ĐẠO LÝ NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Không đợi đứng trong vòng đạo đức, ai cũng có thể nhận rằng cái khổ là tự mình gây ra, do bởi cái tâm xao xuyến, ham mê. Rồi vì sự ham mê mà tạo ra lắm nỗi đau thương. Càng được càng tham, càng tham càng khổ!
Trải qua lắm cơn nguy khổ bởi mình, con người mới biết nghĩ đến luật tự nhiên của Trời Đất mà sợ sệt vô cùng, bèn vái lạy đủ điều.
Cao thượng thay cho tín đồ nhà Phật, gác mình ra khỏi vòng danh lợi, cái tâm đã vững chắc, con người an lạc, hiền hòa, bèn không màng đến cát bụi trần gian. Chẳng những tự mình giữ sạch, lại còn đem đuốc lành mà rọi sáng cho chúng sanh đặng cho họ khỏi sa vào nơi mê tối và dắt họ ra khỏi đường lầm lạc.
Khổ là gì mà ta thường nghe người than thở rất bi ai, hết khóc đất lại kêu trời, rồi tự trách mình lôi thôi, dở dang? Khắp năm châu bốn bể, từ những nước văn minh, cường thịnh cho đến những xứ tồi tàn, bạc nhược, trong gia đình từ bậc giàu sang đến hạng nghèo hèn, trong những tâm trí, hoặc cao, hoặc thấp, thảy đều chất chứa những nỗi khổ đau! Hay là khổ là luật tạo hóa, luật chung của đời người đâu đâu cũng là khổ, không ai tránh khỏi cái luật của Hóa công?
Khổ là luật của Hóa công! Câu ấy nghe cũng lạ. Những người kính oai Trời bèn nói rằng: “Lẽ nào Trời sanh ta ra lại làm cho ta khổ, thế chẳng trái hẳn với chân lý sao?” Ngẫm lại thì thấy hóa công bày sắp hoàn mỹ vô cùng, tốt đẹp vô cùng. Như là người thanh lịch, vật đẹp xinh, trăng trong, gió mát; thật có lắm cái hứng thú thâm trầm. Trông ra, thấy ánh sáng buổi mai trên mặt nước, thấy bóng dương đỏ đỏ hồng hồng tỏa khắp thành thị, thôn quê, thì ai dám bảo thợ Trời là vụng? Xem trong vườn, thấy cành hoa mùi thơm, bóng đẹp, phất phơ trên ngọn gió êm với con bướm bay liệng gần bên, thì ai còn cho rằng không tốt đẹp? Nghĩ trong thân có đủ ngũ quan, tánh tình rất đoan trang, vẹn vẽ, thì còn chi mà kêu gọi đấng Tạo vật đặng than phiền? Trời đã làm cho cả thảy đều được thuần túy, sao lại làm cho cái khổ nó nảy ra cho loài người?
Song cuộc đời là bể khổ: khổ của đứa bé vừa lọt lòng mẹ thì đã khóc “oa oa”; khổ của hạng thiếu niên thất vọng về công danh, duyên nợ; khổ của bậc trưởng thành gặp những cuộc tang thương và những bước đường nguy hiểm; khổ của kẻ tuổi già hối hận vì những điều lầm lỡ lúc xuân xanh; khổ của thiếu phụ một mình dưới ngọn đèn tàn, nhớ bạn, khóc chồng; khổ của người chiến binh sắp chết giữa chiến trường, xa vợ, xa nhà, chẳng được sống mà rửa hờn cho quê cha đất tổ; khổ của nhà chí sĩ chẳng đạt được ý nguyện; khổ của kẻ lao động không tìm được việc làm; khổ của kẻ cơ hàn áo không đủ mặc, cơm chẳng đủ ăn, lại nuôi lấy bầy con nheo nhóc; khổ của kẻ bịnh nặng đang cầu Trời cho mau mạnh, hoặc muốn thác cho rồi; khổ của người hiền lâm nạn, kêu oan chẳng thấu cửa công; khổ của kẻ rủn chí, chán đời, của kẻ lao tâm nhọc trí mà chẳng được thỏa lòng.
Ngẫm đời người cũng có lắm lúc vui cười sung sướng. Nhưng cuộc vui ngắn ngủi vô cùng. Cái vui chưa dứt, cái sầu đã lộ ra. Cái khóc là phần nhiều, cái cười là phần ít. Khóc là bảy, cười chỉ là ba thôi. Ấy khóc là sự cố nhiên, thật tình của ta, là luật chung của tạo hóa. Nên chi hễ gặp cảnh khổ thì con người đành khóc mà cam chịu cho qua. Nhưng cái khổ ở đâu mà đến cho ta? Ta có muốn khổ chăng? Có lẽ ta không muốn khổ mà ta cũng không muốn bày nó ra mà làm gì. Là bởi hễ ta nghe nói đến khổ thì ta đã sợ lắm rồi, ta đã toan trốn tránh rồi! Hay là cái khổ ở lòng Trời mà ra chăng? Trải qua bao đời, các nhà triết học đã toan giải về cội nguồn sự khổ, nhưng chưa mấy ai giải rõ rệt, hoàn toàn.
Có nhiều vị bảo rằng hễ có người thì có khổ, cuộc đời có thì tự nhiên cảnh khổ phải có, tựa hồ như hễ có cây thì có hoa và có quả vậy.
Ta không phải sanh ra trên địa cầu đặng mà chịu khổ, vì ta sợ nó lắm, ta tránh nó mãi. Ta đành chịu khổ là khi nào ta không còn biết nơi đâu mà tránh vậy thôi!
Vậy thì Trời bày ra cái khổ đặng hại ta chăng? Có người nói rằng: “Kìa một bà mẹ mới sanh được một đứa con, hết sức lo lắng cho con, săn sóc cho con, vừa hôn con vừa cười. Ấy là mẹ thương con, và bảo bọc cho con. Trông bà mẹ ấy, rồi ta lại trông lên Trời mà nói một mình rằng: “Một bà mẹ kia còn biết thương mến con, gìn giữ con, huống chi Trời đã sanh ra ta, mà lại không thương ta hay sao?”. Bởi Trời là đấng cha mẹ của ta, hằng bảo bọc cho ta, nên ta mới có cơm mà ăn, có khí mà thở, có hoa quả mà dùng, chớ có đâu đã sanh ta rồi lại muốn đặt ra những lối chông gai mà ngăn trở, mà làm cho ta đau khổ?”
