Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Pháp Ba-la-di

14/05/201312:07(Xem: 11754)
Chương 1: Pháp Ba-la-di

Hiệp Chú

Chương 1: Pháp Ba-la-di

Hòa thượng Thích Trí Thủ

Nguồn: Hòa thượng Thích Trí Thủ dịch

I. TỔNG TIÊU:

A. CHÁNH VĂN:

Thưa các Đại đức, đây là bốn pháp ba la di, xuất từ Giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần.

B. LƯỢC GIẢI:

+ Ba la di, xem phần sám hối và trị phạt ở sau.

II. GIỚI TƯỚNG:

ĐIỀU 1. Bất tịnh hạnh học xứ.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, đã thọ trì học xứ và chấp nhận đời sống của Tỳ kheo, chưa hoàn giới, giới sút kém nhưng không phát lộ, mà hành pháp dâm dục, cho đến cùng với loài súc sanh, Tỳ kheo ấy là kẻ ba la di, không được sống chung.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Tịnh hạnh, cũng thường nói là phạm hạnh. Phạm, nghĩa đen là sự làm cho lớn mạnh ([1]), tức sự phát triển tâm linh; cũng chỉ cho Phạm thiên. Tịnh hạnh hay Phạm hạnh ([2]) có nghĩa là hành vi hay đời sống dâng hiến cho Phạm thiên, cho sự phát triển tâm linh. Theo truyền thống tôn giáo Vệ đà, đây là thời kỳ đầu trong bốn thơi kỳ của đời sống một người Bà la môn; thời kỳ chưa hôn phối, sống độc thân để học đạo, tức học hỏi kinh ��iển Vệ đà. Từ ý nghĩa đó, tịnh hạnh chỉ cho đời sống thánh thiện. Ý nghĩa sau cùng này được chấp nhận trong đạo Phật. Một người đã thành tựu Phạm hạnh hay Tịnh hạnh, là người đã hoàn toàn đoạn tận dục vọng, đã cắt đứt nguồn gốc sanh tử. Đó là nói theo nghĩa cứu cánh của danh từ. Trong nghĩa thường dùng của Kinh Luận, Tịnh hạnh hay Phạm hạnh là đời sống độc thân, tuyệt dục. Phi Phạm hạnh, hay Bất tịnh hạnh, là đời sống thánh thiện và tuyệt dục bị phá vỡ. Cho nên, tịnh hạnh hay phạm hạnh là bản thể và cũng là cứu cánh của đời sống Tỳ kheo.

Đã thọ trì học xứ... của Tỳ kheo, văn Hán của Tứ phần bản A ([3]): cọng Tỳ kheo đồng giới; Tứ phần bản B ([4]) dữ Tỳ kheo cọng giới đồng giới. Giải thích của Tứ phần1: "Cũng như các Tỳ kheo khác, đã thọ đai giới, bạch tứ yết ma như pháp thành tựu hợp cách, sống trong pháp Tỳ kheo. Đây là ý nghĩa "cọng Tỳ kheo" ... Sau khi Ta kết giới cho các đệ tử; thà chết chứ không phạm. Trong đây, cùng với các Tỳ kheo khác một giới, đồng giới. Đây gọi là "đồng giới'([5]).

Ngũ phần 1: cọng chư Tỳ kheo đồng học giới pháp, cùng học chung giới pháp như các Tỳ kheo khác ([6]).

Tăng kỳ 1: ư hòa hiệp Tăng trung thọ Cụ túc giới, người đã thọ giới Cụ túc giữa hòa hiệp Tăng ([7]).

Thập tụng 1: ư hòa hiệp Tăng trung thọ Cụ túc giới, cùng vào sống trong một giới pháp như các Tỳ kheo khác ([8]).

Căn bản 1: dữ chư Bí sô đồng đắc học xứ ([9]), cùng thành tựu học xứ như các Tỳ kheo khác. Giải thích của Luật nhiếp 2: Giả sử người thọ giới một trăm năm, đối với các điều cần phải học không khác với người vừa thọ, do đó gọi là "đồng đắc"([10]).

Tổng hợp các bản, tuy văn cú có khác nhau, nhưng nội dung đồng nhất: người đã thọ trì học xứ của Tỳ kheo, nghĩa là thọ Cụ túc như pháp, để thành tựu bản thể của Tỳ kheo; và sống đời sống phạm hạnh như các Tỳ kheo khác; chỉ người như vậy, nếu hành dâm dục, mới được gọi là kẻ ba la di. Ngoài đó ra, những hạng mà bản thể Tỳ kheo không thành tựu, dù có hành dâm dục, cũng không gọi là kẻ ba la di.

+ Chưa hoàn giới, Tứ phần bản A: bất hoàn giới; bản B: bất xả giới. – Căn bản: bất xả học xứ. – có 5 trường hợp xả học xứ tức xả giới. 1. Do ý muốn; đối trước một người hiểu điều mình nói mà tuyên bố xả. 2. Do mạng chung. – 3. Do hai căn (nam và nữ căn) cùng phát sinh ra. – 4. Do đoạn thiện căn tức phạm ngũ nghịch hoặc Tỳ kheo phạm bất tịnh hạnh mà che giấu. Bốn trường hợp này chung cho các loại giới. – 5. Hết đêm, riêng cho giới cận trú([11]). Trong đây, nói hoàn giới hay xả học xứ chỉ trường hợp xả thứ nhất. Tỳ kheo nào không muốn sống đời sống phạm hạnh, không kham nhẫn thọ trì các học xứ của Tỳ kheo, có thể tuyên bố xả. Sự tuyên bố phải nói thành lời trước một người, và người ấy hiểu rõ nội dung mình nói. Tuyên bố rằng: tôi từ bỏ Phật, từ bỏ Pháp, từ bỏ Tỳ kheo Tăng; tôi trở về tục, không còn là sa môn Thích tử; tôi trở lại làm Sa di; tôi đi theo ngoại đạo, v.v… Như vậy là xả. Nhưng có mấy trường hợp dù tuyên bố như vậy nhưng xả không thành: tuyên bố trong lúc mình điên cuồng, mất tri; hoặc trước người điên cuồng, mất trí; trong lúc mình quẫn trí, hay trước người quẫn trí; trong lúc bị câm điếc, hay trước người câm điếc; tại chỗ không người tưởng là có người; tại chỗ có người tưởng là không có người; đối trước chư thiên, rồng, dạ xoa, ngạ quỷ, người đang ngủ, người đã chết; trước súc sanh; trước người không biết gì (như con nít); trước người không đồng ngôn ngữ với mình; trước người không hiểu nội dung mình muốn nói; hoặc nói chơi hoặc do giận dữ nhất thời. Xả như vậy là không như pháp, không thành xả. Nếu Tỳ kheo xả giới như pháp, trở về đời sống tại gia, về sau hồi tâm có thể được cho xuất gia thọ Cụ túc trở lại. Tăng nhất 27 ([12]): Tôn giả Tăng Già Ma 7 phen hàng ma, nghĩa là 7 lần thọ Cụ túc: 6 lần đầu đánh bại ma quân nhưng chưa rốt ráo; lần thứ 7 mới hoàn toàn đánh bại, tức chứng đắc A la hán. Do đó, Phật cho phép trong đời một người được phép 7 lần thọ Cụ túc để làm Tỳ kheo.

Giới sút kém nhưng không phát lộ, Hán: giới luy bất tự hối. Các từ hối hay sám hối trong Tứ phần không dùng theo nghĩa đen là hối hận hay ăn năn; mà dùng theo sự hàm ý là tuyên bố, nói cho người khác biết, tức phát lộ. – Ngũ phần: giới luy bất xả; Giải thoát: giới luy bất xả giới; Thập tụng: giới luy bất xuất; Căn bản: học luy bất tự thuyết. – Như vậy, trong tất cả các bản đều nói rõ: giới sút kém mà không xả hay không tự mình tuyên bố ([13]).

Giới sút kém: tự cảm thấy chán nản đời sống phạm hạnh, không đủ sức kham nhẫn các học xứ của Tỳ kheo, mơ tưởng đời sống tại gia, những lạc thú trần tục. Dù vậy, nếu không tuyên bố xả, hoặc tuyên bố nhưng không thành xả như các trường hợp kể trên, đều gọi là giới sút kém nhưng không phát lộ.

Hành pháp dâm dục; Tứ phần bản A: phạm bất tịnh hạnh; bản B: phạm bất tịnh hạnh hành dâm dục pháp. – Thập tụng: hành dâm pháp. – Căn bản: tác bất tịnh hạnh, lưỡng giao hội pháp. Hành dâm dục pháp là thực hiện sự giao hội của nam căn vào một trong ba cửa: đại tiện, tiểu tiện và cửa miệng. Ngoài ba chỗ này, gọi là phi đạo. Luật nhiếp 2: có trường hợp tác bất tịnh hạnh nhưng không phải là hai bên giao hội; có trường hợp hai bên giao hội nhưng không phải là tác bất tịnh hạnh. Người không thọ lãnh học xứ của Tỳ kheo mà hành pháp dâm dục thì không gọi là tác bất tịnh hạnh. Người đã thọ học xứ, ở nơi hai cửa của chính mình, gọi là bất tịnh hạnh; nơi của người khác, gọi là hai bên giao hội ([14]).

