Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần [15]

22/04/201317:59(Xem: 4474)
Phần [15]


Tạng Luật
Vinaya Pitaka

Tiểu Phẩm
Cullavagga

Tỳ kheo Indachanda Nguyệt Thiêndịch

----oOo----

X. Chương Tỷ-Kheo Ni (Bhikkhunīkhandhakaṃ)

[513] Vào lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự ở lãnh thổ của giòng Thích Ca (Sākya) trong thành Kapilavatthu, tu viện Nigrodha. Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay nếu người nữ được phép rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Gotamī, đủ rồi, chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Lần thứ nhì, …(như trên)…

Lần thứ ba, bà Mahāpajāpati Gotamī đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay nếu người nữ được phép rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Gotamī, đủ rồi, chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī (nghĩ rằng): "Đức Thế Tôn không cho phép việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố," trở nên khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, vừa khóc lóc, vừa đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

[514] Sau khi ngự tại thành Kapilavatthu theo như ý thích, đức Thế Tôn đã du hành đi về Vesālī. Tuần tự du hành, ngài đã ngự đến Vesālī. Ở nơi ấy, trong thành Vesālī, đức Thế Tôn ngự tại khu Đại Lâm (Mahāvana), giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nhờ người cạo tóc, khoác y phục màu ca-sa cùng với nhiều công nương giòng Sākya đi đến Vesālī, tuần tự đã đi đến Vesālī, khu Đại Lâm (Mahāvana), giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đang đứng khóc lóc ở bên ngoài cánh cửa của cổng ra vào. Đại đức Ānanda đã thấy bà Mahāpajāpati Gotamī với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đang đứng khóc lóc ở bên ngoài cánh cửa của cổng ra vào. Thấy vậy, đại đức đã nói với bà Mahāpajāpati Gotamī điều này:

- Này bà Gotamī, tại sao bà lại có hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đang đứng khóc lóc ở bên ngoài cánh cửa của cổng ra vào?

- Bạch ngài Ānanda, bởi vì chuyện như thế này: Đức Thế Tôn không chấp thuận việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này bà Gotamī, nếu vì chuyện đó thì hãy ở đây trong chốc lát để tôi cầu xin đức Thế Tôn chấp thuận việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

[515] Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đang đứng khóc lóc ở bên ngoài cánh cửa của cổng ra vào (nghĩ rằng): "Đức Thế Tôn không cho phép việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố." Bạch ngài, tốt đẹp thay nếu người nữ được phép rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Ānanda, đủ rồi, chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Lần thứ nhì, đại đức Ānanda đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay nếu người nữ được phép rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Ānanda, đủ rồi, chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Lần thứ ba, đại đức Ānanda đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay nếu người nữ được phép rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Ānanda, đủ rồi, chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Khi ấy, đại đức Ānanda (nghĩ rằng): "Đức Thế Tôn không cho phép việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố; như vậy ta nên cầu xin đức Thế Tôn việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố bằng một phương thức khác." Rồi đại đức Ānanda đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, người nữ có thể chứng đạt quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, hoặc quả vị A La Hán hay không?

- Này Ānanda, sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, người nữ có thể chứng đạt quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, hoặc quả vị A La Hán.

- Bạch ngài, nếu người nữ sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, có thể chứng đạt quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, ngay cả quả vị A La Hán nữa; như vậy bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī đã làm nhiều công đức đối với Thế Tôn, là dì ruột, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng, là người cho sữa, bà đã cho đức Thế Tôn bú sữa khi người mẹ ruột qua đời; thật tốt đẹp thay, bạch ngài, nếu người nữ được phép rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

[516] Này Ānanda, nếu Mahāpajāpati Gotamī thọ trì tám Trọng Pháp thì chính điều ấy là sự tu lên bậc trên đối với bà:

- Tỷ-kheo ni đã tu lên bậc trên được một trăm năm nên thực hành phận sự thích hợp là sự đảnh lễ, đứng dậy chào, chắp tay đến vị tỷ-kheo vừa tu lên bậc trên vào ngày hôm ấy. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

- Tỷ-kheo ni không được an cư mùa mưa ở trú xứ không có tỷ-kheo. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

- Tỷ-kheo ni vào mỗi nữa tháng nên mong mỏi hai việc từ hội chúng tỷ-kheo: việc hỏi ngày Uposatha và việc đi đến (để nghe) giáo giới. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

- Tỷ-kheo ni sau khi mãn mùa an cư nên yêu cầu [*] ở cả hai hội chúng dựa trên ba yếu tố: hoặc do thấy, hoặc do nghe, hoặc vì nghi ngờ. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

[*] Phận sự thực hành trong lễ Tự Tứ - Pavāranā sau khi an cư mùa mưa (Chú thích của người dịch).

- Tỷ-kheo ni vi phạm giới nghiêm trọng nên thực hành hành phạt mānattanữa tháng ở cả hai hội chúng. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

- Vị ni tập sự (sikkhamānā) cần rèn luyện sáu pháp trong hai năm và nên cầu xin sự tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

- Tỷ-kheo ni không vì bất cứ nguyên do gì được phép mắng chửi hoặc gièm pha tỷ-kheo. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

- Kể từ hôm nay, việc khuyên bảo của các tỷ-kheo ni đến các tỷ-kheo bị ngăn cấm, việc khuyên bảo của các tỷ-kheo đến các tỷ-kheo ni không bị ngăn cấm. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Này Ānanda, nếu Mahāpajāpati Gotamī thọ trì tám Trọng Pháp này thì chính điều ấy là sự tu lên bậc trên đối với bà.

[517] Khi ấy, đại đức Ānanda đã học tám Trọng Pháp từ đức Thế Tôn rồi đi đến gặp Mahāpajāpati Gotamī, sau khi đến đã nói với Mahāpajāpati Gotamī điều này:

- Này bà Gotamī, nếu bà có thể thọ trì tám Trọng Pháp thì chính điều ấy sẽ là pháp tu lên bậc trên đối với bà:

Tỷ-kheo ni đã tu lên bậc trên được một trăm năm nên thực hành phận sự thích hợp là sự đảnh lễ, đứng dậy chào, chắp tay đến vị tỷ-kheo vừa tu lên bậc trên vào ngày hôm ấy. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỷ-kheo ni không được an cư mùa mưa ở trú xứ không có tỷ-kheo. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỷ-kheo ni vào mỗi nữa tháng nên mong mỏi hai việc từ hội chúng tỷ-kheo: việc hỏi ngày Uposatha và việc đi đến (để nghe) giáo giới. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỷ-kheo ni sau khi mãn mùa an cư nên yêu cầu ở cả hai hội chúng dựa trên ba yếu tố: hoặc do thấy, hoặc do nghe, hoặc vì nghi ngờ. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỷ-kheo ni vi phạm giới nghiêm trọng nên thực hành mānattanữa tháng ở cả hai hội chúng. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Vị ni tập sự (sikkhamānā) cần rèn luyện sáu pháp trong hai năm và nên cầu xin sự tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỷ-kheo ni không vì bất cứ nguyên do gì được phép mắng chửi hoặc gièm pha tỷ-kheo. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Kể từ hôm nay, việc khuyên bảo của các tỷ-kheo ni đến các tỷ-kheo bị ngăn cấm, việc khuyên bảo của các tỷ-kheo đến các tỷ-kheo ni không bị ngăn cấm. Pháp này cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Này bà Gotamī, nếu bà có thể thọ trì tám Trọng Pháp này thì chính điều ấy sẽ là pháp tu lên bậc trên đối với bà.

- Bạch đại đức Ānanda, cũng giống như một người nữ hoặc người nam còn trẻ, ở tuổi thanh niên, ưa thích trang điểm, vừa mới gội đầu, có được tràng hoa sen, hoặc tràng hoa nhài, hoặc tràng hoa đủ loại, thường thọ lãnh bằng hai tay và đặt lên ở đỉnh đầu; cũng tương tợ như vậy, bạch đại đức Ānanda, tôi sẽ thọ trì tám Trọng Pháp này cho đến trọn đời không vi phạm.

[518] Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī đã thọ trì tám Trọng Pháp; như vậy người dì của đức Thế Tôn đã được tu lên bậc trên.

- Này Ānanda, nếu nữ nhân không được phép rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, phạm hạnh này sẽ được tồn tại lâu dài, Thánh Pháp (saddhamma) có thể tồn tại một ngàn năm. Này Ānanda, bởi vì nữ nhân được phép rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, nay phạm hạnh sẽ không được tồn tại lâu dài, này Ānanda, nay Thánh Pháp sẽ tồn tại chỉ có năm trăm năm.

Này Ānanda, cũng giống như những gia đình có nhiều người nữ, ít người nam thường dễ bị các kẻ cướp, các kẻ trộm đột nhập; cũng tương tợ như thế, này Ānanda, trong Pháp và Luật mà nữ nhân được phép rời nhà xuất gia sống không nhà, thì phạm hạnh không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như một thửa ruộng lúa đang phát triển có loại bệnh gọi là mốc trắng xuất hiện, như thế thì ruộng lúa ấy không tồn tại lâu dài; cũng tương tợ như thế, này Ānanda, trong Pháp và Luật mà nữ nhân được phép rời nhà xuất gia sống không nhà, thì phạm hạnh không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như một ruộng mía đường đang phát triển có loại bệnh gọi là rệp cây xuất hiện, như thế thì ruộng mía ấy không tồn tại lâu dài; cũng tương tợ như thế, này Ānanda, trong Pháp và Luật mà nữ nhân được phép rời nhà xuất gia sống không nhà, thì phạm hạnh không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như một người đàn ông lo xa nên củng cố bờ đê của một cái hồ lớn để nước không tràn ra được; cũng tương tợ như thế, này Ānanda, theo như cách ấy tám Trọng Pháp của các tỷ-kheo ni đã được ta quy định, không được vi phạm cho đến trọn đời.

Dứt Tám Trọng Pháp của các tỷ-kheo ni.

[519] Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con thực hành như thế nào đối với các công nương giòng Sākya này?