Thế thì cái khổ ở đâu mà ra vậy? Cụ Nguyễn Du có nói rằng: “...phúc họa đạo Trời, cội nguồn cũng ở lòng người mà ra”. Ấy vậy họa phúc là kết cuộc của ta, ta ngay thẳng thì được phúc, còn ta ác tâm thì vướng họa, nên cái họa đến để trừng trị tội lỗi mà ta đã làm.
Theo đạo Gia Tô, khi hai đấng Cha Mẹ của cả thế gian mới sanh xuống cõi trần, thì chưa biết khổ là gì. Cái khóc của bà Eve chẳng phải là cái khóc đời bây giờ, thương mà khóc, vui mà khóc, chớ nào phải khóc như ta ngày nay. Còn ông Adam thì làm việc một cách rất dễ dàng, êm ái, chớ nào phải làm việc cực khổ như ta bây giờ. Kế đến Thượng đế hiện xuống mà bảo rằng: “Này con! Cha khuyên con chớ ăn trái này. Nếu con vâng theo cha thì con thương cha và cha sẽ tin lòng con. Vả lại trái này có độc, nếu con ăn nó vào thì con sẽ chết”.
Ông và bà không tin, bà xúi ông ăn vào. Thế thì ông làm liều rồi! Vừa đó, cái kết quả và cái trừng trị nó ứng lên mà bắt người tội nhân. Cái khổ nó bắt từ đấy mà nảy sanh ra vậy. Ngày nay cái khổ đã thành luật rồi, ta phải cam chịu cái luật ấy. Vậy thì ta hãy tuân theo đạo Trời, hầu mong tránh khỏi những điều đau khổ. Ta sở dĩ mang tai họa là vì ta phạm tội không xử tròn bổn phận làm người.
Đạo Lão và đạo Phật cũng có chỉ rõ cội nguồn của các điều tai họa mà dạy người xa lánh. Lão Tử khuyên người không nên trái với lẽ tự nhiên. Phải lấy nhân ái, giản dị và khiêm nhượng mà đối đãi với anh em trong xã hội đặng không tranh giành nhau, không ghét lẫn nhau, không tranh chấp mà cũng không tham lam. Kết quả là được sung sướng, an nhàn. Liệt Tử, một hiền nhân trong đạo Lão nói rằng: “Ta sở dĩ không được vui, là vì ta vướng bốn cái lo, bốn điều muốn: muốn thọ, muốn danh, muốn tước, muốn giàu. Danh lợi mà chi, phú quí mà chi, đã sanh ra cạnh tranh, oán thù, tự cao, tự đắc, ỷ quyền, ỷ thế, rồi khi chết cũng thành một đống xương tàn vậy thôi?”.
Phật pháp dạy rằng: Cuộc đời là sông mê bể khổ, sanh là khổ, đau bệnh là khổ, già là khổ, chết là khổ, mà gần với người mình không ưa hay là xa cách người yêu thương cũng là khổ. Cái nguyên thủy của sự khổ là do nơi đâu? Chính là do bởi cái tánh khao khát và ham muốn không bao giờ cho vừa. Muốn tiêu trừ các điều khổ ấy, tức phải giữ cho trong sạch, thanh tịnh về thân, miệng, ý. Phải hành đạo Bát Chánh là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Nếu ta dằn cái lòng tham của ta, ta sẽ được tánh tình an lạc, ta sẽ gặp cảnh ngộ cao thượng luôn luôn. Chừng ấy, ta không còn sầu não chi nữa, không còn thầm trách chi mữa, ta sẽ được thỏa thích một cách thâm trầm, thanh thú. Trong đạo Phật có lý nghiệp quả, nghiệp báo, rất phù hợp với luật tự nhiên trong vũ trụ. Mọi hành vi ở đời của ta, hoặc bằng thân, hoặc bằng miệng, hoặc bằng ý, đều tạo ra nghiệp hết. Luật nghiệp quả, đối với sự hành động của ta rất mật thiết, cũng như cái bóng đeo theo hình, hình ngay thì bóng thẳng, hình cong thì bóng vạy. Như ta ở đời làm việc quấy, việc ác thì tạo ra nghiệp xấu, tức là ta tạo nên tội lỗi, sự đau khổ về sau. Trái lại, nếu ta ăn ở thanh tịnh, thơm lành, từ ái thì ta tạo ra nghiệp tốt, ta không phải bị cái khổ hành hạ, mà ta sẽ được sự phúc hậu đền đáp, tiếp rước, tôn trọng ta. Cho nên kẻ hiền từ, ái mẫn thường được bình yên, vô sự; mà người ác nghịch, xấc xược thường bị nguy hại, khổ thân. Song trên thế giới, người lành thì ít, kẻ dữ lại nhiều, nên sự êm đềm, thuần hậu thì ta ít thấy, mà việc khổ não, tàn khốc thì ta thấy trước mắt bên mình trong mỗi giờ mỗi phút.
Từ khi cái khổ phát hiện ra, từ đời vô thỉ, cả trên mặt đất đâu đâu cũng đều rền rĩ khóc than; dân tộc ta, nước nhà ta cũng thế. Đã trải qua bao lần dâu bể rồi mà giọt nước mắt khổ hãy còn đầm đìa chan chứa, giọng não nùng ai oán hãy còn trách Trẻ tạo chưa thôi. Ôi! cái khổ với sự sống, cái họa với cuộc đời, thật rất thân mật nhau và liên hợp nhau lắm.
Đã cho rằng họa chẳng phải tại Trời, mà chính là bởi người đời gây nên, chính là cái kết quả đau đớn của tội lỗi và hình phép trừng trị, để đổi thay tâm trí người, nên tai họa là một món thuốc để trị bịnh cho tâm tánh, tinh thần. Khi ta ở ăn không vệ sinh, đứng đi không cẩn thận, làm việc quá sức, quá thì giờ thì ta thường vướng bịnh, hoặc ngoại cảm, hoặc nội thương. Ta liền rước lương y mà cho thuốc ra toa đặng trị thân thể ta, hoặc trong, hoặc ngoài. Còn khi ta lêu lỏng, chơi bời, gian tham, quỷ quyệt, đi phá hại người mà dục lợi cho mình, thấp thì dùng lối thấp, cao thì hại thế cao, chừng ấy ông thần lương tâm phải le lưỡi lắc đầu mà chạy mặt, không còn phương pháp đặng giảm trừ. Tức nhiên ông lương y tai họa phải bươn bả bước vào mà đưa thuốc men cho. Nếu căn bịnh về tánh tình ấy mà thuyên giảm thì thầy tai họa chậm rãi ra đi. Còn bịnh không dứt, cứ nặng nề mãi thì sẽ có phương pháp trầm trọng mãi cho đến khi bịnh nhân chết; bấy giờ ông lương y về tinh thần ấy có lẽ cũng chưa chịu thôi đâu! Vậy thì sự khổ chẳng phải là không có ích cho ta.
