất hay, đôi khi là chuyện cổ tích dân gian, đôi khi là chuyện tiền thân của Đức Phật trong nhiều kiếp.

Lúc còn nhỏ, một trong những câu chuyện tiền thân của Đức Phật mà tôi thích nhất là về Sasa, một con thỏ tốt bụng đã nhảy vào lửa hy sinh thân mạng để cứu một ông lão đói nghèo, không có gì để ăn. Tôi nghĩ là tôi đã thích câu chuyện đó vì tôi thường ngắm trăng tròn, và thấy những hình ảnh trên đó giống như một con thỏ. Tôi mơ mộng rằng mình cũng có thể tốt bụng như thế, để được lên mặt trăng, nơi tôi có thể ngồi bên cạnh con thỏ đó và nhìn xuống mặt đất. Cha mẹ tôi luôn kể rằng Đức Phật rất hiền lành tử tế, giống như ánh sáng mặt trăng chiếu soi trên tất cả mọi người, không phân biệt. Vì thế khi tôi nghĩ đến mặt trăng, tôi nghĩ đến con thỏ trên mặt trăng, đến Sasa, con thỏ độ lượng và đến Đức Phật- cả ba quyện lẫn vào nhau trong tâm trí tôi.

Thật là oái ăm; trong khi tôi thích câu chuyện về con thỏ độ lượng, thì bản thân tôi thật sự lại rất tham lam, nhất là tham ăn. Tôi luôn giấu đồ ăn của mình, sợ người khác giành ăn. Nếu có ai nhìn vào dĩa của tôi, tôi sẽ nổi giận và hất nó xuống đất. Một hành động rồ dại, dĩ nhiên rồi, vì thức ăn quá quí hiếm để tôi hoang phí như thế. Nhưng tôi là người có tính khí nóng nảy, có lẽ giống như cha tôi, và tôi cũng không thể kiềm chế được nó giỏi gì hơn ông.

Đôi khi các anh chị tôi nhìn chăm bẩm vào dĩa đồ ăn của tôi chỉ để chọc giận tôi. Một lần, khi điều đó xảy ra, tôi giận đến nỗi tôi vứt dĩa đồ ăn ra cửa. Cha đánh cho tôi một trận rồi bắt tôi đi lượm dĩa lên, và dĩ nhiên là bữa đó tôi không được ăn thứ gì.

Một ngày, người chị thứ ba, lớn hơn tôi bốn tuổi, lấy một chiếc đũa, vẽ hình một trái bí lên đất. Tôi lấy chiếc đũa khác, xoá đi. Chị giận quá lấy chổi đánh tôi. Tôi chụp cái ghế đẩu, rượt chị chạy khắp nhà, rồi chọi cái ghế vào người chị. Cái ghế trúng ngón chân cái của chị, làm tét móng. Máu tuôn ra, và chị lập tức gào khóc. Khi mẹ tôi nghe tiếng, bà lẹ làng chạy vào giúp chị, còn tôi chạy ra ngoài.

Tôi nhớ đó là lần đầu tiên tôi đã làm một điều không phải, đối với một trong những anh chị em của mình. Lúc đó tôi khoảng bảy, tám tuổi. Cũng may, lúc đó cha tôi không có mặt ở nhà, và cả mẹ và chị tôi đều không dám kể cho ông nghe điều gì đã thực sự xảy ra. Tôi đoán là giống như tôi, họ cũng sợ cha nổi trận lôi đình. Họ chỉ cho ông biết ngón chân băng bó của chị tôi là do tai nạn xảy ra.

Khoảng thời thơ ấu của tôi, trong làng không có xe hơi, ngay cả xe đạp cũng không có; cuốc bộ là phương tiện di chuyển độc nhất. Để ra được đường lộ, chúng tôi phải đi bộ khoảng ba cây số xuống một ngọn đồi dốc, hay khoảng năm cây số đường bằng theo một hướng khác. Khi có ai bệnh nặng, không thể đi bộ, họ được buộc vào một cái ghế hay một mảnh ván và được khiêng đi gần năm cây số để đến bệnh viện gần nhất ở Galagedara.

Năm 1933, khi tôi được năm tuổi, một trận dịch tả đã tràn lan khắp Ceylon. Cả gia đình tôi đều bị bệnh, lúc nhẹ lúc nặng, suốt ba năm trời. Chính phủ Anh đã phát thuốc ký ninh (quinine), cũng như phát chẩn gạo và các loại nhu yếu phẩm khác, vì không ai đủ sức để làm việc. Tuy nhiên, có điều khó là: mỗi tuần chúng tôi phải đi bộ khoảng năm cây số để lãnh phần của mình. Chúng tôi thay phiên nhau đi; người nào ít bệnh nhất sẽ đi. Tôi còn nhớ phải đi bộ năm cây số đó khi đang lên cơn sốt cao, chỉ để được có thức ăn và thuốc men.

Tôi nhớ lại hai trường hợp cấp cứu khác.

Đó là khi tôi khoảng tám, chín tuổi, tự nhiên tôi bị mất thị lực vào ban đêm, có thể do thiếu dinh dưỡng. Khi trời tối, tôi giống như người mù. Tôi không thể thấy gì cả, dầu có ánh sáng từ ngọn đèn dầu.

Các anh chị trêu ghẹo tôi về điều đó, vì họ cho rằng tôi giả bộ, nhưng mẹ tôi rất lo lắng. Bà hỏi thăm thầy lang trong làng; ông cho bà một loại thuốc đắng đem về cho tôi. Đó là một loại thảo dược, nhưng ông không cho bà biết tên loại cây. Nhiều người tin rằng các loại thảo dược có những sức mạnh huyền bí, và các thành phần của chúng thường được giữ bí mật.

Mẹ tôi phải xay thuốc nhuyễn ra, rồi cho tôi uống mỗi ngày, cho đến khi thị lực của tôi khá hơn. Thuốc đắng khủng khiếp, đau khổ hơn nữa là tôi còn phải uống vào sáng sớm, khi bụng đói.

Để tôi phải uống thuốc, mẹ tôi đã dùng đến sức mạnh của tình thương. Trước khi mọi người khác trong nhà thức dậy, bà sẽ bồng tôi đặt trên đùi. Bà ôm tôi, hôn tôi, thầm thì kể chuyện cho tôi nghe. Sau vài phút tôi cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc đến nỗi tôi sẽ làm bất cứ điều gì bà yêu cầu.

Đó là lúc bà sẽ bỏ thuốc vào miệng tôi và bảo tôi nuốt nhanh. Bà luôn trộn phần thuốc đắng đó với đường, vậy mà nó vẫn không bớt đắng. Nghi thức đó diễn ra mỗi ngày, sau vài tháng tôi hoàn toàn phục hồi thị lực.

Đến giờ, nhiều năm sau, tôi mới hiểu được sức mạnh của metta hay lòng từ bi. Phần nào đó, nó giúp chúng ta chịu đựng được những cay đắng của cuộc đời. Nó xoa dịu những khó khăn, thất vọng, đau đớn. Đức Phật cũng đã dùng sức mạnh của từ bi để ‘chiến thắng’ bao kẻ thù. Ngài còn khuyên các vị sư sống trong rừng, phải sử dụng tâm từ bi khi đối mặt với những con rắn độc. Và kinh Từ Bi là một trong những bài kinh tuyệt vời nhất của Đức Phật.

Đó là một bài kinh rất ngắn, nhưng là một trong những bài kinh mà quý sư thường tụng đọc ở các buổi lễ. Kinh chỉ bày cho ta cách suy nghĩ và hành động, để có thể mang lại hạnh phúc cho chính bản thân người thực hành, và cho tất cả mọi người ở quanh họ.

Đức Phật đã dạy rằng thực hành từ bi là một hành động đáng tán thán. Do đó khi phát triển những tư tưởng về lòng từ bi, chúng ta thật an lạc, cảm nhận được một niềm hạnh phúc sâu xa từ việc tạo được công đức. Đó là cảm giác của sự thanh tịnh.

Bất cứ khi nào tôi khuyên người ta thực hành tâm từ bi một cách nghiêm chỉnh, tôi đều dạy họ lặp lại những câu sau đây:

Nguyện cho bạn được khoẻ mạnh, hạnh phúc, và bình an.

Nguyện không có điều rủi ro nào xảy đến cho bạn.

Nguyện không có những khó khăn nào đến với bạn.

Nguyện cho bạn không bị não phiền.

Nguyện cho bạn luôn được thành công.

Nguyện cho bạn có lòng can đảm, kiên nhẫn, hiểu biết, và quyết tâm để đương đầu và chế ngự những khó khăn, những phiền não, và thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc sống.

Người đầu tiên mà chúng ta nên hướng tâm từ đến là bản thân chúng ta: Nguyện cho tôi được khoẻ mạnh, hạnh phúc, và bình an.Nguyện không có điều rủi ro nào xảy đến cho tôi. Nguyện không có những khó khăn nào đến với tôi . . .”

Tại sao lại bắt đầu với bản thân? Có người hỏi. Như thế không phải là ích kỷ lắm sao? Thương yêu bản thân trước tất cả mọi người sao?

Không hẳn là vậy. Hướng tâm từ bi đến bản thân chúng ta là việc dễ làm nhất, vì giữa muôn loại chúng sanh trên trái đất nầy, chúng ta yêu bản thân mình nhất. (Thì phần lớn chúng ta là thế!) Vì thế chúng ta có thể dễ dàng phát khởi những tình cảm thương yêu ấm áp đến với bản thân. Chúng ta có thể tắm đẫm trong đó, chan hoà thân tâm trong đó.

Rồi khi tình thương yêu đã tràn đầy trong ta, tự nhiên nó sẽ lan tỏa sang người khác. Chúng ta có dư thừa để chia sẻ. Và chúng ta làm thế với nhóm người kế tiếp, thích hợp nhất là: những người ở gần và thân thiết với ta. Như vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, bà con quyến thuộc, bạn bè thân thiết, hoặc có thể là người hướng dẫn tâm linh. Chúng ta tưởng nghĩ đến họ trong tâm mình, và lặp lại những lời nguyện cầu, mà họ là đối tượng thọ hưởng tâm từ của chúng ta.

Nhóm kế tiếp thì rộng lớn nhất. Bao gồm tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày, nhưng không thân thiết. Những người quen biết qua đường - đôi khi hoàn toàn xa lạ- những người đến và đi qua cuộc đời chúng ta. Bạn học, đồng nghiệp, hàng xóm, người bán hàng, người ngồi trên xe đậu kế bên ta ở một ngã tư, một chú chó đáng yêu, người chạy lướt qua bạn trên đường. Chúng ta trải rộng tình thương yêu đến tất cả những chúng sanh nầy, người hay vật, và đều cầu nguyện cho họ được tốt đẹp.

Nhóm cuối cùng thì có thể là một nhóm nhỏ, hy vọng thế. Bao gồm những kẻ thù của ta, những người xuất hiện để gây khó khăn cho cuộc đời ta, mà ta nói một cách lịch sự là ‘thử thách’ chúng ta. Đó là những đối tượng mà sự thực hành tâm từ bi trở nên rất khó khăn đối với nhiều người.

Cầu nguyện điều tốt lành cho kẻ thù của ta được sao? Mong cho họ được thành công, khi họ cũng muốn chức vị mà bạn đang hướng tới? Dành cho họ những ý nghĩ thân thiện khi họ vừa hiếp đáp con bạn, hay vừa chạy xe lấn lướt bạn?

Đúng vậy, Đức Phật dạy. Và đây là lý do tại sao: Nếu chúng ta cầu mong cho người đó được tốt đẹp, hy vọng rằng anh ta được thành công, có thể là anh ta sẽ phát triển tâm linh. Đó là thứ thành công mà chúng ta mong cầu cho người đó - sự thành công về tâm linh. Và nếu anh ta tiến bộ về mặt tâm linh, có thể anh ta sẽ không còn là kẻ thù của ta nữa. Không còn mưu cầu để làm như thế. Anh ta sẽ trở nên hiền lành hơn; những đức tính cao quý của anh ta sẽ hiển lộ. Tất cả chúng ta sẽ có thể sống chung hoà bình.

Nhưng sự thực hành tâm từ bi không chỉ bó hẹp trong sự lặp đi lặp lại những câu kinh đó. Đức Phật dạy chúng ta cần phải vun trồng tâm từ trong ý nghĩ, lời nói, và hành động. Mỗi bước đi, mỗi hành động, mỗi nghĩ suy phải phát xuất từ tâm từ bi. Những gì mà ta huân tập nhiều lần sẽ trở thành trạng thái tâm của ta. Nếu bạn luôn thực hành tâm từ bi, thì chính bản thân bạn sẽ đầy từ bi. Nó sẽ trở thành cá tính của bạn. Và bạn sẽ nhận ra rằng người khác cũng có những cá tính dịu dàng, từ tốn ẩn chứa bên trong họ.

Mẹ tôi hiểu và sống theo những lời dạy của Đức Phật. Bà muốn chắc rằng, tất cả con cái của bà đều được nghe những câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật, và được dạy về trí tuệ và lòng từ bi của Ngài. Chính bản thân bà là một tấm gương về lòng từ bi, luôn đối xử với bất cứ ai bà gặp bằng sự dịu dàng và lời nói nhẹ nhàng. Xét dưới nhiều khía cạnh, tôi xem bà gần như là một vị thánh.

Gần một năm sau căn bệnh không thấy đường vào ban đêm lạ kỳ của tôi, mẹ tôi bị một tai nạn đã làm thay đổi cuộc đời của bà.

Một ngày kia bà trèo lên cây ca cao để hái trái, là việc bà vẫn thường làm. (Rồi chặt trái ra, lấy thịt hột cỡ bằng một hột đậu hạnh nhân, phơi ngoài nắng). Cha tôi sẽ mang ra chợ bán, khoảng năm xu nửa ký. Hột ca cao khô rất ngon vì người ta có thể giã ra thành bột ca cao.

Ngày hôm đó, công việc thường nhật của mẹ tôi đã biến thành thảm họa. Khi bà đã trèo cao lên cây, cành cây gãy khiến bà rơi xuống. Tôi nghe tiếng kêu của bà, và khi chạy đến, tôi thấy bà nằm ngửa trên mặt đất, bất tỉnh. Hai người chị của tôi cũng chạy đến và khi nhìn thấy bà, họ bắt đầu gào khóc.

Hình như là các nhà hàng xóm nghe tiếng các chị tôi khóc, họ chạy đến, cố gắng giúp đỡ chúng tôi. Khi mẹ tôi tỉnh lại, một người hàng xóm đưa cho bà một loại thuốc bổ dân gian: một loại nước uống pha rượu quậy với tròng đỏ trứng trong đó. Bà từ chối không uống. Cả đời, bà đã giữ giới luật Phật giáo, bao gồm giới không uống rượu. Bà không muốn phá giới, ngay nếu như rượu đó sẽ làm giảm cơn đau của bà.

Có người đã chạy gọi cha tôi đang làm việc ngoài ruộng lúa. Cha tôi lại chạy đi tìm người thầy thuốc trong làng.

Một số người giúp khiêng mẹ tôi vào nhà; lưng bà bị chấn thương quá nặng đến nỗi bà không thể ngồi dậy. Vị thầy thuốc sai người túa ra nhiều hướng để hái các lá và rễ của một số cây thảo dược đặc biệt. Khi họ trở về, ông giã nhỏ các loại thảo dược để xoa lên lưng mẹ. Khi ra về ông để lại cho chúng tôi ít thuốc đó và bảo chúng tôi mỗi ngày xoa cho mẹ hai lần.

Mỗi ngôi làng ở Ceylon đều có nhà sư Phật giáo và một vị thầy thuốc, và cả hai đều hợp tác làm việc với nhau. Trước khi chuẩn bị bất cứ loại thuốc nào, vị thầy thuốc sẽ tụng kinh Phật trước bàn thờ nhà ông. Ông không tính tiền công với dân làng, nhưng thường người ta mang đến cho ông rau củ, dừa, trà, gia vị, hay trái cau. Người ta tin rằng nếu vị thầy thuốc là một Phật tử tín tâm, thì thuốc của ông sẽ hiệu nghiệm hơn. Do đó, khả năng chữa trị của người thầy thuốc tùy thuộc vào việc ông có là một người Phật tử gương mẫu hay không.

Ngay cả sau khi người Anh đã thiết lập một hệ thống chính quyền địa phương với người sếp (chief) cai quản mỗi làng, thì thầy thuốc và vị sư vẫn có quyền lực cao nhất. Người sếp luôn tham khảo ý kiến với nhà sư và thầy thuốc, trước khi quyết định một hình phạt hay dàn xếp một tranh chấp nào.

Hai ba ngày sau tai nạn, mẹ tôi vẫn không khá hơn. Bà không thể cử động đôi chân hay đứng dậy; bà chỉ có thể nằm rên vì đau. Bà không ăn uống được thứ gì, trừ một ít cháo và nước cam. Rõ ràng là bà cần được chữa trị tốt hơn, nhưng cha mẹ tôi không tin tưởng bệnh viện.

Mẹ tôi bảo muốn trở về nhà cha mẹ bà, cách làng tôi khoảng bốn mươi hai cây số. Đó là một cuộc hành trình dài, nhưng người thầy thuốc ở làng ông bà ngoại tôi hình như giỏi hơn, và mẹ cũng nói bà sẽ cảm thấy dễ chịu hơn trong ngôi nhà thời thơ ấu của mình. Vì thế cha tôi và một vài người nữa khiêng bà đặt lên một tấm phản, rồi khiêng bà đến thành phố gần nhất. Ở đó, cha mướn xe để chở mẹ tôi về nhà ông bà ngoại.

Khi họ đi xa, những đứa trẻ chúng tôi phải ở nhà một mình. Người chị lớn thứ hai của tôi lúc đó đã mười tám tuổi, nên chị lo việc nấu nướng và chăm sóc chúng tôi, những đứa nhỏ hơn.

Vài ngày sau đó, cha trở về một mình. Mẹ tôi đã ở lại nhà ông bà ngoại để dưỡng bệnh. Nhưng bà chẳng bao giờ hoàn toàn lành mạnh trở lại. Vài tháng sau đó khi bà trở về nhà, bà phải đi nạng, với cái lưng còng. Chân trái của bà không co lại được, và bà không thể đi bộ đến cả ngôi chùa gần nhất.

Năm bảy tuổi tôi bắt đầu đi học. Ngôi trường gần nhất là ở Medagama, cách nhà chúng tôi khoảng hơn nửa cây số, được điều hành bởi các vị nữ tu truyền giáo Thiên Chúa. Tôi rất thích, chính là vì mỗi ngày họ đều cho chúng tôi ăn những bữa ăn trưa rất ngon. Trước khi ăn, chúng tôi phải đọc kinh Thiên Chúa, chúng tôi cúi đầu trước những chiếc mâm nhỏ đựng thức ăn đặt trên bàn. Tôi nhắm mắt, lầm thầm đọc, nhưng tâm của tôi thì đang khốn khổ vì mùi thơm đang xốc lên mũi tôi.

Tôi học trường Thiên Chúa giáo được khoảng một năm, trước khi ngôi chùa Phật giáo ở Dehideniya mở trường tiểu học. Tất cả trẻ em ở Henepola, khoảng ba mươi, bốn mươi đứa chúng tôi lại đổi trường. Năm đầu tiên học ở trường Phật giáo khá đông đúc. Giảng đường của chùa, ở ngoài trời, được sử dụng làm lớp học duy nhất, luôn ồn ào vì có quá đông học sinh dồn vào một chỗ.

Một năm sau, chính phủ hỗ trợ một miếng đất nhỏ cạnh bên chùa để xây một ngôi trường tách biệt. Dân làng họp nhau lại xây ngôi nhà một phòng, hình chữ nhật đơn giản khoảng ba mươi bốn mét dài, và mười mét ngang. Tường cao gần hai mét, cửa sổ, cửa chính để trống không, còn mái thì làm bằng những cọng lá dừa. Ngôi trường mới có những dãy bàn và ghế dài bằng gỗ cứng. Năm đầu tiên ở ngôi trường mới, chúng tôi dùng bảng đen và những viên đá nhọn để viết bài. Tuy nhiên qua năm thứ hai, chính phủ hỗ trợ viết chì và giấy làm bài tập, thật là sung sướng!

Mỗi buổi sáng khi thầy giáo vào lớp, chúng tôi đứng dậy khỏi ghế, cúi đầu, khoanh tay trước ngực.

“Chào thầy ạ,’ chúng tôi đồng thanh nói, và ông cũng đáp lại chúng tôi bằng cái chào tương tự.

Sau đó là tới thời gian kiểm tra. Thầy giáo đi dọc theo các dãy bàn học sinh, xét xem răng và móng tay chúng tôi có được giữ gìn sạch sẽ hay không? Tất cả mọi thứ đều phải gọn ghẽ, kể cả áo quần. Nếu có gì không ổn, chúng tôi sẽ bị ăn gậy. Thực ra với bất cứ lầm lỗi gì, mông chúng tôi cũng đều hứng gậy. Đôi khi thầy giáo còn dùng tay để cốc đầu chúng tôi. Không ai nghĩ đó là ác hay có gì khác thường.

Trước khi bắt đầu học, tất cả chúng tôi đều đọc quy y tam bảo bằng tiếng Pali- quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng - và năm giới cấm trong Phật giáo. Ngay cả các em nhỏ cũng thuộc lòng những bài kinh này, vì chúng đều đã được nghe cha mẹ đọc tụng ở nhà mỗi ngày. Chương trình học ở trường gồm văn phạm tiếng Sinhala, lịch sử, khoa học, toán và dĩ nhiên, Phật giáo.

Mỗi ngày trên đường đến trường và về nhà, chúng tôi đi qua một con lạch nhỏ, nước chảy xiết. Cả tôi và anh tôi đều không biết bơi, vì thế mẹ tôi thường sợ rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ bị chết đuối ở lạch nước đó. Mỗi ngày bà sẽ đứng ở cửa, đợi chúng tôi đi học về. Bà biết rằng con lạch đó hấp dẫn những đứa trẻ nghịch ngợm biết bao, biết rằng anh tôi và tôi rất muốn vứt cặp sách xuống đất, cởi đồ ra để nhảy vào dòng nước mát đó. Đôi khi, chúng tôi thực sự đã làm thế! Mẹ tôi, lúc nào cũng theo dõi từ xa, hét đến vỡ lồng ngực ngay khi chúng tôi vừa nhún chân xuống nước, còn chúng tôi thì chẳng muốn bước ra khỏi đó.

Tuy nhiên, có lần chúng tôi qua mắt được mẹ. Chúng tôi nhảy vào nước mà mẹ không thấy. Gần như lập tức tôi bị kẹt vào trong một vòng xoáy nơi dòng nước chảy dưới một bụi tre. Tôi vùng vẫy hai tay, cố ngoi lên khỏi mặt nước, nhưng dòng xoáy cứ kéo tôi xuống với một sức mạnh khủng khiếp. Không biết bằng cách nào mà anh tôi nắm được tôi kéo lên. Anh đã cứu sống tôi.

Nhưng đó không phải là kinh nghiệm sắp chết đuối cuối cùng của tôi. Cho tới ngày nay, dầu tôi đã chu du khắp thế giới, đã vượt bao đại dương không biết bao nhiêu lần, tôi vẫn còn sợ sông suối.

Một ngày, lúc tôi khoảng chín tuổi, trên đường đi học về với các bạn nhỏ trong lúc mưa bão lớn. Chúng tôi phải đi qua một ruộng lúa có những dải phân cách hẹp giữa các luống lúa, với những ống dẫn nước chia đôi các dải phân cách. Chúng tôi đến một rãnh đã bị các trận mưa làm xói lở ra. Nó trở thành giống như một con sông nhỏ, với dòng nước chảy siết. Tất cả mấy đứa bạn đã nhảy qua rãnh, nhưng tôi còn do dự, ôm ghì tập sách trước ngực.

Cuối cùng khi đã thu hết can đảm để nhảy qua, tôi lại trượt chân trên bờ rãnh và té xuống nước. Sách vở, bảng đá lập tức bị nước cuốn trôi trong khi tôi cố gắng để ngoi đầu lên khỏi mặt nước. Tôi càng cố gắng bơi, thì hình như tôi càng chìm nhanh hơn. Anh tôi, Rambanda, nhảy xuống nước và kéo tôi lên. Tôi bị một phen sợ hãi và ướt nhem, nhưng cũng an toàn.

Chúng tôi chẳng bao giờ kể cho cha mẹ nghe chuyện đó. Chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi kể.

Ngôi chùa Phật giáo cách nhà chúng tôi khoảng nửa cây số, là trung tâm làng. Chỉ có một vị sư và thị giả của ông, một cư sĩ, sống ở đó.

Khuôn viên chùa bao gồm một giảng đường, một chánh điện, một căn chòi nhỏ đắp bằng bùn, được sử dụng làm nhà bếp, và một nhà vệ sinh. Ở một góc sân là cây bồ đề, gợi cho chúng tôi nhớ đến cây bồ đề mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ngồi dưới đó, khi Ngài đạt được giác ngộ. Một bức tường gạch được xây quanh cây để ngăn không cho trẻ con trèo lên những cành cây thiêng liêng nầy.

Có một ban quản lý chùa và những người tự nguyện đóng góp công sức. Dân làng luôn vui vẻ góp tay vào việc xây dựng, dọn dẹp, nấu nướng và xếp đặt các buổi lễ. Các Phật tử tin rằng những việc làm tốt đẹp đó sẽ giúp họ được phước đức ở đời nầy và đời sau. Nhiều người đi chùa gần như mỗi ngày, dầu chỉ là một cuộc thăm viếng ngắn ngủi.

Thời khoá thường ngày của chùa cũng ảnh hưởng tới đời sống hằng ngày của chúng tôi. Mỗi ngày lúc 6 giờ sáng, vị sư hay là đệ tử của ông sẽ đánh một cái chuông lớn giống như cái cồng trong sân chùa. Đó là dấu hiệu cho buổi đọc kinh sáng. Có nghĩa là vị sư đã hoàn tất buổi tọa thiền một tiếng đồng hồ của ông, và giờ ông đi qua chánh điện để tụng kinh cầu nguyện. Tất cả mọi người trong làng đều có thể nghe được tiếng chuông. Khi nó vang lên, chúng tôi biết đó cũng là thời gian dành cho những nghi thức của cá nhân chúng tôi nữa. Chúng tôi sẽ bày hoa tươi trên bàn thờ trong nhà, đốt nhang và ngồi xuống để tụng kinh.

Chuông chùa lại vang lên lần nữa lúc 11 giờ, khi vị sư bắt đầu dùng bữa chánh trong ngày. Tiếng chuông là cách duy nhất để chúng tôi biết giờ giấc vì không ai có đồng hồ treo tường hoặc đồng hồ đeo tay.

Mỗi chiều, Rambanda và tôi đều đến chùa. Chúng tôi rất thích ở đó. Vị sư cho phép chúng tôi chơi trong sân chùa, và thường cho chúng tôi kẹo hay đồ ăn còn thừa.

Đúng ra, chúng tôi không được ăn đồ ăn của chùa, vì đó là do dân làng cúng dường cho vị sư dùng. Cha mẹ chúng tôi đã dạy rằng ăn đồ ăn của chùa sẽ tạo ra nghiệp xấu cho chúng tôi, khiến chúng tôi bị đọa địa ngục. Nhưng vị sư quá tử tế, và cái đói của chúng tôi cũng quá mạnh, đến nỗi chúng tôi quên cả địa ngục. Chúng tôi hăm hở ăn bất cứ thứ gì mà vị sư cho: cơm, cá, đậu nấu, bánh bột gạo, hay một trái xoài chín.

Cha tôi đã xây dựng giảng đường của chùa, một căn phòng với chiều dài mười thước, chiều ngang mười thước, nền xi măng, tường gạch và mái ngói. Bên trong có một cái bục vuông, cao khoảng mười lăm centi mét, với bốn trụ cây cao ở bốn góc. Trên bục gỗ, chỉ có một cái ghế, bao quanh bởi những lưới gỗ, và được che bởi một tấm màn vải phủ căng trên mấy cây trụ.

Vào ngày rằm và mùng một, các cư sĩ sẽ ở cả ngày và đêm trên chùa. Các vị sư ở những làng gần bên cũng đến chùa chúng tôi, và thay phiên nhau an vị trên chiếc ghế đó để thuyết pháp.

Việc đầu tiên mỗi buổi sáng là vị sư sẽ tụng một trong những bài kinh của Đức Phật bằng tiếng Pali. Vì tiếng Pali gần giống như tiếng Sinhala, nên phần đông các cư sĩ đều có thể hiểu. Thời kinh sáng thường ngắn chỉ khoảng một tiếng, vì các sư còn phải thực hiện nghi lễ cúng ngọ trước khi thọ thực, khoảng 11 giờ sáng.

Buổi chiều, một vị sư khác sẽ thuyết giảng về ý nghĩa của bài kinh Pali đã được tụng ban sáng. Sau đó khách viếng chùa được tự do vài tiếng đồng hồ để ngồi thiền, thưa hỏi đạo với quý sư, hay đọc các kinh sách.

Buổi tối sẽ có nghi lễ trọng thể hơn. Sau khi tất cả các cư sĩ đã tụ tập vào trong giảng đường, một vị sư cao đạo được kiệu vào bởi hai người đàn ông trên cánh tay xếp bằng của họ. Các vị sư được cung kính đến mức đó không nhiều. Một số vị có thể tụng thuộc lòng cả bộ tạng kinh tiếng Pali, cũng như thông hiểu tất cả những bài bình luận về kinh. Họ rất khéo léo trong việc phân tích, giảng giải từng chi tiết trong một bài kinh, có những buổi giảng có thể kéo dài đến mười tiếng đồng hồ. Họ cũng thường nổi tiếng về khả năng kể chuyện và giọng tụng đọc êm đềm của họ.