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Mahāpajāpati Gotamī bằng bài Pháp thoại. Và bà Mahāpajāpati Gotamī sau khi được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự việc ấy đã thuyết Pháp thoại và bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo được ban phép tu lên bậc trên đến các tỷ-kheo ni.

[520] Sau đó, các tỷ-kheo ni ấy đã nói với bà Mahāpajāpati Gotamī điều này:

- Bà chưa được tu lên bậc trên, và chính chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: "Các tỷ-kheo được ban phép tu lên bậc trên đến các tỷ-kheo ni."

Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đại đức Ānanda điều này:

- Bạch đại đức Ānanda, các tỷ-kheo ni này đã nói với tôi như vầy: "Bà chưa được tu lên bậc trên, và chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: ‘Các tỷ-kheo được ban phép tu lên bậc trên đến các tỷ-kheo ni’."

Khi ấy, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī nói như vầy: "Bạch đại đức Ānanda, các tỷ-kheo ni này đã nói với tôi như vầy: ‘Bà chưa được tu lên bậc trên, và chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: ‘Các tỷ-kheo được ban phép tu lên bậc trên đến các tỷ-kheo ni’."

- Này Ānanda, kể từ lúc bà Mahāpajāpati Gotamī thọ trì tám Trọng Pháp, chính điều ấy là đã được tu lên bậc trên đối với bà.

[521] Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đại đức Ānanda điều này:

- Bạch đại đức Ānanda, con cầu xin đức Thế Tôn một đặc ân này. Bạch đại đức, thật tốt đẹp thay nếu đức Thế Tôn cho phép các tỷ-kheo và tỷ-kheo ni thực hành phận sự thích hợp là sự đảnh lễ, đứng dậy chào, chắp tay tính theo thâm niên (yathāvuḍḍhaṃ).

Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī nói như vầy: "Bạch đại đức Ānanda, con cầu xin đức Thế Tôn một đặc ân này. Bạch đại đức, thật tốt đẹp thay nếu đức Thế Tôn cho phép các tỷ-kheo và tỷ-kheo ni thực hành phận sự thích hợp là sự đảnh lễ, đứng dậy chào, chắp tay tính theo thâm niên."

- Này Ānanda, việc đức Như Lai cho phép thực hành phận sự thích hợp là sự đảnh lễ, đứng dậy chào, chắp tay đến nữ nhân là điều không được hợp tình hợp lý. Với những việc này, này Ānanda, các ngoại đạo khác có kỷ luật không nghiêm khắc còn không thực hành phận sự thích hợp là sự đảnh lễ, đứng dậy chào, chắp tay đến nữ nhân; vậy lý do gì đức Như Lai lại cho phép việc thực hành phận sự thích hợp là sự đảnh lễ, đứng dậy chào, chắp tay đến nữ nhân?

Rồi đức Thế tôn nhân lý do ấy, nhân sự việc ấy đã thuyết Pháp thoại và bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, không nên thực hành phận sự thích hợp là sự đảnh lễ, đứng dậy chào, chắp tay đến nữ nhân. Vị nào thực hành thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

[522] Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, có những điều học của các tỷ-kheo ni tương đương với các tỷ-kheo, chúng con sẽ thực hành như thế nào đối với những điều học ấy?

- Này Gotamī, có những điều học của các tỷ-kheo ni tương đương với các tỷ-kheo, các tỷ-kheo thực hành như thế nào thì các ni hãy thực hành như thế ấy đối với những điều học ấy.

- Bạch ngài, có những điều học của các tỷ-kheo ni không tương đương với các tỷ-kheo, chúng con sẽ thực hành như thế nào đối với những điều học ấy?

- Này Gotamī, có những điều học của các tỷ-kheo ni không tương đương với các tỷ-kheo, các ni hãy học tập những điều học ấy như đã được quy định.

[523] Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Lành thay, bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Pháp một cách vắn tắt cho con, để khi con đã được nghe Pháp của đức Thế Tôn rồi có thể sống một mình, cách ly hội chúng, không biếng nhác, tinh tấn, có sự quyết tâm.

- Này Gotamī, bà nên biết rằng các Pháp nào (có đặc tính như vầy): Các pháp này đưa đến tham ái mà không đưa đến ly tham ái, đưa đến sự ràng buộc mà không đưa đến sự thoát ly, đưa đến sự tích lũy mà không đưa đến sự xả bỏ, đưa đến sự ham muốn nhiều mà không đưa đến sự ham muốn ít, đưa đến sự bực bội mà không đưa đến sự hoan hỷ, đưa đến sự tụ mà không đưa đến sự đơn độc, đưa đến sự biếng nhác mà không đưa đến sự khởi công tinh tấn, đưa đến sự khó nuôi dưỡng mà không đưa đến sự dễ nuôi dưỡng; này Gotamī, bà cần xác định dứt khoát rằng: "Điều này không phải là Pháp, điều này không phải là Luật, điều này không phải là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư."

Này Gotamī, bà nên hiểu biết các Pháp nào (có đặc tính như vầy): Các pháp này đưa đến ly tham ái mà không đưa đến tham ái, đưa đến sự thoát ly mà không đưa đến sự ràng buộc, đưa đến sự xả bỏ mà không đưa đến sự tích lũy, đưa đến sự ham muốn ít mà không đưa đến sự ham muốn nhiều, đưa đến sự hoan hỷ mà không đưa đến sự bực bội, đưa đến sự đơn độc mà không đưa đến sự tụ hội, đưa đến sự khởi công tinh tấn mà không đưa đến sự biếng nhác, đưa đến sự dễ nuôi dưỡng mà không đưa đến sự khó nuôi dưỡng; này Gotamī, bà cần xác định dứt khoát rằng: "Điều này là Pháp, điều này là Luật, điều này là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư."

[524] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo không đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỷ-kheo ni. … (như trên)… Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn, … (như trên)…

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỷ-kheo ni.

Khi ấy, các tỷ-kheo đã khởi ý rằng: "Như vậy ai sẽ đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỷ-kheo ni?" Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. … (như trên)…

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỷ-kheo ni.

[525] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo đã đi đến chỗ ngụ của các tỷ-kheo ni để đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỷ-kheo ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này với những bà này sẽ cùng nhau hưởng lạc.

Các tỷ-kheo đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỷ-kheo ni. Vị nào đọc tụng thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo ni đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỷ-kheo ni.

Các tỷ-kheo ni không biết: "Nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha như thế nào?" ...(như trên)... Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo chỉ dẫn các tỷ-kheo ni: "Các vị nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha như thế này."

[526] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni không sám hối tội. ...(như trên)... Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, tội của các tỷ-kheo ni không nên không được sám hối. Vị ni nào không sám hối thì phạm tội tác ác (dukkata).

Các tỷ-kheo ni không biết: "Tội nên được sám hối tội như thế nào? ...(như trên)... Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo chỉ dẫn các tỷ-kheo ni: "Các vị hãy sám hối tội như thế này."

Khi ấy, các tỷ-kheo đã khởi ý rằng: "Như vậy ai sẽ ghi nhận tội cho các tỷ-kheo ni?" ...(như trên)... Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo ghi nhận tội cho các tỷ-kheo ni.

[527] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni khi gặp tỷ-kheo trên đường đi, ở ngõ hẽm, nơi giao lộ đã đặt bình bát trên mặt đất, đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi sám hối tội. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Hồi hôm họ đã gây gỗ nên giờ phải xin lỗi.

...(như trên)... Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo không nên ghi nhận tội của các tỷ-kheo ni. Vị nào ghi nhận thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo ni ghi nhận tội của các tỷ-kheo ni.

Các tỷ-kheo ni không biết: "Tội nên được ghi nhận như thế nào?" Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo chỉ dẫn các tỷ-kheo ni: "Các vị hãy ghi nhận tội như thế này."

[528] Vào lúc bấy giờ, hành sự cho các tỷ-kheo ni đã không được thực thi. ...(như trên)... Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép thực thi hành sự cho các tỷ-kheo ni.

Khi ấy, các tỷ-kheo đã khởi ý rằng: "Như vậy ai sẽ thực thi hành sự cho các tỷ-kheo ni?" Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo thực thi hành sự cho các tỷ-kheo ni.

[529] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni đã hoàn tất hành sự khi gặp tỷ-kheo trên đường đi, ở ngõ hẽm, nơi giao lộ đã đặt bình bát trên mặt đất, đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi xin xả bỏ tội, trong khi nghĩ rằng: "Chắc là nên được thực hiện như thế này." Cũng y như thế, dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Hồi hôm họ đã gây gỗ nên giờ phải xin lỗi.

Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo không nên thực thi hành sự cho các tỷ-kheo ni. Vị nào thực thi thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo ni thực thi hành sự cho các tỷ-kheo ni.

Các tỷ-kheo ni không biết: "Hành sự nên được thực thi như thế nào?" Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo chỉ dẫn các tỷ-kheo ni: "Các vị hãy thực thi hành sự như thế này."

[530] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni sinh hoạt trong hội chúng đã nảy sinh ra các sự xung đột, đã nảy sinh ra gây gỗ, đã đưa đến tranh cãi và làm tổn thương lẫn nhau bằng các vũ khí miệng lưỡi. Họ đã không thể làm lắng dịu được tranh sự ấy. ...(như trên)... Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo làm lắng dịu tranh sự của các tỷ-kheo ni.

[531] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo làm lắng dịu tranh sự của các tỷ-kheo ni. Trong một tranh sự nọ, các tỷ-kheo trong khi xem xét thấy rằng các tỷ-kheo ni đều phạm tội và đáng nhận hành sự. Các tỷ-kheo ni đã nói như sau:

- Bạch các ngài, thật tốt lành thay xin các ngài hãy thực thi hành sự cho các tỷ-kheo ni, xin các ngài hãy ghi nhận tội của các tỷ-kheo ni, bởi vì điều đã được đức Thế Tôn quy định là các tỷ-kheo nên làm lắng dịu tranh sự của các tỷ-kheo ni.

Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo sau khi xác định hành sự của các tỷ-kheo ni rồi bàn giao lại cho các tỷ-kheo ni, và các tỷ-kheo ni sẽ thực thi hành sự cho các tỷ-kheo ni; sau khi xác định tội của các tỷ-kheo ni rồi bàn giao lại cho các tỷ-kheo ni, và các tỷ-kheo ni sẽ ghi nhận tội cho các tỷ-kheo ni.

