Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Kinh Lõa Hình Phạm Chí

12/03/201211:11(Xem: 6480)
25. Kinh Lõa Hình Phạm Chí
Phat thuyet phap
KINH TRƯỜNG A HÀM

Hán Dịch: Đại Sư Phật Đà Da Xá & Đại Sư Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh



PHẦN  III



25. KINH LÕA HÌNH PHẠM CHÍ


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Ủy-nhã, trong rừng Kim bàn Lộc dã, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, có một Phạm chí lõa hình họ là Ca-diệp đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Phạm chí lõa hình Ca-diệp bạch Phật rằng:

“Sa-môn Cù-đàm chê bai tất cả các pháp tế tự; mắng những người khổ hạnh là dơ dáy. Cù-đàm, nếu có người nói rằng: Sa-môn Cù-đàm chê bai tất cả các pháp tế tự; mắng những người khổ hạnh là dơ dáy. Đó có phải là pháp ngữ, pháp pháp thành tựu, không phỉ báng Sa-môn Cù-đàm chăng?”

Phật nói:

“Ca-diệp, người kia nói: Sa-môn Cù-đàm chê bai tất cả các pháp tế tự; mắng những người khổ hạnh là dơ dáy. Đó không phải là lời nói đúng pháp, không phải pháp thành tựu, là phỉ báng Ta, không phải là lời nói thành thật. Vì sao? Này Ca-diệp, Ta thấy, trong những người khổ hạnh kia, có người khi thân hoại mạng chung đọa vào địa ngục; lại thấy có người khổ hạnh khi thân hoại mạng chung được sanh thiên, sanh chỗ thiện. Hoặc thấy người khổ hạnh ưa làm việc khổ hạnh, khi thân hoại mạng chung, sanh vào địa ngục. Hoặc thấy người khổ hạnh ưa làm việc khổ hạnh, khi thân hoại mạng chung, sanh thiên, sanh chỗ thiện. Ta đối với trường hợp thọ báo với hai thú hướng ấy, thấy hết biết hết, làm sao có thể Ta chỉ trích người tu khổ hạnh cho là dơ dáy? Điều Ta rõ ràng nói là phải, người kia nói là không phải. Điều Ta rõ ràng nói không phải, người kia nói là phải.

“Này Ca-diệp, có pháp đồng với Sa-môn, Bà-la-môn. Có pháp không đồng với Sa-môn, Bà-la-môn. Ca-diệp, pháp nào không đồng, Ta bỏ qua, vì pháp ấy không đồng Sa-môn, Bà-la-môn vậy.

“Này Ca-diệp, những người có trí kia quán sát như vầy: đối với pháp bất thiện, nặng nề ô trược, tối tăm, không phải là pháp Hiền thánh, giữa Sa-môn Cù-đàm và các tông sư dị học kia, ai là người có khả năng diệt trừ pháp này? Ca-diệp, người có trí kia khi quán sát như vậy, liền thấy biết như vầy: duy chỉ Sa-môn Cù-đàm có khả năng diệt trừ pháp ấy. Ca-diệp, người có trí kia khi quán sát như vậy, suy cầu như vậy, luận thuyết như vậy, Ta ở trong đó có tiếng tăm.

“Lại nữa, Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vầy: đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, đối với pháp bất thiện, nặng nề ô trược, tối tăm, không phải pháp Hiền thánh; hay đệ tử các tông sư dị học kia đối với pháp bất thiện, nặng nề, ô trược, tối tăm, không phải pháp Hiền thánh; ai có khả năng diệt trừ pháp này? Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vậy, liền thấy, biết như vầy: duy chỉ đệ tử của Sa-môn Cù-đàm có khả năng diệt trừ pháp ấy. Ca-diệp, vị có trí kia khi quán sát như vậy, suy cầu như vậy, luận như vậy, đệ tử Ta có tiếng tăm.

“Lại nữa, Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vầy: Sa-môn Cù-đàm, đối với pháp thiện, thanh bạch, vi diệu và là pháp Hiền thánh; hay các tông sư dị học kia, đối với pháp thiện, thanh bạch, vi diệu và là pháp Hiền thánh; ai là người có khả năng làm lớn rộng để tu hành? Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vậy, liền thấy biết như vầy: duy chỉ có Sa-môn Cù-đàm có khả năng làm lớn rộng, tu hành pháp ấy. Ca-diệp, người có trí kia khi quán sát như vậy, suy cầu như vậy, luận thuyết như vậy, Ta ở trong đó có tiếng tăm.

