Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ: nền tảng của cuộc kết tập lần II
Nguồn: Daisaku Ikeda. Nguyên Hảo dịch
NỀN TẢNG CỦA CUỘC KẾT TẬP LẦN THỨ HAI
Một trăm năm sau Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhất, một cuộc hội họp lớn của Phật Giáo được triệu tập. Có một số tài liệu cho rằng cuộc hội họp nầy xảy ra 110 NĂM sau khi Phật nhập diệt. Dù thế nào, vào khoảng thời gian ấy, Tăng Ðoàn Phật Giáo chia làm hai nhánh chính, một nhánh được gọi là Theravada hay Thượng Tọa Bộ và nhánh thứ hai là Mahasanghika hay Ðại Chúng Bộ. Thượng Tọa Bộ về sau truyền bá xuống những quốc gia phương Nam và Ðông Ấn Ðộ, và là khởi nguồn của Phật Giáo phát triển ngày ngay ở Tích Lan, Thái Lan, Miến Ðiện, Căm Bốt, Lào, v.v...
Với sự thể nầy, chúng ta có thể ước đoán rằng những tác nhân đưa đến cuộc Kết Tập Lần Thứ Hai rất khác với Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhất, khi những đệ tử của Ðức Thích Ca Mâu Ni họp lại để tỏ lòng cung kính và tưởng niệm Ngài.
Chúng ta được biết rằng Ngài Ưu Ba Li, người đóng một vai trò trọng yếu trong Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhất, qua đời sau Phật ba mươi năm, và chúng ta cũng có thể giả thiết rằng hầu hết đệ tử của Phật cũng đã qua đời trong khoảng thời gian đó. Chắc chắn chúng ta không thể nào tưởng tượng được rằng có một người trực tiếp thấy được Phật còn tồn tại đến một trăm năm sau khi Phật nhập diệt. Do đó, chúng ta có thể nghĩ rằng trong thời gian Cuộc Kết Tập Lần Thứ Hai, Giáo Ðoàn được lãnh đạo do những vị thuộc thế hệ thứ tư hay thứ năm.
Trong trăm năm đó, thời gian chắc chắn đã làm xã hội thay đổi một cách đáng kể, cũng như cách sống của người Ấn Ðộ, và điều không thể tránh là những sự khác biệt về cách giải thích những di huấn và giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni cũng đã xảy ra.
Chúng ta biết rằng Ðạo Phật đã từ từ chiếm giữ một địa vị quan trọng trong xã hội Ấn Ðộ và đã có nhiều tín đồ trong quần chúng. Một chứng minh cho điều nầy là Ðại Chúng Bộ (Mahasanghika) đã được sự giúp đỡ lớn lao từ phía những Phật tử tại gia, chứng tỏ rằng tôn giáo mới mẽ nầy đã đã lan rộng trong quần chúng. Ðồng thời, số Phật tử trong hàng quý tộc ở các đô thị, cũng như trong hàng ngũ thương gia và nông dân, cũng đã tăng lên. Chùa chiền được xây dựng ở nhiều nơi, và đạo Phật, từ miền Ðông Ấn quanh vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha), đã dần dần lan ra khắp nơi.
Chính sự khác nhau trên quan điểm giới luật đã đưa đến Cuộc Kết Tập Lần Thứ Hai. Một nhóm Tăng sĩ thuộc bộ tộc Vajji (Bạt Kỳ) ở thành Vaishali (Tì Xá Li)) được coi như những người tiên phong trong việc đưa ra những giải thích mới về "Mười Giới," những giới luật căn bản cho các Tăng Sĩ trong Tăng Ðoàn, và Cuộc Hội Nghị được triệu tập để đánh giá những giải thích của họ.
Các Tăng sĩ của thành Vaisali đưa ra một danh sách mười điều từ trước đến nay được coi là những điều cấm, và đề nghị những điều nầy được cho phép. Ví dụ, mục đầu tiên, đề nghị Tăng sĩ được phép tích trữ muối; từ trước, sự tích trữ bất cứ một vật thực gì cũng bị cấm đoán. Những điều khác như cho phép Tăng sĩ được ăn sau Ngọ, được dùng giường, nệm, áo với một kích thước ấn định trong một số trường hợp; và được uống một số thức uống trước kia bị cấm. Ðiều cuối cùng, đề nghị Tăng sĩ được nhận quà cúng dường bằng vàng, bạc, là một điều có thể gây sôi nổi nhất, bởi vì nhận vật cúng dường bằng tiền bị nghiêm nhặt cấm đoán từ trước.
Như người ta có thể thấy, những tăng sĩ trong thời buổi đó sống một đời sống hết sức hạn chế, khó mà tưởng tượng được những vị tăng sĩ ngày nay có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, một người Ấn Ðộ thời bấy giờ khi rời nhà để xuất gia phải được hoàn toàn chuẩn bị để sống đời sống khuôn khổ của Giáo Ðoàn. Lại người ta không thể không có cảm giác rằng sự khổ hạnh nghiêm nhặt, như cấm chư tăng không được ngay cả ở gần một kho muối nhỏ hay buộc chư tăng phải chịu hình phạt của Giáo Ðoàn khi dám sửa lại những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong đời sống của họ, cuối cùng đã làm giảm và làm suy yếu tính chất người nơi những đối tượng của sự thi hành nầy. Và hậu quả là nó ngăn chận tinh thần dám làm và năng động cần thiết cho sự truyền bá giáo pháp của Phật Ðà ra bên ngoài.