Cho đến súc sanh: bao gồm loài người, loài phi nhân và súc sanh. Về loài người, có năm hạng: thiếu phụ, đồng nữ, người có hai căn, hoàng môn và nam tử. Nam căn đi vào một trong ba cửa của các loài ấy, dù được bao lại hay không, bất cứ dưới hình thức nào, nếu đã lọt qua dù chỉ bằng đầu sợi lông, đều gọi là hành dâm. Ở nơi ba cửa của tử thi cũng vậy, nếu ba cửa ấy chưa rách nát.

2. PHẠM TƯỚNG:

a- Ba la di:

1)- Bản thể Tỳ kheo chưa mất ([15]).

2)- Cố ý, tức có ý định hành pháp dâm dục.

3)- Đối với một trong ba loài: người, phi nhân và súc sanh.

4)- Nơi một trong ba cửa.

5)- Nam căn đã vào, dù chỉ khoảng bằng đầu sợi lông.

6)- Có cảm thọ lạc một trong ba giai đoạn: khi nam căn mới vào, khi đình trú, và khi nam căn xuất khỏi cửa.

b- Thâu lan giá (không hội đủ yếu tố ba la di):

- Tiến hành nhưng nam căn chưa vào.

- Nơi các cửa đã bị hủy hoại.

- Nơi phi đạo.

- Khiến người khác làm, và họ làm theo.

c- Đột kiết la (không hội đủ yếu tố than lan giá):

- Khiến người khác làm, nhưng họ không làm theo.

d- Không phạm

- Trước khi Phật chế giới này.

- Bị bức ép nhưng hoàn toàn không thọ lạc.

- Cuồng si, mất trí, quẫn trí.

3. DUYÊN KHỞI:

a. Thời điểm chế giới. Tứ phần: sau 12 năm thành đạo, tức như Luật nhiếp 2: năm thứ mười ba sau ngày thành đạo. Thiện kiến 6: sau 20 năm thành đạo. Tăng kỳ giới bổn: Phật thành đạo năm thứ 5, nửa tháng thứ 5 của mùa đông, ngày 12, vào xế trưa, khi bóng của một người đang ngồi ngã trên đất bằng phân nửa, vì trưởng lão Da xa Già lan đà tử, Phật chế giới này.

b. Địa điểm chế giới. – Các bộ giống nhau: Phật trú tại nước Tỳ Da Ly, cũng gọi Phệ Xá Li. Về chi tiết, Ngũ phần 1:tại Trùng Các giảng đường, bên bờ sông Di Hầu. Luật nhiếp 2: Phật trú tại thôn Kiết Lan Đạc Ca, nước Phật Lật Thị. Phật Lật Thị là tên gọi một bộ tộc, cũng gọi là bộ tộc Bạt Kỳ, thủ phủ của họ là Tỳ Da Li.

c. Diễn tiến chế giới: - Giới này được Phật chế theo diễn tiến gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất: trưởng lão Tu Đề Na, con trai của thôn trưởng Ca Lan Đà, do đòi hỏi của mẹ là phải lưu lại một người con để thừa tự vì trưởng lão là con một, nên đã hành dâm với người vợ cũ của mình. Tu Đề Na ([16]), các bộ tộc giống nhau, hoặc cũng phiên âm là Tô Trần Na. Riêng Tăng kỳ gọi là Da Xá. Ca Lan Đà ([17]), cũng âm là Kiết Lan Đạc Ca, các bộ giống nhau. Tu Đề Na sau khi làm việc ấy, hối hận, phát lộ với các Tỳ kheo. Do đó, Phật chế: Tỳ kheo nào phạm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, Tỳ kheo ấy là kẻ ba la di, không được sống chung.

Giai đoạn thứ hai: một Tỳ kheo người Bạt Kỳ, ưu sầu, chán nản đời sống phạm hạnh, về nhà hành dâm với vợ cũ, vì trong điều Phật chế không nói trường hợp người chán nản đời sống phạm hạnh. Do đó, Phật kết giới thêm: Tỳ kheo nào, đã thọ trì học xứ và chấp nhận đời sống của Tỳ kheo, chưa hoàn giới, giới sút kém nhưng không phát lộ, mà phạm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, Tỳ kheo ấy là kẻ ba la di, không được sống chung.

Giai đoạn thứ ba: một Tỳ kheo sống trong rừng, hành dâm với một con vượn cái, nghĩ rằng trong điều Phật chế không nói trường hợp cùng với súc sanh. Do đó, Phật kết giới thêm lần nữa, và lần này là trọn như được thấy trong chánh văn ở trên.

ĐIỀU 2: Bất dữ thủ.

A. CHÁNH VĂN

Tỳ kheo nào, hoặc từ xóm làng, hoặc từ rừng vắng, lấy vật không cho với tâm trộm cắp; tùy theo sự lấy vật không cho ấy mà vua hay đại thần của vua hoặc bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi khỏi nước, hoặc khiển trách: "Ngươi là kẻ trộm; ngươi là kẻ ngu; ngươi là kẻ không biết gì". Tỳ kheo ấy là kẻ ba la di, không được sống chung.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Bất dữ thủ: lấy vật không cho; chiếm làm sở hữu vật mà sở hữu chủ không cho; chỉ chung tất cả trường hợp trộm và cướp. Với vật có chủ, không dám công khai lấy, vì sợ, nên lén lút lấy, chiếm làm sở hữu của mình; đây gọi là trộm. Sở hữu chủ không cho, dùng sức mạnh công khai chiếm đoạt; đây gọi là cướp.

+ Xóm làng, Hán: thôn lạc hoặc tụ lạc, chỉ chung tất cả khu vực có nhà dân cư. Khu vực ấy có thể được bao quanh bởi tường xây, lũy tre, hoặc cắm cây làm hàng rào; hoặc được bao quanh bởi sông ngòi các thứ. Nhiều nhà họp lại thành một tụ lạc. Một ngôi nhà biệt lập cũng được gọi là tụ lạc. Tứ phần 1([18]), có 4 loại tụ lạc: 1. Tụ lạc có tường xây bao quanh. - 2. Tụ lạc có hàng rào bao quanh. - 3. Tụ lạc có hàng rào nhưng bao không khắp. - 4. Tụ lạc bao quanh bởi nhà. Tăng kỳ 3([19]), ngoài các loại tụ lạc có tường, rào hoặc sông ngoài bao quanh, còn kể thêm: tụ lạc phóng mục hay xóm chăn; tụ lạc kỷ nhi tức xóm con hát; tụ lạc doanh xa tức chỗ các thương đoàn tụ tập. Thiện kiến 8 ([20]), chỗ có chuồng bò (dù không ở trong phạm vi dân cư) cung được gọi là tụ lạc và chỗ mà một đoàn buôn cắm trại từ bốn tháng trở lên cũng gọi là tụ lạc.

Về phạm vi của tụ lạc, Tứ phần không đề cập. Theo Tăng kỳ 3, kể từ con đường mòn có người đi cách tụ lạc không xa trở vào là phạm vi của tụ lạc. Thiện kiến 8, nếu là tụ lạc có bao quanh, thì từ tường rào, một người đứng và liệng ra một hòn đá; nếu không có tường rào thì đứng ở hiên nhà ngoài bìa tụ lạc mà ném; từ chỗ hòn đá rơi trở vào là phạm vi của tụ lạc.

+ Rừng vắng, Tứ phần: nhàn tĩnh xứ, chỗ vắng vẻ. - Ngũ phần: không ��ịa, khu đất trống (không có nhà dân cư). - Căn bản: không nhàn xứ, chỗ trống không có người ở. - Giải thoát: không tĩnh địa, vùng đất trống vắng. Các từ này đều dịch từ aranya của tiếng Phạn, nghĩa đen là vùng đất xa xôi hẻo lánh; thường âm là a lan nhã, và cũng nơi dịch là vô sự xứ. Trong tất cả các bộ đều phân biệt giống nhau, ngoài tụ lạc, hay cụ thể, ngoài phạm vi của tụ lạc, là a lan nhã.

Sự phân biệt đất thuộc phạm vi tụ lạc và đất thuộc a lan nhã như thế rất cần thiết để xác định sở hữu chủ của một vật; nhất là đối với tài nguyên thiên nhiên. Bởi vì, một trong các yếu tố quan trọng để xác định tội bất dữ thủ là cần xác định vật được chiếm có chủ hay không có chủ. Thí dụ, đồ vật nằm trong khu đất mà ai là sở hữu chủ thì nó thuộc về tài sản của người ấy. Nhưng tính cách sở hữu chủ của tài sản được xác định tùy theo pháp luật của mỗi nước. Sự quy định theo pháp luật này lại còn được thay đổi tùy thời đại, tùy chế độ.