“Lại nữa, Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vầy: đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, đối với pháp thiện, thanh bạch, vi diệu và là pháp Hiền thánh; hay đệ tử của các tông sư dị học kia, đối với pháp thiện, thanh bạch, vi diệu và là pháp Hiền thánh; ai là người có khả năng làm lớn rộng, tu hành? Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vậy, liền thấy biết như vầy: duy chỉ có đệ tử của Sa-môn Cù-đàm có khả năng làm lớn rộng, tu hành pháp ấy. Ca-diệp, người có trí kia khi quán sát như vậy, suy cầu như vậy, luận thuyết như vậy, đệ tử Ta ở trong đó có tiếng tăm.

“Ca-diệp, có đạo, có tích, để Tỳ-kheo ở trong đó tu hành mà tự mình thấy, tự mình biết: Sa-môn Cù-đàm nói đúng thời, nói sự thật, nói có nghĩa, nói đúng pháp, nói đúng luật.

“Ca-diệp, thế nào là đạo, thế nào là tích, để Tỳ-kheo ở trong đó tu hành mà tự mình thấy, tự mình biết: Sa-môn Cù-đàm nói đúng thời, nói sự thật, nói có nghĩa, nói đúng pháp, nói đúng luật? Này Ca-diệp, ở đây Tỳ-kheo tu niệm giác ý, y tịch diệt, y vô dục, y xuất ly. Tu pháp, tinh tấn, hỷ khinh an, định, xả giác ý, y tịch diệt, y vô dục, y xuất yếu. Ca-diệp, đó là đạo, đó là tích, để Tỳ-kheo ở trong đó tu hành mà tự mình thấy, tự mình biết: Sa-môn Cù-đàm nói đúng thời, nói sự thật, nói có nghĩa, nói đúng pháp, nói đúng luật.”

Ca-diệp nói:

“Cù-đàm, duy chỉ đạo ấy, tích ấy, Tỳ-kheo ở trong đó tu hành mà tự mình thấy, tự mình biết: Sa-môn Cù-đàm nói đúng thời, nói sự thật, nói có nghĩa, nói đúng pháp, nói đúng luật. Nhưng với khổ hạnh ô uế, có trường hợp được gọi là Bà-la-môn, có trường hợp được gọi là Sa-môn.

“Những khổ hạnh ô uế nào, mà có trường hợp được gọi là Bà-la-môn, có trường hợp được gọi là Sa-môn?

“Thưa Cù-đàm, đó là: khỏa thân, cởi bỏ y phục, rồi lấy tay che; không nhận đồ ăn từ nồi chảo; không nhận đồ ăn từ chậu nước; không nhận đồ ăn giữa hai vách tường; không nhận đồ ăn giữa hai người, không nhận đồ ăn giữa hai cái chày ; không nhận đồ ăn từ gia đình đang ăn; không nhận đồ ăn từ nhà có thai; không ăn đồ ăn có chó đứng trước cửa; không nhận đồ ăn nơi nhà có ruồi; không nhận mời ăn; không nhận của người nói đã biết trước; không ăn cá; không ăn thịt; không uống rượu, không ăn bằng hai bát; một bữa ăn một lần nuốt, cho đến bảy bữa thì thôi ; nhận thức ăn thêm của người, không nhận quá bảy lần thêm ; hoặc một ngày ăn một bữa; hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày ăn một bữa; hoặc chỉ ăn quả; hoặc chỉ ăn cỏ vực ; hoặc chỉ uống nước cơm; hoặc ăn mè ; hoặc chỉ ăn lúa liêm ; hoặc ăn phân bò; hoặc ăn phân nai; hoặc ăn rễ, cành, lá, hoa, hạt của cây; hoặc ăn trái cây tự rụng ; hoặc mặc áo; hoặc mặc áo sa thảo ; hoặc mặc áo vỏ cây; hoặc lấy cỏ đắp lên mình ; hoặc khoác áo da hươu; hoặc bện tóc; hoặc áo bện bằng lông; hoặc áo lượm từ bãi tha ma; hoặc thường đưa tay lên; hoặc không ngồi giường chiếu; hoặc thường ngồi chồm hỗm; hoặc có người cạo tóc nhưng để râu; hoặc có người nằm trên gai; hoặc có người nằm trên bầu trái; hoặc có người khỏa thân nằm trên phân bò; hoặc một ngày ba lần tắm; hoặc một đêm ba lần tắm. Bằng vô số sự khổ mà làm khổ thân này. Cù-đàm, đó gọi là khổ hạnh ô uế, có trường hợp được gọi là Sa-môn pháp, có trường hợp được gọi là Bà-la-môn pháp.”

