Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

198. Kinh Điều Ngự Ðịa

06/06/201207:32(Xem: 7043)
198. Kinh Điều Ngự Ðịa

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

198. KINH ĐIỀU NGỰ ĐỊA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, ở tại Trúc lâm, trong vườn Ca-lan-đà.

Bấy giờ Sa-di A-di-na-hòa-đề[02], cũng ở tại thành Vương xá, tại một cốc thiền, trong khu rừng vắng. Lúc bấy giờ Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na [03], sau giờ trưa, thong dong đi đến Sa-di A-di-na-hòa-đề, cùng chào hỏi xong, ngồi xuống một bên hỏi rằng:

“Hiền giả A-kì-xá-na [04], tôi có điều muốn hỏi, mong Hiền giả nghe cho chăng?”

Sa-di A-di-na-hòa-đề nói:

“Hiền Vương đồng tử, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe rõ rồi sẽ suy nghĩ.”

Vương đồng tử hỏi:

“Hiền giả A-kì-xá-na, phải chăng thật sự Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm chăng?”

Sa-di đáp:

“Hiền Vương đồng tử, thật sự như vậy, Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này, không phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt được nhất tâm.”

Vương đồng tử lại hỏi:

“Hiền giả A-kì-xá-na, mong Hiền giả theo những điều đã nghe, đã tụng tập, nói lại hết cho tôi rõ, như Tỳ-kheo trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt đến nhất tâm.”

Sa-di đáp:

“Hiền Vương đồng tử, tôi không đủ sức để theo những điều đã nghe,đã tụng tập nói lại hết cho Vương tử, như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật nàykhông phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm. Hiền Vương tử, nếu tôi theo những điều đã nghe, đã tụng tập nói lại hết cho Vương tử, như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm. Hoặc Hiền giả Vương tử không thể hiểu được. Như vậy thì tôi nhọc công vô ích.”

Vương đồng tử nói với Sa di:

“Hiền giả A-kì-xá-na, Hiền giả chưa bị người khác chiết phục, vì ýgì mà đã tự mình rút lui? Hiền giả A-kì-xá-na, mong Hiền giả cứ theo những điều đã nghe, đã tụng tập, có thể nói lại hết cho tôi, như Tỳ-kheoở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt đến nhấttâm, nếu tôi hiểu được thì hay lắm, nhưng nếu tôi không hiểu sẽ không hỏi thêm về các pháp nữa.”

Rồi thì Sa-di A-di-na-hòa-đề theo những pháp đã nghe, đã tụng tập, nói lại cho Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na, như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này, không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm. Bấy giờ Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na nói:

“Hiền giả A-kì-xá-na, nếu Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm; không bao giờ có trường hợp này.”

Nói xong, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, không nói lời từ giã mà bỏ đi. Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na đi chưa bao lâu, rồi Sa-di A-di-na-hòa-đề đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ và ngồi sang một bên, đemnhững điều đã thảo luận với Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na kể hết lại cho Đức Phật. Đức Thế Tôn nghe xong, nói với Sa-di:

“A-kì-xá-na, thôi đủ rồi. Làm sao có thể biết được, khi Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị [05]vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợpnày. Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường sống trong dục vọng vậy.

“A-kì-xá-na, cũng như trong bốn trường hợp điều ngự[06]; điều ngự voi, điều ngự ngựa, điều ngự bò, điều ngự người. Trong đó có hai trường hợp điều ngự có thể điều ngự, và hai trường hợp điều ngự không thể điều ngự[07] A-kì-xá-na, ý ngươi nghĩ sao? Nếu trong hai trường hợp điềungự không thể điều ngự ấy; ở đây chưa điều phục tình trạng chưa điều phục, chưa được huấn luyện mà tiếp nhận sự huấn luyện, trường hợp này không thể có [08].Nếu trong hai trường hợp điều ngự có thể điều ngự này, khéo điều ngự; ởđây điều phục tình trạng chưa điều phục, huấn luyện để tiếp nhận sự huấn luyện, trường hợp này có thể có [09]

“Cũng vậy, ở đây, A-kì-xá-na, thôi đủ rồi. Làm sao có thể biết được, khi Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị [10]vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này. Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường sống trong dục vọng vậy.