Một trong những nguyên do Giáo Ðoàn rơi vào sự khổ hạnh nghiêm nhặt nầy là chư tăng đã có ý thức mạnh mẽ rằng mình là một giai cấp riêng biệt trong xã hội. Các ngài tự coi mình là một nhóm người ở bên ngoài những đua chen của người thế tục và thực hành những sự tu tập tôn giáo riêng biệt; ý thức nầy có thể đã đưa đến những quy luật mà các ngài noi theo có tính cách rạch ròi và nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, giới luật chân thật phải khác hơn là một cái gì từ bên ngoài áp đặt lên một cá nhơn. Nó phải khởi ra từ bên trong và tạo một nền tảng cho những sự giao tiếp với thế giới bên ngoài. Ðó dường như không phải là trường hợp của những vị tăng sĩ Phật Giáo trong thời kỳ đầu. Sự thôi thúc các ngài tách rời khỏi thế giới bên ngoài đã đưa đến những giáo điều, và những giáo đều nầy lại cô lập các ngài với toàn thể thế giới bên ngoài.
Cũng cần ghi nhận rằng những khoấy động chống đối đã xuất hiện ở Vaishali, quê hương của một cư sĩ nồi tiếng Vimalakirti (Duy Ma Cật). Thành phố nầy là một trung tâm tự do thương mại thịnh vượng, cũng là thủ đô của tộc Vajji, liên bang của năm bộ tộc theo thể chế cộng hòa, chính quyền được lãnh đạo do đại diện của các bộ tộc. Nhìn vào khung cảnh tương đối tiến bộ và có tính cách quốc tế của thành phố, dễ có thể tưởng tượng ra một trào lưu mới nẩy sinh trong những tín đồ Phật Giáo ở đó, đang tìm cách thoát ra khỏi lớp vỏ giáo điều đã làm cô lập họ.
Ðạo Phật khởi nguyên là một tôn giáo cho tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, nam giới cũng như nữ giới, và lẽ ra không thể trở nên một thứ dành riêng cho một lớp người. Và đó là luận điểm của những người lãnh đạo phong trào mới nầy, họ kêu gọi sự trở lại với tinh thần nguyên thủy của Ðạo Phật được chính Ðức Thích Ca Mâu Ni đề ra.
Mười giới điều của các vị Tăng ở Vajji đã cho phép các ngài làm những việc mà trước kia bị ngăn cấm. Tuy nhiên không lâu trước khi sự đổi mới được báo cáo đến những vị trưởng lão bảo thủ, các ngài đã nhận được tin và đón nhận bằng sự báo động. Dưới mắt những vị trưởng lão nầy, những vị bảo thủ trong những lề luật được truyền xuống từ Lần Kết Tập Thứ Nhứt, sự xuất hiện của những tăng sĩ muốn phá vỡ lề luật là một mối nguy cơ trầm trọng nhất cho Giáo Ðoàn.
Không lâu sau, một số các vị trưởng lão trên toàn nước Ấn Ðộ tập trung tại một khu vườn trong thành Vaishali để bàn về vấn đề nầy. Những vị Tăng đến từ miền Ðông Ấn và Tây Ấn mỗi bên đề cử năm đại biểu để nghiên cứu về "Mười Giới Ðiều" của các vị Tăng ở Vaishali dưới ánh sáng giáo pháp được truyền xuống từ kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất. Sau khi kết luận những điều luật nầy là "Mười Ðiều Trái Pháp," các ngài chính thức tuyên bố sự lên án trước toàn thể tăng chúng đang có mặt.
Khi sự việc nầy xảy ra, vị cầm đầu cuộc họp cử ra bảy trăm vị Tăng để đọc lại kinh điển và giới luật, như ngài Ma Ha Ca Diếp đã làm trước kia trong kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất. Ðó là kỳ Kết Tập Lần Thứ Hai.
Ðề nghị của các vị Tăng Vajji (Bạt Kỳ) hoàn toàn bị các vị Trưởng Lão bác bỏ.
Trong thực tế, chúng ta biết rằng chính Ðức Thích Ca Mâu Ni cũng bày tỏ rằng những quy luật hướng dẫn Giáo Ðoàn phải là một cái gì được thay đổi hay có thể được hủy bỏ trong một số trường hợp nào đó. Thái độ của Ðức Thích Ca Mâu Ni đối với những giới luật còn được thể hiện trong sự việc rằng khi Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða) đề nghị cái gọi là Năm Hạnh, tức năm giới cấm để buộc các Tỳ Kheo vào một đời sống khổ hạnh, Ðức Thích Ca Mâu Ni bát bỏ ngay. Ngài là một con người đầy tính chất phóng khoáng và sâu sắc của một con người, không cố áp đặt lên người khác một mớ giáo điều hay quy luật, Ngài có biệt tài đáp ứng với tính chất riêng biệt của mỗi cá nhân mà Ngài muốn trao truyền chân lý, và truyền chân lý cho một người trong một đường hướng có ý nghĩa chân thật nhất. Ngài không phải là một nhà giáo điều mà là một "con người tự do," một người tán dương năng lực nhiệm mầu của sự sống.
