Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 41: Phẩm Bát Nhã Hành Tướng 4

07/07/201510:27(Xem: 14540)
Quyển 41: Phẩm Bát Nhã Hành Tướng 4

Tập 01 
Quyển 41 
Phẩm Bát Nhã Hành Tướng 4
Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí



 

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát có phương tiện thiện xảo, thì khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành tướng bố thí Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành tướng tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái thường, vô thường của bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng thường, vô thường của bố thí Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái thường, vô thường của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng thường, vô thường của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái lạc, khổ của bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng lạc, khổ của bố thí Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái lạc, khổ của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng lạc, khổ của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái ngã, vô ngã của bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng ngã, vô ngã của bố thí Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái ngã, vô ngã của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng ngã, vô ngã của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịnh, bất tịnh của bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng tịnh, bất tịnh của bố thí Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịnh, bất tịnh của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng tịnh, bất tịnh của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái không, bất không của bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng không, bất không của bố thí Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái không, bất không của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng không, bất không của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô tướng, hữu tướng của bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng vô tướng, hữu tướng của bố thí Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô tướng, hữu tướng của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng vô tướng, hữu tướng của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô nguyện, hữu nguyện của bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng vô nguyện, hữu nguyện của bố thí Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô nguyện, hữu nguyện của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng vô nguyện, hữu nguyện của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịch tịnh, bất tịch tịnh của bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng tịch tịnh, bất tịch tịnh của bố thí Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịch tịnh, bất tịch tịnh của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng tịch tịnh, bất tịch tịnh của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái viễn ly, bất viễn ly của bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng viễn ly, bất viễn ly của bố thí Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái viễn ly, bất viễn ly của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng tu hành cái tướng viễn ly, bất viễn ly của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Xá Lợi Tử! Nên biết, đó là đại Bồ-tát có phương tiện thiện xảo tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Vì sao? Xá Lợi Tử! Vì bố thí Ba-la-mật-đa, tánh không của bố thí Ba-la-mật-đa; tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tịnh lự, Bát-nhã-ba-la-mật-đa, tánh không của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Xá Lợi Tử! Bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng phải là bố thí Ba-la-mật-đa. Không là bố thí Ba-la-mật-đa, không chẳng phải là bố thí Ba-la-mật-đa; bố thí Ba-la-mật-đa chẳng lìa không, không chẳng lìa bố thí Ba-la-mật-đa; bố thí Ba-la-mật-đa tức là không, không tức là bố thí Ba-la-mật-đa; tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng lại như vậy.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát có phương tiện thiện xảo, thì khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng tu hành năm loại mắt, chẳng tu hành tướng của năm loại mắt, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành sáu phép thần thông, chẳng tu hành tướng của sáu phép thần thông, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái thường, vô thường của năm loại mắt, chẳng tu hành cái tướng thường, vô thường của năm loại mắt, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái thường, vô thường của sáu phép thần thông, chẳng tu hành cái tướng thường, vô thường của sáu phép thần thông, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái lạc, khổ của năm loại mắt, chẳng tu hành cái tướng lạc, khổ của năm loại mắt, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái lạc, khổ của sáu phép thần thông, chẳng tu hành cái tướng lạc, khổ của sáu phép thần thông, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái ngã, vô ngã của năm loại mắt, chẳng tu hành cái tướng ngã, vô ngã của năm loại mắt, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái ngã, vô ngã của sáu phép thần thông, chẳng tu hành cái tướng ngã, vô ngã của sáu phép thần thông, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịnh, bất tịnh của năm loại mắt, chẳng tu hành cái tướng tịnh, bất tịnh của năm loại mắt, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịnh, bất tịnh của sáu phép thần thông, chẳng tu hành cái tướng tịnh, bất tịnh của sáu phép thần thông, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái không, bất không của năm loại mắt, chẳng tu hành cái tướng không, bất không của năm loại mắt, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái không, bất không của sáu phép thần thông, chẳng tu hành cái tướng không, bất không của