Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

24. Phẩm Diệu-Âm Bồ-Tát

12/04/201317:59(Xem: 11745)
24. Phẩm Diệu-Âm Bồ-Tát

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa - Quyển VII

24. Phẩm Diệu-Âm Bồ-Tát

Pháp Sư Thích Thiện Trí

Nguồn: Pháp Sư Thích Thiện Trí

Nhận rõ “sắc thân” do “tự tánh nhiệm mầu” biển hiện nên không bị nhiễm chấp bởi “sắc thân nào cả”. Liễu triệt như thế mới gọi là “đốt thân cúng dường Phật và mới đạt thành thể hiện nhất thiết sắc thân tam muội”.
Nhưng đó mới chỉ là phá trừ “sắc ấm”, còn “thọ ấm” chưa phá trừ được, thì cái “vọng tưởng hư minh” nhận làm sự nghe, hay biết nơi sắc thân cho là của “tự tánh nhiệm mầu”. Ví như sự thương xót chúng sinh được ứng với lòng đại từ đại bi của chư Phật, chư Bồ Tát. Nhưng nếu không nghe tiếng nói “huyền diệu của chân tâm” để hiện hành những đức tướng vi diệu thì sự thương xót kia sẽ mắc vào “ái kiến đại bi” tâm trí dao động không đủ sáng suốt để nhận ra tính không tịch của sự vật. Những hành vi tạo tác sẽ do vọng tưởng hư minh sai sử.
Do vậy, Phẩm “Diệu Âm Bồ Tát” được thiết lập để phá trừ “thọ ấm” đưa chúng sinh vào nơi chánh định, chánh thọ, đạt đến chỡ “vô sắc đắc”.
“Lúc bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật từ nhục kế phóng ra ánh sáng. Và phóng ánh sáng từ tướng lông trắng giữa chân mày, soi khắp 800 ức na do tha hằng hà sa các cõi Phật ở phương Đông. Qua khỏi số cõi đó có thể giới tên Tịnh Quang Trang Nghiêm, nước đó có Phật hiệu Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... Phật Thế Tôn. Aùnh sáng lông trắng của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật soi khắp cõi nước đó”.
Ánh sáng từ nhục kế và từ lông trắng giữa chặn mày là tượng trưng cho trí tuệ Bát Nhã tuyệt vời không bị mắc kẹt trong sự tương phân đối đãi, không mắc kẹt trong 800 muốn ức đức tướng trang nghiêm phát xuất từ “tâm địa nhiệm mầu”.
“Qua khỏi số cõi đó” tức là vượt qua sự vướng chấp bởi những hành vi tạo tác vi diệu khi ứng cơ tiếp vật. Lúc đó mới nhận ra được tất cả hành vi tạo tác đều không ngoài “bản tâm thanh tịnh”. Hay nói cách khác là: thế giới “Tịnh Quang Trang Nghiêm” và chính nơi đó có “Đức Phật hiệu Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai”. Nghĩa là chính nơi “bản tâm thanh tịnh” có trí tuệ Bát Nhã tuyệt vời.
Trong nước “Tịnh Quang Trang Nghiêm có một Bồ Tát tên là Diệu Âm”. Điều đó đã chứng minh được rằng ở nơi “bản tâm thanh tịnh” có tiếng nói “huyền diệu nhiệm mầu”. Tiếng nói ấy bao gồm trăm nghìn muôn ức hằng sa tam muội hay “Bồ Tát Diệu Âm đặng trăm nghìn muôn ức tam muội như : Diệu tràng tướng tam muội, Pháp Hoa tam muội, Tịnh Đức tam muội, Thần thông du hí tam muội... (nghĩa là ở nơi đó có cảnh giới chánh định, lý đạo Nhất thừa, đức tâm thanh tịnh, trí Bát Nhã tuyệt vời). “Diệu Âm” ấy đã đặng trăm nghìn muôn ức hằng sa tam muội. Thì chỉ có “Tri kiến Phật” mới soi thấy được.
Do vậy mà “Quang minh của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật soi đến mới thấy được Bồ Tát Diệu Âm”.
“Tri kiến Phật” và tiếng nói huyền diệu kia đã có trong tự thể của mỗi người chúng sinh, nên Phật quang vừa soi đến thì tiếng nói kia liền hiển bày.