Trong kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhứt, có một sự khác biệt đáng kể trên quan điểm về mức độ nhấn mạnh vào giới luật, và những vị tham gia đã không đưa ra một quyết định. Theo kinh điển còn lại, ngài Ma Ha ca Diếp huấn thị rằng những giới luật do Ðức Thích Ca Mâu Ni truyền lại cho Giáo Ðoàn phải được tuân giữ không một chút sai lệch. Kết quả là các vị Tỳ Kheo dường như hoàn toàn dấng mình vào giới luật, và đồng thời giáo lý của tôn giáo mới nầy (Ðạo Phật) trở thành cố định trong một giới hạn, không một sự lý giải nào được chấp nhận. Ðó là trạng thái cứng nhắt mà chúng ta thấy trong Giáo Ðoàn vài trăm năm sau khi Ðức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt.
Giáo lý Ðạo Phật có đề ra một nguyên tắc gọi là "khế cơ". Theo nguyên tắc nầy, miễn là không trái phạm với những giáo lý và giới luật nền tảng của Chánh Pháp, giáo pháp được cho phép thích nghi theo phong tục tập quán và sự thực hành ở mỗi địa phương, nơi một người Phật tử đến giáo hóa hay sinh sống. Ví dụ Ðức Thích Ca Mâu Ni đã nói với các vị sa môn rằng, về việc kiêng cử và giờ giấc ăn uống, họ có thể tùy theo tập quán ở mỗi địa phương nơi họ sống và không cần khép chặt vào giới cấm mà Ngài đã đề ra. Ðó có thể là lý do "Mười Giới Ðiều" của các vị Tăng Vajji (Bạt Kỳ) chứa đựng nhiều thay đổi trong những vấn đề liên quan đến ăn uống.
NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA SỰ LY KHAI
Trong giai đoạn mà chúng ta đang thảo luận đến, Ðạo Phật ở Ấn Ðộ dường như có mặt dưới hình thức những nhóm tương đối tự trị rải rác trên toàn nước Ấn Ðộ. Một phần đó là hậu quả không tránh được do những khó khăn trong sự truyền đạt; có thể là một toàn thể, nhưng không thể nào phối hợp những hoạt động của những nhóm xa xôi nhau dưới một thẩm quyền trung ương. Thêm vào đó, Kinh Niết Bàn có nói rằng Ðức chính Ðức Thích Ca Mâu Ni nói rằng Ngài không có ý hướng nhắm đến một tổ chức tôn giáo rộng lớn, và từ bước đầu, Ngài đã không có một nổ lực nào vào việc giữ Giáo Ðoàn hoạt động như là một khối duy nhất. Vì vậy, sau khi Ðức Thích ca mâu Ni nhập diệt, chúng ta có thể nghĩ rằng một số những nhóm biệt lập được hình thành trong các địa phương khác nhau, mỗi nhóm vây quanh một trong các vị đệ tử lớn của Phật. Chúng ta không ngạc nhiên rằng mấy trăm năm sau có những sự khác biệt tế nhị trong giáo lý và nghi lễ của mỗi nhóm. Ðó là điều mà hầu hết các học giả Phật Giáo diễn tả về tình hình Giáo Ðoàn thời sơ kỳ.
Ngay cho đến thế kỷ thứ bảy sau Tây lịch, khi Ngài Huyền Trang đến Ấn Ðộ, Ngài thấy có nhiều nhóm khác nhau tôn thờ giáo pháp của vị đệ tử nầy hay vị đệ tử khác của Ðức Phật, như Xá Lợi Phất (Shariputra) hay Mục Kiền Liên (Mục Kiền Liên). Ðạo Phật Ấn Ðộ đó được định tính với những tổ chức địa phương, mỗi tổ chức mang một tính chất riêng biệt, và điều nầy sẽ là một tác nhân cho tiến trình lịch sử của Ðạo Phật. Ðiều nầy không làm chúng ta ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng Ðức Thích Ca Mâu Ni giảng dạy Chánh Pháp theo nhiều cách khác nhau tùy theo khả năng của một người hay một nhóm người mà Ngài muốn họ hiểu.
Vấn đề quan tâm lớn nhất cho những sinh viên Phật Học là những nhóm nầy có giữ được tinh thần chân thật trong những lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni hay không? Nếu họ vẫn còn niềm tin vào toàn bộ những nguyên lý trong giáo pháp của Ðức Phật, thì những dị biệt nhỏ có tính cách địa phương đã phải được bỏ qua. Chánh Pháp dạy chúng ta một cách rõ ràng rằng một người Phật tử phải thực hành ba việc: giữ giới, tu định (dhyana) và tu huệ (prajna). Tuy vậy, những vị trong khối Theravada hay "Thương Tọa Bộ" thời bấy giờ nhấn mạnh hoàn toàn vào giới luật. Ngược lại, Mahasanghika hay "Ðại Chúng Bộ" thì tin rằng các ngài đã thực hiện giáo pháp chân thật của Ðức Thích Ca Mâu Ni bằng cách hòa nhập vào quần chúng, đàm thoại với họ, chia xẻ những khổ đau của họ, và khuyến khích họ thực hành tín ngưỡng Ðạo Phật.
