Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 03: Kinh Thủ Lăng Nghiêm (giải nghĩa)

14/10/201606:46(Xem: 10591)
Bài 03: Kinh Thủ Lăng Nghiêm (giải nghĩa)


Duc_Phat_Thich_Ca (3)
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM (bài 3)

Dịch từ Phạn sang Hán: Bất La Mật Đế (Tăng Ấn Độ)
dịch Nghĩa, Di Già Thích Ca (Tăng nước U Trường) dịch lời,  Phòng Dung (Quan Đại Phu nhà Đường) chấp bút.
Dịch từ Hán sang Việt: Hòa Thượng Thích Duy Lực

Giải Nghĩa: Cư Sĩ Toàn Không 


2). NHÂN DUYÊN

     Khi ấy, vua Ba Tư Nặc (1) nhân ngày giỗ của phụ vương làm lễ trai tăng, sắm đủ các món ăn quý báu, đích thân đến thỉnh Phật và chư Đại Bồ Tát vào cung thọ trai; trong thành còn có nhiều trưởng giả, cư sĩ khác cũng cùng ngày thiết lễ trai tăng, thỉnh Phật đến thọ cúng dường. Phật sai Văn Thù dẫn đầu chư Bồ Tát và A La Hán, chia thành nhiều nhóm, ứng lời mời đến thọ trai nơi các trai chủ; chỉ có A Nan được vị khác mời riêng, đi xa chưa về, không kịp cùng dự với tăng chúng.
     Lúc ấy, trên đường trở về, một mình A Nan chẳng có thượng tọa và A Xà Lê (2) cùng đi, ngày đó lại không ai mời đi cúng dường, trong tâm mong cầu gặp được vị trai chủ sau cùng. Trước kia, A Nan đã từng nghe Phật quở Tu Bồ Đề và Đại Ca Diếp, là bậc A La Hán, mà người chuyên chọn khất thực nhà giàu, người chuyên chọn khất thực nhà nghèo, tâm chẳng bình đẳng.

     Vì quyết tuân theo pháp bình đẳng bất nhị của Như Lai, để tránh mọi sự chê bai và nghi hoặc, trong tâm Tôn giả cho rằng: Đối với trai chủ, chẳng kể quý tộc hay hèn hạ, thức ăn dơ sạch, phát tâm từ bi để thành tựu cho tất cả chúng sanh đều được gieo trồng vô lượng công đức. Vừa nghĩ như vậy, tay ôm bình bát, đi từng nhà dọc theo đường phố, oai nghi nghiêm chỉnh, đúng pháp khất thực.

      Lúc A Nan đang khất thực đi ngang nhà dâm nữ, bị nàng Ma Đăng Già dung huyển thuật tà chú Phạm Thiên của ngoại đạo tóc vàng (3) nhiếp vào phòng riêng, vuốt ve cám dỗ, sắp bị hoại giới thể. Phật đã biết trước việc này, thọ trai xong, liền về, vua và đại thần, trưởng giả cư sĩ, đều đi theo Phật, xin nghe pháp yếu.

     Bấy giờ, đỉnh đầu Thế Tôn phóng ra hào quang bách bửu vô úy, trong hào quang nở ra bửu liên hoa ngàn cánh, trên đó có hóa thân Phật ngồi kiết già thuyết thần chú, sai Văn Thù đem chú đến cứu hộ, tà chú tiêu diệt, dắt A Nan và Ma Đăng Già về nơi Phật ở.
     A Nan gặp Phật, đảnh lễ rơi lệ, hối hận xưa nay chỉ ham học rộng nghe nhiều, chưa tròn đạo lực, nay ân cần thỉnh hỏi Như Lai về phương tiện đầu tiên của ba thứ thiền quán: Sa Ma Tha (4), Tam Ma (5) và Thiền Na (6), mà mười phương Như Lai đã tu được thành chánh giác. Khi đó có hằng sa Bồ Tát và các bậc Đại A La Hán, Bích Chi Phật nơi mười phương đều xin cùng nghe, im lặng ngồi yên để lãnh thọ pháp yếu của Phật.

