Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Giáo Hội Tăng-Già

03/03/201115:43(Xem: 5306)
2. Giáo Hội Tăng-Già

TĂNG ĐỒ NHÀ PHẬT (HÁN VIỆT)
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải

GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ

Tăng, hay Tăng-già, do tiếng Phạn là Sangha mà ra. Đó là chỉ chung cho giáo hội, tập hợp tất cả những đệ tử của Phật đã xuất gia và thọ trì đủ giới luật. Trong Tăng-già gồm có tỳ-kheo là các vị phái nam và tỳ-kheo ni là các vị thuộc nữ giới. Tỳ-kheo và tỳ-kheo ni đều có những giới luật nghiêm ngặt. Tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng nhìn chung đều là để giúp cho người tu luôn luôn đi đúng theo con đường mà Phật Tổ xưa đã vạch ra, nhằm đạt đến chỗ diệt hết khổ não và thoát khỏi luân hồi.

Ở các nước còn giữ được quy củ giống như xưa kia, thì việc được xuất gia làm một vị tỳ-kheo là vinh dự lớn lắm. Muốn các vị trưởng lão thâu nhận, phải có đủ các điều kiện đúng đắn, thanh cao. Và khi đã làm đệ tử xuất gia của Phật thì khác hẳn với người thế tục, phải quyết chí đạt được trí tuệ giải thoát ngay ở đời hiện tại này.

Ở các nước ấy, ai không giữ được tịnh hạnh, hủy phạm đại giới thì người ta không cho ở lại chùa, hoặc ai tự biết mình không đủ nghị lực mà thắng tình dục thì có thể xả giới, trở lại đời sống của thế gian. Vì thế, trong giáo hội đều toàn là những người trong sạch. Cũng ở các nước ấy, người xuất gia chỉ gọi chung là tỳ-kheo, tỳ-kheo ni mà thôi, không có đặt ra các chức phận lớn nhỏ trong tăng đoàn. Tuy nhiên, ai có đức hạnh và trí tuệ thì được kính trọng lên hàng trên trước. Thường thì đó là những vị nhiều tuổi đạo, những bậc trưởng lão thông thuộc kinh điển, giới luật và tu thiền nhiều năm.

Giáo hội Tăng-già chỉ gồm các vị tăng ni đã thọ đủ giới mà thôi, không tính đến hàng Phật tử cư sĩ tại gia và hàng sa-di, tức là những người xuất gia chưa đủ hai mươi tuổi, hoặc tuy lớn tuổi nhưng còn trong thời gian mới xuất gia chưa được thọ đủ giới.

Ở những nơi theo Đại thừa, hàng tăng sĩ được phân ra nhiều thứ bậc, và giới luật không hoàn toàn giữ nguyên như thuở xưa mà thường có sự châm chế, thay đổi ít nhiều để phù hợp hơn với phong thổ, tập tục mỗi nơi.

Điều này xét ra cũng hợp lý. Vì những xứ sở khác nhau không thể mang ra áp dụng những điều giống hệt như nhau. Vậy tốt nhất là giữ lấy cái cốt yếu, tinh túy, tức là làm sao đạt được mục đích đặt ra cho người thọ trì giới luật. Ở Tây Tạng, giáo hội có soạn những luật riêng để cho tăng chúng trong nước tu học. Ở Nhật, người ta cũng rút lấy cái tinh túy của Phật giáo Ấn Độ mà làm thành một nền Phật giáo cho nước mình.

Mặc dù danh xưng Tăng-già là chỉ riêng cho hàng xuất gia, nhưng ở những nơi theo Đại thừa, người ta hiểu rằng đạo Phật là của chung hết thảy mọi người, nên Phật tử lại được xem là bao gồm tất cả hàng xuất gia và tại gia. Những người đến cúng dường cho một ngôi chùa đều được tăng chúng ở đó gọi là bổn đạo. Đó là theo tông chỉ Đại thừa, người ta muốn cho đạo Phật lan rộng ra khắp chốn, nên vui lòng thâu nhận tất cả mọi người làm bổn đạo, chỉ cần có đến chùa lễ Phật, thọ Tam quy y là được rồi.

Theo Phật giáo nguyên thủy, hoặc Tiểu thừa, danh xưng Tăng-già chỉ dành cho tập thể các tăng sĩ có đủ tư cách làm lễ thế độ cho thiện nam tín nữ, có thể thâu nhận người xuất gia tu tập làm sa-di, có thể truyền giới cụ túc để trở thành tỳ-kheo, có quyền nhóm hội bố-tát một tháng hai kỳ, nghỉ yên một nơi trong ba tháng mùa mưa, và hành lễ tại chùa hay cầu nguyện, tụng niệm cho hàng Phật tử tại gia khi hữu sự.

Thuở xưa có ít chùa, nhưng mỗi chùa lại có rất nhiều tăng chúng. Có chùa đến cả ngàn người, cùng nương tựa, học hỏi, dìu dắt nhau trên đường tu học, lại giúp nhau giữ tròn giới luật.

Mỗi chùa cũng giống như một giáo hội Tăng-già thu nhỏ vậy, sinh hoạt tu tập phân minh và rất có trật tự. Chư tăng thường hội họp lại mà phán xét các trường hợp phạm lỗi, và khuyên răn, khuyến khích lẫn nhau trong những ngày Tự tứ.