Chúng ta đã đề cập ở trước về tinh thần tự do và độc lập của thành Vaishali (Tì Xá Li), như được đại biểu bằng vị Cư Sĩ Vimalakirti (Duy Ma Cật). Vị cư sĩ nầy trong cuốn Kinh mang tên ngài, được miêu tả đã phê phán ngay cả mười vị đệ tử lớn của Ðức Phật khi ông thấy rằng các vị nầy quá cứng nhắt hay chấp chặt vào những tư tưởng và cách hành đạo của họ. Vì vậy chúng ta dễ tưởng tượng ra rằng những tăng sĩ ở Vaisali khác hẳn với những tăng sĩ ở những vùng khác trong cách thức ăn uống, trong thái độ đối với sự cúng dường tiền bạc, và những điểm khác của giới luật.
Kỳ Kết Tập Lần Thứ Hai bác bỏ hoàn toàn những đề nghị của giới tăng sĩ Vaisali. Các vị tăng sĩ nầy bèn tập họp một đại hội quy tụ mười ngàn tăng sĩ để làm một cuộc kết tập riêng, được gọi là "Cuộc Tuyên Ðọc của Ðại Chúng Bộ." Thời bấy giờ, những vị tu sĩ nầy được gọi là Mahasanghika (Ðại Chúng Bộ, Tàu dịch là Ma Ha Diễn), để phân biệt với Theravada (Thượng Tọa Bộ gồm những vị Trưởng Lão). Và Ðạo Phật phân thành hai bộ phái. Chúng ta được biết rằng trong một trăm năm đầu tiên sau Phật nhập diệt, không có sự phân chia, nhưng trong một trăm năm tiếp theo, Giáo Pháp của Ðức Phật được giải thích theo mười bảy trường phái khác nhau. Khởi sự của sự phân chia nầy là sự ly khai do kỳ Kết Tập lần Thứ Hai.
Sự kiện có nhiều bộ phái thành hình trong thế kỷ thứ hai sau Phật nhập diệt là một tai họa trầm trọng cho Thượng Tọa Bộ, từ trước vẫn cho mình là lãnh đạo của toàn thể Giáo Ðoàn. Chúng ta cũng biết rằng trong trăm năm tiếp theo, sự phân phái vẫn tiếp tục và đã có đến mười tám bộ phái, mười hai phái thuộc truyền thống Thương Tọa Bộ và sáu phái thuộc truyền thống Ðại Chúng Bộ. Dầu chúng ta không biết chính xác về các bộ phái nầy, chúng ta không nghi ngờ rằng Ðạo Phật đã đi vào giai đoạn phân phái.
Tôi không thể không nghĩ rằng sự phân chia nầy là trách nhiệm của các Trưởng Lão. Về sau nầy, tín đồ Ðại Thừa (Mahayana) gọi Thượng Tọa Bộ là Tiểu Thừa (Hinayana), và mặc dầu chỉ là một sự phỏng đoán cá nhân, tôi nghĩ rằng những vị trong Thượng Tọa Bộ có thể bị gọi như vậy vì các ngài đã bỏ quên tính chất tinh thần năng động mạnh mẽ của Ðạo Phật thể hiện trong suốt cuộc đời của Ðức Thích Ca mâu Ni, tách mình ra ngoài quần chúng, chìm đắm vào một thẩm quyền nhỏ nhặt. Theo tôi nghĩ, nếu các Ngài đã không đánh mất một phần nào ánh sáng giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni, thì giáo hội đã không phân ly đến mức độ như chúng ta thấy.
Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề dưới một quan điểm khác, có thể đó là một tiến trình mà giáo hội phải trải qua, khi Giáo Pháp, đầu tiên chỉ là một sở đắc cá nhân, Ðức Thích Ca Mâu Ni, trở thành sở đắc của hàng triệu người. Chúng ta có thể nhìn vào giai đoạn nầy như là một sự triển nở hổn tạp và đau đớn, khi tất cả những những giải thích có thể chấp nhận bị đẩy lùi về phía trước, để thay vào cái sáng sủa hơn, giống như một con sông lớn, giáo pháp cần vươn tới với sức mạnh mới và niềm tin mới.
Nếu chúng ta khảo sát những sự kiện của kỳ Kết Tập Lần Thứ Hai, chúng ta sẽ thấy rằng những tu sĩ Vajji khi đề nghị sự giải thích lại của các ngài về Mười Giới Ðiều, ít nhất là khi bắt đầu, đã không có ý định ly khai. Sự lộn xộn bắt đấu khi một tu sĩ thuộc giới "Trưởng Lão" sau nầy du hành đến Vaishali (Tỳ Xá Ly) và thấy những tu sĩ Vajji nhận cúng dường tiền của giới tại gia. Hoảng hốt và tức giận, vị tu sĩ nầy quyết định đặt thành vấn đề.