Các sự phân biệt pạm vi tụ lạc và a lan nhã dẫn trên đều mang tính chất địa phương của từng bộ phái sinh hoạt trên các phần của lãnh thổ Ấn Độ thời cổ. Ở ta, theo chế độ điền thổ thuở xưa, mỗi làng hay thôn xóm đều có đồng ruộng bao quanh. Các cánh đồng này thuộc phạm vi làng hay thôn xóm ấy. Người địa phương khác sở đắc vật gì trong phạm vi ấy không có sự đồng ý của địa phương này đều bị coi là trộm hoặc cướp. Như vậy, nói theo thuật ngữ của Luật tạng, phạm vi tụ lạc bao gồm thôn xóm và những cánh đồng thuộc về thôn xóm ấy, không kể xa rộng bao nhiêu. Trừ phạm vi ấy ra, là phạm vi của a lan nhã; tức là những vùng đất không thuộc vào thôn xóm nào cả, dù đó là đồng trống hay rừng núi. Tuy vậy, sự phân biệt này còn phải đối chiếu với pháp luật hiện hành liên hệ đến tính sở hữu chủ của các loại tài nguyên.

+ Tùy theo sự lấy vật không cho... ngươi là kẻ không biết gì. - Thập tụng có thêm chi tiết khác: (... hoặc tẩn xuất) hoặc phạt vàng (...) - Giải thoát: (...) hoặc phạt tiền tài (hoặc đuổi khỏi nước...). Ngoài điểm phạt vàng hay tiền đó ra, các chi tiết khác đều giống nhau giữa các bộ.

Đoạn văn này quy định mức giá trị của vật bị chiếm hữu bất hợp pháp để thành tội ba la di, tùy theo pháp luật của mỗi nước, và hình phạt dành cho tội trộm cướp.

Mức giá trị này, khi Phật chế giới này, căn cứ rheo luật hiện hành của nước Ma Kiệt Dà, nếu trộm tối thiểu từ 5 tiền trở lên, phạm trọng tội, có thể bị tử hình. Tiền ở đây, tiếng Phạn nói là màsaka (Hán âm: ma sái, hoặc ma sa, là một đơn vị trọng lượng vàng, giá trị tương đương 17/5760 bảng theo hệ thống kim hoàn của Anh, tức bằng 21,9554gr. Nhưng sự so sánh này là theo tiêu chuẩn trọng lượng hiện đại; không nhất thiết phải chính xác như vậy với một trọng lượng ma sa thời cổ.

Nói tử hình là định mức tương đương tội cực trọng, chứ không nhất thiết phải bị xử tử hình. Bởi vì có những hệ thống pháp luật trong đó không hề có án tử hình. Điều này được giải thích rõ rằng trong Tăng kỳ 3([21]). Theo đó, trong các triều đại thượng cổ của nước Ma Kiệt Đà, các tiên tổ của vua Tần Bà Sa La khi xử phạt một kẻ trộm cướp chỉ cần lấy tay vỗ lên đầu nó, thì nó cảm thấy xấu hổ như bị giết và sẽ không tái phạm nữa. Rồi trong các vua kế tiếp, hình phạt ấy so ra nhẹ, không có công hiệu cải hóa phạm nhân; nhưng hình phạt được nói là nặng hơn cũng chỉ là bôi tro cùng mình kẻ trộm, đủ cho nó cảm thấy xấu hổ như bị giết để từ bỏ thói trộm cắp. Đến thời phụ vương của Tần Bà Sa La thì phải phạt bằng cách đuổi khỏi nước. Nhưng đến đời Tần Bà Sa La, đuổi nó đi, nó tìm cách trở về, và vẫn tái phạm như cũ; bấy giờ, hình phạt nặng nhất cho tội trộm là chặt một ngón tay. Tuy vậy, khi được hỏi, nếu trộm cắp, vật đáng giá bao nhiêu, theo pháp luật hiện hành có thể xử tử hình, Tần Bà Sa La đáp: bằng 1/4 kế lị sa bàn. Kế lị sa bàn cũng âm là ca lị sa bà noa, Phạn kàrsàpana, bằng 20 màsaka.

Trong đoạn văn đượ dẫn từ Tăng kỳ 3 trên đây, có một chi tiết cần lưu ý. Đó là sự mâu thuẫn trong trình bày của vua Tần Bà Sa La về lịch sử luật hình sự của tội ăn trộm được áp dụng từ tiên tổ của ông, với câu trả lời của chính ông cho câu hỏi của Phật. Theo trình bày của vua Tần Bà Sa La, rõ ràng trong nước Ma Kiệt Đà, cho đến thời ông cai trị, tội ăn trộm không hề bị giết. Ông là người đầu tiên áp dụng hình phạt nặng nhất cho tội phạm này mà cũng chỉ đến mức chặt một ngón tay. Một chi tiết khác trong Tăng kỳ 3, cũng đoạn vừa dẫn, chứng tỏ điều này. Một tên trộm bị đuổi khỏi thành 7 lần, nó lẻn trở về cả 7. Các đại thần đưa nó đến trước vua, và tâu: "Hãy thôi, tâu Đại vương. Đừng bảo chúng tôi xử tội nó nữa, mà chính Đại vương hãy xử lấy". Điều này chứng tỏ luật hình sự của ông đối với tội trộm đã lỗi thời, và các đại thần của ông không có thẩm quyền nào khác ngoài quyền đã được quy định: tẩn xuất. Nhưng, trong chế độ ấy, lệnh của vua là nguồn gốc của luật. Cho nên vua Tần Bà Sa La ban hành lệnh mới: chặt một ngón tay kẻ trộm. Đây là lần đầu tiên ông áp dụng hình sự nặng như vậy. Ngay sau đó, ông rất hối hận, rầu rĩ, nên đến trình bày với Phật về sự bất lực của mình trong việc trị dân bằng đạo đức để phải áp dụng một loại hình sự như vậy đối với tội trộm.

Theo diễn tiến của nội dung câu chuyện, mặc dầu câu hỏi của Phật được đặt cho vua là: "Theo phép trị nước của Đại vương, trộm vật có giá trị tương đương mấy tiền thì bị xử tử, mấy tiền xử đuổi khỏi nước, mấy tiền thì áp dụng hình phạt", và vua trả lời vỏn vẹn: "... trộm từ 1/4 kế lị sa bàn trở lên, bị tội chết": nhưng, cần phải hiểu chính xác đoạn trả lời này như vầy: "Trộm từ 1/4 kế lị sa bàn trở lên, có thể xử tội chết, có thể xử đuổi khỏi nước, có thể áp dụng hình phạt". Nói rõ hơn, kẻ bị kết án là phạm tội ăn trộm, tùy theo nặng nhẹ, có thể bị xử theo ba cấp hình phạt: hoặc trói, hoặc đánh bằng gậy hoặc cấm cố: đuổi khỏi nước, tức bị lưu đày biệt xứ, và sát hại.

Với sự phân tích như trên, ở đây có thể kết luận rằng, 5 ma sát, theo luật hình sự của nước Ma Kiệt Đà thời Phật, là mức tối thiểu để kết án tội danh ăn trộm. Lấy vật không cho dưới giá trị 5 ma sa, chỉ là các trường hợp ăn cắp vặt. Tuy nhiên, trong tất cả các bộ phái trừ Thượng tọa bộ Pàli, khi giải thích giá trị 5 ma sa này đều nói nó là định mức của tội ăn trộm với mức độ cực trọng, đáng xử tử hình. Nhưng, điều chắc chắn là các luật gia của các bộ phái này, do ảnh hưởng luật hình sự của các bạo chúa phong kiến trên các vùng lãnh thổ khác nhau của xứ Ấn, sau thời Đức Thích Tôn, cho nên giải thích nó là mức giá trị để xử tử hình một kẻ trộm. Đây là lý do cho biết tại sao trong đoạn văn của Tăng kỳ 3 dẫn trên có sự mâu thuẫn trong trình bày của vua Tần Bà Sa La.

Theo luật của Thượng tọa bộ Pàli([22]), "Kẻ trộm, là kẻ lấy vật không cho với tâm trộm cắp từ 5 màsa hay tương đương 5 màsa trở lên". Như vậy, kẻ nào trộm vật giá trị dưới 5 màsa chỉ gọi là kẻ ăn cắp vặt; chỉ với mức giá trị 5 màsa trở lên mới bị kết án với tội danh ăn trộm. Đoạn văn trong chánh văn: "Ngươi là kẻ trộm, ngươi là kẻ ngu, ngươi là kẻ không biết gì", đoạn văn này có thể coi là một kiểu tuyên án về tội trộm.

