Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 11. Kinh Lăng Già giải nghĩa

03/01/201919:21(Xem: 5108)
Bài 11. Kinh Lăng Già giải nghĩa

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

5). BẢY THỨ ĐỆ NHẤT NGHĨA:

- Lại nữa Đại Huệ!


Có bảy thứ Đệ Nhất Nghĩa (1), gọi là: Cảnh giới Tâm, cảnh giới Huệ, cảnh giới Trí, cảnh giới Kiến, cảnh giới Siêu nhị kiến (2), cảnh giới Siêu tử địa (siêu việt phiền não), và cảnh giới Như Lai tự tại. Đại Huệ! Đây là Đệ Nhất Nghĩa tâm của tự tánh, cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác thành tựu pháp thế gian và xuất thế gian, cho đến xuất thế gian thượng thượng pháp, do huệ nhãn của bậc Thánh soi vào tự cộng tướng (3) mà kiến lập, kiến lập này chẳng đồng với lập luận ác kiến (4) của ngoại đạo.

- Đại Huệ! Thế nào là lập luận ác kiến của ngoại đạo? Ấy là cảnh giới vọng tưởng của tự kiến chấp, chẳng biết do chấp tự tâm sở hiện, vì chẳng thông đạt ngằn mé (5); vì tánh ngu si của phàm phu, ở nơi bất nhị của tự tánh vô tánh (Đệ Nhất Nghĩa) lập ra nhị kiến luận (6).

- Lại nữa, Đại Huệ! Cái nhân vọng tưởng khổ của tam giới diệt thì các duyên của vô minh ái nghiệp liền diệt; nay ta sẽ thuyết những cảnh huyễn hóa tùy theo kiến chấp của tự tâm sở hiện.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Đệ nhất nghĩa: S: paramārtha-satya; được gọi là Chân đế, Chân thật nghĩa, Thánh đế, Niết bàn, Chân như, Thực tướng, Pháp giới, Đệ nhất nghĩa đế là chân lí cao nhất, Chân lí tuyệt đối; cũng gọi là Thắng nghĩa, là chân lý rốt ráo, là Thánh đế đệ nhất nghĩa, dựa vào trí tuệ viên mãn của bậc giác ngộ. (Xin xem nơi Giải thích 1, Đoạn 1, Mục 1, Quyển 1, chi tiết hơn).

 

(2) Nhị kiến: Hai quan niệm, hai kiến giải, hai loại thấy; có nhiều nghĩa:

1. Tỉ lượng và Hiện lượng: Tỉ lượng là so sánh đo lường; Hiện lượng là tỏ bày phân biệt đúng sai của tri thức.

2. Thân kiến (chấp ngã) và Biên kiến (chấp một bên).

3. Hai loại thấy: Đoạn kiến và Thường kiến:

1- Đoạn kiến, cũng gọi là Vô kiến: Vọng kiến cố chấp cho rằng thân tâm người ta đoạn diệt (chết) rồi không tiếp tục tái sinh nữa.

2- Thường kiến, cũng gọi Hữu kiến: Vọng kiến cố chấp cho rằng thân tâm người ta thường trụ vĩnh hằng.

 

(3) Tự cộng tướng: Tức là các pháp đều có tính tồn tại chung, tương đương với danh từ Cộng tướng.

Cộng tướng: Phạn: Sàmànya-lakwaịa: Cộng tướng là tướng chung, đối lại với Tự tướng là tướng riêng; cũng chỉ tướng không phải giới hạn ở tự tướng, mà còn có nghĩa cộng thông với các pháp khác. Nếu là tự thân chỉ có cái thể tướng đặc thù, thì gọi là Tự tướng; thực ra thì tự thể của các pháp, chỉ có trí chứng mới có thể biết, không thể dùng lời nói để thí dụ, nên gọi là Tự tướng. Còn đem tâm phân biệt (năng thuyên) để an lập thi thiết cân nhắc, kén chọn của các pháp (sở thuyên), dùng lời nói để diễn tả, tìm hiểu nghĩa của các pháp làm chỗ cho trí phân biệt, là Cộng tướng.

 

(4) Ác kiến: Có 5 ác kiến là năm nhận thức sai lầm gọi là Ngũ kiến, còn được gọi là Ngũ ác kiến, giải thích chi tiết là:
1. Ngã Kiến gọi là thân kiến, là chấp cái ta, là nhận thức sai lầm cho rằng có một bản ngã riêng biệt tồn tại trong thực tại làm chủ sở hữu các đối tượng trong vũ trụ.

2. Biên Kiến là nhận thức sai lầm thiên lệch chấp về một bên, như chấp rằng đời sống là thường tồn (thường kiến), hoặc chấp rằng đời sống không tồn tại sau khi chết (đoạn kiến).

3. Tà Kiến là nhận thức sai lầm về sự vật, như không có kiến giải chân chính về mối tương quan luân hồi nhân quả, nhân duyên v.v...