[532] Vào lúc bấy giờ, một tỷ-kheo ni đệ tử của tỷ-kheo ni Uppalavannnā đã theo đức Thế tôn bảy năm để học tập về Luật. Cô ấy có trí nhớ bị lộn xộn nên càng học càng quên. Và tỷ-kheo ni ấy đã nghe rằng: "Nghe nói đức Thế Tôn có ý muốn đi Sāvatthi." Lúc bấy giờ, tỷ-kheo ni ấy khởi ý rằng: "Ta đã theo đức Thế Tôn bảy năm để học tập về Luật. Nhưng ta có trí nhớ bị lộn xộn nên càng học càng quên. Thật khó khăn cho người nữ để đi theo bậc Đạo Sư cho đến trọn đời; vậy ta nên thực hành thế nào đây?" Sau đó, tỷ-kheo ni ấy đã trình sự việc ấy đến các tỷ-kheo ni. Các tỷ-kheo ni đã trình sự việc ấy đến các tỷ-kheo. Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo giảng về Luật cho các tỷ-kheo ni.

Dứt Tụng phẩm thứ nhất.

[533] Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn sau khi đã ngự tại Vesāli theo như ý thích rồi đã lên đường du hành đến Sāvatthi. Tuần tự du hành, ngài đã ngự đến Sāvatthi. Tại nơi ấy, trong thành Sāvatthi, đức Thế Tôn đã ngự tại Kỳ Viên (Jetavana), tu viện của ông Cấp Cô Độc (Anāthapindika). Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo nhóm Lục Sư đã rắc nước bùn lên các tỷ-kheo ni (nghĩ rằng): "Để các ni chú ý đến chúng ta." ...(như trên)... Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo không nên rắc nước bùn lên các tỷ-kheo ni. Vị nào rắc thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị tỷ-kheo ấy.

Khi ấy, các tỷ-kheo đã khởi ý rằng: "Hành phạt nên được thực thi như thế nào?" Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, hội chúng tỷ-kheo ni không cần thực hiện việc đảnh lễ đối với vị tỷ-kheo ấy.

[534] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo nhóm Lục Sư đã vén hở thân rồi chỉ cho các tỷ-kheo ni thấy, đã vén hở đùi rồi chỉ cho các tỷ-kheo ni thấy, đã vén hở chỗ kín rồi chỉ cho các tỷ-kheo ni thấy, trò chuyện với các tỷ-kheo ni, giao lưu với các tỷ-kheo ni (nghĩ rằng): "Để các ni chú ý đến chúng ta." ...(như trên)... Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo không nên vén hở thân rồi chỉ cho các tỷ-kheo ni thấy, không nên vén hở đùi rồi chỉ cho các tỷ-kheo ni thấy, không nên vén hở chỗ kín và chỉ cho các tỷ-kheo ni thấy, không nên trò chuyện với các tỷ-kheo ni, không nên giao lưu với các tỷ-kheo ni. Vị nào giao lưu thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị tỷ-kheo ấy.

Khi ấy, các tỷ-kheo đã khởi ý rằng: "Hành phạt nên được thực thi như thế nào?" Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, hội chúng tỷ-kheo ni không cần thực hiện việc đảnh lễ đối với vị tỷ-kheo ấy.

[535] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư đã rắc nước bùn lên các vị tỷ-kheo (nghĩ rằng): "Để các vị chú ý đến chúng ta." Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên rắc nước bùn lên các tỷ-kheo. Vị ni nào rắc thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép thực thi hành phạt đối với tỷ-kheo ni ấy.

Khi ấy, các tỷ-kheo đã khởi ý rằng: "Hành phạt nên được thực thi như thế nào?" Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép thực thi việc ngăn cấm (đi vào trú xứ của tỷ-kheo).

Khi việc ngăn cấm được thực thi, họ đã không chấp hành. Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép đình chỉ việc giáo giới.

[536] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư đã vén hở thân rồi chỉ cho các tỷ-kheo thấy, vén hở ngực rồi chỉ cho các tỷ-kheo thấy, vén hở đùi rồi chỉ cho các tỷ-kheo thấy, vén hở chổ kín rồi chỉ cho các tỷ-kheo thấy, trò chuyện với các tỷ-kheo, giao lưu với các tỷ-kheo (nghĩ rằng): "Để các vị chú ý đến chúng ta." ...(như trên)... Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên vén hở thân rồi chỉ cho các tỷ-kheo thấy, không nên vén hở ngực rồi chỉ cho các tỷ-kheo thấy, không nên vén hở đùi rồi chỉ cho các tỷ-kheo thấy, không nên vén hở chổ kín rồi chỉ cho các tỷ-kheo thấy, không nên trò chuyện với các tỷ-kheo, không nên giao lưu với các tỷ-kheo. Vị ni nào giao lưu thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị tỷ-kheo ni ấy.

Khi ấy, các tỷ-kheo đã khởi ý rằng: "Hành phạt nên được thực thi như thế nào?" Các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép thực thi việc ngăn cấm (đi vào trú xứ của tỷ-kheo).

Khi việc ngăn cấm được thực thi, họ đã không chấp hành. Các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép đình chỉ việc giáo giới.

[537] Khi ấy, các tỷ-kheo đã khởi ý rằng: "Lễ Uposatha chung với tỷ-kheo ni bị đình chỉ giáo giới được cho phép hay không được cho phép?" Các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, lễ Uposatha chung với tỷ-kheo ni bị đình chỉ giáo giới không được thực thi cho đến khi nào tranh sự này chưa được giải quyết.

[538] Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi sau khi đình chỉ việc giáo giới đã lên đường du hành. Các tỷ-kheo ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao ngài Udāyi sau khi đình chỉ việc giáo giới lại lên đường du hành?

...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, sau khi đình chỉ việc giáo giới rồi không nên lên đường du hành. Vị nào lên đường thì phạm tội tác ác (dukkata).

[539] Vào lúc bấy giờ, các vị ngu dốt, không có khả năng đã đình chỉ việc giáo giới. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, việc giáo giới không nên bị đình chỉ bởi một vị ngu dốt, không có khả năng. Vị nào đình chỉ thì phạm tội tác ác (dukkata).

[540] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo đã đình chỉ việc giáo giới không có lý lẽ, không có nguyên do. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, việc giáo giới không nên bị đình chỉ không có lý lẽ, không có nguyên do. Vị nào đình chỉ thì phạm tội tác ác (dukkata).

[541] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo sau khi đình chỉ việc giáo giới đã không tuyên bố quyết định. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, sau khi đình chỉ việc giáo giới, không thể không tuyên bố quyết định. Vị nào không tuyên bố thì phạm tội tác ác (dukkata).

[542] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni không đi (để được) giáo giới. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên không đi (để nghe) giáo giới. Vị ni nào không đi thì hành xử theo Pháp.

[543] Vào lúc bấy giờ, toàn bộ hội chúng tỷ-kheo ni đều đi (để nghe) giáo giới. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này với những bà này sẽ cùng nhau hưởng lạc.

Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, không nên đi (để nghe) giáo giới toàn bộ hội chúng tỷ-kheo ni. Nếu đi thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép đi (để nghe) giáo giới bốn hay năm tỷ-kheo ni.

[544] Vào lúc bấy giờ, bốn hay năm tỷ-kheo ni đi (để nghe) giáo giới. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này với những bà này sẽ cùng nhau hưởng lạc.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, không nên đi (để nghe) giáo giới bốn hay năm tỷ-kheo ni. Nếu đi thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép hai hay ba tỷ-kheo ni đi (để nghe) giáo giới.

Nên đi đến gặp một vị tỷ-kheo, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi nên nói với vị ấy như vầy: "Bạch ngài, hội chúng tỷ-kheo ni đảnh lễ dưới chân của hội chúng tỷ-kheo và cầu xin việc đến gần (để nghe) giáo giới; bạch ngài, xin ban cho hội chúng tỷ-kheo ni việc đến gần (để nghe) giáo giới."

Tỷ-kheo ấy nên đi đến gặp vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha và nói với vị ấy như vầy: "Bạch ngài, hội chúng tỷ-kheo ni đảnh lễ dưới chân của hội chúng tỷ-kheo và cầu xin việc đến gần (để nghe) giáo giới; bạch ngài, xin ban cho hội chúng tỷ-kheo ni việc đến gần (để nghe) giáo giới."

Vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: "Có vị tỷ-kheo nào đã được chỉ định là vị giáo giới tỷ-kheo ni?" Nếu có vị tỷ-kheo đã được chỉ định là vị giáo giới tỷ-kheo ni, thì vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: "Vị Tỷ-kheo tên (như vầy) đã được chỉ định là vị giáo giới tỷ-kheo ni, hội chúng tỷ-kheo ni hãy đi đến gặp vị ấy." Nếu không có vị tỷ-kheo nào đã được chỉ định là vị giáo giới tỷ-kheo ni, thì vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: "Vị đại đức nào đủ khả năng để giáo giới tỷ-kheo ni?" Nếu có vị đủ khả năng để giáo giới và vị ấy hội đủ tám điều kiện thì sau khi chỉ định xong nên nói rằng: "Vị tỷ-kheo tên (như vầy) đã được chỉ định là vị giáo giới tỷ-kheo ni, hội chúng tỷ-kheo ni hãy đi đến gặp vị ấy." Nếu không có vị nào đủ khả năng để giáo giới tỷ-kheo ni, thì vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: "Không có tỷ-kheo nào được chỉ định là vị giáo giới tỷ-kheo ni, mong rằng hội chúng tỷ-kheo ni đạt được sự hoan hỷ vậy."

[545] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo đã không nhận lãnh việc giáo giới. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, không thể không nhận lãnh việc giáo giới. Vị nào không nhận lãnh thì phạm tội tác ác (dukkata).

[546] Vào lúc bấy giờ, có một tỷ-kheo nọ là người ngu dốt. Các tỷ-kheo ni đã đến gần vị ấy và nói điều này:

- Bạch ngài, hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Các bà chị ơi, tôi ngu dốt lắm, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Bạch ngài, ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: "Các tỷ-kheo nên nhận lãnh việc giáo giới cho các tỷ-kheo ni."