GIẢI NGHĨA:

(1) Ba Tư Nặc: Là vua của vương quốc Kiều-tát-la, kinh đô là thành Xá-vệ, ở Bắc Thiên-trúc (Ấn Độ) thời Phật tại thế. Nhà vua là người tính tình kiêu ngạo, bạo ác, không tin Phật pháp, nhưng từ khi được Phật hóa độ thì lại trở thành một người đệ tử tại gia trung kiên của đức Phật, tính tình thuần từ, khiêm cung, khác hẳn với lúc trước.

(2) A Xà Lê: Là thân giáo sư, người dạy về Yết-ma, Yết ma là biểu quyết của hội đồng gồm nhiều người (Tăng) xét xử người tu phạm giới.

(3) Ma Đăng Già dùng tà chú Phạm Thiên của ngoại đạo tóc vàng: Ngoại đạo tóc vàng là Sa Tì Ca La (Kapila) dịch ra Hán ngữ là “kim đầu” (tóc vàng), là tên một ông tiên thời cổ của Ấn-độ, được coi là vị tổ của phái Số Luận, ông tu khổ hạnh, thờ phụng Phạm Thiên mà được thần chú gọi là chú Phạm Thiên, cũng gọi là Tiên Phạm Thiên. Đó là một loại tà thuật làm cho người khác bị mê muội, không còn tự chủ được; đây là một trong các chú thuật ác độc mà đức Phật từng cấm các đệ tử thọ trì, vì ai thọ trì loại chú này đều sẽ đọa vào ba đường dữ.

     Bà Bát Kiết Đề là mẹ Ma Đăng Già đã học được chú Phạm Thiên, khi con gái của bà vừa trông thấy tôn giả A Nan, tướng hảo trang nghiêm, liền sinh tâm ái nhiễm. Vì năm trăm năm trước trong thời quá khứ, nàng đã cùng với A Nan từng là vợ chồng, vì lúc bấy giờ, tập khí ái dục chưa mất, nên vừa thấy A Nan, tâm liền mừng vui, muốn được A Nan làm chồng, bèn nhờ mẹ giúp. Ban đầu, bà thấy Tôn giả là người xuất gia, đã cắt đứt ái dục, nên bà không chấp thuận; nhưng nàng nài nỉ quá, bà thương con. Bất đắc dĩ phải chiều ý nàng, bà bèn dùng thần chú Tiên Phạm Thiên ấy, làm cho tôn giả bị mê muội ngây dại, không còn tỉnh táo nữa.

     Đức Phật đã kịp thời bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lỵ đem thần chú Lăng Nghiêm đến hóa giải chú thuật, cứu tôn giả A Nan thoát khỏi; và nhờ có túc duyên, Ma Đăng Già cũng được theo Bồ Tát Văn Thù về gặp Phật, được Phật khai thị, nàng liền chứng quả Bất-hoàn là qủa thứ ba A Na Hàm, liền phát tâm xuất gia.

(4) Sa Ma Tha: Còn gọi là Thiền vắng lặng, dịch ra Hán ngữ là Chỉ, nghĩa là dừng lại, là ngồi tĩnh lặng cho hết tư tưởng vọng niệm nổi lên để được thanh tịnh, tức là dứt niệm quên trần để tâm vắng lặng; đây là Thiền định cực tịnh, đồng như Không Quán.

(5) Tam Ma: Phạn, Pàli: Samàpatti, hay Tam-ma-địa, hoặc Tam-ma-đề, Tam ma bạt đề, cũng tức là “Tam-muội”, dịch ra Hán ngữ là Định, cũng là Đẳng chí, Chính thụ, Chính định hiện tiền. Chỉ cho cảnh giới thiền định do xa lìa các phiền não hôn trầm, xao động ... mà thân tâm hành giả đạt đến trạng thái bình đẳng, yên hòa và hoàn toàn tĩnh lặng; đây là Thiền Định phát dụng biến hóa, đồng như Giả Quán.