“A-kì-xá-na, cũng như cách xóm không xa có một hòn núi đá lớn, không sứt, không thủng, không trống, bền chặt, không lung lay, hợp thànhkhối duy nhất. Giả sử có hai người đang muốn nhìn ngắm, trong đó có mộtngười leo nhanh lên núi, người thứ hai đứng dưới chân núi. Người đứng trên núi đá nhìn thấy bên kia núi đá có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn. Người trên núi sau khi thấy, bèn hỏi người dưới núi rằng, ‘Bạn có thấy bên kia núi có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, ao hoa, suối trong, sông dài, nước lớn chăng?’ Người dưới núi đáp, ‘Nếu tôi thấy hòn núi này, vớibên kia có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn, trường hợp này không thể có.’ Rồi người trên núileo nhanh xuống, nắm người dưới núi dẫn lên trên hòn núi đá. Đến nơirồi hỏi, ‘Bạn có thấy bên kia núi có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn chăng?’ Người kia đáp, ‘Bây giờ tôi mới thấy.’ Lại hỏi người kia, ‘Vừa rồi bạn nói rằng không thể có trường hợp này, nay lại nói là thấy có; thế nghĩa là sao?’ Người kia đáp, ‘Vừa rồi tôi bị hòn núi che khuất nên không thấy.’

“Cũng vậy, A-kì-xá-na, thôi đủ rồi. Làm sao có thể biết được, khiVương đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị [11]vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này. Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường sống trong dục vọng vậy.

“Này A-kì-xá-na, thuở xưa, vua Sát-lợi Đảnh Sanh có một người thợsăn voi. Vua nói, ‘Này thợ săn voi. Hãy bắt voi rừng về đây cho ta. Nếubắt được rồi hãy báo cho ta hay.’ Bấy giờ thợ săn voi sau khi lãnh mạngcủa vua, bèn cỡi vương tượng đi đến một khu rừng già. Ở trong khu rừng già này, người thợ săn trông thấy một con voi rừng rất lớn. Sau khi thấy, bèn bắt và cột vào cổ con vương tượng. Lúc bấy giờ con vương tượngdẫn voi rừng ra ngoài khoảng đất trống, còn người thợ săn voi thì đi đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh thưa rằng, ‘Tâu thiên vương, thần đã bắt được con voi rừng, cột ở khoảng đất trống, xin theo ý thiên vương!” Vua Sát-lợi Đảnh Sanh nghe tâu, liền bảo rằng, ‘Này nài voi giỏi, bây giờ ngươi hãy huấn luyện nhanh chóng con voi rừng đó khiến nó khuất phục,khiến nó thành con voi được huấn luyện kỹ. Nếu huấn luyện đã hoàn hảo rồi, hãy trở về báo cho ta biết.’ Rồi người huấn luyện voi giỏi sau khi vâng mạng vua, vác cây gậy rất lớn trên vai hữu, đi đến chỗ con voi rừng. Người ấy cắm cây gậy xuống đất, cột cổ voi rừng lại, chế ngự tâm ývui thích núi rừng của nó, trừ khử tâm niệm ham muốn núi rừng, dứt bỏ mệt nhọc núi rừng, khiến cho nó vui thích thôn ấp, tập yêu người đời.

“Người huấn luyện voi giỏi trước hết cho nó ăn uống. Này A-kì-xá-na, khi voi rừng bắt đầu nghe theo thợ huấn luyện voi giỏi mà chịu ăn uống, người huấn luyện voi giỏi bèn nghĩ rằng, ‘Bây giờ con voi rừng này có thể sống được rồi. Vì sao vậy? Vì con voi rừng to lớn này bắt đầu chịu ăn uống.’ Khi voi rừng bắt đầu chịu ăn uống, nghe lời ngườihuấn luyện, người huấn luyện voi nói với nó bằng những lời dịu dàng khảái, bảo nó nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại, đuổi ra. Khi người luyện voi nói với voi rừng bằng những lời dịu dàng khả ái,bảo nó nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy bỏ, co lại duỗi ra, và voi rừng làm y theo lời dạy của người huấn luyện voi như vậy. Này A-kì-xá-na, khi voi rừng nghe theo lời dạy của người huấn luyện voi, bấygiờngười huấn luyện voi mới buộc hai chân trước, hai chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi, xương sống, đầu, trán, tai, ngà, và buộc cả vòi nó lại, rồi sai người cầm móc câu cỡi lên đầu nó; khiến một số đông người cầm dao, thuẫn, sảo, mâu, kích, búa, việt, đứng phía trước, còn người huấn luyện voi thì tay cầm một cây mâu nhọn đứng ngay trước voi mànói rằng, ‘Bây giờ ta trị ngươi, khiến ngươi không di động. Ta trị ngươi chớ có di động.’ Khi voi rừng nghe người huấn luyện voi sửa trị không di động, nó không giở chân trước, cũng không động đậy chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi, xương sống, đầu, trán, tai ngà và vòi,tất cả thảy đều không động đậy. Voi rừng nghe theo người huấn luyện voiđứng im bất động như vậy.