Sự thọ lãnh của cúng dường bằng tiên bạc của Phật tử tại gia không có nghĩa là các tu sĩ Vajji (Bạc Kỳ) đã đi vào con đường trụy lạc. Sau kỳ Kết Tập Lần Thứ Hai, như chúng ta thấy, mười ngàn vị tu sĩ nầy tổ chức một cuộc họp mặt riêng, chứng tỏ rằng nhóm nầy rất rộng lớn hưng thịnh, được đa số quần chúng ủng hộ. Sự việc nầy có thể khởi lên sự đố kỵ về phía các vị Thượng Tọa.
Vaishali (Tỳ Xá Li) là một trung tâm dẫn đầu về thương mãi, nằm trên trục giao thông mậu dịch giữa miền Bắc với thành phố Xá Vệ (Savatthi) và miền Nam với thành Vương Xá (Rajagaya). Và chúng ta có thể cho rằng những vị tu sĩ sống ở đó không có một chọn lựa nào khác hơn là nhận của cúng dường bằng tiền bạc. So sánh với thời đại Ðức Thích Ca Mâu Ni, đó là một thời kỳ mà nền kinh tế về tiền đang phát tr+iển rất nhanh chóng ở Ấn Ðộ. Và sự việc rất tự nhiên là dân chúng ở Vaishali dâng cúng phẩm vật cho chư tăng bẳng tiền hơn là thực phẩm. Nhìn dưới quan điểm nầy, sự giải thích lại Mười Giới Ðiều có thể được coi như là một cố gắng điều chỉnh lại những giới luật của Giáo Hội cho phù hợp với những điều kiện mới của xã hội đương thời.
Thái độ của các vị Thượng Tọa đối với vấn đề, như chúng ta thấy, là vô cùng độc đoán và thô bạo. Các ngài tập họp tất cả những vị tu sĩ lớn tuổi mà các ngài có thể với dụng ý để xác nhận sự bất hợp pháp của những thay đổi được đề nghị, và quy tội cho là "trái luật." Còn chưa thỏa mãn, các ngài còn đi xa hơn, tuyên bố rằng các tu sĩ Vajji (Bạt kỳ) đã đưa ra đề nghị sửa đổi Mười Giới Ðiều là "không phải là những đệ tử chân chính của Ðức Thích Ca Mâu Ni!"
Trong quan điển của những vị Thượng Tọa, những tu sĩ Vajji là những người gây nên sự xáo trộn muốn phá vở sự phẳng lặng của Giáo Hội. Họ đáng bị kết tôi như Davadatta (Ðề Bà Ðạt Ða), người đệ tử đã làm lũng đoạn Giáo Ðoàn trong thời Ðức ThíchCa Mâu Ni còn tại thế.
Tuy nhiên, trong thực thế, hai trường hợp hoàn toàn khác nhau. Devadatta đã có tham vọng thay thế Ðức Thich Ca Mâu Ni lãnh đạo Giáo Ðoàn. Năm giáo điều mà Devadatta đề nghị sẽ mang đến tính chất khổ hạnh khắc khe hơn trên tăng chúng, và mục đích của ông ta khi đưa ra đề nghị rõ ràng là gây ấn tượng lên các tu sĩ trẻ về lòng nhiệt thành với đạo của ông ta và được sự ủng hộ của họ để ông có thể tự nâng mình lên như một vị Phật mới lãnh đạo giáo đoàn của riêng ông. Ông đã cố ý tìm cách tạo dựng một sự ly giáo và trở nên một người phá vở sự phẳng lặng của giáo hội.
Tuy nhiên, những tăng sĩ Bạt Kỳ, không có ý làm chia rẻ Giáo Ðoàn. Họ chỉ muốn điều chỉnh lại những lề luật cho thích hợp với những tập quán địa phương và những điều kiện thay đổi của xã hội như Ðức Thích Ca Mâu Ni đã chứng tỏ, áp dụng những phương thức hành trì riêng trong tinh thần nguyên thủy của Ðạo Phật do chính Ðức Thích Ca Mâu Ni dạy. Những vị Thượng Tọa, do đặt nặng vấn đề, đã phóng đại sự việc đến chỗ xảy ra sự phân hóa trong giáo đoàn.
Thái độ giáo điều của những vị Thượng Tọa được phản ảnh trong những kinh điển của Theravada về sau. Cuộc Ðại Kêt Tập của Ðại Chúng Bộ đã được diễn tả với những lời như sau: "Những tăng sĩ trong cuộc Ðại Kết Tập đã đưa ra những giáo pháp trái ngược với Chánh Pháp. Họ đã phá bỏ những kinh điển nguyên thủy và đặt ra kinh điển cho riêng họ. Họ lấy kinh điển được ghi chép ở chỗ nầy dời đi chỗ khác... họ cắt bỏ phần những kinh điển và giới luật thâm sâu nhất và tạo ra những kinh điển và giới luật tương tự hoặc hoàn toàn khác biệt trong một số trường hợp... Họ bỏ những quy luật về từ, giống từ, cụm từ, ngữ pháp và thêm vào những thứ khác."