Ta có nếm đến mùi khổ, ra mới biết nó bổ ích. Nó tỏa cái ánh sáng vào lương tâm u ám của ta. Trong gia đình cho tới ngoài xã hội, đâu đâu thiên hạ cũng đều xao xác, bồn chồn, ganh ghét nhau, hại lẫn nhau, không mấy ai còn biết điều gì là cao thượng, liêm sỉ!
Ôi! Đời người là giả, tạm; chẳng khác luồng khói, vầng mây, mới ngó thấy đã thoáng qua! Mà người ta cứ ham mê mãi, tranh giành mãi, lấy chức làm vinh, lấy giàu làm sướng, lấy thọ làm mừng. Rồi họ gây ra mãi nào là tự cao tự đại, nào là thất vọng oán đời, nào là đánh giết lung tung, cướp phá tưng bừng!
Cuộc đời là chỗ tạm; danh dự lợi quyền, giàu sang phú quý đều là của tạm, là phù vân, chỉ để gạt gẫm, hại phá người mà thôi. Ông thần khổ làm cho người hồi tâm mà không còn ham mê mấy điều tạm nơi sông mê bể khổ. Vì ham mê mấy cái danh, phú, tước thọ kia, con người sa đắm với đời, cho nó là chỗ vui sướng, nào có tưởng nó là giả đặng chán đi. Họ nào có nghĩ cho là bể khổ bến mê cần phải thoát ra. Họ cứ chìm đắm nơi đó một cách gớm ghê, dữ dội. Rồi ra, loài người mới định trí tỉnh hồn mà trông lên các điều cao thật sau khi bị các nạn khổ hành hạ! Ban đầu là một cái ham mộ bất thành, một mối vọng tưởng tiêu tan, một bàn tay buông xuôi, một tấm lòng lạnh lẽo, hững hờ, một cái gia thế suy đồi. Như vậy, họ còn chưa hiểu thì cái khổ nó phạt thêm. Nó ẵm một đứa bé trong nôi, nó đào một cái huyệt bên nhà. Rồi lần lần, nó giũ sổ từng người một trong gia đình. Sau, nó lại quét sạch cả tông môn. Đến chừng ấy, con người đã vướng lắm tai họa, hết phương thế vẫy vùng. Bể trần tràn ngập quá lắm, họ mới chịu ngước đầu mà trông lên, mà ước nguyện những cái hứng thú thanh cao, những cái vui sướng thâm trầm. Bấy giờ ngó trở xuống, họ sợ hoảng cả người.
Những bã danh lợi kia, ngày xưa đeo đuổi trong mấy mươi năm. Những điều ham muốn sai mục đích kia, ngày xưa vọng tưởng mong cầu. Những cuộc vui nhỏ nhặt kia, ngày xưa cho là phước lộc cao sang. Những của tạm gởi kia, nay tất cả đều phơi cái mặt nạ ra thấy mà buồn cười!
Ấy vậy sự đau khổ vừa hành phạt ta, nó lại vừa làm cho sáng rỡ tinh thần, tánh trí của ta nữa. Sự khổ nó lại làm giảm bớt cái khí tự cao tự trọng của ta đi. Người đời hễ gặp được cảnh ngộ may mà hưng thịnh một vài phen thì thường cho mình là tài ba lỗi lạc, nên dọc ngang, tàn bạo, chẳng biết trên đầu có ai. Liền đó cái họa, cái khổ nó đến ngay, mà trừng trị một cách xứng đáng. Rồi ra, cái tâm tánh kia cứng cỏi bao nhiêu lại mềm mỏng bấy nhiêu. Cái lòng dạ kia mới hôm rồi hãy còn tự tôn tự đại, bây giờ lại quì lạy mà cầu xin. Cái người dọc ngang kia hôm qua đâu có nhớ đến Luật tạo hóa, nay lại cho rằng khắp cả vũ trụ đâu đâu cũng nhờ Trời Phật giữ gìn, chở che. Nên họ kêu cầu rằng: “Trời ôi! Nỡ hại tôi sao? Xưa kia tôi dại mà lỗi lầm, bây giờ tôi đã hối hận rồi, tôi nguyện không dám ác tâm nữa. Vì biết lưới Trời bủa khắp bốn phương, không ai thoát khỏi...”
Như thế, sự khổ giảm được tánh tự cao, làm cho sáng rỡ tâm trí, làm cho con người trở nên nhu nhuận, trong sạch, thanh bai.
Người đời thường có lòng ích kỷ, chỉ biết thương thân, chớ không biết thương người. Lòng khao khát không bao giờ đầy, càng được thì lại càng tham. Lắm lúc vì chút lòng tham mà họ đành gây nên nhiều cái thảm trạng gớm ghê. Nhưng nào họ có suy xét, miễn thỏa dạ thì họ vui sướng lắm rồi.
Nhất là về bên dục tình thì cái lòng tham nó phát hiện ra một cách mạnh mẽ khôn ngần: thân mạng chỉ còn xác thịt chớ không có một điểm tinh thần, tánh tình tốt đẹp đã lu mờ đi rồi, lương tâm đã u ám, không còn biết phân biệt điều chánh đáng với sự ác tà. Nghị lực mềm yếu không còn sức để chống ngăn. Tất cả tâm thần đều bị cái xác thịt kia làm chủ, nó lấn lướt, phá hủy, đập nát hết. Người như thế làm khổ nhục cho gia đình, làm tổn giọt nước mắt của cha mẹ, vợ con, lại làm não đến lòng Trời, trái Luật tự nhiên, tạo đầy nghiệp ác. Cái họa nó phải ra tay, lấy một cái đầu óc mới mà thay vào. Lần hồi như vậy, ngày kia kẻ tội nhân sẽ ghê sợ mà chán đi, không còn theo đuổi phần dục về xác, mà biết hướng theo đạo đức nhân từ. Thế thì sự đau khổ nó gội sạch đầu óc và tánh tình ta đó.
Chẳng những nó làm sáng rỡ tâm trí kẻ tội nhân, nó lại còn sửa đổi cho thành tâm trí mới mẽ, vẻ vang; nó trao lại những tánh chất quí hóa đã mất tự bao giờ. Những công cuộc như thế chẳng phải trong một hai ngày mà xong. Cần phải có sự đau khổ nó tái lại năm phen bảy bận mới mong hoàn toàn được. Cái khổ tựa hồ như nhựa trong cây, làm cho lá tươi bông đẹp. Cái khổ nó phát hiện xuống trong một cái tâm trí thì thấy sự ngay thật lộ ra mà theo đường đạo đức.
