Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương Năm Pháp (16 - 20)

15/04/201317:16(Xem: 7761)
Chương Năm Pháp (16 - 20)

Kinh Tăng Chi Bộ

Chương Năm Pháp (16 - 20)

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch

XVI. PHẨM DIỆU PHÁP

(I) (151) QUYẾT ĐỊNH TÁNH VỀ DIỆU PHÁP (1)

1. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?

2. Khinh lời thuyết giảng, khinh người thuyết giảng, khinh tự mình, nghe pháp với tâm tán loạn, không nhứt tâm và không như lý tác ý.

Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?

4. Không khinh lời thuyết giảng, không khinh người thuyết giảng, không khinh tự mình, nghe pháp với tâm tán loạn, nhứt tâm và như lý tác ý.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.

(II) (152) QUYẾT ĐỊNH TÁNH VỀ DIỆU PHÁP (2)

1. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?

2. Khinh lời thuyết giảng, khinh người thuyết giảng, khinh tự mình, ác tuệ; đần độn, câm điếc, không tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?

4. Không khinh lời thuyết giảng, không khinh người thuyết giảng, không khinh tự mình, có trí tuệ; không đần độn, không câm điếc, tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.

(II) (153) QUYẾT ĐỊNH TÁNH VỀ DIỆU PHÁP (3)

1. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?

2. Nghe pháp với tâm chê bai, với tâm bị chê bai ám ảnh; nghe pháp với tâm cật nạn, tìm tòi khuyết điểm; trong khi pháp giảng, tâm bị choáng váng, bị chai sạn; ác tuệ; đần độn, câm điếc, không tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?

4. Nghe pháp với tâm không chê bai, không bị chê bai ám ảnh; nghe pháp với tâm không cật nạn, không tìm tòi khuyết điểm; trong khi pháp giảng, tâm không bị choáng váng, không bị chai sạn; có trí tuệ; không đần độn, không câm điếc, tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.

(IV) (154) DIỆU PHÁP HỖN LOẠN (1)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không cẩn trọng nghe pháp; không cẩn trọng học thuộc lòng pháp; không cẩn trọng thọ trì pháp; không cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì; không cẩn trọng thực hành pháp và tùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất.

3. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cẩn trọng nghe pháp; cẩn trọng học thuộc lòng pháp; cẩn trọng thọ trì pháp; cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì; cẩn trọng thực hành pháp và tùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

(V) (155) DIỆU PHÁP HỖN LOẠN (2)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không học thuộc lòng Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không thuyết pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không để cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không có đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo với tâm không tùy tầm, không tùy tứ, với ý không tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất.

7. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo thuyết pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn và không biến mất.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo để cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp được an trú, không hỗn loạn và không biến mất.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo được đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn và không biến mất.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo với tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

(VI) (156) DIỆU PHÁP HỖN LOẠN (3)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh điển bị nắm giữ sai lạc, với những văn cú đặt sai lầm. Này các Tỷ-kheo, với văn cú sai lầm, ý nghĩa bị hướng dẫn sai lạc. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo là những người khó nói, đầy đủ những tánh khiến họ trở thành khó nó, khó kham nhẫn, không cung kính đón nhận khi được giảng dạy. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, khiến diệu pháp hỗn loạn và biết mất.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều Thánh giáo được trao truyền, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu. Các vị ấy không cẩn trọng để cho các người khác nói pháp. Do duyên này của họ, Khế kinh như bị đứt gốc, không còn là chỗ nương tựa. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trưởng lão là những vị sống đầy đủ, biếng nhác, dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng viễn ly, không có hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chúng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tri kiến của họ. Họ cũng sẽ trở thành những người sống đầy đủ, biếng nhác, dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng viễn ly, sẽ không hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chúng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng bị chia rẽ. Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín không tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất.

7. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh điển bị nắm giữ tốt đẹp, với những văn cú được phối trí chơn chánh và ý nghĩa được hướng dẫn chơn chánh. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biết mất.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo là những người dễ nói, dễ kham nhẫn, cung kính đón nhận khi được giảng dạy. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều Thánh giáo được trao truyền, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu. Các vị ấy cẩn trọng để cho các người khác nói pháp. Do duyên này của họ, kinh điển không bị đứt gốc, là chỗ nương tựa. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trưởng lão không sống đầy đủ, không biếng nhác, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, dẫn đầu trong đời sống viễn ly, hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chúng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tri kiến của họ. Họ cũng sẽ trở thành những người không sống đầy đủ, không biếng nhác, dẫn đầu trong đời sống viễn ly, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chúng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh luận, cùng một giáo lý, sống an ổn. Khi chúng Tăng hòa hợp, này các Tỷ-kheo, không có sự mắng nhiếc lẫn nhau, không có sự đấu khẩu lẫn nhau, không có sự thanh trừng lẫn nhau không có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín không có đổi khác. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

(VII) (157) ÁC THUYẾT

1. - Lời nói của năm hạng người, này các Tỷ-kheo, là ác thuyết, khi có sự đối chứng giữa người và người. Thế nào là năm?

2. Nói về tín với người không tin, này các Tỷ-kheo, là ác thuyết; nói về giới với người ác giới là ác thuyết; nói về nghe nhiều với người nghe ít là ác thuyết; nói về bố thí với người xan tham là ác thuyết; nói về trí tuệ với người ác tuệ là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nói về tín với người không tin là ác thuyết?

3. Người không tin, này các Tỷ-kheo, khi được nói về lòng tin liền tức tối, phẫn nộ, hiềm khích, mất bình tĩnh, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ lòng tin, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về tín với người không có lòng tin là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về giới với người ác giới là ác thuyết?

4. Người ác giới, này các Tỷ-kheo, khi được nói về giới liền tức tối, phẫn nộ...Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ giới, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về giới với người ác giới là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về nghe nhiều với người nghe ít là ác thuyết?

5. Người nghe ít, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến nghe nhiều liền tức tối, phẫn nộ...Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ nghe nhiều, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về nghe nhiều với người nghe ít là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về bố thí với người xan tham là ác thuyết?

6. Người xan tham, này các Tỷ-kheo, khi được nói về bố thí liền tức tối, phẫn nộ...Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ bố thí, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về bố thí với người xan tham là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về tuệ với người ác tuệ là ác thuyết?

7. Người ác tuệ, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến trí tuệ liền tức tối, phẫn nộ...Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ trí tuệ, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về trí tuệ với người ác tuệ là ác thuyết.

Lời nói của năm hạng người này là ác thuyết, khi có sự đối chứng giữa người và người.

8. Lời nói của năm hạng người này là thiện thuyết, khi có sự đối chứng giữa người và người. Thế nào là năm?

9. Thuyết về tín cho người có lòng tin, này các Tỷ-kheo, là thiện thuyết; thuyết về giới cho người giữ giới là thiện thuyết; thuyết về nghe nhiều cho người nghe nhiều là thiện thuyết; thuyết về bố thí cho người bố thí là thiện thuyết; thuyết về trí tuệ cho người trí tuệ là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thuyết về lòng tin cho người có lòng tin là thiện thuyết?

10. Người có lòng tin, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến lòng tin thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích, không mất bình tĩnh, không biểu lộ phẫn nộ, sân hận, phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có đầy đủ lòng tin, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về tín với người có lòng tin là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về giới cho người giữ giới là thiện thuyết?

11. Người giữ giới, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến về giới thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích, không mất bình tĩnh, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận, không phiền muộn. Vì sao ? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có đầy đủ giới, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về giới với người có giữ giới là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về nghe nhiều cho người nghe nhiều là thiện thuyết?

12. Người nghe nhiều, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến nghe nhiều thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích...không phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có nghe nhiều, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về nghe nhiều với người có nghe nhiều là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về bố thí cho người bố thí là thiện thuyết?

13. Người bố thí, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến bố thí thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích...không phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có bố thí, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về bố thí với người có bố thí là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về trí tuệ cho người có trí tuệ là thiện thuyết?

14. Người trí tuệ, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến trí tuệ thì không tức tối...không phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có trí tuệ, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về trí tuệ với người có trí tuệ là thiện thuyết.

Lời thuyết của năm hạng người này, này các Tỷ-kheo, là thiện thuyết khi có sự đối chứng giữa người và người.

(VIII) (158) SỢ HÃI

1. - Th��nh tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo rơi vào trong sợ hãi. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có lòng tin, giữ ác giới, nghe ít, biếng nhác và ác tuệ.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo rơi vào trong sợ hãi.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có sợ hãi. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có sợ hãi.

(IX) (159) TÔN GIẢ UDÀYI

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, Tôn giả Udàyi có hội chúng cư sĩ đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp. Tôn giả Ànanda thấy Tôn giả Udàyi có hội chúng đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp, sau khi thấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Udàyi có hội chúng cư sĩ đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp.

- Này Ànanda, thật không dễ gì để thuyết pháp cho các người khác. Để thuyết pháp cho các người khác, này Ànanda, sau nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho các người khác. Thế nào là năm?

2. "Ta sẽ thuyết pháp tuần tự", thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. "Ta sẽ thuyết với mắt nhìn vào pháp môn", thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. "Ta sẽ thuyết vì lòng từ mẫn", thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. "Ta sẽ thuyết pháp, không phải vì tài vật", thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. "Ta sẽ thuyết pháp, không làm thương tổn cho mình và cho người". Thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy.

- Này Ànanda, thật không dễ gì để thuyết pháp cho các người khác. Để thuyết pháp cho các người khác, này Ànanda, sau nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho các người khác.

(X) (160) KHÓ TRỪ KHỬ

1. - Năm pháp này khởi lên, này các Tỷ-kheo, thật khó trừ khử. Thế nào là năm?

2. Tham khởi lên, thật khó trừ khử; sân khởi lên, thật khó trừ khử; si khởi lên, thật khó trừ khử; ham nói khởi lên, thật khó trừ khử; tâm lang thang thật khó trừ khử.

Năm pháp này đã khởi lên, này các Tỷ-kheo, thật khó trừ khử.


XVII. PHẨM HIỀM HẬN

(I) (161) TRỪ KHỬ HIỀM HẬN (1)

1. - Có năm trừ khử hiềm hận này, này các Tỷ-kheo, ở đây, vị Tỷ-kheo có hiềm hận khởi lên cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?

2. Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, từ cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.

3. Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, bi cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.

4. Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy xả cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

5. Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, vô niệm, vô tác ý cần được thực hiện. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

6. Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, sự kiện nghiệp do mình tạo cần phải an lập là: "Tôn giả là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là khởi nguyên của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm nghiệp thiện hay ác được làm Tôn giả sẽ là người thừa tự nghiệp ấy". Như vậy, trong người ấy, hiềm hận cần phải được trừ khử.

Này các Tỷ-kheo, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây, hiềm hận khởi lên cho Tỷ-kheo cần phải trừ khử một cách hoàn toàn.

(II) (162) TRỪ KHỬ HIỀM HẬN (2)

1. Ở đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:

- Này các Hiền giả Tỷ-kheo.

- Thưa Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:

2. - Này các Hiền giả, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây, hiềm hận khởi lên cho Tỷ-kheo cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?

3. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.

4. Ở đây, này các Hiền giả, có người khẩu hành không thanh tịnh, thân hành thanh tịnh, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.

5. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng thỉnh thoảng tâm được mở rộng, tâm được tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.

6. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, và thỉnh thoảng không được tâm rộng mở, không được tâm tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.

7. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, và thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.

8. Ở đây, này các Hiền giả, người này thân hành không thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần được trừ khử?

9. Ví như, này các Hiền giả, Tỷ-kheo mặc áo lượm từ đống rác, thấy một tấm vải (liệng ở đống rác) trên con đường xe đi, liền lấy chân trái chận lại, lấy chăn mặt kéo tấm vải cho rộng ra, đoạn nào là đoạn chánh, làm cho nó có thể sử dụng được rồi cầm lấy mang đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này, với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành thanh tịnh; những cái gì thuộc về thân hành không thanh tịnh; lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; còn những gì thuộc khẩu hành thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy nên tác ý. Như vậy, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

10. Ở đây, này các Hiền giả, người này với khẩu hành không thanh tịnh, với thân hành thanh tịnh. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?

11. Ví như, này các Hiền giả, một hồ nước đầy bùn và cây lau. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy ngụp lặn trong hồ nước ấy, lấy hai tay gạt ra ngoài bùn và lá cây, lấy bàn tay bụm nước lại, uống rồi ra đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này, với khẩu hành không thanh tịnh, với thân hành thanh tịnh; những cái gì thuộc về khẩu hành không thanh tịnh; lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; còn những gì thuộc thân hành thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy nên tác ý. Như vậy, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

12. Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử ?

13. - Ví như, này các Hiền giả, ít nước trong dấu chân của con bò. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy suy nghĩ như sau: "Một ít nước này trong dấu chân con bò, nếu ta uống với núm tay hay với cái chén, ta sẽ làm nước ấy dao động và di động, khiến nước không thể uống được. Vậy ta hãy gieo mình xuống với cả bốn thân phần uống nước rồi ra đi". Rồi người ấy gieo mình xuống với cả bốn thân phần, uống nước rồi ra đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, với tâm thỉnh thoảng được mở rộng và tịnh tín; những cái gì thuộc thân hành không thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; những cái gì thuộc khẩu hành không thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; những cái gì thuộc tâm thỉnh thoảng được rộng mở và sáng suốt, lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý. Như vậy trong người ấy hiền hận cần phải trừ khử.

14. Ở đây, này các Hiền giả, người này với khẩu hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh và thỉnh thoảng tâm không được rộng mở và tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?

15. - Ví như, này các Hiền giả, có người đau bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, đang đi giữa đường, có làng xa trước mặt, có làng xa sau lưng, nó không có được các đồ ăn thích đáng, nó không có được các dược phẩm trị bệnh thích đáng, không có được sự giúp đỡ thích đáng, không có người hướng dẫn đưa đến tận làng.

Một người khác cũng đang đi trên đường thấy người ấy. Người này đối với người ấy khởi lên lòng từ, khởi lên lòng thương tưởng, khởi lên lòng từ mẫn: "Ôi, mong rằng người này được các đồ ăn thích đáng, được các dược phẩm trị bị thích đáng, được các sự giúp đỡ thích đáng, được người hướng dẫn đi đến cuối làng". Vì sao? Vì mong rằng người này ở đây không bị suy tổn, tử vong. Cũng vậy, này các hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm không được mở rộng và tịnh tín, người như vậy cần phải khởi lên lòng từ, cần phải khởi lên lòng thương tưởng, cần phải khởi lên lòng từ mẫn: "Ôi, mong rằng Tôn Giả này, sau khi đoạn tân thân ác hành cần phải tu tập thân thiện hành, sau khi đoạn tận khẩu ác hành cần phải tu tập khẩu thiện hành, sau khi đoạn tận ý ác hành cần phải tu tập ý thiện hành". Vì sao? Vì mong rằng Tôn giả ấy sau thân hoại mạng chung, không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

16. Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm được rộng mở và thịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?

17. Ví như, này các Hiền giả, một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước trong sáng, có bờ hồ khéo sắp đặt đẹp đẽ và được nhiều loại cây che bóng. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy sau khi lặn xuống trong hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước, nó ra khỏi hồ, liền qua ngồi hay nằm dưới bóng cây. Cũng vậy, này các hiền giả, người này với thân hành thanh tịnh, với khẩu hành thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm được cởi mở tịnh tín. Những gì thuộc thân hành thanh tịnh, lúc bấy giờ cần phải tác ý; những gì thuộc khẩu hành thanh tịnh, lúc bấy giờ cần phải tác ý và điều gì thỉnh thoảng tâm được rộng mở và tịnh tín, lúc bấy giờ cần phải được tác ý. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

Này các Hiền giả, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây Tỷ-kheo có hiềm hận khởi lên cần phải trừ khử một cách hoàn toàn.

(III) (163) CUỘC NÓI CHUYỆN

1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:

- Này các hiền giả Tỷ-kheo.

- Thưa Hiền giả.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:

2..... (Giống như kinh #65 ở trước)

(IV) (164) MỘT VÍ DỤ

(Tôn giả Sàriputta nói lại kinh #66 ở trước).

(V) (165) NHỮNG CÂU HỎI

1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo... (như trên)...

2. Này các Hiền giả, ai hỏi một người khác câu hỏi gì, tất cả đều nằm trong năm trường hợp này, hay một trong năm trường hợp này. Thế nào là năm?

3. Do đần độn ngu si, hỏi người khác câu hỏi; do ác dục, tham dục, hỏi người khác câu hỏi; khinh thường, hỏi người khác câu hỏi; với tâm muốn hiểu biết, hỏi người khác câu hỏi, nghĩ rằng nếu do ta hỏi, vị ấy trả lời đúng đắn, thời như vậy tốt đẹp, nhưng nếu do ta hỏi, vị ấy trả lời không chân chánh, thời ta sẽ trả lời chân chánh cho vị ấy.

Này các Hiền giả, ai hỏi một người khác câu hỏi gì đều nằm trong năm trường hợp này, hay một trong năm trường hợp này. Này các Hiền giả, ta với tâm như vậy hỏi người khác câu hỏi. Nếu do ta hỏi, người ấy trả lời một cách chân chánh,, thời như vậy thật tốt đẹp.

Nếu ta hỏi và vị ấy trả lời không chơn chánh, thời ta sẽ trả lời chơn chánh.

(VI) (166) DIÊM THỌ TƯỞNG ĐỊNH

1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:...(như trên)...

2. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào một cách hoàn toàn và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có thể xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, vị ấy không đạt được chánh trí, thời vị ấy chắc chắn vượt khỏi cộng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, (với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra.

Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta:

- Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sàriputta, không có trường hợp này: "Rằng vị Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, vị ấy có thể nhập vào xuất khỏi Diệt thọ tưởng định"; sự kiện này không xảy ra.

Lần thứ hai... Lần thứ ba, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:

- Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, vị ấy không đạt được chánh trí, thời vị ấy chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, (với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra.

Lần thứ ba, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta:

- Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sàriputta: "Không có trường hợp này rằng vị Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, vị ấy có thể nhập vào xuất khỏi Diệt thọ tưởng định"; sự kiện này không xảy ra.

3. Rồi Tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau: "Cho đến lần thứ ba, Tôn giả Udàyi phản kháng ta và không một Tỷ-kheo nào tùy hỷ ta, vậy ta hãy đi đến Thế Tôn". Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:

- Ở đây, này các chư Hiền, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ... (với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có thể xảy ra...

Lần thứ ba, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta:

0- Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sàriputta, không có trường hợp này, rằng: "Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực và được sanh với thân do ý làm ra, (với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào xuất khỏi Diệt thọ tưởng định"; sự kiện này không xảy ra.

4. Rồi Tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau: "Trước mặt Thế Tôn, Tôn giả Udàyi cho đến ba lần phản kháng ta và không một Tỷ-kheo nào tùy hỷ ta, vậy ta hãy im lặng". Rồi Tôn giả Sàriputta giữ im lặng. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Udàyi:

- Này Udàyi, Thầy đi đến kết luận ai có thân do ý làm ra?

- Bạch Thế Tôn, có Chư Thiên vô sắc, do tưởng làm ra.

- Này Udàyi, Thầy nghĩ thế nào mà nói lên câu nói của kẻ ngu, không thông minh sáng suốt?

5. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ànanda:

- Này Ànanda, các Thầy có thể nhìn một cách thản nhiên khi một Tỷ-kheo trưởng lão bị làm phiền não như vậy. Này Ànanda, lòng từ bi không có thể khởi lên một khi Tỷ-kheo trưởng lão bị làm phiền não! (mà các Thầy không có phản ứng).

Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có thể xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, không thể đạt được chánh trí, vị ấy chắc chắn vượt khỏi cộng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, (với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra.

Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tinh xá.

6. Rồi Tôn giả Ànanda, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, đi đến Tôn giả Upavàna, sau khi đến, nói với Tôn giả Upavàna:

- Ở đây, này Hiền giả Upavàna, một số người làm phiền não Tỷ-kheo trưởng lão và chúng ta không ai đặt câu hỏi. Do vậy, thật không có gì kỳ lạ, thưa Hiền giả, rằng Thế Tôn, vào buổi chiều, sau khi từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, nêu lên vấn đề này và sự việc như thế nào, kể lại cho Tôn giả Upavàna nghe tất cả. Nay chúng ta cảm thấy sợ hãi.

7. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến ngôi giảng đường, sau khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Upanàva:

- Này Upavàna, thành tựu bao nhiêu pháp, Tỷ-kheo trưởng lão được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, tôn trọng và noi gương tu tập?

- Bạch Thế Tôn, thành tựu năm pháp, Tỷ-kheo trưởng lão được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, tôn trọng và được noi gương tu tập. Thế nào là năm?

8. Ở đây, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo trưởng lãi giữ giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn... (xem trước #87 số IX Phẩm Trưởng Lão) và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo trưởng lão đối với các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, tôn trọng và được noi gương tu tập.

9. - Lành thay, lành thay, này Upavàna! Thành tựu năm pháp này, Tỷ-kheo trưởng lão đối với các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, tôn trọng và được noi gương tu tập. Nếu Tỷ-kheo trưởng lão không có được năm pháp này, thời phải có các đồng Phạm hạnh cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vị ấy vì răng rụng, tóc bạc và da nhăn. Do vậy, này upavana, do năm pháp này có hiện hữu trong Tỷ-kheo trưởng lão, cho nên các đồng Phạm hạnh cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vị ấy.

(VII) (167) BUỘC TỘI

1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:

- Này các Hiền giả, khi Tỷ-kheo buộc tội muốn buộc tội người khác, hãy an trú nội tâm năm pháp rồi hãy buộc tội. Thế nào là năm?

2. "Tôi sẽ nói đúng thời, không phải phi thời"; "Tôi sẽ nói chơn thật, không phải phi chơn"; "Tôi sẽ nói nhu hòa, không phải thô bạo"; "Tôi sẽ nói liên hệ đến lợi ích, không phải lời không liên hệ đến lợi ích"; "Tôi sẽ nói với từ tâm, không phải sân tâm".

Này các Hiền giả, khi vị Tỷ-kheo buộc tội muốn buộc tội người khác, hãy an trú nội tâm năm pháp rồi hãy buộc tội.

3. Ở đây, này các Hiền giả, tôi thấy có người bị buộc tội phi thời, nhưng phản ứng không đúng thời; có người bị buộc tội phi chơn và có phản ứng không chơn thực; bị buộc tội thô bạo và có phản ứng không nhu hòa; bị buộc tội không liên hệ đến lợi ích và có phản ứng không liên hệ đến lợi ích; bị buộc tội với sân tâm và có phản ứng không có từ tâm.

4. Tỷ-kheo buộc tội phi pháp, có năm lý do không cần sắp đặt sám hối: "Tôn giả bị buộc tội phi thời, không đúng thời, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối"; "Tôn giả bị buộc tội phi chơn, không phải chơn thực, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối"; "Tôn giả bị buộc tội thô bạo, không có nhu hòa, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối"; "Tôn giả bị buộc tôi không liên hệ đến lợi ích, không phải liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối"; "Tôn giả bị buộc tội với sân tâm, không với từ tâm, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối".

Tỷ-kheo bị buộc tội một cách phi pháp, có năm lý do này không cần phải sắp đặt sám hối.

5. Tỷ-kheo buộc tội phi pháp, có năm lý do cần sắp đặt sám hối: "Hiền giả đã buộc tội phi thời, không phải đúng thời, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối"; "Hiền giả đã buộc tội phi chơn, không phải chơn thực, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối"; "Hiền giả đã buộc tội thô bạo, không có nhu hòa, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối"; "Tôn giả đã buộc tôi liên hệ đến lợi ích, không phải liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối"; "Hiền giả đã buộc tội với sân tâm, không với từ tâm, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối".

Tỷ-kheo buộc tội phi pháp, này các Hiền giả, có năm lý do này cần phải sắp đặt sám hối. Vì sao? Vì rằng nhờ vậy không một Tỷ-kheo nào khác nghĩ rằng có thể buộc tội phi chơn.

6. Ở đây, này các Hiền giả, tôi thấy có người bị buộc tội đúng thời, không phản ứng phi thời; bị buộc tội chơn thực, không phản ứng phi chơn; bị buộc tội nhu hòa, không phản ứng thô bạo; bị buộc tội liên hệ đến lợi ích, bị buộc tội với từ tâm, không phản ứng với sân tâm.

7. Tỷ-kheo, này các Hiền giả, bị buộc tội đúng pháp có năm lý do cần phải sắp đặt sám hối: "Tôn giả bị buộc tội đúng thời, không phải phi thời, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối"; "Tôn giả bị buộc tội chơn thực, không phải phi thực, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối"; "Tôn giả bị buộc tội nhu hòa không thô bạo, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối"; "Tôn giả bị buộc tội liên hệ đến lợi ích, không phải liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối"; "Tôn giả bị buộc tội với từ tâm, không với sân tâm, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối".

Tỷ-kheo bị buộc tội đúng pháp có năm lý do này, cần phải sắp đặt sám hối.

8. Tỷ-kheo, này các Hiền giả, buộc tội đúng pháp có năm lý do để không phải sắp đặt sám hối: "Hiền giả buộc tội đúng thời, không phải phi thời, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối"; "Hiền giả bị buộc tội chơn thực, không phải phi thực, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối"; "Tôn giả bị buộc tội thô bạo, không có nhu hòa, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối"; "Tôn giả bị buộc tôi không liên hệ đến lợi ích, không phải liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối"; "Hiền giả bị buộc tội với từ tâm, không với sân tâm, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối".

Này các Hiền giả, Tỷ-kheo buộc tội đúng pháp, do năm lý do này không cần phải sắp đặt sám hối. Vì sao? Vì nhờ vậy, các Tỷ-kheo khác nghĩ rằng buộc tội cần phải đúng pháp.

9 Người bị buộc tội, thưa các Hiền giả, cần phải an trú trong hai pháp: chơn thực và bất động. Này các Hiền giả, nếu các người khác buộc tội tôi, đúng thời hay phi thời, chơn thực hay phi chơn, nhu hòa hay thô bạo, liên hệ đến lợi ích hay không liên hệ đến lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm, thì cần phải an trú trong hai pháp: Chơn thực và bất động. Nếu tôi biết: "Pháp này có trong tôi", nếu tôi nghĩ là "có", tôi sẽ nói: "Pháp này có trong tôi". Nếu tôi biết: "Pháp này không có trong tôi", nếu tôi nghĩ là "không có", tôi sẽ nói: "Pháp này không có trong tôi".

10. Thế Tôn nói:

- Như vậy này Sàriputta, khi Thầy nói như vậy, ở đây có một số người ngu nào không có khả năng nắm được vấn đề?

11. - Bạch Thế Tôn, những người nào không có lòng tin, với mục đích mưu sống, không vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình; những người xảo trá, lường gạt, hư ngụy, mất thăng bằng, cao mạn, dao động, lắm lời, nói phô tạp nhạp, không hộ trì các căn, ăn uống không tiết độ, không chú tâm cảnh giác, thờ ơ với Sa-môn hạnh, không tôn kính học tập, sống quá đầy đủ, uể oải, đi đầu trong thối thất, từ bỏ gánh nặng, viễn ly, biếng nhác, tinh cần thấp kém, thất niệm, không tỉnh giác, không định tâm, tâm tán loạn, liệt tuệ, câm ngọng; khi con nói như vậy, họ không có khả năng nắm được vấn đề. Nhưng các thiện nam tử, bạch Thế Tôn, vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không xảo trá, lường gạt, không hư ngụy, không mất thăng bằng, không cao mạn, không dao động, không lắm lời, không nói tạp nhạp, hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác, không thờ ơ với Sa-môn hạnh, tôn kính học tập, không sống quá đầy đủ, không uể oải, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, đi đầu trong đời sống viễn ly, tinh cần tinh tất, siêng năng, an trú chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, có trí tuệ, không câm ngọng. Khi con nói như vậy, các vị này có khả năng nắm giữ vấn đề.

12. - Này Sàriputta, các Thầy không vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình.. liệt tuệ, câm ngọng, hãy để họ một bên. Nhưng này Sàriputta, những thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình... không câm ngọng, hãy nói chuyện với họ. Hãy giáo giới các vị đồng Phạm hạnh, hãy giảng dạy, này Sàriputta, các vị đồng Phạm hạnh nghĩ rằng: "Sau khi giúp ra khỏi diệu pháp, tôi an trú các vị đồng Phạm hạnh trong diệu pháp".

(VIII) (168) GIỚI

(Ngài Sàriputta nói lại kinh số #24 Tăng Chi III)

(IX) (169) ĐƯA ĐẾN BIẾT

1. Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda thưa với Tôn giả Sàriputta:

2. - Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo mau chóng đi đến hiểu biết đối với thiện pháp, sự nắm giữ của vị ấy là khéo nắm giữ, nắm giữ nhiều và không quên điều đã nắm giữ.

- Tôn giả Ànanda là vị nghe nhiều, mong Tôn giả Ànanda hãy nói lên.

- Vậy thưa Hiền giả Sàriputta, hãy khéo tác ý, tôi sẽ nói.

- Thưa vâng, Hiền giả.

Tôn giả Sàriputta vâng đáp Tôn giả Ànanda. Tôn giả Ànanda nói như sau:

3. Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, có Tỷ-kheo thiện xảo về ý nghĩa, thiện xảo về pháp, thiện xảo về căn cú, thiện xảo về địa phương ngữ, thiện xảo về liên hệ trước sau. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo mau chóng đi đến hiểu biết đối với các thiện pháp, sự nắm giữ của vị ấy là khéo nắm giữ, nắm giữ nhiều, và không quên điều đã nắm giữ.

- Thật là vi diệu, thưa Hiền giả! thật là hy hữu, thưa Hiền giả! Khó nói thay, điều này được Tôn giả Ànanda nói lên. Chúng tôi tin rằng Tôn giả Ànanda thành tựu năm pháp này. Tôn giả Ànanda thiện xảo về nghĩa, thiện xảo về pháp, thiện xảo về văn cú, thiện xảo về địa phương ngữ, thiện xảo về liên hệ trước sau.