sáu phép thần thông, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô tướng, hữu tướng của năm loại mắt, chẳng tu hành cái tướng vô tướng, hữu tướng của năm loại mắt, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô tướng, hữu tướng của sáu phép thần thông, chẳng tu hành cái tướng vô tướng, hữu tướng của sáu phép thần thông, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô nguyện, hữu nguyện của năm loại mắt, chẳng tu hành cái tướng vô nguyện, hữu nguyện của năm loại mắt, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô nguyện, hữu nguyện của sáu phép thần thông, chẳng tu hành cái tướng vô nguyện, hữu nguyện của sáu phép thần thông, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịch tịnh, bất tịch tịnh của năm loại mắt, chẳng tu hành cái tướng tịch tịnh, bất tịch tịnh của năm loại mắt, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịch tịnh, bất tịch tịnh của sáu phép thần thông, chẳng tu hành cái tướng tịch tịnh, bất tịch tịnh của sáu phép thần thông, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái viễn ly, bất viễn ly của năm loại mắt, chẳng tu hành cái tướng viễn ly, bất viễn ly của năm loại mắt, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái viễn ly, bất viễn ly của sáu phép thần thông, chẳng tu hành cái tướng viễn ly, bất viễn ly của sáu phép thần thông, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Xá Lợi Tử! Nên biết, đó là đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa có phương tiện thiện xảo. Vì sao? Xá Lợi Tử! Vì năm loại mắt, tánh không của năm loại mắt, sáu phép thần thông, tánh không của sáu phép thần thông, Xá Lợi Tử, là năm loại mắt, cũng chẳng phải là năm loại mắt, không là năm loại mắt, không cũng chẳng phải là năm loại mắt; năm loại mắt chẳng lìa không, không chẳng lìa năm loại mắt; năm loại mắt tức là không, không tức là năm loại mắt; sáu phép thần thông cũng lại như vậy.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát có phương tiện thiện xảo, thì khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng tu hành mười lực của Phật, chẳng tu hành cái tướng mười lực của Phật, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng tu hành cái tướng của bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái thường, vô thường của mười lực của Phật, chẳng tu hành cái tướng thường, vô thường của mười lực của Phật, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái thường, vô thường của bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng tu hành cái tướng thường, vô thường của bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái lạc, khổ của mười lực của Phật, chẳng tu hành cái tướng lạc, khổ của mười lực của Phật, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái lạc, khổ của bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng tu hành cái tướng lạc, khổ của bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái ngã, vô ngã của mười lực của Phật, chẳng tu hành cái tướng ngã, vô ngã của mười lực của Phật, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái ngã, vô ngã của bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng tu hành cái tướng ngã, vô ngã của bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịnh, bất tịnh của mười lực của Phật, chẳng tu hành cái tướng tịnh, bất tịnh của mười lực của Phật, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịnh, bất tịnh của bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng tu hành cái tướng tịnh, bất tịnh của bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái không, bất không của mười lực của Phật, chẳng tu hành cái tướng không, bất không của mười lực của Phật, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái không, bất không của bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng tu hành cái tướng không, bất không của bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô tướng, hữu tướng của mười lực của Phật, chẳng tu hành cái tướng vô tướng, hữu tướng của mười lực của Phật, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô tướng, hữu tướng của bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng tu hành cái tướng vô tướng, hữu tướng của bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô nguyện, hữu nguyện của mười lực của Phật, chẳng tu hành cái tướng vô nguyện, hữu nguyện của mười lực của Phật, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái vô nguyện, hữu nguyện của bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng tu hành cái tướng vô nguyện, hữu nguyện của bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịch tịnh, bất tịch tịnh của mười lực của Phật, chẳng tu hành cái tướng tịch tịnh, bất tịch tịnh của mười lực của Phật, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái tịch tịnh, bất tịch tịnh của bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng tu hành cái tướng tịch tịnh, bất tịch tịnh của bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái viễn ly, bất viễn ly của mười lực của Phật, chẳng tu hành cái tướng viễn ly, bất viễn ly của mười lực của Phật, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; chẳng tu hành cái viễn ly, bất viễn ly của bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng tu hành cái tướng viễn ly, bất viễn ly của bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Xá Lợi Tử! Nên biết, đó là đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa có phương tiện thiện xảo. Vì sao? Xá Lợi Tử! Vì mười lực của Phật, tánh không của mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; tánh không của bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, Xá Lợi Tử, là mười lực của Phật, cũng chẳng phải là mười lực của Phật; không là mười lực của Phật, không cũng chẳng phải là mười lực của Phật; mười lực của Phật chẳng lìa không, không chẳng lìa mười lực của Phật; mười lực của Phật tức là không, không tức là mười lực của Phật; bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng, cũng lại như vậy.