(6) Thiền Na:Thiền-na, hay gọi là ThiềnĐịnh:

1. Thiền: Thiền viết đầy đủ là thiền na, phiên âm từ phạn ngữ “Dhyana”, dịch ra Hán ngữ là Tĩnh lự, nghĩa là lắng đọng tâm tư, là tư duy suy xét về một đối tượng tâm thức, như vậy Thiền tức Quán, và Thiền Quán là hai chữ đồng nghĩa được ghép chung.

2. Định: định (Samadhi = tam muội) nghĩa là tập trung tư tưởng vào một điểm duy nhất không cho tán loạn.

Thiền Na là thiền định tịch diệt, lìa năng sở đối đãi, đồng như Trung Đạo Quán.

Thiền định hợp chung có thể hiểu là một phương pháp tu nhằm tập trung tư tưởng vào một đề tài cho đến khi tâm không tán loạn để chân lý được sáng tỏ; có thể nói thiền là một diễn trình mà định là cứu cánh.

Tóm lại do thiền mà nhập được định, nhờ định trí huệ mới phát sinh.

     Như vậy, cả ba tên Xa-ma-tha, Tam-ma và Thiền-na, chỉ là ba tên  khác nhau của “ĐỊNH”, nhưng tại sao lại có ba tên gọi khác nhau như vậy?

     Xét về nội dung Kinh Thủ Lăng Nghiêm, thì mục đích tối hậu của người tu hành là chứng đại định Thủ Lăng Nghiêm, tức thể nhập chân tâm bản lai thanh tịnh thường trú, sáng suốt nhiệm mầu, thành tựu đạo quả Bồ-đề. Để đạt được cứu cánh đó, đức Phật đã dạy cho tôn giả A Nan Đà và toàn thể thính chúng, cũng như chúng sinh đời sau như chúng ta: phương cách tu Định 3 bậc:

1) Trước hết là pháp định Xa-ma-tha, có công dụng diệt trừ vọng tưởng vọng tâm để ngộ cái chân tâm bản lai thanh tịnh thường trụ, bất sinh bất diệt.

 2) Thứ đến Tam-ma-đề, sau khi đã biết rõ mình vốn có sẵn chân tâm thường trụ, bất sinh bất diệt, sáng suốt nhiệm mầu, thì phát tâm bồ đề, tinh tấn tu hành thiền định.

3) Sau cùng là Thiền-na, tu hành để chứng đạt tuệ giác viên mãn, thành tựu đạo quả Vô thượng Chính Giác.

     Tóm lại, nếu tổng hợp ba tên định khác nhau ở trên lại, thì đó chính là đại định Thủ Lăng Nghiêm, đó là về ; còn nói về sự, thì 3 tên định khác nhau chính là 3 giai đoạn trong tiến trình tu chứng đại định Thủ Lăng Nghiêm.

     Mục 2 “Duyên Khởi” của Kinh Văn 1 về “Nhân Duyên” này nói đại ý nhân ngày giỗ Phụ Vương, Vua Ba Tư Nặc nước Xá Vệ thỉnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng các đệ tử Phật hàng Bồ Tát và Thanh Văn vào cung Vua thọ trai cúng dàng; lại cũng có một số Trưởng giả, cư sĩ khác cũng cùng ngày thiết lễ trai tăng, thỉnh Phật đến thọ cúng dường. Đức Phật sai Bồ Tát Văn Thù dẫn đầu chư Bồ Tát và Thanh Văn, chia thành nhiều nhóm, ứng lời mời đến thọ trai nơi các trai chủ; chỉ có Tôn giả A Nan Đà được vị khác mời riêng, đi xa chưa về, không kịp cùng dự với tăng chúng.

