Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 23 - Tống táng hậu sự

14/10/201212:23(Xem: 10431)
Bài 23 - Tống táng hậu sự

HỌC PHẬT HÀNH NGHI

(PHÉP TẮC CHO NGƯỜI HỌC PHẬT)
Thích Minh Thông Lược dịch và Phụ chú

Bài 23 - Tống táng hậu sự


Đại Sư Hoằng Nhất khai thị cho người sắp mất:
1. Khi bịnh chưa nặng: có thể tiếp tục uống thuốc, nhưng phải niệm Phật, không nên nghĩ rằng uống thuốc sẽ lành bịnh.
2. Lúc bịnh nặng: phải buông bỏ hết tất cả, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương (nếu thọ mạng chưa hết, thì sẽ mau lành bịnh), nếu cảm thấy đau đớn, cũng không nên sanh lòng kinh hoảng, mà nghĩ rằng ta đang trả nghiệp, lúc tâm trí còn sáng suốt, phải thỉnh thiện tri thức đến thuyết pháp, khiến cho sanh lòng hoan hỷ.
3. Lúc lâm chung: không nên hỏi di chúc, không nên trò chuyện. Nếu bịnh nhân muốn lau mình, thay quần áo, thì nên y theo ý của bịnh nhân làm, bịnh nhân muốn ngồi hay nằm thì cũng tùy ý của bịnh nhân, không nên miễn cưỡng, phải thỉnh người đến hộ niệm, trong phòng bịnh nhân phải thờ một tượng Phật A Di Đà tiếp dẫn, để cho bịnh nhân trông thấy. Phải luân phiên hộ niệm, khuyên bảo bịnh nhân niệm Phật, tiếng niệm Phật không thể chói tai.
4. Lúc mạng chung: không nên khóc lóc, dời động, lau mình, thay áo, không cần rờ đỉnh đầu xem có hơi nóng hay không, tám tiếng đồng hồ sau, nếu các khớp xương đã cứng, thì nên lấy khăn thấm nước nóng đắp lên, không bao lâu sẽ mềm mại.

Phàm cư sĩ khi trong nhà gặp phải cha mẹ hay người thân quyến lâm chung. Trước lúc người ấy mạng chung, nên lấy chỗ đi về của người lâm chung mà xử sự, phải đem sự việc này thông báo trước cho mọi người trong nhà cùng biết. Trong phòng nên quét dọn sạch sẽ, nên đốt nhang khuyên cả nhà cùng niệm Phật. Luôn lấy cảnh giới tốt đẹp ở tây phương Tịnh-độ để khuyến khích cho người bệnh hướng về.