Các nghi thức nầy thường được đi kèm theo bằng tiếng đánh trống, thổi cồng, chơi sáo và những tiếng đồng thanh hỗ trợ như là “Sadhu! Sadhu! Sadhu!”, có nghĩa là ‘Lành thay! Lành thay! Lành thay!”

Vị sư từ tốn ngồi vào chiếc ghế của ông ở trên bục gỗ, rồi phủ vải trắng lên người đến tận cổ. Một bức màn được kéo trước mặt ông, chỉ còn chừa lại khuôn mặt. Các cư sĩ mang trà dâng cho vị sư, hay là một mâm đầy kẹo mía đường, trầu cau, vôi và thuốc lá. Một ống nhổ được đặt trước mặt vị sư.

Trước hết vị sư sẽ đọc kinh quy y Phật, Pháp và Tăng (tam bảo trong Phật pháp). Giọng mũi của ông nghe rất hay, cách đọc tụng như hát, có sức thôi miên đến nỗi dường như nó từ phía sau bức màn bay bổng ra.

Namo tassa bhagavato Arahato Sammasambuddhasa.

Namo tassa bhagavato Arahato Sammasambuddhasa.

Namo tassa bhagavato Arahato Sammasambuddhasa.

(Cung Kính Đảnh Lễ Đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác)

Buddham saranam gacchami.

(Con nguyện quy y Phật.)

Dhammam saranam gacchami.

(Con nguyện quy y Pháp.)

Sangham saranam gacchami.

(Con nguyện quy y Tăng.)

Dutiyam pi Buddham saranam gacchami.

(Lần thứ hai con nguyện quy y Phật.)

Dutiyam pi Dhammam saranam gacchami.

(Lần thứ hai con nguyện quy y Pháp.)

Dutiyam pi Sangham saranam gacchami.

(Lần thứ hai con nguyện quy y Tăng.)

Tatiyam pi Buddham saranam gacchami.

(Lần thứ ba con nguyện quy y Phật.)

Tatiyam pi Dhammam saranam gacchami.

(Lần thứ ba con nguyện quy y Pháp.)

Tatiyam pi Sangham saranam gacchami.

(Lần thứ ba con nguyện quy y Tăng.)

Sau đó, vị sư sẽ truyền năm giới cho các dân làng, một nghi thức truyền thống ở bất cứ cuộc họp Phật giáo nào. Vị sư tụng các câu kinh bằng tiếng Pali, và các cư sĩ lặp lại theo sư.

Sau những nghi lễ khởi đầu này, bài thuyết pháp sẽ được bắt đầu vào khoảng tám giờ tối. Đôi khi kéo dài cả đêm. Trẻ em ngủ thiếp đi trên sàn nhà bên cạnh cha mẹ chúng. Tuy nhiên, người lớn thì phải thức. Để hỗ trợ họ, một vị trưởng lão với chòm râu bạc trắng, ngồi phía trước bục gỗ. Mỗi lần vị sư dừng lại để nghỉ, thì vị trưởng lão sẽ xướng to lên, “Vâng, thưa Đại Đức!’

Đôi khi tôi thức giấc lúc nửa đêm, thì thấy cả phòng đều ngủ, trừ vị sư và ông lão. Tôi thật sự ngạc nhiên rằng ai còn có thể thức vào giờ đó.

Vào khoảng năm giờ sáng, những người đánh trống sẽ bắt đầu nổi trống lên, và các Phật tử bắt đầu chuyển động. Lúc đó nhà sư đã ở phần cuối của bài thuyết Pháp, giải thích tại sao Đức Phật Di Lạc, vị Phật tương lai, sẽ xuất hiện khi giáo Pháp của Gotama, vị Phật hiện tại, không còn được truyền hành.

Khoảng sáu giờ, vị sư sẽ mở cửa màn, duỗi đôi chân đã xếp bằng trong một tư thế suốt đêm. Vài vị đệ tử mang một thau dầu dừa ấm đến bên sư. Họ xoa bóp dầu đó lên chân ông trong khoảng mười lăm phút. Rồi vị sư bước xuống khỏi bục gỗ, lui về phòng để chuẩn bị dùng bữa điểm tâm.

Quán sát tất cả những nghi thức nầy từ lúc còn trẻ, tôi thật sự ấn tượng. Thái độ quý mến và trân trọng của giới cư sĩ đối với quý sư thật đáng ngưỡng mộ. Tôi bảo với cha mẹ rằng tôi muốn trở thành một tu sĩ: tôi muốn thuyết pháp và được công kênh đến ghế ngồi bởi các đệ tử tín tâm.

Không chỉ có thế, mà tôi còn sẽ giảng Pháp bằng tiếng Anh, tôi ba hoa. Người anh cả đã dạy tôi vần tiếng Anh, cũng như một vài từ tiếng Anh. Không có ai trong làng của chúng tôi biết chút tiếng Anh nào, dầu đó được coi là ngôn ngữ ‘chính thức’ của Ceylon dưới thời cai trị của người Anh. Dân làng chúng tôi được quyền sử dụng tiếng Sinhala, nhưng tiếng Anh thì đúng là ngôn ngữ của giới thượng lưu -những người làm việc với chính phủ, người ở tầng lớp xã hội cao, hay người khá giả có tiền đi du lịch. Vì thế, tôi đã nghĩ là tôi có thể học tiếng Anh, và tôi sẽ là một tu sĩ thật sự thông thái.

Cha mẹ tôi lắng nghe những giấc mơ trẻ con của tôi và họ chỉ mỉm cười.


Chương 2. Cuộc sống không nhà

Khi tôi lớn hơn, ý muốn được trở thành một người tu sĩ càng tăng lên. Trước khi xuất gia, tôi rất thích giả bộ tôi đã là một tu sĩ. Tôi sẽ quấn quanh mình một miếng vải trắng, giống như các vị sư quấn y quanh mình, rồi ngồi xuống một gốc cây trong rừng. Tôi tưởng tượng rằng các cây chung quanh là người, rồi thuyết cho đám đông thính giả thầm lặng đó, hay đọc tụng lại một vài đoạn kinh bằng tiếng Pali mà tôi đã nghe ở chùa. Rồi tôi cũng ngồi xuống, giả vờ như mình đang lắng sâu trong “thiền định”, dầu lúc đó tôi chẳng biết thiền là gì.

Từ thuở đó, tôi đã tin rằng nghiệp của tôi là phải trở thành người tu sĩ. Điều đó không có nghĩa là “số kiếp” của tôi phải là như thế, vì trong Phật giáo không có những quan niệm như thế. Đúng hơn, đó là vì tất cả các nhân đã tích lũy trong quá khứ, không biết là đã bao lâu rồi, khiến bây giờ tôi lại muốn trở thành một tu sĩ Phật giáo. Có thể tôi đã là một tu sĩ trong một kiếp trước -không được thành công lắm, vì rõ ràng tôi vẫn chưa đạt được giác ngộ trong kiếp này, nhưng cũng không hoàn toàn thất bại, vì tôi đã có duyên lành được tái sinh làm người, được có thêm cơ hội để hoàn thiện công phu tu tập của mình. Dầu không phải như thế, thì sự thôi thúc được xuất gia, niềm khao khát sâu xa được mặc chiếc áo nhà tu cũng đã chớm nở trong tôi rất sớm.

Khoảng năm mười một tuổi, tôi đã không còn thích thú gì trong những trò quậy phá và đánh nhau của đám con trai, mà tôi và Rambanda thường ưa thích, và tôi cũng không còn hứng thú trong chuyện học. Tôi chỉ muốn được gia nhập vào tăng đoàn Phật giáo, theo truyền thống Á châu cổ xưa của hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Những câu chuyện của các thiếu niên vào thời Đức Phật còn tại thế, với những ước muốn trở thành người tu tương tự như tôi, làm tôi say mê. Một trong những câu chuyện như thế là về một cậu bé tên gọi là Culapanthaka.

Culapanthaka được sinh ra ở ven đường, khi mẹ cậu trên đường trở về quê ngoại. Ở Ấn Độ vào thời cổ xưa, người phụ nữ có thai, theo truyền thống, phải trở về nhà cha mẹ ruột để sinh con, và thường những nhọc nhằn trong cuộc hành trình dẫn đến việc sinh con trên đường về. Thái tử Siddhattha Gotama (gọi trong tiếng Phạn là Siddhartha Gautama), người mà sau này trở thành Đức Phật, được sanh trong một khu rừng nhỏ bên đường vì mẹ của thái tử, hoàng hậu Mahamaya đang trên đường trở về nhà cha mẹ ruột.

Mẹ của Culapanthaka có hai người con trai, cả hai đều được sinh ra bằng cách đó, ở ven đường. Người đầu tiên bà đặt tên là Mahapanthaka –“người lữ hành lớn”.Người thứ hai tên là Culapanthaka, có nghĩa là người “lữ hành tí hon.” Vì người mẹ rất nghèo, bà để hai con trai lại cho cha mẹ bà nuôi ở Rajagaha.

Mahapanthaka thường đi theo ông ngoại đến nghe Đức Phật thuyết pháp, và điều đó lôi cuốn ông dần dần trở thành một tăng sĩ. Vài năm sau, người em Culapanthaka cũng đi theo bước chân anh.

Mahapanthaka muốn dạy Pháp cho em mình, nhưng thấy cậu bé là người quá kém thông minh. Culapantakha không thể nhớ đến một câu kinh đơn giản trong mấy tháng trời. Mahapanthaka rất thất vọng và đã nghĩ rằng nếu em mình không thể học Pháp thì không thể tiếp tục làm tăng sĩ.

“Em nên cởi bỏ y áo rồi về nhà đi”, ông bảo với em trai mình.

Culapantakha rất buồn khổ. Ông rất thích cuộc sống tu hành và được làm đệ tử Đức Phật. Ông không biết phải làm gì, nhưng biết rằng ông không muốn phải hoàn tục.

Không lâu sau đó, Jivaka Komarabhacca, người thỉnh thoảng làm lương y cho Đức Phật, yêu cầu Mahapanthaka thỉnh Đức Phật và tăng đoàn ở tu viện đến dùng bữa trưa tại nhà ông. Mahapanthaka thay mặt tăng đoàn chấp nhận lời mời, rồi nói thêm, “Đến ngày mai Culapanthaka sẽ không còn ở tu viện nữa. Tôi đã yêu cầu thầy ấy hoàn tục nhưng tôi sẽ đến cùng với Đức Phật và tăng đoàn”.

Nghe giọng nói quyết liệt của anh mình, Culapantakha đau buồn thảm thiết, với đôi mắt đẫm lệ, ông thu xếp vật dụng rồi rời tu viện. Nhưng khi ông vừa đi ra, Đức Phật thấy ông và hỏi tại sao ông buồn vậy, ông kể cho Phật nghe những gì đã xảy ra.

Đức Phật nói: “Thầy không cần phải cởi bỏ y áo, từ bỏ đời sống tu sĩ chỉ vì thầy không thể thuộc một câu kinh. Đây, tôi có thể chỉ cho thầy một việc mà thầy có thể hiểu một cách dễ dàng”.

Đức Phật đưa cho ông một miếng vải trắng và nói, “Hãy cầm mảnh vải này ra ngồi ngoài sân. Tay trái thầy cầm mảnh vải, lau lên bàn tay mặt, lặp đi lặp lại câu ‘Chùi sạch, chùi sạch, chùi sạch’”.

Culapantakha làm đúng như lời Phật dạy. Ông ngồi dưới nắng, cầm mảnh vải lau vòng vòng trên bàn tay mặt, lặp lại câu chú bất thường mà Đức Phật đã dạy cho ông để thực hành chánh niệm.

Sau một lúc ông nhìn lại. Miếng vải trắng đã trở thành đen, lem luốc bởi mồ hôi trong tay ông. Mặc dầu đọc câu chú về làm sạch, nhưng ông đã làm dơ hết miếng vải!

Bỗng nhiên, Culapantakha chứng ngộ rằng tất cả đều vô thường. Tất cả những gì ông ưa thích, tất cả những gì ông đã nếm trải, đã chống đối, không có gì là ngoại lệ, tất cả đều vô thường như miếng vải trắng sạch đó. Ngay lúc đó, Culapantakha đã trở nên giác ngộ, nhận thức rõ ràng được sự vô thường của vạn vật. Ông trở vào tu viện ngồi dưới một cội cây và dùng năng lực tâm linh huyền bí của một người đã hoàn toàn giác ngộ, tạo ra hàng trăm tăng sĩ giống hệt như ông.

Trong lúc đó, các vị tăng khác ở tu viện đã đi với Đức Phật đến nhà Jivaka. Đức Phật không thấy Culapantakha, do đó Ngài đã từ chối thọ thực.

“Bạch Đức Thế Tôn, có chuyện gì?” Jivaka lo lắng hỏi. “Còn thiếu gì nữa chăng?”

Đức Phật hỏi: “Ông có chắc rằng tất cả tăng đoàn đã đến chăng?”

“Bạch Đức Thế Tôn, con chắc rằng tất cả đã đến. Đại đức Mahapanthaka đã xác nhận điều đó”.

“Dầu vậy,” Đức Phật từ tốn nói, “hãy cho người trở lại tu viện xem còn có tăng sĩ nào ở lại phiá sau”.

Jivaka sai người trở lại tu viện. Người đó nhanh chóng trở lại mặt xanh như người chết.

“Bạch Đức Thế Tôn cả tu viện đầy tăng sĩ!”, ông thưa. “Người thì đang hành thiền, người đang vá áo, người lau chùi, người gánh nước, người kinh hành, người đọc tụng kinh pháp.”

Đức Phật bảo người kia trở lại tu viện tìm thầy Culapantakha. Ông ta làm theo. Và khi ông làm thế, thì tất cả tu sĩ -hàng trăm người- trả lời, trong một giọng, “Tôi là Culapantakha.”

Người đàn ông kinh hoàng. Ông trở về nhà Jivaka, báo lại những gì ông đã chứng kiến. Sau đó Đức Phật dạy ông trở lại, nắm lấy áo một vị. “Nếu ngươi làm thế,” Đức Phật nói, “các tu sĩ khác sẽ biến mất.”

Người đó đã y theo lời Phật dạy. Và ông đã đưa vị tên là Culapantakha về để thọ thực. Sau khi thọ thực, Đức Phật yêu cầu Culapantakha thuyết một bài Pháp. Người anh, Mahapanthaka và các vị tăng còn lại đều ngạc nhiên. Tại sao Đức Phật lại trân trọng một người yếu kém như thế, một vị tu sĩ tồi tệ đến nỗi không nhớ đến một câu kinh?

Nhưng Culapantakha đã thuyết một bài Pháp tuyệt diệu, dựa ngay trên sự chứng nghiệm của mình về vô thường. Mọi người đều bàng hoàng trước sự hiểu biết sâu rộng của ông.

Theo câu chuyện này, trong tiền kiếp ông đã là một vị sư rất thông minh, nhưng đã chế ngạo một huynh đệ kém thông minh, đang cố gắng với nhiều khó khăn để học thuộc lòng một đoạn kinh. Cho nên trong kiếp kế tiếp của Culapantakha, nghiệp của ông đã trổ quả: Một mặt ông không thể học một câu kinh trong bốn tháng, mặt khác ông lại có thể đạt được giác ngộ và thần thông. Cả hai đều là kết quả của những nghiệp trước đó, tốt và xấu. Một câu chuyện với hai chủ đích: vừa sách tấn, vừa cảnh cáo!

Cũng giống như Culapantakha, tôi rất kiên quyết theo đuổi mục đích của mình. Tôi van nài cha mẹ tôi để được đi tu mãi, đến nỗi dần dần họ cũng coi điều yêu cầu của tôi là nghiêm chỉnh, chứ không phải là bốc đồng thoáng qua. Tôi còn rất trẻ để có thể được xuất gia ngay, nhưng tôi có thể ở trong chùa và học tập làm chú tiểu. Nhiều cậu bé đã làm như thế, và nhiều người trong số họ đã trở thành tu sĩ khi họ lớn lên.

Gia đình nào có một trong những người con trai của họ gia nhập tăng đoàn thì được coi là rất vinh dự. Khi một người xuất gia, tất cả họ hàng đều được công đức tâm linh. Ngay chính như người thanh niên đã lập gia đình, khi anh ta quyết định xuất gia, bỏ vợ lại nhà cũng không bị khiển trách. Người vợ cũng được công đức bởi sự xuất gia của chồng.

Vì thế dầu ngần ngại, cuối cùng cha tôi cũng đồng ý để tôi thử sống ở chùa. Mẹ tôi khóc vì bà không muốn tôi rời xa nhà, nhưng bà thấy không thể lay chuyển quyết định của tôi -ngay chính tử vi của tôi cũng đã tuyên đoán như thế! Và mẹ tôi chắc chắn không phải là người mẹ duy nhất ở Ceylon phải đưa đứa con trai nhỏ nhất của mình vào đời sống tôn giáo; vì Phật giáo quá phổ biến trong nền văn hoá của chúng tôi, điều đó xảy ra luôn.

Cha tôi đi hỏi một vị chiêm tinh gia trong làng để chọn một ngày may mắn cho tôi rời nhà. Thời đó, thuật chiêm tinh quyết định những biến cố quan trọng trong cuộc đời của chúng tôi. Người ta xem sao để quyết định khi nào xuống giống, khi nào lập gia đình, khi nào chôn người chết, khi nào cắt tóc cho đứa trẻ lần đầu tiên, khi nào bắt đầu một công việc quan trọng, kể cả khi đào móng xây nhà.

Mặc dầu sự tiên đoán của thuật chiêm tinh có vẻ trái nghịch với giáo lý Phật giáo về nghiệp luật của nhân quả, niềm tin vào thuật chiêm tinh vẫn hiện hữu bên cạnh Phật giáo, và không ai nghĩ điều đó có vấn đề gì.

Vào ngày đã chọn, mẹ tôi nấu một ít cơm sữa cho tôi. Đó là một sự chiêu đãi đặc biệt. Khi đứa trẻ học đánh vần lần đầu tiên, bà mẹ nấu cơm sữa. Hay khi đứa trẻ lần đầu tiên đến trường, bà mẹ nấu cơm sữa. Để mừng sinh nhật hay năm mới, người ta cũng nấu cơm sữa. Hàng năm, vụ mùa đầu tiên thường được dùng để nấu cơm sữa dâng cúng cho các vị sư.

Và dĩ nhiên, đó chính là cơm sữa mà cô thôn nữ Sujata đã dâng cho thái tử Siddhattha Gotama gầy yếu, sau khi Ngài quyết định từ bỏ cách tu khổ hạnh. Ngài đã nhận sự cúng dường đó. Chén cơm sữa đã giúp Ngài hồi sức để có thể dũng mãnh toạ thiền dưới gốc cây bồ đề và đạt được giác ngộ, rồi sau đó giảng dạy về con đường trung đạo.

Khi đang ăn chén cơm sữa mà mẹ đã nấu cho ngày rời xa nhà của tôi, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt bắt đầu lăn trên mặt mẹ và các chị tôi. Rambanda cũng đang kiềm giữ những giọt nước mắt.

Khi thời điểm phải rời nhà đến gần, cha tôi xuất hiện, trong bộ xà rông và áo sơmi trắng tốt nhất của ông. Ông bảo tôi đã đến lúc phải đi. Tôi cũng mặc vào chiếc áo sơmi và cái xà rông trắng.

Lúc đó thì anh tôi oà lên khóc, và bỗng nhiên tôi cảm thấy rất khó ra đi. Những tình cảm lẫn lộn làm tôi nghẹn ngào. Tôi rất hạnh phúc, vì cuối cùng cũng được đến ở chùa, nhưng tôi cảm thấy rất buồn vì phải xa gia đình. Với sự ra đi này, tôi coi như đã từ bỏ cuộc sống gia đình để theo một cuộc sống được gọi là ‘vô gia cư’, cuộc sống của một vị tu sĩ Phật giáo.

Cả gia đình tụ ra trước nhà để tiễn tôi đi. Tôi quỳ gối trước mặt mẹ, và chạm trán xuống đất dưới chân bà.

Bà vuốt đầu tôi bằng cả hai tay.

“Nguyện cầu Tam Bảo phù hộ cho con,” bà thầm thì, giọng nói nghẹn ngào. “Cầu chư thiên phù hộ con. Cầu cho con được sống lâu sức khoẻ. Cầu cho con khỏi mọi tai nàn”.

Và rồi bà bắt đầu khóc.

Tôi đứng dậy và mẹ tôi hôn lên trán tôi, ôm chặt lấy tôi.

Cha tôi và tôi đi bộ hàng giờ trên con đường bụi bặm để đến ngôi chùa, nơi sẽ là mái nhà mới của tôi. Chúng tôi không có hẹn trước, cha tôi đã không báo với nhà chùa rằng tôi sẽ đến. Các vì sao đã báo rằng đó là một ngày tốt để tôi rời nhà, và đúng như thế.

Gần cuối ngày, chúng tôi đến thành phố Kosinna, ở quận Rambukkana. Ngôi chùa nằm trong một đồn điền dừa ở cuối con đường đất. Khuôn viên chùa bao gồm một giảng đường, khu nội viện của các tăng và một chánh điện riêng biệt. Ngoài sân có vài chiếc ghế và rất nhiều cây hoa, cũng như là các luống trầu cho ra những lá trầu mà các vị sư thường nhai vì chất gây nghiện nhẹ của chúng.

Cha dẫn tôi đến trước vị sư trụ trì, là một người đàn ông nhỏ thó, khoảng sáu mươi tuổi. Sau này tôi được biết rằng ông đã lập gia đình trước khi xuất gia, đã sống trong ngôi nhà ở cạnh vườn dừa, và có được một người con trai lớn.

Cha ở lại chùa với tôi khoảng hai tiếng đồng hồ; rồi ông về. Tôi rất mệt và chỉ muốn đi ngủ. Gia đình và thời thơ ấu của tôi dường như đã xa thẳm.

Sáng hôm sau vị sư trưởng đưa cho tôi một quyển sách tiếng Pali căn bản, ngôn ngữ mà Đức Phật đã sử dụng và được dùng trong các kinh điển Phật giáo nguyên thủy. Sư bảo rằng tôi phải thuộc lòng tất cả mọi thứ trong sách để chuẩn bị cho sự xuất gia của tôi, và sư hoạch ra những bổn phận tôi phải làm.

Tôi và ba cậu bé khác ở chùa phải đi vòng quanh đồn điền để lượm những trái dừa rụng và đem chất chúng ở nhiều nơi. Chúng tôi cũng phải quét nhà, lượm củi để nấu ăn, kéo nước, rửa chén, và giặt đồ. Căn bản chúng tôi là những người lao động không công -cũng một loại nô lệ.

Những bổn phận thuộc về tôn giáo của chúng tôi bao gồm hái hoa để chưng trên bàn thờ trong chánh điện, và dự các buổi đọc kinh mỗi sáng chiều.

Các cậu bé khác thì nấu ăn mỗi ngày. Công việc của tôi là đến nhà cũ của vị sư trưởng, để mang những thức ăn đặc biệt do người vợ trước của ông chuẩn bị. Chỉ có ông được quyền dùng các món này.

Ba cậu bé ở trong chùa tất cả đều lớn và to con hơn tôi. Những ‘cậu bé ở chùa’ nầy không phải là các chú tiểu, như tôi sẽ trở thành sau nầy, nhưng họ được có cơ hội lãnh hội một nền giáo dục tôn giáo bằng cách sống ở chùa, và làm việc để bù cho tiền ăn ở của họ. Một cậu phải coi sóc các luống trầu. Cậu nữa quản lý nhà bếp. Đứa thứ ba thì trông chừng những con chó chạy rong trong khuôn viên chùa. Thường họ làm những việc mà một vị tu sĩ không được phép làm do giới luật, thí dụ như là nấu ăn hay đi chợ.

Đây sẽ là cuộc sống mới của tôi.

Nhưng tôi chỉ sống ở chùa đó được khoảng ba tháng.

Một ngày kia tôi đang ở trong nhà bếp rửa nồi. Hai đứa trẻ khác đứng gần đó cãi nhau dữ dội. Một đứa chọi đứa kia cục đá nhưng lại trúng cườm tay tôi. Bàn tay tôi lập tức sưng lên và rất đau đớn.

Tôi viết cho cha một lá thư và kể cho ông nghe câu chuyện. Vài ngày sau đó, cha đến để dẫn tôi về. Ông nói, ‘Tôi không muốn con trai tôi ở bất cứ chùa nào mà có những người bạo lực.’ Ông cho rằng cha có thể đánh con, điều đó hợp lý, nhưng không nghĩ rằng những hành động như thế lại có chỗ ở trong chùa. Tôi trở về nhà với cha.

Mẹ và các chị tôi rất vui mừng được gặp lại tôi, và thật tuyệt vời được trở về với Rambanda. Tất cả chúng tôi lại tiếp tục sống như trước kia.

Phần lớn thời gian của tôi là chạy qua chạy lại giữa nhà cha mẹ, và nhà nơi người chị cả của tôi sống với chồng chị và đứa con gái. Họ nói với tôi rằng họ rất thích có một đứa con trai trong nhà, thế thì tại sao tôi không đến sống với họ?

Điều đó thật hấp dẫn. Tôi thương cả hai rất nhiều, và cháu gái tôi cũng giống như là em tôi. Hoàn cảnh của tôi, lúc đó có vẻ rất bấp bênh. Tôi đã gần mười hai tuổi và đã nghỉ học bốn tháng rồi.

Nhưng ước muốn được trở thành một tu sĩ vẫn còn cháy bỏng trong tôi. Tôi rất nhớ những ngày được mặc áo tu. Vì thế tôi xin cha tìm một ngôi chùa nào khác chấp nhận tôi.

Vài tháng sau, vào tháng giêng năm 1939, anh rể tôi nói với cha rằng anh có nghe về một ngôi chùa khác, ở làng Malandeniya, đang tìm một cậu bé để cho xuất gia. Chùa đó được gọi là Sri Vijayarama, có nghĩa là ‘sung túc và thắng lợi.’ Cha và anh rể nghĩ rằng Malandeniya cách nhà tôi khoảng chín kilômét, nhưng họ cũng không chắc chắn vì chưa có ai trong chúng tôi đã từng đến đó.

Lần thứ hai tôi rời nhà cũng giống như lần đầu tiên: cũng cơm sữa của mẹ; xà rông trắng tinh; nước mắt và cảm giác vừa phấn khởi vừa đau buồn của tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ đến tương lai được làm một tu sĩ. Đồng thời nhớ lại những kinh nghiệm của tôi ở ngôi chùa trước, lòng tôi đầy âu lo khi phải đến sống ở một nơi xa lạ, với những người xa lạ.

Lần này, cả cha và anh rể đều cùng đi với tôi trong chuyến đi này. Khi chúng tôi ra đi, mẹ bảo với anh rể tôi rằng, “Hãy chăm sóc con trai mẹ. Vì con sống gần chùa đó, hãy báo cho mẹ biết tin tức của nó.”

Rồi chúng tôi cất bước, khi mẹ đứng bên cửa nhà. Tôi cứ ngoái đầu lại để nhìn bà, và mỗi lần như thế, bà vẫn còn đứng đó, xa dần xa dần, cho đến khi tôi không còn nhìn thấy mẹ nữa -và còn lâu hơn nữa những giọt nước mắt trên má tôi mới khô đi.

Không có con đường nào từ làng tôi dẫn đến Malandeniya. Chúng tôi phải đi dọc theo những lối đi băng qua ruộng lúa, qua các dòng suối nhỏ và các đồn điền cao su. Thỉnh thoảng, chúng tôi đi qua những ngôi làng nhỏ khác. Mỗi lần như thế, chúng tôi lại hỏi đường đến Malandeniya, người ta lại bảo chúng tôi đi xa thêm chút nữa.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được một ngôi chùa có dây thép gai rào quanh. Sau này chúng tôi biết rằng người ta làm vậy để không cho trâu bò trong xóm vào chùa ăn những cây dừa non trên mặt đất. Ở cổng, có một hàng rào tre, che dây thép gai để chúng không làm vướng xà rông khi người ta bước qua đó.

Khi chúng tôi bước vào, một đàn chó ùa ra sủa như để chào đón chúng tôi, sau đó là một vài cậu bé, và cuối cùng là vị trụ trì, một người có tầm cao trung bình, với đôi mắt sáng và một chiếc mũi dài. Ông cười, để lộ hàm răng bợn đen vì trầu cau.

Cha, anh rể và tôi lập tức quỳ xuống dưới đất và lễ bái ba lần. Nhà sư ra dấu cho chúng tôi đi vào bên trong chùa và chỉ chiếc chiếu trên sàn nhà nơi chúng tôi có thể ngồi xuống.

Danh xưng của Sư là Kiribatkumbure Sonuttara Mahathera. Mahathera, ‘trưởng lão,’ hàm ý rằng Sư đã là một vị tỳ kheo ít nhất ba mươi tám năm. Giờ Sư đã gần sáu mươi tuổi và có vẻ rất thân thiện; nụ cười thường ở trên môi.

Cha giới thiệu về tôi và thưa với Sư rằng tôi muốn đến sống ở chùa và xuất gia. Nhà sư nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi gật đầu.

Thật đơn giản. Tôi đã được chấp nhận.

Cha và anh rể tôi nán lại khoảng một tiếng đồng hồ tiếp chuyện với Sư rồi cáo từ. Ngay khi họ vừa đi khỏi, tôi cảm thấy một làn sóng cô đơn phủ trùm lấy tôi. Tôi muốn chạy theo họ và bảo rằng tôi đã thay đổi ý định, rằng tôi muốn về nhà.

Tôi bắt đầu khóc, và không thể dừng lại sau hàng giờ.

Sư Sonuttara an ủi tôi, bảo rằng ở chùa, tôi sẽ có được một mái ấm, tôi sẽ được học Pháp từ các vị thầy uyên thâm. Rồi Sư đưa cho tôi một manh chiếu cũ và một cái gối dơ để trải trên nền nhà cứng làm giường.

