Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luật Tạng và Pháp Nạn

19/06/201022:14(Xem: 5099)
Luật Tạng và Pháp Nạn

lotus_50LUẬT TẠNG VÀ PHÁP NẠN
An Huy

Luật tạng: 律藏, tiếng Phạn: vinaya-pitaka, bộ thứ hai trong Tam Tạng, nhưng chính thức ra đời vào lần Kết tập thứ 2. Vào thời đó do có một số tăng sĩ lạm dụng việc cúng dường, một đệ tử của A-nan tên là Da-xá phản đối tệ nạn này nhưng bị giới tăng lữ đó trục xuất khỏi tăng đoàn. Da-xá vận động 700 tỳ kheo khác tổ chức đại hội kết tập lần 2 (100 năm sau lần 1) để nhắc lại giáo luật Phật đã chế giới cho tăng sĩ: Bộ Luật tạng từ đó chính thức ra đời. Dù vậy Luật tạng vẫn là lời dạy của Đức Phật được truyền miệng đến khi Kết tập, trong đó có nêu rõ lý do Phật đề ra một luật và cách xử trí kẻ phạm giới. Truyền thuyết kể vào lần kết tập thứ 1, A-nan thuật lại Kinh tạng còn Ưu-bà-li thuật lại Luật tạng, nhưng Luật tạng chỉ truyền miệng chứ không ghi chép lại.

Luật tạng hiện nay có ba truyền bản: 1.- Tứ Phần Luật(Dharmagupta Vinaya; gồm 250 giới cho tỳ-kheo và 348 giới cho tỳ-kheo ni) áp dụng ở các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản; 2.- Bộ Vinaya Pitaka(gồm 227 giới cho tỳ-kheo và 311 giới cho tỳ-kheo ni) áp dụng ở các nước theo Tiểu Thừa như Myanmar, Thái Lan, Lào, Cam-bốt và Srilanka; 3.- Cuối cùng là bộ Mūlasarvāstivāda Vinaya(gồm 253 giới cho tỳ-kheo và 364 giới cho tỳ-kheo ni) áp dụng ở các nước vùng Hi Mã Lạp Sơn và Mông Cổ. Tuy có chút ít khác biệt tùy theo tông phái do sáp nhập hay tách ra một số giới tùy theo truyền bản, nhưng xoay quanh các điều chép trong Tứ phần luật dành cho tăng và Ngũ thiên thất tụ dành cho ni (ràng buộc nhiều hơn Tứ phần luật). Cả hai tựu trung chia làm 8 nhóm:

a.- Nhóm Ba-la-đi: giới về các trọng tội như giết người, trộm cắp và vọng ngữ; hình phạt trục xuất khỏi tăng đoàn;
b.- Nhóm Tăng-tàn: 13 tội như vu cáo, gây bất bình, tà dâm; …
c.- Nhóm bất định: giới về sự không định được ba-la-di hay tăng tàn.
d.- Nhóm xả đọa: gồm 30 giới quy định về chuẩn mực các đồ dùng của tăng-ni không được quá mức cần dùng và sang trọng;
e.- Nhóm giới đọa: gồm 90 giới cho tỳ-kheo và 178 giới cho tỳ-kheo-ni, qui định các sinh hoạt ăn nói, quan hệ trong tăng đoàn và cư xử với các bạch y.
f.- Nhóm hối quá: qui định về việc ăn uống và khất thực không được quá lạm và đòi hỏi ăn ngon;
g.- Nhóm chúng học: gồm các điều tăng ni phải trau giồi khi tu hành;
h.- Nhóm diệt tránh: các tội do tranh cãi trong tăng giới và cách loại trừ điều này.

Không như những tôn giáo khác: giáo luật do Đấng Tối Cao ở trên trời đề ra và tín đồ theo đó mà thực hành. Các giáo luật trong Luật tạng do một nhân duyên (hay duyên khởi) trong đời sống tăng đoàn đời Đức Phật còn tại thế sinh ra, theo đó Đức Phật đề ra giáo luật để tu chỉnh. Trước khi ấn định Luật lệ, Đức Phật luôn quở trách kẻ phạm tội bằng một câu rất thường thấy trong Tứ Phần Luận: “Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại …[Tội phạm phải]” và nói giới. Hơn nữa, một số luật do Phật chế giới rồi sau sửa lại cho phù hợp cơ duyên hơn; những trường hợp này kinh thường ghi bắt đầu bằng câu: “Từ nay về sau, cho phép…” Do vậy, Luật tạng phân tích rất chi li và khoa học các tình trạng phạm tội cũng như các phạm trù dùng trong định tội, đề ra các hình thức thọ phạt tương xứng, trong đó trục xuất khỏi tăng đoàn là hình phạt nặng nhất. Ví dụ: Phật định nghĩa trộm cắp là tự tay di chuyển đồ vật ra khỏi vị trí của nó với tâm cảnh: “lấy vật với ý tưởng không phải của mình, lấy vật với ý chẳng phải tạm dùng, lấy vật không được đồng tâm ý”; cả trong trường hợp không tự tay lấy nhưng “giám sát sự lấy, khiến người lấy” cũng phạm luật ba-la-đi và “không đóng thuế, lấy vật ký thác của người” cũng là trộm cắp. Trong khi định tội trộm cắp có những phạm trù rất bình thường như từ “vị trí” cũng được Phật qui định rõ: vị trí trong lòng đất, vị trí trên đất, vị trí trên xe cộ, vị trí trong gánh, vị trí trong hư không, vị trí trên cây, vị trí thôn xóm, vị trí a-lan-nhã, vị trí ruộng, vị trí xứ sở, vị trí ghe thuyền, vị trí nước.[Tứ phần luật] Và điều Đức Phật luôn lưu ý ‘tâm có phạm tội hay không, chứ không căn cứ vào hành động phạm tội’. Chẳng hạn với tội “bất tịnh” (hành vi tính dục), Phật thường hỏi: “Ngươi có thọ lạc hay không?” (có cảm giác vui sướng chăng?), nếu có là phạm còn không tức không phạm.

Tuy nghiêm khắc nhưng Luật tạng không phải thiếu dung nạp, các phần “Phạm tướng” trong kinh đều có qui định: “Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não bức bách.” hay “Không biết thì không phạm.” Và với lỗi có thể dung thứ thì cho làm phép xả đọa. Phép xả đọa như sau: Người phạm tội trệch vai phải, cỡi bỏ dép, quì gối phải, hướng về vị thượng tọa nói: “Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã …[Phạm tội gì đó], nay xả cho Tăng.” Rồi nói lời sám hối xin tác bạch. Vị thượng tọa chấp nhận lời sám hối sẽ nói “Hãy tự trách tâm ngươi!” Người phạm tội thưa: “Xin vâng!”. Tội đã xóa bỏ (lấy tâm làm chủ đạo).