Lời phụ: Kinh ghi rằng, người lúc lâm chung muốn nghe tiếng chuông, tiếng khánh làm tăng thêm chánh niệm cần thiết ngay trước lúc hơi thở chưa dứt hẳn. Thông Cáo Lúc Hộ Niệm: Thân bằng quyến thuộc đến phúng viếng, đều phải tuân theo những điều sau đây:
1. Trong khi Ban hộ niệm đang niệm Phật, mọi người phải giữ im lặng.
2. Bây giờ là lúc mọi người tỏ ra lòng thành kính, chỉ có niệm Phật, tiếng niệm Phật sẽ giúp cho bịnh nhân an lành tự tại vãng sanh tây phương cực lạc thế giới.
3. Xin quý thân hữu niệm Phật ra tiếng, nếu không biết niệm, thì niệm theo nhỏ tiếng.
4. Trong lúc Ban hộ niệm đang niệm Phật, xin đừng làm bốn điều dưới đây:
 Xin đừng đốt giấy tiền vàng bạc. (để tránh không khí làm ô nhiễm, ảnh hưởng mọi người đang niệm Phật)
 Xin đừng rờ mó thân thể. (để tránh bịnh nhân động tình ái, khiến cho mất đi chánh niệm).
 Xin đừng khóc than thê thảm. (nếu cảm thấy quá đau lòng, xin mời ra bên ngoài)
 Xin đừng hỏi han bịnh nhân. (để tránh làm trở ngại bịnh nhân đang niệm Phật)
5. Muốn đàm luận chuyện khác, xin mời đi nơi khác.
***
Đại Sư Ấn Quang khai thị ba điều lúc lâm chung:
1. Phải khéo khai thị an ủi, khiến cho bịnh nhân sắp mất sanh lòng chánh tín. Tha thiết khuyên bịnh nhân, buông bỏ tất cả, nhất tâm niệm Phật, nếu có dặn dò việc gì, bảo họ mau dặn dò, dặn dò xong, bảo họ không nên lo nghĩ chuyện khác, chỉ nghĩ đến ta sắp theo Phật sanh về cõi Cực Lạc, nhất tâm chí thành niệm Phật, nhất định cảm được lòng từ bi của Phật, Ngài đích thân đến tiếp dẫn, liền được vãng sanh.
2. Mọi người luân phiên niệm Phật, để hộ trì tịnh niệm cho bịnh nhân. Tâm lực của bịnh nhân yếu ớt, không thể liên tục niệm lâu dài, ngay trong lúc này phải nhờ người khác hộ niệm, mới được đắc lực. Nên biết rằng: Những người chịu giúp bịnh nhân tịnh niệm vãng sanh, cũng được quả báo người khác hộ niệm cho mình, đừng nói là chỉ vì cha mẹ mới hộ niệm như vậy, cho dù là người không quen biết cũng phải giúp họ hộ niệm, cũng là bồi dưỡng phước điền của mình, giúp cho một người thành tựu vãng sanh tịnh độ, tức là giúp cho một người thành tựu làm Phật, hộ niệm nên chia thành từng nhóm luân phiên niệm Phật, pháp khí chỉ dùng một cái khánh, niệm Phật không mau không chậm, từng chữ rõ ràng.
3. Tuyệt đối không nên dời động hay khóc lóc, e sợ làm hỏng việc. Bịnh nhân lúc sắp phân chia Phàm, Thánh, Người, Quỷ, lúc đó chỉ niệm Phật cho thần thức của họ, không nên lau mình, thay quần áo, dời động, khóc lóc, để cho họ tự nhiên ngồi nằm, vì vậy có thuyết rằng: Đỉnh nóng sanh cõi Phật, nơi mắt sanh cõi trời, ngực nóng sanh cõi người, bụng nóng sanh ngạ quỷ, đầu gối đọa súc sanh, bàn chân xuống địa ngục. Lúc này mọi người nên khẩn thiết mà niệm Phật, không nên thăm dò hơi nóng của người lúc lâm chung, họ quyết định đới nghiệp vãng sanh.

Nếu người bệnh đã dứt hơi thở, người trong nhà chớ nên bi ai khóc lóc, cũng không nên hoang mang vội vã, cần tiếp tục gia công niệm Phật, cùng chung niệm Phật liên tục từ 3 cho đến 5 canh giờ sau mới ngưng nghỉ. Nếu người chết hơi ấm còn chưa tan hết, chẳng nên tô điểm, cũng không được lấy tay sờ mó lên thi thể. Đợi đến khi hơi ấm tan hết, sau đó mới trang điểm tẩm liệm. Chớ nên đốt “quan phiếu” (giấy công cứ) cùng giấy tờ vàng mã tế lễ.


Lời phụ: Ngài Liên Trì nói rằng: “người để tang chỉ buồn thương bên trong không nên để lộ bi thương sầu khổ.” Sau khi dứt hơi thở chờ tàn một cây nhang mới sắp xếp tang lễ, hoặc đưa ra một số việc cần làm, chia đều để tránh tranh cãi nhau.
Nên sắp xếp với nhân viên nhà thương hay nhà quàng không được động tới thân xác trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó nên luân phiên niệm Phật không dứt. Sau đó mới tắm rửa, thay quần áo và di chuyển thi hài đi nơi khác. Nếu người chết lúc sống tu hành tịnh nghiệp đến lúc này thời hẳn được người khác trợ lực cũng như gấm có thêu hoa.
Chứng nghĩa ghi rằng: Công tích người lúc sanh tiền tới lúc lâm chung mới trắc nghiệm, không hẳn là người có bịnh hay không bịnh, mà chỉ xem trước giờ ra đi có nhẹ nhàng, tự tại hay không mới biết được mà thôi.
Xin đọc thêm Những Điều Cần Biết Khi Hộ Niệm ở Phần Phụ Lục bên dưới để hiểu thêm.