Với tội danh đã được pháp đình tuyên án như trên, nó được áp dụng luật hình sự như sau; chánh văn nói: "hoặc bị bắt, hoặc bị giết, hoặc bị trói, hoặc bị đuổi khỏi nước". Đoạn văn này cần phải viết lại như sau để rõ nghĩa hơn: "Sau khi bị bắt, nó có thể bị giết...". Nghĩa là, chỉ khi nào người ta có đủ bằng chứng và hội đủ yêu cầu luật định mới có thể bắt giữ nó với tội danh là ăn trộm. Còn giết, trói và đuổi là ba trường hợp hình sự được áp dụng cho nó. Điều cũng nên lưu ý ở đây rằng, trong văn Pàli, từ giết được nói là haneyyumï([23]). Nghĩa đen của từ này là "họ có thể gây thiệt hại"; cụ thể là "gậy thiệt hại đối với thân thể". Mức độ thiệt hại này có nặng nhẹ khác nhau. Nhẹ nhất, như trường hợp vua Tần Bà Sa La đã xử một tên trộm, là chặt một ngón tay, nặng nhất là chặt đầu hay giết. Luật gia của các bộ phái, bị chi phối bởi ấn tượng về hình phạt tử hình đối với tội trộm, do đó dịch chữ Hán là sát. Chính do cách dịch từ tiếng Phạn hanyàt trong ý nghĩa cực trọng của nó, cho nên các luật gia Trung Quốc không có cách hiểu nào khác hơn ngoài cách hiểu rằng: 5 tiền là mức giá trị để xử tử ăn trộm, và tỏ ra không thắc mắc gì cả. Trở ngại thứ hai cho các luật gia Trung Quốc là danh từ màsaka, được dịch nghĩa là tiền. Đó là một trọng lượng vàng rất nhỏ. Một đoạn trong Tứ phần 40, kể chuyện nhà y sĩ Kỳ Bà trị lành bịnh một phú gia và được thưởng công với giá 40 vạn lạng vàng([24]). Mặc dù đây là con số có thể khoa trương quá trớn, nhưng nó chứng tỏ giá trị 5 màsaka chưa đủ lớn để đáng xử tử hình, ngoại trừ nếu đó là lệnh của một bạo chúa cực kỳ hung ác. Nếu các luật gia Phật giáo Trung Quốc hiểu rõ một màsaka giá trị bao nhiêu, nhất định các ngài sẽ đặt vấn đề, khi đối chiếu với tội ăn trộm trong luật hình sự của các triều đại vua chúa Trung Quốc.

Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng. Ở đây, tạm thời có thể kết luận như sau: Tỳ kheo nào lấy vật không cho với mức giá trị mà theo pháp luật hiện hành, tòa án có thể đưa ra xét xử và tuyên án với tội danh là ăn trộm theo luật hình sự, Tỳ kheo ấy phạm ba la di. Bởi vì, dưới con mắt người đời, mỗi kẻ đã bị một tòa án công bình và chính trực tuyên án là phạm tội ăn trộm, kẻ đó đã mất phẩm cách con người, và khó khăn lắm nó mới có thể phục hồi danh dự làm người. Cũng vậy, một Tỳ kheo có thể bị kết tội theo luật hình sự hiện hành là phạm tội ăn trộm, thì bản thể Tỳ kheo của nó hoàn toàn bị vỡ, không thể dự vào hàng ngũ của địa vị chúng trung tôn, không xứng đáng được mọi người kính trọng như các Tỳ kheo khác mà bản thể Tỳ kheo chưa bị vỡ.

Để kết thúc phần lược giải này, đoạn chánh văn của học xứ này có thể diễn giải như sau: "Tỳ kheo nào, lấy vật không cho từ tụ lạc hay từ a lan nhã với tâm trộm cắp, với hành vi lấy vật không cho ấy, trong mức độ mà nó có thể bị bắt giữ theo luật hình sự hiện hành và bị tuyên án là phạm tội ăn trộm; cho đến mức độ này, Tỳ kheo ấy là kẻ phạm ba la di".

2. PHẠM TƯỚNG:

a. Ba la di: Hội đủ 6 yếu tố sau đây:

1) Bản thể Tỳ kheo chưa mất, nghĩa là người đã thọ giới Cụ túc nhưng chưa xả giới([25]).

2) Có tâm trộm cắp vật đáng giá 5 ma sa trở lên, với ý định chiếm làm sở hữu của mình.

3) Vật ấy có giá 5 ma sa trở lên và biết rõ có giá 5 ma sa trở lên.

4) Vật ấy có chủ, và biết rõ là có chủ.

5) Tiến hành sự chiếm hữu: tự tay mình lấy; hoặc sai bảo người khác lấy; hoặc lánh mặt sai người khác lấy về cho mình.

6) Đã di chuyển vật ấy dời khỏi vị trí. Tự mình hay sai người khác cũng như nhau.

b. Thâu lan giá: Hội đủ 6 yếu tố, nhưng một trong các yếu tố 2, 3, 4 và 6 không trọn:

+ Yếu tố 2 không trọn:

- Muốn trộm vật đáng giá 5 ma sa trở lên nhưng chỉ trộm được vật có giá dưới 5 ma sa.

- Có ý định trộm vật đáng giá dưới 5 ma sa.

+ Yếu tố 3 không trọn:

- Vật muốn trộm đáng giá dưới 5 ma sa nhưng tưởng là 5 ma sa trở lên.

- Vật ấy đáng giá 5 ma sa trở lên nhưng tưởng là dưới 5 ma sa.

+ Yếu tố 4 không trọn:

- Vật có chủ nhưng tưởng là không có chủ.

- Vật ấy được ngờ là có chủ.

+ Yếu tố 6 không trọn:

- Đã sờ mó vào vật muốn trộm nhưng chưa dời khỏi vị trí. Tự mình hay sai người lấy cũng vậy.

c. Đột kiết la: Các yếu tố để thành tội thâu lang ía không trọn với những trường hợp như sau:

- Muốn trộm vật đáng giá 5 ma sa trở lên, nhưng chưa đụng chạm đến vật ấy.

- Muốn trộm vật đáng giá dưới 5 ma sa, đã sờ tay vào nhưng chưa dời khỏi vị trí.

- Vật đáng giá dưới 5 ma sa có chủ nhưng tưởng là không có chủ, hoặc được ngờ là có chủ.

d. Không phạm: Mặc dù lấy vật không cho, nhưng:

- Tưởng là được cho.

- Tưởng là của mình.

- Tưởng là vật người ta vất bỏ.

- Với ý định lấy tạm dùng.

- Với ý tưởng là của người thân hậu.

- Trước khi Phật chế giới([26]).

- Các trường hợp điên cuồng, mất trí v.v...

e. Tội phạm liên đới: Đây là sự phân biệt tội trạng khác nhau giữa nhiều Tỳ kheo cùng tham dự một vụ trộm. Nguyên lý cơ bản để xác định tội trạng là sự thành tựu của nghiệp đạo căn bản. Tổng quát, quá trình của nghiệp đạo trải qua 3 giai đoạn. Tiên khởi, là gia hành của nghiệp đạo, cũng gọi là phương tiện của nghiệp đạo. Đây là giai đoạn từ khi phát khởi tư niệm muốn ăn trộm, muốn chiếm hữu vật của người khác làm sở hữu của mình bằng sự trộm cắp. Cho tới khi nào vật muốn trộm bị dời chỗ, chính lúc ấy nghiệp đạo căn bản thành hình. Từ sát na đó trở về sau, những sự chia chác và sử dụng v.v... đều là hậu khởi của nghiệp đạo. Tỳ kheo nào mà căn bản nghiệp đạo của tội trộm cắp thành tựu đối với vật đáng giá từ 5 ma sa trở lên, phạm ba la di. Từ cơ sở này, vấn đề phân biệt tội trạng của những người tham dự có vai trò khác nhau trong vụ trộm sẽ như sau:

- Những người đồng mưu, cùng phát khởi tư niệm chiếm hữu bất hợp pháp vật đáng giá 5 ma sai trở lên, bất kể phân công như thế nào, và cũng không kể sự chia chác khác nhau như thế nào, nếu hội đủ các yếu tố của ba la di, thì tất cả đồng tội ba la di, nếu hội đủ yếu tố của thâu lan giá, thì tất cả đồng tội thâu lan giá; hoặc hội đủ yếu tố đột kiết la, tất cả đồng phạm đột kiết la. Ý nghĩa của vấn đề như vầy: cơ bản là động lực của nghiệp đạo, tức tư niệm hay nói cách khác là có tâm trộm cắp, đã phát khởi trong bọn trộm này, và thứ đến là căn bản nghiệp đạo được hoàn tất với sự dời chỗ của đối tượng chiếm hữu. Giả sử người chủ mưu đề xuất vụ trộm, nhưng y không đi, còn đồng bọn của y, khi đi đến chỗ trộm, chỉ một người trực tiếp di chuyển đối tượng, những tên khác hoặc đứng nhìn chơi, hay canh gác. Tất cả chúng đều đồng tội. Đây là điều khác biệt giữa luật hình sự của thế pháp và luật của Tỳ kheo. Luật hình sự thế pháp vì căn cứ trên quyền lợi bị thiệt hại của sở hữu chủ mà quy định tội trạng; nói cách khác, mục đích của nó là bảo vệ tài sản của sở hữu chủ. Trái lại, luật Tỳ kheo có mục đích bảo vệ bản thể của Tỳ kheo, căn cứ trên mức độ hủy diệt của bản thể này mà định tội, hoặc ba la di, hoặc thây lan giá, hoặc đột kiết la.



- Trong số những người đồng mưu ăn trộm, nửa chừng, có kẻ hối tâm, tư niệm tức động lực của nghiệp đạo trộm bị tiêu diệt, nghĩa là hoàn toàn không còn ý định ăn trộm nữa, thì sự phân biệt tội trạng như vầy:

(a) Nếu hối tâm lúc một kẻ trong đồng bọn đã mó tay vào đối tượng trộm nhưng chưa dời chỗ, phạm thâu lan giá.