Phật nói:

“Những người khỏa thân cởi bỏ y phục, bằng vô số phương tiện làm khổ thân này; những người ấy không đầy đủ giới, không đầy đủ kiến, không thể siêng tu, cũng không phát triển rộng lớn.”

Ca-diệp bạch Phật:

“Thế nào là giới đầy đủ, kiến đầy đủ, vượt xa các khổ hạnh, vi diệu bậc nhất?”

Phật bảo Ca-diệp:

“Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ, Ta sẽ nói cho ông nghe.”

Ca-diệp nói:

“Thưa vâng. Vui lòng xin được nghe.”

Phật nói với Ca-diệp:

“Nếu Như Lai xuất hiện ở đời, cho đến, Tứ thiền, ở ngay trong hiện tại mà được an lạc. Vì sao vậy? Ầy do tinh cần, chuyên niệm nhất tâm, ưa ở chỗ nhàn tĩnh, không buông lung vậy. Ca-diệp, đó là giới đầy đủ, kiến đầy đủ, thù thắng hơn các thứ khổ hạnh.”

Ca-diệp nói:

“Cù-đàm, tuy nói rằng giới đầy đủ, kiến đầy đủ, vượt hơn các thứ khổ hạnh, vi diệu bậc nhất; nhưng pháp Sa-môn thật là khó; pháp Bà-la-môn thật là khó.”

Phật nói:

“Ca-diệp, đó là pháp bất cộng của thế gian, nghĩa là, Sa-môn pháp, Bà-la-môn pháp là khó. Ca-diệp, cho đến Ưu-bà-di cũng biết được pháp đó, là khỏa thân cởi bỏ y phục, cho đến, bằng vô số phương tiện làm khổ mình. Nhưng không biết rằng tâm ấy là tâm có nhuế, hay tâm không có nhuế; tâm có hận hay tâm không có hận; tâm có hại hay tâm không có hại. Nếu biết tâm ấy, thì không nói rằng pháp Sa-môn, Bà-la-môn là khó. Vì không biết, cho nên nói pháp Sa-môn, Bà-la-môn khó.”

Bấy giờ, Ca-diệp bạch Phật rằng:

“Thế nào là Sa-môn, thế nào là Bà-la-môn có giới cụ túc, kiến cụ túc, là tối thượng, là tối thắng, vi diệu bậc nhất?”

Phật nói:

“Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ, Ta sẽ nói cho ông nghe.”

“Thưa vâng, Cù-đàm. Vui lòng xin được nghe.”

Phật nói:

“Ca-diệp, Tỳ-kheo kia, bằng tam-muội tâm, cho đến, chứng đắc ba minh, diệt trừ các si mê tối tăm, sanh ánh sáng trí tuệ, gọi là lậu tận trí. Vì sao? Ầy là do tinh cần, chuyên niệm không quên, ưa chỗ nhàn tĩnh, không buông lung vậy. Ca-diệp, đó gọi là Sa-môn, Bà-la-môn có giới cụ túc, kiến cụ túc, là tối thượng, là tối thắng, vi diệu bậc nhất.”

Ca-diệp nói:

“Cù-đàm, tuy nói đó gọi là Sa-môn, Bà-la-môn có giới cụ túc, kiến cụ túc, là tối thượng, là tối thắng, vi diệu bậc nhất, nhưng pháp Sa-môn, Bà-la-môn thật quá khó, quá khó! Sa-môn cũng khó biết, Bà-la-môn cũng khó biết.”

Phật nói:

“Ưu-bà-tắc cũng có thể tu hành được pháp ấy, nói rằng: Tôi, kể từ hôm nay, có thể khỏa thân cởi bỏ y phục, cho đến, bằng vô số phương tiện gieo khổ cho thân này. Không thể do hành vi này mà được gọi là Sa-môn, Bà-la-môn. Nếu chỉ do hạnh này mà có thể được gọi là Sa-môn, Bà-la-môn; thì không thể nói pháp Sa-môn là quá khó, pháp Bà-la-môn là quá khó. Nhưng không vì hạnh ấy mà được gọi là Sa-môn, Bà-la-môn, cho nên nói rằng Sa-môn rất khó, Bà-la-môn rất khó.”

Phật lại nói với Ca-diệp:

“Xưa, một thời, Ta ở tại Duyệt-kỳ, trong hang Thất diệp trên Cao sơn, đã từng giảng về khổ hạnh thanh tịnh cho Phạm chí Ni-câu-đà. Khi ấy Phạm chí sanh tâm hoan hỷ, được tín tâm thanh tịnh; cúng dường Ta, xưng tán Ta, cúng dường, tán thán Ta một cách tối thượng.”

