Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 49: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

06/09/201719:51(Xem: 4987)
Bài 49: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

6. LỤC CĂN THIẾU, TRI KIẾN

    VẪN KHÔNG THÊM BỚT


- A-Nan! ông há chẳng biết hiện trong hội này, A Na Luật Đà chẳng mắt mà thấy; rồng Bạt Nan Đà chẳng tai mà nghe; thần nữ Căng Già chẳng mũi mà ngửi hương; Kiều Phạm Bát Đề lưỡi trâu mà biết vị; thần Thuấn Nhã Đa bản chất là gió, vốn chẳng tự thể, do ánh sáng tự tánh, tạm hiện hình bóng, nên chẳng có thân mà biết xúc; các hàng Thanh văn được diệt tận định trong hội này như Ma Ha Ca Diếp, ý căn đã diệt từ lâu mà vẫn rõ biết khắp nơi, chẳng do tâm niệm.
- A Nan! Nếu các căn của ông đều đã được giải thoát, thì sự dụng của tự tánh tự hiện, như trong lặng mà phát ra ánh sáng, vậy phù trần và các tướng biến hóa trong thế gian đều tiêu, như nước sôi làm tan băng đá, ngay đó liền hóa thành Vô Thượng Tri Giác.

- A Nan! Như người thế gian cho sự thấy do con mắt, nếu bỗng nhắm mắt lại thì tướng tối hiện ra, lục căn mịt mù, đầu và chân giống nhau. Người ấy dùng tay rờ thân người khác, mắt dù chẳng thấy, nhưng vẫn phân biệt được đầu và chân, vậy sáng tối dù khác, mắt dù chẳng thấy, nhưng vẫn phân biệt được đầu và chân, vậy sáng tối dù khác, tánh biết vẫn đồng. Nếu duyên sáng mới có thấy thì khi tối thành chẳng thấy, nếu chẳng duyên sáng mà phát ra tánh thấy, thì các tướng tối chẳng thể làm mờ được. Căn trần đã tiêu, thì giác tánh đâu thể chẳng thành diệu viên?

 

GIẢI NGHĨA

     Đức Phật bảo Tôn giả A Nan: “Ông há chẳng biết hiện trong hội này, A Na Luật Đà chẳng mắt mà thấy; rồng Bạt Nan Đà chẳng tai mà nghe; thần nữ Căng Già chẳng mũi mà ngửi hương; Kiều Phạm Bát Đề lưỡi trâu mà biết vị; thần Thuấn Nhã Đa bản chất là gió, vốn chẳng tự thể, do ánh sáng tự tánh, tạm hiện hình bóng, nên chẳng có thân mà biết xúc; các hàng Thanh văn được diệt tận định trong hội này như Ma Ha Ca Diếp, ý căn đã diệt từ lâu mà vẫn rõ biết khắp nơi, chẳng do tâm niệm”.

     Nghĩa là khi Sáu Căn tác dụng với Sáu Vọng Trần mà có cái biết thì tính biết mất phẩm chất trong sáng bản nhiên; khi làm chủ được các căn thì không cần có trần cảnh (tiền trần) mà tính biết (tri kiến) vẫn phát khởi. Bấy giờ tính biết trong sáng (tri kiến giác minh) không còn bị căn trần chi phối, tính biết trong sáng chỉ gá vào căn mà phát ra nhận thức trong sáng; do đó Sáu Căn có thể dùng thay lẫn nhau mà không có gì trở ngại. Như Tôn giả A Na Luật Đà mắt đui mù mà vẫn thấy, Thần nữ Căn Già không có mũi mà nhận biết mùi hương, ông Kiều Phạm Ba Đề lưỡi dị tướng mà biết vị. Thần gió Thuấn Nhã Đa không có thân mà biết xúc giác; Tôn giả Đại Ca Diếp ý đã diệt mà biết rõ mọi nơi.

 

      Ngài giảng: “Nếu các căn của ông đều đã được giải thoát, thì sự dụng của tự tánh tự hiện, như trong lặng mà phát ra ánh sáng, vậy phù trần và các tướng biến hóa trong thế gian đều tiêu, như nước sôi làm tan băng đá, ngay đó liền hóa thành Vô Thượng Tri Giác”. Nghĩa là nếu các căn đều được giải thoát thì bản thể tâm (tự tính) tự phát ra, như nước trong lặng phát ra ánh sáng vậy; lúc đó, trần cảnh tương ưng (phù trần) và hiện tượng vạn hữu thế gian không còn cần thiết nữa, cũng như băng giá tan biến khi gặp nước sôi; ngay đó liền biết rõ đã giải thoát, bấy giờ trở thành biết như thật khắp vũ trụ mười phương (Chính Biến Tri) Vô Thượng Bồ Đề (Vô thượng tri giác) vậy.

