Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 13. Kinh Lăng Già giải nghĩa

17/01/201920:25(Xem: 4677)
Bài 13. Kinh Lăng Già giải nghĩa

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

2. TU XA LÌA CHẤP THẬT:

- Đại Huệ! Nếu các Sa Môn, Bà La Môn lìa kiến chấp tự tánh, biết trong ngoài tâm hiện như mây nổi, như vòng lửa, như thành Càn Thát Bà, như dương diệm, như bóng trăng trong nước, như mộng huyễn, những vọng tưởng hư dối từ vô thỉ chẳng lìa tự tâm. Nếu nhân duyên vọng tưởng diệt hết, lìa năng thuyết sở thuyết, năng quán sở quán của vọng tưởng, kiến lập thân của Tạng thức, nơi cảnh giới thức có thọ dụng, nhiếp thọ và kẻ nhiếp thọ v.v... Đối với những việc kể trên đều chẳng tương ưng, chẳng có tất cả cảnh giới ấy, lìa sanh trụ diệt, lìa tự tâm khởi, lìa tùy chỗ nhập mà phân biệt, Bồ Tát này được như thế thì chẳng bao lâu sẽ chứng đắc sanh tử và Niết Bàn bình đẳng, được đại bi phương tiện khéo léo mà chẳng thấy có sự mở mang phương tiện.

- Đại Huệ! Nơi tất cả chúng sanh thảy đều như huyễn, chẳng do nhân duyên, xa lìa cảnh giới trong ngoài, ngoài tâm chẳng thấy pháp khác, lần lượt nhập chỗ vô tưởng, từ cảnh giới Tam muội của Địa này đến Địa kia (1), phân biệt quán xét, thấu rõ tam giới (2) như huyễn, sẽ chứng đắc như huyễn Tam muội, siêu việt tự tâm hiện, trụ nơi Bát Nhã Ba La Mật, lìa bỏ phương tiện, lìa Kim Cang Dụ và Tam Ma Đề, liền vào thân Như Lai, liền vào thần thông biến hóa tự tại, từ bi phương tiện, đầy đủ trang nghiêm; vào tất cả cõi Phật và chỗ ngoại đạo, bình đẳng như như, lìa tâm, ý, ý thức, ấy là sự lần lượt chuyển thân của Bồ Tát, cho đến chứng đắc Pháp thân Như Lai, cuối cùng qui về Vô Sở Đắc.

