Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Quyển Thứ Tư

08/11/201408:22(Xem: 4102)
4. Quyển Thứ Tư

Mật Tạng Bộ 2_ No.997 (Tr.539_Tr.543)

 

KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI

_QUYỂN THỨ TƯ_

 

Hán dịch: Đời Đường_Nước Kế Tân_ Tam Tạng Sa Môn BÁT NHÃ cùng với MÂU NI THẤT LỢI dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

NHẬP VÀO ĐẠI BI CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI

_PHẨM THỨ TƯ_

 

Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nguyện xin Đức Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác vì con tuyên nói chư Phật Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển

Thế Tôn! Đại Bi của Như Lai có bao nhiêu loại? Dùng cái gì làm Tướng? Dùng cái gì làm Nhân? Dùng cái gì làm Duyên? Trụ ở chỗ nào?

Lành thay Thế Tôn! Nguyện xin vì con tuyên nói đầy đủ với nói sự nghiệp hiện chứng Nhất Thiết Trí Trí của Như Lai”

Khi ấy, Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện Nam Tử khéo hay thưa hỏi nghĩa sâu xa như vậy. Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói tướng một giọt nước trong Môn Biển Đại Bi của chư Phật Như Lai

Này Thiện Nam Tử! Tất cả Như Lai đối với chúng sinh, hết thảy Đại Bi chẳng sinh chẳng diệt. Tại sao thế? Vì Đại Bi của Như Lai thường hằng chẳng đứt đoạn, không có lúc nào chẳng chuyển. Do ở vô lượng a tăng kỳ kiếp gom tập viên mãn các Công Đức cho nên không có đi, không có đến, thường hằng chẳng buông bỏ tất cả chúng sinh thảy đều hộ niệm mà nhiếp thọ, cho nên Đại Bi của Như Lai vô lượng vô biên không có cùng tận, thâm sâu, thâm sâu chẳng thể nghĩ bàn, bền chắc mạnh bén khó hiểu khó vào, chẳng phải là nơi mà ngôn ngữ có thể tuyên nói. Tại sao thế? Thiện Nam Tử! Ví như Như Lai (Tathāgata) được Đại Bồ Đề (Mahā-bodhi) đối với các chúng sinh khởi Tâm Đại Bi cũng lại như vậy.

Thế nào là Như Lai được nơi Bồ Đề? Thiện Nam Tử! Đức Phật được Bồ Đề không có gốc rễ, không có chỗ trụ.

Thế nào là gốc rễ? Thế nào là chỗ trụ? Thân Kiến (Satkaya-dṛṣṭi) là gốc rễ, Vọng Tưởng (Vikalpa) là chỗ trụ. Nhưng Thân Kiến, Vọng Tưởng cùng với Bồ Đề bình đẳng, vì bình đẳng cho nên nói Bồ Đề không có gốc rễ, không có chỗ trụ. Y theo nghĩa này mà Đức Phật được Bồ Đề. Tất cả chúng sinh chẳng biết không có gốc rễ, không có chỗ trụ. Vì muốn cho họ giác ngộ như thật, thế nên Như Lai duyên khắp chúng sinh mà khởi Đại Bi.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Đề vắng lặng (tịch tĩnh), gần gũi vắng lặng (thân cận tịch tĩnh)

Nói vắng lặng (tịch tĩnh) tức là ở bên trong, gần gũi vắng lặng (thân cận tịch tĩnh) tức là ở bên ngoài. Tại sao thế? Vì con mắt (nhãn) trống rỗng (śūnya: không), cái Ta (ngã) trống rỗng, cái của Ta (ngã sở) cũng trống rỗng. Tính (Prakṛti:Thể thật của sự vật) như vậy cho nên gọi là vắng lặng (tịch tĩnh)

Lỗ Tai (nhĩ) trống rỗng, cái lưỡi (tỵ) trống rỗng, cái thân trống rỗng, ý trống rỗng, cái Ta trống rỗng, cái của Ta cũng trống rỗng. Tính như vậy cho nên gọi là vắng lặng (tịch tĩnh)

Do con mắt trống rỗng cho nên chẳng đi theo cảnh của hình sắc (sắc cảnh), thế nên gọi là gần gũi vắng lặng (thân cận tịch tĩnh)

Do con mắt, lỗ tai, lỗ mũi, cái thân, Ý trống rỗng cho nên chẳng đi theo cảnh của âm thanh (thanh), mùi ngửi (hương), vị nếm (vị), tiếp chạm (xúc), Pháp (Pháp trần)… thế nên gọi là gần gũi vắng lặng (thân cận tịch tĩnh)

Chúng sinh chẳng biết vắng lặng (tịch tĩnh), gần gũi vắng lặng (thân cận tịch tĩnh) như vậy. Vì muốn khiến cho họ biết, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bản Tính của Bồ Đề là ánh sáng trong sạch (thanh tịnh quang minh). Tại sao thế? Vì Tính thật của Tâm vốn trong sạch (thanh tịnh).

Thế nào là trong sạch (thanh tịnh)? Vì Tính ( Prakṛti) không có hợp, giống như Tính của Hư Không vốn trong sạch, cũng như Hư Không không có Tướng, cũng như Tính của Hư Không vốn bình đẳng. Thế nên Bồ Đề gọi là ánh sáng trong sạch cùng tột (tối cực thanh tịnh quang minh). Phàm phu ấu trĩ ngu muội chẳng thể hiểu biết ánh sáng trong sạch (tịnh quang minh) này do bị Khách Trần phiền não che lấp. Vì muốn khiến cho chúng sinh giác ngộ như thật, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Đề không có lấy bỏ (vô thủ xả). Tại sao thế? Buông bỏ (xả) bờ sinh tử, cắt ngang dòng nước chảy xiết (bộc lưu), đến ở bờ bên kia thì gọi là lấy bỏ (thủ xả). Như Lai vào sâu trong Đệ Nhất Nghĩa Đế (Paramārtha-satya) chẳng thấy bờ bên này, chẳng thấy bờ bên kia. Do tất cả Pháp không có bên kia (bỉ) bên này (thử), thế nên Bồ Đề không có lấy bỏ. Phàm phu chẳng biết không có lấy bỏ, vì muốn khiến cho họ biết điều này, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Đề không có Tướng, cũng không có quán sát.

