Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 21: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

22/02/201723:08(Xem: 5244)
Bài 21: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH

THỦLĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

4. VỌNG KIẾN VỀ NGHIỆP.
- Bạch Thế Tôn! Phật vì chúng con hiển bày các tướng nhân duyên, tự nhiên, hòa hợp và chẳng hòa hợp, tâm còn chưa rõ, nay lại nghe nói Kiến Kiến Phi Kiến, khiến con càng thêm mê muội, cúi xin Phật mở lòng từ bi, khai thị cho chúng con được diệu tâm sáng tỏ trong sạch.
     Nói xong, rơi lệ đảnh lễ, kính nghe lời dạy của Phật.
     Bấy giờ, Thế Tôn thương xót A Nan và đại chúng, sắp khai giảng pháp tổng trì (1), những đường tu vi diệu của các thiền quán Tam Ma Đề (2), bảo A Nan rằng:
- Ông dù nhớ hay, nhưng chỉ thêm phần học rộng nghe nhiều, đối với sự quán chiếu vi diệu của pháp Sa Ma tha (3), tâm còn chưa rõ, nay ông hãy chú ý nghe, ta sẽ vì ông khai thị từng lớp một, cũng khiến hàng hữu lậu (4) tương lai sẽ được chứng quả Bồ Đề.
- A Nan, tất cả chúng sanh cam chịu luân hồi, là do hai thứ vọng kiến điên đảo phân biệt, ngay đó phát sanh, ngay đó theo nghiệp luân chuyển.

     Thế nào là hai thứ vọng kiến?
- Một là vọng kiến Biệt Nghiệp của chúng sanh.
- Hai là vọng kiến Đồng Phận của chúng sanh.

1- VỌNG KIẾN BIỆT NGHIỆP

Sao gọi là vọng kiến Biệt Nghiệp?
- A Nan! Như người thế gian con mắt bị nhặm, ban đêm thấy ánh sáng, riêng có bóng tròn ngũ sắc bao phủ. Ý ông thế nào? Cái bóng tròn hiện nơi ánh đèn này là màu sắc của ngọn đèn hay là màu sắc của kiến tinh?
- Nếu là màu sắc của ngọn đèn, thì người không nhặm sao chẳng cùng thấy, mà chỉ có người nhặm mới thấy bóng tròn này? Nếu là màu sắc của kiến tinh, kiến tinh đã thành màu sắc, thì người nhặm thấy bóng tròn kia gọi là cái gì?
- Lại nữa A Nan! Nếu lìa ngọn đèn riêng có bóng tròn này, thì khi nhìn qua bình phong, bàn ghế, phải có bóng tròn hiện ra, nếu lìa kiến tinh riêng có bóng tròn thì chẳng phải mắt thấy, vậy sao người nhặm lại thấy bóng tròn?
- Nên biết, màu sắc ở nơi đèn, do mắt bị bệnh mới thấy bóng tròn, bóng tròn và cái thấy đều là bệnh nhặm, kẻ thấy được nhặm thì chẳng phải bệnh; chớ nên nói bóng tròn là đèn, là thấy, hoặc nói chẳng phải ngọn đèn chẳng phải cái thấy.
- Ví như đệ nhị nguyệt chẳng phải bản thể (5), cũng chẳng phải bóng của đệ nhất nguyệt. Tại sao? Vì do dụi mắt mới thành có đệ nhị nguyệt. Người trí chẳng nên truy cứu cái đệ nhị nguyệt này là hình bóng hay chẳng phải hình bóng, là kiến tinh hay chẳng phải kiến tinh, vì đó là do dụi mắt sanh ra, thế thì cái bóng tròn này cũng vậy, do mắt nhặm mà thành, nay muốn gọi cái nào là màu sắc của ngọn đèn, cái nào là màu sắc của kiến tinh? Huống còn vọng sanh phân biệt, cho là chẳng phải màu sắc của ngọn đèn, chẳng phải màu sắc của kiến tinh ư?

2 – VỌNG KIẾN ĐỒNG PHẬN

Sao gọi là vọng kiến Đồng Phận?
- A Nan! Ở cõi Ta Bà này, trừ biển cả ra, phần đất bằng gồm có ba ngàn châu, ở giữa là đại châu, Đông Tây bao gồm hai ngàn ba trăm nước, ngoài ra các tiểu châu ở giữa biển hoặc có từ hai trăm đến ba trăm nước, hoặc có từ một, hai cho đến bốn mươi, năm mươi nước. A Nan, ví như trong đó có một tiểu châu, chỉ có hai nước, dân một nước thì đồng cảm ác duyên, khiến cả nước cùng thấy tất cả cảnh giới chẳng lành, như những ác tướng do nhựt nguyệt, tinh tú và khí trời hiện ra v.v... chỉ cả nước này thấy đủ thứ ác tướng như vậy, còn dân nước kia lại chẳng hề thấy nghe những ác tướng đó.