Về sự lên án nặng nề nầy, một cuộc khảo sát về những văn bản còn lại, như được đưa ra do một học giả Phật Giáo, ông Fumio Masutani, cho thấy rằng không có những khác biệt nền tảng trong kinh điển và giáo lý của hai nhóm. Có nghĩa là những kinh điển của cả hai phái Thượng Tọa Bộ và Ðại Chúng Bộ đều theo sự sắp xếp bốn-phần thấy trong những kinh điển A Hàm (Agama) xưa. Chắc chắn là không có sự khác biệt lớn lao như hai phái Tiểu Thừa và Ðại Thừa về sau.
Có một điểm quan trọng cần nhấn mạnh về sự chia rẽ chính yếu trong thời kỳ đầu. Như trong đoạn trích dẫn trên, những vấn đề của sự đổ vỡ cho chúng ta thấy ở đây một hoàn cảnh tương tự như được diễn tả trong lịch sử những tôn giáo Tây phương, như là sự mâu thuẩn giữa "chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại" hoặc giữa "chính thống và không chính thống." Tuy nhiên những từ ngữ nầy theo ý tôi không mấy thích đáng. Ki Tô Giáo Tây phương, với sự kết án là tà giáo và với những cuộc lùng bắt săn đuổi khi một có sự ly giáo, hai bên không mấy khi mà không xảy ra sự bạo động và đổ máu, dùng mọi phương tiện để tiêu diệt đối phương. Nhưng trong trường hợp Phật Giáo, mặc dầu hai bên tách ra như trong Kỳ Kết Tập Lần Thứ Hai, không bên nào tìm cách quấy phá phía bên kia, huống hồ là bạo động. Ðiều nầy nói lên tinh thần khoan dung và tôn trọng sự sống của Ðạo Phật.
Trên bề mặt, những vị Tăng thuộc phái Theravada (Thượng Tọa) là những người giữ sự chính thống, còn những vị Tăng Mahasanghika (Ðại Chúng Bộ) là những người dị giáo. Và nếu chúng ta vẫn còn dùng những từ ngữ đó, chúng ta phải suy xét xem nhóm nào mới thật sự được coi là tuân giữ tinh thần nguyên thủy của Ðạo Phật hơn. Không phải những vị theo con đướng lánh xa xã hội, nhưng chính là những người dấng thân vào đám đông, gánh chịu những khó khăn trong nỗ lực muốn cứu vớt nhiều người, chắc chắn là những người chính thực được gọi là những người bảo vệ truyền thống.
Lại với cách dùng từ thông thường, những vị Tăng Thượng Tọa Bộ được coi như những người giáo điều và những vị Tăng Ðại Chúng Bộ là những người xét lại. Một lần nữa, chúng ta xét nhóm nào đã hành động gần gũi với tinh thần của Ðức Thích Ca Mâu Ni hơn? Có phải thật sự Ngài là người giáo điều thủ cựu? Hay Ngài thuộc trong số người xét lại, muốn loại bỏ những nguyên tắc mà không cần thỏa hiệp? Ngài không phải là người đề xướng con đường trung dung, vượt lên lên trên tính chất nhị nguyên đại biểu bởi hai tính chất giáo điều và sửa sai? Con đường trung đạo nầy đã tạo nên cái cốt lõi của Chân Lý mà Ngài đã đạt đến. Từ quan điểm nầy, chúng ta thấy rõ ràng rằng việc lý luận cùn nhầy về những chi tiết không đáng kể về những giới luật hay tranh luận về việc ai là người thật sự gìn giữ sự chánh thống là một việc làm trái xa với tinh thần nguyên thủy của Ðạo Phật.
PHONG TRÀO KHÔI PHỤC Ý NGHĨA NGUYÊN THỦY CỦA ĐẠO PHẬT
Như chúng ta đã thấy, sự tách rời giữa Theravada (Thượng Tọa Bộ) và Mahasanghika (Ðại Chúng Bộ) xảy ra không chỉ vì sự khác nhau vể giới luật, nhưng cũng vì nhóm Thượng Tọa đã trở thành một nhóm cô lập, chỉ chú trọng đời sống tu viện. Như Teruhiro Watanabe và một số học giả khác nêu na, những nhóm tu sĩ liên quan với truyền thống Theravada chú trọng vào đời sống tu viện và tách rời khỏi đời sống thông thường, bám giữ truyền thống và đặc quyền. Những vị Tăng trong tuyền thống Ðại Chúng, ngược lại, nhấn mạnh vào sự quan trọng của việc hành đạo trong quần chúng, dù cho có phải hy sinh những cơ hội giác ngộ cho chính mình. Quan điểm nầy về sau dẫn đến một trào lưu biến chuyển lớn là Mahayana (Phật Giáo Ðại Thừa), nhưng những triệu chứng của những việc xảy ra rõ ràng đã có mặt trong những khuynh hướng mà những tăng sĩ Ðại Chứng hướng tới. Ðó là sự khác biệt căn bản về quan điểm đã dẫn đến sự rạn nứt giữa hai nhóm, chứ không phải do sự khác nhau trên bề mặt về sự giải thích Mười Giới Cấm. Các Kinh điển Ðại Thừa hoàn toàn lên án những vị gọi là Sa môn hay Thanh văn, và Bích Chi, những người chỉ cố gắng giác ngộ cho riêng mình, những lời chỉ trích nầy mục đích nhắm vào sự cách ly và rút khỏi thế gian của những Tăng sĩ Thượng Tọa. Trong những nhóm kinh viện nầy, thời gian xuất gia và số lượng kinh điển và giới luật mà một vị tăng thuộc lòng, quyết định quả vị cho vị tăng đó có phải là một vị A La Hán (Arhat) hay không.