Khách đến tất cần phải thỉnh họ niệm Phật, nên từ chối tất cả phẩm vật tế lễ bằng các loài súc sinh. Nếu gần đó có bậc tịnh giới sa-môn, nên thỉnh đến niệm Phật, tụng kinh làm đám. Bằng chẳng có, thì hàng cư sĩ tự thân cùng tang quyến tắm gội sạch đốt hương làm lễ, trong “Nghi Đường” nên thiết lập một bàn thờ Phật, rồi cùng chung nhau thiết lễ tụng kinh. Vì thần thức người chết và tâm linh của tang quyến đặc biệt vô cùng gần gũi tương thông. Khi tụng niệm, hàng quyến thuộc càng thêm chí thành khẩn thiết vậy. Bất tất phải y theo tập tục thế gian nhất quyết phải thỉnh cho được Tăng đạo.


Lời phụ: Nếu người chết lúc sanh tiền không tu tịnh nghiệp, thì đến lúc này đây hoàn toàn trông vào tha lực, chính là từ trước lúc tắt hơi thở trở đi niệm Phật ngay cho tới khi nhập quan về sau. Tuy không mong được lợi ích nhiều, nhưng lợi ích có thừa. Chỉ có lúc lâm chung mới qui tụ được người đồng chí phân ban niệm Phật, giúp người mất được chánh niệm vãng sanh. Cho nên niệm Phật là điều không thể thiếu được.

Thứ nữa, trừ các nghi thức thông thường ra, nên dán cáo phó viết thêm vào các khoảng còn trống. Viết rằng: “Trong hàn-xá có tang, cả nhà đều tuân thủ theo Phật chế, chẳng giết sanh mạng, chẳng dùng đồ mặn, các thứ nồng cay, chẳng đốt vàng mã giấy tiền. Quý khách có lòng viếng thăm phúng điếu, ngoài việc dâng hương niệm Phật ra, chẳng dám phiền đến các việc khác.”
Nếu khai đường tế lễ, muốn dùng lễ Nho-gia cũng tốt, chỉ cần lấy việc chẳng sát sanh làm trọng. Phàm quan khách khiêng gánh phải tốn nhiều sức lực thì lấy rượu riêng đãi. Ngày khai đàn giảng linh, nên trước chuẩn bị bày biện một giảng đường, thỉnh một thầy có thể thuyết giảng Phật-pháp tùy thời gian ấn định bao lâu đó, quan khách đều đến ngồi nghe, trong gia quyến cũng đều trải chiếu dưới đất ngồi nghe. Nếu không có giảng sư, trong hàng cư sĩ tự cũng có thể thuyết giảng. Nếu người giảng là cư sĩ thuộc hàng con cháu của người chết, thì chẳng được tự đứng trên đài giảng, mà nên đứng ở chính giữa bên dưới giảng đài, hướng lên mà thuyết giảng, trong nhà mọi người trải chiếu ngồi trên đất. Ngồi tất nên ngồi xếp bằng, khiến cho quan khách thảy đều sanh tịnh cảm.


Lời phụ: Đã nhập quan xong, đặt quan tài nơi trượng thất, bày các đồ cúng như lúc sống. Giữa pháp tòa trên đặt chân dung và bài vị. Nhân tuần thất thì thiết bày phẩm vật phụng cúng, ngoài ra, lư nhang, bình hoa phải chăm sóc gọn gàng sạch sẽ, đốt nhang liên tục, hai buổi dâng trà, cơm, thức ăn cúng dường.
Nếu có bậc trưởng lão và quan chức hàng tôn quí phúng viếng, môn đồ lạy đáp lễ cho phải phép. Tiếp đón các vị khách cho đủ lễ nghi không nên thiếu sót, thì đám mới trang trọng; đồ đạc của họ không di dời chỗ khác.

