Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 4

25/06/201007:45(Xem: 7380)
Phần 4

SA DI LUẬT NGHI YẾU LƯỢC
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không 
Giảng tại Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Đài Loan, năm 1994
Chuyển ngữ: Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa - Giảo chánh
Nhuận sắc: Minh Tiến & Huệ Trang

Phần 4: 

Chúng ta xem đến đoạn mười sáu “đản hữu mạng giả, bất đắc cố sát” (chỉ cần có mạng, thì chẳng được cố ý giết). “Hữu mạng”, trong phần chú giải Mạng được định nghĩa là “sáu căn sáu thức liên tục sanh ra”, đó gọi là Mạng. Nói cách khác, ở đây [chữ Mạng] chỉ động vật, chứ không phải là thực vật. Thực vật không có sáu căn sáu thức, chỉ động vật mới có sáu căn sáu thức. “Sáu căn” là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chỉ những thứ đó. Phàm là động vật thì “bất đắc cố sát” (chẳng được cố ý giết), chú trọng nơi chữ Cố. “Cố” là cố ý giết hại chúng, như vậy là phạm giới. Nếu chẳng cố ý làm thì có khai duyên, cho nên ở đây chú trọng đến chữ Cố. Nói cách khác, dưới một điều kiện nào đó thì có thể giết mà không phá giới, có lúc chẳng những không có tội mà lại còn có công đức. Tiếp theo là nói về thủ đoạn giết hại, cũng nêu ra rất nhiều thí dụ: 

Thập thất, hoặc tự sát 
(Mười bảy, hoặc tự mình giết) 

Tự mình ra tay, bất luận dùng thủ đoạn, phương thức gì, chỉ cần chính mình ra tay thì đều là “tự giết”. 

Thập bát, hoặc giáo tha sát. 
(Mười tám, hoặc dạy người khác giết) 

“Giáo tha sát” là ra lệnh, giống như người chủ nhà kêu người làm, đầy tớ sát sanh, ra lệnh cho đầy tớ chấp hành. Trách nhiệm sát nghiệp thuộc về người ra lệnh; tuy kẻ ấy không đích thân động thủ giết, nhưng đã ra lệnh, sát nghiệp quả thật là trách nhiệm của hắn. Vì vậy, kẻ ra lệnh có tội, người chấp hành mắc lỗi; tội và lỗi khác nhau, tội thì nặng, còn lỗi thì là gì? Do kẻ ấy chấp hành mạng lệnh, là chuyện bất đắc dĩ, không phải là kẻ ấy có tâm muốn giết, có khác biệt. Ví như tòa án chấp hành lệnh tử hình, quan tòa là người phán quyết, người chấp hành phục tùng mạng lệnh. Quan tòa xử án nếu xét xử người ta oan uổng thì ông ta có tội, nhưng người chấp hành chỉ bị lỗi. Vì sao? Anh ta là kẻ chấp pháp. Nếu quan tòa chánh trực, không xử oan uổng, ông ta không có tội, mà người chấp hành cũng không mắc lỗi. Vì vậy, phải hiểu rõ chỗ này. Đấy là “dạy người khác giết”. 

Thập cửu, hoặc kiến sát tùy hỷ. 
(Mười chín, hoặc thấy giết bèn vui theo)

Trông thấy sát sanh, dẫu không tự mình giết, cũng không phải là mình chấp hành, trông thấy chuyện sát sanh ấy bèn sanh lòng hoan hỷ. Đấy đều là phạm giới. Trong cửa Phật, Phật, Bồ Tát trông thấy chúng sanh tuy là có tội bị xử tử hình, tội đáng phải chịu, Bồ Tát cũng sanh lòng thương xót, cũng sanh lòng buồn thương. Nếu như sanh lòng hoan hỷ tức là đánh mất lòng từ bi, trái nghịch tâm từ bi. Vì vậy, trong Luật phán định tội có nặng - nhẹ khác biệt, điều này cũng giống như pháp luật thế gian định tội, cân nhắc xử phạt. 

