Sau khi đã thọ giới, nếu chúng ta có thể dựa trên căn bản “chỉ ác phòng phi, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” mà làm theo, thì đó chính là chúng ta đang giữ giới vậy.
Khi thọ giới rồi thì chúng ta cần phải giữ giới. Giới chính là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”—có nghĩa là “không làm các việc ác, chỉ làm các việc lành.” Giới cũng là “chỉ ác phòng phi,” có nghĩa là “ngưng làm các việc ác, tránh phạm điều lầm lỗi.” Sau khi đã thọ giới, chúng ta phải dựa trên căn bản “chỉ ác phòng phi, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” mà làm theo, đó chính là chúng ta đang giữ giới vậy. Từ trong tư tưởng cho đến hành động, chúng ta đều nên cố gắng tận lực để ngưng làm các điều xấu ác, và đồng thời cũng đem hết sức mình để làm các việc tốt lành, giúp đỡ những người khác. Trong mỗi thời mỗi khắc, chúng ta nên tự đề phòng những tư tưởng hoặc hành vi không hợp lý, không hợp pháp của mình. Đó là ý nghĩa của giới. Người Phật tử giữ giới cần phải chú ý điểm nầy; như vậy quý vị có thể làm theo được không?
Sau khi đã quy y Tam Bảo rồi, quý vị lúc nào cũng nên giữ lòng cung kính đối với Phật, Pháp, Tăng. Bởi vì tất cả đều do tâm tạo, nếu tâm thường cung kính Tam Bảo thì lâu dần tự nhiên nó sẽ hợp nhất cùng Tam Bảo mà trở thành Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo và Giới Bảo. Quý vị đã quy y Phật thì khi gặp tượng Phật đều nên cung kính lễ bái. Kinh Phật cũng nên được để phía trên các sách vở thế tục và đặt ở nơi tôn nghiêm. Tốt nhất là những kinh Phật nên được sắp xếp ngay ngắn một cách tôn trọng, và đừng để cạnh cầu thang, nơi có đông người qua lại, mà nên để ở chỗ cao ráo, sạch sẽ. Giờ khắc nào chúng ta cũng nên tôn kính Phật, Pháp, Tăng và Giới; nhất là trong tâm không nên có ý nghĩ khinh mạn, xem thường.
Trì giới tức là làm thanh tịnh tự tánh của mình, quét sạch tất cả những đám mây đen hắc ám trong tự tánh. Không giữ giới tức là mây đen bủa giăng trùng trùng vô tận. Chúng ta càng không giữ giới thì mây đen sẽ càng nhiều thêm, giống như mây đen trên bầu trời vậy. Người không giữ giới, tức là trong tự tánh của người đó có đám mây đen ô nhiễm đang sản sanh. Nếu quý vị không giữ giới thì kẻ bị tổn thương chẳng phải là người nào khác mà chính là bản thân quý vị--tự tánh của quý vị sẽ bị tổn thương. Cho nên, chúng ta cần phải nghiêm giữ giới luật. Trì giới là Chánh pháp, không trì giới là Mạt pháp.
Khi nghe giảng Phật Pháp, chúng ta không nên tham nghe cho nhiều. Điều trọng yếu chính là ngừng dứt việc ác, ngăn ngừa tội lỗi, và có thể thực hành với sự hiểu biết. Quý vị chỉ cần “không làm các việc ác, chỉ làm các việc lành,” như vậy là đủ rồi.
Lúc Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, Tôn giả A Nan đã hỏi Phật bốn vấn đề; và một trong bốn vấn đề đó là: “Khi Phật còn tại thế thì chúng con lễ bái Phật làm Thầy, nhưng sau khi Phật nhập Niết Bàn thì chúng con nên lấy ai làm Thầy?” Bấy giờ, Phật đã trịnh trọng nói với chúng đệ tử xuất gia và tại gia rằng: “Hãy lấy giới luật làm Thầy!” Cho nên, khi chúng ta niệm quy y, đó cũng là niệm quy y Giới, tức là chúng ta cũng lấy Giới làm thầy. Quý vị muốn chân chánh học Phật Pháp thì quý vị phải lấy Giới làm thầy. Việc giữ giới không phải chỉ nói suông ngoài miệng mà cần phải thật sự có sự trì giữ từ trong tâm.