Lại trong nhà chẳng nên dùng phèn la chiên trống inh ỏi, nên lấy “pháp loa” (kèn ốc, hay tù và) làm hiệu lệnh, dùng ống sáo, ống tiêu để hòa nhạc tiếc thương. Trước cổng treo một lá phang dài, lá phang có thể dùng vải hay giấy, đính lên phía trên hình Phật phóng quang tiếp dẫn. Lúc khởi hành, cầm lấy phang này đi hàng trước dẫn đường. Quan khách có nhiệm vụ tống táng, có thể không cần dùng đồ trắng, nhưng trên vai mang băng-rô cài hoa sen, mầu sắc có thể là xanh hồng lục trắng đều được, không nhất thiết phải dùng thuần trắng; Nếu dùng màu trắng, thì trên vải trắng nên viết sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, khiến cho mọi người nhìn thấy đều nhiếp niệm Phật hiệu, trợ giúp kia vãng sanh. Trên đường gặp người điếu viếng cũng lại như vậy. Nên chuẩn bị trước một bài văn Tịnh độ, nói rõ lý do ở trong đó. Trên quan tài nên an trí đài hoa sen, ở giữa đài hoa sen an trí tượng Phật tiếp dẫn, để cải đổi tập tục dùng chim bạch hạc. Còn trong suốt thời gian trên đường đi đều nên xưng niệm danh hiệu Phật, như xướng bái bài Tán Hương vậy, dùng trường vận hợp với sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật niệm rải dài ra, để tránh trường hợp người trước người sau sai lệch chẳng đồng. Khi đưa tiễn đến đầu núi, mọi người cùng chung tụng một cuốn A Di Đà Kinh, xưng niệm danh hiệu Phật chừng 1 canh giờ rồi mới giải tán.


Lời phụ: Phật dạy: Tăng viên tịch nên thiêu tán, làm cho lìa phần đoạn thân tạm thời đó mà chứng pháp thân thường trụ. Người thế gian thấy việc này không theo kịp, cho rằng thiêu xác là vô tình bất nhẫn.
Ở một vài nước Phật giáo như Tây Tạng, chủ trương thiên về hỏa táng và điểu táng. Vì theo họ, làm tan hoại xác chết càng nhanh thì càng dễ dàng cắt đứt sự luyến ái và chấp thủ về sắc thân, giúp cho thần thức nhanh chóng thoát ly tham ái tự ngã, để thành tựu giải thoát.

Lời thưa: Phàm nghe pháp, phải nghe mà nghĩ, nghĩ mà tu, chẳng đặng chuyên nhớ lời hay, để giúp câu văn lý luận. Chuyên nhớ lời hay, mà không thực hành, thời không ích chi cho đạo. Như người nói ăn mà không ăn, thì đến bao giờ no bụng, cũng như đếm ngọc báu của người, rốt cuộc mình không có một đồng nhỏ. Bằng cậy tài nghề, khoe khoang chỗ tri kiến, không cần tỏ lý, thêm lớn cây cờ ngã mạn, trở thành thuốc độc. Chẳng đặng dùng miệng thổi bụi trên kinh, có hai lỗi: (1) hơi hôi trong miệng ; (2) mất tâm cung kỉnh ; cần phải lấy vật sạch lau đó. Văn Thù Vấn Kinh nói: sắm sửa đồ cúng dường mà lấy miệng thổi sạch bụi trên đồ cúng đó. Hơi hôi miệng bay ra làm ô uế đồ cúng vậy.
Phàm sa-môn, cư sĩ, khi đọc kinh luật của Phật nên đốt hương chánh tọa, thấy kinh như thấy Phật. Chẳng được nương dựa, chẳng được dùng tay không sạch mà cầm nắm kinh tượng. Muốn đọc kinh, trước hết nên ngồi tĩnh tọa một thời gian ngắn, niệm thầm bài kệ rằng:
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như-lai chân thật nghĩa.
Tạm dịch:
Vòi vọi không trên pháp thẩm sâu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe thấy chuyên trì niệm
Nguyện giải Như-lai nghĩa nhiệm mầu.
Niệm xong rồi, chắp tay xá rồi mới mở kinh ra. Đọc kinh, chữ chữ cần phải lý hội nghĩa giải, cùng với tâm tương ưng, chẳng được đọc lướt qua loa.