Thế nào là không có Tướng?. Ấy là Nhãn Thức (Cakṣu-vijñāna: sự nhận biết của con mắt) chẳng thể đắc được vậy.

Thế nào gọi là không có quán sát? Vì Nhãn Thức đối với hình sắc không có phân biệt.

Như vậy Nhĩ Thức (Śrotra-vijñāna: sự nhận biết của lỗ tai) chẳng thể đắc được, cho nên gọi là không có tướng. Nhĩ Thức đối với âm thanh, chẳng phân biệt, cho nên gọi là không có quán sát.

Tỵ Thức (Ghrāṇa-vijñāna: sự nhận biết của lỗ mũi) chẳng thể đắc được, cho nên gọi là không có tướng. Tỵ Thức đối với mùi ngửi, chẳng phân biệt, cho nên gọi là không có quán sát.

Thiệt Thức (Jihva-vijñāna: sự nhận biết của cái lưỡi) chẳng thể đắc được, cho nên gọi là không có tướng. Thiệt Thức đối với vị nếm, chẳng phân biệt, cho nên gọi là không có quán sát.

Thân Thức (Kāya-vijñāna: sự nhận biết của cái thân) chẳng thể đắc được, cho nên gọi là không có tướng. Thân Thức đối với sự tiếp chạm, chẳng phân biệt, cho nên gọi là không có quán sát.

Ý Thức (Mano-vijñāna: sự nhận biết của cái lưỡi) chẳng thể đắc được, cho nên gọi là không có tướng. Ý Thức đối với Pháp, chẳng phân biệt, cho nên gọi là không có quán sát.

Không có Tướng, không có quán sát như vậy là cảnh của bậc Thánh (Ārya) vượt qua ba cõi, cho nên chẳng phải là chỗ hay biết của kẻ phàm tiểu (Phàm Phu và người của Tiểu Thừa). Vì muốn khiến cho họ hiểu biết như thật, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Đề chẳng phải là quá khứ, chẳng phải là hiện tại, chẳng phải là vị lai, Tam Tế (ba đời) bình đẳng, chặt đứt hết ba Luân (Cảnh đã biết, Trí hay biết, người hay biết).

Thế nào gọi là chặt đứt hết ba Luân? Đối với Tâm quá khứ kia, chẳng khởi. Đối với Thức (sự nhận thức) vị lai kia, chẳng hành. Đối với Ý hiện tại, chẳng làm. Tâm, Ý, Thức này không có chỗ trụ.

Thế nào gọi là Tam Tế bình đẳng? Việc quá khứ chẳng thể nghĩ lường, Thức vị lai chẳng thể tuyên bày, Ý hiện tại chẳng thể nói

Chúng sinh chẳng biết Tam Tế bình đẳng, ba Luân thanh tịnh thâm sâu như vậy. Vì muốn khiến cho họ giác ngộ như thật, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Đề không có thân, Bồ Đề không có tạo làm (vô vi).

Thế nào là không có thân? Ấy là Nhãn Thức (sự nhận thức của con mắt) chẳng thể biết. Như vậy sự nhận thức của cái tai, lỗ mũi, cái lưỡi, cái thân, cái Ý chẳng thể biết

Thế nào là không có tạo làm (vô vi)? Vì không có sinh, không có diệt cũng không có trụ cho nên nói Vô Vi xa lìa ba tướng. Như tướng của Vô Vi, tướng của Hữu Vi cũng lại như vậy. Tại sao thế? Vì Tính của tất cả các Pháp như vậy. Tính của Vô Tính (Niḥsvabhātva, Niḥsvabhāva, hay Asvabhāva), Tính này chẳng phải là không có. Hai cái không có hai này là Tính của Bồ Đề. Phàm phu ấu trĩ ngu muội chẳng chẳng hiểu chẳng biết Tướng của không có thân với không có tạo làm (vô vi) như vậy. Vì muốn khiến cho hiểu biết, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Đề chẳng thể hoại, không có dấu vết của chỗ đã chứng (vô sở chứng tích)

Thế nào là chỗ đã chứng (sở chứng) với chẳng thể hoại? Ấy là: Chân Như (Bhūta-tathatā hay Tathatā) là dấu vết của chỗ đã chứng, do không có chỗ trụ cho nên chẳng thể hoại

Pháp Giới (Dharma-dhātu) là chỗ đã chứng (sở chứng), do không có mọi loại cho nên chẳng thể hoại.

Thật Tế (Bhūta-koṭi) là chỗ đã chứng (sở chứng), do chẳng thể động cho nên chẳng thể hoại.

Không Môn (Śūnyatā) là chỗ đã chứng (sở chứng), do chẳng thể đắc được cho nên chẳng thể hoại.

Không có Tướng (Animitta: Vô Tướng) là chỗ đã chứng (sở chứng), do không có phân biệt cho nên chẳng thể hoại.

Không có Nguyện (Apraṇihita: Vô Nguyện) là chỗ đã chứng (sở chứng), do chẳng thể mong cầu cho nên chẳng thể hoại.

Không có chúng sinh là chỗ đã chứng (sở chứng), do không có Bản Tính cho nên chẳng thể hoại.

Hư Không (Gagana, hay Ākāśa) là chỗ đã chứng (sở chứng), do chẳng thể chọn lấy cho nên chẳng thể hoại.

Không có sinh là chỗ đã chứng (sở chứng), do không có diệt cho nên chẳng thể hoại.

Không có tạo làm (vô vi) là chỗ đã chứng (sở chứng), do không có các Hành cho nên chẳng thể hoại.

Bồ Đề (Bodhi) là chỗ đã chứng (sở chứng), do đối với vắng lặng (tịch tĩnh) gần gũi vắng lặng  cho nên chẳng thể hoại.

Niết Bàn (Nirvāṇa) là chỗ đã chứng (sở chứng), do vốn không có sinh cho nên chẳng thể hoại.