Chánh điện gồm có một sàn gỗ dựng trên bốn cây cột cao khoảng hơn một thước. Giữa sàn là một tượng Phật bằng đất sét cũ kỹ và xấu xí.Tôi nhớ tượng Phật đó có đôi mắt nhìn dữ tợn, ghê khiếp, không giống chút nào với những tượng thanh thoát thường thấy ở hầu hết các chùa. Rõ ràng là người nặn tượng chưa từng học qua về những phẩm chất của Đức Phật, mà họ phải biểu hiện trong các bức tượng của Ngài.

Ở một bên tượng Phật dữ tợn đó là hình của vị thần da xanh Vishnu, một trong những vị thần lớn của Ấn Độ giáo. Ở bên kia là hình của Humiyam Devata, một vị hung thần mà cho đến ngày nay vẫn còn một số người Sinhala tôn thờ. Người ta cầu nguyện vị thần này để nhờ uy lực của thần chống lại kẻ thù của họ. Vishnu và Huniyam có mặt trên bàn thờ của một ngôi chùa Phật giáo, là một sự chọn lựa lạ lùng, nhìn chung ba hình ảnh nầy thật đối chọi nhau.

Trong một gian nhà khác, cách chánh điện khoảng sáu thước, có ba phòng, tất cả đều dơ bẩn, u ám: đó là chỗ ngủ của sư trưởng, một phòng khách dành cho các sư vãng lai, và một căn phòng chứa đồ. Bên ngoài có một hành lang, nhỏ dẫn đến nhà bếp. Có một khoảng diện tích hẹp là góc ăn uống, cũng rất dơ bẩn, và một bếp lò bằng gỗ với ba hòn gạch để lên trên, nơi người ta có thể đặt những chiếc nồi lên đó nấu.

Phía sau nhà bếp là căn nhà vệ sinh, chỉ dành riêng cho sư trưởng sử dụng. Mấy đứa trẻ chúng tôi được bảo phải giải tỏa ngoài đồng trống, phía sau khuôn viên chùa. Và khi nào chúng tôi làm việc đó, là mấy con heo hàng xóm sẽ đến và ủi sạch cho chúng tôi.

Cũng giống như ở ngôi chùa đầu tiên, tôi cũng có rất nhiều bổn phận phải làm. Tôi phải bửa củi nấu ăn, gánh nước từ giếng lên, quét sân, hái hoa chưng bàn Phật, nấu ăn, rửa chén, và cho hơn cả chục chó mèo chạy rông trong chùa ăn.

Bên cạnh những công việc này tôi còn phải học thuộc lòng những bài kinh tiếng Phạn từ các sách gọi là Sataka, nghĩa đen là “một trăm” nhưng thường ám chỉ “một trăm câu thơ tán thán Đức Phật.” Khi thuộc lòng hết một quyển sách, chúng tôi sang qua quyển khác. Một trong những quyển sách Sataka giải thích về một trăm lẻ tám danh hiệu của Đức Phật, quyển khác lại giới thiệu về chín phẩm chất đáng ngưỡng mộ của Đức Phật, vân vân.

Mục đích của việc bắt mấy đứa trẻ chúng tôi học thuộc những bài kinh nầy là vì ba việc: để dạy chúng tôi phát âm tiếng Phạn đúng; để giới thiệu với chúng tôi về những phẩm chất của Đức Phật; và quan trọng hơn cả, theo tôi, là để phát khởi sự tín tâm, thành ý trong những đầu óc non trẻ của chúng tôi.

Mỗi chiều, khi chúng tôi phải trả bài học thuộc lòng trong ngày, Sư Sonuttara sẽ vặn nhỏ ngọn đèn dầu xuống để chúng tôi không thể ăn gian bằng cách đọc từ trong sách ra. Nếu tôi sai hay không thuộc đủ các bài kinh, Sư sẽ nổi giận và đánh tôi. Những cái đánh của Sư thì giống như ‘dụng cụ hỗ trợ học tập’, không hoàn toàn giống như sự bạo lực, đã khiến tôi phải rời ngôi chùa đầu tiên.

Tuy nhiên, thường thì tôi học khá thuộc bài. Tôi có vẻ là người học mau hiểu biết, và thầy tôi rất vừa lòng. Trong ba tháng, Sư đã tuyên bố rằng tôi tiến bộ nhiều, và đã sẵn sàng để được làm lễ thọ giới Sadi.

Sư Sonuttara cũng xem lịch để chọn một ngày giờ tốt cho buổi lễ. Rồi ông gửi lời mời cha mẹ tôi và khoảng hai mươi tăng sĩ từ các chùa khác trong vùng. Vị sư trưởng lão nhất trong vùng, Sư Alagoda Sumanatissa Nayaka Mahathera, sẽ đứng ra chủ lễ và truyền giới cho tôi. Ngày hôm trước buổi lễ, cả chùa bận rộn với các sinh hoạt khi các vị khách lần lượt đến, và dân làng ở Malandeniya chuẩn bị thức ăn cho các khách tăng.

Rất nhiều bà con của tôi cũng đến trong ngày trọng đại đó, kể cả cha, anh rể, và Rambanda, người anh trai thân thiết của tôi. Mẹ tôi không thể đi xa như thế vì đau lưng. Bà rất đau khổ vì không thể có mặt ở đây, cha đã nói với tôi như thế, và tôi cũng rất buồn.

Vào lúc mười giờ sáng, tất cả mọi người đều tụ lại trước hiên của khu nội viện tăng. Thông thường lễ xuất gia sẽ được tổ chức trong chánh điện, nhưng vì có quá nhiều khách dự, thầy tôi quyết định làm lễ ở một nơi rộng rãi hơn.

Tôi mặc áo chemise và xà rông trắng. Cha cùng với tôi tiến đến chỗ quý sư đang ngồi trên sàn nhà cạnh bên một bàn thờ vừa được dựng lên, đối mặt với đám đông.

Tôi quỳ xuống trước vị lão sư, Sumanatissa, và đảnh lễ Sư ba lần. Sư bảo tôi xin phép cha để được bước vào cuộc sống không nhà của người tu. Vì thế tôi quỳ xuống trước mặt cha và lập lại nghi lễ vái lạy ba lần, mỗi lần đều để trán chạm xuống nền nhà ngay chỗ chân cha, để bày tỏ lòng kính trọng. Tôi vẫn còn nhớ gương mặt nghiêm trang của cha khi nhìn xuống tôi.

Khi tôi quay trở lại phía các sư, Sư Sumanatissa lấy kéo cắt một vài lọng tóc của tôi, và dạy tôi lặp lại theo Sư: “Tóc trên đầu, lông trên thân, móng tay chân, răng, da.” Các bộ phận thân thể là những đối tượng thiền quán đầu tiên của tôi. Đây là lời chỉ giáo truyền thống dành cho tất cả những ai vừa xuất gia, phản ảnh lãnh vực đầu tiên trong Tứ niệm xứ của Đức Phật, đó là thân vật chất.

Trong kinh Mahasatipatthana, bài kinh về Tứ Niệm Xứ, một trong những bài kinh chánh yếu của Đức Phật, đã chỉ bày cho chúng ta bốn lãnh vực mà ta cần chú tâm thẳng đến: thân, thọ, tâm và đối tượng của tâm.

Nếu thật sự quán sát bốn lãnh vực nầy với sự chú tâm hoàn toàn, không xao lãng, và rõ ràng, chúng ta bắt đầu thấy rằng chúng luôn biến đổi với thời gian. Chúng chuyển biến, thay đổi từ phút này qua phút khác, khiến ta không thể bám vào khoảng khắc của chúng. Quán tưởng về bốn đối tượng không ngừng chuyển đổi nầy, ta sẽ thấy sự vô thường của vạn vật thể hiện trong chính sự hiện hữu của chúng ta.

Hơn thế nữa, chúng ta sẽ thấy rằng không có sự khác biệt giữa chúng ta và tha nhân. Mỗi người và tất cả chúng ta, là một tổng thể của thân, thọ, tâm và pháp. Hiểu được như thế, chúng ta sẽ trở nên đồng cảm với người khác. Lòng ganh tỵ và chia rẽ sẽ tan dần, và được thay thế bằng lòng bi mẫn và tâm từ bi.

Nhưng đó không phải là điều dành cho một đứa trẻ mười hai tuổi đang trong buổi lễ xuất gia của mình –tất cả những điều đó, vẫn còn là một mục đích xa vời trong ngày mà chú sadi nhận chủ đề thiền quán đầu tiên của mình. Các vị trưởng lão cũng có thể hướng dẫn cho các chú sadi đến bất cứ lãnh vực nào của tứ niệm xứ, nhưng họ luôn chọn thân, vì lãnh vực đó rất dễ, ngay chính người sơ cơ cũng có thể cảm nhận. Thân thì, có thể nói là ở ngay đây, với tất cả những ham muốn, đau khổ, kiêu mạn phát khởi ngay nơi thân. Nhưng khi quỳ gối trước thầy tôi, tôi hoàn toàn mù mịt về những gì tôi sẽ tu tập sau nầy, về niệm xứ đầu tiên nầy.

Vị lão sư bỏ mấy lọng tóc vào lòng bàn tay tôi. Đó là dấu hiệu để một vị tăng trẻ bước đến, dẫn tôi ra ngoài để cạo hết phần tóc còn lại trên đầu tôi.

Nghi lễ cạo tóc, biểu tượng của một người tu sĩ từ bỏ những bám víu vật chất thế gian, lúc nào cũng được diễn ra ở nơi kín đáo, tránh xa sự chứng kiến của các cư sĩ. Khi đầu tôi đã được cạo sạch trơn, tôi đi tắm ở giếng chùa, sau nhà bếp. Sau đó tôi mặc lại bộ quần áo trắng.

Khi quay lại phòng họp, tôi đội trên đầu một bọc vải đã được xếp lại -đó là y của tôi. Tôi quỳ trước thầy tôi. Tụng bằng tiếng Pali, tôi thỉnh cầu Sư chấp nhận bộ y mà tôi có, và truyền giới cho tôi làm sadi, để tôi có thể chấm dứt mọi khổ đau và đạt được Niết Bàn.

Tôi lạy ba lạy nữa.

Rồi Sư Sumanatissa làm lễ quy y tam bảo và truyền mười giới là những đạo đức căn bản trong cuộc sống mới của tôi. Sư đọc tụng bằng tiếng Pali và tôi lập lại theo Sư:

Con nguyện quy y Phật.

Con nguyện quy y Pháp.

Con nguyện quy y Tăng.

(Được tụng ba lần)

Con xin giữ giới không sát hại.

Con xin giữ giới không trộm cắp.

Con xin giữ giới không tà dâm.

Con xin giữ giới không nói dối.

Con xin giữ giới không uống rượu và các chất gây nghiện.

Con xin giữ giới không ăn sái giờ.

Con xin giữ giới tránh xa sự múa hát, chơi các nhạc cụ, xem múa hát.

Con xin giữ giới không đeo tràng hoa, thoa nước thơm, trang điểm, làm đẹp thân thể.

Con xin giữ giới tránh xa chỗ nằm ngồi quá cao sang và đẹp đẽ.

Con xin giữ giới không nhận vàng bạc.

Sau khi đọc tụng những lời này, tôi thỉnh cầu thầy tôi hãy chia sẻ công đức mà tôi đã có được do xuất gia: “Bạch Sư, xin hãy hoan hỷ chấp nhận mọi công đức mà con đã có được, và cho phép con được chia sẻ những công đức của Sư.”

Rồi tôi đảnh lễ Sư ba lần, cũng như đảnh lễ tất cả các vị tăng sĩ khác.

Cuối cùng, Sư Sumanatissa ban cho tôi danh hiệu mới: Gunaratana, “Báu vật của Giới hạnh.”

Giờ thì tôi đã là một Sadi.

Tôi được cho một cái gối nhỏ và được ngồi giữa các tăng sĩ khác, dầu không được quá gần! Tôi ngồi xuống và một nhóm nhỏ các cư sĩ bước đến, mỗi người vái chào và đặt một món quà nhỏ trước mặt tôi. Có khăn lông, xà phòng, một cây dù -những đồ vật thật hữu dụng cho tôi trong cuộc đời mới, đơn giản này.

Ngày lễ được kết thúc với một bữa ăn thịnh soạn. Tôi cùng dùng bữa với các vị sư khác, ngồi trên sàn nhà. Thực phẩm do các cư sĩ cúng dường ở chùa chỉ dành cho các tu sĩ, vì thế trước đó tôi chưa bao giờ được phép nếm qua. Thiệt là ngon.

Ngày hôm đó thực sự là một cao điểm trong cuộc đời tôi. Tất cả mọi thứ đều tuyệt vời, chỉ trừ một việc: người mẹ thương yêu của tôi vắng mặt. Tôi nhớ mẹ rất nhiều.

Hai tuần sau đó tôi được về thăm mẹ. Bà quá đỗi vui mừng được gặp lại đứa con trai út của mình, giờ với chiếc đầu cạo bóng, mình mặc bộ y màu vàng của một vị tu sĩ xuất gia.

Bà trải một cái khăn sạch dưới chân tôi, và đau đớn quỳ xuống để vái chào tôi. Cả ba lần, trán bà đều chạm xuống khăn.

Ngược lại với ngày tôi rời nhà ra đi, khi ấy tôi đã lạy chào mẹ. Giờ mẹ lại bày tỏ lòng kính trọng đối với tôi. Thật là một giây phút xúc động mãnh liệt cho cả hai chúng tôi.

“Chú tiểu đáng yêu của mẹ,” mẹ nói, mắt rướm lệ, “con không bao giờ được hoàn tục. Cuộc đời tu sĩ là tốt nhất cho con. Đó là một cuộc sống giải thoát. Đừng bao giờ nghĩ đến việc bỏ tu.”

Kể từ ngày hôm đó, mỗi lần tôi về thăm nhà, mẹ tôi đều lặp lại nghi lễ và lời căn dặn đó, lúc nào cũng nói, “Con trai, đừng bao giờ bỏ tu.”

Sau lễ xuất gia, cuộc sống ở chùa lý ra phải thay đổi, vậy mà không phải thế. Vẫn còn những bài kinh phải học, các công việc phải làm, những hình phạt phải hứng chịu. Tuy nhiên các bữa ăn thì khác. Giờ, theo giới luật, tôi không được ăn sau giờ ngọ. Căn bản là chúng tôi có một bữa ăn chính trong ngày. Bữa ăn có được bằng việc đi khất thực quanh làng. Là người vừa mới xuất gia, đó là nhiệm vụ của tôi.

Mỗi ngày, sau khi xong việc buổi sáng, tôi rời chùa khoảng chín giờ ba mươi sáng. Một bình bằng đồng to, khoảng cỡ một nồi xúp, được máng vào một miếng vải to bản, treo quanh cổ tôi, miệng bình được đậy lại bằng vải cotton.

Bổn phận của tôi là thọ nhận thức ăn cho cả hai, sư trưởng và tôi, từ mỗi nhà trong sáu mươi hay khoảng đó nhà trong làng. Dân làng đứng trước cửa nhà họ, với những tô cơm hay rau hay bánh ngọt trong tay. Khi tôi chậm rãi bước qua, trong im lặng và tránh giao tiếp bằng mắt, họ sẽ đặt một muỗng đầy thực phẩm cúng dường của họ vào bình bát của tôi.

Ngày nay, việc khất thực vẫn còn được thực hành ở các làng khắp Á châu. Thật là một cảnh tượng đẹp đẽ - một hàng dài các tu sĩ đi trong im lặng, chân trần và dừng lại trước nhà của các cư sĩ. Dân làng thành kính chấp tay vái chào khi đặt thức ăn vào bình bát. Không một lời trao đổi.

Sự thực hành này là một truyền thống lâu đời được áp dụng để tạo ra sự liên hệ tương quan giữa người tu và cư sĩ. Các tu sĩ, những người vì giữ giới không nấu ăn, tiếp nhận sự nuôi dưỡng từ các cư sĩ. Người cư sĩ, bằng cách cúng dường thực phẩm cho người tu, được công đức tâm linh và hỗ trợ sự tiếp nối con đường của Đức Phật.

Nhưng đối với tôi, việc đi khất thực bao giờ cũng đầy căng thẳng. Tôi phải đến tất cả sáu mươi nhà và trở về chùa đúng mười một giờ sáng. Nếu tôi chỉ trễ năm phút, thầy tôi cũng nhất quyết không ăn. Giới luật đặt ra cho người tu là phải xong bữa trước ngọ, và thầy tôi không muốn phải ăn một cách hối hả. Vì thế tôi phải nhanh chân đi qua làng, không dám thiếu sót nhà nào, vì như thế sẽ khiến cho người ở nhà đó không được có công đức cúng dường thực phẩm, rồi họ sẽ than phiền với thầy tôi và tôi sẽ bị quở phạt.

Trong làng có rất nhiều chó, chúng cũng đói. Khi nhìn thấy một đứa trẻ mang bình bát đầy thức ăn nóng sốt, thơm lừng, chúng trở nên rất hung tợn. Tôi cố gắng xua đuổi chúng bằng cây dù tôi mang theo để bảo vệ tôi khỏi ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Nhưng tôi khó mà thành công.

Đôi khi tôi cố gắng chạy trốn lũ chó, nhưng với chiếc bình bát nặng treo quanh cổ, điều đó không dễ dàng. Không thể tránh được tôi bị vấp ngã, đổ thức ăn ra đất. Lũ chó sẽ rượt theo tôi, gầm gừ cắn táp. Nhiều khi tôi trở về chùa với đôi chân chảy máu và một bình bát chỉ còn một nửa đồ ăn.

Vài người dân làng hình như cảm thấy tội nghiệp cho tôi. Bất cứ khi nào có một con chó nào đó cắn tôi, vài ngày sau họ sẽ đến chùa và tuyên bố rằng con chó đó đã “chết”. Kết cục như thế không phải là điều tôi muốn xảy ra chút nào, nhưng dù sao nó cũng đã xảy ra.

Mỗi ngày sau bữa ăn, tôi phụ hai cậu bé ở chùa dọn dẹp nhà bếp, rồi tôi phải đi bộ gần ba cây số để đến một ngôi chùa ở làng kế bên, nơi vị trụ trì ở đó sẽ dạy tiếng Pali cho tôi. Tôi có thể học thuộc kinh một cách dễ dàng, vì thế vị thầy này rất thích tôi. Rồi sau buổi học, tôi lại nhanh chóng trở về chùa của tôi, để làm các công việc trong chùa và công phu chiều, một nghi lễ tán tụng các phẩm chất của Phật, Pháp, và Tăng.

Sau buổi lễ, chúng tôi dùng trà và tôi phải học tiếp nữa. Thường chúng tôi đi ngủ lúc chín giờ ba mươi tối. Chuông đánh thức sẽ nổi lên lúc bốn giờ sáng hôm sau.

Giống như cha tôi, Sư Sonuttara rất nóng tính. Sư dùng ngôn ngữ không tế nhị để chửi rủa tôi và mấy cậu bé trong chùa. Nếu chúng tôi phạm bất cứ điều luật gì, hay xao lãng công việc hàng ngày, dù chỉ chút ít, Sư cũng không ngần ngại gì để đánh chúng tôi với bất cứ thứ gì trong tầm tay: đá, roi, gạch, chổi, hay ngay cả dao.

Vì thế tôi hết sức cố gắng để tuân theo các luật lệ. Ngay khi vừa thức dậy lúc bốn giờ mỗi sáng, tôi bắt đầu chuẩn bị điểm tâm và đun nước. Đến năm giờ, thầy tôi cần nước để rửa mặt. Sau đó tôi phải đi hái hoa tươi và chưng trên bàn thờ, chuẩn bị cho công phu buổi sáng lúc năm giờ rưỡi.

Điểm tâm sẽ phải sẵn sàng đúng sáu giờ. Sư Sonuttara muốn mấy cái đĩa cho chó ăn phải để cạnh bên chỗ sư ngồi, để chính tay sư có thể cho chúng ăn. Chúng tôi không được ăn cho đến khi sư đã dùng xong, rồi chúng tôi phải ngốn vội thức ăn để có thể nhanh chóng bắt tay vào các nhiệm vụ khác. Sau khi đã thọ giới làm sadi, tôi được phép ngồi cạnh sư để ăn, nhưng sư ngồi trên ghế với đĩa thức ăn trên bàn. Tôi ở gần bên, ngồi trên sàn nhà, với đĩa đồ ăn để trên một chiếc ghế đẩu thấp trước mặt tôi.

Khi tôi đi khất thực về lúc mười một giờ, chúng tôi lại trải qua một nghi lễ tương tự để phục vụ buổi trưa, rồi ngốn vội bữa ăn của chính mình.

Một giờ trưa là lúc thầy chúng tôi phải có trà trên một chiếc bàn đặc biệt. Sau đó tôi đi qua chùa kia để học tiếng Pali, và không được về trễ hơn ba giờ chiều.

Vườn cây và hoa phải được tưới xong lúc năm giờ rưỡi, sau đó tôi có thì giờ để vội vã đi tắm, trước thời khóa tụng kinh buổi chiều lúc sáu giờ. Sáu giờ rưỡi, tôi châm trà cho Sư. Bảy giờ tôi trả bài thuộc lòng cho sư. Sau đó, tôi chuẩn bị trầu cau cho sư ăn lúc bảy giờ rưỡi. Rồi là dọn dẹp lần cuối trước khi đi ngủ.

Vào ngày rằm và mùng một, chúng tôi rất thích được khỏi làm những công việc hàng ngày nầy. Thay vì là các lao động chân tay, chúng tôi trở thành chủ đối với những người dân làng đến để ở lại chùa vào ngày đặc biệt đó. Phần đông họ là những người già cả, không biết đọc hay viết. Ở hầu hết các chùa, quý sư sẽ đọc các câu chuyện Jataka và giải thích về ý nghĩa quan trọng của chúng cho các cư sĩ nghe.

Jataka là những câu chuyện về tiền thân của Đức Phật. Cả bộ sách có khoảng 550 câu chuyện. Mỗi câu chuyện biểu hiện lại cho ta thấy Đức Phật trong những kiếp sống trước đã có các phẩm chất cao thượng như thế nào: rộng lượng, đạo đức, xả ly, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, kiên quyết, từ bi, và hỷ xả. Đôi khi trong các câu chuyện nầy, Đức Phật có thể ở trong kiếp thú; nhưng Ngài luôn là một vị Bồ Tát, hay người ở trong giai đoạn chuẩn bị thành Phật.

Vì đã học đến lớp bốn, tôi trở thành như là một người hùng đối với những người dân làng thất học đến chùa. Họ thích lắng nghe tôi đọc các câu chuyện bằng cái giọng mới lớn, như con gái.

Một ngày kia, tôi nhớ đang kể một câu chuyện từ tiền thân của Đức Phật. Tôi nói rằng sau khi rời cung điện của vua cha và cắt tóc, hoàng tử Siddhattha trở thành một nhà tu khổ hạnh. Ngài quấn y vàng quanh người và khất thực trong bình bát.

Một trong những người dân làng đang lắng nghe, một ông lão giống như ông nội tôi, nói, “Này chú tiểu, tôi nghĩ chú sai rồi. Y vàng và bình bát chưa có mặt trên thế gian này cho đến khi thái tử Siddhattha trở thành Phật và bắt đầu thiết lập Tăng đoàn.”

Tôi trả lời ông: “Thưa ông, cái bình bát trong tiếng Phạn là patra, có nghĩa là bất cứ một đồ chứa gì có nắp ở trên. Chắc chắn rằng những vật dụng như thế đã được sử dụng trước khi Đức Phật có mặt. Những người ăn xin thường sử dụng chúng. Và tiếng Phạn cho y vàng là kashaya vastra, để chỉ bất cứ mảnh vải vàng nào. Vậy tại sao thái tử Sidhattha không thể quấn y áo màu vàng?”

Theo tôi nhớ, câu trả lời của tôi đã làm ông lão rất vừa lòng.

Nhưng không phải mọi thứ ở chùa đều trôi chảy như thế. Một ngày kia mấy cậu bé trong chùa, chúng đều lớn hơn tôi, mời tôi hút thuốc với chúng. Tôi hút, và thế là một thói quen nghiện hút đã thành hình. Chúng tôi không có tiền để mua thuốc lá, vì thế chúng tôi đã lấy cắp thuốc lá từ phòng của sư trưởng, nơi sư cất để khi nhai trầu, sư trộn với trầu cau.

Chúng tôi cuộn thuốc lá trong những mảnh giấy báo và bí mật hút. Thỉnh thoảng sư bắt gặp chúng tôi hút thuốc và đánh chúng tôi vì tội đó. Nhưng điều đó cũng không làm chúng tôi suy chuyển; chúng tôi chỉ trở nên cẩn thận hơn để không bị bắt gặp.

Một ngày kia sau khi khất thực trở về, tôi đốt một điếu thuốc ve tròn nhỏ trong nhà bếp và bắt đầu hút. Thầy tôi xuất hiện, đang bưng một cái thau trên đường ra giếng tắm.

Sư dừng lại, nhìn thẳng vào tôi: tôi đã bị bắt quả tang. “Sư sẽ không đánh con lần này,” ông nói. “Nhưng nếu Sư bắt gặp con hút lần nữa thì sư sẽ phải làm gì với con? Con nói cho sư nghe đi.”

Tôi nghẹn lời. Sự giận dữ của thầy tôi rất đáng sợ. Tôi biết là chỉ có một câu trả lời cho câu hỏi đó.

“Nếu Sư thấy con hút thuốc lần nữa, Sư đánh con bao nhiêu cũng được,” tôi trả lời.

Nhưng tôi không bỏ thuốc được; tôi đã bị ghiện mất rồi. Vài tuần sau tôi lại bị sư bắt gặp. Sư Sonuttara đánh tôi bằng tay không.

Sau đó, sư khoá thuốc lại để chúng tôi không thể lấy cắp. Lần nữa, chúng tôi cũng không nản lòng mà chỉ trở nên mưu chước hơn: chúng tôi bán dừa, khăn lông, khăn tay, và gạo, bất cứ thứ gì đến tay chúng tôi -thường là vật thực của cư sĩ cúng dường- để mua thuốc lá.

Khi gần đến tuổi dậy thì, tôi cảm thấy rất muốn được độc lập. Tôi không còn quá sợ những cơn giận không đoán trước được của Sư Sonuttara. Những hình phạt quá khắt khe của Sư dường như bất công và tàn nhẫn quá nên tôi bắt đầu oán hận sư.

Tôi cũng bắt đầu cảm thấy tôi không được học hành đầy đủ. Tôi đã mười ba tuổi mà chỉ mới học xong lớp bốn -một thành đạt trong những ngày đó, nhưng đối với tôi vẫn chưa đủ. Cả thầy tôi lẫn vị sư ở chùa làng bên, người dạy tôi tiếng Pali, đều không được học hành đàng hoàng. Tôi muốn học thêm nữa, một ước muốn theo tôi suốt đời.

Tôi bắt đầu cảm thấy ở chùa giống như ở tù. Đây không phải là đời sống tôn giáo huy hoàng mà tôi đã mơ tưởng đến.

Một ngày, sau khi thọ trai, Sư Sonuttara đi nghỉ trưa. Một trong mấy cậu bé kia muốn hái trái cam trên cây bên ngoài phòng Sư. Nó bắt đầu chọi đá lên cây để trái cam rụng xuống.

Tiếng động đánh thức thầy chúng tôi. Sư bước ra khỏi phòng, giận dữ muốn biết ai là người đã làm huyên náo. Cậu bé bảo đó là tôi, là tôi đã chọi đá.

Và bỗng nhiên lúc đó tôi cũng nổi giận. Tôi hỏi cậu bé, bằng thứ ngôn ngữ rất khó nghe, tại sao nó nói dối Sư. Sư Sonuttara quay qua tôi. Sư bảo tôi vô lễ. Sư bảo sư không cần biết ai đã chọi đá, nhưng vì tôi vô lễ, tôi là người phải bị phạt.

Sư với lấy cây chổi và đánh tôi tới tấp, cho tới lúc tôi ngã ra sàn nhà. Tôi không còn thở nổi.

Đó là giọt nước tràn ly cho tôi.

Chiều hôm đó, tôi thu gom sách vở như thường lệ khi tôi phải đến chùa Kebilitigoda học tiếng Pali. Tôi bắt đầu ra cửa, đúng lúc thầy tôi và những đứa trẻ khác đi về hướng phía sau chùa, để đào một nhà vệ sinh mới. Tôi canh cho họ đi qua, rồi tôi lặng lẽ trở vào bên trong, vứt sách xuống.

Tôi vào phòng nơi mấy cậu bé ở chùa để đồ, tóm lấy một cái áo chemise và xà rông trắng. Không một chút nuối tiếc, tôi cởi y ra rồi mặc áo chemise và xà rông vào.

Một niềm hưng phấn trỗi dậy trong lòng, tôi lẻn ra cửa trước chùa, bước qua cổng hàng rào dây thép, đi trên con đường gồ ghề.

Tôi không còn là một chú tiểu nữa. Tôi đã được tự do.


Chương 3. Một Cuộc Chạy Trốn

Khi cởi bỏ y áo rời chùa, trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ: về nhà.

Tuy nhiên, trước hết, tôi ghé qua nhà chị gái. Anh rể tôi hình như chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy tôi. Anh đã nghe kể về những khó khăn của tôi, nên anh mỉm cười nói: “Em rời chỗ đó là đúng rồi. Cứ ở đây một lúc, anh sẽ tìm cho em một ngôi chùa khác.” Nhưng tôi lo sợ rằng nếu tôi ở đó, đại đức Sonuttara sẽ đến tìm tôi. Vì thế tôi chạy về nhà cha mẹ tôi.