Nhị thập, quảng như Luật trung, văn phiền bất lục. 
(Hai mươi, nói rộng như trong Luật, do kinh văn rườm rà nên không sao chép). 

Trong Giới Luật, nói rất tường tận về sự khác biệt nặng - nhẹ. Chữ “Luật” chỉ Sa Di Thập Giới Kinh và Tỳ Kheo Giới, Bồ Tát Giới, những bộ luật lớn ấy giảng về sát pháp, kết tội nặng - nhẹ, tâm cảnh bất đồng, nói rất tường tận. Đoạn tiếp theo: 

Nhị nhất, kinh tải: “Đông nguyệt sanh sắt, thủ phóng trúc đồng trung, noãn dĩ miên nhứ, dưỡng dĩ nị vật, khủng kỳ cơ đống nhi tử dã”. 

(Hai mươi mốt, kinh chép: “Tháng mùa Đông sanh rệp, bắt bỏ vào trong ống tre, giữ cho nó ấm bằng bông gòn, nuôi bằng chất dơ, sợ nó đói lạnh chết đi”) 

“Kinh tải” là trong kinh Phật có một đoạn ghi chép [như thế]. “Đông nguyệt sanh sắt” (tháng mùa Đông sanh rệp), hiện thời hoàn cảnh sống của chúng ta được cải thiện, thiết bị vệ sinh tốt, gần như những thứ ký sinh trùng khá hiếm thấy. Phật pháp thường nói “khế cơ khế lý”, Cơ trên thực tế chính là nói về hoàn cảnh sống, đặc biệt là hoàn cảnh tinh thần. Trong hoàn cảnh sống của chúng ta có hoàn cảnh tinh thần và hoàn cảnh vật chất, có thể thích ứng với hết thảy đại chúng thì là đúng, Phật pháp như thế sẽ có thể hoằng dương thuận lợi. Tuy trên mặt lý không có vấn đề gì, tức là Khế Lý, nhưng nếu không Khế Cơ, sẽ tạo ra phản ứng trái ngược nơi đại chúng, sẽ dẫn đến chuyện đại chúng bài xích Phật pháp, ấy là sai rồi. Vì thế, Phật pháp truyền bá trong thế gian, chư Phật, Bồ Tát cũng phải uyển chuyển cầu toàn thì mới lưu hành được. 

Phật pháp có Ngũ Thừa Phật Pháp, bốn thứ đầu đều là uyển chuyển cầu toàn, hằng thuận chúng sanh. Pháp chân chánh chính là “duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, hựu vô tam” (chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai cũng không ba). Thế nhưng bản lãnh của mỗi một cá nhân có cao như thế hay không? Chưa đạt đến cảnh giới ấy, quý vị nói pháp Nhất Thừa với bọn họ, họ chẳng thể tiếp nhận. Vì thế, đối với người có thể tiếp nhận Đại Thừa, bèn giảng Đại Thừa cho người ấy. Kẻ đó tiếp nhận được Tiểu Thừa thì giảng Tiểu Thừa cho. Chẳng thể tiếp nhận Tiểu Thừa, nhưng tiếp nhận được Nhân Thiên thừa thì quý vị bèn giảng pháp Nhân Thiên cho kẻ ấy. Trong xã hội hiện tại thì ngay cả người tiếp nhận được pháp Nhân Thiên cũng không nhiều, con người hiện tại muốn gì? Muốn danh văn, lợi dưỡng, cầu danh văn, lợi dưỡng, nói toàn tham - sân - si. Nói cách khác, trong Phật pháp đã nói về thứ tâm hạnh ấy rất rõ ràng, đó là tâm hạnh tam ác đạo! Vì thế, thật sự giảng được Nhân Thiên đã là hết sức khó được. Đấy là một sự thật chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải hiểu rõ ràng tình trạng hoàn cảnh, nên tu học như thế nào. 