GIẢI NGHĨA

(1) Tổng trì. Tiếng Phạn “Đà-la-ni”, dịch ra Hán ngữ là “Tổng trì” do câu: Tổng nhất thiết pháp, trì nhật thiết nghĩa, nghĩa là bao hàm tất cả vạn pháp và giữ vô lượng nghĩa lý.

(2) Tam Ma Đề: Tu thiền quán để thấy các pháp như huyển mộng, để lià tham chấp thủ, để được tự tại giải thoát.

(3) Sa Ma Tha: Tu thiền định để đạt cực tịch tịnh.

(4) Hữu lậu: Tất cả các dính mắc về dục giới, sắc giới, vô sắc giới.

(5) Bản thể: Thể tính gốc, tự tính, chân như, Phật tính v.v…

     Đoạn 4 của Mục 4 trong Kinh Văn 5  này, Tôn giả A Nan Đà thưa: “Phật vì chúng con hiển bày các tướng nhân duyên, tự nhiên, hòa hợp và chẳng hòa hợp, tâm còn chưa tỏ rõ, nay lại nghe Phật nói Kiến Kiến Phi Kiến, khiến con càng thêm bối rối mê muội. Cúi xin Phật mở lòng từ bi, khai thị cho chúng con được diệu tâm sáng tỏ trong sạch”. Đến đây, Tôn giả A Nan cảm thấy bối rối chưa hiểu rõ ràng, nên xin Phật giảng thêm.

Kinh nói: “Bấy giờ, Thế Tôn thương xót A Nan và đại chúng, sắp giảng pháp tổng trì, những đường tu vi diệu của các thiền quán Tam Ma Đề”. Nghĩa là vì Đức Phật thương xót Tôn giả A Nan và đại chúng nên sẽ giảng tất cả các pháp bao gồm vô lượng nghĩa lý (Tổng trì) và cách tu thiền quán (Tam ma đề) để thấy các pháp như mộng huyển, hầu lià dính mắc tham chấp thủ được tâm tự tại giải thoát, nên Ngài bảo Tôn giả rằng: “Ông dù nhớ hay, nhưng chỉ thêm phần học rộng nghe nhiều, đối với sự quán chiếu vi diệu của pháp Sa Ma tha, tâm còn chưa rõ; nay ông hãy chú ý nghe, ta sẽ vì ông khai thị từng thứ lớp một, cũng khiến hàng tâm dính mắc điên đảo đời sau sẽ được chứng quả Bồ Đề”. Ở đây Ngài lưu ý nhiều người tu không hiểu cách quán chiếu vi diệu pháp của thiền định tịch tịnh (Sa ma tha), nên cần phải chú ý suy nghĩ nghĩa lý cho thấu đáo rồi thực hành kiên cố cho sạch hết tâm dính mắc, thì sẽ đạt giác ngộ.

Đức Phật nói: “Tất cả chúng sinh cam chịu luân hồi, là do hai thứ thấy sai lầm điên đảo phân biệt, ngay đó phát sinh, ngay đó theo nghiệp luân chuyển; thế nào là hai thứ vọng kiến? Một là vọng kiến Biệt Nghiệp của chúng sanh, hai là vọng kiến Đồng Phận của chúng sinh”. Ngài nói sở dĩ chúng sinh bị luân hồi do bởi hai thứ thấy sai lầm (vọng kiến) về nghiệp riêng (Biệt nghiệp) và nghiệp chung (Đồng phận).

1- VỌNG KIẾN BIỆT NGHIỆP

Sao gọi là thấy sai lầm nghiệp riêng?
     Đức Phật hỏi: “Như người thế gian con mắt bị nhặm, ban đêm thấy ánh sáng, riêng có bóng tròn ngũ sắc bao phủ; ý ông thế nào? Cái bóng tròn hiện nơi ánh đèn này là màu sắc của ngọn đèn hay là màu sắc củakiến tinh? Nếu là màu sắc của ngọn đèn, thì người không nhặm sao chẳng cùng thấy, mà chỉ có người nhặm mới thấy bóng tròn này? Nếu là màu sắc của kiến tinh, như thế kiến tinh đã thành màu sắc, thì người nhặm thấy bóng tròn kia gọi là cái gì?” Ở đây Đức Phật chỉ cho chúng ta cái bóng tròn 5 màu chẳng phải của đèn, cũng chẳng phải của cái thấy (Kiến tinh).