Xá Lợi Tử! Như vậy, là đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa có phương tiện thiện xảo,có khả năng chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Xá Lợi Tử! Đại Bồ-tát ấy, khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, đối với tất cả pháp, chẳng chấp thủ cái có, chẳng chấp thủ cái chẳng phải có, chẳng chấp thủ cái cũng có cũng chẳng phải có, chẳng chấp thủ cái chẳng phải có, chẳng phải chẳng có. Đối với cái chẳng chấp thủ ấy, cũng chẳng chấp thủ.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Vì nhân duyên gì, đại Bồ-tát ấy, khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, đối với tất cả pháp đều không chấp thủ?

Thiện Hiện đáp: Vì tự tánh của tất cả pháp chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì tất cả pháp lấy vô tánh làm tự tánh. Do nhân duyên này, nên nếu đại Bồ-tát, khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, đối với tất cả pháp, hoặc chấp thủ cái có, hoặc chấp thủ cái chẳng có, hoặc chấp thủ cái cũng có cũng chẳng có, hoặc chấp thủ cái chẳng có chẳng phải chẳng có, hoặc chấp thủ cái chẳng chấp thủ, thì chẳng phải là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp đều không có tự tánh, nên chẳng thể chấp thủ.

Xá Lợi Tử! Đại Bồ-tát ấy, khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng chấp thủ việc tu hành, chẳng chấp thủ việc chẳng tu hành, chẳng chấp thủ việc cũng tu hành, cũng chẳng tu hành, chẳng chấp thủ việc chẳng tu hành, chẳng phải chẳng tu hành; đối với việc chẳng chấp thủ, cũng chẳng chấp thủ.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Vì nhân duyên gì, đại Bồ-tát ấy, khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa, hoàn toàn không chấp thủ?

Thiện Hiện đáp: Vì tự tánh Bát-nhã-ba-la-mật-đa chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì Bát-nhã-ba-la-mật-đa lấy vô tánh làm tự tánh. Do nhân duyên này, nên nếu đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa, hoặc chấp thủ việc tu hành, hoặc chấp thủ việc chẳng tu hành, hoặc chấp thủ việc cũng tu hành mà cũng chẳng tu hành, hoặc chấp thủ việc chẳng phải tu hành ,chẳng phải chẳng tu hành, hoặc chấp thủ việc chẳng chấp thủ, thì chẳng phải là tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Vì sao vậy? Vì Bát-nhã-ba-la-mật-đa hoàn toàn không có tự tánh, nên chẳng thể chấp thủ.

Xá Lợi Tử! Đại Bồ-tát ấy, khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, đối với tất cả pháp và Bát-nhã-ba-la-mật-đa hoàn toàn không chấp thủ, không chấp trước. Đó gọi là đại Bồ-tát đối với tất cả pháp không thủ trước Tam-ma-địa. Tam-ma-địa này vi diệu thù thắng, rộng lớn vô cùng, có khả năng tập hợp tác dụng vô biên, vô ngại, mà tất cả Thanh-văn, Độc-giác chẳng có.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát đối với Tam-ma-địa này, thường trụ chẳng xả, thì mau chứng quả vị Giác ngô cao tột.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Các đại Bồ-tát thường trụ chẳng xả đối với một Tam-ma-địa này, để mau chứng quả vị Giác ngô cao tột, hay thường trụ chẳng xả đối với các Tam-ma-địa khác, cũng để khiến cho đại Bồ-tát mau chứng quả vị Giác ngô cao tột?

Thiện Hiện đáp: Chẳng phải chỉ đối với một Tam-ma-địa này, mà còn có các Tam-ma-địa khác, các đại Bồ-tát thường trụ chẳng xả, để mau chứng quả vị Giác ngô cao tột.

Xá Lợi Tử hỏi: Những Tam-ma-địa ấy là gì?