Khuyên chúng sanh thì các Giới Kinh đều chẳng nên để cho người mới học xem. Vì sao? Kẻ mới học xem đến những thứ ấy nhất định bài xích. Kẻ ấy muốn sát sanh, muốn ăn thịt, quý vị lại bảo hắn đừng sát sanh, đừng ăn thịt, lại bảo hắn [sát sanh] tội nặng như thế đó, hắn lập tức biến sắc mặt bỏ chạy. Vì thế, thầy Lý dạy học suốt cả một đời, chẳng khuyên người khác thọ giới, chẳng khuyên người khác ăn chay, như vậy thì mới có thể tiếp dẫn quảng đại quần chúng. Nói cách khác, nếu nhất định phải coi trọng giới luật, nhất định phải coi trọng ăn chay, 80% con người sẽ đều bỏ đi. Đây là phương tiện thiện xảo của đại Bồ Tát: Đến khi họ đã tiến vào được cửa Phật, họ sẽ dần dần hiểu rõ, họ sẽ tự nhiên làm theo. Vì thế, suốt đời thầy Lý khuyên người khác học Phật, khuyên người ta quy y, không khuyên người ta thọ giới, không khuyên người khác ăn chay, không khuyên người khác ăn đúng Ngọ, hàng sơ học hết sức khó thể tiếp nhận những điều ấy. Như những điều đã được nói trong đoạn này, rất khó làm cho người thế gian tiếp nhận được, lại còn dễ dàng dẫn khởi những phần tử tri thức bài xích Phật giáo. Vì thế, chúng ta cần phải hiểu: Trong trường hợp nào thì cần phải tránh né, không nhắc đến thì tốt hơn, nhưng chính chúng ta nhất định phải hiểu rõ. 

Nhị nhị, nãi chí lự thủy, phú đăng, bất súc miêu ly đẳng, giai từ bi chi đạo dã. Vi loại thượng nhiên, đại giả khả tri hỹ. 

(Hai mươi hai, cho đến lọc nước, che đèn, chẳng nuôi mèo, chồn v.v... đều là đạo từ bi. Đối với loài nhỏ nhặt mà còn như thế thì đối với loài lớn ắt có thể biết được) 

“Nãi chí lự thủy, phú đăng” (cho đến lọc nước, che đèn), trong xã hội hiện tại cũng không còn cần đến những điều này nữa. Nay chúng ta uống nước, mọi người đều biết ăn uống hợp vệ sinh, nước đều phải lọc, chẳng cần phải dùng đãy lọc nước. Đãy lọc nước không lọc nước sạch bằng máy lọc hiện thời. “Phú đăng” (che đèn) là sợ buổi tối có loài trùng nhỏ, thiêu thân bay vào đèn dầu để tiếp cận ánh đèn, thường bị thiêu chết. Vì thế, đèn phải dùng cái chụp. Đấy cũng là tâm từ bi. Nay đều dùng đèn điện, không dùng đèn dầu nữa. 

“Bất súc miêu ly đẳng” (không nuôi mèo, chồn v.v...): Nói theo hiện thời là khuyên con người không nên nuôi những con thú cưng. Hiện thời người ngoại quốc, người Trung Quốc rất nhiều người thích nuôi thú cưng. Vì sao không nên nuôi những con thú cưng hay những động vật ấy? Là vì những động vật nhỏ ấy có thể sát sanh! Tuyệt đại đa số những con thú cưng là loài ăn thịt, chúng ta ăn chay, lại phải chuẩn bị thịt cho nó ăn, vậy là thương tổn tâm từ bi. Đồng thời, quý vị nuôi những con thú cưng phải tốn tinh thần, tốn thời gian chăm sóc chúng. Hiện thời, ngay cả thời gian niệm Phật chúng ta còn cảm thấy không đủ, nào còn có thời gian để chăm sóc những con thú cưng đó? Phải hiểu điều này! 