(X) (170) BHADDAJI

1. Một thời, Tôn giả Ànanda trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Bhaddaji đi đến Tôn giả Ànanda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Tôn giả Ànanda nói với Tôn giả Bhaddaji đang ngồi một bên.

2. - Thưa Hiền giả Bhaddaji, cái gì là tối thượng trong những điều được thấy? Cái gì là tối thượng trong những điều được nghe? Cái gì là tối thượng trong các lạc? Cái gì là tối thượng trong những điều được tưởng? Cái gì là tối thượng trong các hữu?

- Thưa Hiền giả, có Phạm Thiên, là bậc tối thắng (Tự thắng), là bậc vô địch, bậc biến nhãn, tự đối với tất cả loại hữu tình. Thấy Phạm Thiên là tối thượng trong những điều được thấy. Thưa Hiền giả, có chư Thiên Quang Âm tràn đầy và biến mãn an lạc. Khi nào và chỗ nào họ thốt lên lời cảm hứng ngữ: "Ôi sung sướng thay! Ôi sung sướng thay!" Ai nghe tiếng ấy, có là sự nghe tối thượng. Thưa Hiền giả, có chư Thiên Biến Tịnh, họ sống thoải mái trong tịch tịnh, họ cảm giác lạc thọ. Đây là lạc tối thượng. Thưa Hiền giả, có chư Thiên đạt được Vô sở hữu xứ. Đây là tưởng vô thượng. Thưa Hiền giả, có chư Thiên đạt được Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là hữu tối thượng.

3. - Lời nói của Tôn giả Bhaddaji, đây là lời của quần chúng.

- Tôn giả Ànanda và vị nghe nhiều. Tôn giả Ànanda hãy nói lên.

- Vậy này Hiền giả Bhaddaji, hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.

- Thưa vâng, Hiền giả.

Tôn giả Bhaddaji vâng đáp Tôn giả Ànanda. Tôn giả Ànanda nói như sau:

- Khi người ta nhìn, này Hiền giả, không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là sự thấy tối thượng. Khi người ta nghe không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là sự nghe tối thượng. Khi người ta cảm giác lạc thọ không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là an lạc tối thượng. Khi người ta cảm tưởng không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là tưởng tối thượng. Khi người ta hiện hữu không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là hữu tối thượng.


XVIII. PHẨM NAM CƯ SĨ

(I) (171) SỢ HÃI

1. Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tị đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ rơi vào sợ hãi. Thế nào là năm?

Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ rơi vào sợ hãi.

3. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ không có sợ hãi. Thế nào là năm?

Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ không có sợ hãi.

(II) (172) KHÔNG SỢ HÃI

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ sống trong gia đình có sự sợ hãi. Thế nào là năm?

Sát sanh...đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ sống ở gia đình có sợ hãi.

2. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ sống trong gia đình không có sợ hãi. Thế nào là năm?

Từ bỏ sát sanh...từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ sống ở gia đình không có sợ hãi.

(III) (173) ĐỊA NGỤC

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

Sát sanh...đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?

Từ bỏ sát sanh...từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

(IV) (174) SỢ HÃI HẬN THÙ

1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên:

2. - Này Gia chủ, ai không đoạn tận năm sợ hãi hận thù, được gọi là ác giới và sanh vào địa ngục. Thế nào là năm?

Sát sanh, lấy của không cho, tả hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu.

Này Gia chủ, ai không đoạn tận năm sợ hãi hận thù này, được gọi là ác giới và sanh vào địa ngục.

3. - Này Gia chủ, ai đoạn tận năm sợ hãi hận thù, được gọi là có giới và sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?

Sát sanh, lấy của không cho...đắm say rượu men, rượu nấu.

Này Gia chủ, ai đoạn tận năm sợ hãi hận thù này, được gọi là có giới và sanh lên cõi Trời.

4. Này Gia chủ, do duyên sát sanh, người sát sanh hiện tại sanh khởi sợ hãi hận thù, đời sau sanh khởi sợ hãi hận thù, tâm cảm thọ khổ ưu. Từ bỏ sát sanh, hiện tại không sanh khởi sợ hãi hận thù, đời sau không sanh khởi sợ hãi hận thù, tâm không cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh, như vậy, sợ hãi hận thù ấy được tịnh chỉ.

5. Này Gia chủ, người lấy của không cho...Này Gia chủ, người có tà hạnh trong các dục...Này Gia chủ, người nói láo...Này Gia chủ, người đắm say rượu men, rượu nấu, do duyên đắm say rượu men, rượu nấu, hiện tại sanh khởi sợ hãi hận thù, tâm cảm thọ khổ ưu. Từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, hiện tại không sanh khởi sợ hãi hận thù, đời sau không sanh khởi sợ hãi hận thù, tâm không cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, như vậy, sợ hãi hận thù ấy được tịnh chỉ.

Ai sát hại sanh linh,
Và nói láo ở đời,
Lấy của cải không cho,
Đi đến vợ người khác,
Và người mãi đắm say,
Uống rượu men, rượu nấu,
Không đoạn năm hận thù,
Được gọi là ác giới,
Mạng chung, sanh ác tuệ,
Bị rơi vào địa ngục.
Ai không hại sanh linh,
Không nói láo ở đời,
Không lấy của không cho,
Không đi đến vợ người,
Người nào không đắm say,
Rượu men và rượu nấu,
Đoạn tận năm hận thù,
Được gọi là có giới,
Mạng chung, sanh trí tuệ,
Được sanh lên cõi lành.

(V) (175) KẺ BỊ VẤT BỎ

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, man cư sĩ là kẻ bị vất bỏ khỏi giới nam cư sĩ, là cấu uế cho nam cư sĩ, là tối hạ liệt cho nam cư sĩ. Thế nào là năm?

Không tin; ác giới; đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt; tin tưởng điềm lành, không tin hành động; tìm kiếm ngoài (Tăng chúng) người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước.

Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, man cư sĩ là kẻ bị vất bỏ khỏi giới nam cư sĩ, là cấu uế cho nam cư sĩ, là tối hạ liệt cho nam cư sĩ.

2. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ là hòn ngọc trong giới nam cư sĩ, là hoa sen hồng trong giới nam cư sĩ, là hoa sen trắng trong giới nam cư sĩ. Thế nào là năm?

Có lòng tin; có giới; không đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt; không tin tưởng điềm lành, tin tưởng ở hành động; không tìm kiếm ngoài Tăng chúng người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước.

Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ là hòn ngọc trong giới nam cư sĩ, là hoa sen hồng trong giới nam cư sĩ, là hoa sen trắng trong giới nam cư sĩ.

(VI) (176) HOAN HỶ

1. Rồi Gia chủ Anàthapindika với khoảng năm trăm nam cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên:

2. - Này Gia chủ, Ông đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng Ông chớ có bằng lòng với ý nghĩ: "Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh". Do vậy, này Gia chủ, Ông cần phải học tập như sau:

3. "Với phương tiện nào chúng ta thỉnh thoảng đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh" Như vậy, này Gia chủ, Ông cần phải học tập.

4. Được nghe nói như vậy, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Khéo nói thay là lời nói này của Thế Tôn: "Này Gia chủ, Ông đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng Ông chớ có bằng lòng với ý nghĩ: "Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh". Do vậy, Ông cần phải học tập như sau: "Với phương tiện nào chúng ta thỉnh thoảng đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh!" Như vậy, này Gia chủ, Ông cần phải học tập". Bạch Thế Tôn, khi nào Thánh đệ tử đạt đến và an trú hỷ do viễn ly sanh, trong thời gian ấy, năm sự việc không xảy ra: Khổ và ưu liên hệ đến dục trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy. Lạc và hỷ liên hệ đến dục trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy. Khổ và ưu liên hệ đến bất thiện trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy. Lạc và hỷ liên hệ đến bất thiện trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy. Khổ và ưu liên hệ đến thiện, trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy. Bạch Thế Tôn, khi nào Thánh đệ tử đạt đến và an trú hỷ do viễn ly sanh, trong thời gian ấy, năm sự việc này không xảy ra.

- Lành thay, lành thay, này Sàriputta, trong khi Thánh đệ tử đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh, trong thời gian ấy, năm sự kiện không xảy ra cho người ấy: Khổ và ưu liên hệ đến dục trong thời gian ấy không xảy ra cho người ấy. Lạc và hỷ liên hệ đến dục trong thời gian ấy không xảy ra cho người ấy. Khổ và ưu liên hệ đến bất thiện trong thời gian ấy không xảy ra cho người ấy. Lạc và hỷ liên hệ đến bất thiện trong thời gian ấy không xảy ra cho người ấy. Khổ và ưu liên hệ đến thiện, trong thời gian ấy không xảy ra cho người ấy. Này Sàriputta, trong khi vị Thánh đệ tử đạt đến và an trú hỷ do viễn ly sanh, trong thời gian ấy, năm sự kiện này không xảy ra cho người ấy.

(VII) (177) NGƯỜI BUÔN BÁN

1. - Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm?

Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc.

Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm.

(VIII) (178) CÁC VUA

1. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: "Người này đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh. Rồi do nhân từ bỏ sát sanh, các vua bắt người ấy sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Người này đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh. Rồi do nhân từ bỏ sát sanh, các vua bắt người ấy sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn!" Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: "Người này sát hại sinh mạng của nữ nhân hay nam nhân". Rồi các vua bắt người ấy, do nhân sát hại sinh mạng, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Các Thầy có thấy như vậy, hay nghe như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và nghe như vậy. Và sẽ được nghe như vậy nữa.

2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào, các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: "Người này đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ lấy của không cho, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Người này đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ lấy của không cho, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: "Người này lấy của không cho gọi là ăn trộm, từ làng hay từ khu rừng. Rồi các vua bắt người ấy, do duyên lấy của không cho, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Các Thầy có thấy như vậy, hay nghe như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và có nghe như vậy. Và sẽ được nghe như vậy nữa.

3. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: "Người này đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ tà hạnh trong các dục, sát hại, hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Người này đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ tà hạnh trong các dục, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn!" Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: "Người này có tà hạnh với những người đàn bà của người khác, với những thiếu nữ của người khác. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân tà hạnh trong các dục, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Các Thầy có thấy như vậy, hay có nghe như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và có nghe như vậy. Và sẽ được nghe như vậy nữa.

4. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào, các Thầy có thấy và có nghe như sau không: "Người này đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ nói láo, sát hại, hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn"?

- Thưa không, bạch Th��� Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Người này đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo. Rồi các vua chúa bắt người ấy, do nhân từ bỏ nói láo, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: "Người này do nói láo, phá hoại hạnh phúc của người gia chủ hay con người gia chủ". Rồi các vua bắt người ấy, và do nhân nói láo, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Các Thầy có thấy như vậy hay có nghe như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và nghe như vậy. Và sẽ được nghe như vậy nữa.

5. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào, các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: "Người này đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, sát hại, bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Người này đoạn tận đắm say rượu men rượu nấu. Rồi các vua chúa bắt người ấy, do nhân từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, sát hại, hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: "Người này do đắm say rượu men rượu nấu, lấy của không cho, gọi là ăn trộm từ làng hay từ khu rừng; người này do nhân đắm say rượu men rượu nấu, có tà hạnh đối với những nữ nhân của các người khác, đối với các thiếu nữ của những người khác; người này do nhân đắm say rượu men rượu nấu, nói láo, phá hoại hạnh phúc người gia chủ hay con người gia chủ. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân đắm say rượu men rượu nấu, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Các Thầy có thấy như vậy, có nghe như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy, có nghe như vậy và sẽ được nghe như vậy nữa.

(IX) (179) GIA CHỦ

1. Rồi Gia chủ Anàthapindika với khoảng 500 nam cư sĩ đoanh vây, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn bảo Tôn giả Sàriputta:

2. - Này Sàriputta, Thầy có biết người gia chủ mặc áo trắng nào mà sở hành được bảo vệ trong năm học giới, và có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú, nếu vị ấy muốn, có thể tự đáp về mình như sau: "Ta sẽ đoạn tận địa ngục, đoạn tận loài bàng sanh, đoạn tận loài ngạ quỷ, đoạn tận cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn phải thối đọa, quyết chắc đạt được Chánh giác"? Sở hành được bảo vệ trong năm học giới nào?

3. Ở đây, này Sàriputta, Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Sở hành được bảo vệ trong năm học giới này.

Vị ấy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú nào?

4. Ở đây, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử có lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ nhất đã chứng được nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

5. Lại nữa, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được kẻ trí tự mình giác hiểu". Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ hai đã chứng được nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

6. Lại nữa, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với chúng tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời". Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ ba đã chứng được nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

7. Lại nữa, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử thành tựu giới được bậc Thánh ái kính, không có bể vụn, không bị sức mẻ, không tì vết, không ô nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, làm cho an lạc, hướng đến Thiền định. Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ ba đã chứng được nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

Bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú này được chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, chứng đắc không phí sức.

8. Này Sàriputta, người gia chủ mặc áo trắng nào mà Thầy biết sở hành được bảo vệ trong năm học giới, và có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú; nếu vị ấy muốn, có thể tự đáp về mình như sau: "Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận loài bàng sanh, đoạn tận loài ngạ quỷ, đoạn tận cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn phải thối đọa, quyết chắc đạt được Chánh giác".

Thấy sợ hãi địa ngục,
Hãy tránh xa điều ác,
Khéo chấp nhận Chánh pháp,
Bậc Hiền trí tránh xa,
Không hại các chúng sanh,
Những vật có nỗ lực,
Biết không có nói láo,
Không lấy của không cho,
Tự bằng lòng vợ mình,
Tránh xa vợ người khác,
Người biết không uống rượu,
Khiến tâm trí mê loạn,
Hãy tùy niệm đến Phật,
Hãy tùy niệm đến Pháp,
Hãy tu tâm không sân,
Hãy tu tâm nhiêu ích,
Để xứng đáng được sanh,
Cảnh giới các chư Thiên,
Cầu công đức lợi ích,
Hãy cung cấp vật thí,
Trước thí bậc Chí thiện,
Mới mong có quả lớn,
Này Sàriputta,
Ta sẽ nói cho Thầy,
Các bậc Chí thiện ấy,
Thầy hãy lắng nghe ta,
Như trong một đàn bò,
Có con đen, trắng, đỏ,
Màu hung hay có đốm,
Có con màu bồ câu,
Dầu con bò màu gì,
Kiếm được con bò thuần,
Con vật kéo sức mạnh,
Đẹp, lanh và hăng hái,
Mặc kệ nó màu gì,
Liền mắc vào gánh nặng,
Cũng vậy, giữa loài Người,
Dầu có sinh chỗ nào,
Hoàng tộc, Bà-la-môn,
Thương gia hay nô bộc,
Kẻ không có giai cấp,
Hay hạ cấp đổ phân,
Giữa những người như vậy,
Ai điều phục, thuần thục,
Ngay thẳng, đủ giới đức,
Nói thực, biết tàm quý,
Sanh tử đã đoạn tận,
Phạm hạnh được vẹn toàn,
Gánh nặng đã hạ xuống,
Không còn bị trói buộc,
Việc cần làm đã làm,
Không còn bị lậu hoặc,
Đã đến bờ bên kia,
Không chấp trước tịch tịnh,
Phước điền ấy vô cấu,
Quả lớn đáng cúng dường.
Những kẻ ngu không biết,
Thiếu trí, ít nghe nhiều,
Chỉ bố thí bên ngoài,
Không đến gần kẻ thiện,
Những ai gần kẻ thiện,
Có tuệ, tôn bậc Hiền,
Họ tin bậc Thiện Thệ,
An trú tận gốc rễ,
Sanh Thiên hay ở đây,
Được sanh gia đình tốt,
Bậc trí tuần tự tiến,
Chứng được cảnh Niết-bàn.

(X) (180) GAVESÌ, NGƯỜI TẦM CẦU

1. Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đang đi trên đường, Thế Tôn thấy một chỗ có khóm rừng cây sàla to lớn; thấy vậy, Ngài bước xuống đường, đi đến khóm rừng cây sàla ấy, đi sâu vào rừng sàla ấy, và tại một địa điểm, Ngài mỉm cười. Rồi Tôn giả Ànanda suy nghĩ: "Do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn tỏ lộ mỉm cười? Không phải không có duyên cớ, các Như Lai tỏ lộ mỉm cười". Rồi Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn tỏ lộ mỉm cười? Không phải không có duyên cớ, các Như Lai tỏ lộ mỉm cười.

2. - Thuở xưa, này Ànanda, tại địa điểm này, có một thành phố phồn thịnh, giàu có và dân cư đông đúc. Tại thành phố ấy, này Ànanda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ở gần đây. Này Ànanda, Gavesì là một nam cư sĩ của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, nhưng giữ giới không được viên mãn. Rồi này Ànanda, có khoảng 500 nam cư sĩ được cư sĩ Gavesì thuyết pháp và khích lệ, các người này giữ giới luật không được viên mãn. Rồi này Ànanda, nam cư sĩ Gavesì suy nghĩ như sau: "Ta giúp đỡ rất nhiều 500 vị nam cư sĩ này. Ta đi trước, ta khích lệ họ, nhưng ta giữ giới luật không được viên mãn. Như vậy là đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn. Vậy ta hãy làm cái gì trội hơn, nhiều hơn". Rồi này Ànanda, nam cư sĩ Gavesì đi đến 500 nam cư sĩ ấy; sau khi đến, nói với 500 nam cư sĩ ấy như sau: "Này các Tôn giả, bắt đầu từ hôm nay, ta sẽ thọ trì viên mãn trong các giới từ hôm nay, ta sẽ thọ trì viên mãn trong các giới luật".

Rồi này Ànanda, 500 nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: "Tôn giả Gavesì đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước, đã khích lệ chúng ta. Tôn giả Gavesì sẽ gìn giữ viên mãn trong các giới luật. Tại sao chúng ta lại không như vậy?". Rồi này Ànanda, 500 nam cư sĩ ấy đi đến nam cư sĩ Gavesì; sau khi đến, nói với nam cư sĩ Gàvesi: "Bắt đầu tư hôm nay, thưa Tôn giả Gavesì, chúng tôi sẽ thọ trì viên mãn trong các giới luật".

Rồi này Ànanda, nam cư sĩ Gavesì suy nghĩ như sau: "Ta giúp đỡ rất nhiều cho 500 nam cư sĩ này, ta đi trước, ta khích lệ họ. Và năm trăm nam cư sĩ này gìn giữ viên mãn trong các giới luật, như vậy là đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn. Vậy ta hãy làm cái gì trội hơn, nhiều hơn". Rồi này Ànanda, nam cư sĩ Gavesì đi đến 500 nam cư sĩ ấy; sau khi đến, nói với 500 vị nam cư sĩ ấy như sau: "Bắt đầu từ ngày hôm nay, này các Tôn giả, ta sẽ thọ trì Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt".

Rồi này Ànanda, 500 nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: "Tôn giả Gavesì giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước và khích lệ chúng ta. Và Tôn giả Gavesì sẽ hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt. Tại sao chúng ta lại không như vậy?". Rồi này Ànanda, 500 nam cư sĩ ấy đi đến nam cư sĩ Gavesì; sau khi đến, nói với nam cư sĩ Gàvesi: "Bắt đầu tư hôm nay, thưa Tôn giả Gavesì, chúng tôi sẽ thọ trì Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ".

Rồi nam cư sĩ Gavesì suy nghĩ như sau: "Ta giúp đỡ rất nhiều cho 500 nam cư sĩ này, ta đi trước, ta khích lệ họ. Ta giữ gìn viên mãn trong các giới luật, 500 nam cư sĩ này giữ gìn viên mãn trong các giới luật. Và ta hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt. Và 500 nam cư sĩ này hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt. Như vậy là đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn. Vậy ta hãy làm cái gì trội hơn, nhiều hơn". Rồi này Ànanda, nam cư sĩ Gavesì đi đến 500 nam cư sĩ ấy; sau khi đến, nói với 500 vị nam cư sĩ ấy như sau: "Bắt đầu từ ngày hôm nay, này các Tôn giả, ta sẽ ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời".

