Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 38: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

23/06/201722:23(Xem: 5282)
Bài 38: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

KINH VĂN 8:

CÁC ĐẠI DUNG NHAU

 

1). TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA THẮC MẮC

     Lúc bấy giờ, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử ở trong chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo tay phải, quỳ gối chân phải, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:
- Thế Tôn có oai đức lớn, khéo vì chúng sanh hiển bày đệ nhất nghĩa đế (1) của Như Lai. Thế Tôn thường khen con là bậc nhất trong những người thuyết pháp, mà nay con nghe pháp âm nhiệm mầu của Như Lai, cũng như người điếc, cách xa trăm bước mà nghe tiếng muỗi bay, vốn chẳng thể thấy, huống là được nghe! Phật dù chỉ rõ, khiến con dứt trừ lỗi lầm, nhưng con còn chưa thấu suốt chỗ chẳng nghi hoặc của nghĩa này.
- Thế Tôn, hàng hữu lậu như A Nan, dù được khai ngộ, nhưng chưa dứt tập khí phiền não, còn chúng con là bậc vô lậu trong hội này, nay nghe pháp âm của Như Lai còn mắc phải những điều nghi ngờ.
- Thế Tôn, nếu tất cả các thứ căn, trần, ấm, xứ, giới (2) v.v... của thế gian đều là Như Lai Tạng, bản tánh vốn trong sạch, sao lại bỗng sanh các tướng hữu vi như núi sông, đất đai, thành rồi hoại, hoại rồi thành, thành hoại chẳng ngừng?
- Lại Như Lai nói Địa, Thủy, Hỏa, Phong, bản tánh viên dung (3), cùng khắp pháp giới, trạm nhiên (4) thường trụ. Thế Tôn, nếu tánh Địa cùng khắp, thì làm sao dung nạp được Thủy? Nếu tánh Thủy cùng khắp thì Hỏa chẳng thể sanh; sao lại nói hai tánh Thủy và Hỏa đều cùng khắp hư không, chẳng đoạt mất nhau?
- Thế Tôn, tánh Địa thì ngăn ngại, tánh không thì trống rỗng, làm sao hai tánh ấy đều cùng khắp pháp giới? Nay con chẳng biết nghĩa này thế nào, xin Phật từ bi, khai mở lòng mê muội của con và đại chúng.
     Nói xong, năm vóc gieo sát đất, kính mong lời dạy Vô Thượng của Như Lai.

GIẢI NGHĨA

(1) Đệ nhất nghĩa đế: Là Thánh đế, chân đế, chân lý tuyệt đối cao nhất.

(2) Căn, trần, ấm, xứ, giới: Căn là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Trần là sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Ấm là năm ấm gồm: sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Xứ là 12 xứ gồm sáu căn và sáu trần. Giới là 18 giới gồm sáu căn, sáu trần và sáu thức.

(3) Viên dung: Viên là tròn, đầy đủ, Dung là tiếp nhận, bao bọc, tan vào, chảy ra; Viên dung là hiện hữu đầy đủ.  

(4) Trạm nhiên: Trạm là trong lặng chẳng động. Trạm nhiên là trong lặng tịch tịnh.

    Tôn giả Phú Lâu Na thưa Phật: “- Thế Tôn có oai đức lớn, khéo vì chúng sanh hiển bày đệ nhất nghĩa đế của Như Lai. Thế Tôn thường khen con là bậc nhất trong những người thuyết pháp, mà nay con nghe pháp âm nhiệm mầu của Như Lai, cũng như người điếc, cách xa trăm bước mà nghe tiếng muỗi bay, vốn chẳng thể thấy, huống là được nghe! Phật dù chỉ rõ, khiến con dứt trừ lỗi lầm, nhưng con còn chưa thấu suốt chỗ chẳng nghi hoặc của nghĩa này. Hàng hữu lậu như A Nan, dù được khai ngộ, nhưng chưa dứt tập khí phiền não, còn chúng con là bậc vô lậu trong hội này, nay nghe pháp âm của Như Lai còn mắc phải những điều nghi ngờ”.

     Nghĩa là dù là bậc không còn dính mắc ô nhiễm (vô lậu), được Đức Phật khen ngợi là người thuyết pháp thứ nhất trong hàng đại đệ tử của Phật, cách xa trăm bước vẫn nghe tiếng muỗi bay dù chẳng thể nhìn thấy muỗi, nhưng khi nghe Phật thuyết pháp cũng như người điếc chẳng hiểu Phật nói gì.

      Tôn giả thưa hỏi: “Nếu tất cả các thứ căn, trần, ấm, xứ, giới v.v... của thế gian đều là Như Lai Tạng, bản tánh vốn trong sạch, sao lại bỗng sanh các tướng hữu vi như núi sông, đất đai, thành rồi hoại, hoại rồi thành, thành hoại chẳng ngừng?”

     Rồi Tôn giả hỏi tiếp: “- Lại Như Lai nói Địa, Thủy, Hỏa, Phong, bản tánh viên dung, cùng khắp pháp giới, trạm nhiên thường trụ. Thế Tôn, nếu tánh Địa cùng khắp, thì làm sao dung nạp được Thủy? Nếu tánh Thủy cùng khắp thì Hỏa chẳng thể sanh; sao lại nói hai tánh Thủy và Hỏa đều cùng khắp hư không, chẳng đoạt mất nhau?”