Ở nước ta, trải qua nhiều thời kỳ ngoại xâm rối rắm, chùa tuy còn rất nhiều mà số tăng sĩ lại ít lắm. Mỗi chùa chỉ có một vài vị tăng, không thể thực hiện việc phân xử lẫn nhau. Đó cũng là một phần lý do khiến cho việc trì giới đôi khi trở thành cẩu thả, tùy tiện. Lẽ ra, mỗi chùa đều phải có nhiều tăng sĩ tu tập mới có thể cùng nhau hội họp mà bàn luận và phán xét những việc xây dựng chung cho Tăng-già. Nhưng thực tế ngày nay đáng buồn thay! Có nhiều chùa chỉ vỏn vẹn có một vị tăng. Như vị ấy có điều chi sai sót thì lấy ai mà xây dựng, khuyên răn?

Việc tu tập rất quý sự yên tịnh, nhưng cũng cần chỗ dựa vào tập thể tăng chúng. Vì thế, một tổ chức lý tưởng của ngôi chùa là nên có nhiều tăng chúng cùng đồng lòng tu tập. Vì đều quyết lòng tu tập, nên không ai ngăn trở ai, tuy ở đông mà vẫn giữ được sự yên tịnh. Nhưng trong khi tu tập, nếu có ai gặp lúc mềm lòng thối chí, đều sẽ được tập thể nâng đỡ, khuyến khích cho mà vượt qua. Còn những ai sai phạm, dù vô tình hay cố ý, cũng đều có tập thể phán xét phân minh và chỉ cho đường ngay nẻo chính để trở về.

Ngày nay việc tu tập ở các chùa thường rơi vào một trong hai cực đoan. Hoặc là chùa rất ít tăng chúng, không đủ để lập nên một hình thức chúng tu học đúng nghĩa. Thậm chí chỉ một hai vị tăng, vài cô ni cũng lập riêng cho mình một cảnh chùa, hoặc một cái tịnh thất... Tên gọi không quan trọng, nhưng cái chính là các vị ấy không được tu tập trong một tập thể Tăng-già, mà rất dễ tự mình phóng túng làm theo ý riêng. Trong khi tu tập như vậy, tất nhiên vẫn nghĩ rằng mình đang đi đúng đường. Nhưng nếu không có sự phán xét khách quan thì biết đâu là đúng đắn? Vì vậy, có nhiều vị chỉ lấy việc tụng đọc năm ba quyển kinh, rồi lễ lạy Phật và cầu nguyện cho hàng cư sĩ tại gia, đã cho như vậy là đủ rồi! Các vị không cố học hỏi thêm, trong khi Phật pháp thì mênh mông như biển lớn.

Điểm cực đoan thứ hai mà các chùa thường rơi vào là quên mất sự yên tĩnh quí báu của chốn thiền môn. Các chùa càng đông tăng chúng thì sinh hoạt lại càng rộn rịp vô cùng. Mặc dù cũng đều là những việc được xem là Phật sự, nhưng rộn ràng quá thì chẳng thể giữ được sự yên tĩnh để mà tu tập, nên cần phải có sự quan tâm bố trí cho phù hợp. Nếu không có một sự sắp xếp sinh hoạt hợp lý, nghiêm túc, thì ngôi chùa có thể sẽ trở thành một nơi rất khó mà tĩnh tọa, tham thiền, vì là nơi đông đảo tới lui của rất đông Phật tử. Những ai thật tâm muốn tham thiền học đạo lại thường phải đi tìm nơi khác yên tĩnh để tu tập, chẳng hạn như tìm đến những chỗ sườn non vách núi, hoặc bờ biển hoang vu, để có thể dễ dàng mà tham thiền, học đạo.

Phân tích như trên là để thấy rằng, Tăng-già cũng là một tập thể cần thường xuyên xây dựng, chỉnh tu. Không thể hiểu đơn giản chỉ cần cạo tóc xuất gia là được giải thoát ngay. Tăng chúng tu tập cũng cần những điều kiện thích hợp, mà nhất là phải duy trì cho được những cốt tủy tinh hoa mà Phật Tổ đã truyền lại. Muốn như vậy thì việc nghiêm trì giới luật chính là chỗ để khởi đầu. Và muốn nghiêm trì giới luật, thì không phải chỉ tự mỗi người có thể làm được, mà cần phải có sự nâng đỡ, uốn nắn của một tập thể đồng tu. Chính vì vậy mà vai trò của Tăng-già là rất quan trọng.

Trong thời đại hiện nay, kinh sách có điều kiện in ấn dễ dàng, không như thuở xưa việc khắc bản rất khó khăn không dễ gì in kinh nhiều để phổ biến. Do vậy, ngày nay hàng Phật tử tại gia thông kinh hiểu luật cũng không phải là ít. Vì thế, chính sự thạnh suy trong Phật giáo cũng một phần do ở những cư sĩ tại gia, thiện nam tín nữ. Mặt khác, chính hàng cư sĩ tại gia là những kẻ lo lắng việc cấp dưỡng, cung phụng cho chư tăng để các vị có đủ điều kiện tu tập. Như vậy, cư sĩ tại gia nhất thiết phải đóng một vai trò tích cực trong việc tiếp sức với chư tăng mà xây dựng, hoàn thiện hệ thống Tăng-già, bảo tồn ngôi Tam bảo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567