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.

[547] Vào lúc bấy giờ, có một tỷ-kheo nọ bị bệnh. Các tỷ-kheo ni đã đến gần vị ấy và nói điều này:

- Bạch ngài, hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Các bà chị ơi, tôi thì bị bệnh, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Bạch ngài, ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: "Trừ ra vị ngu dốt, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới."

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.

[548] Vào lúc bấy giờ, có một tỷ-kheo nọ là vị ra đi. Các tỷ-kheo ni đã đến gần vị ấy và nói điều này:

- Bạch ngài, hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Các bà chị ơi, tôi là vị ra đi, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Bạch ngài, ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: "Trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới."

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, trừ ra vị ra đi, các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.

[549] Vào lúc bấy giờ, có tỷ-kheo nọ cư ngụ ở trong rừng. Các tỷ-kheo ni đã đến gần vị ấy và nói điều này:

- Bạch ngài, hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Các bà chị ơi, tôi thì cư ngụ ở trong rừng, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Bạch ngài, ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: "Trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, trừ ra vị ra đi, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới."

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép tỷ-kheo ngụ ở rừng nhận lãnh việc giáo giới và quy định điểm hẹn: "Tôi sẽ thực hiện ở chỗ này."

[550] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo sau khi nhận lãnh việc giáo giới đã không thông báo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, không thể không thông báo việc giáo giới. Vị nào không thông báo thì phạm tội tác ác (dukkata).

[551] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo sau khi nhận lãnh việc giáo giới đã không thực hiện (paccāharati). ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, việc giáo giới không thể không thực hiện. Vị nào không thực hiện thì phạm tội tác ác (dukkata).

[552] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni đã không đến điểm hẹn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không thể không đi đến điểm hẹn. Vị ni nào không đi thì phạm tội tác ác (dukkata).

[553] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni mang dây buộc thân loại dài và buộc thành dải tua với chúng. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên mang dây buộc thân loại dài. Vị ni nào mang thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép tỷ-kheo ni (sử dụng) dây buộc thân được thực hiện một vòng, và không được làm thành dải tua với nó. Vị ni nào làm thì phạm tội tác ác (dukkata).

[554] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni buộc thành dải tua bằng sợi tre chẻ mỏng, buộc thành dải tua bằng sợi da thú, buộc thành dải tua bằng vải dệt, buộc thành dải tua bằng vải dệt tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng vải dệt viền ren, buộc thành dải tua bằng sợi vải, buộc thành dải tua bằng sợi vải dệt tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng sợi vải dệt viền ren, buộc thành dải tua bằng chỉ tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng chỉ viền ren. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên buộc thành dải tua bằng sợi tre chẻ mỏng, không nên buộc thành dải tua bằng sợi da thú, không nên buộc thành dải tua bằng vải dệt, không nên buộc thành dải tua bằng vải dệt tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng vải dệt viền ren, không nên buộc thành dải tua bằng sợi vải, không nên buộc thành dải tua bằng sợi vải dệt tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng sợi vải dệt viền ren, không nên buộc thành dải tua bằng chỉ tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng chỉ viền ren. Vị ni nào buộc thành dải tua thì phạm tội tác ác (dukkata).

[555] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni sai bảo người chà xát vùng hông bằng khúc xương bò, sai bảo người xoa bóp vùng hông bằng xương hàm con bò, sai bảo người xoa bóp cánh tay, sai bảo người xoa bóp phần sau của cánh tay, sai bảo người xoa bóp bàn chân, sai bảo người xoa bóp phần dưới bàn chân, sai bảo người xoa bóp đùi, sai bảo người xoa bóp mặt, sai bảo người xoa bóp nướu răng.

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên sai bảo người chà xát vùng hông bằng khúc xương bò, không nên sai bảo người xoa bóp vùng hông bằng xương hàm con bò, không nên sai bảo người xoa bóp cánh tay, không nên sai bảo người xoa bóp phần sau của cánh tay, không nên sai bảo người xoa bóp bàn chân, không nên sai bảo người xoa bóp phần dưới bàn chân, không nên sai bảo người xoa bóp đùi, không nên sai bảo người xoa bóp mặt, không nên sai bảo người xoa bóp nướu răng. Vị ni nào sai bảo người xoa bóp thì phạm tội tác ác (dukkata).

[556] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư thoa dầu ở mặt, chà xát mặt, đánh phấn ở mặt, đắp mặt bằng phấn đỏ, tô màu ở cơ thể, tô màu ở mặt, tô màu ở mặt và ở cơ thể. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên thoa dầu ở mặt, không nên chà xát mặt, không nên đánh phấn ở mặt, không nên đắp mặt bằng phấn đỏ, không nên tô màu ở cơ thể, không nên tô màu ở mặt, không nên tô màu ở mặt và ở cơ thể. Vị ni nào làm thì phạm tội tác ác (dukkata).

[557] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư kẻ mí mắt, làm dấu ở trán, mở cửa sổ nhìn ra đường phố, đứng tựa ở cửa lớn nhìn ra đường phố, sai bảo người nhảy múa, hỗ trợ gái điếm, lập quán bán giải khát, lập tiệm bán thịt, trưng bày hàng hóa, tiến hành việc cho vay lấy lãi, tiến hành việc thương mãi, nuôi tôi trai, nuôi tớ gái, nuôi trai làm mướn, nuôi gái làm thuê, nuôi thú vật, buôn đi bán lại đủ loại, mang mảnh da mài dao cạo. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên kẻ mí mắt, không nên làm dấu ở trán, không nên mở cửa sổ nhìn ra đường phố, không nên đứng tựa ở cửa lớn nhìn ra đường phố, không nên sai bảo người nhảy múa, không nên hỗ trợ gái điếm, không nên lập quán bán giải khát, không nên lập tiệm bán thịt, không nên trưng bày hàng hóa, không nên tiến hành việc cho vay lấy lãi, không nên tiến hành việc thương mãi, không nên nuôi tôi trai, không nên nuôi tớ gái, không nên nuôi trai làm mướn, không nên nuôi gái làm thuê, không nên nuôi thú vật, không nên buôn đi bán lại đủ loại, không nên mang mảnh da mài dao cạo. Vị ni nào mang thì phạm tội tác ác (dukkata).

[558] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư mặc y toàn màu xanh đậm, mặc y toàn màu vàng, mặc y toàn màu đỏ, mặc y toàn màu đỏ sậm, mặc y toàn màu đen, mặc y toàn màu vàng nâu, mặc y toàn màu vàng cam, mặc y không cắt đường viền, mặc y có đường viền rộng, mặc y có đường viền vẽ bông hoa, mặc y có đường viền có vẽ trái cây, mặc áo choàng, mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên mặc y toàn màu xanh đậm, không nên mặc y toàn màu vàng, không nên mặc y toàn màu đỏ, không nên mặc y toàn màu đỏ sậm, không nên mặc y toàn màu đen, không nên mặc y toàn màu vàng nâu, không nên mặc y toàn màu vàng cam, không nên mặc y không cắt đường viền, không nên mặc y có đường viền rộng, không nên mặc y có đường viền vẽ bông hoa, không nên mặc y có đường viền có vẽ trái cây, không nên mặc áo choàng, không nên mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây. Vị ni nào mặc thì phạm tội tác ác (dukkata).

[559] Vào lúc bấy giờ, có một tỷ-kheo ni nọ khi lâm chung nói như vầy:

- Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi sẽ thuộc về hội chúng.

Ở nơi ấy, các tỷ-kheo và các tỷ-kheo ni đã cãi cọ nhau:

- Thuộc về chúng tôi, thuộc về chúng tôi.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, nếu một tỷ-kheo ni khi lâm chung nói như vầy: "Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi sẽ thuộc về hội chúng," trong trường hợp này, hội chúng tỷ-kheo không được hưởng phần, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỷ-kheo ni.

Này các tỷ-kheo, nếu một vị ni tập sự (sikkhamānā), …(như trên)…

Này các tỷ-kheo, nếu một vị sa di ni khi lâm chung nói như vầy: "Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi sẽ thuộc về hội chúng," trong trường hợp này, hội chúng tỷ-kheo không được hưởng phần, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỷ-kheo ni.

Này các tỷ-kheo, nếu một tỷ-kheo khi lâm chung nói như vầy: "Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi sẽ thuộc về hội chúng," trong trường hợp này, hội chúng tỷ-kheo ni không được hưởng phần, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỷ-kheo.

Này các tỷ-kheo, nếu một vị sa di, …(như trên)…

Này các tỷ-kheo, nếu vị cận sự nam, …(như trên)…

Này các tỷ-kheo, nếu vị cận sự nữ, …(như trên)…

Này các tỷ-kheo, nếu một ai khác khi lâm chung nói như vầy: "Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi sẽ thuộc về hội chúng," trong trường hợp này, hội chúng tỷ-kheo ni không được hưởng phần, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỷ-kheo.

[560] Vào lúc bấy giờ, có một phụ nữ nọ trước đây là người xứ Malla đã xuất gia làm tỷ-kheo ni. Cô ni ấy khi gặp một tỷ-kheo yếu đuối trên đường đã dùng phần trên bả vai thúc vị ấy té nhào. Các tỷ-kheo đã phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao một tỷ-kheo ni lại cho vị tỷ-kheo cái thúc?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên cho vị tỷ-kheo cái thúc. Vị ni nào thúc thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép tỷ-kheo ni bước sang (một bên) nhường lối đi khi nhìn thấy vị tỷ-kheo, cho dù (vị ấy) còn ở đàng xa.

[561] Vào lúc bấy giờ, có một người đàn bà nọ khi chồng đi vắng đã mang thai với tình nhân. Cô ấy đã làm cho sẩy thai rồi đã nói với vị tỷ-kheo ni quen thuộc rằng:

- Quý ni, xin hãy dùng cái bình bát mang cái bào thai này đi giùm.