Lời phụ: Thân người khó được, Phật-pháp khó nghe. Nên biết đời nay được thân người là do nhơn lành của đời trước biết tu dưỡng, biết giữ gìn 5 giới 10 điều thiện. Nay gặp được Phật-pháp, thì phải biết hết lòng trân quý kính trọng duyên lành này. Chúng ta sanh ra đời này tuy không gặp Phật tại thế, nhưng còn gặp được kinh điển chánh pháp của ngài để lại, nên chúng ta kính kinh như kính Phật. Khi đọc kinh Phật, trước phải lắng lòng khiến tâm bình khí hòa, để tinh thần định trụ trong lời Phật dạy thì mới hay thâm ngộ được Phật lý, chẳng nên đọc qua loa để lướt qua đi những thâm ý sâu xa trong lời Phật nói.
Phàm đọc kinh, nên đắp y (phương bào) hoặc mặc áo tràng (áo ngoài). Trên bàn trừ kinh điển cùng với lư hương đèn ra, chẳng được để thêm các thứ tạp vật như trà quả, các thứ vật khác, còn bút viết, nghiên mực nên an trí nơi chỗ khác. Trên kinh có bụi, nên dùng giấy sạch mà lau, chẳng được dùng miệng mà thổi. Đọc xong hoặc ngơi nghỉ, cần phải đem kinh để lại trên giá kinh và gấp lại cho ngay ngắn. Đọc đến chỗ nào nên dùng chỉ vàng mà làm giấu ngăn ở trong kinh, trên đầu để lộ ra một chút, chẳng được bẻ gấp mép trang kinh làm giấu, chẳng được làm nhàu nát. Đọc kinh đến nửa chừng nếu tâm sanh tạp niệm, thì nên gấp kinh lại, đến khi tạp niệm tan rồi mới lại mở ra đọc tiếp.
Nếu có khách tới, hoặc trưởng bối, hay đồng học đến, đều nên gấp kinh sách lại rồi mới nên tiếp chuyện. Có kinh Phật ở trên bàn chẳng nên bàn luận chuyện thế gian tạp thoại, chẳng được cười và nói lớn tiếng, chẳng được khạc nhổ. Nếu phát cơn ho thì phải dùng tay áo che miệng. Nếu đọc kinh có được chút tâm ý lĩnh hội, thì chờ sau khi đọc kinh xong, lấy giấy bút riêng để ghi chú bên ngoài, không được ghi chú ngay trên đầu sách. Nếu viết Kinh luật, tất phải viết chữ đứng ngay ngắn, bút tích mới sạch, chẳng được tùy ý thảo thư, lại chẳng được trước sau thêm vào nhiều lời hư nguỵ.

Lời phụ: Khi đọc kinh tức là tiếp xúc với lời Phật dạy, quán tưởng như Phật đang tại tiền giảng giải cho mình vậy, nên phải dọn lòng, dọn mình cho trang nghiêm sạch sẽ. Chẳng nên vừa học đạo vừa đàm luận thế gian sự, lại chẳng nên loạn tưởng. Đối kinh sách phải biết trân quý mà chẳng cẩu thả làm hư rách kinh điển. Muốn ghi chép những tâm đắc gì thì phải dùng giấy vở riêng khác, chẳng được viết loạn trên kinh.
Phàm các kinh sách, phải nên như pháp cung phụng, Kinh Phạm Võng nói: Nếu là Phật-tử phải thường nhất tâm thọ trì đọc tụng kinh luật đại thừa, dùng giấy, vải, hàng lụa, thẻ tre, vỏ cây, cho đến lột da làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết, để biên chép kinh luật, dùng vàng bạc cùng hương hoa vô giá và tất cả châu báu làm hộp rương, đựng những quyển kinh luật. Nếu không y theo pháp mà cúng dường kinh luật, Phật-tử nầy phạm “khinh cấu tội.” Nếu kinh sách hư rách, nên mau tu sửa lại, phải luôn giữ gìn như mới vậy.
Phàm cầm nắm kinh tượng phải nên dùng hai tay bưng lên ngang ngực, chẳng được một tay nách mang. Tay mình cầm kinh tượng không được hướng người khác lễ lạy, lại chẳng được một tay xá chào cùng cúi mình chắp tay, chỉ nên dùng hai tay nâng kinh tượng lên ngang với mi mắt thời đủ lễ vậy.
Phàm kính pháp, không chỉ riêng kính trọng kinh điển, mà phải đối với y bát, tích trượng, v.v... cũng lại như vậy. Còn nhiều thứ vô hình vô tướng đặc biệt lại càng nhiều hơn, không thể liệt kê hết, nên theo đây suy diễn ra tự biết vậy.