     Sau chót, Tôn giả Phú Lâu Na thưa: “Tánh Địa thì ngăn ngại, tánh không thì trống rỗng, làm sao hai tánh ấy đều cùng khắp pháp giới? Nay con chẳng biết nghĩa này thế nào, xin Phật từ bi, khai mở lòng mê muội của con và đại chúng”.

     Ở đây, Tôn Giả Phú Lâu Na đại diện cho tứ chúng cũng như đại diện cho chúng sinh để thắc mắc đặt những câu hỏi và thỉnh cầu Đức Phật khai mở nghĩa lý sâu xa cho mọi người học đạo được hiểu.

2). CHỈ GỐC VỌNG

TƯỞNG VỀ TÂM LÝ

 

     Bấy giờ, Thế Tôn bảo Phú Lâu Na và hàng A La Hán lậu tận vô học trong Hội rằng:
- Hôm nay, Như Lai vì cả chúng trong Hội này hiển bày tánh chân thắng nghĩa trong thắng nghĩa, khiến hàng định tánh Thanh Văn và tất cả A La Hán chưa được Nhị Không (1) phát tâm hướng về thượng thừa, đều được chỗ tu hành chân chánh, thiết thực chẳng xao động của cảnh giới tịch diệt nhất thừa, các ông hãy chú ý nghe.
     Phú Lâu Na và đại chúng kính vâng pháp âm của Phật, yên lặng ngồi nghe.
     Phật bảo:
- Phú Lâu Na, như lời ông nói, bản tánh trong sạch, sao lại bỗng sanh núi sông đất đai. Ông chẳng thường nghe Như Lai dạy rằng: Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu (2) hay sao?

- Bạch Thế Tôn, vâng ạ, con thường nghe Phật khai thị nghĩa này.
     Phật bảo:
- Ông nói giác minh, là do tánh minh được gọi là giác; hay là cái giác bất minh, gọi là minh giác?
     Phú Lâu Na nói:
- Nếu cái bất minh này gọi là giác, thì chẳng có sở minh.
     Phật bảo:
- Nếu chẳng có sở minh thì chẳng có minh giác, có sở chẳng phải là giác, không sở chẳng phải là minh, chẳng minh lại chẳng phải tánh trạm nhiên sáng tỏ của bản giác. Vì tánh giác ắt minh, vọng cho là minh giác, bản giác chẳng phải sở minh, do chấp sự minh nên lập sở minh, sở minh đã vọng lập, thì sanh cái năng minh hư vọng của ông.

GIẢI NGHĨA

 (1) Nhị Không: Hai không: Là Nhân ngã không và Pháp ngã không, tức là không còn chấp thật ta và người, không còn chấp thật mọi thứ như của cải vật chất v.v...

(2) Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu: Tánh giác: là bản thể của cái biết, diệu: là chiếu sáng, minh: là trong sáng, bản giác: là gốc của cái biết. Tánh giác diệu minh: Là cái biết trong sáng thường chiếu sáng cùng khắp chẳng có chỗ nào không sáng. Bản giác minh diệu: Là gốc biết trong sáng thường chiếu soi.

     Đức Phật bảo Tôn giả Phú Lâu Na và hàng A La Hán rằng: “Như Lai vì cả chúng trong Hội này hiển bày tánh chân thắng nghĩa trong thắng nghĩa, khiến hàng định tánh Thanh Văn và tất cả A La Hán chưa được Nhị Không, phát tâm hướng về thượng thừa, đều được chỗ tu hành chân chánh, thiết thực chẳng xao động của cảnh giới tịch diệt nhất thừa, các ông hãy chú ý nghe”. Nghĩa là hàng A La Hán và tất cả Thanh Văn chưa đạt được nhân ngã không và pháp không (Nhị Không) sẽ được Ngài hiển bày chân nghĩa của cảnh giới Phật thừa (cảnh giới tịch diệt nhất thừa) để theo đó mà tu hành chân chính.

     Đức Phật hỏi: “- Phú Lâu Na, như lời ông nói, bản tánh trong sạch, sao lại bỗng sanh núi sông đất đai. Ông chẳng thường nghe Như Lai dạy rằng: Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu hay sao?” Nghĩa là Ngài thường dạy rằng: Cái biết trong sáng thường chiếu sáng cùng khắp chẳng có chỗ nào không sáng (Tánh giác diệu minh); gốc biết trong sáng thường chiếu soi (Bản giác minh diệu),

     Đức Phật bảo: “- Ông nói giác minh, là do tánh minh được gọi là giác; hay là cái giác bất minh, gọi là minh giác?” Nghĩa là biết trong sáng (giác minh), là do tính trong sáng (tánh minh) được gọi là biết (giác), hay là cái biết không trong sáng (cái giác bất minh), gọi là trong sáng cái biết (minh giác)?
     Tôn giả Phú Lâu Na thưa: “- Nếu cái bất minh này gọi là giác, thì chẳng có sở minh”. Nghĩa là nếu cái không trong sáng (bất minh) này gọi là biết (giác), thì chẳng có chỗ trong sáng (sở minh).
     Đức Phật giảng: “- Nếu chẳng có sở minh thì chẳng có minh giác, có sở chẳng phải là giác, không sở chẳng phải là minh, chẳng minh lại chẳng phải tánh trạm nhiên sáng tỏ của bản giác. Vì tánh giác ắt minh, vọng cho là minh giác, bản giác chẳng phải sở minh, do chấp sự minh nên lập sở minh, sở minh đã vọng lập, thì sanh cái năng minh hư vọng của ông”.