Lúc bấy giờ, vị tỷ-kheo ni ấy đã bỏ cái bào thai ấy vào trong bình bát rồi choàng y hai lớp (saṅghāti) và ra đi. Vào lúc bấy giờ, có một tỷ-kheo nọ đi khất thực với dự tính rằng: "Phần vật thực ta thọ lãnh đầu tiên nếu chưa được dâng đến tỷ-kheo hoặc tỷ-kheo ni thì ta chưa thọ thực." Khi vị tỷ-kheo nọ thấy được vị tỷ-kheo ni ấy liền nói rằng:

- Này chị ơi, hãy nhận lãnh phần vật thực.

- Bạch ngài, đã đủ rồi.

Đến lần thứ nhì, vị tỷ-kheo nọ đã nói với vị tỷ-kheo ni ấy rằng:

- Này chị ơi, hãy nhận lãnh phần vật thực.

- Bạch ngài, đã đủ rồi.

Đến lần thứ ba, vị tỷ-kheo nọ đã nói với vị tỷ-kheo ni ấy rằng:

- Này chị ơi, hãy nhận lãnh phần vật thực.

- Bạch ngài, đã đủ rồi.

- Này chị ơi, tôi đã có dự tính rằng: "Phần vật thực ta thọ lãnh đầu tiên nếu chưa được dâng đến tỷ-kheo hoặc tỷ-kheo ni thì ta chưa thọ thực." Này chị ơi, hãy nhận lãnh phần vật thực giùm.

Khi ấy, vị tỷ-kheo ni ấy trong lúc bị quấy rầy bởi vị tỷ-kheo đó đã đưa bình bát ra và chỉ cho thấy:

- Bạch ngài, hãy xem cái bào thai trong bình bát nè, nhưng đừng có nói với ai cả.

Khi ấy, tỷ-kheo nọ đã phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao tỷ-kheo ni lại dùng bình bát mang đi cái bào thai vậy?

Sau đó, vị tỷ-kheo ấy đã trình lại sự việc ấy đến các tỷ-kheo. Các vị tỷ-kheo ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao tỷ-kheo ni lại dùng bình bát mang đi cái bào thai vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên dùng bình bát mang đi bào thai. Vị ni nào mang đi thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép tỷ-kheo ni khi gặp vị tỷ-kheo thì lấy ra bình bát đưa cho xem.

[562] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư khi gặp tỷ-kheo đã lật úp (bình bát) lại và cho xem phần dưới của bình bát. Các tỷ-kheo đã phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư khi gặp tỷ-kheo thì lật úp (bình bát) lại và cho xem phần dưới của bình bát vậy?

Sau đó, các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni khi gặp tỷ-kheo thì không nên lật úp (bình bát) lại và cho xem phần dưới của bình bát. Vị nào cho xem thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép tỷ-kheo ni khi gặp một tỷ-kheo thì để ngay ngắn bình bát rồi đưa cho xem. Và bất cứ vật thực gì trong bình bát thì nên thỉnh mời vị tỷ-kheo bằng vật ấy.

[563] Vào lúc bấy giờ, trên đường phố ở Sāvatthi có một vật biểu tượng nam tánh bị quăng bỏ. Một tỷ-kheo ni đã nhìn chăm chú vào vật ấy. Dân chúng đã cười rộ lên. Tỷ-kheo ni ấy bị xấu hổ. Sau đó, khi về lại ni viện, tỷ-kheo ni ấy đã trình sự việc ấy đến các tỷ-kheo ni. Các vị tỷ-kheo ni ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao tỷ-kheo ni lại nhìn chăm chú vào vật biểu tượng nam tánh?

Sau đó, các tỷ-kheo ni ấy đã trình sự việc ấy đến các tỷ-kheo. …(như trên)… Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên nhìn chăm chú vào vật biểu tượng nam tánh. Vị nào nhìn chăm chú thì phạm tội tác ác (dukkata).

[564] Vào lúc bấy giờ, dân chúng thường dâng vật thực cho các tỷ-kheo. Các tỷ-kheo cho đến các tỷ-kheo ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các ngài lại cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân, không lẽ chúng tôi không biết cho vật thí hay sao?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, không nên cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân. Vị nào cho thì phạm tội tác ác (dukkata).

[565] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo có được vật thực dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép cúng dường đến hội chúng.

Sự dồi dào lại còn nhiều hơn trước nữa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép bố thí đến cá nhân.

[566] Vào lúc bấy giờ, vật thực được làm để tích trữ của các tỷ-kheo được dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ kheo, các tỷ-kheo ni nhận lãnh vật tích trữ của tỷ-kheo rồi thọ dụng.

[567] Vào lúc bấy giờ, dân chúng thường dâng vật thực cho các tỷ-kheo ni. Các tỷ-kheo ni cho đến các tỷ-kheo. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỷ-kheo ni lại cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân? Không lẽ chúng tôi không biết cho vật thí hay sao?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân. Vị ni nào cho thì phạm tội tác ác (dukkata).

[568] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni có được vật thực dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép cúng dường đến hội chúng.

Sự dồi dào lại còn nhiều hơn trước nữa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép bố thí đến cá nhân.

[569] Vào lúc bấy giờ, vật thực được làm để tích trữ của các tỷ-kheo ni được dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni được thọ lãnh vật tích trữ của tỷ-kheo ni rồi thọ dụng.

[570] Vào lúc bấy giờ, sàng tọa của các tỷ-kheo thì dư dã, sàng tọa của các tỷ-kheo ni thì không có. Các tỷ-kheo ni đã gởi sứ giả đến gặp các tỷ-kheo:

- Bạch các ngài, thật tốt đẹp thay nếu các ngài trao cho chúng tôi sàng tọa trong một thời gian.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép trao sàng tọa cho các tỷ-kheo ni trong một thời gian.

[571] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni có kinh nguyệt đã ngồi và nằm trên giường, ghế được bọc nệm. Chỗ nằm và ngồi bị lấm lem bởi máu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên ngồi hoặc nằm trên giường, ghế được bọc nệm. Vị ni nào ngồi hoặc nằm thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép (sử dụng) y nội trợ (āvasathacīvaraṃ).

Y nội trợ bị lấm lem bởi máu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép (sử dụng) kim gài và mảnh vải (ān icolakaṃ).

Mảnh vải bị rơi xuống Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép khâu lại bằng chỉ và buộc ở đùi.

Chỉ bị đứt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép (sử dụng) khố (sam-velliyaṃ), hay băng vải buộc ở hông (katisuttakaṃ).

[572] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư mang băng vải buộc ở hông một cách thường xuyên. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- ...(như trên)... giống các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên mang băng vải buộc ở hông một cách thường xuyên. Vị ni nào mang thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép (sử dụng) băng vải buộc ở hông đối với vị ni có kinh nguyệt.

Dứt Tụng phẩm thứ hai.

[573] Vào lúc bấy giờ, các người nữ đã tu lên bậc trên có dáng vẻ: không có hiện tướng (người nữ), không có đủ hiện tướng (người nữ), không có kinh nguyệt (alohitā), máu bị ứ đọng (dhuvalohitā), thường xuyên mang vải lót (dhuvacolā), bị rong kinh (paggharantī), bị dị tướng (sikharinī), người nữ bị thiến (itthipandakā), bị lại đực (vepurisikā), không xác định được giới tính (sambhinnā), người nữ lưỡng tánh (ubhatobyañjanā). ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép hỏi hai mươi bốn pháp chướng ngại trong khi cho tu lên bậc trên. Và này các tỷ-kheo nên hỏi như vầy: "Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có đủ hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có kinh nguyệt (alohitā)? Cô không phải là người có máu bị ứ đọng (dhuvalohitā)? Cô không phải là người thường xuyên mang vải lót (dhuvacolā)? Cô không phải là người bị rong kinh (paggharantī)? Cô không phải là người bị dị tướng (sikharinī)? Cô không phải là người người nữ bị thiến (itthipandakā)? Cô không phải là người bị lại đực (vepurisikā)? Cô không phải là người không xác định được giới tính (sambhinnā)? Cô không phải là người người nữ lưỡng tánh (ubhatobyañjanā)? Cô có bị các bệnh như thế này hay không: bệnh cùi (kutthaṃ)? bệnh mụt nhọt (gando)? bệnh chàm (kilāso)? bệnh lao phổi (soso)? bệnh động kinh (apamāro)? Cô là loài người? Cô là người nữ? Cô là người được tự do (không phải nô lệ)? Cô không bị thiếu nợ? Cô không phải là lính của vua? Cô đã được cha mẹ cho phép, chồng cho phép? Cô đã tròn hai mươi tuổi? Cô có đầy đủ y bát không? Cô tên gì? Vị ni tế độ (pavattinī) tên gì?"

[574] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo hỏi các pháp chướng ngại của các tỷ-kheo ni. Các cô có ý muốn tu lên bậc trên đã bối rối, bị mắc cở, nên không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép người nữ tu lên bậc trên được tu lên bậc trên từ một phía, sau khi được trong sạch ở hội chúng tỷ-kheo ni rồi (tiếp tục) ở hội chúng tỷ-kheo.

[575] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni hỏi các pháp chướng ngại đến các cô có ý muốn tu lên bậc trên. Vì chưa được học tập trước nên các cô có ý muốn tu lên bậc trên đã bối rối, bị mắc cở, nên không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép giảng giải trước rồi hỏi các pháp chướng ngại sau.

Các vị đã giảng giải ngay tại chổ ấy, ở giữa hội chúng. Như thế ấy, các cô có ý muốn tu lên bậc trên đã bối rối, bị mắc cở, nên không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép giảng giải ở một góc rồi hỏi các pháp chướng ngại ở giữa hội chúng. Và này các tỷ-kheo, nên giảng giải như vầy:

Trước tiên, nên bảo chọn vị thầy tế độ. Sau khi đã bảo chọn vị thầy tế độ rồi nên chỉ y bát: "Đây là bát của cô, đây là y hai lớp (saṅghāti) của cô, đây là thượng y của cô, đây là y nội của cô, đây là áo lót, đây là vải choàng tắm. Hãy đi đến đứng ở chỗ trống đàng kia."