Điều đặc biệt: khái niệm “đọa địa ngục” không thấy trong Luật tạng, các phạt vạ đều là hình thái dân gian mà nặng nhất là trục xuất khỏi tăng đoàn, trừ trường hợp Đề-bà-đạt-đa phải “thọ tội trong nê-lê(tức địa ngục) một kiếp không thể cứu chữa được”.[Phẩm Phá Tăng]. Lúc sắp nhập diệt Phật có dặn dò A-nan bỏ đi những giới nhỏ, nhưng A-nan quên hỏi đó là những giới gì. Đến lần Kết tập thứ 1, các A-la-hán không phân định được giới nào là giới nhỏ nên Đại Ca-diếp bảo các tỳ kheo: “Các Trưởng lão! Nay, trong chúng mỗi vị nói một cách, không biết giới nào là giới nhỏ tiểu tiết. Từ nay về sau, nên cùng nhau lập ước chế: ‘Nếu trước đây, những gì đức Phật không chế cấm thì nay không nên chế cấm. Trước đây những gì đức Phật chế cấm thì nay không nên hủy bỏ. Nên tùy thuận học tập những gì mà đức Phật đã quy định.” Đại chúng đều lập chế hạn như vậy. [Tứ Phần Luật - Ngũ Bách Kết Tập]

Cho nên, dù hiện nay một số giới luật không còn phù hợp nhưng vẫn được tuân giữ; việc bỏ bớt hay chế thêm giới luật mới là không như pháp. Khả dĩ lớn nhất có thể được là Phật giáo thế giới cùng nhau mở Đại Hội Kết Tập mới để xem xét sửa đổi giới luật. Một cá nhân nào dù là tăng thống toàn thế giới cũng không được làm điều này, huống gì là Hoằng Tán.

Thế nhưng, một số tăng sĩ kêu gọi chưa là tỳ-kheo cấm không được đọc Luật tạng (đại diện là Hoằng Tán 1611-1685). Lý luận của nhóm này viết trong lởi Phàm Lệ cuốn Tứ Phần Giới Bổn Như Thích do Hoằng Tán chấp bút: “Ba đời chư Phật đều nói ba tạng Thánh giáo Kinh-Luật-Luận. Hai tạng Kinh-Luận chung cả tại gia, xuất gia, riêng tạng Luật chỉ dành cho Tỷ kheo gìn giữ, như tạng bí mật của vua, hàng ngoại quan không được biết đến. Nếu Sa di, bạch y mà xem trước, thì vĩnh viễn không được thọ đại giới, mắc tội ngang với tội ngũ nghịch. Phàm là người làm thầy phải hết sức cẩn thận” (Tam thế chư Phật câu thuyết Kinh-Luật-Luận tam tạng Thánh giáo. Kinh luận nhị tạng hàm thông tại gia, xuất gia, duy Luật nhất tạng Tỷ kheo độc trì, như vương bí tạng phi ngoại quan sở tư. Nhược Sa di, bạch y tiên lâm giả, vĩnh bất thọ đại giới, tội dữ ngũ nghịch đồng liệt. Vị sư giả tối nghi cẩn thận). Đây là lời ngoa truyền của luật sư này dựa trên một đoạn về “tội nghe trộm” trong Tứ Phần Luật, và đi xa đến mức dọa nạt quy kết tội ngang với “ngũ nghịch!?”. Thực ra trước đó luật sư Châu Hoằng (1532-1612) chỉ có truyền đạt lại tội danh trong cuốn Luật Sa-di: "Bất đắc đạo thính Đại Sa môn thuyết giới" (không được nghe trộm sa môn giảng giới luật) trong lễ Bố tát (truyền giới hay Yết-ma cử tội) chứ không cấm đọc Luật tạng. Nhân duyên cấm này có ghi rõ trong Tứ Phần Luật và Ngũ Phần Luật, nội dung đại khái như sau: Lúc Phật còn tại thế, một hôm chư Tăng bố tát, có một người bạch y tham dự. Khi đó, một Tỷ kheo phạm tội, người bạch y này bèn hạch tội Tỷ kheo. Các Tỷ kheo thấy thế liền bạch với Phật, Phật dạy: "Từ nay trở đi không nên cho bạch y và Sa di tham dự bố tát" (Do đó là việc nội bộ thuộc tăng đoàn xử lý, chỉ có vậy). Nhưng Phật không hề quy tội Ngũ nghịch, mà chỉ dạy khi làm lễ thầy yết-ma phải cất lời nói: “Người chưa thọ giới Cụ túc đã ra chưa?” Khi chúng tăng xác nhận không còn ai như thế mới hành lễ.

Sau khi ngoa truyền đầy tính răn đe, Hoằng Tán biện bạch: 1.- Nếu Sa di xem trước giới luật Tỷ kheo rồi thấy giới pháp quá nhiều, khó khăn, sẽ sanh tâm thối thất, không dám thọ giới Cụ túc; 2.- Nếu Sa di biết giới luật Tỷ kheo, khi họ thấy các Tỷ kheo thọ giới rồi mà không giữ gìn nghiêm túc, hủy phạm cấm giới, họ sẽ sanh tâm kiêu mạn, khinh rẻ các Tỷ kheo, do đó sẽ tổn phước, mất lợi ích; 3.- Khi đã biết trước giới pháp thì lúc thọ giới thấy giới không còn thiêng liêng, tâm chí thành sẽ sút giảm nên khó đắc giới thể.