Mẹ tôi bị sốc khi nhìn thấy tôi. Bà hỏi tại sao tôi bỏ chùa, vì thế tôi kể cho mẹ nghe những gì đã xảy ra. Bà không nói gì nhiều, chỉ bắt đầu khóc.

Buổi tối cha tôi từ ngoài ruộng lúa trở về nhà. Tôi kể với ông về những sự ngược đãi mà tôi đã phải chịu đựng ở chùa. Nhìn nét mặt cha, tôi biết rằng ông không tin tôi, nhưng ông vẫn giữ bình tĩnh. Các anh chị em tôi, tất cả đều rất vui được gặp lại tôi, nhưng không ai nói gì nhiều. Họ chỉ chấp nhận sự có mặt của tôi ở đó.

Tuy nhiên, tất cả chúng tôi dường như đều biết rằng việc này không thể kéo dài lâu hơn. Việc nhà sư cởi bỏ y áo là điều cấm kỵ. Nó sẽ mang lại những điều bất hạnh, hay ngay cả sự tủi nhục, cho cả gia đình.

Ngay chiều hôm sau, thầy tôi đã có mặt ở nhà tôi. Cha mẹ tôi, vì lòng kính trọng đối với tăng sĩ, đã không đòi ông giải thích tại sao tôi phải chạy trốn khỏi chùa. Họ giả vờ như không biết bất cứ điều gì đã xảy ra.

Sau vài phút chuyện trò xã giao, sư Sonuttara yêu cầu tôi trở về chùa với ông. Tôi nhìn cha mẹ, cầu khẩn trong im lặng sự giúp đỡ của họ, hy vọng rằng họ sẽ đứng lên để bảo vệ tôi, và nói rằng họ muốn tôi ở nhà với họ.

Nhưng không ai nói gì trong những giây phút đó. Hoàn toàn im lặng. Cha mẹ hình như không dám nhìn tôi. Sau đó thầy tôi lặp lại yêu cầu của ông.

Cha tôi gật đầu, nói nhỏ, “Con phải đi theo Thầy.”

Tim tôi chùn xuống. Tôi biết rằng nếu tôi cố ở lại, thì cha tôi cũng sẽ dùng sức mạnh để bắt tôi về chùa ngày hôm sau, hay ngày hôm sau nữa. Và tôi không muốn mang lại sự tủi nhục cho gia đình.

Vì thế tôi ra đi theo sư Sonuttara. Ngay khi chúng tôi trở lại chùa, Sư lại làm lễ xuất gia cho tôi lần nữa, trong một buổi lễ kém quan trọng hơn lần đầu rất nhiều. Lần thứ hai trong cuộc đời, tôi lại mặc lên mình bộ y vàng. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng lần này nó sẽ tốt hơn.

Sư Sonuttara, thầy tôi, là một thành viên của hội đồng Tăng già, bộ phận quản lý tông phái của chúng tôi, phải trải qua một tháng giữa rằm tháng sáu và rằm tháng bảy ở Kandy. Trong tháng đó, hội đồng Tăng già tổ chức các buổi lễ thọ đại giới cho các sadi, đôi khi truyền giới tỳ kheo cho đến ba mươi vị trong một ngày. Trong lúc thầy tôi vắng mặt, tôi đảm nhiệm việc quản lý chùa, dầu rằng tôi chỉ mới mười ba tuổi và hãy còn là một Sadi.

Một ngày kia, khi thầy tôi vắng mặt, và tôi coi sóc chùa, có một người đàn ông đã đến chùa xin cam. Chúng tôi có hai cây cam trong khuôn viên chùa, vì thế khi nào dân làng cần cam, họ đến xin chúng tôi. Anh ta trả cho tôi khoảng gần một rupee, tương đương với khoảng hai mươi lăm xu tiền Mỹ.

Một trong những đứa trẻ ở chùa đã đi Kandy với sư Sonuttara, vì thế chỉ còn một đứa ở lại với tôi, tên là Hinnimahattaya. Thường thì chúng tôi chia sẻ với nhau mọi thứ, giống như cặp bài trùng. Vì thế ngay khi người đó đã ra đi với một bao cam, Hinnimahattaya đòi tôi phải chia phần cho hắn.

"Ông ta chỉ đưa cho tôi hai mươi lăm xu," tôi nói với Hinnimahattaya, "mà trong đó chúng ta phải mua đường, trà, và một ít dầu cho đèn tối nay."

Hinnimahattaya rất bực mình. Hắn xổ ra một tràng chửi rủa tục tĩu, nên tôi đánh hắn một trận.

Một lần khác, chúng tôi không còn diêm để đốt đèn dầu. Tôi bảo Hinnimahattaya chạy qua nhà hàng xóm mượn đốm lửa. Đó là việc rất thường vào thời ấy, ‘đi mượn’ lửa từ nhà hàng xóm.

Nhưng Hinnimahattaya từ chối không đi. Nên tôi đe dọa hắn: nếu hắn không đi lấy lửa, tôi sẽ không chia cho hắn nửa điếu thuốc của tôi. (Thường thì chúng tôi chia nhau thuốc hút; tôi sẽ hút một nửa rồi đưa cho hắn một nửa.) Nhưng Hinnimahattaya không nghe. Nó thà là không có nửa điếu thuốc hơn là phải chạy đi công việc.

Vì thế tôi phải tự đi, và khi tôi trở lại với cây lửa, tôi đốt một điếu thuốc. Hinnimahattaya nhìn tôi nôn nóng. Khi điếu thuốc vừa hết một nửa, nó đòi tôi chia phân nửa còn laị.

"Hãy quên đi," tôi nói. "Luật là luật. Tao đã phải chạy đi lấy lửa, thì mầy đừng hòng được hút chút thuốc nào.’

Hinnimahattaya bắt đầu chửi rủa tôi. Quá tức giận, tôi đẩy nó vào tường, rồi dí thuốc vào hai khóe miệng của nó.

Cũng có chuyện xảy ra nữa là, trong lúc Thầy tôi đi Kandy, có vài thiếu niên trong làng lên chùa ở với chúng tôi. Chúng tôi bày ra nhiều trò chơi. Dĩ nhiên là một sadi, đáng lý ra tôi không được tham dự những trò chơi này, nhưng ai mà biết được khi thầy không có ở nhà?

Một trong những trò chơi mà chúng tôi rất thích, được gọi là panca ganahava, có nghĩa là ‘trò chơi năm số’. Chúng tôi thấy các vỏ sò trên sàn nhà và tính điểm tuỳ thuộc vào số vỏ sò lật úp hay ngửa.

Một ngày kia người hàng xóm kế bên đến, bảo rằng anh ta muốn dạy chúng tôi chơi đánh bài. Anh ta chỉ cách chơi, và tất cả chúng tôi đều thích. Anh ta cho chúng tôi thắng liên tiếp mấy ván, rồi nói, "Nếu mấy em có tiền, thì đặt cược trong ván bài này. Hôm nay là ngày may mắn của mấy em. Mấy em chắc sẽ thắng."

Tôi nói rằng tôi chỉ có một rupee. Anh ta nói, "Tốt. Hãy chơi bằng tiền."

Tôi cá đồng rupee của mình và lập tức ăn được thêm hai cái nữa! Tôi khoái quá. Anh ta khuyến khích tôi chơi nữa. Dĩ nhiên, sau đó tôi thua. Người hàng xóm bỏ túi ba đồng rupee rồi ra về, mỉm cười.

Vậy là kết thúc sự nghiệp cờ bạc ngắn ngủi của tôi, và tôi đã được một bài học chỉ trong lần thử duy nhất đó.

Chiều hôm đó thầy tôi từ Kandy trở về, việc đầu tiên sư làm là xem xét cái tô chúng tôi dùng đựng thức ăn cúng Phật trong chánh điện. Chúng tôi đã được dặn là phải rửa sạch nó mỗi ngày trước ngọ.

Ngày hôm đó, sư Sonuttara thấy là nó vẫn còn đầy thức ăn lúc một giờ trưa. Lúc đó tôi đang ở trong bếp, chuẩn bị trà cho sư. Sư gọi tôi và tôi bước ra khỏi nhà bếp, bắt đầu bước xuống những bậc thềm để vào gian nhà chính.

Bỗng nhiên tôi thấy một vật đang bay về phía mình -cái tô đựng thực phẩm trong chánh điện! Thầy tôi quá giận đến nỗi ông đã liệng cái tô về phía tôi ngay trước khi hỏi tại sao nó vẫn còn đầy. Cái tô trúng ngay trán tôi, rất mạnh, và tôi ngã xuống đất, chảy máu đầu.

Cho đến ngày nay tôi vẫn còn vết thẹo trên trán.

Thầy chúng tôi cũng thấy vết bỏng quanh miệng của Hinnimahattaya.

"Đã xảy ra chuyện gì?" Sư hỏi tôi.

Tôi đã dặn Hinnimahattaya không được nói với thầy về vụ hút thuốc. Nếu nó nói, cả hai chúng tôi sẽ bị phạt vì đã hút thuốc. May mắn thay, Hinnimahattaya đã không nói gì.

Tôi thưa với sư Sonuttara rằng thằng bé đã chửi tôi, vì thế tôi châm lửa vào miệng hắn để phạt. Ngạc nhiên thay, hình như Sư đã tin như thế, nên không nói gì thêm nữa.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những trường hợp hiếm hoi mà tôi có thể trốn tránh tội mình. Tánh thầy tôi nóng nảy, ít khi kiềm chế được, và việc đánh đập vẫn tiếp diễn, đôi khi chỉ vì những sự vi phạm luật lệ nhỏ nhặt nhất. Sư là một nhà độc tài, và chúng tôi phải thi hành tất cả mệnh lệnh của sư mà không được thắc mắc hay bàn cãi.

Ngoài tính độc đoán và nóng nảy, sư Sonuttara thật sự cũng có những điều tử tế. Đặc biệt, sư rất thương thú vật; đó là lý do tại sao sư cho tất cả đám mèo chó hoang trong vùng được ăn. Và nếu có những người bệnh tìm đến chùa để nhờ giúp đỡ, sư cũng cho họ thuốc, miễn phí. Thỉnh thoảng có những đứa trẻ trong chùa chạy trốn, đem theo một vật gì đó có giá trị, như là một cây đèn dầu bằng đồng hay ngay cả một trong những bức tượng Phật.

"Hãy tha cho nó," thầy tôi sẽ nói. "Nó cũng nghèo. Nó có thể bán những thứ đó để kiếm chút tiền. Chúng ta có thể mua cái khác để thay cho cái đã bị lấy đi."

Giờ xét lại những hành động của sư Sonuttara, tôi nghĩ rằng sư thực sự chỉ muốn tôi trở thành một người tu sĩ tốt, không bị lôi cuốn theo các bản năng của tuổi trẻ, chỉ muốn được tự do, độc lập. Và sư ‘khuyến khích’ thiện tánh bằng cách dùng những hình thức trừng phạt phổ biến thời đó: sự đánh đập.

Dĩ nhiên, tôi không thể hiểu được như thế cho đến mãi sau này, khi tôi đã trưởng thành. Còn lúc tôi là sadi, sống ở chùa của sư, thì tôi rất khổ đau. Tôi luôn bị hành hạ dưới sự cai quản của sư.

Đến một lúc, tôi bắt đầu bàn với một trong những đứa trẻ ở chùa về việc bỏ trốn. Nó cũng rất bất mãn. Cả hai chúng tôi đều để dành tiền, và tích trữ đèn cầy, chúng tôi dự định đêm nào đó sẽ bỏ trốn. Một ngày kia cả hai chúng tôi đồng ý sẽ trốn đi đêm đó. Ngày hôm đó cả hai chúng tôi đều làm việc chăm chỉ hơn ngày thường, cố gắng làm vừa lòng sư để ông không nghi ngờ gì.

Đêm đó, sau khi mọi người trong chùa đã đi ngủ, tôi cởi y ra, mặc trở lại áo sơmi và xà rong. Tôi và người bạn đồng lõa lén lút ra đi bằng cửa sau.

Trước hết chúng tôi phải đi qua một nghĩa trang, là việc cả hai đều rất sợ. Rồi chúng tôi đi trên một chiếc cầu gỗ bắc qua một con suối nhỏ. Chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện từ dân địa phương, rằng đây là nơi mà những con quỷ dữ và chằng tinh thường ăn thịt người. Truyền thuyết cũng nói rằng dấu hiệu đầu tiên về sự có mặt của chúng, sẽ là một con chó đen to lớn.

Thông thường, nếu người ta phải đi qua chiếc cầu đó, họ sẽ đi thành từng nhóm, mọi người sẽ nói lớn tiếng, và cầm những bó đuốc cháy bùng để xua đuổi lũ quỷ. Nhưng vì đang chạy trốn, chúng tôi phải im lặng và không thể đốt đèn cầy mà chúng tôi đã mang theo mình, vì sợ rằng ai đó sẽ phát hiện ra chúng tôi.

Chúng tôi đi qua cầu đúng lúc giữa đêm. Chúng tôi run rẩy, miệng khô đắng. Tóc dựng đứng. Chúng tôi không thể nói lời nào với nhau, chỉ chầm chậm bước đi trong bóng tối dày đặc.

Thình lình, một con chó đen to lớn hiện trước mặt chúng tôi, và tim tôi bắt đầu đập mạnh hơn. Rồi cả hai chúng tôi đều bị tát vào mặt, mạnh đến nỗi suýt té khỏi cầu, và rơi xuống nước.

Thì ra con chó đen to lớn đó là con chó ở chùa và những cái tát tay là của thầy chúng tôi, người đã nghe được chúng tôi lén lút trốn đi ở cửa sau, nên đã đi theo chúng tôi đến tận cây cầu. Theo lệnh của ông, chúng tôi đành theo ông trở lại chùa, nơi tôi lập tức được thọ giới lần thứ ba, giữa đêm khuya.

Không có một đứa trẻ nào khác ở chùa biết về chuyện này, cả dân làng cũng thế. Ngày hôm sau, mặc trở lại chiếc áo người tu, tôi ôm bình bát vào làng để khất thực như lệ thường.

Khi tôi được mười lăm tuổi hay khoảng đó, tôi bắt đầu để ý đến một cô gái trong làng khoảng tuổi tôi. Mỗi ngày cô đứng trước cửa nhà khi tôi ôm bình bát đi ngang qua. Cô cao gần bằng tôi, với mái tóc đen dài. Cô cũng có khuôn mặt tròn như tôi, với màu da trắng hơn da của người Sinhala bình thường, và một hàm răng hoàn hảo được phô bày mỗi khi cô cười. Theo tôi cô rất đẹp. Một ngày kia, khi cô bỏ gạo vào bình bát của tôi, chúng tôi thầm thì trao đổi vài lời ngắn ngủi -một điều rất trái với giới luật người tu.

Tối hôm đó, khi ra giếng tắm, tôi cố ý va mạnh chiếc thùng vào thành giếng để gây tiếng động đủ lớn cho cô có thể nghe thấy từ nhà. Đó là tín hiệu mà chúng tôi đã đồng ý với nhau.

Chỉ một lúc sau cô đã chạy ra giếng, mang theo một chiếc bình như thể cô cần lấy thêm nước. Tôi rất sung sướng thấy cô đến.

Chuyện như thế kéo dài khoảng mười ngày. Tôi sẽ va thùng vào giếng; cô ta sẽ chụp lấy bất cứ bình nước nào trong nhà và nếu nó còn đầy nước thì cô sẽ đổ nước đi để có lý do ra giếng. Dầu còn e dè chưa dám bày tỏ tình cảm thân thiết dành cho nhau, nhưng chúng tôi cũng có những buổi chuyện trò rất lâu, rất dễ thương, và càng ngày chúng càng dài hơn. Tôi kể với cô rằng cuộc sống ở chùa giống như ở tù. Chúng tôi cũng nói chuyện người khác trong làng. Cô kể cho tôi nghe về cuộc sống ở nhà cô.

Dần dần thầy tôi cũng bắt đầu thắc mắc tại sao tôi tắm quá lâu, và một ngày ông ra đó xem, bắt gặp chúng tôi đang nói chuyện và cười đùa.

Dĩ nhiên là ông rất giận. Tăng sĩ ở bất cứ độ tuổi nào cũng không được tiếp xúc thân mật với nữ giới. Ông cấm cô gái không được ra giếng khi tôi ở đó. Trở về chùa, ông nặng lời rầy la tôi, và ra lệnh cho tôi phải đi tắm trễ hơn, vào lúc mà ông nghĩ rằng sẽ quá trễ cho cô gái ra giếng.

Thực ra, điều đó còn tốt hơn vì tôi biết rằng chúng tôi sẽ được trò chuyện kín đáo lúc đêm khuya, khi không ai có thể thấy chúng tôi bên nhau. Vì thế chúng tôi tiếp tục những cuộc gặp gỡ thầm lén này.

Dĩ nhiên, thầy tôi lại bắt gặp chúng tôi lần nữa, và lần này sự phản kháng của ông còn mạnh mẽ hơn. Ông cấm cô gái không bao giờ được ra giếng nữa. Ông dọa rằng ông sẽ báo cho cha mẹ cô biết về những hành động của cô.

Cô gái khóc, van xin ông đừng nói cho cha mẹ cô biết. Cô hứa không ra giếng nữa và cô đã giữ lời. Tôi chẳng bao giờ gặp lại cô nữa.

Giờ khi nhìn lại sự việc đó, sau nhiều năm học và thực hành pháp, tôi thấy rõ ràng là người ta không nên xuất gia quá sớm, như thường xảy ra vào thời của tôi. Trước hết họ cần được học thế học, được phép chơi thể thao, trò chơi, bạn bè và hội hè - tất cả những thứ mà người trẻ thường ham thích. Rồi khi đã trưởng thành, họ có thể chọn lựa một cách chín chắn về việc có nên xuất gia hay không. Gia nhập Tăng đoàn là một việc rất nghiêm trọng, và tôi không nghĩ rằng một người còn nhỏ tuổi có thể sẵn sàng chọn lựa một cách đúng đắn. Và cũng ít có đứa trẻ nào có thể chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng chấp nhận những gian khổ và trói buộc của đời sống xuất gia.

Cách suy nghĩ cũ xưa ở xứ tôi là các chú bé, với tâm nhạy bén trẻ trung, có thể học thuộc các thánh điển dễ dàng hơn là người lớn. Cá tính của chúng cũng có thể được uốn nắn và rèn luyện để có được phong thái tự tại của một tăng sĩ thiền định. Nhưng giờ tôi cũng không dám chắc rằng điều đó là đúng. Tôi cũng đã thấy rất nhiều người trưởng thành xuất gia ở tuổi trung niên hay lớn hơn thế nữa, sau khi đã lập gia đình, có con cái, và họ cũng là những tỳ kheo xuất sắc. Ngược lại, tôi cũng đã thấy rất nhiều vị tu sĩ xuất gia trước tuổi trưởng thành, vẫn tiếp tục cư xử như trẻ con.

Sau khi sư Sonuttara cắt đứt sự lãng mạn thân thiết của tôi với cô gái bên giếng, thì sự bất mãn với đời sống ở chùa trong tôi càng sâu nặng hơn. Tôi là một thiếu niên, với tâm tính bướng bỉnh và ước muốn được giáo dục một cách chính thống hơn là những gì mà thầy tôi có thể mang đến cho tôi. Tôi vẫn muốn làm người tu sĩ nhưng không phải dưới sự cai quản của vị thầy này. Tôi không thể tìm ra giải pháp nào ngoại trừ lại chạy trốn lần nữa, nhưng đi đâu chứ? Tôi biết rằng tôi không còn thể nào trở lại nhà được nữa. Cha mẹ tôi sẽ rất đau lòng nếu tôi lại hoàn tục. Tôi không thể mang lại sự tủi nhục cho họ nữa.

Vào khoảng thời gian đó, có hai cha con người kia đến sống ở chùa. Đứa con trai tên là Gunawardhena, và tôi với nó trở thành bạn tốt của nhau. Nó luôn nói với tôi rằng nó biết một nơi tốt hơn là chùa này, vì thế chúng tôi lại rấp tâm chuẩn bị chạy trốn với nhau. Lần này, tôi quyết định phải làm cho chắc ăn. Tôi phải chạy trốn làm sao mà không ai có thể tìm được tôi.

Vào ngày đã định, tôi nhờ người thợ hớt tóc trong làng cạo tóc cho tôi như thường lệ. Cả ngày hôm đó tôi luôn ở trong tình trạng phấn chấn với những dự tính của mình; và Gunawardhena cũng thế. Mười một giờ đêm hôm đó, tôi đi nhà vệ sinh, và khi trở lại tôi để cửa trước hơi hé mở.

Khoảng mười hai giờ rưỡi khuya, chúng tôi nghe tiếng sư phụ đã ngáy ngủ. Chúng tôi lấy một ít đèn cầy rồi xuống nhà bếp, nơi tôi lại cởi bỏ y áo và một lần nữa lại mặc vào chiếc áo sơ-mi và cái xà rong.

Rời khỏi khuôn viên chùa, chúng tôi đi về hướng ngược lại với hướng mà tôi đã đi trong lần chạy trốn trước. Với tất cả sức lực, chúng tôi chạy băng qua những ruộng lúa ra con đường chánh, cách đó khoảng ba cây số. Chung quanh chúng tôi chỉ có âm thanh của các con chim đi ăn đêm, cóc nhái, dế, và tiếng chó sủa ở đằng xa.

Khi ra đến đường lộ, chúng tôi bước chậm lại. Chẳng lâu sau chúng tôi thấy hai người cầm đèn tiến về phía chúng tôi. Đó là năm 1942, thời thế chiến thứ hai, và luật giới nghiêm đã được áp dụng ở khắp nơi trên Ceylon.

Gunawardhena run rẩy nói với tôi, không dùng pháp danh nhưng gọi tên thế tục của tôi. "Ukkubanda, đó là cảnh sát. Họ sắp tra vấn chúng ta với đủ các câu hỏi đây. Chúng ta phải nói với họ làm sao?"

Trong chớp mắt, tôi đã nghĩ ra một câu chuyện hoàn toàn tưởng tượng: "Hãy nói rằng mẹ tôi chết hôm qua, và đã sai người đến chùa nhắn tin với chúng ta. Chúng ta trễ chuyến xe buýt đi dự đám tang của bà, nên giờ chúng ta phải đi dọc theo đường, hy vọng sáng nay sẽ có thể bắt được chuyến xe buýt khác."

Mấy người cảnh sát đến gần, nhìn tôi một cách nghi ngờ. Tôi đã dùng một khăn tay cột quanh cái đầu không tóc của mình, và một cái nữa cột chung quanh cổ. Vì không có dây nịt, nên tôi lại dùng một cái khăn nữa cột ngang thắt lưng để giữ chiếc xà rong. Số đèn cầy trong tay tôi cũng được gói trong một chiếc khăn tay.

"Hãy nhìn thằng quỷ này," một người cảnh sát nói. "Cả người nó đầy khăn mùi xoa."

Họ tách tôi ra khỏi Gunawardhena và dẫn chúng tôi ra xa nhau khoảng mười thước, rồi hỏi mỗi đứa chúng tôi cùng một câu hỏi: Chúng tôi đi đâu giữa đêm hôm khuya khắt thế này?

Cả hai chúng tôi đều nói giống nhau, nên hai người cảnh sát để chúng tôi đi, không đá động gì đến chuyện giới nghiêm. Họ chỉ nói là khi đi chúng tôi cần phải đốt đèn cầy lên.

Hai tiếng sau chúng tôi đến Kurunegala, cách chùa khoảng hơn mười lăm cây số. Giờ thì chúng tôi cảm thấy an toàn hơn, vì chắc chắn rằng sư Sonuttara không thể nào đi theo chúng tôi xa đến vậy.

Khi trời bắt đầu sáng, chúng tôi tìm được một nơi trú ẩn bên đường, một trong những hình thức thường được biết đến như là những nhà nghỉ dành cho người hành hương. Căn lều có tường thấp, mái tranh, nền đất mà người ta trải chiếu nằm lên đó. Phần lớn, những căn lều thô sơ, trống trải này được người lữ hành sử dụng để tránh nắng mưa và mấy gã ăn mày dùng làm nơi nấu nướng bất cứ thứ gì mà họ đã cuỗm được.

Gunawardhena và tôi thật may mắn. Buổi sáng đó không có ai ở trong căn lều nọ. Mừng rỡ, chúng tôi nhào xuống đất và đánh một giấc ngay tức thì.

Vài giờ sau, chúng tôi thức dậy rửa mặt với nước giếng lạnh. Chúng tôi lại bắt đầu đi tiếp, không rõ mình sẽ đi về đâu. Chúng tôi chỉ đi tới.

Cảnh vật chuyển đổi không ngừng. Chúng tôi đi qua những hàng dừa, những đồn điền cao su và trà, những thửa ruộng lúa, vườn chuối và các khu vườn trồng rau nhỏ bên ngoài những túp lều một gian. Hình như ở đâu cũng có chó hoang, nhiều con đã hoàn toàn rụng hết lông, và cũng lắm con mình đầy thương tích, vì bị chó khác cắn hay bị người ta đánh. Chúng tôi cũng thường thấy khỉ rừng đong đưa trên cây hay chạy rong dưới đất. Thỉnh thoảng chúng tôi nghe từ xa xa tiếng voi rống.

Đôi khi cũng có xe hơi, xe hàng, xe buýt, xe máy và xe kéo, tất cả đều nhấn kèn để cảnh báo cho người đi bộ và người bên đường.

Nhưng phần lớn lưu thông trên đường là người đi bộ. Chúng tôi đã đi qua bao người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em đi trên đường hay chăn bò, đuổi gà. Có người đánh những chiếc xe bò bằng gỗ thô sơ.

Dọc theo đường có những căn nhà nhỏ làm bằng bùn là những tiệm buôn bán. Người ta ngồi trước các cửa tiệm này, nhai trầu, uống trà và tán gẫu. Khách qua đường có thể dừng chân mua trà, bánh mì, cau ăn trầu, khô, dây thừng làm từ các sợi dây dừa và lương thực như đường, muối, gạo, đậu, và dầu lửa.

Gunawardhena và tôi đã lấy cắp được ít tiền trong phòng của sư Sonuttara trước khi rời chùa, nên chúng tôi có tiền mua ít ổ bánh mì. Chúng tôi thấy một trong đống dừa trong vườn nhà ai đó cạnh bên đường. Chúng tôi ăn cắp một trái, đập xuống đất cho đến khi bể ra. Thịt dừa, cùng với bánh mì, là bữa ăn đầu tiên của chúng tôi trong cuộc hành trình này.

Ngày hôm đó chúng tôi đã đi ba mươi lăm cây số. Chiều tối chúng tôi đến một thành phố gọi là Dambulla. Chúng tôi lại tìm được một nhà nghỉ cho người hành hương còn trống nữa. Chúng tôi trải vài tàu lá dừa trên sàn nhà, và nằm xuống. Chúng tôi hoàn toàn kiệt sức.

Sáng hôm sau thức dậy chúng tôi thấy cả người đầy rận và ruồi đất. Chúng tôi ra một giếng gần bên, bẻ vài cọng cây trong bụi rậm và bắt đầu đánh răng bằng cọng cây đầy sơ.

Một tăng sĩ tiến lại phía chúng tôi, nhìn tôi lom lom. Tôi cố gắng phớt lờ ông.

"Con là tu sĩ?" ông hỏi, nhìn cái đầu không tóc của tôi.

"Không," tôi nói dối một cách dễ dàng. "Tôi bị bệnh. Tôi vừa ra viện hôm qua."

"Con trông không giống người bệnh," vị tăng nói. "Sư nghĩ con là tu sĩ. Hãy theo sư. Sư sẽ truyền giới lại cho con, ở chùa của sư."

Tôi suy nghĩ về điều đó. Tự đáy lòng, tôi vẫn còn muốn làm người tu. Tôi chỉ cởi bỏ y áo vì thầy tôi quá ác độc. Vị sư này có vẻ tử tế hơn. Nhưng dĩ nhiên là tôi không thể đi mà không bàn với bạn tôi.

Tôi quay qua Gunawardhena.

"Bạn nghĩ sao?" tôi hỏi nó. "Tôi thật sự không muốn hoàn tục. Đây là cơ hội để tôi được trở về làm người tu sĩ."

"Bạn điên à?" Gunawardhena nói. "Bạn không nhớ thầy mình đã làm gì chúng ta à? Tất cả các thầy đều giống nhau. Họ không có trái tim. Họ chỉ nghĩ về luật lệ và giới cấm. Đừng có điên, hãy đi thôi."

Vị tăng sĩ càng dỗ ngọt. Ông bảo rằng ông quen biết vài viên chức người Anh ở một phi trường quân sự cạnh bên. Ông hứa sẽ tìm cho Gunawardhena một việc làm ở đó. Cả hai chúng tôi đều có thể sống ở chùa, tôi có thể là tu sĩ trong khi Gunawardhena làm việc ở phi trường.

Gunawardhena không muốn nghe bất cứ điều gì, và tôi không muốn bỏ rơi bạn mình. Vì thế chúng tôi từ giã vị sư và bắt đầu đi tiếp.

Ngày hôm sau chúng tôi gặp một người đàn ông, làm việc cho một nhà thầu xây dựng nhân sự. "Nếu muốn kiếm việc làm thì hãy đi theo tôi," hắn nói với chúng tôi. "Chúng tôi có rất nhiều việc cần người làm."

Chúng tôi đồng ý.

Công việc của chúng tôi thật ra là công việc lao động tay chân nặng nề. Họ trao hai cái xẻng và hai cái cần xé cho chúng tôi, rồi bảo chúng tôi đi xúc cát dưới suối, đổ thành đống lớn.