“Anh ơi! Trước khi khổ, anh đã làm được điều gì thích đáng chưa? Lúc bấy giờ, trên đời, anh có biết ai khác hơn anh chăng? Anh chỉ thương lấy anh thôi. Trước khi khổ, anh có lau chùi một giọt nước mắt nào chưa, trợ giúp một cảnh khốn khó nào chưa? Anh có để ý rằng chung quanh anh là kẻ bần cùng bữa no bữa đói, kẻ tật nguyền, kẻ thất nghiệp chăng? Mấy điều đó chắc hẳn rằng anh chưa được biết, là vì anh chưa hề than khóc, chưa hề bị hành hạ vậy. Về sau, cái khổ nó xúc động đến lòng anh mà làm cho anh lấy giọt thương tâm mà rưới trên những cảnh ngộ nguy cấp quanh mình. Anh chỉ chia buồn không thì chưa đủ, anh hãy làm điều phải cho người.”
Sự khổ bố ích cho ta nhiều. Nó khôi phục cho ta những tánh tình tốt đẹp khi xưa, nó lại còn nâng cao ta lên. Nhờ nó, ta ăn ở giản dị, nhân từ.
Mặt đất có phải là nơi vui sướng của ta chăng? Có phải là nơi có lắm cảnh để được thỏa thích chăng? Không, toàn cả trên mặt đất đều là một cái bể thẳm mà thôi. Tiếng khóc, tiếng than, tiếng sầu, tiếng tủi đều rên rĩ cả ngày. Ôi! Cõi trần là cõi khổ, người trần phải chia một phần khổ với nhau. Khổ cho đến nhìn lên bóng trăng cũng có vẻ âu sầu như chứa chan những giọt não nùng!
Nhưng ai dám chắc rằng cái khổ lại chẳng có lắm phương pháp rất hay, để khuyên nhủ tâm hồn? Mùi trần làm cho tinh thần phải tối tăm, u ám; đau khổ giải thoát cho ta, làm cho ta trông thấy thêm sáng suốt, cao rộng. Tánh tự tôn tự trọng nâng ta lên sai lẽ tự nhiên; sự đau khổ để cái ô nhục vào mà làm cho ta trở lại địa vị cũ, chính là dứt đường lầm lạc của ta vậy. Cái tánh thích vui quá độ nó xô ta vào những thảm trạng rất nguy, nào tiền tài, nào danh giá đều trôi theo cuộc vui đầy tháng, trận cười thâu đêm; sự đau khổ lại làm cho ta trong sạch như xưa, tuồng như nó lấy một cái tâm tánh mới mà thay vào cho ta. Những tội lỗi của ta đối với xã hội và gia đình làm cho ta mất cái bổn phận, cái phẩm cách con người; cái đau khổ liền đến đặng dạy cho ta biết lấy nhân đạo, bác ái mà ở đời...
Nhưng ở khắp nơi đều vang tiếng than phiền rằng sao người hiền lại vướng họa, còn kẻ dữ hay được an vui. Người hiền cũng gặp khổ, kẻ dữ cũng mang tai, chẳng phải do bởi sự dữ, hiền hiện thời. Kẻ dữ với người hiền cũng đều là người, hễ đồng làm người thì tức nhiên phải chịu khổ. Cái khổ có duyên cớ từ những đời đã qua. Chính xưa kia mình đã gieo sự tội lỗi nên nay phải trả quả khổ. Dẫu cho cái nghiệp riêng mình chẳng có, chớ cũng tránh đâu khỏi cái nghiệp chung của chúng sanh. Những nỗi sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ là những nỗi khổ chung; hiền, dữ cũng đều phải chịu.
Lại nữa, cái khổ trên đời có khác chi những viên đạn bay chỗ chiến trường, trúng ai nấy chịu. Đối với loài người, cái khổ cũng thế, nó cũng như viên đạn bắn ra, thường hại những chiến sĩ đi đầu. Những chiến sĩ đi đầu chính là những kẻ ác. Cái họa phải trừng trị chúng nó một cách gớm ghê, nặng nề mới được.
Sự đau khổ vướng cho những người hiền chẳng phải là vô ích đâu. Vì ta đã biết rằng nó khuyên dạy người. Đã sanh ra ở cõi trần, mấy ai thật hiền lành cho toàn vẹn? Đành rằng hiện thời họ hiền, song trước kia họ chưa hiền, bấy giờ họ từng có lúc làm ác, nên nay cái quả ấy đến, nó gây vạ cho họ, chạy đâu cho khỏi? Lại có khi sự làm của họ là hiền, mà tâm ý của họ thì chưa lành, chưa sạch, nên họ phải chịu chút ít sự rầu buồn, áo não để đền bù. Và cho họ có dịp mà bồi đắp tâm trí của họ, nâng cao tư tưởng của họ. Lại tưởng rằng họ cũng nên chia sớt sự khổ với chúng sanh, với đời.
Lắm bậc từ bi đại độ, ra thân gánh lấy sự thảm khổ của chúng sanh, vì lòng thương tràn trề! Lắm vị coi thân mình là thân của chúng sanh, mạng mình là mạng của chúng sanh, đời mình là đời của chúng sanh, bèn ra làm việc cho chúng sanh. Bấy giờ tai, mắt, mình mẩy của các ngài đều là của chúng sanh, các ngài dốc lòng tế độ cho chúng sanh, nhọc nhằn vì chúng sanh, cam bề khổ cực vì chúng sanh, không bao giờ để ý đến bản thân mình, sống vì mình.
Như vậy chẳng phải là cao thượng sao? Cái khổ của người mà mình vui lòng nhận lấy, bèn hóa ra cái sướng, nó trở nên thâm trầm, vi diệu lắm. Chớ cái sướng của người mà mình giành, mình giựt, hay cái khổ của mình mà đem gán cho người, thì cái sướng đó trở nên khổ, mà cái khổ đó lại tăng thêm.
Ai ơi, hãy sống vì đời, hãy giúp chúng sanh, hãy nhận lấy cái khổ của người.
Trong vũ trụ mà có nhiều bậc giữ cái cử chỉ ấy thì đích đáng biết bao! Xã hội, cảnh đời sẽ không còn là chốn “sông mê bể khổ” nữa.
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
PHỤ TRƯƠNG
A.Luận về bể khổ sông mê
Tu là cội phúc,
Tình là dây oan!