     Lúc ấy, một mình Tôn giả A Nan Đà trên đường trở về, lại không biết Vua và các Trưởng giả mời cúng dường, nên một mình đi khất thực. Trước kia, Tôn giả đã từng nghe Phật dạy khất thực theo pháp bình đẳng để phát tâm từ bi đến tất cả chúng sanh đều được gieo trồng công đức. Nghĩ như vậy, tay ôm bình bát, đi từng nhà dọc theo đường phố, oai nghi nghiêm chỉnh, đúng pháp khất thực.


     Khi Tôn giả A Nan Đà đi đến nhà Ma Đăng Già, bị huyễn thuật tà chú Phạm Thiên của ngoại đạo tóc vàng nhiếp vào phòng riêng, Tôn giả bị Ma Đăng Già vuốt ve cám dỗ khiến cho sắp bị hoại giới thể. Lúcấy, Đức Phật đã bảo Bồ Tát Văn Thù đem thần chú Lăng Nghiêm đến hóa giải chú thuật, cứu Tôn giả A Nan thoát khỏi kịp thời.

3). HỎI VỀ TÂM (1)

     Khi ấy, Thế Tôn giơ tay dịu dàng rờ đầu A Nan, nói với A Nan và đại chúng: - Có pháp Tam Ma Đề (2), gọi là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương, bao hàm vạn hạnh (3), là đường lối vi diệu trang nghiêm, cũng là pháp môn đưa đến giải thoát cuối cùng của mười phương Như Lai, nay ông hãy chú ý nghe.

     A Nan đảnh lễ, kính vâng lời Phật dạy.
     Phật bảo A Nan:
- Ông và ta là anh em, cùng một giống nòi, chẳng biết lúc mới phát tâm, ở nơi pháp ta, ông thấy tướng thù thắng gì mà liền xả ân ái sâu nặng của thế gian?
     A Nan bạch Phật:
- Con thấy ba mươi hai tướng thù thắng (4) tuyệt diệu của Như Lai, hình thể trong sáng như lưu ly, thường tự nghĩ tướng này chẳng phải do dục ái sanh ra; tại sao? Vì dục ái ô nhiễm xấu xí, cấu kết tinh huyết nhơ bẩn chẳng thể sanh ra diệu tướng quang minh, thanh tịnh thù thắng như thế, do đó nên khâm mộ theo Phật xuất gia.
     Phật nói:
- Lành thay! A Nan, các ông nên biết, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, sanh tử liên tục, chỉ vì chẳng biết chân tâm thường trụ (5), thể tánh trong sạch sáng tỏ, lại nương theo vọng tưởng (6), vọng tưởng chẳng chân nên có luân hồi. Mười phương chư Phật cùng một đạo lìa khỏi sanh tử đều do trực tâm (7), vì tâm hạnh và lời nói ngay thẳng, như thế từ đầu đến cuối, cho đến các ngôi bậc, ở khoảng giữa chẳng có các tướng quanh co.
- Nay ông muốn tham cứu vô thượng Bồ Đề (8), phát minh chân tánh, hãy trực tâm mà trả lời câu hỏi của ta. A Nan, nay ta hỏi ông: lúc ông phát tâm duyên theo ba mươi hai tướng của Như Lai, lấy gì để thấy? Ai biết sự ham thích?
- Bạch Thế Tôn, dùng tâm và mắt của con thấy tướng thù thắng của Như Lai, sanh lòng ham thích nên phát tâm, nguyện xả bỏ sanh tử.
     Phật bảo:
- Như ông vừa nói, sự ham thích do nơi tâm và mắt. Nếu chẳng biết tâm và mắt ở đâu thì chẳng thể hàng phục được trần lao (9); ví như đất nước có giặc, vua sai binh dẹp trừ, binh lính tất phải biết sào huyệt của giặc. Khiến ông bị luân chuyển ấy là lỗi tại tâm và mắt; Ta hỏi ông: Tâm và mắt của ông hiện đang ở đâu?