Chúng sinh chẳng biết dấu vết của nơi đã chứng với chẳng thể hoại như vậy. Vì muốn khiến cho giác ngộ, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Đề chẳng thể dùng Thân đắc được, chẳng thể dùng Tâm đắc được. Tại sao thế? Vì Thân không có biết, Tâm thì như  huyễn. Như vậy biết chính đúng thì gọi là Bồ Đề, tùy thuận Thế Đế (Saṃvṛti-satya:Chân lý của Thế Gian) nói có Bồ Đề. Nên biết Thể của Bồ Để chẳng thể đắc được, không thể nói được. Nơi nào chẳng thể đắc được? Hoặc Thân, hoặc Tâm, hoặc Lý, hoặc Phi Lý (chẳng phải là Lý), hoặc không có, hoặc có, hoặc thật, hoặc hư giả… đều chẳng thể đắc được.

Thể nào là chẳng thể nói được? Vì mọi loại phương tiện cũa tất cả Pháp chẳng thể hiển nói Bồ Đề này, cho nên không có chút phần để trụ nơi Pháp. Do không có trụ cho nên chẳng phải là cảnh giới của văn tự, ngôn thuyết… ví như Hư Không không có chỗ trụ, chẳng thể tuyên nói. Bồ Đề cũng thế, không có trụ, không có nói. Đức Như Lai như thị như thật quán sát các Pháp đều chẳng thể nói được. Tại sao thế? Vì trong tất cả Pháp không có ngữ ngôn, trong các ngữ ngôn cũng không có Pháp. Như Diệu Pháp (Sad-dharma) này thì tất cả chúng sinh chẳng hiểu chẳng biết. Vì muốn khiến cho hiểu biết, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Đề chẳng thể chọn lấy, không có chỗ nương dựa

Thế nào là chẳng thể chọn lấy? Thế nào là không có chỗ nương dựa? Ấy là con mắt (Cakṣu: nhãn) chẳng thể đắc được, cho nên chẳng thể chọn lấy. Hình sắc (Rūpa:sắc) chẳng thể đắc được, cho nên không có chỗ nương dựa.

Lỗ tai (Śrotra: nhĩ) chẳng thể đắc được, cho nên chẳng thể chọn lấy. Âm thanh (Śabda:thanh) chẳng thể đắc được, cho nên không có chỗ nương dựa.

Lỗ mũi (Ghrāṇa: tỵ) chẳng thể đắc được, cho nên chẳng thể chọn lấy. Mùi ngửi (Gandha: hương) chẳng thể đắc được, cho nên không có chỗ nương dựa.

Cái lưỡi (Jihva:thiệt) chẳng thể đắc được, cho nên chẳng thể chọn lấy. Vị nếm (Rasa:vị) chẳng thể đắc được, cho nên không có chỗ nương dựa.

Cái thân (Kāya:thân) chẳng thể đắc được, cho nên chẳng thể chọn lấy. Sự tiếp chạm (Spraṣṭavya:xúc) chẳng thể đắc được, cho nên không có chỗ nương dựa.

Ý (Manojñā) chẳng thể đắc được, cho nên chẳng thể chọn lấy. Pháp (Dharma:Pháp) chẳng thể đắc được, cho nên không có chỗ nương dựa.

Đức Như Lai (Tathāgata) như vậy không có chọn lấy, không có nương dựa, cho nên ở Bồ Đề hiện Chính Đẳng Giác (Samyaksaṃbuddha)

Do con mắt không có chọn lấy, hình sắc không có chỗ nương dựa cho nên sự nhận thức (Vijñāna:Thức) không có nơi nương theo (Āsraya:sở y)

Do lỗ tai không có chọn lấy, âm thanh không có chỗ nương dựa cho nên sự nhận thức (Vijñāna) không có nơi nương theo

Do lỗ mũi không có chọn lấy, mùi ngửi không có chỗ nương dựa cho nên sự nhận thức (Vijñāna) không có nơi nương theo

Do cái lưỡi không có chọn lấy, vị nếm không có chỗ nương dựa cho nên sự nhận thức (Vijñāna) không có nơi nương theo

Do cái thân không có chọn lấy, sự tiếp chạm không có chỗ nương dựa cho nên sự nhận thức (Vijñāna) không có nơi nương theo

Do Ý không có chọn lấy, Pháp không có chỗ nương dựa cho nên sự nhận thức (Vijñāna) không có nơi nương theo

Do không có nơi nương theo (vô sở Y) cho nên sự nhận thức (Vijñāna:thức) không có chỗ trụ, tất cả chúng sinh hư vọng ngang ngạnh chấp sự nhận thức (Thức) có chỗ trụ.

Thế nào là chỗ mà Tâm Thức chúng sinh đã trụ? Đây có bốn loại, ấy là Sắc Uẩn (Rūpa-skandha), Thọ Uẩn (Vedanā-skandha), Tưởng Uẩn (Saṃjñā-skandha), Hành Uẩn (Saṃskāra-skandha) tức là chỗ mà sự nhận thức (Vijñāna: Thức) của chúng sinh đã trụ. Đức Như Lai hiểu rõ chỗ trụ của chúng sinh tức là không có chỗ trụ, tận cùng không có bờ mé trụ. Tất cả chúng sinh chẳng hiểu chẳng biết. Vì muốn khiến cho hiểu biết, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Nói Bồ Đề gọi là Thể Tính trống rỗng (Śūnya: không). Do Thể trống rỗng cho nên tức Bồ Đề trống rỗng, do Thể trống rỗng cho nên tất cả Pháp trống rỗng. Đức Như Lai như vậy như Thể trống rỗng ấy, ở tất cả Pháp hiện Chính Đẳng Giác. Do nghĩa này cho nên chẳng dùng Không Giác mà hiểu nơi trống rỗng. Đây tức gọi là một Trí của ba Bồ Đề (Thanh Văn Bồ Đề, Duyên Giác Bồ Đề, Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề).