 

     Đức Phật giảng thêm bằng thí dụ: “Như người thế gian cho sự thấy do con mắt, nếu bỗng nhắm mắt lại thì tướng tối hiện ra, lục căn mịt mù, đầu và chân giống nhau. Người ấy dùng tay rờ thân người khác, mắt dù chẳng thấy, nhưng vẫn phân biệt được đầu và chân, vậy sáng tối dù khác, mắt dù chẳng thấy, nhưng vẫn phân biệt được đầu và chân, vậy sáng tối dù khác, tánh biết vẫn đồng”. Nghĩa là dù sáng tối, động tĩnh, thông nghẽn, mặn nhạt, hợp lià, sinh diệt đối đãi nhau; mắt dù chẳng thấy, tai chẳng nghe, mũi chẳng ngửi, lưỡi chẳng nếm, thân chẳng tiếp xúc, ý chẳng sinh phân biệt được mà tính biết vẫn thế.

 

     Ngài dạy: “Nếu duyên sáng mới có thấy thì khi tối thành chẳng thấy, nếu chẳng duyên sáng mà phát ra tánh thấy, thì các tướng tối chẳng thể làm mờ được”. Nghĩa là nếu chẳng có “sáng, động, thông, mặn, hợp, sinh” mà vẫn biết thấy, biết nghe, biết mùi, biết vị, biết cảm giác, biết mọi hình ảnh âm vang cảm giác, thì các tướng “tối, tĩnh, nghẽn, nhạt, lìa, diệt” chẳng thể làm mờ tính thấy, tính nghe, tính ngửi, tính nếm, tính xúc, tính biết. Tức là nếu các tướng đối đãi sáng tối, động tĩnh, thông nghẽn, mặn nhạt, hợp lìa, sinh diệt không còn là điều kiện chủ động cho tính thấy, tính nghe, tính ngửi, tính nếm, tính xúc, tính biết, thì Sáu Căn không còn bị dính mắc bởi Sáu Trần nữa; lúc ấy, tính biết chân thật tự hiện chủ động hoàn toàn, cho nên Ngài nói: “Căn trần đã tiêu, thì giác tánh đâu thể chẳng thành diệu viên?” là vậy.

 

7. ĐÁNH CHUÔNG ĐỂ XÉT

TÁNH NGHE LÀ THƯỜNG TRỤ

1 – TÔN GIẢ A NAN NGHI HỎI

      VỀ KIẾN VĂN GIÁC TRI

     A Nan bạch Phật rằng:
- Như lời Phật dạy, nếu muốn cầu được quả thường trụ, thì chỗ phát tâm của nhân địa (1) và quả địa (2) phải cân xứng với nhau. Thế Tôn, trong quả vị Như Lai (3), bảy thứ: Bồ Đề, Niết Bàn, Chân Như, Phật tánh, Am Ma La Thức, Không Như Lai Tạng, Đại Viên Cảnh Trí (4), tên gọi dù khác, nhưng thể tánh trong sạch viên mãn kiên cố như Kim Cang Vương, thường trụ chẳng hoại (5).
- Nếu cái thấy nghe này lìa những tướng sáng tối, động tịnh, thông nghẽn vốn chẳng tự thể; cũng như tâm niệm lìa nơi tiền trần vốn chẳng có gì cả, thì tại sao lại có thể đem sự đoạn diệt này làm nhân tu, mà mong cầu bảy quả thường trụ của Như Lai.
- Thế Tôn, nếu lìa sáng tối thì cái thấy thành không có; nếu chẳng có tiền trần thì tâm niệm tịch diệt, nghĩ tới nghĩ lui, suy xét tỉ mỉ, vốn chẳng có cái tâm và tâm sở của con, vậy lấy gì làm nhân để cầu quả Vô Thượng Giác? Như Lai trước kia đã nói tánh giác trạm nhiên thường trụ, vậy lời nói trái với lẽ thường thì chỉ thành hý luận, làm sao nhận được lời nói của Như Lai là chân thật? Xin Phật từ bi khai mở chỗ mê muội của con.
     Phật bảo A Nan:
- Ông chỉ học rộng nghe nhiều, chưa dứt sạch tập khí phiền não, trong tâm dù biết rõ cái nhân điên đảo, mà điên đảo thật hiện tiền thì chẳng biết, e rằng ông còn chưa thiệt lòng tín phục, nay ta thử đem những việc trần thế để phá trừ cái nghi của ông.