“Này A-kì-xá-na, khi voi rừng nghe theo người huấn luyện voi mà không di động, lúc bấy giờ nó nhẫn chịu những dao, sảo, mâu, kích, búa, việt, hô hoán to tiếng, hoặc gào thét, hoặc thổi tù và, đánh trống, độngchuông, nó có thể nhẫn chịu tất cả. Khi voi rừng đã có thể kham nhẫn, bấy giờ nó là con voi điều ngự, khéo điều ngự, thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng nhanh nhẹn, tối thượng nhanh nhẹn, có thể vào cho vua cỡi, ăn lẫm của vua, được gọi là vương tượng.

“Cũng vậy, A-kì-xá-na, nếu khi Như Lai xuất hiện thế gian, là BậcVô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu, vị ấy đối với thế gian này, giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời, mà tự tri, tự giác, tự chứng ngộ, thành tựu an trụ. Vị ấy thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu, phần cuối cũøng vi diệu, có nghĩa có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh; pháp được vị ấy nói, khi con nhà cư sĩ nghe được, và sau khi nghe thì cótín tâm nơi pháp được Như Lai nói. Người này sau khi có tín tâm, bèn cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không giađình, để học đạo. Này A-kì-xá-na, đó là lúc Thánh đệ tử ra nơikhoảng đất trống, cũng như vương tượng dẫn voi rừng ra. Và cũng như voi rừng còn tham luyến ái dục, ái dục nơi đời sống trong rừng núi. Này A-kì-xá-na, cũng vậy, chư Thiên và Nhân loại tham luyến dục lạc ở nơi ngũ dục, sắc, thanh, hương, vị, xúc, Như Lai bắt đầu điều ngự Tỳ-kheo ấyrằng, ‘Ngươi hãy thủ hộ thân và mạng thanh tịnh. Hãy thủ hộ miệng ý và mạng thanh tịnh.

“Khi Thánh đệ tử thủ hộ thân và mạng thanh tịnh, thủ hộ miệng, ý và mạng thanh tịnh. Như Lai lại điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp.’ Khi Thánhđệ tử quán nội thân như thân, quán thọ, tâm, pháp như pháp, thì bốn niệm xứ này ở trong tâm của Hiền Thánh đệ tử, buộc trói tâm của vị ấy lại, chế ngự tâm ý vui say theo thế tục, trừ khử tâm niệm ham muốn thế tục, dứt trừ sự mệt nhọc thế tục, khiến cho vui với Chánh pháp, tu tập Thánh giới. Này A-kì-xá-na, cũng như người huấn luyện voi, sau khi vâng mạng vua Sát-lợi Đảnh Sanh rồi, vác cây gậy rất lớn rồi trên vai phải điđến chỗ voi rừng, cắm cây xuống đất, cột cổ voi rừng lại, chế ngự tâm ývui thích núi rừng, trừ khử tâm niệm ham muốn núi rừng, dứt bỏ sựmệt nhọc núi rừng, khiến vui với thôn ấp, quen yêu thích nhân gian; cũng vậy, này A-kì-xá-na,, bốn niệm xứ này ở trong tâm của Hiền Thánh đệtử, buộc trói tâm người ấy lại, chế ngự tâm ta vui say thế tục, dứt bỏ sự mệt nhọc thế tục, khiến vui với Chánh pháp, tu tập Thánh giới.

“Khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán, thọ, tâm, pháp như pháp, Như Lai điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy quán nội thân như thân, đừng suy niệm những tư niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, không suy niệm những tư niệm tương ưng vớiphi pháp.’ Và đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai vậy. Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng nghe theo người huấn luyện voi, bằng những lời dịu dàng khả ái, bảo nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại, duỗi ra. Voi rừng tuân theo lời dạy của người huấn luyện voi như vậy. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, không suy niệm tư niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, không suy niệm tư niệm tương ưng với phi pháp. Thánh đệ tử vâng theolời dạy của Như Lai như vậy.

“Khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai như vậy, Như Lai lại điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền thành tựu và an trụ. Như vậy Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai, an trụ không di động.’ Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng vâng theo sự sửa trị của người huấn luyện voi không diđộng, không giở hai chân trước, hai chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi xương sống, đầu, tai, ngà và vòi, tất cả đều không di động. Voi rừng nghe theo người huấn luyện voi đứng im không di động như vậy. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ, như vậy Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà an trụ không di động. Khi Thánh đệ tửvâng theo lời dạy của Như Lai mà an trụ không di động, vị ấy lúc bấygiờ có thể kham nhẫn đói, khát, nóng lạnh, muỗi, chí, rận, gió, nắng bức bách, tiếng dữ, gậy đánh cũng đều có thể kham nhẫn. Thân gặp những bệnh tật rất đau đớn, gần như tuyệt mạng, và những điều không khả lạc, tất cả đều có thể kham nhẫn. Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng nghe theongười huấn luyện voi đứng im không di động, nó lúc bấy giờ nhẫn chịu được dao, thuẫn, sảo, mâu, kích, búa, việt, hô hoán to tiếng, hoặc gào thét, thổi tù và, đánh trống, động chuông thảy đều có thể kham nhẫn. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà an trụ không di động, vị ấy lúc bấy giờ có thể kham nhẫn đói, khát, lạnh, nóng, muỗi, chí, rận, gió, nắng, bức bách, tiếng dữ, gậy đánh,cũng có thể kham nhẫn, thân gặp những bệnh tật rất đau đớn, gần như tuyệt mạng, và những điều không khả lạc, thảy đều có thể kham nhẫn. Này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà có thể khamnhẫn, vị ấy lúc bấy giờ là vị điều ngự, thiện điều ngự, được thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, được thượng tịch tịnh, tối thượng tịch tịnh. Vị ấy trừ bỏ các tà vạy, sợ hãi, ngu si và siểm nịnh, thanh tịnh lắng đọng trần lao, không cấu nhiễm không ô uế, xứng đáng tán thán, đángthỉnh, đáng kính, đáng trọng, thật sự xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước cho tất cả chư Thiên và Nhân loại. Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng đã có thể kham nhẫn. Lúc bấy giờ nó là voi điều ngự, thiện điềungự, thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng nhanh nhẹn, tốithượng nhanh nhẹn, có thể xung vào cho vua cỡi, được ăn lẫm của vua,được gọi là vương tượng. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vângtheo Như Lai mà có thể kham nhẫn, vị ấy lúc bấy giờ được gọi là điều ngự, thiện điều ngự, được thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng tịch tịnh, tối thượng tịch tịnh, trừ bỏ các tà vạy, sợ hãi, ngu si và siểm nịnh, thanh tịnh lắng đọng các trần lao, không cấu nhiễm, không ô uế, xứng đáng tán thán, đáng thỉnh, đáng kính, đáng trọng, thật sự xứng đáng cúng dường, là ruộng phước cho hết thảy chư Thiên và Nhân loại.

“Này A-kì-xá-na, con voi rừng còn nhỏ, không được điều ngự, mà chết, thì đó gọi là cái chết không được điều ngự. Con voi rừng trung niên, không được điều ngự mà chết, thì gọi là cái chết không được điều ngự. Này A-kì-xá-na, Thánh đệ tử niên thiếu không được điều mà mạng chung, thì đó gọi là mạng chung không được điều ngự. Thánh đệ tử trung niên không được điều ngự mà mạng chung thì đó gọi là mạng chung không được điều ngự.

“Này A-kì-xá-na, con voi rừng còn nhỏ được thiện điều ngự mà chếtthì đó gọi là cái chết thiện điều ngự. Con voi rừng trung niên, được thiện điều ngự mà chết, thì đó gọi là cái chết được thiện điều ngự. Này A-kì-xá-na, Thánh đệ tử niên thiếu được thiện điều ngự mà mạng chung, đógọi là mạng chung thiện điều ngự. Thánh đệ tử trung niêm được thiện điều ngự mà mạng chung, thì đó gọi là mạng chung thiện điều ngự.”

Phật thuyết như vậy, Sa-di A-di-na-hòa-đề và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.125. Dantabhūmi-suttaṃ.
[02]Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na 王 童 子 耆 婆 先 那. Pāli: Jayasena-Rājakūmāra.
[04]A-kì-xá-na 阿 奇 舍 那; Pāli: Aggivassana: có thể tên của một bộ tộc chớ không phải biệt danh của Tôn giả.
[05] Bản Hán: địa, địa vị hay tình trạng; ý nghĩa sẽ thấy sau.
[06]Điều ngự 調 御; Pāli: damma, được huấn luyện. Bản Pāli chỉ kể có ba: hatthidamma, huấn luyện voi, assadamma, huấn luyện ngựa, godamma, huấn luyện bò.
[07] Trong bản Pāli, có hai con vật cần huấn luyện nhưng chưa được huấn luyện, và hai con vật cần huấn luyện đã được huấn luyện.
[08]Đoạn này văn Hán hơi tối. Tham chiếu Pāli: api nu te adantāva dantakāraṇaṃ gaccheyyuṃ, adantāva dantabhūmiṃ sampāpuṇeyyuṃ, seyyathāpi te dve... sudantā suvinītā’ti? “Những con chưa được huấn luyện này có thể làm công việc của con vật đã được huấn luyện, có thể đạt đến địa vị của con vật đã được huấn luyện, như hai con... đã được huấn luyện kỹ, đãđược khéo khuất phục kia?”
[09] Bản Hán hình như hiểu rằng có hai trường hợp có khả năng huấn luyện, và hai trường hợp tuyệt đối không khả năng.
[10] Bản Hán: địa, địa vị hay tình trạng; ý nghĩa sẽ thấy sau.
[11]Xem cht.10 trên.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]