Nói là: hoặc trống rỗng (Śūnya:Không), hoặc Bồ Đề (Bodhi)…chút phần không có hai. Trống rỗng với Bồ Đề chẳng thể phân biệt, cùng với tất cả Pháp cũng lại như vậy không có hai, không có hai tướng. Suy xét kỹ lưỡng, quán sát tất cả các Pháp không có tên gọi (Nāma:Danh), không có Tướng (Lakṣaṇa), không có Năng Hành (hay chủ động mà thực hành), cũng không có Sở Hành (đối tượng để thực hành), không có chỗ hướng đến, không có lời, không có nói, không có chấp giữ, không có chọn lấy. Đây gọi là trống rỗng (Śūnya: không), trong Đệ Nhất Nghĩa (chân lý tối cao của Phật Giáo) thì trống rỗng (Śūnya:không) cũng không thể đắc được mà chỉ có lời nói. Như nói hư không chỉ có trống rỗng, nói trống rỗng chẳng phải là cảnh của lời nói. Như vậy nói trống rỗng gọi là chẳng thể nói. Đây gọi là nhập vào tất cả Pháp Môn.

Nói là: tất cả Pháp không có Danh (Nāma: tên gọi thật) Tự (Akṣara:chữ, tên gọi giả). Ở trong không có tên gọi (vô danh) gắng gượng dùng tên gọi (danh) nói. Như vậy Danh Tự ở tất cả Pháp không có chỗ trụ. Tại sao thế? Vì y theo tất cả Tướng giả lập tên gọi (danh) ấy, Bản Tính của tướng vốn trống rỗng thì tên gọi y theo đâu mà lập?!... Đức Như Lai như vậy dùng Trí như thật biết tất cả Pháp. Ở đây, thế nào là biết (tri)? Cái biết (tri) từ xưa nay (bản lai) chẳng sinh, chẳng xuất ra, chẳng dấy lên (khởi), chẳng diệt, không có ngăn che, không có trở ngại, không có tướng, không có tạo làm… lìa Tâm Ý Thức, không có Danh Tự, không có âm thanh…. thấy biết như vậy mà được giải thoát. Giải thoát như vậy chẳng cột chẳng cởi, tại sao thế? Vì Tính bình đẳng, nhưng Phàm Phu chẳng hiểu chẳng biết. Vì muốn khiến cho họ hiểu biết như thật, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển

 

_Lại nữa Thiện Nam Tử! Bồ Đề, Hư Không bình đẳng. Bình Đẳng nhưng Hư Không ấy không có ngang bằng (vô đẳng), không có gì chẳng ngang bằng (vô bất đẳng). Bồ Đề cũng vậy, không có ngang bằng (đẳng), chẳng ngang bằng (bất đẳng). Tại sao thế? Vì các Pháp như thật, không có sinh, không có diệt cho nên tất cả Pháp không có ngang bằng (đẳng), chẳng ngang bằng (bất đẳng).

Đức Như Lai Như Thị như thật thấy biết không có ngang bằng (vô đẳng), chẳng ngang bằng (bất đẳng) cho nên ở các Pháp hiện Đẳng Chính Giác. Thế nên ở bên trong không có chút Pháp nói ngang bằng (đẳng) chẳng ngang bằng (bất đẳng), đối với tất cả Pháp như thật mà biết. Nên biết như thế nào? Biết tất cả Pháp không có gốc rễ (căn bản), không có sinh, không có diệt. Tất cả các Pháp xưa không có, nay có… đã rồi trở lại không có. Cái ấy không có sinh cũng không có diệt, như vậy sinh diệt theo Nhân Duyên sinh, theo Nhân Duyên chuyển. Trong đây không có chút Pháp có thể chuyển. Như Lai vì chặt đứt con đường sinh tử nguy hiểm lâu dài, cho nên nói Pháp Như Thị Như Thật. Tất cả chúng sinh chẳng hiểu chẳng biết chặt đứt con đường sinh tử, cũng lại chẳng biết Pháp Tính bình đẳng với chẳng bình đẳng. Vì muốn khiến cho họ hiểu biết như thật, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Chỗ mà Bồ Đề đã chứng tức là Như Như (Tathā). Như Bồ Đề, như hình sắc cũng như vậy, nơi Đệ Nhất Nghĩa chẳng một chẳng khác (bất tức bất ly).

Như Bồ Đề như thật (Tathā:Như, như như, như thật, Bản Tính của tất cả sự vật chân thật chẳng biến đổi), ở Thọ (Vedanā), Tưởng (Saṃjñā), Hành (Saṃskāra), Thức (Vijñāna) như thật (Tathā) cũng chẳng một chẳng khác.

Như Bồ Đề như thật (Tathā), nơi Địa Giới (Pṛthivi-dhātu) như thật (Tathā)… Thủy Giới (Ab-dhātu), Hỏa Giới (Tejo-dhātu), Phong Giới (Vāyu-dhātu) như thật (Tathā) cũng chẳng một chẳng khác.

Như Bồ Đề như thật (Tathā), nơi Nhãn Giới (Cakṣu-dhātu), Sắc Giới (Rūpa-dhātu), Nhãn Thức Giới (Cakṣu-vijñāna-dhātu) như thật (Tathā) cũng chẳng một chẳng khác

Như Bồ Đề như thật (Tathā), nơi Nhĩ Giới (Śrotra-dhātu), Thanh Giới (Śabda-dhātu), Nhĩ Thức Giới (Śrotra-vijñāna-dhātu) như thật (Tathā), cho đến Ý Giới (Mano-dhātu), Pháp Giới (Dharma-dhātu), Ý Thức Giới (Mano-vijñāna-dhātu) như thật (Tathā) cũng chẳng một chẳng khác

Như vậy các Uẩn (Skandha) với nhóm Giới (Dhātu), Xứ (Āyatana) cũng chẳng một chẳng khác (bất tức bất ly)

Đức Như Lai xứng như thật (Tathā) biết tất cả Pháp, thế nên hiện tiền thành Đẳng Chính Giác (Samyaksaṃbuddha), xứng với Tính, Tướng, Đẳng Chính Giác. Như hiện tại, như quá khứ, vị lai cũng lại như vậy… mé trước (tiền tế) chẳng sinh, mé sau (hậu tế) chưa đến, mé giữa (trung tế) vắng lặng. Bình Đẳng như vậy tức là chỗ mà Bồ Đề chân thật đã chứng. Chỗ chứng như vậy, một Pháp chẳng khác tất cả Pháp, tất cả Pháp chẳng khác một Pháp. Do trong như thật hoặc một, hoặc hai, hoặc lại nhiều Pháp đều chẳng thể đắc được. Chúng sinh Phàm Phu chẳng hiểu chẳng biết chỗ chứng như vậy, Ta sẽ khiến cho họ hiểu, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Đề không có tướng, khéo vào các tướng

Thế nào là Tướng? Thế nào là không có Tướng? Trong đây, Tướng là bắt đầu tu khởi tất cả Thiện Pháp. Nói không có Tướng là tất cả Pháp đều chẵng thể đắc được.