Ngược lại với trường phái kinh viện nầy, những kinh điển Ðại Thừa nhấn mạnh vào tư tưởng Bồ tát, những hành gả không chỉ thực hành giáo pháp để riêng lợi cho bản thân (tự lợi), có nghĩa là đạt đến giác ngộ cho riêng mình, nhưng là vì lợi ích cho người khác (lợi tha), tích cực truyền bá Giáo Pháp trong quần chúng.
Chúng ta thấy rõ ràng những vị sa môn trong thời kỳ nầy cực kỳ bảo thủ. Mặc dù người ta có thể nói rằng để cố gắng giữ gìn Giáo Pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni người ta phải rút lui ra khỏi xã hội, điều nầy không giúp ích gì trong việc truyền bá và làm lớn mạnh Chánh Pháp. Một tôn giáo tự cô lập trong cách thế đó không lâu sẽ đi vào ngõ cụt, và như vậy Chánh Pháp sẽ không tồn tục nơi những con người cố gắng thoát khỏi những đau đớn, khổ sở và những giới hạn của sự chết nơi những đồng loại của họ, hoặc là ngoan cố lãng quên chúng. Vì vậy việc tự nhiên là những tăng sĩ Ðại Thừa, được ủng hộ của quảng đại quần chúng, đả xuất hiện với những đề nghị mới trong nổ lực vượt qua sự bế tắc.
Chúng ta nhớ lại rằng chính Ðức Thích Ca Mâu Ni cũng đã không dùng hết thì giờ của Ngài để chỉ giảng dạy cho chư Tăng. Mặc dù mỗi năm phải rút vào an cư trong mùa mưa, Ngài đã dùng phần lớn cuộc đời Ngài truyền bá Giáo Pháp trong quần chúng để mọi người có thể đạt đến giác ngộ. Nếu giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni chỉ hướng đến những thành phần trong tu viện, Ðạo Phật đã chẳng bao giờ trở thành một tôn giáo toàn cầu.
Ngay từ khi Ðức Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, các tăng sĩ, sau khi đã được Ngài đào tạo đến một mức độ nào đó, thường được phân tán đi các địa phương để dấng thân vào việc truyền bá giáo pháp. Lấy một thí dụ, Phú Lâu Na (Purna), một trong số những cao đồ của Ðức Phật, đến từ một thị trấn vùng biển miền Tây Ấn Ðộ, nhận chỉ thị của Ðức Thích Ca Mâu Ni trở về lại quê hương mình, nơi đây ngài đã sống đến cuối đời để truyền bá tín ngưỡng. Vì lý do đó, ngài đã không thể có mặt trong ngày mhập diệt của Ðức Phật hay trong Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất. Có tài liệu đi xa hơn nói rằng sau nầy, khi ngài trở về thành Vương Xá (Rajagaha), Tăng đoàn ở đây yêu cầu ngài chuẩn nhận giáo pháp được kết tập trong Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất, ngài từ chối.
Về vấn đề nầy, có một giai thoại rất thú vị được ngài Huyền Trang kể lại khi ngài viếng Ấn Ðộ vào giữa thế kỷ thứ bảy. Theo ngài thuật lại, sự thực có hai hai nhóm kết tập trong thời gian Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất. Nhóm thứ nhứt gồm năm trăm vị trưởng lão do ngài Mahakasyapa (Ma Ha Ca Diếp) cầm đầu tựu tập trong động Saptaparna và kết tập một hệ thống kinh điển. Nhưng còn có một số tăng chúng hội họp bên ngoài động và kết tập một hệ thống kinh điển riêng. Những vị trưởng lão, như chúng ta đã biết, tập trung sự chú trọng vào giới luật, trong khi hệ thiống kinh điển của nhóm bên ngoài phản ảnh sự không thỏa mãn với phạm vi nhỏ hẹp đó, và đã đặt nền tảng cho cái mà sau nầy trở thành Bộ Ðại Chúng.
Ðiều nầy chứng tỏ rằng, hệ thống kinh điển đầu, vì được soạn ra chỉ với mục đích chính là đáp ứng nhu cầu của tập thể trong tu viện, rất khó cho những vị trong Giáo Ðoàn có khuynh hướng sống và làm việc trong quần chúng chấp nhận. Như vậy, chúng ta có thể phỏng đoán rằng những điều kiện đem đến việc kết tập của kinh điển Ðại Thừa về sau trong một mức độ nào đó đã có mặt trong thời gian có Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất.