Người không phạm năm giới thì trong tâm sẽ quang minh sáng lạng. Đối với những kẻ phạm giới, chỉ cần nghe họ nói chuyện là quý vị có thể biết ngay trong người họ đang có con quỷ ngự trị, khiến cho họ không thể nói năng hùng hồn, dõng dạc, đúng lý lẽ được. Sau lưng họ lúc nào cũng như có sợi dây lôi kéo, giống như có con quỷ đang giật đuôi họ, làm cho họ cứ phải nơm nớp sợ hãi!
Bất luận là tôi đi đến đâu, dù tôi không mang theo súng ống, đạn dược, hay vũ khí gì cả, chẳng hiểu tại sao những người gian tà, có “tà khí,” hễ trông thấy tôi là đều có vẻ sợ hãi. Họ khiếp sợ đến nổi run lẩy bẩy, thậm chí không dám nói chuyện, cũng không dám nhìn vào mặt tôi. Hôm nay tôi nói cho quý vị biết lý do tại sao—đó là vì họ không giữ giới, suốt ngày cứ như ở trong đám mây đen, lẩn trốn trong chốn tối tăm hắc ám, cho nên không thể thấy được ánh sáng.
Không giữ giới là biểu hiện của Mạt Pháp. Quý vị muốn hộ trì Chánh Pháp thì phải giữ giới. Giữ giới không phải là bảo người khác giữ, mà là chính mình phải tự giữ lấy. Không giữ giới thì tự tánh của chúng ta sẽ bị tổn thương; mà hễ bị tổn thương thì tự tánh sẽ bị nhiễm ô và trở nên đen tối, giống như tấm gương bị rất nhiều bụi bặm che phủ, không còn soi rõ được nữa. Tự tánh của chúng ta ví như tấm gương trong sáng vậy. Chúng ta bổn nguyên đều có Đại Viên Kính Trí, Thành Sở Tác Trí, Diệu Quan Sát Trí và Bình Đẳng Tánh Trí. Tự tánh của chúng ta vốn quang minh vô lượng, sáng tỏ không lường, nhưng chỉ vì chúng ta không giữ giới, cho nên ánh sáng không thể hiển xuất ra được; và ngay cả trí nhớ của chúng ta cũng không được tốt, cái gì cũng không tốt cả. Tại sao người ta bị ngu si? Bởi vì họ không giữ giới. Hiện nay lại còn có những đứa bé trí não bị suy nhược, năng lực thấp kém, đó cũng là bởi kiếp trước chúng không giữ giới cho nên đời này bị ngu si như loài trâu loài ngựa, tuy có thân người nhưng không có trí óc như người, chẳng những ngu si mà còn điên đảo nữa.
Cũng như hôm nay, có người đến hỏi tôi có biết ông ta là Bồ Tát của địa thứ mấy! Thật ra, đến cả Bồ Tát nghĩa là gì ông ta còn chưa biết, vậy mà lại dám hỏi mình là Bồ Tát địa thứ mấy? Quý vị nói có đáng thương hay không? Loại người như vậy đều do không giữ giới cho nên thần kinh mới biến thành phát cuồng.
Phật là bậc đại trí tuệ, ai có đại trí tuệ thì cũng giống như Phật vậy. Nếu chúng ta không thể thành Phật được, đó là vì chúng ta không giữ giới. Đời đời, kiếp kiếp Phật đều nghiêm trì giới luật, một điều giới dù nhỏ như tơ hào Ngài cũng không vi phạm. Bởi vậy mà Ngài chứng đắc được thân Phật, có Tam Thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông. Nếu mọi người đều có thể “không làm các việc ác, chỉ làm các việc lành,” thì đó chính là giữ giới vậy!
Giảng ngày 3 tháng 9 năm 1986(Nguồn: http://www.dharmasite.net/bdh71/KhongGiuGioiLaBieuHienCuaThoiMatPhap.html)