Lại nữa, Tướng là nơi mà Tâm không có trụ (vô trụ Tâm) đã trụ. Nói không có Tướng tức là Vô Tướng Tam Muội Giải Thoát

Lại nữa, Tướng là Pháp của Tâm (Citta), Tâm Sở (Caitasika) cân lường quán sát tất cả các Pháp. Nói không có Tướng là vượt qua chỗ cân lường, tùy theo nhận thức (Vijñāna: Thức) gây tạo Nghiệp (Karma)

Lại nữa, Tướng là đối với Pháp Hữu Vi (Saṃskṛta) quán sát tinh tế rõ ràng. Nói không có Tướng là đồi với Pháp Vô Vi (Asaṃskṛta) hiện chứng tương ứng.

Phàm Phu chẳng hiểu Môn Tướng, Vô Tướng thâm sâu như vậy, Ta sẽ khiến cho họ hiểu, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Đề không có chảy rỉ (vô lậu), không có Uẩn phiền não. Trong đây, thế nào là chảy rỉ (Āsrava: lậu, tên gọi riêng của phiền não), không có chảy rỉ (Anāsvara:Vô Lậu). Lậu (chảy rỉ) có bốn loại là Dục Lậu (phiền não của cõi Dục), Hữu Lậu (phiền não của cõi Sắc, cõi Vô Sắc), Vô Minh Lậu (gọi chung cho vô minh của ba cõi), Kiến Lậu (phiền não của quan niệm thấy biết). Đối với bốn Lậu này thảy đều xa lìa cho nên gọi là Vô Lậu

Thế nào gọi là không có Uẩn phiền não? Vì xa lìa bốn loại Uẩn phiền não là xa lìa Dục Uẩn, xa lìa Tà Kiến Uẩn, xa lìa Ngã Kiến Uẩn, xa lìa Giới Cấm Thủ Uẩn. Bốn phiền não này đều bị Vô Minh đen tối che lấp, mù quáng không có con mắt Trí. Bị sự ham muốn, tham lam, khát ái (Tṛṣṇa: yêu thích năm Dục) sai khiến thiêu cháy, gom chứa dựng lập cho nên gọi là Uẩn (Skandha)

Đức Như Lai biết nhóm Ngã Kiến này hoặc không có gốc rễ, xưa nay thanh tịnh, cũng tùy thuận biết chúng sinh thanh tịnh. Nếu Ta thanh tịnh, nếu chúng sinh thanh tịnh không có hai, không có hai tướng. Không có hai tướng này tức là nghĩa không có sinh (vô sinh), nghĩa không có sinh này tức là nghĩa không có diệt (vô diệt). Ở trong không có sinh, không có diệt này nhóm Tâm Ý Thức thảy đều chẳng chuyển. Nơi Tâm Ý Thức chẳng chuyển này chẳng sinh phân biệt. Nếu có phân biệt tức Pháp sinh tử sinh ra, nếu không có phân biệt tức Pháp giải thoát sinh ra. Nếu Pháp giải thoát sinh ra tức Vô Minh (Avidya) chẳng dấy lên, nếu Vô Minh chẳng dấy lên tức mười hai Hữu Chi (12 nhân duyên) chẳng sinh ra, nếu mười hai Hữu Chi chẳng sinh ra tức là không có sinh, nếu không có sinh tức là giải thoát (Vimukti), nếu giải thoát tức là liễu nghĩa (Nītārtha:trực tiếp hiện rõ nghĩa của Pháp), liễu nghĩa tức là Đệ Nhất Nghĩa Đế (Paramārtha-satya)

Thế nào gọi là Đệ Nhất Nghĩa Đế? Ấy là không có cái Ta (vô ngã), nếu không có cái Ta tức chẳng thể nói, nếu chẳng thể nói tức là nghĩa của nhân duyên hòa hợp, Như nghĩa của nhân duyên hòa hợp tức là nghĩa của tất cả Pháp, nghĩa của tất cả Pháp tức là nghĩa của Như Lai. Do nghĩa này cho nên nếu thấy Pháp của nhân duyên hòa hợp tức thấy các Pháp, nếu thấy các Pháp tức thấy Như Lai. Như vậy trong Chân Kiến Đệ Nhất Nghĩa quán sát tinh tế rõ ràng, chẳng thấy chút phần

Thế nào là chút phần? Ấy là quán sát, tùy theo Tâm quán sát, thấy chân thật ấy thì gọi là chân thật kiến, như vậy mà biết các Pháp bình đẳng, thế nên Như Lai hiện Đẳng Chính Giác. Chúng sinh Phàm Phu chẳng hiểu chẳng biết không có chảy rỉ (vô lậu), không có Uẩn phiền não này thì Ta sẽ khiến cho họ hiểu, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi tùy chuyển.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ đề thanh tịnh, không có dơ bẩn (vô cấu), không có xứ sở. Trong đây Pháp nào gọi là thanh tịnh? Thế nào là không dơ bẩn? Thế nào lại gọi là không có xứ sở? Ấy là: trống rỗng (Śūnyatā: Không Môn) tức thanh tịnh, không có tướng (Animitta:vô tướng) tức là không có dơ bẩn, không có nguyện (Apraṇihita:vô nguyện) tức không có xứ sở.

Không có sinh tức là thanh tịnh, không có lưu chuyển tạo ứng (vô hành) tức là không có dơ bẩn, không có dấy lên (vô khởi) tức không có xứ sở.

Bản Tính của các Pháp tức là thanh tịnh, truy cứu đến cùng thì thanh tịnh tức là không có dơ bẩn, ánh sáng của Bản Tính tức không có xứ sở.