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Tâm: Tâm là tất cả và quan trọng bậc nhất, Tâm có nhiều nghĩa:

1. Tâm được xem đồng nghĩa với Mạt-na (s: manas), là thức thứ Bảy, là Ý căn, ý nghĩ, khả năng suy nghĩ. Mạt-na được xem có tính lí luận của con người, có 2 nhiệm vụ là: Thu phát tin tức cho A Lại Đa là thức thứ Tám chứa giữ mọi tin tức của cuộc đời, Mạt Na chấp cái ta cùng những cái của ta và kiểm soát năm giác quan và Ý thức. Tâm cũng đồng nghĩa với Ý Thức (s: vijñāna), Ý thức là thức thứ Sáu nương Ý căn suy nghĩ phân biệt và cho năm giác quan ý kiến. Đối tượng của Ý thức là tất cả những vật chất và ý nghĩ, Ý thức bao gồm những hoạt động của Tâm như tưởng tượng, phê bình, so sánh, nghĩa là toàn bộ sinh hoạt và hiện tượng của tâm trí.

2. Trong luận A-tì-đạt-ma câu-xá, Tâm được xem như một thể riêng biệt, trên thể đó thế giới hiện tượng xuất hiện.

3. Trong Duy thức tông, Tâm được xem là A-lại-da thức (s: ālayavijñāna); còn được gọi là Tạng thức, gốc của tất cả mọi hiện tượng tâm trí. Theo quan điểm này, thì toàn bộ vũ trụ này chính là “tâm thanh tịnh”; nhiều quan điểm cho rằng tâm này chính là “vô thuỷ vô minh”, vô minh nguyên thuỷ là thật tại tối thượng của mọi hiện tượng nhị nguyên.

Tổng quát, có thể phân biệt sáu loại Tâm như sau:

1. Nhục đoàn tâm: Trái tim thịt.

2. Tinh yếu tâm: Cái tinh hoa cốt tủy.

3. Kiên thật tâm: Cái tuyệt đối, chân như các pháp.

4. Tập khởi tâm (S: Citta): Thức A Lại Đa, thức thứ 8.

5. Tư lương tâm (S: Manas): Mạt Na, thức thứ bảy.

6. Duyên lự tâm (S: Manovijnãna): Ý thức, thức thứ 6.

(2) Tam Ma Đề: Tu tập dần thấy các pháp như huyễn mộng để lià tham chấp thủ, là tu Thiền Quán được giải thoát tự tại; xin xem lại Kinh Văn 1 Duyên Khởi, Mục 2 Nhân Duyên, giải thích số 5 ở trên.

(3) Vạn hạnh:Là vô số đức hạnh giữ theo mực thước đưa đến giải thoát.

(4) Ba mươi hai tướng thù thắng: Là 32 tướng tốt gồm: 1-Lòng bàn chân bằng phẳng. 2- Bàn chân có vân bánh xe nghìn cánh (mu bàn chân có vân xoáy tủa ra). 3- Ngón chân cong. 4- Gót chân rộng lớn. 5- Sống chân cong lên. 6- Ngón tay thon cong dài. 7- Tay dài quá đầu gối. 8- Tay chân mềm mại. 9- Thân người như con Sơn dương (?). 10- Thân thể nhiều lông. 11- Lông mọc hình xoáy. 12- Nước da vàng rực. 13- Thân phát ra ánh sáng. 14- Hai dái tai dài. 15- Da mềm. 16- Tay, vai và đầu tròn. 17- Hai nách đầy. 18- Thân ngực như sư tử. 19- Thân thẳng. 20- Thân, vai mạnh mẽ. 21- Nam căn ẩn kín. 22- Bốn mươi răng. 23- Răng đều đặn. 24- Răng trắng. 25- Hàm như sư tử. 26- Nước miếng có chất thơm. 27- Lưỡi rộng dài. 28- Giọng nói trong vang xa như Phạm Thiên. 29- Mắt xanh trong. 30- Lông mi dài cong. 31 Lông xoáy giữa hai chân mày (Bạch hào). 32- Chóp nổi cao giữa đỉnh đầu (Nhục kế).