- Đại Huệ! Cho nên muốn đắc vào Pháp thân (3) Như Lai, phải xa lìa ấm, giới, nhập và nhân duyên làm phương tiện của tâm, duy tâm thẳng quán xét lỗi vọng tưởng tập khí hư dối từ vô thỉ, sanh, trụ, diệt là vọng tưởng hư dối, Phật Địa (4) vô sanh, tư duy tam giới chẳng thật có, đến Tự giác Thánh trí, tự tâm tự tại, đến chỗ hành vô sở hành, như hạt châu Ma Ni tùy sắc, nghĩa là tùy tâm lượng (5) vi tế của chúng sanh mà biến hóa thân hình, nên chư Địa lần lượt được tương tục kiến lập. Cho nên, này Đại Huệ! việc tự thành tựu pháp thiện phải siêng tu học.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Hết Địa này đến Địa kia: Đó là nói đến Thập địa: S: daśabhūmi. Mười quả vị tu chứng của các vị Bồ Tát, gồm:
1. Hoan hỉ địa (pramuditā-bhūmi): Đắc sơ địa, quả này Bồ Tát rất hoan hỉ trên đường Giác ngộ (bodhi). Bồ Tát đã phát Bồ-đề tâm và thệ nguyện cứu độ tất cả các chúng sinh thoát khỏi Luân hồi (saṃsāra), không còn nghĩ tới mình, Bố thí (dāna) không cầu phúc và chứng được tính Vô ngã (anātman) của tất cả các Pháp (dharma).
2. Li cấu địa (vimalā-bhūmi): Nhị địa, Bồ Tát giữ Giới (śīla) và thực hiện Thiền định (dhyāna, samādhi).
3. Phát quang địa (prabhākārī-bhūmi): Tam địa, Bồ Tát chứng được quy luật Vô thường (anitya), tu trì tâm Nhẫn nhục (kṣānti) khi gặp chướng ngại trong việc cứu độ tất cả chúng sinh. Để đạt đến cấp này, Bồ Tát phải diệt trừ Ba độc là tham, sân, si, thực hiện được bốn cấp định an chỉ (dhyāna) của Bốn xứ (Vô sắc giới định) và chứng đạt năm thành phần trong Lục thông (abhijñā).
4. Diệm huệ địa (arciṣmatī-bhūmi): Tứ địa, Bồ Tát đốt hết tất cả những quan niệm sai lầm, tu tập trí huệ, Bát-nhã (prajñā) và 37 Bồ-đề phần (bodhipākṣika-dharma).
5. Cực nan thắng địa (sudurja-yā-bhūmi): Ngũ địa, Bồ Tát nhập định, đạt trí huệ, nhờ đó liễu ngộ Tứ diệu đế và Chân như, tiêu diệt nghi ngờ và biết phân biệt; Bồ Tát tiếp tục hành trì 37 Bồ đề phần.
6. Hiện tiền địa (abhimukhī-bhū-mi): Lục địa, Bồ Tát liễu ngộ mọi pháp là vô ngã, ngộ lí Mười hai nhân duyên và chuyển hoá trí phân biệt thành trí bát-nhã, nhận thức tính Không. Bồ Tát đã đạt đến trí huệ Bồ-đề (bodhi) và có thể nhập Niết-bàn thường trụ (pratiṣṭhita-nirvāṇa); vì lòng từ bi, Bồ Tát lưu lại trong thế gian, nhưng không bị sinh tử ràng buộc, đó là Niết-bàn vô trụ (apratiṣṭhita-nirvāṇa).
7. Viễn hành địa (dūraṅgamā-bhū-mi): Thất địa, đạt tới cảnh giới này, Bồ Tát đầy đủ khả năng, phương tiện (upāya) để giáo hoá chúng sinh; đây là giai đoạn mà Bồ Tát tuỳ ý xuất hiện trong bất kì một dạng nào.
8. Bất động địa (acalā-bhūmi): Bát địa, trong giai đoạn này, không còn bất kì cảnh ngộ gì làm Bồ Tát dao động; Bồ Tát đã biết đến khi nào mình đạt Phật quả.
9. Thiện huệ địa (sādhumatī-bhū-mi): Cửu địa, Trí huệ Bồ Tát viên mãn, đạt Mười lực (daśabala), Lục thông (ṣaḍabhijñā), Bốn tự tín, Tám giải thoát; biết rõ cơ sở mọi giáo pháp và giảng dạy giáo pháp.
10. Pháp vân địa (dharmameghā-bhūmi): Thập địa, Bồ Tát đạt Nhất thiết trí (sarvajña-tā), đại hạnh; Pháp thân của Bồ tát đã đạt tới mức viên mãn. Ngài ngự trên toà sen với vô số Bồ Tát chung quanh trong cung trời Đâu-suất, Phật quả của Ngài đã được Chư Phật ấn chứng; những Bồ Tát đạt cấp này là Di-lặc (maitreya), Quán Thế Âm (avaloki-teśvara) và Văn-thù (mañjuśrī).

 

(2) Tam giới: S: triloka: Ba cõi hiện hữu trong vòng sinh tử:

1. Dục giới, nơi chúng sinh đắm say vào những khoái lạc thân thể, vật chất, gồm các cõi: Trời Dục giới, Thần, Người, Ngạ qủy, Súc sinh và Địa ngục.

2. Sắc giới, nơi chúng sinh đã vượt khỏi những khoái lạc nhục dục, nhưng còn cảm nhận thân sắc đẹp xấu; đây là các cõi Sắc giới của Trời Tứ thiền và Ngũ Tịnh Cư Bất hoàn;

3. Vô sắc giới, là cõi tối cao của Luân hồi, chúng sinh đã thoát khỏi sự tồn tại vật chất, hoàn toàn không có thân sắc tướng; đây là cõi của Trời Tứ vô sắc định.