Các vị ni ngu dốt, thiếu kinh nghiệm đã giảng giải. Các cô có ý muốn tu lên bậc trên do được giảng giải tồi nên đã bối rối, bị mắc cở, và không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, vị ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm không nên giảng giải. Vị nào giảng giải thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép giảng giải đối với tỷ-kheo ni có kinh nghiệm, đủ năng lực.

Những ni không được chỉ định đã giảng giải. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, vị ni không được chỉ định không nên giảng giải. Vị ni nào giảng giải thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép giảng giải đối với vị ni đã được chỉ định. Và này các tỷ-kheo, nên chỉ định như vầy: Tự mình chỉ định cho chính mình, hoặc người khác chỉ định cho người khác.

[576] Thế nào là tự mình chỉ định cho chính mình?

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỷ-kheo ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

- Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ giảng giải cho cô ni tên (như vầy).

Như vậy là tự mình chỉ định cho chính mình.

[577] Thế nào là người khác chỉ định cho người khác?

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỷ-kheo ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

- Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, vị ni tên (như vầy) sẽ giảng giải cho cô ni tên (như vầy).

Như vậy là người khác chỉ định cho người khác.

[578] Tỷ-kheo ni đã được chỉ định ấy nên đi đến gần cô có ý muốn tu lên bậc trên và nên nói như vầy:

- Này cô tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với cô, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: "Đúng;" nếu không đúng, nên nói: "Không đúng." Không nên bối rối, không nên mắc cở. Các vị sẽ hỏi cô như vầy: "Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có đủ hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có kinh nguyệt (alohitā)? Cô không phải là người có máu bị ứ đọng (dhuvalohitā)? Cô không phải là người thường xuyên mang vải lót (dhuvacolā)? Cô không phải là người bị rong kinh (paggharantī)? Cô không phải là người bị dị tướng (sikharinī)? Cô không phải là người người nữ bị thiến (itthipandakā)? Cô không phải là người bị lại đực (vepurisikā)? Cô không phải là người không xác định được giới tính (sambhinnā)? Cô không phải là người người nữ lưỡng tánh (ubhatobyañjanā)? Cô có bị các bệnh như thế này hay không: Bệnh cùi? Bệnh mụt nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Cô là loài người? Cô là người nữ? Cô là người được tự do (không phải nô lệ)? Cô không bị thiếu nợ? Cô không phải là lính của vua? Cô đã được cha mẹ cho phép, chồng cho phép? Cô đã tròn hai mươi tuổi? Cô có đầy đủ y bát không? Cô tên gì? Vị ni tế độ (pavattinī) tên gì?

Họ đi đến từ một phía. Không nên đi đến chung (cùng một lúc). Vị giảng giải đi đến trước và thông báo đến hội chúng: "Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã giảng giải cho cô ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, nên cho cô tên (như vầy) đi đến." và nên nói rằng: "Hãy đi đến."

Cô ấy nên đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỷ-kheo ni, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên cầu xin sự tu lên bậc trên: "Bạch chư đại đức ni, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy vì lòng thương xót mà tế độ tôi. Lần thứ nhì, bạch chư đại đức ni, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy vì lòng thương xót mà tế độ tôi. Lần thứ ba, bạch chư đại đức ni, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy vì lòng thương xót mà tế độ tôi."

Hội chúng nên được thông báo bởi một tỷ-kheo ni có kinh nghiệm, đủ năng lực: Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi các pháp chướng ngại đến cô ni tên (như vầy)."

"Này cô tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với cô, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: "Đúng;" nếu không đúng, nên nói: "Không đúng." Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có đủ hiện tướng (người nữ)? …(như trên)… Cô tên gì? Vị ni tế độ (pavattinī) tên gì?"

Hội chúng nên được thông báo bởi một tỷ-kheo ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

"Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô ta có đầy đủ y bát. Cô ta cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô ta có đầy đủ y bát. Cô ta cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức ni nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với đại đức ni tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị ni nào không đồng ý, có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô ta có đầy đủ y bát. Cô ta cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức ni nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với đại đức ni tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị ni nào không đồng ý, có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy."

[579] Ngay sau khi hoàn tất việc trên, cô ni ấy nên đi đến hội chúng tỷ-kheo, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỷ-kheo, ngồi chồm hổm, chắp tay lên và nên cầu xin sự tu lên bậc trên:

"Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Bạch chư đại đức, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy vì lòng thương xót mà tế độ tôi.

Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) cầu có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Lần thứ nhì, bạch chư đại đức, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy vì lòng thương xót mà tế độ tôi.

Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) cầu có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Lần thứ ba, bạch chư đại đức, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy vì lòng thương xót mà tế độ tôi."

[580] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỷ-kheo có kinh nghiệm, đủ năng lực:

"Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) được tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) được tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý, có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) được tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý, có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy."

[581] Ngay khi ấy, bóng nắng cần được đo đạc, việc xác định mùa tiết nên được chỉ dạy, việc phân chia ngày (giờ) nên được chỉ dạy, điều đã được kết tập lại nên được chỉ dạy, các tỷ-kheo ni nên được nói rằng:

- Hãy chỉ dạy cô ni này ba điều nương nhờ và tám điều không nên làm.

[582] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni trong khi xác định chỗ ngồi trong nhà ăn đã bị quá giờ (thọ thực). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép (chỗ ngồi) của tám tỷ-kheo ni tính theo thâm niên, (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến.

[583] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni (nghĩ rằng): "Đức Thế Tôn đã cho phép (chỗ ngồi) của tám tỷ-kheo ni tính theo thâm niên, (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến," nên ở khắp mọi nơi đã chừa lại tám chỗ cho các tỷ-kheo ni tính theo thâm niên và các chỗ còn lại thì theo thứ tự đi đến. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép trong nhà ăn (chỗ ngồi của) tám tỷ-kheo ni tính theo thâm niên và (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến, còn ở những nơi khác không nên chừa lại theo thứ tự thâm niên. Vị nào chừa lại thì phạm tội tác ác (dukkata).

[584] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni không hành lễ Tự Tứ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên không hành lễ Tự Tứ. Vị ni nào không hành lễ Tự Tứ thì nên hành xử theo Pháp.

[585] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni sau khi hành lễ Tự Tứ nơi hội chúng tỷ-kheo ni rồi đã không hành lễ Tự Tứ nơi hội chúng tỷ-kheo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni sau khi hành lễ Tự Tứ nơi hội chúng tỷ-kheo ni rồi không nên không hành lễ Tự Tứ nơi hội chúng tỷ-kheo. Vị ni nào không hành lễ Tự Tứ thì nên hành xử theo Pháp.

[586] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni trong khi hành lễ Tự Tứ chỉ một phía với các tỷ-kheo đã tạo nên sự xáo trộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni không nên hành lễ Tự Tứ chỉ một phía với các tỷ-kheo. Vị ni nào hành lễ Tự Tứ (chỉ một phía) thì phạm tội tác ác (dukkata).

[587] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni trong khi hành lễ Tự Tứ trước bữa ăn trưa nên đã bị quá giờ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép hành lễ Tự Tứ sau bữa ăn trưa.

Trong khi hành lễ Tự Tứ sau bữa ăn trưa, các vị đã bị trời tối. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép hành lễ Tự Tứ với hội chúng tỷ-kheo ni ngày hôm nay và hành lễ Tự Tứ với hội chúng tỷ-kheo vào ngày kế.

[588] Vào lúc bấy giờ, toàn bộ hội chúng tỷ-kheo ni trong lúc hành lễ Tự Tứ đã gây nên sự xáo trộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép chỉ định một tỷ-kheo ni có kinh nghiệm đủ năng lực đến hành lễ Tự Tứ nơi hội chúng tỷ-kheo vì lợi ích của hội chúng tỷ-kheo ni. Và này các tỷ-kheo, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, tỷ-kheo ni ấy cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỷ-kheo ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

"Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỷ-kheo ni tên (như vầy) đến hành lễ Tự Tứ nơi hội chúng tỷ-kheo vì lợi ích của hội chúng tỷ-kheo ni. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỷ-kheo ni tên (như vầy) đến hành lễ Tự Tứ nơi hội chúng tỷ-kheo vì lợi ích của hội chúng tỷ-kheo ni. Đại đức ni nào đồng ý sự chỉ định tỷ-kheo ni tên (như vầy) đến hành lễ Tự Tứ nơi hội chúng tỷ-kheo vì lợi ích của hội chúng tỷ-kheo ni xin im lặng; vị ni nào không đồng ý, có thể nói lên.

Tỷ-kheo ni tên (như vầy)đã được hội chúng chỉ định đến hành lễ Tự Tứ nơi hội chúng tỷ-kheo vì lợi ích của hội chúng tỷ-kheo ni. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy."

[589] Vị tỷ-kheo ni đã được chỉ định ấy dẫn theo hội chúng tỷ-kheo ni đi đến hội chúng tỷ-kheo, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỷ-kheo, ngồi chồm hỗm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch các ngài, hội chúng tỷ-kheo ni xin hành Tự Tứ nơi hội chúng tỷ-kheo. Bạch các ngài, do thấy, do nghe, hoặc do nghi ngờ, vì lòng thương xót đối với hội chúng tỷ-kheo ni xin hội chúng tỷ-kheo hãy nói lên; khi thấy (lỗi) rồi sẽ sửa đổi.

Lần thứ nhì, bạch các ngài …(như trên)…

Lần thứ ba, bạch các ngài, hội chúng tỷ-kheo ni xin hành Tự Tứ nơi hội chúng tỷ-kheo. Bạch các ngài, do thấy, do nghe, hoặc do nghi ngờ, lên vì lòng bi mẫn đối với hội chúng tỷ-kheo ni xin hội chúng tỷ-kheo hãy nói lên; khi thấy (lỗi) rồi sẽ sửa đổi.