Ca-diệp nói:

“Thưa Cù-đàm, ai đối với Cù-đàm mà không phát sanh hoan hỷ, tịnh tín, cúng dường, xưng tán một cách tối thượng? Tôi nay đối Cù-đàm cũng phát sanh hoan hỷ, tịnh tín, cúng dường, xưng tán một cách tối thượng. Tôi quy y Cù-đàm.”

Phật nói với Ca-diệp:

“Những gì là giới trong thế gian, không có giới nào sánh bằng tăng thượng giới này, huống hồ muốn nói hơn. Những gì là tam-muội, trí tuệ, giải thoát kiến, giải thoát tuệ, không có cái gì sánh ngang với tăng thượng tam-muội, trí tuệ, giải thoát kiến, giải thoát tuệ; huống hồ muốn nói là hơn.

“Này Ca-diệp, được nói là sư tử, là chỉ cho Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác. Như Lai, khi ở giữa đại chúng tuyên bố Chánh pháp một cách rộng rãi, tự tại, vô úy. Do đó được gọi là sư tử. Thế nào, Ca-diệp, Như Lai khi rống tiếng sư tử, lúc ấy không dũng mãnh sao? Chớ nghĩ như vậy. Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống sư tử một cách dũng mãnh. Ca-diệp, ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống sư tử một cách dũng mãnh, nhưng không thể thuyết pháp chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống sư tử một cách dũng mãnh và thuyết pháp một cách thiện xảo.

“Thế nào, Ca-diệp, ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô úy mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, nhưng thính giả trong chúng hội không nhất tâm chăng? Chớ nghĩ vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô úy mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, những người đến hội đều nhất tâm lắng nghe. Thế nào, Ca-diệp, ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô úy mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, những người đến hội đều nhất tâm lắng nghe, nhưng không hoan hỷ tín thọ phụng hành chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô úy mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, những người đến hội thảy nhất tâm lắng nghe và hoan hỷ tín thọ. Ca-diệp, ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô úy mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, những người đến hội đều nhất tâm lắng nghe và hoan hỷ tín thọ, nhưng không cúng dường chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô úy mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, những người đến hội đều nhất tâm lắng nghe, hoan hỷ tín thọ và thi thiết cúng dường.

“Ca-diệp, ngươi bảo rằng, Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô úy mà cất tiếng rống sư tử, cho đến, tín kính cúng dường, nhưng không cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô úy mà cất tiếng rống sư tử, cho đến, tín kính cúng dường, rồi cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo.

“Ca-diệp, ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô úy mà cất tiếng rống sư tử, cho đến, tín kính cúng dường, rồi cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, nhưng không cứu cánh phạm hạnh, đến chỗ an ổn, vô dư Niết-bàn chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô úy mà cất tiếng rống sư tử, cho đến, tín kính cúng dường, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, rồi cứu cánh phạm hạnh, đến chỗ an ổn, vô dư Niết-bàn.”

Bấy giờ, Ca-diệp bạch Phật rằng:

“Thế nào, thưa Cù-đàm, tôi có thể xuất gia thọ Cụ giới trong pháp này được chăng?”

Phật bảo Ca-diệp:

“Nếu dị học muốn đến xuất gia tu đạo trong giáo pháp của Ta, phải lưu bốn tháng quán sát, làm hài lòng chúng Tăng, sau đó mới có thể xuất gia thọ giới. Ca-diệp, tuy có pháp như vậy, nhưng cũng xét theo người.”

Ca-diệp nói:

“Nếu dị học muốn đến xuất gia tu đạo trong Phật pháp, phải lưu bốn tháng quán sát, làm hài lòng chúng Tăng, sau đó mới có thể xuất gia thọ giới. Con nay có thể ở trong Phật pháp bốn năm quán sát, làm hài lòng chúng Tăng, sau đó mới xuất gia thọ giới.”

Phật bảo Ca-diệp:

“Ta đã có nói, cũng còn xét theo người.”

Bấy giờ, Ca-diệp liền ở trong Phật pháp xuất gia thọ Cụ túc giới. Rồi thì, Ca-diệp xuất gia thọ giới chưa bao lâu, bằng tín tâm, tu phạm hạnh vô thượng, ở ngay trong đời này mà tự thân chứng ngộ: sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã đứng vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa; tức thời thành A-la-hán.

Bấy giờ, Ca-diệp nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]