     Đức Phật nói tiếp: “Nếu lìa ngọn đèn riêng có bóng tròn này, thì khi nhìn qua bình phong, bàn ghế, phải có bóng tròn hiện ra, nếu lìa kiến tinh riêng có bóng tròn thì chẳng phải mắt thấy, vậy sao người nhặm lại thấy bóng tròn?” Ở đây Ngài lý luận rằng khi không có ngọn đèn và không có cái thấy thì sẽ không có bóng tròn 5 màu.
Ngài giảng:“Nên biết, màu sắc ở nơi đèn, do mắt bị bệnh mới thấy bóng tròn, bóng tròn và kiến tinh đều là bệnh nhặm, kẻ thấy được nhặm thì chẳng phải bệnh; chớ nên nói bóng tròn là đèn, là thấy, hoặc nói chẳng phải ngọn đèn chẳng phải cái thấy”. Ở đây Ngài dạy rằng 5 màu sắc là ở nơi đèn do mắt bị bệnh nhặm mới thấy bóng tròn 5 màu. Người biết được bị nhặm thì không bệnh, vì vậy cho nên chẳng nên nói bóng tròn 5 màu là đèn hay là cái thấy, hoặc nói chẳng phải là đèn hay chẳng phải là cái thấy.

Đức Phật nêu thí dụ: “- Ví như đệ nhị nguyệt chẳng phải bản thể, cũng chẳng phải bóng của đệ nhất nguyệt. Tại sao? Vì do dụi mắt mới thành có đệ nhị nguyệt. Người trí chẳng nên truy cứu cái đệ nhị nguyệt này là hình bóng hay chẳng phải hình bóng, là kiến tinh hay chẳng phải kiến tinh, vì đó là do dụi mắt sanh ra, thế thì cái bóng tròn này cũng vậy, do mắt nhặm mà thành, nay muốn gọi cái nào là màu sắc của ngọn đèn, cái nào là màu sắc của kiến tinh? Huống còn vọng sanh phân biệt, cho là chẳng phải màu sắc của ngọn đèn, chẳng phải màu sắc của kiến tinh ư?”

     Ngài ví như mặt trăng thứ hai (đệ nhị nguyệt) chẳng phải bản thể, cũng chẳng phải bóng của mặt trăng thứ nhất; tại sao? Vì do dụi mắt mới thành có trăng thứ hai. Người trí hiểu biết chẳng nên truy tìm mặt trăng thứ hai này là hình bóng hay chẳng phải hình bóng, là cái thấy (kiến tinh) hay chẳng phải cái thấy, vì đó là do dụi mắt sinh ra. Thế thì cái bóng tròn này cũng vậy, do mắt nhặm mà thành, nay lại muốn gọi cái nào là màu sắc của ngọn đèn, cái nào là màu sắc của cái thấy; hoặc cho là chẳng phải màu sắc của ngọn đèn, chẳng phải màu sắc của cái thấy, đều không đúng.

      Sự thật của cái thấy sai nghiệp riêng (biệt nghiệp vọng kiến) là: vốn không có cái bóng tròn năm màu quanh ngọn đèn, người thấy sai (vọng kiến) chỉ vì bệnh nhặm mà bóng tròn năm màu sinh ra; vì người không bệnh nhặm thì chẳng nhìn thấy bóng tròn năm màu.  Như Đức Phật không thấy sai, nên thấy "Pháp giới không hai", chúng sanh nhận thức sai lầm, rồi dính mắc chấp chặt vào những nhận thức sai ấy trở thành các bệnh như: Đúng sai, vinh nhục, đẹp xấu, hay dở, yêu ghét v.v… Tất cả những nhận thức sai lầm như thế che lấp chân tâm, nên cái thấy trong khi thấy đó chẳng phải gốc thấy (bản kiến).

2- VỌNG KIẾN ĐỒNG PHẬN

Sao gọi là thấy sai lầm nghiệp chung?
     Đức Phật giảng: “- A Nan! Ở cõi Ta Bà này, trừ biển cả ra, phần đất bằng gồm có ba ngàn châu, ở giữa là đại châu, Đông Tây bao gồm hai ngàn ba trăm nước, ngoài ra các tiểu châu ở giữa biển hoặc có từ hai trăm đến ba trăm nước, hoặc có từ một, hai cho đến bốn mươi, năm mươi nước. A Nan, ví như trong đó có một tiểu châu, chỉ có hai nước, dân một nước thì đồng cảm ác duyên, khiến cả nước cùng thấy tất cả cảnh giới chẳng lành, như những ác tướng do nhựt nguyệt, tinh tú và khí trời hiện ra v.v... chỉ cả nước này thấy đủ thứ ác tướng như vậy, còn dân nước kia lại chẳng hề thấy nghe những ác tướng đó”.

      Sự thấy sai lầm giống nhau (đồng phận vọng kiến) là những hiện tượng khác biệt xảy ra đối với những người cùng ở trong một nước hay cùng một vùng về những hiện tượng thiên nhiên như nhật thực, nguyệt thực, mây đen hay vàng hay đỏ bao phủ, bão tố, mưa lụt v.v… mà không xảy ra đối với những người nước khác hay vùng gần bên những hiện tượng bất thường ấy. Cũng phải đề cập tới các cách sinh hoạt, cách đối xử, quan điểm sống, phong tục tập quán, v.v… khác nhau từng khu, vùng, nước, châu lục v.v… nên có cùng sự thấy sai lầm chung vậy.

5. PHÁ VỌNG KIẾN VỀ NGHIỆP

(Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]