Gần đây, thượng tọa Thích Phước San phê phán biện bạch này như sau: Quả thật lối lập luận trên có nhiều chỗ đi xa tinh thần giới pháp và giới luật. Ai cũng biết ngài Qui Sơn (771-833) định nghĩa người xuất gia: "Phàm là người xuất gia là mong cất bước đến chân trời cao rộng, hình dáng và tâm hồn khác với thế tục. Vì mục đích làm rạng rỡ dòng thánh, trấn áp quân ma, báo đáp bốn ân và cứu vớt ba cõi". Và các bậc cổ đức cũng đã nói: "Thế thượng phi trượng phu đại giải thoát hán, hà năng kham thủ?" (Trên đời này, nếu chẳng phải là bậc trượng phu đại giải thoát, thì làm sao đảm đương nổi "sứ mệnh xuất trần"?). Và trìch một đoạn khác trong Luật Sa di chứng minh Luật sư Châu Hoàng khuyến khích: "Tuy Tỷ kheo sự, Sa di đương dự tri chi" (Tuy là việc của Tỷ kheo, nhưng Sa di cũng nên tham dự để biết). Rồi đi đến kết luận: Còn vấn đề này nữa, tạng Luật phải chăng là bí tạng dành riêng cho các thầy Tỷ kheo, các chúng khác không có quyền biết đến? Khẳng định như vậy thật là vô căn cứ, không có cơ sở và trái hẳn thực tế. Vì trong các giới điều dành cho Phật tử cũng như Sa di, không có một giới nào ngăn cấm họ tìm hiểu giới bổn của Tỷ kheo hết. [Trích "Phật Học Cơ Bản - Tập 3", Nguyệt san Giác Ngộ, 2000]

Thật sự chưa hề thấy kinh điển nào nói những điều Phật dạy chỉ cho tăng sĩ và không cho chúng sinh biết (đây là tinh thần “như như bình đẳng” của Đức Phật), kể cả Luật tạng. Đời Đường, thánh tăng Huyền Trang thỉnh được bộ Tam Tạng cũng dịch và in đủ để giáo pháp, không hề ghi lời cấm cư sĩ, sa-di đọc Luật tạng. Thêm nữa, khi chế giới Đức Phật luôn do lời cơ hiềm (phiền trách) của giới bạch y, câu quen thuộc trong Luật tạng như sau: “Các tỳ-kheo (hay tỳ-kheo-ni) này không biết tàm quý. Bên ngoài tự xưng tôi tu chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tại sao … [Lỗi gì đó]” hay "Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có nhàm chán, biết đủ, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy , ... [Lỗi gì đó]". Như thế Phật cũng chẳng hề cấm các cư sĩ phê phán tăng giới. Nhưng từ Hoằng Tán ngoài việc cấm không cho ngoài giới Tỳ-kheo biết Luật tạng còn răn đe phê phán tăng-ni là hủy báng tăng, dù bất cứ trường hợp nào cũng bị đọa Địa ngục.

Lề thói này chỉ có từ thế kỷ 17 và kể từ đó Phật giáo Trung Hoa suy đồi do tăng ni không còn gì e sợ cả và gần như được “bất khả xâm phạm” nếu được tăng chúng trong chùa đồng tình (trào lưu này ảnh hưởng qua 3 nước Hàn Quốc; Nhật Bản và Việt Nam. Các nước Phật giáo khác không cấm). Tình hình gần như quay ngược về trạng thái giai cấp tăng lữ kiểu Bà-la-môn giáo, và Hoằng Tán công khai sánh tăng-ni như vua mà cư sĩ là “hàng ngoại quan không được biết đến”. Đây là một trong những thứ khi còn tại thế Phật luôn luôn trách bỏ. Hệ quả gây ra mấy lần Pháp nạn(dĩ nhiên còn kèm theo nhiều yếu tố chính trị xã hội khác): thời nhà Thanh do một số võ tăng nổi lên chống quân Thanh và cận đại là phong trào Tân Thanh Niên của Trần Độc Tú (tham gia việc cai trị là điều Phật cấm trong Luật tạng, do bạch y không biết luật để kiềm tỏa nên mới có họa này). Mãi sau này Phật giáo Trung Hoa mới chấn chỉnh lại (nhờ công của cư sĩ Dương Nhân Sơn).

Đáng tiếc nhiều nơi ở Việt Nam vẫn rao truyền “luật cấm” của Hoằng Tán kèm theo là lời răn đe khi ai nói đến, thậm chí còn dọa nói đến sẽ bị đọa xuống ngục A-tỳ [nhận xét vào thời điểm 2009]. Nếu tăng-ni phạm giới luật cũng không được phép nói tới, trái lời sẽ bị “đọa xuống địa ngục”. Màu sắc huyền bí hoang tưởng này là mầm mống gây sự tha hóa trong tăng giới, đạo pháp bị thế nhân bị xa lánh và dèm biếm.Thêm nữa, nhiều tăng ni luôn tự coi mình cao trọng hơn người ngoài giới, dần sa đà trong danh sắc. Với tâm cảnh đó khó lòng họ giảng đạo cho chúng sinh đúng như chánh pháp, vì xưa kia Phật giảng pháp cho Bát bộ chúng luôn với tâm như như bình đẳng. Có tâm như như bình đẳng mới phát sinh lòng từ mẫn và nhờ đó hàng phục được yêu ma; còn tâm kiêu mạn sẽ dần làm mình đắm trong lợi dục và khởi sinh sự chống phá đạo pháp của ngoại đạo.

Cụ thể là cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 xu hướng này khiến nhiều danh nho chê trách Phật giáo. Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu trong Dương Từ Hà Mậu đã phê phán việc mê hoặc nhân tâm của các tăng ni xấu, cụ viết:

Đua nhau kỉnh chuộng đạo tà,
Một câu "quả báo", muôn nhà đều tin.
Nói rằng: Trời, Phật, sách in,
Tội về địa ngục, phước lên thiên-đàng.
(câu 3-6)

Và tỏ thái độ khinh miệt tăng sĩ:

Hòa thượng cũng người học nhu (nho),
Tên là Trần kỷ, ở Phù đồ sa.
Lắm phen ứng cử, đăng khoa,
Thi văn chẳng đỗ, lòn ra cửa thiền.
(câu 185-188)

Nghe qua tuy có phần cực đoan, nhưng phải đâu cụ là người thiếu đạo đức! Cụ từng ngụ tại chùa Tôn Thạnh, Cần Giuộc, khi viết bài Văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, lý đâu chê bai Phật pháp. Có chăng cụ cười chê kẻ giả danh tu hành.

Mãi đến giữa thế kỷ 20 nhiều phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam ra đời mới khôi phục phần nào uy tín đạo pháp. Trong Việt Nam Phật giáo Sử luận, giáo sư Nguyễn Lang cũng thừa nhận tình trạng suy thoái Phật giáo Việt Nam dù rằng nguyên nhân đưa ra có khác (thiên về quan điểm chính trị): “Vào khoảng 1920, tuy tình trạng Phật giáo ở đất Việt không có gì sáng sủa, nhưng rải rác trong xứ vẫn còn những vị cao tăng duy trì mệnh mạch của Phật pháp.”