Thiện Hiện đáp: Đó là Tam-ma-địa kiện hành, Tam-ma-địa thật ấn, Tam-ma-địa Sư tử du hý, Tam-ma-địa diệu nguyệt, Tam-ma-địa nguyệt tràng tướng, Tam-ma-địa nhất thiết pháp hải, Tam-ma-địa quán đảnh, Tam-ma-địa pháp giới quyết định, Tam-ma-địa quyết định tràng tướng, Tam-ma-địa kim cang dụ, Tam-ma-địa nhập pháp ấn, Tam-ma-địa Tam-ma-địa vương, Tam-ma-địa thiện an trụ, Tam-ma-địa thiện lập định vương, Tam-ma-địa phóng quang, Tam-ma-địa vô vong thất, Tam-ma-địa phóng quang vô vong thất, Tam-ma-địa tinh tiến lực, Tam-ma-địa trang nghiêm lực, Tam-ma-địa đẳng dũng, Tam-ma-địa nhập nhất thiết ngôn từ quyết định, Tam-ma-địa nhập nhất thiết danh tự quyết định, Tam-ma-địa quán phương, Tam-ma-địa tổng trì ấn, Tam-ma-địa chư pháp đẳng thú hải ấn, Tam-ma-địa vương ấn, Tam-ma-địa biến phú hư không, Tam-ma-địa kim cang luân, Tam-ma-địa tam luân thanh tịnh, Tam-ma-địa vô lượng quang, Tam-ma-địa vô trước vô chướng, Tam-ma-địa đoạn chư pháp chuyển, Tam-ma-địa khí xả trân bảo, Tam-ma-địa biến chiếu, Tam-ma-địa bất tuần, Tam-ma-địa vô tướng trụ, Tam-ma-địa bất tư duy, Tam-ma-địa hàng phục tứ ma, Tam-ma-địa vô cấu đăng, Tam-ma-địa vô biên quang, Tam-ma-địa phát quang, Tam-ma-địa phổ chiếu, Tam-ma-địa tịnh kiên định, Tam-ma-địa sư tử phấn tấn, Tam-ma-đụa Sư tử tần thân, Tam-ma-địa Sư tử khiếm khư, Tam-ma-địa vô cấu quang, Tam-ma-địa diệu lạc, Tam-ma-địa tối thắng tràng tướng, Tam-ma-địa đế tướng, Tam-ma-địa thuận minh chánh lưu, Tam-ma-địa cụ oai quang, Tam-ma-địa ly tận, Tam-ma-địa bất khả động chuyển, Tam-ma-địa tịch tịnh, Tam-ma-địa vô hà khích, Tam-ma-địa nhật đăng, Tam-ma-địa nguyệt tịnh, Tam-ma-địa tịnh nhãn, Tam-ma-địa tịnh quang, Tam-ma-địa nguyệt đăng, Tam-ma-địa pháp minh, Tam-ma-địa ứng tác bất ứng tác, Tam-ma-địa trí tướng, Tam-ma-địa kim cang man, Tam-ma-địa trụ tâm, Tam-ma-địa phổ minh, Tam-ma-địa diệu an lập, Tam-ma-địa bảo tích, Tam-ma-địa diệu pháp ấn, Tam-ma-địa nhất thiết pháp tánh bình đẳng, Tam-ma-địa khí xả trần ái, Tam-ma-địa pháp dũng viên mãn, Tam-ma-địa nhập pháp đảnh, Tam-ma-địa bảo tánh, Tam-ma-địa xả huyên tránh, Tam-ma-địa phiêu tán, Tam-ma-địa phân biệt pháp cú, Tam-ma-địa quyết định, Tam-ma-địa vô cấu hành, Tam-ma-địa tự bình đẳng cái tướng, Tam-ma-địa ly văn tự tướng, Tam-ma-địa đoạn sở duyên, Tam-ma-địa vô biến dị, Tam-ma-địa vô chủng loại, Tam-ma-địa nhập danh tướng, Tam-ma-địa vô sở tác, Tam-ma-địa nhập quyết định danh, Tam-ma-địa hành vô tướng, Tam-ma-địa ly ế ám, Tam-ma-địa cụ hành, Tam-ma-địa bất biến động, Tam-ma-địa độ cảnh giới, Tam-ma-địa tập nhất thiết công đức, Tam-ma-địa vô tâm trụ, Tam-ma-địa quyết định trụ, Tam-ma-địa tịnh diệu hoa, Tam-ma-địa cụ giác chi, Tam-ma-địa vô biên biện, Tam-ma-địa vô biên đăng, Tam-ma-địa vô đẳng đẳng, Tam-ma-địa siêu nhất thiết pháp, Tam-ma-địa quyết phán chư pháp, Tam-ma-địa tán nghi, Tam-ma-địa vô sở trụ, Tam-ma-địa nhất tướng trang nghiêm, Tam-ma-địa dẫn phát hành tướng, Tam-ma-địa nhất hành tướng, Tam-ma-địa ly chư hành tướng, Tam-ma-địa diệu hành, Tam-ma-địa đạt chư hữu để viễn ly, Tam-ma-địa nhập nhất thiết thi thiết ngữ ngôn, Tam-ma-địa kiên cố bảo, Tam-ma-địa ư nhất thiết pháp vô sở thủ trước, Tam-ma-địa điễn diệm trang nghiêm, Tam-ma-địa trừ khiển, Tam-ma-địa vô thắng, Tam-ma-địa pháp cự, Tam-ma-địa tuệ đăng, Tam-ma-địa thú hướng bất thối chuyển thần thông, Tam-ma-địa giải thoát âm thanh văn tự, Tam-ma-địa tuệ cự xí nhiên, Tam-ma-địa nghiêm tịnh tướng, Tam-ma-địa vô tướng, Tam-ma-địa vô trược nhẫn tướng, Tam-ma-địa cụ nhất thiết diệu tướng, Tam-ma-địa cụ tổng trì, Tam-ma-địa bất hỷ nhất thiết khổ lạc, Tam-ma-địa vô tận hành tướng, Tam-ma-địa nhiếp phục nhất thiết chánh tà tánh, Tam-ma-địa đoạn tắng ái, Tam-ma-địa ly vi thuận, Tam-ma-địa vô cấu minh, Tam-ma-địa cực kiên cố, Tam-ma-địa mãn nguyệt tịnh quang, Tam-ma-địa đại trang nghiêm, Tam-ma-địa vô nhiệt điển quang, Tam-ma-địa năng chiếu nhất thiết thế gian, Tam-ma-địa năng cứu nhất thiết thế gian, Tam-ma-địa định bình đẳng tánh, Tam-ma-địa vô trần hữu trần bình đẳng lý thú, Tam-ma-địa vô tránh hữu tránh bình đẳng lý thú, Tam-ma-địa vô sào huyệt vô tiêu xí vô ái nhạo, Tam-ma-địa quyết định an trụ chơn như, Tam-ma-địa khí trung mãn xuất, Tam-ma-địa thiêu chư phiền não, Tam-ma-địa đại trí tuệ cự, Tam-ma-địa xuất sanh thập lực, Tam-ma-địa khai xiển, Tam-ma-địa hoại thân ác hành, Tam-ma-địa hoại ngữ ác hành, Tam-ma-địa hoại ý ác hành, Tam-ma-địa thiện quán sát tham, Tam-ma-địa như hư không, Tam-ma-địa vô nhiễm trước gia hư không.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát đối các Tam-ma-địa như vậy, thường trụ chẳng xả, thì mau chứng quả vị Giác ngô cao tột. Lại có vô lượng vô số pháp môn Tam-ma-địa, pháp môn Đà-la-ni khác, nếu đại Bồ-tát thường khéo tu học thì cũng khiến mau chứng quả vị Giác ngô cao tột.