Rồi này Ànanda, 500 nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: "Tôn giả Gavesì giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước và khích lệ chúng ta. Tôn giả Gavesì sẽ ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ phi thời. Tại sao chúng ta lại không như vậy?". Rồi này Ànanda, 500 nam cư sĩ ấy đi đến nam cư sĩ Gavesì; sau khi đến, nói với nam cư sĩ Gàvesi: "Bắt đầu tư hôm nay, thưa Tôn giả Gavesì, 500 nam cư sĩ này sẽ thọ trì ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời".

Rồi này Ànanda, nam cư sĩ Gavesì suy nghĩ như sau: "Ta giúp đỡ cho 500 nam cư sĩ này rất nhiều. Ta đã đi trước và khích lệ họ. Nay ta giữ gìn viên mãn trong các giới luật, 500 nam cư sĩ này giữ gìn viên mãn trong các giới luật. Ta hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ, 500 nam cư sĩ này hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Ta ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. 500 nam cư sĩ này cũng ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. Như vậy là đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn. Vậy ta hãy làm cái gì trội hơn, nhiều hơn". Rồi này Ànanda, Tôn giả Gavesì đi đến Thế Tôn Kassapa; bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, sau khi đến, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:

- Bạch Thế Tôn, hãy cho con xuất gia với Thế Tôn, hãy cho con thọ đại giới".

Rồi này Ànanda, nam cư sĩ Gavesì được xuất gia với Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, được thọ đại giới. Được thọ đại giới không bao lâu này Ànanda, Tỷ-kheo Gavesì sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần và không bao lâu, vị này chứng được mục đính tối cao mà các thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, vị này ngay trong hiện tại tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú. Và vị ấy xác chứng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các điều nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Và này Ànanda, 500 nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: "Tỷ-kheo Gavesì giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước và khích lệ chúng ta. Nay Tôn giả Gavesì đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, sẽ xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Tại sao chúng ta không như vậy?" Rồi này Ànanda, 500 nam cư sĩ ấy đi đến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, sau khi đến, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:

- "Bạch Thế Tôn, hãy cho chúng con xuất gia với Thế Tôn, cho chúng con thọ đại giới".

Và này Ànanda, năm trăm nam cư sĩ ấy được xuất gia với Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, được thọ đại giới. Rồi này Ànanda, Tỷ-kheo Gavesì suy nghĩ như sau: "Ta đã chứng minh được giải thoát này không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức. Mong rằng 500 vị Tỷ-kheo ấy có thể chứng minh được vô thượng giải thoát này không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức". Rồi này Ànanda, 500 vị Tỷ-kheo ấy sống an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, không bao lâu, các vị ấy chứng được mục đích tối cao mà các nam thiệt tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, các vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú. Và các vị ấy xác chứng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

3. Như vậy, này Ànanda, 500 vị Tỷ-kheo ấy, do Gavesì cầm đầu, trong khi tinh tấn đạt đến những gì cao hơn nữa, những gì tối thắng hơn nữa, đã chứng ngộ vô thượng giải thoát. Do vậy, này Ànanda, cần phải học tập như sau:

4. "Hãy tinh tấn để đạt đến những gì cao hơn nữa, tối thắng hơn nữa, chúng ta sẽ chứng ngộ vô thượng giải thoát".

Như vậy, này Ànanda, các Thầy cần phải học tập.


XIX. PHẨM RỪNG

(I) (181) RỪNG

1. - Có năm hạng người này sống ở rừng. Thế nào là năm?

2. Hạng đần độn ngu si sống ở rừng; hạng dục ác tánh sống ở rừng; hạng kiêu mạn loạn tâm sống ở rừng; hạng ở rừng vì được nghe Thế Tôn và các đệ tử Phật tán thán; hạng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này sống ở rừng;

Này các Tỷ-kheo, có năm hạng người này sống ở rừng.

3. Trong năm hạng người này sống ở rừng, này các Tỷ-kheo, hạng sống ở rừng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này sống ở rừng. Hạng người này trong năm hạng người ấy là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ, là tối thượng, là tối diệu.

Ví như này các Tỷ-kheo, từ con bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sanh tô, từ sanh tô có thục tô, từ thục tô có đề hồ. Đây được gọi là đệ nhất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong năm hạng người này sống ở rừng, này các Tỷ-kheo, hạng sống ở rừng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này ăn từ bình bát. Hạng người này trong năm hạng người ấy là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ, là tối thượng, là tối diệu.

(II - IX) (182 - 189) CÁC HẠNG NGƯỜI KHÁC

1. - Này các Tỷ-kheo, năm hạng người mặc y nhặt từ đống rác này...

2. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người sống dưới gốc cây này...

3. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người sống ở nghĩa địa này...

4. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người sống ở ngoài trời này...

5. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người ngồi không chịu nằm này...

6. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người nằm bất cứ chỗ nào được mời này...

7. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người chỉ ngồi ăn một lần này...

8. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người theo hạnh ăn xong, sau không ăn nữa...

(X) (190) ĂN TỪ BÌNH BÁT.

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm hạng người ăn từ bình bát này. Thế nào là năm?

2. Hạng ngu si ăn từ bình bát; hạng dục ác tánh ăn từ bình bát; hạng kiêu mạn loạn tâm ăn từ bình bát; hạng ở rừng vì được nghe Thế Tôn và các đệ tử Phật tán thán; hạng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này ăn từ bình bát.

Này các Tỷ-kheo, có năm hạng người ăn từ bình bát này.

3. Trong năm hạng người này ăn từ bình bát này, này các Tỷ-kheo, hạng ăn từ bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này ăn từ bình bát. Hạng người này trong năm hạng người ấy là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ, là tối thượng, là tối diệu.

Ví như này các Tỷ-kheo, từ con bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sanh tô, từ sanh tô có thục tô, từ thục tô có đề hồ. Đây được gọi là đệ nhất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong năm hạng người này ăn từ bình bát, này các Tỷ-kheo, hạng ăn từ bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này ăn từ bình bát. Hạng người này trong năm hạng người ấy là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ, là tối thượng, là tối diệu.


XX. PHẨM BÀ-LA-MÔN

(I) (191) VÍ DỤ CON CHÓ

1. Có năm cựu Bà-la-môn pháp này, này các Tỷ-kheo, nay được thấy giữa các con chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn. Thế nào là năm?

2. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn chỉ đi đến nữ Bà-la-môn, không đến phi nữ Bà-la-môn. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn đi đến Bà-la-môn đi đến nữ Bà-la-môn, cũng đi đến phi nữ Bà-la-môn. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực chỉ đi đến con chó cái, không đi đến không phải con chó cái. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

2. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn chỉ đi đến nữ Bà-la-môn trong thời có thể thụ thai, không có đi trong thời kỳ không thể thụ thai. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn đi đến nữ Bà-la-môn trong thời có thể thụ thai và cũng trong thời không thể thụ thai. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực chỉ đi đến con chó cái trong thời có thể thụ thai, không đi đến trong thời kỳ không thể thụ thai. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

4. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn không mua, không bán nữ Bà-la-môn cọng trú trong tình tương ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn mua và bán nữ Bà-la-môn, cọng trú trong tình ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực không mua, không bán con chó cái cọng trú trong tình tương ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

5. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn không cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các loài chó không cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn.

6. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn vào buổi chiều tìm đồ ăn buổi chiều, vào buổi sáng tìm đồ ăn buổi sáng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn ăn cho đến no nê thỏa bụng, rồi lấy các đồ ăn còn lại và mang đi. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó, vào buổi chiều tìm đồ ăn buổi chiều, vào buổi sáng tìm đồ ăn buổi sáng. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn.

Năm cựu Bà-la-môn pháp này, này các Tỷ-kheo, nay được thấy giữa các loài chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn.

(II) (192) BÀ-LA-MÔN DONA

1. Rồi Bà-la-môn Dona đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Dona bạch Thế Tôn:

2. - Thưa Tôn giả Gotama, tôi có nghe như sau: "Sa-môn Gotama không đảnh lễ, hay không đứng dậy, hay không mời ghế các vị Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn, trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời." Thưa Tôn giả Gotama, sự thể là như vậy; Tôn giả Gotama không đảnh lễ, hay không đứng dậy, hay không mời ghế các vị Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn, trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, thật là không tốt đẹp.

- Này Dona, Ông có tự cho mình là Bà-la-môn không?

- Thưa Tôn giả Gotama, nếu có ai nói một cách chân chánh, vị ấy phải nói rằng: "Vị Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; là nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế (tự nhiên học) và tướng của vị Đại nhân". Thưa Tôn giả Gotama, nói về tôi, nói một cách chơn chánh là nói như vầy. Thưa Tôn giả Gotama, tôi là Bà-la-môn, thiện sanh cả từ mẫu hệ đến phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; là nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế và tướng của vị Đại nhân.

- Này Dona, có phải các vị Bà-la-môn thời xưa, những vị ẩn sĩ giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay những Bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị tước đã làm? Những vị ẩn sĩ ấy tên là Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamadaggi, Angìrasa, Bharadvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu. Những vị ấy tuyên bố có năm hạng Bà-la-môn này: "Đồng đẳng với Phạm thiên, đồng đẳng với chư Thiên, các vị biết giới hạn, các vị vượt lên giới hạn và thứ năm là Bà-la-môn bị vứt bỏ". Này Dona, Ông là ai giữa các vị ấy?

- Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi không biết năm vị Bà-la-môn này. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi là Bà-la-môn. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho tôi để tôi biết được năm vị Bà-la-môn này.

- Vậy này Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ nói.

- Thưa vâng, Tôn giả.

Bà-la-môn Dona vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3. - Thế nào, này Dona, là Bà-la-môn đồng đẳng với Phạm Thiên?

Ở đây, này Dona, vị Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ đến phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn (chú thuật). Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo Sư cho bậc Đạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sà, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy xuất gia như vậy, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy, phương thứ hai, cũng vậy, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi... với hỷ... với xả. Cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xã, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy, sau khi tụ tập bốn phạm trú này, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện phú Phạm thiên giới. Như vậy, này Dona, là vị Bà-la-môn đồng đẳng với Phạm Thiên.