Những ai nuôi thú cưng, thật ra chẳng ngoài hai thứ tâm lý: Một là nuôi làm cảnh, trông chúng rất đáng yêu, rất đáng cưng nên nuôi chúng làm cảnh. Ngoài ra là có những người lớn tuổi tinh thần không có chỗ gởi gắm, giống như khi chúng tôi ở tại Dallas, Mỹ Quốc, đối diện nhà số 422 là một cụ già, cụ nuôi khoảng một trăm con mèo, nuôi nhiều như thế đó! Cụ gởi tâm tư vào chúng. Nhưng trên thân những con mèo ấy có bọ chét, chúng tôi đến sống tại Dallas, bao nhiêu lần bị bọ chét cắn. Lại nghe nói trong quá khứ có người bị bọ chét cắn khắp thân, đấy là tự hại mình lẫn hại người khác. 

“Giai từ bi chi đạo dã. Vi loại thượng nhiên, đại giả khả tri hỹ” (Đều là đạo từ bi vậy, đối với loài nhỏ còn thường như thế, đối với loài lớn ắt có thể biết được): Vì vậy, người học Phật phải hiểu được đạo lý này, chúng ta yêu thương che chở động vật, chứ không nuôi nấng động vật. Đối với động vật đều bảo vệ thì đối với người đương nhiên lại càng phải nẩy sanh tâm từ bi. Chúng ta xem đoạn thứ hai mươi ba: 

Nhị tam, kim nhân bất năng như thị hành từ, phục gia thương hại khả hồ?

(Hai mươi ba, người hiện thời chẳng thể thực hành lòng từ như thế, lại còn gây thêm tổn hại, há có nên chăng?) 

Ở đây, đại sư cảm thán, con người hiện thời chẳng từ bi như chư Phật, Bồ Tát, thương xót hết thảy chúng sanh, cái tâm từ bi ấy chẳng hề có, trái lại còn tổn thương, tàn hại chúng nó, vậy là sai rồi. Nhưng trong xã hội hiện thời, nếu nghe chúng ta vẫn đọc những thứ này, mọi người sẽ chê cười, nói chúng ta quá lạc hậu, đầu óc quá cũ kỹ, mê tín đấy mà! Bọn họ nói có sai hay không? Đương nhiên nói sai rồi! Nhưng quý vị phải ghi nhớ: Mọi người đều sai thì đấy là đúng! Nói thật đấy! Ai nấy đều nói như vậy, họ cho rằng đấy mới là đúng, coi chúng ta là sai lầm. Trong tâm của chính chúng ta hiểu rõ thì chúng ta tự làm, nhưng chắc chắn chẳng đòi hỏi người khác phải làm. Quý vị bó buộc người khác làm thì quý vị đã sai rồi, chính quý vị muốn làm thì quý vị cũng sai rồi. Chính mình phải học Phật, y giáo phụng hành, ta không cần đòi hỏi người khác phải y giáo phụng hành. Phật pháp như vậy thì mới đề xướng, phát triển thuận lợi trong thế gian được! Phải hiểu điều này! 

Đạo tràng của chúng ta ở nước Mỹ trước mỗi lần tổ chức một hoạt động với quy mô lớn, nhất định phải tìm một công ty sát trùng (pest control) để tiệt trùng triệt để nhà, viện của chúng ta một lượt. Việc này nhìn vào là sát sanh. Đúng là giết không ít những loài động vật nhỏ: muỗi, kiến, gián, bọ chét.... quả thật rất nhiều. Nguyên nhân là đâu? Là vì để Phật pháp được thúc đẩy thuận lợi tại nước Mỹ. Những người ngoài tiểu bang đến chỗ chúng ta dự Phật thất, nếu những loài động vật nhỏ ấy lan truyền bệnh truyền nhiễm, họ mang bệnh trở về làm sao chúng ta không thẹn với họ cho được? Lần sau còn ai dám đến đạo tràng này nữa? Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này! 