Và cả như pháp nạn ở Trung Hoa từng xảy ra, nhưng có lẽ ở mức độ thấp hơn, giáo sư trích dẫn: “Theo Hành Sơn, tác giả Cụ Trần Cao Vân thì hồi đó ‘trong hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, khám đường nào cũng có mặt các thầy chùa’. Cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ được gọi là ‘Giặc Thầy Chùa’ cũng vì lẽ ấy.” [Chương 26 sđd. Chú thích thêm: Sách Hành Sơn của cụ Trần Cao Vân xuất bản năm 1952, NXB Minh Tân, Paris].

Thà rằng tạm gác áo cà-sa như vua Trần Thái Tông để kháng chiến chống Nguyên-Mông hay làm lễ để tóc xuất giới của một số tăng sĩ đi kháng chiến chống Pháp (sau khi phục hưng đạo pháp), còn hơn núp trong chùa, khoác áo sư sãi gây ra pháp nạn phá tăng mà Phật thường răn bảo “chớ nên làm”.

Lịch sử và Phật sử Việt Nam từng ghi chép lại hành động sáng đạo của một số tăng sĩ yêu nước: thiền sư Mật Thể, thiền sư Thiện Chiếu, … và nhiều tăng sĩ vô danh khác tạm xuất giới đi cứu nước. Nhưng trước đó là sai lầm lập Hội Tăng Già Cứu Quốc do thiền sư Mật Thể chủ xướng. Thiền sư Mật Thể là người có tâm đạo to lớn và lòng yêu nước vô biên nhưng vì một quan niệm sai lệch, có nguồn gốc từ Hoằng Tán, không phân biệt đạo-đời nên phong trào chẳng những không thành công mà còn làm nhuộm máu tăng đồ dưới họng súng quân Pháp; đạo hạnh vì thế cũng bị đọa trì.

Giáo sư Nguyễn Lang cũng viết về Thiền sư Mật Thể vài dòng dưới đây: “Việc ra ứng cử quốc hội của Mật Thể phản chiếu lòng yêu nước và sự ủng hộ cách mạng của giới Phật tử trẻ tuổi. Tuy nhiên, hành động ấy cũng được nhận xét như không được chín chắn bởi một vài vị tôn túc trong Sơn Môn và một vài giới cư sĩ.” Nhưng sau đó thiền sư Mật Thể đã ngộ ra, “Trước khi về chiến khu, Thích Mật Thể đã gặp một số anh em Phật tử đồng chí tại chùa Thể Chí ở Đại Lộc. Họ ăn một bữa cơm chay cuối cùng với nhau tại chùa này và bàn tính về việc tương lai. Họ đàm luận về chuyện chống Pháp, chuyện tương lai Phật giáo và cố nhiên về những động chạm với khó khăn mà người Phật tử gặp phải trong hàng ngũ kháng chiến.” [Chương 26; sđd]

Trong lịch sử Việt Nam cũng có những cao tăng nhiều lần giúp dân giúp nước như Khuông Việt, Vạn Hạnh, .. Nhưng các vị này chỉ vai trò cố vấnvới tư cách cá nhânchứ không lôi kéo cả tăng giới vào cuộc. Các vị ấy giúp vua với tâm vì khổ ải chúng sinh chứ không vì danh lợi và khi xong việc lại quay về chốn thiền môn chứ không làm quan cai trị.Đức Phật cũng từng khuyên A-xà-thế đừng xâm lấn lân bang (nước Bạt-kỳ), lời khuyên này chỉ là lấy đạo răn đời chứ không tham chính.

Do vậy, trong chừng mực nào đó, luật cấm của Hoằng Tán và cả những lập luận cổ súy là sự hủy báng Tam bảo. “E rằng điều cấm này là hủy báng Tam bảo và gây họa về sau cho tăng đoàn, vì đã là luật sư mà còn dám bóp méo chế giới của Phật, ma mị nhân tâm, làm mờ Phật pháp. Đây mới là tội sánh ngang Ngũ nghịch. Chiếu theo Luật Tạng ‘Tỳ-kheo nào, che giấu thô tội của tỳ-kheo khác, ba-dật-đề’. Vậy nên, tỳ kheo nào tán thành luật cấm trên phạm tội Ba-dật-đề, vì chấp thuận trước cho tỳ kheo khác phạm tội”. Đây là ý kiến một tăng sĩ khi trà đàm trao đổi về vấn đề này.

Mùa thu Kỷ Sữu – 2009
An Huy 08

MÀI TÂM TÌM CHÂN SƯ
An Huy

Mài Tâm Tìm Chân Sư,An Huy
Đêm dần buông, mọi việc trong ngày đã xong, thấy tâm hồn mình thư thả. Pha ấm trà mộc ngồi trên mái bằng, xa khuất cảnh ồn ào nơi độ hội. Xung quanh vài chậu kiểng xanh mát, mát cả tâm hồn. Lòng chợt nổi lên chút hứng khởi muốn cùng ai trò chuyện, nhưng giờ này biết nói chuyện cùng ai. Thôi đành mạn đàm với chính mình bằng chiếc máy vi tính vậy.

Dòng trầm tư lần về tìm đọc cuốn “The Book of Tea” của Okakura Kakuzo đang để trên kệ sách trong buồng. Sách có đoạn viết: “The Sung allegory of the Three Vinegar Tasters explains admirably the trend of the three doctrines. Sakyamuni, Confucius, and Laotse once stood before a jar of vinegar - the emblem of life - and each dipped in his finger to taste the brew. The matter-of-fact Confucius found it sour, the Buddha called it bitter, and Laotse pronounced it sweet.” (Tạm dịch: Câu chuyện ngụ ngôn đời Tống về ba người nếm giấm giải thích tuyệt diệu xu hướng của ba học thuyết. Thích-ca Mâu-ni, Khổng Tử và Lão Tử cùng đứng trước một hũ giấm - biểu tượng của cuộc đời - và từng người nhúng ngón tay vào đó để nếm. Thực tế thấy Khổng Tử thấy chua, Phật bảo là đắng, và Lão Tử thốt lên ngọt) [Chapter III. Taoism and Zennism; tác phẩm này nguyên tác viết bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Nhật]. Thì ra thế, muốn nói đến chân sư phải nói chân sư của tín ngưỡng nào. Khổng gia nhìn cuộc đời bằng con mắt hữu vi hiện thực nên cảm nhận chua nói chua, và tìm cách chấn chỉnh cho vị chua đó vào trật tự xã hội; Phật gia cho cuộc đời là bễ khổ như vị đắng của thuốc nên tốt hơn hết nên tịch diệt mọi vướng bận phiền trược của cuộc đời; Lão gia cho rằng đời vốn thế việc gì phải chấp nhặt nó, cứ nương theo nó mà sống thì thấy nó ngọt lịm.