Thể chẳng thể nói tức là thanh tịnh, Thể không có phân biệt tức là không có dơ bẩn, lìa lời nói lặng yên tức không có xứ sở.

Chân Đế (Paramārtha) thanh tịnh, Pháp Tính (Dharmatā) không có dơ bẩn, bờ mé của chân thật tức không có xứ sở.

Biết Uẩn (Skandha)  thanh tịnh, biết Bản Tính của Giới (Dhātu) tức là không có dơ bẩn, biết Nhập (Āyatana) xa lìa tức không có xứ sở.

Biết Trí cùng tận ở quá khứ thanh tịnh, biết Trí không có sinh ở vị lai tức là không có dơ bẩn, biết trụ xứ của Pháp giới ở hiện tại tức không có xứ sở.

Có nhóm như vậy là nghĩa của thanh tịnh, không có dơ bẩn, không có xứ sở thảy  đều nhập vào trong một chỗ chứng (sở chứng)

Nói chỗ chứng tức là vắng lặng, vắng lặng tức là tịch diệt, tịch diệt tức là thân chứng, thân chứng tức là không có tướng, không có tướng tức Thắng Nghĩa Đế, Thắng Nghĩa Đế tức là tướng của Hư Không, như Tướng của hư không tức tướng của Bồ Đề cũng lại như vậy. Như Tướng của Bồ Đề, tướng của tất cả Pháp cũng lại như vậy. Như tất cả Pháp, tất cả chúng sinh cũng lại như vậy. Như các chúng sinh, tất cả cõi Phật cũng lại như vậy. Như tất cả cõi nước, Đại Bát Niết Bàn cũng lại như vậy. Thế nên Ta nói tất cả các Pháp tức là tướng của Niết Bàn. Đây là tướng thật tế rốt ráo, không có tướng đối, vô thủy thanh tịnh, xưa nay không có dơ bẩn, từ gốc trở đi không có xứ sở.

Đức Như Lai như vậy ở mọi loại sắc tướng của nhóm như vậy, thấy không có sắc tướng cho nên ở các Pháp hiện Đẳng Chính Giác. Đẳng Chính Giác xong quán khắp mười phương, thấy các chúng sinh trự ở chỗ chẳng trong sạch, dấy lên nơi dơ bẩn, chấp dính xứ sở, liền đối với chúng sinh khắp đều phát khởi Du Hý Đại Bi, dùng phương tiện khéo muốn chuyển bánh xe Pháp rồi nhớ đến Phạm Vương, đời vị lai chân thành cầu thỉnh”

 

Khi ấy, Thi Diệp Đại Phạm Thiên Vương (Śikhi) biết điều mà Đức Phật nghĩ đến, cùng với 84 ức vị Trời là quyến thuộc của cõi Phạm Thiên, trước sau vây quanh, ở Phạm Cung (Brahma-pūra) ẩn mất, hiện ra trước mặt Đức Phật, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Nguyện xin Đức Thế Tôn (Bhagavaṃ) chuyển bánh xe Pháp. Nguyện xin Đấng Thiện Thệ (Sugata) chuyển bánh xe Pháp”

Liền nói Kệ rằng:

 “_Chỗ Như Lai chứng rất vắng lặng

Thanh tịnh, không dơ, sáng màu nhiệm

Chẳng thể tuyên nói, không tên, lời (danh ngôn)

Phật Tịnh Trí Tuệ (Trí Tuệ trong sạch của Phật) Đức cùng tột

Vì Kinh này, ở nhiều ức Kiếp

Khổ Hạnh (Duḥskara-caryā) khó hành, trải qua hết

Vô thủy: Si (Moha:ngu si), Ái (Tṛṣṇa:yêu mến), Ngã (Ātma:cái Ta), tùy miên (Anuśaya: tên gọi khác của phiền não)

Chúng sinh điên đảo, khiến giác ngộ

_Chúng sinh Hội này nhiều thiện lợi

Xưa ở chỗ Phật đã tu Nhân (Hetu)

Nguyện xin rộng mở cửa Cam Lộ (Amṛta-mukha)

Chuyển Tối Thắng Luân lợi Hàm Thức (Satva: hữu tình, chúng sinh)

Họ sẽ giác ngộ Pháp tối thượng

Nghiền nát quân Ma không dư sót

Dẫn dắt chúng sinh trong đường Tà

Trụ đường chân chính của Như Lai

_Đại Bi Như Lai là tối thượng

Vì lợi tất cả, chẳng nghĩ bàn

Nay con khuyến thỉnh Thiên Nhân Sư (Śāstā-deva-manuṣyānāṃ:Thầy của hàng Trời, Người)

Chuyển nơi Pháp vi diệu tối thượng

Như Phật Câu Lưu Tôn (Krakucchanda) đã chuyển

Cũng như Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanaka-muṇi)

Ca Diếp Thiện Thệ (Kāśyāpa-sugata) chuyển Pháp Luân (Dharma-cakra: bánh xe Pháp)

Nay thỉnh Thế Tôn như vậy chuyển

_Ví như mây lớn tuôn mưa ngọt

Cỏ, thuốc, cây nát đều phát sinh

Nguyện Phật kéo mây Đại Từ Bi

Tuôn mưa Diệu Pháp khó nghĩ bàn

Như Lai mới sinh, sư tử hống (Siṃha-nāda: tiếng rống của Sư Tử)

Thề giải thoát khắp các hữu tình

Nguyện rưới nước Pháp đúng thời kỳ

Thỏa mãn Trời, Người khát ngưỡng sâu”

 