 

(3) Pháp thân: S: dharmakāya, với ý nghĩa:

1. Theo giáo lí Hữu bộ (Nam truyền) là lời dạy chân thực của Đức Phật, hoặc Kinh sách ghi lại giáo pháp.

2. Theo giáo lí Đại chúng (Bắc truyền), Pháp thân là sự hiện hữu tuyệt đối, sự biểu hiện của mọi thực thể tồn tại, là chân thể của thực tại; Đức Phật như là nguyên lí vĩnh hằng, thể tính của hiện hữu vốn thanh tịnh, không một tướng phân biệt, đồng đẳng với Tính Không.

3. Một trong Tam thân của Phật. Thân pháp giới của Phật là chân thân ngoài sắc tướng, là căn bản của tất cả các pháp.

4. (Giáo) Pháp như là thân Phật, khác với thân thể vật lí của Đức Phật.

5. Như Lai tạng, Phật tính của mỗi người.

 

(4) Phật địa: Có các nghĩa: Quả vị Phật, Phật vị, Phật quả.

(5) Tâm lượng: Tâm lượng là tâm đo lường, tâm so đo phân biệt nọ kia.

 

     Tiểu đoạn 1, Đoạn 6, Mục 1, Quyển 1 này, Đức Phật giảng: “- Đại Huệ! Nếu các Sa Môn, Bà La Môn lìa kiến chấp tự tánh, biết trong ngoài tâm hiện như mây nổi, như vòng lửa, như thành Càn Thát Bà, như dương diệm, như bóng trăng trong nước, như mộng huyễn, những vọng tưởng hư dối từ vô thỉ chẳng lìa tự tâm. Nếu nhân duyên vọng tưởng diệt hết, lìa năng thuyết sở thuyết, năng quán sở quán của vọng tưởng, kiến lập thân của Tạng thức, nơi cảnh giới thức có thọ dụng, nhiếp thọ và kẻ nhiếp thọ v.v... Đối với những việc kể trên đều chẳng tương ưng, chẳng có tất cả cảnh giới ấy, lìa sanh trụ diệt, lìa tự tâm khởi, lìa tùy chỗ nhập mà phân biệt, Bồ Tát này được như thế thì chẳng bao lâu sẽ chứng đắc sanh tử và Niết Bàn bình đẳng, được đại bi phương tiện khéo léo mà chẳng thấy có sự mở mang phương tiện”.

 

     Nghĩa là nếu các người tu hành lià chấp bản tính (tự tánh) của các pháp, biết trong và ngoài tâm biến hiện như mây biến hiện, như đốm lửa quay tròn thành vòng lửa, như mộng huyển không thật, như bóng trăng dưới đáy nước giả dối v.v.... Nếu những vọng tưởng hư dối như thế từ vô thủy, những chấp ngã chấp pháp chẳng khi nào lià rời tâm và những cảnh giới của tri thức nhiếp thụ thọ dụng trong A Lại Da (Tạng thức) đều diệt hết, chỉ còn trống rỗng, hoàn toàn trong lặng thanh tịnh, thì được đại trí tuệ mà sinh tử chẳng còn.

     Ngài giảng tiếp: “- Đại Huệ! Nơi tất cả chúng sanh thảy đều như huyễn, chẳng do nhân duyên, xa lìa cảnh giới trong ngoài, ngoài tâm chẳng thấy pháp khác, lần lượt nhập chỗ vô tưởng, từ cảnh giới Tam muội của Địa này đến Địa kia (1), phân biệt quán xét, thấu rõ tam giới (2) như huyễn, sẽ chứng đắc như huyễn Tam muội, siêu việt tự tâm hiện, trụ nơi Bát Nhã Ba La Mật, lìa bỏ phương tiện, lìa Kim Cang Dụ và Tam Ma Đề, liền vào thân Như Lai, liền vào thần thông biến hóa tự tại, từ bi phương tiện, đầy đủ trang nghiêm; vào tất cả cõi Phật và chỗ ngoại đạo, bình đẳng như như, lìa tâm, ý, ý thức, ấy là sự lần lượt chuyển thân của Bồ Tát, cho đến chứng đắc Pháp thân Như Lai, cuối cùng qui về Vô Sở Đắc”.

