Ba Bản Dịch Kinh Pháp Cú
Trên trang báo Tu Viện Quảng Đức (Úc Châu) ngày 1/6/2014, trong bài viết Kinh Pháp Cú Chú Giải (Song Ngữ) của sa môn Thích Phước Thái có đoạn như sau:
“ Kinh Pháp Cú là những câu nói ngắn gọn do Đức Phật nói ra tùy theo từng trường hợp. Những lời dạy nầy nhằm mục đích thức nhắc đương cơ lưu tâm để áp dụng tu hành cho có kết quả tốt đẹp. Những lời dạy nầy về sau đã được chư Tổ kết tập lại, thành Kinh gọi là Kinh Pháp Cú. Mỗi lời dạy đều có ghi rõ lý do xuất xứ.
Toàn Kinh gồm có 26 phẩm và có tất cả là 423 câu. Kinh nầy nằm trong Tiểu bộ (Khuddaka- Nikaya) của tạng Kinh Pali và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở Á Châu và Âu Mỹ. Đại Đức Narada đã dịch ra bản chữ Anh, xuất bản tại Tích Lan. Một bản chữ Anh khác của giáo sư C.R Lanman, do Đại học đường Haward tại Mỹ quốc xuất bản; bản chữ Nhật của Phước đảo Trực Tứ Lang xuất bản tại Nhật và các bản Hán dịch rất cổ với danh đề là Pháp Cú Kinh, Pháp tập yếu tụng v..v
Kinh nầy rất được phổ cập tại các nước Phật giáo Nguyên Thủy như Tích Lan, Miến Điện v..v.. Có thể nói Kinh nầy như là một quyển Kinh nhật tụng của giới Tăng già và cư sĩ ở các quốc gia đó. Họ coi như là một quyển kinh gối đầu giường. Đại đa số đều nhớ nằm lòng. Họ thường xuyên đem ra áp dụng vào đời sống thực tế hằng ngày. Kết quả rất có lợi ích.
Riêng những bản chữ Việt, chúng tôi thấy có một vài bản dịch ra Việt văn như sau:
1. Bản dịch của Hòa Thượng Thích Thiện Siêu do nhà xuất bản Phú Lâu Na ấn bản tại Hoa Kỳ Phật lịch 2546 - 2002.
2. Kinh Lời Vàng Dhammapada do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ nguyên bản Pali theo thể văn kệ.
3. Bản dịch của các Ni sinh thuộc thiền viện Viên Chiếu dịch theo bản chữ Anh của học giả Eugène Valson Buxlingame. Nhà học giả nầy đã căn cứ trên nguyên tác Pháp Cú sơ giải bằng tiếng Pali, do nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1999. Đặc biệt bản dịch nầy, sau mỗi câu Kinh đều có nêu rõ điểm xuất xứ Phật dạy và có kèm theo sau đó là một mẫu chuyện, nêu rõ lý do chính yếu Phật nói ra câu Kinh đó.
4. Bản dịch của luật sư Đinh Sĩ Trang dịch đề là Lời Phật Dạy ấn hành tại Úc năm 1997. Ngoài ra, còn những quyển nào khác nữa, thì chúng tôi chưa được biết đến.”
Trong cuốn sách vừa mới xuất bản, về giá trị của Kinh Pháp Cú, cư sĩ Nguyên Giác đã trích dẫn Lời Tựa của Đức Đạt Lai Lạt Ma viết cho cuốn The Tibetan Dharmapada do Gareth Sparham dịch từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Anh có đoạn như sau: “Pháp tu để an tâm và tăng thượng tâm do Đức Phật dạy từ hơn 2500 năm qua là một trong những phương pháp thành công để đạt được nội tâm an bình. Đó là một kho báu vô giá của nhân loại. Hiện nay, nhiều người mới bắt đầu tìm thấy trong lời Đức Phật dạy một giải thích về hoàn cảnh con người phù hợp với nhận thức riêng của họ về thực tại. Từ đó họ bắt đầu nương tựa vào Phật pháp để có nội tâm bình an mà họ muốn. Đã thấy rõ với họ rằng các thành đạt bên ngoài không mang tới hạnh phúc lâu dài, và rằng chính tham, sân và si trong tâm họ đang đứng ngăn cách giữa họ với hạnh phúc họ tìm kiếm – từ đó tăng thêm trong tâm họ sự tôn kính đối với sự thích nghi và chiều sâu của Phật pháp.”
Hiện nay có hai bản dịch Kinh Pháp Cú khá phổ biến trong giới tu sĩ và Phật tử Việt Nam, đó là:
-Bản dịch từ tiếng Pali của HT. Thích Minh Châu.
-Bản dịch từ tiếng Hán của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.
Bản dịch từ Pali sang tiếng Hán của chư Tổ Trung Hoa có bốn bản. Không biết Thiền Sư Nhất Hạnh dịch từ bản nào?
Và vào Tháng 8/2019 vừa qua, cư sĩ Nguyên Giác ở Hoa Kỳ đã cho ấn hành một bản dịch từ tiếng Tây Tạng- tức bản thứ ba ra đời và được tác giả coi như đây là bản đầu tiên dịch từ nguồn gốc Tây Tạng. Đặc điểm của bản dịch Pháp Cú Tây Tạng (Kinh Udanavarga) này là gì?