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thừa tiếp thần lực Phật nói với Xá Lợi Tử: Nếu đại Bồ-tát nào an trụ các Tam-ma-địa như vậy, thì nên biết, đã được sự thọ ký của chư Phật trong quá khứ, cũng được sự thọ ký của mười phương chư Phật trong hiện tại. Xá Lợi Tử! Đại Bồ-tát ấy, tuy an trụ các Tam-ma-địa như vậy, mà chẳng thấy các Tam-ma-địa ấy, cũng chẳng đắm trước vào các Tam-ma-địa ấy, cũng chẳng nghĩ là ta đã nhập vào các Tam-ma-địa ấy, ta đang nhập vào các Tam-ma-địa ấy, ta sẽ nhập vào các Tam-ma-địa ấy; chỉ ta có khả năng nhập vào chứ chẳng phải người khác vào được. Nếu vị ấy tầm tư phân biệt như vậy, thì bởi đấy, nên sức định lực hoàn toàn không hiện hành.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Có phải thật riêng có đại Bồ-tát an trụ các Tam-ma-địa như vậy, đã được chư Phật trong quá khứ, hiện tại thọ ký chăng?

 Thiện Hiện đáp: Không! Xá Lợi Tử! Vì sao? Xá Lợi Tử! Vì Bát-nhã-ba-la-mật-đa chẳng khác các Tam-ma-địa, các Tam-ma-địa chẳng khác Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát chẳng khác Bát-nhã-ba-la-mật-đa và Tam-ma-địa; Bát-nhã-ba-la-mật-đa và Tam-ma-địa chẳng khác đại Bồ-tát, Bát-nhã-ba-la-mật-đa tức là các Tam-ma-địa, các Tam-ma-địa tức là Bát-nhã-ba-la-mật-đa; đại Bồ-tát tức là Bát-nhã-ba-la-mật-đa và Tam-ma-địa; Bát-nhã-ba-la-mật-đa và Tam-ma-địa tức là đại Bồ-tát. Vì sao vậy? Vì tánh của tất cả pháp đều bình đẳng.

Xá Lợi Tử hỏi: Nếu tánh của tất cả pháp là bình đẳng thì Tam-ma-địa này có thể thị hiện chăng?

Thiện Hiện đáp: Chẳng thể thị hiện.

Xá Lợi Tử hỏi: Đại Bồ-tát ấy, đối với Tam-ma-địa này, có ý tưởng phân tích chăng?

Thiện Hiện đáp: Bồ-tát ấy không có ý tưởng phân tích.

Xá Lợi Tử hỏi: Bồ-tát ấy vì sao không có ý tưởng phân tích?

Thiện Hiện đáp: Vì đại Bồ-tát ấy không phân biệt.

Xá Lợi Tử hỏi: Vì sao đại Bồ-tát ấy không phân biệt?

Thiện Hiện đáp: Vì tánh của tất cả pháp đều không có sở hữu. Cho nên đại Bồ-tát ấy, đối với định chẳng khởi sự phân biệt. Do nhân duyên này, mà đối với tất cả pháp và Tam-ma-địa, đại Bồ-tát ấy, đều không có ý tưởng phân tích. Vì sao? Vì tất cả pháp và Tam-ma-địa đều không có sở hữu, trong cái không sở hữu, ý tưởng phân biệt, giải thích không có lý do sanh khởi.