Này Thiện Nam Tử! Thi Diệp Phạm Vương nói Kệ thỉnh xong. Ở lúc đó, Ta nhận sự cầu thỉnh của Phạm Vương, chẳng buông bỏ Du Hý Đại Bi của Như Lai, ở trong Tiên Nhân Đạo Xứ Thí Lộc Lâm (Mṛgadāva:Rừng dành cho loài nai vui sống) trong thành Ba La Nại (Vārāṇasī), bắt đầu chuyển bánh xe Pháp vô thượng… nơi mà Sa Môn (Śramaṇa), hoặc Bà La Môn (Brāhmaṇa), hoặc Trời (Deva), Ma (Māra), Phạm (Brahma) chẳng thể chuyển. Khi chuyển bánh xe Pháp, khắp cả ba ngàn Đại Thiên Thế Giới đều nghe được, thời A Nhã Kiều Trần Như (Ājñāta-kauṇḍimya) đầu tiên nghe Pháp, ngộ giải (hiếu biết thấu tỏ) được Quả. Lúc đó, Ta nói Kệ rằng:

“Chẳng thể nói sâu xa

Thắng Nghĩa không văn tự

Ta nói Phi Vô Quả (chẳng phải là không có Quả)

Trần Như (Ājñāta-kauṇḍimya) mới ngộ giải”

Thiện Nam Tử! Khi Ta chuyển bánh xe Pháp, lại có vô lượng vô số chúng sinh đều ở Du Hý Đại Bi của Như Lai mà được điều phục, lại có vô lượng vô số chúng sinh phát Tâm Bồ Đề. Thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi thường chuyển.

Này Thiện Nam Tử! Đây là viên mãn đầy đủ mười sáu Đại Bi của Như Lai, thường trụ trong ấy thì chẳng mượn công dụng, nhậm vận (tự nhiên tùy thuận các Pháp mà vận làm) luôn luôn chuyển. Vì một chúng sinh, trải qua hằng sa Kiếp ở Đại Địa Ngục nhận chịu đủ mọi nỗi khổ mà chúng sinh này hoặc có điều phục, hoặc chưa điều phục. Cần thiết khiến cho điều phục rồi đặt ở trong Chính Pháp của Như Lai. Như vì một chúng sinh, vì tất cả chúng sinh ắt cũng như vậy. Như vậy trải qua, ở trong vô lượng Kiếp nhận chịu nỗi khổ của Địa Ngục không có mệt mỏi chán nản, Tâm Đại Bi cũng không có giảm thiếu, thế nên Như Lai đối với các chúng sinh, Đại Bi sâu nặng chẳng thể nghĩ bàn, Tâm Bi của Nhị Thừa như cắt bỏ lớp da bên ngoài, Tâm Bi của Bồ Tát như cắt bỏ mỡ thịt, Đại Bi của Như Lai tẩy trừ sâu đến xương tủy.

Lại nữa, tùy thuận Trí của PhậtThanh Văn Bi (tâm Bi của Thanh Văn), khuyên các chúng sinh phát Tâm Bồ Đề là Bồ Tát Bi (tâm Bi của Bồ Tát)

Thọ ký sẽ thành Phật là Như Lai Bi (tâm Bi của Như Lai), nhân vào Tâm Từ (Maitra-citta) dấy lên là Thanh Văn Bi, nhân hóa độ chúng sinh là Bồ Tát Bi

Nhân vào cứu cánh thành thục chúng sinh là Phật Đại Bi (Đại Bi của Phật), cầu chặt đứt sinh tử là Thanh Văn Bi, vận chuyển đưa chúng sinh đến ở bờ bên kia (bờ giải thoát) là Bồ Tát Bi

Khắp hay độ thoát tất cả sinh tử, tất cả phiền não đến ở bờ bên kia là Phật Đại Bi.  Chính vì thế cho nên biết Đại Bi của Như Lai rất ư tối thắng, vì muốn điều phục các chúng sinh, hoặc trải qua một Kiếp, hoặc lại trăm Kiếp, hoặc trăm ngàn Kiếp trụ lâu dài ở đời chẳng vào Cứu Cánh Vô Dư Niết Bàn

_Này Thiện Nam Tử! Cách đây lâu xa hơn a tăng kỳ Kiếp, lúc đó có Đức Phật hiện ra ở đời, tên là Chiên Đàn Xá Đa Đà A Già Độ A La Ha Tam Miểu Tam Phật Đà (Candana-ja  tathāgatāya  arhate  samyaksaṃbuddhāya: Chiên Đàn Như Lai Ứng Cúng Chính Đẳng Chính Giác), Thế Giới tên là Hữu Hương, Kiếp tên là Tối Thắng Hương, Đức Phật sống đến sáu mươi tám vạn bốn ngàn tuổi, số Đệ Tử Thanh Văn đã tập hội gồm có sáu mươi tám vạn bốn ngàn người. Trong các lỗ chân lông trên thân của Đức Như Lai ấy luôn luôn tuôn ra mùi thơm màu nhiệm tràn khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, tất cả xông ướp không có các uế ác. Tường vách, nhà cửa, cây cối, núi sông, mọi loại sắc tướng không có gì chẳng có mùi thơm, cho nên Thế Giới này có tên gọi là Hữu Hương. Chúng sinh trong cõi ấy ngửi thấy mùi thơm này thì ba nghiệp thanh tịnh, đầy đủ mọi Thiện, rời bỏ nhà tu Đạo, vào sâu trong bốn Thiền. Trong Thế Giới này, một vạn Đức Như Lai nối tiếp nhau hiện ra, đều đồng một Danh Hiệu Chiên Đàn Xá (Candana-ja), thế nên Kiến này có tên gọi là Tối Thắng Hương.

Đức Chiên Đàn Xá Như Lai làm Phật Sự xong, đến lúc Niết Bàn (Nirvāṇa), lại dùng Thiên Nhãn (Devya-cakṣu) tịnh diệu vượt qua tất cả người Trời, quán khắp chúng sinh: Nhóm chúng sinh nào chưa được Phật điều phục, nhóm chúng sinh nào mà Ta đang điều phục, cho đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên (Naivaśañjñānasañjñā-yatana) có một chúng sinh nào trong đời quá khứ từng gieo trồng căn lành (Kuśala-mūla:thiện căn), ưa thích nghe Đại Thừa (Mahā-yāna), Tâm được thanh tịnh thì Ta nên điều phục. Nhưng chúng sinh này còn trải qua tám vạn bốn ngàn kiếp trụ trong cõi Trời ấy, qua đấy mới từ cõi Trời giáng xuống, sinh vào nhân gian, chư biết năm Dục, nghe khen Đại Thừa liền phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), đối với Đại Thừa vĩnh viễn chẳng thoái lùi