4. Và này Dona, thế nào là Bà-la-môn đồng đẳng với Chư Thiên?

Ở đây, này Dona, Bà-la-môn thiện sanh cả tử mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập châm ngôn. Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo Sư cho vị Đạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Và này Dona, ở đây, pháp là gì? Không phải do mua, không phải do bán, nhưng chỉ với một nữ Bà-la-môn đã được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, không đi đến nữ sát-đế-ly, nữ Tỳ-xá, nữ Thủ-đà, nữ Chiên-đà-la, nữ săn bắn, nữ đan tre, nữ làm xe, nữ thổ dân, không đi đến người đàn bà có mang, không đi đến người đàn bà cho con bú, không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Và này Dona, vì sao người Bà-la-môn không đi đến người đàn bà có mang? Này Dona, nếu người Bà-la-môn đi đến người đàn bà có mang, thời đứa đồng nam hay đồng nữ được sanh hoàn toàn bị ô uế; do vậy, này Dona, vị Bà-la-môn không đi đến người đàn bà có mang. Và vì sao, này Dona, Bà-la-môn không đi đến người đàn bà cho con bú? Này Dona, nếu Bà-la-môn đi đến người đàn bà cho con bú, thời này Dona, đứa đồng nam hay đồng nữ bú sữa không được thanh tịnh; do vậy, này Dona, vị Bà-la-môn không đi đến người đàn bà cho con bú. Và vì sao, này Dona, Bà-la-môn không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai? Này Dona, nếu vị Bà-la-môn đi đến người đàn bà trong thời không thể thụ thai, thời nữ Bà-la-môn ấy trở thành một phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích. Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn chỉ có mục đích đẻ con. Vị ấy từ dâm dục (đúng pháp) sinh con rồi, liền cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy xuất gia như vậy, ly dục, ly pháp bất thiện... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy, sau khi tu tập bốn Thiền, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn đồng đẳng với chư Thiên.

5. Và thế nào, này Dona, là một Bà-la-môn có giới hạn?

Ở đây, này Dona, Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn. Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo Sư cho vị Đạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Và này Dona, ở đây, pháp là gì? Không phải do mua, không phải do bán, nhưng chỉ với một nữ Bà-la-môn đã được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, không đi đến nữ sát-đế-ly, nữ Tỳ-xá, nữ Thủ-đà, nữ Chiên-đà-la, nữ săn bắn, nữ đan tre, nữ làm xe, nữ thổ dân, không đi đến người đàn bà có mang, không đi đến người đàn bà cho con bú, không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Và này Dona, vì sao người Bà-la-môn không đi đến người đàn bà có mang? Này Dona, nếu vị Bà-la-môn đi đến người đàn bà có mang...(như trên)...Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn chỉ có mục đích đẻ con. Vị ấy từ dâm dục (đúng pháp) sinh con rồi, do ưa thích con nít, sống trong gia đình, không xuất gia từ bỏ gia đình. Cho đến sự giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy đứng tại đấy, không vượt qua giới hạn ấy. Cho đến giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy đứng ở đấy, không vượt qua giới hạn ấy. Này Dona, do vậy Bà-la-môn được gọi là có giới hạn. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn có giới hạn.

6. Và này Dona, thế nào là một Bà-la-môn vượt qua giới hạn?

Ở đây, này Dona, Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ... về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn. Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo Sư cho vị Đạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp và phi pháp. Do mua, do bán với nữ Bà-la-môn được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, cũng đi đến nữ sát-đế-ly, cũng đi đến nữ Tỳ-xá, cũng đi đến nữ Thủ-đà, cũng đi đến nữ Chiên-đà-la, cũng đi đến nữ săn bắn, cũng đi đến nữ đan tre, cũng đi đến nữ làm xe, cũng đi đến nữ thổ dân, cũng đi đến người đàn bà có mang, cũng đi đến người đàn bà cho con bú, cũng đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Nữ Bà-la-môn đối với vị ấy là phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích. Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn có mục đích đẻ con. Cho đến sự giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy không đứng tại đấy, vị ấy vượt qua giới hạn ấy. Cho đến giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy không đứng ở đấy, vị ấy vượt qua giới hạn ấy. Này Dona, do vậy Bà-la-môn được gọi vị đã vượt qua giới hạn. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn vượt qua giới hạn.

7. Và này Dona, thế nào là Bà-la-môn Chiên-đà-la?

Ở đây, này Dona, Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn. Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo Sư cho vị Đạo Sư một cách đúng pháp và phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp và phi pháp. Do mua, do bán với nữ Bà-la-môn được nước lên, vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, cũng đi đến nữ sát-đế-ly, cũng đi đến nữ Tỳ-xá, cũng đi đến nữ Thủ-đà, cũng đi đến nữ Chiên-đà-la, cũng đi đến nữ săn bắn, cũng đi đến nữ đan tre, cũng đi đến nữ làm xe, cũng đi đến nữ thổ dân, cũng đi đến người đàn bà có mang, cũng đi đến người đàn bà cho con bú, cũng đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Nữ Bà-la-môn đối với vị ấy là phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích. Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn có mục đích đẻ con. Vị ấy để nuôi mạng sống, làm tất nghề. Rồi các Bà-la-môn nói với vị ấy như sau: "Sao Tôn giả tự cho mình là Bà-la-môn, lại làm tất cả nghề để nuôi mạng sống?" Vị ấy trả lời như sau: "Như lửa đốt vật sạch, cũng đốt vật nhớp, nhưng không phải vì vậy mà ngọn lửa bị uế nhiễm". Cũng vậy, này các Tôn giả, nếu Bà-la-môn làm tất cả nghề để nuôi mạng sống, nhưng không phải vì vậy mà Bà-la-môn bị uế nhiễm. Vì làm tất cả nghề để nuôi mạng sống, này Dona, nên Bà-la-môn được gọi là Bà-la-môn Chiên-đà-la. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn Chiên-đà-la.

8. Này Dona, có phải các Bà-la-môn thời xưa, những vị ẩn sĩ giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay, những Bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm. Những vị ấy tên là Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamadaggi, Angìrasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu. Những vị ấy tuyên bố có năm hạng Bà-la-môn này: "Vị đồng đẳng với Phạm thiên, vị đồng đẳng với chư Thiên, các vị có giới hạn, các vị vượt lên giới hạn và thứ năm là Bà-la-môn Chiên-đà-la". Này Dona, Ông là ai giữa các vị ấy?

- Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chúng con chưa thành tựu đầy đủ Bà-la-môn Chiên-đà-la. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ. Từ nay cho đến mạng chung con trọn đời quy ngưỡng.

(III) (193) BÀ-LA-MÔN SANGÀRAVA

1. Rồi Bà-la-môn Sangàrava đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sangàrava thưa với Thế Tôn:

2. - Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật học thuộc lòng lâu ngày (đọc tụng) lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật không học thuộc lòng lâu ngày (đọc tụng) lại nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

3. - Này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối, và không như thật biết rõ sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước trộn lẫn với thuốc nhuộm gôm lặc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh hay màu vàng và ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía bóng mặt của mình, không có thể như thật biết được, thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

4. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị sân xâm chiếm, bị sân chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi sân đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước được lửa đun sôi, sôi lên sùng sục, sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía bóng mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị sân xâm chiếm...cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

5. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, bị hôn trầm thụy miên chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi hôn trầm thụy miên, đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, không thể như thật biết được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

6. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm, bị trạo hối chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi trạo hối đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị gió thổi, dao động, chấn động, nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, không thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

7. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị khuấy động, khuấy đục, khuấy bùn, đặt trong bóng tối. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, không thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

8. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày lại được nhớ lên, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị trộn lẫn với thuốc nhuộm hoặc gôm lặc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng, và ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

8. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị lửa đun sôi, không sôi lên sùng sục, không nổi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm, không bị sân chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

10. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

11. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị trạo hối xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị gió thổi, không bị dao động, không bị chấn động, không bị nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị trạo hối miên xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

12. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị khuấy động, đặt giữa ánh sáng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối và như thật biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày được nhớ lên, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Đây là nhân, đây là duyên, này Bà-la-môn, có khi các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày, lại có thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

13. Khi được nói vậy, Bà-la-môn Sangàrava bạch Thế Tôn:

- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn...từ này cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(IV) (194) BÀ-LA-MÔN KÀRANAPÀLI

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tại Mahàvana, chỗ giảng đường có nóc nhọn. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kàranapàli đang xây dựng nhà cho Licchavì. Bà-la-môn Kàranapàli thấy Bà-la-môn Pingiyàni từ đường xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Bà-la-môn Karanapàli:

- Tôn giả Pingiyàni đi từ đâu đến sớm như vậy?

- Thưa Tôn giả, tôi đi từ chỗ Sa-môn Gotama về.

- Tôn giả Pingiyàni nghĩ thế nào về trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama? Ngài có nghĩ vị ấy là một bậc Hiền trí chăng?

- Tôi là ai, thưa Tôn giả, lại có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama. Chỉ có ai như vị ấy, mới có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama.

Thật là cao thượng lời Tôn giả Pingiyàni tán thán Sa-môn Gotama. "Tôi là ai, thưa Tôn giả, lại có nói lời tán thán Sa-môn Gotama". Được tán thán bởi những bậc được tán thán là Tôn giả Gotama, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người. Tôn giả Pingyiàni thấy những lợi ích gì lại cực lực tin tưởng Sa-môn Gotama như vậy?

- Thưa Tôn giả, ví như một người đã thỏa mãn với vị ngọt tối thượng sẽ không còn thèm muốn các vị ngọt hạ liệt khác. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp.., thời không còn thèm muốn các lý thuyết của những người khác, của các Sa-môn, Bà-la-môn thấp kém. Ví như, thưa Tôn giả, một người bị đói lả và mệt mỏi, tìm được một bánh mật, cứ mỗi miếng vị ấy được nếm, cứ mỗi miếng vị ấy được thưởng thức vị ngọt thuần nhất. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp...vị ấy được hoan hỷ, tâm được tịnh tín. Ví như, thưa Tôn giả, một người tìm được một cành cây chiên-đàn, chiên-đàn vàng hay chiên-đàn đỏ, chỗ nào người ấy ngửi hoặc từ nơi rễ, hoặc từ nơi chặng giữa, hoặc từ nơi ngọn, người ấy được hương thơm thuần diệu. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp...thời vị ấy được thưởng thức hân hoan, được thưởng thức hoan hỷ. Ví như, thưa Tôn giả, một người bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, rồi có vị lương y lập tức chữa cho khỏi bệnh. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp...khi ấy, sầu bi khổ ưu não đi đến tiêu diệt. Ví như, thưa Tôn giả, một hồ sen, có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước mát trong, có bờ hồ khéo sắp đặt, đẹp đẽ, rồi một người đi đến, bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy, sau khi lặn xuống trong hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước, tất cả khổ cực mệt mỏi, nhiệt não đều được lắng dịu. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp...khi ấy tất cả khổ cực, mệt mỏi, nhiệt não đều được chỉ tức.