Những tiêu chuẩn và giới luật khác nhau rõ ràng là cần thiết cho những nhóm khác nhau trong cộng đồng Phật Giáo. Nhiệm vụ của các vị Tỳ Kheo là gìn giữ và trao truyền đúng giáo pháp, và trong sự trao đổi để làm tròn trọng trách nầy họ đã được sự ủng hộ của giới cư sĩ. Vì vậy, điều tự nhiên là những tín đồ tại gia kỳ vọng giới tu sĩ giữ đúng giới luật và hết mình trong sự tu tập.
Mặt khác, giới cư sĩ không cần thiết phải tuân theo những giới luật khó khăn như vậy. Dĩ nhiên có những bổn phận mà người tín đồ Ðạo Phật và những thành viên trong xã hội phải tuân theo, nhưng không thể nào đòi hỏi nhiều như những giới luật phức tạp dành cho giới tu sĩ. Không cần phải nghi ngờ rằng điều nầy cũng là một nguyên nhân dẫn đến những sự khác biệt tế nhị trong quan điểm của Thượng Tọa Bộ, tập trung vào đời sống tu viện, và Ðại Chúng Bộ, giữ sự liên hệ gần gũi với cộng đồng tại gia.
Không những chỉ giới luật, nhưng cách thức hiểu về giáo lý Phật Ðà cũng có điểm khác nhau giữa tăng sĩ và tín đồ tại gia. Những vị sa môn là nhũng đệ tử có cơ hội được trực tiếp nghe những giáo pháp cùa Ðức Phật và không ngừng dấng thân vào việc kiện toàn tri thức và đạo hạnh của mình. Sau khi Ðức Phật nhập diệt, có thể họ đã tiếp tục tu học dưới sự hướng dẫn của những tăng sĩ lớn hơn đã được trực tiếp nghe giáo pháp từ Ðức Phật. Ðối với những vị nầy, số lượng những kinh điển và giới luật được học thuộc lòng đánh dấu sự tiến bộ trên đường tu học của họ.
Ðối với người tín đồ tại gia bình thường, chỉ một lời, một câu của Ðức Phật phải là phương tiện cho sự giải thoát. Ngay cả trong khi Phật còn tại thế, đã phải có nhiều tín đồ tại gia không bao giờ được nghe giáo pháp trực tiếp từ Ðúc Phật, tuy nhiên họ thực hành lời dạy của Ngài được truyền đến họ từ những người khác, lấy đó làm nơi nương tựa duy nhất cho đời sống của họ. Vấn đề không phải là bao nhiêu kinh điển họ biết đến, nhưng vấn đề là họ đã giữ và làn tròn tinh thần của Giáo Pháp như thế nào trong đời sống hàng ngày.
Ðức Thích Ca Mâu Ni biết tầm quan trọng về trách nhiệm của giáo chúng tu sĩ trong việc duy trì và quảng bá giáo pháp của Ngài sau khi Ngài nhập diệt, chắc chắn đã đặt ra những giới luật cho giới tăng sĩ một cách nghiêm nhặt. Nhưng trong những năm sau khi Ngài nhập diệt, giới tăng sĩ dường như đã đánh mất tầm nhìn rằng giới luật chỉ có mục đích giữ sức mạnh cho Giáo Ðoàn và không phải là điểm cuối cùng của tăng sĩ. Thay vì đi vào quần chúng để quảng bá thông điệp của Ðạo Phật, các ngài rút lui khỏi xã hội và hoàn toàn tập trung vào sự giác ngộ cho riêng mình và tu tập cho riêng mình. Vì tình trạng thảm hại đó mà Ðại Chúng Bộ ra đời.
Phong trào nầy có thể được trình bày như là một cố gắng trở về ý nghĩa nguyên thủy của Ðạo Phật như chính Ðức Thích Ca Mâu Ni đã nêu ra. Như chúng ta nhấn mạnh ở trước, sự rạn nứt giữa Thượng Tọa Bộ và Ðại Chúng Bộ không nên được diễn tả bằng những từ ngữ của những sự tranh chấp giữa phái chính thống và không chính thống. Trong Ðạo Phật mọi phong trào canh tân đều khởi sự từ tinh thần cố gắng quay về những nền tảng cơ sở của đạo. Những cuộc vận động như vậy khởi sự từ thiểu số nhỏ trong toàn bộ, nhưng nếu họ thành tựu trong nổ lực trở về với những nguyên lý nền tảng của giáo pháp, họ sẽ tạo được tác động khi có đa số ủng hộ. Vận mạng của Ðạo Phật nằm ở khả năng nắm giữ lại những những nền tảng cơ sở nầy và áp dụng chúng một cách đúng đắn vào việc thực hành.
Ðâu là mục đích của Ðức Thích Ca Mâu Ni khi Ngài dấng thân suốt năm mươi năm cuộc đời để giảng dạy giáo pháp? Chính là để đem đến giải thoát cho mọi người không phân biệt nam nữ và giải phóng họ khỏi những nỗi khổ của sinh, già, bịnh, chết. Một vị tu sĩ, không bao giờ quên điều thiết yếu nầy, phải quyết định hy sinh bản thân mình cho lợi ích của nhân loại. Ðây là tinh thần, như chúng ta đều thấy, về sau được nói rõ trong Phật Giáo Ðại Thừa.