Lời phụ: Pháp là con đường đưa đến sự giác ngộ, giải thoát tâm linh. Lời Phật dạy mỗi mỗi đều lưu xuất từ tự tánh mà tất cả ngôn giáo của thế gian không gì sánh bằng, bởi sách thế gian đều rơi vào tình thức, là sự thấy nghe hiểu biết bằng vào sự nhận thức của bộ não, sự vọng động của niệm lự. Vì vậy đối với pháp-bảo, chúng ta phải hết lòng kính tin mới mong đạt được sự lợi ích vô cùng tận của nó. Thêm vào đó, trong kinh giáo thường nói. Giác ngộ chẳng phải chỉ có một con đường mà có cả thảy 8 vạn 4 ngàn pháp môn. Cho nên đối với các pháp khí trong nhà Phật đồng đẳng cung kính vậy.
Thường thấy kinh sám ứng phó lưu thông ngày nay đa phần thuộc về ngụy soạn, tuy có một hai phần là chánh kinh, lại chỉ là những phần vụn vặt ô uế chẳng chịu được. Lại nữa, những hạng tân học gia gần đây thấy kinh uyên bác, cũng muốn lấy mà xem coi. Nhưng lúc xem coi, nếu chẳng phải nằm ngửa cũng là tựa lưng ngồi nghiêng, không thì uốn mình cong như ống đồng, đều là những hiện tượng chẳng phải chỗ nên làm của người học Phật, càng không thể xưng là cư-sĩ, sa-môn vậy. Hy vọng các vị có cùng chí hướng nên nỗ lực hết lòng khuyên bảo nhau để mong tránh khỏi ác báo.
Lời phụ: Kinh sám ứng phó đạo tràng là thuộc về những pháp sự cúng tế lễ nghi. Bởi cách thánh hiền càng xa, Phật pháp lan rộng trong nhân gian nên xen lẫn những tập quán, phong tục của mỗi địa phương cùng niềm tin của những giáo phái khác. Và vì muốn phù hợp với những giòng chảy đó nên trong kinh sám ứng phó mới soạn thêm nhiều phần đi ra ngoài chánh văn của lời Phật dạy. Đặc biệt ngày nay, do sự văn minh của vật chất tăng vọt, việc in ấn kinh sách càng dễ dàng nên kinh sách số lượng phát ra rộng rãi và dễ dàng có được, chẳng phải như xưa phải chép tay, phải học thuộc lòng. Cho nên nhiều người đối kinh giáo lòng kính trọng giảm đi rất nhiều. Những hàng thức giả thấy kinh điển Phật giáo có chỗ xuất chúng nên cũng muốn tìm hiểu để tăng phần tri thức cho mình, thích lợi khẩu huyền đàm nên chỉ muốn tìm chương trích cú, dẫn giải những phần thích ý trong kinh mà đối kinh giáo lại chẳng thật lòng tôn trọng, nên có những hành vi, xu hướng chẳng đẹp mắt. Hy vọng người thật lòng học Phật nên lưu tâm cùng nhắc nhở nhau trên bước đường tu tập đạo giải thoát.

Lời thưa: nói rằng trọng Pháp, tất trước phải biết trọng người nói Pháp vậy!
Phàm sa-môn, cư sĩ khi thấy các bậc trưởng-lão, pháp-sư, các vị đại-đức đều nên thân ngay, mình thẳng đứng cho nghiêm chỉnh, chẳng được ngồi nguyên vị mà không đứng dậy. Trừ khi tụng kinh, khi bệnh, khi cắt tóc, khi thân đang bận rộn với công việc không thể đứng dậy. Hàng hậu học chẳng được nói lỗi của chư trưởng lão, pháp-sư, chư đại đức. Chẳng được nói trổng danh xưng của các bậc lớn, nên xưng “trưởng lão, pháp sư, đại sư” chi chi đó. Còn khi đối diện chuyện trò thì chẳng được đề xuất danh tự, còn như đơn độc xưng hai chữ trưởng lão, hoặc pháp sư, hoặc hòa-thượng là cách thông xưng của hàng học nhân.
Phàm thư từ qua lại cũng phải như vậy, chẳng được xưng vãn bối, cùng tôi, ta, kẻ hèn này nọ v.v... Các bậc tôn Trưởng lão, pháp sư nên xưng thượng tọa, trượng-hạ, chẳng được xưng phương trượng. Còn đối với chư Ni nên xưng đại sĩ, ni trưởng, sư bà, ni sư, sư cô v.v... Còn khi thấy các vị tăng lữ bình thường thì nên xưng Thầy chi chi đó, chẳng được gọi thẳng tên họ. Nếu thưa hỏi tôn hiệu nên hỏi bồ-tát tôn xưng thượng... hạ..., chẳng được nói pháp danh. Còn khi hỏi pháp danh tất là hàng thượng tọa hỏi hàng hậu học vậy. Mà tự mình thì phải xưng hậu học, chẳng được xưng bất huệ (không trí tuệ), bất tài, bất nịnh (vô năng), v.v...