(b) Nếu hối tâm trước hành vi mó tay này, đột kiết la. Còn như đối tượng trộm đã bị dời chỗ mới hối tâm, nghĩa là sau đó y không dự phần chia chác nữa, thì vì căn bản của nghiệp đã thành tựu nên chia hay không vẫn phạm ba la di.

- Nếu giữa những kẻ đồng mưu có nhận thức khác nhau trong quá trình tiến hành, mặc dù đồng nhất nhau về tư niệm, nghĩa là cùng có ý định trộm vật đáng tội ba la di như nhau, thì tội trạng được phân như vầy: Với vật có chủ, người nào biết rõ là có chủ, ba la di; người nào tưởng là không có chủ, thâu lan giá. Các yếu tố để thành tội khác cũng theo đây phân biệt.

- Cùng đồng mưu vụ trộm đáng tội ba la di, với sự xác định rõ vật muốn trộm và nơi chốn của vật đó, nhưng khit hực hiện, người lãnh phận sự trộm lại lấy vật khác với dự liệu trước, hay khác chỗ dự liệu trước: người lấy phạm ba la di, người đồng mưu, thâu lan giá.

- Cùng tham dự vụ trộm, nhưng không có tư niệm trộm cắp, nghĩa là không lấy với sự cố ý chiếm làm sở hữu của mình, mà chỉ làm theo sự sai khiến, vì không có động lực của nghiệp đạo là tư niệm ăn cắp và chiếm hữu bất hợp pháp, nên nghiệp đạo trộm không thành tựu, vậy, người bị sai này không phạm các tội hoặc ba la di, hoặc thâu lan giá, hoặc đột kiết la thuộc cắp trộm. Không phạm nghiệp đạo, nhưng phạm ác hành: đột kiết la. Mặt khác, hoặc phạm ba dật đề: vì che giấu thô tội của Tỳ kheo khác.

B. DUYÊN KHỞI:

a. Địa điểm và thời gian chế giới:

Các bộ giống nhau: Phật tại nước Ma Kiệt Đà. Nhưng một số chi tiết khác biệt. Ngũ phần và Tăng kỳ, Phật trú trong thành Vương Xá. Tứ phần: Phật trú trên núi Kỳ Xà Quật. Chi tiết khác cũng cần lưu ý. Ngũ phần: bấy giờ vua của nước Ma Kiệt Đà là A Xà Thế; Tăng kỳ và Tứ phần: Tần Bà Sa La. Tăng kỳ giới bản lại có nói: Phật thành đạo 6 năm, mùa đông, nửa tháng thứ hai, ngày 10, vào buổi chiều khi bóng một người đang ngồi ngả về phía đông dài bằng 2 người rưỡi, Phật kết giới này.

b. Diễn tiến:

Tứ phần: Giới này được kết một lần duy nhất là trọn. Ngũ phần và Tăng kỳ: được kết 2 lần.

- Lần thứ nhất, do trường hợp trưởng lão Đàn Nị Ca (Tứ phần), cũng âm là Đạt Ni Ca (Ngũ phần), hoặc Đạt Nị Già (Tăng kỳ), hoặc Đát Ni Ca (Luật nhiếp). Đàn Nị Ca tự mình cất thất, lấy gỗ của vua Tần Bà Sa La mà không được cho. Nhân đó, Phật kết giới ba la di bất dữ thủ lần thứ nhất, văn như sau:

+ Ngũ phần 1: "Nếu Tỳ kheo trộm 5 tiền trở lên, ba la di, bất cọng trú".

+ Tăng kỳ 2: "Nếu Tỳ kheo lấy vật không cho, ngang số tội trộm, ba la di, bất cọng trú".

Ở đây, cần thêm một phụ chú nhỏ. Văn Hán từ Tăng kỳ dẫn trên, nói bất dữ đạo số thủ… ý nghĩa không rõ. Đạo số, có lẽ dịch sát từ Phạn: caura-samkhyà([27]) "mệnh danh tội ăn trộm". Như vậy, ý nghĩa là: nếu lấy vật không cho dưới mức nào đó không được kể là ăn trộm.

- Lần thứ hai, cả Ngũ phần và Tăng kỳ đều dẫn duyên khởi cho sự tu chỉnh điều luật này như nhau, với một ít chi tiết khác biệt không đáng kể: nguyên do, một Tỳ kheo trộm áo của người giặt bên bờ suối, không thuộc phạm vi tụ lạc, nên tự bào chữa là không phạm điều Phật đã chế. Do đó, Phật kết lại thành văn hoàn chỉnh, như hiện thấy.

ĐIỀU 3. Đoạn nhân mạng:

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, cố ý tự tay mình làm dứt sinh mạng loài người, hoặc cầm dao đưa cho người khác dứt, hoặc khen ngợi sự chết, hoặc khích lệ cho chết, nói rằng: "Ôi này bạn, ích gì đời sống xấu xa ấy. Bạn nên chết đi tốt hơn". Hoặc với tâm ý như vậy, tư duy như vậy, bằng mọi phương tiện, khen ngợi sự chết, khích lệ cho chết. Người kia do thế mà chết, Tỳ kheo ấy là kẻ ba la di, không được sống chung.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Đoạn nhân mạng: làm dứt mạng sống của loài người. Đây chỉ đối tượng giết người để thành tội ba la di. Tứ phần chỉ nêu một cách tổng quát: nhân mạng, Thập tụng: nhược nhân, nhược nhân loại, hoặc người, hoặc loại tợ người. Ngũ phần 2([28]), nhược nhân nhược tợ nhân, và giải thích: "Kể từ bắt đầu thác thai mẹ cho đến 49 ngày sau gọi là tợ nhân. Từ đó về sau, cho đến hết đời, gọi là nhân". Căn bản: nhược nhân nhược nhân thai, với giải thích của Luật nhiếp 3: "Sáu căn đã đầy đủ, gọi là nhân (người). Đã thác thai mẹ, có thân, mạng, ý căn, do đây mà được kể là chủng loại người (Hán: nhân đồng phần); đây gọi là nhân thai (thai loài người). Nam, nữ, bán trạch ca, thể toàn hay bất toàn, đều là đối tượng giết (để thành tội ba la di) ([29]).

+ Cố ý: Hán: cố. Giải thích của Luật nhiếp 3([30]): "Nói cố là muốn nói rõ rằng làm dứt mạng căn người khác một cách không nhầm lẫn". Tức là giết người có chủ ý, chứ không phải ngộ sát.

+ Tự tay.... cầm dao đưa người khác dứt: Văn HánTứ phần: tự thủ đoạn nhân mạngg, trì đao thọ dữ nhân; một số bản chép không có chữ thọ: trao. Ở đây, "cầm dao đưa cho người" gồm ý nghĩa: người muốn chết; bèn đưa phương tiện cho người tự sát; hoặc đưa cho người khác giết người ấy.

Ngũ phần: "Tự mình giết, hoặc đưa dao hay thuốc cho giết" (Văn Hán: nhược tự sát, nhược dữ đao dược sát), cũng gồm cả hai ý nghĩa như vừa nói trên.

Thập tụng: "Tự tay mình giết, hoặc tự mình cầm dao đưa cho", hoặc khiến người khác cầm dao đưa cho (Hán: tự thủ đoạt mạng, nhược tự trì đao dữ, nhược giáo nhân trì đao dữ).

Căn bản: "Tự tay mình giết, hoặc cầm dao đưa cho, hoặc tự mình cầm dao, hoặc tìm người cầm dao", (Hán: tự thủ đoạt kỳ mạng, hoặc trì đao dữ, hoặc tự trì đao, hoặc cầu trì đao giả). Giải thích của Luật nhiếp 3([31]) "Hoặc cầm dao đưa cho, nghĩa là, biết người khác muốn tự sát, bèn mang dao v.v... để bên cạnh. Hoặc tự mình cầm dao: mình không đủ sức, mà chỉ có thể cầm nổi dao, rồi khiến người bên cạnh tiếp tay cho mình giết. Hoặc tìm người khác, khiến họ cầm dao giết". Trong hai phương tiện giết người, bằng thân và bằng lời nói, đoạn văn này nêu phương tiện giết bằng thân.

+ Hoặc khen ngợi sự chết... chết đi tốt hơn: Đây là phương tiện giết người bằng lời nói. Tứ phần: thân dự tử khoái khuyến tử, nghĩa tán thán sự vinh dự của sự chết, hoặc nói những lời dụ dỗ khiến người muốn chết, muốn tự sát. Đoạn văn tiếp theo diễn tả cụ thể cách thức giết người bằng phương tiện của lời nói; ý nói: sống cuộc đời nghèo đói, bịnh tật như vậy thật vô nghĩa, vậy nên tìm phương tiện gì mà chết đi để hưởng được những vinh quang của đời sống sau khi chết.

+ Ngũ phần: hoặc chỉ bảo người giết, hoặc chỉ bảo người tự sát, nói đẹp cho sự chết, khen ngợi sự chết. (Hán: nhược giáo nhân sát, nhược giáo tự sát, dự tử, tán tử). "Chỉ bảo người giết": sai khiến kẻ khác giết người. "Chỉ bảo tự sát": chỉ dẫn các phương tiện để người tự sát.

Hoặc với tâm ý như vậy... khích lệ cho chết:

Tứ phần: tác như thị tâm tư duy([32]).