4. Kiến Thủ Kiến là chấp giữ 3 thứ Ngã Kiến, Biên Kiến và Tà Kiến.

5. Giới Cấm Thủ Kiến, là thực hành theo Kiến Thủ Kiến, vì thế chắc chắn dẫn đến sai lầm.

 

 (5) Ngằn mé: Tự tính cùng khắp không gian thời gian, vốn chẳng có ngằn mé, vì khởi tâm chấp thật thành có ngằn mé, ngăn cách giới hạn.

 

(6) Nhị kiến luận: Hai quan niệm, hai kiến giải, hai loại thấy là pháp tương đối của thế gian và ngoại đạo.

 

     Đoạn 5, Mục 1, Quyển 1 này, Đức Phật nói: “Có bảy thứ Đệ Nhất Nghĩa (1), gọi là: Cảnh giới Tâm, cảnh giới Huệ, cảnh giới Trí, cảnh giới Kiến, cảnh giới Siêu nhị kiến (2), cảnh giới Siêu tử địa (siêu việt phiền não), và cảnh giới Như Lai tự tại”. Ý nghĩa của các cảnh giới này như sau:

 

1- CẢNH GIỚI TÂM:

     Cảnh giới tâm thường vắng lặng như mặt nước không một tí gợn sóng, sáng soi như chiếc gương trong sạch không một tì vết bụi bậm.

 

2- CẢNH GIỚI HUỆ:

     Cảnh giới huệ rộng lớn bao la cùng khắp không gian và thời gian không giới hạn. 

 

3- CẢNH GIỚI TRÍ:

     Cảnh giới trí là thanh tịnh trong sáng trống rỗng, chức năng nhận diện vạn sự vạn vật khách quan.

 

4- CẢNH GIỚI KIẾN:

     Là như thật thấy biết (tri kiến), tức là nhìn nhận vạn vật như chúng đích thật là, chứ không như phàm phu u mê cứ quanh quẩn mãi trong tranh cãi, vướng mắc vào những cái thấy không đúng (điên đảo kiến), phân biệt, thị phi, cho tất cả những hiện tượng là thật, là trường tồn, là có tự ngã v.v....

 

5- CẢNH GIỚI SIÊU NHỊ KIẾN:

     Cảnh giới siêu nhị kiến là ra ngoài sự chấp chặt hai quan niệm hai kiến giải hai cái thấy đối đãi khác biệt hai bên.

 

6- CẢNH GIỚI SIÊU TỬ ĐỊA:

     Cảnh giới siêu tử địa là không còn luân hồi sinh tử, tức là không sinh chẳng diệt.

 

7- CẢNH GIỚI NHƯ LAI TỰ TẠI:

     Cảnh giới Như Lai tự tại là lúc nào cũng an nhiên tự do.

 

     Đức Phật bảo:

“Đây là Đệ Nhất Nghĩa tâm của tự tánh, cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác thành tựu pháp thế gian và xuất thế gian, cho đến xuất thế gian thượng thượng pháp”.

 

     Ngài giảng: “Do huệ nhãn của bậc Thánh soi vào tự cộng tướng (3) mà kiến lập, kiến lập này chẳng đồng với lập luận ác kiến (4) của ngoại đạo”. Nghĩa là do Chư Phật dùng Huệ nhãn soi vào tướng chung cộng thông với các pháp (tự cộng tướng) mà lập ra, chẳng giống với lập luận sai lầm của ngoại đạo, vì ngoại đạo lập luận dựa vào chấp thật cái thấy biết sai lầm (ác kiến).

 

     Ngài dạy: “Thế nào là lập luận ác kiến của ngoại đạo? Ấy là cảnh giới vọng tưởng của tự kiến chấp, chẳng biết do chấp tự tâm sở hiện, vì chẳng thông đạt ngằn mé (5); vì tánh ngu si của phàm phu, ở nơi bất nhị của tự tánh vô tánh (Đệ Nhất Nghĩa) lập ra nhị kiến luận (6)”. Nghĩa là ngoại đạo có quan điểm, định kiến sai lầm, cố chấp và vướng mắc vào chỗ thấy biết của cảnh giới vọng tưởng do tự tâm hiện, cho đó là tuyệt đối; lại không thông đạt tự tính cùng khắp không gian thời gian vốn chẳng ngăn cách (ngằn) mà chấp thành có giới hạn; vì do si mê nên ở nơi không hai (bất nhị) của bản thể tâm không tính (tự tính vô tính) mà lập ra quan đim đối đãi hai bên một cách sai lầm.

 

     Đức Phật dạy tiếp: “Phải biết cái nhân vọng tưởng khổ của Tam giới tiêu diệt thì cái duyên của vô minh ái nghiệp liền diệt”; tại sao? Vì Ba cõi Dục, Sắc, Vô Sắc (Tam giới) luôn luôn bị cái khổ hành hạ, đó là sinh già bệnh chết khổ, chia ly khổ, oan gia hội ngộ khổ, mong cầu không được khổ, năm uẩn thân tâm khổ. Nếu sự nghĩ tưởng về cái khổ là không, tức vọng tưởng khổ được tiêu diệt, thì cái duyên của si mê gây ái nghiệp (vô minh ái nghiệp) cũng không có, tức được giải thoát vậy.

6). NHỮNG CẢNH HUYỂN HÓA:

 (Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567