Nhiều tháng qua, chúng tôi đã làm việc ở đó trong một nhóm khoảng hai mươi thanh niên, từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối. Lương là một chấm hai rubi một ngày, tương đương với khoảng năm mươi xu. Từ số lương đó, chủ còn trừ hai mươi lăm xu ăn uống. Mặc dù, điểm tâm là một ly trà với đường, và buổi tối là cơm với súp. Chúng tôi ngủ trong những chiếc võng được làm bằng cách cột một bao tải giữa hai thân cây.

Rừng đầy muỗi. Chúng tôi bị chúng cắn ngày đêm và không lâu sau đó thì Gunawardhena bị sốt rét. Nó bị sốt cao và không thể làm việc.

Tôi xin ông chủ hai ngày phép, để tôi có thể chăm sóc bạn mình. Ông ta từ chối.

"Tôi đã làm cho ông hàng tháng, bảy ngày một tuần, mười hai giờ một ngày," tôi nói. "Mà tôi chỉ xin một vài ngày nghỉ."

Ông ta nhất định từ chối. Một là tôi phải tiếp tục làm việc, hai là cả tôi và Gunawardhena phải rời trại lao động.

"Được rồi," tôi nói. "Hãy trả hết lương cho chúng tôi đi."

Ông chủ trả tiền và chúng tôi ra đi.

Thế là chúng tôi bắt đầu cuộc đời của những kẻ ăn mày. Ban ngày chúng tôi lang thang dọc theo những con đường bụi bặm. Ban đêm chúng tôi chia phần thức ăn ít ỏi của những người ăn xin khác trong các căn lều bên đường, rồi đùa giỡn, ca hát, nhảy múa và kể chuyện phím để giết thì giờ.

Mấy tuần chúng tôi không tắm. Quần áo chúng tôi dơ bẩn và chúng tôi hôi thối. Mỗi sáng những người ăn xin khác sẽ rời nhà đi "làm việc" và hỏi chúng tôi định ngày đó xin ăn ở địa điểm nào.

"Không biết," luôn là câu trả lời của chúng tôi. Sự thật là, chúng tôi không đi xin chỗ nào hết. Chúng tôi chỉ ăn bất cứ thứ gì mà người khác muốn chia sẻ với chúng tôi. Chúng tôi là những người ăn xin lười biếng.

Dần dần Gunawardhena khỏi bệnh sốt rét và hồi phục sức khoẻ trở lại. Nhưng rồi, một buổi sáng kia, khi thức dậy tôi cảm thấy đau buốt ở chân phải và gây gây sốt. Quan sát kỹ, tôi thấy một vết đỏ ở trên đùi cách đầu gối khoảng mười centimet. Một người ăn xin ở chung chỗ, săm soi vết thương và bảo rằng đó là vết rắn cắn. Sự đau nhức tăng dần lên, và tôi gần như không thể nhấc nổi chân.

Gunawardhena và tôi phải ở lại phía sau khi những người ăn xin khác ra đi. Khoảng hai giờ sau đó, tôi cố gắng đứng lên và đi cà nhắc ra khỏi lều.

Chúng tôi chỉ mới đi được khoảng mười thước thì gặp một thanh niên khoảng hai mươi lăm tuổi. Chúng tôi chưa từng gặp anh ta trước đó. Nhưng vì một lý do gì đó tôi không biết, anh ta và Gunawardhena trở nên thân thiết ngay. Họ bắt đầu cười đùa giống như những người bạn thân lâu ngày. Có lẽ Gunawardhena cảm thấy tôi và cái chân cà nhắc của tôi là một trở ngại cho anh; anh ta như trút được gánh nặng khi gặp một người vui vẻ hơn.

Ba người chúng tôi đi với nhau, nhưng tôi đi chậm ở đằng sau. Khoảng chừng năm phút sau Gunawardhena quay lại nói với tôi.

"Ukkubanda, vì bạn không thể đi nhanh, tôi sẽ đi trước với anh bạn này? Còn bạn, cứ thong thả, cần đi chậm cứ đi. Chúng tôi sẽ đợi bạn ở Lovamahapaya."

Ngay lập tức tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi. Muốn đến Lovamahapaya phải đi bộ sáu đến bảy tiếng.

"Không, đừng bỏ tôi lại một mình," tôi van nài. "Tôi không thể đi một mình. Tôi cần bạn giúp đỡ. Xin hãy ở lại với tôi."

Rồi thì chuyện không thể hiểu được đã xảy ra: Gunawardhena phớt lờ tôi và bước thẳng tới với người bạn mới của mình.

Tôi ngồi xuống và bắt đầu khóc. Chân tôi buốt đau. Tôi không thể tin điều gì đã xảy ra.

Gunawardhena thật là vô ơn. Chúng tôi đã sắp đặt cuộc hành trình này với nhau, nhiều tuần trước đó, và tôi đã từ bỏ cuộc sống tu hành để chạy trốn theo nó. Khi nó bị bệnh trong rừng, tôi đã bỏ luôn việc làm của mình. Bao nhiêu ngày tháng, chúng tôi đã đi với nhau như bạn bè. Chúng tôi đã dựa vào nhau để sống. Vậy mà bây giờ, khi tôi cần nó, nó lại bỏ rơi tôi.

Tôi không có bạn bè, không nhà cửa, không tiền bạc, không lương thực. Tôi ở tận cùng vực thẳm và tôi hoàn toàn cô đơn.

Bây giờ tôi phải làm sao đây?


Chương 4. Xuất Gia Lần Nữa

Sau khi Gunawardhena bỏ đi đột ngột, tôi chỉ ngồi đó, cô đơn và bối rối. Những gì đã bắt đầu như một cuộc phiêu lưu kỳ thú, từ việc bỏ trốn khỏi chùa đã biến thành một thử thách đáng sợ. Chiếc chân bị rắn cắn đã sưng lên dữ dội, tôi lại đói khát và người bạn đồng hành đã mất hút. Hoàn cảnh lúc đó của tôi là như thế! Chưa bao giờ trong cuộc đời, tôi cảm thấy chán nản như thế.

Tuy nhiên, dần dần một điều gì đó bên trong thôi thúc khiến tôi đứng dậy: "Hãy đi tới," hình như đó là tiếng nói bên trong tôi.

Vì thế tôi đứng dậy và bắt đầu lết dọc theo con đường vắng vẻ. Tôi đi như thế hàng giờ, cho đến khi cuối cùng tôi gặp một cô gái ngồi dưới bóng cây. Cô đang bán trái cây, đậu, bánh mì, trà và rau quả.

Tôi ngồi xuống trên một chiếc ghế đẩu.

"Tại sao anh lê lết như thế?" cô hỏi tôi.

Tôi giải thích rằng một con rắn đã cắn chân tôi đêm hôm trước đó.

Cô gái lại hỏi tôi thêm nhiều điều nữa: tên tôi là gì, tôi từ đâu đến, và tại sao tôi đi chỉ một mình. Tôi đã kể cho cô nghe tất cả câu chuyện.

Cô cho tôi một miếng bánh mì với cà ri rau cải, và một ly trà nóng hổi thật ngon. Tôi tiếp nhận bữa ăn với lòng vô cùng biết ơn.

Cô đi vào căn lều nhỏ bé của mình và mang ra một miếng chanh. Cô chà chanh lên vết thương ở đùi tôi, rồi xát ít dầu lên đó. Cô bảo tôi ở lại đó cho đến khi cha cô trở về nhà, nhưng tôi bảo rằng tôi phải đến Lovamahapaya để gặp bạn tôi. Tôi vẫn hy vọng Gunawardhena thật sự đang chờ đợi tôi ở đó.

Tôi lại tiếp tục lên đường, với cái chân lết. Chẳng bao lâu tôi đến một thành phố tên là Anuradhapura. Một trong những nơi đầu tiên tôi đến là một quán ăn gọi là khách sạn Siyasiri (thời đó người ta gọi quán ăn là khách sạn). Vị quản lý chào đón tôi, rồi hỏi tại sao tôi đi cà nhắc. Tôi kể với ông về chuyện rắn cắn. Ông hỏi tại sao tôi chỉ có một mình. Tôi bảo với ông là tôi không theo kịp người bạn đồng hành, vì thế anh ta đã đi trước đến Lovamahapaya.

"Ai đi qua đây cũng ghé vào quán này," người chủ quán nói. "Hãy ở lại đây. Nếu họ đi ngang qua thành phố này, em sẽ gặp họ."

Tôi đồng ý, và ngồi xuống đợi. Tới khoảng mười một giờ đêm, tôi bắt đầu ngủ gục. Người quản lý có thể thấy là tôi rất mệt mỏi.

Ông nói: "Em hãy ở lại đêm nay." Rồi ông đưa cho tôi một chiếc chiếu để ngủ.

Và đó là điều cuối cùng tôi nhớ cho đến tám giờ sáng hôm sau.

Ngay khi vừa thức dậy, tôi đã hỏi người quản lý rằng Gunawardhena đã đến chưa?

"Không," ông lắc đầu nói. "Không có ai đến tìm em cả. Nhưng thôi em hãy ở lại đây, tôi sẽ cho em một công việc làm."

Tôi không biết phải làm gì khác hay đi đâu nữa, nên tôi chấp nhận lời đề nghị của ông.

Và thế là tôi trở thành một người bồi bàn ở khách sạn Siyasiri ở Anuradhapura. Công việc cũng khá nhàn hạ. Có một số thanh niên khác làm ở quán, và chúng tôi hòa hợp vui vẻ với nhau. Tôi phục vụ khách hàng, lau dọn bàn ghế, và rửa chén.

Một ngày kia, khoảng vài tuần sau đó, tôi lại bị sốt rét và cảm thấy quá mệt mỏi không thể làm việc. Trong khi nghỉ ngơi, tôi viết cho mẹ một lá thư để báo cho bà biết tôi đang ở đâu. Tôi cảm thấy hối hận, biết rằng bà có lẽ đã nghe được tin tôi trốn khỏi chùa, và mẹ tôi chắc hẳn đang rất lo rầu về tôi.

Vài ngày sau đó, khi tôi trở lại làm việc, tôi ra giếng gần đó để lấy nước cho quán ăn. Có một cậu bé cũng đang ở đó. Tôi mượn cái gàu của nó để dùng kéo nước đổ vào thùng của tôi. Khi tôi đưa trở lại cho cậu bé cái thùng, nó làm rớt tất cả xuống giếng kể cả dây thừng. Nó bắt đầu khóc, vì đã đánh mất cái thùng thì nó sẽ gặp rắc rối.

Nhưng khách hàng ở quán ăn đang đợi nước nấu trà. Tôi phải trở về đó ngay. Tôi bảo với cậu bé rằng tôi xách nước về quán rồi tôi sẽ trở lại ngay để giúp nó kéo chiếc thùng lên khỏi giếng.

Nhưng khi tôi bước vào quán với chiếc thùng đầy nước thì anh cả của tôi, Tikiribanda, đang đứng ở cửa quán. Ngay khi vừa thấy tôi, anh bắt tôi phải về nhà với anh. Mẹ đã khóc suốt, anh nói, kể từ khi bà nghe tin tôi chạy trốn khỏi chùa.

Anh tôi cũng đáng sợ gần như cha tôi. Tôi không dám cãi lệnh của anh.

Tôi hoàn toàn quên mất cậu bé đáng thương đang chờ đợi tôi ngoài giếng, để giúp nó vớt cái thùng ra khỏi giếng. Tôi cũng quên người quản lý quán tử tế đã giúp tôi có cơ hội bắt đầu một cuộc đời mới.

"Anh đã mở được một tiệm buôn nhỏ," anh tôi nói. "Em có thể về giúp anh buôn bán."

Sau này tôi được biết rằng sau ngày Gunawardhena và tôi rời chùa, sư Sonuttara đã báo với cảnh sát về sự ra đi của chúng tôi. Cha tôi đã đến chùa và yêu cầu thầy tôi phải tìm tôi trở về nhà. Tới lúc đó, cha tôi mới nhận thức được rằng sư Sonuttara là người nóng tánh, tàn nhẫn, và những vấn đề ở chùa không phải chỉ là do tôi hành động sai trái. Cha tôi biết những câu chuyện về việc đối xử thô bạo của thầy tôi là sự thật, nhưng dĩ nhiên, lúc đó đã quá trễ. Tôi đã bỏ trốn khỏi chùa, và lần đó, tôi đã không chạy về nhà.

Trong lúc đó, các nhân viên cảnh sát lùng sục khắp nơi để tìm tôi.

Rồi khi lá thư của tôi đến từ Anuradhapura, mẹ và cha tôi lập tức sai anh cả đi tìm tôi.

Cha mẹ tôi, nhất là mẹ tôi quá vui mừng thấy tôi còn sống và khoẻ mạnh, nhưng tôi thật không thoải mái khi trở về nhà. Tất cả mọi người láng giềng đều gọi tôi là "tu sĩ hoàn tục," là một sỉ nhục lớn. Cha tôi không muốn có đứa con ‘bất hạnh' này ở gần ông; ông bắt tôi phải xuất gia trở lại.

Để lảng tránh cha, để không phải nói chuyện nhiều với ông, tôi kiếm đủ chuyện lặt vặt để làm. Một trong những công việc đó là đào kênh chống lũ, trên đồn điền cao su gần nhà chúng tôi.

Đồn điền này do một công ty lớn cai quản. Họ trả lương rất tệ mà công việc rất nặng nhọc. Tôi phải xúc từng thúng đất đầy, rồi các chị phụ nữ khiêng chúng đến chỗ đổ đất. Một lần, một chị thấy các vết phồng dộp trên tay tôi vì phải cầm xuổng xúc đất, nên chị đề nghị đổi công việc với tôi. Vì thế chị xúc cát, còn tôi thì khiêng mấy thúng cát đầy.

Sau công việc đó, tôi quay qua hái trà. Đó cũng là một công việc cực nhọc, nhàm chán. Dĩ nhiên là tôi thích làm việc ở tiệm của anh tôi hơn, nhưng anh đã phải đóng cửa tiệm chỉ vài tháng sau khi mở. Người dân trong làng nghèo quá không thể mua gì ở tiệm của anh. Phần lớn không có khả năng mua ngay cả những thứ tầm thường nhất.

Thời gian rảnh rỗi tôi thường đến nhà chị gái của tôi, người đã chăm sóc tôi thuở nhỏ, người mà tôi coi như người mẹ thứ hai. Kể từ khi chồng chị mất, không có người đàn ông trong nhà, chỉ có chị tôi, đứa con trai nhỏ của chị và một đứa con gái, cháu tôi, chỉ lớn hơn tôi năm tháng.

Họ rất tử tế với tôi và tôi cảm thấy thoải mái ở bên họ hơn là ở nhà cha mẹ ruột của mình. Vì thế một vài tuần sau khi trở về nhà, tôi dọn từ nhà cha mẹ đến nhà chị gái của tôi. Đó là một sự thay đổi dễ chịu hơn, nhưng tôi vẫn thực sự không cảm thấy thoải mái với đời sống tại gia. Niềm ước muốn ban đầu của tôi là được trở thành một tăng sĩ vẫn còn nung nấu trong tôi, không kể bao nhiêu chuyện đã xảy ra.

Tôi bắt đầu nghĩ nhiều hơn về thầy tôi và ngôi chùa tôi đã rời bỏ năm tháng trước đây. Tôi cảm thấy hối hận vì đã bỏ trốn. Lòng tôi dịu lại đối với sư Sonuttara, và tôi nhớ đến những tính tốt của ông. Tôi đã nghĩ rằng ít nhất tôi cũng phải đến xin lỗi ông. Một ngày kia, khi chị tôi đã đi viếng bà con bên chồng, tôi quyết định bí mật đi gặp thầy tôi. Cuộc viếng thăm đó phải qua đêm vì đường xá xa xôi, nhưng tôi dự tính là tôi có thể trở về nhà trước chị tôi. Tôi biết rằng chị sẽ không đồng ý cho sự thăm viếng này. Chị muốn tôi sống ở nhà chị mãi và từ bỏ giấc mơ trở thành tăng sĩ.

Khi tôi chuẩn bị ra đi, cháu tôi khóc, van nài tôi đừng đi. Tôi khuyên cháu đừng lo lắng và rằng tôi sẽ trở về ngày hôm sau. Cháu tiếp tục khóc khi tôi rời khỏi nhà đi về hướng chùa.

Khi sư Sonuttara thấy tôi, ông như trút được gánh nặng. Mặc dầu không phải lúc nào ông cũng là người thầy tử tế nhất, nhưng ông không muốn tôi bỏ tu, mà tôi cũng không muốn thế. Tôi xin lỗi sư vì đã chạy trốn, và ông hỏi tôi có sẵn sàng để xuất gia lần nữa không.

"Dạ có," tôi trả lời, rất chắc chắn về quyết định của mình. "Nhưng con không muốn chỉ làm chú tiểu sống ở chùa. Con muốn được đi học trường Phật học."

Thầy lập tức nhận lời.

Hai ngày sau đó, sau một buổi lễ đơn giản, tôi lại mặc lên mình chiếc y màu vàng lần nữa. Lần này, tôi sẽ không bao giờ cởi nó ra nữa.

Sư Sonuttara liên hệ với một vị sư khác, đại đức Siyambalangamuwe Dhammakkhandha, người quản lý một ngôi trường tiểu học nhỏ dành cho tăng sĩ ở huyện Gampaha, cách chùa khoảng tám mươi bốn cây số. Vì đại đức Siyambalangamuwe và thầy tôi là bạn, nên ông sẵn sàng chấp nhận đơn xin nhập học của tôi, và vào tháng tư năm 1944, một tháng sau lần xuất gia gần đây nhất của tôi, tôi bắt đầu chương trình tu học một cách chính thức. Tôi học ở trường Vidyasekhara Pirivena (vidyasekhara có nghĩa là 'vương miện của sự học,' và pirivena có nghĩa 'trường dành cho tăng sĩ'). Có khoảng hai mươi vị tỳ kheo trẻ và ba thầy giáo thọ sống ở đó. Chúng tôi học lịch sử Ceylon và các kinh điển quan trọng như là Tương Ưng Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) và Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya). Chúng tôi cũng được học nhiều sinh ngữ: Sinhale, Tamil, Ấn Độ, Anh, Pali và Sanskrit.

Tôi rất sung sướng ở ngôi trường mới này, sống giữa những vị tăng trẻ và suốt ngày được học hành. Nhưng tôi ở đó chưa được bao lâu thì Đại Đức Siyambalangamuwe đã tìm gặp tôi với một yêu cầu. Ông bảo rằng có một ngôi chùa ở làng Napagoda, nơi vị sư trưởng đã hoàn tục, để lại ngôi chùa không ai trông coi.

Sư hỏi tôi có vui lòng đến đó, quản lý ngôi chùa không. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một sự xếp đặt tạm thời, rằng tôi sẽ ở đó chỉ vài tuần rồi trở lại trường Phật học, nên tôi đã nhận lời.

Nhưng mà hoá ra tôi phải sống ở chùa đó đến tám tháng.

Không có việc học Phật pháp hay tiếng Pali ở đó, chỉ là những công việc thường nhật ở chùa, những công việc nhàm chán không dừng dứt. Một ngày kia không còn gì để ăn. Tôi yêu cầu một cậu bé ở chùa, khoảng tuổi tôi, đi mua bánh mì ở một tiệm trong làng. Nó từ chối. Tôi lại yêu cầu lần nữa. Lần nữa nó lại từ chối. “Tôi sẽ nhờ người khác đi mua, nhưng sau đó tôi sẽ không chia cho bạn đâu,” tôi bảo với nó.

Nó phản ứng lại bằng cách chửi rủa tôi. Tôi đá cho nó mấy cái.

Chiều hôm đó, một tăng sĩ khác, người đã sống với chúng tôi ở đó một thời gian trở về chùa. Ông lại là anh của cậu bé kia. Ông hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra, tại sao cậu bé không còn ở chùa nữa. Sau khi nghe tôi kể chuyện, ông rất bực tức.

“Vì chú đã đuổi cậu bé duy nhất ở đây để giúp đỡ chúng ta, vậy thì bây giờ công việc của chú là trèo lên cây hái mấy trái dừa xuống.”

Tôi từ chối. “Người tu không trèo cây,” tôi giải thích. "Làm vậy là trái luật. Ngoài ra, thầy tôi không gửi tôi đến đây để trèo cây, hái trái.”

Sau bảy tháng sống trong căng thẳng và những sự cãi vả nhỏ mọn như thế, lòng ham muốn được học hỏi khiến tôi không thể ngồi yên, đến nỗi tôi phải viết thư cho thầy tôi. “Xin thầy vui lòng cho con trở lại trường học,” tôi van nài.

Không lâu sau đó, tôi mừng rỡ khi nhận được một bưu thiếp từ đại đức Siyambalangamuwe nói rằng, “Được, con có thể trở về trường.”

Tôi lập tức mướn một chiếc xe bò chở tôi ra trạm xe lửa ở Veyangoda, cách đó hơn năm cây số. Tôi nôn nóng được trở lại Gampaha để ghi danh nhập học trở lại.

Khi đến nhà ga, được biết chuyến xe lửa đi Gampaha phải chờ đến năm tiếng nữa, vì thế tôi đi viếng một ngôi chùa gần đó.

Ở ngôi chùa đó có một chú điệu trẻ, khoảng tám hay chín tuổi, tỏ vẻ rất thích tôi. Chú rủ tôi đi tắm với chú ở một con sông cạnh bên ga xe lửa và tôi miễn cưỡng nghe theo.

Dầu đã gần mười bảy tuổi, tôi chưa bao giờ học bơi, nhưng tôi quá tự ái để thú nhận với chú điệu trẻ như thế. Tôi không biết rằng hành động tự ái đó suýt nữa là hại đời tôi.

Kiêu mạn, theo Phật giáo, là một trong năm chướng ngại cuối cùng sẽ bị đoạn diệt khi hành giả đạt được giác ngộ. Đó là một trong hai mươi bảy uế nhiễm của tâm, mà Đức Phật đã cảnh báo rằng chúng có thể trở ngại ta. Để chế ngự kiêu mạn nơi bản thân, Đức Phật chỉ bày một số quán tưởng mà ta cần thực hiện:

Tôi phải bị hoại diệt; tôi không thể chế ngự hoại diệt.

Tôi phải bệnh hoạn; tôi không thể chế ngự bệnh hoạn.

Tôi phải chết; tôi không thể chế ngự cái chết.

Tất cả những gì là của tôi, thân thiết và quý báu, sẽ biến đổi và hoại diệt.

Tôi làm chủ nghiệp của tôi, thừa hưởng nghiệp của tôi, sinh ra từ nghiệp, liên hệ với nghiệp, tôi gánh chịu nghiệp của mình. Bất cứ nghiệp gì tôi đã tạo ra, dầu tốt hay xấu, tôi cũng sẽ là người lãnh hậu quả.

Ở bờ sông, chú điệu cởi áo ngoài ra và nhảy xuống nước. Chú lội như một con cá. Tôi đứng trên bờ, ngưỡng mộ những sãi tay nhuần nhuyễn, điệu nghệ của chú. Coi thì không thấy khó, nhưng thật sự tôi không muốn nhảy vào dòng nước đục ngầu, đầy bùn đó.

Chú điệu thấy tôi đứng trên bờ sông ngại ngần, thúc giục tôi xuống nước với chú. Miễn cưỡng tôi phải cởi áo ngoài ra và cột thắt nút chiếc áo bên trong để nó không tụt ra. Rồi tôi nín thở nhảy xuống.

Ngay lập tức tôi bị nguy khốn.

Chân tôi chạm tìm đáy sông, nhưng chỉ cảm thấy bùn nhão. Không có gì cứng rắn để đứng lên đó. Tôi cảm thấy mình đang chìm xuống, và tôi bắt đầu vùng vẫy. Sự hoảng hốt trào dâng trong tôi giống như một dòng điện. Tay chân tôi chới với, và khi há miệng thở, tôi uống vào dòng nước sông dơ bẩn đó.

Chú điệu nhỏ biết chuyện gì đã xảy ra, cố gắng giúp tôi. Chú bơi lại bên tôi, nắm được lỗ tai tôi và kéo đầu tôi lên khỏi mặt nước – ui da! Nhưng chú yếu quá không đủ sức để kéo người tôi lên khỏi mặt nước. Tôi hoảng sợ túm lấy áo chú, khiến nó tuột ra.

Ba lần tôi bị chìm xuống, tay nắm chặt chiếc áo kia như thể nó sẽ cứu tôi. Ba lần tôi vùng trở lên, tìm kiếm sự giúp đỡ.

Lần cuối cùng, tất cả chỉ là một màu đỏ phủ đầy trước mắt tôi.

Tôi hoàn toàn bất tỉnh.


Chương 5 . Trường Phật Học

Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên mặt đất bên bờ sông, một người đàn ông đang quỳ cạnh tôi. Tôi bắt đầu ói nước sông ra khi đám đông bu quanh đứng nhìn. Sau đó tôi được kể rằng chú điệu nhỏ, người đã cùng lội với tôi không thể bước lên khỏi sông, vì trong lúc hoảng loạn, tôi đã níu rách áo quần của chú. Trần truồng, chú phải đứng nép ở bờ sông, giấu mình dưới nước và la cầu cứu.

May là có một người đàn ông vừa bước ra khỏi quán trà cạnh bên ga xe lửa, hỏi cớ sự. Chú điệu nhỏ đã chỉ nơi tôi bị chìm xuống.

"Giờ nầy chắc anh ta đã chết rồi," chú la lên.

Người đàn ông mặc nguyên cả đồ, nhảy xuống sông, mò mẫm dưới nước. Đến khi ông tìm được, tôi đã bất tỉnh ở dưới đáy sông. Ông kéo tôi lên bờ sông và bắt đầu cứu tôi bằng phương pháp hô hấp nhân tạo trong khi đám đông tụ lại xem.

Dần dần tôi ngồi dậy, ho và ói nước. Tôi hơi run sợ, nhưng cảm thấy an toàn. Chú điệu nhỏ đi tìm sư phụ của mình, và hai người đã đưa tôi trở lại chùa của họ, cách đó khoảng năm mươi thước. Họ cho tôi một tách cà phê nóng với rất nhiều đường và một bộ y khô. Không lâu sau đó thì tôi trở lại bình thường.

Vị sư trưởng rất tử tế. Ông hỏi tên tôi và nơi tôi đi đến. Sau khi tôi trả lời, ông sai người ra ga xe lửa mua vé cho tôi đi Gampaha.

Sau một vài giờ nghỉ ngơi, tôi lại lên đường. Trớ trêu thay, khi tôi đến trường Phật học ở Gampaha, người đầu tiên bắt chuyện với tôi, hỏi tại sao giọng tôi nói giống như người bị chết đuối.

“Tôi chỉ bị cảm,” tôi trả lời. Tôi quá xấu hổ không thể nói sự thật.

Nhưng ngày hôm sau, trên trang đầu của một tờ báo có tiếng ở Ceylon đã có in hình của tôi với câu chuyện về một tăng sĩ trẻ suýt chết đuối dưới sông ở ga xe lửa Veyangoda. Bạn bè ở trường Phật học đã trêu ghẹo tôi về chuyện đó hàng năm trời.

Mặc dầu trường Phật học miễn học phí, nhưng tăng sinh nội trú phải trả khoảng năm rupee một tháng. Tiếc thay, tôi không có đồng nào để trả, vì thế tôi được cho một căn lều bỏ hoang để ở. Căn lều chỉ có nền đất, tường lửng chỉ cao khoảng hơn một thước, không có cửa. Tôi gom mấy bao tải gạo, vài cây tre và dây nhợ để làm một cánh cửa tạm bợ và che chắn cửa sổ. Để có ánh sáng, tôi dùng một cây đèn đất đốt bằng dầu dừa. Đó là cái kuti đầu tiên của tôi, loại thất một gian mà các tăng sĩ hay trú ngụ trong đó, và tôi cũng rất vui được ở đó.

Phần lớn tôi học hành ở trong thất. Chẳng lâu sau, tôi nổi tiếng là một tăng sinh thông minh nhất ở trường. Tôi khám phá ra rằng tôi có một trí nhớ như in, rõ ràng là một quà tặng của thiện nghiệp. Tôi có thể đọc một quyển sách dài trong mười phút và nhớ tất cả mọi thứ trong đó. Tôi không biết bằng cách nào; chỉ biết rằng mỗi trang sách trụ lại trong tâm tôi như một bức ảnh.

Tôi rất hãnh diện về khả năng thiên phú này của mình, và thường yêu cầu bạn bè thử thách tôi, bằng cách đặt những câu hỏi từ trong sách. Tôi có thể trả lời câu họ hỏi ở trang số mấy, và ngay cả dấu chấm phẩy trong câu hỏi.

Có lẽ vì vậy, thầy hiệu trưởng của trường rất thích tôi, cho tôi làm phụ tá cho ông. Tôi cũng được bầu chọn làm thủ quỹ, có nghĩa là tôi quản lý, cất giữ tất cả tiền đóng góp được gửi tới trường, và cả các vật dụng khác như là y áo, thuốc men. Rồi sau đó tôi sẽ phân phát lại cho các tăng sinh nếu cần.

Vì quyền hạn và bổn phận này của tôi mà một số bạn học trở nên ganh tỵ với tôi, đã thế, tôi lại còn sanh tánh hay thóc mách khuyết điểm của các bạn khác với thầy hiệu trưởng; tóm lại, tôi là một kẻ tồi tệ. Tôi gửi báo cáo này đến báo cáo khác, kẻ vạch từng chi tiết những sai trái của bạn bè. Tôi biết rằng, lý ra tôi phải quan tâm về các hành động của mình hơn là tìm kiếm lỗi của người, nhưng vì muốn duy trì lòng tin yêu của thầy hiệu trưởng nên tôi đã làm thế.

Tôi đã không thực hành lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp Cú:

Thấy lỗi người thì dễ, nhưng lỗi mình khó thay. Ta sàng lọc lỗi người như rơm trấu, mà lại giấu lỗi mình, hay như gã thợ săn giảo quyệt núp sau những cành cây ngụy tạo. Người luôn tìm lỗi người, luôn xét nét, (vì thế) uế nhiễm của họ càng tăng. Họ rất khó đoạn trừ uế nhiễm.