Ngũ phần: tác thị tâm tùy tâm sát.

Tăng kỳ: tác thị ý, tác thị tưởng.

Thập tụng: tùy bỉ tâm nhạo tử..., tùy theo tâm muốn chết của người ấy, bèn chỉ dẫn cho bằng các cách tự sát khác nhau, như bảo tự thắt cổ, tự uống thuốc độc, tự nhảy xuống vực v.v...

Giải thoát: tùy bỉ sở dục tâm sở ức niệm..., tùy theo tâm mong muốn, theo điều suy nghĩ của người ấy. Ý nghĩa như Thập tụng.

Căn bản: tùy tự tâm niệm dĩ dư ngôn thuyết, "tùy theo tâm niệm của mình, bằng các phương tiện ngôn thuyết khác nhau...". Giải thích của Luật nhiếp 3: "Tùy tự tâm niệm, là với ý nghĩ: "Ta hãy khuyên người ấy rằng nếu chết nó sẽ hưởng sự phước đức".

Toàn đoạn văn này nói đến sự giết người bằng cách dụ dỗ và chỉ bày phương tiện. Đây là điểm được nhấn mạnh hơn hết trong văn của giới điều này. Ý nghĩa quan trọng của nó là đề cập loại giết người bằng tín ngưỡng tôn giáo. Mặc dầu trong tất cả Quảng luật của các bộ phái không hề đề cập gì đến loại tín ngưỡng này, nhưng đại biểu của nó có thể tìm thấy qua lối suy nghĩ của một người giả danh sa môn là Lộc Trượng. Theo giải thích của Thiện kiến 10 ([33]), Lộc Trượng là tên riêng ([34]). Y giả dạng làm sa môn, cạo tóc và lưu lại một ít trên đỉnh; khoác y hoại sắc, một cái để vấn vào mình, một cái để trên vai, sống dựa vào các tự viện, lượm đồ ăn dư của các Tỳ kheo khác mà ăn. Theo sự ghi chép của các bộ, với một vài chi tiết khác biệt, nhưng đại thể tương đồng, thì Lộc Trượng sa môn này sau khi hạ sát một Tỳ kheo chán đời theo yêu cầu của vị ấy, y đi đến bên bờ sông để rửa con dao vấy máu ([35]). Bấy giờ, một niềm hối hận nổi dậy trong y. Nhưng ngay lúc ấy, ác ma hiện đến, ca ngợi y rằng sự giết người như vậy là một việc làm phước đức to lớn, vì đã giải thoát cho những ai muốn giải thoát. Sự kiện này phản ảnh tư tưởng coi thân xác là ngục tù đày đọa. Con đường giải thoát là hủy diệt nó bằng cách tự sát, hoặc nhờ người khác giết hộ. Sau cái chết là một đời sống vinh quang được hứa hẹn. Đây là hậu quả khắc nghiệt của chế độ đẳng cấp, trong đó, những kẻ tiện dân, sống cuộc đời nô lệ hơn cả súc vật; không có tương lai đẹp đẽ nào chờ đợi họ trong đời sống hiện tại. Trong điều kiện ấy, tin tưởng rằng tự hủy là con đường giải thoát, như là biện pháp duy nhất đối với họ. Luật Tăng kỳ([36]) chép một số các Tỳ kheo đã truyền bá loại tư tưởng này. Tăng nhất a hàm 19([37]) có chép trường hợp bi đát của tôn giả Bà Ca Lê. Do bịnh khổ dày vò không chịu đựng nổi, đã yêu cầu người đưa dao cho mình tự sát, với ý nghĩ rằng, trong các đệ tử của Đức Thích Tôn, người đã chứng Tín giải thoát không ai hơn mình, thế mà mình không giải thoát khỏi hữu lậu tâm, vậy ích gì với đời sống này. Trong niềm tuyệt vọng ấy, tôn giả cầm dao tự sát. Ngay trong giây phút ấy, tư tưởng của tôn giả xoay chiều, nghĩ rằng: làm như vậy là sai lầm, vì trong giáo pháp của Như Lai đã không thể tự mình thủ chứng lại đi tìm giải thoát bằng cái chết. Cũng chính trong lúc ấy, tôn giả trực nhận tất cả ý nghĩa vô thường, sinh diệt của năm uẩn, và với sự chứng ngộ cuối cùng này, tôn giả chứng A la hán và nhập Vô dư Niết bàn.

Trong thời Đức Thích Tôn, tư tưởng cho rằng giết người không tội lỗi gì cả cũng được chủ trương bởi một trong 6 phái mà kinh điển Phật gọi chung là các tà mạng ngoại đạo. Đó là tư tưởng của Ba Phù Ca Chiên Diên([38]). Tư tưởng này nói: có 7 thân là đất, nước, lửa, gió, khổ, lạc và mạng tức linh hồn. Ở đây, không có người giết, không có người bị giết. Khi dùng kiếm chặt đầu một người, thì lưỡi kiếm chỉ đi qua giữa 7 thân ấy mà thôi.

Với các loại tư tưởng như thế, tự sát và giết người không phải là tội lỗi trên quan điểm tôn giáo, trái lại, với các hành vi bạo hành ấy, người ta còn được hứa hẹn một đời sống tươi đẹp trong đời sau.

Tư tưởng giết người theo tà kiến như vậy thật sự đã có tác động ít nhiều trong hàng ngũ Tỳ kheo. Các bộ phái đều ghi chép rằng, một số lớn Tỳ kheo ở Tỳ Da Ly, do tu tập bất tịnh quán, phát sinh tư tưởng ghê tởm đối với thân thể đến độ không thể chịu đựng, bèn tìm cách tự sát. Những người không đủ sức tự sát thì nhờ tay Lộc Trượng sa môn.

Như vậy, điều học ba la di thứ ba này, ngoài sự kiện nó là một tội phạm ở mức cực trọng, còn có ý nghĩa ngăn chặn tư tưởng bạo hành và tà kiến, vốn là một trong các nét đặc biệt trong nhiều loại tín ngưỡng phức tạp của nền tôn giáo Ấn Độ thời Đức Phật.

Người ấy do thế mà chết. - Người tự sát hoặc bị giết đã thật sự chết vì các phương tiện khác nhau của thân và ngữ như đã nói trên. - Nguyên văn Hán của Tứ phần giới bản, cả hai bản A và B, đều không có câu này. Tất cả các bộ khác đều có ghi rõ, nên ở đây thêm vào cho đủ ý nghĩa. Có lẽ Tứ phần giới bản do thoát lạc bởi các người sao chép về sau([39]).

2. PHẠM TƯỚNG:

a. Ba la di, hội đủ các yếu tố:

1) Bản thể Tỳ kheo chưa mất, như các điều trước.

2) Có tư niệm sát.

3) Đối tượng là loài người, và thai người, chứ không phải các loài khác, và biết rõ như vậy.

4) Tiến hành giết bằng các phương tiện của thân, hoặc ngữ.

5) Giết đúng đối tượng, không nhầm lẫn.

6) Người đã chết do các phương tiện ấy.

b. Thâu lan giá, nếu các yếu tố để thành ba la di không trọn:

- Đối tượng muốn giết là 8 bộ quỷ thần, hoặc súc sanh biến hiện làm hình dáng người.

- Thật loài người, nhưng còn ngờ không xác định, và các loại biến hình.

- Giết không đúng đối tượng muốn giết.

- Đã gây thương tích trên thân thể đối tượng, nhưng không chết.

c. Đột kiết la:

- Giết 8 bộ quỷ thần, hoặc súc sanh biến hóa, nhưng không chết.

- Thật loài người nhưng còn ngờ, giết mà không chết.

- Hoàn toàn không bị thương tích gì do các phương tiện giết người của mình đặt ra.

d. Không phạm:

- Ngộ sát, không có tâm sát hại.

- Cuồng si, tâm loạn v.v... như các giới trước([40]).

e. Linh tinh:

- Giết súc sanh không có khả năng biến hóa: ba dật đề.

- Phá thai: thai nhi chết: ba la di. Thai nhi sống, mẹ chết: thâu lan giá.

- Tự đoạn âm: thâu lan giá.

- Tự chặt một ngón tay: đột kiết la.

3. DUYÊN KHỞI:

a. Địa điểm và thời gian: - Các bộ đồng nhất: Phật trú tại Tỳ Da Ly. Riêng Tăng kỳ 4 có thêm chi tiết thời gian: Phật tại Tỳ Xá Li, thành đạo năm thứ 6, mùa đông, nửa tháng thứ ba, ngày 9, trước bữa ăn trưa, bóng một người đang ngồi ngả về phía Bắc dài bằng 1 người rưỡi, nhân một số Tỳ kheo nuôi bịnh khuyến khích người bịnh tự sát, và nhân Lộc Trượng ngoại đạo giết các Tỳ kheo tu tập sai lầm về bất tịnh quán, Phật chế giới này.

b. Diễn tiến kết giới. - Tứ phần, Thập tụng và Căn bản: Phật kết một lần là trọn đủ. Chi tiết, Tứ phần 2: một số đông các Tỳ kheo tu tập quán bất tịnh một cách sai lầm, sinh tâm nhàm tởm, ghê sợ thân xác hôi thối của mình, tìm cách tự sát. Theo yêu cầu của một số lớn, Lộc Trượng sa môn (Hán âm: Vật lực già nan đề Tỳ kheo; nói Tỳ kheo, có lẽ dịch giả của Tứ phần hiểu sai sinh hoạt của gã sát nhân này) hàng ngày giết Tỳ kheo và lấy y bát của họ. Có ngày y giết đến 60 mạng. Theo tổng kê của Thiện kiến 10, con số Tỳ kheo hoặc tự sát hoặc do Lộc Trượng giết tất cả là 500.