Lời phụ: phần trên thuộc về giáo môn, thông dụng không chỉ dành riêng cho hàng học Phật. Ở đời chúng ta đối với các bực trên trước mỗi khi thấy họ đều phải đứng đậy tiếp rước, đâu thể ngồi trơ ra đó, trừ những lúc đang công việc dở dang, hoặc bệnh nặng không thể gượng dậy nổi. Còn chuyện lỗi phải thị phi của người lớn, thông thường chúng ta là hàng con cháu đâu đủ tư cách tùy tiện phán xét. Còn tên tuổi danh họ đều là những việc hay cấm kỵ của người xưa, nên người ta thường gọi nhau theo vị thứ mà chẳng gọi thẳng tên trừ phi là quen thân hay những người trong gia đình.
Phàm sa-di, cư sĩ chẳng được lén nghe đại sa-môn thuyết giới, lại cũng chẳng được lén nghe tỳ-kheo tụng Giới Kinh.
Lời phụ: phần này thuộc về khuôn phép nghi thức riêng dành cho người xuất-gia nên hàng cư-sĩ không được đến gần nghe trộm. Bởi nhiều nguyên do nhưng cũng không ngoài hai nguyên nhân chính, thứ nhất là khiến kia sanh lòng khát ngưỡng muốn cầu giới pháp để tu học, thứ nữa là giúp kia tránh tội rêu rao nói lỗi của người khác. Chẳng được nói việc lỗi ở trong tăng-chúng: phàm là người chưa phải là bực thánh-triết, mấy ai khỏi lỗi. Ta không có con mắt-huệ đâu thể xét biết kia phải quấy thế nào, đức độ chúng-tăng lớn như biển, Phật còn khen ngợi, nếu ta chỉ trích, tự mắc khổ báo lớn vậy.
Phàm vào Tăng-phòng, không luận là phòng nào, không được khinh suất xông bừa vào, nên trước khảy móng tay lên cửa 3 tiếng, bên trong đáp ứng mới được vào, không có tiếng đáp thì nên đi. Vào trong rồi, trước nên hướng đến Phật-tượng xá lễ, thứ đến hướng về chư đại-đức đang xem kinh, đối trước bàn xá chào thưa hỏi, sau mới hướng về các vị đại-đức chắp tay xá chào thưa hỏi.
Lời phụ: Tăng phòng nơi dành riêng cho chúng tăng thanh tịnh tu hành nên không thể tùy tiện xông bừa vào. Muốn vào tất phải khiến kia biết cho phép mới được vào. Chào hỏi phải biết thứ tự trên dưới trước sau.
Phàm khi thấy chư đại-đức, trưởng lão, pháp sư cũng như thấy Phật, quy tắc lễ nghi như phần trước chỗ nói. Còn khi thấy hàng chúng tăng tầm thường lại cũng phải xem như thấy Bồ-tát vậy, chẳng được coi khinh. Dù chẳng phải bậc Tăng tốt cũng nên cung kính, phải lấy theo hình tướng của sa-môn để tôn trọng vậy. Huống chi có những biểu hiện mà với con mắt thịt của chúng ta không thể thấy hết được. Vì vậy mà Bồ-tát Thường Bất Khinh khi thấy bất cứ người nào đều nói rằng: “các ngài đều sẽ làm Phật, tôi chẳng dám khinh các ngài.” Như vậy có thể biết. Hàng cư sĩ mỗi khi thấy Sa-di, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đi qua thì nên đứng dậy, còn khi thấy những vị đồng bực với nhau thì chỉ cần ngồi ngay cũng được rồi.