Không đợi đứng trong vòng đạo đức, ai cũng có thể nhận rằng cái khổ là tự mình gây ra, do bởi cái tâm xao xuyến, ham mê. Rồi vì sự ham mê mà tạo ra lắm nỗi đau thương. Càng được càng tham, càng tham càng khổ!
Trải qua lắm cơn nguy khổ bởi mình, con người mới biết nghĩ đến luật tự nhiên của Trời Đất mà sợ sệt vô cùng, bèn vái lạy đủ điều.
Cao thượng thay cho tín đồ nhà Phật, gác mình ra khỏi vòng danh lợi, cái tâm đã vững chắc, con người an lạc, hiền hòa, bèn không màng đến cát bụi trần gian. Chẳng những tự mình giữ sạch, lại còn đem đuốc lành mà rọi sáng cho chúng sanh đặng cho họ khỏi sa vào nơi mê tối và dắt họ ra khỏi đường lầm lạc.
Khổ là gì mà ta thường nghe người than thở rất bi ai, hết khóc đất lại kêu trời, rồi tự trách mình lôi thôi, dở dang? Khắp năm châu bốn bể, từ những nước văn minh, cường thịnh cho đến những xứ tồi tàn, bạc nhược, trong gia đình từ bậc giàu sang đến hạng nghèo hèn, trong những tâm trí, hoặc cao, hoặc thấp, thảy đều chất chứa những nỗi khổ đau! Hay là khổ là luật tạo hóa, luật chung của đời người đâu đâu cũng là khổ, không ai tránh khỏi cái luật của Hóa công?
Khổ là luật của Hóa công! Câu ấy nghe cũng lạ. Những người kính oai Trời bèn nói rằng: “Lẽ nào Trời sanh ta ra lại làm cho ta khổ, thế chẳng trái hẳn với chân lý sao?” Ngẫm lại thì thấy hóa công bày sắp hoàn mỹ vô cùng, tốt đẹp vô cùng. Như là người thanh lịch, vật đẹp xinh, trăng trong, gió mát; thật có lắm cái hứng thú thâm trầm. Trông ra, thấy ánh sáng buổi mai trên mặt nước, thấy bóng dương đỏ đỏ hồng hồng tỏa khắp thành thị, thôn quê, thì ai dám bảo thợ Trời là vụng? Xem trong vườn, thấy cành hoa mùi thơm, bóng đẹp, phất phơ trên ngọn gió êm với con bướm bay liệng gần bên, thì ai còn cho rằng không tốt đẹp? Nghĩ trong thân có đủ ngũ quan, tánh tình rất đoan trang, vẹn vẽ, thì còn chi mà kêu gọi đấng Tạo vật đặng than phiền? Trời đã làm cho cả thảy đều được thuần túy, sao lại làm cho cái khổ nó nảy ra cho loài người?
Song cuộc đời là bể khổ: khổ của đứa bé vừa lọt lòng mẹ thì đã khóc “oa oa”; khổ của hạng thiếu niên thất vọng về công danh, duyên nợ; khổ của bậc trưởng thành gặp những cuộc tang thương và những bước đường nguy hiểm; khổ của kẻ tuổi già hối hận vì những điều lầm lỡ lúc xuân xanh; khổ của thiếu phụ một mình dưới ngọn đèn tàn, nhớ bạn, khóc chồng; khổ của người chiến binh sắp chết giữa chiến trường, xa vợ, xa nhà, chẳng được sống mà rửa hờn cho quê cha đất tổ; khổ của nhà chí sĩ chẳng đạt được ý nguyện; khổ của kẻ lao động không tìm được việc làm; khổ của kẻ cơ hàn áo không đủ mặc, cơm chẳng đủ ăn, lại nuôi lấy bầy con nheo nhóc; khổ của kẻ bịnh nặng đang cầu Trời cho mau mạnh, hoặc muốn thác cho rồi; khổ của người hiền lâm nạn, kêu oan chẳng thấu cửa công; khổ của kẻ rủn chí, chán đời, của kẻ lao tâm nhọc trí mà chẳng được thỏa lòng.
Ngẫm đời người cũng có lắm lúc vui cười sung sướng. Nhưng cuộc vui ngắn ngủi vô cùng. Cái vui chưa dứt, cái sầu đã lộ ra. Cái khóc là phần nhiều, cái cười là phần ít. Khóc là bảy, cười chỉ là ba thôi. Ấy khóc là sự cố nhiên, thật tình của ta, là luật chung của tạo hóa. Nên chi hễ gặp cảnh khổ thì con người đành khóc mà cam chịu cho qua. Nhưng cái khổ ở đâu mà đến cho ta? Ta có muốn khổ chăng? Có lẽ ta không muốn khổ mà ta cũng không muốn bày nó ra mà làm gì. Là bởi hễ ta nghe nói đến khổ thì ta đã sợ lắm rồi, ta đã toan trốn tránh rồi! Hay là cái khổ ở lòng Trời mà ra chăng? Trải qua bao đời, các nhà triết học đã toan giải về cội nguồn sự khổ, nhưng chưa mấy ai giải rõ rệt, hoàn toàn.
Có nhiều vị bảo rằng hễ có người thì có khổ, cuộc đời có thì tự nhiên cảnh khổ phải có, tựa hồ như hễ có cây thì có hoa và có quả vậy.
Ta không phải sanh ra trên địa cầu đặng mà chịu khổ, vì ta sợ nó lắm, ta tránh nó mãi. Ta đành chịu khổ là khi nào ta không còn biết nơi đâu mà tránh vậy thôi!
Vậy thì Trời bày ra cái khổ đặng hại ta chăng? Có người nói rằng: “Kìa một bà mẹ mới sanh được một đứa con, hết sức lo lắng cho con, săn sóc cho con, vừa hôn con vừa cười. Ấy là mẹ thương con, và bảo bọc cho con. Trông bà mẹ ấy, rồi ta lại trông lên Trời mà nói một mình rằng: “Một bà mẹ kia còn biết thương mến con, gìn giữ con, huống chi Trời đã sanh ra ta, mà lại không thương ta hay sao?”. Bởi Trời là đấng cha mẹ của ta, hằng bảo bọc cho ta, nên ta mới có cơm mà ăn, có khí mà thở, có hoa quả mà dùng, chớ có đâu đã sanh ta rồi lại muốn đặt ra những lối chông gai mà ngăn trở, mà làm cho ta đau khổ?”