Hình như ngụ ngôn này chỉ mới nói được ý vị đạo, chưa nói giáo pháp của của ba tôn giáo này. Tôi xin bổ dung vào một ẩn dụ của riêng mình: Cuộc đời như dòng nước chảy xiết, có ba người cùng ngập lặn giữa dòng nước đó. Người theo Khổng gia chống trả lại dòng nước đó cố bắt nó tùng phục theo ý sống của nhân sinh. Người theo Lão Trang thả mình trôi theo dòng nước và nương theo nó để tận hưởng sự mát lạnh. Người theo Phật gia đem tâm quyết từ bỏ những nguy hiểm của dòng nước, muốn đi trên bề mặt của dòng nước chứ không để nó thấm ướt gót chân mình.

Cho dù lý giải thế nào, câu chuyện tản mạn cũng phải quay về chủ đề mài tâm tìm chân sư. Rõ là chân sư phải được hiểu theo ý nghĩa của chính tôn giáo vị chân sư đó theo. Không thể lấy ý vị hay phương châm hành đạo của Khổng gia mà xem xét một đạo sĩ Lão Trang có là chân tu hay không; tương tự, không thể lấy nhãn quan Khổng giáo hay Lão giáo mà đánh giá đạo hạnh của một bậc đạo sư bên Phật giáo được. Xem xét các bộ kinh nguyên thủy có trước Công Nguyên như 4 bộ A-hàm của Phật giáo Bắc truyền (Đại thừa), 5 Bộ Tạng kinh của Phật giáo Nam truyền (Tiểu thừa) thấy ít nhất có tính chất sau:

- Dục giới: tức lòng ham muốn vật chất. Vị nào thích ăn ngon, mặc đẹp (như áo cà-sa phải vải tốt), thích ở nơi có tiện nghi sung túc, đều không phải chân tu. Xưa Phật thường ca ngợi những tỳ-kheo thiểu dục và chế giới của ngài luôn quy định vật dụng, y bát đều làm bằng vật liệu thô thường (không được làm bằng vật liệu quý hiếm), chế giới phải làm màu vải xấu đi (hoại sắc y), chế giới việc ăn uống không cầu mỹ vị và yêu sách cúng dường, … Ngài khuyên thiểu dục (đáp ứng nhu cầu cơ bản để bảo đảm cuộc sống, Đề-bà-đạt-đa vọng ngôn chế ra 5 điều tu ép xác và ngoa là Phật dạy)

- Sắc giới: tức lòng ham muốn danh tiếng địa vị. Vị nào háo danh hiếu thắng đều không phải là chân tu. Chẳng hạn kinh điển chưa hiểu bao nhiêu vội đi thuyết giảng (như rắc cát vào mắt chúng sinh làm chúng sinh mù lòa không thấy chánh pháp) là háo danh, cứ tưởng mình mặc được mặc chiếc áo vàng là cao trọng hơn người khác, gặp ai cũng cho là tội lỗi còn mình thì thanh khiết. Đua đòi làm chùa chiềng to rộng một cách quá nhu cầu, tổn hại sức bá tánh, nhằm tự hào mình “hoằng dương đạo pháp” cũng là háo danh ham địa vị. Trong Luật tạng Phật nhiều lần chê trách việc này.

- Vô sắc giới: là lòng tham cầu hư danh, hay còn gọi là vọng tưởng. Không phải đến thời nay mới có, từ thời Đức Phật đã có nhiều tỳ-kheo tuyên xưng mình đắc pháp dù chưa đắc pháp và Phật đã chế giới cử tội. Những người này không là chân tu. Dùng Niết bàn hay địa ngục để làm hoang mang chúng sinh cũng lọt vào vô sắc giới, mượn Phật để mê hoặc chúng sinh vào con đường mê tín cũng là vô sắc giới, … Luật tạng có ghi lại nhiều chuyện giống như vậy đã bị Phật chê trách.

- Không ưa thanh tịnh: tức thích đua đòi nơi ồn ào náo nhiệt. Khi xưa Phật thường khen ngợi những tỳ-kjeo biết tìm nơi vắng lặng (kinh sách gọi là A-lan-nh ã) để thiền quán suy tư những giáo pháp của ngài. Người thích lễ lạc huyên náo, ưa quy tụ đông người để gọi là “hoằng dương Phật pháp” mà chẳng lo tu tập suy nghiệm đều chẳng thể là châu tu. Ý của tôi ở đây muốn nói “ưa” có nghĩa là luôn tìm cách và chủ tâm đầy bản ngã vận động làm việc ấy, chứ hoằng dương đạo pháp một cách chừng mực và thực sự hữu ích là điều rất hoan nghinh. Hình như chùa chiền bây giờ khó tìm được sự thanh tịnh vô vi.

Dĩ nhiên có người sẽ phản bác: trong tám nạn (Bát nạn 八難) trên đường tu tập có nạn: Sống nơi biên địa (nơi xa xôi không gần thầy gần bạn tu học). Nên hiểu các bậc chân tu tìm nơi thanh vắngkhông phải là nơi hẻo lánh không người. Nơi thanh vắng đó có thể một tịnh xá thanh u ngay giữa thành phố lớn. Nơi đây không có những hoạt động phàm tục xô bồ và ầm ỉ. Truy xa hơn thì điều này nói trong kinh Bát nạn của Tăng Nhất A-hàm: “Lại nữa, khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, nhưng chúng sanh này sanh ở biên địa, phỉ báng Hiền Thánh, tạo các tà nghiệp. Đó gọi là nạn thứ năm” như vậy càng không có nghĩa nơi xa xôi hẻo lánh không có chân tu; biên địa đó nên hiểu là không được gần Phật hay người chân tu.

- Tâm không tập tự tại: tức tâm hay lệ thuộc và cầu xin. Khi xưa việc khất thực Phật răn dạy điều này rất nhiều. Ngày nay nhiều chùa chiềng ưa thích dạy Phật tử cầu giàu cầu sang như kiểu Phật là một thần linh ưa ban phúc hay giáng họa. Đây là điều hủy bang trí huệ bát-nhã ghê tỡm nhất. Những tăng ni thích những huyễn hoặc như vậy không thể là chân tu vì điều Phật răn không nên làm. Việc thị hiện thần thông xưa kia là điều Phật dạy không nên trừ khi cần giáo hóa một căn cơ nào đó. Nay biến Phật thành đấng luôn phải thị hiện thần thông rõ là điều sai trái.