Vào những ngày rằm, tôi được giảng pháp khoảng nửa giờ tại trường. Thường thường những bài Pháp này dựa trên các sách tôi đã đọc. Nhưng một lần kia tôi nghĩ rằng làm thế sẽ khiến cho thính giả của tôi nhàm chán, vì thế tôi quyết định “sáng tạo”. Tôi chỉ học thuộc một bài kinh dài ba trang, một trong những bài giảng của Đức Phật gọi là kinh Visakhuposatha. Rồi tôi lặp lại với thính giả của mình.

Bài thuyết pháp thể nghiệm thất bại. Tôi đọc xong bài kinh chỉ trong mười phút, sau đó tôi chỉ lảm nhảm thêm năm phút nữa về điều gì, tôi cũng không nhớ nữa. Thật xấu hổ. Đó là một bài học quý giá cho tôi về giá trị của sự chuẩn bị chu đáo. Từ đó, tôi luôn chuẩn bị cẩn thận từng bài thuyết pháp của mình. Tôi thường chọn một câu trong kinh Pháp Cú rồi giảng rộng ra dùng những câu chuyện trong phần chú giải. Kinh Pháp Cú bao gồm 423 câu, phần lớn dạy về giới luật và đạo đức. Ngoài ra cũng có hàng trăm câu chuyện rải rác khắp nơi trong tàng kinh Phật giáo để minh họa cho các đề tài được nói đến trong kinh Pháp Cú. Tôi rất thích kể những câu chuyện này, để tạo cho người nghe một căn bản về đạo đức Phật giáo.

Mãi lâu sau này, qua bao năm tu tập, tôi mới cảm thấy đủ tự tin để thuyết pháp mà không cần chuẩn bị trước.

Ở trường Phật học, vào tuổi mười bảy, cuối cùng tôi cũng bỏ được tật hút thuốc lá. Đó là một thói quen tôi đã huân tập nhiều năm, nhưng tiếc thay tôi chỉ thay đổi cái ghiền này bằng cái ghiền khác. Thói quen mới của tôi là ăn trầu, một hỗn hợp gồm lá trầu, cau, vôi và sợi thuốc lá.

Chẳng bao lâu sau tôi trở thành cây hài của trường. Mỗi tối, tôi đều tụ tập bạn bè lại, kể chuyện tiếu lâm cho họ nghe hằng giờ đồng hồ. Tôi rất thích làm cho họ cười.

Một trong những câu chuyện tiếu của tôi là về một vị bảo trợ của chùa, người rất bực tức vì quý tu sĩ ở đó không bao giờ mang đồ cúng dường của ông dâng trước tượng Phật. Vì thế ông cột một sợi dây quanh cổ tượng Phật rồi treo tượng lên xà nhà. Khi các tăng sĩ khám phá ra điều đó, hỏi ông tại sao, ông bảo đó là một sự tự tử. “Tượng Phật bảo rằng không thể sống ở một nơi như thế,” ông giải thích.

Cũng lạ là thầy hiệu trưởng không phản đối những câu chuyện tiếu lâm bất kính đó. Thường thường, sau màn trình diễn của tôi, chúng tôi vào phòng ông, cùng thưởng thức việc ăn trầu với ông. Ông là một người rất tinh tế trong việc đối xử với các tăng sinh trẻ. Ông nghiêm khắc, nhưng cũng rất hoà nhã. Ông biết cách khuyến khích chúng tôi mà không ép buộc, nếu không, chúng tôi cũng chẳng màng đến chuyện học hành. Ông khuyến khích chúng tôi trở nên những tăng sĩ gương mẫu. “Các cư sĩ luôn ngưỡng mộ quý thầy,” ông nói. “Họ biết rằng quý thầy đã hy sinh các dục lạc để dâng hiến cuộc đời cho việc hành pháp, vì thế quý thầy phải xứng đáng với lòng kính trọng đó.”

Gần như không bao giờ tôi có đồng nào, nhưng không hề gì. Chỗ ở khiêm nhường của tôi được miễn phí, đồ ăn thì do đi khất thực, và thay vì phải mua sách giáo khoa, tôi mượn các bạn và chép lại bằng cách viết tay. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là tôi đã có tất cả mọi thứ cấn thiết để hoàn tất chương trình học của mình. Tôi rất tự tin ở bản thân cũng như ở Tam Bảo -Phật, Pháp và Tăng.

Tôi cảm thấy như là Đức Phật vẫn còn sống và đi bên tôi xuyên suốt cuộc đời, hỗ trợ tôi bất cứ những gì tôi cần. Tôi tin chắc rằng Phật pháp sẽ bảo vệ tôi vì tôi đã phấn đấu không ngừng để học hỏi những điều Phật dạy. Và tôi nghĩ rằng vì tôi là thành viên của Tăng đoàn, tôi sẽ không gặp khó khăn, trở ngại để có những thứ tôi cần. Ngay cả bây giờ, nhiều thế kỷ sau, tôi vẫn cảm thấy Tam Bảo luôn hộ trì cho tôi. Tất cả những nhu cầu vật chất của tôi dần dần đều được thoả mãn, mà không cần vất vả kiếm tìm.

Một ngày kia, một sư huynh nhờ tôi cạo tóc giùm. Đó là việc thường xảy ra trong tu viện, nhưng tôi chưa bao giờ cạo tóc cho ai, ngay chính cho bản thân. Tôi bảo với ông điều đó, nhưng ông khư khư nói, “Cũng đến lúc thầy phải học.”

Việc cạo râu tóc là một phần quan trọng của giới luật trong các tu viện Phật giáo. Cả tăng và ni đều phải làm thế. Một chiếc đầu cạo nói lên sự sạch sẽ, khiêm cung và nó cũng giúp ta tránh được vấn đề phải giết chí trên đầu! Đó cũng là biểu tượng của sự xả bỏ, nhằm giúp tăng ni bớt bám víu vào vẻ đẹp hình thức bên ngoài. Nếu quý tăng ni không phải mất nhiều thì giờ gội, chải, sửa soạn tóc tai, thì họ có nhiều thời gian hơn dành cho việc theo đuổi những vấn đề tâm linh.

Vinayahay là giới luật ở tu viện, dạy rằng tăng ni có thể để tóc dài chừng năm centimét. Có người thì cạo tóc mỗi tháng một lần, thường là ngay trước ngày rằm. Người khác thì cạo mỗi tuần, hay có khi mỗi ngày.

Điều lệ này quan trọng đến nỗi một lưỡi dao cạo bén là một trong tám thứ được kể trong nhóm sở hữu (thường được gọi là nhu yếu phẩm) mà người tu sĩ được tiếp nhận lúc thọ giới. (Những vật dụng khác là nội y; áo để quấn quanh mình; áo ngoài hai lớp như một tấm mền; một dây nịt vải; một đồ lược nước; một bộ kim chỉ; và một bình bát.)

Khi vị sư huynh nhất định là tôi phải cạo tóc cho ông, tôi đảnh lễ và đồng ý làm theo truyền thống. Tôi thấm nước lên đầu ông, chà xà bông lên đó, và cầm lưỡi lam lên. Đứng phía sau ông, tôi kéo lưỡi dao trên da đầu và một miếng da khoảng hai centimét tụt khỏi đầu ông! Ngay lập tức máu tuôn ra. Tôi sợ quá đến nỗi tôi bắt đầu run lên.

“Thưa đại đức, xin hãy tha thứ cho con,” tôi nói, rồi chạy đi tìm một tăng sinh khác. Thầy ấy mang vào một ít nước lạnh để rửa vết thương. Rồi trong khi tôi đứng nhìn trong sự xấu hổ và sợ hãi, thầy cạo nốt phần tóc còn lại của vị đại đức không may. Dĩ nhiên vào thời đó chúng tôi không có băng cá nhân, nên vị sư huynh kia phải đi khất thực với một cục thuốc dán trên đầu.

Nhờ vào trí nhớ như chụp ảnh, tôi học rất nhanh.Tiếng Sinhala, Pali và Santrit là những môn bắt buộc. Và tiếng Tamil, Ấn Độ và tiếng Anh là tuỳ chọn. Không cần nhiều cố gắng, tôi học được tất cả các môn. Như để thưởng tôi, cuối cùng tôi được phép vào sống trong ký túc xá với các tăng sinh khác, mặc dầu tôi tiếp tục không có khả năng để trả tiền trọ. Tôi được phép đến ở chung phòng với một sadi khác.

Rủi thay, người bạn cùng phòng ganh tỵ với tôi. Một ngày kia tôi kéo trong túi ra một quyển sách giáo khoa tiếng Anh mỏng, mà tôi đã mượn của người khác, tôi thấy nó đã bị xé hai. Tôi lo lắng không biết làm sao để đền tiền quyển sách, và bắt đầu khóc. Một tăng sinh khác ở phòng bên cạnh nghe tôi thút thít, đã hứa giúp đỡ bằng cách mua một quyển sách khác.

Vài ngày sau đó, người bạn cùng phòng đã thú nhận rằng thầy đã xé sách của tôi vì ganh tỵ với sự nổi tiếng và học giỏi của tôi ở trường. Chiều hôm đó chúng tôi giải quyết mọi khúc mắc và dần trở thành bạn tốt của nhau.

Dần dần, ngày thọ đại giới của tôi cũng đã được định. Đó là ngày 25 tháng 6, năm 1947. Tôi rất phấn khởi và hạnh phúc. Cuối cùng tôi cũng sẽ được làm một vị tỳ kheo với đầy đủ giới luật, ước mơ của tôi cũng đã thành hiện thực. Trước một hội đồng tăng già trang nghiêm, tôi sẽ thọ các giới luật mới khắt khe hơn. Thay vì là một sadi với mười giới luật, giờ tôi sẽ chấp nhận thọ 227 giới luật -những giới luật mà một tỳ kheo Phật giáo nguyên thủy phải tuân hành.

Tôi gần như không thể chờ đợi lâu hơn.

Buồn thay, ngay từ ban đầu, đã có một bóng mây trong quá trình đó. Vấn đề không phải là tôi có đủ tư cách để trở thành một tỳ kheo không, mà là vấn đề chính trị trong hội đồng Tăng Già Phật giáo ở Ceylon. Những vấn đề chính trị nầy đe dọa sẽ trì hoãn giấc mơ mà tôi đã ấp ủ cả đời.


Chương 6. Thọ Đại Giới

Ở Tích Lan, có ba tông phái chánh của Phật giáo nguyên thủy. Tông phái xưa nhất và lớn nhất, mà tôi là một thành viên, là Siyam Nikaya. Tông phái này có nhiều tăng sĩ và chùa chiền hơn là các tông phái khác. Nó cũng có những ngôi chùa cổ xưa nhất ở đất nước này. Cái tên Siyam, có từ khi Tăng già, hay là tăng đoàn, đã rơi xuống con số thấp nhất dưới sự cai trị của người Anh ở Ceylon, và cũng do ảnh hưởng của các nhà truyền đạo người Hòa Lan và Bồ Đào Nha. Có rất nhiều Sadi nhưng không còn lại một vị tỳ kheo đã thọ đại giới với 227 giới luật nào –do đó không thể truyền giới cho người khác.

Một Sadi người Ceylon du hành qua Xiêm (Siam), là tên gọi của Thái Lan thời đó (hay "Siyama" trong tiếng Pali), để được thọ đại giới làm tỳ kheo. Rồi sau đó ông trở về Ceylon, thiết lập lại tăng đoàn vào năm 1753.

Chỉ có những người thuộc giai cấp cao quý nhất trong xã hội Ceylon, gọi là Goyigama, mới được phép thọ đại giới trong tông phái Siyam Nikaya. Gia đình của tôi, tuy nghèo, lại thuộc vào giai cấp này. Ở Ceylon, giai cấp không dựa vào sự giàu có, nhưng vào dòng dõi gia đình. Nhiều năm sau đó, một nhóm Sadi không thuộc dòng dõi Goyigama du hành đến Amarapura, ở Burma, và được thọ đại giới ở đó. Nhóm người này trở lại Ceylon và thành lập tông phái Amarapura Nikaya vào năm 1800. Tông thứ ba, thành lập vào năm 1810 bởi các tăng sĩ đã đến khu vực Ramanna của Burma, trở thành tông phái Ramanna Nikaya.

Lúc đầu giữa các tông phái có rất nhiều tranh chấp. Mỗi tông phái đều nghĩ rằng tông phái khác không gìn giữ các giới luật tăng đoàn nghiêm chỉnh đủ. Các tăng sĩ thuộc dòng Siyam Nikaya, thí dụ, cạo cả lông mày cũng như tóc. Tăng sĩ thuộc các tông phái khác thì không. Mặt khác, khi ra khỏi chùa, tăng sĩ thuộc tông phái Siyam được phép để một vai trần khi họ quấn y quanh mình. Tăng sĩ thuộc các tông phái khác thì phải che phủ cả hai vai.

Sư phụ của tôi, sư Sonuttara, thuộc về tông phái Siyam Nikaya. Thầy của ông là một thành viên của hội đồng chứng minh cao nhất của tông phái này, hoà thượng Pahamune Sumangala.

Năm 1911, lúc thầy tôi được hai mươi lăm tuổi, ông được gửi đến trông coi một ngôi chùa ở làng Malandeniya. Lập tức vị sư trưởng ở một chùa trong làng kế bên, Kebilitigoda, không bằng lòng. Ngôi chùa ở Kebilitigoda đã có mặt hơn mười năm trước khi thầy tôi đến Malandeniya. Dù thế, vị sư trưởng này cũng ganh tỵ với thầy tôi, vì thế ông khiếu nại ra luật pháp rằng ngôi chùa mới đó thuộc quyền sở hữu của ông. Do đó, thầy tôi phải đến đảnh lễ và thăm viếng vị sư ở Kebilitigoda mỗi ngày để tỏ lòng kính trọng.

Thì ra, vị sư ở Kebilitigoda là đại đức Sumanatissa, là người đã truyền giới sadi cho tôi năm tôi mười ba tuổi. Ông cũng có thể "khiếu nại" rằng tôi là đệ tử của ông, nhưng ông không làm thế. Tôi đoán có lẽ lúc đó tôi không có dấu hiệu gì là một tăng sĩ có nhiều triển vọng.

Qua thời gian, sự hiềm khích giữa hai chùa càng tăng lên. Và đến thời điểm tôi thọ đại giới năm 1947, tôi bị vướng vào cuộc tranh chấp này.

Theo truyền thống, khi một sadi sắp thọ đại giới, thông báo về buổi lễ được gửi đến cho bạn bè, người thân, các vị tăng sĩ ở chùa, và tất cả những chùa mà người sadi đó đã từng lưu trú. Tờ thông báo được in trên giấy rẻ tiền rồi được gửi hay đưa tận tay.

Thầy hiệu trưởng trường Phật học viết tờ thông báo cho tôi, và theo truyền thống, tôi phải mang về cho thầy tôi ký. Nhưng vì lý do gì đó, sư Sonuttara ngại ngùng khi phải ký tên ông như là trụ trì chùa ở Malandeniya.

“Nhưng sư bắt đầu ở chùa này từ năm 1911,” tôi nói. “Sư đã gầy dựng nó và sư là vị tăng sĩ duy nhất sống ở đây. Còn ai có thể là trụ trì của chùa?”

Sư Sonuttara không nói gì nhưng cuối cùng ông cũng ký tờ giấy. Tôi làm nhiều bản copy và tự tay mang tờ đầu tiên đến cho đại đức Sumanatissa, vị thầy đầu tiên của tôi, ở ngôi chùa trong làng kế bên. Ngay khi vừa thấy chữ ký của sư phụ tôi như là trụ trì của ngôi chùa kia, ông nổi giận.

“Đại đức Sonuttara không phải là trụ trì ở chùa đó,” ông la to. “Tôi mới là! Và tôi cũng không có tên trong danh sách các sư phụ của thầy.”

Ông lập tức đi ra trụ sở của tông phái Siyam Nikaya ở Kandy và yêu cầu hoãn buổi lễ thọ giới của tôi lại. Sư phụ và tôi cảm thấy bàng hoàng, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chuẩn bị cho buổi lễ, hy vọng rằng sự tranh chấp bằng cách nào đó sẽ được giải quyết.

Vào đêm trước lễ thọ đại giới của tôi, theo tục lệ, người dân làng Malandeniya đã sắp xếp một nghi thức trọng thể và một buổi tiếp đón ở chùa dành cho tôi. Mặc dầu đại đức Sumanatissa đe doạ sẽ cản trở buổi lễ, nó vẫn được diễn ra mà không có vấn đề gì.

Ngày hôm sau, 25 tháng 6, chúng tôi đến Kandy. Nghi lễ thọ giới sẽ được tổ chức trong sima, một tòa thánh trong khuôn viên của trụ sở tông phái Siyam Nikaya. Vào ngày đó, hai mươi sáu vị sadi, kể cả tôi, được chuẩn bị để thọ đại giới. Bạn bè, người thân và những người đến chúc phúc đã có mặt ở sima.

Như tôi đã lo ngại, đại đức Sumanatissa không để yên cho việc này. Ông đã đệ đơn chính thức khiếu nại, chống lại sự thọ giới của tôi, vì ông, chứ không phải sư phụ tôi, là trụ trì của chùa ở Malandeniya. Vì thế, sư phụ tôi không có quyền ký tên vào giấy chứng nhận thọ giới của tôi với tư cách là “sư trưởng.” Đại đức Sumanatissa nhất quyết rằng sư phụ tôi chỉ được ký tên với tư cách là vị "sư thường trú" tại chùa.

Sư phụ tôi, sư Sonuttara, là người ít học, không rành chữ nghĩa. Ông rất sợ phải chống đối với bất cứ vị sư nào trưởng thượng hơn. Nhưng trên tất cả, ông không muốn sự tranh chấp này sẽ phá hỏng cơ hôi được thọ giới của tôi. Tôi rất giận đại đức Sumanatissa, một phần vì ông quá khó khăn với sư phụ tôi, phần vì ông đã muốn làm hỏng một ngày quan trọng nhất trong đời tôi. Tôi cảm thấy tính chính trị trong tất cả mọi thứ thật là kinh khủng, nhưng tôi không thể làm được gì hơn.

Không một lời cãi vả, sư phụ tôi ký vào giấy chứng nhận theo như đại đức Sumanatissa yêu cầu, với mấy chữ 'sư thường trú' cạnh bên tên ông.

Vài giờ trước khi buổi lễ bắt đầu, hai vị sư huynh vận y cho tôi toàn trắng, với một cái mũ giống như vương miện trên đầu. Nếu người sắp thọ giới có bà con hay người bảo trợ giàu có, thì có thể cưỡi voi, một biểu tượng của sự oai nghiêm và đẳng cấp. Vị đó cũng có thể có hàng trăm người đi theo, đánh trống, thổi kèn, sáo, và nhảy múa. Vì gia đình tôi không giàu có, nghi lễ dành cho tôi đơn giản hơn.

Trong lúc tôi đang thay y áo, bà con họ hàng và các thầy của tôi đã chuẩn bị sẵn những mâm quà cho các thành viên của hội đồng chứng minh. Mỗi mâm gồm có trầu cau để ăn, thuốc để hút, một cái khăn lông, một bánh xà bông, kem đánh răng, bàn chải đánh răng làm từ những cọng cỏ nhỏ và một hộp bánh.

Có khoảng hai mươi vị chức sắc đến dự: hòa thượng trưởng môn của tông phái Siyam Nikaya; hai thị giả của ngài, cũng là những người cao hạ, uy nghi; một tăng sĩ thư ký, người quản lý mọi giấy tờ trong tông phái; và mười sáu người khác. Theo một tôn ti trật tự rất khắt khe, tôi phải đến lễ mỗi vị sư ở thất của họ, theo thứ tự, và dâng cúng cho họ những mâm quà. Nghi lễ này kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ.

Mặc dầu có vẻ rườm rà, nhưng mỗi vị sắp thọ giới trọng, phải thọ giới sadi trở lại và mặc chiếc y mới màu vàng chói trong những giờ phút cuối cùng, trước khi người đó trở thành một vị tỳ kheo. Điều đó nhắc nhở người sắp thọ giới, một lần nữa, về sự từ bỏ cuộc sống vương giả của thái tử Siddhattha, chỉ quấn quanh người Ngài một mảnh vải màu vàng khi Ngài bắt đầu cuộc sống không nhà. Nó cũng được dùng để "lau sạch mọi tội lỗi" trong trường hợp người sắp thọ giới đã phạm lỗi gì trong giai đoạn làm sadi, và đã không kịp sám hối với sư phụ của mình.

Khoảng sáu giờ chiều, buổi lễ bắt đầu.

Một sợi dây ngăn tòa sima làm hai- một bên dành cho quý sư, bên kia cho cư sĩ. Phía bên cư sĩ thì đông nghẹt với hàng trăm khách khứa ồn ào. Trẻ con đùa giỡn, em bé khóc lóc, và người lớn trò chuyện cười đùa.

Ở cuối phòng họp là một tượng Phật to lớn. Tượng Phật được đặt trên một bàn thờ gỗ đen đã tróc nước sơn, tràn đầy những đèn cầy dâng cúng và đèn đất nhỏ, các lư hương ngun ngút khói, các bình hoa, các ly nhỏ chứa đầy nước trái cây, nước trà hay nước lã. Một mâm đựng những trầu cau theo truyền thống. Một đôi đèn dầu bằng đồng to được đặt hai bên hông bàn thờ, chiếu ánh sáng lung linh trên khuôn mặt trầm tĩnh của Đức Phật.

Ngồi bên phải bức tượng là vị thượng tọa trưởng môn, hai bên là hai thị giả. Các vị tăng khác trong hội đồng chứng minh ngồi trên sàn gỗ, hai hàng đối mặt nhau.

Các sadi chúng tôi được dặn phải ngồi trên sàn nhà theo thứ tự tuổi tác. Còn sáu tháng nữa mới được hai mươi tuổi, tôi là người trẻ nhất. Một sadi ít nhất phải hai mươi tuổi mới được thọ giới trọng, nhưng vì tôi đã hoàn tất mọi điều kiện khác, tôi được thọ giới sáu tháng sớm hơn.

Đầu tiên là một cuộc sát hạch bằng miệng, qua đó một vị sư cao niên sẽ hỏi các sadi, từng người một, tụng lại các kinh và trả lời câu hỏi. Người giám khảo buổi chiều hôm đó là vị sư cao niên cấp bậc thứ hai, một người được biết là rất khắt khe. Cách của ông là đọc một dòng đầu tiên trong các kinh Phật, rồi yêu cầu người sắp thọ giới phải hoàn tất bài kinh.

Phần đông các sadi khác chỉ thuộc các đoạn kinh bắt buộc. Còn tôi, với trí nhớ như in và lòng muốn chứng tỏ sự vượt trội, đã học thuộc lòng nhiều hơn. Dầu thế, trước đám đông tôi cũng rất run.

Cuối cùng, sau hai mươi lăm vị sadi khác, cũng đến phiên tôi. Vị giám khảo đã làm việc hơn một tiếng rưỡi rồi và ông có vẻ mệt nhoài.

Ông yêu cầu tôi đọc một đoạn trong kinh Pháp Cú. Tôi hít một hơi thở sâu, nhắm mắt lại và đọc một mạch không ngừng tám đoạn kinh.

"Thôi đủ rồi,” vị giám khảo nói. "Thầy rất thuộc bài."

Kế tiếp, mỗi sadi phải được chấp nhận một cách chính thức là người sẽ được thọ giới. Giống như các sadi trước tôi, tôi đứng dậy và đến trước một trong các vị sư chứng minh. Ông hỏi tôi theo như thể thức bắt buộc: tên tôi; giới tính; tên cha mẹ; tên sư phụ; tôi có bệnh truyền nhiễm gì không; tôi có ở trong quân đội hay là một người thường dân; và cả câu hỏi về tôi là người hay ma quỷ.

Trong khi phần lớn chỉ là hình thức, những câu hỏi này nhằm xác nhận rằng, tôi không phải là một kẻ tội đồ đang tìm cách trốn tránh pháp luật bằng màu áo người tu. Câu hỏi về bệnh truyền nhiễm để chắc chắn rằng tôi không có những chứng bệnh có thể lây lan cho cộng đồng các tăng sĩ. Những câu hỏi khác, hơi kỳ hoặc, là những câu hỏi truyền thống đã có từ thời Đức Phật.

Sau khi tôi đã trả lời tất cả các câu hỏi, vị sư tuyên bố với vị trưởng môn rằng tôi hội đủ điều kiện để được truyền giới. Tôi quỳ trước vị trưởng môn và đảnh lễ, chạm trán xuống sàn nhà trước mặt ông ba lần. Lần nữa, tôi lại trả lời một số câu hỏi, lần này cho vị trưởng môn nghe.

Sau đó tôi được dạy ngồi xuống với các sadi khác. Hai vị sư thuyết giảng cho chúng tôi nghe về sự quan trọng của 227 giới mà chúng tôi phải tuân giữ sau khi thọ giới, nhấn mạnh đến bốn giới trọng: không dâm dục; không lấy bất cứ gì không phải là cho mình; không sát hại; và không khoe khoang về các khả năng siêu nhiên. Ngoài ra, chúng tôi cũng được nhắc nhở về việc vun trồng tâm xả đối với bốn vật dụng mà các cư sĩ cúng dường: y áo, thực phẩm, nơi ở và thuốc men. Tất cả những lời khuyên này đều xuất phát từ những lời dạy ban đầu của Đức Phật đối với đệ tử của Ngài.

Cuối cùng, với chiếc bình bát mới tinh đeo trên cổ, chúng tôi đảnh lễ từng vị sư trong hội đồng chứng minh, bắt đầu từ vị trưởng môn. Sau đó chúng tôi ngồi xuống thành hàng dài, và tất cả các cư sĩ xếp hàng đến cúng dường vật dụng cho chúng tôi. Đây là phần vui nhất của buổi lễ. Nó nhấn mạnh đến sự tương quan tùy thuộc giữa tăng đoàn và cư sĩ. Nhiều cư sĩ khóc khi họ vái chào và đặt đồ cúng dường của họ trước mặt chúng tôi.

Nghi lễ cúng dường là một trong những nét văn hóa trong Phật giáo, nhưng đôi khi bị hiểu lầm bởi người ngoại đạo cho rằng tăng sĩ là những hành khất lười biếng, được đám đông khờ dại hỗ trợ. Thật ra, điều đó hoàn toàn ngược lại: người cho cũng nhận được nhiều như, nếu không nói là hơn, người nhận vì họ đã thực hành hạnh bố thí, hay sự rộng lượng.

Bất cứ ai cúng dường cũng là đang thực hành tâm rộng lượng. Đức Phật dạy rằng cách thực hành này là một phương tiện thiện xảo để đoạn diệt lòng tham chấp. Trong rất nhiều bài kinh, Đức Phật đã khuyến khích các Phật tử thực hành hạnh bố thí bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi nào có thể:

NHƯ MỘT BÌNH CHỨA NƯỚC ĐẦY,

NẾU DỐC NGƯỢC BÌNH,

TẤT CẢ NƯỚC CHẢY RA

KHÔNG GIỮ GÌ LẠI CẢ.

HƠN THẾ NỮA, NẾU BẠN GẶP NGƯỜI CẦN GIÚP ĐỠ

DẦU Ở GIAI CẤP THẤP, TRUNG HAY SANG CẢ,

THÌ HÃY BỐ THÍ NHƯ CHIẾC BÌNH DỐC NGƯỢC

KHÔNG GIỮ LẠI GÌ CẢ.

Trong một bài thuyết giảng khác, Đức Phật dạy rằng có ba cách để tạo công đức. Ba cách đó là giữ giới, thiền định và bố thí.

Hình thức bố thí giữa người cư sĩ và tu sĩ gần giống như một sự hỗ tương lẫn nhau. Người cư sĩ cúng dường các vật dụng cần thiết để giúp vị tu sĩ có thể bước trên con đường đạo, mà không phải lo lắng về những vật dụng cần thiết. Đáp lại, người tu sĩ cầu an, cũng như thuyết pháp -là Pháp thí cho cư sĩ.

Trong buổi lễ thọ giới của tôi, khi các vật dụng cúng dường dần dần chất cao trên sàn nhà trước mặt tôi, tôi ngồi đó và tưởng nhớ đến mẹ. Tôi ước chi bà có thể chứng kiến buổi lễ này! Tôi biết nó có ý nghĩa xiết bao đối với bà, và nếu có bà ở đây thì nó cũng có ý nghĩa với tôi xiết bao. Nhưng vì lưng mẹ tôi bị chấn thương, bà không thể đi bộ hơn mười mấy cây số từ làng đến đây, và bà cũng không có phương tiện gì khác để có thể đến đây. Nếu bà có mặt ở Kandy ngày hôm đó, chắc chắn rằng bà sẽ khóc những giọt nước mắt vui mừng, thấy rằng đứa con trai út của bà, cuối cùng cũng đã trở thành một vị tỳ kheo với đầy đủ giới luật.


Chương 7. Thuốc Chữa Cuối Cùng: Thiền Quán

Một vài ngày sau lễ thọ đại giới, tôi sốt sắng tham gia vào một trong những Phật sự của một vị tỳ kheo với đầy đủ giới luật, là đả Phật thất. Nghi lễ này, được gọi trong tiếng Pali là paritta, được thực hiện nhằm xua đuổi những vong linh xấu ác -một thí dụ khác nữa về việc niềm tin dân gian và Phật giáo vẫn có mặt cạnh nhau. Nếu có người bệnh, hay dân làng đang gánh chịu một trận đói hay hạn hán (những bất hạnh mà có thể là do những linh hồn xấu ác tạo ra), người ta thường yêu cầu quý sư thực hiện việc tụng niệm đặc biệt này. Suốt cả tuần, từng hai tu sĩ luôn phiên tụng niệm không dừng. Mỗi lần, họ tụng khoảng một giờ, rồi hai người khác thay phiên tụng. Sự tụng niệm này rất nhiệt huyết, gần như là hét hơn là xướng tụng. Chỉ có các vị sư với giọng tụng mạnh mẽ mới được lựa chọn, và họ được coi trọng vì sự nỗ lực này. Các tăng sĩ trẻ thường nôn nóng để được đến lượt mình gia nhập nhóm tụng niệm này.