Nhưng trước khi làm chuyện ấy, chính quý vị nhất định phải hiểu rõ: Ba ngày trước đó phải niệm Phật ở nơi ấy, niệm chú Vãng Sanh hồi hướng cho chúng, bảo chúng nó dọn đi: Ba hôm sau tôi muốn sát trùng chỗ này, phun thuốc sát trùng, mời chúng nó dọn đi. Nếu càng viên mãn hơn thì một tuần lễ trước đó làm một lần, ba ngày trước đó làm lần nữa, [tức là] làm hai lần. Tâm chúng ta chân thành, chúng sẽ thật sự dọn nhà, quả thật có cảm ứng. Tuy chúng đã dọn nhà, chúng ta vẫn phải làm chuyện này, vì sao? Hàng xóm nhìn vào biết chúng ta rất để ý đến vệ sinh, bảo vệ hoàn cảnh, người bên ngoài đến chỗ chúng ta tham gia pháp hội rất yên tâm, chuyện này là đúng! 

Trong Giới Kinh nói Tỳ-kheo thanh tịnh trong quá khứ dựng một gian lều tranh sống trên núi, tìm thợ bên ngoài không ra, dựng lều tranh cũng do chính mình làm, muốn đốn cây để làm vật liệu xây dựng. Đốn cây thì ba ngày trước đó phải tụng kinh, niệm chú, cúng bái thần cây, mời vị ấy dọn nhà. Đương nhiên trên cây có rất nhiều động vật nhỏ sống bám vào, cũng phải mời chúng nó rời khỏi. Ba ngày sau chúng ta đến đốn cây, như vậy là đúng. Như vậy thì mới không có chuyện gì, chúng ta đã thông báo trước, đã thông báo mời họ dọn nhà. Thông thường chúng ta tụng A Di Đà Kinh, chú Vãng Sanh, niệm Phật hồi hướng cho họ. Chúng ta truyền Tam Quy cho chúng, dùng [nghi thức] Tam Quy trong [lễ] Phóng Sanh: “Quy y Phật, chẳng đọa địa ngục; quy y Pháp, chẳng đọa ngạ quỷ; quy y Tăng, chẳng đọa bàng sanh”. Dùng cách ấy. 

Nhị tứ, cố kinh vân: “Thi ân tế phạp, sử kỳ đắc an. Nhược kiến sát giả, đương khởi từ tâm”. 

(Hai mươi bốn, vì thế, kinh nói: “Ban ân giúp đỡ kẻ thiếu thốn khiến cho được yên ổn. Nếu thấy kẻ giết hại, nên khởi từ tâm”)

Chúng ta phải nỗ lực học tập bốn câu này. Hai câu trước, chúng ta thấy kẻ thiếu thốn thì phải giúp đỡ họ. Hiện thời, tại những quốc gia đã phát triển, nói chung cuộc sống vật chất đều chẳng đến nỗi thiếu thốn, nhưng cuộc sống tinh thần hết sức thiếu thốn, chúng ta phải giúp đỡ họ. Thiếu thốn về mặt vật chất thì xã hội hiện thời có rất nhiều tổ chức từ thiện đang làm, điều này cần phải có tài lực và nhân lực kha khá thì mới có thể thực hiện được. Đoàn thể của chúng ta ít người, tài lực cũng chẳng nhiều, chuyện hiện thời chúng ta có thể làm được chỉ là về mặt cuộc sống tinh thần, đặc biệt là bố thí Phật pháp. Trong Phật pháp, chúng ta đã bỏ nhiều năm để quan sát, lãnh hội, học tập mới thật sự hiểu rõ sự thù thắng của Tịnh tông. Chúng ta giới thiệu cho người khác, đương nhiên là đem thứ thù thắng nhất giới thiệu với người ta. Nói chung, chớ nên dành món tốt nhất cho chính mình, đem món hạng hai, hạng ba đưa cho người ta, làm như vậy chẳng xứng với người khác. Nếu họ không thể tiếp nhận được, chúng ta cũng chớ nên miễn cưỡng, quý vị ưa thích tu học pháp môn nào, chúng ta cũng tán thán, cũng cổ vũ, khích lệ. 