Khi ấy, Bạc-già-phạm khen Thiện Hiện: Hay thay! Hay thay! Đúng như ông đã nói. Cho nên Ta đã nói ông an trụ Định vô tránh, là bậc cao nhất trong chúng Thanh-văn, do đó Ta nói ông tương ưng với nghĩa.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát muốn học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên học như vậy; muốn học tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa, nên học như vậy.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát muốn học bốn tịnh lự, nên học như vậy; muốn học bốn vô lượng, bốn định vô sắc, nên học như vậy.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát muốn học bốn niệm trụ, nên học như vậy; muốn học bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, nên học như vậy.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát muốn học năm loại mắt, nên học như vậy, muốn học sáu phép thần thông, nên học như vậy.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát muốn học mười lực của Phật, nên học như vậy; muốn học bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, nên học như vậy.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát học như vậy là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa một cách chân chính, cho đến học trí nhất thiết tướng một cách chân chính chăng?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Đại Bồ-tát học như vậy là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa một cách chân chính, vì lấy vô sở đắc làm phương tiện, cho đến học trí nhất thiết tướng một cách chân chính, vì lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát học như vậy, lấy vô sở đắc làm phương tiện để học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, cho đến lấy vô sở đắc làm phương tiện để học trí nhất thiết tướng chăng?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Đại Bồ-tát học như vậy, lấy vô sở đắc làm phương tiện để học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, cho đến lấy vô sở đắc làm phương tiện để học trí nhất thiết tướng.

Xá Lợi Tử hỏi: Cái vô sở đắc là những pháp gì, mà chẳng thể nắm bắt được?

Phật dạy: Ngã chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; hữu tình, dòng sinh mạng, sự sanh, sự dưỡng, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, người do người sanh, ngã tối thắng, khả năng làm việc, khả năng khiến người làm việc, khả năng tạo nghiệp, khả năng khiến người tạo nghiệp, tự thọ quả báo, khiến người thọ quả báo, cái biết, cái thấy, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Sắc chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh, thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Nhãn xứ chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Sắc xứ chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới và nhãn xúc cùng các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới và nhĩ xúc cùng các thọ do nhĩ xúc làm duyên sanh ra, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới và tỷ xúc cùng các thọ do tỷ xúc làm duyên sanh ra, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới và thiệt xúc cùng các thọ do thiệt xúc làm duyên sanh ra, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; thân giới, xúc giới, thân thức giới và thân xúc cùng các thọ do thân xúc làm duyên sanh ra, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; ý giới, pháp giới, ý thức giới và ý xúc cùng các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; địa giới, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; thủy, hỏa, phong, không, thức giới, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Dục giới, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; sắc, vô sắc giới, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Thánh đế khổ, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; Thánh đế tập, diệt, đạo chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Vô minh, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Bốn tịnh lự, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; bốn vô lượng, bốn định vô sắc, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Bốn niệm trụ, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Năm loại mắt, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; sáu phép thần thông, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Mười lực của Phật, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Dự lưu, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh. Độc-giác, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; Bồ-tát, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh; Như Lai, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh.

Xá Lợi Tử bạch: Bạch Thế Tôn! Cái gọi là rốt ráo thanh tịnh, nghĩa là thế nào?

Phật dạy: Các pháp chẳng xuất hiện, chẳng sanh ra, chẳng mất đi, chẳng diệt tận, vô nhiễm, vô tịnh, vô đắc, vô vi. Như vậy gọi là cái nghĩa rốt ráo thanh tịnh.

         Lúc bấy giờ, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Khi đại Bồ-tát học như vậy là học pháp gì?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Khi đại Bồ-tát học như vậy, đối với tất cả pháp, đều không có cái để học. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp chẳng phải hiện hữu như thật, như cái chấp của bọn phàm phu ngu si, để có thể học được trong đó.

Xá Lợi Tử hỏi: Nếu vậy thì các pháp hiện hữu như thế nào?

Phật dạy: Các pháp hiện hữu như là vô sở hữu. Nếu đối với vô sở hữu như vậy mà không thể hiểu thấu thì gọi là vô minh.

Xá Lợi Tử hỏi: Những pháp vô sở hữu nào mà không hiểu thấu thì gọi là vô minh?

Phật dạy: Sắc là pháp vô sở hữu; thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô sở hữu, vì không nội, không ngoại, không nội ngoại, không không, không lớn, không thắng nghĩa, không hữu vi, không vô vi, không rốt ráo, không không biên giới, không tản mạn, không không đổi khác, không bổn tánh, không tự tướng, không cộng tướng, không tất cả pháp, không chẳng thể nắm bắt được, không không tánh, không tự tánh, không không tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Nhãn xứ là pháp vô sở hữu; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không không tánh tự tánh. Sắc xứ là pháp vô sở hữu; thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không không tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới và nhãn xúc cùng các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không không tánh tự tánh; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới và nhĩ xúc cùng các thọ do nhĩ xúc làm duyên sanh ra, là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh. Tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới và tỷ xúc cùng các thọ do tỷ xúc làm duyên sanh ra, là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh. Thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới và thiệt xúc cùng các thọ do thiệt xúc làm duyên sanh ra, là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh. Thân giới, xúc giới, thân xúc giới và thân xúc cùng các thọ do thân xúc làm duyên sanh ra, là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh. Ý giới, pháp giới, ý thức giới và ý xúc cùng các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra, là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Địa giới là pháp vô sở hữu; thủy, hỏa, phong, không, thức giới, là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Dục giới là pháp vô sở hữu; sắc, vô sắc giới là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Thánh đế khổ là pháp vô sở hữu; Thánh đế tập, diệt, đạo, là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Vô minh là pháp vô sở hữu; hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não, là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Tham, sân, si là pháp vô sở hữu; các kiến thủ là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Bốn tịnh lự là pháp vô sở hữu; bốn vô lượng, bốn định vô sắc là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Bốn niệm trụ là pháp vô sở hữu; bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Bố thí Ba-la-mật-đa là pháp vô sở hữu; tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Năm loại mắt là pháp vô sở hữu; sáu phép thần thông là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Mười lực của Phật là pháp vô sở hữu; bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là pháp vô sở hữu, vì không nội cho đến không vô tánh tự tánh.