     Nghĩa là nếu chẳng có chỗ trong sáng (sở minh) thì chẳng có cái biết trong sáng (minh giác), có nơi chỗ (sở) thì chẳng phải là biết (giác), không nơi chỗ (không sở) thì chẳng phải là trong sáng (minh), chẳng trong sáng thì chẳng phải tính trong lặng (trạm nhiên) sáng tỏ của gốc biết (bản giác). Vì tính biết ắt trong sáng, vọng cho là cái biết trong sáng (minh giác), mà gốc biết (bản giác) chẳng phải nơi chỗ trong sáng (sở minh), do chấp sự trong sáng nên lập nơi chỗ trong sáng, trong sáng đã vọng lập, thì sinh cái sức trong sáng (năng minh) hư vọng vậy.

Tóm lại, nếu chấp thật cho là cái biết trong sáng thì lià cái biết chẳng còn trong sáng nữa, như vậy là không chiếu sáng (không Diệu) rồi, đây là nguyên nhân của vọng tưởng về tâm lý; cho nên Kinh nói: "Do giác minh thành lỗi lầm" là vậy.

3). CHỈ GỐC VỌNG

TƯỞNG DO VẬT CHẤT

- Ở trong chẳng đồng dị (1), vọng chấp thành dị, khác với cái dị này, do sự dị mà lập sự đồng, tướng đồng dị đã sanh, từ đó lại lập ra cái chẳng đồng chẳng dị. Nhiễu loạn như thế, đối đãi nhau sanh ra mỏi mệt, mỏi lâu thành trần, tự hỗn tạp lẫn nhau, do đó sanh ra trần lao phiền não, khởi dậy thành thế giới, tịch lặng thành hư không; hư không là đồng, thế giới là dị, do đồng dị lập ra chẳng đồng chẳng dị, ấy là pháp hữu vi, cái vốn chẳng đồng dị của bản giác, mới thật là pháp vô vi.

GIẢI NGHĨA

(1) Đồng dị: Đồng là cùng, như, giống, dị là khác, riêng; đồng dị là giống nhau khác biệt.

     Mục 3 “Gôc Vọng Tưởng Do Vật Chất” của Kinh Văn 7 “Các Đại Dung Nhau” này, Đức Phật giảng rằng: “Ở trong chẳng đồng dị, vọng chấp thành dị, khác với cái dị này, do sự dị mà lập sự đồng, tướng đồng dị đã sanh, từ đó lại lập ra cái chẳng đồng chẳng dị. Nhiễu loạn như thế, đối đãi nhau sanh ra mỏi mệt, mỏi lâu thành trần, tự hỗn tạp lẫn nhau, do đó sanh ra trần lao phiền não, khởi dậy thành thế giới, tịch lặng thành hư không; hư không là đồng, thế giới là dị, do đồng dị lập ra chẳng đồng chẳng dị, ấy là pháp hữu vi, cái vốn chẳng đồng dị của bản giác, mới thật là pháp vô vi”.

     Nghĩa là ở trong chẳng giống chẳng khác nhau, vì vọng chấp thành khác; do sự khác nhau mà thành lập sự giống nhau. Khi hình dạng giống và khác nhau (đồng dị) đã được thành lập, từ đó lại lập ra cái không giống không khác (chẳng đồng chẳng dị). Nhiễu loạn như thế, đối đãi nhau sinh ra mỏi mệt, mỏi lâu thành trần, tự hỗn tạp lẫn nhau, do đó sinh ra trần lao phiền não. Thí dụ người nhìn lâu một chỗ, khi mắt mỏi thì thấy hoa đốm hiện nơi hư không và thấy những hình dạng lăng xăng giả dối; do hai thứ sáng tối (vọng trần) mà có cái thấy, nếu không có sáng tối thì không có cái thấy, nên cái thấy này là hư ảo huyển hóa không thật. Cho nên hình dạng cũng tương tự như vậy, khởi lên thành thế giới, tịch lặng thành hư không; hư không là giống, thế giới là khác, do giống và khác (đồng dị) lập ra chẳng giống chẳng khác (chẳng đồng chẳng dị). Đây là nguyên nhân của vọng tưởng về vật chất, là pháp sinh diệt (pháp hữu vi), còn cái căn bản (cái vốn) chẳng giống chẳng khác của gốc biết (bản giác) mới thật là không sinh không diệt (pháp vô vi) vậy.

4). BA TƯỚNG TƯƠNG TỤC

 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]