Chớ nên nói pháp môn này của tôi là hạng nhất, pháp môn kia của quý vị là hạng nhì. Nghĩa lý đúng đắn trong nhà Phật là môn nào cũng đều là hạng nhất, không môn nào hạng nhì! Quý vị thấy hai mươi lăm môn Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm, có môn Viên Thông nào gọi là hạng nhì hay chăng? Không có! Môn nào cũng đều là hạng nhất. Đấy chính là “pháp môn bình đẳng, vô hữu cao hạ” (pháp môn bình đẳng, không có cao - thấp), thật đấy! Nhưng chúng sanh căn tánh chẳng giống nhau, tuy môn nào cũng đều là pháp môn bậc nhất, có những pháp môn chúng ta không học được nổi, không đạt được kết quả. Học không nổi thì không đạt được kết quả, đối với chúng ta mà nói, pháp ấy không phải là bậc nhất. Một người có thể thật sự đạt đến chỗ tốt đẹp, thật sự đạt thành tựu [nơi pháp môn nào] thì pháp môn ấy đối với chính họ được gọi là bậc nhất. Giống như thuốc được bán trong tiệm thuốc, mấy trăm, mấy ngàn thứ thuốc, vị thuốc nào cũng là bậc nhất cả, đều trị được bệnh. Trị được chứng bệnh [của ai] thì người đó cũng coi [thuốc ấy] là bậc nhất; thuốc không trị được chứng bệnh, tuy là thuốc bậc nhất, người bệnh ấy không coi thuốc đó là bậc nhất, nhất định phải hiểu điều này. 

Tuy Tịnh tông thích hợp trọn khắp ba căn, chúng ta đọc kinh thấy được rằng: Nếu không phải là thiện căn, phước đức, nhân duyên đã tu nhiều đời nhiều kiếp thì người ta chẳng thể tiếp nhận được pháp môn này, họ nhất định bài xích. Chúng ta nên hiểu rõ những sự thật này: Chúng ta tiếp nhận pháp môn này, ưa thích pháp môn này, đấy là thiện căn, phước đức, nhân duyên của chúng ta chín muồi! Chúng ta giới thiệu với người khác, người khác chẳng thể tiếp nhận, chúng ta hiểu rõ là thiện căn, phước đức, nhân duyên của người ấy chưa chín muồi. Chưa chín muồi thì Phật, Bồ Tát đều chẳng thể độ được, chúng ta cực trí, nóng ruột làm chi? 