Thế thì cái khổ ở đâu mà ra vậy? Cụ Nguyễn Du có nói rằng: “...phúc họa đạo Trời, cội nguồn cũng ở lòng người mà ra”. Ấy vậy họa phúc là kết cuộc của ta, ta ngay thẳng thì được phúc, còn ta ác tâm thì vướng họa, nên cái họa đến để trừng trị tội lỗi mà ta đã làm.
Theo đạo Gia Tô, khi hai đấng Cha Mẹ của cả thế gian mới sanh xuống cõi trần, thì chưa biết khổ là gì. Cái khóc của bà Eve chẳng phải là cái khóc đời bây giờ, thương mà khóc, vui mà khóc, chớ nào phải khóc như ta ngày nay. Còn ông Adam thì làm việc một cách rất dễ dàng, êm ái, chớ nào phải làm việc cực khổ như ta bây giờ. Kế đến Thượng đế hiện xuống mà bảo rằng: “Này con! Cha khuyên con chớ ăn trái này. Nếu con vâng theo cha thì con thương cha và cha sẽ tin lòng con. Vả lại trái này có độc, nếu con ăn nó vào thì con sẽ chết”.
Ông và bà không tin, bà xúi ông ăn vào. Thế thì ông làm liều rồi! Vừa đó, cái kết quả và cái trừng trị nó ứng lên mà bắt người tội nhân. Cái khổ nó bắt từ đấy mà nảy sanh ra vậy. Ngày nay cái khổ đã thành luật rồi, ta phải cam chịu cái luật ấy. Vậy thì ta hãy tuân theo đạo Trời, hầu mong tránh khỏi những điều đau khổ. Ta sở dĩ mang tai họa là vì ta phạm tội không xử tròn bổn phận làm người.
Đạo Lão và đạo Phật cũng có chỉ rõ cội nguồn của các điều tai họa mà dạy người xa lánh. Lão Tử khuyên người không nên trái với lẽ tự nhiên. Phải lấy nhân ái, giản dị và khiêm nhượng mà đối đãi với anh em trong xã hội đặng không tranh giành nhau, không ghét lẫn nhau, không tranh chấp mà cũng không tham lam. Kết quả là được sung sướng, an nhàn. Liệt Tử, một hiền nhân trong đạo Lão nói rằng: “Ta sở dĩ không được vui, là vì ta vướng bốn cái lo, bốn điều muốn: muốn thọ, muốn danh, muốn tước, muốn giàu. Danh lợi mà chi, phú quí mà chi, đã sanh ra cạnh tranh, oán thù, tự cao, tự đắc, ỷ quyền, ỷ thế, rồi khi chết cũng thành một đống xương tàn vậy thôi?”.
Phật pháp dạy rằng: Cuộc đời là sông mê bể khổ, sanh là khổ, đau bệnh là khổ, già là khổ, chết là khổ, mà gần với người mình không ưa hay là xa cách người yêu thương cũng là khổ. Cái nguyên thủy của sự khổ là do nơi đâu? Chính là do bởi cái tánh khao khát và ham muốn không bao giờ cho vừa. Muốn tiêu trừ các điều khổ ấy, tức phải giữ cho trong sạch, thanh tịnh về thân, miệng, ý. Phải hành đạo Bát Chánh là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Nếu ta dằn cái lòng tham của ta, ta sẽ được tánh tình an lạc, ta sẽ gặp cảnh ngộ cao thượng luôn luôn. Chừng ấy, ta không còn sầu não chi nữa, không còn thầm trách chi mữa, ta sẽ được thỏa thích một cách thâm trầm, thanh thú. Trong đạo Phật có lý nghiệp quả, nghiệp báo, rất phù hợp với luật tự nhiên trong vũ trụ. Mọi hành vi ở đời của ta, hoặc bằng thân, hoặc bằng miệng, hoặc bằng ý, đều tạo ra nghiệp hết. Luật nghiệp quả, đối với sự hành động của ta rất mật thiết, cũng như cái bóng đeo theo hình, hình ngay thì bóng thẳng, hình cong thì bóng vạy. Như ta ở đời làm việc quấy, việc ác thì tạo ra nghiệp xấu, tức là ta tạo nên tội lỗi, sự đau khổ về sau. Trái lại, nếu ta ăn ở thanh tịnh, thơm lành, từ ái thì ta tạo ra nghiệp tốt, ta không phải bị cái khổ hành hạ, mà ta sẽ được sự phúc hậu đền đáp, tiếp rước, tôn trọng ta. Cho nên kẻ hiền từ, ái mẫn thường được bình yên, vô sự; mà người ác nghịch, xấc xược thường bị nguy hại, khổ thân. Song trên thế giới, người lành thì ít, kẻ dữ lại nhiều, nên sự êm đềm, thuần hậu thì ta ít thấy, mà việc khổ não, tàn khốc thì ta thấy trước mắt bên mình trong mỗi giờ mỗi phút.
Từ khi cái khổ phát hiện ra, từ đời vô thỉ, cả trên mặt đất đâu đâu cũng đều rền rĩ khóc than; dân tộc ta, nước nhà ta cũng thế. Đã trải qua bao lần dâu bể rồi mà giọt nước mắt khổ hãy còn đầm đìa chan chứa, giọng não nùng ai oán hãy còn trách Trẻ tạo chưa thôi. Ôi! cái khổ với sự sống, cái họa với cuộc đời, thật rất thân mật nhau và liên hợp nhau lắm.
Đã cho rằng họa chẳng phải tại Trời, mà chính là bởi người đời gây nên, chính là cái kết quả đau đớn của tội lỗi và hình phép trừng trị, để đổi thay tâm trí người, nên tai họa là một món thuốc để trị bịnh cho tâm tánh, tinh thần. Khi ta ở ăn không vệ sinh, đứng đi không cẩn thận, làm việc quá sức, quá thì giờ thì ta thường vướng bịnh, hoặc ngoại cảm, hoặc nội thương. Ta liền rước lương y mà cho thuốc ra toa đặng trị thân thể ta, hoặc trong, hoặc ngoài. Còn khi ta lêu lỏng, chơi bời, gian tham, quỷ quyệt, đi phá hại người mà dục lợi cho mình, thấp thì dùng lối thấp, cao thì hại thế cao, chừng ấy ông thần lương tâm phải le lưỡi lắc đầu mà chạy mặt, không còn phương pháp đặng giảm trừ. Tức nhiên ông lương y tai họa phải bươn bả bước vào mà đưa thuốc men cho. Nếu căn bịnh về tánh tình ấy mà thuyên giảm thì thầy tai họa chậm rãi ra đi. Còn bịnh không dứt, cứ nặng nề mãi thì sẽ có phương pháp trầm trọng mãi cho đến khi bịnh nhân chết; bấy giờ ông lương y về tinh thần ấy có lẽ cũng chưa chịu thôi đâu! Vậy thì sự khổ chẳng phải là không có ích cho ta.