Theo Ngũ phần 2, giới này được kết 5 lần:

I. Do trường hợp các Tỳ kheo tu bất tịnh quán sai lầm, và hành vi giết người của Lộc Trượng (đây âm: Di lân chiên đà la). Phật kết giới với lời văn: "Tỳ kheo nào tự tay mình giết người, làm dứt mạng sống của người, Tỳ kheo ấy ba la di, bất cọng trú".

ii. Một Tỳ kheo nuôi bịnh đưa dao cho người bịnh tự sát. Phật bổ túc văn kết giới: "Tỳ kheo nào tự mình làm dứt mạng sống loài người, hoặc cầm dao đưa cho, phạm ba la di, bất cọng trú".

iii. Một Tỳ kheo nuôi bịnh, theo yêu cầu của người bịnh, đi tìm một thợ săn đến để giúp Tỳ kheo bịnh được giải thoát. Phật bổ túc: "Tỳ kheo nào tự mình giết người, hoặc chỉ bảo người khác giết người, phạm ba la di, bất cọng trú".

iv. Một Tỳ kheo nuôi bịnh, khuyên bịnh tự sát để sớm được hưởng quả báo tốt đẹp do sự tu hành của mình. Phật bổ túc văn giới: "Tỳ kheo nào tự tay giết người (...)([41]), hoặc chỉ bảo người tự sát, phạm ba la di, bất cọng trú".

v. Một số Tỳ kheo khuyên người bịnh tự sát; số khác khuyên những bạch y bị nạn giặc cướp mà gia đình ly tán, tang tóc, đau khổ, khuyên họ nên tự sát để sanh thiên do công đức bố thí tu phước.

Phật kết lại giới; với văn nghĩa trọn đủ như đã được kết tập.

Theo Tăng kỳ 4, giới này được Phật kết qua bốn lần.

i. Một Tỳ kheo nuôi bịnh, theo yêu cầu của bịnh nhân, đã tự tay kết liễu mạng sống người bịnh. Phật kết giới: "Tỳ kheo nào tự tay đoạn mạng căn loài người, Tỳ kheo ấy là kẻ ba la di, bất cọng trú".

ii. Một Tỳ kheo bịnh quá lâu ngày, không muốn sống nữa, yêu cầu Tỳ kheo nuôi bịnh kết liễu đời mình hộ. Tỳ kheo nuôi bịnh không dám tự tay mình giết, bèn đi tìm Lộc Trượng ngoại đạo đến kết liễu. Phật kết lại giới văn: "Tỳ kheo nào tự tay đoạn mạng người, hoặc đi tìm người cầm dao đến khiến đoạn mạng người, Tỳ kheo ấy phạm ba la di, bất cọng trú".

iii. Một Tỳ kheo bịnh lâu ngày, yêu cầu Tỳ kheo nuôi bịnh kết liễu đời mình hộ, hoặc tìm người khác đến kết liẽu hộ. Tỳ kheo nuôi bịnh không dám làm theo yêu cầu vì Phật đã chế giới, nhưng chỉ dẫn: thiếu gì cách tự tử, như uống thuốc độc, tự thắt cổ, nhảy vào lửa v.v... Nói xong lánh đi, và Tỳ kheo bịnh tự sát theo chỉ dẫn ấy. Phật kết lại giới văn: "Tỳ kheo nào tự tay đoạn mạng người, hoặc tìm người cầm dao đến giết, hoặc chỉ bảo cách chết, khen ngợi sự chết, Tỳ kheo ấy phạm ba la di, bất cọng trú".

iv. Do trường hợp các Tỳ kheo tu bất tịnh quán và việc giết người của Lộc Trượng ngoại đạo, như các bộ khác. Phật kết lại giới văn hoàn chỉnh như sau: "Tỳ kheo nào tự tay đoạn mạng người, hoặc tìm người cầm dao đến giết, hoặc chỉ bảo chết, hoặc khen ngợi sự chết, nói rằng: "Này bạn, ích gì đời sống xấu xa này. Bạn hãy chết đi tốt hơn". Với ý như vậy, với tưởng như vậy, bằng các phương tiện, khen ngợi sự chết, khích lệ cho người ấy chết. Người ấy chết vì nhân duyên ấy chứ không phải khác, Tỳ kheo ấy phạm ba la di, bất cọng trú".

ĐIỀU 4. Đại vọng ngữ.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, thật sự không chứng ngộ, mà tự mình tuyên bố rằng: "Tôi đã chứng đắc pháp của bậc thượng nhân; tôi đã chứng nhập pháp thù thắng của thánh trí. Tôi biết pháp này. Tôi thấy pháp này". Vị ấy, vào lúc khác, bị người cật vấn hoặc không bị cật vấn, muốn cho mình được thanh tịnh, nói như vầy: "Tôi thật sự không biết, không thấy, nhưng đã nói là có biết có thấy. Đó là lời nói hư dối". N goại trừ tăng thượng mạn, Tỳ kheo ấy là kẻ ba la di, không được sống chung.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Đại vọng ngữ, nói dối trong mức độ nghiêm trọng; phân biệt với tiểu vọng ngữ thuộc tội phạm ba dật đề.

+ Thật sự không chứng ngộ, Hán, Tứ phần: thật vô sở tri "không có sở tri chân thật". Ngũ phần: bất tri bất kiến, "không biết, không thấy". Tăng kỳ: vị tri vị kiến, "không biết, không thấy". Tăng kỳ: vị tri vị kiến, "chưa biết chưa thấy". Căn bản: thật vô tri, vô biến tri, tự tri bất đắc..., thật sự không biết, không thấu triệt, tự biết mình chưa chứng đắc... "Giải thích của Luật nhiếp 3: vô tri, nghĩa là, đối với cảnh sở tri (nói cụ thể: đối với 5 thủ uẩn) không hiểu rõ các đặc tính vô thường, đáng nhàm tởm v.v... Vô biến tri, với cảnh sở tri mang tính vô thường v.v... nói trên chưa quán sát tường tận; đối với lẽ hữu và phi hữu không biết rõ như thạt mà lại khởi lên kiến giải tà vạy một cách sai lầm rồi tuyên bố những điều phi pháp. Lại nữa, vô tri, nghĩa là chưa hề biết rõ pháp của bậc thượng nhân. Vô biến tri, không hiểu biết toàn diện pháp ngũ uẩn. Tự tri bất đắc, biết rõ mình chưa tự thân chứng đắc.

+ Pháp của bậc thượng nhân, Ngũ phần, Tăng kỳ và Thập tụng: quá nhân pháp. - Tứ phần, Căn bản: thượng nhân pháp. - Giải thích của Tứ phần 2: Pháp thuộc về người (Hán: nhân pháp) là các uẩn, xứ và giới thuộc phạm vi con người (tức thuộc phàm phu). Thượng nhân pháp là các pháp có khả năng đưa đến xuất ly (nghĩa là dẫn đến Niết bàn). "Ngũ phần 2: Tất cả pháp đưa đến sự xuất ly, gồm các thiền, giải thoát, tam muội, chánh thọ, các quả thuộc Thánh đạo. Đây gọi là quá nhân pháp".

+ Pháp thù thắng của thánh trí, Hán; Tứ phần: Thánh trí thắng pháp. Thánh trí ở đây chỉ chung 10 vô lậu trí, gồm pháp trí, v.v… cho đến tận trí, vô sanh trí. – Căn bản: tịch tĩnh Thánh giả thù thắng chứng ngộ. Giải thích của Luật nhiếp 3: tịch tĩnh, vì là tối diệu. Thánh giả, chỉ bậc đã tránh xa các pháp ác bất thiện. Thù thắng chứng ngộ, vì do sức lực và sự thông minh mà đạt được. Hoặc giải thích cách khác: tịch tĩnh chỉ Niết bàn. Thù thắng chứng ngộ, chỉ bốn Thánh quả. – Luật Căn bản có thêm chi tiết: tri kiến an lạc trú, và được Luật nhiếp giải thích: tri kiến, chỉ khổ pháp nhẫn, khổ pháp trí, cho đến đạo loại nhẫn, đạo loại trí. An lạc trú, tức an lạc trú trong các công đức do các trình độ thiền định đưa đến.

Ngũ phần và Thập tụng nói: Thánh lợi mãn túc, "thành tựu trọn vẹn cứu cánh của bậc Thánh". Ngũ phần giải thích: "Đã hoàn tất, đã trọn đủ, không còn gì phải cầu học thêm nữa".

+ Tăng thượng mạn: Chưa chứng đắc nhưng tưởng lầm là đã chứng đắc.

2. PHẠM TƯỚNG:

a. Ba la di, nếu hội đủ 7 yếu tố:

1) Bản thể Tỳ kheo chưa mất.