Và nhiều điều khác nữa dung để nhận biết.

Rõ là một vị chân tu Phật giáo thật khó tìm. Khổ nỗi chân sư không thể là người không phải là chân tu. Những bậc chân tu không chuộng 5 điều nói trên ắt khó hiển hiện cho chúng ta thấy vì sự xao động trong cuộc sống này luôn cuốn hút chúng ta vào những nơi các bậc chân tu không ưa lui tới. Cho nên, một người muốn tầm chân sư trước tiên phải mài tâm xa lánh dục vọng cõi đời, tìm đến những nơi có các ngài mới hy vọng gặp được. Ý nghĩa sự mài tâm đó là một sự thiết tha tột cùng, tâm hướng về Phật đạo không đổi mới có thể làm được. Nói ngược lại những vị tìm đến chúng ta nơi phồn hoa đô hội thì khó là một chân tu, trừ khi duyên phước từ kiếp nào mới có một vị chân sư chịu đi vào cảnh ngài không thích để cho chúng ta hội ngộ.

Nhưng nhìn chung một vị chân sư đều toát lên một vẽ rất khác thường nhân. Nhưng vẻ đó không phải ai cũng có thể nhận ra. Phải có tâm hướng về đạo pháp của vị chân tu đó mới nhận ra vị ấy là chân tu. Nói theo lối dung tục chỉ hai tâm hồn đồng cảm với nhau mới tìm đến nhau và yêu thương nhau, sau đó thành đôi lứa. Trong chừng mực nào việc nhận ra một vị chân cũng tu cũng vậy. Chúng ta có công mài tâm trên lãnh vực đạo học sẽ có lúc đạt đến khả năng nhận biết chân sư, cao hơn chỉ cần đọc một bài viết có thể nhận ra vị đó có là chân tu hay không chứ chẳng cần gặp mặt.

Có hai ví dụ thuyết giải điều này:

1.- Sau khi thành đạo, Đức Phật đến Lộc uyển để thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như trước kia cùng tu với Phật nhưng trách Phật bỏ giới tu nhịn mà đi. Lúc ấy 5 người này khi thấy Phật đến mới bảo nhau không chào hỏi, nhưng khi Phật đến gần thấy thần thái đắc đạo của Ngài liền thi lễ. Tại sao vậy? Vì Phật và 5 anh em này đã có thời gian cùng nhau đi một hướng tu đạo tuy có một số chỗ khác biệt. Nhờ sự cảm thông đó mà 5 anh em Kiều Trần Như mới nhận ra sự giác ngộ hiện trên thân Phật;

2.- Ngược lại Uất-tì-la ca-diếp là bậc đạo cao tu hạnh Bà-la-môn phái bện tóc có đến 500 đồ đệ. Phật muốn giúp ông ta giác ngộ để thoát khỏi luân hồi nên nhiều lần thị hiện thần thông để nhiếp phục. Lần nào Uất-tì-la ca-diếp cũng nghĩ “Sa-môn Cù-đàm có đại oai đức, thần túc tự tại, nên mới có thể [làm việc gì đó]. Sa-môn Cù-đàm này, tuy đạt thần túc tự tại, nhưng ông không bằng ta, người đã chứng đắc A-la-hán.”. Rất nhiều lần như vậy mới nhiếp phục được, lúc đó Uất-tì-la ca-diếp liền đến chỗ đệ tử, nói: “Các ngươi biết chăng? Nay thầy muốn theo Sa-môn Cù-đàm để tu phạm hạnh. Nếu tâm các ngươi muốn thì tùy ý các ngươi.” Vì sao có thần lực như thế mà không nhận ra Như Lai? Vì tâm ngạo mạn che lấp và hướng tu dị biệt.

Do vậy một người chí tâm theo Phật khó nhận ra một đạo sĩ chân tu, và người thấm nhuần Khổng Mạnh khó nhận ra một cao tăng. Trừ phi những người này đổi hướng tín ngưỡng của mình. Những việc này tôi gọi là mài tâm.

Nếu duyên đạo chúng ta bạc mỏng cả đời không tìm được chân sư thì thầy của chúng ta chính là kinh sách và nhờ kinh sách dẫn ta đến ông thầy như Krishnamurti nói dưới đây. Krishnamurti có câu chuyện sau:

"Ngày kia có một người tìm thầy học Đạo.

"Gặp một ông dạy đạo, ông này đưa gã ta xuống một hầm sâu và dặn : Ngươi cứ siêng sắng ngồi tịnh nơi đây, đúng năm sau sẽ thấy mặt Thầy.

"Năm sau, ông kia vào hỏi gã ta đã gặp mặt Thầy chưa.

"- Thưa, đã gặp rồi.

"- Vậy ngươi ngồi tịnh thêm một năm nữa rồi sẽ nghe Thầy nói.

"Quả đúng năm sau, Thầy đến nói chuyện với gã thật.

"Ông kia lại đến dặn gã : Ngươi cần tịnh thêm một năm nữa để nghe Thầy dạy đạo.

"Trong năm ấy, gã ta được Thầy hiện đến truyền cho giáo lý.

"Rồi cuối năm thứ ba, ông kia lại đến nói với gã : Ngươi đã sống chung với Thầy, được nghe Thầy dạy đạo. Bây giờ ngươi còn phải ngồi tịnh cho đến khi nào mất luôn Thầy, lúc ấy ngươi sẽ chứng được chân lý.

Trúc Thiên bình: Chân lý ấy là sự thật của nội tâm, không ai dạy ai được, nên không ai là thầy của ai cả, mà tự mình phải là thầy của chính mình. [trích HIỆN TƯỢNG KRISHNAMURTI - Tác giả: Trúc Thiên - NXB An Tiêm - 1969]. Trúc Thiên là người đầu tiên dịch bộ Thiền Luận của Daisetz Teitaro Suzuki , đang làm dỡ dang thì mất nên Thích Tuệ Sĩ tiếp nối công việc. Khi tác giả viết dòng tường thuật đó hẳn tác giả viết theo dòng suy tư thiền học. Và Krishnamurti, một người Ấn, theo thiền học từ nhỏ từng học đạo với nhiều đạo sư, sau khi ngộ ra mới tầm học bậc Vô Sư (tức là thầy trong nơi tâm mình).