Khi ấy, Đức Chiên Đàn Xá Như Lai dùng phương tiện Đại Bi quán sát khắp cả xong, liền bảo các Tỳ Kheo (Bhikṣu): “Trong đêm nay, Ta sẽ vào Niết Bàn”. Liền nhập vào Đại Bi Lân Mẫn Tam Muội, vào Tam Muội (Samādhi) xong hiện bày Niết Bàn. Sau khi Đức Phật diệt độ, phân chia Xá Lợi (Śarīra), người Trời ở mười phương cung kính cúng dường. Chính Pháp trụ ở đời tám vạn bốn ngàn năm lợi ích an vui cho vô lượng chúng sinh, thuần dùng một vị của Chính Pháp hóa độ con người, không có Tượng Pháp (Saddharma-pratirūpaka) lưu hành ở đời.

Đức Phật Thế Tôn ấy tuy hiện bày Niết Bàn nhưng dùng sức Thần Thông của Đại Bi Lân Mẫn Tam Muội ấy gìn giữ, lại trụ ở đời tám vạn bốn ngàn Kiếp, ẩn thân tướng tốt đẹp, đời không thể nhìn thấy. Trải qua tám vạn bốn ngàn kiếp xong, có một chúng sinh kia trụ ở cõi Phi Tưởng (Naivaśañjñānasañjñā-yatana) mới sinh vào cõi người, trong nhà Đại Hào quý. Năm được tám tuổi thời Đức Như Lai ấy từ Tam Muội khởi dậy, đến nhà của Đồng Tử, hiện thân tướng tốt đẹp, trụ trước mặt Đồng Tử, chỉ có Đồng Tử này với một vạn hai ngàn vị Thiên Tử nên điều phục, được thấy Đức Như Lai, còn lại không ai có thể nhìn thấy.

Lúc đó, Đức Như Lai ấy trước tiên làm cho Đồng Tử phát khởi Đại Thừa, lại vì Đồng Tử diễn nói tai họa của năm Dục rồi bảo rằng: “Này Thiện Nam Tử! Năm Dục quá ác, rất ư đáng sợ, ví như năm con rắn độc tụ hội cao lớn, tùy theo một con rắn độc tức liền hại người huống chi là năm con tụ hội, cũng như cất chứa gom tụ năm thứ thuốc độc, nếu nếm chút phần liền hay hại người huống chi là ăn cả năm nhóm. Thế nên, ngươi cần phải đừng tham dính”

Bấy giờ, Đồng Tử nghe lời nói này xong, quán sát nhà cửa, vật dụng sinh sống, hoặc nam hoặc nữ, tất cả hết thảy đều như rắn độc, sinh chán lìa sâu xa, liền đối với A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, phát Tâm sâu nặng, được chẳng thoái lùi

Đức Phật biết thân tâm của Đồng Tử lắng sạch, đầy đủ mọi Thiện, liền cho Thọ Ký (Vyākaraṇa) rồi bảo Đồng Tử rằng: “Nay, Đồng Tử này trải qua bảy mươi hai a tăng kỳ kiếp sẽ được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), tên là Tối Thắng Bảo Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác hiện ra ở đời”

Lúc Đức Phật thọ ký thời người khác chẳng nghe được, chỉ có Đồng Tử này với một vạn hai ngàn vị Thiên Tử có thể trụ Pháp Khí thảy đều được nghe. Thời các vị Thiên Tử đều Phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, tác Nguyện này: “Nếu lúc Đức Tối Thắng Bảo Như Lai thành Phật, thời chúng con sẽ sinh vào cõi nước của Phật ấy”

Khi ấy, Đức Chiên Đàn Xá Như Lai bảo: “Các Thiên Tử sẽ được vãng sinh, Đức Tối Thắng Bảo Như Lai kia sẽ trao cho các ông A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề Ký"

Bấy giờ, Đức Chiên Đàn Xá Như Lai thọ ký riêng cho Bồ Tát kia xong, sau đó rốt ráo nhập vào Niết Bàn, tất cả người Trời cúng dường Xá Lợi.

 

_Này Thiện Nam Tử! Do nghĩa này cho nên Đại Bi sâu nặng viên mãn đầy đủ của tất cả Như Lai chẳng phải là cảnh giới của các Thanh Văn (Śrāvaka), Duyên Giác (Pratyeka-buddha)

Này Thiện Nam Tử! Pháp Môn như vậy hay khiến cho mầm giống Phật của các ông chẳng đứt đoạn. Nếu có chúng sinh nghe Pháp Môn này, thọ trì, đọc tụng, viết chép, giải nói cho đến một chữ, một câu, một Kệ thì căn lành đã được khi chưa vào Niết Bàn luôn nối tiếp nhau chẳng đứt đoạn. Tại sao thế? Vì Nhân (Hetu) chẳng bị đứt đoạn vậy.

Như Lai ở trong chúng Hội này, khi nói Pháp Môn sâu xa của Đại Bi thời có một hằng hà sa số chúng sinh phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, hai hằng hà sa Bồ Tát được Tùy Thuận Nhẫn, ba hằng hà sa Bồ Tát được mười sáu Đại Bi của Như Lai với Quán Đỉnh Pháp Nhẫn của tất cả Phật.

 

_Bấy giờ, tất cả Đại Chúng nghe Pháp Môn này xong thì vui mừng hớn hở, trong mát thích thú, đảo lộn thân tâm, chắp tay hướng về Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Lành thay Như Lai! Lành thay Thiện Thệ! Thích nói nghĩa này”.

Liền đem mọi loại vật cúng của người Trời duỗi bày cúng dường, hoặc dùng mọi loại Anh Lạc báu, hoặc dùng mọi loại quần áo thượng diệu, hoặc dùng mọi loại món ăn uống trân quý. Hoặc dùng quần áo Pháp, phướng, pháp, dù lọng… cầm mọi loại vật cúng của nhóm như vậy, cung kính tôn trọng cúng dường Đức Phật.

 

KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI

_QUYỂN THỨ TƯ (Hết)_

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]