Xá Lợi Tử! Phàm phu ngu si, nếu đối với pháp vô sở hữu như vậy, chẳng thể hiểu thấu thì gọi là vô minh. Do thế lực của vô minh và ái, kẻ ấy phân biệt chấp trước hai bên đoạn, thường. Do đó, chẳng biết, chẳng thấy tánh vô sở hữu của các pháp, nên phân biệt các pháp; do phân biệt nên chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến chấp trước trí nhất thiết tướng; do chấp trước nên phân biệt tánh vô sở hữu của các pháp. Do đó, đối với các pháp, chẳng biết chẳng thấy.

Xá Lợi Tử hỏi: Đối với những pháp nào mà chẳng biết chẳng thấy?

Phật dạy: Đối với sắc, chẳng biết, chẳng thấy, đối với thọ, tưởng, hành, thức, chẳng biết, chẳng thấy; cho đến đối với trí nhất thiết tướng, chẳng biết, chẳng thấy. Do đối với với các pháp, chẳng biết, chẳng thấy, nên đọa vào trong đám phàm phu ngu si, chẳng thể thoát ra được.

Xá Lợi Tử hỏi: Họ ở nơi nào mà chẳng thể thoát ra được?

Phật dạy: Họ ở cõi Dục, chẳng thể thoát ra được; ở cõi Sắc, chẳng thể thoát ra được; ở cõi Vô sắc, chẳng thể thoát ra được. Do chẳng thể thoát ra được, nên đối với pháp Thanh-văn, chẳng thể thành tựu được; đối với pháp Độc-giác, chẳng thể thành tựu được; đối với pháp Bồ-tát, chẳng thể thành tựu được; đối với với pháp Như Lai, chẳng thể thành tựu được. Do chẳng thành tựu được, nên chẳng thể tin tưởng, thọ trì.

Xá Lợi Tử hỏi: Họ đối với pháp nào mà chẳng thể tin tưởng, thọ trì?

Phật dạy: Đối với cái không của sắc, họ chẳng thể tin tưởng, thọ trì; đối với cái không của thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thể tin tưởng, thọ trì; cho đến đối với cái không của trí nhất thiết tướng, chẳng thể tin tưởng, thọ trì. Do chẳng thể tin tưởng, thọ trì, nên chẳng thể an trụ.

Xá Lợi Tử hỏi: Đối với những pháp nào, họ chẳng thể an trụ?

Phật dạy: Đó là chẳng thể an trụ bốn niệm trụ, chẳng thể an trụ bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo; chẳng thể an trụ bố thí Ba-la-mật-đa; chẳng thể an trụ tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa; chẳng thể an trụ bực Bất thối chuyển; chẳng thể an trụ năm loại mắt; chẳng thể an trụ sáu phép thần thông; chẳng thể an trụ mười lực của Phật; chẳng thể an trụ bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Do đó nên gọi là phàm phu ngu si, vì đối với các pháp chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử hỏi: Đối với pháp nào mà họ chấp trước là có tánh?

Phật dạy: Xá Lợi Tử! Đối với sắc, họ chấp trước là có tánh; đối với thọ, tưởng, hành, thức, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với nhãn xứ, họ chấp trước là có tánh; đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ, chấp trước là có tánh. Đối với sắc xứ, chấp trước là có tánh; đối với thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới và nhãn xúc cùng các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, họ chấp trước là có tánh; đối với nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới và nhĩ xúc cùng các thọ do nhĩ xúc làm duyên sanh ra, chấp trước là có tánh; đối với tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới và tỷ xúc cùng các thọ do tỷ xúc làm duyên sanh ra, chấp trước là có tánh; đối với thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới và thiệt xúc cùng các thọ do thiệt xúc làm duyên sanh ra, chấp trước là có tánh; đối với thân giới, xúc giới, thân thức giới và thân xúc cùng các thọ do thân xúc làm duyên sanh ra, chấp trước là có tánh; đối với ý giới, pháp giới, ý thức giới và ý xúc cùng các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với địa giới, họ chấp trước là có tánh; đối với thủy, hỏa, phong, không, thức giới, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với Dục giới, họ chấp trước là có tánh; đối với Sắc, Vô sắc giới, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với Thánh đế khổ, họ chấp trước là có tánh; đối với Thánh đế tập, diệt, đạo, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với vô minh, họ chấp trước là có tánh; đối với hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với tham, sân, si, họ chấp trước là có tánh; đối với các kiến thủ, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với bốn tịnh lự, họ chấp trước là có tánh; đối với bốn vô lượng, bốn định vô sắc, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với Bốn niệm trụ, họ chấp trước là có tánh; đối với bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với bố thí Ba-la-mật-đa, họ chấp trước là có tánh; đối với tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với năm loại mắt, họ chấp trước là có tánh; đối với sáu phép thần thông, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Đối với mười lực của Phật, họ chấp trước là có tánh; đối với bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, chấp trước là có tánh.