2. Khi được nói vậy, Bà-la-môn Karanapàli từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y qua một bên vai, đầu gối bên phải quỳ trên mặt đất, chắp tay hướng đến Thế Tôn, và ba lần thốt lên lời cảm hứng sau đây:

- Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác!

- Thật vi diệu thay, Tôn giả Pingiyàni! Thật vi diệu thay, Tôn giả Pingiyàni! Thưa Tôn giả Pingiyàni, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Thưa Tôn giả Pingiyàni, con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Pingyàni hãy chấp nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(V) (195) BÀ-LA-MÔN PINGIYÀNI

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tại Mahàvana, chỗ giảng đường có nóc nhọn, có khoảng 500 người Licchavi hầu hạ Thế Tôn. Một số người Licchavi toàn xanh, màu sắc xanh, mặc vải màu xanh, mang đồ trang sức màu xanh. Một số người Licchavi toàn vàng, màu sắc vàng, mặc vải màu vàng, mang đồ trang sức màu vàng. Một số người Licchavi toàn đỏ, màu sắc đỏ, mặc vải màu đỏ, mang đồ trang sức màu đỏ. Một số người Licchavi toàn trắng, màu sắc trắng, mặc vải màu trắng, mang đồ trang sức màu trắng. Nhưng thật sự Thế Tôn đã chói sáng với dung sắc và sự huy hoàng. Rồi Bà-la-môn Pingiyàni từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

- Điều này được nói lên cho con, bạch Thế Tôn! Điều này được nói lên cho con, bạch Thế Tôn!

- Hãy nói lên, này Pingiyàni!

Thế Tôn nói như vậy. Rồi Bà-la-môn Pingiyàni trước mặt Thế Tôn, nói lên bài kệ thích đáng:

Như loại hoa sen hồng,
Buổi sáng hương ngào ngạt,
Khi đóa hoa càng nở,
Hương thơm càng ngát hương.
Xem Angìrasa,
Chiếu hào quang sáng chói,
Chói sáng thật rực rỡ,
Như mặt trời trên không.

Rồi các người Licchavi ấy đem 500 thượng y dâng đắp cho Bà-la-môn Pingiyàni. Và Bà-la-môn Pingiyàni đem 500 thượng y ấy dâng đắp cho Thế Tôn. Thế Tôn nói với các vị ấy:

2. - Này các Licchavì, sự xuất hiện của năm châu báu khó tìm được ở đời. Thế nào là năm?

3. Sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác khó tìm được ở đời. Người thuyết được Pháp Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người hiểu được Pháp Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người thực hành pháp và tùy pháp, sau khi đã hiểu rõ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, khó tìm được ở đời. Người biết ơn, nhớ ơn khó tìm được ở đời.

Này các Licchavi, sự xuất hiện của năm loại châu báu này khó tìm được ở đời.

(VI) (196) MỘNG

1. - Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, này các Tỷ-kheo, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, có năm mộng lớn hiện ra. Thế nào là năm?

2. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy đất lớn này là giường lớn, Tuyết sơn, vua các loài núi là các gối, tay trái đặt nằm trên biển phía Đông, tay mặt nằm trên biển phía Tây, hai chân nằm trên biển phía Nam. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ nhất này được hiện ra.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy từ nơi lỗ rún, cỏ tiriya mọc ra, mọc cho đến khi chạm đến trời rồi mới dừng lại. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ hai này được hiện ra.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy các con sâu trắng, đầu đen, bò ra từ chân cho đến đầu gối và che đậy chúng. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ ba này được hiện ra.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy bốn con chim màu sắc khác nhau, từ bốn phương bay đến, rơi xuống chân Ngài và trở thành trắng toát. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ tư này được hiện ra.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy Ngài đi kinh hành qua lại trên hòn núi đầy phân, nhưng không bị nhớp vì phân. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ năm này được hiện ra.

7. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy quả đất lớn này làm giường nằm lớn, núi Tuyết sơn, vua các loài núi làm các gối, tay trái đặt nằm trên biển phía Đông, tay mặt nằm trên biển phía Tây, hai chân đặt nằm trên biển phía Nam. Này các Tỷ-kheo, đối với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Ngài chứng được Vô thượng Chánh giác ngộ, Chánh Đẳng Giác. Trong khi Ngài Chánh Đẳng giác ngộ, mộng lớn thứ nhất này được hiện ra.

8. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy từ nơi lỗ rún, cỏ tiriya mọc ra, mọc cho đến khi chạm đến trời rồi mới dừng lại. Này các Tỷ-kheo, đối với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Thánh đạo tám ngành được hoàn toàn giác ngộ và khéo tuyên bố cho chư Thiên và loài Người. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ hai này được hiện ra.

9. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy các con sâu trắng, đầu đen, bò ra từ chân cho đến đầu gối và che đậy chúng. Này các Tỷ-kheo, nhiều gia chủ bận áo trắng quy y Như Lai cho đến trọn đời. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ ba này được hiện ra.

10. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy bốn con chim màu sắc khác nhau, từ bốn phương bay đến, rơi xuống chân Ngài và trở thành trắng toát. Bốn giai cấp này, này các Tỷ-kheo, Sát-đế-ly, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, các vị ấy chứng ngộ vô thượng giải thoát. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ tư này được hiện ra.

11. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy Ngài đi kinh hành qua lại trên hòn núi đầy phân, nhưng không bị nhớp vì phân. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Và ở đây, Như Lai thọ hưởng không bị trói buộc không bị tham đắm, không bị mê say, thấy sự nguy hại có trí tuệ và xuất ly. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ năm này được hiện ra.

Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, trước khi thành Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát năm mộng lớn này được hiện ra.

(VII) (197) MƯA

1. - Có năm chướng ngại cho mưa này, các người đoán tướng không biết được, ở đây, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn. Thế nào là năm?

2. Trên hư không, này các Tỷ-kheo, hỏa giới phẫn nộ, do vậy các mây đã khởi lên bị tán loạn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ nhất cho mưa, các người đoán tướng không biết được, ở đây mắt của những người đoán tưởng không thể kham nhẫn.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trên hư không, phong giới phẫn nộ, do vậy các mây đã khởi lên bị tán loạn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ hai cho mưa, các người đoán tướng không biết được, ở đây mắt của những người đoán tưởng không thể kham nhẫn.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Ràhu, vua các loài A-tu-la dùng tay thây lấy nước rồi đổ xuống biển lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ ba cho mưa, các người đoán tướng không biết được, ở đây mắt của những người đoán tưởng không thể kham nhẫn.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chư Thiên của các loại mây đem mưa trở thành biếng nhác. Đây là chướng ngại thứ tư cho mưa, các người đoán tướng không biết được, ở đây mắt của những người đoán tưởng không thể kham nhẫn.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi loài Người trở thành phi pháp, này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ năm cho mưa, các người đoán tướng không biết được, ở đây mắt của những người đoán tưởng không thể kham nhẫn.

Này các Tỷ-kheo, có năm chướng ngại cho mưa này, các người đoán tướng không biết được, ở đây mắt của những người đoán tưởng không thể kham nhẫn.

(VIII) (198) LỜI NÓI

1. - Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích. Thế nào là năm?

2. Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với lời từ tâm.

Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích.

(IX) (199) GIA ĐÌNH

1. - Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, tại đấy các người do năm trường hợp, được nhiều công đức. Thế nào là năm?

2. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người sau khi thấy họ tâm được tịnh tín. Này các Tỷ-kheo, như vậy là đưa đến cõi Trời, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

3. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người đứng dậy, đảnh lễ họ, mời họ ngồi. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến được sanh vào các gia đình cao sang, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

4. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người từ bỏ cấu uế của xan tham. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến đại uy lực, và gia đình ấy trong lúc ấy, đã bước được trên con đường ấy.

5. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người tùy theo khả năng, tùy theo năng lực, san sẻ vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến tài sản lớn, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

6. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người hỏi những câu hỏi, đặt những câu hỏi, nghe pháp. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến đại trí tuệ, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, tại đấy các người do năm trường hợp này được nhiều công đức.

(X) (200) XUẤT LY

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm giới đưa đến xuất ly này. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về dục tâm không phấn chấn trong các dục, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến viễn ly, tâm liền phấn chấn trong viễn ly, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến dục. Và do duyên với dục, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly khỏi cái dục.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về sân, tâm không phấn chấn trong sân, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến vô sân, tâm liền phấn chấn trong vô sân, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến sân. Và do duyên với sân, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly khỏi sân.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về hại, tâm không phấn chấn trong hại, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến vô hại, tâm liền phấn chấn trong vô hại, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến hại. Và do duyên với hại, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly khỏi hại.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về sắc, tâm không phấn chấn trong sắc, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến vô sắc, tâm liền phấn chấn trong vô sắc, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến sắc. Và do duyên với sắc, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly khỏi sắc.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về có thân, tâm không phấn chấn trong có thân, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến đoạn diệt có thân, tâm liền phấn chấn trong đoạn diệt có thân, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến có thân. Và do duyên với có thân, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly khỏi có thân.

Đối với vị ấy, dục hỷ không có tùy miên, sân hỷ không có tùy miên, hại hỷ không có tùy miên, sắc hỷ không có tùy miên, hữu thân hỷ không có tùy miên. Vị ấy không có tùy miên đối với dục hỷ, không có tùy miên đối với sân hỷ, không có tùy miên đối với hại hỷ, không có tùy miên đối với sắc hỷ, không có tùy miên đối với hữu thân hỷ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo được giải thoát khỏi tùy miên, đã chặt đứt khát ái, giải tỏa kiết sử, do chánh pháp nhiếp phục kiêu mạn, đoạn tận khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, có năm giới đưa đến xuất ly này.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]