Một người bạn của tôi ở trường Phật học cũng nôn nóng được tham gia nghi lễ này như là tôi. Vị này thọ giới trước tôi một ngày, vì thế cả hai chúng tôi cùng đủ điều kiện như nhau. Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi tranh nhau nhận lời mời tham dự một nghi lễ tụng niệm ở một ngôi chùa gần bên, mà bạn chúng tôi là sư trưởng ở đó.

Cả hai chúng tôi đều trẻ, đầy nhiệt huyết và vì đây là nghi lễ đả Phật thất đầu tiên của chúng tôi, nên chúng tôi muốn tụng nhiều hơn là chỉ một lần. Vì thế, chúng tôi khẩn cầu vài vị sư huynh nhường cho chúng tôi phần tụng niệm của họ. Họ đã thực hiện rất nhiều paritta nên vui vẻ nhận lời, vì thế cuối cùng là chúng tôi tụng phần lớn thời gian. Chúng tôi chỉ nghỉ để ăn hay làm công tác vệ sinh. Chúng tôi không ngủ chút nào!

Mỗi ngày lúc sáu giờ sáng, mười một giờ sáng, và sáu giờ chiều, người ta gióng trống lên để báo hiệu buổi tụng niệm bắt đầu. Họ phải đánh trống thật lớn để có thể át tiếng tụng niệm của chúng tôi. Ngược lại, để chứng tỏ sinh lực của mình, bạn tôi và tôi tụng còn lớn hơn nữa. Vì cố gắng để át tiếng trống, chúng tôi gần như là hét khan cả phổi.

Sau ba ngày bạn tôi xỉu luôn. Mấy vị cư sĩ ở chùa phải khiêng thầy vào phòng và đặt thầy lên giường ngủ. Tới chiều tỉnh lại, thầy lại cùng tôi tiếp tục tụng niệm.

Đến cuối tuần thì cả hai chúng tôi đều không còn sức lực. Dầu rất cần nghỉ ngơi, chúng tôi không thể ngủ. Chúng tôi cũng không thể nuốt trôi thứ gì, và cả hai đều bị nhức đầu khủng khiếp. Chúng tôi không thể chịu đựng ai ở quanh mình. Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi bị khủng hoảng tinh thần.

Tệ hơn cả là tôi mất trí nhớ, không chỉ trí nhớ như in mà tất cả mọi thứ! Tôi không thể nhận ra mẫu tự của bất cứ ngôn ngữ nào -Sinhala, Sanskrit, Tamil, hay tiếng Anh. Khi mở một trang sách, tôi không hiểu trong đó nói gì. Nếu tôi gặp ai đó, rồi năm phút sau gặp lại, tôi cũng không thể nhớ tên người đó. Tôi cảm thấy rất đau khổ và buồn bực bởi những gì đã xảy đến cho tôi. Tất cả niềm hãnh diện về những thành tựu trong việc học tập của tôi đều tan biến.

Trở lại trường, tôi không làm tốt các bài thi cuối khóa. Thầy hiệu trưởng hoang mang vì người học trò siêu sao của ông đã làm bài quá tệ, ông cho gọi tôi vào văn phòng. Tôi kể cho ông nghe về việc tôi tụng kinh suốt bảy ngày đêm và trí nhớ của tôi đã biến mất như thế nào. Ông bảo tôi hãy trở về chùa để nghỉ ngơi và trị bệnh.

Cả năm trời sau đó, tôi tìm đến đủ mọi phương cách chữa bệnh, một cuộc tìm kiếm vô vọng cho 'phương thuốc thần'. Đầu tiên, sư phụ tôi chế ra một hỗn hợp thuốc từ các loại cây và đắp lên trán tôi mỗi sáng. Sau một tháng tôi cũng không khá hơn, dầu vậy, tôi vẫn muốn được trở lại trường học. Những ngày huy hoàng của tôi đã qua đi. Giờ tôi phải vất vả học chính những điều đơn giản nhất.

Không chỉ là trí nhớ như in của tôi đã biến mất, mà tôi còn phải vật lộn với từng câu từng chữ, hay đôi khi cả từng mẫu tự. Có những đêm, trong lúc đọc sách, tôi cảm thấy như có bao sâu bọ cắn rứt óc não tôi. Tôi thật hoảng loạn và bắt đầu nghĩ đến việc tự tử. Tôi không muốn sống trong hoàn cảnh như thế này chút nào. Tôi đã nghe người ta nói rằng những sợi tim đèn dầu rất độc, vì thế tôi bắt đầu thu thập và giấu chúng trong một chiếc hộp. May mà các bạn tôi biết được ý đồ đó và đã vứt cái hộp đi.

Có người lại khuyên tôi nên tìm một thầy thuốc Ayurvedic (ND: giống như thuốc nam) quảng cáo trong báo. Tôi đến gặp ông, kể bệnh của mình, và nói rằng tôi không có tiền. Là người tử tế; ông đã cho tôi một thứ thuốc rất quý mà không tính tiền. Mỗi ngày, theo lời ông chỉ dẫn, tôi thoa một ít dầu đó lên đầu, lên mũi, và còn uống cả một vài giọt nữa. Nó cũng giúp thông bịnh xoang mũi của tôi, và trả lại cho tôi chút ít trí nhớ; còn để hoàn toàn bình phục thì con đường còn dài.

Rồi sư phụ tôi kết luận rằng những rủi ro của tôi là do các oan hồn ma quỷ gây ra. “Quý sư sẽ tụng kinh suốt đêm cho con,” sư nói. Lúc đó, tôi không nghĩ lời đề nghị này khá oái ăm. Trong lúc tôi nằm trên sàn, tám vị tăng tụng niệm bằng tiếng Pali suốt đêm dài. Sáng hôm sau tôi cũng không thấy có gì khác.

Cha mẹ tôi cũng nghĩ rằng có thể một oan hồn nào đó đã nhập vào tôi, vì thế họ gọi một pháp sư làm bùa chú. Tôi đến gặp người này ở nhà cha mẹ tôi. Ông yêu cầu cha tôi lấy bảy trái chanh và bảo tôi ngồi lên ghế trong khi ông cầm một trái chanh và một cái kéo để trên đầu tôi, rồi tụng những câu chú bằng một thứ ngôn ngữ mà tôi nghĩ là ông ta đã tự chế ra ngay tại chỗ. Vừa tụng chú, ông vừa dùng kéo cắt chanh, để nước chanh chảy xuống đầu tôi. Ông lập lại nghi thức đó với tất cả bảy trái chanh. Cuối cùng, ông cột một dây bùa bằng vải quanh cổ tôi.

Cha mẹ tôi chắc chắn rằng làm vậy sẽ chữa được tôi khỏi bệnh. Nhưng tôi không khỏi, vì thế họ lại mời một thầy phù thủy khác, có lẽ có nhiều oai lực hơn.

Thầy phù thủy và sáu người tùy tùng đến nhà tôi. Ông yêu cầu cha tôi mang đến bao nhiêu thứ: dừa, dầu dừa, cau trầu, hoa dâm bụt và ít vải quấn quanh các cành cây khô để làm đuốc. Trong lúc đó, thầy phù thủy tạc một hình tượng bằng đất sét giống như tôi. Tượng tròn mập, giống như một người tuyết bằng đất nung. Khi mọi thứ đã xong, thầy phù thủy và đoàn tùy tùng vận xà rong, vấn khăn trắng lên đầu. Họ dẫn tôi đến một căn lều nhỏ và để tôi ngồi trước tượng đất sét mà họ đã làm. Các thành viên khác trong gia đình được phép ngồi gần bên, trên những chiếc chiếu trải trên mặt đất. Sau khi nhai trầu, bọn họ bắt đầu tụng chú bằng một thứ ngôn ngữ lạ lùng. Không phải tiếng Sinhala, không phải Pali, cũng không phải Sanskrit. Tôi chưa bao giờ nghe qua ngôn ngữ này. Chỉ là một hỗn tạp của âm thanh. Trong khi tụng chú, họ cầm những cây đuốc lửa và vãi bột nhang vào đó để làm cho ngọn lửa bùng sáng hơn.

Mỗi lần ngọn lửa bùng lên, hai người trong đoàn ngồi ở hai bên tôi sẽ la lên bằng tiếng Sinhala, “Ayu bova!” (Cầu cho ngươi sống lâu!).

Nghi lễ kéo dài cả đêm, cho đến khi các cây đuốc tàn lụi. Rạng sáng, họ xiên mấy cây đinh vào đầu của hình nộm, rõ ràng là để giải thoát tôi khỏi bệnh hoạn. Rồi họ cột một sợi chỉ quanh cổ tôi, giống như là vị thầy chú trước đã làm.

Lần này, cũng chẳng có kết quả gì.

Cha mẹ tôi thì không còn biết phải làm gì nữa, nhưng sư phụ tôi lại nghĩ ra một cách khác nữa: Ông cho tôi một miếng bùa làm bằng thiếc được cuộn lại thành một cái ống khoảng bốn centimet, cỡ như cây viết bi. Đó là một miếng bùa theo truyền thống ở Ceylon được gọi là ratana yantra, hay là miếng bùa kim loại. Một số đoạn trong kinh Ratana được chọn để khắc lên đó. Người Sinhala tin rằng nếu loại bùa này được đeo quanh cổ hay ngang thắt lưng, nó sẽ xua đuổi được ma quỷ. Sư phụ tôi đeo cái bùa lên cổ tôi.

Tôi rất mang ơn cha mẹ, sư phụ tôi và các lương y đã cố gắng chữa trị cho tôi. Nhưng tiếc thay, tất cả mọi cố gắng của họ đều vô ích. Không có kết quả gì. Trí nhớ siêu việt của tôi đã biến mất mãi mãi.

Ở thời điểm mà tôi hoàn toàn thất vọng, một ý nghĩ lạ lùng bỗng hiện lên trong đầu tôi. Có thể thiền tập sẽ giúp mình. Khi các huynh đệ của tôi nghe về ý tưởng này, họ phá lên cười. Vào những ngày ấy, thiền tập không phải là công phu tu tập bình thường, ngay đối với một tỳ kheo.

"Huynh điên rồi sao?” một người nói. “Thiền chỉ dành cho những người già yếu không thể làm được việc gì nữa. Huynh vẫn còn trẻ, quá trẻ để hành thiền. Đừng có dại dột thế.”

Dầu tôi rất thông suốt lý thuyết thiền, thuộc nằm lòng tứ niệm xứ, tôi chưa bao giờ thực sự hành thiền, tin được hay không. Thời đó rất ít tu sĩ hành thiền. Họ quá bận rộn thuyết pháp, tụng kinh và thực hành các lễ cầu an. Dĩ nhiên họ cũng nói nhiều về thiền, nhưng rất ít khi thực hành. Có người thực sự còn tin rằng nếu tọa thiền quá lâu, sẽ bị tán loạn tâm thần.

Tôi thì nghĩ rằng tôi đã bị tán loạn tâm thần rồi. Vậy thì tôi còn sợ gì nữa?

Tôi bắt đầu hành thiền một cách bí mật – đôi khi giữa khuya, đôi khi sáng sớm. Bất cứ khi nào tôi có được vài giây phút yên tĩnh một mình, tôi tọa thiền, ngồi trong một góc tối của chánh điện nơi tôi hy vọng rằng không ai bắt gặp mình. Tôi biết rằng tôi đang cố gắng để huân tập một thói quen tâm linh, và để có được kết quả, tôi dành thời gian thực hành mỗi ngày. Đó cũng giống như tập thể dục cho tâm, cố gắng chuyển động những bắp thịt đã quá yếu đuối do thiếu tập luyện.

Lúc đầu, tôi chỉ cố gắng để an tịnh tâm bằng cách nhớ lại những chuyện thường tình – tên bạn bè, những ngôi chùa đã viếng thăm, tên các quyển sách đã đọc. Không phải là điều dễ dàng, có những khoảng trống lớn trong ký ức tôi. Nhưng tôi đã cố gắng không hoảng loạn.

Rồi dựa vào sự chỉ dẫn trong bốn căn bản chánh niệm (tứ niệm xứ), tôi bắt đầu theo dõi hơi thở, các cảm thọ nơi thân, các cảm giác và ý nghĩ đi qua đầu tôi.

Sự quán sát đó dần dần mang đến một cảm giác rất an tịnh bên trong tôi. Thỉnh thoảng tôi còn kinh nghiệm được những giây phút hỷ lạc thoáng qua. Dĩ nhiên, những giây phút ngắn ngủi này khiến cho sự hành thiền thêm dễ chịu và khuyến khích tôi tiếp tục.

Dần dần những thứ tôi đã học trong quá khứ bắt đầu trở lại với tôi. Tôi bắt đầu nhận ra chữ cái và con số. Tính khí tôi cũng thay đổi một cách không ngờ. Sau vài tháng kiên trì thực tập, tôi đã có thể đọc và nhớ những gì đã đọc. Tôi thật vui mừng và nhẹ nhõm vì tôi đã tìm ra “thuốc chữa”.

Thiền đã làm được tất cả những gì mà bùa phép và các thứ dầu thuốc không thể làm được.

Nó đã mang lại sự thanh tịnh cho tâm tôi.


Chương 8. Phấn Đấu Để Được Học

Nhờ hành thiền, hai năm sống trong ác mộng vì mất trí nhớ của tôi cuối cùng cũng đã chấm dứt. Trí não tôi dường như được chữa lành khỏi cơn kích động gây ra bởi bảy ngày tụng niệm. Nhưng giờ thì, dầu tôi đã có thể nhớ mọi thứ gần như người bình thường, trí nhớ như in của tôi chẳng bao giờ trở lại nữa.

Hai năm sau, vào năm 1949, tôi đã có thể đi học trở lại. Điều đó làm tôi rất hạnh phúc. Cuối năm học đó, lần đầu tiên tôi tham dự cuộc thi chung cho tất cả các trường, được biết như là cuộc thi lấy bằng cao cấp, tương tự như những cuộc thi cuối năm ở trung học. Chúng tôi phải thi tám môn (Sinhala, Tamil, Pali, văn chương Sinhala, lịch sử Ceylon, toán, khoa học sức khỏe, và Phật giáo) và tôi đều đủ điểm đậu cả.

Tôi rất hãnh diện về thành tích này vì chỉ vài tháng trước đó, tôi đã không thể đọc hay nhớ điều gì.

Tuy nhiên cũng năm đó, tôi gặp nhiều khó khăn do nhiệt tình muốn học tiếng Anh của mình. Tôi tham dự một cuộc thi ở trường Phật học nơi tôi đã là một tăng sinh vài năm nay, và điểm tiếng Anh của tôi cao hơn điểm tiếng Sanskrit nhiều.

Thầy hiệu trưởng trường cho gọi tôi đến văn phòng. Gương mặt không vui, ông nói: "Gunaratana, thầy nên nhớ rằng giáo lý của Đức Phật được lưu truyền trong vòng hai ngàn năm trăm năm nay không phải bằng tiếng Anh mà bằng tiếng Pali và Sanskrit. Tôi khuyên thầy nên để ý đến các ngôn ngữ này nhiều hơn.” Vào năm 1950 tôi được nhận vào Vidyalankara Pirivena, một đại học cộng đồng dành cho tăng sĩ gần thủ đô Colombo, và là một trong hai đại học có tiếng ở Ceylon. Ban giảng huấn gồm khoảng mười người -những vị thầy khiêm tốn, uyên thâm về tôn giáo, thông suốt Pháp, lịch sử Phật giáo, tiếng Pali, Sanskrit, Sinhala, Tamil và Ấn Độ.

Tôi rất hạnh phúc được theo học ở đây, nhưng tôi lại không có khả năng trả tiền trọ. Tôi không có nơi nào để tạm trú, vì thế tôi dành vài tuần thăm viếng những chùa gần đó, mong tìm được nơi trọ học. Cuối cùng, tôi tìm được một ngôi chùa bên bờ sông Kelaniya, và vị trụ trì cho phép tôi được dọn vào. Tôi trở lại với những bổn phận của một tu sĩ sống ở chùa. Khất thực ở ngôi làng gần nhất cũng không mấy kết quả. Thường tôi chỉ nhận được cơm trắng trong bình bát, không có rau hay bất cứ thứ gì. Tôi đành trở về chùa, rắc đầy muối vào cơm, rồi ăn.

Từ chùa đến trường cũng là một con đường dài và rất phức tạp. Trước hết, tôi phải sang sông trong một chiếc thuyền nhỏ do Jinadasa, một cư sĩ ở chùa làm chủ. Mỗi ngày sau bữa trưa, ông sẽ đợi ở dưới thuyền để đưa tôi sang sông.

Thường trên những chuyến đò qua sông hằng ngày, tôi lại nghĩ về kinh Alagaddupama, kinh “Ẩn dụ về chiếc bè” vì, trong bài kinh đó, Đức Phật đã so sánh Pháp như là một chiếc bè: chúng ta có thể sử dụng Pháp để vượt qua con sông cuộc đời đầy sóng gió, Đức Phật dạy, nhưng một khi đã đến bờ bên kia, chúng ta cần để chiếc bè lại đằng sau. Tham ái, bám víu vào bất cứ điều gì, kể cả những điều tốt, cũng có thể khiến chúng ta sanh phiền não.

Mỗi ngày, sau khi qua sông, tôi phải đi bộ đến một trạm xe buýt để lấy xe buýt đến trường trên đường Kandy-Colombo. Dĩ nhiên, tôi cũng không có tiền mua vé xe buýt, nhưng ông chủ công ty xe buýt đã tử tế cho phép tôi được đi miễn phí.

Cuối tuần, tôi lại đi đến Yakkala, một làng gần bên, để giảng Pháp cho trường Sunday (ND: các lớp giáo lý cuối tuần). Vào những ngày rằm, tôi cũng thuyết pháp ở ngôi chùa tôi đang tạm trú. Mặc dầu tôi còn khá trẻ, người ta cũng tôn trọng tôi và muốn được nghe tôi giảng.

Đôi khi tôi giảng về những vấn đề quan trọng như là nghiệp, tái sinh, và lý duyên sanh, nhưng tôi không chắc rằng mình thực sự hiểu những điều mình giảng vào thời điểm đó. Thường tôi chỉ học thuộc lòng các đoạn giảng giải trong sách, rồi lặp lại.

Tôi cũng kể những câu chuyện dân gian Phật giáo. Tôi rất thích những chuyện về Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa, vị tỳ kheo luôn tìm cách ám hại Đức Phật. Họ đã là kẻ thù của nhau trong nhiều tiền kiếp. Có rất nhiều chuyện kể về những xung đột của họ. Trong câu truyện mà tôi thích, Bồ Tát (Đức Phật) tái sinh làm một chú khỉ đầy lòng nhân ái và Đề Bà Đạt Đa là một lữ hành lạc lối trong rừng.

Khi ở trong rừng, người lữ hành bị rơi xuống một cái giếng bỏ hoang, và chú khỉ tình cờ đi ngang qua, đã cố gắng hàng giờ để kéo anh ta lên. Sau đó mệt nhoài, chú khỉ nằm xuống đất nghỉ. Gã lữ hành cũng mệt và đói, đã lượm một cục đá to, đập lên đầu khỉ với hy vọng có thể giết nó lấy thịt ăn.

Vì yếu đuối, gã ta không giết được chú khỉ. Mình đầy máu, chú khỉ chạy lên cây, ngồi suy nghĩ: “Mặc dầu anh ta vừa định giết mình, nhưng nếu mình chạy trốn và bỏ anh ta lại,” chú khỉ nghĩ. “Thì anh ta có thể chết đói. Anh ta sẽ không bao giờ có thể tìm đường ra trong khu rừng rậm này. Ta cần phải dẫn anh ta đến ngôi làng gần nhất.”

Thế là chú khỉ bắt đầu chuyền từ cây này đến cây khác, nhào lộn như thể nó đang bị đau. Gã lữ hành nghĩ rằng con khỉ có thể ngã chết bất cứ lúc nào, nên đi theo nó. Khi đến bìa làng, gã ta không để ý đến chú khỉ nữa mà vào làng để xin thức ăn và nước uống, còn chú khỉ quay trở vào rừng.

Câu chuyện này cho ta thấy những đặc tính đáng ngưỡng mộ của Đức Phật, ngay trước khi Ngài được có thân người hay được hoàn toàn giác ngộ, và câu chuyện đó lúc nào cũng khiến cho thính giả của tôi ở trường Sunday lấy làm thích thú.

Một ngày kia, Jinadasa nói ông muốn cúng dường cho tôi trong lần thuyết pháp sau. Ông ta hỏi tôi cần gì, nhưng tôi không trả lời, vì biết ông quá nghèo và thực sự không có khả năng mua quà.

Dầu vậy, vào ngày rằm kế tiếp, ông cúng dường cho tôi một cây đèn pin. Cả hai chúng tôi đều không biết món quà đó sẽ đem lại tai hại gì.

Một buổi chiều kia, tôi thuyết pháp trong một phòng ăn mới ở trường đại học. Đó là một dịp quan trọng; tất cả các thầy, các bạn học của tôi và hàng trăm cư sĩ đã đến để nghe tôi nói chuyện. Bài thuyết pháp của tôi là về kinh Culamalunkyaputta trong Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya), khuyên chúng ta không nên bỏ phí thời gian vào những việc vô ích. Đức Phật dạy rằng chúng ta cần phải cảm thấy nôn nóng muốn tu tập để đạt được giải thoát khỏi khổ đau.

Khi bài giảng của tôi chấm dứt và mọi người đã hỏi xong các câu hỏi, thì đã gần nửa đêm. Tôi đã trễ chuyến xe buýt cuối cùng nên tôi phải đi bộ gần mười cây số đến bờ sông nơi tôi hy vọng Jinadasa sẽ đưa tôi sang bờ bên kia.

Con sông, tràn bờ bởi mưa, chảy xiết. Đã gần hai giờ sáng và tôi biết Jinadasa đang ngủ. Tôi bật cây đèn pin mà ông đã tặng tôi, quét ánh sáng qua bờ bên kia, và réo gọi tên ông thật lớn. Sau một lúc, ông xuất hiện ở bờ bên kia và xuống đò. Ông rất bực tức vì bị đánh thức giữa đêm.

Khi ông chèo đò qua, tôi nghe đủ lời sỉ vả. Ông nguyền rủa, nhục mạ tôi đủ điều. Rõ ràng là vì ông nghĩ tôi đã ở lại dưới phố hành xử không đúng với tư cách một vị tu sĩ, như trò chuyện, đùa giỡn với phụ nữ hay những việc đại loại như thế. Ông không biết rằng tôi vừa thuyết pháp xong.

Tôi bước xuống đò, xin lỗi vì đã làm phiền ông giữa đêm. Tôi cố gắng giải thích tại sao tôi bị trễ như vậy, nhưng ông không muốn nghe. Ông tiếp tục tuôn ra những lời chửi bới thô tục, buộc tội tôi về đủ các thứ mà tôi chẳng bao giờ tưởng tượng mình có thể làm. Rồi ông trao cho tôi cái dằm, bảo tôi phải tự chèo.

Trước đó, tôi chưa bao giờ chèo thuyền, và chắc chắn là không bao giờ trên một dòng nước chảy xiết như thế này. Tôi bỏ dằm xuống nước và ngay khi tôi làm thế, chiếc thuyền bắt đầu nghiêng triền. Tôi thật sự sợ hãi. Tất cả những kinh nghiệm suýt chết vì nước hiện ra trước mắt tôi.

Jinadasa giựt cây dằm từ tay tôi, lại tuôn ra thêm một tràng chửi rủa khác. Ông ta bắt đầu chèo chống dòng nước ngược cuồng xiết chảy, cằn nhằn, chửi rủa suốt thời gian. Thường chuyến đò chỉ mất mười phút, nhưng đêm đó mất gần hai tiếng. Đó là hai tiếng đồng hồ dài nhất trong cuộc đời tôi.

Sáng hôm sau, sau một đêm chợp mắt ngắn ngủi, tôi thức dậy và quyết định rời ngôi chùa tôi đang tạm trú, vì không thể chịu đựng được nữa những chuyến đò qua sông với Jinadasa.

Sau khi khất thực về, tôi sắp xếp vài quyển sách vào tay nải, rồi đi ra bờ sông. Jinadasa đang ở đó, vẻ mặt không vui.

“Tại sao tay nải của thầy hôm nay to thế?” ông hỏi tôi.

“Vì tôi không trở về chùa nữa,” tôi trả lời.

Ông hỏi tại sao nên tôi cho ông biết những lời sỉ nhục, nguyền rủa của ông đêm hôm qua đã tổn thương tôi như thế nào. Tôi bảo rằng tôi có lý do chính đáng về sự trễ muộn của mình, nhưng ông đã không muốn nghe. Tôi kể rằng tôi đã suýt bị chết đuối vài lần, rằng tôi rất sợ nước và sự trách mắng của ông chỉ làm tôi thêm đau khổ.

Jinadasa chực trào nước mắt. Với đôi mắt xụp xuống, ông van nài tôi ở lại, nhưng tôi đã quyết định.

“Tôi muốn tìm một nơi mà tôi không phải qua sông mỗi ngày để đến trường,” tôi trả lời.

Và như thế, một lần nữa tôi lại phải đi tìm một nơi để tạm trú.

Cuối cùng, tôi tìm ra được một ngôi chùa cách trường khoảng mười sáu cây số. Vị sư ở đó bảo rằng tôi có thể ở trong cái thất nhỏ trong khuôn viên chùa. Cái thất này đã không có ai ở nhiều năm nay, hoàn toàn trống rỗng, trừ khoảng năm mươi chú dơi! Đôi khi, mùi nước tiểu dơi quá hôi đến nỗi tôi không thể ngủ được.

Buổi trưa, sau khi khất thực xong, tôi đón xe buýt đến trường. Sau giờ học, khi tôi chuẩn bị về nhà, đó là giờ cao điểm, xe buýt luôn đầy -không có chỗ cho những người không thể trả tiền như tôi- tôi đành phải đi bộ mười mấy cây số từ trường về nhà mỗi ngày.

Khi tôi về đến thất thì đã chín hay chín giờ rưỡi tối, nên phải đốt đèn dầu lên. Ở gần đó có một thương nhân tên là Albert. Ông là người Sinhala, nhưng giống như nhiều người ở xứ tôi, tên gọi của ông là tên tiếng Anh. Một số người Sinhala đặt cho con cái họ những tên tiếng Anh hay Hà Lan hay Bồ Đào Nha, tuỳ thuộc vào việc quốc gia nào đang chiếm đóng Ceylon vào lúc đó, vì họ hy vọng rằng điều đó sẽ giúp con cái họ được vào các trường Thiên Chúa giáo nổi tiếng, hay một công việc làm với chính phủ sau này khi chúng lớn lên.

Albert là một người rộng rãi. Mỗi đêm, khi nhìn thấy đèn trong thất của tôi thắp sáng lên, ông sẽ sai người giúp việc mang qua cho tôi một tách trà nóng. Dầu đó chỉ là trà, nhưng sau một ngày dài, một tách trà nóng bao giờ cũng ngon tuyệt vời. Sau đó tôi sẽ học cho tới nửa đêm rồi đi ngủ.

Albert rất quan tâm đến tôi và đến ước muốn được học xong đại học của tôi. Ông đề nghị sẽ mang thức ăn cho tôi mỗi ngày, để tôi không phải đi khất thực. Và ông cũng đề nghị được trả tiền sách vở cho tôi. Tôi không muốn phải dựa vào ông, nhưng là một tăng sĩ không có của cải vật chất gì, tôi đành phải nhận bất cứ sự giúp đỡ nào mà các cư sĩ có lòng cúng dường. Vì thế tôi chấp nhận lòng tử tế của ông.

Rủi thay, sự hỗ trợ của Albert dần dần đem đến rắc rối cho tôi. Khoảng một tháng sau khi tôi dọn vào thất, Albert bảo với vị trụ trì ở chùa rằng ông nghĩ tôi là một tăng sĩ trẻ xuất sắc, có khả năng giảng Pháp tuyệt vời.

Vị trụ trì lập tức trở nên nghi ngờ, cho rằng tôi đang toan tính để chiếm đoạt ngôi chùa của ông, vì thế ông sai một trong những đệ tử của mình đến bảo tôi phải rời khỏi chùa. Ông buộc tôi phải đi ngay lập tức, đến nỗi tôi không có cơ hội đến chào từ giã Albert. Tôi được gửi đến sống ở một thất trống trong ngôi chùa gần đó, nhưng rồi một tháng sau, tôi cũng bị đuổi ra khỏi đó nữa. Tôi đoán là vị sư đầy lòng nghi hoặc muốn tôi hoàn toàn biến khỏi khu vực đó.

May mắn thay, tôi tìm được một nơi ở mới, một cái thất gần đường Kandy-Colombo, chỉ cách trạm xe buýt một đoạn đường ngắn. Cái thất này đã được một phụ nữ giàu có tạo ra để cúng dường cho các tăng sinh ở trường. Thật là tuyệt vời. Tôi bắt đầu thuyết pháp trở lại, và người dân địa phương đã đến để nghe pháp. Họ có vẻ rất hoan hỷ vì sự có mặt của tôi, họ còn tặng tôi một cái bếp gas để nấu nước.