Ta có nếm đến mùi khổ, ra mới biết nó bổ ích. Nó tỏa cái ánh sáng vào lương tâm u ám của ta. Trong gia đình cho tới ngoài xã hội, đâu đâu thiên hạ cũng đều xao xác, bồn chồn, ganh ghét nhau, hại lẫn nhau, không mấy ai còn biết điều gì là cao thượng, liêm sỉ!
Ôi! Đời người là giả, tạm; chẳng khác luồng khói, vầng mây, mới ngó thấy đã thoáng qua! Mà người ta cứ ham mê mãi, tranh giành mãi, lấy chức làm vinh, lấy giàu làm sướng, lấy thọ làm mừng. Rồi họ gây ra mãi nào là tự cao tự đại, nào là thất vọng oán đời, nào là đánh giết lung tung, cướp phá tưng bừng!
Cuộc đời là chỗ tạm; danh dự lợi quyền, giàu sang phú quý đều là của tạm, là phù vân, chỉ để gạt gẫm, hại phá người mà thôi. Ông thần khổ làm cho người hồi tâm mà không còn ham mê mấy điều tạm nơi sông mê bể khổ. Vì ham mê mấy cái danh, phú, tước thọ kia, con người sa đắm với đời, cho nó là chỗ vui sướng, nào có tưởng nó là giả đặng chán đi. Họ nào có nghĩ cho là bể khổ bến mê cần phải thoát ra. Họ cứ chìm đắm nơi đó một cách gớm ghê, dữ dội. Rồi ra, loài người mới định trí tỉnh hồn mà trông lên các điều cao thật sau khi bị các nạn khổ hành hạ! Ban đầu là một cái ham mộ bất thành, một mối vọng tưởng tiêu tan, một bàn tay buông xuôi, một tấm lòng lạnh lẽo, hững hờ, một cái gia thế suy đồi. Như vậy, họ còn chưa hiểu thì cái khổ nó phạt thêm. Nó ẵm một đứa bé trong nôi, nó đào một cái huyệt bên nhà. Rồi lần lần, nó giũ sổ từng người một trong gia đình. Sau, nó lại quét sạch cả tông môn. Đến chừng ấy, con người đã vướng lắm tai họa, hết phương thế vẫy vùng. Bể trần tràn ngập quá lắm, họ mới chịu ngước đầu mà trông lên, mà ước nguyện những cái hứng thú thanh cao, những cái vui sướng thâm trầm. Bấy giờ ngó trở xuống, họ sợ hoảng cả người.
Những bã danh lợi kia, ngày xưa đeo đuổi trong mấy mươi năm. Những điều ham muốn sai mục đích kia, ngày xưa vọng tưởng mong cầu. Những cuộc vui nhỏ nhặt kia, ngày xưa cho là phước lộc cao sang. Những của tạm gởi kia, nay tất cả đều phơi cái mặt nạ ra thấy mà buồn cười!
Ấy vậy sự đau khổ vừa hành phạt ta, nó lại vừa làm cho sáng rỡ tinh thần, tánh trí của ta nữa. Sự khổ nó lại làm giảm bớt cái khí tự cao tự trọng của ta đi. Người đời hễ gặp được cảnh ngộ may mà hưng thịnh một vài phen thì thường cho mình là tài ba lỗi lạc, nên dọc ngang, tàn bạo, chẳng biết trên đầu có ai. Liền đó cái họa, cái khổ nó đến ngay, mà trừng trị một cách xứng đáng. Rồi ra, cái tâm tánh kia cứng cỏi bao nhiêu lại mềm mỏng bấy nhiêu. Cái lòng dạ kia mới hôm rồi hãy còn tự tôn tự đại, bây giờ lại quì lạy mà cầu xin. Cái người dọc ngang kia hôm qua đâu có nhớ đến Luật tạo hóa, nay lại cho rằng khắp cả vũ trụ đâu đâu cũng nhờ Trời Phật giữ gìn, chở che. Nên họ kêu cầu rằng: “Trời ôi! Nỡ hại tôi sao? Xưa kia tôi dại mà lỗi lầm, bây giờ tôi đã hối hận rồi, tôi nguyện không dám ác tâm nữa. Vì biết lưới Trời bủa khắp bốn phương, không ai thoát khỏi...”
Như thế, sự khổ giảm được tánh tự cao, làm cho sáng rỡ tâm trí, làm cho con người trở nên nhu nhuận, trong sạch, thanh bai.
Người đời thường có lòng ích kỷ, chỉ biết thương thân, chớ không biết thương người. Lòng khao khát không bao giờ đầy, càng được thì lại càng tham. Lắm lúc vì chút lòng tham mà họ đành gây nên nhiều cái thảm trạng gớm ghê. Nhưng nào họ có suy xét, miễn thỏa dạ thì họ vui sướng lắm rồi.
Nhất là về bên dục tình thì cái lòng tham nó phát hiện ra một cách mạnh mẽ khôn ngần: thân mạng chỉ còn xác thịt chớ không có một điểm tinh thần, tánh tình tốt đẹp đã lu mờ đi rồi, lương tâm đã u ám, không còn biết phân biệt điều chánh đáng với sự ác tà. Nghị lực mềm yếu không còn sức để chống ngăn. Tất cả tâm thần đều bị cái xác thịt kia làm chủ, nó lấn lướt, phá hủy, đập nát hết. Người như thế làm khổ nhục cho gia đình, làm tổn giọt nước mắt của cha mẹ, vợ con, lại làm não đến lòng Trời, trái Luật tự nhiên, tạo đầy nghiệp ác. Cái họa nó phải ra tay, lấy một cái đầu óc mới mà thay vào. Lần hồi như vậy, ngày kia kẻ tội nhân sẽ ghê sợ mà chán đi, không còn theo đuổi phần dục về xác, mà biết hướng theo đạo đức nhân từ. Thế thì sự đau khổ nó gội sạch đầu óc và tánh tình ta đó.
Chẳng những nó làm sáng rỡ tâm trí kẻ tội nhân, nó lại còn sửa đổi cho thành tâm trí mới mẽ, vẻ vang; nó trao lại những tánh chất quí hóa đã mất tự bao giờ. Những công cuộc như thế chẳng phải trong một hai ngày mà xong. Cần phải có sự đau khổ nó tái lại năm phen bảy bận mới mong hoàn toàn được. Cái khổ tựa hồ như nhựa trong cây, làm cho lá tươi bông đẹp. Cái khổ nó phát hiện xuống trong một cái tâm trí thì thấy sự ngay thật lộ ra mà theo đường đạo đức.