 

     Nghĩa là nơi tất cả chúng sinh thảy đều như ảo ảnh (như huyễn), chẳng do nhân duyên vì do nghiệp sắp xếp, xa lìa cảnh giới trong ngoài tức là xa lià sáu căn nhập bên trong và sáu trần nhập bên ngoài. Ngoài tâm chẳng thấy pháp khác, lần lượt nhập chỗ vô tưởng, tức là không còn nhớ tưởng nữa, từ cảnh giới chính định (Tam muội) của bậc Bồ Tát này tiến lên bậc Bồ Tát kia (Địa này đến Địa kia). Phân biệt quán xét, thấu rõ ba cõi (tam giới) như ảo ảnh sẽ chứng đạt định “như huyễn Tam muội”, chân tâm thiện, đạt Trí huệ rộng lớn (Bát Nhã Ba La Mật).

 

    Khi ấy, không còn tu hành (lìa bỏ phương tiện), không phải tinh tấn và Thiền quán (lìa Kim Cang Dụ và Tam Ma Đề), mà liền vào thân Như Lai và có thần thông biến hóa tự tại, dùng phương tiện từ bi, trang nghiêm đầy đủ. Vào tất cả cõi Phật và chỗ ngoại đạo, bình đẳng như như, lìa tướng các hiện tượng vạn vật thế giới (lìa tâm), dứt sinh khởi niệm (lìa ý), bỏ so sánh phân biệt (lìa ý thức); đây là sự lần lượt chuyển thân của Bồ Tát, cho đến chứng đắc Pháp thân Như Lai, cuối cùng qui về chỗ chẳng đạt được gì cả (Vô Sở Đắc).

 

     Đức Phật dạy: “- Đại Huệ! Cho nên muốn đắc vào Pháp thân (3) Như Lai, phải xa lìa ấm, giới, nhập và nhân duyên làm phương tiện của tâm, duy tâm thẳng quán xét lỗi vọng tưởng tập khí hư dối từ vô thỉ, sanh, trụ, diệt là vọng tưởng hư dối, Phật Địa (4) vô sanh, tư duy tam giới chẳng thật có, đến Tự giác Thánh trí, tự tâm tự tại, đến chỗ hành vô sở hành, như hạt châu Ma Ni tùy sắc, nghĩa là tùy tâm lượng (5) vi tế của chúng sanh mà biến hóa thân hình, nên chư Địa lần lượt được tương tục kiến lập. Cho nên, này Đại Huệ! việc tự thành tựu pháp thiện phải siêng tu học”.

 

     Nghĩa là, cho nên muốn đuợc vào Pháp thân Phật (Như Lai), tức là muốn thấy tính Phật, chúng ta phải xa lìa sự thấy nghe, sắc thanh, cảm giác, thức phân biệt (ấm, giới, nhập) và dứt trừ tất cả các nhân duyên làm phương tiện gây điên đảo cho tâm. Tâm thường quán xét lỗi vọng tưởng do thói quen (tập khí) hư dối từ vô thủy đến nay. Tất cả sinh diệt (sinh, trụ, diệt) đều là vọng tưởng hư huyển, vì Phật tính vô sinh vô diệt, tư duy suy nghĩ Ba cõi (tam giới) chẳng thật có, sẽ đưa đến tự biết (Tự giác) và đạt giác ngộ (Thánh trí).

 

     Được tâm tự tại; hành mà không có chỗ hành, như hạt châu tự chẳng có màu sắc, mà tùy vị trí người xem hiện ra màu sắc khác nhau; nghĩa là tùy tâm so đo phân biệt của tri thức (tâm lượng) của chúng sinh mà biến hóa thân hình. Vì vậy cho nên các bậc của Bồ Tát (chư Địa) lần lượt được kiến lập, do việc thành tựu các điều trên đây (pháp thiện), do đó người tu phải luôn luôn siêng tu học hành.

 

 (Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]