Mọi người thường nghe nói “Phật bất độ vô duyên chi nhân” (Phật chẳng độ kẻ không có duyên), “vô duyên” ở đây chẳng phải là không có duyên gì với Phật, đối với hết thảy chúng sanh Phật đều có duyên, “vô duyên” là gì? Ý nói duyên của kẻ ấy vẫn chưa chín muồi. Duyên của kẻ ấy chưa chín muồi, Phật không độ được kẻ ấy, Phật đến giảng cho kẻ ấy, hắn không tiếp nhận, hắn đâu có nghe! “Phật độ hữu duyên nhân”, “hữu duyên” là gì? Duyên người ấy đã chín muồi rồi, giảng cho hắn thì hắn hoan hỷ tin nhận, đấy là hữu duyên, duyên đã chín muồi. Do vậy, hữu duyên hay vô duyên tức là nói duyên đã chín muồi hay chưa. Chưa chín muồi thì giúp đỡ hắn, cổ vũ, khích lệ hắn, mong hắn được chín muồi; đã chín muồi rồi thì khuyên hắn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chưa chín muồi bèn giúp cho hắn chín muồi, vậy là đúng! Không có thiện căn, giúp cho hắn gieo thiện căn. Hắn niệm được một câu A Di Đà Phật, thấy tượng A Di Đà Phật, thấy sáu chữ “nam-mô A Di Đà Phật”, chính là “lạc tại bát thức điền lý diện, vĩnh vi đạo chủng” (rớt vào trong ruộng tám thức, vĩnh viễn là hạt giống đạo), đấy là gieo chủng tử cho hắn. Chúng ta làm như vậy thì độ được hắn, đời này hắn chưa thể chín muồi, nhưng nhiều đời nhiều kiếp sau hạt giống ấy của hắn sẽ hiện hành, sẽ khởi tác dụng. Do vậy, người học Phật niệm niệm đều nhằm giúp đỡ chúng sanh, đấy là Bồ Tát đạo, đấy chính là điều được nói ở đây “thi ân tế phạp, sử kỳ đắc an” (ban ân, giúp đỡ người thiếu thốn, khiến cho được yên ổn). 

Chúng ta in rất nhiều tấm sticker [với bốn chữ] A Di Đà Phật, mục đích là ở chỗ này: Trồng thiện căn, gieo chủng tử cho hết thảy những người chưa có chủng tử thiện căn. Những ai đã tu nhưng chưa chín muồi, chẳng tin tưởng điều này, tu theo bất cứ một tông phái nào, y theo bất cứ kinh điển nào, chúng ta đều tán thán. Trong sự tán thán ấy, khuyến khích, cổ vũ họ, đem công đức tu học của người ấy cầu sanh Tịnh Độ, quyết định được sanh [Tịnh Độ]. Đoạn cuối cùng của phẩm Tam Bối Vãng Sanh trong kinh Vô Lượng Thọ nói tất cả những ai đọc tụng Đại Thừa muốn hồi hướng vãng sanh đều được vãng sanh. Do vậy, pháp môn Tịnh Độ vô cùng rộng lớn, tuyệt đối chẳng phải chỉ có người tu Tịnh nghiệp mới được vãng sanh, người học Thiền cũng có thể vãng sanh, người học Mật cũng có thể vãng sanh, người học Giáo cũng có thể vãng sanh, ai cũng đều có thể vãng sanh! Điều kiện là Tín - Nguyện - Hạnh, quý vị tin tưởng, muốn đi, lúc lâm chung một niệm hay mười niệm đều được. 

Nhưng tu hành có một nguyên tắc: Bất luận tu theo một tông hay một phái nào, bất luận niệm kinh gì, niệm danh hiệu một đức Phật hay Bồ Tát nào, đều phải niệm đến nhất tâm bất loạn, phải biết điều này! Chúng ta niệm A Di Đà Phật, phải cầu nhất tâm bất loạn. Niệm Quán Âm Bồ Tát cũng phải cầu nhất tâm bất loạn. Niệm Địa Tạng Vương Bồ Tát cũng phải cầu nhất tâm bất loạn, vậy mới là đúng! Nhất tâm bất loạn là cái nhân để vãng sanh (năng sanh chi nhân), Tây Phương Cực Lạc thế giới là cái quả ngõ hầu sanh về đó (sở sanh chi quả). Do vậy, một niệm hồi tâm thảy đều được vãng sanh, đấy gọi là “công phu”. Nhất tâm ấy chính là thanh tịnh tâm, trong nhà Thiền gọi là Thiền Định, bên Giáo Hạ gọi là Chỉ Quán, có công phu ấy, có năng lực ấy mới được. Đấy chính là điều chúng ta có nghĩa vụ phải báo cáo với những người tu hành theo các tông phái khác. 