“Anh ơi! Trước khi khổ, anh đã làm được điều gì thích đáng chưa? Lúc bấy giờ, trên đời, anh có biết ai khác hơn anh chăng? Anh chỉ thương lấy anh thôi. Trước khi khổ, anh có lau chùi một giọt nước mắt nào chưa, trợ giúp một cảnh khốn khó nào chưa? Anh có để ý rằng chung quanh anh là kẻ bần cùng bữa no bữa đói, kẻ tật nguyền, kẻ thất nghiệp chăng? Mấy điều đó chắc hẳn rằng anh chưa được biết, là vì anh chưa hề than khóc, chưa hề bị hành hạ vậy. Về sau, cái khổ nó xúc động đến lòng anh mà làm cho anh lấy giọt thương tâm mà rưới trên những cảnh ngộ nguy cấp quanh mình. Anh chỉ chia buồn không thì chưa đủ, anh hãy làm điều phải cho người.”
Sự khổ bố ích cho ta nhiều. Nó khôi phục cho ta những tánh tình tốt đẹp khi xưa, nó lại còn nâng cao ta lên. Nhờ nó, ta ăn ở giản dị, nhân từ.
Mặt đất có phải là nơi vui sướng của ta chăng? Có phải là nơi có lắm cảnh để được thỏa thích chăng? Không, toàn cả trên mặt đất đều là một cái bể thẳm mà thôi. Tiếng khóc, tiếng than, tiếng sầu, tiếng tủi đều rên rĩ cả ngày. Ôi! Cõi trần là cõi khổ, người trần phải chia một phần khổ với nhau. Khổ cho đến nhìn lên bóng trăng cũng có vẻ âu sầu như chứa chan những giọt não nùng!
Nhưng ai dám chắc rằng cái khổ lại chẳng có lắm phương pháp rất hay, để khuyên nhủ tâm hồn? Mùi trần làm cho tinh thần phải tối tăm, u ám; đau khổ giải thoát cho ta, làm cho ta trông thấy thêm sáng suốt, cao rộng. Tánh tự tôn tự trọng nâng ta lên sai lẽ tự nhiên; sự đau khổ để cái ô nhục vào mà làm cho ta trở lại địa vị cũ, chính là dứt đường lầm lạc của ta vậy. Cái tánh thích vui quá độ nó xô ta vào những thảm trạng rất nguy, nào tiền tài, nào danh giá đều trôi theo cuộc vui đầy tháng, trận cười thâu đêm; sự đau khổ lại làm cho ta trong sạch như xưa, tuồng như nó lấy một cái tâm tánh mới mà thay vào cho ta. Những tội lỗi của ta đối với xã hội và gia đình làm cho ta mất cái bổn phận, cái phẩm cách con người; cái đau khổ liền đến đặng dạy cho ta biết lấy nhân đạo, bác ái mà ở đời...
Nhưng ở khắp nơi đều vang tiếng than phiền rằng sao người hiền lại vướng họa, còn kẻ dữ hay được an vui. Người hiền cũng gặp khổ, kẻ dữ cũng mang tai, chẳng phải do bởi sự dữ, hiền hiện thời. Kẻ dữ với người hiền cũng đều là người, hễ đồng làm người thì tức nhiên phải chịu khổ. Cái khổ có duyên cớ từ những đời đã qua. Chính xưa kia mình đã gieo sự tội lỗi nên nay phải trả quả khổ. Dẫu cho cái nghiệp riêng mình chẳng có, chớ cũng tránh đâu khỏi cái nghiệp chung của chúng sanh. Những nỗi sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ là những nỗi khổ chung; hiền, dữ cũng đều phải chịu.
Lại nữa, cái khổ trên đời có khác chi những viên đạn bay chỗ chiến trường, trúng ai nấy chịu. Đối với loài người, cái khổ cũng thế, nó cũng như viên đạn bắn ra, thường hại những chiến sĩ đi đầu. Những chiến sĩ đi đầu chính là những kẻ ác. Cái họa phải trừng trị chúng nó một cách gớm ghê, nặng nề mới được.
Sự đau khổ vướng cho những người hiền chẳng phải là vô ích đâu. Vì ta đã biết rằng nó khuyên dạy người. Đã sanh ra ở cõi trần, mấy ai thật hiền lành cho toàn vẹn? Đành rằng hiện thời họ hiền, song trước kia họ chưa hiền, bấy giờ họ từng có lúc làm ác, nên nay cái quả ấy đến, nó gây vạ cho họ, chạy đâu cho khỏi? Lại có khi sự làm của họ là hiền, mà tâm ý của họ thì chưa lành, chưa sạch, nên họ phải chịu chút ít sự rầu buồn, áo não để đền bù. Và cho họ có dịp mà bồi đắp tâm trí của họ, nâng cao tư tưởng của họ. Lại tưởng rằng họ cũng nên chia sớt sự khổ với chúng sanh, với đời.
Lắm bậc từ bi đại độ, ra thân gánh lấy sự thảm khổ của chúng sanh, vì lòng thương tràn trề! Lắm vị coi thân mình là thân của chúng sanh, mạng mình là mạng của chúng sanh, đời mình là đời của chúng sanh, bèn ra làm việc cho chúng sanh. Bấy giờ tai, mắt, mình mẩy của các ngài đều là của chúng sanh, các ngài dốc lòng tế độ cho chúng sanh, nhọc nhằn vì chúng sanh, cam bề khổ cực vì chúng sanh, không bao giờ để ý đến bản thân mình, sống vì mình.
Như vậy chẳng phải là cao thượng sao? Cái khổ của người mà mình vui lòng nhận lấy, bèn hóa ra cái sướng, nó trở nên thâm trầm, vi diệu lắm. Chớ cái sướng của người mà mình giành, mình giựt, hay cái khổ của mình mà đem gán cho người, thì cái sướng đó trở nên khổ, mà cái khổ đó lại tăng thêm.
Ai ơi, hãy sống vì đời, hãy giúp chúng sanh, hãy nhận lấy cái khổ của người.
Trong vũ trụ mà có nhiều bậc giữ cái cử chỉ ấy thì đích đáng biết bao! Xã hội, cảnh đời sẽ không còn là chốn “sông mê bể khổ” nữa.
Gửi ý kiến của bạn