Bởi thế mà “Bồ Tát Diệu Âm” đã xin Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai đến cõi Ta bà. Khi đó Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai bảo Ngài Diệu Âm Bồ Tát: “Ông chớ khinh cõi nước Ta bà sinh lòng tưởng là hạ liệt”.
Điều đó đã nhắc cho mọi chúng sinh hiểu rằng “mặc dù còn mang đầy phiền não chướng và sở tri chướng, nghĩa là còn “vọng tâm điên đảo”, nhưng chớ khinh rằng chẳng có “Diệu Âm”.
Nên Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí dạy tiếp: “Thiện nam tử! Cõi Ta bà kia cao thấp không bằng, các núi đất đá đầy đủ sự dơ xấu, thân Phật kém nhỏ”.
Với ý nghĩa: Chúng sinh chỉ vì “vọng tâm điên đảo” nhiễm trước cảnh duyên, xao xuyến, dao động khởi niệm phân biệt, ví như “các núi đất đá không bằng”, chính vì thế mà những hành vi tạo tác đều “đầy dẫy sự dơ xấu”.
Ánh sáng giác chưa tỏa khắp nơi nên “thân Phật còn kém nhỏ”. Chỉ khi nào “bản tâm thanh tịnh” nghe được tiếng nói huyền diệu của chân tâm. Mọi đức tướng đều trang nghiêm thanh tịnh, như Bồ Tát Diệu Âm, thì thân sẽ cao bốn muôn hai nghìn do tuần tốt đẹp thứ nhất.
Có được như thế cũng chỉ vì chẳng tự khinh mình là hạ liệt mà cho là chẳng có “Diệu Âm”.
“Lúc ấy Ngài Diệu Âm Bồ Tát bạch với Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai: Bạch Đức Thế Tôn ! Con qua cõi Ta bà đều do sức thần của Như Lai, do thần thông du hí của Như Lai”.
Nghĩa là chúng sinh muốn nhận ra được tiếng huyền diệu của chân tâm thì phải nhờ đến trí tuệ Bát Nhã, hay còn gọi nhờ “thần thông du hí của Như Lai”.
Nhưng trước khi đến cõi Ta bà, ngài Diệu Âm Bồ Tát đã hiện tướng “chẳng rời khỏi tòa, cách pháp tòa chẳng bao xa hóa làm tám muôn bốn nghìn hoa sen báu”.
Như vậy có ý nghĩa rằng: tiếng huyền diệu ấy ở ngay nơi “bản tâm thanh tịnh” nên gọi là “chẳng rời khỏi tòa, thân chẳng lay động”. Nhưng tiếng huyền diệu ấy từ bản tâm đã hiển bày những đức tướng vi diệu như “84 nghìn hoa sen báu đẹp”. Đó là biểu tượng tượng trưng cho cái dụng của tự tánh, cái dụng của tiếng huyền diệu. Chứ chưa phải là “tự tánh nhiệm mầu” nên gọi là “cách pháp tòa chẳng bao xa”.
Do vậy mà Ngài Văn Thù Sư Lợi đã thấy ngay “tám muôn bốn nghìn hoa sen báu đẹp” đó. Vì Ngài Văn Thù là bậc đại trí, tượng trưng cho “trí” mà “trí” là dụng của “tự tánh” chứ chưa phải là “tự tánh” nên Ngài Văn Thù chưa thấy được “Diệu Âm”.
Vì thế chúng hội muốn thấy được “Diệu Âm” Bồ Tát thì phải nhờ đến “Đức Đa Bảo Như Lai” mới vời được “Diệu Âm” đến cõi Ta bà được.
Nghĩa là muốn nhận ra “tiếng huyền diệu của chân tâm” thì phải nhờ đến “bản giác diệu minh” chứ không phải dùng “trí dụng” mà thấy được.
Bởi vì “Đức Đa Bảo Như Lai” là biểu tượng tượng trưng cho “bản giác” hay “bản tâm thanh tịnh” của mỗi chúng sinh đều có vậy.
Nên “lúc bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi : Đức Đa Bảo Như Lai đã diệt độ từ lâu, sẽ vì các ông hiện bày thân tướng của Bồ Tát đó”.
Nơi cõi Ta bà chúng sinh nào muốn thấy “Diệu Âm” thì lục căn phải thanh tịnh, không nhiễm trước bởi sự thấy, nghe hay biết của sắc thân. Bởi vì “Diệu Âm” đẹp đẽ rỡ ràng cao quý như “trăm nghìn muôn mặt trăng hòa hiệp”, cũng không bằng vẻ đẹp của “Diệu Âm”. Đã thế lại không bị thời gian và không gian chi phối. Như “thân sắc vàng ròng vô lượng trăm nghìn công đức trang nghiêm”.
Và “Diệu Âm” chỉ hiển bày nơi thể “hiện nhất thiết sắc thân tam muội”. Hay chuyển thất đại thành thất bảo. Nên đoạn kinh đã viện dẫn:
“Bấy giờ Ngài Diệu Âm Bồ Tát nơi cõi nước kia ẩn mặt, cùng với tám muôn bốn nghìn Bồ Tát đồng nhau qua cõi Ta bà, ở các cõi nước trải qua sáu điệu vang động, thảy đều rưới hoa sen bằng bảy báu, trăm nghìn nhạc trời chẳng trổi tự kêu, mắt của các Bồ Tát như cánh hoa sen xanh rộng lớn, giả sử hòa hiệp trăm nghìn muôn mặt trăng, diện mạo của Ngài lại tốt đẹp hơn nhiều, thân sắc vàng ròng vô lượng. Ngài vào đài thất bảo bay lên hư không, đến núi Kỳ Xà Quật ở cõi Ta bà, đến rồi xuống tòa thất bảo”.
Đoạn kinh đó với ý nghĩa đã nêu trên, đã nói lên rằng : tiếng huyền diệu của chân tâm vô cùng cao quý, chỉ có trí tuệ Bát Nhã mới nhận ra được sự vi diệu cao quý đó”.
Do vậy “Bồ Tát Diệu Âm” đã dâng chuỗi ngọc vô giá cho Đức Thích Ca Mâu Ni Phật để cúng dường là ý nghĩa đó.
Cúng dường và vấn an Đức Thế Tôn đó là đức tướng vi diệu phát xuất từ “tiếng huyền diệu” vừa chiếu tỏa, làm phương tiện cho chúng sinh quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” mà nhận ra tiếng huyền diệu ở nơi mình.
Nhưng muốn nhận được “tiếng huyền diệu” ấy thì “tâm hãy hỏi tâm”. Có:
- Ít bệnh, ít khổ, đi đứng có thơ thới, sở hành có an vui chăng?
- Bốn đại điều hòa chăng?
- Việc đời có nhẫn được chăng?
- Chúng sinh có dễ độ chăng?
- Sự tham dục, giận hờn, ngu si, ganh ghét, bỏn xẻn, kiêu mạn có nhiều chăng?
- Chẳng thảo với cha mẹ, chẳng kính sa môn, tà kiến, tâm chẳng lành chăng?
- Có nhiếp năm tình chăng?
- Có hàng phục được ma oán chăng?
- Đức Đa Bảo Như Lai diệt độ từ lâu trong tháp báu có đến nghe pháp chăng?
Những lời hỏi ấy được hiển bày một cách rất vi diệu, mà đoạn kinh nêu là Ngài Diệu Âm Bồ Tát đã bạch cùng Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn ! Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật hỏi thăm Đức Thế Tôn bằng những câu hỏi vừa mới nêu trên.
Đó là ý chỉ thâm diệu muốn nói lên rằng: “tâm hãy hỏi tâm”, hỏi tâm qua “tiếng huyền diệu”. Như thế là đã cúng dường Đức Thích Ca. Như thế là ra mắt Đức Đa Bảo cùng nghe kinh Pháp Hoa và ra mắt chư Đại Bồ Tát.
Tánh trí không hai, “tiếng huyền diệu” kia không ngoài “tánh trí”. Do vậy, sau khi hỏi thăm “Đức Thích Ca Mâu Ni Phật” cùng ra mắt “Đức Đa Bảo Như Lai”. Được Đức Đa Bảo khen rằng: “Hay thay ! Hay thay ! Ông có thể vì cúng dường Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và nghe kinh Pháp Hoa cùng ra mắt Văn Thù Sư Lợi... mà qua đến cõi này”.
Ngay lúc đó Ngài Hoa Đức Bồ Tát bạch cùng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật rằng: Ngài Diệu Âm Bồ Tát trồng cội lành gì? Tu công đức gì? Mà có sức thần thông như vậy?
Đức Phật bảo Ngài Hoa Đức Bồ Tát rằng: “Thuở quá khứ có Phật hiệu Vân Lôi Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... cõi nước tên “Hiện Nhất Thiết Thế Gian”, Diệu Âm Bồ Tát trong một vạn hai ngàn năm, dùng mười muôn thứ kỷ nhạc cúng dường Đức Vân Lôi Âm Vương Phật. Do nhân duyên quả báo đó nay sinh lại nước của Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai”.
Do vì không nhiễm trước bởi âm thanh của 12 loại chúng sinh. Tiếng huyền diệu lại phát xuất từ “bản tâm thanh tịnh” nên có oai lực mạnh mẽ như “tiếng sấm vang”, hay gọi là “Vân Lôi Âm”. Chính vì nhân duyên vi diệu như thế mà phát ra thâu vào “vô ngại tự tại” vẫn không ngoài tâm trí, hay nói cách khác “do vì nhân duyên quả báo như thế mà nay sinh lại nước của Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai”.