Trong chú giải có hai câu: “Tài bố thí năng linh thân an, pháp bố thí năng linh tâm an” (Tài bố thí khiến cho thân yên, pháp bố thí khiến cho tâm yên). Đây chính là đem nhân quả bố thí đều trình bày hết cả ra. Chú giải dẫn một câu chuyện từ Tạp Bảo Tạng Kinh[29], câu chuyện này nên xem kỹ càng, khi lên tòa giảng kinh có thể dùng làm dẫn chứng, những chuyện ấy đều là sự thật. Những nhân duyên quả báo tương tự như đã nói ở đây thì trong kinh điển, trong lịch sử Trung Quốc cũng không hiếm. Vì thế, những sách nhân quả trong thời đại này càng phải giảng nhiều, loại này mọi người rất thích nghe. Đặc biệt là đối với người trẻ tuổi, đang độ tuổi học sinh, tục ngữ thường nói: “Tiên nhập vi chủ” (cái gì được biết đến đầu tiên thì cái đó là chánh yếu). Họ đọc được nhiều sự tích cảm ứng, sự tích nhân quả báo ứng thì mai sau khôn lớn ra đời khởi tâm động niệm đều có kiêng dè, như vậy thì tốt lắm. Nếu những nhân quả báo ứng có thể kết hợp với khoa học hiện đại thì tốt nhất, thật sự có thể khiến cho người ta tin phục, khiến cho mọi người tin tưởng. Sự bố thí ấy tuy nhỏ, nhưng nếu tâm địa thanh tịnh từ bi thì công đức rất lớn, trong Giới Kinh dẫn chứng những chuyện ấy rất nhiều.

Cổ nhân đem những chuyện ấy gom soạn lại, càng tiện cho chúng ta tham khảo, tác phẩm ấy chính là Kinh Luật Dị Tướng[30]. Kinh Luật Dị Tướng tổng hợp những câu chuyện nhân duyên quả báo trong kinh điển, còn có một bộ sách nữa là Pháp Uyển Châu Lâm. Do vậy, người giảng kinh trong buổi giảng phải chêm vào những câu chuyện xưa, xen vào những chuyện nhân duyên. Hai bộ sách ấy biên tập rất hoàn chỉnh, đấy là công sức của cổ nhân. Trong lịch sử Trung Quốc, những giáo huấn về nhân duyên quả báo cũng [được ghi chép] rất nhiều. Lịch sử đáng tin cậy, chẳng thể tùy tiện chép vào, không phải là sự thật thì chắc chắn chẳng ghi chép. Người xưa cũng đã tổng hợp lại, đấy chính là bộ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ, hình như hiện thời cũng có cho in lưu hành riêng. Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ[31] rất hay, đấy là [chuyện] quá khứ. Trong hiện tại, từ báo chí, tạp chí hễ có những câu chuyện như vậy, quý vị nên cắt ra [để dành], đấy là chuyện hiện tại. Nêu thí dụ, đương nhiên càng gần đây càng hay, càng hiện đại thì người hiện đại chẳng có chút hoài nghi nào. Quá khứ thì kinh có kinh điển làm chứng cứ, sử có lịch sử làm chứng cứ, rất xác thực, đấy chẳng phải là nói tùy tiện, đều đáng cho đại chúng tin tưởng, khiến cho chúng ta thấu hiểu sâu xa nhân quả báo ứng. 

Nhị ngũ, Y! Khả bất giới dư! 
(Hai mươi lăm, ôi! Chẳng nên răn dè ư?) 

Trong điều [giới thứ nhất] này, đại sư Liên Trì hết sức cảm thán trước chuyện này. Trong phần chú giải trích dẫn Đại Trí Độ Luận, Phật nói sát sanh có mười thứ tội, sát nghiệp nặng nề dường như luôn luôn có, đấy cũng là sự thật. Hôm nay chúng tôi giảng đến đây thôi. 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]