Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 76: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

15/03/201821:33(Xem: 5019)
Bài 76: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

4). PHẬT GIẢI THÍCH
     NHỮNG NGHI NGỜ:

 

     Phật nói xong, tức thời A Nan và đại chúng nhờ Như Lai khai thị ý nghĩa "Mật Ấn Chẳng Ô Nhiễm" và được nghe những danh hiệu liễu nghĩa của Kinh này, đốn ngộ diệu lý của Thiền Na, tiến tu các Thánh vị, tâm niệm rỗng lặng, dứt trừ sáu phẩm phiền não vi tế trong tam giới.
     A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:
- Thế Tôn có oai đức lớn, từ âm vô ngại, khéo khai phá những mê hoặc vi tế của chúng sanh khiến con hôm nay thân tâm an lạc, được lợi ích lớn.
- Thế Tôn! Nếu diệu tâm sáng tỏ này vốn viên mãn cùng khắp, như thế cho đến đất đai, cỏ cây sâu bọ, hàm linh, bản tánh chân như, tức là chân thể thành Phật của Như Lai; vậy Phật thể chân thật, tại sao lại có các đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tu la, loài người và trời? Thế Tôn, lục đạo này vốn tự có, hay là do tập khí hư vọng của chúng sanh mà sanh khởi?
- Thế Tôn! Như Tỳ Kheo Ni Bửu Liên Hương trì Giới Bồ Tát, lén hành dâm dục, vọng nói hành dâm, chẳng phải sát sanh và trộm cắp, chẳng có nghiệp báo. Nói xong, nơi nữ căn liền sanh ngọn lửa lớn, rồi từng đốt xương lại bị bừng cháy, đọa ngục A Tỳ.
- Như vua Lưu Ly, và Tỳ Kheo Thiện Tinh: Lưu Ly thì giết hại hết dòng họ Cù Đàm; Thiện Tinh thì vọng nói tất cả pháp đều Không (đoạn diệt Không) đang sống bị đọa vào ngục A Tỳ.
- Các địa ngục ấy, là có chỗ nhất định hay chẳng định? Mỗi người gây nghiệp nhân, mỗi mỗi tự chịu nghiệp quả, hay là tất cả tự nhiên?
- Xin Phật rủ lòng Đại Từ, khai phá ngu dại, khiến tất cả chúng sanh trì giới, nghe nghĩa quyết định, hoan hỷ phụng hành, giữ gìn chẳng phạm.
     Phật bảo A Nan:
- Lành thay câu hỏi này, khiến các chúng sanh chẳng mắc tà kiến, nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói.

1. VÌ VỌNG KIẾN MÀ

    VỌNG SINH TẬP KHÍ:

 