Khi Hội Thông Thiên Học muốn tôn Krishnamurti lên ngôi vị Chưởng giáo toàn thế giới, ông thẳng thắn từ chối với giáo pháp vô ngã: “Tôi chỉ chú ý đến điều cốt yếu là giải phóng con người, giải phóng khỏi tất cả chậu lồng, tất cả lo sợ, chứ quyết không phải là lập giáo, mở phái, hoặc đưa ra một luận thuyết triết học mới.Hẳn các ông lại hỏi nếu thế thì tôi đi du thuyết làm gì, tôi xin đáp: Không phải để rủ người theo tôi, càng không phải để kết nạp một số môn đồ chọn lọc thành một nhóm kỳ đặc. Vẫn hay đời ai cũng muốn khác hơn thường tình, dầu chỉ khác một cách quá lố và tồi, và phi lý ; sự phi lý ấy, tôi không khích lệ. Tôi không có sứ đồ.” Và nói thêm: “Các ông mải tin rằng có đôi người nào đó độc quyền nắm chìa khóa cửa Cực Lạc. Không ai nắm được đâu, mà cũng chẳng ai có được cái quyền ấy. Chìa khóa ấy ở ngay trong người các ông. Các ông cứ khai thông, cứ gạn lọc, cứ nhất quyết liêm chánh một lòng là sẽ thấy Cực Lạc.”, v.v.…[Sđd]

Thời đó người ta hết sức ca ngợi tư tưởng này. Nhưng thực ra tư tưởng đó không có gì mới vì tổ Bồ-đề Đạt-ma từng chỉ dạy. Có khác chăng mọi người lúc nào cũng ca ngợi tổ nhưng chẳng mấy người tìm hiểu sâu xa lời huấn giáo của Ngài cả. Trong Thiếu Thất Lục Môn Luận (Luận về sáu cửa vào động Thiếu Thất) ngài tuyên bố: “Chúng sanh điên đảo không biết tự tâm là Phật, cứ hướng ngoài cầu cạnh giữ gìn, suốt ngày lăng xăng niệm Phật lạy Phật. Phật tại nơi đâu? Đừng nên có những lối thấy như vậy.” Vì thế Bồ-đề-Đạt-ma cũng nói: “Nếu thấy tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc cạo râu, hàng áo trắng vẫn là Phật. Nếu không thấy tánh, cắt tóc cạo râu, vẫn là ngoại đạo.” [Huyết Mạch Luận]

Ngược dòng Phật sử ta lại thấy câu nói nổi tiếng của Phật Tổ: “Bốn mươi chín năm thuyết pháp ta chẳng nói câu nào” Phải chăng Ngài chối bỏ những điều Ngài đã nói?! Thưa không, Ngài nói với một ẩn ý sâu thẳm của trí huệ bát nhã. Tôi nhiều lần đem câu này hỏi một số thượng tọa và hòa thượng, có người không giải đáp được và có người nói là “Ngài thuyết vô tự chân kinh”. Tôi lại hỏi: “Vô tự chân kinh ấy tìm ở đâu?Ngài đã dạy thì ắt phải có, chẳng lẽ là lời hư dối” Những vị tôi từng vấn nạn chưa ai trả lời được câu hỏi cuối đó. Tiếc cho mấy mươi năm tu học chỉ sáo rỗng ngôn từ, trí huệ ấy thuyết pháp có gây mê lầm cho người khác chăng?!

Thực ra đây là một lối nghịch luận (tiếng Anh: paradox và tiếng Pháp: paradoxe; có người dịch là ‘phản luận’ một phương pháp lý luận triết học độc đáo mà Lão Tử hay dùng) nhằm phá tan vô minh của kẻ phàm phu thế tục vội tin mà không suy nghiệm. Lời Phật từng cơ duyên nên đôi lúc sẽ thấy nghịch lý, biết suy nghiệm cơ duyên sẽ thấy ý thâm diệu mà Ngài muốn dẫn đường cho chúng ta đi. Suy nghiệm đó là quán chiếu nơi tâm những lời vàng ngọc Ngài thốt ra, ông thầy trong tâm quán xét cơ duyên của từng người mà răn dạy thật chi li và cụ thể đạo pháp. Lời ông thầy trong tâm của mình chính là vô tự chân kinh. Ông thầy trong tâm đó là bậc chân sư vô thượng được gọi là bậc Vô Sư.

Quay trở về trong lòng dân tộc chúng ta cũng thấy tư tưởng đó được Phật Hoàng Trần Nhân Tông thuyết trong bài “Cư Trần Lạc Đạo Phú”:

Tịnh độ là lòng trong sạch chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tính sáng soi mựa phải nhọc tìm về cực lạc
………………………………………………………….
Chỉn bụt là lòng sá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ
Vong tài đổi sắc ắt tìm cho phải thói Bàng công
………………………………………………………….
Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm phật tổ tây đông
Chứng thực tướng nên vô vi, nào nhọc hỏi kinh nam bắc
……………………………………………………………
Tích nhân nghì tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca
Cầm giới hạnh đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lặc
……………………………………………………………
Chuộng công danh, lồng nhân ngã, thực ấy phàm phu
Say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí
…………………………………………..
Rõ là nhiều bậc giác ngộ thành Tổ, thành Phật đều nói như vậy. Há chúng ta dám không nghe sao? Vì thế mới gọi là mài tâm tìm chân sư. Mài ở đây không phải là mài cho mỏng hay cho nhọn, mà mài cho sáng như mài ngọc vậy.

Buồn nỗi thế nhân thích nghe lời ngọt ngào của kẻ tu hành chưa giác ngộ (thậm chí là kẻ giả danh tu hành dùng đầu môi chót lưỡi ma mị) hơn là tìm chân lý dẫn đến giác ngộ của chư Phật chư Tổ thời xưa ghi lại trong kinh sách. Đáng lo chăng cho đạo pháp?! Còn hơn thế nữa có người sẳn sàng làm việc không nên làm nếu ai đó lấy lời Phật và Tổ ra nói chạm đến kẻ giả danh tu hành hay tu hành chưa chín đã thuyết lời sai giáo pháp. Phật sử có ghi tổ Bồ-đề Đạt-ma từng 5 lần bị đầu độc, ai là kẻ làm chuyện đó.