Xá Lợi Tử! Kẻ phàm phu ngu si vì đối với các pháp chấp trước là có tánh, nên đối với cái không của các pháp, chẳng thể tin tưởng, thọ trì. Do chẳng tin tưởng, nên chẳng thể thành tựu thánh pháp của Thanh-văn, Độc-giác, Bồ-tát, Như Lai đã có. Cho nên đối với thánh pháp, chẳng thể an trụ.

Vì vậy, Xá Lợi Tử, các đại Bồ-tát muốn học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, muốn thành tựu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, nên lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên như vậy mà học.

Lúc bấy giờ, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có đại Bồ-tát nào đã học như vậy mà chẳng phải là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu được trí nhất thiết trí chăng?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Có đại Bồ-tát tuy học như vậy, nhưng chẳng phải là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử hỏi: Bạch Thế Tôn! Do duyên gì có đại Bồ-tát tuy học như vậy nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thành tựu trí nhất thiết trí?

Phật dạy: Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa, phân biệt chấp trước; đối với tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa, phân biệt chấp trước thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy nhưng chẳng phải là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí. Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với sắc, phân biệt chấp trước; đối với thọ, tưởng, hành, thức phân biệt chấp trước thì đại Bồ-tát như vậy, tuy đã học như vậy, nhưng chẳng phải là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát, không có phương tiện thiện xảo, đối với nhãn xứ, phân biệt chấp trước; đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với sắc xứ, phân biệt chấp trước; đối với thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới và nhãn xúc cùng các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới và nhĩ xúc cùng các thọ do nhĩ xúc làm duyên sanh ra, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới và tỷ xúc cùng các thọ do tỷ xúc làm duyên sanh ra, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới và thiệt xúc cùng các thọ do thiệt xúc làm duyên sanh ra, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với thân giới, xúc giới, thân thức giới và thân xúc cùng các thọ do thân xúc làm duyên sanh ra, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với ý giới, pháp giới, ý thức giới và ý xúc cùng các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với địa giới, phân biệt chấp trước, đối với thủy, hỏa, phong, không, thức giới, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với Thánh đế khổ, phân biệt chấp trước, đối với Thánh đế tập, diệt, đạo, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với vô minh, phân biệt chấp trước, đối với hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với bốn tịnh lự, phân biệt chấp trước, đối với bốn vô lượng, bốn định vô sắc, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với bốn niệm trụ, phân biệt chấp trước, đối với bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với năm loại mắt, phân biệt chấp trước, đối với sáu phép thần thông, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, đối với mười lực của Phật, phân biệt chấp trước; đối với bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bị, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, phân biệt chấp trước, thì đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử! Vì nhân duyên ấy, có đại Bồ-tát tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Xá Lợi Tử hỏi: Có phải đại Bồ-tát như vậy, tuy học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí chăng?

Phật dạy: Đúng vậy, đại Bồ-tát học như vậy, nhưng chẳng phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nên chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, thì có thể thành tựu trí nhất thiết trí?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng thấy Bát-nhã-ba-la-mật-đa, cho đến chẳng thấy trí nhất thiết tướng là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, thì có thể thành tựu trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Xá Lợi Tử hỏi: Đại Bồ-tát ấy, lấy vô sở đắc của pháp nào làm phương tiện?

Phật dạy: Đại Bồ-tát ấy, lấy vô sở đắc của bố thí Ba-la-mật-đa làm phương tiện; lấy vô sở đắc của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, làm phương tiện; cho đến lấy vô sở đắc mười lực của Phật làm phương tiện; lấy vô sở đắc của bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng làm phương tiện.

Xá Lợi Tử hỏi: Đại Bồ-tát ấy, khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, vì sao lấy vô sở đắc làm phương tiện?

Phật dạy: Đại Bồ-tát ấy, khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, vì không nội nên lấy vô sở đắc làm phương tiện; cho đến vì không vô tánh tự tánh, nên lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Xá Lợi Tử! Đại Bồ-tát như vậy khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, là học Bát-nhã-ba-la-mật-đa, thì có thể thành tựu trí nhất thiết trí.

 

Quyển thứ 41

Hết

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]