Ý ông nghĩ sao?
- Diệu Âm Bồ Tát đâu phải người nào xa lạ thuở đó, chính là Diệu Âm Bồ Tát hiện tiền.
Liễu triệt được như thế mới nhận ra được rằng: “tiếng huyền diệu” kia không ngoài “tự tánh nhiệm mầu”. Nên bất cứ loại chúng sinh nào từ “Phạm Vương, Đế Thích, Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại Thiên, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, Tiểu Vương, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Tể Quan, hoặc Trời, Rồng, Dạ xoa, A tu la, Nhân cùng Phi Nhân...” ở mỗi mỗi chúng sinh trong các loại chúng sinh đó đều có “tiếng huyền diệu của chân tâm”. Để từ đó sáng soi, nhắc nhở, an ủi, dìu dắt, uốn nắn cho chúng sinh quay về với “tự tánh nhiệm mầu”.
Một khi “tiếng huyền diệu” hiện lên hay trỗi dậy thì sự sân hận, si mê và nhiễm chấp nơi từng loại chúng sinh, nơi từng sắc thân, nơi từng quả vị đều được giải thoát một cách tuyệt vời.
Nên “Nếu chúng sinh nào đáng dùng thân Thanh văn đặng độ thoát thì Diệu Âm Bồ Tát liền hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp”.
Với ý nghĩa những chúng sinh nào tu theo pháp Tứ Đế, chứng được quả vị Thanh văn lìa “chấp ngã” nhờ “tiếng huyền diệu của chân tâm” sẽ nhận ra được nguồn gốc hư vọng của phiền não, thông đạt được pháp diệt hư vọng cùng huyễn hư mà lìa “chấp pháp” để đạt đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
- Nếu đáng dùng thân Bồ Tát mà độ thoát liền hiện thân Bồ Tát mà vì đó nói pháp.
Với ý nghĩa chúng sinh nào tu theo pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, nhờ “tiếng huyền diệu của chân tâm” mà loại trừ được “vi tế vô minh” để đạt thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Theo chỗ đáng độ mà chúng sinh hiện ra các thứ thân hình như thế, nhẫn đến đáng dùng diệt độ đặng độ thoát liền thị hiện diệt độ mà độ thoát.
Nghĩa là chúng sinh nào an trụ vào nơi “tịch diệt vô vi” mà hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì “tiếng huyền diệu của chân tâm” sẽ hiển bày ở nơi thể “tịch diệt vô vi” làm cho chúng sinh đó đạt thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
“Tiếng huyền diệt ấy” không phải khởi từ vọng thức điên đảo khi ứng tiếp khác trần mà phát xuất từ “bản tâm thanh tịnh” sáng suốt nhiệm mầu”.
Cho nên Ngài Hoa Đức Bồ Tát đã bạch với Đức Thích Ca Mâu Ni Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn ! Bồ Tát đã trụ tam muội gì mà có thể ở các nơi biến hiện thân hình độ thoát chúng sinh như thế?.
Phật bảo Ngài Hoa Đức Bồ Tát: Thiện nam tử! Tam muội đó tên là “hiện nhất thiết sắc thân”.
Với ý nghĩa, ở nơi bất cứ sắc thân nào, bất cứ chúng sinh loại nào, bất cứ đức tướng nào hiện hành, tiếng huyền diệu kia vẫn ứng hiện một cách vi diệu. Bởi vì tiếng ấy không ngoài “tự tánh nhiệm mầu”.
Như thế sự thấy, nghe, hay, biết từ cảnh duyên bên ngoài đưa đến, nếu nhiễm chấp thì vọng tâm dấy khởi, làm sao tránh khỏi sáu nẻo luân hồi, trôi lăn tam giới.
Chỉ khi nào rời bỏ vọng tưởng hư minh phá trừ thọ ấm, ngay nơi đó ở nơi thể “hiện nhất thiết sắc thân tam muội” thì “tiếng huyền diệu của chân tâm” sẽ hiển bày.
Ngay nay đó đức tướng hiện hành chính là “Diệu Âm Bồ Tát” hiện hành vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]