2) Nói trước loài người và biết rõ đó là người.

3) Nội dung nói là pháp Thượng nhân.

4) Biết rõ đó là pháp Thượng nhân.

5) Cố ý nói dối, vì tham cầu lợi dưỡng các thứ.

6) Đã nói thành lời.

7) Người nghe hiểu rõ nội dung mình muốn nói.

b. Thâu lan giá, các yếu tố ba la di không trọn:

- Đối tượng nói là 8 bộ quỷ thần, súc sanh biến hình, mặc dù chúng có thể nghe và hiểu.

- Đối tượng mà mình nghi ngờ là loài người.

- Đối tượng thật sự là người nhưng tưởng không phải là người.

- Chỗ có người tưởng là không có người, và ngược lại.

- Người khác đã nghe, nhưng không hiểu điều mình nói.

c. Đột kiết la, không hội đủ yếu tố thâu lan giá:

- Đối tượng không phải là người, chúng nghe nhưng không hiểu.

- Đối tượng nghi ngờ là người, nghe nhưng không hiểu.

d. Không phạm:

- Tưởng là mình, thật chứng. Nói chung, nếu hiểu sao nói vậy – tâm khẩu nhất như – thì không thành nói dối.

3. DUYÊN KHỞI:

a. Địa điểm và thời gian – Ngũ phần, Tứ phần, Căn bản: Phật tại Tỳ Xá Ly. Tăng kỳ, Phật tại Xá Vệ. Thập tụng: Phật tại Câu Tát La (thủ phủ của Câu Tát La là thành Xá Vệ). Tăng kỳ thêm chi tiết: Phật tại Xá Vệ, thành đạo năm thứ 6, mùa đông, nửa tháng thứ tư, ngày 13, vào xế chiều, khi bóng một người đang ngồi ngả về phía Đông dài bằng 2 người rưỡi.

b. Diễn tiến: Giới này được kết qua hai giai đoạn.

i. Một số Tỳ kheo, vì tham cầu lợi dưỡng, bịa đặt chuyện mình đã chứng ngộ các pháp Thượng nhân, để mong được sự cung kính và lợi dưỡng từ các bạch y. Phật kết giới đại vọng ngữ.

ii. Có Tỳ kheo sống tại a lan nhã, các phiền não vì thiếu duyên nên không khởi, vị ấy tưởng là mình đã đắc đạo quả, nên tuyên bố với các Tỳ kheo khác. Về sau, đi vào các tụ lạc, do đủ duyên, các phiền não phát kởi, hoặc nghe các Tỳ kheo có trí giảng về các hình thái của đạo quả, báy giờ tự biết mình chưa chứng đắc gì cả. Do đó, Phật bổ túc giới văn, nói thêm là trừ tăng thượng mạn.

III. KẾT THUYẾT:

1. TRỊ PHẠT:

A. CHÁNH VĂN:

Các Đại đức, tôi đã tụng xong bốn pháp ba la di. Tỳ kheo nào phạm bất cứ một pháp nào không còn được sống chung với các Tỳ kheo. Cũng như trước kia, sau khi phạm cũng vậy, Tỳ kheo ấy là kẻ ba la di, không được sống chung.

B. LƯỢC GIẢI:

+ Không được sống chung với các Tỳ kheo: Hán: bất đắc dữ chư Tỳ kheo cọng trú. Tức không còn được sinh hoạt chung với các Tỳ kheo như: không được cùng thuyết giới, cùng yết ma, cùng hưởng các lợi dưỡng. Nói chung, không còn được kể là Tỳ kheo, cho nên, không có các nghĩa vụ cũng như quyền lợi của Tỳ kheo.

+ Cũng như trước kia, sau khi phạm cũng vậy: Trước kia, chỉ trước khi thọ giới Cụ túc, nghĩa là lúc đang còn là cư sĩ, chưa đắc giới để thành Tỳ kheo. Sau khi phạm giới, người ấy trở lại làm bạch y như trước. Những điều mà Tỳ kheo không được phép nói hay làm với người bạch y, thì cũng vậy, không được nói hay làm với người đã phạm ba la di. Các điều cấm này được quy định rải rác trong thiên ba dật dề, sẽ thấy ở Chương V ở sau. Riêng về các yết ma trị phạt liên hệ đến pháp ba la di, như yết ma diệt tẩn, dữ học pháp, cũng sẽ được nói trong phần ba ở sau.

2. KẾT VẤN:

Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.




CHÚ THÍCH

[1] Phạn: brahman, do gốc động từ BRïH

[2] Phạn: brahmancàrya

[3] Đại 22, tr. 1015c

[4] Đại 22, tr. 1023b

[5] Đại 22, tr. 571a-b

[6] Đại 22, tr. 4b

[7] Đại 22, tr. 1222a

[8] Đại 23, tr. 2a

[9] Đại 23, tr. 629c

[10] Đại 24, tr. 532a. Pàli: bhikkhùnamï sûikkhàsàjìvasamàphnno, " đã thành tựu học xứ và đời sống của các Tỳ kheo kheo".

[11] Xem Câu xá 15

[12] Đại 2, tr. 702

[13] Pàli: dubbalyamï anàvikatvà, "không tuyên bố sự kém của mình".

[14] Đại 24, tr. 533b

[15] Nghĩa là, đã đắc giới cụ túc nhưng chưa xả giới. Đây là yếu tố cơ bản cho tất cả 250 học xứ của Tỳ kheo kheo.

[16] Sudinna (Pàli)

[17] Pàli: Kalandaka

[18] Đại 22, tr. 573b

[19] Đại 22, tr. 244a

[20] Đại 24, tr.729c

[21] Đại 22, tr. 242b

[22] Nam truyền 1, tr. 76

[23] Giẩi thích của Vibhanõga, Pàr.ii. 47 (Vin.iii. 47): haneyyumï và ti hatthena và pàdena và kasàya và vettena và chejjàya và haneyyumï, "gây tổ hại, hoặc bằng tay, hoặc bằng chân, hoặc bằng roi, hoặc bằng hèo, hoặc bằng gây, hoặc tra khảo". – Th.c., Nam truyền 1, tr. 76 B.D.I., tr. 75

[24] Cũng nên thêm một bằng chứng khác, Hữu bộ Tỳ bà sa 5 (Đại 23, tr. 537c), giải thích ni tát kỳ ba dật đề 25: (…) Tỳ kheo giựt y từ Tỳ kheo khác (…) tính theo giá tiền mà định tội. – Luật nhiếp 7 (Đại 24, tr. 563b), thêm chi tiết: có thể thành tội ba la di. Tổng hợp hai giải thích này: nếu chiếm đoạt y của Tỳ kheo khác, mà y ấy có giá trị từ 5 ma sa trở lên, có thể phạm tội ba la di. Cố nhiên, ăn cắp hay giựt một chiếc y, bất cứ trong trường hợp nào, khó có thể bị khép tội tử hình. Cho nên, cần kết luận dứt khoát rằng, 5 ma sa không phải là giá trị để định mức tội tử hình.

[25] Chi tiết, xem phần lược giải và ch.t. 15, điều 1 trên.

[26] Các yếu tố này chung cho tất cả 250 giới. Yếu tố trước khi Phật chế giới, là hiệu lực bất hồi tố, các trường hợp điên cuồng, v.v… là các trường hợp miễn thứ, vì lý do vô cố.

[27] Đạo số, phù hợp với Pàli: theyya-samkhàtam, dịch tiếng Anh của Vin. Texts i, tr. 4: What men call "thieft". Điều mà mọi người gọi là sử ăn trộm.

[28] Đại 22, T1, tr. 8b

[29] Đại 24, tr. 573c

[30] Đại 24, tr. 573c

[31] Đại 24, tr. 573c

[32] Pàli: ìti cittamano cittsamïkappo, "Như vậy, tâm ý, tâm tư duy". Giải thích của Vibhabga (Vin. Iii. 74) iti cittamano ti yamï cittamï tamï mano, yamï mano tamï cittamï, "tâm như thế nào, ý như thế ấy ; ý như thế nào, tâm như thế ấy" – Và tiếp theo cittsamïkappo iti maranïasanõnõi maranïa cetano maranàdhippàyo, "tâm tư duy, nghĩa là, có ý tưởng về sự chết, có tư niệm về sự chết, có hy vọng về sự chết."

[33] Đại 24, tr. 741c

[34] Pàli: migalanïdira ; Phạn: mrïgadandika ; Tứ phần: vật lực già nan đề.

[35] Thập tụng: sông Bạt cầu ma. Pàli: Vaggumudà; B.D.i, tr. 118, ct.1, dẫn luật số: con sông được mọi người coi là khả ái, được tưởng thưởng cho phước báo. Lộc Tượng đi đến đó, và nói: "tại đây, ta sẽ rửa sạch tội ác này".

[36] Đại 22, tr. 253c, và tiếp.

[37] Đại 2, tr. 642c.

[38] Pàli: Pakudha kaccàyana.

[39] Bản văn Pàli cũng thiếu như Tứ phần.

[40] Xem ct.9 điều 2 trên.

[41] Các chấm trong ngoặc: nghi là nguyên văn còn có một đoạn sót.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]