Buồn thay, tôi cũng chưa được yên thân. Vị trụ trì, người đã coi tôi là một mối đe doạ, lại gửi đệ tử đến phá rối tôi nữa. Lần này, ông bảo là có hai tăng sinh khác cần đến ở trong thất đó, nên không đủ thực phẩm cho cả ba người. Vì thế, ông lệnh tôi phải ra đi. Vị trụ trì của các chùa ở địa phương rất có quyền hạn đối với những vấn đề như thế.

Tôi khẩn thiết van xin. ‘Gia đình tôi rất nghèo,’ tôi nói, ‘tôi không có mười xu mỗi tháng để trả tiền trọ ở trường. Tôi chỉ còn sáu tháng nữa là ra trường -hãy để tôi ở đây cho đến lúc đó.’

Dầu vậy, ông vẫn nhất quyết buộc tôi ra đi.

Tôi mang sách vở trở về Yakkala, nơi tôi đã được tiếp đón nồng hậu một năm trước đó. Lần này, tôi được cho một căn phòng trong chùa.

Buồn thay, ngay với sự tiếp đón nồng hậu đó, tất cả những vất vả trước đây để tìm một chỗ nương thân vẫn đè nặng tâm trí tôi. "Tại sao tôi phải cố gắng như thế để được đi học ?" tôi tự hỏi. "Các môn học này không có ích lợi gì đối với một tu sĩ. Tại sao tôi phải quá vất vả để đạt được mục đích đó ?"

Tôi cũng rất tủi nhục về việc phải luôn vay mượn tiền bạc. Không có khả năng mua sách, tôi phải năn nỉ các sinh viên khác để mượn sách của họ. Rồi tôi phải trả sách trước khi đọc xong. Khi cần một vài rupee để đóng tiền thi, tôi cũng phải về hỏi mẹ, bổn sư hay người bảo trợ, để xin vài đồng xu. Thật là xấu hổ, tôi ghét phải xin những người mà chính họ cũng không dư giả.

Vì thế vào năm 1952, tôi quyết định bỏ học, mặc dầu chỉ còn kỳ thi cuối khóa là tôi hoàn tất chương trình. Lệ phí để thi là mười lăm rupee, khoảng bốn đô rưỡi, nhưng tôi không có tiền. Thế là tôi bỏ học.


Chương 9. Thầy Truyền Giáo

Dầu tôi đã bỏ học trước kỳ thi cuối khoá, nhưng niềm hoài vọng tuổi trẻ là được giảng pháp bằng tiếng Anh vẫn còn mãnh liệt trong tôi. Tôi không biết chính xác niềm hoài vọng này bắt nguồn từ đâu. Có thể một phần vì tiếng Anh được những người Sinhala thuộc giai cấp thượng lưu sử dụng, một nét văn hoá còn sót lại từ thời thuộc địa Anh. Tôi đã từng mơ được đi đến Ấn Độ hay Malaysia, nơi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi hơn. Nếu may mắn hơn, tôi còn có thể thuyết pháp ở Anh quốc, nguồn gốc của di sản lệ thuộc Anh ở quê hương tôi.

Chẳng bao giờ trong những giấc mơ hão huyền đó, tôi đã có thể tưởng tượng ra việc tôi sẽ giảng dạy tại Mỹ; đối với một thiếu niên ở Ceylon như tôi, đó là điểm tận cùng của trái đất.

Sau trường Phật học, tôi tiếp tục theo học các lớp tiếng Anh ở bất cứ nơi nào tôi biết, đôi khi phải đi hàng bao nhiêu cây số chỉ để được ngồi trong một lớp học dạy tiếng Anh. Nhiều người chế nhạo sự ham muốn học thứ tiếng khó hiểu đó của tôi.

"Này ông thầy trẻ," họ sẽ nói, "tại sao thầy nhất quyết phải học tiếng Anh? Chỉ có cư sĩ mới sử dụng tiếng Anh, mà cũng rất ít. Thầy cần trụ ở một ngôi chùa, và làm tròn bổn phận của mình ở đó."

"Nhưng một ngày nào đó, tôi có thể đi ra nước ngoài," tôi chống chế. "Tôi cần phải biết tiếng Anh."

Họ sẽ nhìn tôi giống như tôi điên.

Tôi đã giảng Pháp cho các lớp cuối tuần ở một chùa ở Yakkala trong khoảng thời gian ít nhất là sáu năm. Có hàng trăm các lớp cuối tuần (Sunday School) ở Ceylon và trường tôi dạy khá nhỏ. Vào mỗi chủ nhật có khoảng hai trăm học sinh, phần đông chưa đến mười tám tuổi. Tôi giảng về những điều cơ bản: giới luật, bát chánh đạo, cuộc đời Đức Phật, và lịch sử Phật giáo. Vào thời đó, các trường không hướng dẫn hành thiền, mà tôi cũng không khuyến khích họ học thiền vào thời điểm ấy. Ngày nay thì thiền là môn dạy chủ yếu của tôi.

May mắn thay, vị trụ trì chùa ở Yakkala, đại đức Candajoti Thera, rất ủng hộ việc học tiếng Anh của tôi. Ông cũng nghĩ rằng đó là một ngôn ngữ quan trọng cần phải học và tổ chức cuộc thi lấy bằng trung học cơ sở tiếng Anh.

Dần dần với sự giúp đỡ của đại đức Candajoti, anh tôi và tôi mở một trường dạy tiếng Anh nho nhỏ ở chùa tại Kebilitigoda. Anh tôi giỏi tiếng Anh, vì đã sống và học hành ở Colombo mấy năm, nên anh làm giảng viên chính. Chúng tôi mượn bàn ghế và bảng đen từ một chùa khác. Rồi chúng tôi căng bảng hiệu lên, và thật bất ngờ, hai mươi học sinh đã đến! Tuy nhiên, phần đông là con cái của những gia đình nghèo, nên họ không có tiền đóng học phí. Đó là vấn đề, vì anh tôi cần có lương để trả tiền ăn ở. Còn tôi, dĩ nhiên được chùa hỗ trợ.

Đại đức Candajoti ra sức quyên góp cho chúng tôi được một ngàn rupee (khoảng ba trăm đô la), thì cũng vừa đủ để trường được tiếp tục hoạt động trong ba tháng. Cuối thời gian đó, mặc dầu chúng tôi đã cố gắng hết sức, cũng không có ai giúp thêm kinh phí. Vì thế chúng tôi đành miễn cưỡng đóng cửa trường, trả lại bàn ghế mà chúng tôi đã mượn.

Và rồi tôi trở lại cuộc sống lang thang của mình. Tôi tiếp tục sống ở chùa Yakkala thêm một thời gian nữa, nơi đại đức Candajoti đối với tôi như anh em. Vì ông ủng hộ việc học tiếng Anh của tôi, nên ông đã tử tế cung cấp thực phẩm cho tôi khi tôi không có thì giờ đi khất thực. (Lúc đó, tôi đang học ở trường tiếng Anh Vidyasekhara, một trường học bắt nguồn từ trường Vidyasekhara Pirivena, nơi tôi đã học vào cuối những năm 1940 lúc còn là một sadi. Vì không có tuyến xe buýt giữa trường tiếng Anh và chùa Yakkala, tôi dọn vào một chùa ở làng Udugampola. Ở đó tôi vẫn phải đi bộ hơn hai cây số để đón xe buýt đến trường.)

Năm 1953, vào một cuối tuần, tôi đến thăm các bạn học cũ ở Vidyasekhara Pirivena. Ở đó, một tối kia, khi tôi đang vá y của mình trong ký túc xá của trường, tôi thoáng nghe hai vị tu sĩ nói chuyện ngoài hành lang. Họ đang bàn về một tin tức mà họ đã nhận được từ trường Truyền giáo Phật giáo (Buddhist Missionary School) ở Colombo. Trường này đang tìm một sinh viên mới có nhiều triển vọng để thay thế một tu sĩ đã bị đuổi vì phạm giới luật.

Trường Truyền giáo Phật giáo, đúng như tên gọi của nó, huấn luyện các tăng sĩ Phật giáo để họ đi ra nước ngoài thuyết Pháp. Tất cả được bắt đầu từ một tổ chức từ thiện Phật giáo gọi là hội Mahabodhi, được thành lập từ những năm cuối 1800.

Trường đó khá nhỏ và rất chọn lọc. Cũng có một số ít sinh viên từ các quốc gia khác -Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Trung Hoa- nhưng chỉ có mười tăng sĩ đến từ Ceylon. Vị hiệu trưởng của trường, đại đức Paravahera Vajiranana, hấp thụ một nền giáo dục Tây phương nhưng rất giỏi về lý thuyết cũng như việc thực hành thiền Phật giáo. Ông là người mà tôi rất ngưỡng mộ.

Ý tưởng về một ngôi trường truyền giáo có thể đối với những người biết về Phật giáo như là một tôn giáo tự giác thì có vẻ lạ lùng. Tuy nhiên chính Đức Phật là một nhà truyền giáo. Trong vòng ba tháng sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật đã có sáu mươi vị đệ tử quanh ngài. Sau đó Ngài yêu cầu các vị đệ tử này đi về sáu mươi phương hướng khác nhau để "truyền bá hạt giống Pháp."

Đức Phật khuyên đệ tử của Ngài rất rõ ràng rằng không nên cố gắng thay đổi tôn giáo của ai. Ngài dạy họ chỉ nên thuyết Pháp và rồi những ai chỉ có "chút ít bụi trong mắt," những người sẵn sàng muốn nghe, sẽ hiểu. Lời dạy này làm nổi bật một khía cạnh quan trọng trong Phật giáo. Trong một bài giảng nổi tiếng, Đức Phật đã diễn tả Pháp như là những chứng cứ hiển nhiên. Ngài dạy rằng nếu ta "đến để thấy," thì ta có thể tự phán đoán cho mình. Nói như thế Ngài không có ý nói về một lời mời cụ thể để đến một nơi nào đó để nghe thuyết pháp. Ngài chỉ có ý rằng Pháp luôn có mặt cho bất cứ người trí nào muốn tìm đến để quán sát nó.

Đức Phật muốn chúng ta áp dụng những lời dạy của Ngài vào chính cuộc sống của bản thân để xem chúng có hợp lý không. Bằng cách đó, chúng ta có thể chấp nhận giáo lý của Đức Phật dựa trên kinh nghiệm bản thân hơn là một lòng tin mù quáng. Diễn tả Phật pháp như là một điều gì bạn có thể ‘đến để thấy’ là dựa trên trí tuệ, rằng sự chuyển hoá chỉ có thể xảy ra bên trong ta và không thể ép buộc một cá nhân nào từ bên ngoài.

Khi nghe hai vị sư bàn luận về chỗ trống ở trường truyền giáo, dầu tôi chưa bao giờ được nghe về một nơi như thế, nhưng tôi lập tức biết rằng đó là điều mà tôi muốn làm. Tôi bỏ chiếc y đang vá xuống và chạy nhanh ra hành lang.

"Thưa đại đức," tôi bắt chuyện với một trong hai vị tăng sĩ, "tôi muốn nộp đơn vào chỗ trống đó."

"Khi nào thầy có thể đi gặp giám hiệu trường?" ông hỏi.

"Ngày mai," tôi trả lời.

Ngày hôm sau, tôi trình với vị giám hiệu, đại đức Paravahera Vajiranana Nayaka Mahathera, tại sao trường truyền giáo là môi trường rất thích hợp cho tôi. Ấn tượng với sự quyết liệt của tôi (mà có thể cũng là sự liều lĩnh của tôi!), ông chấp thuận cho tôi vào học. Rủi thay, các sinh viên đã qua gần phân nửa chương trình học ba năm của họ, vì thế tôi phải vất vả đuổi theo cho kịp, nhất là giờ tôi không còn trí nhớ như in. “Đây là một chương trình học khó,” đại đức Vajiranana cảnh báo tôi, “thầy lại vào học trễ. Thầy sẽ phải cố gắng rất nhiều mới mong theo kịp.”

Ông nhắc nhở tôi về lời Phật dạy về tinh tấn: "Pháp này chỉ dành cho những ai luôn tinh tấn, không phải cho người lười biếng.” Vị giám hiệu nói rằng nếu tôi muốn trở thành một thầy truyền giáo tốt, tôi cần phải tự nguyện thực hành tinh tấn ba-la-mật (parami-perfection). Đó là cách mà Đức Phật đạt được giác ngộ, vị giám hiệu nhấn mạnh, bằng cách hoàn thiện tinh tấn đến mức độ cao nhất.

Vì thế tôi đắm mình vào việc học và chẳng bao lâu đã có thể theo kịp các bạn đồng môn. Cũng may, chương trình học ở trường truyền giáo tương tự với chương trình ở trường Phật học mà tôi học trước đây. Chúng tôi học tiếng Pali và triết lý Phật giáo, cũng như là tiếng Ấn Độ, Anh và Tamil. Sau khi ra trường, phần lớn sinh viên được gửi đến sống ở Ấn Độ, vì thế cũng có những lớp học nhằm dạy chúng tôi những điều cần biết khi đến sống ở đó. Chúng tôi học về lịch sử Ấn Độ, Ấn Độ giáo và Gia-nai giáo.

Vì trường truyền giáo có nhiều tu sĩ đến từ các quốc gia Đông Nam Á khác, tôi đề nghị thành lập Hội Sinh Viên Phật Giáo Quốc Tế. Tất cả mọi hoạt động của Hội đều được đề ra bằng tiếng Anh để chúng tôi có thể thực hành ngôn ngữ này.

Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian ở trường truyền giáo. Ở Hunupitiya, ngoại ô Colombo cách trường tôi khoảng ba bốn cây số, có một ngôi nhà lễ dành cho các nghi lễ tôn giáo đặc biệt. Mỗi hai tuần, vào ngày trăng rằm và mùng một, chúng tôi đến ngôi nhà đó để đọc tụng giới luật, 227 giới của tăng sĩ. Nghi lễ này có thể được thực hiện ở bất cứ thánh địa nào (nơi dành riêng cho mục đích đó) và chỉ các tăng sĩ mới được dự; không có cư sĩ nào được đến.

Riêng ngôi nhà lễ này đã một trăm năm mươi tuổi, ở giữa một hồ nước, nằm trên những cây cột bằng gỗ. Tường bằng gạch chỉ xây đến phân nửa với những cây xà chắc chắn để chống đỡ một mái ngói. Để đến được nơi đó, các tăng sĩ chúng tôi phải đi qua một cái cầu nhỏ bằng gỗ. Sau khi vào đến ngôi nhà, chúng tôi tháo cây cầu ra, một hành động để biểu tượng cho việc tách biệt khỏi đời sống thế tục của chúng tôi.

Một lần khi chúng tôi đến gần ngôi nhà lễ đó, vài cậu bé đã cảnh báo với chúng tôi rằng một số ván sàn nhà đã bị tháo cắp, có lẽ để dùng đốt lửa. “Không an toàn đâu,” chúng nói. “Đừng đi lên đó.”

“Đừng để ý đến chúng,” một vị lão tăng ra lệnh. “Cứ tiếp bước.”

Tất cả chúng tôi đều nghe theo lệnh của ông, và tiếp tục bước hàng một trong im lặng.

Khi đã vào trong nhà lễ, chúng tôi biết lũ trẻ nói đúng: phân nửa gỗ trên sàn nhà đã bị tháo dỡ. Thường chúng tôi ngồi chia đều trên mặt sàn để sức nặng của chúng tôi không làm ảnh hưởng đến mấy cây cột chống nhà đã yếu. Giờ với phân nửa mặt sàn đã biến mất, tất cả mười bốn người chúng tôi đành phải ngồi về một phía.

Chúng tôi bắt đầu đọc tụng và giữa buổi lễ, chúng tôi bỗng nghe một tiếng động lớn. Vài tăng sĩ nhìn quanh lo ngại, nhưng vị lão tăng đọc càng lớn hơn nữa, bắt buộc chúng tôi phải theo gương ông.

Thình lình tất cả mọi thứ phía dưới chúng tôi sụp xuống. Thật là hỗn loạn. Người nhảy xuống hồ. Người té nhào xuống nước vì sàn nhà sụp. Tôi cố gắng bám vào phân nửa tường và cuối cùng thì là phân nửa ở trong nhà và phân nửa ở ngoài trời khi mái nhà đổ xuống người tôi. Lập tức các vị cư sĩ xúm đến cứu chúng tôi. Một số nhảy xuống hồ, lội về phía chúng tôi để kéo chúng tôi vào bờ. Vài vị tăng bị gãy xương; một mảnh xương sườn của tôi, nơi gần tim, bị toẹt ra khỏi lồng ngực. Lúc đầu không đau mấy, nhưng khi đã hoàn hồn, tôi bắt đầu cảm thấy đau buốt ở ngực. Kỳ diệu thay, vị lão tăng, người đã buộc chúng tôi phải bước tới, lại không bị một vết xước nào. Mái nhà đã rơi xuống ngay chỗ ông ngồi, và do đó bảo vệ ông an toàn.

Còn chúng tôi thì được chở đến bệnh viện. Ngày hôm sau tôi được ra viện, ngực quấn đầy băng. Tôi vẫn còn đau hàng tuần sau đó.

Cuối năm 1954, là lúc phải thi ra trường. Dầu nhập học trễ, tôi đã học hành rất cố gắng để theo kịp chương trình.Và sự nỗ lực đó đã được đền bù, các bài thi của tôi đều được điểm cao.

Rồi thì cũng đến lúc chúng tôi được nhận trách vụ ở nước ngoài. Phật sự truyền giáo của chúng tôi sắp bắt đầu. Sư giám hiệu gọi tôi đến và bảo ông muốn gửi tôi đến Tanzania.

"Tanzania!” tôi thảng thốt. “Phi Châu! Cách đây nửa vòng trái đất.” Tôi không chắc rằng tôi đã sẵn sàng để đến đó. Tôi chỉ mới hai mươi bảy tuổi và chưa bao giờ bước chân ra khỏi Ceylon.

“Tôi muốn được ở gần nhà,” tôi thưa với ông. “Ấn Độ có được không ạ?”

Ông gật đầu.

Tôi thực sự sẵn sàng để đi bất cứ nơi nào. Giờ tôi đã ra trường, tôi biết mình không thể trở lại ngôi chùa nơi tôi đã được thọ giới. Vì sự tranh chấp giữa sư phụ tôi và đại đức Sumanatissa, tôi biết rằng khi sư phụ tôi mất đi, đại đức Sumanatissa sẽ chống đối việc tôi kế tục quản lý ngôi chùa đó.

Tôi không có chỗ nào để đi, và trong tôi vẫn còn niềm ước muốn cháy bỏng, là một ngày nào đó được giảng Pháp bằng tiếng Anh, ở một nơi nào đó. Để thực hiện được điều đó, tôi phải rời bỏ quê hương xứ sở nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Ấn Độ, là một khởi đầu tốt cũng như ở bất cứ nơi nào khác, và dĩ nhiên là hấp dẫn hơn Phi Châu!

Cuộc hành trình từ Ceylon tới Ấn Độ chỉ khoảng bốn mươi mấy cây số vượt qua biển Ấn Độ Dương, chỉ là một chuyến phà ngắn ngủi, nhưng đối với tôi đó là một cuộc hành trình vĩ đại, và là một khởi đầu cho những cuộc hành trình đi khắp thế giới của tôi.

Chương 10. Vượt Đại Dương Đến Ấn Độ

Chuẩn bị để rời Ceylon lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cần hai thứ: tiền và một hộ chiếu.

Nhưng vì tôi là một tu sĩ, không có chứng từ thu nhập, tôi không thể lấy được hộ chiếu. Chỉ những người có đóng thuế thu nhập mới có thể nộp đơn xin hộ chiếu cho bản thân họ, vì thế vị giám hiệu trường truyền giáo đã nhờ một ân nhân giàu có, một người đã đóng rất nhiều tiền thuế, làm người bảo trợ cho tôi. Ông đã ký những giấy tờ cần thiết và tôi được người ta cấp cho một thứ gọi là công văn khẩn. Như thế là tôi được quyền đến và đi khỏi Ceylon trong thời hạn hai năm.

Tôi biết rằng hội Mahabodhi sẽ trả tiền tàu cho tôi đến Ấn Độ. Dầu đó là điều tuyệt vời, nhưng tôi cảm thấy tôi cũng cần có một ít tiền dằn túi khi đặt chân đến Ấn Độ, để có thể được tự lập chút đỉnh. Nhưng một nhà sư mà đi xin tiền người khác thì không tiện lắm, vì thế tôi đến chùa Yakkala, nơi tôi đã sống một thời gian, để hỏi ý kiến Đại Đức Candajoti.

“Gune !” ông nói, gọi tôi một cách thân mật, “Đừng khờ vậy. Sư là tu sĩ. Mọi người đều biết sư không có tiền, và mọi người biết sư phải cần một ít tiền trong chuyến đi này.”

Ông giúp tôi viết một lá thư nói về chuyến đi của tôi và những thứ tôi cần cho chuyến đi đó. Ông cho in ra bảy trăm tờ copy. Tôi phân phát một ít tận tay người nhận và gửi phần lớn qua đường bưu điện.

Khi tất cả mọi thứ đã kết thúc, tôi nhận được hai trăm rupee (khoảng sáu mươi đô la), là một khoảng tiền khấm khá vào thời điểm đó. Mẹ tôi cũng cho một rupee và cha tôi cho năm. Em gái tôi cho hai rupee, và sư phụ của tôi gửi năm rupee từ tiền cúng dường mà ông nhận được của các cư sĩ ở chùa ông.

Cuộc hành trình của tôi bắt đầu ở ga xe lửa Colombo vào ngày 15 tháng 1 năm 1955. Không có ai trong gia đình tôi có thể đi hơn trăm cây số đến tiễn đưa tôi, nhưng sư phụ của tôi đã cùng đáp xe lửa đi với tôi tới Colombo. Sau khi chúng tôi chia tay, tôi chỉ còn lại một mình. Tuy nhiên tôi không sợ hãi; tôi rất phấn khích được bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời mình. Cuối cùng thì chân trời cũng mở rộng trước mắt tôi. Dầu lúc ấy tôi khó có thể tưởng tượng ra trước, nhưng năm bảy mươi lăm tuổi tôi đã đi hoằng pháp trên sáu lục địa.

Ở Colombo tôi gặp được những người đồng hành là một nhóm Phật tử hành hương trên đường đến các thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ. Chúng tôi đáp xe lửa qua đêm đến một thành phố gọi là Talaimanner, ở tận phía bắc của Ceylon. Ở đó chúng tôi lên một chiếc phà để vượt qua hai mươi hai dặm đường biển.

Đó là lần đầu tiên tôi ở trên một chiếc tàu lớn như vậy, và không kể những kinh nghiệm suýt chết đuối của tôi, tôi không hề cảm thấy lo sợ chút nào. Chỉ một tiếng đồng hồ sau là chúng tôi đã đến Ấn Độ.

Tàu đỗ bến ở Mandapam, một thành phố ở bờ phía Nam của quần đảo Ấn Độ. Địa phận đó của Ấn Độ giống như một sa mạc; không cây cối, chỉ có đất khô cằn và ánh nắng mặt trời rực lửa. Chúng tôi lại lên một chuyến xe lửa khác.

Trên xe lửa, chúng tôi được ăn xôi gói bằng lá chuối. Khi chúng tôi vứt lá chuối ra ngoài của sổ, một số người ăn mày chạy đến nhặt lá chuối dưới đất lên và liếm láp đến những hột nếp cuối cùng. Dầu những ngôi làng nhỏ ở Ceylon chắc chắn là không được giàu có, nhưng ở đây rõ ràng là sự nghèo khổ còn tồi tệ hơn tất cả những gì tôi đã chứng kiến.

Trưa hôm sau chúng tôi đến Madras, trên bờ biển phía đông của Ấn Độ. Chương trình của tôi dự định là nghỉ ngơi một tuần và làm quen với Ấn Độ trước khi đến ngôi chùa mà tôi được gửi đến.

Đại Đức Batuvangala Jinananda, hội trưởng của hội Mahabodhi ở Madras, đón tôi tại nhà ga xe lửa. Ông và các vị tăng đi theo đoàn nói tiếng Tamil, nên chúng tôi có thể trao đổi chuyện trò. Tôi trải qua một tuần lễ thư thả, viếng thăm các chùa và hội Thần Học, một trung tâm độc lập chuyên nghiên cứu việc giảng dạy các tôn giáo khác nhau.

Chẳng bao lâu thì đã đến lúc tôi phải đi Sanchi, là nhiệm sở đầu tiên của tôi. Sanchi thuộc bang Bhopal của Ấn Độ, ở giữa Delhi và Bombay. Bảy giờ tối hôm đó, tôi lên xe lửa ở Madras. Hơn hai mươi bốn giờ sau, sau khi xuyên qua gần nửa lãnh địa Ấn Độ, tôi đến được Sanchi. Tôi là người duy nhất xuống ga xe lửa ở một chấm li ti trên bản đồ. Nhà ga không có thềm để lên xuống; tôi bước xuống xe lửa và chân tôi chạm ngay xuống đất cạnh đường ray. Khi xe lửa chuyển bánh đi tiếp, một người đàn ông mặc đồng phục tiến đến bên tôi. Tôi đoán ông là trưởng trạm xe lửa.

Đã gần nửa đêm, trời lạnh và tối đen. Đây là lần đầu tiên kể từ khi rời Ceylon, tôi mới cảm thấy sợ chết được. Tôi không hiểu người trưởng trạm xe lửa nói gì. Mặc dầu đã học tiếng Ấn Độ ba năm ở Ceylon, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe một người bản xứ nói tiếng Ấn Độ.

Cuối cùng, bằng thứ tiếng Anh lõm bõm, mà tôi hy vọng là vị trưởng trạm xe lửa có thể hiểu, tôi nói với ông là tôi đến để sống ở ngôi chùa tại Sanchi. Hình như điều đó khiến người kia hiểu tôi. Cũng bằng thứ tiếng Anh tồi tệ như tôi, ông nói là chùa ở cách đây khoảng hơn một cây số, trên đồi cao, và chỉ có điên mới đi đến đó đêm nay. Ông khuyên tôi nên qua đêm ở nhà ga rồi ngày mai hãy đi.

Đêm đó, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy lạnh, một cảm giác hoàn toàn mới lạ đối với một thanh niên đã sống gần trọn cuộc đời trong khí hậu nhiệt đới của Ceylon. Nhưng tháng giêng ở miền trung Ấn Độ thật khó có thể coi là nhiệt đới.

Cũng may là các vị sư ở Madras đã tặng tôi một chiếc túi ngủ mỏng. Tôi trải nó ra trên sàn nhà ga xe lửa, rồi chui vào bên trong. Suốt đêm tôi không ngủ được chút nào, phần vì lo sợ nhưng phần lớn là vì cái lạnh thấu xương.

Sáng hôm sau, ông trưởng trạm sai người khiêng hành lý theo tôi lên chùa. Chúng tôi đi bộ khoảng một dặm rồi bắt đầu leo lên một ngọn đồi lớn. Cuộc leo đồi kéo dài khoảng ba mươi phút, men theo một lối mòn quanh co. Tới đỉnh đồi, chúng tôi bước vào khuôn viên chùa, được bao bọc bởi những bức tường bằng đá cao. Dọc theo tường, mỗi mười thước hay khoảng đó là những cây cột xi măng với những cái đĩa tròn ở phía trên cột, trông giống như những cây dù, gợi nhớ đến những cây dù trang trí trên các chùa.

Bên trong khuôn viên là một khoảng sân làm bằng đá mô sắc (mosaic) rất đẹp. Một cầu thang ngắn dẫn lên chánh điện, nơi có hai phòng đối mặt nhau. Chánh điện mát mẻ, không có cửa sở, với một sàn nhà láng bóng. Cuối phòng, tôi có thể thấy một bàn thờ với một tượng Phật uy nghiêm trong tư thế tọa thiền. Tượng được làm bằng đá trắng, và chỉ có một ngọn đèn cầy trắng được đốt dưới chân tượng.

Tôi tràn ngập hân hoan được có mặt ở đây; cuộc đời tôi với tư cách là một vị thầy truyền giáo Phật giáo bắt đầu ở một nơi rất hẻo lánh này. Ngôi chùa ở Sanchi này được tạo dựng từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên, khi vua Ashoka, một Phật tử Ấn Độ thuần thành, đã gửi con trai và con gái ông, Mahinda và Sanghamitta, làm những người truyền giáo mang Phật pháp đến Ceylon. Trước khi họ rời Ấn Độ, Mahinda và Sanghamitta đã đến thăm viếng thân mẫu của họ, đang sống trong một ni viện Phật giáo trong khuôn viên chùa Sanchi.

Vào cuối thế kỷ thứ mười chín, những nhà khảo cổ học người Anh đã khai quật khu vực Sanchi, khám phá ra một số tháp trang hoàng đẹp đẽ, dùng chứa hài cốt người chết, phần nhiều là các mảnh xương tìm thấy được sau khi hỏa táng. Các câu ghi khắc trên tháp cho biết đây là xá lợi của Phật và hai trong số những đệ tử lớn của Ngài, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Đến năm 1941, những xá lợi này bị chính phủ Anh chiếm đoạt, đem trưng bày ở bảo tàng viện Victoria và Albert ở Luân Đôn. Khi người Anh quyết định trả lại các báu vật này, các xá lợi được chia ra làm ba phần. Một phần ba được gửi đến Burma, một phần ba đến Vidyalankara Pirivena, trường Phật học mà tôi từng theo học, và phần ba cuối cùng được gửi về Sanchi. Ở đó hội Mahabodhi đã xây thêm một ngôi chùa để thờ những xá lợi linh thiêng này. Ngôi chùa sau được hoàn thành năm 1954, và Đại Đức Hedigalle Pannatissa được chọn làm trụ trì ở đó.

Một năm sau, năm 1955, tôi được gửi đến để phụ tá Đại Đức Pannatissa ở Sanchi. Tôi làm thư ký cho ông suốt năm năm, và không thể mong đợi một công việc nào tốt hơn thế.

----o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]