[590] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni đình chỉ lễ Bố Tát (uposatha) của các tỷ-kheo, đình chỉ lễ Tự Tứ, ban hành mệnh lệnh, thiết lập quyền hạn, bảo nhường chỗ, quở trách, nhắc nhở, ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên đình chỉ lễ Bố Tát của tỷ-kheo; nếu đã bị đình chỉ thì cũng như không bị đình chỉ và vị ni cho lệnh đình chỉ thì phạm tội tác ác (dukkata). Không nên đình chỉ lễ Tự Tứ; nếu đã bị đình chỉ thì cũng như không bị đình chỉ, và vị ni cho lệnh đình chỉ thì phạm tội tác ác (dukkata). Không nên ban hành mệnh lệnh; nếu đã ban hành thì cũng không được xem là đã ban hành, và vị ni ban hành thì phạm tội tác ác (dukkata). Không nên thiết lập quyền hạn, nếu đã thiết lập thì cũng không được xem là đã thiết lập, và vị ni thiết lập thì phạm tội tác ác (dukkata). Không nên bảo nhường chỗ, nếu đã bảo thì cũng xem như không bảo, và vị ni bảo thì phạm tội tác ác (dukkata). Không nên quở trách, nếu đã quở trách thì cũng xem như không quở trách, và vị ni quở trách thì phạm tội tác ác (dukkata). Không nên nhắc nhở, nếu đã nhắc nhở thì cũng xem như không nhắc nhở, và vị ni nhắc nhở thì phạm tội tác ác (dukkata).

[591] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo đình chỉ lễ Bố Tát (uposatha) của các tỷ-kheo ni, đình chỉ lễ Tự Tứ, ban hành mệnh lệnh, thiết lập quyền hạn, bảo nhường chỗ, quở trách, nhắc nhở. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép tỷ-kheo được đình chỉ lễ Bố Tát của tỷ-kheo ni; nếu đã được đình chỉ thì đã được đình chỉ đúng đắn và vị cho lệnh đình chỉ vô tội. Được đình chỉ lễ Tự Tứ; nếu đã được đình chỉ thì đã được đình chỉ đúng đắn và vị cho lệnh đình chỉ vô tội. Được ban hành mệnh lệnh; nếu đã được ban hành thì đã được ban hành đúng đắn và vị ban hành vô tội. Được thiết lập quyền hạn, nếu đã được thiết lập thì đã được thiết lập đúng đắn và vị thiết lập vô tội. Được bảo nhường chỗ, nếu đã được bảo thì đã được bảo đúng đắn và vị bảo vô tội. Được quở trách, nếu đã được quở trách thì đã được quở trách đúng đắn và vị quở trách vô tội. Được nhắc nhở, nếu đã được nhắc nhở thì đã được nhắc nhở đúng đắn và vị nhắc nhở vô tội.

[592] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư di chuyển bằng xe được kéo bởi bò cái với con bò đực ở giữa, hoặc được kéo bởi bò đực với con bò cái ở giữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như lễ hội ở vùng Gaṅgā và Mahī vậy.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên di chuyển bằng xe. Vị nào di chuyển thì hành xử theo Pháp.

[593] Vào lúc bấy giờ, có vị tỷ-kheo ni nọ bị bệnh, không thể bước đi bằng chân được. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép (sử dụng) xe đối với vị ni bị bệnh.

Khi ấy, các tỷ-kheo ni đã khởi ý rằng: "Vậy được kéo bởi bò cái? Hay được kéo bởi bò đực?" Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép (sử dụng) toa xe được kéo bởi bò cái hoặc được kéo bởi bò đực.

[594] Vào lúc bấy giờ, có vị tỷ-kheo ni nọ bị khó chịu dữ dội vì xe bị dằn xóc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép (sử dụng) ổ rơm và ghế lót nệm.

[595] Vào lúc bấy giờ, một cô gái điếm hạng sang tên Addhakāsī đã xuất gia giữa các tỷ-kheo ni. Cô ấy có ý muốn đi đến Sāvatthi: "Ta sẽ tu lên bậc trên với đức Thế Tôn." Những kẻ bất lương đã nghe được rằng: "Nghe nói gái điếm hạng sang Addhakāsī có ý muốn đi đến Sāvatthi." Bọn họ đã bao vây các ngõ đường. Và cô gái điếm hạng sang Addhakāsī đã nghe được rằng: "Nghe nói những kẻ bất lương đã bao vây các ngõ đường," nên đã phái sứ giả đi đến gặp đức Thế Tôn: "Chính tôi có ước muốn tu lên bậc trên, làm thế nào để tôi có thể tiến hành đây?" Rồi đức Thế Tôn nhân sự kiện ấy, nhân lý do ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện.

Các vị đã cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là tỷ-kheo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, không nên cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là tỷ-kheo. Vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội tác ác (dukkata).

Các vị đã cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là vị ni tập sự (sikkhamānā) …(như trên)… Các vị đã cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là sa-di …(như trên)… Các vị đã cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là sa-di ni …(như trên)… Các vị đã cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là cô ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm.

- Này các tỷ-kheo, không nên cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là cô ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm. Vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép được cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là một tỷ-kheo ni có kinh nghiệm, đủ năng lực.

Người tỷ-kheo ni đại diện ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỷ-kheo, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi nói với hội chúng tỷ-kheo như vầy:

"Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Cô ni không đến được chính vì có sự chướng ngại. Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy vì lòng thương xót mà tế độ cô ấy.

Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Cô ni không đến được chính vì có sự chướng ngại. Lần thứ nhì, bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy vì lòng thương xót mà tế độ cô ấy.

Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Cô ni không đến được chính vì có sự chướng ngại. Lần thứ ba, bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy vì lòng thương xót mà tế độ cô ấy."

[596] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỷ-kheo có kinh nghiệm, đủ năng lực:

"Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Cô ấy không đến được chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Cô ấy không đến được chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý, có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỷ-kheo ni, và được trong sạch. Cô ấy không đến được chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý, có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là thầy tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy."

Ngay khi ấy, bóng nắng cần được đo đạc, việc xác định mùa tiết nên được chỉ dạy, việc phân chia ngày (giờ) nên được chỉ dạy, điều đã được kết tập lại nên được chỉ dạy, các tỷ-kheo ni nên được nói rằng:

- Hãy chỉ dạy cô ni này ba điều nương nhờ và tám điều không nên làm.

[597] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni cư ngụ ở trong rừng. Những kẻ bất lương làm hỗn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên cư ngụ ở trong rừng. Vị ni nào cư ngụ thì phạm tội tác ác (dukkata).

[598] Vào lúc bấy giờ, một kho chứa đồ đã được một cận sự nam nọ cúng dường đến hội chúng tỷ-kheo ni. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép (cư ngụ ở) kho chứa đồ.

Kho chứa đồ không làm hài lòng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép (sử dụng) một căn nhà.

Căn nhà không làm hài lòng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép (xây dựng) công trình mới.

Công trình mới không làm hài lòng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép xây dựng theo cá nhân.

[599] Vào lúc bấy giờ, có người phụ nữ nọ đã mang thai xuất gia nơi các tỷ-kheo ni. Khi cô đã xuất gia, cái thai đã phát triển. Khi ấy, vị tỷ-kheo ni ấy đã khởi ý rằng: "Ta nên thực hành như thế nào liên quan đến đứa bé trai này?" Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép nuôi dưỡng cho đến khi đứa bé ấy đạt được sự hiểu biết.

Sau đó, vị tỷ-kheo ni ấy đã khởi ý rằng: "Ta không thể sống một mình, và một tỷ-kheo ni khác không thể sống với đứa bé trai, vậy ta nên thực hành như thế nào đây?" Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép chỉ định một tỷ-kheo ni để cho làm cộng sự với tỷ-kheo ni kia. Này các tỷ-kheo, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, vị tỷ-kheo ni cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỷ-kheo ni có kinh nghiệm đủ năng lực:

"Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỷ-kheo ni tên (như vầy) là cộng sự với tỷ-kheo ni tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỷ-kheo ni tên (như vầy) là cộng sự với tỷ-kheo ni tên (như vầy). Đại đức ni nào đồng ý sự chỉ định tỷ-kheo ni tên (như vầy) là cộng sự với tỷ-kheo ni tên (như vầy) xin im lặng; vị ni nào không đồng ý, có thể nói lên.

Tỷ-kheo ni tên (như vầy) là cộng sự với tỷ-kheo ni tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy."

Khi ấy, tỷ-kheo ni cộng sự ấy đã khởi ý rằng: "Ta nên thực hành như thế nào liên quan đến đứa bé trai này?" Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép thực hành liên quan đến đứa bé trai này tương tợ như là thực hành liên quan đến người đàn ông khác ngoại trừ việc ngụ chung nhà.

[600] Vào lúc bấy giờ, có vị tỷ-kheo ni nọ bị phạm tội nặng và là vị đang thực hành hành phạt mānatta. Khi đó, tỷ-kheo ni đã ấy khởi ý rằng: "Ta không thể sống một mình, và một tỷ-kheo ni khác không thể sống với ta, vậy ta nên thực hành như thế nào đây?" Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép chỉ định một tỷ-kheo ni để cho làm cộng sự với tỷ-kheo ni kia. Này các tỷ-kheo, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, vị tỷ-kheo ni cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỷ-kheo ni có kinh nghiệm đủ năng lực:

"Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỷ-kheo ni tên (như vầy) là cộng sự với tỷ-kheo ni tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỷ-kheo ni tên (như vầy) là cộng sự với tỷ-kheo ni tên (như vầy). Đại đức ni nào đồng ý sự chỉ định tỷ-kheo ni tên (như vầy) là cộng sự với tỷ-kheo ni tên (như vầy) xin im lặng; vị ni nào không đồng ý, có thể nói lên.

Tỷ-kheo ni tên (như vầy) là cộng sự với tỷ-kheo ni tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy."

[601] Vào lúc bấy giờ, có vị tỷ-kheo ni nọ bỏ đi khi chưa từ bỏ học giới. Sau đó, cô ta quay trở lại và cầu xin các tỷ-kheo ni sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, không có việc từ bỏ học giới đối với tỷ-kheo ni; chính khi cô ta bỏ đi thì khi ấy cô ta không còn là tỷ-kheo ni nữa.