Lời phụ: phải luôn ghi nhớ câu nói của Bồ-tát Thường Bất Khinh: “tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ làm Phật.” Đức Phật cũng thường khen ngợi đức lớn của chúng Tăng không thể nghĩ bàn. Ví như Kinh Vu Lan chúng ta thấy được: Mục-kiền-liên tôn giả muốn cứu mẹ. Phật dạy phải cúng dường chúng Tăng, thế mới biết đức độ của chúng Tăng rất lớn, huống chi trong đó xen lẫn những đại bồ-tát, thanh văn cho đến chư cổ Phật cũng tái lai hiện thân giữa hàng chúng Tăng làm mô phạm mà mắt thường chúng ta không thấy biết hết được.
Phàm muốn lễ bái chư Đại-đức thì duy chỉ khi những vị ấy đang chánh tọa, đang đứng thì có thể lễ bái, còn những khi chư đại-đức đang tọa-thiền, kinh hành, dùng cơm, cạo tóc, tắm rửa, ngủ nghỉ, v.v... thì chẳng nên lễ bái. Nếu phòng đóng cửa thì không nên ở ngoài cửa làm lễ, muốn vào cửa làm lễ nên khảy móng tay lên cửa 3 lần, thầy không trả lời thì nên đi. Phàm thưa hỏi Phật-pháp thì phải nên chỉnh đốn y phục lễ bái, tối thiểu phải đứng ngay ngắn cúi đầu chắp tay thưa hỏi, nếu cho phép ngồi thì mới được ngồi, cần phải lắng lòng khéo nghe, tư duy thâm nhập. Khi chư đại-đức nói chưa xong chẳng được gấp nói chen vào thưa hỏi. Phàm Tăng-ni có lỗi lầm gì thời do đại sa-môn đến thời Tự-tứ sẽ đề cập tới, hàng cư-sĩ chẳng được nói lên lỗi lầm của các vị sa-môn, đối với hàng hậu học cũng lại như vậy.
Lời phụ: muốn lễ lạy cũng phải biết thời, biết chỗ, không thể tùy tiện lễ bái. Còn thưa hỏi cũng phải từ tốn, khéo nghe mà suy nghĩ. Lỗi lầm của chúng Tăng có chúng Tăng xử lý, chẳng việc chúng ta thì chớ có xen vào. Xen vào nói lỗi của người khác tội thật không nhỏ. Trong Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới: nói lỗi lầm của người khác là một trong mười tội nặng, đâu thể không răn dè.
Phàm ở giữa đường gặp các vị đại-đức, nên mau đứng nhường sang một bên chờ chư đại đức đi qua rồi mới đi, chẳng được kia đây đắp đổi nhau mà đi. Còn những lúc cùng đi chung, phải nên nhường chư đại đức đi trước, nên làm thay chư đại đức mang nách đồ vật. Phàm lúc ngồi phải nên nhường chư đại-đức ngồi trên trước, ngồi trên sàng chiếu cũng lại như vậy. Phàm thấy chư đại-đức chẳng được hai tay chống hông, chẳng được lay động cánh tay cùng lắc lư thân mình, chẳng được ngồi xổm, chẳng được vừa đi vừa nhảy, chẳng được đi mau trừ khi có việc gấp. Chẳng được rút cổ co đầu trừ khi có bệnh. Chẳng được cố nhìn hai bên trái phải, chẳng được đứng chỗ cao, chẳng được cười giỡn. Những việc còn lại đều có nói rõ ở trong luật, do vì văn nhiều không chép.
Lời phụ: trong sinh hoạt hằng ngày phải nên hết lòng kính quý giúp đỡ chúng Tăng, chẳng được biểu hiện những hình tướng lễ nghi trái phép, chẳng được cười giỡn nhái giọng nói, tả hình dáng cùng nhạo tướng đi cung cách của chúng Tăng. Chi tiết thì rất nhiều chỉ đơn cử những thứ chính yếu, các phần chi li thì cứ suy theo đây có thể biết vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]