- A Nan! Bản tánh của tất cả chúng sanh vốn chân thật trong sạch, vì vọng kiến mà vọng sanh tập khí, do đó chia thành nội phần và ngoại phần.
- A Nan! Nội phần tức là phần trong của chúng sanh. Do lòng ái nhiễm phát khởi vọng tình, vọng tình tích chứa không thôi, sanh ra ái thủy, nên chúng sanh hễ nghĩ đến thức ăn ngon thì chảy nước miếng; nhớ đến người xưa, hoặc thương hoặc giận, thì chảy nước mắt, tham cầu của báu, trong tâm ham muốn, cả mình đều thấm nhuần nước tham; tâm tham dâm dục thì hai căn nam nữ tự nhiên chảy dịch. A Nan, những ái dục ấy dù khác, nhưng sự chảy nước là đồng, tánh nước thấm ướt chẳng lên được, tự nhiên sa đọa, gọi là Nội Phần.
- A Nan! Ngoại Phần tức là phần ngoài của chúng sanh. Do lòng khao khát phát ra vọng tưởng, vọng tưởng chứa mãi không thôi, sanh ra thắng khí. Nên chúng sanh hễ tâm giữ giới cấm thì cả thân nhẹ nhàng; tâm trì chú ấn thì cử chỉ hùng dũng, tâm muốn sanh cõi trời thì chiêm bao thấy bay lên, tâm nhớ cõi Phật, thì thắng cảnh thầm hiện, phụng sự Thiện Tri Thức thì tự khinh thân mạng. A Nan, những vọng tưởng dù khác, nhưng sự nhẹ nhàng bay lên là động, bay động chẳng chìm, tự nhiên vượt lên, gọi là Ngoại Phần.
- A Nan! Tất cả sanh tử tương tục trên thế gian, sống thì tùy thuận theo tập khí, chết thì biến đổi theo dòng nghiệp, đến lúc lâm chung, còn chút hơi ấm, các việc thiện ác của một đời đồng thời hiện ra, sống thì thuận, chết thì nghịch, hai tập khí giao xen lẫn nhau, thuần tưởng thì bay lên, ắt sanh cõi trời, nếu cái tâm bay ấy gồm cả phước đức, trí huệ và tịnh nguyện, thì tự nhiên tâm được mở mang, thấy tất cả tịnh độ với mười phương chư Phật, theo nguyện vãng sanh.
- Tình ít tưởng nhiều, nhẹ nhàng bay xa thì làm phi tiên, đại lực quỷ vương, phi hành Dạ Xoa, địa hành La Sát, dạo khắp cõi trời, chẳng gì ngăn ngại. Trong đó nếu có thiện tâm thiện nguyện, hộ trì Phật Pháp, hoặc hộ trì giới cấm và người trì giới; hoặc hộ trì thần chú và người trì chú; hoặc hộ trì thiền định, thành tựu pháp nhẫn, thì những hạng ấy được ở cạnh pháp tọa của Như Lai.
- Tình và tưởng bằng nhau, chẳng bay chẳng chìm, sanh nơi cõi người; tưởng sáng suốt thì thông minh, tình ám muội thì ngu độn.
- Tình nhiều tưởng ít, đọa vào súc sinh, nghiệp nặng thì làm loài có lông, nghiệp nhẹ thì làm loài có cánh.
- Bảy phần tình, ba phần tưởng, thì chìm dưới thủy luân, sanh nơi hỏa luân, thân làm ngạ quỷ, thọ cái khổ của lửa hồng, thường bị đốt cháy, dầu được uống nước cũng hóa thành lửa, nên nói bị nước hại, trải qua trăm ngàn kiếp, chẳng thể ăn uống.
- Chín phần tình, một phần tưởng, thì đọa dưới hỏa luân, thân vào giữa phong luân và hỏa luân, nghiệp nhẹ thì vào ngục Hữu Gián, nghiệp nặng thì vào ngục Vô Gián.
- Thuần tình thì chìm sâu vào ngục A Tỳ, nếu tâm chìm sâu ấy, có phỉ báng Đại Thừa, phá giới cấm của Phật, cuồng vọng thuyết pháp, hư tiêu tín thí, lạm nhận cung kính, hoặc phạm ngũ nghịch, thập trọng cấm, thì lại phải sanh khắp ngục A Tỳ mười phương.
- Chúng sanh cùng tạo ác nghiệp thì phải chịu quả báo đồng phận, nhưng trong cộng nghiệp mỗi người đều có biệt nghiệp của mình, tùy theo ác nghiệp sở tạo, mỗi mỗi tự chuốc lấy quả báo khác nhau.

GIẢI NGHĨA:

 

     Sau khi Đức Phật nói các tên của Kinh, Tôn giả A Nan thỉnh cầu Phật giảng các thắc mắc đại ý rằng: Tại sao có 6 cõi Trời, Thần, Người, Ngạ qủy, Súc sinh, Địa ngục, là do tự có hay do tập khí hư vọng sinh, Tỳ Kheo Ni Bửu Liên Hương trì giới Bồ Tát lén hành dâm, nói dâm chẳng phải sát sinh trộm cướp nên chẳng có nghiệp báo, bị lửa đốt và đọa Địa ngục, Tỳ Kheo Thiện Tịnh nói rằng vua Lưu Ly giết dòng họ Thích chẳng có tội, bị đọa Địa ngục; Địa ngục là tự nhiên hay do nghiệp báo mà có?