[602] Vào lúc bấy giờ, có một tỷ-kheo ni nọ, vẫn mang y ca-sa, chuyển sang sinh hoạt trong khu vực của ngoại đạo. Sau đó, cô ta quay trở lại và cầu xin các tỷ-kheo ni sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni ấy mang y ca-sa đã chuyển sang sinh hoạt trong khu vực của ngoại đạo khi quay trở lại thì không nên cho tu lên bậc trên nữa.

[603] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni do ngại ngùng nên không thừa nhận việc đảnh lễ, việc cạo tóc, việc cắt móng, việc băng bó vết thương bởi những người đàn ông. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép thừa nhận (những việc ấy).

[604] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni ngồi kiết già thỏa thích với sự xúc chạm ở gót chân. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên ngồi kiết già. Vị ni nào ngồi thì phạm tội tác ác (dukkata).

[605] Vào lúc bấy giờ, có vị tỷ-kheo ni nọ bị bệnh. Vị ấy nếu không xếp chân thế kiết già thì không được an lạc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép thế bán già đối với tỷ-kheo ni.

[606] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni đại tiện ở nhà vệ sinh. Các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư đã trục bào thai ở tại chỗ ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni đại tiện không nên thực hiện việc đại tiện ở trong nhà vệ sinh. Vị ni nào thực hiện thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép thực hiện việc đại tiện ở chỗ trống trải ở bên dưới và che kín ở phía trên.

[607] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni tắm với bột phấn thoa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên tắm với bột phấn thoa. Vị ni nào tắm thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép (sử dụng) cám thô và đất sét.

[608] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni tắm với đất sét có mùi thơm. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên tắm với đất sét có mùi thơm. Vị ni nào tắm thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép (sử dụng) đất sét loại bình thường.

[609] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư trong khi tắm ở nhà tắm hơi đã gây nên cảnh lộn xộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên tắm ở nhà tắm hơi. Vị ni nào tắm thì phạm tội tác ác (dukkata).

[610] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni tắm ở luồng nước chảy. Các vị ni đã thỏa thích với sự xúc chạm của giòng nước. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên tắm ở luồng nước chảy. Vị ni nào tắm thì phạm tội tác ác (dukkata).

[611] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni tắm ở chỗ không phải là bãi tắm. Những kẻ bất lương đã làm hỗn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên tắm ở chỗ không phải là bãi tắm. Vị ni nào tắm thì phạm tội tác ác (dukkata).

[612] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni tắm ở bãi tắm dành cho người nam. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, tỷ-kheo ni không nên tắm ở bãi tắm dành cho người nam. Vị ni nào tắm thì phạm tội tác ác (dukkata). Này các tỷ-kheo, ta cho phép tắm ở bãi tắm dành cho phụ nữ.

Dứt Tụng phẩm thứ ba.

Dứt Chương Tỷ-Kheo Ni là chương thứ mười.
Trong chương này có một trăm lẻ sáu sự việc.

Tóm Lược Chương này:

[613]

Gotamī xin tu,
đấng Thiện Thệ không cho,
vị Lãnh Đạo đã rời
Kapilavatthu
đi đến Vesālī.
Bà đầy bụi, ở cửa,
Ananda biết đến,
rồi ngài đã yêu cầu
bằng phương thức: "Có thể?"
"Là mẹ," và "Bảo mẫu."
Trăm năm và hôm nay,
không tỷ-kheo, mong mỏi,
Tự Tứ và Trọng Pháp,
hai năm, không được mắng,
bị cấm và tám pháp,
thực hành đến trọn đời,
việc thọ trì Trọng Pháp,
chính là việc cho bà
được tu lên bậc trên.
Ngàn năm còn năm trăm,
trộm cướp, bệnh mốc trắng,
tương tợ bệnh rệp cây,
việc tổn hại chánh Pháp.
người cần phải đắp đê,
tương tợ như là việc
tồn tại của chánh Pháp.
Bà được tu bậc trên,
đảnh lễ theo thâm niên.
không thực hành, tại sao?
tương đương, không tương đương,
giáo giới và giới bổn,
"Ai sẽ đến chỗ ni?"
Họ không biết, chỉ dạy,
không làm với tỷ-kheo,
cho phép các tỷ-kheo
được phép ghi nhận tội,
do các tỷ-kheo ni,
việc ghi nhận (được hành).
Vị ấy đã chỉ dẫn,
hành sự với tỷ-kheo,
dân chúng thì phàn nàn,
hoặc do tỷ-kheo ni,
chỉ dạy, sự xung đột,
sau khi bàn giao lại,
Uppalavannā.
Ở thành Sāvatthi,
nước bùn, không đảnh lễ,
(khoe) thân thể và đùi,
chỗ kín và trò chuyện,
họ giao lưu nhóm bọn,
không nên lễ, hành phạt,
các vị tỷ-kheo ni
cũng giống y như thế.
Việc ngăn cấm, giáo giới,
được phép? Vị bỏ đi,
ngu dốt, không lý lẽ,
không tuyên bố quyết định,
việc giáo giới, hội chúng,
với năm ni, hai ni,
ba ni, không thọ lãnh,
vị dốt, bệnh, ra đi,
vị ở rừng, không báo,
và họ không trở lại.
Dài, tre chẻ, da thú,
vải dệt, tết đuôi sam,
sợi vải tết đuôi sam,
chỉ sợi tết đuôi sam
và viền ren, khúc xương,
và xương hàm con bò,
phần sau của cánh tay,
cũng như thế ở chân,
ở đùi, mặt, nướu răng,
thoa dầu, xát, đánh phấn,
đắp mặt, tô cơ thể,
và tô màu ở mặt,
cũng như thế là hai,
kẻ mí mắt, dấu trán,
nhìn ra, ở cửa lớn,
và việc nhảy múa chung,
gái điếm, quán giải khát,
tiệm bán thịt, bày hàng,
lấy lãi, làm thương mãi,
tớ trai, gái, nhân công,
gái làm thuê nuôi nấng,
thú vật, rồi buôn bán,
da mài dao họ mang.
Màu xanh đậm, vàng, đỏ,
y đỏ sậm, màu đen,
màu vàng nâu, vàng cam,
không cắt, viền quá rộng,
hoa, cây trái, áo choàng,
và mặc vải sợi cây.
Tỷ-kheo ni, học nữ,
sai-di ni chết đi,
để lại các vật dụng,
tỷ-kheo ni có phần.
Của tỷ-kheo, sa-di,
của thiện nam, tín nữ,
vật người khác để lại,
các tỷ-kheo là chủ.
Cô ni người Malla,
bào thai, chân kê bát,
dương vật, và thức ăn,
dồi dào và nhiều nữa,
vật thực để tích trữ,
của các vị tỷ-kheo,
đến cuối cùng giống vậy,
làm tương tợ như thế
đối với tỷ-kheo ni.
Chỗ ngồi, ni vào tháng,
bị dơ, và mảnh vải,
bị đứt, và mọi lúc,
lại không có hiện tướng,
có dáng vẻ, các tướng,
và các kỳ kinh nguyệt,
cũng vậy, máu ứ đọng,
thường xuyên phải mang vải,
bị rong kinh, dị tướng,
bị thiến, bị lại đực,
và không rõ giới tính,
và có luôn hai tính.
Điều này như ở dưới,
bệnh cùi, nhọt, bệnh chàm,
lao, động kinh, là người,
là nữ, và tự do,
không nợ, không lính vua,
được phép, và hai mươi,
đủ (y bát), tên gì?
Ni tế độ tên gì?
Hai bốn điều chướng ngại,
sau khi đã hỏi xong,
việc thành cụ túc giới,
các cô bị bối rối,
khi chưa được chỉ dạy,
giữa hội chúng, cũng vậy.
Chọn thầy, y hai lớp,
thượng y, và hạ y.
áo lót, và vải choàng,
sau khi được chỉ dạy,
thì nên được sử dụng.
Ngu dốt, chưa chỉ định,
được làm, vị cầu xin,
hỏi các pháp chướng ngại,
cô ni đã được tu
lên bậc trên một phía,
ở hội chúng tỷ-kheo
lại cũng y như thế,
bóng nắng, mùa tiết, ngày,
điều đã được kết tập,
ba vật được nương nhờ,
tám điều chẳng nên làm.
(Trễ) giờ, ở mọi nơi
đều được chừa tám chỗ,
tỷ-kheo ni không hành
lễ Pavāranā,
và cũng y như thế
nơi hội chúng tỷ-kheo.
Xáo trộn trước bữa ăn,
xáo trộn vì tối trời,
lễ Bố Tát, Tự Tứ,
mệnh lệnh và quyền hạn,
giành chỗ, trách, nhắc nhở,
đại Ẩn Sĩ ngăn cấm,
cũng như thế tỷ-kheo
đối với tỷ-kheo ni,
vị đại Ẩn Sĩ cho phép.
Đi xe, bệnh, buộc vào,
xe thì bị dằn xóc,
chuyện Addhakāsī,
tỷ-kheo, ni tập sự,
sa-di, sa-di ni,
và bởi ni ngu dốt.
Trong rừng, bởi thiện nam,
kho chứa đồ, nhà ở,
công trình mới chẳng màng.
Vị ni ở một mình,
đã có thai từ trước,
chung nhà, và trọng pháp,
chưa xả bỏ (điều học)
và ni ấy đến gần.
Việc đảnh lễ, cạo tóc,
cắt móng, băng vết thương.
Thế kiết già, vị bệnh,
đại tiện, và bột tắm,
tẩm hương thơm, nhà tắm,
ở nơi giòng nước chảy,
không phải là bãi tắm,
và (tắm) với người nam.
Gotamī cầu xin,
Ananda khôn khéo,
đã có được tứ chúng.
Các vị đã xuất gia
trong Giáo Pháp của Phật,
có trí óc bén nhạy
vì lợi ích chúng sanh,
và phát triển Chánh Pháp,
giống như thuốc người bệnh,
cũng thế Phật dạy rồi.
Được hướng dẫn như thế
ở ngay trong chánh Pháp,
các cô người nữ khác
cũng đạt đến Bất Tử,
đến được nơi ấy rồi
không còn sầu khổ nữa.

----oOo----


Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

Source: BuddhaSasana

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]