(5) Chân tâm thường trụ: Chân tâm là tâm chân thật, là bản tính của tâm, ngược lại là vọng tâm; chân tâm thì thể tính tức bản tính của chân tâm là trong sạch sáng tỏ, chân tâm thường trụ là tâm chân thật không sinh không diệt.

(6) Vọng tưởng: Suy nghĩ tưởng nhớ hết việc này đến chuyện khác.

(7) Trực tâm:Tâm hạnh và lời nói ngay thẳng, chẳng có quanh co.

(8) Vô thượng Bồ Đề: Bồ Đề là Giác ngộ, Giải thoát, Vô thượng Bồ Đề là Giác ngộ Giải thoát tận cùng.
(9) Trần lao:Chữ Trần là bụi bặm, có nghĩa là ô nhiễm; chữ lao là khó nhọc, nhọc lòng, khổ sở; Trần lao tức là phiền não.

 

     Mục thứ ba “Hỏi Về Tâm” của Kinh Văn 1 “Nhân Duyên” này, Đức Phật giơ tay rờ đầu Tôn giả A Nan Đà và nói với Tôn giả cùng thính chúng đại ý rằng: Có pháp tam muội chính định hiện tiền (Tam Ma Đề), gọi là pháp rộng lớn cao qúy bao la nhiệm mầu (Đại Phật Đảnh)là nguyên nhân sâu kín huyền nhiệm, là chân tâm tịch tĩnh, thường hằng (Thủ Lăng Nghiêm Vương), vô số hạnh như sáu độ, từ bi hỉ xả, bình đẳng trí tuệ…, tức là muôn hạnh của Bồ Tát (bao hàm vạn hạnh), là đường lối vi diệu trang nghiêm, cũng là pháp môn đưa đến giải thoát cuối cùng của mười phương Chư Phật.

     Khi ấy, Tôn giả A Nan Đà đảnh lễ, kính vâng lời Phật dạy, Đức Phật bảo Tôn giả rằng: “Ông và Ta là anh em họ, cùng một dòng giống, chẳng biết lúc mới phát tâm theo pháp Ta, ông thấy gì thù thắng mà liền bỏ ân ái sâu nặng của thế gian?”
     Tôn giả thưa rằng “vì thấy ba mươi hai tướng thù thắng của Như Lai, nên nghĩ tướng này chẳng phải do dục ái sinh ra; vì dục ái ô nhiễm, cấu kết tinh huyết dơ bẩn chẳng thể sinh ra diệu tướng quang minh, thanh tịnh thù thắng như thế, do đó đã hâm mộ theo Phật xuất gia”. Nghĩa là vì thấy 32 tướng tốt của Phật nên hiểu là do tu hành mà được như thế, nên hâm mộ mà xuất gia theo Phật. Cũng nên biết là khi Đức Phật trở về thăm quê hương,lúc đầu vì có sự nghi ngờ và kiêu mạn của các bậc cao niên, nên Ngài đã dùng thần thông bay ngồi trên không, làm lửa và nước từ toàn thân phát ra. Sau đó có nhiều vị trẻ trong hoàng gia theo Ngài xuất gia tu đạo, như Nan Đà, A Nan Đà, A La Luật, La Hầu La (là con ruột của Ngài lúc ấy mới bảy tuổi), v.v…