 

     Đức Phật giảng đại ý rằng: Chúng sinh do “ái nhiễm phát khởi vọng tình, vọng tình tích chứa mãi sinh ra yêu mến, nên hễ nghĩ đến thức ăn ngon thì chảy nước miếng. Khi nhớ đến thương hoặc giận thì chảy nước mắt, yêu thích của báu thì trong tâm ham muốn, cả mình đều thấm nhuần nước tràn trề; tâm tham dâm dục thì hai căn nam nữ tự nhiên chảy dịch. Những tham ái dục ấy dù khác, nhưng sự chảy nước là giống nhau, tính nước thấm ướt nặng nề biểu trưng chìm đắm, sa đọa, gọi là phần bên trong (Nội Phần).


     Chúng sanh do “khao khát phát ra vọng tưởng, vọng tưởng chứa mãi không ngưng sinh ra áp lực mạnh mẽ (thắng khí); nên chúng sinh hễ tâm giữ Giới cấm đầy đủ thì cả thân nhẹ nhàng, tâm trì Chú miên mật thì cử chỉ mạnh bạo, tâm muốn sinh cõi trời thì chiêm bao thấy bay lên, tâm nhớ cõi Phật thì cảnh đẹp (thắng cảnh) thầm hiện. Những vọng tưởng dù khác, nhưng sự nhẹ nhàng bay lên là động, bay động thì chẳng chìm, tự nhiên vượt lên gọi là phần bên ngoài (Ngoại Phần).



    Tất cả sinh tử tương tục, sống thì tùy thuận theo tập khí, chết thì biến đổi theo dòng nghiệp, đến lúc lâm chung các việc thiện ác của một đời đồng thời hiện ra, thuần Tưởng thì bay lên, ắt sinh cõi trời, nếu cái tâm bay ấy gồm cả phúc đức, trí huệ và tịnh nguyện thì tâm được mở mang, thấy tất cả tịnh độ với mười phương chư Phật, theo nguyện vãng sinh tới chỗ mong muốn.


    Sự sinh vào các loài tùy thuộc ở Tình và Tưởng, Tinh nhiều chừng nào thì bị chìm đắm khổ ải chừng ấy, chỉ có tình thôi thì phải ở trong Địa ngục lâu dài; Tưởng nhiều mà có hộ trì Phật pháp thì được ở cạnh pháp tọa của Chư Phật. Chúng sinh cùng tạo ác nghiệp thì phải chịu quả báo chung, nhưng trong cộng nghiệp mỗi người đều có biệt nghiệp của mình, tùy theo ác nghiệp đã tạo mà chịu quả báo khác nhau.


     Như vậy “sáu ngả luân hồi không do một đấng thiêng liêng nào sắp đặt sinh ra, mà động cơ sinh trong sáu nẻo dựa trên tiêu chuẩn: "Tình" "Tưởng" nhiều ít của chúng sinh. Tình là sự biểu hiện của tâm ái nhiễm, nặng về tình dễ mất hết lý trí, sống theo dục vọng; nếu đam mê dục vọng nặng nề thì không còn đủ trí tuệ để nhận thức chân lý.

 

     Tất cả những cảnh tượng khổ đau ở địa ngục chỉ là những phản ảnh của tâm ác độc và tâm đam mê dục tình mà con người phải chịu khổ đau trong địa ngục, vì địa ngục chỉ là do tâm cực ác tạo ra mà thôi.

 

2. TẠO THẬP TẬP NHÂN,

     THỌ LỤC GIAO BÁO:

 (Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]