Tôi không phủ nhận trên đời có một số bậc cao tăng trong đạo học, nhưng dù gì đi nữa những bậc này vẫn tồn đọng chút ít cơ duyên của riêng mình. Cơ duyên đó có thể chẳng phù hợp với một ai đó trong chúng ta. Và những bậc chân tu đó sẽ rất thận trọng trong lời giáo pháp vì e lời nói của mình gây ra một nghiệp chướng do không đúng cơ duyên.

Chẳng hạn thuyết về nghiệp báo có lợi cho tâm sơ cơ về thiện ác của một ai đó, nhưng với một tên cướp thì gã đó có quyền an ủi lương tâm của mình: “Những người mình cướp có thể là do kiếp trước họ đã vay của mình”. Giảng “lục căn” cho nhà quảng cáo họ sẽ vận dụng để khai thác sáu thức của chúng sinh mà mưu lợi. Như thế chẳng phải lấy lời Phật đặt không đúng cơ duyên là giết chúng sinh hay sao? Vì thế trong kinh Hoa Nghiêm có nói “Mọi thứ đều là thuốc, thuốc này có thể cứu người cũng có thể giết người”. Thuốc là pháp đấy. dùng đúng cứu người dùng sai giết người. Chớ ngụy biện những người này có thể đọc kinh sách mà lợi dụng. Đó là việc của họ, nhưng lời chúng ta nói với họ tức là xui họ làm, chuyện hoàn toàn khác với việc họ tự làm. Lời lẽ của ma tăng thường hay ngụy biện lắm, không ngụy biện sao thành ma tăng.

Vì thế Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng chẳng ngại ngùng:

Buông lửa giác ngộ đốt hoại thảy rừng tà thời trước
Cầm kiếm trí tuệ quét cho không tính thức thuở nay. [Sđd]

Cái tôi (tức bản ngã) của chúng ta dễ dàng lung lạc tâm thức chúng ta suy nghĩ theo hướng tự an ủi, tự thỏa mãn hay tự ngụy biện cho hành vi sai trái của mình. Do vậy việc mài tâm không là việc dễ và càng chẳng phải là việc không nên làm. Chẳng tăng ni nào mài tâm giúp ta được, và chẳng mài tâm chẳng bao giờ giác ngộ dù trong đời thực hiện hằng hà sa số thiện nghiệp. Ai nói cứ cúng chùa, độ tăng, bố thí thì thành chánh quả, tôi bảo đó là ma pháp lừa bịp chúng sinh. Bồ-đề Đạt-ma chẳng đã trả lời Lương Võ Đế rồi còn gì! Và vì long từ bi thương chúng sinh mê lầm đã nói: “Niệm Phật thì được nhân tốt, Tụng kinh thì được thông minh, Giữ giới thì được sanh lên cõi trời, Bố thí thì được phước báu. Nhưng tìm Phật bằng những cách ấy quyết chẳng được vậy.” {Thiếu Thầt Lục Môn Luận – Huyết Mạch Luận] .

Hãy nhó những việc làm trên rất tốt vì là công cụ để rèn tâm chứ không phải phương tiện soi sáng tâm Phật trong mỗi chúng ta. Và dù với công cụ hay phương tiện nào, điều chúng ta cần là trí huệ bát-nhã, tức giác ngộ chứ không phải là sang giàu ở kiếp sau hay quyền năng pháp thuật. Ngày xưa khi đi đến một bến sông Đức Phật và chư đồ đệ gặp một đạo sĩ ngoại đạo. Ngài hỏi đạo sĩ đó đã tu chứng được gì. Đạo sĩ đó nói tu 40 năm thành tựu phép đi trên mặt nước không ướt bàn chân. Phật quay sang bảo các đồ đệ: Với thần thông đó ta chỉ cần tốn vài xu tiền đò chẳng phải mất 40 năm. Ẩn dụ này man mác trong nhiều sách và nhiều tăng ni đem ra thuyết pháp, nhưng sau đó cũng lại nói cúng Phật cúng chùa sẽ giàu sang, được phước báu sinh thiên, … Thế thì hiểu hay không hiểu lời Phật dạy, lung lạc hay không lung lạc nhân tâm.

Có một lần trong lễ cầu siêu 100 ngày của người quen, nhà sư tụng kinh đó thuyết điều nói trên, nhất là việc cúng chùa mau thành chánh quả. Tôi hỏi ngay: “Thành chánh quả là thành Phật phải chăng thầy. Vậy thành Phật để làm gì vậy?” Vị sư này không sao trả lời được. Dĩ nhiên mọi việc làm đều lấy một mục đích làm hướng nhắm đến, vậy hướng nhắm đến sau khi thành Phật để làm gì. Để có thần thông ư ? Nhiều tôn giáo huyền học có dạy điều này và xem ra dễ đạt hơn. Để cứu nhân độ thế ư? Cứu độ bằng cách nào khi thành Phật chúng ta sẽ ở Niết-bàn xa xôi nào đó mà tôi cũng chẳng biết nơi đó là đâu và chẳng sư sãi nào chỉ rõ vị trí Niết bàn là chỗ nào với ý nghĩa trong trường hợp này. Để không bi khổ ải chăng? Ham muốn thành Phật là nỗi khổ ải tột cùng và Phật chẳng bao giờ thành cả vì vọng cầu là lọt vào vô sắc giới rời làm sao chứng ngộ. Làm những việc để tâm mình khổ sở vì tham cầu mà chẳng đạt được thì quả là mê tâm. Thế mà nhiều tăng ni vẫn thuyết như thế và người đời không ít kẻ nghe theo. (Kẻ mê mặc sức múa máy theo người, phút chốc đọa sanh tử. Đó là những người không thấy tánh xưng càn là Phật. Hạng chúng sanh ấy phạm tội lớn, phỉnh gạt tất cả chúng sanh đưa vào vòng ma giới. – Huyết Mạch Luận)

Vài dòng mạn đàm, mấy chén trà đã thấm vị. Thế là xong một buổi tối. Xin kỳ nhân dị sĩ, thượng tọa, hòa thượng nào lui tới trên diễn đàn này giảng giúp công án: “Tu thành Phật để làm gì?”. Chúng sinh cứ đăm đăm vọng tưởng thành Phật mà chẳng biết thành Phật để làm gì. Chẳng biết thành Phật để làm gì mà cứ bô bô giảng thuyết “Phật là thế này, Phật là thế kia”. Hóa chẳng là lời ngoa ngữ hư dối ư! Người tin theo ngoa ngữ hóa chẳng là “kẻ mua trâu vẽ bóng ư!” Mong chờ lời giải ngộ.

Mùa thu Kỷ Sữu – 2009
An Huy 08

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]