     Đức Phật bảo: “Lành thay! A Nan, các ông nên biết, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, sinh tử liên tục, chỉ vì chẳng biết chân tâm thường trụ, thể tánh trong sạch sáng tỏ, lại nương theo vọng tưởng, vọng tưởng chẳng chân nên phải luân hồi. Mười phương chư Phật cùng một đạo lìa khỏi sinh tử đều do trực tâm, vì tâm hạnh và lời nói ngay thẳng, như thế từ đầu đến cuối, cho đến các ngôi bậc, hết thảy chẳng có sự quanh co”. Nghĩa là tất cả chúng sinh từ vô lượng kiếp về trước đến nay chỉ bám theo suy nghĩ tưởng nhớ mà chẳng biết tới tâm chân thật sáng tỏ không sinh không diệt (chân tâm thường trụ), nên bị kéo vào đường sinh ra rồi chết đi, hết đời này sang đời khác trong sáu cõi luân hồi không dứt được. Tại sao?

     Thí dụ được sinh làm người, chúng ta thường để mắt bị quyến rũ bởi hình ảnh đẹp, tai bị mê hoặc bởi lời nói, mũi bị lôi kéo bởi mùi thơm, lưỡi bị hấp dẫn bởi vị ngon ngọt, thân bị khoái cảm bởi tiếp xúc, ý dính mắc bởi các hình ảnh bóng dáng, cảm giác được ghi lại trong tâm thức gọi là pháp trần. Chính những điều này làm cho con người nhớ nghĩ không quên, luôn luôn đuổi theo chúng, tìm cách để đạt thỏa mãn, nếu không được thỏa mãn thì tìm phương kế để cho có được. Do đó thường tạo nghiệp, bằng cách nói chân thật hay nói dối, nói ngay thẳng hay nói lươn lẹo đâm thọc, nói nhu hòa đạo đức hay nói cục cằn ác độc. Lại dùng thân hành động để để thỏa mãn ý muốn của mình, nên phải trả qủa báo, phải sinh vào một trong sáu cõi là: Hoặc lên cõi trời, hoặc trở lại làm người, hoặc cõi thần, hoặc vào ma qủy, hoặc làm súc sinh, hoặc bị đọa địa ngục, tùy theo đã gây việc lành hay đã tạo việc ác mà phải vào nơi tương ứng vậy. Còn Chư Phật nói năng, hành động và suy nghĩ ngay thẳng không quanh co, nên các Ngài lià khỏi vòng luân hồi sinh tử khổ não.

     Đức Phật nói tiếp: “Nay ông muốn tham cứu vô thượng Bồ Đề, phát minh chân tánh, hãy thành thật mà trả lời câu hỏi của Ta. Nay ta hỏi ông: lúc ông phát tâm duyên theo ba mươi hai tướng của Như Lai, lấy gì để thấy (?); ai biết sự ham thích?” Nghĩa là muốn tham cứu sự giải thoát tột cùng về tính chân thật của tâm, thì trước hết lấy gì để thấy ba mươi hai tướng thù thắng?

     Tôn giả A Nan Đà thưa: “Con dùng mắt của con thấy tướng thù thắng của Như Lai, tâm sinh lòng ham thích nên phát tâm nguyện xả bỏ sanh tử”. Nghĩa là dùng mắt và tâm để thấy ba mươi hai tướng tốt, do đó phát tâm Bồ Đề.

     Đức Phật bảo: “Như ông vừa nói, sự ham thích do nơi tâm và mắt. Nếu chẳng biết tâm và mắt ở đâu thì chẳng thể hàng phục được trần lao; ví như đất nước có giặc, vua sai binh dẹp trừ, binh lính tất phải biết sào huyệt của giặc. Khiến ông bị luân chuyển ấy là lỗi tại tâm và mắt, Ta hỏi ông: Tâm và mắt của ông hiện đang ở đâu?” Nghĩa là sự ham thích do mắt và tâm, nhưng để hàng phục được các phiền não, điều quan trọng là trước hết phải biết tâm ở chỗ nào?

(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]