 

GIẢI NGHĨA
(1) Nhân địa: Phương cách hành xử tu hành. Trạng thái thực tập giáo lý nhà Phật dẫn tới quả vị Phật

(2) Qủa địa: Kết qủa của phương cách hành xử tu hành, cũng gọi là qủa vị, qủa vị Phật.     

(3) Qủa vị Như Lai: Là qủa vị Giác ngộ tột cùng, qủa vị Phật.

(4) Bảy thứ: Gồm có:

1. Bồ Đề: S, P: bodhi; dịch nghĩa là Tỉnh thức, là Giác ngộ tối thượng.

2. Niết Bàn: Là bản thể của tự tính, đầy tràn không gian, lúc nào cũng hiện diện nên không sinh diệt.

3. Chân Như: Tánh thanh tịnh sẵn có, chỉ thể tính bất động thường hằng tuyệt đối của vạn sự, nằm ngoài mọi lí luận nhận thức.

4. Phật Tánh: Tất cả chúng sinh đều có đủ 3 nhân Phật tính như sau:

a. Chính nhân Phật tính: Lìa thiện lìa tà, chẳng không chẳng giả, là lí thể của thực tướng các pháp, là nhân chính để thành Phật.

b. Liễu nhân Phật tính: Liễu tức là soi rõ, do Chính nhân ở trước mà phát ra trí soi rõ này, trí và lí ứng hợp nhau.

c. Duyên nhân Phật tính: Tất cả công đức thiện căn đều giúp đở Liễu nhân để khai phát tính của Chính nhân, đó là Duyên nhân Phật tính.

5. Am ma la thức: Là A Mạt la thức, thanh tịnh thức, Vô cấu thức, Chân như thức.

6. Không Như Lai Tạng: Như Lai Tạng tự nó vốn là không. Còn Bất Không Như Lai Tạng cũng gọi Bất Không Chân Như, đối lại với Không Như Lai Tạng xa lìa tất cả phiền não. Như Lai Tạng có đầy đủ hằng sa Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, mà chẳng lìa, chẳng khác. 

7. Đại Viên Cảnh Trí: Hay Đại Viên Kính Trí (s: ādarśa-jñ), một trong 4 Trí (Đại Viên Kính Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quan Sát Trí và Thành Sở Tác Trí) của đức Phật, chỉ trí tuệ của đức Phật có thể ánh hiện một cách như thật tất cả các pháp. Giống như cái gương tròn lớn, loại trí tuệ này trong sạch tròn đầy, có thể phản chiếu tất cả hình tượng; Mật Giáo gọi nó là Kim Cang Trí. Theo Duy Thức Tông, sau khi thành Phật, phiền não chuyển biến thành trí tuệ, trí tuệ Phật này được chia thành 4 loại, trong đó, loại thứ tư (tức A Lại Da Thức (s: ālaya-vijñāna, p: ālaya-viññāṇa) sẽ chuyển biến thành Thanh Tịnh Trí, tức Đại Viên Kính Trí. 

(5) Như Kim Cang Vương thường trụ chẳng hoại: Ý nói bảy thứ tên nêu ra và còn vô số tên khác được nêu trong các kinh khác nhau có cùng một nghĩa của bản thể chân tâm, nó vô cùng cứng chắc có thể cắt đứt mọi thứ và chẳng bao giờ bị hủy diệt.

 

     Tôn giả A Nan Đà còn nghi, đại ý rằng: Quả sở chứng có nhiều, nhưng quả nào cũng là chân thường bất hoại. Còn tính thấy, nghe… vốn là vọng, lấy vọng làm dữ kiện tu thì cũng giống như hoa đốm không thể nào kết thành ra quả được. Sự nghi ngờ này nói lên sự thấy biết của Tôn giả và cũng là điều hiểu biết chung của nhiều người học Phật.

     Đức Phật bảo rằng Tôn giả A Nan chỉ là người nghe nhiều học rộng, dù biết rõ cái nhân điên đảo của căn dính mắc trần, nhưng vì chưa dứt hết các thói quen bản năng bản tính buồn phiền tiềm tàng (tập khí phiền não) thì không thể biết cái điên đảo hiện tại nên chưa tin tưởng.

 

2 - KHAI THỊ TÁNH NGHE

     LÀ THƯỜNG TRỤ

 

 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]