-Cư sĩ Nguyên Giác đã căn cứ và đối chiếu 03 bản dịch từ tiếng Tây Tạng qua Anh Ngữ: 1) Cuốn A Collection of Verses from the Buddhist Canon xb năm 1883 của William Woodville Rockhill. 2) Cuốn The Tiberan Dhammapada xb năm 1983 của Gareth Sparham với lời giới thiệu của Đức Đạt Lai Lạt Ma như đã nói ở trên. 3) Cuốn The Dhammapada with the Udananvarga xb năm 1986 của Raghavan Iyer (1930-1995) là giáo sư tại University of California.
-Kinh Pháp Cú Nam Truyền dịch từ tiếng Pali của HT. Thích Minh Châu có 26 phẩm, 423 bài kệ, dịch thẳng qua Việt Ngữ qua thể thơ Ngũ Ngôn-Tứ Tuyệt (năm chữ, bốn câu), không lời bình chú vì tác giả đã khéo dịch nên ý nghĩa của kệ quá rõ ràng.
-Kinh Pháp Cú Bắc Truyền hay Kinh Pháp Cú Hán Tạng do Thiền Sư Nhất Hạnh dịch từ tiếng Hán có 39 phẩm và 759 bài kệ , rồi chuyển sang thơ Việt với lời giảng nghĩa, cộng thêm những bài thơ, bài kệ của chính tác giả vào bản dịch này. Cho nên bản dịch của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh không phải là thuần bản dịch mà còn chen lẫn các lời giảng dạy của chính tác giả vào bên cạnh lời dạy của Phật mà thầy Thích Nhất Hạnh gọi là Bụt. Theo tôi được biết, chư Tổ dịch Kinh là dịch nguyên bản của Kinh và không bao giờ đặt lời giảng dạy của mình, sáng tác của mình bên cạnh lời dạy của Phật. Thí dụ: Dịch Kinh Kim Cang thì dịch nguyên Kinh Kim Cang chứ không thể trong Kinh Kim Cang có đoạn, “Tôi cũng nói như thế này…” tức là ngang hàng với Phật. Bên cạnh các bài kệ của Đức Phật trong Kinh Pháp Cú lại có các bài kệ của thầy Nhất Hạnh với câu, “Tại Làng Mai tôi cũng có bài kệ như thế này…”
-Kinh Pháp Cú Tây Tạng dịch từ Anh Ngữ của Cư Sĩ Nguyên Giác có 33 phẩm, 1100 bài kệ được viết dưới dạng văn xuôi chứ không bằng thơ như hai bản dịch trên. Thí dụ: Trong Phẩm Vô Thường, đọan 3 viết như sau: “Than ôi! Những gì hợp rồi sẽ tan; những gì được tạo tác đều sẽ hư rã. Những gì sinh ra đều sẽ chết. Chỉ trong tịch lặng mới có hạnh phúc.” Đặc điểm của bản dịch này là mở đầu của mỗi Phẩm, tác giả đều có phần gọi là Ghi Nhận (tác giả khiêm tốn, không dám nói là giảng kinh) nhưng thực chất là nói rõ ý của Phật, nghĩa của Kinh và không đưa sáng tác của mình vào đây như thầy Nhất Hạnh. Thí dụ trong Phẩm Vô Thường, tác giả ghi nhận như sau: “Với Pháp Cú Tây Tạng, mở đầu là Phẩm Vô Thường, chỉ ra rằng từng khoảnh khắc trôi đi, chảy xiết, rằng từng khoảnh khắc tức khắc sinh và tức khắc tử và do vậy là vô ngã, và đời người y hệt như chữ viết do gậy vẽ trên nước, không hề có gì là Tôi và Của Tôi.”
Ghi nhận cuối cùng và cũng là điều tôi thắc mắc là tại sao số Phẩm trong bản kinh gốc bằng Pali và Sanskrit lại khác nhau? Tạng Pali có 423 bài kệ, Hán Tạng có 759 bài kệ, còn Tây Tạng có 1100 bài kệ?
Theo Bồ Tát Long Thọ, sách Udanavarga (Kinh Pháp Cú Tây Tạng) do các đại đệ tử của Phật tụ họp lại và đúc kết (kết tập) ngay khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Vào thời điểm này Ấn Độ chưa có chữ viết. Nếu các đệ tử của Phật có tụ họp, nhớ lại và đúc kết thì chỉ học thuộc lòng rồi sau đó chia nhau đi khắp bốn phương trời. Nhóm đi về phía Nam có thể là bao gồm các Đại Chúng Bộ, không phải là các bậc trí thức uyên bác cho nên trí nhớ kém, cho nên sau đó ghi lại bằng tiếng Pali (khoảng 200 năm sau) ít hơn. Còn nhóm đi lên phía Bắc có thể bao gồm Thượng Tọa Bộ cho nên ghi lại nhiều hơn bằng tiếng Sanskrit mà Tây Tạng thừa hưởng được bản kinh cổ này. Dầu sao đây cũng chỉ là phỏng đoán mà thôi.
Với sự ra đời của bản dịch Pháp Cú Tây Tạng của cư sĩ Nguyên Giác (xem nội dung), sẽ góp phần vào việc phong phú hóa bộ kinh quan trọng này của Đức Phật. Với kiến thức của kẻ hậu học và sơ cơ, tôi không dám thẩm định giá trị của bản dịch mà chỉ ân cần giới thiệu trong tinh thần “Kiến Hòa Đồng Giải” mà thôi.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát,
Thiện Quả Đào Văn Bình
(California ngày 12/8/2019)
Cước chú: Kinh Pháp Cú Tây Tạng do Ananda Viet Foundation xuất bản, Amazon phát hàn. Quý vị có thể vào amazon.com/books để mua sách.